Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 18/10/2019

Friday, October 18, 2019 8:18:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 18/10/2019

Trung Quốc cho tàu đi theo tàu sân bay Mỹ

trên biển Đông

Trung Quốc điều tàu bám đuôi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ trên biển Đông.
Sự việc xảy ra khi tàu sân bay USS Ronald Reagan đang trên đường di chuyển đến Singapore để thực hiện các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải.
Theo South China Morning Post, với hai tuần dương hạm và một khu trục hạm đi kèm hộ tống, tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đã cập bến Singapore vào ngày 17/10/2019.
Chuẩn đô đốc Hải quân George Wikoff khi trả lời báo chí hôm 17/10 khẳng định, không lo ngại về bất cứ mối đe dọa an ninh nào mà lực lượng Mỹ có thể đối mặt khi di chuyển ở biển Đông.
Ông George Wikoff dù không phủ nhận việc trước đó USS Ronald Reagan đã bị nhiều tàu chiến Trung Quốc bám đuôi, nhưng ông cũng không cho biết cụ thể nhiệm vụ sắp tới của USS Ronald Reagan trong khu vực. Tuy vậy, ông khẳng định nhiệm vụ của tàu USS Ronald Reagan sẽ ‘mang tính sát thương’ và sẵn sàng tác chiến ngay khi có lệnh điều động.
Các hình ảnh vệ tinh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy tàu bị ít nhất bảy tàu được cho là của Trung Quốc vây quanh.
Hồi tháng 9 năm 2019, tờ China Daily đã đăng một bài viết chỉ trích Mỹ sử dụng tàu USS Ronald Reagan để ‘khoe cơ bắp’ sau khi tàu này di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, vào chiều ngày 16/10/2019, Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần về việc thực hiện Luật Tái bảo đảm châu Á – ARIA. Tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell đã phát biểu về an ninh hàng hải, trong đó có tình hình Biển Đông.
Ông David Stilwell cho rằng, các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông được thể hiện bằng đường 9 đoạn đều là phi pháp và phi lý. Các tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây tổn hại đến các nước khác.
Theo ông Stilwell, thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại Trung Quốc đang ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ USD dự trữ năng lượng có thể khai thác, đồng thời gây mất ổn định và nguy cơ xung đột.

Tàu tuần duyên Mỹ

tham gia tập trận gần quần đảo Trường Sa

Tàu tuần duyên Mỹ vừa thực hiện cuộc tập trận trên biển với các lực lượng Philippines và Nhật Bản gần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Phát ngôn viên lực lượng cảnh sát biển Philippines Arman Balilo cho hay, tàu USCGC Stratton (WMSL-752)  của lực lượng tuần duyên Mỹ vừa đến Palawan hôm 16/10 để tham gia tập trận Sama-Sama. Cuộc tập trận này là hoạt động thường niên giữa Mỹ và Philippines nhằm tăng cường huấn luyện cho lực lượng hoạt động trên biển của hai nước.
Đây là tàu chiến thứ 2 được Mỹ điều đến vùng biển Philippines trong vòng 6 tháng qua. Tháng 5/2018, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines và lực lượng tuần duyên Mỹ tiến hành tập trận gần bãi cạn Scarborough.
Cuộc tập trận được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng mới giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông. Đầu tháng 10, Philippines đã gửi công hàm phản đối sự hiện diện trái phép của tàu Trung Quốc ở bãi cạn Ayungin (Cỏ Mây).
Hôm 14/10, Thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã phát động cuộc tập trận Kamandag kéo dài 5 ngày nhằm “thúc đẩy khả năng tương tác đa quốc gia”.

TQ không ngừng cưỡng ép ở Biển Đông

Các hành động của nhóm tàu khảo sát và hải cảnh Trung Quốc không chỉ giới hạn ở khu vực bãi Tư Chính – Phúc Tần, mà ngày càng lan rộng ra các khu vực khác trong vùng biển Việt Nam, Philippines và Malaysia. Chúng không có dấu hiệu dừng lại.
Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam kể từ tháng 7 đến nay, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Không khó để nhận diện chiến thuật cù nhầy nhằm thực hiện âm mưu “bất chiến tự nhiên thành” của Bắc Kinh.
“Căng thẳng cường độ chậm”
Bằng cách sử dụng nhóm tàu hải cảnh và dân quân biển cù nhầy quấy rối thay vì tàu hải quân, Trung Quốc muốn duy trì căng thẳng dưới mức ngưỡng xung đột vũ trang.
Dù chiến thuật này có thể mang lại hiệu quả về mặt chiến lược, song rõ ràng nó gây tổn hại đến hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc đang cố gắng xây dựng.
Đây là chiến thuật mà chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc Andrew Scobell gọi là “căng thẳng cường độ chậm”. Khác với căng thẳng cường độ thấp, sự leo thang căng thẳng cường độ chậm thường kéo dài lâu và ở biên độ thấp. Tuy vậy, nó cũng có thể dẫn đến xung đột lẻ tẻ ở phạm vi nhỏ, nhưng không bùng phát thành xung đột lớn.
Việc Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo với đầy đủ cơ sở hạ tầng ở giữa khu vực Biển Đông đã giúp chiến thuật cù nhầy của Trung Quốc càng thuận lợi hơn.
Các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép có thể cung cấp dịch vụ chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và dự báo thời tiết cho các tàu hải cảnh, dân quân và tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc. Cụ thể, nhóm tàu Hải Dương 8 có thể duy trì chiến thuật cù nhầy quấy rối ở vùng biển Việt Nam trong nhiều tháng qua do thường xuyên quay về đảo Chữ Thập để tiếp vận.
Hoàn thành việc cải tạo đảo nhân tạo và sau đó sử dụng các tàu bán vũ trang quấy rối thường xuyên, liên tục trong vùng Biển Đông không phải là các chính sách rời rạc của chính quyền Trung Quốc, mà là một phần trong chiến thuật “vùng xám” được lên kế hoạch kỹ càng của Trung Quốc. “Vùng xám” là chiến thuật giữ căng thẳng dưới mức chiến tranh của Trung Quốc, mà Viện nghiên cứu RAND của Mỹ đã cảnh báo cho chính quyền Washington trong một công bố vào giữa năm 2019.
Việt Nam khó có thể kêu gọi sự chú ý hay biện pháp mạnh mẽ hơn từ cộng đồng quốc tế nếu Trung Quốc cứ tiếp tục duy trì chiến thuật căng thẳng cường độ chậm.
Cần tỉnh táo
Nếu không tỉnh táo, các quốc gia khác trong khu vực Biển Đông sẽ phải tham gia trò chơi cù nhầy mà Trung Quốc đang nắm ưu thế.
Ngoài ra, chiến thuật này cũng tạo cho các quốc gia khác trên thế giới không tin rằng sẽ có căng thẳng, xung đột ở khu vực Biển Đông khi Trung Quốc duy trì sức ép vừa đủ dưới ngưỡng có thể bùng phát thành một phản ứng quân sự thường quy, từ đó có thể dẫn đến sự chủ quan và không có phản ứng phù hợp của các nước liên quan.
Nguy hiểm hơn, việc cho các tàu phát tín hiệu hệ thống xác định tự động (AIS) trên bản đồ hàng hải quốc tế ở khu vực bãi Tư Chính cho thấy sự thách thức trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và âm mưu biến vùng biển Việt Nam từ khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Bằng cách này, Trung Quốc muốn gây sức ép với Việt Nam phải đàm phán giải quyết hay cùng khai thác chung, giống như trường hợp khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines.
Chiến thuật cù nhầy gặm nhấm từng bước như chuột của Trung Quốc không tạo ra khủng hoảng xung đột ở khu vực Biển Đông, nhưng lại phục vụ được mục đích của Trung Quốc là gây áp lực, khiến các quốc gia trong khu vực dần dần từ bỏ quyền kiểm soát thực tế của mình.
Đối phó ra sao?
Để đối phó với chiến thuật cù nhầy này của Trung Quốc, Việt Nam không nên chủ quan với các hành động quấy rối của nhóm tàu Trung Quốc và tiếp tục tăng cường triển khai các lực lượng thực thi pháp luật hộ tống, bảo vệ các tàu khai thác thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam nên có một kế hoạch dài hơi cụ thể, xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin vệ tinh với các quốc gia đối tác về hoạt động của các tàu Trung Quốc cũng như xác định rõ các hành vi vi phạm trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam cũng nên tham gia thường xuyên tuần tra chung với các quốc gia trong khu vực, cũng như đưa ra sáng kiến chủ động thành lập lực lượng tuần tra chung với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực.
Sự tham gia của các cường quốc trên thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản trong việc bảo đảm tự do hàng hải và an ninh ở vấn đề Biển Đông luôn là cần thiết. Để như vậy, Chính phủ Việt Nam cần phải luôn có kế hoạch chủ động ứng phó cùng với các quốc gia đối tác có lợi ích liên quan khác.
Cù nhầy kết hợp trâng tráo
Các hành động của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông không chỉ có mục tiêu quấy phá các hành động khai thác dầu khí hay khai thác hải sản, mà còn mang ý nghĩa chiến lược xa hơn của Trung Quốc là cưỡng ép các quốc gia khác từ bỏ chủ quyền ở Biển Đông.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, mục tiêu của Trung Quốc là “bất chiến tự nhiên thành” thông qua các chiến dịch “tam chủng chiến pháp” (tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến) khi kết hợp cù nhầy ở thực địa và trâng tráo ở các diễn đàn ngoại giao.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.