Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 23/11/2019

Saturday, November 23, 2019 9:06:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 23/11/2019

Hồng Kông: ”Vùng biên trấn bất khuất

của Trung Quốc đang nổi dậy”

Những biến động tại Hồng Kông, vùng lãnh thổ mà cách nay hơn hai thập niên còn thuộc về Anh Quốc, dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý của tuần báo Anh The Economist, đã dành trang bìa cho sự kiện được ghi trong tựa lớn “Hồng Kông đang nổi dậy – Hong Kong in revolt”, kèm theo lời giải thích “Vùng biên trấn bất khuất của Trung Quốc – China’s unruly periphery”. Tờ báo đã dành bài bình luận đầu tiên và một bài phân tích dài để cho rằng “Đảng (Cộng Sản Trung Quốc) không thể giành được bằng võ lực một sự tán đồng lâu dài chính sách cai trị của mình (tại Hồng Kông)”.
The Economist trước hết nhắc lại sự kiện cách nay vài hôm, hàng trăm thanh niên Hồng Kông, một số còn trong tuổi thiếu niên, đã biến khuôn viên xây bằng gạch đỏ của Đại Học Bách Khoa Hồng Kông PolyU thành một pháo đài. Mặc đồ đen, đeo mặt nạ đen, đa phần những người trẻ này vẫn giữ thái độ bất khuất khi bị bao vây.
Cảnh sát đã bắn đạn cao su và cho vòi rồng phun nước nhuộm màu xanh vào họ. Để chống lại, những người biểu tình đã dùng đến bom xăng. Nhiều người đã hò reo mừng rỡ khi nghe tin một mũi tên lửa của họ đã bắn trúng chân một nhân viên cảnh sát.
Hồng Kông: Tình hình vẫn nguy hiểm 5 tháng sau khủng hoảng
Theo tuần báo Anh, tình hình đang trở nên cực kỳ nguy hiểm sau hơn năm tháng nổ ra phản kháng chống lại chính quyền ở Hồng Kông.
Lần này, đã có nhiều người biểu tình, vì kiệt sức, đã ra đầu hàng cảnh sát, những người trẻ nhất trong số này đã được cảnh sát để yên cho ra. May mắn thay, trước mắt có vẻ như là đã tránh được nguy cơ đàn áp đẫm máu. Thế nhưng, theo The Economist, Hồng Kông vẫn đang ở trong tình trạng hiểm nghèo.
Ngoài khu vực Đại Học Bách Khoa, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở các nơi khác trong thành phố. Phong trào phản kháng không thu hút được những đám đông khổng lồ như con số 2 triệu người vào tháng Sáu vừa qua, nhưng các hành động phá hủy cơ sở vật chất và số lượng bom xăng đã gia tăng.
Điều đáng nói, theo tuần báo Anh, là bất chấp bạo lực gia tăng, sự ủng hộ của công chúng đối với những người biểu tình, ngay cả đối với những thành phần cực đoan dùng đến bom xăng, vẫn mạnh mẽ. Ngòi nổ của phong trào phản kháng là dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc đã bị thu hồi, nhưng sự nhượng bộ muộn màng này đã không đủ để ổn định tình hình.
Người biểu tình giờ đây cho biết họ không muốn gì khác hơn là dân chủ. Do việc họ không được quyền chọn lãnh đạo đặc khu, các cuộc bầu cử vào cơ quan lập pháp Hồng Kông lại cực kỳ thiên vị giới thân Bắc Kinh, các cuộc biểu tình có thể vẫn sẽ tiếp tục.
Bắc Kinh không muốn trả giá kinh tế và chính trị quá nặng
Theo nhận định của The Economist, Đảng Cộng Sản Trung Quốc có vẻ như không muốn đưa quân đội vào Hồng Kông để tái lập trật tự. Theo những người trong cuộc, Bắc Kinh không muốn phải trả một cái giá kinh tế và chính trị quá nặng nề nếu ồ ạt xả súng vào đám đông trong một trung tâm tài chính toàn cầu.
Đối với tạp chí Anh, căn nguyên chính dẫn đến hỗn loạn hiện nay tại Hồng Kông là sự mạnh tay của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã làm cho người dân đặc khu hết sức phẫn nộ.
Ông Tập nói rằng ông mong muốn một sự “trẻ hóa vĩ đại” của đất nước Trung Quốc. Thế nhưng, cách áp đặt quyền kiểm soát một cách thô bạo, không khoan nhượng của ông đang làm dấy lên nỗi tức giận, không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở khắp các vùng biên trấn của Trung Quốc. từ Đài Loan cho đến Tân Cương.

Courrier International:

Tận thế gần kề… nhưng đó lại là tin vui

Môi trường là hồ sơ chính tuần này của tạp chí Pháp Courrier International, với một tựa đập mắt trên trang bìa với nội dung gây sốc: “Tận thế đến nơi rồi…, nhưng đó lại là tin vui”. Ảnh trang bìa minh họa cho chủ đề mang dáng dấp khoa học viễn tưởng: Một thành phố chìm dưới nước với một con cá chép thật to đang bơi qua một cao ốc, với dòng nhận định: “Biết đâu chừng khủng hoảng khí hậu lại là một cơ may, dẫn đến sự thay đổi hệ thống, cứu vớt chúng ta?”
Tạp chí liệt kê một loạt hiện tượng, từ cháy rừng ở Amazon cho đến bão tố ở Châu Á, từ hạn hán ở Châu Mỹ La Tinh hay Phi Châu, cho đến lụt lội ở Châu Âu. Đó là những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa thêm hành tinh.
Thế nhưng, trong tình cảnh đó đã xuất hiện lý do để hy vọng, và Courrier International thành thật giải thích rằng đó là điều mà tờ báo Mỹ The New Yorker đã nêu lên trong một bài viết mà tạp chí đã lưu ý từ mùa xuân vừa qua, nhưng đến giờ mới đăng lên vì lý do tác quyền.

Chọn không làm gì là chọn từ bỏ lý trí

Theo tạp chí Pháp, bài viết trên tờ New Yorker trích dẫn biên khảo mới nhất của David Wallace-Wells mang tựa đề: “Trái đất nơi không thể ở được. Sống với thêm 4°C” (vừa được nhà xuất bản Robert Laffont dịch ra tiếng Pháp và phát hành), theo đó “nỗi sợ hãi là cố vấn tốt nhất của chúng ta” vì theo tác giả: “chỉ có nỗi sợ hãi mới thúc đẩy chúng ta hành động để cho phép nhân loại giữ cho hành tinh vẫn có thể ở được”. Bài báo trên New Yorker đã nhấn mạnh: “Chọn không làm gì ngày nay, tức là chọn từ bỏ lý trí”.
Courrier International nhắc lại là gần đây, các thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã động viên nhau chống lại thái độ thụ động của các chính quyền trước hiện tượng khí hậu hâm nóng, như phong trào Extinction Rebellion chẳng hạn, đã tạo được tiếng vang trên thế giới. Có lẽ chúng ta đang nhìn thấy một sự thay đổi trong cái nhìn về môi trường. Đấy cũng là hy vọng của Naomi Klein, đã cho rằng: “Khủng hoảng khí hậu có thể là yếu tố kích hoạt, dẫn đến một sự thay đổi mô hình kinh tế của chúng ta”.
Đi kèm theo bài báo của The New Yorker, Courrier International đã nêu một vài ví dụ về việc người dân ý thức vấn đề và về các sáng kiến tư nhân hay nhà nước, chứng minh cho ý thức của đông đảo người về tình hình khẩn cấp hiện tại: Tại Phi Châu, việc sử dụng năng lượng mặt trời phát triển mạnh; tại Anh Quốc, việc sử dụng túi nhựa giảm cực nhanh, giảm 93% trong các siêu thị tính từ 2015 đến đầu 2019.
Được tạp chí MIT Technology Review phỏng vấn vào tháng 3 vừa qua, tỷ phú Bill Gates đã tỏ ra tương đối lạc quan, nêu lên một loạt tiến bộ công nghệ học góp phần giảm tác động của con người trên khí hậu.
Nhưng ngược lại với phái lạc quan, cũng có những người đã gợi đến sự suy sụp của nền văn minh nhân loại, từ nhà tiên phong Jared Diamond, một chuyên gia về địa lý và sinh vật học, cho đến nhà nghiên cứu sự sụp đổ Pablo Servigne, đang giới thiệu cho chúng ta những giả thuyết bi quan của họ, chủ đề thời thượng những năm gần đây.
Tạp chí Pháp không ngần ngại mời độc giả tự chọn phe của mình.

L’Express: “Tiêu rồi.

Trump không phải cái gì cũng thất bại!”

Tạp chí L’Express tuần này dành trang bìa cho tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng kết trước nhiệm kỳ tổng thống với tựa đề trang bìa sử dụng hô ngữ thông tục trong tiếng Anh Damned (tạm dịch là “tiêu rồi): “Tiêu rồi! Ông ta không phải cái gì cũng thất bại!”. Một hàng tựa nhỏ chú thích: “Kết quả thực sự việc làm của ông Trump”, bên trên ảnh vẽ hai ông Trump, một đăm chiêu và một nhăn nhó.
Tạp chí dành 14 trang cho hồ sơ, và ghi nhận trước tiên: Cho dù có những cảm nhận rất khác nhau trước phong cách độc đáo của ông, các biểu cảm, phát biểu phô trương, những tiết lộ về hành vi thái quá trong quá khứ, những câu nói văng mạng hay những tràng tin nhắn Twitter của ông, việc đưa ra được một tổng kết khách quan về vị chủ nhân Nhà Trắng là chuyện tế nhị, vì khá tương phản..
L’Express viết: “Một bên là thành quả tương đối tốt về kinh tế, cộng thêm một số biện pháp thường được dân chúng tán đồng. Nhưng hành động đối ngoại thì đã khiến quốc tế tự hỏi: Nước Mỹ phải chăng đang mất uy tín trên thế giới?”
Tạp chí ghi nhận: “Với những phát biểu xúc phạm đến cả thế giới, những lời lẽ cay độc, ông Trump nêu lên câu hỏi mà nhiều người Mỹ tự hỏi: Tại sao Hoa Kỳ lại phải tiếp tục vai trò bá quyền thế giới nếu phải chi trả nhiều hơn là được lợi?”
Mỹ còn đáng tin hay không?
Trong bài xã luận, Christian Makarian giải thích là với phong cách gây hoang mang, những tuyên bố văng mạng, Donald Trump đã biến chính sách đối ngoại thành hòn đá cản đường.
Tác giả ghi nhận hàng loat lời hứa. Về Trung Đông: “Một thỏa thuận hòa bình tối hậu” – Về Bắc Triều Tiên: “Một ngày trọng đại đối với thế giới”, “Hiểm họa đã biến mất” – Về Iran: “Một thỏa thuận tốt hơn” nhờ “sức ép tối đa” – Về Afghanistan: “Giảm bạo động” nhờ đánh đổi với thượng lượng với Taliban – Về Brexit: “Một thỏa thuận thương mại tuyệt vời với Anh Quốc”.
Biết bao giải pháp mà rốt cuộc không thấy kết quả gì.
L’Express cho rằng không thể tóm lược chính sách đối ngoại của Donald Trump với phong cách hoàn toàn khinh xuất từng được thấy qua việc bỏ rơi lực lượng Kurdistan ở Syria với lý do: “Ho đã không giúp đở gì nhiều cho chúng ta trong thế chiến 2. Họ đã không giúp chúng ta ở Normandie” (ám chỉ cuộc đổ bộ của Mỹ thời đó).
Tuy nhiên, dấu ấn cá nhân của ông Trump trong đối ngoại đã biện minh cho câu hỏi dai dẳng: “Còn có thể tin vào Mỹ nữa hay không ?

L’Express:

Châu Âu, một trung tâm sản xuất thuốc lá giả

Trong 3 trang, L’Express cho biết quy mô tệ nạn: Hàng tỷ điếu thuốc lá sản xuất ngay trong lòng Châu Âu, bán chui trên những sạp tạm bợ với giá rẻ mạt, khoảng 5 euro một gói.
Đối với L’Express thì quả là có một thị trường thực sự cho loại thuốc lá chui này: “Trong số 40 tỷ điếu thuốc hút mỗi năm tại Pháp, thì có khoảng 2 tỷ đến từ khu vực bán chui này”.
Theo một báo cáo của nhóm đặc trách thuốc lá tai cơ quan DNRED của Hải Quan Pháp thì đã có 47 nhà máy sản xuất thuốc lá lậu bị tháo gỡ từ năm 2015 tại Châu Âu: 10 ở Tây Ban Nha, 7 ở Hy Lạp, 4 ở Bỉ, 2 ở Anh, 2 ở Ireland.
Những nhà máy này cũng có mặt ở Ba Lan, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Cộng Hòa Séc, Bulgari, Hungary.

Le Point: Y tế Pháp không tệ như người dân nói

Tạp chí Le Point quan tâm đến tình hình y tế Pháp, với câu hỏi lớn ở trang bìa: “Người dân còn được chăm sóc tốt ở Pháp hay không?” trên nền ảnh một bệnh viện với một phụ nữ trong chiếc áo blouse trắng. Trong hồ sơ chính bên trong, tạp chí đã dựa trên một cuộc điều tra về bệnh viện, về khu vực y tế đô thị, về hiệu quả chữa bệnh, để nêu lên thực tế và những thành kiến về hệ thống y tế Pháp.
Theo Le Point cuộc điều tra do Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, đã trả lời rằng người dân vẫn được chăm sóc tốt ở Pháp, và kết quả này đi ngược lại với một số thành kiến. Tạp chí dành 10 trang để chứng minh với những số liệu cụ thể.
Đối với tạp chí Pháp, trong bối cảnh người ta thường nói đến các bệnh viện công rệu rã, hiện tượng “sa mạc y tế” lan rộng, các bộ phận cứu chữa khẩn cấp tả tơi, thì ai có thể tin là người ta được chữa trị tốt ở Pháp. Tuy nhiên, bản điều tra Cảnh Quan Y Tế của OCDE chứng minh ngược lại.
Trên 20 chỉ số tóm lược chất lượng y tế của 36 quốc gia thuộc OCDE, Pháp có kết quả cao hơn trung bình của 16 nước. Tính ra, Pháp đứng hàng thứ 9, với điểm 16,94/20. Theo Le Point, tuy không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành y tế, nhưng thực tế khác xa thảm họa được báo trước. OCDE đánh giá là Pháp có một hệ thống y tế “tương đối có hiệu năng”.
Trước nước Pháp có 8 quốc gia dẫn đầu – Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Nhật Bản, Đan Mạch, Canada. Sau Pháp là Đức đứng thứ 15, Hoa Kỳ thứ 21, Anh Quốc thứ 23.
Đối với Le Point, tất cả những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay năm 2000, Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS đã xếp nước Pháp đứng hạng nhất, dù hạng này đã gây tranh cãi. Còn năm 2017 thì tạp chí khoa học The Lance, đã đặt y tế Pháp vào hàng thứ 15 trên 195 quốc gia được xem xét. Dù khó tin, nhưng trong bối cảnh hiện nay, Pháp vẫn trong đội dẫn đầu.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Đức giáo hoàng thăm Nhật Bản với thông điệp chống hạt nhân. 
Giáo hoàng Phanxicô từ Thái Lan đã đến Nhật Bản vào hôm nay, 23/11/2019, và sẽ ở lại đây 4 ngày. Theo chương trình dự kiến, ngày mai, Chủ Nhật, ngài sẽ lần lượt thăm hai thành phố Nagasaki và Hiroshima, với thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi loại bỏ hẳn vũ khí hạt nhân. Bom nguyên tử của Mỹ thả xuống hai nơi này, cách đây hơn 70 năm, đã làm thiệt mạng 74.000 người ở Nagasaki và 140.000 người ở Hiroshima. Tại Hiroshima, ngài sẽ phát biểu trước Đài Tưởng Niệm Hòa Bình, đặt gần nơi quả bom nguyên tử rơi xuống, ngày 06/08/1945.
(AFP) – Một trong 39 nạn nhân ở Anh Quốc là thiếu niên đã trốn khỏi trại tạm cư ở Hà Lan. 
Theo tin của một nhật báo Hà Lan, tờ Algemeen Dagblad, hôm nay, 23/11/2019, một trong 39 nạn nhân chết trong xe đông lạnh gần cảng Purfleet ở Anh Quốc ngày 23/10 là một thiếu niên đã trốn khỏi một trại tạm cư dành cho người xin tị nạn ở tỉnh Limburg của Hà Lan. Tên tuổi của thiếu niên này không được tiết lộ. Theo nhật báo nói trên, sáu thiếu niên người Việt khác cũng đã trốn khỏi trại này vào tháng 8 vừa qua và cảnh sát Hà Lan đã phải huy động cả trực thăng để truy tìm nhóm thiếu niên này.
(AFP) – Chợ Noel Strasbourg mở lại, một năm sau vụ khủng bố. 
Hôm qua, 22/11/2019, thành phố Strasbourg, miền đông nước Pháp, đã khai trương chợ Noel nổi tiếng nhất nước Pháp, một năm sau vụ tấn công khủng bố ngay chính tại khu chợ này. Ngày 11/12/2018, Cherif Chekatt đã dùng súng và dao hạ sát 5 người và làm bị thương cả chục người khác. Sau hai ngày lẫn trốn, hung thủ đã bị cảnh sát bắn chết. Chợ Noel Strasbourg sẽ mở cửa cho đến ngày 30/12 và được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ, với khoảng 500 cảnh sát được huy động.
(AFP) – Chính quyền Chilê kêu gọi tái lập trật tự. 
Trước tình trạng bạo lực gia tăng trong các cuộc biểu tình kéo dài từ 5 tuần qua, khiến 5 người chết và hơn 2.000 người bị thương, chính phủ Chilê hôm qua, 22/11/2019, đã kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh. Phong trào biểu tình đã bùng phát từ hôm 18/10, ban đầu là để phản đối việc tăng giá vé metro, nhưng sau đó đã nhanh nhóng chuyển sang các yêu sách khác, đẩy Chilê vào một cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng nhất trong 3 thập niên qua. Hôm 21/11/2019, tổ chức Ân xá Quốc tế đã cáo buộc lực lượng an ninh Chilê sử dụng bạo lực một cách có hệ thống để làm nản lòng người biểu tình. Chính phủ Chilê đã bác bỏ cáo buộc đó.
(AFP) – Tại Colombia, bất chấp lệnh giới nghiêm, phe chống chính phủ vẫn xuống đường biểu tình. 
Tối 22/11/2019, hàng chục người vẫn tập hợp trước cửa nhà tổng thống Ivan Duque. Tại thủ đô Bogota, hàng trăm người cũng đã tuần hành vào giờ giới nghiêm. Đây là lần đầu tiên từ năm 1977 Bogota ban hành lệnh giới nghiêm. Trong ngày, chính phủ huy động khoảng 20.000 lính và cảnh sát tăng cường an ninh cho Bogota một ngày sau cuộc tổng đình công, phản đối kế hoạch cải tổ lao động và hệ thống hưu trí ở Colombia.
(AFP) – Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua bản tuyên bố chống sử dụng vũ khí hóa học. 
Trong tuyên bố ngày 22/11/2019, các bên nhấn mạnh : việc sử dụng vũ khí hóa học là một hành vi vi phạm công ước quốc tế, và “trong bất kỳ trường hợp nào, do bất kỳ một ai tiến hành, vũ khí hóa học luôn là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
(AFP) – Riga cấm 9 đài truyền hình Nga hoạt động tại Litva. 
Quyết định được cơ quan đặc trách về truyền thông của Litva đưa ra hôm 22/11/2019. Đây là bước kế tiếp sau khi Liên Hiệp Châu Âu ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào một trong những ông chủ của 9 đài truyền hình nói trên. Nhà tỷ phú Youri Kovaltchouk, thân với điện Kremlin. Ông có tên trong danh sách những nhân vật bị Bruxelles trừng phạt vì lý do “vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Ukraina”.
(AFP) – Phó tổng thống Hoa Kỳ bất ngờ công du Irak. 
Chuyến viếng thăm ngày 23/11/2019 diễn ra vào lúc Irak đang trải qua một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ hai tháng qua. Washington cho biết là ông Pence sẽ tranh thủ gặp gỡ một số các quân nhân Mỹ đang đồn trú tại căn cứ Aïn al-Assad, phía tây Irak. Đây là lần đầu tiên Mike Pence đến Irak. Vì lý do an ninh, chương trình nghị sự của phó tổng thống Mỹ được giữ kín.
(AFP) – Nga quan ngại trước việc Mỹ và Nhật Bản tăng cường hợp tác. 
Phát biểu trong khuôn khổ cuộc họp cấp ngoại trưởng nhóm G20 tổ chức tại Nagoya hôm 23/11/2019, ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov tuyên bố sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản là “một vấn đề trên con đường cải thiện quan hệ” giữa Matxcơva và Tokyo. Theo Lầu Năm Góc, hiện có 54.000 lính Mỹ đang được triển khai trên lãnh thổ Nhật.

Tạp chí đặc biệt

Gambia có phù thủy ăn thịt người ?

Gambia điều tra về vụ án “săn lùng phù thủy ăn thịt người”. Hội chợ SLUSH tại thủ đô Helsinki là điểm hẹn trong ngành New Technology. Sinh viên Hàn Quốc “sát cánh” với các bạn học tại Hồng Kông đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Triển lãm ảnh Henri Cartier Bresson: Trung Quốc 1948-1949 /1958 tại Paris. Điện ảnh Pháp lúng túng vì đạo diễn Roman Polanski bị cáo buộc xâm hại tình dục.
Vụ án “săn lùng phù thủy ăn thịt người” tại Gambia chưa tới hồi kết. 1.000 nghi can đã bị bắt trên toàn quốc. Trong tuần, một ủy ban điều tra được điều đến làng Jambur, cách thủ đô Banjul khoảng một giờ đồng hồ lái xe. Đây là nơi 10 năm trước, nhiều người bị chụp mũ “phù thủy” và đã bị cưỡng bức uống một loại chất lỏng có pha ma túy gây ảo giác trước khi bị hỏi cung. 18 người thiệt mạng.
Thông tín viên đài RFI Romain Chanson từ thủ đô Gambia kể lại vụ việc :
“Có khoảng 50 nạn nhân, tuổi từ 65 đến 80 khi họ bị bắt cóc. Họ bị những tay thầy pháp người nước ngoài tố cáo, rồi bị các toán thanh niên bắt giữ. Số này tự nhận là những Green Boys, bởi họ mặc trang phục màu xanh lá cây, biểu tượng của đảng trung thành với tổng thống Yahya Jammeh. Những thanh niên này bắt nạn nhân phải uống một thứ nước pha chất ma túy để gây ảo giác và sau đó bắt đầu hỏi cung những người bị cáo buộc là phù thủy ăn thịt người.
Bà Sukai Jallow, một trong những nạn nhân chiến dịch săn lùng phù thủy đó, kể lại : Một trong số các cậu Green Boys hỏi thẳng bà đã giết và đã ăn thịt bao nhiêu người từ một năm qua. Sukai Jallow trả lời là suốt đời, chưa từng ăn thịt một ai.
Toán Green Boys này đã tham gia nhiều vụ tra tấn, làm nhục những người cao tuổi. Ba phụ nữ cùng kể lại một cảnh tượng họ đã trải qua. Cụ bà Fatou Sowe nói : “Trước khi bỏ đi, họ bắt chúng tôi tắm bằng nước pha chất ma túy mà họ đã bắt chúng tôi uống. Họ bắt chúng tôi cởi hết quần áo, trần truồng trước mặt những chàng trai đáng tuổi cháu nội cháu ngoại chúng tôi. Chúng xối nước và kỳ cọ khắp người chúng tôi, từ đầu đến chân”. Chỉ riêng lại làng Jambur, khoảng 50 người đã bị bắt. Chiến dịch săn lùng phù thủy đó làm 18 người chết”.
Phần Lan, sân chơi của nền công nghệ mới
Tại Phần Lan, hội chợ lớn nhất châu Âu dành cho các công nghệ mới vừa khép lại. 3.500 công ty khởi nghiệp, 2.000 nhà đầu tư và hơn 25.000 khách tham quan đã dừng chân tại Helsinki trong hai ngày 21 và 22/11/2019. Nhiều người đến đây để giới thiệu các ứng dụng mới nhất cho cuộc sống hàng ngày. Hội chợ SLUSH của Helsinky cũng là điểm hẹn của các nhà phát minh với những sản phẩm nghe qua tưởng chừng như thuộc về lĩnh vực khoa học giả tưởng. Thông tín viên Frédéric Faux giới thiệu thêm về hội chợ Helsinki:
“Hai ngày hội chợ SLUSH luôn được mở đầu bằng một màn trình diễn chiếu đèn laser rất hoành tráng. Được một nhóm sinh viên Phần Lan lập ra cách nay 12 năm, ban đầu hội chợ này chỉ thu hút vài trăm dân bản xứ. Giờ đây nhóm sáng lập viên này vẫn là cột trụ của sự kiện, nhưng hội chợ về công nghệ mới tổ chức tại Helsinki thu hút 25.000 người từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người đến đây để cùng khám phá những phát minh mới nhất trong lĩnh vực New Technology.
Cụ thể hơn, hội chợ Slush có những gì ? Ứng dụng Exacture chẳng hạn do một công ty khởi nghiệp Pháp đề xuất cho phép người dùng uống thuốc đúng liều lượng, giúp tránh được nguy cơ dùng thuốc quá liều, quên uống hay quên tiêm thuốc. Hiện tượng này mỗi năm gây tử vong cho hàng ngàn người. Ứng dụng Enfuce cho phép chúng ta đo lường lượng thải khí carbon, tùy theo nhu cầu mua sắm và cách sống của mỗi người. Ngoài ra, ở đây cũng có trưng bày rất nhiều sản phẩm mới, thí dụ như một chiếc tàu thủy hoàn toàn chạy bằng điện, hay những chiếc drone đời mới nhất… Đôi khi chúng ta có cảm tưởng đang bước vào thế giới của khoa học giả tưởng, khi có thể điều khiển mọi vật thể chung quanh chỉ bằng ý chí. Một công ty giới thiệu một bộ phận trông giống như một cái đĩa nhựa, cài ở sau gáy. Công cụ này cho phép chúng ta đổi kênh truyền hình, gọi điện thoại di động hay chơi trò chơi điện tử mà không cần phải cử động chân tay. Thật là bất ngờ !
Đâu là mục đích của hội chợ ? Mọi người đến đây để giới thiệu những mặt hàng mới, nhưng hội chợ Helsinki cũng là cơ hội để huy động vốn tài trợ cho các chương trình đó. Điểm mạnh của SLUSH là sự hiện diện rất đông nhà đầu tư. 2.000 nhà tài trợ đến đây gặp 3.500 công ty khởi nghiệp. Qua một ứng dụng, họ trực tiếp trao đổi với nhau về dự án. Năm 2018, đã có 20.000 cuộc tiếp xúc diễn ra trong hai ngày tổ chức sự kiện và các start –up cho biết đã nhận được hơn một tỷ rưỡi đô la vốn đầu tư.
Sinh viên Hàn Quốc ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông
Hồng Kông là điểm nóng trong tuần. Hàng trăm sinh viên cố thủ trong khuôn viên Đại Học Bách Khoa trong lúc phong trào đòi dân chủ tiếp diễn. Cách đó hơn 2.000 cây số, tại Seoul hôm 19/11/2019 đông đảo sinh viên Hàn Quốc tập hợp trước tòa đại sứ Bắc Kinh với khẩu hiệu “Đoàn kết với Hồng Kông” hay “Ủng hộ Hồng Kông”. Một người trong ban tổ chức nói với hãng thông tấn Yonhap cần bảo vệ dân chủ Hồng Kông, vì “Hồng Kông là mái nhà chung”, cần hành động để “mỗi người dân Hồng Kông phải được sống trong một nền dân chủ và tự do”. Nếu như sinh viên Hàn Quốc đứng hẳn về phía Hồng Kông thì ngay trong khuôn viên đại học Seoul, một số đụng độ nhỏ cũng đã xảy ra giữa sinh viên Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục như tường thuật của thông tín viên đài RFI Frédéric Ojardias :
“Tấm bích chương này bị xé đi ba lần liên tiếp trong chưa đầy một giờ đồng hồ. Sinh viên chúng tôi thật phẫn nộ. Hà, một sinh viên Hồng Kông 20 tuổi tại Đại Học Korio ở Seoul, cho biết như trên. Anh chỉ một bức tường của trường Đại Học được phủ kín bằng những mẩu giấy đủ màu với những tin nhắn ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông. Kim, một nữ sinh viên 23 tuổi đang dán lại những tấm áp phích bị xé đi. Cô kể là đến đây để để gìn giữ những tấm áp phích này. Kim đã bị một nhóm sinh viên Trung Quốc hăm dọa và thóa mạ. Họ đòi xé hết những bích chương ủng hộ dân chủ Hồng Kông. Thế nhưng, Kim không ngần ngại khẳng định cô sát cánh với phong trào Hồng Kông, bởi vì ở Hàn Quốc cũng vậy, vào những năm 1980 tại Geonju, đã có nhiều người hy sinh vì dân chủ.
Về phần Han Su Jin, cô là người đầu tiên bị hành hung cũng ngay trước bức tường này của trường. Khoảng một chục sinh viên Trung Quốc bao vây và và phỉ nhổ Han Su Jin. Nữ sinh viên này đã kể lại câu chuyện đó trên mạng xã hội Facebook. Cô đã được nhiều người ủng hộ.
Từ đó tới nay, các tấm áp phích vẫn được dán trên tường. Nhiều sinh viên Hoa Lục cũng dán bích chương với những khẩu hiệu ủng hộ Bắc Kinh. Sinh viên Hồng Kông họ Hà hài lòng. Anh hy vọng những người bạn Trung Quốc hiểu được thế nào là tranh luận và tầm mức quan trọng của quyền tự do ngôn luận”.
Triển lãm ảnh về Cách Mạng Trung Quốc
Khu triển lãm mang tên nhiếp ảnh gia người Pháp, Henri Cartier-Bresson, tại quận 3 Paris trưng bày những bức ảnh ông đã mang về sau hai chuyến đi công tác tại Trung Quốc vào những năm 1940-1950. Cartier –Bresson đã thu vào ống kính hai thời khắc lịch sử tại quốc gia rộng lớn này : 1948-1949, đảng Cộng Sản chinh phục quyền lực và một chục năm sau, là những hình ảnh của cuộc Cách Mạng Trung Quốc.
“Henri Cartier-Bresson, 40 tuổi, khi tạp chí Mỹ Life điều ông đến Bắc Kinh công tác trong 10 ngày vào tháng 11 năm 1948, trước khi đội quân của Mao Trạch Đông tiến về đến thủ đô. Nhiếp ảnh gia này đã ở lại Trung Quốc tổng cộng 10 tháng. Ông đã chụp được hàng trăm bức ảnh không trực tiếp liên quan nhiều đến sự kiện những người Cộng Sản giành được chính quyền. Những tác phẩm của ông cho thấy những thay đổi trong xã hội Trung Quốc thời đó. Trong suốt triển lãm này, tác giả đã đã chụp được những cặp mắt linh động của những con người ông đã gặp. Đó là đôi mắt của người trong những tửu quán, là ánh mắt trẻ thơ sung sướng ngắm nhìn những cây cọ trong tủ kính hay của một anh khờ chiêm ngưỡng Tử Cấm Thành.
Tất cả những tác phẩm này đánh dấu sự nghiệp dài hơi và một phong cách rất riêng biệt của Cartier-Bresson. Những bức ảnh của ông toát ra tính chất thi vị của cuộc sống hàng này, đôi khi lạ lùng, có lúc lại xa cách.
Một chục năm sau cuộc hội ngộ lần đầu ấy, nhà nhiếp ảnh này trở lại Trung Quốc năm 1958. Lần này ông được cán bộ hướng dẫn, khi thì đến các đập thủy điện, lúc thì được đưa vào những ngôi làng “kiểu mẫu” để ca ngợi những thành tích của cuộc Cách Mạng. Điều đó không cấm cản Cartier-Bresson thu vào ống kính cảnh nhọc nhằn, lầm than của người lao động hay vai trò của các lực lượng dân quân. Phóng sự đó một lần nữa đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế”.
Triển lãm Henri Cartier-Bresson: Trung Quốc 1948-1949/1958 mở ra cho đến ngày 02/02/2020.
Polanski : Tác phẩm và con người
Làng điện ảnh Pháp tuần này đã rất khó xử về trường hợp của đạo diễn gốc Ba Lan, Roman Polanski. Bộ phim J’accuse của ông bắt đầu được công chiếu hôm 20/11/2019 trong bối cảnh Polanski vừa bị nhiếp ảnh gia Valentine Monnier, cáo buộc đã “hành hung và hãm hiếp” bà hồi năm 1975 tại Thụy Sĩ. Khi đó Valentine Monnier vừa 18 tuổi. Đạo diễn Polanski, 86 tuổi, từ năm 1977 bị tư Pháp Mỹ truy tố về tội lạm dụng tình dục một thiếu nữ 13 tuổi.
Nhiều tiếng nói kêu gọi cấm phát hành phim của Polanski cho dù tác phẩm này từng đoạt giải thưởng của ban giám khảo liên hoan điện ảnh quốc tế Venise. J’Accuse trở lại với vụ án Dreyfus hồi cuối thế kỷ thứ 19, tập trung vào thái độ bài người Do Thái trong xã hội Pháp thời bấy giờ.
Elisabeth Lequeret của đài RFI trình bày về bộ phim J’Accuse đang rất ăn khách tại các rạp chiếu phim Pháp :
“Đây là một bộ phim thuộc thể loại Thriller gây hồi hộp tựa như một bộ phim gián điệp. J’Accuse kể lại vụ án Dreyfus, nhìn từ quan điểm của trung tá Georges Picard, do nam diễn viên Jean Dujardin thủ vai. Viên sĩ quan làm việc tại cơ quan phản gián của Pháp và ông đã từng bước khám phá ra rằng, người ta đã ngụy tạo ra các bằng chứng để buộc tội Dreyfus. Kể từ giờ phút đó, Georges Picard sẵn sàng đặt cả sự nghiệp và sinh mạng lên bàn cân để truy lùng những thủ phạm, và để minh oan cho Dreyfus.
Ngay từ đầu, đạo diễn Roman Polanski không che giấu ông thực hiện bộ phim này để nói lên phần nào cuộc đời của chính mình. Từ năm 1977 Polanski bị tư pháp Mỹ truy tố về tội hãm hiếp trẻ vị thành niên. Liệu Polanski tự ví mình như Dreyfus và cho rằng ông cũng là nạn nhân của guồng máy tư pháp hay không ?
Chính sự so sánh này khiến bà Valentine Monnier phẫn nộ và đã thúc đẩy bà phơi bày ra ánh sáng những cáo buộc nhắm vào đạo diễn Polanski. Về phần J’Accuse, đây là một tác phẩm lớn. Polanski đã kể lại vụ án này một cách rất bài bản và xuất sắc. Vấn đề còn lại là liệu rằng cáo buộc xâm hại tình dục của Valentine Monnier nhắm vào ông có ảnh hưởng đến uy tín của bộ phim này hay không ?”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.