Việt Nam ký kết thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng
Sunday, August 4, 2019
8:03:00 PM
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
5/8/2019
Khánh Anh dịch
Việt Nam và EU sẽ ký thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng vào ngày 5 tháng 8, mở đường cho hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn cả ở Biển Đông.
Tờ Asia Times đưa tin vào ngày 5 tháng 8, Đại diện cấp cao Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini sẽ ký một thỏa thuận quốc phòng với Việt Nam. Đây là thỏa thuận an ninh đầu tiên như vậy mà Brussels sẽ ký kết với một quốc gia Đông Nam Á.
David Hutt nhận định đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy EU đang cố gắng xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với khu vực và đặc biệt là với Việt Nam, vốn là trọng tâm tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên đây có thể chỉ là hành động mang tính biểu tượng.
Bà Federica Mogherini cho biết sau khi tham gia Diễn đàn khu vực của ASEAN và Hội nghị sau Bộ trưởng EU-ASEAN tại Bangkok từ ngày 1 đến 2 tháng 8, bà Mogherini sẽ tới Hà Nội để ký “một thỏa thuận về việc Việt Nam tham gia vào các đặc vụ quân sự và dân sự của EU". “Tôi hy vọng Việt Nam sẽ là người bạn đầu tiên của chúng tôi ở ASEAN, bởi vì sứ mệnh của chúng tôi không chỉ phục vụ lợi ích của châu Âu, mà còn phục vụ trước hết là lợi ích hòa bình và an ninh trên toàn cầu,” đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU cho biết.
Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, bà Mogherini dự kiến sẽ ký Thỏa thuận tham gia khung (FPA). Theo đó Việt Nam tham gia vào hoạt động quản lý khủng hoảng của nhằm gìn giữ hòa bình, phòng ngừa xung đột và tăng cường an ninh quốc tế trong khu vực lân cận EU và xa hơn, đồng thời cũng sẽ tham gia hoạt động theo Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU nhằm điều phối các chính sách tình báo và quốc phòng của khối này.
Trước đó EU đã ký kết FPA với Úc, New Zealand và Hàn Quốc.
Thỏa thuận FPA này được đưa ra khi mối quan hệ EU với Việt Nam đang khởi sắc.
Quan hệ EU - Việt Nam khởi sắc
Về kinh tế vào ngày 30 tháng 6, hai bên cuối cùng đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) gần bốn năm sau khi các cuộc đàm phán kết thúc mà Ủy ban châu Âu cho đó là một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển. Với Hà Nội, đây là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang EU dự kiến sẽ tăng thêm 20%.
Về an ninh, hồi tháng Tư, ông Jean-Christophe Belliard, phó tổng thư ký của Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu, Bộ Ngoại giao và Quốc phòng EU, đã đến Hà Nội để gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh để thảo luận về một loạt các vấn đề quốc phòng cũng như tài trợ cho sĩ quan Việt Nam tham dự các khóa học của EU và xây dựng khả năng gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Tháng sau, ông Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn một phái đoàn Việt Nam tới Brussels để tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU theo lời mời của ông Claudio Graziano, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Liên minh Châu Âu, cơ quan quân sự cao nhất của EU. Năm ngoái Việt Nam đã tham gia một cuộc họp của Ủy ban Quân sự Liên minh Châu Âu lần đầu tiên.
Cũng trong tháng 5, cuộc họp ủy ban chung đầu tiên theo Thỏa thuận khung hợp tác và đối tác toàn diện của Việt Nam và EU đã được tổ chức. Đây là thỏa thuận được ký vào năm 2012 và có hiệu lực vào năm 2016. Cuộc họp này do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, To Anh Dzung, và Gunnar Wiegand, giám đốc châu Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu đồng chủ trì.
Tại sao lại là Việt nam?
EU có những lý do chính đáng để ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam.
Một là vào tháng 6 cùng với 5 quốc gia khác Việt Nam sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hai năm tới và điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong ngoại giao quốc tế.
Hai là Việt Nam cũng chuẩn bị đảm nhận vị trí chủ tịch của khối ASEAN vào năm tới. Do đó, mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội có thể cho phép EU có được đòn bẩy trong về các vấn đề Đông Nam Á.
Ba là Việt Nam đang ở trung tâm địa chiến lược Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia duy nhất chống đối chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bốn là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang tranh đua gia tăng phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng có mặt tại Bangkok trong tuần này nhằm cố gắng lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á đứng về phía họ.
Biển Đông
Tờ the Wall Street Journal, dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho hay Campuchia đã ký kết một thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền một căn cứ hải quân của họ, nếu điều đó là sự thật thì mối lo ngại khu vực về chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc sẽ bị đảo lộn.
Cho đến nay, EU đã từ chối công khai ủng hộ các bên tranh chấp ở Biển Đông, mặc dù Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) dù cho chiến lược toàn cầu của EU, được công bố vào tháng 6 năm 2016, tuyên bố sẽ “bảo vệ quyền tự do hàng hải, kiên quyết tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Luật Biển và các thủ tục trọng tài và khuyến khích giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình”.
Vào tháng Tư và tháng Năm, các quan chức quốc phòng EU và Việt Nam đã thảo luận về khả năng các quốc gia thành viên EU gửi thêm tàu thực hiện sứ mệnh tự do hàng hải đến Biển Đông.
Chiến lược an ninh hàng hải của EU ủng hộ các quốc gia thành viên “đóng vai trò chiến lược trong việc cung cấp phạm vi toàn cầu, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận cho EU,” và để “hỗ trợ tự do hàng hải và góp phần quản trị toàn cầu bằng cách răn đe, ngăn chặn và chống lại các hoạt động bất hợp pháp”.
Một người phát ngôn của EU khi đề cập vị trí của EU ở Biển Đông cho biết, “EU cam kết duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong [UNCLOS]. Điều này bao gồm việc duy trì an toàn hàng hải, an ninh và hợp tác, tự do hàng hải cũng như hàng không”.
Tham gia duy trì tự do hàng hải
Hiện chỉ có hai quốc gia thành viên EU đang tham gia tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông là Pháp và Vương quốc Anh. Anh sẽ rời EU vào tháng 10 và như vậy chỉ còn lại Pháp.
Quan hệ an ninh Pháp-Việt đã được cải thiện trong những năm gần đây. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ năm 2009 và bắt đầu Đối thoại chính sách quốc phòng vào cuối năm 2016. Cuộc đối thoại cấp thứ trưởng đầu tiên giữa hai nước về chiến lược an ninh và quốc phòng diễn ra vào tháng 9 năm ngoái và ký kết Ủy ban Hợp tác Quốc phòng Việt Nam - Pháp, đưa ra các sáng kiến quốc phòng song phương cho đến năm 2028. Cuộc đối thoại quốc phòng diễn ra sau chuyến thăm Paris của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài các cuộc đàm phán và thỏa thuận quốc phòng, Pháp cũng được cho là muốn đảm nhận vị trí phòng thủ trong các tranh chấp ở Biển Đông với Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất lớn tiếng phản đối Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa nhiều nơi trong khu vực. Các tàu của Pháp tham gia vào các cuộc diễn tập tự do hàng hải trên Biển Đông năm 2017 và năm 2018. Vào tháng 5, tàu khu trục FS Forbin của Pháp đã cập cảng Việt Nam lần đầu tiên. Tại Đối thoại Shangri-La 2019, một cuộc đối thoại quốc phòng khu vực thường niên được tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 5, Bộ trưởng Quốc Phòng Florence Parly đã hứa rằng các tàu của Pháp “sẽ đi vào biển Đông nhiều hơn hai lần một năm” và tiếp tục duy trì luật pháp quốc tế “một cách ổn định, không đối đầu nhưng kiên quyết”.
Nỗ lực mở rộng an ninh
EU đang cố gắng mở rộng an ninh ở châu Á. Trong nhiều năm, EU đã vận động để giành được một ghế trong trong các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng các chuyên gia, và các Hội nghị thượng đỉnh Đông Á thường niên. Bốn năm trước bà Mogherini đã tuyên bố EU “có tham vọng không chỉ là đối tác kinh tế quan trọng của châu Á như đã có, mà còn trở thành nhà cung cấp an ninh toàn cầu hoặc đối tác an ninh”.
Tại hội nghị Đối thoại Shangri-La năm nay hồi tháng Năm, bà Mogherini xác nhận EU hiện đã "hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với ASEAN, không chỉ về chính trị và kinh tế, mà còn về an ninh, kể cả ở cấp độ quân sự". “EU cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong UNCLOS”, một phát ngôn viên của EU nói về lập trường của liên minh này đối với Biển Đông. “Điều này bao gồm việc duy trì an toàn hàng hải, an ninh và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không”.
K.A. dịch
0 comments