Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 19/10/2019

Saturday, October 19, 2019 3:44:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 19/10/2019

Bắt các nước ASEAN bỏ Trung Quốc

sẽ ‘phản đòn’ với Mỹ

Ngọc Lễ
Mỹ càng vận động các nước đông nam Á tránh xa Trung Quốc chừng nào thì càng có nguy cơ bị phản tác dụng và khiến các nước này rời xa Mỹ nhiều chừng đó, một phúc trình vừa được công bố của Viện Brookings, viện nghiên cứu chính trị và chiến lược hàng đầu ở thủ đô Washington, cho biết.
Thay vào đó, phúc trình đề xuất chính quyền Mỹ nên hợp tác với các nước trong khu vực trên cơ sở đáp ứng lợi ích của họ thay vì lôi kéo họ cho lợi ích của Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng cần tăng cường can dự, thay vì đối đầu, với Bắc Kinh để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực trong khi phải có lập trường cứng rắn mỗi khi Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nhân quyền hay có hành vi thương mại không công bằng.
Một học giả nói với VOA rằng chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm cho vị thế của Mỹ thêm suy yếu trước Trung Quốc trong khu vực.
Ảnh hưởng kinh tế
Lý do mà các nước đông nam Á không thể lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc là ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực vốn đã vượt xa và ngày càng bỏ xa Mỹ, báo cáo cho biết.
Phúc trình dẫn một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) có trụ sở ở Singapore thực hiện với các chuyên gia chính sách, các doanh nhân và các đối tượng có liên quan khác trên khắp các nước ASEN cho thấy hơn 73% cho rằng ‘Trung Quốc là nước có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất ở khu vực’, bỏ xa Mỹ chỉ với 7,9%.
Trên lĩnh vực chính trị và chiến lược, mặc dù khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ hẹp hơn nhưng tỷ lệ đông nhất những người được thăm dò (42%) cho rằng Trung Quốc mới là nước có ảnh hưởng lớn nhất trong khi Mỹ chỉ được 30,5%.
Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực, phần đông những người được vấn ý không tin tưởng Bắc Kinh, với 45,4% cho rằng ‘Trung Quốc là cường quốc xét lại (tức muốn lật đổ trật tự do Mỹ lãnh đạo) với ý định đưa đông nam Á vào phạm vi ảnh hưởng của họ’.
Các nước ASEAN không tin Trung Quốc đã đành nhưng đối với Mỹ, nhất là chính quyền của Tổng thống Donald Trump, họ cũng không tin tưởng là bao. Có trên 50% nói rằng họ có rất ít sự tin tưởng hay không hề tin tưởng Mỹ đang hành động đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu.
Báo cáo của ISEAS cho rằng sự thiếu tin tưởng vào Mỹ này bắt nguồn từ thái độ không đáng tin cậy của Mỹ chẳng hạn như đã ký rồi rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, duy trì sự công kích mậu dịch tự do và khinh thường cơ chế đa phương. Mới đây nhất, Tổng thống Trump còn quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Syria và bỏ mặc đồng minh của họ là người Kurd trước sự tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Trump cũng được cảm nhận rõ rệt ở khu vực ASEAN với 68% người được thăm dò cho rằng sự can dự của Mỹ ở đông nam Á đã suy giảm hoặc giảm rất nhiều.
Về giao thương với ASEAN, Trung Quốc cũng bỏ xa Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khu vực trong hơn một thập kỷ qua. Hiện tại, kim ngạch thương mại song phương hàng năm giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 591 tỷ đô la Mỹ so với 272 tỷ đô la giao thương với Mỹ.
Tuy nhiên, về khía cạnh đầu tư thì Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Tổng cộng, các nước ASEAN nhận được gần 329 tỷ đô la vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy tiến từ Mỹ, báo cáo cho biết.
Về viện trợ, mặc dù Mỹ vẫn là quốc gia hàng đầu với 800 triệu đô la tiền viện trợ nước ngoài cho các nước ASEAN trong năm 2018, nhưng Trung Quốc đã vươn lên vị trí nhà viện trợ lớn nhất ở một số nước. Đơn cử như ở Campuchia, viện trợ của Bắc Kinh đã nhiều gấp 4 lần viện trợ của Washington, phúc trình lưu ý.
Mặc dù các nước ASEAN vẫn có những lo ngại và kháng cự trước sức ảnh hưởng kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhưng họ cũng đã ‘ngày càng khôn ngoan hơn’ trong việc xử lý các dự án ‘Vành đai-Con đường’ để tránh bẫy nợ với điển hình là trường hợp của Malaysia và Indonesia, phúc trình cho biết.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã học được cách tự điều chỉnh, khắc phục những sai lầm để giải tỏa những quan ngại của các nước về Ý tưởng Vành đai-Con đường của họ, nhất là tại hội nghị thượng đỉnh về ý tưởng này hồi tháng Tư năm nay ở Bắc Kinh với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 9 trong 10 nước ASEAN, cũng theo phúc trình của Brookings.
Không thể bỏ Trung Quốc?
“Do những xu thế kinh tế này, không có gì ngạc nhiên khi khu vực không muốn chọn giữa Mỹ và Trung Quốc ở cả cấp độ ngoại giao và chiến lược. Mặc dù đa số các chính phủ ASEAN trân trọng sâu sắc sự đóng góp của Mỹ vào an ninh khu vực, những thực tế kinh tế thay đổi này có nghĩa là ít có nước nào, nếu không nói là không có, sẵn sàng ngả hoàn toàn về phía một nước,” phúc trình nhận định.
Các nước ASEAN đều có ‘suy nghĩ giống nhau’ trong việc kháng cự lại sức ép của Washington muốn họ xa lánh Trung Quốc, phúc trình của Viện Brookings viết. Thay vào đó, họ ‘muốn có mối quan hệ xây dựng với cả hai nước’.
“Nỗ lực liên tục của chính quyền Mỹ nhằm khắc họa Trung Quốc là kẻ xấu không đem lại lợi ích cho Mỹ mà nó lại tạo ra cảm giác rằng Washington đang nuôi dưỡng một cuộc chiến tranh lạnh mới vốn có thể bị Trung Quốc lợi dụng để đẩy Washington ra rìa,” báo cáo viết.
Lập trường lên án Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực của Mỹ ‘cũng có tác dụng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong khu vực, nhất là với hoạt động bồi đắp đảo của họ trên Biển Đông’, theo Viện Brookings, nhưng nó ‘cũng tiềm ẩn những mối họa nghiêm trọng đối với chính sách của Mỹ trong tương lai’.
“Khi mà sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng với cấp số nhân trong khu vực thì liệu có khôn ngoan hay không khi kêu gọi các nước đông nam Á phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc?” phúc trình lập luận.
Phúc trình cũng nêu ra ba ví dụ các nước trong khu vực đã lên tiếng mạnh mẽ là họ ‘không muốn chọn’ giữa Mỹ và Trung Quốc là Singapore, Indonesia và Úc.
Theo đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La hồi cuối tháng 5 đã kêu gọi Bắc Kinh và Washington ‘cùng làm việc với nhau, hòa giải các khác biệt và kiềm chế trong việc đưa ra các điều kiện để buộc các nước khác phải chọn phe’.
Ông Lý thừa nhận rằng ‘việc Trung Quốc tham vọng trở thành một cường quốc trên biển cũng là điều tự nhiên’ nhưng ông kêu gọi Bắc Kinh ‘giải quyết tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế thay vì dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực’ và thúc giục ‘đảm bảo rằng Ý tưởng Vành đai-Con đường sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các đối tác và không biến khu vực thành ‘một khối khép kín xung quanh một cường quốc kinh tế duy nhất’.
Còn đối với Washington, ông Lý than phiền về việc nước này ‘nói công khai chuyện kiềm chế Trung Quốc’ và bày tỏ thái độ lo lắng về ‘lập trường trở nên cứng rắn của Mỹ’. Ông nói sẽ là việc khó khăn để Mỹ có những sự điều chỉnh với tư cách là cường quốc áp đảo lâu nay.
Ngay cả Úc, một đồng minh trung thành nhất của Mỹ, phúc trình lưu ý, cũng đã lên tiếng công khai rằng họ ‘sẽ không chọn giữa Washington và Bắc Kinh. Thủ tướng Úc Scott Morrison từng phát biểu hồi tháng 11 năm 2018 rằng: “Mối quan hệ giữa chúng tôi với hai cường quốc này là khác biệt và cả hai mối quan hệ đó đều thành công.” Hồi tháng Giêng năm nay, ông Morrison nói rằng ‘không có ai có ích lợi gì khi nhìn thấy mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên ngày càng đối đầu’.
Còn Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã kêu gọi tầm nhìn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm cả Trung Quốc và tuyên bố rằng ‘ASEAN và Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài hợp tác cùng nhau’.
Mỹ nên làm gì?
Thay vì lôi kéo các nước trong khu vực về phía mình, phúc trình của Viện Brookings đề xuất Washington nên ‘giúp đỡ thúc đẩy xây dựng một khu vực độc lập, mạnh mẽ và dẻo dai’ để các nước trong khu vực có đủ sức mạnh để ‘không cần thấy phải chọn’ dù là Mỹ hay Trung Quốc.
“Trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc, đó là sẽ là cách làm hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu trong chiến lược châu Á của Mỹ: ngăn chặn sự xuất hiện của một quốc gia bá quyền áp đảo và do đó duy trì vai trò của Mỹ như là một cường quốc Thái Bình Dương’.
Để làm được điều này, Viện nghiên cứu này đề xuất Mỹ nên tiếp tục đẩy mạnh thương mại, đầu tư, hỗ trợ an ninh, viện trợ nước ngoài… cũng như giải quyết những vấn đề cơ bản mà các nước ASEAN hiện đặc biệt lo ngại: cơ chế khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN đang bị đe dọa (ASEAN cảm thấy bị gạt ra lề với chiến lược Bộ Tứ của Mỹ bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), phát triển kinh tế vào thời điểm tranh chấp địa kinh tế gia tăng và những thách thức môi trường như biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, phúc trình cũng kêu gọi Washington nên tận dụng cơ hội là các hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Bangkok và Thượng đỉnh APEC ở Santiago, Chile vào tháng 11 để ‘giảm giọng điệu cứng rắn’ và ‘tính toán lại ngoại giao kinh tế’ trong khu vực.
Theo phúc trình này, Mỹ nên ủng hộ những sáng kiến được đưa ra từ các nước trong khu vực thay vì áp đặt ý tưởng của mình, nhất là tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam được phúc trình đánh giá là ‘một đối tác đang nổi lên’ đối với Mỹ mà Washington cần tăng cường quan hệ.
Ngoài xây dựng quan hệ với đối tác mới, Mỹ cũng nên đẩy mạnh hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững với các đồng minh và đối tác trong khu vực vì các nước này cần nguồn vốn rất lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phục vụ nhu cầu phát triển trong khi Bắc Kinh đang tăng cường lôi kéo với Ý tưởng Vành đai-Con đường của họ, phúc trình cho biết.
Riêng đối với Trung Quốc, theo Viện Brookings, Mỹ nên tăng cường hợp tác bằng cách can dự trực tiếp với Trung Quốc trên các vấn đề như biến đổi khí hậu và đối phó thảm họa cũng như can dự, thay vì tẩy chay, các định chế khu vực do Trung Quốc khởi xướng như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
‘Đa phương mềm dẻo’
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu Giáo sư Đại học Harvard, một học giả ngành luật quan tâm đến các vấn đề của Việt Nam bao gồm cả vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, bày tỏ đồng tình với những kết luận và khuyến nghị trong phúc trình này.
“Mặc dù các nước đông nam Á tin vào Mỹ để đối trọng với Trung Quốc nhưng Mỹ cần uyển chuyển hơn,” ông phân tích. “Còn về Trung Quốc thì họ nể về sức mạnh kinh tế nhưng lại kính nhi viễn chi, không muốn đến gần để bị Trung Quốc o ép.”
Theo ông, cách ASEAN nên xử lý mối quan hệ với Trung Quốc là ‘ngoại giao đa phương mềm dẻo’. “Không lệ thuộc vào nước nào cả, quyền lợi nào của mình gắn với nước nào thì chơi với nước đó (Mỹ, Trung Quốc, EU, Úc, Nhật). Phải mềm dẻo thì mới tránh được cái bẫy của các cường quốc.”
Riêng về tranh chấp Biển Đông của Việt Nam, Tiến sĩ Tài cho rằng ‘không thể nào nhường nhưng có thể thương lượng mềm dẻo và nhất quyết phải bám theo luật pháp quốc tế’.
“Khi đó các quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam để chống lại thái độ côn đồ của Trung Quốc,” ông giải thích.
Còn về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc, ông Tài khuyến nghị ‘vừa hợp tác vừa cạnh tranh’ và ‘đừng có quá khích’.
“Một mặt cần đương đầu với sự tham lam của Trung Quốc, nhưng mặt khác cũng cần có thái độ mềm dẻo tức là thương lượng đa phương với Trung Quốc,” ông nói.
Giáo sư Tài không tán thành chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của Tổng thống Donald Trump. Ông nói: “Nếu cứ nước Mỹ trên hết thì làm sao trong quan hệ với người ta (các nước đông nam Á) có sự trao đổi, tương nhượng được? Các nước ASEAN mong Mỹ có sự điều chỉnh lại.”
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%AFt-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-asean-b%E1%BB%8F-trung-qu%E1%BB%91c-s%E1%BA%BD-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%C3%B2n-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9/5130278.html

Biển Đông : Ngoại giao Mỹ dùng lời cực nặng

tố cáo Trung Quốc bắt nạt

Trọng Nghĩa
Từ ngày Trung Quốc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đồng thời tung tàu hải cảnh cản trở công việc thăm dò dầu khí của Việt Nam, Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối.
Nhân buổi điều trần hôm 16/10/2019 trước Tiểu Ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, một lần nữa, bộ Ngoại Giao Mỹ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc, nhưng lần này với những lời lẽ nặng nề hiếm thấy, không mang tính chất chung chung thường gặp trong ngôn từ ngoại giao.
Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ về chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á, ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về Đông Á – Thái Bình Dương, đã tập trung mũi dùi tố cáo một loạt những hành vi bị lên án là bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, và không ngần ngại khẳng định rằng Bắc Kinh là mối đe dọa đối với mọi nước, chứ không riêng gì đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á nói chung.
Ông Stilwell trước hết cực lực đả kích các hành vi của Trung Quốc nhằm dọa nạt, bức hiếp các láng giềng. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ không ngần ngại nhắc lại câu nói của ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực khối ASEAN (ARF) năm 2010 ở Hà Nội, khi trước việc Bắc Kinh bị tố cáo là kẻ gây hấn trên Biển Đông ông đã giận dữ và nói rằng “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và thực tế là như vậy”.
Theo ông Stilwell, cách Bắc Kinh “bắt nạt” các láng giềng vào lúc này cũng nằm trong chiều hướng tuyên bố của ông Dương Khiết Trì vào năm 2010, và quan niệm lẽ phải thuộc về kẻ mạnh là một “mối đe dọa đối với chủ quyền, hòa bình, phẩm giá và thịnh vượng” của một khu vực năng động nhất thế giới.
Đối tượng công kích thứ hai là đường chín đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi hỏi chủ quyền rộng khắp trên Biển Đông. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã cho rằng đó là một yêu sách “phi lý”, vừa phi pháp, vừa không chính đáng. Theo ông, những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, đã gây tổn hại các nước khác, nhất là khi Bắc Kinh bằng những biện pháp khiêu khích liên tục nhằm áp đặt đường 9 đoạn, đã cản trở không cho các nước ASEAN tiếp cận 2,5 ngàn tỷ đô la trữ lượng dầu khí, đồng thời gây bất ổn định và tạo nguy cơ xung đột.
Sau cùng, nhà ngoại giao Mỹ đã nêu bật ví dụ về vụ Trung Quốc đang đánh phá Việt Nam trên Biển Đông để tỏ ý hoài nghi về thực tâm của Bắc Kinh trong việc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.
Trợ lý ngoại trưởng nhấn mạnh : “Trong khi hô hào quyết tâm theo đuổi hòa bình, thực tế cho thấy là các lãnh đạo Trung Quốc – thông qua Hải Quân, các cơ quan chấp pháp và lực lượng dân quân biển – tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác. Việc họ liên tục quấy rối cơ sở của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính là một trường hợp điển hình.
Trong tình hình đó, ông Stilwell cho rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông sẽ có hại cho khu vực và cho tất cả những ai yêu chuộng tự do hàng hải nếu Trung Quốc sử dụng bộ Quy Tắc đó để “hợp pháp hóa các hành vi thô bạo, các yêu sách trên biển phi pháp của họ, cũng như để nuốt các cam kết mà Bắc Kinh đã ký theo luật quốc tế”.
Phát biểu của trợ lý ngoại trưởng Mỹ đã được nhiều chuyên gia tán đồng. Trên mạng Twitter, ông Greg Poling, Giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải AMTI ngày 17/10 hoan nghênh “Trợ lý ngoại trưởng Stilwell đã có những phát biểu hay nhất về Biển Đông từ trước đến nay đến từ một người trong chính quyền.”
Chuyên gia này ghi nhận nhiều yếu tố tích cực trong đó có việc ông Stilwell đã chỉ trích hành vi xâm phạm quyền của nước khác trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, nêu rõ trường hợp Bãi Tư Chính, vạch mặt lực lượng dân quân biển và nêu bật mối quan ngại của Mỹ hiện nay về bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191018-bien-dong-ngoai-giao-my-dung-loi-cuc-nang-to-cao-trung-quoc-bat-nat

Mỹ – Trung căng thẳng hoạt động ngoại giao đoàn

Mỹ ngày 16.10 công bố quy định mới buộc các nhà ngoại giao Trung Quốc tại sứ quán nước này phải thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tiếp xúc giới chức địa phương cũng như thăm các viện nghiên cứu trên đất Mỹ.
Theo Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, đây là biện pháp nhằm buộc Bắc Kinh nới lỏng tình trạng kiểm soát các nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc.
Washington cho hay từ lâu các thành viên ngoại giao đoàn của Mỹ ở Trung Quốc luôn phải đăng ký xin phép nếu muốn gặp giới chức chính quyền, cũng như giới học giả địa phương. “Chúng tôi đã than phiền với Bắc Kinh về tình trạng này suốt những năm qua”, theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, thêm rằng xác suất bị từ chối rất cao.
Chính quyền Trung Quốc ngày 17.10 gọi cáo buộc trên của Mỹ là “vô căn cứ” và khẳng định Bắc Kinh luôn tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao nước ngoài làm việc tại nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Mỹ vì hành động vi phạm Công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, và kêu gọi đối phương hãy lập tức “sửa sai” nếu không muốn làm xấu đi quan hệ hai nước.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/30963-my-trung-cang-thang-hoat-dong-ngoai-giao-doan.html

Mỹ tăng cường chế tài Cuba

Hoa Kỳ áp đặt các chế tài mới lên Cuba vì hồ sơ nhân quyền và sự hậu thuẫn của nước này đối với chính phủ Venezuela, Bộ Thương mại Mỹ loan báo ngày 18/10.
Bộ cho hay sẽ cấm Cuba tiếp cận với các máy bay thương mại bằng cách thu hồi giấy phép hiện hành cho các hãng hàng không quốc doanh Cuba thuê mướn máy bay Mỹ và từ chối các đơn xin thuê mướn máy bay trong tương lai.
Hoa Kỳ cũng mở rộng chế tài bao gồm thêm các hàng hóa nước ngoài có nội dung Mỹ và hạn chế thêm đối với hàng xuất khẩu cho chính phủ Cuba.
“Hành động này của Bộ Thương mại Mỹ gửi một tín hiệu rõ ràng tới chế độ Cuba rằng họ phải ngay lập tức ngưng hành vi phá hoại ở trong nước và ở nước ngoài,” Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói.
Ngoại trưởng Cuba, Bruno Rodriguez, đáp trả trên Twitter, lên án hành động của Mỹ.
Trong một thông cáo khác, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích Cuba về việc giam giữ nhà bất đồng chính kiến Jose Daniel Ferrer và kêu gọi Havana phóng thích ông vô điều kiện.
Chính phủ Cuba thường không tiết lộ hoạt động của công an kể cả các vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến mà họ tố cáo là những thành phần khiêu khích được Mỹ tài trợ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-cuba-/5130302.html

Điều tra luận tội: Nhà Trắng thừa nhận

viện trợ dính với điều tra đảng Dân chủ

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng thừa nhận viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị trì hoãn một phần để gây áp lực với Kyiv phải điều tra các cáo buộc về Đảng Dân chủ và cuộc bầu cử năm 2016.
Quyền Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, ông Mick Mulvaney cho biết Tổng thống Donald Trump đã đề cập đến “tham nhũng” của đảng Dân chủ.Nhưng ông Trump cũng lo ngại về tham nhũng rộng lớn hơn ở Ukraine, ông nói.
Ông Mulvaney sau đó đã rút lại lời nói trước đó, nói rằng giới truyền thông đã “quyết định hiểu sai ý kiến của tôi”.
Trong khi đó, Tổng thống Trump nói rằng ông có “rất nhiều niềm tin” vào ông Mulvaney, mô tả ông là “một người tốt”.
Câu hỏi viện trợ quân sự cho Ukraine có bị trì hoãn để buộc một “sự trao đổi” qua đó chính quyền Ukraine phải điều tra các đối thủ chính trị của Donald Trump là trọng tâm của một cuộc điều tra luận tội ông Trump.
Nhà Trắng đã bác bỏ áp đặt mọi điều kiện như vậy.
Ông Mulvaney nói gì?
Tiếp xúc với các phóng viên hôm thứ Năm, ông Mulvaney đưa ra một câu trả lời dài cho một câu hỏi về Ukraine, nói rằng tổng thống đã nói với ông rằng Ukraine là một “nơi tham nhũng” và ông Trump không muốn chi viện trợ và “họ đã sử dụng tiền đó để bỏ vào túi riêng “.
Ông Mulvaney cũng nói rằng tổng thống “không thích” thực tế là các nước châu Âu không cung cấp nhiều viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Đó là những yếu tố chính,” ông nói. “Có phải ông ấy cũng đã đề cập với tôi trong quá khứ về tham nhũng liên quan đến máy chủ của DNC [Ủy ban Quốc gia Dân chủ] không? Chắc chắn rồi. Hoàn toàn không có nghi ngờ gì về điều đó.”
Điều tra luận tội Trump: những ‘kịch bản’ khả dĩ
Điều tra luận tội Trump: Người tố giác thứ hai xuất hiện
Những nhân vật chính trong cuộc điều tra luận tội Trump
“Nhưng chỉ có vậy thôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi giữ tiền lại.”
Máy chủ của DNC đề cập đến những cáo buộc không căn cứ rằng đảng Dân chủ có một máy chủ được giấu ở đâu đó ở Ukraine, và Ukraine – chứ không phải Nga – đã hack máy chủ và giúp Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhà trắng biện minh ra sao?
Khi các phóng viên nói với Mulvaney rằng ông đã mô tả một “sự trao đổi” (quid pro quo), ông Mulvaney trả lời: “Chúng tôi làm điều đó mọi lúc với chính sách đối ngoại,”
“Luôn luôn có ảnh hưởng chính trị trong chính sách đối ngoại. Điều đó sẽ xảy ra. Bầu cử mang đến hậu quả. Và chính sách đối ngoại sẽ thay đổi từ chính quyền Obama sang chính quyền Trump”, ông nói.
Ông cũng nói rằng việc này được thực hiện liên quan đến “một cuộc điều tra đang diễn ra của Bộ Tư pháp”.
Nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp nói với CBS News: “Nếu Nhà Trắng từ chối viện trợ liên quan đến việc hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào tại Bộ Tư pháp, thì đó là tin tức với chúng tôi.”
Một người quen thuộc với phản ứng bên trong bộ cho biết các quan chức đã “hoàn toàn bối rối” và “tức giận” với ông Mulvaney vì đã nói rằng việc tiền viện trợ bị giữ lại liên quan đến một cuộc điều tra, theo CBS.
Ông Trump cũng bị cáo buộc gây áp lực với Ukraine để điều tra Joe Biden – đối thủ chính của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhưng giám đốc nhân viên bác bỏi đề nghị đó, nói rằng số tiền đang bị giữ “không liên quan gì đến [Joseph] Biden”.
Tuyên bố sau của ông Mulvaney cho thấy gì?
Phân tích của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ
Sau đó, ông Mulvaney nói rằng “các phương tiện truyền thông đã quyết định hiểu sai ý kiến của tôi để thúc đẩy một cuộc săn phù thủy chính trị và thiên vị chống lại Tổng thống Trump”.
“Hãy để tôi nói rõ, hoàn toàn không có sự trao đổi giữa viện trợ quân sự Ukraine và bất kỳ cuộc điều tra nào về cuộc bầu cử năm 2016″.
Lập luận chính thức của Nhà Trắng cho đến chiều thứ Năm là không có “sự trao đổi” liên quan đến quyết định trì hoãn số tiền viện trợ quân sự cho Ukraine đã được Quốc hội thông qua.
Sự khẳng định đó, như họ thường nói trong Nhà Trắng thời Nixon, không còn hoạt động nữa.
Giờ đây, lập luận đó, theo lời của quyền Chánh văn phòng Mick Mulvaney, có thể đã có một sự trao đổi, nhưng nó không phải là vấn đề lớn bởi vì đó là về việc điều tra các lý thuyết hack bầu cử năm 2016 chứ không phải điều tra Joe Biden.
Khổ cho Nhà Trắng là có nhiều bằng chứng cho thấy gây thiệt hại cho ông Biden thực sự là một mục tiêu của chính quyền – trong các tin nhắn giữa các quan chức của Trump và từ chính miệng tổng thống, trong văn bản chép lại cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Giải thích “tổng thống có thể làm bất cứ điều gì ông muốn về chính sách đối ngoại” luôn luôn là tuyến phòng thủ cuối cùng cho Nhà Trắng, và đó là không gian mà họ hiện đang chiếm giữ, nhờ ơn ông Mulvaney.
Tuy nhiên, nếu đảng Cộng hòa tiếp tục gắn bó với nhau, đó có thể là biện pháp bảo vệ duy nhất Donald Trump cần để được ở lại – ngay cả khi luận tội ngày càng có vẻ như là một kết quả có thể xảy ra.
Điều tra luận tội đang diễn tiến ra sao?
Trước đó vào thứ Năm, một đặc phái viên hàng đầu của Hoa Kỳ đã nói với một cuộc điều tra luận tội quốc hội rằng ông “thất vọng” với Tổng thống Trump về các thỏa thuận của ông với Ukraine.
Đại sứ Hoa Kỳ tại EU Gordon Sondland cho biết ông đặt câu hỏi về sự liên quan của luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani trong chính sách về Ukraine.
Trong một tuyên bố mở đầu được chuẩn bị trước, ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là các nhân viên nam và nữ của bộ ngoại giao, chứ không phải luật sư riêng của tổng thống, mới là những người chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh của chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Ukraine.”
Văn bản của ông Sondland nói rằng ông và các đồng nghiệp đã chọn làm như tổng thống yêu cầu.
“Nhưng tôi không hiểu, cho mãi đến sau này, chương trình nghị sự của ông Giuliani cũng có thể bao gồm một nỗ lực để thúc đẩy người Ukraine điều tra Phó Tổng thống Biden”, tuyên bố của ông viết.
“Mời một chính phủ nước ngoài thực hiện các cuộc điều tra với mục đích ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ là sai. Tôi đã không và sẽ không bao giờ tham gia vào các chủ trương như vậy.”
Đại sứ Mỹ tại EU được coi là nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra luận tội. Các văn bản gần đây được công bố cho thấy ông thảo luận về những nỗ lực gây áp lực cho các nhà lãnh đạo Ukraine để điều tra các cáo buộc tham nhũng với các nhà ngoại giao khác của Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50094018

Cuộc điều tra email bà Clinton

không tìm thấy bằng chứng cố tình vi phạm

Một cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc Hillary Clinton sử dụng máy chủ email riêng tư thời bà còn là ngoại trưởng đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy nhân viên của bộ cố tình xử lí sai thông tin được bảo mật.
Kết quả cuộc điều tra được công bố vào ngày thứ Sáu bởi văn phòng của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Đảng Cộng hòa Chuck Grassley. Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu bà Clinton, người từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ từ năm 2009 đến 2013, có gây nguy hại cho thông tin được bảo mật bằng cách sử dụng máy chủ email riêng tư chứ không phải của chính phủ hay không.
Bà Clinton đã giao nộp khoảng 33.000 email từ máy chủ riêng tư của bà vào năm 2014, và cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao cho thấy “không có bằng chứng thuyết phục nào về việc xử lí sai thông tin một cách có hệ thống, có chủ ý.”
Cuộc điều tra có đi đến kết luận rằng việc bà Clinton sử dụng máy chủ riêng tư đã làm tăng nguy cơ bị tấn công tin tặc.
Vụ tranh cãi này là vấn đề nổi bật trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 mà trong đó ứng cử viên Đảng Dân chủ Clinton thất bại trước Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử thường xuyên nói rằng bà Clinton tìm cách che giấu điều gì đó bằng cách sử dụng máy chủ riêng tư của mình.
James Comey, giám đốc FBI khi đó, tuyên bố năm tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 rằng sẽ không có cáo buộc nào được đệ trình nhắm vào bà Clinton, nhưng ông kết luận hành động của bà là “cực kì bất cẩn.”
FBI mở lại cuộc điều tra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử sau khi một số email của bà được tìm thấy trên một máy tính xách tay thuộc về người chồng của một phụ tá thân cận của bà. Bà Clinton nói quyết định mở lại cuộc điều tra đã làm tổn hại nghiêm trọng chiến dịch tranh cử của bà.
Cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao cho thấy 38 nhân viên hiện nhiệm hoặc tiền nhiệm chịu trách nhiệm về 91 trường hợp vi phạm các giao thức bảo mật liên quan đến máy chủ của bà Clinton. 38 người trong số đó không được xác định danh tính. Không có email nào trong phạm vi điều tra được đánh dấu là thuộc diện bảo mật, theo cuộc điều tra.
Bộ Ngoại giao phát hiện thêm 497 trường hợp vi phạm mà không có cá nhân nào được xác định phải chịu trách nhiệm.
“Dù có một số trường hợp thông tin bảo mật được đưa không đúng vào một hệ thống không được bảo mật cho thuận tiện, nhìn chung, các cá nhân được phỏng vấn có nhận thức về các chính sách an ninh và đã cố gắng hết sức để thi hành chúng trong các hoạt động của họ,” báo cáo nói.
https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-dieu-tra-email-ba-clinton-khong-tim-thay-bang-chung-co-tinh-vi-pham/5130773.html

Mỹ: Lộ diện ứng viên

thế chỗ Bộ trưởng Năng lượng từ chức

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/10 tuyên bố sẽ đề cử Thứ trưởng Bộ Năng lượng Dan Brouillette lên thay thế Bộ trưởng Rick Perry sắp từ chức.
“Tôi hân hạnh đề cử Thứ trưởng Dan Brouillette làm tân Bộ trưởng Năng lượng,” ông Trump viết trên Twitter. “Kinh nghiệm của ông Dan trong lĩnh vực này không ai có thể song hành. Một người rất chuyên nghiệp, tôi tin tưởng ông Dan sẽ làm tốt!”
Nếu được Thượng viện chuẩn thuận, ông Dan Brouillette sẽ thế ông Rick Perry, người vừa tuyên bố hôm 17/10 là cuối năm nay sẽ rời chức.
Ông Dan Brouillette, 57 tuổi, mấy tháng gần đây tăng cường nhiệm vụ tại Bộ Năng lượng khi ông Perry tỏ dấu cho thấy sẽ từ chức.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-l%E1%BB%99-di%E1%BB%87n-%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-th%E1%BA%BF-ch%E1%BB%97-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%A9c/5130294.html

Động đất 3.7 độ richter tại Compton

 rung chuyển khu vực Los Angeles

Tin từ Compton – Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), giữa đêm thứ Sáu (18/10/2019), một trận động đất 3.7 độ richter tại Compton làm rung chuyển Los Angeles. KTLA cho biết động đất diễn ra lúc 12:19 sáng với tâm động đất ở nút giao đại lộ Compton và đường Alameda, khu vực có rất nhiều cửa hàng, cách tòa án Compton không xa.
Động đất bắt nguồn ở từ độ sâu khoảng 15 dặm. Những người ở khu vực xa hơn như Oxnard và Garden Grove cũng báo cáo họ cảm nhận được rung chấn. USGS cho biết sau đó có dư chấn 1.6 độ vào lúc 1:17 sáng với tâm dư chấn bên dưới trường trung học Centennial ở Compton, giáp với Willowbrook và một dư chấn khác 1.4 độ một phút sau đó gần ngã tư đại lộ Compton và đại lộ Wilmington, cách tâm động đất một dãy nhà về hướng tây. Sở cảnh sát L.A vẫn chưa nhận được báo cáo về thiệt hại hay thương vong. Tờ L.A Times cho biết tâm động đất cách một vết nứt ở Newport-Inglewood khoảng 2 dặm. California đã sớm cảnh báo dân cư về động đất hồi thứ Năm (17/10/2019), nhưng hệ thống chỉ gửi thông báo cho các rung chấn có cường độ lớn hơn 4.5 và cường độ rung lớn hơn cấp 3. USGS đã ước tính cường độ rung lắc của trận động đất Compton ở cấp độ 5, nghĩa là hầu hết mọi người có thể cảm nhận được rung chấn và làm nhiều người thức giấc. Một số đồ vật có thể bị lật tung, cửa sổ và bát đĩa có thể bị vỡ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/dong-dat-3-7-do-richter-tai-compton-rung-chuyen-khu-vuc-los-angeles/

Thủ tướng Canada sẽ vận động

cho từng lá phiếu trong cuộc bầu cử ngang tài

Tin từ WHITBY, Ontario – Vào hôm thứ Sáu (18/10), Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố rằng ông đang vận động cho từng lá phiếu trong một cuộc bầu cử vào tuần tới, và thừa nhận đối thủ chính của ông có thể giành chiến thắng.
Theo Reuters, các cuộc thăm dò cho thấy đảng Tự do của ông Trudeau đang cầm hòa với đảng Bảo thủ đối lập trước cuộc bỏ phiếu vào hôm thứ Hai, và sẽ không chiếm đủ số ghế để đạt phần đa số. Điều đó sẽ khiến đảng của ông rơi vào thế yếu, và phải phụ thuộc vào các đảng nhỏ hơn để cầm quyền.
Ông Trudeau dành phần lớn cuộc vận động ở Ontario, tỉnh đông dân nhất của Canada, nơi chiếm 108 trong tổng số 339 ghế trong Hạ viện. Đảng Tự do nắm giữ 76 ghế trong số đó, và cần giữ được chúng để có cơ hội chiến thắng.
Kinh nghiệm của đảng Tự do tại Whitby thể hiện rõ những thách thức mà ông Trudeau phải đối mặt. Nhà lập pháp Celina Caesar-Chavannes của đảng Tự do từng giữ ghế Whitby, nhưng lại từ bỏ vào tháng 3, sau cuộc đụng độ với ông Trudeau về phong cách lãnh đạo của ông. Sự ra đi của bà diễn ra ngay sau khi hai nữ bộ trưởng nội các nổi tiếng từ chức, sau vụ bê bối hủy hoại danh tiếng ủng hộ nữ quyền của ông Trudeau. Điều này rất quan trọng, vì ông Trudeau được các cử tri nữ ủng hộ khi lên nắm quyền trong cuộc bầu cử năm 2015. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-canada-se-van-dong-cho-tung-la-phieu-trong-cuoc-bau-cu-ngang-tai/

Tổng thống Chile tuyên bố tình trạng khẩn cấp

khi thủ đô chìm trong bạo loạn

Tin từ SANTIAGO, Chile – Vào đầu hôm thứ Bảy (19/10), tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Santiago, khi thành phố 6 triệu dân này rơi vào tình trạng hỗn loạn giữa những cuộc bạo loạn, khiến một tòa nhà trung tâm chìm trong biển lửa và buộc hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đóng cửa.
Theo các nhân chứng, mạng truyền thông xã hội và cảnh quay trên truyền hình, những người biểu tình phẫn nộ bởi những lần tăng giá vé xe giao thông công cộng gần đây đốt cháy một số trạm tàu điện ngầm, cướp phá các cửa hàng, đốt cháy một chiếc xe buýt công cộng, và vung ống kim loại vào các cửa quay của nhà ga trong buổi chiều thứ Sáu.
Ông Pinera tuyên bố phong tỏa khẩn cấp khi còi báo động vang vọng bầu trời đêm của trung tâm thành phố. Ông Pinera cho biết ông sẽ viện dẫn luật an ninh quốc gia đặc biệt để truy tố “những tên tội phạm” chịu trách nhiệm về thiệt hại trên toàn thành phố. Ông cũng tỏ ý thông cảm với những người bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xe giao thông công cộng.
Chile là một trong những quốc gia giàu có nhất ở Mỹ Latinh, nhưng cũng là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất. Sự phẫn nộ về chi phí sinh hoạt cao ở Santiago trở thành một điểm nóng chính trị, thúc đẩy kêu gọi cải cách mọi thứ từ thuế  và bộ luật lao động đến hệ thống lương hưu. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-chile-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-khi-thu-do-chim-trong-bao-loan/

Liên Hiệp Châu Âu khẳng định

sẽ đáp trả vụ bị Mỹ áp thuế

Ủy Ban Châu Âu vào hôm qua, 18/10/2019, đã lấy làm tiếc trước việc biên pháp áp thuế trừng phạt của Mỹ trên hàng hóa của Châu Âu bắt đầu có hiệu lực. Định chế này đồng thời khẳng định sẽ có những biện pháp đáp trả tương ứng.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Joana Hostein tường thuật :
“Chúng tôi không có cách nào khác hơn là đáp trả”. Ủy Viên Thương Mại Châu Âu đã cho biết như trên trong một thông cáo công bố hôm 18/10/2019. Điều đó có nghĩa là châu Âu sẽ áp thuế trên sản phẩm Mỹ, cho dù “không có lợi cho ai cả”, theo lời bà Cécila Malmström.
Châu Âu đã lập danh sách hàng Mỹ có khả năng bị áp thuế từ tháng 4 vừa qua, trong số này có ketchup, cá đông lạnh, nhưng cũng có những sản phẩm trong ngành hàng không không gian.
Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho phép Liên Hiệp Châu Âu áp thuế trừng phạt Mỹ, vì cũng công nhận là các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ cho tập đoàn máy bay Boeing là bất hợp pháp. Tuy nhiên, trị giá hàng áp thuế lên đến bao nhiều chưa được quyết, phải đợi đến đầu năm 2020 mới biết rõ.
Trong khi chờ đợi, Ủy Ban Châu Âu hứa theo dõi tác động của thuế Mỹ trên hàng hóa Châu Âu, đặc biệt là trong lãnh vực nông nghiệp như rượu vang Pháp, pho mát Ý, dầu ô liu Tây Ban Nha…, những sản phẩm bị thuế quan của Mỹ tác hại nghiêm trọng nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191019-lien-hiep-chau-au-khang-dinh-se-dap-tra-vu-bi-my-ap-thue

Brexit: Hàng ngàn người biểu tình đòi bỏ phiếu lại

Hàng ngàn người tập trung và xuống đường tại trung tâm London, thủ đô Anh quốc, kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu mang “tiếng nói cuối cùng” về thỏa thuận Brexit mới với EU của Thủ tướng Boris Johnson.
Các nhà tổ chức của chiến dịch “Lá phiếu nhân dân” nói họ muốn kiểm tra xem Vương quốc Anh có vui lòng rời khỏi EU dưới những điều khoản mà Thủ tướng Anh đã đàm phán với Liên minh châu Âu hay không.
Người biểu tình theo kế hoạch đi đến quốc hội Anh ở khu Westminster trong lúc các nghị sĩ tranh luận về thỏa thuận mới tại Hạ viện.
Bàn tròn BBC: Brexit đạt thỏa thuận mới
Boris Johnson ‘đạt thỏa thuận mới về Brexit’
Sang EU sau Brexit, dân Anh cần lo gì?
Biên giới Ireland, Brexit và lời Boris
Cuộc tuần hành, bắt đầu vào giữa trưa, bắt đầu từ Park Lane và sẽ kết thúc tại Quảng trường Quốc hội.
Ali Lothian, 60 tuổi và Mettje Hunneman, 49 tuổi, di chuyển qua đêm từ Dundee và Edinburgh để tới tham gia cuộc biểu tình, phản đối.
Ali nói với BBC rằng cô cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng để cô bày tỏ cảm nghĩ mạnh mẽ của mình đến mức nào về việc cần có một cuộc bầu phiếu khác.
Mettje nói với BBC rằng thực tế là Quốc hội đang tranh luận trong “một ngày trọng đại” và rằng: “Tôi không cảm thấy thoải mái khi ngồi ở nhà – Tôi có bạn bè mời coi một buổi biểu diễn tối nay, nhưng tôi không thể ở đó.”
Người ta thấy có nhóm người biểu tình mang theo các biểu tượng trào phúng đả kích cố vấn trưởng của Thủ tướng Anh, ông Dominic Cummings, đang dùng ông Johnson như một “con rối”.
Tính đến sáng thứ bảy, hơn 500.000 đã quyên góp để ủng hộ cuộc biểu tình, và các chính trị gia liên đảng kêu gọi mọi người tham gia.
‘Tôn vinh giá trị dân chủ’
Các nhà tổ chức cuộc biểu tình cũng đang đề nghị mọi người kí tên trong một bức thư gửi cho ông Boris Johnson, các lãnh đạo EU, các nghị sĩ Anh quốc và các nghị sỹ châu Âu (MEP), yêu cầu cho phép “cơ hội kiểm tra xem chúng ta (nhân dân) có muốn tiến hành Brexit hay không”.
EU ‘sẵn sàng giúp VN’ về an ninh mạng
Brexit có phải là định mệnh của Anh?
Trong một thư điện tử sáng thứ Bảy, 19/10/2019, người phụ trách Brexit của đảng đối lập, Keir Starmer nói bức thư: “đòi hỏi họ tôn vinh các giá trị dân chủ chung được chia sẻ của chúng ta, nó yêu cầu họ không được quay lưng và từ chối cơ hội của chúng ta có tiếng nói cuối cùng.
“Điền tên của bạn vào bức thư và gửi tin nhắn cho giới có quyền lực.”
Trong khi đó, những người ủng hộ Brexit xuống đường ở thành phố Manchester cùng ngày thứ Bảy.
“Cuộc tuần hành vì dân chủ” theo kế hoạch diễn ra gần Nhà thờ Manchester Cathedral và được những người ủng hộ Brexit thuộc nhóm “Leavers of Greater Manchester” tổ chức.
Hôm 19/10 là thứ Bảy, lẽ ra không phải họp, nhưng Hạ Viện Anh nhóm phiên họp đặc biệt để bỏ phiếu về thoả thuận Brexit mới nhất.
Nếu “Brexit Deal” này của Thủ tướng Johnson được thông qua thì Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 này, với thời kỳ chuyển tiếp tới hết 2020.
Dù chưa có nước EU nào nói sẽ ngăn cản hoặc tăng cường kiểm soát công dân Anh nhập cảnh một khi không có thỏa thuận Brexit, chính phủ Anh vẫn khuyến cáo công dân mình là sang EU cần mang sẵn vé khứ hồi.
Họ cần chứng minh là có đủ tiền hoặc phương tiện tài chính cho thời gian thăm viếng, du lịch.
Ngoài ra, họ sẽ được xếp vào du lịch hàng không theo cơ chế và thể thức dành cho công dân EU, EEA và Thụy Sĩ.
Với những người ngồi sau tay lái, họ được khuyến nghị mang đề can GB (Great Britain hay Anh quốc) để dán vào xe hơi, xe máy mà họ lưu hành khi sang EU.
Sáng thứ Bảy, phiên tranh luận tại Hạ viện Anh đã diễn ra nhiều tiếng đồng hồ, nhiều dân biểu thuộc các phe, nhánh chính trị khác nhau, ủng hộ hay chống thỏa thuận mới của Thủ tướng Anh đã lên tiếng và bày tỏ quan điểm, lập trường, cũng như yêu sách, đề nghị cam kết, chất vấn hoặc đặt các câu hỏi v.v… với ông Boris Johnson và một số thành viên nội các, sau khi nghe các phát biểu của chính phủ và người đứng đầu trình bày.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50109016

Hạ Viện Anh quyết định

dời ngày thông qua thỏa thuận Brexit

Trọng Nghĩa
Thủ tướng Anh ngày hôm nay 19/10/2019 lại bị thêm một vố đau trên hồ sơ Brexit. Họp phiên bất thường để thông qua thỏa thuận chia tay với Liên Hiệp Châu Âu mà thủ tướng Boris Johnson đã đạt được với Bruxelles, đa số dân biểu Anh bỏ phiếu tán đồng một đề nghị của một nghị sĩ đảng bảo thủ, yêu cầu phải có luật áp dụng thỏa thuận trước đã.
Sự kiện Hạ Viện Anh thông qua đề nghị này đồng nghĩa với việc dời ngày thông qua thỏa thuận Brexit, qua đó gây khó khăn cho thủ tướng Boris Johnson trong việc thực hiện kế hoạch rời Liên Hiệp Châu Âu vào đúng ngày 31/10 tới đây.
Trong phiên họp đặc biệt hôm nay, với 322 phiếu thuận so với 306 phiếu chống, các nhà lập pháp Anh đã tán đồng việc đẩy lùi ngày phê chuẩn thỏa thuận Brexit cho đến khi luật thi hành thỏa thuận này được thông qua.
Quyết định kể trên là nhằm đảm bảo sao cho Vương Quốc Anh không thể rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31 tháng 10 như dự kiến, nếu không có thỏa thuận chia tay đúng nghĩa với Bruxelles. Thế nhưng quyết định đó cũng có nghĩa là thủ tướng Johnson phải yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu cho dời ngày Brexit, vì trước đây, Nghị Viện Anh cũng đã thông qua luật buộc thủ tướng phải xin gia hạn nếu thỏa thuận Brexit không được thông qua vào hôm nay, 19/10.
Phản ứng sau cuộc bỏ phiếu của các dân biểu, chính phủ Anh vẫn tỏ ý hy vọng sẽ có thể cho thông qua văn bản luật cần thiết từ nay đến cuối tháng để Anh Quốc có thể rời Liên Âu đúng hạn.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, thủ tướng Johnson vẫn găng giọng tuyên bố không “nản chí hay mất tinh thần” trước kết quả đó và sẽ tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch rời châu Âu đúng hạn.
Trước khi các dân biểu bỏ phiếu, ông Johnson từng kêu gọi các nhà lập pháp phê chuẩn thỏa thuận mà ông đã ký trong tuần này với 27 nhà lãnh đạo khác của Liên Âu, nhưng rõ ràng là lời kêu gọi của ông đã không được lắng nghe.
Theo giới quan sát, Anh Quốc vẫn hoàn toàn có thể rời Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31 tháng 10, nếu Nghị Viện Anh kịp thời phê chuẩn Luật áp dụng thỏa thuận – tên chính thức là Luật Thỏa Thuận Triệt Thoái (The Withdrawal Agreement Bill). Chính phủ Johnson có kế hoạch đệ trình dự luật vào đầu tuần tới và có thể tổ chức nhiều phiên họp thâu đêm, với hy vọng thỏa thuận được thông qua trong thời hạn ngắn nhất.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191019-ha-vien-anh-doi-ngay-thong-qua-thoa-thuan-brexit

Brexit: Hạ Viện Anh họp bàn, dân chúng biểu tình

Trọng Nghĩa
Ngày hôm nay, 19/10/2019, được báo chí Anh Quốc mệnh danh là một ngày Thứ Bảy trọng đại (Super Saturday) với việc Nghị Viện bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mà đương kim thủ tướng Boris Johnson vừa đạt được với Bruxelles, quy định việc Vương Quốc Anh rời Liên Âu trong trật tự. Kết quả cuộc bầu được đánh giá là tối quan trọng cho tương lai nước Anh trong bối cảnh các dân biểu ba lần bác các thỏa thuận Brexit của cựu thủ tướng Theresa May.
Đây là lần đầu tiên từ năm 1982 đến nay mà Hạ Viện Anh mở phiên họp vào một ngày thứ Bảy, một yếu tố cho thấy rõ tính chất quan trọng của sự kiện. Theo chương trình dự kiến, từ 9g30 sáng, các dân biểu tiến hành thảo luận về bản thỏa thuận Brexit mới, và đến 15g00 thì bắt đầu bỏ phiếu.
Tính đến sáng nay, tương quan lực lượng giữa phe tán đồng và phe bác bỏ thỏa thuận được cho là ngang bằng nhau, với các đảng đối lập và cả đồng minh Bắc Ireland của đảng Bảo Thủ đều cho biết sẽ bác bỏ thỏa thuận, trong lúc thủ tướng Johnson thì đã cố gắng tranh thủ lá phiếu của các dân biểu còn do dự.
Trên nhật báo Sun, ông Johnson đã đánh vào tâm lý ngán ngẩm của mọi người trước câu chuyện Brexit mãi không thấy hồi kết để kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu thuận hầu giúp cho quyết định chia tay với Liên Hiệp Châu Âu đạt kết quả thuận lợi.
Tranh cãi trong nghị trường tràn ra đường phố Luân Đôn
Trong bối cảnh Nghị Viện Anh Quốc chia rẽ trầm trọng về thỏa thuận Brexit, hàng chục ngàn người dân cũng từ khắp nơi đổ về Luân Đôn để biểu tình đòi chính quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Những người biểu tình tập trung tại Park Lane, gần Hyde Park, vào giữa trưa, rồi tuần hành về phía trụ sở Nghị Viện. Ban tổ chức tự tin rằng số người trên đường phố sẽ đạt mức của một cuộc biểu tình tương tự vào tháng 3 vừa qua, khi họ khẳng định đã động viên được một triệu người xuống đường.
Nếu đạt được quy mô kể trên, cuộc biểu tình hôm nay sẽ là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay ở Anh Quốc.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong khi quyết định Brexit đã gây chia rẽ trong các gia đình, các đảng phái, trong Quốc Hội và trên toàn quốc, cả hai bên ủng hộ và phản đối đều đồng ý rằng ngày Thứ Bảy hôm nay có khả năng trở thành một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh đương đại, một thời điểm có thể định hình số phận của Vương Quốc Anh trong nhiều thế hệ tới đây.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191019-brexit-ha-vien-anh-hop-dan-chung-bieu-tinh

Pháp bị chỉ trích vì ngăn chặn

nỗ lực gia nhập EU của các quốc gia Balkan

Tin từ BRUSSELS, Bỉ – Do lo lắng trước sự ảnh hưởng của Trung Cộng và Nga tại Balkan, vào hôm thứ Sáu (18/10), các viên chức cấp cao của Liên minh châu Âu cáo buộc Pháp phạm phải một “sai lầm lịch sử” khi từ chối để Bắc Macedonia và Albania bắt đầu đàm phán gia nhập EU.
Theo Reuters, Bắc Macedonia, Albania và bốn quốc gia Balkan khác – Bosnia, Kosovo, Montenegro và Serbia – đang cố gắng gia nhập khối thương mại lớn nhất thế giới, sau các cuộc chiến tranh sắc tộc vào những năm 1990s dẫn đến sự tan rã của Nam Tư. Nhưng mặc dù 28 chính phủ EU xem tư cách thành viên Balkan là quan trọng trong tương lai, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại phản đối việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Albania và Bắc Macedonia trong một cuộc tranh luận kéo dài sáu tiếng đồng hồ tại hội nghị thượng đỉnh EU.
Sau đó, khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên, ông Macron cho biết rằng những nỗ lực kết nạp thành viên không thể tiến triển cho đến khi EU- với các cấu trúc ra quyết định phức tạp- thay đổi. Ông Macron không nêu rõ cách thức để đạt được sự thay đổi này. Ông cho rằng EU trong cấu trúc hiện tại không thể đối mặt với những thách thức hiện nay, hoặc giải quyết một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Chưa kể đến việc kết nạp thêm hai nước từ Balkan, một khu vực bị tàn phá bởi các cuộc chiến trong những năm 1990s và đang gặp khó khăn với tình trạng tội phạm và tham nhũng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phap-bi-chi-trich-vi-ngan-chan-no-luc-gia-nhap-eu-cua-cac-quoc-gia-balkan/

Tây Ban Nha: Barcelona rơi vào hỗn loạn

sau một cuộc biểu tình rầm rộ

Trọng Nghĩa
Xung đột dữ dội đã diễn ra tối hôm qua, 18/10/2019 tại trung tâm thành phố Barcelona, thủ phủ vùng Catalunya giữa lực lượng an ninh với các thành phần cực đoan trong phong trào đòi độc lập cho vùng Catalunya ở Tây Ban Nha. Bạo lực đã bùng lên sau một cuộc biểu tình ôn hòa phản đối việc Tư Pháp Tây Ban Nha kết án nặng nề các lãnh đạo của phong trào ủng hộ độc lập cho Catalunya.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, xung đột đã bùng lên sau nhiều tiếng đồng hồ gườm nhau gần trụ sở cảnh sát, giữa người biểu tình cực đoan và nhân viên công lực. Phía biểu tình đã ném đá hoặc vật kim loại vào cảnh sát, và lực lượng an ninh đã đáp trả bằng đạn cao su và hơi cay. Các vụ bạo động sau đó đã lan sang phần còn lại của trung tâm thành phố.
Nhiều đám cháy đã được đốt lên, đặc biệt là tại quảng trường Plaza Catalunya trên đỉnh Ramblas nổi tiếng, trong lúc hàng trăm người biểu tình đeo mặt nạ hoặc đội mũ bảo hiểm dựng “chiến lũy” trên nhiều con đường, hô vang các khẩu hiệu như “đường phố sẽ luôn thuộc về ta”. Cảnh sát đã phải dùng xe vòi rồng để tấn công vào các phần tử này.
Bạo đông tiếp diễn tại vùng Catalunya đang gia tăng áp lực trên thủ tướng Tây Ban Nha thuộc cánh tả, không muốn mạnh tay đàn áp theo đòi hỏi của các đảng cánh hữu và cực hữu.
Thông tín viên RFI François Musseau tại Madrid phân tích:
Pedro Sanchez đang chờ đợi điều gì? Thủ tướng Tây Ban Nha đang chờ đợi điều gì? Đây là câu hỏi được nhật báo trung hữu El Mundo đặt ra, tóm gọn toàn cảnh chia rẽ trong chính giới tại thủ đô Madrid về tình hình Catalunya. Lý do là vì thủ tướng thuộc đảng Xã Hội đang tìm thế cân bằng, vừa kiên quyết, vừa chừng mực.
Năm đêm bạo lực liên tiếp đã diễn ra tại các thành phố lớn ở Catalunya; năm đoàn người tiến về thủ phủ Barcelona vào hôm qua, với hàng chục người bị thương và bị bắt giữ. Tuy nhiên, đối với thủ tướng Sanchez, trước mắt không có vấn đề siết chặt an ninh.
Thế nhưng, siết chặt an ninh chính là những gì mà hai lãnh đạo chủ chốt của cánh hữu Tây Ban Nha đòi hỏi.
Pablo Casado, thuộc đảng Bảo Thủ yêu cầu chính quyền trung ương đặt Catalunya dưới quyền giám hộ để ngăn chặn điều mà ông cho là một cuộc nổi loạn không thể chấp nhận được.
Dữ dằn hơn là đòi hỏi của Albert Rivera, thuộc đảng Tự Do, muốn áp dụng đạo luật an ninh công dân, nói cách khác là trao thêm quyền lực cho cảnh sát.
Đó là chưa kể đến đảng cực hữu Vox, đã đòi ban bố thẳng thừng “tình trạng đặc biệt” để đối phó với tình hình.
Bên cánh tả, Pablo Iglesias, thuộc đảng Podemos, là lãnh đạo duy nhất ủng hộ một cuộc đối thoại với phe đòi độc lập cho vùng Catalunya để tìm ra một “giải pháp chính trị cho cuộc xung đột”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191019-tay-ban-nha-barcelona-roi-vao-hon-loan-sau-mot-cuoc-bieu-tinh-ram-ro

Nga thành công trong nỗ lực đầy lùi quyền lực Mỹ

Tố Mỹ vi phạm nghĩa vụ nước chủ nhà, Nga tiếp tục chuẩn bị cho kế hoạch chuyển các cuộc họp Liên Hợp Quốc khỏi Mỹ.
Thông tấn TASS của Nga đưa tin, Nga đang chuẩn bị dự thảo văn bản gửi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc liên quan tới giải pháp chuyển các cuộc họp của Ủy ban thứ nhất giải quyết các vấn đề giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế, từ New York đến Geneva (Thụy Sĩ) hoặc Vienna (Áo).
“Việc này đã được chuẩn bị, chúng tôi thậm chí đã tiến hành các cuộc tham vấn không chính thức” – Quyền Đại diện Thường trực của Liên bang Nga tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva Andrey Belousov thông tin.
Sau phiên họp thứ ba của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quan hệ với nước chủ nhà hôm 16/10 vừa qua, ông Belousov cho biết nhiều đại diện các đoàn đại biểu quan tâm đến việc cấp thị thực cho Mỹ đã ủng hộ lập trường của Nga và tham gia các cuộc tham vấn liên quan.
Trong hàng loạt các giải pháp nhằm thay đổi tình trạng nước chủ nhà không cấp thị thực cho các nhân viên ngoại giao các nước khác tới dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc, nhiều đại diện ủng hộ việc dời địa điểm tổ chức cuộc họp của Ủy ban thứ nhất Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc – cơ quan chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế – ở châu Âu.
Hồi đầu tháng, khi các vấn đề thị thực Mỹ được nhiều nước thông tin và lên án, phía Nga đã đề nghị tổ chức cuộc họp Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quan hệ với nước chủ nhà. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã ủng hộ quan điểm của phía Nga đối với các cáo buộc Mỹ vi phạm các nghĩa vụ của mình liên quan đến vấn đề thị thực.
Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin khẳng định: “Chúng tôi đã cố gắng thuyết phục một loạt các quốc gia tham gia phiên họp, rằng lập trường của chúng tôi là đúng, rằng các yêu cầu của chúng tôi là hợp lý và nước chủ nhà không thực hiện các nghĩa vụ của mình”.
Ông Kuzmin cũng nhấn mạnh sự hoài nghi về việc giải quyết vấn đề này tại tòa án “hoàn toàn phụ thuộc vào Ban thư ký Liên Hợp Quốc”.
“Là những nước thành viên, chúng tôi chỉ có thể nêu ra vấn đề và bám vào thủ tục xử lý này, nhưng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ là người quyết định về vấn đề này” – ông Kuzmin tuyên bố.
Nhà ngoại giao Nga cũng nói rằng, Moscow ủng hộ quan điểm cần phải tránh tổ chức các cuộc họp quốc tế quan trọng tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York trong tương lai, chứ không chỉ riêng các cuộc họp của Ủy ban Thứ nhất.
Ủy ban thứ 6 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã phải dừng các hoạt động lại do các vấn đề liên quan đến thị thực Mỹ mà một số nhà ngoại giao đến từ Nga, Iran, Cuba và một số quốc gia khác phải đối mặt.
Mỹ đã không cấp thị thực đúng hạn cho 18 đại biểu Nga tham dự các sự kiện trong khuôn khổ phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Washington cũng trì hoãn việc cấp thị thực cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng trước và đã không cấp thị thực cho các phái đoàn Iran được thiết lập để tham dự các ủy ban của Liên Hợp Quốc tại New York. Chính quyền Mỹ cũng đã áp đặt các hạn chế đối với các phong trào của các nhà ngoại giao Iran và gia đình của họ ở New York, giới hạn họ chỉ trong ba tòa nhà.
Nga đã nhiều lần cáo buộc “cuộc chiến thị thực” mà Mỹ đang tiến hành là một sự vi phạm trực tiếp đối với Liên Hợp Quốc và các thành viên của tổ chức.
Bên cạnh cuộc chiến thị thực, Nga cũng lên án Mỹ khi nợ tiền đóng góp cho ngân sách hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mỹ nợ Liên Hợp Quốc hơn 1 tỷ USD lệ phí thành viên, đồng thời nêu rõ Washington là “đối tượng nợ chính trong tổ chức quốc tế này”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30941-nga-thanh-cong-trong-no-luc-day-lui-quyen-luc-my.html

Hợp tác Nga-Trung: Mặt trái và tính phô diễn hình thức

Quan hệ phối hợp mang tính chất “diễn” và tuyên truyền là chính
Nhân đọc bài: “Người Nga trao bí mật tuyệt đỉnh cho Trung Quốc?” (DVO, 14/10/2019), xin được giới thiệu một cách nhìn khác về thực chất các mối quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga- Trung của một học giả Nga quen thuộc với bạn đọc DVO, Phó Giám đốc Viện phân tích Chính trị và Quân sự VHL KH Nga Aleksandr Khramchikhin. Bài đăng trên tuần báo chuyên ngành “Bình luận quân sự độc lập” ngày 8/10/2019.
Nhưng bên cạnh đó, quan hệ hợp tác quân sự Nga-Trung cũng chứa ngay bên trong nó những vật càn (trở ngại) tự thân rất lớn và rất khó vượt qua. Trở ngại nghiêm trọng nhất trong tất cả những trở ngại- đó là “sự không tin tưởng lẫn nhau cực kỳ sâu sắc” giữa hai bên, và vật cản này là thứ mà trên thực tế không thể vượt qua được.
Thêm nữa, Trung Quốc không hề mảy may có ý định vì lợi ích của Nga mà lại đi “cãi nhau” với các nước châu Âu (bất kể nước đó có là thành viên NATO hay không), còn về phần mình- Nga cũng hoàn toàn không muốn vì các lợi ích của Bắc Kinh mà lại gây mâu thuẫn và xung đột với những nước Châu Á đang có các tranh chấp khác nhau với Bắc Kinh (nhiều nước trong số này, xét trên một số khía cạnh thì lại là đồng minh chứ không phải là đối thủ của Nga).
Và như vậy, đối thủ chung duy nhất của cả hai bên chỉ là Mỹ và thêm một đối thủ “tăng cường” nữa là Nhật Bản. Vì thế, Nga và Trung Quốc cần cùng phát triển một mô thức đặc biệt nào đó trong lĩnh vực hợp tác quân sự- làm sao để (quan hệ hợp tác đó) chỉ nhằm chống lại Mỹ và Nhật Bản, chứ dứt khoát không nhằm chống lại các nước Châu Âu và Châu Á còn lại.
Tuy thế, nhưng ngay cả đối với Washington và Tokyo, thì Matxcova lẫn Bắc Kinh cũng đều không muốn “đoạn tuyệt” hoàn toàn, nên môt thức hợp tác quân sự Nga- Trung cũng khó có thể định hình “chỉ một lần và mãi mãi”.
Một trong những hình thức hợp tác quân sự Nga- Trung là tổ chức các chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay chiến đấu như vụ bay tuần tiễu chung làm dậy sóng dư luận tại Viễn Đông vừa qua.
Một điều mà ai cũng nhận thấy là các chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay ném bom Nga và Trung Quốc cùng máy bay AWACS của Nga theo hình thức mới được thể hiện trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông vào cuối tháng 7/2019 vừa qua không hề có một chút ý nghĩa quân sự nào.
Trong trường hợp có chiến tranh thực sự, cả các máy bay ném bom Tu- 95MS, các máy bay AWACS A-50 của Nga cùng máy bay ném bom H- 6K của Trung Quốc đều không thể hoạt động trên vùng biển quốc tế, hơn nữa, lại càng không thể bay trên lãnh thổ đối phương nếu không có một lực lượng máy bay tiêm kích cực hùng hậu bay hộ tống, vì chúng (các máy bay ném bom và AWACS) không được trang bị các phương tiện (vũ khí) tự bảo vệ.
Tuy Tu- 95MS có hệ thống tác chiến điện tử khá mạnh đủ khả năng phát nhiễu rất hiệu quả để vô hiệu hóa các tên lửa của đối phương, nhưng nó (Tu-90MS) lại rất dễ bị pháo của máy bay tiêm kích kẻ thù bắn hạ (đặc biệt là nếu bắn vào động cơ).
Vì lý do đó, nên những chiếc máy bay này không được thiết kế để thực hiện chức năng tiến hành những hoạt động tương tự như vậy (các chuyến bay tuần tiễu như vừa nói-ND).
Cả Tu- 95MS và cả H- 6K đều là những “cỗ xe tải mang tên lửa”, có nghĩa là, chúng mang một số lượng rất đáng kể các tên lửa có cánh phóng từ trên không (máy bay) tầm xa cả phiên bản đầu đạn hạt nhân và phiên bản đầu đạn thông thường,- những tên lửa này sẽ được phóng từ không phận Nga (hoặc Trung Quốc), hoặc từ không phận quốc tế, nhưng phải (từ một địa điểm) cách xa lãnh thổ đối phương, và, nếu có thể, càng được nhiều máy bay tiêm kích bay cùng yểm hộ càng tốt.
Lấy ví dụ để minh họa- nếu các máy bay Nga tiến hành một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu gần, phương án đầu tiên sẽ được lựa chọn (tức Tu-95MS sẽ phóng tên lửa từ lãnh thổ Nga), còn nếu tấn công Hawaii hoặc đảo Guam, phương án thứ hai (phóng tên lửa từ không phận quốc tế) sẽ được chọn.
Dù sử dụng phương án một hay phương án hai thì cũng sẽ rất vô nghĩa nếu bay theo tuyến bay như tuyến bay mà các máy bay Nga và máy bay Trung Quốc vừa mới thực hiện vào cuối tháng 7 vừa qua.
Và như vậy, chuyến bay tuần tiễu chung nói trên hoàn toàn chỉ mang tính chất chính trị, hay nói cho chính xác hơn- toàn là “diễn” và chỉ để tuyên truyền. Bên cạnh đó, cũng không hiểu là liệu việc các máy bay Nga và Trung Quốc xâm nhập khu vực phòng không Nam Triều Tiên trên các đảo Dokdo (Takeshima) là vô tình hay cố ý, nhưng dù thế nào việc làm trên cũng không có một ý nghĩa mang tính nguyên tắc nào.
Càng không rõ là với Washington (rõ ràng chính Washington mới là địa chỉ chính mà thông điệp của chuyến bay tuần tiễu chung muốn gửi tới) thì hiệu ứng đó phải có liều lượng bao nhiêu để làm Washington phải quạn tâm, vì thái độ “hờ hững” sau đó của Washington đã cho thấy một điều là động thái trên (bay tuần tra chung trên Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông) đã không tạo được hiệu ứng đáng kể như Bắc Kinh và Matxcova muốn đối với Washington.
Không loại trừ khả năng máy bay Trung Quốc sẽ được tiếp nhiên liệu tại một trong những sân bay Viễn Đông của Nga, và nếu vậy, kịch bản này sẽ lại tạo nên một hiệu ứng tuyên truyền thậm chí còn mạnh hơn cả bản thân chuyến bay tuần tiễu chung.
Cũng có khả năng (hai bên) sẽ thực hiện một chuyến bay tuần tiễu chung của các máy bay ném bom hai nước về hướng đảo Guam. Về mặt lý thuyết, cũng không thể loại trừ một chuyến bay chung của các máy bay Nga- Trung quanh Đài Loan, nhưng khi đó sẽ có nhiều vấn đề chính trị tế nhị phát sinh.
Nước Nga, cũng như đại đa số các quốc gia khác (kể cả các nước phương Tây), đều chính thức công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Một chuyến bay phô trương quanh Đài Loan ở chừng mực nào đó sẽ là một hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Không hiểu là Matxcova cần một sự can thiệp như vậy đến mức nào, ngay cả trong trường hợp có đưọc Bắc Kinh mời tham gia vào “một cuộc can thiệp như vậy” đi chăng nữa. Thêm nữa, những hoạt động quân sự mang tính phô diễn chung Nga- Trung trước hết là nhằm vào Mỹ, chứ ít có khả năng là nhằm vào các nước thứ ba khác.
Về khả năng các máy bay Nga và máy bay Trung Quốc bay tuần tiễu chung trên Biển Đông, từ góc độ lý thuyết là có thể, nhưng trên thực tế thậm chí còn ít khả năng xảy ra nhất.
Một chuyến bay tuần tiễu chung như vậy (nếu có), sẽ có ý nghĩa khác hoàn toàn với cuộc diễn tập “Phối hợp trên Biển- 2016”, vì như thế nó sẽ nói lên rằng Matxcova đã đứng về phía Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp quyền chủ quyền đối với vùng biển này, điều mà (tỏ thái độ đứng về phía Bắc Kinh) từ trước đến nay Matxcova vẫn nói không. Không hề có một chút nghi ngờ gì rằng Matxcova không có ý muốn dù chỉ là nhỏ nhất tự tạo ra cớ để gây bất hòa với các nước ASEAN, đặc biệt là với đồng minh lâu đời của mình là Việt Nam.
Sẽ còn phi thực tế hơn nữa nếu bàn tới khả năng hợp tác tuần tra chung Nga- và Trung Quốc trên Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và các biển thuộc các đại dương này (cả các biển mở và biển kín). Ít nhất thì các máy bay Trung Quốc sẽ không có đủ tầm bay nếu cất cánh từ các sân bay của họ, có nghĩa là các máy bay đó sẽ phải cất cánh từ các sân bay Nga.
Sẽ rất khó tin nếu Matxcova lại sẵn sàng đi xa đến như vậy trong hợp tác quân sự với Trung Quốc (trừ trường hợp chỉ cho cất cánh từ các sân bay Nga một lần và không lặp lại). Còn đáng nghi ngờ hơn nữa việc Trung Quốc sẽ chọn phương án này vì làm như vậy sẽ đặt quan hệ giữa Trung Quốc với các nước EU trước một mối đe dọa nghiêm trọng.
Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc và cũng là điểm đến cuối cùng của “Một Vành đai- Một con đường”. Bắc Kinh tuyệt đối không có lý do để tự cài mìn dưới một dự án địa chính trị quan trọng bậc nhất của mình bằng cách tiến hành các cuộc phô trương quân sự vô nghĩa như vậy, thậm chí ngay cả trong trường hợp đó là “hành động chỉ một lần duy nhất”.
Sẽ có nhiều khả năng hơn nhiều nếu nói về các cuộc tuần tra chung của các tàu Hải quân PLA và Hải quân LB Nga (các cuộc tuần tiễu tác chiến chung, chứ không phải là các cuộc tập trận chung). Vùng biển thích hợp nhất cho các hoạt động như vậy là Ấn Độ Dương, đặc biệt là phần Phía Tây Ấn Độ Dương.
Ngay vào thời điểm hiện tại, cả Hải quân PLA và Hải quân Nga đều đang thực hiện các sứ mệnh chống cướp biển thường xuyên ở đó, nhưng là các sứ mệnh riêng rẽ. Về mặt lý thuyết, không có gì gây trở ngại nếu hai nước “kết hợp” các sứ mệnh riêng rẽ như vậy thành một sự mệnh chung (dù trong mấy năm gần đây tần suất và cường độ hoạt động của hải tặc Somali đã giảm đi nhiều), bởi vì làm như thế sẽ rất tiện lợi nếu xét từ góc độ chính trị.
Ngoài ra, một sứ mệnh tuần tra chung tại các vùng biển này, lại về mặt lý thuyết , cũng có thể trở thành một nhân tố kiềm chế nhất định nào đó trong bối cảnh tình hình tại eo biển Hormuz và các vùng phụ cận eo biển trên đang nóng lên nhanh chóng.
Ngoài ra, các cuộc tuần tra trên biển chung giữa Nga và Trung Quốc, cũng như các chuyến bay tuần tiễu trên không, có thể sẽ được tiến hành ở các vùng biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, nhưng cực kỳ ít có khả năng diễn ra trên Biển Đông và các vùng biển Châu Âu (cũng vì những lý do tương tự như đã mô tả ở trên).
Về vấn đề này, cần phải nhớ lại rằng trong năm 2015, Hải quân LB Nga và Hải quân PLA đã tiến hành cuộc tập trận chung trên biển Địa Trung Hải, nhưng sau đó các tàu Trung Quốc đã tham gia một cuộc tập trận tương tự với các tàu của các nước thành viên NATO khu vực Địa Trung Hải .
Cụ thể, năm 2017, tàu Hải quân PLA đã tập trận chung ở biển Địa Trung Hải với các tàu của hải quân của Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2015, các tàu chiến Trung Quốc tham gia cuộc diễu binh của Hải quân Nga ở Kronstadt (Sant- Peterburg-ND), nhưng ngay sau đó, nhũng tàu này đã thực hiện chuyến thăm hữu nghị Helsinki (Thủ đô Phần Lan) và Riga (Thủ đô Latvia).
Bằng cách đó, Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rất rõ ràng là nước này sẽ không bao giờ tham gia vào bất cứ hành động chung nào với Nga chống lại các nước Châu Âu và rằng quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Châu Âu không hề tệ hơn quan hệ giữa Trung Quốc với Nga.
Và như vậy, các chuyến tuần tiễu chung Nga- Trung cả trên không lẫn trên biển đều không mang tính chất quân sự, mà hoàn toàn chỉ mang màu sắc chính trị.
Căn cứ vào kết qủa các hoạt động quân sự chung đó, Matxcova và Bắc Kinh sẽ đưa ra các quyết định chính trị,- nhưng về phần mình thì những quyết định chính trị lại sẽ phụ thuộc và được xác định bởi lợi ích chính trị của các bên. Nhưng do những lợi ích đó của các bên rất ít khi trùng khớp với nhau và sự không trùng khớp đó lại trở thành rào cản khiến các hoạt động quân sự chung khó có thể tiến hành được.
Có thể nhận định rằng hợp tác quân sự Nga-Trung trong tương lai gần sẽ được hoàn chỉnh hơn về mặt pháp lý và các quy trình thủ tục, tuy nhiên khó có thể có thêm bất kỳ một hình thức hợp tác mới nào về nguyên tắc (so với các hình thức hiện có). Thêm nữa, chắc chắn rằng trong mối quan hệ hợp tác đó, thành tố tuyên truyền và “diễn” vẫn sẽ chiếm vai trò chủ đạo.
Vì thế, hai bên có thể sẽ cùng tổ chức một số sự kiện quân sự nhất thời nào đó để tạo ra các hiệu ứng bên ngoài mạnh , nhưng lại không có hiệu quả thực tế. Dự đoán tính chất của những hành động chung Nga- Trung như vậy là chuyện không thể và cũng không cần thiết.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30940-hop-tac-nga-trung-mat-trai-va-tinh-pho-dien-hinh-thuc.html

Syria: Thổ Nhĩ Kỳ dọa tấn công người Kurdistan

sau 5 ngày hưu chiến

Thùy Dương
Hôm nay 19/10/2019 là ngày thứ hai trong đợt hưu chiến 5 ngày giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan ở miền đông bắc Syria. Mục tiêu của cuộc hưu chiến là để cho các chiến binh Kurdistan có thời gian rút khỏi vùng an toàn mà Ankara muốn thiết lập dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Tuy nhiên, tổng thống Erdogan đã lên tiếng đe dọa rằng nếu người Kurdistan không tuân thủ thỏa thuận, thì Ankara sẽ cho tấn công ngay sau khi lệnh hưu chiến hết hiệu lực hôm 22/10.
Trên thực địa, hãng tin Pháp AFP dẫn một tổ chức phi chính phủ cho biết, bất chấp lệnh hưu chiến, các chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn ở miền đông bắc Syria trong ngày hôm qua. 14 thường dân và 8 chiến binh Kurdistan thiệt mạng trong các phi vụ không kích của quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết:
“Trong khi thời hạn 5 ngày mà Ankara đưa ra đang trôi đi từng giờ, thì trên thực địa, tình hình dường như ngày càng bấp bênh.
Ngay trong ngày hưu chiến đầu tiên, lực lượng Kurdistan tố cáo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích và dội bom nhiều làng mạc ở miền đông bắc Syria, nhất là tại các vùng Ras al-Aïn, khu vực diễn ra nhiều vụ giao tranh đặc biệt ác liệt kể từ khi chiến dịch tấn công của Ankara bắt đầu.
Về phần tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan phủ nhận việc vi phạm thỏa thuận, và khẳng định rằng “không có trận giao tranh nào xảy ra”. Ông tố cáo lực lượng Kurdistan tung tin sai lệch để đánh lạc hướng dư luận.
Không những vậy, Erdogan còn nhắc lại rằng thời hạn 5 ngày để các chiến binh Kurdistan rút khỏi khu vực là “tối hậu thư”. Tổng thống Erdogan dọa là nếu chính quyền Ankara thấy rằng người Kurdistan không tôn trọng thỏa thuận, ông sẽ lại cho tấn công, ngay sau khi lệnh hưu chiến hết hiệu lực, tức là vào tối thứ Ba tuần tới (22/10).
Vào hôm đó, theo dự kiến, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đón tiếp đồng nhiệm Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Sotchi. Đây sẽ là nơi bắt đầu các cuộc thương lượng thực sự về khu vực an toàn mà Ankara đòi hỏi”.
Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ phát biểu là Washington hy vọng cả hai lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan sẽ nghiêm túc tôn trọng các cam kết để chấm dứt xung đột ở miền đông bắc Syria.
Trong khi đó, bên lề một cuộc họp của Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles, tổng thống pháp Emmanuel Macron thông báo ông cùng thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ sớm gặp gỡ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần sắp tới, có thể là tại Luân Đôn, để bàn về chiến dịch tấn công của Ankara ở Syria.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191019-syria-tho-nhi-ky-doa-tan-cong-nguoi-kurdistan-sau-5-ngay-huu-chien

Biểu tình Hong Kong:

Carrie Lam ủng hộ cảnh sát dùng vũ lực

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm 19/10 phát biểu ủng hộ cảnh sát dùng vũ lực trước các cuộc tuần hành chống chính phủ dự kiến diễn ra cuối tuần này, theo Reuters.
Sau một tuần tương đối yên tĩnh, cuộc tuần hành lớn dự kiến diễn ra hôm Chủ Nhật 20/10 sẽ thử sức mạnh của phong trào dân chủ. Các nhà vận động dân chủ tuyên bố sẽ tiếp tục mặc dù cảnh sát nói cuộc biểu tình này là bất hợp pháp.
Trong các cuộc biểu tình trước đó, hàng ngàn người đã thách thức cảnh sát và rầm rộ xuống đường dù không được phép. Các cuộc biểu tình này thường khởi đầu ôn hòa nhưng sau đó trở nên bạo lực vào ban đêm.
Hong Kong: Tại sao Bắc Kinh chưa quyết liệt dẹp tan biểu tình?
Biểu tình Hong Kong: Tập Cận Bình cảnh cáo “tan xương nát thịt”
Hong Kong: Diễn văn thường niên của bà Carrie Lam bị đình chỉ
Tình trạng bất ổn ở Hong Kong bùng nổ sau khi lãnh đạo Hong Kong đề xuất dự luật dẫn độ vốn cho phép đưa các nghi phạm sang xét xử tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Ma Cao. Vụ một thanh niên Hong Kong, Chan Tong-kai, bị buộc tội giết bạn gái ở Đài Loan trước khi chạy trốn về lại Hong Kong đã được đem ra làm ví dụ về lý do vì sao dự luật này là cần thiết.
Hôm thứ Sáu 18/10, Chan Tong-kai, người đang bị giam ở Hong Kong vì tội rửa tiền, đã viết thư cho bà Lam nói rằng anh ta muốn nộp mình cho Đài Loan liên quan đến cáo buộc giết bạn gái trước đó.
Bà Lam nói trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Bảy 19/10 với đài truyền hình RTHK rằng đó là một sự giải thoát vì nó có thể kết thúc vụ án.
Bà cũng nói rằng cảnh sát đã sử dụng vũ lực thích hợp để xử lý các cuộc biểu tình, và rằng họ phản ứng với những người biểu tình bạo lực, trong bối cảnh cảnh sát Hong Kong bị chỉ trích là đã dùng bạo lực quá mức với người biểu tình.
Hơn 2.600 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình leo thang vào tháng Sáu.
Kể từ đó, những người biểu tình đưa ra các yêu cầu vượt ra ngoài việc phản đối dự luật dẫn độ, trong bối cảnh lo ngại gia tăng rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự do được đảm bảo khi Anh Quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc và đã đổ lỗi cho các quốc gia nước ngoài như Hoa Kỳ và Anh đã kích động tình trạng bất ổn.
Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Hong Kong kể từ khi thành phố này được trả về cho Trung Quốc, đồng thời đặt ra thách thức lớn nhất đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền.
Cảnh sát đã từ chối cấp phép cho cuộc tuần hành vào Chủ Nhật vì lý do nó có thể dẫn đến bạo lực và phá hoại, vốn đã tăng lên trong những tuần gần đây khi những người biểu tình mặc trang phục giống ninja đen đã đập phá các trạm tàu điện ngầm, các ngân hàng và cửa hàng Trung Quốc.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết động thái của cảnh sát dường như nhằm mục đích ngăn cản mọi người tham dự cuộc tuần hành.
Các cuộc biểu tình vào thứ Sáu đã ôn hòa hơn, người biểu tình nắm tay tạo thành một chuỗi người dọc theo mạng lưới tàu điện ngầm thành phố và đeo các mặt nạ nhân vật hoạt hình bất chấp lệnh cấm.
Bà Lam tuần này đã từ chối thẳng thừng hai trong số năm đòi hỏi cốt lõi của người biểu tình, gồm: quyền bầu cử phổ thông và ân xá cho những người bị buộc tội trong các cuộc biểu tình. Bà nói rằng đòi hỏi số một là bất hợp pháp và đòi hỏi thứ hai nằm ngoài khả năng của bà.
Thay vào đó, bà đã tìm cách dập tắt cuộc khủng hoảng bằng các kế hoạch cải thiện nguồn cung nhà ở và giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt.
Không khí trong thành phố vẫn căng thẳng.
Nhà hoạt động vì dân chủ nổi tiếng Jimmy Sham trong tuần qua đã bị đánh đập dã man bằng búa bởi bốn người đàn ông, một động thái mà các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ cho rằng nhằm đe dọa những người biểu tình và kích động bạo lực trước buổi diễu hành đã lên kế hoạch Chủ Nhật 20/10.
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong, ngân hàng trung ương thành phố, nói hôm thứ Bảy rằng một số máy rút tiền sẽ tạm thời ngừng hoạt động, vì lý do an ninh hoặc do lo ngại bị phá hoại.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50106914

Hồng Kông: Lãnh đạo đặc khu

biện minh cho việc cảnh sát dùng vũ lực

Thùy Dương
Lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Carie Lam, hôm nay 19/10/2019 đã biện minh cho việc cảnh sát sử dụng vũ lực nhắm vào người biểu tình, trong bối cảnh một cuộc biểu tình mới chống chính quyền được tổ chức hôm nay và ngày mai, sau một tuần được coi là khá yên ắng.
Trả lời phỏng vấn trên đài RTHK, lãnh đạo Hồng Kông phát biểu là lực lượng cảnh sát đã buộc phải sử dụng biện pháp vũ lực phù hợp để đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực. Theo Reuters, chính quyền Hồng Kông không cho phép dân chúng tập hợp vào ngày Chủ Nhật 20/10, với lý do có nguy cơ xảy ra các vụ người biểu tình đập phá hay xô xát bạo lực.
Trong những tuần qua, nhiều vụ đập phá, phóng hỏa các bến tàu, ngân hàng và cửa hàng, cửa hiệu đã xảy ra. Kể từ khi phong trào phản kháng bùng nổ tại Hồng Kông hồi tháng 06/2019, tổng cộng hơn 2.600 người đã bị bắt giữ. Trong khi đó, những người tham gia phong trào đấu tranh chỉ trích lực lượng cảnh sát đã sử dụng vũ lực một cách thái quá.
Các nghị sĩHoa Kỳ kêu gọi Apple khôi phục ứng dụng HKMap tạiHồng Kông
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng, trong đó có thượng nghị sĩ Ted Cruz, Ron Wyden và Marco … hôm thứ Sáu 18/10 kêu gọi chủ tịch Tim Cook của tập đoàn Apple cho khôi phục ứng dụng HKMap từng được sử dụng tại Hồng Kông.
Ứng dụng HKMap, vốn giúp người biểu tình Hồng Kông nắm được sự di chuyển của cảnh sát, đã bị Apple gỡ bỏ hồi đầu tháng 10.
Apple cho rằng ứng dụng được người biểu tình sử dụng để theo dõi cảnh sát Hồng Kông. Tập đoàn Mỹ đã thông báo cho điều tra về việc HKMap có thể gây nguy hiểm cho những người thực thi pháp luật và cả công dân Hồng Kông. Việc này khiến Apple bị chỉ trích là nhượng bộ chính quyền Trung Quốc trước sức ép của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191019-hong-kong-lanh-dao-dac-khu-ly-giai-viec-canh-sat-dung-vu-luc

Sau 14 năm, TQ mới cho chôn Triệu Tử Dương –

lãnh đạo phe cải cách bị thanh trừng

Tro cốt nhà lãnh đạo phe cải cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Triệu Tử Dương, bị thanh trừng vì phản đối sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình sinh viên năm 1989, mới được chôn cất tại Bắc Kinh.
Tro cốt của ông Triệu Tử Dương, người chết năm 2005, được an táng cùng với vợ ông trong một buổi lễ yên lặng.
Bộ trưởng Trung Quốc nói biến cố Thiên An Môn ‘là chính sách đúng’
Thiên An Môn: Nỗ lực xóa bỏ ký ức của Bắc Kinh
Thiên An Môn: Nhân chứng cuộc thảm sát kể gì?
Ông Triệu Tử Dương bị phế truất với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1989 và bị quản thúc tại gia cho đến khi ông qua đời.
Cuộc đàn áp do giới chức cộng sản Trung Quốc khởi xướng đã giết chết hàng trăm người, nhưng những sự kiện này đã bị loại ra khỏi sách lịch sử Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán về những gì cần làm với tro cốt của một người đàn ông mà chính quyền cố gắng loại ra khỏi lịch sử, đã diễn ra trong nhiều năm.
Chỉ có người thân trong gia đình mới được phép tham dự lễ chôn cất ‘cấp thấp’ tại nghĩa trang Tianshou Garden ở Chaoping ngoại ô phía bắc Bắc Kinh. Những người ủng hộ không được tiếp cận.
“Hôm nay chúng tôi chôn cất cha mẹ mình bằng các nghi lễ gia đình. Buổi lễ nhỏ được tổ chức trong bầu không khí gia đình thân mật, ” Wang Yannan, con gái của ông Triệu Tử Dương nói với BBC Tiếng Trung.
Bà cũng xin lỗi vì đã không công khai thông báo về việc chôn cất trước khi nó diễn ra, nói rằng gia đình không chắc chắn liệu họ có được chính quyền bật đèn xanh hay không cho đến phút chót.
Ông Triệu Tử Dương được cất nhắc bởi cựu lãnh đạo tối cao Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình – khi đó đang tìm kiếm người giúp cải cách nền kinh tế và mở cửa đất nước ra thế giới bên ngoài.
Vị trí của ông có vẻ được đảm bảo khi ông được lên làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền năm 1987.
Nhưng các cuộc biểu tình của sinh viên và người dân ở Bắc Kinh – và các nơi khác trên khắp Trung Quốc – hai năm sau đó đã tiết lộ sự chia rẽ sâu sắc trong giới lãnh đạo đảng.
Hàng trăm ngàn người kêu gọi cải cách dân chủ trong một cuộc biểu tình ôn hòa chủ yếu tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn.
Ông Triệu Tử Dương, người có thái độ tự do hơn các nhà lãnh đạo khác, ủng hộ cách tiếp cận hòa giải đối với người biểu tình.
Quan điểm đó cuối cùng đã thua những người muốn đưa quân đội vào, và ông Đặng Tiểu Bình đã chấp thuận việc giam giữ người mà ông từng tín nhiệm.
Cái kết của một cuộc chờ đợi dài
Phân tích của Vivian Wu, BBC Tiếng Trung
Việc chôn cất Triệu Tử Dương – từng là quan chức hàng đầu của Trung Quốc – đã là một vấn đề gây tranh cãi.
Thông thường, chôn cất các nhà lãnh đạo nhà nước Trung Quốc là những sự kiện xa hoa, được hoàn thiện với sự phô trương của giới truyền thông. Nhưng khi ông Triệu Tử Dương qua đời vào năm 2005, có thông báo rằng lễ hỏa táng ông sẽ được tổ chức tại một nghĩa trang dành cho cho các lãnh đạo nhà nước, các quan chức cấp cao và những người nổi tiếng. Sau đó, giới chức không phép chôn cất tro cốt của ông và gia đình đã đưa tro cốt của ông về nhà.
Ông cũng đã ra đi mà không có các bài phát biểu và bài xã luận thông thường như trong lễ tưởng niệm các nhà lãnh đạo Trung Quốc quá cố.
Chính quyền đã xếp ông vào loại “cựu lãnh đạo bị lật đổ” mà những ngày tưởng niệm ông bị bóp nghẹt bởi sự im lặng có chủ ý và anh ninh thắt chặt.
Gia đình ông Triệu Tử Dương đã không chấp nhận sự sắp xếp này và bây giờ, sau nhiều năm kiên nhẫn, họ đã được phép chôn cất cha mẹ mình cùng nhau.
Ngôi mộ của ông một cách tự nhiên sẽ trở thành nơi tưởng niệm cho công chúng vì ông đã trở thành một biểu tượng cho sự hy sinh lợi ích cá nhân cho nền dân chủ, bất chấp chính quyền đánh dấu ‘đỏ’ bất cứ sự kiện tưởng niệm nào hoặc ai đó liên quan đến ngày 4/6.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50106913

TQ đang tự đóng tàu sân bay ‘khủng’?

Giới phân tích nhận định sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những chiếc tàu sân bay lớn nhất.
Reuters ngày 17.10 dẫn hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 9 từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Mỹ), cho thấy quá trình đóng tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc đang tiến triển đều đặn.
Hiện tại, Trung Quốc đã vận hành tàu sân bay Liêu Ninh (được cải tạo từ tàu sân bay lớp Varyag của Ukraine) và thử nghiệm tàu sân bay Type 001 do nước này tự đóng.
Các chuyên gia CSIS cho biết một số bộ phận của chiếc “siêu tàu” đã được chế tạo xong, vách ngăn và một vài bộ phận khác đang nằm chồng lên nhau tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Dự báo thân tàu sẽ hoàn thành trong 12 tháng tới, trước khi chuyển đến một cầu cảng mới để tiếp tục việc xây dựng. Cầu cảng rộng lớn này nằm trên cửa sông Dương Tử – dài gần 1km, với nhiều nhà xưởng lớn – đã gần hoàn thành.
“Thông qua việc quan sát các hình ảnh vệ tinh, chúng tôi nhận thấy quá trình đóng chiếc tàu sân bay mới của Trung Quốc tiến triển chậm nhưng đều đặn”, Matthew Funaiole, chuyên gia phân tích của CSIS cho biết.
“Tuy nhiên, điều khó tưởng tượng là lượng cơ sở hạ tầng này dùng xây dựng chỉ một chiếc tàu sân bay. Không gian này giống như dành cho nhiều tàu hơn là một”, vị chuyên gia nói thêm.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), có trụ sở tại London (Anh), cũng nhận định trong năm nay, các nhà máy đóng tàu quân sự của Trung Quốc sẽ tập trung vào loại tàu chiến mặt nước có kích thước lớn, nhằm khẳng định sự phát triển của hải quân nước này.
Mặc dù quân đội Trung Quốc chưa chính thức công bố kế hoạch về việc đóng tàu sân bay thứ 3 hay còn gọi là Type 002, nhưng thông tin này đã xuất hiện từ tháng 11 năm ngoái. Các cơ quan truyền thông chính thức của nước này cũng nhiều lần tiết lộ Type 002 đang được chế tạo.
Hai tàu sân bay đầu tiên gồm Liêu Ninh và Type 001, có kích thước tương đối nhỏ, chỉ có thể chứa tối đa 25 máy bay trong khi các tàu sân bay Mỹ thường xuyên triển khai số tiêm kích gấp bốn lần con số này.
Dự kiến, Type 002 – tàu sân bay thứ 2 Trung Quốc tự đóng, sau Type 001 – sẽ là chiếc đầu tiên được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ cùng vũ trang hạng nặng cho phép hỗ trợ được nhiều chiến đấu cơ hơn.
Chuyên gia Funaiole cho biết những hình ảnh mới nhất cho thấy chiếc Type 002 sẽ lớn hơn mức choán nước 42.500 tấn của tàu sân bay Charles de Gaulle (Pháp) nhưng vẫn nhỏ hơn chiếc “siêu tàu” USS Ronald Reagan có độ choán nước hơn 100.000 tấn (Mỹ).
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30964-tq-dang-tu-dong-tau-san-bay-khung.html

Uy lực hủy diệt của tàu ngầm tấn công hạt nhân

Trang Nuclear Threat Initiative vừa đưa ra báo cáo cho thấy Trung Quốc đang tăng cường năng lực tàu ngầm hạt nhân bên cạnh tàu ngầm diesel – điện, kèm dự báo cho thấy nước này có thể sở hữu khoảng 65 – 70 tàu ngầm vào năm tới.
Chạy đua công nghệ
Mới đây, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) công khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2 tại lễ duyệt binh mừng quốc khánh hôm 1.10. Trước đó, các thông tin tình báo cho biết tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này được thử nghiệm từ năm 2002 và trang bị chính thức từ năm 2014, dù Bắc Kinh chưa từng thừa nhận.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có thể đang vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 50 tàu ngầm thông thường. Trong số các SSBN có tàu ngầm lớp Hạ (Type 092) – tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa hạt nhân đầu tiên được thiết kế và đóng ở châu Á – với độ choán nước 6.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-1.
Bên cạnh đó là 4 – 5 chiếc lớp Tấn (Type 094) dài 135 m, độ choán nước 11.000 tấn, mỗi chiếc mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn đến 7.200 km. Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân đến 1 megaton (1.000 kiloton), trong khi quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống TP.Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945 có sức nổ 15 kiloton.
Trong năm tới, Trung Quốc dự kiến tiếp tục nâng cấp tàu ngầm lớp Thương và đóng tàu ngầm Type 096 nhằm trang bị tên lửa JL-3 đang được thử nghiệm, có tầm bắn lên đến 11.900 km và có thể vươn đến mọi mục tiêu tại Mỹ. Theo báo cáo đưa ra vào tháng 8 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Bắc Kinh có sức mạnh răn đe hạt nhân nhờ chạy đua công nghệ tàu ngầm hạt nhân trong nhiều thập niên.
Sức mạnh hủy diệt
Trên thế giới hiện có hơn 10 nước sở hữu tàu sân bay, nhưng chỉ 6 nước có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ rõ trong trường hợp không xảy ra xung đột thì tàu sân bay có thể mang sứ mệnh răn đe quân sự, trong khi tàu ngầm hạt nhân ở mức răn đe hạt nhân tầm hủy diệt.
Hồi tháng 9, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ thông báo việc phóng thử 4 tên lửa Trident II từ tàu ngầm nhưng tuyên bố không nhằm đáp trả bất cứ sự kiện nào trên thế giới. Theo chuyên san The National Interest, trọng tâm của lực lượng tên lửa đạn đạo chiến lược của Mỹ là 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, mỗi chiếc có thể mang 24 tên lửa Trident II, với tầm bắn lên đến 11.000 km và mỗi tên lửa có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân W88 với sức nổ 475 kiloton.
Trong khi đó, hải quân Nga sở hữu 3 tàu ngầm lớp Borei và có kế hoạch đóng 10 tàu nhằm thay thế các tàu lớp Delta và Typhoon. Với độ choán nước 24.000 tấn, Borei trang bị 16 tên lửa đạn đạo RSM-56 Bulava với tầm bắn tối đa 10.000 km. Anh hiện có 4 tàu lớp Vanguard mỗi chiếc mang 16 tên lửa Trident II và đang phát triển lớp Dreadnought thay thế, với chiếc đầu tiên dự kiến được đóng vào năm 2028.
Pháp có 4 tàu ngầm lớp Le Triomphant đang hoạt động có thể mang 16 tên lửa M51, mỗi tên lửa có 12 đầu đạn hạt nhân. Bên cạnh 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ, Ấn Độ là nước duy nhất sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và trang bị tên lửa hạt nhân. Theo trang Military Today, tàu lớp
Arihant được đưa vào biên chế năm 2016, có độ choán nước 6.000 tấn, mang theo 4 tên lửa đạn đạo K-4 tầm bắn 3.500 km và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/30961-uy-luc-huy-diet-cua-tau-ngam-tan-cong-hat-nhan.html

Tàu dân quân TQ bị nghi đội lốt tàu cá

 trong vụ đâm tàu Philippines

Tàu Trung Quốc từng va chạm và đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6 có thể là tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington, Mỹ đã thu thập mọi thông tin liên quan tới tàu “Yuemaobinyu 42212” của Trung Quốc và kết luận rằng, con tàu này không chỉ là tàu cá thương mại đơn thuần.
Thông tin trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và tàu cá Philippines tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 9/6.
Trong vụ việc này, tàu Trung Quốc được cho là đã đâm chìm tàu cá Philippines, sau đó bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trôi dạt trên biển trước khi họ được một tàu Việt Nam giải cứu và bàn giao lại cho tàu hải quân Philippines.
Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ phía người dân và giới chức Philippines. Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines khẳng định tàu Trung Quốc ban đầu có ý định hỗ trợ tàu Philippines gặp nạn, tuy nhiên sau đó đã rời đi vì sợ bị các tàu Philippines bao vây.
Dựa trên nghiên cứu của AMTI về lịch sử và hệ thống nhận dạng tự động (AIS) hạn chế của tàu Yuemaobinyu 42212, AMTI cho rằng con tàu này nhiều khả năng thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
“Tàu Yuemaobinyu 42212 hoạt động từ một cảng là nơi đồn trú của một đơn vị dân quân biển. Khi còn lấy tên cũ, tàu này dường như được ký hợp đồng tham gia các cuộc khảo sát do chính quyền (Trung Quốc) hậu thuẫn ít nhất 2 lần (có thể nhiều hơn). Lịch sử AIS của tàu bị thiếu sót một cách đáng ngờ, thậm chí chỉ được trang bị một hệ thống tiếp sóng yếu”, báo cáo do AMTI công bố ngày 16/10 cho biết.
Tàu Yuemaobinyu 42212 được cho là hoạt động từ cảng Bohe ở tỉnh Quảng Đông, “nơi các tàu cá được huy động để tham gia các cuộc diễn tập bán quân sự nhằm chuẩn bị cho tác chiến hàng hải”. Cuộc nghiên cứu của AMTI cũng chỉ ra rằng tàu Yuemaobinyu 42212 từng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cho chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù không thể chứng minh tàu Yuemaobinyu 42212 hoạt động như một tàu dân quân biển, song AMTI vẫn nhận định đây không phải là một tàu cá thương mại thông thường. Điều này đã làm dấy lên hoài nghi về việc liệu vụ va chạm với tàu cá Philippines ở bãi Cỏ Rong có phải là hành động “cố ý” của tàu Trung Quốc hay không.
Giới chuyên gia quốc tế từ lâu đã nhận định Trung Quốc sử dụng đội tàu cá như lực lượng dân quân biển. Các tàu dân quân này thuộc quyền quản lý của Hải quân Trung Quốc, thường không đánh cá mà có nhiệm vụ chủ yếu là hăm dọa tàu của các nước khác có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Philippines hồi tháng 9 cho biết các tàu dân quân biển thường hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng hải quân và hải cảnh Trung Quốc.
Báo cáo thường niên mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi lên Quốc hội hồi tháng 9 cũng cho biết lực lượng dân quân biển Trung Quốc được tổ chức chuyên nghiệp và nhận được nhiều sự tài trợ để thực hiện các hoạt động tại Biển Đông.
Theo báo cáo của Mỹ, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang giữ vai trò quan trọng trên Biển Đông trong các hoạt động cưỡng ép, nhằm giúp Bắc Kinh đạt được mục đích chính trị mà không cần phải gây ra xung đột ở khu vực.
Các tàu này về mặt hình thức thường thực hiện các nhiệm vụ thương mại dân sự, tuy nhiên, chúng được cho là cũng âm thầm thực hiện các nhiệm vụ “chính thức” được giao phó.
Mỹ cũng chỉ ra rằng trong một số vụ việc liên quan tới Mỹ và các bên còn lại trong tranh chấp ở Biển Đông, các tàu cá Trung Quốc đã thực hiện các hành vi như đâm va, ngăn chặn tàu nước ngoài tiếp cận các đầm phá, thậm chí tham gia vào hoạt động chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.
http://biendong.net/bi-n-nong/30942-tau-dan-quan-tq-bi-nghi-doi-lot-tau-ca-trong-vu-dam-tau-philippines.html

Trung Cộng bác bỏ gây áp lực

buộc NBA phải sa thải giám đốc đội Rockets

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Chính quyền Bắc Kinh vào thứ Sáu, 18 tháng 10, đã bác bỏ cáo buộc cho rằng nước này đang gây áp lực đòi sa thải giám đốc Daryl Morey của đội Houston Rockets, sau khi ông Morey đăng thông điệp ủng hộ người biểu tình Hong Kong lên Twitter.
Thông điệp của ông Morey sau đó đã bị xóa, nhưng vẫn kịp gây ra một cuộc tranh chấp lớn giữa Hiệp hội bóng rổ quốc gia NBA của Hoa Kỳ và Trung Cộng. Chủ tịch NBA Adam Silver vào thứ Năm cho biết các đối tác Trung Cộng làm việc với NBA, cả trong chính phủ và giới kinh doanh, đã yêu cầu sa thải ông Morey. Trong cuộc họp báo tại New York, ông Silver nói NBA đã được chính phủ Trung Cộng yêu cầu sa thải ông Morey, và NBA hồi đáp rằng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói rằng Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra yêu cầu này. Vụ xung đột của NBA với Trung Cộng xảy ra trong bối cảnh cuộc biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong đã kéo dài hơn 4 tháng. Bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ, cuộc biểu tình nay bao gồm thêm lời kêu gọi được bầu cử tự do và yêu cầu mở cuộc điều tra đối với hành động bạo lực của cảnh sát. Sự việc của NBA cũng dẫn đến cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các công ty nước ngoài. Các đài truyền hình Trung Cộng ban đầu đã ngừng chiếu trực tiếp các trận đấu của NBA, nhưng nay đã chiếu trở lại, ngoại trừ các trận đấu của đội Houston Rockets.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-bac-bo-cao-buoc-gay-ap-luc-buoc-nba-phai-sa-thai-giam-doc-doi-houston-rockets/

TQ nói sẽ làm việc với Mỹ

để giải quyết quan tâm cốt lõi của nhau

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm thứ Bảy nói rằng Trung Quốc sẽ làm việc với Mỹ để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của nhau trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, và rằng dừng chiến tranh thương mại sẽ tốt cho cả hai bên và thế giới.
“Hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng quan trọng cho việc kí kết một thỏa thuận theo giai đoạn,” ông Lưu, cũng là nhà đàm phán chính trong các cuộc đàm phán thương mại, nói với một hội nghị thực tế ảo ở Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây ở đông nam.
“Ngăn chặn chiến tranh thương mại leo thang mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Mỹ và toàn thế giới. Đó là những gì các nhà sản xuất và người tiêu dùng đang hi vọng,” ông Lưu nói trong một bài phát biểu công khai hiếm hoi về cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hạn chế vào tuần trước về việc chấm dứt chiến tranh thương mại làm chao đảo các thị trường toàn cầu và kìm hãm sự phát triển của thế giới. Cả hai bên đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận bằng văn bản.
Tăng trưởng kinh tế quý ba của Trung Quốc chậm lại ở mức 6.0% hàng năm, là tốc độ yếu nhất trong gần ba thập niên khi cuộc chiến tranh thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các công xưởng và tâm lí của nhà đầu tư.
Ông Lưu cho biết vào ngày thứ Bảy rằng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ cốt lõi để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nói thêm rằng triển vọng kinh tế vẫn còn “rất sáng sủa.”
“Chúng tôi không lo lắng về biến động kinh tế ngắn hạn. Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng của chúng tôi đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô trong năm nay,” ông nói.
Ông Lưu cho biết mối quan hệ được cải thiện giữa Trung Quốc và Mỹ mang lại lợi ích cho thế giới.
“Tăng trưởng về hợp tác kinh tế và thương mại của Trung-Mỹ gắn với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của toàn thế giới,” ông nói.
“Trung Quốc và Mỹ có thể tương nhượng, dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các mối quan tâm cốt lõi khác của nhau, phấn đấu tạo ra một môi trường tốt và đạt mục tiêu chung của cả hai bên.”
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-se-lam-viec-voi-my-de-giai-quyet-quan-tam-cot-loi-cua-nhau/5130860.html

Bắc Kinh không thể hiểu được

khát vọng dân chủ của người Hồng Kông

Thụy My
Theo Le Monde hôm nay 18/10/2019, đảng Cộng Sản Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ của người Hồng Kông, và không chịu nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng. Trong bài « Hồng Kông : Điều mà Bắc Kinh không thể hiểu », được Courrier International dịch lại từ báo The Initium tuần này, nhà nghiên cứu Ray Yep Kinman phân tích về ngõ cụt của chính quyền Trung Quốc.
Thủ phạm của khủng hoảng Hồng Kông chỉ là vấn đề nhà ở ?
Bắc Kinh muốn diễn dịch các sự kiện ở Hồng Kông như một cuộc khủng hoảng xã hội, đặc biệt là khủng hoảng nhà ở, trong một thành phố có giá một mét vuông nhà thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Và nếu phải tìm ra các thủ phạm cho chủ đề này, thì đó là bốn đại gia địa ốc – có nghĩa là giới địa chủ mà Mao từng cho đấu tố vào thời trước.
Tại Hồng Kông, bốn gia tộc lớn sở hữu đa số các bất động sản nhà ở và thương mại là gia đình Quách Đắc Thắng (Kwok Takseng) với tập đoàn Tân Hồng Cơ (Sun Hung Kai), tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) với CK Hutchinson, tập đoàn Henderson của Lý Triệu Cơ (Lee Shaukee) và tập đoàn New World của gia đình Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yutung). Trong khi đó phân nửa dân số Hồng Kông ở nhà thuê. Các tỉ phú này giờ đây phải chống chọi với những chỉ trích của báo chí Hoa lục và dư luận viên, dù họ đã cố thu mình lại ngay từ đầu phong trào phản kháng.
Nhưng theo ông Kinman, chính đảng Cộng Sản Trung Quốc đã gây ra thảm họa trong thời gian khoảng 100 ngày vừa qua, khi sử dụng một chiến lược làm thiệt hại nặng nề cho nguyên tắc « nhất quốc lưỡng chế » (Một đất nước, hai chế độ). Bắc Kinh tìm cách bôi xấu người dân Hồng Kông, gây ra căng thẳng giữa dân Hoa lục và đặc khu. Và thay vì bảo đảm cơ chế thị trường như đã cam kết, chính quyền Trung Quốc lại tấn công vào những căn bản của hệ thống tư bản Hồng Kông.
Chính Bắc Kinh làm lung lay nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ »
Từ đầu tháng Bảy, Bắc Kinh cố gắng bóp nghẹt công luận Hồng Kông, gây áp lực lên các đại công ty để họ ngăn cản nhân viên ủng hộ phong trào phản kháng. Hãng hàng không Cathay Pacific là đích nhắm đấu tiên, tiếp đến là MTR, công ty quản lý hệ thống xe điện ngầm Hồng Kông bị yêu cầu đóng cửa métro để người dân không thể đi biểu tình. Nền kinh tế Hồng Kông chừng như bắt đầu giống với Hoa lục, nơi sinh mệnh của một công ty không tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động, mà là khả năng chiều theo những đòi hỏi của chính quyền.
Theo nhà nghiên cứu, lẽ ra trước một tình hình trầm trọng như thế, ê-kíp lãnh đạo Hồng Kông phải được thay đổi hẳn, và trưởng đặc khu phải từ chức. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ. Cách giải thích duy nhất là Bắc Kinh đã quyết định mọi thứ, đơn giản hóa vấn đề bằng cách lý giải là có bàn tay của « thế lực thù địch ».
Liệu Bắc Kinh có từ bỏ nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » ? Giả thiết này hoàn toàn là ảo tưởng. « Nhất quốc, lưỡng chế » đã được ghi và điều lệ Đảng, luôn được coi là sáng kiến tuyệt vời của Đặng Tiểu Bình, và hiện nay vẫn là cơ sở để chiêu dụ Đài Loan. Nếu nguyên tắc này chết yểu, thì những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo để khiến quốc tế công nhận Hồng Kông, Macao, Đài Loan đều là lãnh thổ Trung Quốc, sẽ trở thành công cốc.
Tính chất quốc tế và tự trị của Hồng Kông
Từ xưa đến nay, mỗi lần xảy ra xung đột giữa Hồng Kông và đại lục, thì đảng Cộng Sản đều siết chặt gọng kềm. Tuy nhiên sau hơn 100 ngày biểu tình liên miên, họ đã nhận ra rằng Hồng Kông không còn như xưa nữa. Người Hồng Kông tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết. Hàng triệu công dân đã đối đầu với
bạo quyền bằng vô vàng sáng kiến và lòng kiên nhẫn đáng khâm phục, mỗi người góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào. Trước sự dấn thân hết mình của mọi thế hệ, mọi tầng lớp dân chúng ở Hồng Kông, đảng Cộng Sản biết rằng khó thể đàn áp nổi.
Theo nhà nghiên cứu trên, trước hết Bắc Kinh phải ý thức được tính chất quốc tế của Hồng Kông. Trung tâm tài chính thế giới này rất quan trọng cho việc thu hút vốn đầu tư và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thế nhưng tất cả đều dựa trên sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền, tự do thông tin, tôn trọng quyền sở hữu và quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đồng cảm, các doanh nhân và chuyên gia quốc tế mới đến sống và làm việc tại Hồng Kông. Trong mối quan hệ chồng chéo này, chỉ cần rút đi một sợi dây là cả hệ thống rung chuyển, vai trò một thành phố quốc tế bị sút giảm.
Chính quyền Trung Quốc còn đánh giá sai lầm về quan hệ của các nhà lãnh đạo Hồng Kông trước đây với Luân Đôn. Trong lịch sử 150 năm thuộc địa, các viên toàn quyền Hồng Kông thường chống lại Anh quốc để bảo vệ lợi ích của người dân tại chỗ. Hoặc là họ câu giờ, báo cáo sai lạc, đặt Luân Đôn trước việc đã rồi, hoặc chơi trò nước đôi, thậm chí ra mặt chống đối. Trong thập niên 60-70, chính quyền Hồng Kông thời đó xung khắc với Luân Đôn về việc hạ giá đồng bảng Anh, quota hàng dệt may, và cả chi phí cho quân đội Anh trú đóng. Họ không phải là bù nhìn như chính quyền hiện nay.
Mang dòng máu Hoa thì đương nhiên là người Trung Quốc ?
Đặc biệt Bắc Kinh cần xem lại quan điểm về bản sắc dân tộc. Họ cho rằng người dân Hồng Kông « có dòng máu Hoa trong huyết quản, da vàng, tóc đen, nói và viết tiếng Hoa » nên đương nhiên là người Trung Quốc. Tuy nhiên bản sắc quốc gia phản ánh một sự chọn lựa sau thời gian dài cân nhắc, chứ không chỉ dựa trên các tiêu chí ngoại hình và văn hóa ; nếu dùng vũ lực để cưỡng bức chỉ gây phản tác dụng.
Đối với người Hồng Kông, « chủ nghĩa ái quốc » đang được Bắc Kinh đề cao, có đại diện là những người như Hà Quân Nghiêu (Junius Ho), dân biểu thân Bắc Kinh bị căm ghét vì thái độ cực kỳ khiêu khích ; hoặc các thành viên của hội đồng hương Phúc Kiến, là những kẻ mặc áo trắng đã dùng gậy sắt chận đánh dã man người biểu tình. Có cư dân Hồng Kông nào muốn con cái họ trở thành những người như thế ?
Sau « mùa hè tự do » vừa qua, người Hồng Kông quyết tâm muốn được đối xử bình đẳng. Phong trào chủ yếu nhắm vào chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và lực lượng cảnh sát, nhưng nay hiện có hai khuynh hướng : tự trị và ly khai. Xu hướng thứ hai đang lan rộng trong giới trẻ với câu khẩu hiệu « Quang phục Hương Cảng », muốn lật đổ tất cả để lập nên một trật tự mới.
Nobel Hòa bình cho Hồng Kông ? Lại là « thế lực thù địch » !
Bắc Kinh cần phải hiểu rằng trái tim của hàng triệu người Hồng Kông không thể được chinh phục bằng viễn cảnh phồn vinh vật chất và đại cường thế giới – lý lẽ rất thuyết phục ở Hoa lục. Tất nhiên đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng các giá trị phổ quát sẽ là ảo tưởng, nhưng nếu muốn tiếp tục ngân nga điệp khúc « Một đất nước, hai chế độ », Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của những người chịu thỏa hiệp với chính quyền trung ương để duy trì quyền tự trị của đặc khu, như lời hứa lúc trao trả.
Nhưng liệu chính quyền Trung Quốc vốn ngạo mạn, có chịu hiểu thấu khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông, mà theo họ là « những đứa trẻ trái tính được nuông chiều » ?
Những người dân Hoa lục đã thoát khỏi đói nghèo, có thể hài lòng khi nay được cơm no áo ấm, chấp nhận sự khống chế của chính quyền. Nhưng người Hồng Kông sau 150 năm sống dưới chế độ dân chủ, nay kiên quyết bảo vệ các quyền tự do mà lâu nay họ được thụ hưởng.
Hôm 17/10/2019, Bắc Kinh tố cáo đề xuất của một dân biểu Na Uy – tặng thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho « người dân Hồng Kông » - là « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Một chính thể độc tài khó thể hiểu được vì sao sống ở một vùng đất có GDP thuộc loại cao nhất thế giới, hơn gấp nhiều lần Hoa lục, mà người dân cứ vẫn đòi hỏi những khái niệm « xa vời » như tự do dân chủ. Nhất định phải có một « thế lực thù địch » nào đó giựt dây : Mỹ, Anh, Pháp…và bây giờ là Na Uy !
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191018-bac-kinh-khong-the-hieu-duoc-khat-vong-dan-chu-cua-nguoi-hong-kong

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.