Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 18/10/2019

Friday, October 18, 2019 8:20:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 18/10/2019

Y án đối với tài xế chống BOT ‘bẩn’, Hà Văn Nam

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh sáng ngày 18 tháng 10 năm 2019 tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam với cáo buộc tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Trần Thị Thu Thủy, một người được vào chứng kiến phiên xử nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
Khi mà Hà Văn Nam quá trình khai và tự bào chữa thì nhiều lần Viện kiểm sát, thẩm phán đã không cho anh ấy trình bày. Thẩm phán cố ý mớm cung anh Nam khi nói hành vi của anh ấy là hành vi xúi giục, trong khi hành vi của anh ấy không phải là hành vi xúi giục mà là phổ biến pháp luật cho người khác.
Mà hành vi phổ biến pháp luật là đúng chứ không phải sai, không phải xúi giục, tuy nhiên tòa cứ cố suy diễn theo hướng xúi giục.”
Cũng theo bà Thủy, luật sư của ông Hà Văn Nam trong phiên xử phúc thẩm là Trần Thu Nam đã nhấn mạnh đến nguyên nhân để dẫn đến việc ông Hà Văn Nam và các tài xế khác phản đối trạm BOT Phả Lại đặt tại xã Đức Long trên Quốc lộ 18 đoạn tiếp giáp giữa 2 tỉnh Bắc Ninh – Hải Dương.
Tuy nhiên Viện kiểm sát bác bỏ các lời bào chữa này và yêu cầu tập trung vào việc bào chữa xem có đúng với điều khoản mà tòa sơ thẩm áp dụng đối với ông Hà Văn Nam hay không.
Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của tòa án tỉnh Bắc Ninh đã tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam. Theo bà Thủy, một người ủng hộ việc phản đối các trạm BOT có vấn đề thì đây là một bản án không công bằng.
Bản án này rất là bất công, việc mà để cho người dân phải đi đòi quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã là một bất công lớn và khi họ đòi hỏi lại cố tình hình sự hóa các vấn đề dân sự, rồi quy cho họ tội Gây rối trật tự công cộng,” bà Thủy nói.
Một người đề nghị không nêu danh tính do vấn đề an toàn cũng nhận xét cho rằng, nếu được tăng án lên mức kịch khung thì tòa án cũng sẽ tăng do “đây chỉ là án bỏ túi”.
Theo Kết luận điều tra của công an tỉnh Bắc Ninh, trạm BOT Phả Lại đặt trên Quốc lộ 18 thuộc huyện Quế Võ được thu phí từ ngày 24/12/2018. Tuy nhiên, một số người dân quanh trạm cho rằng việc thu phí với tài xế ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.
Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Hà Văn Nam gọi điện cho Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí, hẹn khi rảnh sẽ về giúp.
Hai ngày sau, nhóm 7 người tập trung tại BOT Phả Lại cùng khoảng 100 người khác đồng thời dừng ở làn thu phí gây kẹt xe, khiến trạm này phải xả, không thu phí nên chịu thất thoát hơn 23 triệu đồng.
Đến ngày 5/3/2019, ông Nam bị bắt giữ vì cáo buộc hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Trước đó không lâu, ông Hà Văn Nam khi đang phát video trực tiếp trên Facebook bị một nhóm người lạ mặt hành hung, đánh gãy xương sườn nói là “đem về đồn” nhưng bỏ ông lại ở một nơi hoang vắng.
Hôm 30/7/2019, tòa án lưu động huyện Quế Võ, Bắc Ninh tuyên phạt ông Nam 30 tháng tù giam.
Sáu tài xế khác gồm các ông Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại.
Liên quan phong trào phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai vị trí hay thu phí quá thời hạn, bất hợp lý, vào tối ngày 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như,  một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT dạng này, bị công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bắt giữ và dẫn giải về quê nhà ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khám xét, vì cáo buộc có hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ khoảng 10 tài xế tham gia phản đối các trạm thu phí và đưa ra xử án. Ngoài trường hợp  Ông Hà Văn Nam như vừa nêu, có thể kể đến trường hợp tài xế Vũ Ngọc Hoàng, người phản đối Trạm BOT An Sương vì thu phí quá thời hạn, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 18 tháng tù với cáo buộc ‘cố ý làm hư hỏng tài sản’ vào ngày 15 tháng 7 vừa qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-trial-upholds-lower-court-sentence-to-dirty-bot-protester-ha-van-nam-10182019085344.html

Giữ nguyên án tử hình Đặng Văn Hiến:

Việt Nam sẽ còn bao nhiêu bản án như thế?

Bác đơn kiến nghị Giám đốc thẩm
Luật sư Ngô Ngọc Trai, thuộc Công ty Luật Trách nhiệm Hữu hạn Công Chính, là luật sư phụ trách hồ sơ chuẩn bị cho phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án nông dân tử tù Đặng Văn Hiến vào ngày 14/10/19 cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng Tòa án Tối cao vào hôm 27/09/19 đã có văn bản bác đơn đề nghị của các hộ dân ở Đắk Nông cho Giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến.
Vào tối ngày 17 tháng 10, Luật sư Ngô Ngọc Trai nói với RFA rằng vợ của tử tù Đặng Văn Hiến, bà Mai Thị Khuyên thông báo thông tin vừa nêu qua các hình ảnh chụp lại từ văn bản của Tòa án Tối cao phúc đáp cho các hộ dân ở vùng tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông về đơn đề nghị Giám đốc thẩm trường hợp nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng bắn chết 3 nhân viên của Công ty Long Sơn trong lúc cưỡng chế đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của gia đình ông một cách vô pháp hồi hạ tuần tháng 10 năm 2016.
Luật sư Ngô Ngọc Trai trình bày quan điểm của ông sau khi nhận được thông tin về việc Tòa án Tối cao bác đơn đề nghị Giám đốc thẩm vụ án tử tù Đặng Văn Hiến:
“Thực tế xét xử ở Việt Nam thì nhiều trường hợp giết 1 người thì cũng có thể bị tử hình rồi. Giết 3 người như thế, như nhiều vụ việc khác thì án tử hình cũng không còn gì để biện minh. Tuy vậy trong vụ án của ông Hiến có nhiều tính chất khác cho thấy cần áp dụng những tội danh khác như ‘giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh’ hoặc ‘giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ thì thỏa đáng hơn. Bởi vì rõ ràng trong hành vi của ông Đặng Văn Hiến có những tính chất tự vệ như thế. Thế còn tòa án xét xử mà không đánh gía những yếu tố đấy, chỉ cho rằng hành vi giết người có tính chất côn đồ để tử hình thì tôi cho là không thỏa đáng.”
Kể từ khi vụ việc xảy ra cho đến nay, dư luận trong và ngoài nước vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ án và trông đợi phiên tòa Giám đốc thẩm cho tử tù Đặng Văn Hiến, dựa theo cơ sở về mặt pháp lý mà giới luật sư tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi trong suốt 3 năm qua.
Luật sư Lê Công Định từng khẳng định tòa án tuyên bản án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến là hoàn toàn trái pháp luật và đương nhiên (theo ông) Tòa phải giảm án cho ông Hiến:
“Trong trường hợp nông dân Đặng Văn Hiến thì rõ ràng những tình tiết trong vụ án cho thấy ông Hiến không bị đáng tuyên tử hình vì rất nhiều lý do, trong đó có một lý do là ông Hiến phạm tội trong tình trạng bị kích động bởi sự vi phạm pháp luật trắng trợn của đội cưỡng chế đất ở nhà của ông và trước khi ông ngăn chặn việc tấn công của nhân viên đội cưỡng chế đó thì ông đã bắn chỉ thiên, rồi sau đó ông mới bắn vào những người đến tấn công ông cùng những người dân ở khu vực đó. Như vậy, ông Hiến rơi vào vào tình trạng phòng vệ chính đáng. Và có thêm một tình tiết giảm nhẹ nữa là “phạm tội trong khi tinh thần bị kích động”. Những trường hợp đó rất xứng đáng trong quá trình xét xử để cho tòa án cân nhắc, xem xét áp dụng một mức hình phạt vừa phải. Ở đây, ông Hiến gần như là không cố tình giết người cho nên mới có việc cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được đơn để xin ân xá và toà án cũng đã đề xuất với luật sư của ông về việc này.”
Đồng quan điểm với Luật sư Lê Công Định về mặt pháp lý, Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng:
Thực tế xét xử ở Việt Nam thì nhiều trường hợp giết 1 người thì cũng có thể bị tử hình rồi. Giết 3 người như thế, như nhiều vụ việc khác thì án tử hình cũng không còn gì để biện minh. Tuy vậy trong vụ án của ông Hiến có nhiều tính chất khác cho thấy cần áp dụng những tội danh khác như ‘giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh’ hoặc ‘giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng’ thì thỏa đáng hơn. Bởi vì rõ ràng trong hành vi của ông Đặng Văn Hiến có những tính chất tự vệ như thế. Thế còn tòa án xét xử mà không đánh gía những yếu tố đấy, chỉ cho rằng hành vi giết người có tính chất côn đồ để tử hình thì tôi cho là không thỏa đáng
-Luật sư Ngô Ngọc Trai
“Tòa án Nhân dân Tối cao bóc tách hành vi và cắt xén sự việc, chỉ lấy một đoạn ngắn ngủi trong ngày xảy ra việc nổ súng để rồi kết tội thì đấy là cách giải quyết không khách quan, toàn diện và đầy đủ cũng như khiến cho bản chất của sự việc không được đúng như sự thật và thực tế. Cần phải đặt hành vi nổ súng của ông Hiến trong chuỗi dài các hành vi leo thang bạo lực từ phía Công ty Long Sơn cũng như tình hình mất an ninh ở địa phương mà toán bảo vệ của Công ty Long Sơn từng gây ra vụ án cố ý gây thương tích cho một trường hợp khác mà khiến cho người ta bị tổn hại đến 70% sức khỏe.”
Đài RFA ghi nhận vào hôm mùng 10 tháng 10 vừa qua, truyền thông quốc nội cho biết vừa có một đơn kiến nghị xin giảm án cho tử tù Đặng Văn Hiến được Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gửi tới Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đơn của Công ty Luật Công Chính gửi đến cho ông.
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho Đài RFA biết thêm rằng các hộ dân ở Đắk Nông và chính ông là người đại diện pháp lý cho tử tù Đặng Văn Hiến hy vọng rằng Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ quan tâm để xem xét và đánh giá sự việc của vụ án và đưa ra quyết định ân giảm mức án tử hình cho ông Hiến.
“Tôi cũng đã có văn bản gửi cho Chủ tịch nước với đề nghị đánh giá, xem xét lại bản chất vụ việc và ân giảm mức án tử hình cho tử tù Đặng Văn Hiến. Bên cạnh việc gửi trực tiếp tới văn phòng Chủ tịch nước qua hộp thư bưu điện, tôi cũng có gửi tới hai vị Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Văn Chiến. Hai Đại biểu Quốc hội đã nhận được văn bản của tôi và bằng thẩm quyền của họ thì họ cũng chuyển văn bản ý kiến đó tới cho Chủ tịch nước, là cơ quan có thẩm quyền xem xét, ân giảm mức án tử hình.”
Yếu tố “đầu thú” không được tòa xem xét
Theo ghi nhận của Đài Á Châu Tự Do, nhiều người quan tâm vụ án tử tù Đặng Văn Hiến đề cập đến yếu tố ông Hiến vì nghe theo lời khuyên nên ra đầu thú đã không được tòa án cân nhắc để giảm án.
Riêng đối với không ít người là những “dân oan” giống tình cảnh của ông Hiến chia sẻ với RFA rằng họ không hiểu tại sao người nông dân Đặng Văn Hiến bị dồn vào đường cùng để tự vệ, bảo vệ tài sản của mình trước hành động phi pháp của Công ty Long Sơn và khóc hối hận ra đầu thú lại không được khoan hồng? Ngay cả nhà báo Mai Ấn Quốc, một trong những người trực tiếp thuyết phục nông dân Đặng Văn Hiến ra đầu thú từng viết trên trang Facebook cá nhân, ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với ông Hiến, rằng “sẽ không chủ động tìm và vận động bất kỳ bị can nào ra đầu thú nữa bởi những công ty cướp đất dân bằng vũ lực, dựa trên những văn bản ép dân là rất nhiều tại Việt Nam!” và “tôi nhìn thấy một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai….”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh vào tối ngày 17 tháng 10 đưa ra nhận định của ông với RFA liên quan yếu tố đầu thú của ông Hiến không được tòa xem xét:
“Với quyết định cuối cùng như vậy, thì hầu như nó đã vô hiệu quá một trong những việc khuyến khích người phạm tội ra đầu thú. Với yếu tố đó thì bây giờ mọi người vỡ lẽ rằng hóa ra không có giá trị gì về phương diện pháp luật cả. Thế thì đương nhiên nó sẽ hình thành một lối suy nghĩ cho những người phạm tội về sau là không cần phải đầu thú, bởi vì yếu tố đầu thú sẽ không được xem xét như là một yếu tố để giảm nhẹ hình phạt nữa rồi.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh còn nhấn mạnh rằng quy định pháp luật được đặt ra nhằm để bảo vệ sự ổn định xã hội. Tuy nhiên qua trường hợp vụ án này cho thấy rõ ràng pháp luật đã không theo kịp sự phát triển của xã hội, không đáp ứng được những diễn biến của xã hội:
“Trong chừng mực nào đó thì pháp luật trong trường hợp này đã thể hiện sự hà khắc, thái quá. Chính điều này nó triệt tiêu đi tính hiệu lực của pháp luật, khiến mọi người không còn tin tưởng vào pháp luật nữa và không còn nghĩ pháp luật là công lý nữa. Đây là sự mất mát lớn nhất và là sự mất mát nói chung cho cả chính quyền và người dân. Tại vì giao thiệp giữa người dân và chính quyền chính là pháp luật, nhưng lại mất đi ngôn ngữ để nói chung giữa hai bên cho nên bất kể điều gì cũng có thể xảy ra trong chỗ khỏang trống về mất niềm tin như vậy.”
Cũng sẽ phản kháng giống như Đặng Văn Hiến
Trong bài ghi nhận đăng trên Luật Khoa tạp chí ngày 10/10/19 với nhan đề “Những người cùng khổ ở Đắk Nông”, tác giả Trần Phương cho biết cha của tử tù Đặng Văn Hiến, ông Đặng Văn Lợi là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã rất giận con trai mình sau khi vụ việc xảy ra. Ông Lợi cho rằng con trai của ông hay ai đi nữa đều phải đền tội cho xứng đáng. Thế nhưng, sau khi vào tận Đắk Nông để kiểm chứng mọi việc thì ông tin rằng nếu là Hiến, ông cũng sẽ làm như vậy bởi vì đối với ông “người lương thiện nào cũng sẽ đấu tranh đến cùng cho những gì họ đã cần cù tạo ra”.
Một cựu sỹ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, ở Hải Phòng từng bị “nhóm lợi ích” là doanh nghiệp và chính quyền địa phương cấu kết đưa ông vào tù để lấy nhà cửa đất đai của ông, cũng lên tiếng với RFA rằng, người dân bị rơi vào tình cảnh như ông Đặng Văn Hiến cũng sẽ làm như ông Hiến mà thôi. Vị cựu sỹ quan tên Vỹ xác quyết:
“Tôi nghĩ người ta cũng chẳng sợ đâu. Nước mất thì nhà tan. Nhà đã nát rồi thì thật sự cái mạng mình và sự sống còn ý nghĩa gì nữa.”
Trong chừng mực nào đó thì pháp luật trong trường hợp này đã thể hiện sự hà khắc, thái quá. Chính điều này nó triệt tiêu đi tính hiệu lực của pháp luật, khiến mọi người không còn tin tưởng vào pháp luật nữa và không còn nghĩ pháp luật là công lý nữa. Đây là sự mất mát lớn nhất và là sự mất mát nói chung cho cả chính quyền và người dân. Tại vì giao thiệp giữa người dân và chính quyền chính là pháp luật, nhưng lại mất đi ngôn ngữ để nói chung giữa hai bên cho nên bất kể điều gì cũng có thể xảy ra trong chỗ khỏang trống về mất niềm tin như vậy
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Vụ án thương tâm 3 nông dân làm thiệt mạng 3 người và 13 người khác bị thương ở vùng núi rừng tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông hồi năm 2016 còn nhắc nhớ về một vụ án khác mà chưa kịp xảy ra ở Thủ Thiêm. Trong Hồi Ký “Đất Thủ Thiêm” của Nhà văn Võ Đắc Danh, ông ghi chép những cảnh đời và số phận của cư dân trong Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị tan nhà nát cửa suốt hai thập niên qua và Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải là một nhân vật mà những ai quan tâm vụ Thủ Thiêm sẽ không bao giờ quên với câu nói “Đứa nào tới, tao bắn…!”. Ông Thiếu tướng về hưu Hồng Minh Hải đã giữ lại được căn nhà của mình giữa cảnh hoang tàn đổ nát trên đường Lương Định Của, thuộc khu phố 1, phường Bình An như thế.
Đó có phải là suy nghĩ và quyết định của một vài cá nhân đơn lẻ hay không? Câu trả lời mà Đài RFA nhận được qua những người được tiếp xúc trong giới luật sư và dân chúng rằng “Không”. Luật sư Lê Công Định còn cho rằng Chính quyền Việt Nam lo sợ sẽ có bất ổn chính trị liên quan vấn nạn đất đai kéo dài do chính sách “sở hữu toàn dân” gây ra, và có thể thấy được qua bản án tử hình tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến.
“Đây không phải là một vụ án thực sự về phương diện pháp lý mà là vụ án chính trị. Bởi vì nhà quyền Việt Nam đặt nhu cầu chính trị để trừng phạt những trường hợp phản ứng lại của những người nông dân mất đất và gửi một thông điệp cho xã hội là họ sẽ không bao giờ nương tay đối với những trường hợp như vậy.”
Còn những người dân oan bày tỏ với RFA rằng họ đang trông ngóng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sớm ban hành lệnh ân xá miễn tử cho nông dân Đặng Văn Hiến. Bằng ngược lại, một khi niềm tin công lý bị đỗ vỡ thì dù không muốn nhưng họ buộc phải chọn lựa “án tử” trong sự tuyệt vọng khốn cùng, mà theo như Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình phân tích rằng người dân không còn chọn lựa nào khác hơn là phải “đánh trận” để giữ lại đất đai, nhà cửa, ruộng vườn dù họ dự liệu trước phần thua đã thuộc về mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dang-van-hien-be-executed-how-many-people-would-be-like-him-10182019134031.html

Lê Hải An và những cái chết bí ẩn…

Diễm Thi, RFA
Cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An được cho là rơi từ lầu 8 xuống đất, một lần nữa nhắc nhớ dư luận về những cái chết trước đây của các quan chức cao cấp như Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, Trần Bắc Hà… mà đến bây giờ vẫn được coi là “những cái chết bí ẩn”.
Hôm 17/10/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Lê Hải An tử vong sau khi ngã từ tầng 8 của tòa nhà ở địa chỉ số 35 đường Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Sau đó, thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GD&ĐT xác nhận Thứ trưởng Lê Hải An từ trần do tai nạn vào lúc 7h10 sáng 17/10/2019. Theo đúng thủ tục, thi thể ông An đã được cho là đưa đi khám nghiệm tử thi để cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết. Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái chết của vị thứ trưởng 48 tuổi này khi mới cách đây 2 tháng, ông đã ký một văn bản kỷ luật hàng loạt công chức do vi phạm quy chế thi cử…
Qua sự việc này nhiều người nhớ lại buổi trưa định mệnh 18/7/2019 khi báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam vào buổi sáng cùng ngày. Những thông tin sau đó khiến người dân lạc vào “mớ hỗn độn” không biết ông Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam hay chết trên đường đi cấp cứu…Và rồi những nghi vấn đó lại tắt ngấm đi khi truyền thông im bặt không thông tin gì về cái chết của ông Trần Bắc Hà nữa.
Với những gì đã xảy ra như chúng tôi vừa nêu bên trên, Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhận định rằng chính quyền đã nói dối:
“Từ trước đến nay, qua hàng loạt cái chết khuất tất, bất minh và bị nghi ngờ rất nhiều bởi dư luận như cái chết của Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cái chết ở Yên Bái hay là vụ Trần Đại Quang. Và cho tới bây giờ là trường hợp của ông Lê Hải An, tôi chỉ thấy một điều: khi bắt đầu xảy ra những cái chết đó thì cơ quan chính quyền lập tức nói dối; Nói dối liên tục nhưng lại không có hệ thống. Mạnh cơ quan nào cơ quan đó nói dối và đá nhau lung tung.”
Ông Phạm Chí Dũng dẫn trường hợp mới nhất là ông Lê Hải An. Vào buổi sáng ngày 17 tháng 10, khi xảy ra cái chết của ông Lê Hải An, Bộ GD&ĐT đã vội vã công bố rằng đó là một vụ tai nạn dù không có nhân chứng, không có vật chứng, không có camera ghi hình, không có hình ảnh nào cả. Ông kết luận:
“Dối trá là các phản ứng nhanh và nó đã trở thành các phản xạ có điều kiện ăn sâu vào các não trạng của các cơ quan của đảng Cộng sản. Và chỉ có thể rút ra một triết lý thế này đối với các quan chức của các cơ quan đảng Cộng sản: sự dối trá kéo dài từ lúc sống cho đến lúc chết.”
Quay ngược lại cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang xảy ra vào ngày 21/9/2018, khi Ủy ban bảo vệ sức khỏe Trung ương loan tin rằng ông Quang mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa. Cái chết của ông Trần Đại Quang không khiến người dân ngạc nhiên nhiều bởi vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và bị “đầu độc” theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây được các facebookers cập nhật, phân tích hàng ngày thông qua mạng xã hội, trong khi báo chí chính thống thì im lặng.
Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh được báo chí loan chết ngày 13/2/2015 cũng gây ra nhiều nghi vấn bởi sự giấu diếm bệnh tình của ông Thanh. Nhà nước chỉ chính thức loan tin khi trên mạng xã hội đã tràn ngập tin tức, hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện ở nước ngoài.
Xa hơn nữa là cái chết bất ngờ của ông Phạm Quý Ngọ vào tối 18/2/2014, chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố quyết định về tạm đình chỉ nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Công an do liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.
Điều đáng nói là lúc bấy giờ nhà báo Như Phong đã loan tin trên mạng lúc 19g58 phút tối 18/2/2014 rằng ông Ngọ đã chết lúc 21g20 phút cùng ngày, có nghĩa là ông Phong biết trước giờ mất của ông Ngọ trước đó ít nhất là 1 giờ 22 phút.
Với Nhà báo Võ Văn Tạo thì những cái chết như thế không phải bây giờ mới xảy ra và không phải chỉ Việt Nam mới có. Ông dẫn chứng:
“Đối với những cái chết bất thường, bất minh của cán bộ, người dân…thì không chỉ là đặc thù ở Việt Nam đâu mà ở Liên Xô, Trung Quốc cũng có.
Tôi nhớ có đọc cuốn “Nửa thế kỷ của ĐCS Trung Quốc và sự phản bội của Mao Trạch Đông” của tác giả Vương Minh – trước đây cũng là một trong những lãnh tụ của đảng cộng sản TQ. Trong đó đã nói từ năm 1930-1940 đã có những chuyện thanh trừng lẫn nhau bằng cách bỏ thủy ngân vô thực phẩm. Ở Liên Xô cũng thế. Chuyện bí mật thủ tiêu nhau rất là nhiều. Ở Việt Nam cũng vậy”.
Trở lại cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An, theo thông tin từ báo chí trong nước, sáng 17/10/2019 (cái ngày ông An chết), ông sẽ phải cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội đồng Quốc gia giáo dục tại trụ sở Bộ.
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016-2021 viết trên Facebook cá nhân sau cái chết của ông An rằng:
“Chúng tôi làm việc với nhau tuy không lâu, nhưng biết An là người có năng lực và nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học. Một mất mát lớn cho tương lai ngành giáo dục.”
Ông Võ Văn Tạo nhận định cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An là không bình thường. Ông An được cho là một người tài, một nhà giáo có năng lực, đặc biệt có tư tưởng giáo dục tiến bộ có khả năng làm Bộ trưởng Giáo dục thay thế ông Bộ trưởng hiện nay là Phùng Xuân Nhạ vào năm 2021.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Phạm Công Út nhận định sinh tử là chuyện bình thường và ‘Trời kêu ai nấy dạ’. Có những người là quan chức và khi bị bắt họ bị chết trong tù hay những quan chức đột tử cũng xảy ra nhiều, không chỉ những người thay thế những người bất tài vô dụng mới chết. Tuy vậy ông nhận xét:
“Tôi thấy những cái chết của những người có vị trí lớn trong xã hội, mạnh mẽ, có tài và được lòng dân (có thể nói trong số 4 triệu đảng viên cũng có những người được lòng dân) thì cái chết đến với họ có thể sớm hơn số mạng của họ.”
Mãi mãi là bí mật?
Sau cái chết của nhiều quan chức từ xưa đến nay, từ cấp cao cho đến cấp thấp gần như luôn gây nghi ngờ trong công chúng. Trên mạng xã hội có những câu mỉa mai như “Quan chức cộng sản hay rơi vậy nhỉ (?!)”.
Điều đó quả không sai khi nhiều vụ quan chức rơi từ trên lầu xuống đất trong vài năm qua mà báo chí trong nước loan tin có thể kể ra như:
Giữa tháng 8/2019, ông Phạm Văn Khương – phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bị rơi xuống đất từ tầng 27 của tòa nhà Vinaconex 1.
Ngày 16/01/2019, ông Phan Tấn Nghị – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam – tử vong do rơi từ tầng 3 của trụ sở này xuống đất.
Ngày 29/10/2018, Nữ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang tử vong sau khi nhảy từ lầu 2 tại bệnh viện.
Ngày 13/7/2016, Thượng tá Huỳnh Hữu Khiêm đã rơi lầu 6 của trụ sở tử vong.
Ngày 4/11/2016, ông Lê Hoàng Vân, cán bộ công ty nhà nước rơi từ lầu 4 trường ĐH Bình Dương xuống đất tử vong.
Nguyên nhân cái chết được báo chí trong nước loan tải không hẳn khiến người dân tin tưởng, bởi nhà nước đã dối dân quá nhiều và người dân không còn bị mù thông tin như xưa sau khi họ có mạng xã hội.
Ông Phạm Chí Dũng phân tích:
“Khi mà các cơ quan chính quyền tố cáo một số phần tử trên mạng xã hội, các thế lực phản động đã tung ra những cái thuyết âm mưu về cái chết của Nguyễn Bá Thanh, của Trần Đại Quang ở Yên Bái… cho đến Lê Hải An thì chính các cơ quan chính quyền cũng tung ra thuyết âm mưu vì họ không có cơ sở gì cả. Thật sự, cho tới nay, tất cả những cái chết mà tôi vừa đề cập là đều vẫn còn bị nghi ngờ rất lớn trong dư luận khi họ nhắc đến.”
Nhà báo Võ Văn Tạo thẳng thắn nêu quan điểm của ông khi ông cho rằng một xã hội độc tài và không minh bạch thì những cái chết trong xã hội đó cũng không minh bạch. Ông nói thêm:
“Việc khám nghiệm tử thi, điều tra có được công bố hay không, rồi công bố có đúng sự thật hay không lại là một việc khác. Người dân cũng chỉ biết đến thế.
Nhà nước chủ trương bưng bít qúa nhiều nên giả sử lần này có công bố đúng chắc gì người dân đã tin.”
Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út lên tiếng cho rằng sau cái chết cũng có những cuộc điều tra hoặc giải phẫu tử thi, giám định pháp y…nhưng người quan trọng nhất là gia đình của họ không lên tiếng nghi ngờ…họ chấp nhận cái chết đó là cái chết không có nghi vấn. Xã hội đặt vấn đề nghi vấn thì đó là quyền của xã hội, nhưng quyền cao nhất vẫn là gia đình họ, những người ruột thịt. Ông nói thêm rằng:
“Hãy dành cho gia đình họ lên tiếng, còn nếu họ sợ điều gì đó mà không lên tiếng thì lịch sử sẽ nói lại, và khi đó họ sẽ có chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của họ là có căn cứ.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mysterious-deaths-in-untransparency-government-dt-10182019130504.html

Hà Nội cảnh báo thông tin xuyên tạc,

kích động về tình trạng nước sạch bị ô nhiễm

Hai người bị tình nghi liên quan vụ xả dầu thải tại đầu nguồn nước sạch Sông Đà ở địa phận Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình bị tạm giữ hình sự.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn xác nhận của thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình về việc bắt giữ như vừa nêu. Cụ thể thì qua truy xét, cơ quan cảnh sát bước đầu cho tạm giữ hình sự hai người: một người được cho biết có tên là Đạt quê Bắc Ninh và một người tên Thám quê Lạng Sơn.
Điều 235, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định người nào thực hiện sẽ  bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong trường hợp vi phạm nặng sẽ bị phạt từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt từ từ 3-7 năm.
Trong khi đó, Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hà Nội, nơi nhiều người dân chịu tác động trực tiếp bởi nguồn nước nhiễm dầu thải, vào ngày 18 tháng 10 ra công văn hỏa tốc với đề nghị các cơ quan
báo chí cần tuyên truyền cảnh giác trước những thông tin mà Sở này cho là xuyên tạc, kích động trên mạng Internet về tình trạng nước sạch bị ô nhiễm.
Theo Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội có một số trang tin và tài khoản Facebook đã đăng những thông tin không chính xác về vụ việc.
Hai ngày trước đây, vào ngày 16 tháng 10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà ký văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc thông báo sẽ tạm ngừng cấp nước để súc xả, thau rửa toàn bộ đường ống và các bể chứa sau sự cố ô nhiễm dầu trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Tốn tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), thì trong thời gian súc xả bể chứa, toàn bộ tuyến ống, phía công ty Viwasupco buộc phải tạm ngừng cung cấp nước toàn bộ các khu vực dân cư và sau khi hoàn thành phía công ty sẽ kiểm tra và có thời gian thông báo việc cấp nước trở lại. Do dó, công ty thông báo để khách hàng và người dân có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm và mong được người dân thông cảm.
Trước đó, vào ngày 15/10 UBND TP Hà Nội đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước của công ty Sông Đà để nấu ăn mà chỉ sử dụng cho mục đích tắm giặt và sau sự cố xảy ra thành phố đã bố trí xe té cấp nước sạch miễn phí cho các khu vực dân cư bị nhiễm dầu khi có yêu cầu.
Hồi ngày 8/10 tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình bị phát hiện có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm và chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài là hồ chứa nước của nhà máy. Sau sự cố, người dân được thuê để vớt dầu thải và buộc phải đốt quần áo sau khi làm việc vì mùi quá khét và sau một tuần con suối gần nhà máy nơi phát hiện dầu thải bị đổ trộm vẫn đen kịt.
Tại buổi họp công tác của Chính phủ với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về đôn đốc các nhiệm vụ được Thủ tướng giao từ đầu năm 2019 đến nay vào ngày 16/10. Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, nước sinh hoạt và nhất là việc nước sạch Sông Đà cung cấp cho Hà Nội bị nhiễm dầu thải. Do đó, yêu cầu UBND TP khẩn trương làm rõ, coi trọng vấn đề này và báo cáo chính phủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/da-river-water-pollution-update-10182019085108.html

“Mày biết tao là ai không?” – Khi quyền lực lên ngôi!

Đạo đức suy đồi, văn hóa xuống cấp
Vụ việc mới đây nhất vào hôm 12/10 một người phụ nữ đang xếp hàng chờ rút tiền ở máy rút tiền tự động (ATM) tại Hà Nội, thì bất ngờ một người đàn ông chen ngang. Người phụ nữ đã nhắc nhỏ người đàn ông bất lịch sự đó về hành vi thiếu tôn trọng người khác thì ngay lập tức chị bị người đàn ông này chửi bới và hành hung, đồng thời liên tục phát ngôn “Mày biết tao là ai không?”.
Một sự việc khác tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội, một người thanh niên tự xưng là lái xe cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và có những hành vi đánh người sau khi có va chạm giao thông. Người này cũng lên mặt ra vẻ “Mày biết tao là ai không?”…
Trước đây, cũng có xảy ra nhiều vụ việc bị báo chí phanh phui như một nữ tổng giám đốc của tập đoàn bảo hiểm chửi bới và có lời lẽ thiếu văn hóa với các tiếp viên trên một chuyến bay. Hay một cán bộ cơ quan nhà nước cướp mất chỗ ngồi trên máy bay của một vị khách nước ngoài.
Hoặc nhiều cán bộ công chức nhà nước khi tham gia giao thông, bị phạt do vi phạm giao thông, đều có những hành vi được xem là không hợp tác chống đối và thậm chí sử dụng quyền lực của mình hoặc của người thân để xúc phạm, mạt sát người khác cũng được truyền thông đăng tải, thậm chí quay video đăng lên mạng xã hội.
Chưa bao giờ văn hóa ứng xử của con người với con người lại bị suy đồi đến như vậy. Một người dân tại Hà Nội đã từng bình luận trên mạng báo Zing.vn cho rằng: vấn đề không còn nằm trong phạm vi văn hóa ứng xử nữa mà nó đã là suy đồi đạo đức rồi…
Dư luận xã hội cho rằng, câu nói “Mày biết tao là ai không?” đang dần được sử dụng như một thành ngữ và là một câu cửa miệng của nhiều cán bộ như thách thức pháp luật!
Nhận định về điều này, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho biết:
“Mỗi khi tôi nghe đến câu đó là tôi hình dung ra Hà Nội và khu vực miền Bắc là chủ yếu, còn các khu vực miền Nam thì ít khi nghe đến các câu như vậy. Nó bộc lộ thói xấu của đại bộ phận ngoài đó, cán bộ
cũng có và dân cũng có. Dân thì phải là con ông cháu cha, có thể lực mới dám nói câu “mày biết tao là ai không” mục đích để hù dọa những người có liên quan. Nó trở thành nếp sống lâu năm rồi, đạo đức xã hội nó xuống cấp hư hỏng, luôn đem thế lực ra dọa nhau, những thế lực trong bộ máy nhà nước, điều thứ hai thì quen biết và có thể sai khiến được đám xã hội đen thì mới hay đem mấy câu đó ra để đạp nhau như thế. Đó là điều đáng báo động về đạo đức xã hội tại Việt Nam nói chung và tại miền Bắc nói riêng.”
Còn theo quan điểm của thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội có nhận định cho rằng, câu nói này khá phổ biến tại xã hội Việt Nam từ côn đồ lặt vặt đến cả quan chức và mỗi khi nghe đến là ông xác định từ những thành phần vô văn hóa:
“Theo quan điểm của tôi thì những người nào dùng câu này là những kẻ côn đồ, sử dụng cụm từ có tính đe dọa người khác để hòng áp đảo người ta, làm cho đối phương sợ hãi, mà đa số để bưng bít những việc mình làm sai chứ không phải để hành xử đúng. Nếu hành xử đúng thì bất kể là ai, bất cứ điều gì thì cứ theo pháp luật mà làm không việc gì phải cảnh cáo bằng câu nói này. Khi dân ta nghe đến câu nói này là biết ngay là đám vô văn hóa.”
Cũng từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng một nhà hoạt động xã hội và nhà quan sát tại Việt Nam chia sẻ với chúng tôi:
“Pháp luật không nghiêm minh và không dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho những người dân đen mà thôi. Trong xã hội này sự bất công của nó rất là lớn và luôn luôn có vùng cấm, những quan chức càng cao thì vùng cấm nó càng lớn và gần như được xem là bất khả xâm phạm. Mà chuyện này nó phổ biến trong xã hội hàng bao nhiêu năm nay rồi dẫn đến việc là nếp hằn trong suy nghĩ, người ta cứ nghĩ rằng cứ xù lông xù vảy ra để chứng tỏ có một quyền lực nào đó thì người khác sẽ không đụng vào. Nếu quan sát trong xã hội có thể thấy ngay cả những người chả có chức có quyền gì đâu mà họ vẫn sử dụng câu nói đó như là xuất phát điểm.”
Ngoài ra, ông Thắng còn cho rằng, trước đây mỗi khi người dân nghe đến câu nói này thì cũng có sự lo sợ nhất định nhưng từ khi internet và mạng xã hội phát triển, nhất là các cơ quan báo chí truyền thông độc lập tại nước ngoài như BBC, RFA, RFI… và nhiều trang truyền thông nhỏ lẻ khác lên tiếng, thì người dân dần thức tỉnh và có thể hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội như thế nào, nên bây giờ đối với những trường hợp như thế này họ không còn e ngại lắm!
Quá khó để thay đổi nhận thức?
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 3 diễn ra vào ngày 16/10, phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề cập đến vấn nạn nhiều quan chức, cán bộ có những hành xử không đúng mức ở nơi công cộng là không chấp nhận được. Ông cũng nói có không ít trường hợp như vậy đã xảy ra trong những năm gần đây chứng tỏ đạo đức, văn hóa của cán bộ, quan chức hoặc con em của họ đang bị suy đồi. Do đó, phó thủ tướng đề nghị cần chấn chỉnh để xã hội được văn minh hơn. Liệu mong muốn đó của ông có quá khó?
Facebooker Minh Hải có nhận định cho rằng, điều này không thể xử lý được và nó là một điều quá khó.
“Không phải đến bây giờ phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đứng ra nói về chuyện này đâu mà chỉ mang tính quán triệt, mà tại Việt Nam thì họ đã quán triệt từ rất lâu rồi nhưng mà do cách ứng xử của con người nó coi thường và văn hóa tồi nên nó dẫn đến việc tồn đọng mãi đến bây giờ. Tất cả là do nhận thức của mỗi cán bộ mà thôi.”
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lân Thắng thì lại có ý kiến khác. Ông nói có thể chính quyền cả nước đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới nên những phát biểu của các quan chức bên Đảng và bên Chính quyền cũng vì mục đích truyền thông dư luận để có lợi thế về chính trị trước khi việc bầu cử của đại hội bắt đầu.
“…chứ những vấn nạn của đất nước này nó tồn tại bao nhiêu năm nay rồi nhưng có xử lý đâu. Nhiều đợt ra quân rất là rầm rộ chuyện này chuyện kia rồi ngay sau khi đại hội Đảng hay các đợt trọng điểm qua đi thì các vấn đề tệ nạn của xã hội nó vẫn còn y xì nguyên như thế và thậm chí nó còn tiêu cực nghiêm trọng hơn thế.”
Theo các nhà báo và các nhà quan sát tình hình xã hội, chính trị tại Việt Nam lâu nay đều có cùng nhận định cho rằng, họ hy vọng một ngày nào đó tại Việt Nam -pháp luật có thể thắng được “luật rừng”, các cơ quan công quyền, các quan chức hành xử đúng pháp luật thì người dân sẽ cảm thấy yên tâm và đặt niềm tin nhiều hơn vào họ, vào xã hội. Nếu không “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”…là điều chắc chắn có!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-expression-do-you-know-who-i-am-10172019151322.html

Cảnh sát giao thông ngày càng lạm quyền?

Diễm Thi, RFA
Lạm quyền - Kiếm chác
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết nhằm giảm tai nạn giao thông, từ nay đến cuối năm, CSGT TP.HCM sẽ kiểm tra tất cả các xe lưu thông trên đường vào ban đêm, từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau đối với tất cả các xe tham gia giao thông, đặc biệt là kiểm tra đối với người đi xe máy, xe tải, xe khách, container…
Trong khi đó, Bộ Công an lại đang xây dựng dự thảo thay thế Thông tư 01/2016 với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung, trong đó có quy định CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 5 trường hợp như trước đây.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện, kế hoạch, phương án TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Về chủ trương (giảm tai nạn giao thông – pv) thì nó là tốt, là đúng, nhưng phía sau nó, với thực tế tình hình giao thông và tình hình cảnh sát giao thông ở Việt Nam thì đó là cơ hội để CSGT lạm quyền và tư lợi. – Ông Minh Đức
Thứ tư, tin báo, phản ánh, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Có ý kiến về vấn đề này, bác sĩ Đinh Đức Long nói với RFA vào hôm 17/10:
“Thứ nhất chuyện này giờ họ nói công khai nhưng thực tế họ làm từ lâu rồi. Không phải giờ họ mới làm đâu. Bây giờ họ mới vừa làm vừa nói ra thôi.
Thứ hai nói giảm tai nạn giao thông thì họ có thống kê chưa? Tai nạn giao thông ban đêm nhiều hay ban ngày nhiều? Ban đêm vắng người thì làm sao tai nạn nhiều hơn ban ngày được?
Thứ ba nữa là họ làm ban đêm như vậy thì lấy gì, cơ sở nào, ai giám sát quyền lực của họ nếu lúc bấy giờ chỉ có một người dân đơn thuần với một đội ngũ công an được trang bị tận răng thì chuyện lạm quyền là điều khó tránh.”
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ TPHCM, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019 đã có hơn 2.560 vụ tại nạn giao thông khiến hơn 460 người chết và bị thương gần 1.800 người.
Còn theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5 năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 326.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 98.000 người, bị thương gần 330.000 người.
Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Ông Minh Đức, chủ một cơ sở vận tải nhỏ ở TP.HCM nêu ý kiến:
“Về chủ trương (giảm tai nạn giao thông – pv) thì nó là tốt, là đúng, nhưng phía sau nó, với thực tế tình hình giao thông và tình hình cảnh sát giao thông ở Việt Nam thì đó là cơ hội để CSGT lạm quyền và tư lợi. Nếu cho phép CSGT dừng xe bất kể lý do gì thì đó là cơ hội cho họ lạm quyền, cho họ tư lợi – mà tiếng dân dã mình gọi là kiếm chác – đối với người tham gia giao thông.”
Lấy cớ để hạch sách dân?
Theo ghi nhận của RFA, đa số người dân đều phản ứng với những thay đổi được đề xuất hay áp dụng với lực lượng CSGT, bởi một thực tế là người dân không còn tin vào lực lượng này nữa.
Một đề xuất mới đây nhất về việc trang bị vũ khí sát thương như súng trường, súng tiểu liên  cho CSGT, đã bị nhiều người phản ứng khi họ cho rằng đó chỉ là cách duy trì quyền lực cho đảng cộng sản, bởi công an để bảo vệ đảng, và chính phủ luôn coi dân như lực lượng chống đối.
Lúc đó, luật sư Đặng Đình Mạnh đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của ông rằng đề nghị của Bộ công an là thái quá vì từ hồi nào giờ chưa thấy có sự chống đối nào của người dân với lực lượng cảnh sát hay chính quyền tới mức độ phải sử dụng tiểu liên cả. Vậy trang bị tiểu liên cho cảnh sát giao thông không thích hợp với môi trường xã hội hiện nay.
Nay, với thông tin từ giờ đến cuối năm, CSGT sẽ tăng cường tổng kiểm tra tất cả các xe trên đường vào ban đêm nhằm làm giảm tai nạn giao thông, cô Trang, một người dân TP.HCM lên tiếng phản đối ngay. Cô cho rằng mục đích chính là để lực lượng này “kiếm tiền”:
“Tôi không đồng ý chuyện tự nhiên chặn xe như vậy nếu mình không có vi phạm gì. Nếu muốn giảm tai nạn giao thông thì bổ sung những phương tiện khác cho dân đi, như xe buýt chẳng hạn. Gần Tết nó đưa vụ này ra để nó kiếm tiền thôi!”
Bác sĩ Đinh Đức Long cũng nhận định đây là cơ hội để họ lạm dụng quyền lực vì không có cách nào người dân có thể giám sát quyền lực của họ khi chỉ có người dân đối mặt với lực lượng chức năng vào đêm hôm như thế. Ông cho biết mình từng là nạn nhân của CSGT, và buộc lòng phải “hối lộ” để khỏi trễ chuyến bay trong một lần đi khám bệnh từ thiện và bị CSGT chặn lại không lý do trên đường từ nhà ra phi trường Tân Sơn Nhất. Ông kết luận:
Thật ra, họ lấy cớ này để trang bị vũ khí thêm cho họ nhằm tăng khả năng kiểm soát và đàn áp người dân. Một trong những nguyên nhân họ làm như vậy là vì họ sợ hiệu ứng Hong Kong. – BS. Đinh Đức Long
“Thật ra, họ lấy cớ này để trang bị vũ khí thêm cho họ nhằm tăng khả năng kiểm soát và đàn áp người dân. Một trong những nguyên nhân họ làm như vậy là vì họ sợ hiệu ứng Hong Kong.”
Từ năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam đã công bố Kết quả khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng. Báo cáo cho biết “Tham nhũng tăng lên trong hai năm qua, trong đó cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất”.
Nói đến ngành công an thì CSGT không là ngoại lệ với những nhũng nhiễu, vòi tiền người tham gia giao thông ngay cả khi họ không vi phạm lỗi gì.
Một trong những vụ nổi cộm là tháng 3 năm 2018, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy có hình thù, màu sắc giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 – 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp và nhét vào tập hồ sơ của cảnh sát giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông trong clip có hành vi tiếp nhận các tờ giấy giống tiền nói trên bằng cách để yên cho người vi phạm nhét vào tập hồ sơ hoặc nhận trực tiếp bằng tay và rút các tờ này từ tập hồ sơ mang cất đi…
Vụ này khiến 26 cán bộ từ cấp chỉ huy trở xuống trong lực lượng CSGT bị đình chỉ công tác để điều tra.
Ông Minh Đức nêu trường hợp của mình và nói rõ, CSGT không bao giờ lấy được tiền của ông vì ông không bao giờ vi phạm lỗi gì, thế nên họ kiếm tiền bằng cách khác:
“Tôi bị rồi, ban đêm tôi đi về, đường vắng nó ngoắc vô. Tôi hỏi có vấn đề gì không, nó nói ‘xin tiền uống cà phê thôi’. Tôi móc 50 ngàn hoặc 100 ngàn cho nó. Khi mở miệng xin tiền uống cà phê tôi sẵn sàng cho!”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/traffic-police-increasingly-abuse-power-dt-10172019143316.html

Vì sao ‘Đường lưỡi bò’ của TQ

nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN?

Các ấn phẩm của Trung Quốc có bản đồ ‘đường lưỡi bò’ đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường bất chấp chế độ kiểm duyệt được cho là ‘hà khắc’ ở đây.
Mới đây nhất, một du khách người Việt phát hiện công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist phát cho khách ẩn phẩm du lịch có hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò (đường chín đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ và tự tuyên bố vùng chủ quyền trên Biển Đông.
Bàn tròn thứ Năm: Nước cấp ô nhiễm ở Hà Nội và phim có đường lưỡi bò bị ngừng chiếu
“Người Tuyết bé nhỏ” và “Ròm” – nghịch lý kiểm duyệt ở VN
Ukraine: Ngưng bán quả địa cầu in sai bản đồ VN
Diên Hy Công Lược và ‘sức mạnh mềm TQ’
Ông T.Đ.H ở TP Hồ Chí Minh đặt tua của Saigontourist hôm 17/10 và được giới thiệu tour đi Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn của Trung Quốc.
Nhân viên của Saigontourist sau đó đưa cho ông một cuốn sách dày khoảng 100 trang giới thiệu cảnh vật tại địa điểm này. Ông T.Đ.H cho hay xem tới gần cuối cuốn sách thì phát hiện bản đồ Trung Quốc có in đường lưỡi bò phi pháp, theo Thanh Niên.
Đây không phải là lần đầu tiên các ấn phẩm của Trung Quốc có in bản đồ có đường lưỡi bò được mang trót lọt vào Việt Nam, vượt qua nhiều cổng kiểm duyệt. Nhiều ấn phẩm như vậy thậm chí đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng Việt Nam.
Ồn ào nhất, mới đây, là việc Việt Nam cấm chiếu bộ phim hoạt hình Abominable (tên phim tiếng Việt là Everest – người tuyết bé nhỏ), một sản phẩm hợp tác giữa công ty Pearl Studio của Trung Quốc và DreamWorks Animation, vì có cảnh bản đồ đường lưỡi bò.
Thế nhưng trước khi bị cấm, phim này đã được chiếu trót lọt gần 10 ngày tại hệ thống rạp của CJ CGV ở Việt Nam. Chỉ đến khi nhiều người xem phát hiện phim có hình ảnh bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò, xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh quay, và lên tiếng trên mạng xã hội, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.
Tháng trước, tại Hội chợ quốc tế du lịch 2019 tại TP Hồ Chí Minh, giới chức phát hiện tờ rơi quảng bá du lịch Trung Quốc có hình đường lưỡi bò được công ty Hola China phát cho khách.
Năm ngoái, phim Điệp vụ Biển đỏ của Trung Quốc được chiếu rộng rãi tại Việt Nam cho đến khi khán giả phát hiện ra trong phim có đoạn nói Biển Đông là của Trung Quốc.
Trung Quốc mang bản đồ lưỡi bò vào Việt Nam như thế nào?
Các sự việc nói trên liên tiếp xảy ra, cho thấy Trung Quốc có nhiều bước đi ‘âm thầm và xảo quyệt’ để tuyên truyền chủ quyền của mình trên Biển Đông, như nhận định của ông Nguyễn Đình Phú, phó giáo sư tại Đại học UCI, California.
Các kênh quảng bá đường lưỡi bò của Trung Quốc có thể là qua phim ảnh, ấn phẩm du lịch, giáo dục, hoặc các tạp chí khoa học quốc tế.
Trong bài phỏng vấn với BBC Tiếng Việt hồi tháng 3/2019, Giáo sư Phú nói do tính chất công việc, ông thường xuyên đọc các tài liệu khoa học và phát hiện ra rằng Trung Quốc gần đây cố tình đưa đường Lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn vào các ấn phẩm khoa học quốc tế.
Vụ áo phông lưỡi bò: ‘VN để dành sự giận dữ’
Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’
Phim Thái làm Myanmar tức giận
Số lượng các bài báo khoa học có chèn đường lưỡi bò lên tới hàng ngàn bài, từ năm 2017. Trong khi trước thời điểm đó rất hiếm.
Trung Quốc cũng cho các học giả quốc tế tới dự các diễn đàn khoa học về Biển Đông để tuyên truyền về đường lưỡi bò.
Các công ty du lịch hoặc công ty giải trí của Trung Quốc cũng mang ấn phẩm sang Việt Nam dự hội chợ, phát cho các công ty du lịch, hoặc tinh vi hơn, mang cả phim sang chiếu.
‘Đường lưỡi bò’ cũng vào Việt Nam bằng cách in trên áo phông, hoặc hộ chiếu của khách du lịch Trung Quốc.
Điều đáng nói là Việt Nam đã có hệ thống kiểm duyệt, sàng lọc thông tin từ trung ương xuống địa phương nhưng lại vẫn để lọt ‘đường lưỡi bò’.
Ví dụ, các phim chiếu ở Việt Nam đều phải qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng Duyệt phim thuộc Cục Điện Ảnh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Trong vụ việc của Saigontourist, lỗi được đổ cho nhân viên của công ty đã không kiểm tra kỹ cuốn cẩm nang du lịch do công ty Trung Quốc cung cấp.
Trong vụ việc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019, các tờ rơi có hình bản đồ lưỡi bò bị mang đi tiêu hủy, nhưng không thấy tin công ty Hola China bị xử lý.
Với phim Điệp Vụ Biển Đỏ, Cục Điện Ảnh khi đó nói phim đã được kiểm duyệt ‘đúng quy trình’, nên không có ai chịu trách nhiệm.
Còn với phim Abominable, Cục Điện Ảnh ‘thẳng thắn nhận trách nhiệm’ nhưng nói lỗi này ‘khó tránh’ vì “Cục không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt”.
Đến nay chưa thấy cá nhân hay cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nào phải chịu bất thứ hình thức xử lý nào.
Tranh chấp Biển Đông vượt ra ngoài lãnh thổ VN-TQ
Các tranh chấp Biển Đông từng được ‘xử lý’ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2018, cộng đồng mạng Việt Nam phản ứng dữ dội trước thông tin một công ty ở Ukraine bán quả địa cầu trong đó nhiều tỉnh biên giới Việt Nam bị xếp vào lãnh thổ Trung Quốc.
Trả lời BBC Tiếng Việt thời điểm đó, công ty Globus Plus của Ukraine cho hay họ đã ngưng bán sản phẩm quả địa cầu in sai hình bản đồ Việt Nam.
Hồi tháng 9/2017, một bảo tàng tại Anh Quốc cam kết không bán địa cầu lưu niệm có in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc sau khi có thư phản ánh của người Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50095098

Miễn nhiệm Bộ trưởng y tếgiữa nhiệm kỳ

vì đến tuổi hưu?

Trước những thắc mắc của báo chí về việc tại sao miễn nhiệm chức Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc, ông Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời rằng do bà Tiến đã đủ tuổi nghỉ hưu.
Báo chí đặt câu hỏi trên bởi lẽ trong một trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Phó ban tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng có cho rằng “…đang giữa nhiệm kỳ mà miễn nhiệm là trường hợp đặc biệt”.
Thông thường các Bộ trưởng hoặc Ủy viên Trung ương Đảng dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng nếu đang trong nhiệm kỳ thì được làm hết nhiệm kỳ, và nhiệm kỳ Bộ trưởng của bà Tiến vẫn còn đến năm 2021.
Trong cuộc họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc, giải thích rằng bà Tiến được chuyển sang làm Trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đây cũng là một vị trí quan trọng.
Ngày 16 tháng 9, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận vụ VN Pharma sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét. Thanh tra Chính phủ xác định Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược, đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế.
Ngày 14 tháng 10, Bộ Chính trị phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ kiêm giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Y tế thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đầu tháng 7 năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận chức Trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (người tiền nhiệm của bà Tiến ở chức vụ này là ông Nguyễn Quốc Triệu, cũng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế).
Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 8 vào ngày 21 tháng 10 và bế mạc ngày 27 tháng 11. Tại kỳ họp này, có 2 vị trí nhân sự được miễn nhiệm là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản VN vẫn chưa về hưu dù ông đã 75 tuổi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/minister-of-health-dismissed-in-mid-term-for-reaching-retirement-age-10182019085721.html

Doanh nhân thời nay thành đạt nhờ đâu?

Thanh Trúc
Trái với một thời mà doanh nhân, gọi chung là người buôn bán kinh doanh, bị nhìn với con mắt tiêu cực, nay một đội ngũ doanh nhân sáng tạo, đổi mới là điều rất cần thiết cho  Việt Nam trên con đường phát triển một nền kinh tế hùng cường.
Đó là nội dung thảo luận trong buổi tọa đàm về vai trò và động lực chủ đạo của doanh nhân, được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng.
Môi trường kinh doanh dần chuyển đổi?
Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp Hội Bất Động Sản Việt Nam,  nói tại hội thảo rằng “ Ít có nước nào mà giới doanh nhân hình thành và đi lên trong bối cảnh trầy trật, khó khăn của một rừng pháp luật, trong một tư tưởng coi doanh nhân là con buôn, thậm chí vùi dập trong thời kỳ đầu hình thành”
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam(VCCI), cũng thừa nhận đã có một thời người làm kinh doanh ở Việt Nam bị mô tả qua một lăng kính tiêu cực.
Nói một cách khác, từ lâu về trước, từ thưở bao cấp, cùng kế hoạch hóa tập trung, trong tiềm thức giới lãnh đạo thì người làm kinh doanh là con buôn, con phe, là những kẻ làm giàu một cách không chính đáng.
Nếu ở thời chiến, ngoài mặt trận là những người lính xung phong thì ở thời bình những doanh nhân chính là những người xung phong. Khái niệm đó tôi cho là rất thú vị. Doanh nhân bây giờ được coi như hình mẫu, nhiều giới trẻ cũng mong muốn, ước mơ trở thành doanh nhân. Việc tuyên truyền về những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam hiện nay cũng khá là tích cực.
-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh
Bây giờ, tại  buổi tọa mang tên “Doanh Nhân Việt Nam Đồng Hành Cùng Dân Tộc”, những thành phần buôn bán làm ăn đó được đề cao là “Doanh Nhân Việt”, là “Động lực chủ đạo xây nền kinh tế hùng cường”.
Ý nghĩa lời phát biểu của chủ tịch Hiệp Hội Bất Động Sản Nguyễn Trần Nam được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh diễn giải như sau:
Trước hết từ “Doanh Nhân” đấy là chỉ những người tự đứng lên xây dựng cái sản nghiệp, cái kinh doanh của mình. Nhưng ở Việt Nam hiện một số Doanh Nghiệp Nhà Nước vẫn còn tồn tại thì lãnh đạo những doanh nghiệp ấy cũng được xếp vào hàng doanh nhân. Thực ra cái được chia sẻ ở đây là khu vực kinh tế ngoài Nhà Nước. Khoảng năm 2000, từ khi Luật Doanh Nghiệp bắt đầu có hiệu lực thì đội ngũ doanh nhân ngoài Nhà Nước mới gọi là chính thức được công nhận và được tạo điều kiện để phát triển. Tư duy gọi là coi thường doanh nhân, thậm chí là chèn ép và không muốn họ phát triển lên dần dần cũng suy giảm đi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói ông đồng tình với khái niệm, thực ra đã có cách đây 10 năm, là:
Nếu ở thời chiến, ngoài mặt trận là những người lính xung phong thì ở thời bình những doanh nhân chính là những người xung phong. Khái niệm đó tôi cho là rất thú vị. Doanh nhân bây giờ được coi như hình mẫu, nhiều giới trẻ cũng mong muốn, ước mơ trở thành doanh nhân. Việc tuyên truyền về những doanh nhân thành đạt ở Việt Nam hiện nay cũng khá là tích cực.
Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, nay là nhà nghiên cứu độc lập,thì lập luận về doanh nhân được ông đánh giá là sự thay đổi tư duy vô cùng quan trọng:
Theo quan niệm cũ, chủ nghĩa xã hội lập ra trên cơ sở tiêu diệt bóc lột. Tư sản là bóc lột sức lao động của công nhân nên cần phải được cải tạo. Ngày nay đảng cộng sản Việt Nam đã có thay đổi, đã có Nghị Quyết về việc phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế.
Luật Doanh Nghiệp năm 1999, mà tôi có góp phần biên soạn và tổ chức thực hiện, qui định công dân Việt Nam được quyền tự do kinyh doanh tất cả những ngành nghề mà Pháp Luật không cấm, vì vậy cho nên đã có  sự phát triển bùng nổ khu vực kinh tế tư nhân.
Thế nhưng, vẫn lời nhà nghiên cứu Lê Đăng Doanh, tiến trình cải thiện và động thái thay đổi không theo kịp đà tiến bộ cũng như nguyện vọng của người dân:
Mới đây Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đánh giá Chỉ Số Năng Lực Cạnh Tranh Toàn Cầu (Global  Competitiveness Index) của Việt Nam từ hạng 77 năm 2018  đã lên hạng 67 năm 2019, trong đó rất nhiều chỉ tiêu đã được cải thiện.Tuy vậy chỉ tiêu về thể chế vẫn là chỉ tiêu được xếp tương đối thấp. Việt Nam vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phải công khai minh bạch, phải thực hiện chế độ tiếp nhận cá nhân, tiếp nhận giải trình để có thể phát triển.
Hay nhờ sự minh bạch, công khai?
Năm 2011, Bộ Chính Trị Việt Nam ban hành Nghị Quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân theo chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, qua đó vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân được qui định trong Hiến Pháp.
Trong lúc chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, xác định vị thế cần thiết của doanh nhân, nói rằng sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân trong 30 năm qua là thành quả của tiến trình đổi mới. Chủ tịch Hiệp Hội Bất Động Sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam, thì nhắc lại rằng doanh nhân Việt phải đi lên trong bối cảnh trầy trụa, khó khăn, vùi dập  của một rừng Pháp Luật bên cạnh thái độ rẻ rúng của thể chế.
Lời ta thán về “một rừng Pháp Luật” được tiến sĩ Vũ Đình Ánh giải thích rằng bản thân của rừng luật ấy không chỉ là các luật lệ do Quốc Hội ban hành mà còn cả một hệ thống văn bản hướng dẫn Luật. Ông nói cái nhiêu khê là chỉ khi có các văn bản ấy thì Luật mới được áp dụng và được thực thi.
Do đó quan trọng nhất của Việt Nam là phải sắp xếp lại hệ thống Luật để đảm bảo làm sao có tính đồng bô, giảm bớt rắc rồi, chồng chéo thậm chí xung đột lẫn nhau giữa các qui định.
Cái nhóm thứ hai mà doanh nhân phải đối mặt nhiều hơn chính là trong quá trình thực thi Pháp Luật. Bản thân các doanh nhân phải đối diện với các cơ quan chính quyền, trong suốt quá trình hoạt động từ
thuế má cho đến kinh doanh, quản lý thị trường hay chống hàng gian hàng giả. Tóm lại là vấn đề quản lý Nhà Nước mà bản thân cơ quan chức năng hay công chức vẫn gây không ít khó khăn, khó dễ cho doanh nhân dù rằng qui định Pháp Luật đã có. Nên là khi ông Nguyễn Trần Nam nói doanh nhân trầy trật là nó trầy trật cả từ phía hệ thống văn bản và đặc biệt vấn đề thực thi hệ thống văn bản Pháp Luật đấy.
Luật Doanh Nghiệp năm 1999, mà tôi có góp phần biên soạn và tổ chức thực hiện, qui định công dân Việt Nam được quyền tự do kinh doanh tất cả những ngành nghề mà Pháp Luật không cấm, vì vậy cho nên đã có  sự phát triển bùng nổ khu vực kinh tế tư nhân
-Kinh tế gia Lê Đăng Doanh
Nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng Doanh thì lại có ý kiến:
Tôi rất chia sẻ và thông cảm với những khó khăn. Năm 1978 tôi được cử vào giám sát quá trình cải tạo ở thành phố Hồ Chí Minh và đã thấy rất nhiều người bị oan uổng, bị qui là tư sản. Tôi nghĩ quá khứ không thể làm lại được nhưng chúng ta hãy cố gắng cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn với các nhận thức tiến bộ hơn.
Hiện đang có gợi ý là đối với những doanh nhân thực sự có đóng góp thì cũng nên phong làm anh hùng lao động, nên được khen thưởng huân chương. Tôi nghĩ đấy là tiến bộ.
Chuyên gia ngân hàng và tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ví von rằng một rừng Pháp Luật thì không giống với điều người ta thường gọi là Luật rừng, và nhất là đối với doanh nhân hay doanh nghiệp thì phải hiểu là:
Tôi đã về Việt Nam 10 năm và nhận thấy Luật càng lúc càng rõ ràng hơn. Ba mươi hay bốn mươi năm trước Luật Pháp Việt Nam rất là rối ren và tạo rào cản cho sự phát triển xã hội. Ngày hôm nay những Luật chẳng hạn Luật Doanh Nghiệp rồi Luật Đầu Tư, Luật Dân Sự, Hình Sự, Luật Tổ chức Tín dụng ngày càng được cải tiến. Thành ra nói Luật rừng thì có lẽ cũng không công bằng mà phải nói rằng hệ thống Luật Pháp Việt Nam dĩ nhiên còn nhiều cái chồng chéo và đang được cải tổ.
Vế ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp, rằng Việt Nam cần “làn sóng cải cách đổi mới lần thứ hai, cần xây dựng Nhà Nước kiến tạo, nghĩa là không chỉ tháo gỡ khó khăn như ba thập niên qua mà phải bước vào giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy, yểm trợ, ông Nguyễn Trí Hiếu bổ sung:
Quan điểm chính phủ kiến tạo (Creative Government) có sự sáng tạo có tinh thần đổi mới. Ông Nguyễn Xuân Phúc chủ trương một chính phủ kiến tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp Start Up. Chính sách, chủ trương thì tốt nhưng cần hành động, và một trong những hành động cần thiết là hỗ trợ vốn. Doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đi tìm vốn.
Về nguyên tắc thì ông Vũ Tiến Lộc nói đúng, chính phủ không chỉ có lo tháo gỡ khó khăn mà phải kiến tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nói thì dễ nhưng phải hành động nhiều hơn. Một trong những hành động tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cần phải làm là huy động được sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế và một môi trường rộng mở hơn. .
Có mặt tại buổi tọa đàm ở Đà Nẵng, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhận định trong vòng 5 năm trở lại đây doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những thành tựu lớn, ý nghĩa và có chất lượng, do đó, dù còn nhiều vấn đề lăn tăn hay nghi hoặc, doanh nhân Việt, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, đã và đang truyền cảm hứng cho giới trẻ. Chính vì thế, ông khẳng định tiếp, doanh nhân chính là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế hùng cường cho đất nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-businessmen-play-a-vital-role-10182019093024.html

Việt Nam-EU ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng

Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) vừa ký kết Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hỏang của EU (FPA) ở Brussels, Bỉ vào hôm 17/10/2019.
Truyền thông trong nước, vào ngày 18 tháng 10 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Đại tướng Ngô Xuân Lịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Federica Mogherini, đại diện cho Việt Nam và EU đã ký Hiệp định FPA vừa nêu.
Hiệp định FPA được hai phía Việt Nam và EU đánh giá là một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng, đóng vai trò thúc đẩy cho Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).
Theo Hiệp định FPA vừa ký kết, Việt Nam lựa chọn hợp tác với EU trong thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động Đối ngoại EU; đào tạo tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Về phía EU, Hiệp định FPA tạo điều kiện thuận lợi cho EU hợp tác với Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tại buổi ký kết Hiệp định FPA, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Federica Mogherini cho biết EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông trong thời gian qua, đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Bà Federica Mogherini cho biết thêm rằng EU ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách minh bạch và đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực cùng các quốc gia đối tác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-and-eu-signed-agreement-on-defense-cooperation-10182019083030.html

Scandal nước sạch: Giọt cuối làm tràn ly… ‘ổn định’?

Trân Văn
Scandal về nước sạch ở Hà Nội chưa kết thúc và tiếp tục góp thêm một ví dụ minh họa cho não trạng, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
***
Tin mới nhất liên quan đến vụ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của dân chúng khu vực Tây Nam Hà Nội bị nhiễm dầu là Viwasupco (Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà) đã hoạt động trở lại vào đêm 16, rạng sáng 17 tháng 10, sau khi tạm ngưng hoạt động từ sáng 15 đến đêm 16 tháng 10.
Có một điểm cần chú ý: Viwasupco tái vận hành hệ thống cấp nước không phải vì nước đã sạch mà là thực hiện “chỉ đạo” của chính quyền thành phố Hà Nội. Tại sao chính quyền thành phố Hà Nội “chỉ đạo” như thế khi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm, xác định nước do Viwasupco cung cấp đã sạch hay chưa (1)?
Nếu xem xét toàn bộ diễn biến của các scandal liên quan tới môi trường và dân sinh đã cũng như đang diễn ra tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, chỉ có một câu trả lời: Đó là chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng và hệ thống công quyền Việt Nam nói chung vẫn xem duy trì sự “ổn định” là quan trọng nhất!
Bởi “ổn định” là quan trọng nhất nên trong scandal về nước sạch ở Hà Nội, không chỉ Viwasupco mà chính quyền thành phố Hà Nội (nơi có trách nhiệm giám sát cả hoạt động cung cấp nước lẫn chất lượng nước) cũng lờ đi yếu tố nguồn nước mà nhiều triệu người dùng trong ăn, uống bị nhiễm dầu. Chỉ đến khi khủng hoảng bùng lên, lan rộng, Viwasupco mới xác nhận nguyên nhân, chính quyền thành phố Hà Nội mới chính thức khuyến cáo không nên dùng nước do Viwasupco cung cấp để ăn, uống (2).
Trong vòng sáu tuần vừa qua, ít nhất đã có ba lần, chính quyền thành phố Hà Nội đặt “ổn định” lên trên sức khỏe, tính mạng của dân chúng. Trước scandal nước sạch nhiễm dầu là scandal không khí ô nhiễm đến mức nguy hiểm, scandal môi trường sống quanh Nhà máy Rạng Đông nhiễm thủy ngân sau khi nhà máy này bị cháy.
***
Xét về ngữ nghĩa, “ổn định” là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong quản trị – điều hành, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam từ trên xuống dưới đã biến “ổn định” trở thành đồng nghĩa với bưng bít thông tin, né tránh trách nhiệm để giúp những cá nhân tuy hữu trách nhưng bất nhân, bất nghĩa, bất trí giữ chặt quyền lực và lợi ích. “Ổn định” trở thành lý do để thẳng tay đàn áp những người dám nêu thắc mắc, dám chất vấn, đòi bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ.
Không may là vẫn còn không ít người Việt tán thành cả quan niệm lẫn cách thức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam gìn giữ, duy trì cái gọi là sự… “ổn định”. Một nhóm đông hơn tuy nhận ra sự giả tạo của cái gọi là sự… “ổn định” ấy nhưng lại lấy số phận của những cá nhân bị đàn áp vì phản kháng để tự… răn mình im lặng cho… lành!
Đó là lý do những phản ứng đối với các biến cố nghiêm trọng, chỉ ra tai họa đã đến trước cửa, xâm hại cả hiện tại lẫn tương lai như biến cố Formosa xả nước thải, hủy diệt vùng biển ven bờ bốn tỉnh phía Bắc miền Trung cách nay ba năm, vẫn không tạo ra bất kỳ chuyển biến tích cực nào đối với môi sinh, môi trường sống của người Việt. Đó là lý do càng ngày, sức khỏe, tính mạng của người Việt càng trở thành mong manh trước đủ loại ô nhiễm: Không khí, đất, nước, thực phẩm,…
Bất kể thế nào, chấp nhận hay không thì sự “ổn định” giả tạo vẫn tiếp tục biến nhiều triệu người thành nạn nhân, kể cả những người mà sự nghiệp gắn chặt với “ổn định” giả tạo như viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hoặc công việc chỉ nhằm bảo vệ sự “ổn định” giả tạo như quân đội, công an. Tất cả đều phải trả giá rất đắt cho “ổn định” giả tạo không chỉ hôm nay, ngày mai mà cả ở tương lai rất xa. Không riêng mình mà cả con, cháu, chắt cũng sẽ cùng phải trả cái giá càng ngày càng cao ấy!
***
Viwasupco phát giác dầu thải ở đầu nguồn nước từ 8 tháng 10 nhưng im lặng, chỉ đổ thêm hóa chất vào hệ thống lọc nước (3)… Đến ngày 10 tháng 10, cư dân nhiều khu vực ở Hà Nội phát giác “nước sạch” nặng mùi, các gia đình bắt đầu mua nước đóng chai để dùng vào việc ăn, uống…
Từ 12 tháng 10, bộ phận quản trị nhiều chung cư ở Hà Nội bắt đầu khuyến cáo mọi người không nên ăn, uống bằng “nước sạch” (4) nhưng chính quyền thành phố Hà Nội không làm gì cả cho đến ngày 15 tháng 10, khi thông tin “nước sạch” nhiễm dầu thải và có nhiều hóa chất đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người, tạo ra scandal…
Ngày 15 tháng 10, Viwasupco bắt đầu phân bua thì chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức họp báo. Trọng tâm của buổi họp báo chỉ nhắm vào việc…yêu cầu báo giới phải “nêu bật sự quan tâm, chỉ đạo rất kịp thời của lãnh đạo và sự phối hợp của các ngành trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân” (5).
Giống như nhiều scandal khác đã từng xảy ra khắp nơi ở Việt Nam, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản, các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của nhân dân vẫn chỉ là những mỹ từ để giúp gìn giữ “ổn định”. Tự thân “ổn định” vốn không thật nên mới phát sinh nhiều chuyện quái gở khác.
Chẳng hạn, sau khuyến cáo không dùng “nước sạch” do Viwasupco cung cấp, chính quyền thành phố Hà Nội đã điều động xe chở “nước sạch” đến các khu dân cư hỗ trợ nhân dân. Nhân dân phải xếp hàng nhiều giờ mới được chia một xô “nước sạch” để ăn, uống nhưng nhận xong phải đổ (6) vì “nước sạch” miễn phí được vận chuyển bằng bồn chở nước… tưới cây (7).
“Ổn định” giả tạo vừa cho phép, vừa khuyến khích các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam trở thành trâng tráo.
Khi không thể phủ nhận tác hại của “nước sạch” nhiễm dầu, chính quyền thành phố Hà Nội khẳng định, luôn “tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân” và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thủ đô Việt Nam vẫn tiếp tục “án binh bất động” đối với tố cáo đã được nhiều giới nêu ra cách nay ba tháng: Trang trại nuôi 10.000 con heo của Công ty Apfa Comfeed Việt Nam, liên tục xả hàng ngàn khối nước thải hôi thối, đặc quánh, đen kịt vào đầu nguồn nước được dùng để cung cấp cho Hà Nội (8),…
Trang trại của Công ty Apfa Comfeed Việt Nam cũng tọa lạc ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình – khu vực bị xả dầu thải khiến “nước sạch” cung cấp cho cư dân Hà Nội bị nhiễm dầu. Cho dù tính chất nguy hại chẳng khác gì nhau nhưng chính quyền thành phố Hà Nội chưa “quan tâm”, chưa “chỉ đạo”, các ngành hữu trách chưa “phối hợp bảo vệ sức khỏe nhân dân” có thể vì chưa ai tìm thấy… phân heo… trong “nước sạch”!
Cập nhật: Tin từ báo chí trong nước, ngày 18 tháng 10, Công An Hòa Bình xác nhận tạm giam 2 nghi can liên quan đến vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà.
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/nha-may-nuoc-song-da-cap-nuoc-tro-lai-20191017095615506.htm
(2) https://tuoitre.vn/ha-noi-khuyen-cao-khong-dung-nuoc-may-mui-la-de-an-uong-20191015180636616.htm
(3) https://tuoitre.vn/lanh-dao-don-vi-cap-nuoc-da-muon-cat-nuoc-nhung-khong-du-can-cu-20191015143952858.htm
(4) https://tuoitre.vn/vi-sao-nuoc-sach-o-ha-noi-boc-mui-dan-keu-van-chua-co-tra-loi-2019101308193763.htm
(5) https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/thoi-su/ha-noi-phan-ung-voi-su-co-nuoc-song-da-nhanh-hon-vu-rang-dong.html
(6) https://tuoitre.vn/xep-hang-lay-nuoc-roi-do-di-ngay-vi-nuoc-khong-sach-20191016164245097.htm
(7) https://soha.vn/doanh-nghiep-thua-nhan-dung-xe-cho-nuoc-tuoi-cay-dua-nuoc-sach-mien-phi-cho-dan-ha-noi-20191017145542952.htm
(8) https://moitruong.net.vn/hoa-binh-nguoi-dan-to-trang-trai-lon-cong-ty-japfa-viet-nam-gay-o-nhiem-nguon-nuoc/
https://www.voatiengviet.com/a/viwasupco-song-da-o-nhiem-nuoc-ha-noi/5129490.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.