Đọc báo Pháp – 20/08/2019
Hồng Kông: Thất bại của mô hình
”một đất nước hai chế độ” và Tập Cận Bình
Cuộc đọ sức giữa đường phố và chính quyền Hồng Kông đã hai tháng vẫn chưa có hồi kết. Chính quyền đặc khu không nhượng bộ, phong trào đòi hỏi dân chủ quyết tâm đi đến cùng. Một điều mà ai cũng hiểu là căn nguyên và hệ quả của cuộc khủng khoảng liên quan trực tiếp đến Bắc Kinh.
Trên nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề Hồng Kông : « Thất bại của Tập Cận Bình ». Tác giả bài báo khẳng định : « Rõ ràng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những sự kiện trong vùng đất bán tự trị ». Bài báo dẫn lại phát biểu của lãnh đạo số 1 Trung Quốc trong Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2017 nói rằng : « Sau khi Hồng Kông, Macao trở về trong vòng tay tổ quốc, việc thực thi nguyên tắc « một đất nước hai chế độ » là thành công được thừa nhận toàn diện. Thực tế đã chứng minh nguyên tắc đó là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề lịch sử để lại của Hồng Kông, Macao. Đó cũng là chế độ tốt nhất để duy trì ở đó sự phồn thịnh và ổn định lâu dài. Trong mục tiêu đó, phải áp dụng đồng bộ và chi tiết nguyên tắc « một đất nước hai chế độ », chính quyền Hồng Kông do người Hồng Kông cai quản, chính quyền Macao do người Macao. »
Thế nhưng, chưa đầy hai năm sau, chính vì cảm thấy cái nguyên tắc trên không được tôn trọng nên người Hồng Kông đã nổi dậy chống lại Bắc Kinh.
Vì sao?
Thực tế diễn ra ở Hồng Kông hoàn toàn ngược lại với phát biểu của ông Tập Cận Bình. Le Monde giải thích người Hồng Kông nổi dậy là vì: « Chính quyền Trung Quốc của Tập Cận Bình không chấp nhận để người Hồng Kông được bầu cử tự do theo phổ thông đầu phiếu. Lúc nào có thể là Bắc Kinh cắt xén quyền tự do của người Hồng Kông, Bắc Kinh không ngần ngại dùng mọi mánh lới để loại bỏ các nghị sĩ đối lập hay bắt cóc những người phản kháng, ly khai…. »
Trước một chính quyền Trung Quốc luôn muốn triệt tiêu các quyền tự do và một chính quyền đặc khu không bảo vệ lợi ích của người Hồng Kông mà chỉ chăm chăm thực thi lệnh của Bắc Kinh. Vì thế chỉ cần một tia lửa nhỏ là nỗi phẫn nộ của người dân bùng nổ. »
Trường hợp dự luật dẫn độ vừa rồi là một minh chứng rõ nét. Tất cả những gì Bắc Kinh làm để dập tắt khủng hoảng hiện nay chỉ càng củng cố thêm thái độ tức giận của người Hồng Kông với Trung Quốc. Tác giả bài viết kết luận : « Hố ngăn cách giữa Bắc Kinh và Hồng Kông đã rộng hơn bao giờ hết, nay lại được khoét sâu thêm trong những tuần qua. Trong khi Tập Cận Bình khẳng định mong muốn « xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh », thì trái lại, cuộc khủng hoảng Hồng Kông đã cho thấy ông ta là một nhà lãnh đạo không có khả năng xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh của người Trung Quốc. »
Mỹ lùi trừng phạt, Hoa Vi chuẩn bị phản công
Chuyển qua với nhật báo Le Figaro, vẫn liên quan đến Trung Quốc với các tranh chấp thương mại dai dẳng với Mỹ.
Hôm qua, 19/08, tới hạn áp đặt trừng phạt với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, tổng thống Mỹ Donald Trump lại gia hạn thêm 90 ngày.
Trang kinh tế Le Figaro ghi nhận bằng hàng tựa « Donald Trump cho Hoa Vi nghỉ giải lao ». Quyết định trừng phạt người khổng lồ viễn thông Trung Quốc được tổng thống Mỹ ban hành từ hồi tháng 5 vừa qua, vì những nghi vấn Hoa Vi hỗ trợ Bắc Kinh làm gián điệp, gây nguy hại an ninh quốc gia Mỹ… Thời hiệu áp dụng lệnh cấm đã được lùi lại ba tháng và đây là lần thứ hai Washington lùi lại thời gian áp dụng.
Theo Le Figaro, chủ tịch Hoa Vi cho rằng thời hạn mới mà Hoa Kỳ lùi lại này không có tác động đáng kể gì đến công việc kinh doanh của tập đoàn trung Quốc, đồng thời Hoa Vi vẫn bác bỏ các cáo buộc hoạt động gián điệp.
Trước các đe dọa của tổng thống Mỹ, Hoa Vi đã phải xem xét lại chiến lược phát triển. Ưu tiên của hãng là cắt giảm lệ thuộc vào các nhà cung cấp vật tư Mỹ, vào công nghệ Mỹ. Liên quan đến chủ đề này, trang kinh tế của Le Figaro, còn có bài viết « Người khổng lồ Trung Quốc đang mài vũ khí » cho thấy mục tiêu của Hoa Vi giờ là tìm đường tự chủ về công nghệ và thiết bị để phát triển và dường như họ cũng không còn con đường nào khác.
Internet theo kiểu Cuba
Vẫn trên nhật báo le Figaro có bài phóng sự có tựa đề khá thú vị : « Internet thời kỳ Cách mạng ở Cuba, có web nhờ người buôn thẻ » để cho thấy Cuba đang tiếp cận với thời đại thông tin thế nào.
Theo tờ báo, mặc dù việc truy cập vào Internet còn rất khó khăn, người Cuba đang biến internet thành công cụ tuyệt vời để cải thiện đời sống hàng ngày.
Tờ báo cho hay, năm 2015, đánh dấu thời kỳ mở cửa công nghệ của Cuba với việc dần dần từng bước đưa mạng Wi-Fi vào trong các công viên công cộng ở Cuba. Trong vòng nhiều năm, Fidel Castro Tư lệnh tối cao của đất nước đã nhắc lại nhiều lần với các công dân Cuba : « các vị chưa sẵn sàng để sử dụng internet ».
Cho đến năm 2008, thuê bao di động vẫn chưa được phép ở Cuba. Từ khi xuất hiện mạng Wi Fi, dù điện thoại di động vẫn còn hiếm và máy tính bảng đã xuất hiện ồ ạt trong các công viên. Để được truy cập được Internet người ta phải nhờ vào những người bán thẻ Internet.
Giờ đây buôn thẻ là một nghề mới ở Cuba. Người ta mua thẻ cho 1 giờ truy cập ở các đại lý với giá 1 đô la, rồi bán lại cho người tiêu dùng 1,5 đô la. Bởi thẻ truy cập Internet luôn luôn khan hiếm. Người tiêu dùng phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ ở các đại lý mà chưa chắc đã mua được thẻ để truy cập mạng.
Bài phóng sự của phóng viên Le Figaro cho thấy, internet ngày càng trở nên là công cụ thiết yếu của cuộc sống của người dân Cuba. Thế nhưng chế độ La Habana vẫn dè chừng. Như một nghịch lý, chính quyền vẫn tìm mọi cách để duy trì mạng intenet trong tình trạng kém phát triển. Các trang web dù không chỉ trích chế độ cũng bị chặn, kiểm duyệt. Để gửi một e-mail ở Cuba, có thể phải mất 30 phút. Kết nối internet có khi bị cắt vô hạn định và thường bị theo dõi khi truy cập. Các hacker ở đây chính là người của cơ quan an ninh. « Internet vẫn là nỗi sợ của các nhà lãnh đạo già của hòn đảo », tác giả nhận xét.
Le Figaro ghi nhận : La Habana sợ hơn cả là ảnh hưởng của các nhà mạng internet Mỹ đối với đời sống thường nhật của người dân Cuba. Đó chính là Internet theo kiểu Cuba.
Donald Trump đàm phán với Taliban:
Dễ mất cả chì lẫn chài
Trở lại trang nhất báo le Figaro, tựa lớn của từ báo là « Trump thương lượng với Taliban về việc rút quân khỏi Afghanistan ».
Tổng thống Mỹ muốn rút 14 nghìn quân còn lại trên đất Afghanistan trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2020.
Theo Le Figaro, sau 18 năm tiến hành cuộc chiến từ khi sau quyết định đáp trả các vụ khủng bố bố 11/09/2001, tổng thống Mỹ tin tưởng các cuộc thương lượng tiến hành nhiều tháng nay với Taliban có thể mang lại thành quả.
Đổi lại việc rút hết quân Mỹ, ông Trump đòi bảo đảm không một nhóm nước ngoài nào được dùng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tổ chức các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ. Thỏa hiệp với Taliban để rút quân là một bước đi nhiều rủi ro, theo Le Figaro.
Tờ báo phân tích : Liệu sau khi quân Mỹ rút, Taliban có không lật đổ chính phủ Afghanistan hiện nay hay không ? Daech là kẻ thù của Taliban, nhưng Al Qaida, tác giả của loạt khủng bố 11/09/2001 lại là đồng minh của Taliban. Một khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ? Một câu hỏi ông Donald Trump không cần biết câu trả lời mà chỉ muốn thực hiện lời hứa với cử tri trước khi kết thúc nhiệm kỳ này để hy vọng tái đắc cử.
Du lịch Pháp :
Nạn nhân của chính thành công của mình
Về thời sự liên quan đến Pháp, đặc biệt nhân kỳ nghỉ hè này, Libération dành hồ sơ lớn cho chủ đề về du lịch ồ ạt, quá tải và những vấn đề nảy sinh cho nước Pháp. Toàn bộ trang bìa của tờ báo được minh họa bằng tấm ảnh lớn một bãi biển đầy kín người.
Tờ báo cho biết : Pháp là nước thu hút đông khách du lịch nước ngoài nhất thế giới : « Năm 2018, 89,3 triệu khách đã đổ vào Pháp, theo số liệu của bộ Kinh Tế Tài Chính. Đây là một kỷ lục lịch sử và khối lượng du khách tới Pháp gần như vẫn tăng đều đặn hàng năm. Libération báo viết tiếp : Những con số được người ta xướng lên với niềm tự hào, nhưng không tự hỏi về những tác động của nó đến người dân, về những tác động tiêu cực của nó đang làm thay đổi đất nước ».
Theo tờ báo thì sau những thành công thu hút hàng triệu du khách không phải không có những hậu quả tiêu cực đối với đời sống hàng ngày của người dân, nhất là ở những vùng thu hút đông khách du lịch như Paris, Côtes d’Azur, hay xứ Basque.
Như giải thích của nhà xã hội học Rodolphe Christin : « Đời sống trở nên đắt đỏ, giá thuê nhà tăng, nhu cầu nhà ở được chạy theo phục vụ khách du lịch. Người dân địa phương ngày càng khó tìm được một nơi ở và cuộc sống đỡ đắt đỏ. Điều này kéo theo tâm lý họ bị du khách đuổi khỏi nơi sống của mình. Một khía cạnh khác, những người ở trung tâm tụ điểm du lịch phải chịu đựng ồn ào, tắc nghẽn giao thông, rác thải … »
Libération dành nhiều bài viết đưa ra các thí dụ khác nhau vì các tác động tiêu cực của du lịch ồ ạt làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở những tụ điểm du lịch lớn như : Tắc đường kinh khủng ở Saint Tropez hay trong khu phố Marais ở Paris. Tại đó nhiều tòa nhà có tới ¼ số căn hộ được dành để thuê trên mạng Airbnb và sinh hoạt của các du khách đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống thường nhật của người dân địa phương.
Libération cho biết đây không phải là vấn đề riêng của Pháp mà nhiều nước trên thế giới đã gặp phải. Các nước cũng đã bắt đầu tính đến các biện pháp điều tiết, quản lý giảm tác động của du lịch đối với xã hội địa phương.
Châu Âu đối phó với nạn suy giảm dân số
Một vấn đề xã hội khác được La Croix đề cập đến, đó là cuộc di dân ở nhiều nước châu Âu. Nhật báo Công Giáo giải thích « một số nước Trung, Đông và Nam Âu đang gặp phải tình trạng giảm sút dân số rõ rệt. Hiện tượng này là do rất đông kiều dân của các nước đó bỏ đi tìm sự phồn thịnh ở phía tây lục địa… Đó là một sự lãng phí, La Croix nhận xét. Những người ra đi, trước tiên là những người được đào tạo tốt và năng động nhất… đó là những người có thể có ích nhất đem lại phồn thịnh cho mảnh đất quê hương ».
Một số nước đã bắt đầu ý thức được vấn đề và có biện pháp để chống lại hiện tượng suy giảm dân số này. Chẳng hạn chính quyền Bồ Đào Nha đã đưa ra chương trình Regressar, tức « trở về » theo tiếng Bồ Đào Nha. Mỗi gia đình hồi hương được trợ cấp 6500 euros, với điều kiện họ ra đi trước 2016 và về nước phải ký hợp đồng làm việc tại Bồ Đào Nha. Theo La Croix, chính phủ đặt mục tiêu năm nay sẽ kéo về 1500 trường hợp và từ nay đến năm 2021, 1500 người.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Mỹ hoãn trừng phạt, Hoa Vi vẫn cho rằng bị đối xử bất công.
Tập đoàn Hoa Vi (Huawei) của Trung Quốc hôm nay 20/08/2019 cho rằng việc chính quyền Donald Trump hoãn 90 ngày lệnh cấm các công ty Mỹ bán thiết bị cho Hoa Vi không có gì thay đổi về mặt công ty này « bị đối xử bất công ». Quyết định trên đây cũng « sẽ không có tác động quan trọng đối với việc kinh doanh của Hoa Vi ».
(AFP) – Mỹ : Chính phủ định giảm thuế thu nhập và thuế hải quan để tránh suy thoái.
Dù tổng thống Donald Trump khẳng định kinh tế Mỹ vẫn phát triển tốt, hai tờ báo Washington Post và New York Times ngày 19/08/2019 đưa tin Nhà Trắng đang nghiên cứu nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế, trong đó có việc tạm giảm thuế thu nhập để cải thiện sức mua của người lao động, và có thể bỏ mức thuế mới mà chính quyền Trump định áp đối với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định « hạ thuế thu nhập không phải là chủ đề được xem xét hiện nay ».
(AFP) – Venezuela : Hải Quân Mỹ sẵn sàng ứng phó.
Phát biểu tại Rio (Brazil) ngày 19/08/2019, đô đốc Craig Faller, chỉ huy bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ, nhấn mạnh hải quân sẵn sàng, sau khi tổng thống Trump đe dọa cấm vận toàn bộ quốc gia Nam Mỹ này. « Thông điệp gửi đến Maduro » được đô đốc Craig Faller đưa ra trong bối cảnh khoảng 3.300 quân nhân thuộc Hải Quân Mỹ, Brazil, Anh, Bồ Đào Nhà và Nhật đang tập trận hàng năm (UNITAS), kéo dài hai tuần, ngoài khơi Brazil.
(Reuters) – Mỹ cảnh cáo Hy Lạp về khả năng tiếp nhận tàu dầu Iran.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua 19/08/2019 đã cho chính quyền Hy Lạp biết rõ “quan điểm cứng rắn”. Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh cáo: “Mọi nỗ lực hỗ trợ tàu dầu đều có thể bị coi là ủng hộ vật chất cho một tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố”. Bị bắt giữ ngày 04/07 ở ngoài khơi Gibraltar, mới đây, tàu dầu Iran tên Grace 1, sau đó đổi tên thành Adrian Darya 1, đã được trả tự do. Mỹ đòi giữ vì cho rằng tàu đang giúp Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran. Tàu Iran có khả năng đến cảng Kalamata của Hy Lạp Chủ Nhật 25/08.
(AFP) – Syria : Quân nổi dậy rút khỏi một khu vực chiến lược ở Idleb.
Quân nổi dậy Syria hôm nay 20/08/2019 rút lui khỏi thành phố Khan Cheikhoun ở tỉnh Idleb và các khu vực khác ở tỉnh Hama kế cận, trước đà tiến của quân Assad có sự yểm trợ của Nga. Trước đó vài giờ, quân chính phủ đã phong tỏa xa lộ nối liền Aleppo với Damas, tấn công một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo Damas « không nên đùa với lửa ».
(AFP) – Nhật hoàng Hirohito đã bị ngăn nói lời sám hối.
Theo hồ sơ được tiết lộ gần đây của đài NHK, Nhật hoàng Hirohito, người cai trị Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2, đã có ý định bày tỏ sự hối hận của mình về cuộc chiến tranh, nhưng thủ tướng nước này lúc bấy giờ, Shigeru Yoshida đã ngăn lại. Theo ông Michiji Tajima, người phụ trách Hoàng cung Tokyo trong giai đoạn 1949-1953, giải thích, sở dĩ thủ tướng Nhật Bản làm vậy bởi ông sợ « người ta sẽ nói ông ấy (tức Nhật hoàng) phải chịu trách nhiệm về việc khiến chiến tranh bùng nổ » – điều mà các nhà sử học vẫn còn tranh cãi cho đến nay.
(Capital) – Du lịch của Thái Lan có dấu hiệu chững lại.
Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, ngành du lịch – mũi nhọn của nền kinh tế Thái Lan – có tỉ lệ tăng trưởng chỉ đạt mức 1,48% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với 7% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là khách từ Trung Quốc giảm mạnh (-5%), sau vụ 47 người Trung Quốc thiệt mạng trong một tai nạn tàu thủy năm 2018. Mặt khác, đồng tiền bath của Thái Lan cũng tăng giá mạnh (5% kể từ đầu năm) cũng là một lý do khiến khách du lịch quốc tế chuyển hướng sang các địa điểm khác trong khu vực như Việt Nam, Malaysia và Singapore.
(AFP) – 13 khách du lịch Trung Quốc thiệt mạng tại Lào.
Ngày 20/08/2019, một chiếc xe buýt du lịch chở 40 khách du lịch Trung Quốc đã lao vào khe núi khiến ít nhất 13 người chết và 12 người bị thương. Hiện vẫn còn 2 người đang mất tích. Lào đang trong mùa hè ẩm ướt với nhiều trận mưa lớn, khiến các con đường ở vùng nông thôn trơn trượt, dễ gây ra tai nạn.
(New York Post) – Jeffrey Epstein ký vào di chúc 2 ngày trước khi tự sát.
Tỷ phú Jeffrey Epstein đã ký vào bản di chúc liệt kê tài sản gồm 56,5 triệu đô tiền mặt, khối lượng tài sản trị giá 300 triệu đô cùng với khoản thu nhập cố định trị giá 14 triệu đô, trao cho người thụ hưởng ẩn danh. Ông Epstein đã tự tử trong tù, trong khi chờ đưa ra tòa xét xử vì tội ấu dâm.
0 comments