Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 19/08/2019

Tuesday, August 20, 2019 2:23:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 19/08/2019

An ninh giữ 4 người biểu tình phản đối Trung Quốc

4 nhà hoạt động vừa bị công an câu lưu nhiều giờ sau khi biểu tình phản đối Trung Quốc ở quán cafe Hòn Chồng ở thành phố Nha Trang vào sáng ngày 18 tháng 8.
Chị Nguyễn Lai, một trong số những người biểu tình và bị câu lưu vào tối ngày 18 tháng 8 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại:
Bọn chị kêu gọi biểu tình liên tục từ ngày 22 đến ngày 25 (tháng 8) trước các nơi có người Trung Quốc, và đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc, nhưng ở Nha Trang thì không có lãnh sự quán Trung Quốc nên chị quyết định biểu tình ở quán cafe Hòn Chồng là nơi tập trung Trung Quốc rất nhiều.”
Chị Nguyễn Lai cho biết 5 nhà hoạt động biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính của Việt Nam ở khu vực Biển Đông và cuộc biểu tình chỉ có tính chất ôn hòa. Tuy nhiên, người bảo vệ vẫn không đồng ý cho phép những người biểu tình tiếp tục đứng đó cầm biển.
Ảnh nghe đến đó là ảnh giật băng rôn, giằng co với chi, rồi chửi thề,… họ không cho bọn chị đi về. Ảnh kêu công an, bộ đội biên phòng và an ninh tới lúc đó. Thực sự khi lên đồn làm việc thì người ta cũng không làm căng mà mình chỉ thuật lại những lời nói đó thôi”, chị Nguyễn Lai cho biết.
Trước khi công an đến, một người biểu tình đã thoát về. 4 người biểu tình còn lại bị câu lưu tại đồn công an phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang từ khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.
Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ bằng điện thoại với công an phường Vĩnh Phước nhưng không nhận được câu trả lời về vụ câu lưu này.
Từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 và Hải cảnh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ ngày đầu tháng 7 đến nay, đã có một số những cuộc biểu tình nhỏ diễn ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 10 tháng 8, một nhóm các nhân sĩ trí thức ở Sài Gòn cũng tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ phản đối Trung Quốc ngày trước tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh.
Vào ngày 6 tháng 8, một số nhà hoạt động ở Hà Nội cũng đã tiến hành một cuộc biểu tình nhỏ ngay trước Đại sứ quán Trung Quốc. Cuộc biểu tình đã bị lực lượng công an yêu cầu giải tán ngay sau đó.

500 xe container chở Thanh Long Việt Nam

xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn

Từ ngày 10/8 tới nay, khoảng 500-700 xe container chở trái Thanh Long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn tại bãi tập kết cửa khẩu Quốc tế Đường bộ II Kim Thành (Lào Cai) để chờ được thông quan.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 19/8 trích lời của ông Lê Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, cho biết lý do của việc tắc nghẽn là vì hải quan Trung Quốc chỉ giải quyết thủ tục nhập khẩu tối đa cho hơn 200 xe container Thanh Long mỗi ngày.
Trong khi đó, ông Phương nói thêm, hiện đã vào chính vụ thu hoạch trái Thanh Long Việt Nam nên lượng xe chở mặt hàng xuất khẩu này đổ về cửa khẩu Lào Cai rất lớn, gây ra tình trạng ún ứ tại cửa khẩu.
Trả lời báo Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn), khẳng định khả năng thông quan phía Việt Nam vẫn bình thường, kể cả việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, ông Trung nói, vấn đề tắt nghẽn tại cửa khẩu hoàn toàn nằm ở phía Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết sau khi tìm hiểu thì được biết phía Trung Quốc đang kiểm tra chặt chẽ hàng nhập khẩu vì lý do trước đó đã phát hiện một số cán bộ hải quan nước này tiếp tay cho nạn buôn lậu. Ông Hoàng Trung nêu ví dụ phía Trung Quốc lo ngại xe chở Thanh Long nhưng có thể tuồn thêm mặt hàng khác, và phải dùng máy soi để kiểm tra.
Tin cho biết hiện nay nhiều xe container chở Thanh Long Việt Nam đã phải nằm tại bãi tập kết đến 3 ngày mà chưa đến lượt làm thủ tục.
Theo báo trong nước, sản lượng trái Thanh Long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai tính từ đầu năm đến nay là khoảng 480 ngàn tấn, đạt tổng kim ngạch 313 triệu USD.

Facebook Việt Nam sẽ gỡ bỏ

 những tài khoản không sử dụng tên thật

Đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật và yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính của mình. Báo trong nước đưa tin hôm 19/8/2019.
Quyết định này liên quan đến việc Bộ Thông tin-Truyền thông yêu cầu Facebook phải tiến hành định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, và bắt đầu áp dụng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu, Facebook phải thực hiện định danh tài khoản của người dùng và chỉ có các tài khoản định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (live stream); đồng thời Facebook cũng cần phải có chính sách kiểm tra trước và gỡ quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi Chính phủ Việt Nam yêu cầu.
Báo Người Lao Động trích lời đại diện Facebook tại Việt Nam rằng “Facebook yêu cầu người dùng phải cung cấp danh tính thực của mình, và chúng tôi sẽ gỡ bỏ những tài khoản không sử dụng tên thật trên nền tảng của mình theo chính sách về thông tin sai lệch”.
Báo này hôm 17/8 dẫn lời một chuyên gia trong lĩnh vực Thông tin – Truyền thông cho hay “Việc yêu cầu Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam và yêu cầu họ phải có những hợp tác chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước là để ngăn chặn các tài khoản mạo danh, xuyên tạc nội dung, nói xấu…”
Theo lý giải của Bộ Thông tin-Truyền thông với báo chí trong nước thì sở dĩ bộ yêu cầu Facebook phải định danh tài khoản người dùng tại Việt Nam là do Facebook không đồng ý gỡ các bài viết, nội dung theo yêu cầu của phía Việt Nam vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của Facebook đã và đang thực hiện giống nhau trên thế giới.

Cuối tháng 8 khởi công cao tốc Bắc – Nam

đoạn Cam Lộ – La Sơn

Đoạn đầu tiên trong 11 đoạn cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất Chính phủ cho phép khởi công vào cuối tháng tám.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 19/8/2019.
Đoạn Cam Lộ-La Sơn dài 98km là đoạn đầu tiên trong 11 đoạn cao tốc thuộc  Dự án cao tốc Bắc-Nam được đầu tư trong giai đoạn 2017-2021.
Cụ thể theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gởi chính phủ, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là công trình quan trọng Quốc gia, sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, đoạn Cam Lộ-La Sơn đã đủ điều kiện khởi công theo quy định tại Điều 107, Luật Xây dựng năm 2014, do đó lễ khởi công dự án sẽ diễn ra ngày 31/8/2019, tại thôn Tân Trúc, xã Cam Tuyến, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn có tổng chiều dài trên 98km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.699 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỷ đồng…
Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi mở thầu sơ tuyển 7 dự án thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đã có 51 nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nộp hồ sơ dự tuyển.
Dự án cao tốc Bắc-Nam dài 2.109km, kéo dài từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km.

Công an Hà Nội bác tin đồn

tài xế xe đưa rước trường Gateway tự tử

Tin từ Hà Nội, ngày 19/8/2019: Báo Dân Trí đưa tin công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phủ nhận tin đồn lái xe Đỗ Quý Phiến của trường tiểu học Gateway, người liên quan đến cái chết của cháu L. đầu tháng này, đã tử vong.
Phía công an nói chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ gia đình ông Phiến như tin đồn ác ý trên mạng xã hội, và khẳng định vẫn đang điều tra cái chết của cháu L.
Theo trường Gateway, cháu L. bị bỏ quên trên xe của ông Phiến từ sáng sớm đến 16 giờ và do vậy cháu bị chết. Tuy nhiên, lời giải thích này có vẻ không hợp lý nên có nhiều đồn đoán trên mạng Facebook về nguyên nhân thực sự làm cháu chết.
Người đi cùng xe và đón 13 học sinh từ nhà đến trường nói bà ta đã đưa cháu L. vào trường. Buổi sáng cháu L mặc áo màu đỏ, nhưng khi cháu được bế ra từ xe của ông Phiến lúc 16 giờ lại mặc áo trắng. Đầu cháu có vết thương, và có máu ở giày cùng chỗ khác.
Trường Gateway có lắp nhiều camera nhưng mọi dữ liệu của ngày hôm đó đã bị xoá hết, làm dư luận đặt câu hỏi liệu trường đang che giấu điều gì. Việc liên lạc giữa trường và gia đình cũng có vấn đề vì thông thường trường phải kết nối ngay với gia đình nếu phát hiện sự vắng mặt của bất cứ học sinh nào. Trong khi đó, công an Hà Nội từ chối công bố thông tin chi tiết về sự việc trên.
Cư dân mạng kháo nhau rằng tù mù về cái chết của cháu L. có liên quan đến những cổ đông sáng lập của Gateway thuộc tập đoàn giáo dục Edufit, gồm Trần Thị Hồng Vân, Trần Thị Hồng Hạnh, Thị Huyền và Nguyễn Thị Xuân Trang. Trang là con gái của Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, còn Vân là con của trung tướng Trần Văn Đệ, chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an.
Quốc Tuấn

Việt Nam đưa chiến hạm Quang Trung O16

ra Bãi Tư Chính

Tin từ Việt Nam, ngày 18/8/2019: Theo nhiều nguồn tin khác nhau trên mạng xã hội, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đưa chiến hạm Quang Trung 016 ra Bãi Tư Chính để đối phó với sự gây hấn của Trung Cộng ở khu vực này.
Hôm 17 Tháng Tám, 2019, trên trang Twitter của Ông Ryan Martinson, nhà nghiên cứu về Hải Quân Trung Quốc, giảng viên tại Trường Hải Chiến Hoa Kỳ cho biết, hình ảnh trên vệ tInh cho thấy xuất hiện 2 tàu có tên Vpns Quangtrung và Truong Sa 401012 đang đi vào khu vực bãi Tư Chính. Xung quanh có tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 37111 và Zhongguohaijing 33111
Ông Ryan cũng cho biết, Tàu Quang Trung đã rời cảng Cam Ranh từ ngày 15 tháng 8.
Có tin nói rằng Quang Trung 016 là 1 trong 4 chiến hạm hiện đại nhất của quân đội cộng sản Việt Nam, thuộc lớp Gepard 3.9 sản xuất bởi Liên bang Nga, với tính năng săn tìm, theo dõi và tác chiến hiệu quả chống các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, rải lôi, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.
Không một báo lề đảng nào đưa tin về việc điều động tàu chiến này ra Bãi Tư Chính. Trung Cộng đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 đến đây hoạt động từ đầu tháng 7. Với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh bán vũ trang, Hải Dương 8 chỉ rời Bãi Tư Chính 5 ngày để tiếp nhiêu liệu ở đảo Chữ Thập ở Trường Sa và quay lại vào ngày 13/8.
Trong nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự quốc tế, Việt Nam đã cử đoàn đại biểu quân sự do thượng tướng Phan Văn Giang, thứ trưởng quốc phòng kiêm tổng tham mưu trưởng, sang thăm Liên bang Nga. Hai bên đồng ý mở rộng hợp tác quốc phòng giai đoạn 2019-2023 và thúc đẩy hợp tác về binh chủng, pháp chế, quân y và đào tạo.
Quốc Tuấn

Vụ Tư Chính làm VN lỡ dự án

phim triệu đô ‘Mission Impossible’?

Một đoàn khảo sát của hãng Mỹ Paramount Pictures mới đây đã gạch Việt Nam khỏi danh sách các địa điểm tiềm năng để quay tập tiếp theo của phim bom tấn “Mission Impossible” (Nhiệm vụ bất khả thi), một nguồn khả tín cho VOA biết.
Theo nguồn tin không muốn nêu danh tính, một lý do quan trọng dẫn đến quyết định kể trên là chuyến bay trực thăng đưa đoàn lên Lũng Cú, Hà Giang, đã không được cấp phép do Việt Nam “lo ngại làm phức tạp tình hình giữa lúc đang có những sự cố ở Biển Đông”.
Nguồn tin, là một trong số các nhà tư vấn được Paramount thuê để trợ giúp cho chuyến đi tới Việt Nam, cho VOA biết, đoàn khảo sát gồm 4 người, trong đó có một nhà sản xuất và một đạo diễn, nhưng không cho biết tên cụ thể.
Nhà sản xuất và đạo diễn của một số tập phim “Mission Impossible” gần đây nhất lần lượt là hai ông Jake Myers và Christopher McQuarrie.
Đoàn của Paramount tiến hành khảo sát ở Việt Nam từ ngày 12 đến 14/8, thăm Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng và Hội An, trong đó có một cuộc gặp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo nguồn tin.
Trợ giúp cho đoàn là ít nhất 5 người đến từ Úc và Thái Lan, thuộc Indochina Productions, công ty từng giúp các hãng Mỹ Legendary Pictures và Warner Brothers quay bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) ở Việt Nam hồi năm 2016, nguồn tin cho hay.
​Tín hiệu ‘nhạy cảm’
Trong kế hoạch của đoàn, họ dự kiến thuê trực thăng bay quan sát Mù Cang Chải, Sa Pa, Đồng Văn và Lũng Cú vào ngày 15/8. Tuy nhiên, đến tối ngày 14/8, Công ty Trực thăng Miền Bắc có trụ sở ở Hà Nội báo với đoàn rằng công ty không được cấp giấy phép bay đến Lũng Cú, sát biên giới với Trung Quốc, “do đang có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông”, theo lời thuật lại của nguồn tin với VOA.
Hai nhân vật chủ chốt trong đoàn khảo sát dự tính rằng các cảnh quay trên không với phong cảnh nền là 4 địa điểm kể trên ở tây bắc Việt Nam sẽ là bối cảnh chính trong phim, nên việc bay khảo sát ở đó là rất quan trọng, nguồn tin cho hay.
Vì vậy, khi chuyến bay không được cấp phép, đoàn khảo sát không thể xác định khu vực đó có phù hợp để quay hay không, và họ quyết định hủy phần còn lại của chuyến khảo sát, cũng như hoàn toàn loại bỏ Việt Nam khỏi danh sách các địa điểm tiềm năng để quay “Mission Impossible”, vẫn theo nguồn tin riêng của VOA.
Một nhân viên marketing của Công ty Trực thăng Miền Bắc cho VOA biết do khoảng cách và đặc điểm địa hình tây bắc Việt Nam, máy bay trực thăng bay từ Hà Nội lên đó phải là loại đạt tiêu chuẩn quân sự, bay được mọi thời tiết.
Giữa lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có căng thẳng về Bãi Tư Chính ở Biển Đông, việc một máy bay trực thăng như vậy của Việt Nam xuất hiện sát vùng biên giới giữa hai nước có thể phát đi tín hiệu “nhạy cảm” cho các trạm radar và “các con mắt theo dõi” bên phía Trung Quốc, nguồn tin là nhà tư vấn cho Paramount nói.
Tuy nhiên, khi VOA kiểm chứng thông tin này với Công ty Trực thăng Miền Bắc, Phó Giám đốc Nguyễn Nhật Huyền nói:
“Thông tin đấy là không đúng. Đây là những lý do về quản lý hoạt động bay thôi, chứ nó không có liên quan. Tầm chúng tôi là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực thăng và một nhà khai thác trực thăng, chúng tôi tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh thôi, các lý do khác chúng tôi không quan tâm”.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, khi được hỏi về kết quả làm việc giữa đoàn của Paramount với lãnh đạo bộ, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, chỉ trả lời ngắn gọn:
“Xin lỗi, chúng tôi không trả lời câu hỏi này với báo chí. Xin lỗi, tôi đang họp”.
​Nguyên nhân nào khác?
Trước khi đến Việt Nam, đoàn khảo sát của Paramount đã đi tìm địa điểm quay cho phần tiếp theo của “Mission Impossible” ở một loạt quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Bolivia, Colombia, Hà Lan, Ý, Thụy Điển, Anh, Bồ Đào Nhà và Tunisia, v.v…, nguồn tin nói với VOA.
Vẫn theo nguồn tin, vấn đề giấy phép cho chuyến bay trực thăng có thể là nguyên nhân lớn nhất, dễ thấy nhất của việc Paramount không chọn Việt Nam, song bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác.
Ngay từ đầu, trong quá trình thương thảo việc thuê trực thăng, phía Paramount đã có cảm giác “bị lợi dụng” khi phía công ty dịch vụ đòi số tiền cao gấp đôi mức giá mà Paramount từng trả cho những chuyến bay có thời gian bay và tính chất tương tự khi họ thuê ở các nước khác, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin không nói cụ thể số tiền phía công ty Việt Nam đòi Paramount là bao nhiêu. Theo tìm hiểu của VOA, một chuyến bay trực thăng kéo dài 5 giờ ở Mỹ và một số nước phát triển khác có giá từ 11.000 đến xấp xỉ 20.000 đô la.
Chất lượng dịch vụ hậu cần cũng làm đoàn khảo sát quan ngại, nguồn tin nói thêm. Một ví dụ được đưa ra là hôm 14/8, khi đoàn thuê 1 tàu cao tốc để tìm hiểu vùng cửa biển sông Hàn, Đà Nẵng, họ “phải chờ hơn 40 phút mà không thể làm xong thủ tục giấy tờ”.
“Danh sách đoàn đã được gửi đến nhà chức trách địa phương từ trước. Nhưng khi đoàn thực sự đến bến cảng, một thành viên của đoàn không tham gia chuyến đi nữa, việc đăng ký danh sách khách lên tàu phải làm lại từ đầu, cần 3 chữ ký của các đơn vị khác nhau. Đoàn đã hủy chuyến tàu vì họ không thể lãng phí thời gian cho thủ tục hành chính rườm rà”, nguồn tin tường thuật lại.
Trước Việt Nam, Tunisia cũng đã bị loại vì công tác hậu cần không làm hài lòng đoàn khảo sát của Paramount. “Đoàn khảo sát nêu ra vấn đề là mới chỉ có các việc dễ mà kết quả đã không tốt, như xe đón đoàn không đến đúng giờ, các hoạt động không diễn ra theo lịch dự kiến, các bộ trưởng nước sở tại không nhiệt tình, thì khi việc quay phim thực sự diễn ra với nhiều áp lực, mọi việc sẽ còn tệ đến đâu”, nguồn tin cho biết.
​Bỏ lỡ lợi ích kinh tế?
Việc Việt Nam không được chọn làm địa điểm quay “Mission Impossible” là “rất đáng tiếc”, nguồn tin cũng là một nhà tư vấn cho Paramount nói.
Nhà tư vấn này phân tích rằng nếu bộ phim được quay ở Việt Nam, việc này sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn.
“Công tác làm phim sẽ đưa hơn 200 người đến đó, ở lại hàng tuần. Tức là người ta sẽ thuê hàng nghìn lượt phòng khách sạn, ăn uống tại các nhà hàng, mua sắm, v.v… Họ sẽ thuê cả trăm cái xe tải, cũng như tuyển dụng trên 200 nhân viên địa phương và thuê văn phòng. Họ cũng sẽ mua đồ xây dựng, đồ văn phòng, v.v… Và 100 triệu lượt khán giả trên toàn thế giới sẽ biết đến Việt Nam qua màn ảnh, đấy là một dạng marketing du lịch toàn cầu mà không thể mua được bằng tiền,” nhà tư vấn không muốn nêu tên nói.
Tùy vào tính chất của hoạt động làm phim và mức độ phát triển của nền kinh tế nước sở tại, tác động lan tỏa về kinh tế từ chi tiêu của đoàn làm phim có thể lớn gấp 2,5 đến 5 lần số tiền mà hãng phim bỏ ra, nhà tư vấn nói thêm.
“‘Khi Mission Impossible’ được quay ở Dubai, hãng làm phim đã chi tiêu ở nước sở tại số tiền là 29 triệu đô la trong gần 30 ngày, và việc đó bổ sung cho GDP tới 65 triệu đô la, theo một nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers, tức là gấp 2,9 lần chi tiêu thực tế”, nhà tư vấn nói với VOA.
Hồi năm 2016, phim “Kong: Đảo đầu lâu” đã được các nhà làm phim Mỹ quay tại các địa điểm ở Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình.
Đại sứ Mỹ khi đó, ông Ted Osius, phát biểu trước báo giới rằng “Phim Kong mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau Kong, nhiều bom tấn Hollywood khác sẽ đến Việt Nam. Điều này thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp phim Việt Nam với ngành điện ảnh hàng đầu thế giới là Hollywood”.
Bộ phim được báo chí trong nước ca ngợi là “siêu phẩm đưa cảnh đẹp Việt ra thế giới” khi phát hành vào đầu năm 2017 đã có doanh thu toàn cầu hơn 562 triệu đô la (trong khi kinh phí thực hiện là 185 triệu). Riêng tại Việt Nam, doanh thu là hơn 7,4 triệu đô la (168 tỉ đồng), lập kỉ lục là phim có doanh thu cao nhất lịch sử tại Việt Nam.

Việt Nam cảnh báo công dân về biểu tình ở Hong Kong

Bộ Ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng cảnh báo công dân tránh tới các khu vực biểu tình khi tới thăm Hong Kong, giữa lúc đặc khu thuộc Trung Quốc này tiếp tục chứng kiến các cuộc xuống đường rầm rộ của người dân, trong đó có nhiều thanh niên.
Bộ này thúc giục khách du lịch Việt Nam khi đến Hong Kong “cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại, cân nhắc hạn chế đến các khu vực tụ tập đông người để tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tới nay “chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn hoặc bị thiệt hại trong các cuộc biểu tình trên đường phố Hong Kong”.
“Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chủ động trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và các cơ quan chức năng chính quyền Hong Kong cũng như các cơ quan đại diện hàng không để triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, quyền lợi cũng như hỗ trợ công dân trong trường hợp cần thiết”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ra ngày 14/8 có đoạn.
Nhiều ngày qua, thông tin và hình ảnh về các cuộc biểu tình đòi tự do, dân chủ ở cựu thuộc địa của Anh đã được nhiều người Việt chia sẻ trên mạng xã hội.
Bình luận dưới một bản tin của VOA tiếng Việt trên Facebook về việc nhiều người Hong Kong, mà ban tổ chức nói lên tới hơn một triệu người, xuống đường hôm 18/8, bạn đọc Nhon Le viết: “Một hình ảnh thật đẹp rất đáng để cho giới trẻ VN noi theo”.
Một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo công dân cẩn trọng khi tới Hong Kong trong thời gian này vì các cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng một số “biến thành các cuộc đối đầu và đụng độ bạo lực”.

Vụ Bãi Tư Chính và ‘điểm chết’ khoan dầu nuôi đảng

Trong cơ cấu thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 của chính thể độc tài ở Việt Nam, có một tiểu phần đáng chú ý: thu từ dầu thô đạt đến 68% dự toán cả năm.
Vì sao thu ngân sách dầu thô tăng đột biến?
Tỷ lệ trên là khá bất thường so với mức thu ngân sách từ dầu thô vào khoảng 50% hoặc nhỉnh hơn đôi chút trong nửa đầu những năm gần đây, cho thấy vào năm 2019 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – doanh nghiệp độc quyền khai thác dầu khí nằm dưới ‘sự lãnh đạo toàn diện của đảng’ – đã được chỉ đạo để tìm cách đẩy nhanh, đẩy gấp tiến độ khai thác dầu và khí, trong bối cảnh ‘tình hình Biển Đông vẫn rất phức tạp’ – nói theo lối mào đầu ấp úng của giới tuyên giáo.
Cơ chế đẩy nhanh tốc độ khai thác dầu khí của PVN cũng cho thấy trước đó đảng cầm quyền và Bộ Quốc phòng Việt Nam có thể đã nắm được một số tin tức xác thực mà từ đó có thể dự báo là phía Trung Quốc sẽ ‘mần’ tiếp vụ Bãi Tư Chính vào năm 2019, do đó nếu PVN cứ nhẩn nha khai thác dầu như những năm không xảy ra gấu ó giữa ‘đảng anh’ và ‘đảng em’ thì nhiều khả năng sẽ không kịp hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô trong nửa cuối năm 2019 và ngân sách chính phủ sẽ bị hụt thu nghiêm trọng.
Còn nếu các lô dầu khí của PVN ở đông nam Việt Nam bị tàu Trung Quốc quần thảo trong suốt nửa cuối năm 2019 thì coi ngân sách đảng CSVN mất ăn.
Chẳng có gì khó khăn để đưa ra dự báo mất ăn trên, bởi liên tiếp trong hai năm trước – 2017 và 2018, Trung Quốc đã tổ chức hai chiến dịch ‘tống tiền’ người đồng chí tốt của mình ở khu vực Bãi Tư Chính – nơi không có mặt tập đoàn dầu khí nào của Hoa Kỳ mà chỉ có chủ yếu Tập đoàn dầu khí Repsol của Tây Ban Nha liên doanh với PVN để khoan thăm dò và khai thác mỏ dầu Cá Rồng Đỏ.
Kết quả của hai chiến dịch trên của ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất Trung Quốc’ – theo cách ca tụng rất thiếu máu não của giới quan chức Việt – là khá mỹ mãn: rốt cuộc, Repsol không chịu nổi sức ép và đã phải bỏ của chạy lấy người – nhưng theo yêu cầu của phía Việt Nam, còn PVN của Việt Nam thì không những bị đình trệ kế hoạch khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ mà còn đang chịu nguy cơ phải bồi thường cho Repsol đến khoảng 300 triệu USD chi phí mà Repsol đã ứng ra cho hoạt động nghiên cứu thăm dò dầu ban đầu.
Không những thế, Trung Quốc còn chớm đạt được mục tiêu ban đầu, nằm trong cả một chiến lược dài hạn, là dần biến ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ tại Bãi Tư Chính thành ‘khu vực tranh chấp pháp lý’, làm nền tảng cho khả năng Bắc Kinh sẽ đưa hẳn những giàn khoan lớn vào khu vực này để cướp dầu của ‘đảng em’.
PVN từng kêu cứu ra sao?
Sau khi bị tàu Trung Quốc gây sức ép hai lần vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 tại Bãi Tư Chính, đến tháng 4 năm 2018 PVN buộc phải kêu cứu: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với những dự báo đầy khó khăn, thách thức đối với hoạt động dầu khí”. Ngoài nguyên nhân do giá dầu thô tiếp tục diễn biến khó lường, “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn”.
Hiện tượng PVN đăng tải nhận định về “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp” là bất bình thường, bởi từ trước tới nay theo thông lệ trong hệ thống chính trị một đảng ở Việt
Nam, việc phát hành công khai những quan điểm và dự báo chính trị là thẩm quyền mang tính độc quyền của các cơ quan đảng và nhà nước chứ không phải của doanh nghiệp.
Vào thời điểm kêu cứu trên, PVN có hai dự án lớn về dầu khí – liên doanh với một công ty Tây Ban Nha là Repsol khai thác mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, và liên doanh với hãng dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đây là vài tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt. Nếu Repsol và ExxonMobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Sau khi đã gây sức ép tại mỏ Cá Rồng Đỏ vào tháng Ba năm 2018, đến cuối tháng đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội với tối hậu thư “cùng hợp tác khai thác dầu khí”.
Kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đã xảy ra, khiến giới chóp bu Việt Nam phải chịu nguy cơ mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, thậm chí có thông tin ngoài lề cho biết Bắc Kinh đòi chia phần đến 60% số dầu thô khai thác thuần túy là tài sản của Việt Nam, Hà Nội sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và PVN dĩ nhiên phải chia sẻ một phần, nếu không nói là một phần lớn, lợi nhuận cho tên kẻ cướp đó.
Nhưng nguy cơ không chỉ có thế…
2025 hết sạch dầu!
Khi mùa xuân ủ rũ của năm 2019 sắp nhoài đến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải lần đầu tiên thừa nhận một sự thật mà bấy lâu nay tập đoàn này và đảng chỉ muốn che giấu càng nhiều càng tốt: sản lượng dầu tại rất nhiều giếng đang suy giảm tự nhiên do khai thác đã quá lâu. Cộng vào đó là trữ lượng gia tăng quá thấp khiến đến năm 2025, sản lượng khai thác dầu sẽ giảm đều đặn mỗi năm 10% – tương đương với hơn 2 triệu tấn.
Ngay cả mỏ Bạch Hổ – cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của PVN từ xưa đến nay – đã vào giai đoạn suy kiệt.
Còn nếu tốc độ khai thác dầu thô gấp gáp hơn nữa để tăng số thu cho ngân sách đảng, “deadline” thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3 năm tính từ năm 2018, tức đến năm 2021 – trùng với kỳ đại hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là đến năm 2021 nền ngân sách hộc rỗng của chế độ sẽ mất hẳn số thu 70.000 – 80.000 tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ ‘kiến tạo’ một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.
Cùng với ba tử huyệt nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng và thâm thủng ngân sách đang lộ ra ngày càng rõ, triển vọng trữ lượng dầu khí cạn kiệt chỉ trong ít năm nữa cộng với cú ‘tống tiền’ của ‘đồng chí tốt’ Bắc Kinh tại Bãi Tư Chính đã bồi thêm một điểm chết nữa mà có thể rút ngắn đáng kể tuổi thọ của chế độ cầm quyền tại Việt Nam trước thời điểm năm 2025.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.