Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Phát thanh - Cherry Radio

Thursday, September 19, 2019 5:59:00 PM // ,

Chương trình Thời sự thứ Năm, 19/09/2019

Cẩm Nhung | 19/09/2019

Nguồn: https://cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-nam-19092019-rd2304600


Tin nước Úc:
- Victoria: Giấy phép lái xe ở Victoria sẽ được tải lên cơ sở dữ liệu quốc gia
- Victoria: Dụ dỗ bé gái 13 tuổi quan hệ tình dục, một người đàn ông lãnh án tù giam
- Victoria: Mở rộng trợ cấp tại các vùng có nguy cơ bất ổn do cơ bạc
- Tin Úc: Cộng đồng người Trung Quốc ở Úc bị nhắm đến bởi chiêu trò lừa đảo bắt cóc tống tiền
- Tin Úc: Tỷ lệ lo âu và trầm cảm ở mức cao trong giới luật sư
- Di trú: Khu vực hẻo lánh phía Bắc Queensland bắt đầu nhận đơn xin thị thực
- Di trú: Liên Hợp Quốc sẽ cử phái đoàn đến thăm các trung tâm giam giữ người nhập cư của Úc
- Victoria: Những điều cần biết về lễ hội Royal Melbourne Show 2019
- Tin vắn
Tin thế giới:
Bộ Ngoại giao Pakistan ngày 18/9 cho biết, nước này đã từ chối yêu cầu từ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc sử dụng không phận của Islamabad cho chuyên cơ của ông Modi bay tới Đức để quá cảnh sang Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào cuối tuần này, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia lên đỉnh điểm liên quan khu vực tranh chấp Kashmir. Đây là lần thứ hai trong tháng Chín này Pakistan từ chối mở không phận cho máy bay của các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Hồi đầu tháng Pakistan cũng đã từ chối cho phép Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovin sử dụng không phận của nước này để tới châu Âu trong chuyến thăm ba nước Iceland, Thụy Sỹ và Slovenia.
Đức đã quyết định gia hạn lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới Saudi Arabia thêm 6 tháng nữa. Trong một tuyên bố ngày 18/9, người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết từ nay đến ngày 31/3/2020, nước này sẽ không chấp thuận bất cứ đơn đặt hàng xuất khẩu vũ khí nào sang Saudi Arabia. Trước đó một ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định hiện không có bất cứ cơ sở nào để dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tới Saudi Arabia, dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 10 này. Trong khi Pháp và Anh kêu gọi Đức dỡ bỏ lệnh cấm, nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng Berlin nên duy trì việc "đóng băng" này. Lệnh đình chỉ hoạt động xuất khẩu vũ khí nói trên được gia hạn lần gần đây nhất vào cuối tháng Ba vừa qua.
Trong tuần này, Mỹ và Trung Quốc được cho là sẽ tiến hành đàm phán thương mại ở cấp thứ trưởng tại Washington D.C., Mỹ. Cuộc đàm phán Mỹ - Trung Quốc diễn ra ở cấp thấp hơn so với thường lệ nhằm nối lại tiến trình đối thoại song phương đang gặp khó khăn kể từ cuối tháng 8/2019. Thông tin về cuộc gặp này đến nay vẫn đang được giữ kín. Mỹ và Trung Quốc bước vào đàm phán với một thực tế mới hiện hữu trong quan hệ song phương, ít nhất là về lĩnh vực thương mại. Với mức thuế ngày một gia tăng, cả hai dường như đã đi quá xa để có thể trở lại như cũ.
Nhật Bản sẽ duy trì đối thoại với Hàn Quốc, liên quan tới những căng thẳng thương mại hiện tại. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Tuy nhiên, hiện không có bất cứ kế hoạch nào về một cuộc gặp Thượng đỉnh hay cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa hai nước. Hôm 18/9, quyết định của Hàn Quốc loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy đã chính thức có hiệu lực. Đây là động thái trả đũa của Hàn Quốc, sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu những vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, liên quan tới mâu thuẫn về những lao động cưỡng bức từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Liên minh châu Âu cảnh báo: Anh đang tự đưa mình tới kịch bản Brexit không thỏa thuận. Đó là nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc họp hôm 18/9 tại Pháp. Theo ông, mặc dù gần đây Thủ tướng Anh Boris Johnson đã liên tục khẳng định mong muốn có một thỏa thuận với EU. Tuy nhiên chưa thực sự có tiến triển cụ thể trong đàm phán. Các lãnh đạo châu Âu cho rằng: tình huống xấu nhất là Brexit không thỏa thuận lại đang là kịch bản dễ xảy ra nhất. Trong viễn cảnh đó, thương mại, y tế, thực phẩm của Anh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nghị viện châu Âu hôm 18/9 cũng đã bỏ phiếu về việc cho phép Anh nới rộng thời hạn chót của Brexit.
Ngày 17/9, Tòa án tối cao Anh bắt đầu xem xét việc Thủ tướng Boris Johnson liệu có phạm luật khi tạm treo Nghị viện Anh trong vòng 5 tuần hay không. Phán quyết của Tòa án tối cao Vương quốc Anh được xem là sẽ mang tính chất quyết định, có thể tạo nên bước ngoặt lớn cho tiến trình Brexit. Nếu Tòa án tối cao Vương quốc Anh đưa ra phán quyết rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson phạm luật, ông Johnson sẽ buộc phải cho phép Nghị viện Anh hoạt động trở lại. Theo dự kiến, phán quyết của Tòa án tối cao Vương quốc Anh sẽ được đưa ra sớm nhất trong ngày 20/9.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/9 cho biết ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin "tăng mạnh các trừng phạt" Iran. Mệnh lệnh trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran, nhất là sau các vụ máy bay không người lái tấn công 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, mà một số quan chức Mỹ đổ lỗi cho Iran tiến hành. Ông Trump đã thông báo động thái này trên mạng xã hội Twitter, song không cho biết thêm chi tiết. Trước đó, trong công hàm chính thức gửi tới Mỹ thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ, phái bộ đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, Iran đã tái khẳng định không đứng sau các vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo sẽ lập tức đáp trả mọi động thái của Mỹ chống lại Iran.
Theo hãng thông tấn Saudi Arabia, Riyadh quyết định sẽ gia nhập liên minh an ninh hàng hải quốc tế do Washington thành lập. Động thái này nhằm chống lại những hành động leo thang căng thẳng trên vịnh Ba Tư trong thời gian qua, diễn ra khi Riyadh tuyên bố đang nắm giữ bằng chứng cho thấy sự liên quan của Iran trong vụ tấn công cơ sở lọc dầu Aramco vừa qua. Mặc dù thủ phạm đứng sau vụ tấn công vẫn chưa rõ và quá trình điều tra đang được tiến hành, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran là thủ phạm vụ tấn công, cung cấp vũ khí và chỉ đạo Houthi thực hiện. Tehran đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc nêu trên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Trung Đông, bắt đầu công du Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Trọng tâm của chuyến công du vùng Vịnh lần này là tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề Iran sau cuộc tấn công vào hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vừa qua.
Quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã đột ngột trở nên căng thẳng sau khi Nga bắt giữ 2 tàu của Triều Tiên với lý do xâm phạm trái phép hải phận của Nga ở biển Nhật Bản. Không dừng lại ở đó, Bộ Ngoại giao Nga còn triệu tập đại diện ngoại giao cao nhất của Triều Tiên ở Moscow, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng có các biện pháp cấp thiết để ngăn chặn những sự cố tương tự tái diễn. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu đại diện ngoại giao của Triều Tiên để trao đổi về sự cố vừa xảy ra và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc. Moscow hối thúc Bình Nhưỡng tiến hành các giải pháp thấu đáo và toàn diện với mục đích ngặn chặn tình trạng trên tái diễn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ định ông Robert O’Brien, đặc phái viên chuyên trách giải cứu con tin, làm Cố vấn An ninh Quốc gia mới của nước này. Với quyết định bổ nhiệm mới, ông O’Brien sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ thay cho ông John Bolton bị sa thải hồi tuần trước. Ông Bolton được coi là một nhân vật có quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trump, luôn ủng hộ việc can thiệp quân sự vào Iran, Venezuela, Syria và Triều Tiên. Ông O’Brien là nhà ngoại giao ít tên tuổi và hiện đang giữ vai trò đặc phái viên phụ trách các vấn đề con tin tại Bộ Ngoại giao Mỹ, thường giám sát việc giải cứu con tin Mỹ khỏi các vùng xung đột.
Con số thương vong trong loạt vụ đánh bom hôm 17/9 tại Afghanistan tiếp tục tăng mạnh. Theo thống kê mới nhất, 48 người đã thiệt mạng và hơn 80 người bị thương. Vụ nổ bom thứ nhất gần trụ sở Bộ Quốc phòng Afghanistan và Đại sứ quán Mỹ khiến ít nhất 22 người thiệt mạng, 26 người bị thương. Vụ thứ 2 tại Charikar, thủ phủ tỉnh Parwan làm 26 người thiệt mạng và 42 người bị thương. Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm diễn ra một cuộc vận động bầu cử Tổng thống tại khu vực này. Taliban đã đứng ra nhận trách nhiệm về cả hai vụ tấn công.
Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm toàn diện đối với thuốc lá điện tử. Hoạt động nhập khẩu, tiêu thụ, sản xuất và phân phối thuốc lá điện tử sẽ là phạm pháp. Quyết định do Bộ Tài chính Ấn Độ đưa ra, dựa trên những tác động mà thuốc lá điện tử gây ra đối với các thanh thiếu niên. Thuốc lá điện tử từng được quảng cáo là sản phẩm an toàn thay thế thuốc lá truyền thống. Nhưng giới chức nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã kết luận rằng: thuốc lá điện tử cũng gây nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí là tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Ấn Độ là nước tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá lớn thứ 2 trên thế giới, với gần 900.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá mỗi năm.
Tin thể thao:
Những diễn biến hấp dẫn ở những trận mở màn Champions League mùa giải 2019/20 tiếp tục diễn ra.
Tại bảng A, tiếp đón Real Madrid trên sân nhà, PSG không có sự phục vụ của Neymar, Mbappe và Cavani nhưng đội bóng thủ đô Paris vẫn giành chiến thắng trước Real Madrid. Di Maria 14’, 34’, Meunier 90+1’ đã ghi bàn ấn định chiến thắng 3-0 cho PSG. Chiến thắng này giúp PSG vươn lên dẫn đầu bảng A khi mà ở trận đấu còn lại của bảng này, Club Brugge hòa 0-0 trên sân của Galatasaray.
Tại bảng B, Tiếp đối thủ yếu nhất bảng Crvena Zvezda, Bayern Munich ra sân với đội hình siêu tấn công nhanh chóng kiểm soát thế trận và dồn ép đối thủ đến ngộp thở. Kết quả là đại thắng 3-0 trước Crvena Zvezda. Chiến thắng này giúp Bayern vươn lên ngôi đầu bảng B bởi ở trận đấu diễn ra trước đó, Tottenham và Olympiacos đã cầm hòa nhau 2-2 trong chuyến làm khách trên sân của Olympiacos.
Tại bảng C, Man City dù gặp tổn thất lực lượng, vẫn thể hiện sự vượt trội so với Shakhtar Donetsk và giành chiến thắng 3-0 ngay trên sân khách. Như vậy, Man City là đội bóng Anh duy nhất có chiến thắng ở lượt trận đầu tiên Champions League 2019/20. Tuy nhiên họ vẫn chỉ xếp thứ 2 bảng C bởi ở trận còn lại, Dynamo Zagreb đã bất ngờ thắng đậm Atalanta 4-0 trên sân nhà.
Tại bảng D, Atletico Madrid đã hòa 2-2 trên sân nhà trước Juventus. Đại diện của Italy đã dẫn trước 2-0 sau 65 phút thi đấu nhờ công của Juan Cuadrado và Blaise Matuidi. Tuy nhiên ở những phút còn lại, đội bóng của Tây Ban Nha đã ghi liền 2 bàn buộc Juventus phải chia điểm. Tỷ số chung cuộc 2-2 khiến Juventus và Atletico lần lượt xếp thứ hai và thứ ba sau trận ra quân, do Lokomotiv Moscow đánh bại Leverkusen ở trận đấu cùng giờ.
Ronaldo: “Tôi sẽ giành nhiều Quả bóng Vàng hơn Messi”: Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình truyền hình Piers Morgan, Cristiano Ronaldo đã trải lòng về mối quan hệ giữa anh và Lionel Messi. Ngôi sao Bồ Đào Nha khẳng định anh với Messi không phải là bạn nhưng ngôi sao Argentina chính là động lực thúc đẩy sự nghiệp anh phát triển. Ronaldo đồng thời tuyên bố rằng anh sẽ nỗ lực để vượt qua Messi ở khía cạnh danh hiệu cá nhân, cụ thể là Quả bóng Vàng. Hiện cả Ronaldo và Messi đều đã giành 5 Quả bóng Vàng trong sự nghiệp lẫy lừng của mình.
MU săn Pirlo mới: Truyền thông Italia loan tin các tuyển trạch viên của MU gần đây theo dõi rất sát tiền vệ Sandro Tonali của CLB Brescia. Sandro Tonali được đánh giá là cầu thủ tiềm năng bậc nhất của ​bóng đá Italia thời điểm hiện tại, được mệnh danh là “Pirlo mới” nhờ lối đá kĩ thuật, nhãn quan thi đấu. Cầu thủ này năm nay mới 18 tuổi nhưng đã là trụ cột không thể thay thế nơi tuyến giữa của Brescia. Nếu như muốn có Tonali, ​MU sẽ phải trả khoảng 25 triệu bảng khi mà hợp đồng của cầu thủ này còn thời hạn tới năm 2021 với Brescia. Ngoài ra, họ còn phải cạnh tranh với các đội bóng khác ở châu Âu như Ajax hay Dortmund.
Real Madrid đã cọc tiền mua Mbappe: Theo tiết lộ của chương trình thể thao El Chiringuito (Tây Ban Nha), PSG đã đồng ý bán Kylian Mbappe cho Real Madrid vào Hè 2020. Tổng phí chuyển nhượng của tuyển thủ Pháp là 275 triệu euro, gồm 225 triệu euro trả trước và 50 triệu euro phát sinh. Trước mắt, phía đội bóng giàu truyền thống của Tây Ban Nha phải trả trước cho PSG 35 triệu euro phí chuyển nhượng và 5 triệu euro phí phát sinh. Toàn bộ số tiền 40 triệu euro trả tước này đã được Real Madrid chuyển vào tài khoản của PSG để “đặt cọc”. Nếu thông tin trên đúng sự thật, Mbappe sẽ trở thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh. Hiện kỷ lục này đang thuộc về đồng đội Neymar của Mbappe tại PSG.
Dortmund xác nhận MU đã hỏi mua Sancho: Thông tin MU muốn mua tiền đạo Sancho của Dortmund không còn là đồn thổi. Đích thân Giám đốc thể thao Michael Zorc của Dortmund đã lên tiếng xác nhận việc MU tiếp cận cầu thủ được mệnh danh là thần đồng của bóng đá Anh. Tuy nhiên, quan điểm của Dortmund là Sancho không phải để bán. “Chúng tôi không nói chuyện với họ. United đã yêu cầu 1 cuộc gặp. Sancho không phải để bán”, ông Michael Zorc tuyên bố.
Neuer có thể từ giã tuyển Đức vào năm sau: Thủ môn Manuel Neuer có thể từ giã tuyển Đức sau VCK EURO 2020. Neuer đã khoác áo tuyển Đức kể từ năm 2009 và thi đấu tổng cộng 90 trận cho “Cỗ xe tăng”. Gần đây, anh đã cãi vã công khai với thủ môn Ter Stegen, người đang cố gắng giành vị trí bắt chính ở tuyển Đức. Tờ Sport Bild cho biết Neuer có thể đưa ra quyết định từ giã đội tuyển Đức sau EURO 2020. Ở tuổi 33, Neuer không còn giữ được phong độ như trước.
MU ưu tiên gia hạn hợp đồng với Pogba, Lingard và Mason Greenwood: MU đang ưu tiên gia hạn hợp đồng với Paul Pogba, Jesse Lingard và Mason Greenwood sau khi họ trói chân thành công những cầu thủ như Victor Lindelof, David de Gea, Marcus Rashford, Anthony Martial và Scott McTominay. Pogba là mục tiêu hàng đầu của Real Madrid, do vậy MU muốn trói chân cầu thủ người Pháp để tránh đêm dài lắm mộng. Được biết, Pogba đã từ chối gia hạn hợp đồng với MU vì muốn gia nhập Real Madrid. Do vậy thuyết phục cầu thủ này kí vào bản hợp đồng mới là điều khó khăn cho MU. Trong khi đó, tiền đạo trẻ Greenwood mới chỉ ký hợp đồng chuyên nghiệp với MU vào tháng Mười năm ngoái. MU muốn kí hợp đồng mới với Greenwood để ngăn bất cứ CLB nào có ý định chiêu mộ cầu thủ này. Lingard có hợp đồng với MU đến 2021 và “Quỷ đỏ” muốn anh tiếp tục gắn bó với đội bóng trong tương lai.
Liên hợp quốc và sứ mệnh ngăn chặn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới
Theo bài viết trên trang mạng project-syndicate.org ngày 11/9, khi các lãnh đạo thế giới tụ hội tại New York vào cuối tháng này để tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, họ sẽ có rất nhiều điều để thảo luận ngoài sự biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đặc biệt, sự cạnh tranh nước lớn đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã đặt ra một nguy cơ lớn đối với thế giới. Liên hợp quốc vì vậy phải đặt trọng tâm trong sứ mệnh hiện nay của họ vào việc hỗ trợ phòng ngừa một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra. Giữa những tranh cãi liên quan đến sự chấm dứt của chủ nghĩa đa phương và sự nổi lên của một thế giới G2 do Mỹ và Trung Quốc thống trị, người ta dễ dàng quên rằng một hệ thống tương tự - gồm có Mỹ và Liên Xô - đã từng tồn tại trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chỉ đến cuối những năm 1970 và 1980, người ta mới thấy rõ là hệ thống Xô Viết không thể cạnh tranh được với chủ nghĩa tư bản thị trường. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và tiếp đó là sự sụp đổ của Liên Xô, thế giới G2 đó đã nhường chỗ cho một trật tự G1+n mà trong đó tất cả các nước (n) đều không thể cạnh tranh với vai trò siêu cường của Mỹ.
Một phần tư thập kỷ sau đó là giai đoạn của chủ nghĩa đa phương tự do dựa trên các quy tắc. Dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường bề ngoài đã chiến thắng trong cái mà Francis Fukuyama gọi là “sự kết thúc của lịch sử.” Mỹ nhìn chung ủng hộ trật tự này - cuộc chiến Iraq năm 2003 là một ngoại lệ - và giống như hầu hết các nước, Mỹ được hưởng lợi rất lớn từ sự toàn cầu hóa và sự nổi lên của những chuỗi giá trị phức tạp mới.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy một cách ngoạn mục của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay đã đặt dấu chấm hết cho trật tự G1+n nói trên. Mặc dù Mỹ vẫn là cường quốc kinh tế, công nghệ và quân sự hàng đầu thế giới, song họ đang phải chia sẻ vị trí này với Trung Quốc ngày càng nhiều hơn.
Một số người lập luận rằng chúng ta hiện đang sống trong một thế giới đa cực, trong đó các quốc gia tầm trung có đủ sức mạnh để gây ảnh hưởng trong các vấn đề toàn cầu. Theo quan điểm này, mặc dù thế giới không phẳng, song nó có nhiều trung tâm trong các lĩnh vực như là dòng tài chính, thương mại, quản lý Dữ liệu Lớn, và Internet. Cấu trúc này ngược lại tạo ra sự nổi lên của nhiều hình thức hợp tác và cạnh tranh tiềm tàng giữa các chính phủ.
Hình mẫu này còn đề xuất một sự mô tả khả tín về vai trò của các nước như Ấn Độ, Đức, Nga, Brazil, và Nhật Bản trong hệ thống toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, quan điểm đa cực về thế giới này lại xem nhẹ sự thiếu cân bằng về sức mạnh khá lớn giữa G2 và phần còn lại. Chẳng hạn, Ấn Độ tương đương với Trung Quốc về dân số, nhưng GDP của họ (tính theo giá cả thị trường) chỉ bằng khoảng 20% của Trung Quốc.Thêm vào đó, các năng lực quân sự và công nghệ của Ấn Độ, dù ấn tượng, nhưng còn lâu mới sánh bằng Trung Quốc hay Mỹ. Và các nước tầm trung khác cũng tương tự như vậy.
Sự thiếu cân bằng đó khiến người ta nhớ lại trật tự trong giai đoạn 1945-1989. Và tương tự, dù có thể không rõ ràng như Mỹ và Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh, nhưng Mỹ và Trung Quốc hiện cũng bị chia rẽ về hệ tư tưởng và có những mối quan hệ đối nghịch nhau. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, hàng thập kỷ toàn cầu hóa đã khiến họ trở nên phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, và kết quả là “hai hệ thống, một thế giới,” như lời cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer từng nói. Sự phụ thuộc lẫn nhau này vừa là một tài sản chiến lược vừa là một nguy cơ, bởi cả hai bên đều có thể tìm kiếm những thành tựu địa chính trị bằng cách vũ trang các mạng lưới toàn cầu như là chuỗi cung ứng, hệ thống minh bạch tài chính, và cơ sở hạ tầng viễn thông.
Hai đặc điểm này có thể thay đổi bức tranh hiện tại.
Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ có thể tiến hóa theo cách kéo họ lại gần nhau hơn về mặt tư tưởng. Một chính quyền Mỹ mới sau cuộc bầu cử tổng thống 2020 có thể kéo theo xu hướng quốc tế hóa nhiều hơn, trong khi những tiến triển kinh tế đáng chú ý của Trung Quốc có thể từng bước tạo ra một sự tự do hóa toàn cầu, song viễn cảnh như vậy khó có khả năng xuất hiện trong giai đoạn này.
Thứ hai, một Liên minh châu Âu (EU) hội nhập hơn có thể trở thành cường quốc thứ ba trong một thế giới G3 và đóng một vai trò cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu có những nguồn lực kinh tế, tài chính, công nghệ và con người cần thiết, và chủ nghĩa đa phương cũng nằm trong ADN của EU.
Lý tưởng là cả hai sự tiến triển này có thể diễn ra đồng thời. Nếu một châu Âu hội nhập hơn và một nước Mỹ nhìn xa hơn củng cố mối quan hệ của họ và một lần nữa ủng hộ chủ nghĩa đa phương là cách tốt nhất để gìn giữ hòa bình và đem lại những điều tốt đẹp cho công chúng như là bảo vệ khí hậu, thì Trung Quốc sẽ khó có thể đứng ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, sức mạnh của Trung Quốc có thể cạnh tranh được với sức mạnh của Mỹ và châu Âu cộng lại. Theo dự tính của OECD, từ nay đến năm 2040, kinh tế Trung Quốc sẽ bằng với cả Mỹ và 27 nước châu Âu cộng lại.
Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay sẽ bị bao phủ bởi những mối lo âu tương đương với thời Chiến tranh Lạnh cũ. Khi cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, hai nước sẽ gây thiệt hại kinh tế cho đôi bên và cả các nước khác. Và nếu thế giới trở nên chia rẽ thành “hai hệ thống” một cách rõ rệt, sẽ ngày càng khó đạt được một thỏa thuận về những quy tắc quốc tế cần thiết trong các lĩnh vực như là thuế, không gian mạng và phát sinh sinh vật.
Liên hợp quốc, với những cơ quan chuyên trách, còn hơn một diễn đàn cho các chính phủ, bởi nó có thể tích lũy quyền lực mềm từ những mục tiêu hòa bình và phát triển toàn cầu- và hiện là sự bảo vệ môi trường.
Khi được thành lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên hợp quốc đã được coi là nhà bảo vệ một trật tự đa phương dựa trên các quy tắc có thể ngăn ngừa xung đột bạo lực giữa các nước thành viên.
Ngày nay, tổ chức này phải một lần nữa theo đuổi sứ mệnh từ khi thành lập và hỗ trợ việc ngăn ngừa một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, khác biệt nhưng không kém phần nguy hiểm so với trước đây.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 19/09/2019 là 1 AUD = 0.682 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 19/09/2019 là 1 AUD = 15,857 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.
Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–16 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–26 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–23 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 20-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 17–25 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.