Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 11/11/2019

Monday, November 11, 2019 6:58:00 PM // ,


Tin Việt Nam – 11/11/2019

Thành viên Việt Tân Châu Văn Khảm lãnh án 12 năm tù

Hôm 11/11, Toà án Nhân dân TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Châu Văn Khảm cùng 5 người khác vì các tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ông Châu Văn Khảm, sinh năm 1949, bị tuyên án 12 năm tù giam.
Nguyễn Văn Viễn, sinh năm 1971, bị tuyên án 11 năm và Trần Văn Quyền, sinh năm 1999, bị tuyên 10 năm tù.
Cả ba đều bị kết tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Ngoài ra, Bùi Văn Kiên bị 4 năm tù, Nguyễn Thị Ánh và Trần Thị Nhài cũng bị 3 năm tù vì tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đảng Việt Tân đã bị chính quyền Việt Nam công nhận là một tổ chức khủng bố.
Tháng 1 năm nay, ông Khảm bị bắt khi ông đang về Viêt Nam và gặp một nhà hoạt động thuộc nhóm Anh em Dân chủ nhằm “tìm hiểu thực tế” về tình hình nhân quyền tại nước này.
Ông cũng bị phát hiện là đã dùng giấy tờ giả để từ Campuchia vào Việt Nam.
Ông Khảm ban đầu bị điều tra vì vi phạm Điều 109 Bộ luật Hình sự Việt Nam vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – một tội danh mang án tử hình hoặc tù chung thân trong những vụ án nghiêm trọng nhất.
Ông Khảm đã làm gì theo báo VN?
Theo báo Công an Nhân dân (CAND), ông Khảm từ năm 2014-2015, làm Bí thư Chi bộ 1 thuộc Đảng bộ “Việt Tân” tại Sydney.
Từ năm 2016 đến nay, làm đại diện cơ sở Đảng bộ Sydney, kiêm Bí thư Đảng bộ Úc Châu của Việt Tân để tập hợp lực lượng cho “Việt Tân” tại Châu Đại Dương.
Sau khi tham gia Việt Tân, Châu Văn Khảm đã tổ chức, tham dự họp cơ sở tháng/lần, tham gia các buổi gây quỹ để hỗ trợ các đối tượng hoạt động chống Nhà nước Việt Nam ở trong nước; tham gia các cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Úc; tham dự các buổi học tập về đường lối, chủ trương của Việt Tân và tìm chọn đối tượng để phát triển lực lượng cho Việt Tân.
Theo CAND, ông Khảm khai vào 1/10, ông từ Úc bay đến Phnom Penh, Campuchia gặp Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân.
Sang 11/1, ông Khảm vào Việt Nam từ Campuchia theo đường bộ khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, đi xe ôtô đến TP Hồ Chí Minh, sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Chung Chính Phi để thuê khách sạn Mimosa, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ngày 12/1, ông Khảm trực tiếp gặp gỡ, cung cấp 400 đô la Mỹ ho Nguyễn Văn Viễn.
Ông Viễn, thì theo CAND, từ 2014 “thường xuyên truy cập các trang mạng xã hội của các tổ chức phản động để tìm hiểu, chia sẻ, bình luận, trao đổi bài viết có nội dung xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước như ‘Việt Tân’, ‘Đảng dân chủ Việt’, ‘Dân chủ Việt Sài Gòn’, ‘Nhật ký yêu nước’, ‘Diễn đàn xã hội dân sự’”…
Ông Viễn sau đó tham gia và làm Phó Ban miền Trung của “Hội anh em dân chủ”. Năm 2015, Viễn kết bạn với ông Khảm trên Facebook. Ông Viễn tham gia một số lớp tập huấn của Việt Tân và nhận tổng số 600 đôla từ tổ chức này.
Tháng 12/2017, Trần Văn Quyền kết bạn Facebook với Đỗ Hoàng Điềm để tìm hiểu về tổ chức Việt Tân và đã được ông Điềm “vận động tham gia tổ chức, thực hiện một số nhiệm vụ …và được ông Điềm trả 900 đôla”, theo CAND.
Theo CAND, nguyên nhân dẫn đến hành vi của các đối tượng là sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, “các đối tượng tham gia chế độ cũ do hận thù sâu sắc với chế độ ta, trong đó có Đỗ Hoàng Điềm, Nguyễn Ngọc Đức, Châu Văn Khảm và đồng bọn đã tập hợp lực lượng ở nước ngoài, thành lập, tham gia tổ chức khủng bố ‘Việt Tân’ nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Ông Châu Văn Khảm là ai?
Ông Châu Văn Khảm, năm nay 70 tuổi. Ông nguyên là sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Ông đến Úc tị nạn bằng thuyền vào năm 1982.
Ông là thành viên của nhóm Việt Tân tại Úc.
Đây là tổ chức mà Chính phủ Việt Nam gắn mác “khủng bố.”
Hôm 7/11, ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại tiểu bang New South Wales, Úc, nói với BBC News Tiếng Việt rằng:
“Thông thường, khi một người dùng giấy tờ giả vào một quốc gia thì người ta có thể trục xuất. Đằng này họ lại cáo buộc với tội danh khủng bố và hoạt động chống chính quyền nhân dân.”
Trong một thông cáo báo chí gửi đi ngay sau phiên xử, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân được trích lời viết:
”Trong một phiên tòa ngắn ngày hôm nay, nhà chức trách Việt Nam đã kết án Trần Văn Quyền, Nguyễn Văn Viên và quốc tịch Úc Châu Văn Khảm từ 10 đến 12 năm tù với tội danh khủng bố vô căn cứ. Hôm nay, bản án tùy tiện của tòa án cho thấy các thủ tục tố tụng tại Việt Nam là một sự giả tạo.”
”Sau gần một năm bị giam giữ tùy tiện, báo cáo về những lời buộc tội và tiếp cận với luật sư pháp lý được cấp chỉ 18 ngày trước phiên tòa, nhà chức trách Việt Nam không đưa ra bằng chứng nào về vụ khủng bố Hồi giáo khi kết án ba nhà hoạt động nhân quyền.”
Thông cáo báo chí kết luận:
“Ông Châu Văn Khảm đến Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về tình hình nhân quyền trong nước. Nguyễn Văn Viên và Trần Văn Quyền là những nhà hoạt động ôn hòa. Chúng tôi thách thức chính phủ Việt Nam cung cấp bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến họ đến tội khủng bố. Chính quyền Việt Nam đang hình sự hóa việc vận động nhân quyền.”
”Bản án hôm nay của Việt Nam đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của Cộng sản Việt Nam và liệu Úc, Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào tuân thủ luật pháp có nên có mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh bền vững với Hà Nội.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50373612

Người tát nhân viên khi bị nhắc trả tiền

là thượng úy công an

Hải Nam
Thượng úy Nguyễn Xô Việt bị đình chỉ công tác 1 tháng sau hành vi tát nhân viên trạm dừng nghỉ.
Người đàn ông tát nhân viên vì bị nhắc trả tiền mua đồ Người đàn ông đi cùng đoàn đạp xe, dừng nghỉ tại trạm dừng Hải Đăng (Thái Nguyên). Tại đây, người này sai con trai lấy đồ nhưng không trả tiền, khi bị nhắc nhở thì đánh nhân viên.
Chiều 11/11, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định đình chỉ công tác 1 tháng thượng úy Nguyễn Xô Việt (35 tuổi) sau khi người này bị tố đánh nhân viên bán hàng tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng (xã Tân Phú, Phổ Yên, Thái Nguyên).
Lãnh đạo công an tỉnh cho biết sẽ kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử của cán bộ chiến sĩ CAND, không bao che các hành vi vi phạm.
Ngay sau khi nhận thông tin, Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã vào cuộc để xác minh vụ việc. Trong biên bản làm việc, thượng úy Việt thừa nhận hành vi và xin lỗi, hòa giải với hai nhân viên bán hàng.
Trong khi đó, theo Công an xã Tân Phú (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), hai bên đã có sự hiểu nhầm. Nhân viên bán hàng cũng có những lời lẽ không hay khiến ông Việt mất bình tĩnh.
Trước đó, ngày 10/11, camera tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên) ghi lại hình ảnh một người đàn ông sai con trai vào trong quầy hàng lấy đồ ăn nhưng không trả tiền.
Thấy vậy, hai nhân viên của trạm đã nhắc nhở và yêu cầu người đàn ông thanh toán tiền. Ngay lập tức, ông bố ném xúc xích vào người nhân viên nữ, sau đó tiến tới và tát vào mặt của nhân viên nam.
https://news.zing.vn/nguoi-tat-nhan-vien-khi-bi-nhac-tra-tien-la-thuong-uy-cong-an-post1012015.html

50 người tử vong do sốt xuất huyết

Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay có 50 người trong nước tử vong do sốt xuất huyết.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng được Vietnamplus dẫn lời thì từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 50 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố.
So với cùng kỳ năm 2018 số trường hợp mắc bệnh tăng 2,9 lần, tỷ lệ tử vong giảm 0,02%. Nguyên do là thời tiết chuyển mùa và mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Báo cáo của bệnh viện Bạch Mai từ tháng 10 đến nay, số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trong tình trạng nặng phải nhập viện tại trung tâm Nhiệt đới trung bình từ 10-20ca/ngày và số ca khám điều trị từ 30-50 ca/ngày.
Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay có hơn 9.000 ca mắc SXH, tuy nhiên chưa có trường hợp tử vong.
Tại khu vực miền Nam số trường hợp mắc SXH cao nhất cả nước với gần 160.000 trường hợp, miền Trung với hơn 61.000 trường hợp, Tây Nguyên gần 39.000 ca và khu vực miền Bắc với gần 20.000 trường hợp.
Theo Cục Y tế Dự phòng, SXH truyền nhiễm lưu hành thường xuyên ở hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước tuy mức độ tùy thuộc vào từng vùng địa lý, khí hậu thời tiết trong năm thích hợp cho muỗi phát triển, số mắc bệnh thường gia tăng mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2019, tình hình SXH diễn biến phức tạp và gia tăng tại rất nhiều quốc gia, trong đó tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận số mắc, tử vong vì SXH đều gia tăng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dengue-fever-infections-surge-killing-50-in-vietnam-11112019084735.html

86 ngư dân Việt cầu cứu ở Philippines vì tàu hết nhiên liệu

86 ngư dân trên 2 tàu cá của Quảng Ngãi tránh bão số 6, ở cảng của Philippines đang lâm vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu và lương thực.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 11/11.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ngãi khi trả lời báo chí cho biết, UBND tỉnh vừa có công văn đề nghị Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao xem xét hỗ trợ 2 tàu cá đang mắc kẹt ở Philippines.
Được biết, khi bão số 6 ập đến, 2 tàu cá Quảng Ngãi số hiệu: QNg 90594 TS với 41 ngư dân và QNg 90909 TS với 45 ngư dân di chuyển vào cảng của Philippines neo đậu nhằm tránh bão. Hiện 2 tàu này đều cạn kiệt nhiên liệu và lương thực.
Theo ông Nguyễn Tăng Bính, ngoài 2 tàu trên, Quảng Ngãi còn 9 tàu cá khác với 217 lao động cũng đang ở vùng biển Philippines, khi thời tiết thuận lợi sẽ quay về địa phương.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thông tin cho biết trong 24 giờ qua, mực nước các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang lên, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão nên khu vực Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Được biết, khi bão số 6 áp sát đất liền vào ngày 10/11, gần 4.000 ngư dân Quảng Ngãi còn ở ngoài biển.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/86-fishermen-sought-help-in-the-philippines-because-the-boat-ran-out-of-fuel-11112019084306.html

Hàng loạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện xả lũ sau bão

Minh Hoàng
Bão số 6 gây mưa lớn kéo dài khiến hàng loạt hồ chứa thủy lợi, thủy điện cấp tập xả lũ về vùng hạ lưu nhằm đảm bảo an toàn công trình.
Do ảnh hưởng bão số 6, Phú Yên có mưa lớn kéo dài, có nơi lên đến 339 mm.
Lãnh đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên cho hay sau bão số 6, các hồ thủy lợi đang xả lũ qua tràn gồm hồ Đồng Tròn lưu lượng 60 m3/s, hồ Phú Xuân là 104 m3/s, hồ Suối Vực là 53 m3/s.
Các hồ thủy điện Sông Hinh có nước về hồ với lưu lượng 2.200 m3/s, chạy máy 54 m3/s; hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ và vận hành 1.400 m3/s; hồ thủy điện Krông H’Năng xả lũ 1.187 m3/s; hồ thủy điện La Hiêng 2 xả lũ là 146 m3/s.
Bão số 6 gây đổ ngã nhiều trụ điện, cây xanh khiến hơn 59.700 hộ dân ở Phú Yên bị mất điện, có 6 nhà dân bị sập; tuyến giao thông ở khu vực cầu Sông Cô ngập sâu 1,5 m, cầu Cây Cam (huyện Tuy An) ngập 0,6 m.
Trong khi đó Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, cảnh báo do ảnh hưởng của bão số 6, từ nay đến ngày 12/11, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến cả đợt 200-300 mm, có nơi trên 300 mm.
Các con sông trong tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ khả năng ở mức báo động II – báo động III và trên báo động III. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông; khu đô thị có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, bão số 6 khiến hai người chết do tai nạn khi chằng chống nhà cửa (nam thanh niên ở Phú Yên bị điện giật, một người dân ở Bình Định bị trượt chân ngã).
Nước lũ tràn về gây ngập cầu cây Cam hơn 0,5 m ở huyện Tuy An (Phú Yên) sáng 11/11. Ảnh: V. Thanh.
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 6 tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất… để sơ tán người dân; theo dõi sát diễn biến mưa lũ, vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như nguồn nước phát điện phục vụ người dân.
Hoàn lưu bão số 6 sẽ gây cho cả đợt là 300 mm ở các tỉnh từ Bình Định – Khánh Hòa và cả các tỉnh Tây Nguyên. Do lưu vực mưa rất lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo lắng hàng loạt hồ chứa ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tích đầy.
“Lo nhất là lượng mưa cực đoan các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về hạ du gây ra lũ lớn. Tùy theo lượng mưa, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với mưa lớn sau bão số 6″, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
https://news.zing.vn/hang-loat-ho-chua-thuy-loi-thuy-dien-xa-lu-sau-bao-post1011951.html

Vụ 39 nạn nhân: Hà Tĩnh bác bỏ thông tin

bắt gia đình đóng tiền đưa xác nạn nhân về

Giới chức chính quyền tỉnh Hà Tĩnh hôm 10/11 lên tiếng bác bỏ thông tin trên mạng xã hội trước đó nói rằng địa phương đang yêu cầu các gia đình của 39 nạn nhân thiệt mạng bên Anh phải đóng góp chi phí để mang xác về Việt Nam.
Đây là những người Việt Nam tìm cách vượt biên vào Anh trên xe container đông lạnh và đã bỏ mạng trong container này. Cảnh sát Essex, Anh đã phát hiện ra chiếc xe cùng với xác của 39 nạn nhân hôm 23/10 vừa qua.
Truyền thông trong nước trích lời ông Bùi Huy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết:
Toàn bộ chi phí đưa tro cốt của các nạn nhân về nước sẽ được miễn phí hoàn toàn. Chính quyền địa phương chỉ đến gia đình các nạn nhân vận động họ ký vào bản cam kết đồng ý để đưa tro cốt về, không có chuyện vận động gia đình hỗ trợ một phần chi phí để đưa thi thể các nạn nhân về.
Trước đó, vào ngày 9/11, trên mạng Facebook lan truyền thông tin, hình ảnh tin nhắn và các văn bản giống như một đơn đề nghị giữa một gia đình nạn nhân ở Hà Tĩnh với chính quyền địa phương, đồng ý đưa tro cốt nạn nhân về nước.
Các thông tin trên Facebook đi kèm hình ảnh này cho biết địa phương đã đến các gia đình vận động họ lấy tro cốt về Việt Nam, thay vì nhận xác và phải đóng góp một phần chi phí. Tuy nhiên, cũng theo thông tin này thì chỉ có một gia đình đồng ý đưa tro cốt, 38 gia đình khác muốn đưa xác các nạn nhân về mai táng.
Ông Cường được truyền thông trong nước trích lời cho biết: “huyện Can Lộc đã có 7 gia đình đã ký vào đơn đồng ý để đưa tro cốt người thân về nước. Sau khi tro cốt được đưa về nước, chính quyền địa phương cam kết sẽ đưa thân nhân ra Hà Nội nhận và đưa về an táng theo phong tục địa phương”.
Danh sách chính thức của 39 nạn nhân đã được cảnh sát Anh và Bộ Công an chính thức công bố hôm 8/11 vừa qua. Các địa phương có nhiều nạn nhân nhất là Nghệ An – 21 người, Hà Tĩnh – 10 người. Các địa phương khác cũng có nạn nhân là Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Dương, Hải Phòng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ha-tinh-official-denied-info-asking-families-to-pay-to-bring-victim-bodies-home-11102019122048.html

Dân Nam Hàn phản đối vụ học sinh Việt Nam

bị kỷ luật vì chửi ban nhạc BTS

Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 11 tháng 11 năm 2019 loan tin, trang tin của đài truyền hình SBS News của Nam Hàn đã đăng tải bài viết về nam học sinh lớp 8, trường trung học cơ sở Ngô Quyền, tại quận Tân Bình, Sài Gòn bị nhà trường kỷ luật vì tội xúc phạm ban nhạc BTS của nước này.
Sự việc đã gây chú ý cộng đồng mạng Nam Hàn. Nhiều người dân nước này cho rằng, mức phạt mà nhà trường dành cho nam sinh trên là quá đáng. Và cách giải quyết của nhà trường kém chuyên nghiệp, khi công khai hình ảnh, danh tính của học sinh lên mạng xã hội, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của em.
Trước đó, nam sinh trên đã có hành động chửi bới nhóm nhạc BTS của Nam Hàn trên mạng xã hội. Sự việc đã đến tai lãnh đạo nhà trường. Nam sinh đã bị kỷ luật bằng cách đình chỉ học 4 ngày nhưng vẫn phải đến trường, ngồi trong phòng ban giám hiệu để chép bài, phải lao động đông ích trong thời gian bị kỷ luật, hạ hạnh kiểm xuống bậc trung bình hoặc yếu trong học kỳ 1 của năm học. Vào chiều ngày 5 tháng 11 vừa qua, nam sinh buộc phải đứng trước toàn bộ học sinh, và giáo viên trong trường đọc bản kiểm điểm, và xin lỗi nhóm nhạc BTS.Tất cả hình ảnh được nhà trường quay lại, sau đó đưa lên trang fanpage của nhà trường.
Đoạn video clip này đã gây chú ý cộng đồng mạng xã hội, và nhận nhiều chỉ trích. Nên sau đó nhà trường đã gỡ xuống, đồng thời đóng cửa trang fanpage.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dan-nam-han-phan-doi-vu-hoc-sinh-viet-nam-bi-ky-luat-vi-chui-ban-nhac-bts/

VN nhận thêm đầu tư lớn nếu giảm được tham nhũng

Chuyên gia Anh nói đầu tư lớn cho hạ tầng có thể đến từ phương Tây nếu VN giảm bớt được tham nhũng.
Hiện nhiều nơi tại Việt Nam đang diễn ra các hội nghị tuyên truyền và tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 vốn có hiệu lực từ 1/7/2019.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Brook Horowitz, CEO của IBLF Global, một chuyên gia Anh có kinh nghiệm làm việc với chính quyền tại các nước đông Âu và Trung Quốc về chống tham nhũng cũng cảnh báo về rủi ro đổ tiền vào bất động sản tại Việt Nam.
BBC: Luật Phòng, chống tham nhũng mới có điểm gì đáng chú ý?
Bộ luật đã bổ sung một chương mới về trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một thay đổi thú vị vì trong quá khứ luật này chỉ tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước. Theo đó, từ nay khu vực kinh tế tư nhân sẽ có những nghĩa vụ mới. Luật mới quy định các doanh nghiệp phải có ‘hệ thống kiểm soát nội bộ’ và ‘bộ quy tắc ứng xử’. Không có nhiều doanh nghiệp biết đến và hiểu khái niệm các thuật ngữ này. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ còn nhiều việc phải làm để giúp các doanh nghiệp hiểu các thuật ngữ trên và thực hiện chúng.
Chính phủ cần tập huấn, hướng dẫn và giúp đỡ các công ty hiểu về nghĩa vụ của họ, Việt Nam chỉ mới bắt đầu thực hiện. Do đó, chúng tôi đang làm việc với VCCI và chính phủ Việt Nam để giúp về mảng này cũng như nâng cao ý thức của các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp và cá nhân tuân thủ và thực thi các điều luật trên thì sẽ mất rất nhiều năm. Chính phủ cần trừng phạt các trường hợp không tuân thủ và có rất nhiều quản lý cấp cao của các doanh nghiệp lớn đã bị truy tố.
BBC: Ông có nhắc đến một số quan chức cấp cao đã bị truy tố vì tội nhận hối lộ hay tham nhũng tại Việt Nam. Ông nghĩ đó có phải là vấn đề khi cơ quan điều tra các vụ này là một bộ phận của chính phủ thay vì một đơn vị độc lập bên ngoài?
Tham nhũng là một vấn đề mang tính chính trị và xã hội cực kỳ nhạy cảm. Ở đâu trên thế giới thì bộ phận truy tố công về tham nhũng cũng được thực hiện bởi cơ quan chính phủ. Đây không phải là điều bất thường. Niềm tin chỉ bị giảm đi khi chính chính phủ hay các cơ quan chính phủ là đối tượng nhận tham nhũng.
Ví dụ, cơ quan thuế luôn gây khó dễ cho một doanh nghiệp nhỏ cho đến khi doanh nghiệp này hối lộ các nhân viên thuế để họ nhắm mắt làm ngơ. Những trường hợp như vậy mới thực sự gây tổn hại đến nỗ lực phòng chống tham nhũng. Vì vậy, khi chính phủ ban hành các chính sách phòng chống tham nhũng và thực thi chúng, thì chính phủ cần phải tập trung vào các trường hợp quan chức chính phủ nhận hối lộ và tìm cách khắc phục.
BBC: Ông đã có thời gian làm việc tại các nước Đông Âu, vậy theo ông Việt Nam có thể học hỏi gì từ các nước này về chống tham nhũng?
Tôi đã thực hiện các dự án phóng chống tham nhũng ở Nga và Trung Quốc, và Việt Nam có thể học hỏi được từ hai quốc gia này. Nga đã trải qua một thời gian cải cách khá căng thẳng và đã đạt được một số thành công.
Nga đã thay đổi từ chế độ Cộng sản sang một chế độ mới, do đó vài chục năm là chưa đủ để cải cách cả một hệ thống. Theo tôi, Nga đã đạt được một số thành công nhưng hiện vẫn chỉ ở mức ổn định.
Trung Quốc cũng trải qua một thời kỳ tương tự nhưng Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng. Rất nhiều người đã bị bắt giữ vì tham nhũng tại Trung Quốc thời gian gần đây.
Chuyển tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân có vẻ là nguyên nhân gây ra các hành vi yếu kém ở nhiều nước trên thế giới. Tham nhũng là vấn đề lớn của quá trình tư nhân hoá.Brook Horowitz, CEO, IBLF Global
Điều quan trọng là công chúng không nên nhầm lẫn giữa tham nhũng và cuộc chiến quyền lực, đảng phái. Việt Nam có thể học hỏi hai quốc gia này bằng cách xem họ đã làm gì để chống tham nhũng, và chọn ra những chính sách tốt nhất phù hợp với mình.
BBC: Tại Nga và Đông Âu, nhiều người đã trở nên giàu có rất nhanh nhờ tư nhân hoá mà Việt Nam gọi là cổ phần hóavà nhiều người đang tìm kẽ hở pháp lý để làm giàu từ quá trình này. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi đã xem xét vấn đề tư nhân hoá ở Nga và các nước Đông Âu trong thời gian làm việc ở đó. Tôi không thấy nơi nào có tư nhân hoá tốt cả. Nếu họ thực hiện tư nhân hoá quá nhanh, sẽ dẫn đến những hậu quả xã hội nghiêm trọng cho cả một thế hệ. Và nếu tư nhân hoá không diễn ra nhanh chóng thì sẽ không hiệu quả. Không có tư nhân hoá nào lý tưởng cả. Chuyển tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân có vẻ là nguyên nhân gây ra các hành vi yếu kém ở nhiều nước trên thế giới. Vì vậy tôi nghĩ không có cách nào để thực hiện tư nhân hoá một cách đúng đắn cả. Tham nhũng là vấn đề lớn của quá trình tư nhân hoá.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã bước sang giai đoạn hai của tư nhân hoá và phát triển khá tốt. Giờ hãy nhìn vào Liên bang Xô Viết cũ và so sánh vị trí của các nước về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) hiện nay so với vài năm trước.
Nhà đầu tư phương Tây muốn đảm bảo rằng tiền đầu tư chỉ dành cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, hay hệ thống ngầm, họ muốn tất cả số tiền sẽ được rót vào chính các dự án chứ không phải túi tiền của một cá nhân nào đó.Brook Horowitz, , CEO, IBLF Global
Có một số kết quả khá thú vị, như Estonia, một thành viên của Liên bang Xô Viết, nằm đầu danh sách cũng với các nền kinh tế phương Tây phát triển nhất. Còn Ukraine, mặc dù nhận được rất nhiều sự đầu tư để cải thiện minh bạch và có chính phủ mới, vẫn nằm ở nhóm cuối. Bất ngờ khác là Georgia cũng thuộc nhóm đầu danh sách. Họ thực hiện chính sách chống tham nhũng rất nghiêm túc, ở mọi cấp độ xã hội.
Chính phủ Việt Nam có thể thay đổi cách nhìn của người dân cũng như tạo niềm tin cho người dân về chính phủ. Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết nạn tham nhũng. Tôi không đồng ý với quan điểm rằng tham nhũng là nguyên nhân phá hỏng toàn bộ xã hội và chúng ta không thể vượt qua điều đó. Tại thời điểm này, nhiều người có thể sẽ nghĩ vậy. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều mô hình thành công mà Việt Nam có thể học hỏi để phòng chống tham nhũng.
BBC: Tại Việt Nam, nhiều người đã trở nên giàu có nhờ đầu tư và đầu cơ bất động sản. Theo đó, nhiều người khác cũng đổ xô làm giàu bằng cách này. Ông nghĩ xu hướng này có lành mạnh cho nền kinh tế hay không?
Tôi không phải là chuyên gia về đất đai hay đầu tư bất động sản, đặc biệt là tại Việt Nam. Nhưng theo quan sát của tôi ở một số nước khác, khi đầu tư vào bất động sản bạn sẽ có nguy cơ đối mặt với mô hình kim tự tháp (pyramid scheme) – một mô hình kinh doanh không bền vững, nhiều rủi ro.
Thực tế là đã có rất người mất hết tiền bạc vì đầu tư bất động sản. Vì vậy, nếu nhiều người Việt Nam đang làm giàu bằng cách này tôi hy vọng họ đã để dành một ít tiền phòng khi khó khăn. Điều tôi quan tâm là nếu tham nhũng giảm thì xã hội và doanh nghiệp sẽ hưởng lợi gì? Và câu trả lời là Việt Nam có thể cải thiện chỉ số tham nhũng của mình cũng như chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index – EDBI) của Ngân hàng Thế giới.
Tôi nghĩ rằng tham nhũng là nguyên nhân khiến Việt Nam không đạt được vị trí tốt ở các chỉ số trên. Nếu Việt Nam cải thiện được các chỉ số này thì sẽ thu hút thêm đầu tư từ các nước phương Tây. Hiện nay đã có rất nhiều nguồn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng số tiền đầu tư lớn hơn có thể đến từ các dự án cơ sở hạ tầng của các nước phương Tây.
Thường các nhà đầu tư phương Tây muốn đảm bảo rằng tiền đầu tư chỉ dành cho các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, hay hệ thống ngầm. Họ muốn tất cả số tiền sẽ được rót vào chính các dự án chứ không phải túi tiền của một cá nhân nào đó. Theo tôi, Việt Nam hiểu rất rõ rằng chỉ số EDBI và giảm tham nhũng sẽ giúp cải thiện vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và nhận được nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Và chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều người mặc đẹp, nhiều xe đẹp trên đường phố hơn.
Ông Brook Horowitz là CEO của IBLF Global, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, thúc đẩy liêm chính doanh nghiệp, và tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và phát triển ở các nước đang phát triển và thị trường mới nổi.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50372855

Chuyên gia Mỹ : Việt Nam cần liên minh với Mỹ

để gìn giữ Biển Đông chống Trung Quốc

Mai Vân
Việc Trung Quốc mới đây ngang nhiên cho tàu khảo sát vào hoạt động, đồng thời tung tàu hải cảnh vào phá quấy công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tiếp tục khiến dư luận quốc tế bất bình.
Trong một bài phân tích được tạp chí Mỹ The National Interest công bố hôm 07/11/2019 vừa qua, tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về Biển Đông, từng hoạt động trong ngành quân báo tại bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam cần phải có một chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố cực kỳ quan trọng là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất hiện nay có đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc
Sau khi nhắc lại vụ Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 và đoàn tàu hải cảnh tháp tùng vào gây hấn trong khu vực Bãi Tư Chính, chuyên gia Anders Corr cho rằng Việt Nam đang gặp nguy cơ thực sự vì trong những lần gây sự trước đây, từ vụ Hoàng Sa năm 1974, cho đến vụ Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc luôn là kẻ gây sự trước, và kết quả là Việt Nam vừa bị mất người, vừa bị mất lãnh thổ.
Theo tác giả, lần này, nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn vùng Biển Đông mà họ đã gói trong tấm bản đồ đường chín đoạn được gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, thì Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ bị mất quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hơn thế nữa Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát đường biển đi vào Việt Nam.
Việt Nam cần một chiến lươc mới
Để chống lại Trung Quốc, tiến sĩ Anders Corr cho rằng Việt Nam cần có một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng.
1/ Một là liên minh với các quốc gia có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất là răn đe hạt nhân, ví dụ như với Mỹ, Pháp và Anh.
2/ Hai là liên minh với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường (quy ước) để răn đe Trung Quốc, ví dụ như Hoa Kỳ;
3/ Ba là sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ, ví dụ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không;
4) Và bốn là dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.
Ấn Độ, Nga, Úc không thể là đối tác liên minh cốt lõi ?
Danh sách các nước mà Việt Nam cần liên minh không có các nước Ấn Độ, Nga và Úc, mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ. Về vấn đề này, chuyên gia Anders Corr đã giải thích như sau:
Nga, Úc và Ấn có thể là đối tác chiến lược hữu ích cho Việt Nam, nhưng các nước đó không đủ khả năng làm một đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình đánh bại Trung Quốc.
Nga có ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, trong thực tế do Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, hai nước này không thể trở thành đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam.
Úc là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Úc cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Úc còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc, và nhất là Úc chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ, Pháp hoặc Anh Quốc.
Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Úc được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu tính theo tỷ lệ trong GDP của họ, do đó các nước này chịu ảnh hưởng chính trị ít hơn từ Trung Quốc. Mỹ, Anh và Pháp cũng có thế mạnh là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
ASEAN chịu ảnh hướng của Trung Quốc lơ là trước hành vi ở Biển Đông
Còn về các tổ chức khu vực và quốc tế mà Việt Nam đã kêu gọi giúp đỡ để đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, tiến sĩ Corr đã thẳng thắn cho rằng sự giúp đỡ của các định chế này gần bằng con số không.
Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh, và phủ quyết mọi chỉ trích thực sự về Trung Quốc. Các nước này chuẩn bị rất ít hay hầu như lơ là trong việc ngăn chặn các hoạt động gặm nhắm Biển Đông của Trung Quốc.
Sau khi Bắc Kinh phớt lờ phán quyết Biển Đông của Tòa Thường Trực La Haye trong vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc, chính Philippines chẳng hạn, lại là thành viên ASEAN mới nhất chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay Việt Nam là nước bạo dạn nhất trong khối ASEAN vẫn cố duy trì sự độc lập của mình đối với Trung Quốc, nhưng điều này đã bớt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đối với thượng tầng quyền lực của Việt Nam và khối giao dịch thương mại to lớn của Việt Nam với Trung Quốc…
Còn Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, hoàn toàn không đủ khả năng để bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam.
Mỹ có đủ điều kiện để hỗ trợ Việt Nam chống Trung Quốc
Đối với ông Corr, trong tình hình như vừa kể, một liên minh hoặc thậm chí một quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ sẽ giúp Việt Nam củng cố tiềm năng chống lại Trung Quốc, cải thiện sức mạnh răn đe của Việt Nam nhờ dựa được vào một người bạn mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột quân sự.
Theo tiến sĩ Anders Corr, chỉ có Hoa Kỳ mới có tất cả các điều kiện để trở thành một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ sức chống lại Trung Quốc. Các điều kiện đó là một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), một sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, một sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Mỹ cũng có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự quy ước đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc.
Chuyên gia Mỹ khẳng định: Nếu không có Hoa Kỳ để làm đối trọng với Trung Quốc, an ninh Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu cho bất kỳ liên minh hiệu quả nào chống lại Trung Quốc căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ ưu tiên cho những đồng minh có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được không chỉ liên minh với Hoa Kỳ, mà cả việc Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam, chấp nhận rủi ro trước một cường quốc hạt nhân, Việt Nam ít ra cần phải có những cải tiến dần dần nhưng ổn định về dân chủ và nhân quyền.
Liên minh Mỹ – Việt còn vì lợi ích của Hoa Kỳ
Đối với giáo sư Anders Corr, một liên minh Mỹ-Việt sẽ không chỉ vì lợi ích của Việt Nam mà còn vì lợi ích của Hoa Kỳ.
Vào lúc sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt qua Mỹ trên một số mặt, bao gồm từ GDP tính theo sức mua, tỷ lệ tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu quân sự, cho đến tầm bắn của tên lửa chống hạm, dân số trong hạn tuổi quân dịch, số lượng tàu hải quân mới, trí thông minh nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới nên cân nhắc rất kỹ cách làm thế nào để kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trước khi Bắc Kinh lấn lướt được các cấu trúc quyền lực hiện hữu…
Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được nền kinh tế đang giàu lên hỗ trợ, kèm theo việc Bắc Kinh dùng tiền mua chuộc sự ủng hộ chính trị của giới tinh hoa nước ngoài, kể cả giới tinh hoa Mỹ.
Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược dòng chiến thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh và sẽ làm cho Trung Quốc không chiếm được vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác dầu khí và nguồn cá béo bở. Liên minh đó sẽ là một ví dụ cho các quốc gia khác trong khu vực về cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu được mở rộng từ Việt Nam sang Indonesia và Ấn Độ, hai nơi cũng có chính sách không liên kết, Trung Quốc sẽ ngày càng bị ngăn chặn ngay trong sân sau của chính họ.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20191111-viet-nam-ca%CC%80n-lien-minh-vo%CC%81i-my%CC%83-de%CC%89-gi%CC%80n-giu%CC%83-bie%CC%89n-dong-cho%CC%81ng-trung-quo%CC%81c

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.