Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư? (Phần 3)

Sunday, October 6, 2019 7:54:00 PM // ,

Hồng Hà
6-10-2019
Tiếp theo phần 1phần 2
Nhiều người hy vọng đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “xoay trục”, “thoát Trung”.  Làm gì có chuyện đó. Biểu tình hô hào, cổ suý chống Tàu, sẽ lập tức no đòn và mọt gông, sẽ ra toà với nhiều tội danh khác đi như: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”, “diễn biến hòa bình”, “Âm mưu lật đổ chính quyền”, “phản quốc”…
Kể cả Nguyễn Tấn Dũng, vì một câu nói “tổn thương” tình hữu nghị, vẫn bị các cựu lãnh đạo cấp cao của đảng công khai chỉ trích và muốn nghiền nát.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và phái đoàn Việt Nam từ 8/7 đến 12/7/2019, bà Ngân đến Trung Quốc ngay trong những ngày Trung Quốc gây hấn và xâm chiếm Bãi Tư Chính, nhưng tuyệt nhiên không có một lời nào nói về sự việc nóng hổi đó.
Tiếp đón Kim Ngân, Tập Cận Bình kêu gọi hai nước “Trung thành với những khát vọng nguyên thủy của mình, nhìn vào đại cục, thăng tiến tình hữu nghị và tăng cường sự hợp tác nhằm nâng quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới so với điểm khởi đầu”, Tân Hoa Xã tường trình.
Bản tin của thông tấn xã nhà nước Trung Quốc cũng cho biết, bà Ngân ca ngợi Trung Quốc khi nói rằng, phía Việt Nam “sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ và trợ giúp quý giá mà các đồng chí Trung Quốc đã cung cấp trong quá khứ và hiện tại”.
Tập Cận Bình tiếp Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 14/7 ở Bắc Kinh. Nguồn: Vietnam News Agency
Trong khi ngày 22/8/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng, Mỹ “quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào những hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trong khu vực Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế”, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton lên tiếng, rồi ngày 26/8/2019, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ liên tiếp lên tiếng phản đối Bắc Kinh uy hiếp hoạt động dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, thì giới lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước “im thin thít” như là việc Trung Quốc xâm lấn Bãi Tư chính là của ai, không phải của mình.
Đặng Minh Khôi, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao, nay giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, trả lời Tân Hoa Xã, rằng:
Đương nhiên trong 70 năm chúng ta là láng giềng cũng có lúc có chuyện này chuyện khác, nhưng có thể nhìn lại trong 70 năm vừa qua quan hệ giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện trên tất cả các lãnh vực”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đặng Minh Khôi, phát biểu tại một buổi hội thảo ngày 17/5/2014. Photo Courtesy
Hãy nghe Phạm Hồng Tung, GSTS sử học giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, nói một cách ngu muội và ấu trĩ về việc soạn sách Lịch sử xâm lược của Trung Quốc: “Bây giờ chính là lúc giới sử học của hai nước nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề liên quan đến lịch sử hai nước”.
Có lẽ “16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” đã là “vòng kim cô” siết chặt trên đầu các lãnh tụ chính trị Việt Nam từ sau năm 1990.
Với nhân dân, họ lập lờ “thân Mỹ”, “xích gần phương Tây”… nhưng kỳ thực, bên trong các các cuộc họp cấp cao nội bộ, dạy trong các trường đại học, giáo huấn trong các học viện Quân đội, Công an, họ công khai chỉ đích danh “kẻ thù số 1 là Đế quốc Mỹ”, là “cảnh giác cao với thế lực thù địch, phản Cách mạng”, là “bạn bè tốt chỉ có Trung Hoa”…
Cùng với hàng trăm ngàn thành viên AK47, các DLV cao cấp, một số tướng về hưu, hệ thống tuyên giáo, truyền thông, thậm chí cả Hội đồng Lý luận Trung ương cũng phản biện việc “bài Trung”. Họ quy chụp “mưu đồ thân Mỹ bài Trung, dựng cờ vàng, hạ cờ đỏ” và họ ra sức bảo vệ “Tình hữu nghị được bác Mao, bác Hồ vun đắp”.
Họ lập luận, đó là đảng Cộng sản anh em, ý thức hệ tương đồng; TQ kề vai sát cánh VN trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, giúp đỡ vô tư. Rằng hai đảng cũng xây dựng nhà nước XHCN, cùng giữ “đại cục” để tồn vong…
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và cứng rắn. Ý tưởng đa nguyên như ông Trần Xuân Bách, ứng viên Tổng bí thư, vẫn bị “bóp cổ” tức khắc. Cấp tiến như ông Trần Độ, cũng bị sa thải, trả giá cho đến lúc chết.
Cho nên, trong tứ trụ, Bộ Chính trị, BCH Trung ương, đừng bao giờ nghĩ rằng, có ông này “thân Tàu” ông kia “thân Mỹ”… Ông nào cũng “thân Tàu” và cũng đều quy phục Tập Cận Bình cả.
Còn nhớ, sáng 16/5/2019, tại Hội nghị 10, Khóa 12, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu:
– Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó.
– Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không?
Đấy. Không cần bình luận gì nữa.
Về chuyến thăm Mỹ sắp đến. Giới quan sát cũng không quá quan tâm và đặt kỳ vọng. Ông Trọng đi chỉ vì mục đích:
1. Tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, nhất là giải quyết một vấn đề Washington đang rất quan ngại là xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ.
  1. Mong muốn mở rộng hơn trong quan hệ đối tác toàn diện.
Rất khó có thể nâng tầm quan hệ song phương giữa hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược, điều mà Washington đã yêu cầu Hà Nội từ tháng 5/2019.
3. Làm chuyến công du Hoa Kỳ, cấp nhà nước, trong điều kiện sức khoẻ còn cho phép, trước khi về “làm người tử tế” như Ba Dũng.
Quay lại câu chuyện Đại hội 13 của đảng. Như đã đề cập ở phần trước, ông Trọng đã hoàn toàn bế tắc và mệt mỏi.
Ở Trung ương, nạn chạy chức, chạy ghế, mua bán phiếu bầu, bảo kê, sân sau, phe nhóm chính trị, làm nhiều chuyện “kinh thiên động địa”. Uỷ viên Trung ương hư hỏng quá nhiều; các tướng lĩnh công an, quân đội trở thành bảo kê, tham quyền cố vị, tham nhũng tràn lan. Ở cơ quan công quyền bộ ban ngành, từ tỉnh thành đến đơn vị hành chính cấp xã phường, nạn cát cứ, vơ vét, cả họ làm quan… nhức nhối xã hội. Số cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất, suy đồi đạo đức, xà xẻo công quỹ… đã gây mất niềm tin hoàn toàn trong dân chúng.
Chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng hoàn toàn không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Đó là tất cả sai phạm, kỷ luật đều rơi vào các cán bộ đảng viên có chức quyền rất lớn, được đảng đào tạo bài bản, quy hoạch và bổ nhiệm. Vậy ai sinh ra nó, dung dưỡng nó, ngoài đảng Cộng sản?
Người thay ông Trọng, được đồn đoán sẽ là ông Trần Quốc Vượng. Ông Vượng được ông Trọng chọn là ứng viên số một cho vị trí Tổng Bí thư ở đại hội 13. Ông được xem là “bản sao” của ông Trọng về đạo đức và lối sống, lập trường kiên định Chủ nghĩa Mác- Lê, thâm trầm và đầy mưu lược.
Ông Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc. Photo Courtesy
Ông Vượng từng là Viện trưởng VKS Tối cao, ông hiểu rất rõ cơ chế vận hành của nhà nước cộng sản. Phía sau bộ máy lãnh đạo đương quyền của đảng và nước, còn có đội ngũ “nguyên lão” cực kỳ giáo điều, cổ hủ và kiên định lập trường mác xít. Lịch sử đã ghi nhận, chỉ cần đi chệch mục tiêu, cỗ máy cộng sản sẽ nghiền nát bất kể người ấy là ai, giữ bất kỳ cương vị gì trong đảng.
Vì thế, đại hội 13, chỉ là nơi “chia ghế” cho các quan thầy, từ Lạng Sơn về đến mũi Cà Mau. Còn đối với đại đa số nhân dân cả nước, họ chẳng quan tâm và có ai đó quan tâm, họ cũng chẳng có niềm tin gì nữa.
https://baotiengdan.com/2019/10/06/ai-se-thay-ong-nguyen-phu-trong-lam-tong-bi-thu-phan-3/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.