Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 04/08/2019

Sunday, August 4, 2019 8:13:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 04/08/2019

Mỹ ‘phản đối hành vi gây bất ổn của TQ

tại Ấn Độ-Thái Bình Dương’

Hoa Kỳ phản đối hành vi của Trung Quốc gây mất ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper cho biết hôm 4/8.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang leo thang chiến tranh thương mại.
Hội đàm Mỹ-Trung mới liệu có kết thúc chiến tranh thương mại?
Lo chiến tranh thương mại, Nhật – Trung muốn ‘nâng tầm quan hệ’
Mỹ nói TQ ‘chơi trò đổ lỗi’ trong trận chiến thương mại
Thương chiến Mỹ – Trung: TQ “Đàm thì đàm, chiến thì chiến”
“Chúng tôi tin chắc rằng không một quốc gia nào có thể hoặc nên chiếm lĩnh Ấn Độ-Thái Bình Dương và chúng tôi đang hợp tác cùng với các đồng minh và đối tác để giải quyết các yêu cầu an ninh cấp bách của khu vực này,” ông Esper nói với các phóng viên ở Sydney.
Các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông gây lo ngại trong khu vực và Hoa Kỳ đang thúc đẩy quyền tự do hàng hải cũng như tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia đang phản đối Bắc Kinh.
“Chúng tôi kiên quyết chống lại hành vi hung hăng đáng lo ngại, gây mất ổn định từ Trung Quốc. Họ dùng nợ vay cho các thỏa thuận chủ quyền, và thúc đẩy hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ,” ông Esper nói thêm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 2/8 chỉ trích “hành vi xấu kéo dài hàng chục thập kỷ” của Trung Quốc đã cản trở thương mại tự do.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49188608

Hoa Kỳ tố cáo Trung Cộng khống chế,

phá hoại lưu vực sông Mê Kông bằng các con đập

Vào hôm thứ Tư (31/7), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo khuyến cáo rằng Trung Cộng hiện đang kiểm soát dòng chảy của dòng sông quan trọng nhất Đông Nam Á bằng việc xây dựng một loạt các con đập, khi mực nước dọc sông Mê Kông đạt mức thấp kỷ lục.
Tuyến đường thủy nổi tiếng này bắt nguồn ở Trung Cộng, chảy về phía nam qua các vùng của Thái Lan, Lào, Myanmar, Cambodia và Việt Nam, nuôi sống 60 triệu người trên khắp lưu vực và các nhánh sông. Nhưng các nhóm môi trường đang lo sợ các con đập do Bắc Kinh hậu thuẫn chặn trên thượng nguồn sẽ phá hủy trữ lượng cá và cho phép Trung Cộng thao túng dòng chảy của nước.
Ông Pompeo cho biết các kế hoạch của Trung Cộng đối với dòng sông này, bao gồm việc nổ mìn và nạo vét đáy sông, đang đại diện cho “những xu hướng đáng ngại”.
Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) ở Bangkok đã đánh dấu một thập kỷ kể ngày Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông được phát động, và ông Pompeo đã tận dụng cơ hội này để chỉ ra những sai sót trong hoạt động của Trung Cộng trên sông. Ông đã cáo buộc Trung Cộng về hành vi tiến hành tuần tra sông ngoài lãnh thổ quốc gia và thúc đẩy các quy tắc mới sẽ làm suy yếu Ủy hội sông Mê Kông, một nhóm liên chính phủ chuyên giám sát việc xây dựng dọc bờ sông.
Ông Pompeo hiện đang ở Bangkok để tái khẳng định tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ, cho một khu vực đang ngày càng bị Trung Cộng kiểm soát. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-to-cao-trung-cong-khong-che-pha-hoai-luu-vuc-song-me-kong-bang-cac-con-dap/

Hoa Kỳ và Taliban khởi động đàm phán mới,

mang hi vọng ký kết thỏa thuận hòa bình

Tin từ Kabul — Vào Thứ Bảy (ngày 3 tháng 8), Hoa Kỳ và lực lượng Taliban bắt đầu một vòng đàm phán mới tại Doha, thủ đô Qatar, đồng thời nhìn nhận đây là giai đoạn đàm phán quan trọng nhất để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm ở Afghanistan.
Reuters dẫn lời các viên chức tham gia cuộc đàm phán cho biết, một thỏa thuận hòa bình có thể được dự kiến vào cuối vòng đàm phán thứ tám, xảy ra trước ngày 13 tháng 8 tới đây, và sẽ cho phép các lực lượng ngoại quốc rút khỏi Afghanistan.
Theo Reuters, đặc phái viên hòa bình của Hoa Kỳ tại Afghanistanm, ông Zalmay Khalilzad, người đã tổ chức một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Taliban kể từ năm ngoái, đã đến Soha vào tối Thứ Sáu (ngày 2 tháng 8). Trên Twitter, ông Khalilzad cho biết Taliban đã báo hiệu họ sẽ ký kết một thỏa thuận. Bên cạnh đó, một nguồn thạo tin cho biết một thỏa thuận về việc rút các lực lượng ngoại quốc để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Taliban dự kiến sẽ được ký kết trước ngày 13 tháng 8.
Khoảng 20,000 binh lính ngoại quốc, hầu hết là người Hoa Kỳ, hiện đang ở Afghanistan như một phần của nhiệm vụ NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo để tham gia huấn luyện, hỗ trợ và tư vấn cho các lực lượng Afghanistan. Hai phát ngôn viên của Taliban cho biết một nhóm đàm phán Taliban gồm 19 thành viên sẽ đại diện cho họ trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha. Các nhà lãnh đạo của Taliban từng nhiều lần tuyên bố rằng thỏa thuận ngừng bắn, hoặc đàm phán với chính phủ Afghanistan và các thành viên xã hội dân sự, sẽ không diễn ra cho đến khi Hoa Kỳ công bố kế hoạch rút binh lính ngoại quốc ra khỏi Afghanistan.
Theo Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Tổng thống Trump muốn giảm số lượng các lực lượng chiến đấu ở Afghanistan trước khi cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 11 năm 2020. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-taliban-khoi-dong-dam-phan-moi-mang-hi-vong-ky-ket-thoa-thuan-hoa-binh/

Trump bênh vực lập trường

về thương mại với TQ sau thuế quan mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy nói rằng mọi chuyện đang diễn tiến tốt đẹp với Trung Quốc, khẳng định rằng người tiêu dùng Mỹ không trả thuế nhập khẩu mà ông đã áp đặt lên hàng hóa từ Trung Quốc mặc dù các nhà kinh tế nói rằng người Mỹ đang chịu khoản tiền này.
“Mọi chuyện đang diễn tiến rất tốt đẹp với Trung Quốc. Họ đang trả cho chúng ta hàng chục tỉ đôla, được thực hiện bằng cách phá giá tiền tệ của họ và bơm một lượng tiền lớn để giữ cho hệ thống của họ hoạt động. Cho đến nay người tiêu dùng của chúng ta không phải trả gì hết – và không có lạm phát. Không có sự giúp đỡ từ Fed!” ông Trump nói trên Twitter.
Ông cũng tuyên bố – mà không đưa ra bằng chứng – rằng các nước đang yêu cầu đàm phán “các thỏa thuận thương mại THẬT SỰ,” nói rằng, “Họ không muốn bị Mỹ nhắm mục tiêu áp Thuế quan.”
Ông Trump hôm thứ Năm đột ngột quyết định áp thuế quan 10% lên 300 tỉ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc, gây choáng váng cho các thị trường tài chính và chấm dứt hưu chiến thương mại kéo dài một tháng.
Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố phản đòn.
Thuế quan nhằm làm cho hàng hóa nước ngoài đắt hơn để thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước, trừ phi các nhà xuất khẩu quốc tế giảm giá. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đang giảm giá để ứng phó với thuế quan của ông Trump.
Một nghiên cứu được công bố bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBE) vào tháng 3 cho thấy tất cả các chi phí từ thuế quan áp đặt trong năm 2018 đã được chuyển sang cho người tiêu dùng Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-benh-vuc-lap-truong-ve-thuong-mai-voi-trung-quoc-sau-thue-quan-moi/5027669.html

Hoa Kỳ sẽ sớm triển khai hỏa tiễn tầm trung tại châu Á

Trọng Thành
Thứ Sáu 02/08/2019, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp ước tên lửa tầm trung, ký kết với Nga năm 1987. Ngay ngày hôm sau, 03/08, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper, trên đường công du Úc, tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sớm triển khai loại tên lửa này ở châu Á để lấy lại cân bằng trước ưu thế áp đảo hiện nay của Trung Quốc.
Thông tín viên Thomas Harms tường trình từ Houston :
« Mới đảm nhiệm chức vụ chưa đầy ba tháng nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper vừa có một tuyên bố quan trọng : Washington dự kiến sẽ triển khai nhiều hỏa tiễn tầm trung tại châu Á. Hiện tại, đây mới chỉ là một thông báo về chủ trương. Các địa điểm bố trí tên lửa còn chưa được xác định, hơn nữa Hoa Kỳ cũng chưa bắt đầu thảo luận với các đồng minh trong khu vực về vấn đề này. Việc bố trí loại tên lửa nói trên có thể sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng thống Donald Trump vừa thông báo (hôm thứ Năm 01/08) về việc tăng thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có nguy cơ gây thêm căng thẳng, khiến Bắc Kinh giận dữ. Trên thực tế, Trung Quốc và cả Bắc Triều Tiên lâu nay vẫn cực lực phản đối việc Hoa Kỳ bố trí các phương tiện quân sự sát biên giới các nước này.
Bộ trưởng Mark Esper bảo đảm là chính quyền Trung Quốc sẽ không có các phản ứng tiêu cực. Theo lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, việc bố trí tên lửa tầm trung này chỉ là các biện pháp nhằm chủ động lập lại thế cân bằng, bởi đây là các vũ khí quy ước, và hệ thống hỏa tiễn của Trung Quốc hiện nay bao gồm đến 80% tên lửa tầm trung. Vì vậy ‘‘việc Hoa Kỳ muốn có một lực lượng tương tự (tại khu vực này) sẽ không thể khiến cho phía Trung Quốc ngạc nhiên’’ ».
Về mặt nguyên tắc, Hoa Kỳ có thể bố trí hỏa tiễn quy ước tầm trung tại căn cứ Guam, Tây Thái Bình Dương, trong khi chờ đợi quyết định của các đồng minh, đối tác châu Á.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190804-hoa-ky-se-som-trien-khai-hoa-tien-tam-trung-tai-chau-a

Giới lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi ngừng bán

thiết bị kiểm soát đám đông cho Hồng Kông

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Sáu (2/8), một nhóm các nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã kêu gọi Chính quyền tổng thống Trump đình chỉ việc bán đạn dược và thiết bị kiểm soát đám đông trong tương lai cho cảnh sát Hồng Kông, là lực lượng đã bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình chống chính phủ.
Trong tuần này, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Joshua Wong đã đăng tải trên Twitter những bức ảnh về đạn hơi cay và đạn cao su mà cảnh sát sử dụng để chống lại người biểu tình. Hai chủ tịch của một ủy ban nhân quyền quốc hội, Christopher Smith và James McGocate, đã đưa ra yêu cầu này trong một lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mike Pompeo và Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross. Họ cũng kêu gọi các bộ trưởng đấu tranh chống lại những nỗ lực của chính quyền Hồng Kông và Trung Cộng, nhằm mô tả các cuộc biểu tình của người dân là “bạo loạn”, cũng như việc đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì sự bất ổn chính trị do họ tự tạo ra.
Chính tổng tống Trump trong một phát biểu mới đây đã gọi các cuộc biểu tình ở Hong Kong là “bạo loạn”, và nói đó là chuyện nội bộ của Trung Cộng giải quyết.
Vào hôm thứ Sáu (2/8), hàng ngàn công chức đã lần đầu tiên tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông kể từ khi phong trào biểu tình nổ ra vào hai tháng trước, bất chấp việc chính phủ khuyến cáo rằng côn chức nên giữ thế trung lập về chính trị. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/gioi-lap-phap-hoa-ky-keu-goi-ngung-ban-thiet-bi-kiem-soat-dam-dong-cho-hong-kong/

Mỹ: hai vụ xả súng chết người trong 24 giờ

Chín người thiệt mạng và ít nhất 16 người bị thương trong một vụ xả súng ở Dayton, tiểu bang Ohio, cảnh sát Mỹ vừa xác nhận.
Vào khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương (05:00 GMT), đã có tin về một vụ bắn súng bên ngoài một quầy bar ở quận Oregon, thành phố Dayton.
Truyền thông địa phương đưa tin những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Kẻ xả súng cũng được cho là đã chết.
Vụ việc xảy ra chỉ chưa đầy 24 giờ sau vụ xả súng hàng loạt ở El Paso, Texas, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.
“Chúng tôi có cảnh sát ở ngay trong khu vực và họ đã phản ứng kịp thời và nhanh chóng chấm dứt vụ xả súng,” Cảnh sát thành phố Dayton viết trên Twitter. Chính quyền hiện kêu gọi nhân chứng lên tiếng.
Trợ lý Cảnh sát Trưởng Matt Carper cho các phóng viên biết những nhân viên cảnh sát đã kịp thời hạ gục kẻ xả súng.
“Nhân viên của chúng tôi được đào tạo rất tốt cho những tình huống như thế này,” ông nói. Ông cũng cho biết thêm “thật may mắn là cảnh sát ở rất gần.”
Hiện chưa có thông tin về nghi phạm, nhưng ông Carper nói cảnh sát đang “nóng lòng muốn phát hiện” động cơ của gã.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều người chạy tán loạn trong lúc có tiếng hàng chục phát đạn vọng trên đường phố.
Vụ bắn súng được cho là xảy ra bên ngoài quán ba r Ned Peppers ở Phố E 5th.
Anh Jae Williams cho BBC biết anh đang có mặt tại buổi biểu diễn nhạc rap gần đó thì được báo là mọi người phải sơ tán.
“Tôi rất sốc,” anh nói. “Chúng tôi sơ tán nhanh chóng và an toàn. Họ bảo chúng tôi phải tránh vào quận Oregon.”
“Tôi vào xe, tôi thấy cảnh sát, nhiều xe cứu thương. Khi tôi lái xe qua tôi thấy rất nhiều cảnh sát và xe cứu thương.”.
Vụ xả súng ở El Paso trước đó ít giờ
Trước đó, vào lúc 10:39 giờ địa phương hôm 3/8 (16:39 GMT), cảnh sát thành phố El Paso, Texas, nhận được cuộc gọi báo tin về một vụ xả súng và có mặt tại hiện trường sau 6 phút.
20 người thiệt mạng và 26 người đã bị thương trong vụ việc được coi là vụ xả súng gây thương vong nhiều thứ 8 trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Thống đốc bang Greg Abbott mô tả ngày này là “một trong những ngày tang thương nhất trong lịch sử Texas”.
Vụ xả súng hàng loạt xảy ra tại một của hàng Walmart gần Khu mua sắm Cielo Vista, chỉ cách biên giới Mỹ – Mexico vài dặm.
Một người đàn ông 21 tuổi đã bị bắt giữ. Cảnh sát nói nghi phạm làm cư dân của thị trấn Allen, cách El Paso chừng 650 dặm (1046km) về phía Nam.
Gã có tên Patrick Crusius, theo truyền thông Mỹ.
Các hình ảnh CCTV cho thấy một người đàn ông mặc một chiếc áo phông sẫm màu, đeo tai nghe bảo hộ và cầm một khẩu súng trường kiểu tấn công.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả vụ tấn công này là “một hành động hèn nhát.”
“Tôi biết tôi cùng với tất cả mọi người ở đất nước này lên án hành động thù ghét ngày hôm nay. Không có lý do hay biện minh nào có thể thanh minh cho việc giết hại người dân vô tội,” ông viết trên Twitter.
Các nạn nhân của vụ xả súng này chưa được nêu danh tính. Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nói ít nhất ba người Mexico đã bị giết, theo hãng tin Anh Reuters.
Cảnh sát Mỹ và FBI đang điều tra liệu một “bản tuyên ngôn” ẩn danh có màu sắc dân tộc chủ nghĩa da trắng, được chia sẻ trên một diễn đàn online, có phải là do kẻ xả súng viết không.
Tài liệu này nói vụ tấn công là nhắm vào cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha địa phương.
Chưa đây một tuần trước, hôm 29/7, một thiếu niên xả súng vào người dân tại lễ hội ẩm thực ở California, làm ba người thiệt mạng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49225676
PHÁP

« Người bay » vượt eo biển Manche thành công

Trọng Thành
Công dân Pháp Franky Zapata, mệnh danh « người bay », đã vượt eo biển Manche thành công ngày hôm nay, Chủ nhật 04/08/2019, sau lần vượt biển thất bại cách nay mươi hôm. Quân đội Pháp quan tâm đến phương tiện đặc biệt của « người bay », có thể được sử dụng trong hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm tại khu vực đô thị.
Franky Zapata, 40 tuổi, khởi hành chuyến bay vào lúc hơn 6 giờ sáng, tại một bãi biển Sangatte, ở miền bắc nước Pháp. Trong bộ quần áo dính liền, bao gồm 5 động cơ phản lực nhỏ, người bay đã đến được bãi biển St Margaret’s Bay, trong hơn 20 phút.
Trên đường bay sang nước Anh, với độ cao từ 15 đến hơn 20 mét, Franky Zapata phải dừng lại một lần trên một chiếc tàu để nạp thêm nhiên liệu. Đến nơi, « người bay » tâm sự : khi nhìn thấy bở biển nước Anh ở chân trời, ông đã để cho cảm giác vui sướng tràn ngập, cho dù hai đùi « bỏng rát ». Chuyến bay trên mặt biển dài 35 km thường xuyên ở tốc độ 160 – 170 km/giờ, thậm chí lên đến 190 km/giờ.
Cựu vận động viên trượt nước Franky Zapata, rất mệt mỏi sau chuyến bay, nhưng đã nghĩ đến các kế hoạch mới : chế tạo xe hơi bay đầu tiên, có thể lướt trên những đám mây. Mơ ước của Franky là bay trên những đám mây ở độ cao 2.000 mét.
« Người bay » từng gây xôn xao vào ngày duyệt binh mừng Quốc khánh Pháp 14/7, khi biểu diễn trước mặt tổng thống Pháp với phương tiện bay « 100% sản xuất tại Pháp ». Sáng chế của Franky Zapata đã được trưng bày lần đầu tiên cuối năm 2018 tại Triển lãm quốc phòng Pháp (Forum Innovation Défense). Các lực lượng đặc nhiệm Pháp quan tâm đến thiệt bị này, có thể được sử dụng trong các hoạt động đặc biệt tại khu vực đô thị. Công ty Z-AIR của ông được bộ Quân Lực Pháp hỗ trợ 1,3 triệu euro.
http://vi.rfi.fr/phap/20190804-nguoi-bay-vuot-eo-bien-manche-thanh-cong

Bắc Ailen : Gay Pride mừng luật hôn nhân đồng giới

sắp có hiệu lực

Thu Hằng
Tạm gác qua một bên bất đồng về Brexit với Luân Đôn, ngày 03/08/2019, hàng nghìn người ủng hộ cộng đồng người đồng tính, chuyển giới (LGBT) Bắc Ailen đã tham gia đoàn tuần hành Gay Pride ở Belfast. Hôn nhân đồng tính sắp được hợp pháp hóa ở Bắc Ailen, vùng đất duy nhất vẫn còn bị cấm ở Vương Quốc Anh.
Thông tín viên RFI Marina Daras tường trình từ Luân Đôn :
« Lá cờ bảy sắc cầu vồng lần đầu tiên được giương lên sáng thứ Bẩy (03/08) ở thành phố Belfast. Đây là thời điểm « vô cùng quan trọng » đối với thị trưởng John Finucane và ông cho biết rất tự hào được tham gia sự kiện lịch sử này.
Thủ tướng Cộng Hòa Ailen Leo Varadkar cũng có mặt và đi đầu đoàn tuần hành, bên cạnh một chiếc xe bọc thép của cảnh sát cũng được phủ những chiếc lá cờ bẩy màu.
Vài chục nghìn người đã xuống đường ở Belfast để tham gia cuộc tuần hành đầu tiên kể từ khi luật hôn nhân đồng tính được thông qua. Ngày 09/07, Nghị Viện Anh đã thông qua việc mở rộng luật hôn nhân đồng tình và nạo phá thai cho Bắc Ailen. Vùng đất thuộc Anh này từng chỉ trích bị đối xử thiếu công bằng vì luật trên không được áp dụng tại Bắc Ailen, so với những khu vực khác trong Liên Hiệp Anh.
Luật hôn nhân đồng tính sẽ có hiệu lực từ ngày 21/10, nếu từ giờ tới đó Nghị Viện Bắc Ailen không bị thay đổi.
Vấn đề bình quyền luôn chia rẽ công luận Bắc Ailen. Một nhóm nhỏ người biểu tình phản đối cuộc tuần hành Gay Pride đã tập trung trước tòa thị chính Belfast, để ngăn đoàn tuần hành đi qua ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190804-bac-ailen-gay-pride-mung-luat-hon-nhan-dong-gioi-sap-co-hieu-luc

Phe đối lập Nga tiếp tục biểu tình,

bất chấp sự đàn áp của chính phủ Putin

Tin từ MOSCOW, Nga – Vào hôm thứ Bảy (3/8), phe đối lập của Nga đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ khác, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng từ chính quyền.
Chính quyền Nga đã bắt giữ gần 1,400 người trong một cuộc biểu tình hồi tuần trước, và hôm nay đã bắt giữ 600 người. Cuộc diễn hành dọc theo các đại lộ của Moscow sẽ là sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc biểu tình, sau khi chính phủ Putin từ chối cho các ứng cử viên phe đối lập nổi tiếng tham gia cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới.
Vấn đề này đã phát triển thành một trong những cuộc xung đột chính trị tồi tệ nhất trong những năm gần đây, với các cuộc biểu tình lên tới 22,000 người và cảnh sát sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình.
Hơn 6,000 người đã tuyên bố trên Facebook rằng họ sẽ tham gia cuộc diễn hành dọc theo Boulevard Ring của Moscow vào hôm thứ Bảy để “giành lại quyền bầu cử”.
Chính quyền cho biết các ứng cử viên đã bị loại vì họ giả mạo lượng chữ ký cần thiết. Nhưng các ứng cử viên, bao gồm các đồng minh của nhà phê bình Kremlin hàng đầu Alexei Navalny, khẳng định rằng chữ ký của họ bị loại bỏ một cách tùy tiện, và toàn bộ quá trình kiểm tra đã bị gian lận theo hướng bất lợi cho họ.
Nhiều người dân Moscow cho biết chữ ký ủng hộ phe đối lập của họ đã bị tuyên bố không hợp lệ mà không có lý do rõ ràng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/phe-doi-lap-nga-tiep-tuc-bieu-tinh-bat-chap-su-dan-ap-cua-chinh-phu-putin/

Cảnh sát Nga

câu lưu hơn 800 người biểu tình ở Moscow

Cảnh sát Nga câu lưu hơn 800 người tham gia một cuộc biểu tình ở Moscow hôm thứ Bảy đòi bầu cử tự do sau khi chính quyền cảnh báo cuộc biểu tình là bất hợp pháp.
OVD-Info, một tổ chức theo dõi độc lập, cho biết cảnh sát đã bắt giữ 828 người, trong một số trường hợp đánh họ bằng dùi cui trong khi họ nằm trên sàn nhà. Reuters cho biết phóng viên của họ đã chứng kiến hàng chục vụ bắt giữ.
Cảnh sát nói họ câu lưu 600 người và cho biết 1.500 người đã tham gia cuộc biểu tình, dù các đoạn video quay các cuộc biểu tình bùng lên ở các khu vực khác nhau ở Moscow cho thấy số người tham gia có thể nhiều hơn, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết cuộc biểu tình ngày thứ Bảy nhỏ hơn cuộc biểu tình một tuần trước đó, nhưng nêu bật quyết tâm của một số người chỉ trích Điện Kremlin – đặc biệt là những người trẻ tuổi – tiếp tục đòi hỏi mở ra hệ thống chính trị được điều khiển chặt chẽ của Nga.
Sự giận dữ của người biểu tình tập trung vào việc một số ứng cử viên có tư tưởng đối lập, một số người là đồng minh của chính trị gia đối lập bị bỏ tù Alexei Navalny, bị cấm tham gia cuộc bầu cử vào tháng 9 vào cơ quan lập pháp thành phố Moscow.
Cuộc bỏ phiếu đó, dù ở quy mô địa phương, được coi là một cuộc tổng dượt cho cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021.
Nhà chức trách nói rằng các ứng cử viên đối lập đã không thu thập đủ chữ kí thực thụ để đăng kí. Các ứng cử viên bị loại nói rằng đó là lời nói dối và nhất mực đòi tham gia một cuộc bầu cử mà họ tin rằng họ có thể giành chiến thắng.
Các nhà quan sát cho biết cảnh sát hiện diện với số lượng đông đảo nhất tại một cuộc biểu tình trong gần một thập niên. Truy cập internet di động bị mất ở một số khu vực và cảnh sát phong tỏa nhiều nơi ở trung tâm Moscow để ngăn người dân tụ tập.
Trong một cuộc biểu tình tương tự trước đó một tuần, cảnh sát bắt giữ hơn 1.300 người trong một trong những hoạt động an ninh lớn nhất trong những năm gần đây khiến quốc tế lên án.
Nhà chức trách đã tiến hành một loạt những vụ giam giữ và khám xét nhà mới trước cuộc biểu tình vào ngày thứ Bảy và mở các thủ tục tố tụng hình sự cho điều mà họ gọi là tình trạng bất ổn dân sự, một tội có thể bị tuyên phạt tới 15 năm tù.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-nga-cau-luu-gan-hon-800-nguoi-bieu-tinh-o-moscow/5027733.html

Iran bắt một tàu dầu nữa ở Vịnh Ba Tư,

 theo truyền thông nhà nước

Iran vừa bắt một tàu chở dầu nước ngoài nữa ở vùng Vịnh, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
Một chỉ huy trưởng Lực lượng Cảnh vệ Cách mạng được trích lời nói rằng hải quân nước này đã “bắt một tàu chở dầu nước ngoài ở Vịnh Ba Tư đang chở dầu lậu cho một số nước Ả Rập.”
Theo tin này, con tàu chở 700.000 lít dầu và bảy thủy thủ trên tàu đã bị giữ.
Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao sau khi Mỹ thắt chặt lệnh trừng phạt lên ngành dầu khí của Iran.
Lệnh trừng phạt được áp dụng lại sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.
Đây là lần thứ hai Iran cáo buộc tàu chở dầu chở dầu lậu. Hôm 13/7, lực lượng tuần duyên Iran bắt tàu MT Riah có treo cờ Panama.
Trang tin của Lực lượng Cảnh vệ Cách mạng Sepah nói lúc đó rằng con tàu bị bắt trong một cuộc tuần tra nhằm “phát hiện và đương đầu với buôn lậu có tổ chức”.
Hải quân Anh ngăn Iran ‘định bắt’ tàu dầu ở Vịnh Oman
Anh ‘quan ngại sâu sắc’ vụ Iran bắt tàu dầu
Mỹ nói ‘bắn hạ’ máy bay drone của Iran
Cũng trong tháng trước, Iran bắt tàu Stena Impero mang cờ Anh Quốc tại Eo biển Hormuz, cáo buộc tàu này đã đâm vào một chiếc thuyền đánh cá.
Mỹ lên án Iran vì hai vụ tấn công có sử dụng chất nổ, gây thiệt hại cho các tàu chở dầu ở Vịnh Oman hồi tháng Năm và tháng Sáu. Tehran phủ nhận cáo buộc này.
Chúng ta biết gì về vụ bắt tàu mới nhất?
Hãng tin Fars đưa tin hoạt động chặn bắt tàu này được thực hiện hôm thứ Tư gần đảo Farsi trong vùng Vịnh Ba Tư.
Tàu chở dầu được đưa tới Bushehr và lượng dầu trên tàu được giao cho nhà chức trách, hãng tin này cho biết thêm.
Hải quân Anh ngăn Iran ‘định bắt’ tàu dầu ở Vịnh Oman
Hiện chưa rõ tàu này mang cờ nước nào cũng như quốc tịch của bảy thủy thủ trên tàu.
Chiếc tàu này dường như chưa được báo là mất tích.
Biên tập viên chuyên về thời sự Ả Rập của BBC Sebastian Usher nói mặc dù lượng dầu là tương đối nhỏ, vụ bắt giữ này chắc chắn sẽ làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Bối cảnh ở vùng Vịnh
Căng thẳng dâng cao ở vùng Vịnh từ khi Mỹ thắt chặt trừng phạt về dầu mỏ với Iran.
Mỹ đổ cho Iran đã gây ra hai vụ tấn công có sử dụng chất nổ, gây thiệt hại cho các tàu chở dầu ở Vịnh Oman hồi tháng Năm và tháng Sáu, điều mà Tehran phủ nhận.
Iran cũng đã bắn hạ một drone giám sát của Mỹ ở Eo biển Hormuz trong hoàn cảnh gây tranh cãi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49225677

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn ra biển Nhật Bản?

Triều Tiên tiếp tục phóng các vật thể bay tầm ngắn vào sáng sớm 2-8. Thông tin ban đầu cho thấy vụ phóng này tương tự với 2 vụ phóng tên lửa tầm ngắn mà Bình Nhưỡng thực hiện trong vòng 8 ngày qua.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết các vật thể bay được phóng vào lúc 2h59 và 3h23 sáng nay 2-8 (giờ địa phương) từ khu vực Yonghung, tỉnh Hamgyong Nam, phía đông Triều Tiên ra biển Nhật Bản, theo Hãng tin Yonhap.
“Chúng tôi đang theo dõi tình hình phòng trường hợp có thêm các vụ phóng khác, và duy trì vị trí sẵn sàng” – JCS thông tin.
Chuyên gia Ankit Panda đến từ Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) nhận định khu vực thực hiện vụ phóng trên dường như là một bãi phóng chưa từng được sử dụng trước đây, theo Đài BBC.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết lực lượng tình báo quân đội Mỹ đã theo dõi vụ phóng mới nhất của Triều Tiên và nhận định vật thể bay trong vụ phóng này dường như tương tự với các tên lửa tầm ngắn được phóng vào đầu tuần.
Trong khi đó, một quan chức Mỹ thứ hai nói với Đài CNN rằng đánh giá ban đầu cho thấy Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết vẫn chưa ghi nhận ảnh hưởng ngay lập tức từ vụ phóng mới nhất của Triều Tiên tới an ninh nước này.
Theo trang Vox, việc Triều Tiên liên tiếp tiến hành 3 vụ phóng trong vòng 8 ngày qua – trước đó là các vụ phóng hôm 25-7 và 31-7 – một phần nhằm gửi thông điệp tới Mỹ và Hàn Quốc khi hai nước vẫn xúc tiến kế hoạch tập trận chung trong tháng 8 bất chấp cảnh báo của Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-8 (giờ Mỹ) cho biết ông thấy “không có vấn đề gì” với những vụ thử nghiệm tên lửa mới đây của Triều Tiên. Phát biểu tại Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng đây chỉ là những tên lửa tầm ngắn và “rất chuẩn mực”.
Khi được các phóng viên hỏi về khả năng tiếp tục đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, ông Trump đáp: “Chắc chắn được chứ! Vì đây chỉ là những tên lửa tầm ngắn mà thôi! Chúng tôi không bao giờ thảo luận về chúng và chỉ thảo luận vấn đề hạt nhân. Nhiều quốc gia khác cũng thử loại tên lửa như vậy”.
http://biendong.net/bi-n-nong/29683-trieu-tien-phong-ten-lua-tam-ngan-ra-bien-nhat-ban.html

Hong Kong:

Tiếp tục bắt người trước đợt biểu tình mới

Hôm 4/8, cảnh sát Hong Kong cho biết đã bắt giữ hơn 20 người sau khi đụng độ với người biểu tình trong đêm qua.
Dự báo các cuộc biểu tình mới tiếp tục diễn ra trong lúc có tin sẽ có tổng đình công nhằm đình trệ nhịp sinh hoạt của thành phố.
Biểu tình Hong Kong và một góc nhìn từ Việt Nam
Hong Kong: Hàng vạn người biểu tình
Biểu tình Hong Kong: Công nghệ hỗ trợ biểu tình như thế nào?
Hong Kong bị choáng sau đợt biểu tình
Hôm 3/8, cảnh sát bắn đạn hơi cay trong cuộc đối đầu với các nhà hoạt động mặc áo đen ở khu Kowloon. Đây là sự leo thang mới nhất sau hơn hai tháng diễn ra biểu tình phản đối dự luật Dẫn độ.
Thông cáo phát đi vào rạng sáng 4/8 của cảnh sát Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ hơn 20 người vì các hành vi gồm tụ tập bất hợp pháp.
Những người biểu tình đốt lửa trên đường phố, bên ngoài đồn cảnh sát và thùng rác, cũng như chặn lối vào đường hầm xuyên cảng (Cross-Harbour Tunnel).
Các cửa hàng lớn trong khu thương mại ở đường Nathan, thường đông nghẹt người vào thứ Bảy, đã bị đóng cửa gồm cửa hàng 7 Eleven, chuỗi tiệm trang sức Chow Tai Fook (1929.HK), các cửa hàng Rolex và Tudor.
Một cuộc biểu tình quy mô lớn được lên kế hoạch vào hôm 4/8 tại các quận phía tây, gồm thị trấn Tseung Kwan O.
Giới hoạt động kêu gọi cuộc tổng đình công hôm 5/8 trong lĩnh vực giao thông và tại các khu kinh doanh.
Từ phản ứng tức giận ban đầu trước dự luật Dẫn độ nay người dân Hong Kong mở rộng thành đòi hỏi cho nền dân chủ lớn hơn và đòi Trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Các cuộc biểu tình liên tiếp trở thành cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hong Kong từ khi thành phố này được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước.
Hàng ngàn công chức đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ vào hôm 2/8 lần đầu tiên từ khi đợt biểu tình nổ ra hồi tháng 6, bất chấp cảnh báo từ chính quyền.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49188607

Người biểu tình Hong Kong ném cờ TQ,

đụng độ với cảnh sát

Người biểu tình và nhà chức trách ở Hong Kong lại đụng độ vào ngày thứ Bảy, trong lúc người biểu tình tháo quốc kì của Trung Quốc khỏi cột cờ và ném nó xuống Cảng Victoria mang tính biểu tượng và cảnh sát đã bắn hơi cay sau khi một số người biểu tình phá hoại đồn cảnh sát.
Vào chiều ngày thứ Bảy, hàng chục ngàn người biểu tình mặc đồ đen đã tràn xuống chật kín một con đường lớn trong một khu chợ đông đúc, nơi mà các cửa hàng đã đóng cửa từ trước vì dự liệu một cuộc biểu tình kéo dài, theo AP. Họ cũng chặn một đường hầm và bao vây các đồn cảnh sát nơi mà các dịch vụ không khẩn cấp bị đình chỉ.
Cảnh sát đã cảnh báo trước đó trong ngày rằng những người nào tiếp tục vượt qua phạm vi biểu tình được chấp thuận trước sẽ là vi phạm pháp luật. Họ kêu gọi người biểu tình đi theo các tuyến đường và thời gian đã được định sẵn sau khi các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra trong các cuộc biểu tình trước đó trong phong trào biểu tình kéo dài suốt mùa hè. Bất kì cuộc biểu tình nào không được chấp thuận trước sẽ bị “đẩy lùi” như những cuộc tụ tập bất hợp pháp, cảnh sát nói.
Sau khi những người biểu tình thách thức những lời cảnh báo đó, cảnh sát bắn một loạt hơi cay vào tối ngày thứ Bảy để đẩy lùi một số người biểu tình ném gạch vào đồn cảnh sát và xịt sơn lên tường bên ngoài, AP tường trình.
Những người biểu tình sau đó dựng hàng rào chướng ngại vật với dù, rào chắn đường bằng kim loại và thùng rác công cộng trong khi cảnh sát cầm khiên đứng yên và giương cao các biểu ngữ cảnh báo về hơi cay. Người biểu tình cũng đốt các tấm các-tông để tạo thành rào chắn.
Trong một cuộc biểu tình riêng rẽ vào ngày thứ Bảy, hàng ngàn người mặc đồ trắng tập trung tại một công viên ở Hong Kong để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cảnh sát. Họ giơ cao những biểu ngữ có nội dung “Hãy cho hòa bình một cơ hội.”
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ bắt đầu dựng các trạm sơ cứu và phát mũ bảo hiểm vài giờ sau khi cuộc tập hợp của họ bắt đầu. Khi một nhóm đến bến cảng gần một trung tâm mua sắm sang trọng và khách sạn cao cấp, một số người biểu tình đã trèo lên một cụm cột cờ và gỡ quốc kì Trung Quốc.
Sau khi tranh luận có nên sơn cờ đen lá cờ hay không, họ quyết định ném nó xuống nước trước khi cảnh sát can thiệp.
Một thuộc địa cũ của Anh, Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” cho thành phố này một số quyền tự do nhất định mà cư dân đại lục không được hưởng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số người Hong Kong đã cáo buộc Bắc Kinh làm xói mòn quyền tự chủ của họ thông qua việc bắt giữ những người bán sách và nhà hoạt động.
Những tình cảm như vậy đã thúc đẩy các cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, được khơi mào vào đầu tháng 6 bởi một đạo luật dẫn độ được đề xuất mà sẽ cho phép cư dân Hong Kong bị đưa đến Trung Quốc đại lục để hầu tòa.
Dù chính phủ đã đình chỉ luật này, những người biểu tình tiếp tục gây sức ép với năm yêu cầu chính, bao gồm bầu cử trực tiếp và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát. Nhà lãnh đạo Hong Kong được lựa chọn bởi một ủy ban thân Bắc Kinh.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bieu-tinh-nem-co-trung-quoc-dung-do-voi-canh-sat/5027781.html

Miến Điện : Biểu tình phản đối

Mỹ trừng phạt các tướng lãnh cao cấp

Thụy My
Tại Rangoon hôm qua 03/08/2019, cả ngàn người tuần hành để phản đối việc Hoa Kỳ trừng phạt tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh. Hôm 16/7, Washington ra lệnh cấm các nhân vật trên nhập cảnh vì vai trò của họ trong việc « thanh lọc chủng tộc » đối với người thiểu số Rohingya.
Thông tín viên Sarah Bakaloglou tường trình từ Rangoon :
« Hai bức chân dung của tổng tư lệnh quân đội đối diện với đám đông. « Mỹ hãy tránh ra ! » – người biểu tình hô vang. Tại đất nước này, người thiểu số Hồi giáo Rohingya ít được cảm tình.
Một sinh viên 19 tuổi đến ủng hộ giới quân nhân, nói : « Tôi không muốn Hoa Kỳ can thiệp vào chính trị Miến Điện, và những gì họ nói là sai. Quân đội là thành lũy của đất nước, không thể nào sống mà không có quân đội ».
Đám đông còn phản đối mọi tu chính Hiến pháp, cũng để ủng hộ giới quân nhân. Bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi bản Hiến pháp năm 2008, chủ yếu nhằm làm giảm quyền lực của quân đội.
Một người biểu tình khoảng 60 tuổi phản đối việc này, ông nói : « Chúng tôi cần có sự hiện diện của các quân nhân trong Quốc Hội, vì Miến Điện chỉ mới khởi đầu thời kỳ chuyển đổi dân chủ. Bà Aung San Suu Kyi muốn sửa đổi điều khoản trong Hiến pháp đã ngăn trở bà lên làm tổng thống, vì các con bà mang quốc tịch nước ngoài. Tôi không thể chấp nhận được điều này ».
Trong những tháng gần đây, các cuộc biểu tình dân tộc chủ nghĩa nhằm ủng hộ giới quân nhân liên tục diễn ra trên cả nước, được tổng tư lệnh quân đội Miến Điện khuyến khích ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190804-mien-dien-bieu-tinh-phan-doi-my-trung-phat-cac-tuong-lanh-cao-cap

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.