Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/08/2019

Tuesday, August 13, 2019 10:35:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/08/2019

Tiếp tục xử kín ông Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái

 trong thang máy

Ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, người sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bị xử sơ thẩm dự kiến vào ngày 23/8. Phiên tòa lần này vẫn được xử kín.
Báo trong nước loan tin ngày 13/8.
Ngày 22/5/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4 đã ký quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Linh với tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Tuy nhiên, trong phiên sơ thẩm xử kín diễn ra ngày 25/6, Tòa án Nhân dân Quận 4 đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành trưng cầu giám định lại camera được ghi trong thang máy để xác định lại hành vi của ông Linh, xem tay ông đã làm gì trong khoảng 21 giờ 10 phút 11 giây đến 21 giờ 10 phút 18 giây.
Ngày 11/7 phòng kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh có kết quả giám định lại theo yêu cầu của tòa, xác định không đủ cơ sở kết luận bàn tay trái ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé trong khoảng thời gian camera ghi lại trong thang máy hay không.
Mặc dù vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4, TP.HCM cho biết vẫn tiếp tục đề nghị truy tố ông Nguyễn Hữu Linh.
Đến ngày 25/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Quận 4 đã ban hành cáo trạng bổ sung, tiếp tục truy tố bị can Nguyễn Hữu Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, theo điều 146 bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù giam.
Trước đó, trên mạng lan truyền 1 đoạn video trích xuất từ camera an ninh trong thang máy chung cư Galaxy, phường 1, Quận 4 cho thấy một người đàn ông sàm sỡ một bé gái 9 tuổi vào tối ngày 1/4. Khi đến Công an quận 4 làm việc, ông này khai tên giả là Nguyễn Văn Hưng.
Tuy nhiên đến ngày 3/4, người này đến Công an Quận 4 trình diện và khai nhận tên Nguyễn Hữu Linh, vào ngày 1/ 4 có đến căn hộ của con trai tại Chung cư Galaxy 9 để lưu trú và thừa nhận hành vi ôm hôn bé gái 3 lần trong thang máy, nhưng không cho rằng đó là hành vi dâm ô.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-closed-trial-for-nguyen-huu-linh-sullied-girl-in-elevator-case-08132019090021.html

Cảnh sát Anh tìm thấy thiếu nữ Việt

sau một tuần ‘mất tích’

Cảnh sát vùng Bắc Yorkshire nói biết thiếu nữ người Việt bị mất tích hồi tuần trước ở thành phố York, miền bắc nước Anh, đã được tìm thấy.
Thông cáo ra ngày 13/8 cho biết Linh Le (Lê Thị Diệu Linh) đã được tìm thấy đêm qua ngày 12/8, nhưng không tiết lộ địa điểm.
Vụ du khách Việt mất tích ở Anh: Một người bị buộc tội bắt cóc
Anh: Tám người bị giữ trong vụ một nữ du khách Việt mất tích
“Chúng tôi xác nhận cô gái 15 tuổi bị mất tích Linh Lê, người đã biến mất trong khi tới thăm York, đã được tìm thấy trong tình trạng an toàn và khỏe mạnh đêm qua (12 tháng Tám),” thông cáo của cảnh sát viết.
“Cuộc điều tra về bối cảnh cô mất tích vẫn đang tiếp diễn và trong số mười người bị bắt giữ liên quan tới vụ việc, hai người vẫn đang bị cảnh sát giữ để thẩm vấn, một người đã bị buộc tội và ra tòa ngày hôm qua.”
“Vì lý do nghiệp vụ và do bởi cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi chưa thể hé lộ nơi Linh Le được tìm thấy,” thông cáo báo chí ra sáng 13/8 của cảnh sát Bắc Yorkshire viết.
Trước đó, cảnh sát Bắc Yorkshire cho BBC Tiếng Việt biết họ đã nhận được một số email cung cấp thông tin về gia đình của Diệu Linh tại Việt Nam.
Lê Thị Diệu Linh, 15 tuổi, không biết tiếng Anh, đã mất tích khỏi nhóm du khách tham quan, mua sắm tại thành phố York hôm 6/8.
Cảnh sát vùng Bắc Yorkshire nói một người đàn ông 25 tuổi đã bị buộc tội bắt cóc trẻ em.
Theo tờ báo địa phương The York Press, ông Quang Ngoc Ho, không có địa chỉ cố định, cũng bị buộc tội tiếp tay gây vi phạm luật xuất nhập cảnh của Anh Quốc.
Ông Ho hiện đang bị giam giữ và sẽ đưa ra xét xử tại Tòa Đại hình York vào ngày 16/9, báo này đưa tin hôm 12/8.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49333773

Thanh niên Việt Nam hầu tòa ở Anh

vì bị tình nghi bắt cóc đồng hương

Một thanh niên Việt Nam bị Tòa án Sơ thẩm York, ở Anh cáo buộc tội liên quan nữ du khách Lê Thị Diệu Linh, 15 tuổi, không biết nói tiếng Anh được cho là mất tích vào ngày 6 tháng 8 vừa qua.
Tờ Daily Mail cho biết người thanh niên tên Hồ Quang Ngọc, 25 tuổi ra hầu toà vào ngày 12 tháng 8 và bị Tòa án Sơ thẩm York truy tố tội bắt cóc trẻ em và tạo điều kiện cho hành vi vi phạm luật lưu trú ở Anh. Tòa án Thượng thẩm York dự kiến mở phiên xét xử bị cáo Hồ Quang Ngọc vào ngày 16 tháng 9 tới đây.
Nữ du khách Lê Thị Diệu Linh được nhìn thấy lần cuối cùng vào hôm 6 tháng 8 tại thành phố York, tầm 4 giờ 40 phút chiều trong lúc cô đi cùng một người đàn ông Châu Á gần nhà ga Station Rise.
Sau khi nhóm du khách đi cùng cô Lê Thị Diệu Linh phát hiện cô gái trẻ 15 tuổi, không biết nói tiếng Anh này mất tích đã báo cảnh sát. Cảnh sát địa phương đã khám xét một tiệm làm móng tay ở khu vực Staffordshire và bắt giữ 10 người. 7 trong số này sau đó đã được thả. Thanh niên Hồ Quang Ngọc cùng hai người khác vẫn bị giam giữ để điều tra.
Tờ The Sun vào hôm 13 tháng 8 loan tin nữ du khách Lê Thị Diệu Linh đã được tìm thấy an toàn và khỏe mạnh vào tối ngày 12 tháng 8; tuy nhiên cảnh sát không cho biết chi tiết địa điểm tìm thấy cô.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/a-man-charged-with-abduction-of-vietnamese-tourist-in-england-08132019085354.html

Vingroup sa thải 6 nhân viên

vì rao bán xe Vinfast trên mạng xã hội

Tin từ Hà Nội, ngày 13/8/2019: Vingroup, một tập đoàn kinh tế khổng lồ của tỷ phú dollar Phạm Nhật Vượng, đã sa thải 6 nhân viên của tập đoàn vì đã rao bán xe Vinfast trên mạng xã hội trong lúc tập đoàn ra sức quảng bá việc sử dụng sản phẩm của tập đoàn.
Quyết định sa thải 6 nhân viên, được ký bởi chủ tịch tập đoàn Phạm Nhật Vượng, nói rằng các nhân viên này đã được ưu đãi khi mua xe, nhưng lại không sử dụng mà bán đi, gây ảnh hưởng đến phong trào “Người Vin dùng hàng Vin.”
Phạm Nhật Vượng cũng yêu cầu toàn thể nhân viên của tập đoàn tham gia tích cực vào phong trào trên và “trở thành đại sứ thương hiệu lan toả niềm tự hào về các sản phẩm Make in Vietnam.”
Tỉ phú Vượng được cho là sân sau của một vài quan chức chóp bu CSVN. Vì nhiều người am hiểu tin rằng y khó thể thành tỉ phú bằng việc sản xuất và bán mỳ ăn liền ở Ukraine. Dựa vào thế lực bảo kê, Vượng trở về Việt Nam và đầu tư vào bất động sản, cấu kết với quan chức chế độ để mua rẻ đất của dân và đất công để biến chúng thành những dự án bất động sản cao cấp.
Gần đây, Vingroup cũng lấn sân sang nhiều ngành nghề khác như nông nghiệp, giáo dục, y tế, và lắp ráp xe hơi mang nhãn hiệu Vinfast gây ồn ào trong nước gần đây. Xe này, tuy được gọi là Made in Việt Nam nhưng dường như tỷ lệ nội địa hoá vô cùng thấp. Giá bán xe này không hề rẻ so với giá xe của các hãng xe có tiếng trên thế giới.
Công nhân viên của tập đoàn cũng phải mua với giá cao như mọi khách hàng khác.
Chỉ mới đưa ra thị trường vài tuần, xe Vinfast hiệu Fadil đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như chảy dầu, bốc khói chỉ sau khi chạy 80 km vì sử dụng link kiện của Trung Cộng.
Vingroup chắc chắn có sự hỗ trợ, lobby của nhiều quan chức cao cấp của chế độ.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/vingroup-sa-thai-6-nhan-vien-vi-rao-ban-xe-vinfast-tren-mang-xa-hoi/

10 trí thức Việt Nam biểu tình chống TQ:

‘Thêm ngọn lửa nhỏ’?

Cuộc biểu tình hôm 10/8 trước cổng ĐSQ Trung Quốc thu hút khoảng 10 nhân sỹ trí thức, trong đó có GSTương Lai, GS Hoàng Dũng, các ông Lê Công Giàu, Tô Lê Sơn, Hà Thúc Huy, Huỳnh Tấn Mẫm , Võ Văn Thôn…
Theo tường thuật của GS Hoàng Dũng trên mạng xã hội, cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mang tàu tới Bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 10/8 không bị ngăn cản, không có bắt cớ. Chỉ có một cảnh sát trẻ tuổi, ‘má còn lấm tấm mụn cám’ tới nhắc nhở rằng “Chuyện chống Trung Quốc để nhà nước lo.”
Biển Đông: “Nhiều khả năng TQ sẽ trở lại Bãi Tư Chính với dàn khoan”
Bãi Tư Chính: Vì sao không có biểu tình phản đối TQ?
Bãi Tư Chính: Nhận thức của người dân VN ‘đã cao hơn trước’
‘Lãnh đạo VN nên tổ chức biểu tình phản đối TQ’
Các nhân sỹ chủ yếu trong độ tuổi U90, U80, U70 mang theo biểu ngữ với dòng chữ ”Đả đảo Trung Quốc xâm lược.” Mọi người hô lớn: “Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam”, “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Trung Quốc rút ngay ra khỏi biển đảo Việt Nam!”
Trả lời BBC hôm 13/8, GS Hoàng Dũng một trong những người tham gia biểu tình hôm 13/8, nói:
“Một cuộc biểu tình nhỏ như vậy, để nói có hiệu quả lớn lao không thì tôi phải nói là không có, nhưng chắc chắn góp một tiếng nói rằng người Việt không không bao giờ nguôi ý chí chống xâm lăng. Nhà nước có thể tính toán này hay kia để có thể nhân nhượng hoặc lùi bước, nhưng người dân Việt Nam không như vậy.”
Khi được hỏi vì sao không biểu tình sớm hơn, khi tàu khảo sát của Trung Quốc còn ở Bãi Tư Chính của Việt Nam, GS Hoàng Dũng nói:
“Ở Việt Nam tổ chức được một cuộc biểu tình rất khổ cực. Chúng tôi phải đến từng nhà chứ không thông tin với nhau qua điện thoại. Nhà chúng tôi ai cũng bị canh. Trước cửa nhà tôi hôm nay hiện có 3 em an ninh đang canh. Sáng nay tôi đi một siêu thị nhỏ gần nhà thì em an ninh đó cũng đi theo công khai. Ngày thứ Bảy chúng tôi đi biểu tình thì hôm Chủ nhật tôi vừa dắt xe ra cửa đi dạy liền bị công an chặn lại không cho đi. Từ hôm đó tới nay ba ngày liên tiêp an ninh canh cửa. Khi tổ chức thành công xong rồi thì phải trả giá, đi đâu cũng bị theo dõi. Tất nhiên ai cũng biết bị theo dõi là biện pháp nhẹ nhất, chúng tôi đều chờ đợi các biện pháp mạnh hơn.”
Trước đó, cũng có một cuộc biểu tình nhỏ khác hôm 6/8 do nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh thực hiện trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, nhưng bị cảnh sát giải tán sau ít phút.
Giới hoạt động cho hay tinh thần chung là trong vụ việc Bãi Tư Chính, họ sẽ không biểu tình, như một cách thể hiện thái độ với chính quyền.
Một nhà quan sát đề nghị giấu tên nói với BBC hôm 13/8:
“Tôi có được mời tham gia cuộc biểu tình hôm 10/8 với các nhân sỹ trí thức, nhưng tôi từ chối. Lý do thì tôi đã nói ngay từ đầu trên Facebook cá nhân của tôi, rằng tôi sẽ không tham gia bất cứ một cuộc biểu tình nào nữa. Nhà cầm quyền khi cần một cuộc biểu tình thì lợi dụng những người tranh đấu. Sau đó lại quay lại bắt bớ và đàn áp. Chúng tôi không muốn bị nhà nước lợi dụng. Cho nên dù hiện thời không bị ngăn cản nhưng chúng tôi vẫn không tham gia. Dân chúng tôi quay lưng lại với nhà nước. Cứ để đảng và nhà nước lo đi.”
‘Việc dù nhỏ đến đâu cũng có ích’
Trước tình hình vấn đề này, GS Hoàng Dũng nói:
“Khi làm một chuyện gì thì có ý kiến này kia là chuyện bình thường, vấn đề là đừng có nhất định cho là mình đúng. Khi một số anh em chúng tôi chuẩn bị đi biểu tình, một số người không đi và đưa ra một số lý do, trong đó có một số lý do riêng tư. Nhưng cũng có người nói với tôi chuyện Bãi Tư Chính xong rồi, tổ chức một cuộc biểu tình như vậy là vuốt đuôi, không hiệu quả. Tôi tôn trọng ý kiến của họ nhưng tôi quan niệm khác: Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam. Họ có chiến lược nhất quán, khi mềm khi rắn. Cho nên không có Bãi Tư Chính này sẽ có Bãi Tư Chính kia. Hiện vẫn còn 2 tàu hải giám ở đó, và có ý kiến rằng rất có thể họ quay trở lại. Tôi cho rằng chuyện họ quay trở lại hay không không dám chắc. Nhưng Bãi Tư Chính luôn nằm trong con mắt thèm khát của Trung Quốc. Khẩu hiệu của chúng tôi là đà đảo Trung Quốc xâm lược, chúng tôi đà đảo cả một chiến lược và tinh thần như vậy của Trung Quốc chứ không chỉ riêng Bãi Tư Chính mà thôi.”
“Là người tham gia vào công việc vận động xã hội một thời gian, tôi thấy rất rõ người dân Việt Nam càng ngày càng trưởng thành như thế nào. Trước đây mươi năm, làm chuyện gì mà công an tới nhà thì nhiều người sợ, có khi mất ăn mất ngủ. Bây giờ, dần dần mọi người hiểu ra, họ cứng rắn và chững chạc hẳn lên. Như Đoan Trang chẳng hạn. Thời còn làm phóng viên của nhà nước, bị công an tới tìm thì sợ quá chạy. Nhưng hiện cô Đoan Trang đã trưởng thành, chững chạc hẳn. Như thế để nói rằng một ngọn lửa dù nhỏ đến đâu cũng có thể trở thành một mồi lửa cho những đám lửa khác. Và hãy nhìn sự thay đổi của mạng xã hội, hay là trạng thái tinh thần của người Việt trong 20 năm qua. Có thể thấy những cố gắng dù chỉ nhỏ lẻ cũng dần làm thay đổi trạng thái tâm lý của người dân như thế nào. Tôi rất tin việc làm của chúng tôi dù nhỏ đến đâu cũng có ích.”
“Nhận định của chúng ta có thể khác nhau, cách làm của chúng ta khác nhau, không sao hết. Quan trọng là chúng ta cùng chung một mục đích và lòng yêu nước,” GS Hoàng Dũng nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh.
Giới quan sát nói gì?
Trước đó, trả lời BBC hôm 8/8, bình luận về về chiến lược cần có của chính quyền để thu phục lòng dân khi Việt Nam bị Trung Quốc ‘bắt nạt’, luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội cho rằng ngay bây giờ, chính quyền nên tổ chức cho dân biểu tình chống.
“Người dân lâu nay vẫn huyễn hoặc rằng quan hệ giữa chúng ta và Trung Quốc vẫn tốt đẹp, tình anh em vẫn luôn thắm thiết. Tuy nhiên, chắc rằng không mấy ai tin điều đó. Bản thân người Trung Quốc cũng không coi chúng ta là anh em thân thiết gì. Các bạn có thể vào những trang tiếng Trung Quốc để copy và dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt để hiểu đích xác vị trí của mình trong con mắt của “người anh em” là như thế nào. Như vậy, chúng ta cố gắng gìn giữ sự hữu hảo giả tạo với Trung Quốc tới lúc nào? Đại diện chính quyền Việt Nam không kích động bạo lực nhưng cần thể hiện rõ ý chí của cấp cao nhất đối với hành động phi pháp của kẻ thù. Chúng ta cần cho người dân biết một cách thẳng thắn rằng ai là kẻ thù của ta, người dân cần được biết, có được quyền biết và được quyền biểu thị thái độ của họ đối với kẻ thù.”
“Tôi tin rằng nếu chính quyền tổ chức cho dân biểu tình ôn hòa, mà không đàn áp, bắt bớ, bỏ tù như đã từng làm, thì chắc chắn người dân sẽ rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm quan trọng để những người lãnh đạo đất nước có thể thu phục được nhân tâm, giúp ích cho nước nhà bằng những hành động vô cùng dễ thực hiện.”
TS Lê Thu Hương từ Viện Chính sách Chiến lược Australia viết trên AMTI rằng “So với vụ việc giàn khoan 981 năm 2011, vụ tàu khảo sát của Trung Quốc vào Bãi Tư Chính và các hành động quấy rối nhận được ít hơn nhiều sự chú ý của quốc tế và các trao đổi ngoại giao. Đó là vì về cơ bản Hà Nội muốn kiểm soát tinh thần bài trung tại Việt Nam và ngăn chặn các cuộc biểu tình hoặc bất ổn tiềm ẩn.”
“Bắc Kinh đã tăng cường áp lực ở Biển Đông không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với Malaysia và Philippines. Thật vô lý khi cho rằng chiến thuật mà Việt Nam áp dụng vào năm 2014 để đối phó với sự cố HYSY-981 sẽ có hiệu quả tương tự ngày hôm nay, đặc biệt là việc khi Bắc Kinh hiện đang theo đuổi các hoạt động này với nhận thức rằng họ sẽ phải trả giá về mặt danh tiếng, mà Trung Quốc dường như chuẩn bị chấp nhận…”
https://www.bbc.com/vietnamese/49327412

Đà lạt: Hàng trăm tấn rác

ở Bãi rác Cam Ly đổ xuống nhà dân

Tại Đà Lạt, truyền thông trong nước vào ngày 13 tháng 8 loan tin thiệt hại do bãi chứa rác Cam Ly vỡ hôm 8 tháng 8 chôn vùi nhiều héc ta đất đai, hoa màu của người dân.
Tiền Phong mô tả hằng nghìn mét khối chất thải rắn từ bãi rác Cam Ly trên đỉnh một quả đồi cao khoảng 60 mét dựng đứng đã đổ xuống dưới thung lũng, bao trùm lên một vùng sản xuất nông nghiệp. Chất thải trên cao đổ xuống lăn thành một vệt dài hơn 1 kilomet.
Nước từ bãi rác chảy ra được mô tả là đen kịt, nồng nặc mùi hôi cũng theo suối chảy xuống khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân; dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và lâu lan dịch bệnh.
Nguyên nhân vỡ bãi chứa rác Cam Ly được nói là do những trận mưa lớn trút xuống khu vực tỉnh Lâm Đồng vào những ngày đầu tháng 8 vừa qua.
Vị đại diện của Ủy ban Nhân dân phường 5 cho biết thêm, diện tích hoa màu của các hộ dân nói trên nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng người dân đã tổ chức sản xuất ổn định từ nhiều năm qua.
Được biết, bãi rác Cam Ly từng bị đóng cửa hơn 1 năm do gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, năm 2016 bãi rác Cam Ly lại tái hoạt động do thành phố Đà Lạt thiếu cơ sở xử lý rác. Mỗi ngày khoảng 100 tấn rác thải được tập kết về bãi rác này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/da-lat-hundreds-of-tons-of-garbage-in-cam-ly-landfill-poured-into-people-s-houses-08132019102933.html

Bắc Giang & Thái Nguyên

đùn đẩy trách nhiệm xử lý dòng kênh ô nhiễm

Tình trạng xác động vật trên kênh Trôi tại điểm giáp ranh giữa Bắc Giang và Thái Nguyên đến nay vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này giữa hai tỉnh.
Truyền thông trong nước hôm 13/8 loan tin cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, kênh Trôi thuộc hệ thống thủy lợi sông Cầu. Trước khi đổ vào địa phận Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, kênh Trôi chảy qua nhiều địa phương tỉnh Thái Nguyên trong đó có huyện Phú Bình với chiều dài hơn 30 cây số.
Nhiều năm qua tình trạng rác thải trên dòng kênh Trôi chảy từ Thái Nguyên về Bắc Giang ngày một nhiều hơn và nhất khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát từ đầu tháng 3/2019, khiến ngoài việc rác thải thì xác lợn trôi dạt về Bắc Giang mỗi ngày một nhiều.
Giám đốc trung tâm dịch vụ và kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang ông Nguyễn Quốc Mỹ xác nhận với báo giới rằng, trung bình mỗi ngày vớt khoảng 4 tấn lợn chết dưới dòng kênh mang đi tiêu hủy. Trong tháng 7, đơn vị của ông đã vớt gần 300 xác lợn tại đây.
Vào tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân hai tỉnh đã có buổi làm việc để bàn công tác phối hợp phòng, chống dịch tả lợn lây lan và xử lý rác thải trên kênh Trôi. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đề xuất xây dựng đăng chắn rác tại khu vực huyện Hiệp Hòa (điểm giáp ranh với huyện Phú Bình, Thái Nguyên). Tuy nhiên, ban lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên không chấp nhận với lý do sẽ làm thay đổi dòng chảy mất ổn định cũng như sự an toàn …,
Ban lãnh đạo Thái Nguyên thừa nhận chỉ có rác từ tỉnh này đổ về chứ không có lợn vì chính quyền tỉnh đã chi trả hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh sớm nhất cả nước nên không có lý do gì xuất hiện xác lợn trôi dạt về Bắc Giang.
Nhiều cuộc thảo luận diễn ra nhưng không thành giữa hai tỉnh khiến lượng rác và xác lợn trôi về ngày càng nhiều hơn, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã cho xây dựng đăng chắn rác ngay vị trí giáp hai tỉnh khiến tình trạng rác và xác lợn ùn ứ khổng lồ lên tới hàng chục tấn, gây ô nhiễm trầm trọng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bac-giang-thai-nguyen-provinces-not-agree-in-solving-pollution-on-toi-anal-08132019092653.html

Tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu với lý do lập quy hoạch tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/8 theo trích dẫn hai văn bản chính thức của Bộ xây dựng liên quan đến vụ việc.
Điều này có nghĩa việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ bị tạm dừng.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Chính phủ trong văn bản ký ngày 8/6/2018, nhằm định hướng phát triển không gian của đảo trong giai đoạn tới.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trả lời báo trong nước hồi đầu tháng này cho biết lý do là vì vướng mắc về cơ sở pháp luật. Theo lời ông Nhịn, Luật quy hoạch mới của đảo Phú Quốc sẽ tích hợp vào quy hoạch cả tỉnh từ đầu năm nay, và phải chờ Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mới đủ cơ sở pháp lý.
Tin cũng cho hay chính quyền tỉnh Kiên Giang e ngại nếu chờ luật quy hoạch mới thì sẽ gặp khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng mục tiêu phát triển và kêu gọi đầu tư. Do đó, tỉnh Kiên Giang đề nghị được áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định tư vấn nước ngoài lập quy hoạch bằng cơ chế tự thỏa thuận.
Trước đó từ hồi năm 2010, Chính phủ đã xác định Phú Quốc sẽ là “khu hành chính – kinh tế đặc biệt”.
Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 600km2, nằm trong khu vực Vịnh Thái Lan, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Gần đây tại Phú Quốc, nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường con hẻm ngập sâu nhiều mét, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn do cơn mưa lớn từ trưa ngày 8/8 kéo dài đến trưa ngày 9/8. Sân bay Phú Quốc đã phải đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy để bảo đảm an toàn do mưa lớn kéo dài.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/temporarily-stop-planning-phu-quoc-into-special-economic-zone-08132019085351.html

TPHCM có thể hoàn trả 26.000 tỉ

tạm ứng sai ở Thủ Thiêm hay không?

Không thể thu hồi
Thanh tra chính phủ trong Kết luận số 1037 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư không đúng quy định vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến cuối tháng 9/2018 là hơn 26.300 tỷ đồng. Đồng thời cần sớm có giải pháp huy động vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM vào chiều ngày 9/8 đã gửi văn bản khẩn đến Thủ tướng Chính phủ cho rằng các thủ tục quyết toán để có thể thu hồi khoản tiền mà thanh tra chính phủ nhắc đến hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo luật thì người nào triển khai, chủ trì trong việc này phải chịu trách nhiệm, đồng thời quá trình hồi tố lại rất đơn giản, không có gì khó khăn. - PGS. TS. Ngô Trí Long
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam khẳng định tiền ngân sách chi tiêu sai mục đích thì phải bồi hoàn, bồi trả, còn nếu người làm sai mà không xử lý được thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nếu TPHCM không giải quyết việc hoàn trả này, thanh tra chính phủ sẽ chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra vào cuối năm. Luật sư Thuận, giải thích thêm nguyên nhân tại sao TP HCM lại tạm ứng sai hàng chục ngàn tỉ như vậy:
“Nguyên nhân sâu xa là thành phố muốn bồi thường nhanh trong thời kỳ đó để giao đất cho các chủ đầu tư. Các chủ đầu tư đúng ra khi nhận đất phải trả tiền lại cho thành phố để trả về cho trung ương. Nhưng các chủ đầu tư đã không kịp thời trả tiền đó. Chưa nói có độ vênh 1 số tiền khá lớn vì các cơ quan sở ngành đề nghị 36 triệu/m2 vào thời điểm đó, bây giờ lên cao lắm rồi. Nhưng khi tính với các nhà đầu tư lãnh đạo thành phố chỉ tính 26 triệu/m2. Như vậy 1m2 chênh nhau 10 triệu, riêng tiền đó chênh nhau cả ngàn tỉ. Tiền đó mỗi năm thành phố phải thu thuế trên địa bàn, cuối năm chuyển về trung ương để xử lý nhưng thành phố đã giữ lại để bồi thường.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng vấn đề này còn có sự tham gia của các nhóm lợi ích, vì Ủy Ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quá ưu đãi các nhà đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thêm vào đó, số tiền đền bù trước đây so với thời điểm hiện nay lại càng chênh lệch, khiến phí đền bù bị đội giá.
Trong khi đó, theo ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế và phải khiếu kiện trong nhiều năm qua lại cho rằng, Ủy ban Nhân dân thành phố hoàn toàn có thể trả số nợ đó vì:
“Hiện nay người ta đã lấy đất gần 200 hecta, bây giờ những vùng đất ngoài quy hoạch người ta đang tổ chức bán đấu giá, cụ thể như lõi trung tâm số 3, số 4 là khu 160 hecta đất tái định cư cho dân người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá, rồi khu lõi trung tâm số 7 là khu ngoài ranh quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà trước đây là của trại phong Thanh Bình người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá. Bán đấu giá nhiêu đó thì 26.000 tỉ là chuyện rất nhỏ vì thu về cả trăm ngàn tỉ. Bây giờ người ta không muốn trả về cho ngân sách nhà nước người ta nêu lý do như vậy, đã lừa dân rồi bây giờ tính lừa chính phủ nữa.”
Còn đứng ở góc nhìn của chuyên gia Tài chính và Thị trường, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long thì cho rằng nếu thành phố không thể hoàn trả theo thời hạn, cần phải quy trách nhiệm chứ không thể thoái thác việc này:
“Theo luật thì người nào triển khai, chủ trì trong việc này phải chịu trách nhiệm, đồng thời quá trình hồi tố lại rất đơn giản, không có gì khó khăn. Xem xét lại quy trình triển khai thực hiện như thế nào, từng bước từng khâu một thì sai ở chỗ nào, ai làm như thế nào để quy trách nhiệm không phải là điều khó khăn.”
Đồng tình với ý kiến PGS. TS. Ngô Trí Long, Luật sư Trần Quốc Thuận khẳng định cần phải điều tra trách nhiệm của từng người liên quan đến sai phạm:
“Người ta phải điều tra để coi thử ai quyết định hạ giá, ai quyết định lấy tiền từ ngân sách sử dụng sai mục đích, ai chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm phụ. Theo kết luận thanh tra thì là những người trong ủy ban nhân dân thành phố, còn những người trên nữa có trách nhiệm hay không phải chờ kết quả điều tra.”
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Trí Long, với lý do TP. HCM đưa ra thì quả thực không phải đơn giản, nhưng nếu bỏ qua, ‘cho chìm xuồng’ như những yêu cầu trước đây sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho chính phủ Hà Nội:
“Hiệu lực của chính phủ bị vô hiệu hóa là thứ nhất. Thứ hai là sẽ không cảnh tỉnh, không là bài học răn đe cho những trường hợp sau này. Còn cách tổ chức truy thu lại thế nào phải có liệu trình, cách xem xét cụ thể chứ không thể bây giờ nói rồi thu ngay được.”
Đền bù không hợp lý
Trong văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. HCM trình bày cho biết khoản tiền mà thành phố tạm giữ ngân sách nhà nước được dùng chủ yếu vào việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, ông Cao Thăng Ca cho rằng với khoản chi lớn như vậy, nhưng quy trình đền bù hiện nay UBNB TP. HCM làm không giống ai:
Chỉ đối thoại với 28 người đi khiếu nại tại Hà Nội thôi, còn bao nhiêu người liên tục khiếu nại thì không đối thoại. Người ta luôn có chiêu trò câu giờ để làm dân mòn mỏi, chán nản rồi bỏ cuộc. Đó là ý đồ của thành phố hiện nay. - Cao Thăng Ca
“Trước đây những người đã đi rồi, người ta đã đền bù rồi, có cuộc sống ổn định rồi, người ta lại mời họ về, trả thêm 1 số (tiền) nữa. Chuyện đó cũng là điều tốt, nhưng còn những người đang phải khiếu
nại 20 năm nay chịu khổ cực, chịu thiệt thòi do bị cưỡng chế nhà đất hay nói thẳng là cướp mất nhà đất thì người ta lại không giải quyết cho những người trường hợp này, đang rất cần được giải quyết, mà người ta lại giải quyết cho những người trước đây đã tự nguyện đi rồi. Những người còn đang tiếp tục khiếu nại ngoài ranh quy hoạch, cưỡng chế nhà đất mà không có quyết định thu hồi thì bị làm lơ.”
Ông Cao Thăng Ca nhận định lãnh đạo thành phố né tránh đối thoại với những người đang đòi bồi thường vì sợ người dân vạch ra những gian dối của chính quyền nên cứ lừa cho tiếp dân.
Vì trong những cuộc tiếp dân mà Ủy ban Nhân dân quận 2 tổ chức, lần nào cũng dân muốn nói gì thì nói, lãnh đạo muốn trả lời sao thì trả lời chứ không phải là cuộc đối thoại.
Do đó, trước thông tin lãnh đạo TP. HCM sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm vào chiều ngày 15/8 tới đây, ông Cao Thăng Ca cho rằng TP. HCM lại tiếp tục lừa dân, vì:
“Chỉ đối thoại với 28 người đi khiếu nại tại Hà Nội thôi, còn bao nhiêu người liên tục khiếu nại thì không đối thoại. Người ta luôn có chiêu trò câu giờ để làm dân mòn mỏi, chán nản rồi bỏ cuộc. Đó là ý đồ của thành phố hiện nay.”
Dự án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm qua, nhiều người dân vẫn ròng rã khiếu kiện để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết. Các quan chức đứng đầu thành phố liên tục gặp gỡ người dân, hứa sẽ sớm giải quyết dứt điểm cho người dân nhưng sau ngần ấy năm, nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn từng ngày sống trong những khu tạm bợ chờ được đền bù thỏa đáng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-hcmc-refund-26k-bln-advanced-wrongly-for-thu-thiem-08122019150516.html

Tại sao người Trung Quốc phạm tội ở VN

không bị xét xử tại VN?

Gần đây, ngày càng nhiều vụ người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam bị phát hiện. Tuy nhiên, lại ít khi thấy cơ quan chức năng Việt Nam đưa những trường hợp vi phạm ra xét xử. Sự việc gần đây nhất là Việt Nam đã phải trục xuất gần 400 người TQ vận hành đường dây đánh bạc về lại Trung Quốc đã khiến không ít người hoang mang…
Dư luận tiếp tục hoang mang và căm phẫn khi vừa mới đây (11/8/2019), 3 người TQ đã ra tay sát hại một tài xế taxi Việt Nam tại Lạng Sơn. Hình ảnh các tội phạm trẻ tuổi người TQ rất “an yên” trong đồn công an khiến người dân Việt Nam không khỏi lo lắng, liệu họ sẽ phải trả một cái giá thích đáng cho những gì họ gây ra hay sự việc lại “chìm xuồng”? Dư luận bàn tán và hồ nghi về hệ thống xử lý pháp luật tại Việt Nam!
Thực trạng nhức nhối
Cũng khó để buộc người dân không bàn tán về cách xử lý của chính quyền Việt Nam đối với tội phạm người TQ khi càng ngày số vụ người TQ vi phạm pháp luật tại Việt Nam càng tăng. Nhìn nhận lại thực trạng này, ắt hẳn không ai không nhớ đến vụ việc xảy ra vào ngày 27/7 khi Công an Việt Nam đã bắt giữ hơn 380 công dân TQ điều hành một đường dây đánh bạc bất hợp pháp tại thành phố cảng Hải Phòng, với số tiền vi phạm lên đến 10.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an Việt Nam, đây là một tổ chức tội phạm với phương thức hoạt động mới và tinh vi, được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức dưới ‘vỏ bọc’ của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng được coi là vụ án liên quan đến số lượng người nước ngoài phạm tội lớn nhất, số lượng cờ bạc và cá cược trực tuyến lớn nhất từng được phát hiện tại Việt Nam. Sự việc gây rúng động trong nước khi được biết “sào huyệt” khủng này đã qua mắt Công an Việt Nam nhiều tháng trời.
Người dân càng hồ hởi bao nhiêu về thành tích phá ổ cờ bạc khủng của người Trung Quốc của Công an Việt Nam thì họ lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chỉ sau đó 4 ngày,Việt Nam đã phải bàn giao toàn bộ số người bị bắt giữ và tang vật cho công an Trung Quốc xử lý….
Trước đó, vào tháng 4 năm 2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng internet…
Việc xử lý có minh bạch?
Với rất nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam nhưng thường sau đó người dân không thấy Công an công bố đưa vụ án ra xét xử mà phần đông dẫn độ tội phạm và tang vật về Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ, mà chỉ ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, hôm 12/8 RFA liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, và được ông cho biết như sau:
“Vấn đề tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự hình sự thì Việt Nam đã ký với nhiều nước như Hàn Quốc, Hungary, Bulgaria… trong đó có Trung Quốc, thì đã có rất lâu rồi, công dân nước này có thể hưởng bảo hộ pháp lý trên nước kia… Còn vấn đề dẫn độ là hợp tác tương trợ tư pháp giữa hai nước với nhau, có quyền yêu cầu bắt giữ hoặc chuyển giao người tội phạm. Việc dẫn độ được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu, toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được thực thi theo pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.”
Theo luật sư Hậu, việc dẫn độ hơn 300 người Trung Quốc phạm tội tổ chức đánh bạc ở Việt Nam cũng phù hợp Hiệp ước tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 12/8  từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:
“Theo quy định luật hình sự Việt Nam thì dù là người nước ngoài đi nữa mà phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử. Thậm chí nó thể hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, nó thể hiện chủ quyền của quốc gia. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng tôi không hiểu sao hơn 300 người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam một cách rõ ràng và cụ thể, thì việc xét xử rất là bình thường nhưng tôi không hiểu sao lại dẫn độ hết về Trung Quốc, rồi không biết họ có xử hay không? Đối với luật hình sự thì đây là vụ bỏ lọt tội phạm rất lớn nhất, vi phạm quyền tài phán quốc gia, vi phạm chủ quyền quốc gia.”
Theo luật sư Mạnh, trong trường hợp xử lý về người thì tài sản cũng vậy, đó là tang vật vụ án thì phải tịch thu. Thậm chí khi xử lý tại tòa còn có thể căn cứ theo những con số tang vật, để đưa ra mức phạt tài chính phù hợp.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12/8, giải thích thêm:
“Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam.”
Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Trở lại vụ Công an Việt Nam bắt giữ hơn 380 công dân Trung Quốc điều hành đường dây đánh bạc ở Hải Phòng. Khi trả lời báo An Ninh Thủ Đô hôm 29/7/2019 về việc người nước ngoài phạm tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc ở Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, dẫn Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
Tuy nhiên Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:
“Chắc chắn không, theo quy chế về đối xử ngoại giao thì theo một công ước gọi là công ước Vienna (Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, được thông qua năm 1961 và có hiệu lực vào năm 1964). Theo công ước này thì chỉ miễn trừ cho những người có hộ chiếu ngoại giao, còn lại là xử lý theo bộ luật hình sự chứ không theo hiệp ước về lãnh sự của Vienna. Cho nên vị luật sư đó nói chỉ đúng trong phạm vi đó thôi, chứ áp dụng cho hơn 300 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc ở Việt Nam thì không đúng, những người này là thường dân, không thể hưởng quy chế ngoại giao.”
Ở một diễn biến khác, hôm 12/8 theo báo Pháp Luật, Bộ Công An cho biết, tính đến tháng 5/2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam. Đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Số phạm nhân quốc tịch Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Macao) chiếm khá nhiều…(?!)
Nhìn ra thế giới
Mặc dù Anh đã trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc từ năm 1997 và Hong Kong cũng đã ban hành chính sách “một quốc gia, 2 chế độ” sau đó. Tương tự các nước khác, Hong Kong cũng đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước khác nhau (tuy nhiên danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam) nhưng khi chính quyền Hong Kong đưa ra dự luật dẫn độ xác nhận các nhóm tội có thể bị dẫn độ về Trung Quốc xử lý, liền bị người dân phản ứng gây gắt. Nhìn nhận từ sự việc ở Hong Kong với Việt Nam, từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói lên suy nghĩ của mình:
“Vấn đề này cũng đưa ra nhiều suy nghĩ, mặc dù HongKong hiện nay là một quốc gia hai chế độ, nhưng rõ ràng người HongKong vẫn muốn đòi hỏi sự độc lập nhất định cho HongKong, ít nhất là độc lập về tài phán, chứ không phụ thuộc vào chế độ Đại Lục. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hoàn toàn độc lập với nhau, có chủ quyền riêng, nhưng lại hành xử y như là một dạng lục địa, thậm chí còn tệ hơn HongKong. Trong khi HongKong không chấp nhận chuyện đó, thì Việt Nam lại hết sức dễ dàng chấp nhận khả năng đó.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh cay đắng cho rằng, thậm chí địa vị pháp lý của Việt Nam còn tệ hơn địa vị pháp lý mà HongKong đang có.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-chinese-criminals-in-vietnam-do-not-trial-in-vietnam-08122019134626.html

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tự hào vì cả thế giới

chỉ Việt Nam có ngân hàng nhà nước

Tin Vietnam.- Báo Thanh Niên loan tin, vào chiều ngày 12 tháng 8 năm 2019, quốc hội cộng sản Việt Nam đã lấy ý kiến về quy định pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Theo đó, có 18 trong tổng số 34 ý kiến đồng ý xây dựng mô hình nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước độc lập với bộ Tài chính, và trực thuộc Chính phủ. Cơ quan này có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề nghị chính sách với Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trái ngược với ý kiến trên, có 11 trong tổng số 34 lượt ý kiến cho rằng, mô hình pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán vẫn nên tiếp tục giữ như cũ, và bổ sung thêm một số quyền hạn, tức vẫn thuộc bộ Tài chính cai quản, vì nó vẫn phù hợp với chủ trương của đảng Cộng sản.
Trong số 11  ý kiến để bộ Tài Chính cai quản, thì có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội nằm trong đó. Bà Ngân giải thích rằng, trên thế giới chỉ có mỗi mình Việt Nam có ngân hàng nhà nước. Các quốc gia khác thì chỉ có ngân hàng trung ương. Không chỉ vậy, cả thế giới cũng chỉ có mỗi cộng sản Việt Nam có bộ Kế hoạch- Đầu tư, còn các nước không hề có. Vì vậy bà Ngân đề nghị các thành viên khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội không cần phải viện dẫn thế này, thế kia cho phù hợp quốc tế để làm gì.
Cuối cùng, bà Ngân chốt lại rằng, Việt Nam có cái riêng của mình. Cũng đồng ý với ý kiến của bà Ngân, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, bộ đang sửa đổi để tăng thêm quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/ba-nguyen-thi-kim-ngan-tu-hao-vi-ca-the-gioi-chi-viet-nam-co-ngan-hang-nha-nuoc/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.