Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đừng tưới nước lên gốc cây rã mục

Monday, September 2, 2019 6:27:00 PM // ,

Trần Trung Đạo
2-9-2019
(Phản biện bài viết của Gs Tương Lai)
Giáo sư Tương Lai, trong bài viết Vietnam’s Overdue Alliance With America đăng trong mục Ý Kiến của Nytimes.com ngày 11 tháng 7 năm 2014 và bản tiếng Việt “Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ” do Liêm Nguyễn dịch, đăng trên nhiều trang web tiếng Việt, đã lấy làm tiếc khi nhiều cơ hội đã bị bỏ qua cho một liên minh Việt Mỹ.
Lần đầu do cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) “giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối năm 1944.” Và cơ hội khác khi TT Truman không phúc đáp các lá thư của Hồ Chí Minh “bày tỏ lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam” đối với “dân tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm thấy bị lôi cuốn.”
Tôi không dám phê bình trình độ chính trị học của giáo sư Tương Lai nhưng sẽ ngạc nhiên nếu ông thật sự tin rằng nếu lúc đó TT Truman đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chính Minh và quân đội Mỹ, giống như OSS từng làm, yểm trợ Việt Nam để phục hồi nền độc lập, xây dựng đất nước thì Việt Nam đã là một quốc gia dân chủ, tự do chứ đâu phải bị nô lệ trong ý thức hệ CS và bị Trung Cộng đè đầu cưỡi cổ như hiện nay.
Giáo sư Tương Lai bỏ qua mối quan hệ “tuy hai mà một” giữa Hồ Chí Minh và đảng CSTQ như vô số tài liệu cho thấy và cũng không nhắc đến những khả năng gì sẽ xảy ra với liên minh Mỹ Việt sau khi CSTQ đã chiếm hết lục địa Trung Hoa năm 1949.
Quan điểm của giáo sư Tương Lai cũng có thể gây cho người đọc hiểu lầm rằng Hồ Chí Minh không hẳn là người Cộng Sản và chỉ trở thành người CS khi không có chỗ dựa nào khác trong cuộc chiến chống Thực Dân Pháp mà quên đi sự kiện chính Hồ Chí Minh từ tháng 2 năm 1920 đã “vui mừng đến phát khóc” khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin.
Lý do TT Truman không đáp ứng thư của Hồ Chí Minh
Theo tài liệu lưu trữ trong văn khố Hoa Kỳ, tổng số gồm 11 lá thư Hồ Chí Minh gởi TT Truman, Ngoại trưởng James Byrnes và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Lá thư thứ nhất ký ngày 17 tháng 10 năm 1945 và lá cuối cùng vào ngày 28 tháng Hai năm 1946.
Ngày 12 tháng 9 năm 1946, George M. Abbott, lúc đó là Đệ nhất Tham Vụ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Paris, đã điện đàm với Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ vẫn là gốc gác của họ Hồ. Theo báo cáo của George M. Abbott cho đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Hồ Chí Minh không thừa nhận ông ta là Cộng Sản.
Không những thế, ông Hồ còn chỉ ra cho George M. Abbott thấy “không một người nào trong nội các của ông ta là Cộng Sản.”
Trong thực tế, các chức vụ then chốt gồm Chủ tịch (Hồ Chí Minh), Bộ trưởng Quốc Phòng (Võ Nguyên Giáp), Bộ trưởng Tài Chánh (Lê Văn Hiến), Bộ trưởng Tư Pháp (Vũ Đình Hòe) trong nội các liên hiệp kháng chiến đều do các đảng viên đảng CS hay đảng Dân Chủ nắm giữ.
Khi George M. Abbott hỏi có hay không có một đảng CS tại Việt Nam, Hồ Chí Minh thừa nhận là trước đây có nhưng đã giải tán mấy tháng trước rồi. Dĩ nhiên, như viết trong báo cáo, George M. Abbott cũng biết những câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là những câu nói dối.
Ngày 12 tháng Ba năm 1947, TT Harry Truman xin quốc hội chuẩn chi ngân sách 400 triệu Mỹ kim để viện trợ vũ khi cho chính phủ Cộng Hòa Hy Lạp để đánh bại phiến loạn CS và để giúp hiện đại hóa quân đội Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với đe dọa quân sự của Liên Xô.
Ngăn chận làn sóng CS trên phạm vi thế giới là trọng tâm của Chủ thuyết Truman (Truman Doctrine).
Lẽ ra, những lá thư của Hồ Chí Minh là cơ hội hiếm hoi để Truman đóng nút sự bành trướng của chủ nghĩa CS ở Đông Nam Á qua ngả rung Quốc. Nhưng không. TT Truman không đáp ứng vì chính phủ Mỹ biết rõ rằng Hồ Chí Minh và đảng CS Việt Nam là một bộ phận Đông Dương của đệ tam quốc tế CS chứ chẳng quốc gia dân tộc gì.
Với đảng CS, việc thay tên đổi họ, từ một người hay thậm chí cả đảng, theo nhu cầu chiến lược mỗi thời kỳ là chuyện bình thường.
Đảng CS tổ chức tinh vi và chặt chẽ đến mức dù dùng tên gì vẫn hoạt động thống nhất và tuân chỉ triệt để một cương lĩnh. Vào thời điểm 1946, trước khi CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, nếu Mỹ viện trợ, Hồ Chí Minh sẽ nhận và nếu Mỹ lên tiếng phản đối Pháp, Hồ Chí Minh sẽ cám ơn nhưng chắc chắn không bao giờ có chuyện “giải tán đảng CS” hay thành thật từ bỏ đảng CS.
Niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa CS đã đóng đinh vào nhận thức của các tầng lớp lãnh đạo CSVN. Cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ.
Dòng lịch sử đầy tang thương của đất nước diễn ra từ đó đến nay qua các đợt khủng bố tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia, Cải Cách Ruộng Đất, đày ải nhiều trăm ngàn công nhân viên chức VNCH, đưa đất nước vào ngõ tối độc tài lạc hậu đã cho thấy nhận định của chính phủ Truman về Hồ Chí Minh và đảng CSVN là đúng.
Năm 1954, vừa chiếm được nửa nước, chưa có một ngày ổn định và đời sống người dân miền Bắc còn quá sức nghèo, trung ương đảng CSVN đã nghĩ đến việc chiếm nửa nước còn lại.
Có tổng tuyển cử? Tốt, đảng sẽ chiếm miền Nam mà không tốn nhiều xương máu. Không có tổng tuyển cử? Không sao, đảng vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng súng đạn Nga, Tàu.
Dù qua phương cách gian lận bầu cử, khủng bố cử tri hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi.
Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng CSVN.
Trung Cộng muốn gì?
Hôm nay, hoàn cảnh chính trị thế giới đã thay đổi. Việt Nam đang đứng trước một đế quốc thực dân mới và lần này là chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng. Như người viết đã phân tích trong các bài trước, Trung Cộng muốn Việt Nam:
1. Hoàn toàn lệ thuộc về cơ chế chính trị và tư tưởng.
2. Một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.
3. Trung Cộng độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng Biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp.
Nội dung của mật ước Thành Đô không được công bố, tuy nhiên, các diễn biến kinh tế, chính trị và quốc phòng cho thấy ba điểm nêu trên là ba yêu sách chính mà Trung Cộng đã đưa ra trong các phiên họp vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 tại khách sạn Kim Ngưu, Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Về mặt kinh tế chính trị: Khi thỏa hiệp bán nước Thành Đô vừa ký kết xong, ngày 25 tháng 2 năm 1992, Quốc vụ viện Trung Cộng thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
Ba tháng sau đó, Trung Cộng ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và hứa sẽ bảo vệ công ty Creston bằng võ lực. Ngoài ra, Trung Cộng còn ra lịnh cấm đánh cá, thành lập các đơn vị hành chánh cấp huyện tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Về mặt quốc phòng: Việt Nam theo đuổi một chính sách quốc phòng “ba không”: (1) không tham gia các liên minh quân sự, (2) không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, (3) không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Đây là một chính sách quốc phòng tự sát vì chỉ có lợi cho Trung Cộng. Việt Nam là một nước nhỏ, và cũng chính vì là một nước nhỏ, những người lãnh đạo lẽ ra phải biết từng bước hội nhập vào cộng đồng nhân loại, biết nâng cao vị thế quốc gia trong bang giao quốc tế, biết linh động trong việc mở rộng các mối quan hệ song phương và đa phương, gần và xa để tạo thế đứng thuận lợi trong hòa bình và chiến lược trong chiến tranh.
Trong Thế Chiến thứ Hai, trong số 20 quốc gia châu Âu tuyên bố trung lập chỉ có 6 quốc gia là không bị lôi kéo vào chiến tranh. Sáu quốc gia này may mắn không phải nhờ Hitler tôn trọng lời tuyên bố mà chỉ vì không nằm trên trục tiến quân của các sư đoàn Panzer Đức, rất tốn kém để chinh phục như trường Thụy Điển hay vì vị thế chính trị có lợi cho khối trục mà không cần đánh chiếm như trường hợp Tây Ban Nha dưới chế độ độc tài Francisco Franco.
Để làm nhẹ áp lực Trung Cộng, Việt Nam cần có liên minh.
Vâng, nhưng liên minh được với Mỹ trong vị trí tương xứng với Nam Hàn, Nhật Bản chỉ là giấc mơ ngày.
Mỹ có quyền lợi ở vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có.
Mỹ có xung đột với Trung Cộng về ảnh hưởng kinh tế chính trị và cả quân sự trong vùng Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương? Có.
Mỹ có phê bình, lên án chính sách bá quyền Trung Cộng đối với các nước nhỏ trong vùng Nam Thái Bình Dương? Có.
Tuy nhiên, với quan hệ kinh tế tài chánh quá lớn và vô cùng phức tạp giữa hai cường quốc này như hiện nay, ngoại trừ xung đột sâu sắc, trầm trọng và trực tiếp về quyền lợi của Mỹ trong khu vực, Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Trung Cộng và Việt Nam hay Trung Cộng và một quốc gia nào đó của ASEAN.
Trung Cộng hiểu được điều đó nên theo đuổi chính sách gặm nhấm từng mảnh nhỏ tài nguyên của Việt Nam, bao vây kinh tế Việt Nam, và tránh né việc quốc tế hóa các xung đột với Việt Nam và các nước trong vùng.
Nỗi sợ lớn nhất của Trung Cộng
Như người viết đã phân tích trong bài Để thắng được Trung Cộng, chính sách tuyên truyền thâm độc và bưng bít thông tin tuyệt đối tại Trung Cộng cho thấy mối lo sợ lớn nhất của lãnh đạo CSTQ là ánh sáng dân chủ.
Trung Cộng không ngại mấy chiếc tàu ngầm kilo mà rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Việt Nam có dân chủ trước Trung Cộng là cách tốt nhất để vô hiệu hóa sự lệ thuộc vào Trung Cộng về mặt cơ chế chính trị và tư tưởng. Độc lập chính trị là tiền đề dẫn đến độc lập chủ quyền lãnh thổ.
Với Trung Cộng, việc giải quyết xung đột lãnh thổ gắn liền với nhu cầu ổn định nội bộ.
Theo nghiên cứu của M. Taylor Fravel trong tác phẩm Strong borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China‘s Territorial Disputes, trong thập niên 1960, lãnh đạo Trung Cộng nhân nhượng lãnh thổ với hàng loạt quốc gia nhỏ như Burma, Nepal, Mongolia, Bắc Hàn, Pakistan và Afghanistan chỉ vì họ cần tập trung vào việc ổn định vùng biên giới phía bắc sau cuộc xâm lăng Tây Tạng và giải quyết nạn đói sau chính sách Bước tiến nhảy vọt đầy thảm họa của Mao.
Con đường giành lại được Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là con đường dài, đầy kiên nhẫn, khai thác mọi khó khăn, mọi nhược điểm của Trung Cộng, nhưng dù làm gì cũng phải bắt đầu từ độc lập về cơ chế chính trị.
Không có con đường nào khác. Như người viết đã nhấn mạnh nhiều lần, một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Cộng mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Đừng hoài công tưới nước lên gốc cây rã mục
Ba mươi chín năm qua, không chỉ đất nước đứng trước ngã ba mà nhiều người Việt quan tâm cho đất nước cũng đang đứng trước ngã ba. Không ít người, ngoài miệng lớn tiếng phê bình đảng nhưng trong đáy lòng vẫn nghĩ chỉ có đảng CS mới thay đổi được hướng đi của đất nước. Vì thế họ mãi loay hoay, hy vọng, chờ đợi trong mỏi mòn một bình minh không bao giờ đến.
Thay vì tìm cách cứu đảng hãy chung lưng góp sức để đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ được diễn ra và thành công trong hòa bình, thuận lợi, ít lãng phí tài nguyên dân tộc.
Con đường dân chủ có thể làm cho một số người chưa quen cảm thấy bỡ ngỡ lúc ban đầu hay ngay cả gây ít nhiều đau nhức nhưng đó là con đường của thời đại. Hãy đi cùng dân tộc và thời đại. Ý thức hệ CS chưa bao giờ lỗi thời và lạc hậu hơn hôm nay. Đừng hoài công tưới nước vào một gốc cây đang rã mục mà hãy dành để tưới lên những mầm xanh hy vọng của tương lai đất nước.
https://baotiengdan.com/2019/09/02/dung-tuoi-nuoc-len-goc-cay-ra-muc/


--------------------------------

Những Cơ Hội Bị Bỏ Lỡ cho Một Liên Minh Việt Mỹ

Posted by adminbasam trên 13/07/2014

Tương Lai
11-07-2014
H1Việt Nam là một nước nhỏ. Người Việt không thể và không được phép đặt tương lai của mình vào tay của bất kỳ ai khác, nhưng vào lúc này Việt Nam cần có các đồng minh chiến lược để đánh bại kẻ thù trước mắt là TQ.
Việc TQ mang giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5, và các tuyên bố ngạo mạn tại hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á “Đối thoại Shangri-La” vào tháng 6, đã cho thế giới thấy được bản chất cướp biển của TQ. Những động thái này cũng là lời cảnh báo cho những ai ở Việt Nam vẫn còn tin vào mối tình đồng chí huyễn hoặc với TQ.
Nhưng một mình Việt Nam không thể chống lại sự xâm lược của TQ. Sự cô lập chính trị trong một thế giới toàn cầu hoá là tự sát cho Việt Nam vào lúc này. Và đồng minh chính yếu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ – một liên minh mà trớ trêu thay chính chủ tịch HCM của Việt Nam đã muốn có từ lâu.
Dân tộc Việt Nam đã phải đấu tranh hàng ngàn năm để có được một nền văn hoá và độc lập dưới cái bóng của người hàng xóm khổng lồ. Thế nhưng, chính sự thiển cận và ngu dốt triền miên đã đầu độc những thế hệ lãnh đạo Việt Nam, ngay cả khi các “đồng chí” TQ của họ ngang nhiên tấn công vào biên giới Việt Nam vào năm 1979, hay khi TQ xâm lược và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và quần đảo Trường Sa vào năm 1988 – những quần đảo mà Việt Nam đã làm chủ trong nhiều thế kỷ. Ngay sau các cuộc cách mạng ở Đông Âu vào năm 1989, lãnh đạo Việt Nam đã cố gắng chống đỡ để chủ nghĩa cộng sản không bị sụp đổ một cách đau đớn ở Đông Nam Á. Tại một hội nghị đầy ô nhục ở Thành Đô, Trung Quốc, vào năm 1990, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ký các thỏa thuận làm cho Việt Nam trở thành phụ thuộc nhiều hơn vào TQ – một sự phản bội lợi ích dân tộc và một nỗi nhục cho đất nước.
Vì lợi ích cá nhân, một số người Việt thậm chí trở thành kẻ phản bội, phục tùng TQ một cách mù quáng. Họ làm người Việt nhớ tới Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lê vào thế kỷ 18, kẻ bị dân tộc Việt Nam nguyền rủa và phải vong thân ở TQ. Nhưng sự hèn nhát của lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ trơ trẽn như trong vòng 25 năm qua. Chính quyền Việt Nam đã đặt tình hữu nghị cộng sản-XHCN với TQ lên trên lợi ích quốc gia và hạnh phúc của người dân. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã xem kẻ xâm lược đất nước như bè bạn.
Những xâm chiếm lãnh hải gần đây và sự coi thường luật pháp quốc tế của TQ đã thức tỉnh dân tộc Việt Nam. Nếu không nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược quan trọng, TQ sẽ thôn tính hết các vùng hải đảo của tổ quốc. Việt Nam phải vứt bỏ các huyền thoại của tình hữu nghị với TQ và quay trở về với những gì mà HCM đã tha thiết mong muốn sau thế chiến II: đó là một liên minh Mỹ-Việt ở châu Á.
Sự đồng cảm của HCM với Hoa Kỳ và các lý tưởng của Hoa Kỳ về quyền tự quyết cho tất cả các dân tộc đã bắt nguồn từ Hiệp định Hòa bình Paris sau thế chiến I. Từ đầu thế chiến II, người Mỹ là quân đội nước ngoài duy nhất đã chiến đấu bên cạnh HCM để chống lại chủ nghĩa phát xít ở Đông Dương; Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS (tiền thân của CIA) từng giúp huấn luyện và thành lập đơn vị du kích Mỹ-Việt đầu tiên vào cuối năm 1944.
Không phải tình cờ mà bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam mà HCM đọc vào 09/1945 đã tham khảo bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ. Ông đã nhìn thấy những giá trị cao quý của dân chủ, tự do, bình đẳng và công lý như những kim chỉ nam cho Việt Nam.
Trong một loạt 8 lá thư và điện tín mà HCM gửi cho Tổng thống Harry S. Truman, và 3 cái khác gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao James F. Byrnes từ 1945-1946, ông đã lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và tuyên bố rõ ràng “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”, ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của người Việt Nam đối với “dân tộc Mỹ vì sự đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp của Công lý và Nhân đạo quốc tế, vì những thành tựu kỹ thuật hiện đại mà người Việt Nam cảm thấy bị lôi cuốn”.
Thật đáng tiếc, hầu hết những lá thư của HCM đã không được đáp trả. Lịch sử cho thấy rất nhiều những cơ hội đã bị bỏ lỡ như vậy. Trong trường hợp này, chúng đã đưa đến những hậu quả tai hại.
Khi những thanh niên Mỹ chỉa súng vào người Việt Nam ở một đất nước nhỏ bé ở phía bên kia Thái Bình Dương, họ đã tin rằng đó là nhiệm vụ của họ để ngăn chặn “làn sóng đỏ.” Về phía mình, những thanh niên nam nữ Việt Nam cũng đã anh dũng hy sinh mạng sống trên đường mòn Hồ Chí Minh với súng và xe tăng được cung cấp bởi Liên Xô và Trung Quốc – cái gọi là anh em xã hội chủ nghĩa thân yêu một thời của Việt Nam. Nhưng bi kịch thường bắt đầu với ý thức hệ sai lầm và ảo tưởng về tình bạn. Một hiệp ước hòa bình với Liên Xô ký vào năm 1978 đã không giúp gì cho Việt Nam khi chiến tranh biên giới với TQ nổ ra năm 1979.
Vấn đề cơ bản đối với Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn các đối tác chiến lược. Nhật Bản, và ở một mức độ thấp hơn, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và các nước châu Á nhỏ khác là các đối tượng nên được xem xét. Mặc dù quả bom nguyên tử của Mỹ đã tàn phá Hiroshima và Nagasaki, nhưng sau chiến tranh Nhật Bản vẫn chọn Hoa Kỳ là đồng minh và đối tác kinh tế quan trọng, Nhật cũng đã thu nhận các giá trị Mỹ như các nguyên tắc dẫn đường của mình.
Trong các khía cạnh về phát triển kinh tế và xã hội, sự lựa chọn giữa các mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore hay của Bắc Triều Tiên, Cuba và Lào thì đã quá rõ.
Đạo đức giả và chính sách hai mặt của chính quyền TQ đã quá ​​nổi tiếng và được ghi nhận. Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, gần đây đã nói một cách thẳng thắn: “Việt Nam luôn muốn hòa bình, hữu nghị với TQ. Nhưng chúng tôi không thể đánh đổi độc lập và chủ quyền thiêng liêng cho một thứ hòa bình hữu nghị viển vông và lệ thuộc”. Những từ ngữ mạnh mẽ của ông dự báo một cách đối phó mới của Việt Nam với TQ. Tuy nhiên Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa.
Lãnh đạo Việt Nam cần quyết đoán hơn trong việc lên án TQ trước tòa án quốc tế, và dứt khoát một lần cho xong, vứt bỏ mối quan hệ về ý thức hệ với TQ vào xọt rác lịch sử. Việt Nam phải thực hiện một cách đầy đủ và đi theo lý tưởng thực sự của bản Tuyên ngôn Độc lập mà HCM đã viết vào năm 1945. Và điều đó có nghĩa là sau cùng thì Viêt Nam cũng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế và quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ như HCM đã mong muốn từ sau chiến tranh thế giới II.
Đó là cách duy nhất để đánh bại chủ nghĩa bành trướng kiểu mới của TQ mà Tập Cận Bình đang theo đuổi, điều đó cũng sẽ giúp cho Việt Nam gia nhập với thế giới văn minh, với những lý tưởng về dân chủ, tự do và công bằng cho tất cả.
Liêm Nguyễn lược dịch theo The New York Times

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.