Tin Biển Đông – 24/10/2019
Biển Đông: Tàu Hải Dương Địa Chất 8
rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế VN
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt phân tích lý do Trung Quốc rút tàu Hải Dương Địa chất 8
Reuters dẫn dữ liệu từ trang web chuyên theo dõi các hoạt động của tàu thuyền trên biển đưa tin cho hay, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát ở đây.
Tin cho biết tàu này rời đi sáng 24/10 với sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác, theo dữ liệu từ Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh leo thang khi Trung Quốc cử tàu đến khảo sát ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam này từ đầu tháng Bảy.
Trong tháng Tám, sau hơn một tháng hoạt động thăm dò địa chất thềm lục địa khu vực trầm tích Tư Chính, tàu này cập bến Đá Chữ Thập (Fierry Cross) và Đá Subi vài ngày để lấy nhiên liệu và thay thủy thủ đoàn, rồi lại quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đá Chữ Thập vốn là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Trên thực tế, Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát nơi này kể từ 1988.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên.
Reuters cũng nói là họ đã gửi email yêu cầu Bộ này bình luận nhưng hiện chưa nhận được hồi đáp.
TS. Hà Hoàng Hợp bình luận khả năng VN thay đổi chính sách quốc phòng sau vụ bãi Tư Chính.
Trong khi đó, hồi tháng 8, một cuộc biểu tình của những người phản đối hành động trên của Trung Quốc dự tính tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, nhưng đã bị nhà cầm quyền dẹp bỏ.
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 24/10, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng Trung Quốc đã đạt được đa mục tiêu sau ba tháng triển khai các hoạt động của tàu thăm dò địa chất này, cùng với đội tàu hộ tống, áp tải.
Nhà nghiên cứu đưa ra phân tích và cho rằng Trung Quốc rút tàu còn có lý do cân nhắc tam giác quan hệ an ninh Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, đặc biệt trong tình hình Mỹ có các điều chỉnh trên bàn cờ an ninh chiến lược quốc tế, mà trong nội bộ Việt Nam có sự nhận thức mới.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp và vũ khí ‘cuối cùng’, ông Hoàng Việt nhấn mạnh với BBC ngay trước thềm Bàn tròn thứ Năm từ London mà sẽ đề cập diễn biến mới này tối hôm 24/10 theo giờ Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thành viên Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cũng là nghiên cứu viên cao cấp Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết, Trung Quốc không muốn bất kỳ công ty nào ngoài ASEAN khoan dầu ở Biển Đông.
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói về Hội thảo về vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế
Ông Hợp cũng cho biết Trung Quốc chỉ rút tàu sau khi giàn khoan dầu Hakuryu 5 của Nhật Bản hoàn thành việc khoan tại khu vực lô 06.1, do công ty dầu khí Rosneft của Nga vận hành.
Cũng từ tháng Bảy, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng hoạt động quanh khu vực có giàn khoan nói trên, theo dữ liệu từ trang web Marine Traffic.
“Trung Quốc quyết tâm gây sức ép để Việt Nam nhằm chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực,” ông Hợp được Reuters dẫn lời cho biết.
Năm ngoái, Việt Nam đã tạm dừng dự án khoan dầu đã cấp phép cho tập đoàn Repsol ở lô Cá Rồng Đỏ ngoài khơi bờ biển Đông Nam cũng vì áp lực từ Trung Quốc, theo các nguồn tin quốc tế.
Còn một công ty con của Rosneft gần đây cũng lo rằng, việc vận hành khoan dầu tại đây có thể khiến Trung Quốc nổi giận.
TS. Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận thực chất việc TQ điều tàu trở lại Bãi Tư Chính.
Tuần trước, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội rằng, Việt Nam sẽ “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.”
Biển Đông cũng nằm trong nghị trình bàn thảo kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu về việc “phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra.”
Còn Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10 thì nói rằng, các đảo ở Biển Đông là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại,” ông này tuyên bố.
“Có vẻ như Trung Quốc sẽ cử một giàn khoan đến khu vực mà Hải Dương Địa Chất 8 đã thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,” ông Hợp nói, theo Reuters.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, RAND Corporation, hôm 20/10 cũng nói với BBC News Tiếng Việt rằng, trong tương lai gần, rất khó hình dung đến một kịch bản mà trong đó, Trung Quốc lại quyết định rút hoàn toàn khỏi Bãi Tư Chính.
Bắc Kinh sẽ đưa giàn khoan vào khu vực
Bãi Tư Chính sau khi rút tàu nghiên cứu?
Tin từ Việt Nam, ngày 24/10/2019: Một số chuyên gia quốc tế dự báo Trung Cộng có thể sẽ đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực Bãi Tứ Chính trong thời gian tới, sau khi rút tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng ít nhất hai tàu hộ tống khỏi khu vực này vào ngày 24/10.
Dự báo trên được đưa ra bởi Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) và Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore. Ý kiến này trùng hợp với nhận định của ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á-Thái Bình Dương, RAND Corporation
Dẫn lời ông Hợp, BBC viết rằng Trung Cộng không muốn bất kỳ công ty nào ngoài ASEAN khoan dầu ở Biển Đông, và đưa giàn khoan của mình vào khu vực Bãi Tứ Chính, sau khi sử dụng tàu nghiên cứu địa chất cày nát khu vực này từ đầu tháng 7 tới nay.
Bắc Kinh sẽ không từ bỏ kế hoạch chiếm trọn Biển Đông với đường lưỡi bò bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Cộng càng trở nên hung hăng, khi Việt Nam phản ứng yếu ớt bằng những lời tuyên bố chiếu lệ của Bộ Ngoại giao trong khi ban lãnh đạo cao cấp người thì im lặng, kẻ thì không dám nhắc đến tên Trung Cộng như một kẻ đang xâm phạm chủ quyền của quốc gia.
Tuổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10, bộ trưởng quốc phòng Trung Cộng Nguỵ Phượng Hoà đã nói trước mặt nhiều khách mời ngoại quốc rằng các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Cộng. Trong số khách mời đó có bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, vốn xuất thân là một sỹ quan tuyên giáo. Cũng giống như cấp trên của y, ông Lịch chỉ dám đề nghị các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng con đường hoà bình, mà không một lời khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Quốc Tuấn
Giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật
rời khỏi khu vực gần Bãi Tư Chính
Tin Vietnam.- Trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông loan tin, sáng ngày 23 tháng 10 năm 2019, giàn khoan Hakuryu-5 thuộc công ty khoan Nhật Bản đã rời khỏi lô 06.1 bể Nam Côn Sơn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, gần khu vực bãi tư Chính- Vũng Mây.
Đây là giàn khoan do công ty Rosneft của Nga thuê để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại lô 06.1, nằm phía tây bắc bãi Tư Chính. Theo Dự án Đại sự ký Biển Đông, giàn khoan Hakuryu-5 đã bắt đầu thực hiện di chuyển vào ngày 22 tháng 10 để về Vũng Tàu.
Bình luận về sự kiện này, trên trang youtube của nhà báo tự do Phạm Trung Khoa- chủ trang thoibaode- cho rằng hành động rút giàn khoan khỏi khu vực trên trong lúc Trung Cộng đang tăng cường xâm lấn ở khu vực Bãi Tư Chính chính là việc nhượng bộ về mặt chủ quyền của nhà cầm quyền CSVN. Còn trang Dự án Đại sự ký Biển Đông cho biết, việc rút giàn khoan Hakuryu-5 về Vũng Tàu được thực hiện sau khi đã hoàn thành khoan được một giếng dầu mới.
Về phía Trung Cộng, thì tàu hải cảnh 31302 đã rời khỏi khu vực, và nhập vào đoàn hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8, còn tàu hải cảnh 5403 thì có vẻ như đang đeo bám theo sự chuyển động của giàn khoan Hakuryu 5. Đến 6 giờ sáng ngày 24 tháng 10, trang Dự án Đại sự ký Biển Đông thông báo, dường như nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang rút về khu vực đảo Hải Nam.
An Nhiên
Thư tịch cổ TQ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa
là của Việt Nam: Người Trung Quốc cổ đại
thật thà, liêm chính hơn
Trong rất nhiều tài liệu, thư tịch cổ của Trung Quốc đều khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và cương vực lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Điều này cho thấy, người Trung Quốc cổ đại thật thà, không gian xảo như một số kẻ nhận vơ cái gọi là “chủ quyền do tổ tiên để lại”ở Biển Đông.
Bản đồ Hoa Di đồ từ năm 1136 thể hiện rõ lãnh thổ phía Nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ độ 15045′ đến 17015′ Bắc, kinh độ 1110đến 1130 Đông, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý; là một quần đảo đá san hô, cồn, bãi cát gồm hơn 30 hòn đảo, nằm trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 100 hải lý, từ Bắc xuống Nam khoảng 85 hải lý, diện tích chừng 15.000km2.
Quần đảo Trường Sa nằm ở vĩ độ 6050′ đến 120 vĩ Bắc, kinh độ 11103′ đến 11702′ Đông, gồm trên 100 đảo đá, cồn san hô, bãi cạn, bãi ngầm nằm rải rác trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000km2, diện tích phần nổi thường xuyên khoảng 10km2, cách tỉnh Khánh Hoà 248 hải lý.
Tài liệu, thư tịch cổ Trung Quốc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Các thư tịch cổ của Trung Hoa chưa từng thừa nhận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của nước này, đồng thời trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, cụ thể:
Các sách lịch sử và địa lý của Trung Quốc từ thời nhà Tần tới khi nước CHDCND Trung Hoa ra đời (1949) không đề cập đến hai quần đảo này. Theo đó, sau khi thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng tiến hành xâm lược Văn Lang – Âu Lạc năm 214 trước Công nguyên và thất bại. Tuy nhiên quân Tần chỉ gây chiến ở khu vực phía Bắc Sông Hồng do đó chúng không thể vượt Biển Đông để đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến thời nhà Hán, sau khi xâm lược thành công nước Âu Lạc, bên cạnh quận Giao Chỉ và Cửu Chân được nhà Triệu lập năm 179, nhà Hán lập ra quận Nhật Nam (bắt đầu từ Hoành Sơn – Quảng Bình đến Quảng Nam, Bình Định ngày nay). Tuy năm giữ chủ quyền trên đất liền nhưng nhà Hán không có thế lực gì trên khu vực biển dưới 20 độ vĩ Bắc. Từ năm 40 sau Công nguyên, nhân dân Giao Chỉ dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và giành độc lập vào năm 43 sau Công nguyên.
Nước Chiêm Thành (do nhân dân Nhật Nam khởi nghĩa và giành thắng lợi) là quốc gia phát triển hùng mạnh trên khu vực Biển Đông. Hoàng Sa và Trường Sa là địa bàn sinh sống của người Chăm, đồng thời cũng là chủ sở hữu của hai quần đảo này. Do đó, khi lãnh thổ của đất nước Chămpa sáp nhập vào nước Việt thì đồng nghĩa là người Việt đã thừa kế lại quyền chiếm hữu của người Chăm đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến thời nhà Đường, sách “Tư di lộ trình” của Giã Đam (nhà Đường, từ 785-805) ghi lại đường biển từ Quảng Châu đến Một Lai, tuy nhiên không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến thời nhà Minh, trong cuốn “Vũ bị chí” – Mao Nguyên Nghi, Biển Đông được gọi là Giao Chỉ Dương. Trên các bản đồ Trịnh Hòa hạ Tây Dương, Trịnh Hòa hàng hải đồ cũng không thấy ghi chép các danh xưng Hoàng Sa, Trường Sa trong các lộ trình và hải đạo của Trịnh Hòa sau 7 lần đi qua Biển Đông để khai phá Ấn Độ Dương.
Đến thời nhà Tống, cuốn “Lĩnh ngoại đại đáp” -Châu Khứ Phi xác nhận: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) tọa lạc lại Giao Chỉ Dương”; “Chư Phiên Đồ” thời Tống cũng xác định giới hạn lãnh thổ của Trung Quốc với các nước khác ở Giao Dương (tức Giao Chỉ Dương). Giao Chỉ Dương chính là khu vực Vịnh Bắc Bộ ngày nay, trong khi đó Hoàng Sa và Trường Sa còn cách xa hàng trăm dặm về phía Nam. Đến thế kỷ XII, sử gia Triệu Nhữ Quát đời Tống trong cuốn “Chư phiên chí” xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quân (Nam Việt) và đặt ra hai quân Châu Nhai và Đạm Nhĩ (đảo Hải Nam). Sách này cũng cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Trường Sa) là “nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Quốc không nên đến gần”. Nhan đề sách là “Chư phiên chí”, nghĩa là chép chuyện các phiên quốc, nước ngoài. Vạn Lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên Biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
Đến đời nhà Thanh, trong cuốn “Hải ngoại ký sự” viết năm 1696, Thích Đại Sán – một nhà sư thời Khang Hy đến đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn năm Ất Hợi (1695) mô tả vị trí Vạn Lý Trường Sa là “cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Thời Quốc vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào bờ”. Một trang trong cuốn Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán thuật lại chuyến du hành tới Đàng Trong, thừa nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Đại Việt. Đây là sự ghi nhận chủ quyền của Đại Việt trong kiểm soát và khai thác vùng Biển Đông, nơi tọa lạc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bởi lẽ, Hải ngoại ký sự là do người Trung Quốc viết về những điều được biết đến ở nước ngoài, chứ không phải viết về Trung Quốc. Đến thế kỷ XVIII, trong cuốn “Hải quốc văn kiến lục” của Trần Luân Quýnh, vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông dược ghi bằng các danh xưng Việt Hải và Việt Dương. Đến thế kỷ XIX,
trong bộ Hải quốc đồ ký, cuốn Hải lục của Vương Bỉnh Nam chép: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”. Như vậy, tư liệu này của Trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Đáng chú ý, trong bộ sách địa lý “Đại Thanh nhất thống chí” do Quốc sử quán nhà Thanh biên soạn năm 1892, lời tựa của Hoàng đế Thanh Tuyên Tôn không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa).
Ngoài ra, các bản đồ hành chính cổ của Trung Quốc cũng không hề xuất hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể: Bức địa đồ “Cửu vực thú lệnh đồ” (đời Tống), các cuốn địa đồ như “Thiên hạ thống nhất chi đồ” (Đại Minh Nhất thống chí – 1461), “Quảng Dư đồ” (La Hồng Tiên – 1541)… được thực hiện theo chủ trương của chính quyền trung ương các đời đều khẳng định cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trong “Dư địa đồ” đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng dư đồ của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561, phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Bản đồ “Hoàng Thanh Nhất thống chí” của triều nhà Thanh ấn hành 1894 cho thấy đến cuối thế kỉ XIX, “lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”. Bản đồ “Đại Thanh Đế quốc” do triều đình nhà Thanh ban hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (kể cả theo các cách gọi của Trung Quốc như: Tây Sa, Nam Sa, Vĩnh Lạc, Tuyên Đức…). Đáng chú ý, Bộ “Đại Thanh nhất thống toàn đồ” đang được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Australia là tập bản đồ gồm 21 phần thể hiện đầy đủ nhất toàn cảnh và các địa phương của Trung Quốc thời cận đại. Trong đó, phần Quảng Đông toàn đồ và Thanh sử cảo không hề thể hiện trên bản đồ hay dòng chữ nào mô tả về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những vậy, hai bức “Duyên hải thất tỉnh khẩu ngạn hiểm yếu đồ” (các nơi hiểm yếu ở 7 tỉnh ven biển) niên đại năm 1887 và “Thất tỉnh duyên hải toàn dương đồ” (toàn bộ vùng biển của 7 tỉnh duyên hải) xuất bản đời vua Quang Tự cho thấy, vùng biển Nam Trung Quốc không vượt quá 18 độ vĩ Bắc. Địa đồ quân sự “Quảng Đông thủy sư doanh quan binh trú phòng đồ” (các đồn biên phòng của thủy quân Quảng Đông) niên đại sau năm 1866 thể hiện chi tiết về núi sông, đảo dư… ghi rõ các nơi giáp với vùng biển Giao Chỉ.
Đến thời Trung Hoa dân quốc vào năm 1919 có hàng loạt bản đồ do Trung Quốc vẽ vừa được triển lãm rộng rãi, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) đã gây ấn tượng mạnh cho người xem cả trong và ngoài nước. Càng bất ngờ hơn khi trênn bộ Atlas được in trong trong sách Trung hoa Dân quốc Bưu chính dư đồ, xuất bản năm 1933 cũng hoàn toàn không có hai quần đảo này. Như vậy là căn cứ trên những bản đồ chính thức này thì chí ít đến tận những năm 30 của thế kỷ XX, địa giới cực Nam của Trung Quốc khi ấy chỉ là đảo Hải Nam.
Như vậy, qua các tài liệu lịch sử cổ, thư tịch cổ của Trung Quốc, bao gồm cả các sách địa lý, lịch sử và địa đồ hành chính cổ đã trực tiếp và gián tiếp cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hòa bình và liên tục, không có sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào kể cả Trung Quốc.
Những tư liệu phương Tây về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Từ thế kỷ XVI đến nay, đã có rất nhiều tư liệu lịch sử (sách, bản đồ…) của phương Tây công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cụ thể:
Trước hết là sự kiện chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonexia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634. Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracel, sau đó cử 1 nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa Nguyễn đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và đổi lấy 4 thùng bạc.
Đến năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XVII – đầu XIX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay (tức vua Gia Long) đã lên ngôi hoàng đế gồm Đàng Trong cũ (Cochinchina ), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng”.
Năm 1837, giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông … Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm
1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông”. Ở đây J. L. Taberd nhắc đến sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ chứ ngay từ khi mới lên ngôi (1802). Một năm sau, giám mục Jean Louis Taberd công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel.
Vào năm 1849, Tiến sỹ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về Địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, có đoạn nói về Hoàng Sa như sau:“…Quần đảo Paracel (Kat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ Bắc và 111 đến 113 độ kinh Đông… Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua…Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…”.
Giữa thế kỷ XIX, nhà địa lý học Italia nổi tiếng Adriano Balbi phát hành cuốn Địa lý đại cương, trong đó mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: “Thuộc Vương quốc này có quần đảo Paracels (Hoàng Sa), nhóm đảo Pirati (đảo Hải tặc) và nhóm đảo Poulo Condor (Côn Đảo)” . Trong khi đó, đoạn mô tả về địa lý Trung Hoa, mặc dù rất dài, tác giả không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Luật pháp quốc tế đương đại thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm nhiều đảo đá san hô rất nhỏ ở giữa Biển Đông. Hiện hai quần đảo đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 có thể thấy: Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Quảng Ngãi 135 hải lý và đảo Hoàng Sa (Pattle) chỉ cách lục địa Việt Nam 160 hải lý. Vì vậy, quần đảo Hoàng Sa nằm trong thềm lục địa của Việt Nam được quy định bởi Công ước về Luật Biển năm 1982. Về mặt địa chất, các nghiên cứu khoa học đều cho thấy quần đảo Hoàng Sa là một thành phần của Việt Nam. Về địa hình, đáy biển vùng quần đảo Hoàng Sa là một cao nguyên chìm dưới đáy biển nối tiếp liên tục lục địa Việt Nam. Tại quần đảo Trường Sa cũng vậy, về mặt địa chất và địa hình đáy biển các đảo Trường Sa là sự tiếp nối tự nhiên của lục địa Việt Nam từ đất liền ra ngoài biển. Hơn nữa, bãi Tư Chính và đảo Trường Sa (Spratly) chỉ cách đất liền Việt Nam từ 150 đến 200 hải lý, nằm trong thềm lục địa của Việt Nam.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông năm 2019:
Diễn biến, triển vọng và thách thức
Trong năm 2019, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tích cực thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc và hữu hiệu. Dưới sự nỗ lực của các bên liên quan, COC bước đầu đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để có một COC mang tính ràng buộc pháp lý trong thời gian tới.
Diễn biến về COC trong năm 2019
Ngay từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (17-18/1) tại Chiang Mai, Thái Lan. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục trao đổi về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh dù đã có một số tiến triển, song tình hình thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết: “Các Bộ trưởng mong rằng sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức để đạt được lần rà soát đầu tiên của dự thảo văn bản đàm phán COC. Sau khi có lần rà soát này thì hy vọng sẽ đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan và rốt cuộc dẫn đến việc hoàn tất đàm phán COC”.
Trong khi đó, tại Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM, 6-8/3) được tổ chức tại thành phố Chiang Rai (Thái Lan), Hội nghị ghi nhận những tiến triển trong tiến trình thương lượng COC, đã tạo đà thuận lợi để hai bên có thể hoàn tất vòng thương lượng thứ nhất văn bản COC trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8/2019.
Từ 17-18/5/2019, ASEAN và Trung Quốc tổ chức Hội nghị trao đổi về việc thực hiện DOC và đàm phán COC. Trước đó, Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC cũng đã họp từ 16-17/5/2019. Tại các cuộc họp này, các bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, kiểm điểm thực hiện DOC và tiếp tục đàm phán về COC. Các nước cho rằng tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Việt Nam tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Hội nghị ghi nhận công việc của Nhóm Công tác chung, hoan nghênh tiến triển trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC, cho rằng tiến trình này đang được triển khai đúng lộ trình, hướng tới hoàn tất vòng rà soát đầu tiên trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao.
Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 (22-23/6) cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành nhanh chóng các cuộc đàm phán bản dự thảo COC để “giảm các căng thẳng và nguy cơ các tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lệch. Bản Tuyên bố cho biết “Chúng tôi hoan nghênh nồng nhiệt những sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc và được khích lệ từ những cuộc đàm phán lâu dài đã dẫn đến những kết luận sớm”. Đáng chú ý, Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá chung của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khẳng định sẽ tích cực phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và lợi ích chung như kinh tế-thương mại-đầu tư, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân… Về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của Tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; khẳng định những hành
động trên của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN đang tập trung vào việc “giải quyết những bất đồng một cách hợp lý” và cam kết sẽ cùng làm việc để duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực. Ông Vương Nghị cho biết kim ngạch thương mại hai chiều giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã vượt mức 580 tỷ USD vào năm ngoái, trong khi đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đạt gần 10 tỷ USD, khiến cho lần đầu tiên khu vực này trở thành điểm đến thứ hai của dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề cập đến việc tất cả các quốc gia ASEAN đều có dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài ra, ông Vương Nghị còn cho biết trong năm vừa qua, ASEAN và Trung Quốc đã có “cách tiếp cận dựa trên quy tắc” ở Biển Đông và nhắm tới mục đích hoàn thiện Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm tới.
Phó Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot (2/8) cho biết bản dự thảo COC thứ hai sẽ được ASEAN và Trung Quốc thảo luận trong hai tháng tới. Theo ông Arthayudh Srisamoot, “chúng tôi muốn Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trở thành một tài liệu tạo thêm niềm tin trong khu vực và tuân theo luật pháp quốc tế”.
Tại Cuộc họp lần thứ 30 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC, 13-14/10), Đoàn đại diện Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp lần này đối với quá trình thực hiện mục tiêu tiêu chung về việc đưa ra một kết luận SOM – DOC sớm nhất có thể, cũng như xây dựng niềm tin chung trong việc duy trì ổn định và hòa bình khu vực.Trong khi đó, đại diện phái đoàn phía Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc với tất cả đồng nghiệp ở đây vì sự thành công của phiên họp lần này. Phiên họp lần này cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tôi tin rằng chúng ta có sẽ một kết luận SOM – DOC hiệu quả, mở ra một chương mới cho năm tới…”.
Tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 (15-16/10) tại Đà Lạt, các nước cũng đã trao đổi về những diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là những vụ việc đang diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các nước bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay nếu kéo dài sẽ rất nguy hiểm, đe dọa hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không quân sự hoá, không có các hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS. Hội nghị cũng nhất trí cần tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, trong đó cần ưu tiên triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác xử lý những thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân. Về đàm phán COC, các nước hoan nghênh việc hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo, nhất trí cần duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực để xây dựng một Bộ quy tắc thực sự hiệu quả, thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay. Để làm được điều này, Hội nghị nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho các vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả cụ thể, thực chất; theo đó các nước đã trao đổi về những cách làm mới để áp dụng cho vòng đàm phán tới.
Cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình đàm phán COC
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Vụ An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương Randall Schriver (26/4) kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục theo đuổi đàm phán COC ràng buộc pháp lý đối với hành động của các nước liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, đồng thời nhận định Trung Quốc có khả năng tìm cách lái cuộc đàm phán COC theo ý của Bắc Kinh. Theo ông Randall Schriver, “cách Trung Quốc hành xử giống như họ không tham gia vào việc tuân hành luật lệ quốc tế một cách nhất quán, cho nên chúng ta có sự nghi ngờ về những điều kiện họ muốn có ở trong COC”. Ông Schriver cho hay dù Mỹ nghi ngờ động cơ của Trung Quốc trong khi tham dự đàm phán, song Washington vẫn tin một COC có thể là cơ chế để cải thiện an toàn trong khu vực tranh chấp; đồng thời khẳng định Mỹ không tham gia vào việc soạn thảo COC. Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về tiến trình đàm phán COC, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đàm phán công bằng, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (15/1) cho rằng việc tiến hành soạn thảo COC là chậm trễ và nhiều điểm từ trong DOC không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng; thừa nhận Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Trong chuyến thăm Việt Nam (7-10/7), Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lopez Locsin khẳng định Philippines nhất trí thực hiện nghiêm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nội dung đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sắp tới.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục ngụy biện về COC. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (8/3) cho rằng trong những năm gần đây, cục diện tình hình Biển Đông đã có bước chuyển biến tích cực; con đường đúng đắn để giải quyết tranh chấp Biển Đông là thông qua đàm phán trực tiếp với các nước đương sự và Trung Quốc cùng ASEAN phối hợp bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Hiện tiến trình đàm phán COC đang được đẩy nhanh tốc độ, lộ trình đã rõ ràng. Việc Trung Quốc chủ động đề xuất sẽ đạt được COC vào năm 2021 cho thấy “thành ý” và “trách nhiệm” của Bắc Kinh. Nhằm thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN tăng cường lòng tin chính trị, quản lý bất đồng, thúc đẩy hợp tác và phát huy tác dụng bảo vệ ổn định ở Biển Đông, COC sẽ là bản nâng cấp của DOC, nó sẽ phù hợp hơn với khu vực, có hiệu quả hơn trong quy định về hành vi của các bên liên quan và thúc đẩy bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ cùng ASEAN giữ vững quyết tâm, loại trừ can thiệp từ bên ngoài, xuất phát từ cơ sở nhất trì đàm phán để không ngừng đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệp thương. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối “nước cá biệt” lợi dụng vấn đề Biển Đông để can dự đàm phán COC, khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông phải do các nước trong khu vực quyết định. COC phải do các nước trong khu vực cùng thương thảo, tuân thủ và gánh vác trách nhiệm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (1/3) cho rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN đang chứng kiến “sự tiến triển suôn sẻ” liên quan tham vấn về COC. Theo ông Lục Khảng, cho đến thời điểm này, đây là cuộc họp đầu tiên trong năm nay về thực thi cơ chế DOC, khẳng định Trung Quốc và các nước ASEAN đã có cuộc trao đổi ý kiến sâu rộng và thẳng thắn về các vấn đề như thực thi DOC cũng như thúc đẩy tham vấn về COC; đồng thời nhấn mạnh trong cuộc họp này, với đà đối thoại và hợp tác, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tiếp tục thúc đẩy việc xem xét và đóng góp ý kiến về văn kiện COC một cách hiệu quả, luôn xây dựng sự đồng thuận; khẳng định quá trình đàm phán COC đang tiến triển suôn sẻ. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cũng cho biết, do vẫn chưa có COC, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất; nhấn mạnh Trung Quốc cũng mong muốn rằng các nước ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Khê Liên cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Xu hướng và triển vọng về COC
Tuy được Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy đàm phán, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được COC trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân chính là do:
Thứ nhất, Trung Quốc cũng đang âm thầm cản trở COC vì: (1) Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. (2) Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. (3) Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”.
Thứ hai, nội dung dự thảo COC có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý trong việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS 1982; tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá ở Biển Đông. Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, tiêu biểu là Trung Quốc, một thành viên đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được. Trung Quốc đã và đang tìm cách trì
hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC” do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng “Khung COC với Trung Quốc” như phía Philppines thông báo.
Dư luận nổi bật về COC trong năm 2019
Tổng biên tập tờ Nikkei Asian Review Toru Takahashi nhận định rằng không như giai đoạn soạn thảo ban đầu vốn chỉ là việc đọc các văn bản, ASEAN và Trung Quốc sẽ đối diện nhiều khó khăn trong đàm phán nhằm xóa bỏ những cách biệt lớn về quan điểm. Bắc Kinh đang thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa. Một trong những hành vi mới nhất là nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh Việt Nam, có nhiều thông tin cho thấy Malaysia và Philippines cũng bị các tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ. Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc muốn đàm phán song phương và điều này thể hiện ở việc văn bản giai đoạn đầu được xem như 11 đề xuất riêng biệt của từng nước, thay vì của ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn hoàn tất COC trong nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte, vốn tỏ ra mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm Benigno Aquino III. Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc có 3 yêu cầu cơ bản về COC, bao gồm việc không phụ thuộc vào UNCLOS, các cuộc tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực phải có sự đồng ý trước của tất cả các bên ký kết thỏa thuận, và không thăm dò, khai thác tài nguyên với các nước bên ngoài. Tuy nhiên, ASEAN sẽ không thể chấp nhận các yêu cầu trên vì sẽ khiến phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông vô hiệu, đồng thời có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường khác.
Theo GS Robert Beckman, Giám đốc Chương trình luật và chinh sách đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), nội dung COC nên xoáy sâu vào việc không đe dọa và sử dụng vũ lực, hiện trạng trên các thực thể bị chiếm đóng, thực hiện kiềm chế, lập đường dây nóng và thủ tục giải quyết sự cố, khung biện pháp giảm thiểu nguy cơ đụng độ… Tuy nhiên, ông Beckman lưu ý các nước liên quan không nên có những kỳ vọng phi thực tế về nội dung COC và nhấn mạnh bộ quy tắc này sẽ không giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông. Thay vào đó, “COC có thể hỗ trợ giảm căng thẳng và thiết lập lòng tin nếu nó thiết lập được một khuôn khổ cho cơ chế hợp tác giữa các nước ven Biển Đông”.
Đáng chú ý, có nhiều ý kiến cho rằng bằng các hành động bắt nạt trên thực địa, Trung Quốc đang gây sức ép với Việt Nam và các nước ASEAN khác để bắt các nước thuận theo đề xuất của Trung Quốc. Trung Quốc cũng bằng cách này ép các nước trong khu vực từ bỏ các dự án đang hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác dầu khí trong vùng biển của mình và tạo tiền lệ thuận lợi cho Trung Quốc trong đàm phán COC. Ngoài ra, Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp của họ đầu tư tại Biển Đông, đặc biệt là tại các đảo nhân tạo trên khu vực quần đảo Trường Sa và trong phạm vi đường lưỡi bò. Rất có thể Bắc Kinh đang từng bước chuẩn bị thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và hành động xâm phạm vùng biển và bắt nạt đối với các nước trong khu vực là
Chuyên gia James Bolton nhận định, trước khi COC hoàn thành, như đề xuất của Bắc Kinh với ASEAN, Trung Quốc dự định sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và yêu sách tới càng nhiều rạn san hô, đảo hoặc khu vực trên Biển Đông càng tốt. Động thái này Trung Quốc từng áp dụng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ ở Tawang hoặc Chumar. Bằng cách bao gồm việc chỉ thảo luận về “các vấn đề khu vực” với các nước liên quan trong COC, Trung Quốc đang cân nhắc mọi can thiệp và vai trò có thể có của bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Tuy nhiên, mọi hành động đều có phản ứng bình đẳng và các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như những nước có quyền lợi hàng hải trong vùng biển này sẽ không “ngồi yên”. Do đó, như các nhà phân tích đã cảnh báo, ngay cả khi xung đột không xảy ra, các căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không có lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của các nước trong khu vực. Tổn thất cho những hành động này là rất lớn. Cách tốt nhất, chính là việc Trung Quốc phải thực lòng hơn nữa trong việc đối thoại và duy trì các quy tắc quốc tế và cùng đảm bảo an ninh cho vùng biển hàng hải khu vực. Đối với điều này, việc hoàn thiện COC là bắt buộc.
Cùng quan điểm trên, nhà quan sát quan hệ quốc tế kì cựu của Indonesia, ông Veeramalla Anjaiah cho rằng các quốc gia ASEAN cần đoàn kết để ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông: “Mấu chốt của vấn đề là các nước ASEAN cần phải đoàn kết, chung tay xây dựng hoà bình trên
biển Đông và yêu cầu các nước tuân thủ luật pháp đã có. Ngay lập tức hoàn thành COC để ràng buộc về pháp lý với Trung Quốc. Thứ hai, cộng đồng quốc tế và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cần gia tăng áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt các hành vi phi pháp trên biển Đông”. Theo nhà báo Indonesia, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều chỉ trích đối với các hành động của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã cực lực lên án các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc như bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, áp đặt chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, dùng dân quân biển để đe dọa và cưỡng ép các nước khác. Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Canada và nhiều quốc gia khác cũng tố cáo các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi bảo vệ hoà bình dựa trên luật pháp.
0 comments