Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 24/10/2019

Thursday, October 24, 2019 8:14:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 24/10/2019

Vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang bị mời làm việc

liên quan gian lận điểm thi THPT năm 2018

Ngày 24/10, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc tại Hà Giang với bà Nguyễn Thị Nga – chuyên viên Sở Tài chính, vợ ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch tỉnh liên quan đến việc gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh này.
Tin từ Báo mạng Người Lao động cho biết, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc về nhiều nội dung, trong đó bao gồm cả việc rà soát, kiểm tra cán bộ, đảng viên vi phạm đợt 2, có liên quan đến vụ nâng điểm thi THPT năm 2018 tại Hà Giang.
Theo báo Người Lao động, dù đoàn công tác không nói rõ tổng số cán bộ trong diện rà soát, xem xét kỷ luật trong đợt này, nhưng bà Nguyễn Thị Nga đã bị mời làm việc trực tiếp.
Ngoài ra, danh sách cán bộ, đảng viên bị xử lý đợt 2 này còn có tên bà Nguyễn Thúy Nga, mẹ của Vương Ngọc Hà – phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Giang, liên quan đến điểm thi của cháu ngoại bà là Mai Vương B.N.
Phiên tòa xử vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 tại tỉnh Hà Giang sẽ tuyên án vào ngày 25/10.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ đối với 2 người trong phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang, gồm ông Nguyễn Thanh Hoài – cựu Trưởng phòng mức án 8-9 năm tù; và ông Vũ Trọng Lương – cựu Phó trưởng phòng 7-8 năm tù.
Đối với cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang, bà Triệu Thị Chính, mức án từ 24-30 tháng tù về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi’.
Còn bà Lê Thị Dung – cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang từ 24-30 tháng tù về tội ‘Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi’.
Cùng bị cáo buộc về tội ‘Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi’, một cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang khác là ông Phạm Văn Khuông cũng bị tù từ 12-18 tháng nhưng được hưởng án treo.
Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hà Giang còn đề nghị Hội đồng xét xử có thêm hình phạt bổ sung đối với những bị cáo trên. Cụ thể là cấm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 12-24 tháng sau khi mãn hạn tù.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-about-examination-fraud-in-ha-giang-10242019084250.html

Con gái của tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca

gửi thư kêu cứu

Con gái tù chính trị Huỳnh Trương Ca, cô Huỳnh Thị Thái Ngân, có thư gửi đến các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu cứu cho người cha hiện đang phải bị đối xử hà khắc trong nhà tù Xuân Lộc.
Trong thư kêu cứu, Cô Huỳnh thị Thái Ngân, nêu rằng cha cô chỉ là một người làm vườn có cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác; thế nhưng sau khi chứng kiến, cũng như trải qua quá nhiều bất công trong xã hội, Ba cô đã chọn cách không im lặng với những sai trái.
Chỉ vì phản đối luật đặc khu qua các buổi livestream trên Facebook, ông đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp kết tội: “Vu cáo, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước CHXHCNVN và xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, tạo sự nghi ngờ, bất mãn, tức giận, căm ghét chế độ XHCN và Nhà nước CHXHCNVN, chống Nhà nước CHXHCNVN…”
Ông bị tòa kết án 5 năm 6 tháng tù và 3 năm quản chế với cáo buộc ‘làm, tang trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước’.
Cô Huỳnh Thị Thái Ngân, hôm 24/10/2019 xác nhận với RFA về lá thư kêu cứu:
“Đó là thư trần tình, chuyện của ba làm sao thì em nói y như vậy, em gởi đi hết các tổ chức nhân quyền để giúp đỡ Ba em. Em trình bày hết những khó khăn mà Ba em gặp phải từ lúc mới bị bắt cho đến bây giờ. Và về sức khỏe của Ba Mẹ em nữa, vì từ ngày Ba em đi tù, Ba Mẹ em bị chia cắt không được gặp nhau, nên Mẹ em yếu đi nhiều lắm. Em mong muốn các tổ chức nhân quyền quốc tế giúp đỡ gia đình em và giúp đỡ những gia đình tù nhân lương tâm khác mà gặp phải trường hợp như gia đình em.”
Theo cô Ngân, những lời buộc tội của chính quyền VN là vu khống và quy chụp ba cô, khi ông chỉ đang thực hiện quyền con người đã được ghi trong Hiến pháp. Ba cô không xâm phạm an ninh quốc gia hay làm bất cứ điều gì tổn hại đến đất nước.
Trong thư, cô Ngân cũng cho biết gây, công an đã gây khó dễ cho gia đình cô, bằng cách không cho ba mẹ cô gặp nhau, đã 4 tháng nay mẹ cô không được vào thăm ba.
Cuối thư, cô mong Tổ chức Ẫn xá Quốc tế lên tiếng giúp đỡ gia đình cô, giúp ba Cô đòi lại công bằng và sự tự do, vì Ba cô chỉ đang thể hiện lòng yêu nước bằng quyền của mình. Ba cô không đáng phải gánh chịu những vất vả và áp bức trong lao tù. Gia đình cô không đáng phải gánh chịu sự chia cắt, khó khăn và lo lắng như vừa nêu.
Hôm 13/10/2019 bà Phạm Thanh Tậm, vợ ông Huỳnh Trương Ca, cho RFA biết thông tin rằng hôm 12/10, hai người con của bà đã đi thăm ông Huỳnh Trương Ca và được biết ông đang tuyệt thực. Việc tuyệt thực bắt đầu từ ngày 4 tháng 10.
Theo lời của bà Tâm thì không chỉ mình ông Ca tuyệt thực, mà các tù nhân lương tâm cùng thụ án tại trại giam Xuân Lộc cũng tuyệt thực, để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù, vì không cho ông Ca ra ngoài chữa bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-daughter-of-prisoner-of-conscience-huynh-truong-ca-sends-a-letter-calling-for-help-to-international-human-rights-organizations-10242019090429.html

Luật sư kiến nghị điều tra lại vụ án truy tố

nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín

Các luật sư bào chữa cho vụ án nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Nguyễn Hữu Tín cùng 4 cựu giới chức Chính quyền TP.HCM bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan khu “đất vàng” số 15 Thi Sách, vào ngày 24/10/19 vừa đệ đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân & Tòa án Nhân dân kiến nghị điều tra lại vụ án.
Truyền thông quốc nội trong cùng ngày, dẫn nguồn từ Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP.HCM và Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM cho biết đã nhận được đơn kiến nghị với nội dung vừa nêu.
Hồi cuối tháng 8 năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra vụ án đối với bị can Nguyễn Hữu Tín cùng 4 đồng phạm bao gồm Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM); Nguyễn Thành Chương (nguyên Trưởng phòng đô thị, văn phòng UBND TPHCM); Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh văn phòng UBND TPHCM); Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường), xác định vụ việc giao nhà, đất tại số 15 Thi Sách (quận 1, TP.HCM) cho Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” Chủ tịch Hội đồng quản trị) thuê đã gây thiệt hại tài sản của nhà nước số tiền 6,7 tỷ đồng.
Trong đơn kiến nghị vừa đệ trình vào ngày 24/10/19, các luật sư bào chữa cho vụ án cho rằng vụ án còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được làm rõ nên cần phải điều tra lại. Các luật sư bào chữa đưa ra 8 vấn đề mấu chốt cần được làm rõ để vụ án được khách quan và công bằng; trong đó đáng chú ý là cần xác định rõ điều kiện, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án, trách nhiệm của Sở Tài chính trong toàn bộ vụ việc.
Tờ Infonet Online, vào ngày 24 tháng 10 còn đăng tải thông tin các luật sư bào chữa đồng thời cũng kiến nghị TAND TP.HCM về việc “giải mật” một số văn bản trong vụ án của thân chủ họ.
Theo đó, các luật sư cho biết trong quá trình chuẩn bị hồ sơ bào chữa cho các bị cáo, đã phát hiện trong tài liệu có nhiều hồ sơ đóng dấu “Mật” mà nếu bị tiết lộ, hoặc sai về hình thức sử dụng sẽ gây nguy hại, ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia.
Các luật sư bào chữa được Infonet dẫn lời rằng bản thân họ cũng vi phạm quy định của pháp luật về tài liệu mật trong khi chỉ thực hiện công tác của người bào chữa theo quy định.
TAND TP.HCM cho biết dự kiến sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này trong tháng 11 tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-case-of-nguyen-huu-tin-indicted-lawyers-request-for-reinvestigation-10242019092617.html

Đến lượt dân Sài Gòn tố cáo

nước “sạch” bị bẩn gây ghẻ ngứa

Tin Saigon.- Báo Thanh Niên ngày 24 tháng 10 năm 2019 loan tin, người dân sống tại chung cư Prosper Plaza, thuộc quận 12, Sài Gòn vừa phản ánh nguồn nước “sạch” họ đang dùng vừa bị bẩn, vừa gây ghẻ, ngứa cho cơ thể.
Một người dân cho biết, do nghi ngờ chất lượng nguồn nước nên anh dùng chiếc khăn bịt vào vòi xả nước thì một lúc sau chiếc khăn màu trắng đã bị bẩn. Sau một thời gian tắm giặt bản thân anh bị viêm da, nổi mụn khắp cánh tay, còn vợ bị ghẻ đầu, và rụng tóc.
Trên diễn đàn Facebook của chung cư trên, nhiều người cũng đã phản ánh chất lượng nước “sạch” mà họ đang dùng có vấn đề. Một cư dân khác cho biết, có lần anh húp ngụm nước súc miệng, khi nhả ra thấy nguyên một con lăng quăng đang còn sống. Còn con anh sau vài lần tắm thì bé bị nổi mẩn.
Ông Võ Hùng Cường, Trưởng ban cai quản chung cư cho biết, sau khi nhận sự phản ánh của cư dân, vào tháng 9 vừa qua, ban cai quản đã xem xét thì thấy nước có màu bất thường. Tuy nhiên, ông Cường thông báo, kết quả xét nghiệm nước ở viện Pasteur cho thấy nước vẫn đủ tiêu chuẩn (?!). Sau đó, để bảo đảm nguồn nước thì ban cai quản cho súc xả toàn bộ hệ thống. Dù đã được súc xả xong, nhưng chất lượng nước vẫn bẩn như cũ. Người dân đã nghi ngờ vấn đề nằm ở hệ thống cấp nước của công ty cổ phần cấp nước Trung An. Khi công ty này đến kiểm tra và thấy nguồn nước đúng như cư dân phản ánh nên đã thừa nhận nước có vấn đề. Nhưng đến nay nguyên nhân do đâu thì người dân vẫn chưa được biết. Bình luận thêm về sự việc, ông Cường cho rằng, có thể có chuyện những người bán máy lọc nước nhận thấy thị phần lớn ở chung cư, nên tìm cách tác động vào cư dân để gây hoang mang. Và ban cai quản sẽ giải quyết nếu có đủ chứng cứ.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/den-luot-dan-sai-gon-to-cao-nuoc-sach-bi-ban-gay-ghe-ngua/

Thảo luận Luật Lao động VN:

 Cần nhiều hơn là nước mắt cảm thông

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trình ra để lấy ‎kiến Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua trong Kỳ họp thứ 8 này, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi gay gắt về giờ làm việc tiêu chuẩn hàng tuần, số giờ làm thêm tối đa…
Quốc hội VN nhóm họp, Biển Đông nằm trong nghị trình
Có nhóm lợi ích đằng sau các dự án luật ở VN?
48 lượt đại biểu phát biểu cùng 6 lượt tranh luận quanh Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong ngày làm việc 23/10, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đăng trên Trang thông tin Quốc hội Việt Nam.
Nhiều ý‎ kiến và tranh luận gay gắt về các đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn hàng tuần, giới hạn số giờ làm thêm tối đa, tính lương làm thêm theo lũy tiến được đưa ra.
Tranh luận sôi nổi xoay quanh đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ) của Chính phủ; cũng như đề nghị quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần của một số đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, được báo chí Việt Nam thông tin rằng, đã phải viện dẫn cuốn sách “Hạnh phúc của người Việt Nam” để dẫn chứng về những khát khao của người dân.
Ông nói rằng, “nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9-10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Trên thế giới từ bỏ điều nay 133 năm nay rồi,” theo tờ Tuổi trẻ.
Ông Nhân cũng nhận định, muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ và giảm giờ làm.
Quan điểm của ông Nhân cũng được các đại biểu khác chia sẻ, rằng cần có lộ trình giảm dần giờ làm phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Một đại biểu quốc hội khác, cũng của đơn vị thành phố Hồ Chí Minh là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, thì được báo chí đưa tin là ‘rơi nước mắt’ khi nói về lương và giờ làm thêm của công nhân.
Bà Tâm cho rằng, Quốc hội phải có chính sách làm sao để công nhân “có thu nhập đủ sống và có thời gian chăm sóc bản thân, gia đình.”
Bà nói, phải nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của họ khi đến làm việc và cuộc sống thực tế như thế nào.
“Rất nhiều công nhân phải gửi con về quê. Có người mẹ, người cha nào muốn xa con hay không? Nhiều người hai năm chưa được về thăm con. Ông bà già rồi vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc, bà Tâm nói,” theo tờ VnExpress.
Bởi vậy, bà cho rằng, “đại biểu phát biểu có nghĩ đến quyền con người trong Hiến pháp hay không? Quan hệ giữa giới chủ với người lao động không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình người nữa.”
Câu nói trên của bà Tâm là để tranh luận lại với phát biểu trước đó của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ông Lộc đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay về giờ làm việc bình thường, nhưng lại tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.
Ông nhấn mạnh, “tăng giờ làm thêm là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.”
Kết thúc ngày thảo luận, bà Tòng Thị Phóng cho biết, với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như về làm thêm giờ, việc tăng tuổi nghỉ hưu quy định như thế nào, về tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương sẽ được lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu trước khi biểu quyết thông qua.
Theo chương trình dự kiến của kỳ họp, Bộ luật Laođộng (sửa đổi) sẽ thông qua vào sáng ngày 20/11.
Không công bằng
Thực ra, ngay từ khi còn là dự thảo, những sửa đổi đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì mức thời gian làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa ‘dân công chức,’ ‘văn phòng’ và người lao động.
Trong khi thời gian làm việc tiêu chuẩn của khối nhà nước là 40 giờ/tuần; doanh nghiệp khối dịch vụ linh động áp dụng mức 44 giờ/tuần; thì hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến… vẫn áp dụng mức 48 giờ/tuần.
Nghĩa là, người lao động chân tay chỉ có một ngày Chủ nhật để nghỉ ngơi và phục hồi sức lao động.
Điều này bất công và tạo ra bất bình đẳng trong xã hội.
Doanh nghiệp phản đối tăng chi phí nhân công
Khi Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có đề xuất giảm giờ làm tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, đưa ra lấy ý kiến, đề xuất này đặc biệt vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Ngay các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, điều này sẽ khiến chi phí nhân công của các doanh nghiệp tăng, và khiến Việt Nam giảm năng lực cạnh tranh so với các nước Đông Nam Á khác.
Trong một cuộc hội thảo về dự luật này, tổ chức hồi tháng 9 năm nay, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, “Với kinh tế thị trường, nguyên tắc là chỉ can thiệp khi thị trường thất bại. Tuy nhiên, dự thảo lại sợ người lao động làm kiệt sức, sợ giới chủ bắt người lao động làm nhiều, dù hai bên đã có thỏa thuận.”
“Có rất nhiều tư duy như vậy trong bộ luật, thể hiện sự không tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi đã có khế ước lao động, Nhà nước phải làm thế nào để khế ước được thực thi chứ không cần nghĩ thay cho họ,” Tiến sĩ Anh nhấn mạnh thêm, theo tờ Thời báo Tài chính Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Anh, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có lợi thế về lao động, cụ thể là lao động giá rẻ, quy mô lớn. Tuy nhiên, quy định như bộ luật sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi thế này.
Các giới hạn về giờ làm thêm, về tiền lương luỹ tiến… đưa ra trong dự thảo rất không phù hợp với quy luật kinh tế. Các giới hạn này thậm chí có thể tạo ra thiểu dụng lao động, thất nghiệp, tạo ra khuyến khích ngược, ông Anh nói vậy.
Một điểm đáng lưu ‎nữa là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, thiếu ổn định, trong khi năng suất lao động không được cải thiện.
Sau hàng thập kỷ, năng suất lao động của các nước Đông Nam Á vốn có điều kiện tự nhiên và văn hóa tương đồng với Việt Nam, như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines vẫn gấp hai, gấp ba thậm chí gấp năm lần so với Việt Nam.
Ngoài ra, một bài viết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng cho rằng, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp Thái Lan hay Philippines vẫn đang duy trì thời gian làm việc tiêu chuẩn theo tuần ở mức 48 giờ/tuần và không có nhiều dấu hiệu là họ sẽ điều chỉnh mức này trong thời gian ngắn sắp tới.
Bởi vậy, lo lắng của các doanh nghiệp về giá nhân công tăng và khả năng suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam là có cơ sở.
Cần sớm hình thành hội, công đoàn của người lao động
Đại biểu QH và khuyến nghị quốc tế
Quan ngại quanh Dự thảo Luật về Hội
Vấn đề đặt ra là phải hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản lý‎ để tăng năng suất chứ không phải chỉ là ‘rơi nước mắt’ vì lo cho tình cảnh công nhân.
Bên cạnh đó, điều người lao động mong muốn vẫn là, nhà nước bảo đảm quyền lập hội, công đoàn cho họ, để họ đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Dự thảo luật lần này có đưa ra việc người lao động có quyền thành lập, tham gia tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nhưng sẽ còn cần quy định cụ thể từ Chính phủ.
Còn Luật về hội thì vẫn cứ là dự thảo.
Nói như Facebooker Dang Ngoc Quang: “Theo tôi hiểu, sự quan tâm tới người lao động của nhà nước thể hiện quan trọng là ở chỗ thúc đẩy nâng cao năng lực đàm phán của công nhân hiện còn rất yếu thế với giới chủ. Muốn người lao động có năng lực đàm phán, họ phải có quyền lập công đoàn độc lập,mà công đoàn phải được liên kết cả theo ngành và lãnh thổ.
“Quốc hội cần bảo đảm quyền lập hội, lập công đoàn cho người lao động, khi đó họ đàm phán và quyết định bán lao động của mình cho giới chủ thế nào.”
“Thật đáng tiếc là khi thảo luận dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, Quốc hội lại không thể hiện là tạo điều kiện thuận lợi nhất và ủng hộ người lao động thực hiện quyền tự do lập công hội, công đoàn của mình một cách độc lập,” Facebooker này viết.
Còn nhà báo Lưu trọng Văn thì viết trên Facebook cá nhân rằng, “Việc các ngài đại biểu Quốc hội cần làm để thực sự thể hiện mình là thương yêu người lao động và không phải khóc lóc không đúng chỗ như bà đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và để khỏi bị mang tiếng là đạo đức giả đó là nhanh chóng ban hành Luật thành lập Hội theo Hiến pháp quy định…
“Người lao động có Luật thành lập Hội này sẽ tự thành lập các hội đoàn và công đoàn độc lập và liên kết các công đoàn độc lập khác để tạo sức mạnh buộc giới chủ ra những điều khoản hợp đồng lao động tốt nhất cho người lao động,” cây bút này viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50164606

Vì sao nông sản VN nhận ‘quả đắng’ từ thị trường TQ?

“Khơi thông nông sản xuất khẩu từ Việt Nam” là một trong những đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với lãnh đạo Tỉnh uỷ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hôm 23/10 trong lần gặp gỡ tại Văn phòng Chính phủ.
VN đã sẵn sàng nâng tầm đối tác chiến lược với Mỹ?
Việt Nam mua hàng Mỹ sau khi ‘bị Trump dọa’?
Xuất nông sản VN sang EU và cơ hội khép dần lại
Hụt nhân lực khiến VN khó tận dụng cơ hội từ cuộc thương chiến
Đáp lại, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói rằng lời đề nghị này là ‘bất ngờ đối với phía Trung Quốc’, theo baochinhphu.vn.
Nhưng hẳn phải có lý do để chính phủ Việt Nam phải trực tiếp đưa ra lời đề nghị này?
Nông sản Việt Nam nhận ‘quả đắng’
Sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, mức xuất khẩu của nông sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%, theo VNEconomy.vn.
Bộ Công thương Việt Nam cho rằng thị trường trong nước đã có “năm nhận thức sai lầm” khiến hàng nông sản Việt Nam nhận “quả đắng”.
Trong số “năm nhận thức sai lầm”, có việc coi Trung Quốc là thị trường ‘dễ tính’, cộng với thói quen xuất qua đường tiểu ngạch là chủ yếu nên phía Việt Nam nhiều năm nay không quan tâm đến quy định, tiêu chuẩn, xuất xứ, chất lượng hàng; lại thêm thích gì thì nuôi trồng ào ại cái đó mà không xem nhu cầu thị trường ra sao.
Nay Trung Quốc ‘khó tính’ hơn, yêu cầu cao hơn, vận dụng những quy định cả cũ và mới thì hàng Việt không đáp ứng được.
‘Quả đắng’ Việt Nam nhận được là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm từ năm 2018, và tiếp tục giảm năm 2019, thậm chí có mặt hàng ‘gần như mất hút’.
Ba mặt hàng bị ảnh hưởng nhất là gạo, sắn và rau quả, theo Bộ Công thương Việt Nam.
Riêng trong tháng 7/2019, sản lượng rau quả xuất sang Trung Quốc giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng sắn xuất đi giảm hơn 17%.
Gạo sụt giảm mạnh cả về lượng (giảm 68%), kim ngạch (giảm 67%), và giá (giảm 5/4%). Trong bảy tháng đầu năm 2019, Việt Nam mới xuất được hơn 300.000 tấn gạo sang Trung Quốc, gần như mất thị trường này, theo Bộ Công Thương.
Trung Quốc đã rớt ra ngoài danh sách nước nhập khẩu gạo lớn thứ 7 của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2019.
Ngoài ra, thịt lợn Việt, tưởng tận dụng được cơ hội Trung Quốc thiếu thịt nghiêm trọng do dịch tả heo, cũng không lọt qua được cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát tại khu vực biên giới, xây cả đài quan sát các đường ngang ngõ tắt tại đây.
Trung Quốc ‘khó tính hơn’
Nguyên nhân chính được cho là do chiến tranh thương mại với Mỹ khiến hàng Trung Quốc bị tồn đọng nhiều, phải tiêu thụ trong nước. Do đó Trung Quốc phải siết nhập khẩu hàng của các nước khác, “nhất là láng giềng Việt Nam”, theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group nói với tờ Pháp Luật TP Hồ Chí Minh (PLO) .
Trung Quốc đã cho phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng hậu quả là họ phải chi nhiều hơn cho nhập khẩu. Chính vì thế mà Trung Quốc “quay sang ép giá gạo Việt Nam”, theo nhận định của Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình trên PLO.
Thị trường Trung Quốc đã trở nên ‘khó tính hơn’. Bên cạnh những quy định đã có từ lâu mà thương nhân Việt, quen xuất hàng qua đường tiểu ngạch, vốn bỏ qua, nay thêm những quy định mới ‘bất khả thi’ với hàng Việt.
Chẳng hạn, Trung Quốc thậm chí yêu cầu Việt Nam phải nuôi heo tập trung ở khu vực sát biên giới và để nước này kiểm soát dịch bệnh rồi mới được xuất qua cửa khẩu. Ông Trương Đình Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói quy định này ‘bất khả thi’.
Nhưng dù phải ăn ‘quả đắng’, giới phân tích cho rằng đây là cơ hội để doanh nhân liên kết với nông dân để khai thác các thị trường mà Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đây cũng là lúc Việt Nam nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt phải chú trọng các khâu kiểm dịch, khử trùng.
Ngoài việc cần tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ thị trường cần gì thay vì nuôi trồng tràn lan không kế hoạch, rồi đến mùa là ‘ùn ùn mang lên biên giới’, dẫn đến các vụ giải cứu dưa hấu, dưa lê, xoài, táo… đã trở thành thông lệ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50162998

Vì sao dân “chửi”?

Diễm Thi, RFA
“Quan có thế nào thì dân mới thế chứ”
Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 22 tháng 10, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Thuận Hữu nêu nhiều lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội và lên tiếng rằng “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”.
Phát biểu của ông Thuận Hữu lập tức bị cư dân mạng “chửi” tiếp và chế lại chính câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng để chế giễu như “Mình phải có thế nào thì dân mới chửi chứ”…
Nhà báo Tôn Phi từ Sài Gòn đưa ra nhận xét về câu nói của ông Thuận Hữu:
“Nhà báo là một nghề mà thời cổ xưa người ta gọi là “nạp ngôn”. Dưới sông Dương Tử có một chức quan gọi là quan nạp ngôn đi ghi lại tất cả mọi lời nói của dân chúng và bản thân Vua cũng phải vi hành để ghi lại tất cả lời nói của dân chúng.
Người dân đang nói thật mà ông Thuận Hữu lại bảo như thế thì … phải như thế nào thì dân mới thế chứ, không phải tự nhiên họ chửi.”
Tuy nhiên Nhà báo Tôn Phi cũng nhìn nhận đôi khi người dân dùng từ ngữ mà ông gọi là “không văn minh cho lắm”, hay “những từ ngữ không có trong tự điển” dù nội dung câu chuyện thì đúng.
Không khó để nêu một vài phát ngôn của các công bộc khiến dân “chửi” được lan truyền trên mạng xã hội:
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ tuyên bố: Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường nhận định về nạn kẹt xe: Kẹt xe kéo dài ở TP. HCM chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn “chạy tội”: Ngộ độc thực phẩm phải lăn ra chết thì mới xử lý được…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải làm sao để “chưa đến Đà Nẵng chưa thể chết” hay “Làm sao mỗi người khách du lịch đến Lạng Sơn phải mua một con vịt quay mang về…”
Với những phát ngôn đại loại như vừa nêu thì thử hỏi làm sao người dân không dùng mạng xã hội để trút nỗi bực dọc hay như ông Thuận Hữu gọi là “chửi”.
Tư tưởng của ông này từ những năm chưa có internet, chưa có mạng xã hội mà lại cửa quyền, độc đoán. Nó đại diện cho bọn độc đoán và dốt nát bây giờ trong giới lãnh đạo. – Nhà báo Nguyễn Đình Ấm
Người ta cho rằng thay vì nói mạng xã hội chửi tràn lan cơ quan công quyền, tại sao ông chủ tịch Hội Nhà báo không có những ý kiến đóng góp cho chính phủ Việt Nam trong việc làm thế nào để giảm sai phạm trong quan chức, chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, đảng viên tha hóa đang tại vị, và nhất là nên “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói.
Ông Đoàn Bảo Châu lên tiếng trên facebook có tên Chau Doan về phát ngôn của ông Thuận Hữu, RFA xin được chia sẻ:
“Ông là chủ tịch hội nhà báo mà thủ cựu, kém hiểu biết như vậy thì chẳng trách báo chí đang mất dần uy tín với người đọc.
Xu thế của xã hội văn minh là tự do ngôn luận, công dân nào cũng có quyền phản biện, quyền phản ánh sự thật, quyền được truy cập và chia sẻ thông tin. Thông tin, sự thật như là tia hồng ngoại diệt vi trùng vi khuẩn tham nhũng, dối trá, ngăn chặn hành động chụp mũ những tiếng nói phản biện là “thế lực thù địch” là “phản động”, ngăn chặn hành động chà đạp nhân quyền của người dân.”
Còn nhà báo tự do Nguyễn Đình Ấm thì coi ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo VN là đại diện cho một tầng lớp gọi là “phong kiến quý tộc” hưởng rất nhiều ân huệ của đảng và Nhà nước nhưng lại rất xa rời dân và không biết tình hình xã hội như thế nào. Ông Nguyễn Đình Ấm nói thêm với RFA sáng 23 tháng 10:
“Tư tưởng của ông này từ những năm chưa có internet, chưa có mạng xã hội mà lại cửa quyền, độc đoán. Nó đại diện cho bọn độc đoán và dốt nát bây giờ trong giới lãnh đạo.
Ông này là Tổng biên tập Báo Nhân Dân, là báo được coi là “bảo hoàng” hạng nhất, tức nó phục vụ hoàn toàn cho đảng cộng sản chứ không có nhân dân gì cả.”
Vì sao quan chức ngày càng phát biểu ngớ ngẩn?
Không chỉ có những phát ngôn của các vị quan chức mà chúng tôi vừa nêu bên trên là bị nhân dân “chửi” mà ngay từ đầu năm học 2019-2020, vị Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên tiếng với truyền thông trong nước rằng năm nay ngành giáo dục phải xác định việc “dạy người’, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh ưu tiên hàng đầu”. Ông Nhạ nói câu này ý chỉ trước giờ ngành giáo dục không xác định việc “dạy người” vậy!
Chưa hết, tiếp sau đó, ông Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân lại phát biểu trước các học sinh với những lời lẽ “răn dạy” rằng, “Sau bằng đại học, cao đẳng, các em cần phải có bằng làm con hiếu thảo, làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ hạnh phúc”.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương nhận xét một cách công bằng rằng ngày xưa không có mạng xã hội thì người dân không có cơ hội bày tỏ những ý kiến của họ trước những phát ngôn của quan chức lãnh đạo đất nước như bây giờ. Bà cũng thẳng thắn công nhận rằng, tất nhiên không phải những bình luận của cư dân mạng đều đúng 100%, cũng có cái đúng có cái sai và bà cho đó là bình thường. Tuy nhiên bà không đồng tình với chữ “chửi” mà ông Thuận Hữu dùng. Bà nói:
Điều quan trọng là bây giờ quan chức Nhà nước không biết đâu là tiêu chuẩn của chân lý thì họ phát ngôn theo kiểu triết học cầu âu – tức là trúng trúng trật trật – chứ không có tiêu chuẩn nào cho chân lý cả. – Nhà báo Tôn Phi
“Người ta có thể khen, có thể chê, có thể phê bình góp ý… đó là hiện thực xã hội. Dùng từ “chửi” thì nó nặng nề quá, nó chỉ là sự bày tỏ.”
Cũng cùng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Nhà báo Tôn Phi cho rằng đa số người dân “chửi” đúng nhưng cũng có khi sai. Ông nêu ví dụ:
“Bản thân người dân cũng đánh đồng, chẳng hạn như trong ủy ban xã có khoảng 7 người họp nhau lấy đất của dân để bán nhưng dân chửi nguyên xi cả tốp nhân viên ủy ban 30 người là sai.”
Nhà báo Tôn Phi giải thích vì sao quan chức nói hay bị dân chửi:
“Những viên chức Nhà nước ngày nay không được học kinh điển dân tộc cho nên họ gặp vấn đề về ngôn ngữ, và điều quan trọng là bây giờ quan chức Nhà nước không biết đâu là tiêu chuẩn của chân lý thì họ phát ngôn theo kiểu triết học cầu âu – tức là trúng trúng trật trật – chứ không có tiêu chuẩn nào cho chân lý cả.”
Sau những phát biểu của quan chức các cấp được coi là hết sức ngớ ngẩn xảy ra ngày càng nhiều, Phó giáo sư Hoàng Dũng từ Sài Gòn lên tiếng với RFA rằng, không bàn về những phát ngôn của các quan chức nữa vì nó quá nhiều và quá ngớ ngẩn.
Vấn đề đáng nói là vì sao mà càng ngày càng nhiều câu phát biểu khiến dân chỉ biết phì cười như thế.
Ông cho rằng tất cả là do cơ chế, bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, người dân đâu có được tự do lựa chọn người có năng lực quản trị đất nước. Bầu cử chỉ là cho vui. Khi thiết chế dân chủ không được xác lập mà còn duy trì “đảng cử dân bầu” thì hiện tượng các quan chức phát biểu những câu thiếu suy nghĩ, phát biểu như cái máy sẽ còn tồn tại.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-people-swear-dt-10232019141234.html

Bùng nổ camera hay tham vọng mới “lộ diện”?

Hình thức tham nhũng mới?
Tỉnh ủy Vĩnh Long vào ngày 22/10 đã phải có cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan đến dự án “Cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông đường bộ tỉnh Vĩnh Long” với tổng kinh phí hơn 199,1 tỉ đồng cho 114 camera khiến dư luận xôn xao.
Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để… sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. - Lã Việt Dũng
Sở dĩ sự vụ ở tỉnh Vĩnh Long gây xôn xao dư luận vì trước đó, tỉnh Sóc Trăng, đã phải điều trần về chi phí lắp đặt 16 camera gần 1 tỷ đồng tại tư gia 16 cán bộ trong Ban Thường vụ. Và, nguồn kinh phí này lại được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng tỉnh Ủy.
Mặc dù ngay sau khi dự án được công bố khoảng 1 tuần thì các vị lãnh đạo tỉnh ủy Sóc Trăng đã trả lại số tiền mua camera lại ngân sách của tỉnh nhưng người dân trong cả nước vẫn còn hoang mang về dự án được cho là “đẻ” ra để “rút” tiền ngân sách là chính.
Sự vụ ở Sóc Trăng vừa ngưng thì Vĩnh Long lại công bố số tiền khủng đầu tư camera. Theo thông tin thì vị chi tiền mua một camera lên đến trên 1 tỷ đồng.
Liên tiếp 2 vụ việc ở Sóc Trăng và Vĩnh Long, dư luận lại bàn tán về đề án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung” mà Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM vừa trình lãnh đạo thành phố trong tháng 8. Theo Sở, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.
Nhận xét về việc tăng cường camera giám sát ngày càng nhiều ở các tỉnh thành, Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ:
“Theo tôi nghĩ lắp vào những nơi công cộng cũng tốt thôi, không ảnh hưởng gì nhiều, nhất là những nơi như bến xe, nhà ga, bến cảng hoặc những nơi sinh hoạt cộng đồng nên lắp để đảm bảo an ninh.”
Nhiều ý kiến trên các diễn đàn lại cho rằng sau khi hàng loạt dự án bị phanh phui sai phạm, hàng chục cán bộ lãnh đạo bị khởi tố do ‘tham nhũng’ khiến nhiều quan chức đang tại vị lo sợ, vì vậy, thay vì “vẽ” dự án khủng hàng nghìn tỷ đồng họ bắt đầu chuyển dịch sang dự án nhỏ hơn vài trăm tỷ đồng như lắp đặt camera tràn lan.
Từ Hà Nội, nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận định:
“Thực ra cái này không có gì mới, thường xuyên như vậy. Tất cả các dự án chi tiêu vào tiền ngân sách thì họ đều là công cụ để họ kiếm tiền thêm, có thể thấy như các tượng đài hay các công trình cổng chào, tất cả những dự án gì thì gần như đều đội giá lên rất nhiều. Đấy chắc chắn là công cụ để các quan chức trong các tỉnh kiếm (tiền). Còn vụ camera này họ còn kiếm mạnh hơn nữa bởi vì tôi thấy các dự án thông minh lắp các camera giám sát nó là chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới họ có ý định làm từ lâu rồi. Chắc chắn đây là một miếng bánh rất béo bở đối với họ.”
Chúng tôi có trao đổi với một doanh nghiệp lắp camera an ninh tại Sài Gòn để tìm hiểu về giá cả lắp đặt camera quan sát giao thông và được anh cho biết:
“Tùy theo loại camera hay độ phân giải của camera, hoặc vị trí lắp đặt. Nếu loại speedup khoảng 40-50 triệu cũng có, loại bình thường khoảng 1, 2 triệu. Nhận diện khuôn mặt thì mắc hơn, cần tích hợp phần mềm tích hợp nhận diện khuôn mặt nữa, khoảng tầm 50-60 triệu nữa.”
Vì vậy, theo Luật sư Hà Huy Sơn, dù việc lắp camera giám sát là một điều tốt, nhưng nếu so với những nhu cầu xã hội khác, việc này vẫn chưa thật sự cần thiết:
“Với khoản chi lớn như thế các tỉnh nên cân nhắc trong các nhiệm vụ cần phải chi, chẳng hạn như tiền đấy giành chi để đầu tư nâng cấp bệnh viện, trường học hay các công trình phục vụ an sinh xã hội có khi nó sẽ có ích, có hiệu quả hơn việc lắp camera quá tốn kém.”
Vẫn theo Luật sư Sơn, chính quyền cũng cần phải xem xét tới việc quyết định lắp ở địa điểm nào, có thể thông qua Hội đồng Nhân dân hay cũng nên xin ý kiến xã hội, trưng cầu ý kiến dân chúng. Đa số quyết định thế nào thì chính quyền dựa vào đó thực hiện.
Giám sát người dân?
Báo trong nước dẫn lời ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết dự án lắp camera tại Sài Gòn được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2019-2021 và giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Trong đó, các camera giám sát được kết nối dữ liệu về trung tâm hình ảnh giám sát camera tập trung của TPHCM, từ đó có thể giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…
Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, việc lắp camera này là mối nguy hại khá lớn đối với an ninh đất nước:
“Rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang học tập, thậm chí bê nguyên xi công nghệ của Trung Quốc về để tăng cường giám sát người dân qua các công cụ nhận diện khuôn mặt mà Trung Quốc gọi tên rất mỹ miều là ‘thành phố thông minh’. Bản chất đó là một giải pháp lắp rất nhiều camera và dùng các phần mềm, các công cụ trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt nhằm giám sát người dân. Tôi thấy đấy là một điều tốn tiền của.”
Với khoản chi lớn như thế các tỉnh nên cân nhắc trong các nhiệm vụ cần phải chi, chẳng hạn như tiền đấy giành chi để đầu tư nâng cấp bệnh viện, trường học hay các công trình phục vụ an sinh xã hội có khi nó sẽ có ích, có hiệu quả hơn việc lắp camera quá tốn kém. - LS. Hà Huy Sơn
Ngoài ra, ông Dũng cũng bày tỏ việc lắp camera này còn gây ra mối lo ngại về việc xâm phạm đời tư, cá nhân của con người. Ông tiếp lời:
“Tôi lo ngại họ dùng từ mỹ miều như để đảm bảo an ninh xã hội để làm 2 việc. Một là họ sẽ sử dụng nó như một công cụ để giám sát người dân, hạn chế hoạt động của những người nói ý kiến trái chiều với họ như dân oan hay những nhà hoạt động, theo dõi, giám sát người ta. Cái lo ngại thứ hai lớn hơn là thông tin công nghệ sử dụng sẽ ăn cắp những thông tin về khuôn mặt đó sẽ được đẩy qua Trung Quốc, như vậy gần như người dân Việt Nam không còn quyền riêng tư gì nữa cả.”
Trước đó, một số chùa tại Việt Nam đã lên tiếng cho biết bị an ninh gắn camera theo dõi trước cổng mặc dù không được sự cho phép của nhà chùa.
Nhiều nhà bất đồng chính kiến cho rằng việc gắn camera quan sát thực chất được xem như một hình thức theo dõi và “răn đe” vì trên thực tế, các trường học, trung tâm, bệnh viện, sân bay, nhiều cơ quan, đường phố… cũng đã được gắn camera, nhưng bạo hành và các hình thức nhũng nhiễu người dân vẫn không giảm.
Theo báo Nikkei Asian Review, các nhà quan sát quốc tế cảnh báo tại Hội nghị Internet toàn cầu lần 6 diễn ra ở Chiết Giang, Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang cố xuất khẩu mô hình kiểm duyệt internet, mạng xã hội của họ sang các nước tham gia sáng kiến “Vành đai, con đường”. Cũng tại hội nghị, Trung Quốc tuyên bố đến năm 2020, chính quyền sẽ hoàn thành lắp đặt 626 triệu camera theo dõi trên cả nước và gần như cứ 2 người dân thì có một camera…
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/camera-era-booms-or-new-ambition-appears-10232019134015.html

Tùy viên chính trị Đại sứ quán Mỹ

thăm Linh mục Đặng Hữu Nam

Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Jeremy Spector, vào ngày 23 tháng 10 có cuộc viếng thăm linh mục Đặng Hữu Nam và thân nhân của một số tù nhân lương tâm tại Nghệ An.
Cuộc gặp diễn ra tại giáo xứ Mỹ Khánh do Linh mục Đặng Hữu Nam quản nhiệm. Trong sự kiện Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển năm 2016,  linh mục Đặng Hữu Nam đã ít nhất 2 lần tham gia đoàn giáo dân từ Nghệ An đến tòa án huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nộp đơn để kiện công ty của Đài Loan ra tòa nhưng bị ngăn cản, thậm chí có giáo dân còn bị đánh đập.
Linh mục Đặng Hữu Nam cho RFA biết vào tối 24 tháng 10:
“Trong dịp này tùy viên đại sứ Hoa Kỳ đến thăm khu vực miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An, thăm Giám mục hai tòa Vinh và Hà Tĩnh và thăm tôi tại Giáo xứ Mỹ Khánh và cũng có nhã ý muốn thăm các gia đình tù nhân trên địa bàn miền Trung. Tôi cũng mời các gia đình đó đến Giáo xứ Mỹ Khánh để gặp gỡ. Họ làm việc với tôi từ sáng tới chiều ngày 23/10.”
Tin cho biết trong cuộc làm việc linh mục Đặng Hữu Nam và người thân của những tù nhân lương tâm trình bày về những điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Do đó sau khi kết thúc ngày làm việc, linh mục Đặng Hữu Nam trao cho ông Jeremy Spector một Kiến nghị thư gồm 10 điểm.
Một số điểm cụ thể gồm đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước Cần quan tâm Đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo, nhân quyền, gọi tắt theo tiếng Anh là CPC. Yêu cầu trả tự do cho các tù nhân lương tâm, yêu cầu Việt Nam thay đổi luật đất đai trao cho dân và tôn giáo quyền sở hữu đất đai. Buộc Việt Nam phải thực hành cam kết nhân quyền đã ký kết. Chế tài quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo và đàn áp người dân.
Linh Mục Đặng Hữu Nam cho biết thêm:
“Trong cuộc nói chuyện tôi cũng nói với tùy viên chính trị đại sứ quán Mỹ rằng chúng tôi không thể trút gánh nặng của nước Việt lên vai của người khác và tôi cũng biết rằng chính người Việt Nam mới là người chủ động và quan trọng nhất, nhưng tất nhiên sự lên tiếng và cộng tác và áp lực của bên ngoài thế giới và những chính phủ dân chủ đếu có giá trị riêng, và đó là niềm hy vọng cho người dân Việt chúng tôi.”
Như trình bày của linh mục Đặng Hữu Nam, Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ, Jeremy Spector, trước khi đến làm việc tại giáo xứ Mỹ Khánh với linh mục Đặng Hữu Nam và các gia đình tù nhân lương tâm, đã có chuyến thăm đến hai tòa giám mục Hà Tĩnh và Xã Đoài.
Mục tiêu của chuyến thăm được cho biết nhằm tìm hiểu việc vi phạm nhân quyền, đặc biệt quyền tự do tôn giáo tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-embassy-politics-attache-met-w-father-danghuunam-10242019084747.html

Tàu Hải quân Ấn Độ sắp đến thăm Đà Nẵng

Tàu Hải quân Ấn Độ, INS SAHYADRI sắp thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng từ ngày 29/10 tới ngày 1/11 tới, trong khuôn khổ việc triển khai hoạt động liên tục của Hải quân Ấn Độ tới khu vực Đông Nam Á. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 24/10.
Theo truyền thông trông nước, chuyến thăm sẽ bao gồm hoạt động trao đổi chuyên môn giữa hải quân hai nước, chào xã giao và tiếp xúc với các lãnh đạo đại diện chính phủ Việt Nam, tham quan cho tuyền viên Ấn Độ và giao lưu thể thao. Hai bên đồng thời cũng sẽ tổ chức luyện tập chung.
Ân Độ là một trong các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ năm 2016.
Các đoàn quân sự cấp cao hai nước đã có những chuyến thăm hữu nghị trong các năm qua. Tham mưu trưởng của cả ba quân chủng Ấn Độ đã tới thăm Việt Nam. Tư lệnh Hải quân Việt Nam và quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam cũng đã tới thăm Ấn Độ vào năm 2018.
Việt Nam mới đây đã đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc từ Ấn Độ để bổ sung cho lực lượng Biên phòng của Việt Nam. Theo báo giới Ấn Độ, toàn bộ kinh phí dự án đóng tàu nằm trong khuôn khổ gói tín dụng chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2016, nhân chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố khoản tín dụng 500 triệu đô la cho Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Ấn Độ cũng là nước có hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông. Trong thời gian tàu hải cảnh Trung Quốc vào quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của liên doanh giữa Việt Nam, Nga và Ấn Độ vừa qua, Việt Nam liên tục báo cáo cho phía Ấn Độ về tình hình căng thẳng ở Bãi Tư Chính. Ấn Độ cũng khẳng định các hoạt động khai thác dầu khí của công ty ONGC vẫn diễn ra bình thường.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/indian-warship-visit-danang-10242019095823.html

Nếu còn trọng chữ tín thì hãy tuyên bố từ chức

Trân Văn
Print
Nếu ông Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Công Thương) là một người trọng chữ tín, công chúng sắp thấy ông tuyên bố từ chức! Còn không thì sao?..
***
Khoảng giữa năm 2016, dù sự kiện nước thải của nhà máy thép thuộc Tập đoàn Formosa hủy diệt vùng biển phía Bắc miền Trung vẫn còn rất nóng, chính phủ Việt Nam tiếp tục làm dân chúng bàng hoàng khi bổ sung dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná (Ninh Thuận) của Tập đoàn tôn Hoa Sen vào qui hoạch ngành thép.
Tuy Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen hứa với Thủ tướng Việt Nam sẽ “giao hết tài sản nếu để xảy ra sai phạm về môi trường” nhưng tháng 11 năm đó, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự bất an về quy hoạch ngành thép. Họ nhấn mạnh, quy hoạch ấy vi phạm điều mà ông Phúc đã cam kết với dân chúng: Không đổi môi trường lấy dự án!..
Ông Trần Tuấn Anh đã bác bỏ tất cả các khuyến nghị vì: Việt Nam thiếu… thép. Phải phát triển các doanh nghiệp tầm vóc quốc gia. Quy hoạch ngành thép được soạn – lập một cách khoa học, cẩn trọng. Ngoài Tập đoàn tôn Hoa Sen, sắp tới sẽ có Tập đoàn Hòa Phát xây dựng một nhà máy thép ở Dung Quất (Quảng Ngãi)…
Bất lực trong việc khuyên can, một đại biểu Quốc hội tên là Lưu Bình Nhưỡng ráng vớt vát: Các đại biểu Quốc hội khuyến nghị vì không muốn có bất cứ hệ luỵ nào đối với nhân dân, với đất nước. Liệu ông Trần Tuấn Anh có dám cam kết, nếu có hệ luỵ nào xảy ra, ông sẽ nhận trách nhiệm và xin từ chức hay không (1)?
Vào thời điểm đó, ông Trần Tuấn Anh không trả lời yêu cầu của ông Lưu Bình Nhưỡng vì… hết giờ, song sau đó, qua báo chí, ông tuyên bố, ông không ngại từ chức (2)! Nếu hệ luỵ xảy ra ở một dự án và liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương, ông sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí vì là Bộ trưởng ông sẽ chịu trách nhiệm cao hơn.
Tuy ông Trần Tuấn Anh tỏ ra rất khẳng khái trong việc sẵn sành nhận trách nhiệm nhưng ông Phúc vẫn ra lệnh tạm dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy thép tại khu vực Cà Ná của Tập đoàn tôn Hoa Sen. Các chuyên gia kinh tế và môi trường đã chỉ ra nhiều yếu tố đáng ngại cho cả kinh tế lẫn môi trường mà chính phủ không dám bỏ qua (3)!..
***
Đầu tuần này, hôm 22 tháng 10 năm 2019, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức một buổi đối thoại giữa dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn với đại diện Tập đoàn Hòa Phát, chủ đầu tư “siêu dự án thép”, tọa lạc trong Khu Kinh tế Dung Quất. Đại diện Hòa Phát đã chính thức nhận lỗi, hi vọng dân chúng hạ hỏa…
Phân tích, khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, môi trường, phản ứng của dân chúng, đại biểu Quốc hội về qui hoạch ngành thép chỉ cản được dự án xây dựng nhà máy thép ở Cà Ná. Đầu năm 2017, chính phủ Việt Nam vẫn gật đầu cho Hòa Phát xây dựng “Khu liên hợp sản xuất gang thép” ở Dung Quất, trị giá 60.000 tỉ, công suất 4 triệu tấn/năm (4).
Từ cuối năm 2017 đến nay, “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất đã trở thành ác mộng của dân chúng địa phương. Hết vì “đá chạy, cát bay” do dùng mìn phá núi sát các khu dân cư, đường sá nát bấy vì xe vận tải ra vào liên tục, mùa khô thì bụi mịt mù, mùa mưa thì lầy lội…
Đó là chưa kể đến chuyện chưa bồi thường, dân chưa giao đất nhưng Tập đoàn Hòa Phát đã tổ chức đào xới, san ủi, kể cả san ủi mồ mả… Từ đầu tháng 8 đến nay, dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã bao vây “Khu liên hợp sản xuất gang thép” của Tập đoàn Hòa Phát ở Dung Quất… bốn lần!
Chẳng riêng dân, ở buổi đối thoại vừa kể, ngay cả Bí thư huyện Bình Sơn cũng sẵng giọng, yêu cầu Hòa Phát đừng hứa suông và phải tự xét xem vì sao dân chúng chỉ chống Hòa Phát chứ không cản trở những doanh nghiệp khác cũng đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất như Hòa Phát (5)?..
Dẫu đang trong giai đoạn xây dựng, chưa sản xuất được mẻ thép nào nhưng hai năm vừa qua, rõ ràng “siêu dự án thép” của Hòa Phát ở Khu Kinh tế Dung Quất đã gây ra nhiều chứ không phải một… hệ lụy. Cuộc đối thoại giữa đại diện Hòa Phát với dân chúng xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi giống như buổi… tổng kết các… hệ lụy!
***
Cứ như những gì ông Trần Tuấn Anh đã tuyên bố hồi cuối năm 2016. Nào là: Không riêng dự án thép của Tập đoàn tôn Hoa Sen ở Cà Ná, nhiệm vụ của một Bộ trưởng là phải bảo đảm không để xảy ra bất kỳ thiệt hại và hệ lụy nào! Nào là: Sẵn sàng chịu trách nhiệm cao hơn!… Có lẽ chỉ nay mai, nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ khuyết một Bộ trưởng đang điều hành Bộ Công Thương?
Chưa hết, ngoài vai trò Bộ trưởng Công Thương, ông Trần Tuấn Anh còn là đại diện cho dân chúng Quảng Ngãi tại Quốc hội. Để dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bị Hòa Phát đẩy đến chỗ chưa đến ba tháng phải bao vây “Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát – Dung Quất” bốn lần, dám ông Anh sẽ xin thôi làm đại diện của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội?
Nếu ông Anh tự thấy không xứng đáng làm Bộ trưởng và từ nhiệm, rồi tự vấn và xấu hổ mà xin thôi làm người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của dân Quảng Ngãi ở Quốc hội, sẽ chẳng ai ngăn được ông xin rút ra khỏi BCH TƯ đảng CSVN khóa 12! Quy hoạch nhân sự chủ chốt cho BCH TƯ đảng CSVN khóa 13 chắc chắn sẽ bị xáo trộn!
Còn ông Trần Tuấn Anh không từ chức thì sao? Chẳng sao cả! Cách nay ba năm, bên cạnh tuyên bố sẵn sàng từ chức, sẵn sàng nhận trách nhiệm cao hơn vì là Bộ trưởng, ông Trần Tuấn Anh có đính kèm điều này: Tôi là đảng viên của đảng, tôi thực hiện nhiệm vụ của mình cũng là theo sự phân công của đảng (6)!
Nói cách khác, tuy ông Trần Tuấn Anh sẵn sàng từ chức, không ngại nhận trách nhiệm khi các dự án nói chung và dự án thép nói riêng có… hệ lụy nhưng ông không hành động như ông đã tuyên bố, không phải vì ông không tôn trọng chữ tín mà là vì đảng không… phân công ông đứng ra nhận trách nhiệm hay từ chức!
Tương tự, những tuyên bố kiểu như: Không đánh đổi môi trường lấy dự án! Không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông!… Không thế này… không thế kia… không bao giờ đúng nhưng không ai xấu hổ, không ai bận tâm và tiếp tục đưa ra vô số tuyên bố khác là vì đảng ta chỉ thạo lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối chứ chưa… thí điểm nhận sai!
Chú thích
(1) https://news.zing.vn/bo-truong-co-dam-tu-chuc-neu-thep-ca-na-gay-he-luy-post697945.html
(2) https://tuoitre.vn/bo-truong-cong-thuong-san-sang-chiu-trach-nhiem-neu-thep-ca-na-co-he-luy-1245043.htm
(3) https://tbck.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-toi-khong-e-ngai-chuyen-tu-chuc-27125.html
(4) https://tuoitre.vn/chinh-phu-dong-y-cho-hoa-phat-lam-du-an-thep-dung-quat-1257448.htm
(5) https://tuoitre.vn/hoa-phat-dung-quat-xin-loi-dan-20191022202013672.htm
(6) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/thep-ca-na-bo-truong-bo-cong-thuong-san-sang-chiu-trach-nhiem-truoc-dan-349496.html
https://www.voatiengviet.com/a/tran-tuan-anh-bo-truong-cong-thuong/5137590.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.