Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/09/2019

Monday, September 9, 2019 8:24:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 09/09/2019

Cựu giám đốc Sở Tài Chính ở Sài Gòn

bị truy nã vì bán đất công

Tin ngày 09/9/2019: Truyền thông nhà nước đưa tin bộ công an CSVN đã ra quyết định truy nã cựu giám đốc Sở tài chính ở Sài Gòn Đào Thị Hương Lan, vì có liên quan đến bán đất thuộc sở hữu nhà nước.
Báo Thanh Niên đưa tin bà Lan, người đứng đầu Sở tài chính 10 năm trước khi về hưu cuối năm 2015, đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú do bị khởi tố về tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” quy định tại Điều 219 của Bộ luật hình sự.
Trong cùng vụ án đã khởi tố, công an đã bắt giam phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Tài, Phó giám đốc Sở tài chính Trần Nam Trang, cựu Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Thành Rumvà một số nhân vật khác. Những người này cùng bà Lan bị cáo buộc có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ với Công ty Diệp Bạch Dương, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Bà Lan cũng bị cho là liên quan đến việc bán rẻ khu đất vàng rộng 5.000 mét vuông cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”- người đã bị kết án chung thân và còn đang bị điều tra về nhiều sai phạm khác trong việc cấu kết với quan chức đứng đầu nhiều địa phương để mua rẻ bất động sản thuộc sở
hữu nhà nước. Tuy nhiên, theo phía công an, sai phạm của bà Lan trong những vụ này chưa đến mức xử lý hình sự.
Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu “toàn dân”. Trong khi nhiều người dân bị nhà cầm quyền địa phương cướp đất rồi bồi thường với giá rẻ mạt, thì nhiều viên chức cấu kết với nhau để bán nhiều khu đất ở vị trí đẹp cho tư thương hoặc doanh nghiệp sân sau của chúng. Từ sở hữu “toàn dân” chỉ là trò mỵ dân. Thực chất nhóm cầm quyền chóp bu hưởng lợi tất cả.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cuu-giam-doc-so-tai-chinh-o-sai-gon-bi-truy-na-vi-ban-dat-cong/

20 tướng quân đội, công an bị kỷ luật hoặc bỏ tù

trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng

Tin từ Việt Nam, ngày 09/9/2019: Đã có 20 tướng quân đội và công an cộng sản bị kỷ luật, bị bỏ tù vì sai phạm về kinh tế và bảo kê tội phạm trong chiến dịch đốt lò của tổng bí thư đảng cộng sản cầm quyền Nguyễn Phú Trọng, người cũng kiêm chức chủ tịch nước từ tháng 10 năm 2018.
Trong số này, có 5 tướng thuộc quân đội: thượng tướng Phương Minh Hoà- cựu tư lệnh không quân, thứ trưởng quốc phòng đô đốc Nguyễn Văn Hiến- cựu tư lệnh hải quân, và 3 viên tướng khác. Phía công an, lực lượng được coi là thanh bảo kiếm bảo vệ chế độ, có 15 tướng bị kỷ luật, trong đó có các thứ trưởng Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Các tướng quân đội thường bị kỷ luật vì bán bất động sản thuộc sự cai quản của đơn vị mình. Như đô đốc Hiến bị cho là chịu trách nhiệm chính trong việc bán nhiều mảnh đất có vị trí đẹp của quân chủng hải quân cho Phan Văn Anh Vũ, thượng tá an ninh và là kẻ đầu cơ bất động sản. Theo một số người quan sát, tham nhũng bên quân đội khá phổ biến. Vì nhiều đơn vị được phép làm kinh tế. Nhiều sỹ quan đã bắt binh lính phải lao động mà không được trả tiền công, hoặc được trả rất ít.
Trong khi đó, công an được cho là lực lượng phòng chống tội phạm, nhưng nhiều tướng công an lại bị phát hiện bảo kê hay dung túng cho tội phạm, đặc biệt tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức cá cược bóng đá.
Đây là những viên tướng đã bị phát hiện và kỷ luật. Dư luận cho rằng còn nhiều kẻ khác phạm tội mà chưa bị đưa ra ánh sáng.
Tình trạng tham nhũng và hối lộ đã trở thành hệ thống ở Việt Nam. Hai lực lượng vũ trang quân đội và công an đều tham nhũng trầm trọng, vì được quá nhiều ưu ái, và không lực lượng nào kiểm soát.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/20-tuong-quan-doi-cong-an-bi-ky-luat-hoac-bo-tu-trong-chien-dich-dot-lo-cua-ong-trong/

Các dự án BT ở Bình Định bị phát hiện sai phạm

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra một số sai phạm trong các dự án BT (Hợp đồng xây dựng – chuyển giao) ở Bình Định.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 9/9, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó đã chỉ ra một số sai phạm trong 2 dự án BT tại tỉnh này. Đó là dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài & dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa và dự án thanh toán khu độ thị du lịch văn hóa thể thao hồ Phú Hòa.
Theo đó, các dự án BT này dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình hạng mục khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, giấy phép xây dựng…
Theo kết luận Thanh tra, vào năm 2014, vì chỉ có duy nhất nhà đầu tư Công ty Phúc Lộc tham gia đấu thầu, nên tỉnh Bình Định đã giao cho Công ty này là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo hệ thống thoát nước hồ Phú Hoà theo hình thức BT.
Để thanh toán cho nhà đầu tư, tỉnh này cũng giao dự án khai thác quỹ đất của Khu đô thị – Du lịch – Văn hóa – Thể thao hồ Phú Hoà, cho Công ty Phúc Lộc triển khai cùng lúc.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, cả 2 dự án BT vừa nêu đã được triển khai nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị – Du lịch – Văn hóa – Thể thao hồ Phú Hoà, để có quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Theo Thanh tra Chính phủ, Ban Quản lý dự án đã chậm đàm phán, điều chỉnh hợp đồng hai dự án BT, không xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư, để nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công và giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, mặc dù tỉnh Bình Định đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty Phúc Lộc 201 tỷ đồng, nhưng đã quá thời hạn hoàn thành khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng vẫn chưa thu hồi được số tiền tạm ứng còn lại là 137,123 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bt-projects-in-binh-dinh-were-found-to-have-many-violations-09092019074811.html

Sống chung với thủy ngân:

Người dân sống sát vách Rạng Đông nói gì?

“Sáng sớm ngày 6 tháng 9, chúng tôi sang chào gia đình ông bà hàng xóm duy nhất cùng tầng còn ở lại thì bà bảo, ông bà đi trước, rồi chúng tôi cũng phải đi. Vậy là 8 gia đình tầng tôi ở sẽ không còn ai ở lại.”
“Bấm thang máy, chẳng phải đợi lâu như mọi lần và chẳng có ai đi chung. Xuống tới sân chung cư, một cảnh đìu hiu đến đắng lòng. Nhìn lên căn hộ mình ở lần cuối, nghĩ không biết bao giờ mới có thể quay trở lại. Sân khu chung cư, không một bóng trẻ em. Tôi không phải để ý tránh những trái bóng của các em đá ra từ đủ mọi hướng, hoặc nhỡ một em nào đó mải chạy va vào…”
Đó là lời kể của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, người sinh sống trong khu Chung cư 54, ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội – chỉ cách nhà máy Rạng Đông một bức tường.
Ông và vợ trở lại căn hộ một tuần sau khi đám cháy xảy ra nhưng vẫn cảm thấy khó thở, buồn nôn, rồi gia đình ông lại tất tưởi ra đi.
Ông Thụy kể với BBC Việt Ngữ rằng vào khoảng 6 giờ tối 28/8 là lúc nhà máy Rạng Đông bùng cháy. Người dân ai nấy cũng rất lo lắng, sợ ngọn lửa sẽ kéo sang khu chung cư. Đội phòng cháy chữa cháy của khu căn hộ làm việc cật lực, lấy nước, kéo vòi, ra sức dập.
Đến khi hơn 11 giờ đêm thì đám cháy tạm thời được khống chế, nhưng cảm giác yên tâm chưa được bao lâu thì theo sau là cảm giác khó chịu.
“Tôi thấy rất khét, rất tức ngực. Tôi về và lập tức lên kế hoạch cho các cháu sơ tán.”
Gia đình ông tám người, ngay lập tức chia nhau đi sơ tán. Ông nói nhà ông may mắn đến chỗ người thân con cháu ở, hoặc thuê nhà trong thành phố. Những hộ khác có người phải về quê.
Đến ngày 5/9, một tuần sau đám cháy, ông quay về “ở thử” thì vợ ông ôm ngực và nôn ọe bảo không thể chịu được còn ông vẫn tức ngực và khó thở.
Được biết gia đình ông chưa ai đi khám bệnh vì chưa thu xếp được, nhưng ông Thụy nói khi chuyển ra chỗ khác sống, cảm giác khó chịu không còn nữa.
Ông Thụy cũng cho biết khi mua chung cư và chuyển đến khu này, gia đình ông đã không suy nghĩ nhiều về việc sinh sống sát cạnh bóng đèn Rạng Đông.
Sự thiếu nhất quán của chính quyền
Một ngày sau khi đám cháy xảy ra, ủy ban phường Hạ Đình đã nhanh chóng ra văn bản dặn dò người dân không sử dụng thực phẩm trong bán kính 1km.
Nhưng thông báo này nhanh chóng bị quận Thanh Xuân thu hồi và thậm chí kiểm điểm phường Hạ Đình vì ra thông báo, “không đúng thẩm quyền” và “nội dung không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dân”.
Tuy nhiên với ông Thụy, dù không nhận được thông báo nhưng đọc được trên mạng, tin rằng thông báo của phường Hạ Đình là một quyết định “hết sức kịp thời, nhạy bén và có trách nhiệm với dân”.
Ông cho rằng việc làm của quận Thanh Xuân là sự bưng bít.
“Đây là cái thói quen giấu giếm của chính quyền, là thái độ coi thường, chuyên bưng bít, xuyên tạc, coi dân như cỏ rác!”
Ông Thụy nói sự hoang mang của người dân là điều có thật, một là do đám cháy tác động đến các hộ dân, nhưng “sự bưng bít của quận Thanh Xuân” còn làm họ hoang mang hơn, chứ không phải do thông báo của phường Hạ Đình.
Sau đó, chính Tổng cục môi trường lại lên tiếng cho rằng văn bản của phường Hạ Đình là hợp lý.
Công ty Rạng Đông xin lỗi
Gần 10 ngày sau hỏa hoạn, công ty Rạng Đông mới chính thức có thư xin lỗi chính quyền và người dân.
Lá thư viết ngày 6/9 do Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thắng ký, tập trung gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo thành phố Hà Nội.
“Sự cố hỏa hoạn xảy ra tại công ty chúng tôi đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân, ảnh hưởng đến sức khỏe lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty,” lá thư viết.
Trong thư xin lỗi, công ty Rạng Đông thừa nhận đám cháy gây ra “khói, tro bụi kèm theo đã làm ô nhiễm môi trường về không khí, đất và nước tại một số khu vực trong quận”.
Tuy nhiên lá thư này không đề cập đến vấn đề nhiễm độc thủy ngân.
Số người bị nhiễm thủy ngân
Theo Infornet, đến 9/9 đã có gần 1000 người đi khám sàng lọc nhiễm độc thủy ngân và được khám miễn phí.
Trước đó, hôm 6/9, trong 179 người đến khám thì có 52 người phải điều trị.
Hôm 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân nói có khoảng 15,1-27,2kg thủy ngân đã bị phát tán sau đám cháy.
Trong khi đó, PGS TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường nói cần phải xem hệ lụy đám cháy ở Rạng Đông là một thảm họa môi trường.
Được biết chính quyền Hà Nội đã ký gửi công văn đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia giám định.
Chính quyền còn đề nghị viện phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, nhưng các chuyên gia trong nước nói họ vẫn đủ điều kiện, năng lực, chưa cần đến sự vào cuộc của chuyên gia nước ngoài.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49624916

Sống chung với thủy ngân

Nguyễn Tường Thụy
Sáng sớm ngày 6 tháng 9, chúng tôi sang chào gia đình ông bà hàng xóm duy nhất cùng tầng còn ở lại thì bà bảo, ông bà đi trước, rồi chúng tôi cũng phải đi. Vậy là 8 gia đình tầng tôi ở sẽ không còn ai ở lại.
Bấm thang máy, chẳng phải đợi lâu như mọi lần và chẳng có ai đi chung. Xuống tới sân chung cư, một cảnh đìu hiu đến đắng lòng. Nhìn lên căn hộ mình ở lần cuối, nghĩ không biết bao giờ mới có thể quay trở lại. Sân khu chung cư, không một bóng trẻ em. Tôi không phải để ý tránh những trái bóng của các em đá ra từ đủ mọi hướng, hoặc nhỡ một em nào đó mải chạy va vào.
Thực ra, tôi chỉ quyết định đi vào lúc ấy khi sáng nay vợ tôi ôm ngực và nôn ọe bảo không thể chịu được nữa còn tôi thì tức ngực và khó thở. Chúng tôi, cặp vợ chồng già là tốp cuối cùng rời căn hộ. Nhà tôi có 2 trẻ sơ sinh, các cháu đã được sơ tán từ ngay sau hôm 28/8. Trẻ em phải được quan tâm tốt nhất, ai dám mang các cháu ra để thử phản ứng của thủy ngân.
Chúng tôi lên một chiếc taxi của một anh nhà ở ngay Hạ Đình. Anh bảo anh đã cho các cháu sơ tán ngay sau vụ cháy, còn hai vợ chồng cũng sẽ về quê, tất nhiên sẽ không chạy taxi được nữa.
Chiều, vợ tôi quay về lấy thêm một số đồ sinh hoạt cho biết cả tòa chung cư 13 tầng, giờ chỉ còn một gia đình “đại diện” để “cố thủ”.
Nhớ lại buổi tối 28/8 hôm ấy, lửa cháy rừng rực bên nhà máy Rạng Đông. Khu chung cư cách nhà máy một bức tường bao. Cư dân chung cư thót tim nhìn những ngọn lửa đỏ lòm thè ra, lởn vởn bên trên bức tường bao làm ranh giới với nhà máy, lo nó liếm sang bên này. Đội phòng cháy chữa cháy của chung cư chống chọi đến kiệt sức, ra sức ngăn chặn ngọn lửa, không cho đám cháy lan sang. Cuối cùng thì điều tồi tệ thêm đã không xảy ra. Tôi cảm thấy tức ngực, khó thở nên quay về đóng cửa lại, khi đám cháy đã được khống chế.
Về cơ bản, các gia đình đã đi sơ tán ngay 2, 3 ngày sau vụ cháy. Tôi đi được 1 tuần thì quay về “ở thử” và xem xét tình hình thấy không ổn nên buộc lòng phải đi và không dám nghĩ đến trở về vào một ngày gần. Đi sơ tán, dù điều kiện, tiện nghi đến đâu cũng không thể như nơi ở chính thức vì nó liên quan đến nhiều thứ, nhất là điều kiện làm việc. Nó như là một kiểu “nghỉ mát” bất đắc dĩ, trong khi, năm thì mười họa, người ta chỉ dám đi nghỉ mát đến 2, 3 ngày mà thôi.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một thảm họa môi trường. Nếu thảm họa môi trường formosa làm ô nhiễm nguồn nước biển giết chết hàng trăm tấn cá thì thảm họa Rạng Đông làm ô nhiễm một bầu khí quyển rộng, đe dọa sức khỏe và có thể cả tính mạng của hàng nghìn người dân ở một khu dân cư với mật độ dân số dày đặc của một thành phố đã quá tải.
Có thể thấy một điều là những thông tin về độ ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nghe bàn tán có chuyện phe nhóm “chơi nhau” ở đây. Vì vậy, những thông tin đưa ra, người dân không biết đâu mà lần.
Thông báo về việc xử lý vệ sinh môi trường của Ủy ban phường Hạ Đình sau đám cháy được phát đi vào ngay hôm sau nhưng cũng lập tức bị ủy ban quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi ngay cùng ngày.
Trong vụ này, Công ty Rạng Đông và Ủy ban quận Thanh Xuân phối hợp với nhau khá nhịp nhàng. Ủy ban quận Thanh Xuân phán bừa rằng, theo các cơ quan quan trắc, các chỉ số về môi trường đều đảm bảo an toàn sau vụ cháy. Khi Công ty Rạng Đông giải thích vật liệu chế tạo bóng đèn không gây hại đến sức khoẻ con người khi cháy thì Ủy bạn quận Thanh Xuân trấn an, “khoe” Công ty đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Cách nói lập lờ này để người ta người nhầm tưởng việc sử dụng Amalgam là vật liệu khác không chứa thủy ngân, an toàn khi xảy ra cháy nổ.
Và nhiều những biểu hiện khác như Ủy ban Tp.Hà Nội họp về vụ cháy nhà máy Rạng Đông mà lại cản trở phóng viên tham dự đưa tin buộc người ra nghĩ đến họ đang che đậy một điều gì ghê gớm lắm.
*
Thì đây, nhiều thông tin được tiết lộ cho thấy hậu quả của vụ cháy không thể xem thường. Hôm 5/9, vừa có thông tin 100 người xét nghiệm máu thì có tới 82 người nhiễm thủy ngân thì ngày hôm sau đã có tin, trong ngày đầu tổ chức khám tại phường cho 179 người thì 52 người phải điều trị.
Trong khi nhà máy Rạng Đông và chính quyền địa phương cho là không ảnh hưởng gì thì Bộ Tài nguyên môi trường cho biết đã có tới 15,1 – 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Tại nhiều điểm quan trắc cho thấy nồng độ thủy ngân trong không khí vượt ngưỡng cho phép từ 10 – 30 lần. Quả là những con số đáng sợ.
Thói quen giấu giếm trước hết nói lên thái độ coi thường dân. Họ tự cho mình quyền độc quyền thông tin, thậm chí quyền xuyên tạc, giấu giếm thông tin. Họ luôn coi dân là một đám quần chúng ngu si, u tối.
Còn lo nhân dân hoang mang ư? Vậy nếu bưng bít hay xuyên tạc thông tin để dân không hoang mang thì điều gì sẽ xảy ra? Là cứ vậy sống chung với thủy ngân mà không biết? là sức khỏe của con người bị xâm hại và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được thông báo đầy đủ và khách quan, người dân sẽ có biện pháp đối phó, cho dù sự thật tàn nhẫn đến mấy. Vậy, làm theo hướng nào thì tốt hơn? Bưng bít hay nói ra sự thật?
Đã 10 ngày xảy ra thảm họa môi trường Rạng Đông và những thông tin về nó vẫn còn nhiều tù mù. Người dân chưa biết đến khi nào có thể quay về để ổn định cuộc sống. Nhà máy Rạng Đông và chính quyền bồi thường cho người dân vùng bị ảnh hưởng như thế nào? Thực phẩm ở vùng còn bị nhiễm độc sẽ xử lý ra sao… và cuối cùng là nhà máy Rạng Đông có được phép tiếp tục sản xuất ở mặt bằng hiện tại hay không?
Đó là câu hỏi mà những người dân đang sống chung với thủy ngân cần giải đáp.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/living-with-mercury-09092019080501.html

Dân nhập viện điều trị,

chính quyền tuyên bố khu vực Rạng Đông an toàn

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 9 tháng 9 năm 2019 loan tin, sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đưa ra thông điệp khẳng định môi trường ở khu vực cháy công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã an toàn.
Cơ quan này cho rằng, kết quả quan trắc môi trường ở khu vực xảy ra vụ cháy vào ngày 6, và 7 tháng 9 cho thấy, chỉ có hố ga trước cửa sổ tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của của công ty Rạng Đông là thuỷ ngân vượt 5,47 lần. Còn lại tất cả những nơi khác trong vòng bán kính 500m đều nằm trong giới hạn cho phép. Cơ quan này còn không phát hiện thấy thuỷ ngân trong không khí.
Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9, đã có 962 người dân sinh sống ở khu vực vụ cháy công ty Rạng Đông đi khám sức khoẻ. Trong đó, có 35 trường hợp nhập viện điều trị. Theo dự trù, đến ngày 10 tháng 9, bệnh viện mới có kết quả các mẫu xét nghiệm thuỷ ngân trong máu của người dân.
Trước tình trạng nhiều người có biểu hiện bị nhiễm độc do vụ cháy gây ra, khiến nhiều người lo sợ cho con em mình nghỉ học, thậm chí là di tản đi nơi khác ở. Báo Thanh Niên cho biết, gần 90% gia đình tại chung cư Hạ Đình, 40% gia đình tại chung cư 143 Hạ Đình, và hàng loạt gia đình, người kinh doanh quanh khu vực công ty Rạng Đông đã chuyển đi, khiến khu vực trên như trở thành xóm chết. Dư luận cho rằng hành động này là đã khá muộn.
Cũng trong ngày 9 tháng 9, đài VOV loan tin, phía công ty Rạng Đông thừa nhận đã lừa dối người dân. Trong bóng đèn huỳnh quang do công ty sản xuất có chứa hàm lượng thuỷ ngân lỏng với 20mg/bóng chứ không phải amalgam như công ty này nói trước đó. Như vậy, cả nhà cầm quyền và công ty đã nói dối, và xem thường sức khoẻ, mạng sống của hàng ngàn người dân.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dan-nhap-vien-dieu-tri-chinh-quyen-tuyen-bo-khu-vuc-rang-dong-an-toan/

Có dễ kiện, khởi tố công ty Rạng Đông

về gây ô nhiễm môi trường?

Sau khi chính phủ và báo chí Việt Nam khẳng định công ty Rạng Đông “gian dối” về lượng thủy ngân phát ra môi trường trong vụ cháy ở công ty cách đây vài tuần, một số tiếng nói nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội kêu gọi nhà chức trách khởi tố công ty vì đã gây ra “thảm họa”.
Tuy nhiên, một kỹ sư môi trường và một luật sư nói với VOA rằng việc khởi tố có thể “không dễ dàng”, mặc dù vậy, những người bị ảnh hưởng do vụ cháy hoàn toàn có thể kiện công ty để đòi bồi thường.
Luật sư Lê Công Định, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, và cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn cuối tuần qua đăng những bài riêng rẽ trên các trang Facebook cá nhân của họ về việc cần xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sau vụ cháy nhà kho công ty ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 28/8.
Cho rằng công ty Rạng Đông phạm tội “gây ô nhiễm môi trường”, căn cứ theo Điều 235 của Bộ luật Hình sự, luật sư Lê Công Định viết rằng công ty “lẽ ra đã phải bị khởi tố”, và đặt câu hỏi “Vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tối vụ án và bị can?”
Bà Lê Hoài Anh có chung câu hỏi như ông Định, sau khi bà đưa ra nhận định rằng vụ cháy nhà máy Rạng Đông “ảnh hưởng” tới sức khỏe và cuộc sống của “vài vạn dân”.
Dẫn đường link một bài báo chính thống trong nước mang tít “Công ty Rạng Đông gian dối về sự cố thủy ngân phát tán ra môi trường”, phó giáo sư-tiến sĩ Lê Kế Sơn, một cựu quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ ý kiến ngắn gọn: “Có thể lập án, khởi tố tội gian trá, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Một loạt các tờ báo, trang tin trong đó có Tuổi Trẻ, Soha, VietnamNet, và Zing hôm 8 và 9/9 trích dẫn một thông báo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay tổng lượng thủy ngân trong hàng triệu bóng đèn “đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg”.
Theo Tổng cục Môi trường, được báo chí dẫn lại, các con số này là tính toán của các nhà khoa học, sau khi tổng cục “kiểm tra thực tế” vào ngày 31/8 và “đấu tranh với lãnh đạo công ty”, với kết quả là công ty “thừa nhận” họ sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn so với viên Amalgam trong sản xuất bóng đèn.
Kết quả nêu trên khác hẳn với “báo cáo ban đầu” của công ty gửi đến nhà chức trách sau vụ cháy, trong đó nói rằng “chỉ còn vài kilogam Amalgam”, là hỗn hợp gồm thủy ngân, kẽm và kim loại khác, trong kho chứa hóa chất lúc vụ cháy xảy ra, vẫn theo thông báo của Tổng cục Môi trường.
Tổng cục Môi trường khẳng định rằng tại thời điểm cháy, lượng thủy ngân và các chất khí độc hại “đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh”, với ước tính là phạm vi ô nhiễm trải rộng khoảng 200 mét tính từ tường rào của công ty, và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 mét.
Thông báo của tổng cục cũng bao gồm cả kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào công ty, theo đó, các đo đạc cho thấy “hàm lượng Hg [thủy ngân] không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể”. Tổng cục cho biết thêm rằng ở thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp.
Từ Hà Nội, kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia độc lập với 30 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, đưa ra nhận định với VOA về rủi ro từ vụ cháy đối với người dân:
“Hiện nay chưa phát hiện điểm nào tích lũy đủ thủy ngân để gây rủi ro lâu dài, ngoại trừ trầm tích ở sông Tô Lịch. Ở sông này, trầm tích của nó có một lượng thủy ngân lớn, vượt quy chuẩn Việt Nam một ít, nghĩa là có thể gây rủi ro lâu dài. Nhưng cũng may là sông Tô Lịch không ai khai thác thủy sản gì ở đấy cả”.
Khi được hỏi căn cứ vào những gì đã xảy ra do vụ cháy, công ty Rạng Đông có thể bị khởi tố hay không, kỹ sư Đình nói ông muốn nhường lời cho giới luật sư và chính quyền.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ là người dân hoặc các doanh nghiệp ở khu vực xung quanh công ty, họ có thể kiện, ông Đình nêu ra quan điểm. Chuyên gia môi trường này phân tích với VOA:
“Có một số cơ sở để kiện. Những thông báo khác nhau của nhà máy Rạng Đông không thống nhất. Đầu tiên họ nói ‘chúng tôi chỉ làm dạng Amalgam hỗn hống’, sau đó, ‘chúng tôi có thủy ngân ở trong bóng đèn ở dạng lỏng’. Riêng chi tiết đó tôi nghĩ là luật sư cứng có thể kiện được rồi”.
Cũng về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA rằng “có thể xem xét trách nhiệm” liên quan đến sự gian dối của công ty sau vụ cháy. Ông Nam giải thích:
“Thực tiễn họ có sử dụng thủy ngân lỏng. Họ hoàn toàn có thể biết được cái đó bị thất thoát ra môi trường do cháy hoặc rò rỉ mà gây ra thảm họa về sức khỏe, thiệt hại về người và vật chất, nhưng họ cố tình giấu giếm sự nguy hiểm đó, thì cần xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự”.
Theo luật sư Nam, những người đi kiện hoặc cơ quan chức năng cũng cần chứng minh rằng sự gian dối của công ty có mang lại những hậu quả về sức khỏe, môi trường.
Báo chí trong nước đưa tin cho hay hôm 6/9, Sở Y tế Hà Nội cử bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho người dân sống gần khu vực vụ cháy công ty Rạng Đông. Đến cuối ngày, ít nhất 179 người đến khám, trong đó 52 người được cho là “có sự bất thường”, được chuyển đến các bệnh viện để xét nghiệm và điều trị.
Bình luận về những lời kêu gọi từ một số người cho rằng cần khởi tố công ty Rạng Đông vì đã gây ra ô nhiễm môi trường, luật sư Nam nói sẽ có một số khó khăn:
“Vụ hỏa hoạn này có phải là trường hợp bất khả kháng hay không? Rơi vào trường hợp bất khả kháng, rất khó có thể khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu nói đến tội phạm, gây ô nhiễm môi trường, nó phải là lỗi cố ý. Trong trường hợp họ chứng minh được vụ hỏa hoạn là trường hợp bất khả kháng thì cần có thời gian nghiên cứu thêm”.
Mặc dù vậy, cả luật sư Trần Thu Nam lẫn kỹ sư Đào Nhật Đình đều thống nhất quan điểm là “hoàn toàn có thể khởi kiện về mặt dân sự” về những ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, bao gồm việc người dân phải di dời nơi ở, trẻ em phải nghỉ học, các cửa hàng, hàng quán bị đình trệ hoặc phải đóng cửa, chăn nuôi, trồng rau bị thiệt hại, v.v…
“Người dân, các cơ sở kinh doanh có thể kiện để đòi bồi thường”, ông Nam nói.
Trong hai tuần qua, các cấp chính quyền Hà Nội chịu nhiều chỉ trích từ người dân về do đưa ra các thông điệp trái ngược nhau về mức độ nghiêm trọng của vụ cháy.
Hôm 9/9, thủ tướng Việt Nam yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý hậu quả vụ cháy, trong đó chú trọng “thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy” và “điều tra, xác định nguyên nhân” cũng như ”xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.
https://www.voatiengviet.com/a/co-de-kien-khoi-to-cong-ty-rang-dong-ve-gay-o-nhiem-moi-truong/5075973.html

Hàng loạt giáo viên bất ngờ mất việc

tố cáo ngành giáo dục “vắt chanh bỏ vỏ”

Tin Vietnam.- Đài VOV ngày 9 tháng 9 năm 2019 loan tin, những ngày đầu năm học 2019, nhiều giáo viên ở Hà Nội bỗng dưng bị sa thải, còn hàng ngàn giáo viên khác đang trong tình trạng lo sợ mất việc.
Những gíao viên trên đều đi dạy theo hình thức hợp đồng, vì không quen biết, không có tiền nên không được vào biên chế nhà nước. Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã khẳng định trên truyền thông rằng sẽ giải quyết xong cho hơn 2,000 giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới. Và đến cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua, nhiều giáo viên đã bị sa thải mà không có một lời giải thích.
Thầy giáo Phùng Đức Tăng, người đã có thời gian đi dạy học 17 năm cho biết, ông đã bị sa thải từ ngày 1 tháng 9, mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Ông Tăng đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho ngành giáo dục, mức lương cũng chỉ là 1,4 triệu đồng một tháng. Nhưng thứ ông nhận được từ nhà cầm quyền đó là cách hành xử theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ. Việc này khiến các giáo viên cảm thấy không được nhà cầm quyền tôn trọng.
Ông Tăng chia sẻ thêm, với mức tiền nhận được là 1,4 triệu đồng hàng tháng, gần 20 năm qua, ông phải tranh thủ buổi trưa, buổi tối đi làm thuê bằng các nghề như lắp đặt điều hoà, bình nóng lạnh, cơ khí để kiếm thêm thu nhập.
Cũng như ông Tăng, các giáo viên hợp đồng chỉ nhận đồng tiền lương thấp nên họ phải đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm sống. Họ gắn bó với nghề giáo vì yêu nghề, và với hy vọng nhà cầm quyền sẽ có chút lương tâm mà lưu ý đến họ, để cho họ được gắn bó với nghề lâu dài.
Các giáo viên cho biết, sở dĩ có tình trạng trên là vì dù không thiếu giáo viên, nhưng nhà cầm quyền vẫn ồ ạt tuyển giáo viên mới vì mối quan hệ, và vì tiền hối lộ của những người đi xin việc.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-loat-giao-vien-bat-ngo-mat-viec-to-cao-nganh-giao-duc-vat-chanh-bo-vo/

Việt Nam tiêu hủy 4.7 triệu con heo

vì dịch tả lợn Châu Phi

Việt Nam đã tiêu hủy khoảng 4.7 triệu con heo sau khi dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra toàn bộ 64 tỉnh thành trong cả nước.
Ông Phạm Văn Đông, Cục Trưởng Cục Thú y Việt Nam, cho biết số liệu trên.
Sau khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại tỉnh Hưng Yên từ tháng 2 rồi lan ra cả nước, đàn heo của Việt Nam đã giảm xuống 18.5%, chỉ còn 22.2 triệu con tính đến cuối tháng 7.
Các chuyên gia dự báo từ đây tới Tết nguyên đán 2020, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lên đến khoảng 500 tấn thịt lợn.
Ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 10% ngành nông nghiệp cả nước.
Song song đó, theo mạng S&P Global hôm 9/9, nhu cầu nhập khẩu bắp nguyên liệu cho chăn nuôi heo đã giảm xuống. Theo đó, ông Mariano Berdegue, giám đốc quản lý công ty Cargill Feed & Nutrition chi nhánh Thái Lan và Việt Nam, cho biết nhu cầu nhập khẩu bắp của Việt Nam đã giảm 20-30% vì ảnh hưởng của việc sản lượng đàn heo tại Việt Nam bị giảm do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi.
Việt Nam được nói là nước nhập khẩu bắp lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 10 triệu tấn bắp mà phần lớn dùng làm nguyên liệu chăn nuôi heo.
Vào tháng 5, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cho biết giá thịt lợn đã bắt đầu tăng nhanh hơn 50% ở Trung Quốc.
Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, cũng là nước Châu Á đầu tiên bị phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi vào năm ngoái. Tháng 7/2019, đàn heo của Trung Quốc đã bị giảm ít nhất 32.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines hôm nay cũng tuyên bố đã có vùng nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại nước này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-culls-4-million-pigs-09092019085339.html

Chừng 100 người Việt ở Nhật Bản

xuống đường phản đối TQ

Khoảng 100 người Việt sinh sống tại Nhật Bản đã tham gia một cuộc biểu tình tuần hành quanh Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Tình hình là hiện tại biển đảo của Việt Nam bị xâm chiếm mà nói thẳng là nó cướp nhưng phía nhà hữu trách của Việt Nam thì hầu như là im lặng và không có biểu hiện hay biện pháp nào để ngăn chặn sự xâm lược của giặc tàu.
“Nên tôi là một người con dân nước Việt Nam không muốn mất một tất đất nào cũng lãnh thổ Việt Nam dù đang đi lao động tại Nhật Bản nhưng tôi cũng muốn góp tiếng nói của mình nên đã tham gia cuộc biểu tình hôm qua 8/9,” một người Việt tại Nhật tên Ngọc Quý nói với BBC.
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
Ký hiệu bàn tay khiến giới chức TQ lo lắng
Người biểu tình: ‘Ông Trump hãy cứu lấy Hong Kong’
Cuộc biểu tình ôn hòa này được tổ chức bởi Phong trào Antichicom (Chống Cộng sản trung Quốc), theo thông báo của ban tổ chức biểu tình.
Được biết, người biểu tình đi bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc để “bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đến nhà cầm quyền Bắc Kinh vì hành vi xâm lược bãi Tư Chính và lãnh hải của Việt Nam.”
Các băng rôn được viết bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh.
Được biết là cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai trong 2019 tại Nhật Bản.
Theo thông báo của VMA, sau cuộc biểu tình, phong trào sẽ “xúc tiến các chương trình ủng hộ dân chủ nhân quyền cho Việt Nam, thông qua các hoạt động truyền thông đại chúng, phổ biến thông tin và kiến thức về chủ quyền biển đảo, gây quỹ ủng hộ các hoạt động có tính dân chủ hóa Việt Nam, và nhiều các lĩnh vực văn hóa xã hội khác.”
Thông báo cũng cho biết họ ủng hộ các sắc dân Tây Tạng, Uyghuir và người Hong Kong đang bị Trung Quốc “bức hại”.
Trong thông điệp sau cuộc biểu tình, VMA viết:
“Tuy sống xa quê hương, nhưng trái tim chúng ta luôn hướng về quê hương, dòng máu Lạc Hồng vẫn cuồn cuộn chảy trong mỗi người.
Nước Việt Nam chưa bao giờ thiếu bậc anh hùng hào kiệt, và các bạn dám xuống đường hôm nay thực sự là những người hùng!”
Không thể biểu tình trong nước
Anh Nguyễn Phương, kỹ sư cơ khí, từng là du học sinh ở Nhật vào 2015 và làm việc ở Nhật từ 2017 đến nay. Anh là một trong những người tham gia cuộc biểu tình hôm 8/9 qua. Anh cho BBC biết anh từng tham gia rất nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam nhưng nhiều lần bị bắt bị đánh đập.
Phương tham gia các cuộc biểu tình chống Formosa vào tháng 5/2016 và các cuộc biểu tình từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Đồng Nai.
Anh Phương cho biết phần đông người tham gia biểu tình đa số là du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, cựu du học sinh trước 1975 và sau 1975, thực tập sinh ở nhiều nơi trên đất nước Nhật.
Anh Ngọc Quý là một trong số đó. Anh Quý cho biết anh chưa từng đi biểu tình ở Việt Nam nhưng hiểu rõ biểu tình ở quê nhà rất khó.
“Ở Việt Nam, mình đã từng đi xem biểu tình thì thấy phía cảnh sát công an Việt Nam tìm mọi cách để bắt những người biểu tình
Còn ở Nhật thì lần đầu tiên mình tham gia biểu tình nhưng khác hoàn toàn. Cảnh sát Nhật Bản họ cũng đi cùng đoàn biểu tình và họ phân luồng xe chạy và chặn xe tại các ngã tư để đoàn biểu tình đi không gặp bất cứ trở ngại nào.
“Mình cảm nhận là biểu tình ở những nước tư bản tự do và có nhân quyền thì con người luôn được bảo vệ trước cái xấu.”
Về mức độ hiệu quả của một cuộc biểu tình 100 người ở Nhật Bản, anh Quý cho rằng kết quả “sẽ không thấy ngay”.
“Theo mình nghĩ thì sẽ không có kết quả liền vì những người hiểu về việc giặc tàu nó xâm chiếm biển đảo của Việt Nam thì còn rất ít vì giới trẻ ở Việt Nam hiện nay đang ở trong nước còn thiếu thông tin và chỉ nghe một chiều của báo chí và truyền thông.
“Để có kết quả thì mình cần phải cho những người giới trẻ Việt Nam ở trong nước hiểu được vấn đề quan trọng. Mình nghĩ những cuộc biểu tình như thế này thì giới trẻ Việt Nam sẽ xem và tìm hiểu vì ở VN đa phần là sử dụng Facebook nên mình nghĩ về lâu dài thì sẽ có kết quả.”
Còn với anh Phương, đây là một cuộc biểu tình “thành công”.
“Với tôi cuộc biểu tình đem lại kết quả thành công hơn mong đợi, bởi cuộc biểu tình tập hợp nhiều gương mặt trẻ, đa số lần đầu tham gia biểu tình, các em thể hiện rõ tinh thần chống lại âm mưu cướp nước của chính quyền Bắc Kinh, các em tự tin đứng trước đại sứ quán hô to, yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh cút khỏi lãnh thổ Việt Nam.”
“Trên đường đi, chúng tôi còn gặp ba lao động người Việt vẫy tay ủng hộ và cùng hô vang với chúng tôi, gặp bạn nữ đang làm thêm chạy ra cổ vũ đoàn chúng tôi, báo chí và người đi đường họ cũng tỏ thái độ ủng hộ chúng tôi.”
“Sau sự kiện nhận được sự ủng hộ đông đảo của bà con trong nước và hải ngoại, mong cuộc biểu tình tại Osaka sắp tới sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia!”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49634466

Người Việt Nam

‘dùng mạng xã hội nhiều hơn cả Trung Quốc’

Fernando DuarteBBC World Service
Khảo sát mới cho thấy thời gian dùng mạng xã hội tăng trung bình gần 60% trong bảy năm qua.
Công ty GlobalWebIndex có trụ sở tại London phân tích dữ liệu từ 45 thị trường internet lớn nhất thế giới và ước tính thời gian mỗi người dành cho các trang hoặc ứng dụng mạng xã hội tăng từ khoảng 90 phút mỗi ngày năm 2012 lên 143 phút trong ba tháng đầu năm 2019.
Có sự thay đổi lớn về việc sử dụng ở mức độ khu vực và quốc gia: Mỹ Latinh, nơi có số người sử dụng mạng xã hội lớn nhất, thời gian truy cập hàng ngày trung bình 212 phút.
Xuất hiện công ty ‘Weibo truyền thông mạng xã hội’ ở VN
Về mục tiêu VN ‘thay thế Facebook, Google’
Mạng ‘Facebook Việt’ GAPO sẽ chết yểu?
Tranh cãi về mạng xã hội ‘nhà trồng’ VCNET của Ban Tuyên Giáo
Mức trung bình khu vực thấp nhất thuộc về Nam Mỹ (116 phút).
Người dân Philippines dùng mạng xã hội nhiều nhất: 241 phút mỗi ngày, trong khi ở Nhật Bản chỉ là 45 phút.
Sự sụt giảm
Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên, khảo sát khoảng 1,8 triệu người cũng tiết lộ rằng thời gian sử dụng điện thoại không thay đổi hoặc giảm ở gần một nửa số quốc gia khảo sát (20).
GlobalWebIndex nói rằng dữ liệu cho thấy “nhiều người sử dụng internet đang có nhận thức tốt hơn về thời gian họ sử dụng điện thoại.”
“Người dùng internet hiện đang dùng hơn sáu giờ lên mạng mỗi ngày, và một phần ba thời gian đó là cho mạng xã hội,” Chase Buckle từ GlobalWebIndex nói với BBC.
“Lượng thời gian hàng ngày chúng ta dùng mạng xã hội là một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất về sự hiện diện của nó, và sự phát triển của các công cụ phúc lợi kỹ thuật số trên điện thoại thông minh chỉ làm tăng sự rõ ràng về sự hiện diện này,” Buckle cho biết thêm.
Trong số các quốc gia được khảo sát, Thái Lan có sự sụt giảm lớn nhất trong việc sử dụng mạng xã hội hàng ngày: thời gian trung bình giảm từ 194 phút xuống 171 phút trong năm 2018 và 2019.
Ở Việt Nam, thời gian dùng mạng xã hội hàng ngày giảm 10 phút so với năm ngoái, từ 2 giờ 33 phút trong năm 2018 xuống 2 giờ 23 phút năm 2019.
Indonesia, Bỉ, Ghana và Hoa Kỳ cũng cho thấy sự giảm mạnh.
Siêu ứng dụng
Trung bình người Trung Quốc dùng mạng xã hội 139 phút mỗi ngày, nhiều hơn 19 phút so với năm 2018.
Quan chức VN kiểm soát hay chạy theo mạng xã hội?
Mạng xã hội TQ thôi cấm nội dung đồng tính
WeChat, Weibo và Baidu bị điều tra tại TQ
Người dùng internet hiện đang online hơn sáu giờ mỗi ngày, và một phần ba thời gian đó dành cho mạng xã hộiChase Buckle, Trends Manager, GlobaWebIndex
Mức sử dụng hàng ngày tăng 14 phút ở Saudi Arabia và 13 phút ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Ở châu Á, bối cảnh mạng xã hội khá độc đáo. ‘Siêu ứng dụng’ – ứng dụng mạng xã hội vượt xa vai trò của nền tảng mạng xã hội theo nghĩa phương Tây – đang phổ biến. Nó cho phép người dùng không chỉ kết nối với nhau, mà còn làm bất cứ thứ gì từ thanh toán hóa đơn tiện ích, đặt nhà hàng, gọi taxi và thanh toán các sản phẩm trong cửa hàng,” Chase Buckle giải thích.
“Ở Trung Quốc, WeChat thống trị mạng xã hội, và ngày càng nhiều hoạt động đang chuyển dần sang ứng dụng, khiến người dùng ngày càng có nhiều lý do sử dụng mạng xã hội để điều hướng cuộc sống hàng ngày của họ.”
Số liệu thống kê dân số
Việc tăng thời gian dùng mạng xã hội dường như được củng cố bằng việc sử dụng của những người từ 16 đến 24 tuổi.
Họ là những người dành thời gian online nhiều nhất mỗi ngày – GlobalWebIndex đếm thời gian dùng mạng xã hội hàng ngày của họ chỉ dưới 180 phút vào năm 2018.
Dân số càng trẻ, thời gian sử dụng nói chung của quốc gia sẽ càng cao, đó là lý do tại sao các quốc gia thị trường mới nổi dẫn đầu bảng xếp hạng “thời gian online”
“Người dùng trẻ tuổi vẫn nằm trong số những người sử dụng nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác. Thực tế là họ sẽ vẫn là những người bận rộn nhất,” Buckle tin là như vậy.
Hạnh phúc
Các chuyên gia cảnh báo rằng thời gian sử dụng điện thoại nhiều hơn liên quan đến một loạt vấn đề về sức khỏe thần kinh.
Mạng xã hội tốt hay xấu cho người bị trầm cảm?
Nghiện Facebook nguy hiểm hơn nghiện rượu?
Càng dùng mạng xã hội càng tuyệt vọng?
“Nghiên cứu chỉ ra rằng những người dùng mạng xã hội nhiều hơn thì ít hạnh phúc hơn,” Ashley Williams, trợ lý giáo sư tại Harvard Business School nói.
“Sử dụng công nghệ quá mức có thể gây vấn đề. Trong các trưởng hợp cực đoan, nó liên quan đến trầm cảm, tai nạn và thậm chí tử vong.”
Những rủi ro tiềm ẩn dường như đã gây ra các thay đổi về hành vi, mặc dù: các ứng dụng “digital well-being”, giới hạn hoặc theo dõi thời gian sử dụng điện thoại, đang gia tăng.
Nghiên cứu của GlobalWebIndex cho thấy những người sử dụng mạng xã hội “nhiều” thường sử dụng các công cụ đó – bao gồm cả số liệu thống kê nhân khẩu của người trẻ.
“Họ là người am hiểu kỹ thuật số, nhưng nó cũng cho phép họ dễ dàng điều chỉnh thời gian trên màn hình kỹ thuật số hơn. Hơn hai phần ba trong số những người từ 16 đến 24 tuổi thừa nhận rằng họ liên tục online và hơn một phần ba cũng nói rằng công nghệ khiến cuộc sống phức tạp hơn. Rõ ràng, vẫn có sự nhận thức sâu sắc về tác động của công nghệ đối với cuộc sống của họ “, Buckley lưu ý.
Khoảng 30% người dùng tuổi từ 16 đến 24 đã nói về một số hình thức theo dõi màn hình trong khảo sát của GlobalWebIndex – cao nhất trong các nhóm tuổi.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-49634126

Tàu Hải quân Hàn Quốc

trở lại thăm thành phố Đà Nẵng

Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 7/9 cho biết tàu khu trục ROKS Munmu The Great và tàu hỗ trợ hậu cần Hwacheon của Hải quân Hàn Quốc đã cập cảng Tiên Sa, Thành phố Đà Nẵng và bắt đầu chuyến thăm kéo dài từ ngày 7/9 – 9/9.
Tin cho biết, thành viên thủy thủ đoàn trên hai tàu gồm 633 người với 62 sỹ quan và 571 thủy thủ, do Chuẩn Đô đốc Yang Minsoo làm trưởng đoàn.
Chuyến thăm của hai tàu hải quân Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ chung giữa hai nước và quan hệ quốc phòng nói riêng được đánh giá không ngừng được củng cố, tăng cường. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương hai quốc gia.
Được biết đây là lần đầu tiên trong năm 2019 tàu Hải quân Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam và là lần thứ hai liên tiếp tàu khu trục ROKS Munmu The Great trở lại Đà Nẵng, lần gần nhất là ngày 11/9/2018.
Tàu khu trục ROKS Munmu The Great dài 150 m, rộng 17,4 m, mớn nước 10 m, trọng tải 5.550 tấn, tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h), tầm hoạt động 10.200 km; biên chế 298 người. Ngoài các khí tài và hệ thống radar hiện đại, tàu còn được trang bị một trực thăng, nhiệm vụ trinh sát, tuần tra, chống ngầm, chống hạm, tấn công mục tiêu trên bộ.
Còn tàu hỗ trợ hậu cần ROKS Hwacheon cũng từng đến Đà Nẵng tháng 9/2017. Tàu dài 134 m, rộng 18 m, cao 36,5 m, trọng tải hơn 9.000 tấn; biên chế 335 người. Đây là tàu hậu cần, cung cấp dầu, lương thực cho lực lượng tác chiến trên biển.
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã đón 10 tàu của Lực lượng Hải quân và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hải Phòng và đặc biệt là thành phố Đà Nẵng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/korean-navy-ship-visits-da-nang-city-again-09092019084052.html

Nhật Bản loại 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt

ra khỏi danh sách đủ điều kiện

Hai doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam vừa bị đưa ra khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản. Hai công ty bị đình chỉ đều có trụ sở tại Hà Nội là Công ty cổ phẩn nhân lực TTC Việt Nam và Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt.
Báo Thanh Niên vào ngày 9 tháng 9 dẫn thông báo của Đại sứ quán Nhật, trong đó có nêu rõ “Chúng tôi xin thông báo rằng, kể từ này 6 tháng 9, khi làm thủ tục xin phê duyệt kế hoạch thực tập kỹ năng tại cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài sẽ không thể sử dụng 2 doanh nghiệp phái cử đã nêu”.
Cũng trong ngày, Cục quản lý Lao động ngoài nước đã xác nhận thông tin trên và cho biết đã báo cáo sự việc với lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh & Xã hội. Đại diện Cục quản lý Lao động ngoài nước cho biết hai doanh nghiệp nêu trên đã vi phạm liên quan đến thu phí của người lao động. Ngoài ra, vào đầu năm 2019, Công ty Cổ phần kết nối nhân lực Việt đã bị thanh tra Bộ LĐ-TBXH phạt 120 triệu do không công khai thông tin về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn và các điều kiện của hợp đồng theo quy định.
Liên quan đến nhóm HR Group mà báo Tiền Phong phanh phui trong loạt bài “Xuất khẩu lao động và những trò lừa dân nghèo”, ông Nguyễn Gia Liêm-Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết Cục đã kiểm tra hoạt động của nhóm HR Group và xác nhận nhóm này có 5 công ty có giấy phép đưa lao động đi làm việc ngoài nước và 7 công ty không có giấy phép. Trong đó có một số công ty đang làm thủ tục xin cấp giấy phép
Ông Liêm khẳng định lãnh đạo cục sẽ xem xét việc dừng chấp thuận thủ tục cấp phép đối với những công ty đang xin giấy phép xuất khẩu lao động trong nhóm này.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, 7 tháng đầu năm 2019, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 79 ngàn người, trong đó thị trường lao động Nhật đứng đầu danh sách, với gần 40 ngàn lao động.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-enterprises-exporting-laborers-to-japan-taken-out-of-list-09092019090516.html

Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng đến Mỹ

Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được Bộ Giao thông Vận Tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách và hàng hóa tới Hoa Kỳ.
Trang web Flight Global hôm 3/9 trích dẫn tài liệu cho biết hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ được phép thực hiện các chuyến bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến một số thành phố tại Mỹ qua các điểm dừng tại Đài Bắc của Đài Loan, cũng như Osaka và Nagoya của Nhật Bản.
Các địa điểm tại Mỹ mà Vietnam Airlines được phép bay đến gồm Los Angeles, San Francisco, New York, Seattle và Dallas, theo tài liệu của Bộ GTVT Mỹ mà AFP có được. Vietnam Airlines cũng có thể thực hiện nối chuyến từ Mỹ tới các thành phố của Canada gồm Vancouver, Montreal và Toronto.
Thông tin Vietnam Airlines được cấp phép bay thẳng đến Mỹ đã được Tổng giám đốc của cơ quan này, Dương Trí Thành, khẳng định với VnExpress.
Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ cần tiếp tục xin cấp phép tại các cơ quan của Mỹ, gồm Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Tổ chức an ninh vận tải Mỹ (TSA), Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP), Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTBS) và một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác trước khi chính thức khai thác các chuyến bay đến Mỹ, theo VnExpress.
Đầu năm nay, Cục hàng không Liên bang Mỹ đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam. Đây là điều kiện bắt buộc để các hãng hàng không của Việt Nam được phép mở đường bay đến Mỹ.
Hãng hàng không mới nhất của Việt Nam là Bamboo Airways cũng đã có kế hoạch bay tới Mỹ vào cuối năm nay trong khi hãng hàng không giá rẻ VietJet cũng đã tỏ ý quan tâm đến thị trường của Mỹ.
Ngành hàng không của Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây với số lượng hành khách tăng vọt từ 25 triệu trong năm 2012 đến 62 triệu vào năm ngoái. Số lượng khách du lịch Việt Nam tới Mỹ cũng tăng cao với mức 60% trong 5 năm qua.
Giữa tháng trước, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều với Delta Air Lines – hãng bay lớn thứ nhì tại Mỹ, theo VnExpress. Dự kiến đến tháng 10, sau khi hệ thống của Vietnam Airlines được đánh giá đạt tiêu chuẩn để hoạt động, Delta Air Lines sẽ bán vé các chuyến bay do Vietnam Airlines khai thác chặng Hà Nội-Tokyo để phục vụ hành khách có nhu cầu nối chuyến đến Mỹ. VnExpress cho biết, đây là những bước đầu tiên để thăm dò thị trường Việt – Mỹ, đồng thời tạo thói quen cho hành khách bay đến Mỹ trên các chuyến bay mang số hiệu của Vietnam Airlines.
Theo nhận định của nhà phân tích về hàng không Greg Waldron với AFP, một bước tiến vào thị trường Mỹ là một bước đặt cược lớn đối với Vietnam Airlines khi hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc tranh đua gay gắt với các hãng hàng không của châu Á đã có các tuyến bay tới Mỹ được thiết lập như Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-airlines-duoc-cap-phep-bay-thang-den-my/5076015.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.