Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 19/08/2019

Tuesday, August 20, 2019 1:59:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 19/08/2019

Ông Trump trấn an nỗi lo suy thoái kinh tế Hoa Kỳ

Ông Donald Trump cố gắng trấn an các thị trường về nguy cơ Mỹ có thể rơi vào suy thoái, nói rằng nền kinh tế đang hoạt động “rất tốt”.
Tổng thống Mỹ cho biết ông không thấy suy thoái kinh tế – thường được định nghĩa là khi nền kinh tế co lại trong hai quý liên tiếp.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cũng nói rằng “không thấy viễn cảnh một nền kinh tế sắp suy thoái”.
Tuần trước, thị trường tài chính cho các chỉ dấu về việc một cuộc suy thoái có thể đang diễn ra.
Điều này là do công khố phiếu 10 năm của chính phủ Hoa Kỳ trả lợi nhuận thấp hơn công khố phiếu hai năm.
Hiện tượng “Đường cong lợi suất đảo ngược” này thường xuất hiện trước những cuộc suy thoái kinh tế, hoặc ít nhất là suy giảm đáng kể trong tăng trưởng kinh tế.
Chứng khoán toàn cầu bị bán tháo vì lo suy thoái kinh tế
Ông Trump hoãn áp thuế với một số hàng TQ
Đồng bảng yếu thúc đẩy khách du lịch đến nước Anh
Tuy nhiên, nói chuyện với giới truyền thông hôm Chủ Nhật, ông Trump nói: “Tôi không thấy suy thoái. Thế giới đang suy thoái ngay bây giờ.”
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang có một cuộc suy thoái. Chúng tôi đang ở tình trạng rất tốt, người tiêu dùng của chúng ta rất giàu, tôi đã giảm thuế rất nhiều và ai cũng tiền đầy túi.”
Ông Trump nhắc tới mức lợi nhuận tốt được công bố tuần trước của Walmart, nhà bán lẻ ở Mỹ thường được mô tả là lớn nhất thế giới, và nói sức tiêu dùng Mỹ hiện rất tốt.
“Hầu hết các nhà kinh tế thực sự nói rằng chúng ta sẽ không có suy thoái. Hầu hết trong số họ đang nói rằng chúng ta sẽ không có suy thoái, nhưng phần còn lại của thế giới không hoạt động tốt như chúng ta.”
‘Không thấy viễn ảnh suy thoái’
Phát biểu của Trump được đưa ra sau khi ông Kudlow nói với Fox News hôm Chủ Nhật rằng nền kinh tế Mỹ vẫn “trong tình trạng khá tốt”.
“Không thấy suy thoái trước mặt”, ông Kudlow nói. “Người tiêu dùng đang có công ăn việc làm. Tiền lương của họ đang tăng lên. Họ đang chi tiêu và họ đang tiết kiệm.”
Các thị trường trên thế giới đã bị xáo trộn vào tuần trước bởi sự chuyển động trên thị trường trái phiếu, khiến thị trường chứng khoán bị sụt giảm.
Vào thứ Tư tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 3% khi đường cong lợi suất đảo ngược, mặc dù mức giảm sút đã được phục hồi vào cuối tuần.
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008, và sẽ còn nhiều đợt cắt giảm hơn.
Laura Foll của Janus Henderson nói với Chương trình Hôm nay của BBC rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã “phản ứng với các sự kiện toàn cầu”, chẳng hạn như sự co lại ở cả hai nền kinh tế Anh và Đức trong quý hai.
Tổng thống Mỹ đã đăng khoảng 40 tweet với nội dung hoặc chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell, hoặc thúc đẩy cắt giảm lãi suất.
“Tất nhiên, rất khó để biết Trump thực sự sẽ tạo được bao nhiêu ảnh hưởng,” bà Foll nói.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể loại trừ áp lực mạnh mẽ mà Fed phải chịu từ Trump, nhưng thực sự rất khó để biết mức độ ảnh hưởng trực tiếp của áp lực này lên chính sách.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49394148

Mỹ chuẩn bị quà cho TQ ở Hoa Đông?

Một nhóm các tàu bí mật của Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt (USSOCOM) đã bị chụp ảnh lại tại một cảng của Nhật Bản.
Những bức ảnh đăng trên Twitter vào ngày 11 tháng 8 cho thấy, một số tàu tàng hình đang nằm trên boong tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Runnymede USAV Harpers Ferry (LCU 2022) tại cảng Naha ở tỉnh Okinawa.
Cảng Naha, trước đây là Cảng quân sự Naha, là một căn cứ của Lực lượng Hoa Kỳ tại Naha, Okinawa, Nhật Bản, tại cửa sông Kokuba chảy ra biển Hoa Đông.
Theo các nguồn tin, CCM Mk1 là tàu chiến vẫn tàng hình mới nhất của lực lượng Chiến tranh đặc biệt của Hải quân Mỹ, bắt đầy đi vào hoạt động từ cuối năm 2015.
Chiếc tàu dài khoảng 20 mét, có vỏ bằng nhôm, có khả năng chống lại các cuộc tấn công của những loại vũ khí hạng nhẹ. Tàu sở hữu 2 động cơ đẩy chạy bằng diesel.
CCM Mk1 có một cabin kín và sàn phía sau mở. Thiết kề của tàu nhằm giảm thiểu sốc, căng thẳng về thể chất cho người ngồi trong, theo Defense Blog.
Naha trước đây là một cảng quân sự
CCM Mk1 không thể sử dụng cho nhiệm vụ đổ bộ đường không nhưng nó có thể được vận chuyển qua máy bay C-17A Globemaster III. Tàu có thể được triển khai từ tàu mặt nước lớn như tàu LPD lớp San Antonio và tàu đổ bộ cỡ lớn LHD hoặc tàu đổ bộ lớp Runnymede.
Thiết kế CCM Mk1 dường như tập trung vào khả năng quan sát độ cao thấp và vùng nước đẹp. Theo USSOCOM, vũ khí tiêu chuẩn có thể được trang bị trên tàu bao gồm: M2HB, M240G (FN MAG) và súng phóng lựu Mk 19. Một súng điều khiển từ xa 12,7mm được trang bị trên mũi tàu.
Defense Blog không chắc chắn về mục đích cuối cùng của những chiếc thuyền tàng hình, nhưng có vẻ như USSOCOM đang chuẩn bị cho sự hiện diện sức mạnh Mỹ ở biển Hoa Đông.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29821-my-chuan-bi-qua-cho-tq-o-hoa-dong.html

Mỹ muốn hợp tác với Ấn Độ

duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông

Mỹ khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác Mỹ – Ấn trong việc đối phó các tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có việc hợp tác duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông.
Báo India Today của Ấn Độ ngày 17-8 dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: tuần này Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John J. Sullivan đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở New Delhi để thảo luận một loạt vấn đề từ an ninh khu vực tới quan hệ thương mại Mỹ – Ấn.
Đặc biệt, hai vị quan chức đã thảo luận về tầm nhìn của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như cách thức để tăng cường hợp tác.
“Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh các tư tưởng Ấn Độ (IIS), Mỹ tin rằng cả hai quốc gia chúng ta có cơ hội tuyệt vời để hợp tác cùng nhau vì người dân hai nước, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và toàn thế giới.
Chúng ta cùng nhau nắm bắt cơ hội này để phát triển đối thoại 2+2, hợp tác để đối phó chủ nghĩa khủng bố và duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông” – ông Sullivan phát biểu.
Theo trang Indian Express, ngoài việc khẳng định mong muốn hợp tác với Ấn Độ để duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Sullivan còn nói về các chính sách và hành động Trung Quốc trong khu vực.
Vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết: mô hình phát triển của Trung Quốc đang thay đổi cách tiếp cận hợp tác vốn thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng toàn khu vực. Ông nói Trung Quốc đang có các chính sách và hành động làm thay đổi tình hình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chỉ nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Sullivan cho biết thứ Mỹ muốn là Trung Quốc phải cạnh tranh công bằng theo trật tự dựa trên luật pháp, vốn đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực trong nhiều thập niên.
“Tuy nhiên, chúng tôi (Mỹ) nhận ra rằng chúng tôi không thể làm điều này một mình. Chúng tôi cần những đối tác có cùng chí hướng” – ông Sullivan nhấn mạnh.
Vị thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho biết: đây là lý do quan hệ đối tác Mỹ – Ấn là một yếu tố quan trọng trong việc xác định liệu Trung Quốc cuối cùng có thành công trong việc định hình lại châu Á theo mục đích của Bắc Kinh hay không.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29887-my-muon-hop-tac-voi-an-do-duy-tri-tu-do-hang-hai-o-bien-dong.html

Thương chiến Mỹ – Trung: Ai chịu đau tốt hơn?

Ngày 15-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua kết luận về việc Mỹ áp thuế đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, bật đèn xanh cho Trung Quốc tìm kiếm các biện pháp đòi bồi thường.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng gia tăng với việc hai bên liên tiếp đáp trả nhau bằng các biện pháp thuế quan. Nhưng không dừng lại ở đó, đã có những chỉ dấu về việc hai bên sử dụng cả các biện pháp phi thuế quan, thậm chí cả những công cụ đa phương mà việc kiện ra WTO là một ví dụ…
Trung Quốc: nhiều lựa chọn, lắm rủi ro
Ngay từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã tìm kiếm các biện pháp tương xứng để đáp trả. Nhưng các lựa chọn có thể có đều khó tránh những tổn thất nhất định.
Trung Quốc có thể sử dụng công cụ tiền tệ, hạ thấp tỉ giá nhân dân tệ như vừa qua nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi vì có thể kích hoạt việc dòng vốn chảy ra ngoài Trung Quốc như đã từng diễn ra.
Trung Quốc cũng có thể bán tháo hơn 1.200 tỉ USD trái phiếu Mỹ đang nắm giữ. Thứ “vũ khí hạt nhân” này dù có thể tác động mạnh đến kinh tế và đồng USD nhưng đồng thời cũng có phản ứng ngược không kém với Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể đơn phương đáp trả bằng các biện pháp tẩy chay hàng hóa như đã áp dụng đối với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng với Mỹ không đơn giản như vậy vì rất nhiều sản phẩm của các công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, General Motors… đều được sản xuất tại Trung Quốc, sử dụng nhiều lao động Trung Quốc.
Và một biện pháp nữa là kiện lên WTO như đã làm. Nhưng để được vạ có khi má đã sưng. Tiến trình giải quyết qua WTO mất rất nhiều thời gian (vụ tranh chấp Airbus – Boeing giữa Mỹ và EU phải mất hơn 10 năm WTO mới ra phán quyết cuối cùng).
Thậm chí Mỹ cũng có thể phản đòn kiện ngược lại Trung Quốc như đã làm hồi tháng 7 vừa qua đối với hàng nhôm sắt của Trung Quốc.
Mỹ: “vũ khí” nhiều nhưng không dễ dùng
Về phía Mỹ, cho đến nay Tổng thống Trump chủ yếu mới chỉ sử dụng công cụ thương mại do Mỹ có lợi thế cửa trên. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ còn nhiều vũ khí khác dù không dễ sử dụng.
Lựa chọn đầu tiên và ưa thích của Tổng thống Trump vẫn là thuế với việc áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, như từ 10% lên 25% đối với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ gia tăng thuế cũng có giới hạn vì nó sẽ gây phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Trump phải hoãn việc áp thuế dự định từ đầu tháng 9 đến cuối năm nay.
Công cụ thứ hai mà Mỹ đã bắt đầu triển khai là việc gắn Trung Quốc mác “thao túng tiền tệ”. Theo đó, các công ty Mỹ có thể đề nghị áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhất định với yêu cầu cần được bảo vệ. Nhưng với việc đã áp thuế đối với hàng Trung Quốc hiện nay, việc gắn mác “thao túng tiền tệ” này có tác dụng biểu tượng hơn là thực chất.
Một thứ vũ khí nữa mà Tổng thống Trump nhiều lần muốn sử dụng là giảm lãi suất và giảm giá đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi và gây sức ép đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm điều này với lý do hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ nhưng cho đến nay FED vẫn rất do dự trong việc thực hiện đề nghị này.
Ngoài ra, nếu chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ còn có thể mở rộng sang việc cấm cửa đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hoặc hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như từng làm với Huawei. Việc mở rộng sang các lĩnh vực khác sẽ là bước leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại này.
Mỹ chống chịu tốt hơn
Với đà gia tăng của các biện pháp trả đũa, câu hỏi đặt ra là ai sẽ có thể chống chọi tốt hơn?
Trung Quốc có lợi thế là một nền kinh tế được kiểm soát chặt chẽ, chính phủ can thiệp nhiều vào nền kinh tế cũng như kiểm soát được chính trị.
Do đó chính phủ có thể dễ dàng can thiệp để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với các lĩnh vực kinh tế nhất định cũng như kiểm soát được các thông tin tiêu cực về cuộc chiến thương mại.
Nhưng những tổn thất và thiệt hại đối với đà phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị. Và nếu chiến tranh thương mại mở rộng sang những lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ… sẽ còn ảnh hưởng đến việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang một nền kinh tế hiện đại như mục tiêu đặt ra.
Về phía Mỹ, với quy mô lớn gấp rưỡi kinh tế Trung Quốc (20.000 tỉ USD so với 13.000 tỉ USD) và không bị phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, do đó có khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn.
Hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lớn hơn nhiều so với hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, bất kỳ biện pháp đối đẳng nào của Trung Quốc đều có tác động nhỏ hơn đối với Mỹ.
Nhưng là một nền kinh tế linh hoạt, vận hành dựa trên chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, một cuộc chiến kéo dài với Trung Quốc sẽ làm gãy đổ hoạt động của các công ty đa quốc gia của Mỹ dựa nhiều vào các hoạt động sản xuất cũng như thị trường Trung Quốc (ví dụ như Apple có các cơ sở sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Apple sau Mỹ).
Nhìn chung mỗi bên đều có những vũ khí khác có thể sử dụng trong cuộc chiến thương mại này, nhưng quan trọng hơn là sử dụng các vũ khí này như thế nào mà không để bị đứt tay.
Bắc Kinh chịu thiệt nếu đấu thuế quan
Đáp trả bằng thuế quan là lựa chọn đầu tiên và hợp lý nhất trong bất cứ cuộc chiến thương mại nào. Nhưng trong mối tương quan với Mỹ với việc Trung Quốc xuất khẩu tới 557,9 tỉ USD hàng hóa vào Mỹ trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 179,3 tỉ USD sang Trung Quốc, thiệt hại với Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29886-thuong-chien-my-trung-ai-chiu-dau-tot-hon.html

Tổng thống Trump

không muốn làm ăn với công ty Huawei

Tin từ MORRISTOWN, New Jersey – Vào hôm Chủ Nhật (18/8), tổng thống Donald Trump cho biết tổng thống không muốn Hoa Kỳ làm ăn với công ty Huawei của Trung Cộng, kể cả khi chính quyền đang cân nhắc liệu có nên gia hạn thời gian miễn trừ cho công ty này hay không.
Vào hôm thứ Sáu (16/8), Reuters và các cơ quan truyền thông khác đưa tin rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ dự kiến sẽ gia hạn thời gian miễn trừ cho Huawei Technologies. Lệnh miễn trừ này sẽ cho phép công ty Trung Cộng mua hàng từ các công ty Hoa Kỳ, để họ có thể phục vụ các khách hàng hiện tại. Hãng tin Reuters đã trích dẫn hai nguồn tin trong cuộc, và cho biết “giấy phép chung tạm thời” sẽ được gia hạn cho Huawei trong 90 ngày.
Khi trả lời phỏng vấn với các phóng viên trước khi lên máy bay Air Force One ở New Jersey vào hôm Chủ Nhật (18/8), tổng thống Trump cho biết rằng ông không muốn làm ăn với Huawei vì lý do an ninh quốc gia. Ông cho rằng hiện vẫn có những phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của Huawei có thể được miễn trừ khỏi một lệnh cấm rộng hơn, nhưng việc này sẽ “rất phức tạp”. Tổng thống Donald Trump đã không nêu rõ rằng liệu chính quyền của ông có gia hạn “giấy phép chung tạm thời” hay không.
Khi phát biểu trước đó vào hôm Chủ nhật (18/8), Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Bộ Thương mại sẽ gia hạn tiến trình cấp phép cho Huawei trong ba tháng, như một cử chỉ thể hiện thiện chí giữa các cuộc đàm phán thương mại rộng hơn với Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-khong-muon-lam-an-voi-cong-ty-huawei/

Tổng thống Trump “chưa sẵn sàng”

ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Cộng

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm Chủ Nhật (18/8), tổng thống Trump và các viên chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc đã bác bỏ những mối lo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể đang chững lại. Họ không nhận thấy nhiều rủi ro suy thoái, bất chấp một tuần đầy biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu.
Bên cạnh đó, họ đã khẳng định rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Trung Cộng không hề gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Ông Trump đồng thời tuyên bố rằng ông vẫn chưa sẵn sàng ký kết thỏa thuận, mặc dù ông cho rằng Trung Cộng đang rất sẵn lòng. Ông đã ám chỉ rằng Tòa Bạch Ốc muốn thấy Bắc Kinh giải quyết các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông trước.
Cố vấn kinh tế Larry Kudlow của Tòa Bạch Ốc cho biết các đại diện thương mại của hai nước sẽ đàm phán trong vòng 10 ngày. Nếu các cuộc họp của các 2 bên đạt kết quả tốt, Tòa Bạch Ốc dự định sẽ mời Trung Cộng đến Hoa Kỳ để đàm phán về việc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán bị đình trệ và mối đe dọa về thuế hơn cùng các hạn chế thương mại khác đang treo lơ lửng trên nền kinh tế thế giới, ông Kudlow đã tuyên bố trên tờ “Fox News Sunday” rằng Hoa Kỳ vẫn đang trong tình trạng khá tốt. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-chua-san-sang-ky-ket-thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-cong/

Hồng Kông : Donald Trump

“răn đe” Bắc Kinh nếu dùng vũ lực

Tú Anh
Nếu Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông và tái diễn một vụ thảm sát « Thiên An Môn » thứ hai thì khó có hy vọng đạt được một hiệp định thương mại với Mỹ. Đây là lời đe dọa của tổng thống Donald Trump trong bối cảnh hàng triệu người Hồng Kông xuống đường hôm Chủ nhật.
Theo AFP, trong cuộc tiếp xúc với báo chí tại New Jersey vào lúc phong trào dân chủ tại Hồng Kông biểu tình đến tuần lễ thứ 11, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng « rất khó mà đi tới một hiệp định thương mại với người Trung Quốc nếu họ sử dụng bạo lực và nếu xảy ra một vụ Thiên An Môn thứ hai ». Trong thông điệp nhắn gửi Bắc Kinh, tổng thống Mỹ nhấn mạnh đến hai lần khuyến cáo không được dùng vũ lực.
Các cuộc biểu tình của phong trào phản kháng tại Hồng Kông liên tiếp diễn ra từ hơn hai tháng nay. Những lời lẽ và thái độ hù dọa của Bắc Kinh, huy động lực lượng thiết giáp về Thẩm Quyến, khiến công luận lo ngại Trung Quốc sắp can thiệp quân sự vào Hồng Kông như đàn áp Thiên An Môn 1989, giết chết hàng trăm, có thể hàng ngàn sinh viên tại quảng trường.
Donald Trump không dấu lo ngại bị chê trách không sử dụng đòn bẩy hiệp định thương mại để gây sức ép chính trị với Trung Quốc. Một lần nữa ông kêu gọi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình « thương thuyết với phong trào phản kháng, tìm một giải pháp ôn hoà ».
Tổng thống Mỹ đưa ra thông điệp này vào lúc cố vấn kinh tế Larry Kudlow tuyên bố Washington và Bắc Kinh nỗ lực vực dậy tiến trình đàm phán hầu kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đang làm thị trường thế giới trao đảo.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190819-hong-kong-donald-trump-ran-de-bac-kinh-neu-dung-vu-luc

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran đã rời khỏi Gibraltar

Tin từ GIBRALTAR – Theo dữ kiện vận chuyển cho thấy chiếc tàu chở dầu Iran bị kẹt trong cuộc đối đầu giữa Tehran và phương Tây đã rời khỏi Gibraltar vào tối hôm Chủ nhật (18/8), vài giờ sau khi lãnh thổ của Anh Quốc từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc tiếp tục tịch thu tàu.
Hồi tháng 7, Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh Quốc đã bắt giữ tàu chở dầu này ở Gibraltar vì nghi ngờ tàu đang vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu bằng cách chở dầu đến Syria, một đồng minh thân cận của Iran. Việc này đã gây ra một loạt các sự kiện làm gia tăng căng thẳng trên các tuyến vận chuyển dầu quốc tế qua vùng Vịnh. Theo dữ kiện vận chuyển Refinitiv, tàu Grace 1, được đổi tên thành Adrian Darya 1, đã rời khỏi nơi neo đậu ngoài khơi Gibraltar vào khoảng 11 giờ đêm. Hiện vẫn chưa xác định được điểm đến của chiếc tàu này.
Đại sứ Iran tại Anh Quốc, ông Hamid Baeidinejad, đã đăng trên Twitter trước đó rằng tàu Grace 1 dự kiến sẽ nhổ neo vào tối hôm Chủ Nhật, đồng thời cho biết thêm rằng hai đội kỹ thuật đã bay đến Gibraltar.
Việc giam giữ tàu Grace 1 đã kết thúc vào tuần trước, nhưng vào hôm thứ Sáu (16/8), một tòa án liên bang ở Washington đã ban hành lệnh bắt giữ tàu, cùng lượng dầu do tàu vận chuyển và gần 1 triệu mỹ kim. Vào hôm Chủ nhật (18/8), Gibraltar cho biết họ không thể tuân thủ yêu cầu này, vì họ đang bị luật pháp của EU ràng buộc. Washington đã cố gắng bắt giữ tàu Grace 1 với lý do tàu này có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhóm bị Hoa Kỳ xem là một tổ chức khủng bố. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tau-cho-dau-grace-1-cua-iran-da-roi-khoi-gibraltar/

Mỹ hoãn lệnh cấm Huawei thêm 90 ngày

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross, vừa xác nhận rằng lệnh cấm giao dịch với công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei sẽ chưa có hiệu lực cho đến 90 ngày nữa.
Mỹ đưa Huawei vào danh sách công ty bị cấm giao dịch vào tháng 5 vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Huawei sau đó đã được cấp giấy phép tạm thời để nới lỏng quá trình chuyển đổi; giấy phép này theo dự kiến hết hạn vào thứ Hai.
Panasonic rà soát lại quan hệ với Huawei
Những nước nào chặn công nghệ 5G của Huawei?
Trung Quốc đe dọa Mỹ vì lệnh trừng phạt Huawei
Tuy nhiên, ông Ross nói rằng có thêm 46 công ty con của Huawei nay bị đưa vào danh sách đen các công ty mà Hoa Kỳ không được giao dịch.
Thời gian tạm hoãn lệnh cấm giao dịch được đưa ra để cho phép các hãng như Google tiếp tục hợp tác với Huawei trong lúc dần thích nghi với lệnh cấm hợp tác.
Ông Ross nói việc gia hạn này cũng sẽ giúp khách hàng Mỹ.
“Chúng tôi cho họ thêm một chút thời gian để tự thích ứng,” ông nói.
Hôm Chủ Nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Huawei là một công ty “chúng ta hoàn toàn không thể giao dịch”, điều mà một số người diễn giải rằng có lẽ sẽ không có chuyện trì hoãn lệnh cấm.
Bối cảnh
Huawei đã bị cộng đồng quốc tế kiểm tra gắt gao trong những tháng gần đây vì bị cho là mối liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc.
Hoa Kỳ, từ lâu tuyên bố Huawei tạo nguy cơ đối với an ninh quốc gia, đã đưa công ty này vào danh sách đen từ tháng Năm.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa Huawei vào danh sách các doanh nghiệp cấm giao dịch, theo đó cấm Huawei mua công nghệ từ các công ty Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính phủ.
Huawei nói rằng họ độc lập với chính phủ Trung Quốc và kịch liệt phủ nhận việc họ thể tạo thành nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Vụ tranh chấp đã trở thành biểu tượng cho sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại kéo dài từ hơn một năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49394151

Florida, Ohio và Connecticut bắt giữ

ba thanh niên da trắng đe dọa nổ súng hàng loạt

Theo tin từ KTLA, chính quyền ba tiểu bang đã bắt giữ ba thanh niên đe dọa nổ súng hàng loạt.
Tại Florida, văn phòng cảnh sát trưởng quận Volusia cho biết họ bắt giữ Tristan Scott Wix (25 tuổi) vào hôm thứ Sáu (16 tháng 8) tại bãi đậu xe Winn-Dixie ở DaytonaBeach Shore. Nghi can Wix bị cáo buộc về tội đe dọa nổ súng hàng loạt, sau khi bạn gái cũ của nghi can trình báo cho chính quyền về những tin nhắn anh ta gửi cho cô. Cảnh sát trưởng quận Volusia, ông Michael Chitwood, cho hay nghi can Wix đã bày tỏ mong muốn nổ súng vào một đám đông, và sát hại 100 người tại một địa điểm anh ta hoạch định sẵn. Hiện nghi can không nói với điều tra viên về địa điểm mà anh ta định tấn công. Chính quyền đã thu giữ một khẩu súng săn cỡ nòng .22 và 400 viên đạn trong căn nhà của Wix. Hiện nay, Wix bị tạm giam mà không được đóng tiền thế chân tại ngoại ở Nhà tù Quận Volusia.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát cũng bắt giữ một thanh niên đe dọa nổ súng tại một trung tâm cộng đồng Do Thái ở Youngstown, tiểu bang Ohio. Hôm thứ Bảy (17 tháng 8), nghi can James Patrick Reardon (20 tuổi) bị giam giữ tại Nhà tù quận Mahoning, với tội danh quấy rối truyền thông và  đe dọa nghiêm trọng. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, cảnh sát trưởng New Middletown, ông Vincent D’Egidio cho biết tài khoản Instagram của Reardon có nhiều bình luận chống Do Thái và mang nội dung về dân tộc da trắng.
Theo KTLA, chính quyền Connecticut vừa bắt giữ một người đàn ông có ý định nổ súng hàng loạt, sở hữu vũ khí và công khai kế hoạch trên Facebook.  FBI và Sở Cảnh sát Norwalk cho biết nghi can Brandon Wagshol (22 tuổi) bị bắt giữ vào hôm thứ Năm, sau khi một người dân trình báo nghi can đang cố gắng mua băng đạn súng trường bên ngoài tiểu bang. Wagshol bị buộc tội sở hữu bất hợp pháp băng đạn và đang bị giam giữ với 250.000 Mỹ kim tiền thế chân tại ngoại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/florida-ohio-va-connecticut-bat-giu-ba-thanh-nien-da-trang-de-doa-no-sung-hang-loat/

Cố Vấn Peter Navarro: người tiêu dùng Mỹ

không bị ảnh hưởng bởi thuế áp lên Trung Cộng

Xuất hiện trên chương trình Face the Nation hôm Chủ Nhật (18 tháng 8), giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất, ông Peter Navarro nhận định Trung Cộng đang hứng chịu gánh nặng áp thuế của Washington, chứ không phải người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Ngoài ra, ông Navarro cũng giải thích lý do tại sao Tổng thống  Trump quyết định trì hoãn mức thuế nhằm vào Trung Cộng. Tuy nhiên, trong những tuần qua, thị trường chứng khoán lại trải qua thời gian đầy biến động, bởi những lo lắng về cuộc chiến thương mại với Trung Cộng và nguy cơ suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump cũng công nhận người tiêu dùng có thể chịu ảnh hưởng từ mức thuế mà Tổng thống đe dọa sẽ áp đặt lên Trung Cộng trong dịp Giáng Sinh, do đó đã hoãn lại quyết định này. Các mặt hàng được hoãn áp thuế 10% bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game , màn hình máy tính, đèn trang trí và một số loại đồ chơi, giày dép và quần áo.
Ông Navarro giải thích rằng các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp đã có cuộc họp trong Phòng Bầu dục. Họ đã đưa ra “lập luận rất thuyết phục” rằng mặc dù các sản phẩm đã được dự trữ sẵn cho lễ Giáng sinh, nhưng các hợp đồng đều được thanh toán bằng đồng Mỹ kim, điều đó có nghĩa là họ không thể chuyển gánh nặng thuế cho Trung Cộng. Ông Navarro nói thêm các công ty thông báo với Tổng thống rằng họ đang chuyển nguồn cung ứng sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Cộng nhanh nhất có thể.
Khi được hỏi làm thế nào chính quyền có thể cam kết người dân sẽ không chịu tác động của mức thuế, trong khi các nhà bán lẻ nhận định ngược lại, ông Navarro trả lời Washington đã áp dụng mức thuế trị giá 250 Mỹ kim trong hơn một năm, và lạm phát vẫn chưa hình thành. Ngoài ra, ông cho biết Washington vẫn đang nỗ lực hạn chế hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và cách giao thương bất bình đẳng của Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/co-van-peter-navarro-nguoi-tieu-dung-my-khong-bi-anh-huong-boi-thue-ap-len-trung-cong/

Quan chức Nhà Trắng

không thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ

Quan chức Nhà Trắng hôm 18/8 đã lên tiếng trước các quan ngại cho rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể chững lại, nói thấy ít nguy cơ suy thoái bất chấp một tuần đầy biến động trên thị trường trái phiếu toàn cầu, theo Reuters.
Quan chức Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc không gây tổn hại tới Hoa Kỳ.
Cố vấn kinh tế cho chính quyền của Tổng thống Trump, ông Larry Kudlow, nói rằng các quan chức thương mại của hai nước sẽ thảo luận trong vòng 10 ngày tới để thúc đẩy các cuộc đàm phán về việc chấm dứt cuộc chiến thương mại mà Reuters cho là mối nguy cơ tiềm tàng đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
XEM THÊM:
Mỹ rút một số mặt hàng Trung Quốc khỏi danh sách đánh thuế 10%
Dù các cuộc đàm phán hiện bị đình trệ và với mối đe dọa áp thêm thuế cùng các hạn chế thương mại bao phủ nền kinh tế toàn cầu, ông Kudlow nói trên chương trình “Fox News Sunday” rằng Hoa Kỳ vẫn có “phong độ khá tốt”.
“Không có suy thoái phía trước”, ông Kudlow được Reuters trích lời nói, cho biết thêm rằng tiền lương của người tiêu dùng tăng và họ “đang chi tiêu” cũng như “tiết kiệm”.
Bình luận của cố vấn kinh tế này được đưa ra sau môt tuần đầy biến động mà quan ngại về khả năng suy thoái của Mỹ đã tác động tới thị trường tài chính cũng như đặt các quan chức chính quyền vào thế bất an về việc liệu nên kinh tế có trụ vững qua chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 hay không.
Theo Reuters, phe dân chủ hôm 18/8 cho rằng các chính sách thương mại của ông Trump hiện đang gây ra nguy cơ ngắn hạn nghiêm trọng.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-ch%E1%BB%A9c-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-kh%C3%B4ng-th%E1%BA%A5y-nguy-c%C6%A1-suy-tho%C3%A1i-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9/5047029.html

Lực lượng tuần tra biên giới phát hiện

4 tấn cần sa giấu trong xe chở ớt jalapenos

Vào hôm Thứ Năm (ngày 15 tháng 8), Lực Lượng Tuần Tra Biên Giới phát hiện 4 tấn cần sa được giấu trong xe vận tải chở ớt Jalapenos từ Mexico đến Hoa Kỳ. Chiếc xe tải nói trên đã bị giữ lại tại cửa  Otay Mesa tại California.
Theo Cơ quan Quan Thuế và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (CBP), trong quá trình kiểm tra, đội cảnh khuyển K-9 đã phát hiện số thuốc. CBP đã không cho biết lý do tại sao cơ quan lại đưa ra quyết định kiểm tra chiếc xe vận tải. Lực Lượng Tuần Tra Biên Giới đã phát hiện gần 300 gói cần sa được giấu trong những quả ớt với trị giá lên đến 2.3 triệu mỹ kim.
Ông Rosa Hernandez, giám đốc cửa qua Otay Mesa, cho biết các cảnh sát đã thành công trong việc ngăn chặn số cần sa đến với cộng đồng Otay Mesa, và ngăn chặn một khoản lợi nhuận khổng lồ đến tay những tổ chức tội phạm đa quốc gia.
Trước đó vào ngày 13 tháng 8, CBP cũng tịch thu gần 10,000 pound cần sa trong một xe vận tải chở phụ tùng xe hơi bằng nhựa đến từ cùng một cơ sở vận chuyển hàng hóa. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/luc-luong-tuan-tra-bien-gioi-phat-hien-4-tan-can-sa-giau-trong-xe-cho-ot-jalapenos/

Mỹ bí mật liên lạc với nhân vật số 2

trong chính quyền Venezuela

Gia Hưng
Hãng tin Mỹ AP hôm qua, 18/08/2019, loan báo Hoa Kỳ đã liên lạc bí mật với Diosdado Cabello, được cho là nhân vật quyền lực thứ hai tại Venezuela, chỉ đứng sau tổng thống Maduro.
Một quan chức cao cấp Mỹ, xin được giấu tên, tiết lộ ông Cabello đã họp mật với một quan chức thân cận chính quyền Trump tại Caracas vào tháng trước nhằm thương lượng các bảo đảm cá nhân trong trường hợp tổng thống Maduro bị lật đổ.
Chính ông Cabello cũng bị Hoa Kỳ cáo buộc tham nhũng, buôn lậu ma túy, và dọa giết một nghị sỹ Mỹ. Hiện chưa rõ cuộc gặp mặt này của ông Cabello có được tổng thống Venezuela cho phép hay không.
Theo nguồn tin trên, Washington không hề có ý đồ dùng ông Cabello để lật đổ chính quyền Maduro. Thay vào đó, Hoa Kỳ muốn gây áp lực với tổng thống Venezuela bằng cách hỗ trợ cho cuộc tranh giành quyền lực mà Hoa Kỳ cho rằng đang diễn ra trong nội bộ chính phủ cầm quyền. Ngoài ra, dường như Hoa Kỳ cũng đang chờ xem có phe nào sẵn sàng phản bội Maduro để ủng hộ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190819-hoa-ky-bi-mat-lien-lac-voi-nguoi-quyen-luc-thu-hai-tai-venezuela

Các nước phương Tây lên tiếng

 về tình hình biểu tình ở Hong Kong

Phong trào biểu tình ở Hong Kong không có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt, còn Trung Quốc tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ và coi việc biểu tình là “hành vi gần như khủng bố”.
Cho tới hôm 19/8, nhiều xe bán quân sự được nhìn thấy tập trung tại Thâm Quyến, nơi nhìn sang Hong Kong.
Biểu tình ôn hòa quy mô lớn ở Hong Kong
‘Người nhện’ leo nhà chọc trời Hong Kong kêu gọi hòa bình
Lưu Diệc Phi chê trách Hong Kong, ‘Hoa Mộc Lan’ bị tẩy chay
Hong Kong: Tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh, giáo viên ủng hộ học sinh
Tin tức nói hàng ngàn cảnh sát có vũ trang đã đóng quân tại nơi này.
Bắc Kinh tiếp tục nói những gì đang diễn ra tại Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc, và yêu cầu các nước khác không can thiệp.
Tuy nhiên, các chính trị gia và giới chức nhiều nước trên thế giới không nghĩ như vậy.
Mỹ: Tổng thống Donald Trump cảnh báo
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ Nhật cảnh rằng nếu Trung Quốc thực hiện một cuộc đàn áp giống như sự kiện Thiên An Môn 1989 với người biểu tình Hong Kong, thì một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở thành “một điều rất khó thực hiện”.
Tuy nhiên, ông Trump nói rằng “nếu Chủ tịch Tập ngồi xuống với đại diện của người biểu tình… ông ấy sẽ đạt được cái gì đó.”
Ông Trump nói ông Tập là “một người rất thông minh”, người có khả năng nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Trước đó Quốc Hội Mỹ đưa ra dự luật H.R. 3289: Hong Kong Human Rights and Democracy Act of 2019, dự luật này, nếu được thông qua, sẽ buộc chính quyền Mỹ hàng năm phải duyệt xét lại việc cho Hong Kong hưởng các quy chế đặc biệt như hiện nay.
Anh: Đảng đối lập kêu gọi London thảo luận với Trung Quốc
Một quan chức cao cấp trong đảng Lao động đối lập ở Anh vừa kêu gọi chính phủ của ông Boris Johnson hãy đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, và thúc giục Bắc Kinh tôn trọng nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ đối với nơi từng là thuộc địa này của Anh.
Được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong theo thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh tiếp tục được duy trì một số quyền tự do.
“Chúng ta phải có đối thoại thích hợp với chính phủ Trung Quốc,” ông John McDonnell, người theo dõi vấn đề chính sách tài chính, nói với BBC.
“Tôi trông đợi chính phủ Anh nay phải nêu rất rõ ràng quan điểm của mình: đó là chúng tôi trông đợi chính phủ Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận đó.”
Chính phủ Anh đã kêu gọi “tất cả các bên hãy bình tĩnh”.
Trước đó, hôm 15/8, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, nói rằng London “cần phải kiềm chế trong việc nói hoặc làm bất kỳ điều gì có thể can thiệp hoặc làm suy yếu quy tắc pháp quyền tại Hong Kong”.
Canada: Ra tuyên bố chung cùng EU, bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong
Canada ra tuyên bố chung với EU, theo đó bảo vệ quyền biểu tình của người dân Hong Kong.
Ngoại trưởng Chrystia Freeland và quan chức phụ trách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, trong tuyên bố ra tối thứ Bảy 17/8 nói “các quyền tự do căn bản, bao gồm quyền biểu tình ôn hòa… cần phải được tiếp tục tôn trọng.”
Cả Canada và EU ủng hộ “quyền tự trị ở mức độ cao” của Hong Kong đối với Trung Quốc, bản tuyên bố chung nói thêm.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canada phản ứng với một tuyên bố trên website rằng Canada cần “ngay lập tức chấm dứt việc can thiệp vào quan hệ của Hong Kong và các mối quan hệ nội bộ của Trung Quốc.”
“Trong tình hình hiện thời, Canada cần phải thận trọng lời nói và việc làm liên quan tới vấn đề Hong Kong,” một phát ngôn viên không nêu danh của Tòa Đại sứ tại Canada được trang tin CBC của Canada dẫn lời.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã không mấy suôn sẻ kể từ sau vụ Canada hồi tháng 12 bắt giữ một quan chức cao cấp của hãng công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, theo trát bắt của Mỹ, và việc Bắc Kinh trả đũa với việc bắt giữ hai công dân Canada đến nay chưa thả.
Pháp: Giới chức Hong Kong cần đối thoại với người biểu tình
Ngoại trưởng Pháp đề nghị giới chức Hong Kong đối thoại với người biểu tình.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian hôm thứ Tư 14/8 nói giới chức cần nối lại các cuộc đàm phán với người biểu tình để tìm giải pháp hoàn bình cho cuộc khủng hoảng Hong Kong.
Trước đó, hôm 13/8, Tổng thống Emmanuel Macron và các dân biểu thuộc Đảng La République En Marche (LREM) của ông đã ký một thư ngỏ kêu gọi “huy động lực lượng chính trị” để phản đối tình trạng cảnh sát đàn áp người biểu tình ở Hong Kong.
Úc: Thủ tướng Morrison kêu gọi tìm giải pháp ôn hòa
Thủ tướng Scott Morrison hôm thứ Sáu 16/8 thúc giục Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong Carrie Lam hãy “lắng nghe cẩn thận” và hợp tác hướng tới tìm giải pháp ôn hòa cho tình thế hiện thời.
Ngay lập tức, Bắc Kinh phản ứng giận dữ.
Đại sứ Trung Quốc tại Australia, ông Cheng Jingye trong tuyên bố ra hôm thứ Bảy 17/8 nói rằng đây “hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc”, và cảnh báo chính phủ ông Morrison chớ can thiệp bằng việc ủng hộ “những kẻ cực đoan bạo lực” tại Hong Kong.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49397118

Brexit : Thủ tướng Anh Boris Johnson

chuẩn bị gặp Merkel và Macron

Mai Vân
Theo chương trình, thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ tuần tự đến Berlin gặp thủ tướng Đức Angela Merkel vào tối thứ Tư 21/08/2019, và hôm sau sẽ ghé Paris tiếp xúc với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nội dung các cuộc gặp là để thảo luận về Brexit.
Chủ trương của thủ tướng Anh là đi một vòng gặp các lãnh đạo quan trọng của châu Âu để mở lại đàm phán về Brexit trước thời hạn 31/10. Nếu không, theo ông Johnson, Anh Quốc cũng sẽ đành rời Liên Âu vào ngày đó, dù có thỏa thuận hay không.
Hôm qua, khi thông báo tiếp ông Johnson để bàn về Brexit, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết là Berlin sẵn sàng để Luân Đôn ra đi không thỏa thuận. Theo bà, mọi cuộc thăm viếng và đối thoại để tìm những giải pháp tốt đều được hoan nghênh, nhưng nước Đức cũng sẵn sàng trước mọi tình huống. Bà cũng tỏ quyết tâm cố gắng tìm giải pháp cho đến giờ phút chót.
Điện Élysée vào hôm nay, 19/08/2019, cũng thông báo việc tổng thống Pháp sẽ gặp thủ tướng Anh để bàn về Brexit và các hồ sơ quốc tế trước thượng đỉnh G7.
Theo Paris, hai ông Johnson và Macron sẽ có buổi ăn trưa làm việc, và sẽ bàn về Brexit trong sự tôn trọng các nguyên tắc châu Âu đã được 27 thành viên thông qua. Hai người cũng sẽ bàn về quan hệ song phương và hợp tác trên các hồ sơ lớn. Đây là lần đầu tiên mà ông Macron tiếp ông Johnson, từ ngày tân thủ tướng Anh nhậm chức.
Tổng thống Pháp cũng không mấy tán đồng việc đàm phán lại Brexit cũng như việc Anh ra đi không thỏa thuận.
Hậu quả đối với Anh Quốc
Tờ báo Anh Sunday Times vào hôm qua, 18/08/2019, đăng lại những thông báo chính thức, liệt kê những thiếu hụt mà người dân Anh phải gánh chịu khi chia tay không thỏa thuận với Liên Âu. Danh sách các xáo trộn khá dài trên hầu như mọi lĩnh vực, trước tiên là các thiếu hụt từ lương thực, xăng dầu, đến thuốc men, với các xáo trộn ở hải cảng và đường ranh giới tái lập ở Ireland.
Tờ báo cũng nhấn mạnh đây không phải là kịch bản tưởng tượng tồi tệ nhất, mà là đúng là tác động của một sự chia tay thỏa thuận với Châu Âu.
Bộ trưởng đặc trách Brexit, Michael Gove đã lên tiếng phản bác, cho là các tài liệu đó mô tả tình hình tồi tệ nhất. Trong 3 tuần lễ qua, đã có những biện pháp rất có « ý nghĩa » để đẩy nhanh việc chuẩn bị cho Brexit.
Bộ trưởng Năng Lượng Kwasi Kwarteng trấn an là Anh Quốc sẽ « được chuẩn bị tốt và đầy đủ » để rời châu Âu ngày 31 tháng 10 này.
http://vi.rfi.fr/phap/20190819-brexit-boris-johnson-gap-merkel-macron

Đối thoại Pháp-Nga : Macron đặt Putin vào thế mạnh ?

Tú Anh
Một tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh G7 tại Biarritz mà Nga không được mời, Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại biệt thự mùa hè của tổng thống Pháp ở Bormes-les-Mimosa để duyệt qua các hồ sơ quốc tế.
Từ sau vụ sáp nhập Crimée, chính sách của Paris đối với Matxcơva đặt trên nguyên tắc « đối thoại và cứng rắn ». Trong bối cảnh uy tín suy yếu tại nước Nga, chủ nhân điện Kremlin một lần nữa được Pháp tạo cơ hội để khẳng định trên trường quốc tế.
Nhìn từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin phân tích :
“Sau Versailles năm 2017 và Saint Petersbourg năm 2018, đây là lần thứ ba lãnh đạo Nga và Pháp gặp nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến tinh thần nói thẳng nói thật trong các cuộc trao đổi cho phép đề cập đến mọi vấn đề và ấn định những lằn ranh đỏ mà cả Vladimir Putin và Emmanuel Macron đều không muốn phiêu lưu vượt qua.
Được mời sang Pháp trước hội nghị G7, tổng thống Nga có cơ hội bảo vệ quan điểm của Matxcơva trên các vấn đề lớn sẽ được thảo luận vào cuối tuần nhân thượng đỉnh 7 cường quốc kinh tế thế giới mà Nga không được tham gia từ khi chiếm Crimée năm 2014.
Tuy sẽ không có những kết quả đột phá nhưng ít ra trong cuộc hội kiến tại Bormes-les-Mimosa, các ý kiến tương đồng giữa Paris và Matxcơva sẽ được hai bên thảo luận thêm : từ tình hình Ukraina với tân tổng thống Volodymyr Zelensky có thể mở ra những viễn cảnh mới, hay là hồ sơ Syria mà Nga và Pháp cùng cho là cần phải thúc đẩy giải pháp chính trị đang bị sa lầy từ nhiều tháng nay cũng như về hiệp định hạt nhân Iran. Trong hồ sơ thứ ba này, Paris và Matxcơva cùng lập trường kêu gọi Teheran có bổn phận tuân thủ thỏa thuận với quốc tế cho dù Hoa Kỳ rút lui.
Đối với Nga, đây là cơ hội thật tốt để bảo vệ quyền lợi quốc gia bên ngoài Câu lạc bộ G7 và với tư cách là một đối tác không thể thiếu để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới.”
Còn nhìn từ Paris, theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga-NEI thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, tổng thống Macron có dấu hiệu thiên về đối thoại hơn là cứng rắn.
Trình tự thời gian cũng bất lợi cho người muốn đối thoại. Cụ thể, năm 2018, khi xảy ra vụ mưu sát cha con cựu trung tá Skrypal ở Anh Quốc, tổng thống Pháp tẩy chay gian hàng Nga tại Hội chợ sách Paris nhưng không hủy chương trình thăm Saint Petersbourg. Cũng chính tổng thống Pháp vận động cho Nga trở lại Hội Đồng Nghị viện Châu Âu và tiếp tổng thống Putin một tuần trước thượng đỉnh G7 trong khi chờ đợi hội nghị ngoại giao-quốc phòng theo công thức 2+2 dự trù tái lập vào tháng 9.
Paris có lý do của Paris. Trong bối cảnh nước Anh vì Brexit, nước Đức vì Angela Merkel chuẩn bị về hưu chính trị, chỉ còn nước Pháp phải lên tuyến đầu vì quyền lợi châu Âu. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu và G7, tổng thống Macron xem như là lãnh đạo thế giới Tây phương, và như chính ông tuyên bố, có lý do chính đáng tìm « một xung lực mới để tái lập đối thoại chiến lược với Matxcơva ».
Theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, Pháp không ngây thơ, nhưng đặt nhiều hy vọng trong cuộc đối thoại với Nga. Tổng thống Putin cũng sẽ rất cảm kích cử chỉ của Pháp. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin xem cử chỉ hòa dịu này là thành quả của thái độ … cứng rắn của Nga. Không bao giờ Matxcơva trả lại Crimée. Thủy thủ Ukraina bị bắt hồi tháng 11/2018 tại eo biển Kertch tiếp tục ngồi tù, hộ chiếu Nga đã cấp cho dân Donbass. Trong nước, đối lập Nga tiếp tục bị khống chế và đàn áp để bảo vệ cho đảng Nước Nga Thống Nhất đang mất hết uy tín không bị thất bại nặng nề, nhất là tại Matxcơva trong cuộc bầu cử tháng 9.
Một lần nữa, thiện chí của nước Pháp bị lịch thời gian phản bội. Tổng thống Macron trải thảm đỏ đón Vladimir Putin trong lúc chủ nhân điện Kremlin xuống điểm, dân chúng than vãn bất bình chính sách kinh tế xã hội, theo bình luận của chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, trên Le Monde đúng vào ngày tổng thống Nga đến Pháp.
http://vi.rfi.fr/phan-tich/20190819-doi-thoai-phap-nga-macron-dat-putin-vao-the-manh

Nga-Pháp: Macron tiếp Putin trước G7

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, chiều 19/08/2019, tại khu nghỉ dưỡng Brégançon, Pháp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Mục đích chính cuộc gặp là nhằm làm rõ những vấn đề quốc tế lớn cũng như quan hệ ngoại giao hai nước.
Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới hiện nay. Đây là cơ hội để Nga có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7. Nga đã bị gạt ra khỏi G7 từ sau cuộc khủng hoảng Crimée năm 2014.
Với chính phủ Pháp, cuộc đối thoại với người hàng xóm lớn này là điều cần thiết trong nhiều hồ sơ nóng của thế giới. Nga là một tác nhân quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế dù Matxcơva đang gặp nhiều rắc rối trong quan hệ với các nước phương Tây.
Dự kiến, các vấn đề về Iran, Syria, Ukraina sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Sự kiện Ukraina vừa có tân tổng thống Volodymyr Zelensky được Pháp đánh giá là mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột ở vùng miền đông Ukraina ly khai được Nga ủng hộ.
Theo nhận định của chuyên gia Alexandre Baunov, thuộc Trung tâm Carnegie, vấn đề chính là khởi động lại thỏa thuận Minsk để mang lại hòa bình trong vùng miền đông Ukraina,
Cuộc gặp có thể sẽ là cơ hội tốt giúp Pháp nói riêng và châu Âu nói chung thoát ra khỏi thế bế tắc trong quan hệ với Nga, như nhận định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên báo Le Figaro hôm 17/08/2019.
http://vi.rfi.fr/phap/20190819-tong-thong-emmanuel-macron-tiep-vladimir-putin-ban-ve-khung-hoang-the-gioi

30 năm sau, chính quyền Viktor Orban

 làm lu mờ sự kiện “Picnic Toàn Âu”

Cách đây tròn 30 năm, vào những giờ này, truyền thông Châu Âu và thế giới nóng lên với tin, chính quyền cộng sản Hungary cho mở một đoạn biên giới phía Tây với Cộng hòa Áo trong vòng vài giờ, vô hình chung tạo điều kiện cho dòng người tỵ nạn Đông Đức có thể tràn qua Áo để sang CHLB Đức.
Sự kiện này, về sau đã được chính giới Đức đánh giá là một cột mốc hết sức quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin, tiền đề cho một nước Đức thống nhất và cho nhiều nước Đông Âu thoát khỏi khối Xô Viết gia nhập “mái nhà chung” Châu Âu. Đây cũng được coi là “sự lựa chọn Châu Âu” của Hungary.
Thông tính viên Hoàng Nguyễn tại Budapest tường trình:
Vài giờ mở biên giới, một quyết định can đảm
Trở lại những ngày tháng của mùa hè năm 1989 đầy biến động, cần nhớ rằng vào ngày 2/5, chính quyền Hungary đã tổ chức một cuộc họp báo quốc tế ngay tại cửa khẩu Hegyeshalom, tuyên bố rằng nước này sẽ đơn phương dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách với nước Áo.
Hệ thống hàng rào dây thép gai ngăn cách Đông – Tây trong hơn 40 năm ấy, rốt cục đã được dỡ bỏ rất nhanh chóng. Ngày 27/6, khi ngoại trưởng Hung và Áo cùng dùng kìm cộng lực để cắt mảnh hàng rào trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế, thì “bức màn sắt” đã được thanh toán về cơ bản.
Tuy nhiên, biên giới hai nước vẫn được canh phòng cẩn mật, đặc biệt là trước 60-80 ngàn người tỵ nạn Đông Đức, đã cảm thấy ở Hungary có thể có những biến động cởi mở, và do đó tụ tập tại Hung từ đầu hè để tìm đường sang Tây Đức, khiến chính quyền Hung lâm vào tình thế rất khó xử.
Rốt cục, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Hungary thời bấy giờ, đứng đầu là các nhân vật cải tổ như Thủ tướng Német Miklós, Ngoại trưởng Horn Gyula, Ủy viên Bộ Chính trị Pozsgay Imre… đã làm một phép thử, sau này được coi là lớn nhất và mang tính quyết định đối với Điện Kremlin.
Đó là, Hung cùng Áo tổ chức một hoạt động dân sự mang tên “Picnic Toàn Âu” tại biên giới hai nước và trong đó, biên giới sẽ được mở một cách tượng trưng trong vòng ba giờ. Sự kiện diễn ra vào ngày 19/8/1989, một ngày trước Quốc khánh Hungary, và thông tin đã được rò rỉ rộng rãi từ trước đó.
“Picnic Toàn Âu” đã có được sự tin tưởng khi bên cạnh nhà bảo trợ chính của phía Hung là Pozsgay Imre, lãnh đạo cộng sản được lòng người dân nhất, phía Áo có sự góp mặt của Habsburg Ottó, một chính khách Châu Âu nổi tiếng, đồng thời là Hoàng thái tử cuối cùng của Đế chế Áo-Hung.
Đích thân Thủ tướng Hungary đã đề nghị Bộ Nội vụ, cơ quan biên phòng và cảnh sát hỗ trợ ông trong công việc tổ chức làm sao cho êm thấm. Càng đến thời điểm của cuộc dã ngoại, dân tỵ nạn Đông Đức càng tập trung hết sức đông đảo trên trục đường dẫn tới biên giới Hung – Áo.
Thậm chí, còn có cả tờ rơi hướng dẫn đường tới địa điểm diễn ra cuộc picnic, khả năng là do tòa đại sứ Tây Đức ở Budapest thực hiện. Trong vòng bán kính 5km, quân đội được chỉ thị rút về các doanh trại và chấm dứt tuần tra, còn lực lượng biên phòng Hung thì chỉ có mặt ở mức vừa đủ.
Chung cuộc, tại cửa khẩu gần thành phố Sopron, trong vòng 3 giờ, biên giới đã được mở tạm thời, khiến gần một ngàn người tỵ nạn Đông Đức vượt biên và không có gì đáng tiếc xảy ra. Đây là cuộc “tổng diễn tập” cho sự kiện 11-9, khi biên giới Hung – Áo chính thức được mở trong thời gian dài.
Ý nghĩa lịch sử của Picnic Toàn Âu
Trong buổi lễ trọng thể ngày tái thống nhất nước Đức 3/10/1990, ngay bên cổng thành Brandenburg – biểu tượng của sự chia cắt rồi hàn gắn của nước Đức, Thủ tướng Helmut Kohl đã nhấn mạnh trước toàn thế giới: “Người Hungary đã dỡ viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin…”.
Đó cũng là lời tri ân trước chuỗi hành động của Hungary, từ việc dỡ bỏ “bức màn sắt” cho tới Picnic Toàn Âu, để rồi chính thức mở biên giới Hung – Áo, được giới ngoại giao Tây Đức nhận định là “một hành động dũng cảm, cho thế giới thấy nghị lực và lòng nhân đạo, phản ánh nghệ thuật trị nước”.
30 năm sau sự kiện này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng mặc dò có nhiều bất đồng về chính trị hiện tại, “không bao giờ được quên vai trò của nước Hung” trong quá trình thống nhất nước Đức “trong ôn hòa và tự do”. Đó là “lý do lịch sử” khiến bà qua Hungary trong dịp kỷ niệm này.
Trong thông điệp cuối tuần thường lệ, bà Merkel nhắc lại quá khứ, khi “người Hung đã mở một cánh cửa biên giới và tạo điều kiện cho các công dân Đông Đức chạy trốn sang Phương Tây”. Bằng động thái đó, “nước Hung góp phần khiến điều thần kỳ diễn ra, nước Đức được thống nhất”.
Theo thủ tướng Đức, Picnic Toàn Âu là hành động dũng cảm của Hungary, và là “nhân tố hết sức quan trọng” trên con đường dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin và thống nhất nước Đức, rốt cục dẫn tới “sự thống nhất của Châu Âu và chấm dứt Chiến tranh lạnh”, khiến Đông – Trung Âu trở thành đối tác của Phương Tây.
Hungary: kỷ niệm cầm chừng
Trong khi tại các quốc gia cộng sản cũ ở vùng Đông – Trung Âu, kỷ niệm 30 năm thay đổi thể chế được tiến hành trọng thể từ đầu năm nay và trở thành một sự kiện truyền thông và xã hội rộng rãi, thì tại Hungary, dường như chính giới nước này không mặn mà đặc biệt gì khi nhìn lại 3 thập niên trước.
Phe đối lập cho rằng nền Đệ tam Cộng hòa Hungary – hình thành khi chế độ cộng sản ở nước này sụp đổ vào năm 1989 trên cơ sở đồng thuận đạt được trong kỳ Bàn tròn Đối lập – nay đã cáo chung bởi nền độc tài kiểu mới của Orbán, và cần thay thể chính thể hiện tại bằng một nền cộng hòa mới.
Ngược lại, chính quyền cánh hữu của Thủ tướng Orbán Viktor, trong một số hoạt động kỷ niệm ở mức độ vừa phải, thì tìm cách đề cao vai trò của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ trong những sự kiện năm 1989, nhiều khi lờ đi một thực tế, đó là kết quả chung của phe đối lập và chính quyền.
Giới nghiên cứu, trong nhiều bận, đã gọi thái độ này của chính quyền Orbán là sự bóp méo và xuyên tạc lịch sử. Picnic Toàn Âu, trong những ngày qua, chỉ được nhắc tới ở tầm địa phương, và cho dù Thủ tướng Đức có mặt trong dịp kỷ niệm này, nhưng nó vẫn không được nhắc tới rộng rãi trong xã hội Hung.
Không thật khó hiểu trước cách hành xử như vậy của nội các Hungary, mà những yếu nhân từng là các gương mặt quan trọng của sự thay đổi thể chế 1989. Với thời gian, từ những người chủ trương gỡ “bức màn sắt“, họ đã trở nên các chính khách cương quyết nhất của Châu Âu trong việc xây nên một bức tường trong thực thể và cả trong tâm thức người dân.
Cá nhân Thủ tướng Orbán Viktor, từ một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ theo chủ nghĩa tự do, nay trở thành “phát ngôn viên” lớn nhất cho cái mà ông gọi là nền “dân chủ phi tự do”, tức là đi ngược lại tất cả những gì mà ông và các đồng sự đã chủ trương trong thời khắc 1989-1990 lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà một ký giả nổi tiếng gốc Hung hiện đang sinh sống tại Áo, ông Paul Lendvai, trong bài viết gần đây nhất, đã đặt Orbán bên cạnh những nhà độc tài như Tập Cận Bình, Putin, hoặc Erdoğan, và nói rằng “từ một người bảo vệ nền dân chủ Hungary một cách hứa hẹn nhất, ông đã trở thành nhân vật chính khiến nó bị bức tử”.
Hungary đã kỷ niệm Picnic Toàn Âu và nhiều biến cố lịch sử khác sau 30 năm trong bối cảnh như thế…
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190819-30-nam-sau-chinh-quyen-viktor-orban-lam-lu-mo-su-kien-picnic-toan-au

Open Arms từ chối đề nghị cập cảng của Tây Ban Nha

Tổ chức Phi chính phủ Proactiva Open Arms ngày 18/08/2019 từ chối đề nghị của Tây Ban Nha cho phép tàu chứa hàng trăm người di cư cập cảng của nước này. Tổ chức này đánh giá lời mời của Tây Ban Nha là « không thể thực hiện được ».
Chính phủ Tây Ban Nha trước đó đã đề nghị đón tàu của Open Arms tại cảng Algésiras, nằm ở cực nam nước này. Hiện con tàu nhân đạo này đang nằm gần đảo Lampedusa của Ý vì lý do « trong tình trạng khẩn cấp » và đối mặt với quyết định đóng cửa cảng của chính phủ Ý.
Tuy nhiên, lời mời của chính phủ Tây Ban Nha đã bị Open Arms từ chối bởi hiện vẫn còn 105 người lớn và 2 trẻ nhỏ trên tàu, trong đó có nhiều người lênh đênh trên biển 17 ngày. Con tàu sẽ phải mất ít nhất 5 ngày nữa để cập cảng Algésiras.
Ngay trong tối 18, chính phủ Tây Ban Nha đã phản bác lại lời của Open Arms rằng họ đã đề nghị con tàu này cập « cảng gần nhất thuộc lãnh thổ » của nước này, nằm trong quần đảo Baléares, theo nguồn tin của AFP. Hiện Open Arms chưa đưa ra câu trả lời chính thức về đề nghị này.
Cũng trong tối hôm qua, bộ trưởng Bộ giao thông Ý đã lên tiếng hứa sẽ trợ giúp Open Arms di chuyển đến cảng của Tây Ban Nha.
Về phía Open Arms, tổ chức này đề nghị chính phủ Ý mở cửa cảng Lampedusa để đưa người di cư vào bờ. Madrid cũng đưa ra yêu cầu tương tự với Roma, đồng thời kêu gọi các nước Pháp, Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha, Rumani và Tây Ban Nha cùng phân chia đón nhận người di cư. Hiện, Paris cam kết sẽ đón 40 người từ tàu của Open Arms.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190819-open-arms-tu-choi-de-nghi-cap-cang-cua-tay-ban-nha

Quân đội Syria chiếm cứ

điểm thánh chiến Khan Cheikhoun

Gia Hưng
Quân đội chính phủ Syria hôm qua, 18/08/2019, đã vào được thành phố chiến lược Khan Cheikhoun, phía tây bắc nước này. Theo tổ chức Đài Quân Sát Nhân Quyền Syria, lực lượng thánh chiến đã « kháng cự mãnh liệt ». Chiến sự đã làm hơn 100 người chết trong 24 giờ qua.
Thông tín viên Paul Khalifeh từ Beyrouth :
Việc lực lượng quân đội Syria chiếm được thành phố Khan Cheikhoun có hai ý nghĩa lớn về mặt biểu tượng và chiến lược.
Là biểu tượng quan trọng vì Khan Cheikhoun là cứ địa của chi nhánh Al Qaida trước đây tại Syria, là mục tiêu của cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng 04/2017, làm hơn 80 người thiệt mạng, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Đáp trả cuộc tấn công bằng chất độc hóa học này, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra lệnh oanh kích một số mục tiêu quân sự của quân đội Syria tại nhiều nơi trên lãnh thổ nước này.
Còn về mặt chiến lược, thành phố Khan Cheikhoun nằm gần tuyến đường cao tốc nối liền hai thành phố Damas và Aleppo, bị phong tỏa từ hơn 5 năm qua. Tuyến đường này giúp lưu thông dễ dàng hơn giữa thủ đô và thành phố lớn ở miền Bắc. Việc chiếm thành phố Khan Cheikhoun cho phép kiểm soát được một phần lớn trục đường quan trọng này.
Lực lượng quân đội Syria đã tiến vào thành khố Khan Cheikhoun từ phía tây-bắc, sau khi tiến hành nã pháo dữ dội và máy bay cũng như trực thăng của Nga, Syria oanh kích gần 200 lượt.
Lực lượng thánh chiến đã kháng cự quyết liệt, thậm chí cả đánh bom tự sát nhằm làm chậm đà tiến quân của lực lượng chính phủ. Chiến sự tiếp diễn tại một số khu vực, nhưng phe thánh chiến đã rút hầu hết quân do lo ngại bị bao vây tại thành phố vốn có 100 ngàn dân nhưng nay trở nên hoang tàn.
Chính quyền Damas hôm nay, 19/08/2019, lên án Thổ Nhỹ Kỳ điều quân tới Khan Sheikhun. Một phóng viên AFP chứng khiến một đoàn xe bao gồm 50 xe thiết giáp và ít nhất 5 chiếc xe tăng đi qua tỉnh Idlib, hướng về phía nam, chỉ cách Khan Sheikhun 15 cây số. Theo hãng tin Nhà nước Syria trích dẫn một quan chức bộ Ngoại Giao, hành động này « một lần nữa khẳng định sự giúp đỡ của Thổ Nhỹ Kỳ với các nhóm khủng bố ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190819-syria-quan-doi-chinh-phu-chiem-duoc-khan-cheikhoun

Người đàn ông tự xưng là công dân TQ

phá hoại đền thờ tử sĩ Nhật

Cảnh sát Nhật Bản hôm 19/8 đã bắt giữ một người đàn ông tự xưng là người Trung Quốc vì đã ném một chất lỏng giống như mực đen lên một tấm rèm tại một trong những tòa nhà của Đền Yasukuni ở Tokyo, ngôi đền thờ tử sĩ chiến tranh của Nhật Bản, Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát Nhật cho biết.
Các nước láng giềng của Nhật xem ngôi đền là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật trước đây, vì trong đền có thờ 14 lãnh đạo Nhật đã bị tòa án đồng minh kết án là tội phạm chiến tranh, cùng với những tử sĩ khác.
Thủ tướng Shinzo Abe đã gửi lễ tế đến ngôi đền hôm 15/8, ngày kỷ niệm Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến thứ hai, nhưng không đích thân đến viếng đền.
Reuters dẫn lời một cảnh sát cho biết, hiện chưa rõ các chi tiết như động cơ hành động, quê quán hay nghề nghiệp của người đàn ông bị bắt vì gây thiệt hại tài sản.
Hãng tin Anh cho biết rằng đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo chưa đưa ra bình luận tức thời về vụ việc.
Hình ảnh trên trang web của NHK, đài phát thanh truyền hình công cộng của Nhật, cho thấy một phần của tấm rèm trắng hình chữ nhật được treo ở mặt trước của một trong những tòa nhà chính của đền thờ bị lấm nhiều đốm đen.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-ong-tu-xung-la-nguoi-tq-pha-hoai-den-tho-tu-si-nhat/5047899.html

Biểu tình ở Hong Kong:

Hàng trăm ngàn người đã biểu tình ôn hòa

Khoảng 1,7 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào Chủ nhật tại Hong Kong theo ban tổ chức.
Cảnh sát đưa ra con số thấp hơn nhiều, với chỉ 128.000 người và chỉ tính những người tại một cuộc biểu tình đã chính thức đăng ký.
Người biểu tình và cảnh sát đã đụng độ suốt 11 tuần qua, nhưng cuộc biểu tình cuối tuần này đã diễn ra một cách ôn hòa.
Các cuộc biểu tình nổ ra vì dự luật dẫn độ gây tranh cãi nhưng giờ nó đã trở thành một phong trào lớn hơn với các yêu cầu đòi cải cách dân chủ và một cuộc điều tra về sự tàn bạo của cảnh sát.
Lưu Diệc Phi chê trách Hong Kong, ‘Hoa Mộc Lan’ bị tẩy chay
Người Trung Quốc đại lục nghe gì về biểu tình Hong Kong?
Biểu tình Hong Kong lan rộng trên toàn cầu
Phía tổ chức cuộc biểu tình, Mặt trận Nhân quyền Dân sự, đã bị cảnh sát từ chối cho phép tổ chức một cuộc tuần hành qua thành phố, tuy nhiên cảnh sát vẫn cho phép một cuộc biểu tình trước Công viên Victoria.
Một trong những người tuần hành, nói tên là Wong, đã cho BBC Lam Cho Wai biết rằng: “Chúng tôi đã chiến đấu trong hơn hai tháng, nhưng chính phủ của chúng tôi vẫn không có phản hồi nào cả. Chúng tôi có thể sẽ tiếp tục biểu tình nữa.”
Nhiều đám đông lớn cũng diễu hành ở các khu vực gần đó là Admiralty, Vịnh Causeway và Wan Chai bất chấp lệnh cấm của cảnh sát.
Người phát ngôn của chính phủ Hong Kong nói rằng mặc dù các cuộc biểu tình nhìn chung là ôn hòa, nhưng vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và gây ra nhiều bất tiện.
Ông nói thêm rằng “điều quan trọng nhất là khôi phục trật tự xã hội càng sớm càng tốt”.
Niềm tin vào phong trào được củng cố
Phóng viên Stephen McDonell, BBC News, Hong Kong
Việc thúc đẩy phong trào dân chủ của Hong Kong theo một hướng đi ôn hòa hơn vào cuối tuần này dường như đã có hiệu quả.
Từ trẻ mới biết đi cho đến người già, những người biểu tình đã tham gia một cuộc biểu tình vô cùng quy mô. Nhiều gia đình được trông thấy mặc toàn đồ đen ướt đẫm khi trời đổ mưa.
Những cuộc biểu tình này muốn nhận được sự thu hút và ủng hộ của cộng đồng thêm một lần nữa sau khi những hình ảnh gây sốc về bạo lực leo thang gần đây khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về phong trào dân chủ.
Bên trong Công viên Victoria chật kín người, khi một thông báo phát lên rằng các ga tàu điện ngầm đã bị đóng cửa vì có quá nhiều người tràn vào để cố gắng đến cuộc tuần hành, đám đông đã hò hét vui mừng cổ vũ.
Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 18/8 đã tiếp thêm niềm tin cho mọi người vào mục đích của phong trào dân chủ và ngay lúc này, cảm giác như thể một phần lớn dân số của thành phố đã nạp đủ năng lượng, sẵn sàng tiếp tục chiến đấu đến năm 2047, khi Hong Kong mất đi vị thế đặc biệt và trở thành một thành phố của Trung Quốc theo bản thỏa thuận năm 1997.
Biểu tình gần đây đã bạo lực?
Bạo lực đã gia tăng trong vài tuần qua và cảnh sát thường xuyên bắn hơi cay và đạn cao su.
Người biểu tình cuối tuần qua đã chiếm sân bay, dẫn đến hàng trăm chuyến bay bị hủy.
Tình trạng hỗn loạn đã khiến một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á rơi vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa vào Chủ nhật trong bối cảnh lo ngại về bạo lực.
Bắc Kinh đang nói gì?
Chính phủ Trung Quốc đã tăng nặng lời lẽ chỉ trích sau tình trạng bất ổn ở sân bay, lên án đó là “hành vi gần như khủng bố”.
Đây là lần thứ hai trong một tuần, các quan chức Trung Quốc công khai ví các cuộc biểu tình dân chủ ở Hong Kong với hoạt động khủng bố.
Một số nhà quan sát tin rằng việc sử dụng nhiều lần ngôn ngữ như vậy cho thấy Trung Quốc đang mất kiên nhẫn với người biểu tình và báo hiệu rằng khả năng Bắc Kinh sẽ can thiệp ngày càng cao.
Hàng ngàn cảnh sát vũ trang đã đóng quân ở biên giới Hong Kong ở Thâm Quyến.
“Nếu tình hình của Hong Kong xấu đi đến mức không thể kiểm soát được bởi chính phủ Hong Kong, chính quyền trung ương sẽ không ngồi yên và xem,” Chen Wen của Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói với BBC Radio 4.
“Chúng tôi có đủ quyền hạn và đủ giải pháp để dập tắt mọi bất ổn trong giới hạn của luật cơ bản.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo hôm Chủ nhật rằng nếu Trung Quốc thực hiện một cuộc đàn áp giống như sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với người biểu tình, thì một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở thành “một điều rất khó thực hiện”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49392368

Hong Kong sẵn sàng

cho những cuộc biểu tình ôn hòa lớn khác

Thêm những cuộc biểu tình khác nữa đang được chuẩn bị diễn ra trong tuần này sau khi hằng trăm ngàn người Hong Kong vào ngày Chủ Nhật 18 tháng 9 đội mưa biểu tình chống chính phủ đặc khu sang đến tuần thứ 11.
Reuters loan tin ngày 19 tháng 8 cho biết tổng số người tham gia biểu tình chống chính phủ tại Hong Kong vào ngày 18/8 là 1 triệu 700 ngàn người. Điều này cho thấy phong trào biểu tình chống chính phủ đặc khu vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi bất chấp những vụ hỗn loạn vào tuần qua khi những người biểu tình tiến chiếm sân bay Hong Kong.
Phía cảnh sát Hong Kong vào ngày thứ hai 19 tháng 8 thừa nhận đợt biểu tình vào ngày 18 tháng 8 hầu như ôn hòa; tuy nhiên cũng có những vụ vi phạm luật lệ xảy ra vào chiều tối 18/8 khi một số người biểu tình bôi bẩn lên các tòa nhà và chiếu tia laser vào cảnh sát.
Đợt biểu tình chống chính quyền đặc khu hành chánh Hong Kong lần này được cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với chủ tịch Tập Cận Bình, người lên nắm quyền tại Trung Quốc từ năm 2012.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào tháng 7 năm 1997 với thỏa thuận đây là đặc khu hành chánh với qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ . Tuy nhiên, Bắc Kinh ngày càng can thiệp mạnh vào Hong Kong.
Vào tháng 6, những cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc. Đặc khu trưởng Hong Kong sau đó phải cho hủy bỏ dự thảo luật này. Tuy vậy, những cuộc biểu tình tiếp diễn để đòi hỏi dân chủ thực sự cho Hong Kong.
Cũng tin liên quan, vào ngày thứ hai 19 tháng 8, đảng Lao động đối lập tai Anh kêu gọi chính quyền London phải nói chuyện trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong. Đảng này cũng đề nghị chính quyền Trung Quốc tôn trọng cam kết ‘một quốc gia, hai thể chế’ đối với Hong Kong.
Phát ngôn nhân John McDonnell chuyên về chính sách tài chính của đảng Lao Động Anh nói rõ quan điểm đứng về phía những người tôn trọng thỏa thuận giữa London và Bắc Kinh khi trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/hk-more-pro-08192019090115.html

Bắc Kinh lên án tuyên bố

của các chính trị gia Hoa Kỳ về vấn đề Hong Kong

Tin từ Bắc Kinh, Trung Cộng — Theo tin từ The Strait Times, ông You Wenze – phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội  Cộng cho biết, những tuyên bố gần đây của các chính trị gia Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng tinh thần luật pháp, và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Cộng.
Ông này nói các chính trị gia Mỹ đã tôn vinh các tội ác bạo lực ở Hồng Kông, bôi nhọ nỗ lực của cảnh sát Hồng Kông trong việc thực thi pháp luật và duy trì trật tự xã hội. Tuyên bố của ông You được đưa ra hôm Thứ Bảy (17/8), nhằm đáp lại một số tuyên bố về Hong Kong của các chính trị gia Hoa Kỳ, bao gồm chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Marco Rubio. Ông You cho biết, các hoạt động phi pháp của người biểu tình Hong Kong đã vi phạm Hiến pháp Trung Cộng, Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hong Kong, Luật Quốc kỳ và Luật quốc huy, cũng như các quy tắc và quy định khu vực. Những hành động trên thách thức nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”, bác bỏ luật pháp ở Hong Kong, đe dọa sự an toàn và tài sản của người dân. Những hành vi này cần phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật.
Theo ông You, Hong Kong là một phần của Trung Cộng, các vấn đề của Hong Kong cũng là các vấn đề nội bộ của Trung Cộng. Sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hong Kong được xây dựng dựa trên ý chí mạnh mẽ của tất cả người dân Trung Cộng.
Tập Cận Bình hiện nay vẫn ít có tuyên bố về vấn đề Hong Kong. Những người yêu tự do dân chủ vẫn lo ngại nhà lãnh đạo độc tài này sẽ biến Hong Kong thành một Thiên An Môn mới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-len-an-tuyen-bo-cua-cac-chinh-tri-gia-hoa-ky-ve-van-de-hong-kong/

Trung Quốc lên kế hoạch phát triển

Thâm Quyến ”vượt xa” Hồng Kông

Gia Hưng
Chính quyền Bắc Kinh hôm qua, 18/08/2019, công bố bản kế hoạch phát triển Thâm Quyến vượt tầm Hồng Kông, đồng thời kêu gọi Hồng Kông và Macao sáp nhập, nếu không sẽ “tụt hậu”, trong bối cảnh cuộc biểu tình tại Hồng Kông diễn ra liên tục 11 tuần qua.
Theo AFP, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thành phố Thâm Quyến lên mức hàng đầu thế giới vào năm 2025. Bản kế hoạch, tuy không có chi tiết cụ thể, cũng bao gồm ý định sáp nhập Hồng Kông và Macao vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Tờ Global Times hôm nay, 19/08/2019, trích dẫn giới chuyên gia, nhận định rằng Hồng Kông nếu không chộp lấy cơ hội phát triển cùng Thâm Quyến, sẽ vấp phải nhiều hạn chế trong tương lai và sẽ bị tụt hậu.
Ngoài ra, theo kế hoạch nói trên, những người Hồng Kông và Macao sinh sống và làm việc tại Thâm Quyến sẽ được cấp quyền cư trú, đồng thời mở rộng các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các thành phố. Bản kế hoạch cũng tiết lộ chính sách “mở cửa”, tạo điều kiện cho những người nước ngoài sinh
sống và làm việc tại Trung Quốc mở công ty công nghệ cao. Đây được cho là biện pháp giúp Thâm Quyến trực tiếp cạnh tranh với Hồng Kông để trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ chính sách xây dựng một khu “Vịnh Lớn” với tâm điểm là thành phố Thâm Quyến, qua đó thiết lập một khu kinh tế giữa Hồng Kông, Macao, và tỉnh Quảng Đông.
Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa hôm qua, 18/08/2019, cảnh cáo Canada “nên cẩn thận với từ ngữ và hành động” của mình. Trước đó một ngày, chính quyền Ottawa và Liên Hiệp Châu Âu đưa thông cáo chung khẳng định người Hông Kông hoàn toàn có quyền biểu tình một cách ôn hòa.
Bắc Kinh hôm nay, 19/08/2019, cũng lên giọng với Đài Bắc vì chính quyền hòn đảo này đứng về phía người biểu tình ở Hồng Kông. Tuy không có cơ chế luật pháp chính thức để nhận người tị nạn chính trị, tổng thống Đài Loan tháng trước đã đề nghị giúp đỡ những người tị nạn chính trị từ Trung Quốc. Hôm nay, phát ngôn viên của Văn phòng Các Vấn Đề Đài Loan Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) yêu cầu chính quyền Đài Loan dừng can thiệp vào Hồng Kông và không dung túng cho người biểu tình Hồng Kông mà Trung Quốc cho là những kẻ phạm pháp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190819-trung-quoc-len-ke-hoach-phat-trien-tham-quyen-vuot-xa-hong-kong

Trung Quốc ngụy biện về bãi Tư Chính

TTO – Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là “một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan” của Trung Quốc. Lập luận này của Trung Quốc xuất phát từ cơ sở nào, đúng hay sai khi đối chiếu với UNCLOS 1982?
Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; hơn nữa còn là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3.
Âm mưu viết lại Luật biển
Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy hơn 80% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng:
- Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS 1982;
- Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này;
- Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông – bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield); vì vậy, “theo UNCLOS 1982″, Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U.
Lập luận nói trên của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi là sự “giải thích và áp dụng” quy định của UNCLOS 1982. Nhưng, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật biển quốc tế có lợi cho họ.
Vạch trần âm mưu
Xin vạch rõ tính ngụy biện trong cách “giải thích và áp dụng” UNCLOS 1982 của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất: “biên giới do lịch sử” để lại và “quyền lịch sử”
Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của công ước. Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác.
Trong quá trình tiến hành Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không. Cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại phần V, từ điều 55 đến điều 75.
Trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye ngày 12-7-2016, Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Thứ 2: vấn đề hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa
Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở “quốc gia quần đảo”.
Phần IV, điều 46 đã định nghĩa “quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ số 1/1 và 9/1…
Tuy nhiên trong phần IV không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó.
Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.
Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng đến 200 hải lý.
Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì phần VIII, điều 121, UNCLOS 1982 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”; 2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”; 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.
Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý.
Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo.
Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này.
“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 16-8, liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 và tàu hộ tống của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Khoan thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính là góp phần bảo vệ chủ quyềnKhoan thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính là góp phần bảo vệ chủ quyền
Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC
https://tuoitre.vn/trung-quoc-nguy-bien-ve-bai-tu-chinh-2019081907495772.htm

Tàu chiến TQ ra vào biển Philippines như ao nhà

Chính quyền Manila thể hiện thái độ khó chịu lẫn khó hiểu khi các tàu chiến của hải quân Trung Quốc liên tục qua lại vùng biển Philippines mà không báo trước.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, đã đặt nghi vấn về động thái của tàu Trung Quốc khi xuất hiện tại một sự kiện do doanh nghiệp Trung Quốc tổ chức vào ngày 17-8.
“Chúng tôi muốn biết tại sao họ lại đi vào vùng biển của Philippines. Như Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đã từng nói, hành động này lặp đi lặp lại và do đó đang ngày càng trở thành một chuyện khó chịu.
Chúng tôi muốn biết chính xác tại sao tàu chiến Trung Quốc lại đi đường này trong khi họ có thể đi đường khác nếu muốn trở về Trung Quốc ngắn nhất”, ông Panelo lập luận.
Tờ Inquirer dẫn lời nhiều ngư dân trên đảo Tawi-tawi phía nam của Philippines cho biết họ đã nhiều lần thấy bằng mắt thường tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển này kể từ đầu tháng 8 cho đến nay. Chính quyền địa phương thừa nhận họ bối rối, không biết xử lý như thế nào và mục đích của tàu Trung Quốc là gì.
Ông Panelo khẳng định việc tìm kiếm câu trả lời cho các hành động của tàu Trung Quốc là “vấn đề hệ trọng”, “có thể được nêu ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”. Tuy nhiên, ông này lại nước đôi khi nói rằng có thảo luận về việc này hay không là do tổng thống quyết định.
Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5 kể từ khi nhậm chức, ông Duterte tuyên bố sẽ nêu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông năm 2016 khi gặp ông Tập.
Hôm 15-8, Phủ tổng thống Philippines lên tiếng bày tỏ quan ngại khi quân đội nước này cho biết lại có thêm 5 tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển của Philippines mà không thông báo.
Ông Panelo khi đó khẳng định đây không phải là một hành động thể hiện tình hữu nghị, đồng thời cho biết các tàu chiến của Bắc Kinh có thể đã vi phạm nguyên tắc qua lại vô hại trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Một ngày sau tuyên bố này, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đặt ra câu hỏi lớn hơn: những tàu chiến Trung Quốc đi qua biển Philippines là từ đâu đến.
“Rõ ràng họ đang quay trở lại Trung Quốc, nhưng câu hỏi lớn hơn: họ đến từ đâu? Và tại sao họ lại đi qua eo biển Sibutu nếu họ đến từ Ấn Độ hoặc Ấn Độ Dương, vì tuyến đường gần nhất là qua eo biển Malacca và tiến vào Biển Đông”, ông Lorenzana lập luận.
http://biendong.net/bi-n-nong/29884-tau-chien-tq-ra-vao-bien-philippines-nhu-ao-nha.html

Tổng thống Duterte tuyên bố

không chấp nhận TQ sở hữu Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông không chấp nhận việc Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sở hữu Biển Đông, theo GMA News ngày 8-8.
GMA News ngày 8-8 đăng tải đoạn phỏng vấn ông Duterte, trong đó tổng thống Philippines khẳng định lý do ông bác bỏ lập trường của Trung Quốc là dựa vào phán quyết của một hội đồng trọng tài năm 2016. Phán quyết này đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra.
Ông cũng cho biết phía Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và khẳng định ông sẽ hối thúc Trung Quốc trong cuộc gặp cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đúng như những gì báo giới Philippines và quốc tế đưa trước đó, ông Duterte đã mang phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) vào cuộc hội đàm với ông Tập.
Trong ba năm qua, ông Duterte nhận không ít chỉ trích vì bị cho là né tránh đề cập tới vụ thắng kiện của Philippines, nhằm bảo vệ lợi ích hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Trung Quốc cũng ngó lơ phán quyết này.
Dù ông Duterte vẫn bảo vệ chiến lược không đối đầu với Trung Quốc của mình, nhiều lãnh đạo dưới trướng ông đã có những phát biểu mạnh mẽ, khẳng định họ đã dần mất kiên nhẫn với Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/29885-tong-thong-duterte-tuyen-bo-khong-chap-nhan-tq-so-huu-bien-dong.html

Chuyên gia Úc :

Mỹ đã mất ưu thế quân sự tại Thái Bình Dương

Mai Vân
Hoa Kỳ không còn ưu thế quân sự ở Thái Bình Dương và có thể ngày càng khó bảo vệ các đồng minh chống lại Trung Quốc, nước có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ trong khu vực.
Theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ tại Đại Học Sydney, được công bố ngày 19/08/2019, quân đội Mỹ là một “lực lượng đang bị teo lại”, với năng lực đã bị “vượt qua một cách nguy hiểm” và “thiếu chuẩn bị tốt” cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Hãng tin Pháp AFP nhận xét : Nếu sự thực là như vậy, thì đánh giá của các chuyên gia Úc có ý nghĩa hệ trọng đối với nhiều đồng minh của Mỹ như Úc, Đài Loan hay Nhật Bản, những nước phụ thuộc nhiều vào các bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.
Báo cáo nhận định, sự kiện tổng thống Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” lên cầm quyền tại Washington, đã làm các đồng minh Mỹ thêm lo ngại về khả năng Hoa Kỳ sẽ bớt mặn mà trong việc bảo vệ các đồng minh trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược chẳng hạn.
Thậm chí báo cáo còn cho rằng ngay cả khi muốn can thiệp, Hoa Kỳ cũng có thể gặp khó khăn.
Về Trung Quốc, các tác giả của công trình nghiên cứu thấy rằng Bắc Kinh ngày càng có khả năng dùng võ lực thách thức trật tự khu vực nhờ vào những khoản đầu tư quy mô lớn vào các phương tiện quân sự tiên tiến.
Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chẳng hạn, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gần 75% lên thành 178 tỷ đô la. Tuy nhiên con số chính thức này thường bị cho là thấp hơn so với thực tế.
Báo cáo đặc biệt chú ý đến các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào các hệ thống tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao và các hệ thống chống can thiệp. Các loại vũ khí này sẽ gây khó khăn cho Mỹ khi cần đưa lực lượng đến một khu vực tranh chấp.
Theo công trình nghiên cứu Úc, “hầu hết các căn cứ của Mỹ và đồng minh, các phi đạo, hải cảng, cơ sở quân sự, ở Tây Thái Bình Dương” đều thiếu cơ sở hạ tầng và đang bị đe dọa.
Những điểm yếu kể trên có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc đánh chiếm được các vùng lãnh thổ như Đài Loan, các đảo do Nhật Bản quản lý hoặc các khu vực trên Biển Đông trong khi các lực lượng Mỹ không kịp can thiệp.
Đối với các chuyên gia Úc, để chống lại Trung Quốc, Mỹ cần phải cho triển khai hệ thống tên lửa trên bộ và thay đổi vai trò của Thủy Quân Lục Chiến, đồng thời đánh giá lại các chiến lược phòng thủ khu vực, gắn kết hơn với Nhật Bản và Úc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190819-chuyen-gia-u%CC%81c-my%CC%83-da%CC%83-ma%CC%81t-uu-the%CC%81-quan-su%CC%A3-ta%CC%A3i-tha%CC%81i-bi%CC%80nh-duong

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.