Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/08/2019

Friday, August 9, 2019 6:06:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 09/08/2019

Tàu Hải Dương 8 rút nhưng

tàu Hải cảnh Trung Quốc vẫn ở gần lô 06.1

Mặc dù nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng điều đáng ngại là tàu Hải cảnh của Trung Quốc đến lúc này vẫn quanh quẩn ở khu vực lô dầu khí liên doanh với công ty Rosneft. Ông Greg Poling, Giám đốc trang Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải – trang chuyên theo dõi các tin ở Biển Đông – viết như vậy trên Twitter hôm 8/8.
Hôm 7/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển của Việt Nam.
Theo thông tin cập nhật trên Twitter của Phó Giáo sư trường Đại học Hải chiến Hoa Kỳ Ryan Martinson hôm 7/8, tàu Hải Dương 8 đã đến Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ông Ryan Martinson là người đã theo dõi lộ trình các tàu Trung Quốc vào vùng biển của Việt Nam từ hồi đầu tháng 7.
Chuyên gia Greg Poling viết trên Twitter rằng, hiện không rõ việc tàu Hải Dương 8 rút về Đá Chữ Thập là để tiếp nhiên liệu và sẽ quay lại hay sẽ rút hẳn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó cho biết phía Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục theo dõi hành trình của nhóm tàu này.
Trong khi đó, theo Minh Bạch Hàng Hải, từ khoảng giữa tháng 6, tàu Hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã xuất hiện ở gần lô dầu khí 06.1 thuộc liên doanh giữa Việt Nam và Nga. Khu vực này nằm gần hơn về phía Bãi Tư Chính so với khu vực mà tàu Hải Dương 8 đã vào.
Theo ông Greg Poling, tàu Hải cảnh của Trung Quốc hiện chưa rút đi và vẫn tiếp tục quấy nhiễu hoạt động ở lô dầu khí 06.1
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/haiyang-dizhi-packing-up-but-tension-still-continues-far-south-expert-08092019090914.html

Nguyên nhân nào buộc Trung Quốc

 rút tàu Hải Dương 8 ra khỏi Bãi Tư Chính

Cao Nguyên
Tàu Hải Dương Địa chất số 8 (HD8) của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 7/8/2019 và đang neo đậu ở Đá Chữ Thập thuộc Quần đảo Trường Sa, hãng tin Reuters đưa tin dẫn lời chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến có trụ sở tại Mỹ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 8/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng xác nhận tin Bắc Kinh đưa tàu ra khỏi EEZ nhưng không cho biết thêm đội tàu của nước này đang ở đâu. Trong khi đó bên phía Trung Quốc vẫn chưa phát biểu gì về vụ việc.
Liệu trong thời gian tới tàu HD8 và đội tàu hải cảnh, dân binh hộ tống có trở lại Bãi Tư Chính, nơi có ít nhất 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn đang lởn vởn? Nguyên nhân nào khiến chính phủ của Tập Cận Bình rút tàu đi?
Chưa có gì chắc chắn
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) cho RFA biết nhận định của ông:
Hôm nay, Tàu đó (Hải Dương 8 – PV) đang neo ở Đá Chữ Thập. Đây là khu vực do Trung Quốc kiểm soát, có cả sân bay và được vũ trang hóa một cách đầy đủ.
Bây giờ, nó đang ở đấy nhưng chưa biết nó sẽ đi về Hải Nam hay là ở đó lấy dầu, lấy thực phẩm, đổi người rồi quay lại. Cái này thì mình chưa biết được!”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn cũng thận trọng cho rằng cần tiếp tục theo dõi.
Theo tôi phải theo dõi thêm trong vòng hai hoặc ba ngày nữa, bão ở phía Nam của Quần đảo Trường Sa mà sóng yên gió lặng thì có thể Trung Quốc cũng không rút lui yêu sách của mình đâu. Đây chỉ là giải pháp tạm thời có yếu tố của thiên nhiên.”
Thạc sỹ luật Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cũng cho rằng chưa thể đánh gia là Trung Quốc đã rút hẳn tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.
“Vụ việc lần này có thể coi là việc Trung Quốc “nắn gân” Việt Nam. Nhưng có thể sau khi chưa “nắn gân” được, họ phải đổi qua một chiến lược khác, hoặc họ chờ đợi một thời cơ khác .
Nhưng mà cũng chưa biết họ đã rút ngay hay chỉ tránh bão do hiện nay ở khu vực Trường Sa đang có bão. Cho nên cũng chưa biết là họ chỉ tránh bão để sau này quay trở lại hay là rút luôn. Chuyện đó còn phải chờ đợi tiếp.”
Tác động dẫn đến việc rút tàu
Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc rút đi là do sự phản đối quyết liệt của Việt Nam. Ngoài ra, theo ông còn có thể bắt nguồn từ sự lên tiếng của quốc tế và đặc biệt là Hoa Kỳ.
Đồng thời với sự lên tiếng mạnh mẽ, hôm 6/8, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào Biển Đông, cho các phản lực cơ thực hiện các chuyến phi tuần.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc phân tích kỹ hơn về quyết định cho rút tảu Hải Dương Địa chất 8 ra khỏi EEZ của Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng 8:
Trong 35 ngày mà Trung Quốc đưa tàu HD8 vào xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đã tạo ra một điểm nóng trong mối quan hệ Việt – Trung. Sự cố này này đã đặt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vào thế rất khó xử, đó là vấn đề hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia.
Khuya nay, HD8 đã lui về neo đậu ở Bãi Chữ Thập. Tôi đánh giá rằng Trung Quốc cũng phải sợ đến dư luận quốc tế, cũng phải căn cứ vào tương quan lực lượng khi Việt Nam cứng rắn, cương quyết không rút tàu hải giám, tàu cảnh sát biển của mình ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tôi nghĩ Trung Quốc cũng không sợ đâu. Nhưng tại hội nghị của của Ban lãnh đạo, Trung Quốc đã làm tròn nhiệm vụ, Tập Cận Bình cũng đã chứng tỏ được quyền lãnh đạo của mình đối với đảng Cộng sản và nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì chuyện rút Tàu là dĩ nhiên.
Thêm nữa là vì thời tiết không cho phép Trung Quốc tiếp tục động thái đe dọa, khống chế kiểm soát vùng biển này của Việt Nam.
Tôi đánh giá hành động rút tàu của Trung Quốc là rất tốt. Vì cả hai bên Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh.”
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp lại có nhận định khác, ông cho rằng có thể tàu thăm dò của đối phương hoàn thành xong nhiệm vụ thăm dò nên quay về:
Như trước đây tôi đã nói rằng có 4 khả năng có thể xảy ra ở Bãi Tư Chính. Thứ nhất là Trung Quốc có thể họ lặng lẽ rút tàu ra, tức là không nói lý do gì. Thứ hai là họ sẽ công bố rằng đã xong nhiệm vụ rồi thì họ rút. Thứ ba là rút xong lại quay lại. Thứ tư là rút xong thì sẽ đưa giàn khoan vào để để khoan dầu hoặc khoan khí ở khu vực Bãi Tư Chính.
Khả năng bây giờ họ đã rút ra không nói gì là đã xảy ra rồi, hoặc có thể mai mốt người ta sẽ nói rằng đã xong việc thăm dò địa chất ở trong khu vực ấy.
Trong vòng một tháng bốn ngày qua họ đã dùng tàu HD8 để thăm dò trên diện tích khoảng 37 ngàn cây số vuông ở vùng ngay sát Bãi Tư Chính. Bây giờ, họ có thể lấy lý do là xong việc rồi thì đi về chứ không nói gì khác cả.
Thế còn những dự đoán khác như là Việt Nam đấu tranh với họ buộc họ phải rút là có nhưng mức độ như thế nào thì mình chưa đánh giá được.”
Còn theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nếu thực sự có xảy ra hải chiến với nước láng giềng “4 vàng 16 tốt” thì năng lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Ông nhấn mạnh đến giải pháp ngoại giao của Việt Nam lúc này:
Chiến tranh trên biển không phải là trò đùa, và đánh nhau không thể bằng xuồng ba lá. Tiềm lực kinh tế, quân sự của Việt Nam cũng không cho phép.
Do đó, tôi nghĩ rằng giải pháp ngoại giao kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng và tiếng nói của các nước có giá trị nhất định để cho Trung Quốc phải rút tàu, tạm ngưng lại ý đồ và mục đích khi đưa tàu Hải dương Địa Chất 8 xuống vùng Bãi Tư Chính và cả một vùng biển rộng lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Việt Nam sẽ làm gì với giàn khoan dầu đang hoạt động ở Lô 06.1
Một trong những nguyên do khiến Trung Quốc mang tàu Hải dương địa chất 8 vào khu vực Bãi Tư Chính được các chuyên gia nghiên cứu cho là, do Hà Nội cho phép giàn khoan Nhật Hakuryu 5 hoạt động khoan thăm dò tại Lô 06.1, thuộc dự án liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò & Khai thác Dầu khí Việt Nam và Công ty Rosneft của Nga.
Ngày 25/7/2019, giữa lúc thông tin về đối đầu giữa 2 nước lan rộng ở Bãi Tư Chính, báo chí trong nước dẫn thông báo của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam cho hay, cơ quan này vừa gia hạn hoạt động của giàn khoan Nhật Bản đến ngày 15 tháng 9 năm 2019, trong sự quấy nhiễu của các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho rằng, việc này không phải để thách thức chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc bây giờ muốn kiểm soát toàn bộ việc khai thác và sử dụng các tài nguyên ở trong vùng mà họ gọi là tranh chấp. Nhưng nếu vùng đó có là vùng tranh chấp thực đi nữa thì họ cũng không có quyền đó, mà tranh chấp với ai thì phải bàn với bên kia thì mới có thể đưa ra quyết định, nên ý muốn của họ là sai trái.
Người Việt Nam cho phép Nhật đưa giàn khoan thăm dò vào không chỉ chống lại một việc cụ thể nào mà còn chống lại toàn bộ quá trình và nền tảng pháp lý mà Trung Quốc đang theo đuổi một cách sai trái, chứ không phải chỉ là chuyện cái tàu (HD8 – PV).
Quay về chuyện giàn khoan, đây là giàn khoan mà công ty liên doanh với công ty của Việt Nam và công ty Nga thuê giàn khoan của Nhật vào khoan, và đây không phải là khoan thăm dò mà là khoan mở rộng khai thác. Hai việc khác hẳn nhau bởi vì thăm dò đã đủ rồi.
Từ đầu, Việt Nam và Nga tuyên bố việc khoan này có thể kéo dài từ 60 đến 90 ngày. Nhưng mới diễn ra cho đến ngày họ gia hạn là được đúng một tháng, rồi họ mới hạn thêm cho đến ngày 15/9.
Khi hoàn thành xong nhiệm vụ khoan thì đương nhiên họ phải rút đi thôi. Sau đó chắc chắn người ta sẽ rút dầu và rút khí ở đấy, nên việc rút giàn khoan hay không rút giàn khoan ở đó không còn quan trọng.
Việc gia hạn 90 ngày đó hoàn toàn là vì công việc của hợp đồng chứ không phải là thách thức Trung Quốc hay là vì lý do nào khác cả.”
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhắc lại sự kiện Hà Nội phải ngưng dự án khoan dầu và khai thác ở mỏ Cá Rồng Đỏ hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha vì áp lực từ Trung Quốc vào năm ngoái:
Đó là sai lầm chiến lược. Thứ nhất là phải đền tiền cho các hợp đồng kinh tế. Thứ hai là từ bỏ chủ quyền của mình trên vùng lãnh thổ mà mình đang quản lý đúng theo luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Vấn đề hiện nay ai cũng biết là kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn. Nếu từ bỏ chủ quyền, nếu phải bị phạt ở khu vực mà đang hợp tác với Nga để thăm dò và khai thác nữa thì sẽ bất lợi cho Việt Nam về cả mặt chính trị và kinh tế.
Theo tôi dù Trung Quốc có tiến như thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn sẽ cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của mình.”
Hồi tháng 5/2018, Công ty dầu khí Repsol tiến hành đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về việc phía Việt Nam phải bồi thường do đột nhiên yêu cầu ngưng dự án khoan dầu ở Biển Đông khi đang bước vào giai đoạn khai thác.
Số tiền đền bù (nếu có) không được tiết lộ, tuy nhiên hợp đồng mà Repsol cho phóng viên BBC xem có các dự án khoan dầu lên tới 1 tỷ USD.
Lời cuối bình luận về toàn bộ sự kiện Trung Quốc mang tàu HD8 xâm phạm vùng biển Việt Nam lần này, ông Đinh Kim Phúc nói:
Việc Trung Quốc đưa tàu xuống quấy nhiễu và xâm phạm vùng biển Việt Nam không chỉ riêng vụ Hải dương địa chất 8, mà từ rất lâu Trung Quốc đã thể hiện tham vọng của mình về phương Nam.
Tôi muốn rằng sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền không chỉ là việc của đảng và nhà nước, mà đó là chuyện của toàn dân Việt Nam. Nếu không có sức mạnh của nhân dân thì đảng và nhà nước Việt Nam sẽ phải trả một cái giá rất lớn trên Biển Đông.”
Đợt này khi tin Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhiều người yêu nước cũng sục sôi khí thế phản đối hoạt động xem thường chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế như thế.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của những đợt biểu tình chống Trung Quốc trong nhiều năm qua, những người từng xuống đường biểu tình đều cho rằng không thể để lòng yêu nước của họ lại bị chính giới đang lãnh đạo đất nước phản bội.
Dẫu thế, một số nhà hoạt động đã không còn đủ kiên nhẫn chờ đợi nên vào trưa ngày 6 tháng 8 đã đến trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội giương cao biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-china-withdrew-ships-08082019141025.html

Xuất hiện công ty ‘Weibo JSC’ tại Hà Nội;

đối tác Việt Nam và Trung Quốc

Sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Truyền thông Mạng Xã Hội Việt – Trung Weibo (Weibo JSC) tại Hà Nội trong những ngày qua khiến dân cư mạng lo ngại rằng mạng Weibo của Trung Quốc đã ‘thâm nhập’ thị trường Việt Nam.
Trao đổi với VOA hôm 9/8, ông Nguyễn Lê Minh Nguyên, Giám đốc điều hành của công ty Weibo JSC có tên miền là weibo.vn, cho biết công ty của ông vừa được chính thức thành lập hôm 8/8 và “chưa có ý định làm sản phẩm về mạng xã hội.”
Ông nói với VOA qua tin nhắn Messenger: “Chúng tôi đăng ký mua tên miền weibo.vn theo đúng quy định luật pháp Việt Nam.”
“Công ty hiện tại 100% vốn và nhà đầu tư trong nước, chỉ có đối tác Việt Nam và Trung Quốc,” Ông Minh Nguyên nói nhưng không nêu chi tiết đối tác Trung Quốc là ai.
VOA đã liên lạc Weibo Trung Quốc và hỏi về mối quan hệ công ty này với Weibo SJC của Việt Nam, nhưng chưa được phản hồi.
Ông Nguyên lý giải lý do công ty ông dùng tên Weibo: “Công việc trước đó của nhóm chúng tôi liên quan rất nhiều đến các mạng xã hội Trung Quốc và Việt Nam, nên khi thành lập doanh nghiệp cần một cái tên khái quát được lĩnh vực bên ngoài, mà cũng phải đủ hàm ý hoạt động bên trong.
“Do chuyên môn cần sử dụng nhiều nguồn nội dung từ các mạng xã hội Trung Hoa, họ có những trang mạng xã hội mà phần lớn đều có tên riêng và chữ Weibo đi kèm, ví dụ như Tencent Weibo, Sohu Weibo, NetEase Weibo… đặc biệt là Sina Weibo dưới sự đầu tư của tập đoàn Alibaba đã có hơn nửa tỉ người dùng, họ sử dụng tên miền weibo.com và weibo.cn sau nhiều lần đổi tên.
“Tôi nghĩ đấy là một bước đi thông minh để chiếm lĩnh thị trường nội dung của Alibaba.”
XEM THÊM:
TQ chấn chỉnh việc các cơ quan chính quyền dùng truyền thông xã hội
Ông chủ Weibo JSC cho biết công ty của ông chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông, quảng cáo, khai thác các nội dung số trên mạng xã hội Trung Hoa và Việt Nam.
Ông nói: “Trong quá trình khai thác sử dụng cần có pháp nhân tại Việt Nam để có bản quyền các nội dung số Trung Quốc, theo quy định chặt chẽ của pháp luật Việt Nam: luật bản quyền; luật doanh nghiệp; và cả điều khoản sử dụng tại nguồn sở hữu nội dung như Facebook, Weibo.”
Theo thông tin trên web của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Công ty Weibo JSC đã hoạt động từ ngày 30/7/2019.
Khi được hỏi về việc đa số người dùng MXH Việt Nam “phản ứng” đối với mạng Weibo Trung Quốc, ông Minh Nguyên nói:
Tôi nghĩ những người có tâm lý bài xích mọi sản phẩm Trung Quốc là do bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và họ cũng là số ít thôi.
Ông Nguyễn Lê Minh Nguyên, CEO của Weibo JSC.
“Việc này là chọn lọc tự nhiên của xã hội, người dùng sẽ tự chọn cho mình sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ.
“Tôi nghĩ những người có tâm lý bài xích mọi sản phẩm Trung Quốc là do bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và họ cũng là số ít thôi.”
Xác nhận với báo chí hôm 9/8, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho biết chưa hề cấp phép hay xét duyệt hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp nào có hoạt động liên quan đến mạng xã hội Weibo Trung Quốc.
Bộ TTTT nói thêm rằng cho đến nay Bộ chưa nhận được thông tin gì từ phía Weibo Trung Quốc về việc mở hoạt động tại Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/ceo-weibovn-tam-ly-bai-xich-san-phan-trung-quoc-do-cndt-cuc-doan/5035934.html

Sinh viên Hutech chết do rơi từ lầu cao,

danh tính chưa được công bố

Tin từ Sài Gòn, ngày 9/8/2019: Vào khoảng 17 giờ ngày 08/9, một sinh viên của Đại học Công nghệ Sài Gòn (Hutech) đã rơi từ lầu cao xuống sân trường và tử vong ngay lập tức.
Nhà chức trách đang điều tra nguyên nhân của sự việc. Chưa rõ liệu sinh viên này tự tử hay vô ý ngã, hay ngã do tác động từ người khác. Danh tính của sinh viên này cũng chưa được công bố.
Đây là sinh viên thứ hai của Hutech bị chết trong vòng 10 tháng gần đây. Trong cả hai trường hợp, ban giám hiệu nhà trường đã ngay lập tức phong toả thông tin, yêu cầu sinh viên xoá hết hình ảnh ghi lại từ vụ việc.
Nhắc lại vào chiều ngày 17/10/2018, sinh viên Nguyễn Thành Long ngành Kỹ Thuật Môi Trường chết khi đang đứng chờ thang máy của trường vì bị mảng bê tông rơi từ tầng 14 trúng đầu. Khi tai nạn mới xảy ra, Hutech cùng phía cảnh sát đều cố cho rằng Long u buồn trong cuộc sống riêng nên mới nghĩ quẩn và tự tử. Chỉ đến khi xem lại camera hiện trường thì nỗi oan này mới được giải toả. Cho đến nay, không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào chịu trách nhiệm về cái chết của Long. Sinh viên của Hutech rất hoang mang và lo sợ vì giảng đường giờ trở thành cạm bẫy chết người. Có người đề nghị đội nón bảo hiểm để ngồi học.
An toàn trong trường học ở Việt Nam, từ mẫu giáo đến đại học đều đáng lo ngại.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/sinh-vien-hutech-chet-do-roi-tu-lau-cao-danh-tinh-chua-duoc-cong-bo/

Blogger Trương Duy Nhất bị truy tố

vì bán đất công giá rẻ cho Vũ “nhôm”

Báo Tuổi Trẻ hôm 8/8 trích nguồn tin từ lãnh đạo văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết cơ quan điều tra đã có kết luận blogger Trương Duy Nhất lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để bán nhà đất không qua đấu giá cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, gây thất thoát lãng phí.
Phan Văn Anh Vũ là một cựu sĩ quan công an đang phải chịu một loạt các án tù liên quan đến các tội bao gồm cố ý làm lộ bí mật nhà nước, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Theo Tuổi Trẻ, Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố blogger Trương Duy Nhất về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, ông Trương Duy Nhất bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau cuộc gặp với vợ mình là bà Cao Thị Xuân Phượng hôm 23/7 vừa qua, blogger cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thay đổi quyết định khởi tố sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Lý do được blogger cho biết là vì phía cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, ông Trương Duy Nhất khi còn làm đại diện thường trú cho báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng, đã ký 4 văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị mua một căn nhà tại trung tâm thành phố theo diện công sản để làm trụ sở văn phòng. Sau đó vào tháng 11/2004, ông Trương Duy Nhất đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà là văn phòng báo ở 82 Trần Quốc Toản cho Công ty xây dựng 79 (của Vũ “nhôm”).
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định việc mua bán này của ông Trương Duy Nhất đã gây thiệt hại cho ngân sách 13 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Lê Quang Trang – nguyên tổng biên tập và ông Bùi Thượng Toản – nguyên phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cũng bị kết luận có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của hai ông này vì cho biết đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật.
Blogger Trương Duy Nhất là người đã tham gia viết blog cho Đài Á Châu Tự Do. Ông có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ.
Hồi tháng 1 năm nay, blogger Trương Duy Nhất đã sang Thái Lan để xin quy chế tị nạn nhưng đột nhiên mất tích trên đất Thái Lan.
Bộ Công an Việt Nam cho báo chí biết blogger đã bị bắt hôm 28/1 và bị giam giữ ở Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/blogger-truong-duy-nhat-prosecuted-for-selling-public-land-to-vu-alluminum-08082019131624.html

Một giảng viên đại học

bị trả thù vì đi biểu tình và bỏ đảng

Tin Vietnam.- Ngày 7 tháng 8 năm 2019, trên trang facebook Chú Tễu loan tin, tiến sĩ Trần Thanh Tuấn, đang làm giảng viên khoa Toán- Cơ- Tin học, trường đại học Khoa Học Tự Nhiên, thuộc đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thông tin về việc anh đã bị loại hồ sơ khỏi vòng xét tuyển học hàm Phó giáo sư, và nguyên nhân có thể là do anh từng đi biểu tình.
Theo tiến sĩ Tuấn, và một số đồng nghiệp thì hồ sơ của anh được đánh giá là đủ tiêu chuẩn. Ông Tuấn cho biết rằng, giáo sư Nguyễn H. V. Hưng, trưởng tiểu ban các ngành trong khoa Toán nhận xét về hồ sơ của ông Tuấn là tốt, đủ điểm khoa học, và mọi điều kiện cần khác; phiên thuyết trình của ông Tuấn trước hội đồng xét duyệt thì chững chạc; Tiếng Anh thì được chuyên gia ngoại ngữ chấm 9,5 điểm; và phía hội đồng không có bất kì thảo luận nào về ông Tuấn trước cũng như sau bỏ phiếu.
Tuy nhiên, ông Tuấn chỉ nhận được 9 trong tổng số 15 phiếu ủng hộ của hội đồng cấp cơ sở, trong khi số phiếu cần là 10. Ông Tuấn cho rằng, 6 phiếu trượt là sự sắp xếp từ phía trên ấn định xuống, vì có thể đây là sự trả thù hèn hạ mà họ giành cho ông. Trước đó ông đã nhận được khuyến cáo là hãy cẩn thận, sẽ có những bò bẩn để đánh trượt ông. Nguyên nhân được ông Tuấn đưa ra là vào ngày 10 tháng 6 năm 2018, ông Tuấn đã tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu. Ngay sau đó, nhà trường đã yêu cầu kỷ luật ông Tuấn vì dám bày tỏ thái độ yêu nước. Nhưng chi bộ khoa Toán không đồng ý nên việc kỷ luật không thành công. Cũng trong thời gian này, ông Tuấn đã tuyên bố ra khỏi đội ngũ đảng viên cộng sản. Vì vậy, phía nhà trường đã làm nhiều cách để trả thù ông.
Trước sự việc trên, ông Tuấn chia sẻ rằng thấy khá hụt hẫng, vì trong 19 ứng viên phó giáo sư chỉ mỗi mình ông bị đánh trượt.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/mot-giang-vien-dai-hoc-bi-tra-thu-vi-di-bieu-tinh-va-bo-dang/

Sinh viên Việt Nam gian lận chứng từ tài chính

 ở Tân Tây Lan (New Zealand)


Theo Scoop Independent News đưa tin, Bộ Di trú Tây Tây Lan (INZ) và Bộ Giáo dục Tây Tây Lan (ENZ) vừa chấp thuận một chương trình nhằm gia tăng số lượng sinh viên chất lượng cao từ Việt Nam và ngăn chặn gian lận. Chương trình này được đưa ra vì vào đầu năm nay, văn phòng Bộ Di trú Tây Tây Lan ở Mumbai phát hiện một số cơ quan Việt Nam gian lận bằng cách làm giả các chứng từ tài chính.
Bà Jeannie Melville thuộc Bộ Di trú Tây Tây Lan cho hay đã phát hiện gần 50 trường hợp làm giả chứng từ tài chính. Bộ Di trú quyết định hủy visa và ngăn chặn những người này đến Tây Tây Lan. Bà Melville tin rằng một số công ty cố vấn du học có liên quan đến những vụ lừa đảo này.
Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Tây Lan Lisa Futschek nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra một cách giải quyết chung để phát triển thị trường Việt Nam. Cả Bộ Di trú và Bộ giáo dục đều đưa ra một loạt các hoạt động để hỗ trợ ngành giáo với mục đích thu hút nguồn sinh viên chất lượng từ thị trường Việt Nam.
Hiện tại, số lượng visa hợp lệ của công dân Việt Nam tăng lên 55% từ tháng 6 năm 2013 (1,400) đến tháng 6 năm 2019 (2,200). Đặc biệt, tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ trong khu vực các trường trung học và đại học.
Bà Melville cho hay rằng hệ thống di trú là một hệ thống dựa trên sự trung thực và sự tự khai thật lòng từ người nộp đơn. (BBT
https://www.sbtn.tv/sinh-vien-viet-nam-gian-lan-chung-tu-tai-chinh-o-tan-tay-lan-new-zealand/

Thiên tai liên tiếp ở Việt Nam,

sơ tán hàng ngàn hộ dân

Mưa lũ đang diễn ra tại nhiều nơi ở Việt Nam gây thiệt hại về người và tài sản của người dân dù Chính phủ đã triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống.
Theo truyền thông trong nước, tính đến chiều ngày 9/8, tại các tỉnh Tây Nguyên đã có 8 người thiệt mạng do mưa lũ. Trong đó, bốn trường hợp ở Đắk Nông, hai người ở Đắk Lắk; Lâm Đồng và Gia Lai mỗi tỉnh một nạn nhân. Mưa lũ cũng khiến hàng ngàn hecta hoa màu bị ngập úng, hàng trăm nhà dân bị ngập, nhiều ao nuôi cá bị nước nhấn chìm.
Trong khi đó ở Phú Quốc, nước lũ dâng cao khiến nhiều tuyến đường con hẻm ngập sâu nhiều mét, nhiều vùng bị chia cắt hoàn toàn do cơn mưa lớn từ trưa ngày 8/8 kéo dài đến trưa ngày 9/8. Sáng ngày 9/8 UBND huyện Phú Quốc huy động 1.000 quân thuộc nhiều lực lượng dùng các phương tiện đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm.
Hàng trăm hộ dân phải rời bỏ nhà cửa tá túc ở những nơi cao hơn. Nhiều gia đình chưa bị ngập tới nóc hoặc nhà lầu, gồng mình sống chung với lũ.
Sân bay Phú Quốc đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy để bảo đảm an toàn do mưa lớn kéo dài.
Bên cạnh đó, chiều tối ngày 8/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn gửi các ban, ngành chức năng và các địa phương khu vực Tây Nguyên cảnh báo nguy cơ vỡ đập công trình hồ thủy điện Đăk Kar do ảnh hưởng mưa lũ và yêu cầu khẩn trương ứng phó.
Hiện nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ xảy ra vỡ đập khi dự báo mưa lớn còn tiếp tục, đe dọa an toàn người dân vùng hạ du ba tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng. Cơ quan chức năng đã di dời 5.000 người dân ở khu vực hạ du thủy điện Đắk Kar đến khu vực an toàn nhằm tránh thiệt hại nếu nguy cơ vỡ thủy điện xảy ra.
Báo trong nước dẫn thông tin chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Kar đã phá đường ống áp lực để tháo nước lòng hồ; đắp bao cát trên đỉnh đập để ngăn nước tràn qua; triển khai gia cố thân đập, chống xói lở. Trong trường hợp mưa lũ kéo dài, mực nước hồ tiếp tục tăng mạnh gây vỡ đập, công ty sẽ cho nổ mìn xả lũ. Công trình thủy điện Đăk Kar có công suất 12MW, đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa được đưa vào vận hành.
Cũng tin liên quan,  từ ngày 6 đến ngày 8/8, tỉnh Lâm Đồng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên toàn tỉnh có mưa to đến rất to tại các huyện phía Nam và Tây Nam.
Thống kê ban đầu tại Lâm Đồng, có 1.400 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha rau mùa, trên 50 ha ao cá bị cuốn trôi…, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ngay thành phố Đà Lạt nhiều tuyến đường cũng bị ngập. Thống kê sơ bộ có 11 căn nhà bị ngập, hư hỏng 20 ha hoa màu, 3.000m2 nhà kính…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/natural-disasters-continuously-hit-vn-thousands-of-households-moved-08092019105058.html

Chính quyền Dak Lak định lấy đất

của dân nghèo giao cho nhà đầu tư Trung Cộng

Dak Lak đang có kế hoạch cướp đất của dân nghèo tại thôn Thanh Hợp, huyện Krong Pak để giao cho nhà đầu tư Trung Cộng.
Cách đây vài ngày, dân trong thôn được thông báo rằng nhà nước muốn bán đất cho người Trung Cộng với mức bồi thường là 70,000 đồng cho 1,000 mét vuông và 500,000 đồng cho 10,000 mét vuông. Số tiền này không đủ mua 1 mét vuông để tái định cư.
Người dân phản ứng rất mạnh, không đồng ý với giá đền bù rẻ mạt như thế. Dân nói rằng quyết tâm giữ đất và không nhượng bộ, kể cả phải đổ máu.
Năm 2017, nhà cầm quyền Dak Lak đã cướp một số đất nông nghiệp của người dân trong thôn này để giao cho một công ty Trung Cộng trồng chuối với giá đền bù là 10 triệu đồng cho 10.000 mét vuông. Dân phản đối thì chúng điều hơn 200 cảnh sát cơ động đến đánh đập người dân, kể cả người già và phụ nữ mang thai. Sau khi tin tức về vụ đàn áp loan ra, nhà cầm quyền địa phương nhượng bộ, hứa  sẽ bồi thường lại phần đất mà bà con đã bị thu hồi bằng cách 1 mẫu đổi 1 mẫu ở vùng lân cận.
Trên phần đất đã cướp từ phía dân trong thôn, công ty kia thông báo sẽ trồng cây nông nghiệp theo mô hình mới để tạo nhiều việc làm cho bà con. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, chỉ có vài cây chuối được trồng. Còn nhà cho người Trung Cộng ở mọc lên như nấm. Công nhân người Việt làm ở đó thì bị quỵt tiền còn người dân lảng vảng vào khu này thì bị đuổi đánh. Nhà cầm quyền địa phương nói người Việt không nên lảng vảng trong khu đó để tránh gây xung đột.
Facebooker Lê Hoà cho biết trước đó nhà cầm quyền  huyện Krong Pac cũng điều động một lực lượng hùng hậu đến để cướp đất của dân Hồ Voi.
Tù nhân lương tâm Trần Quốc Lượng, người đang thụ án tù 5 năm vì tội danh nguỵ tạo “khủng bố,” là người từ thôn Thanh Hợp.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/chinh-quyen-dak-lak-dinh-lay-dat-cua-dan-ngheo-giao-cho-nha-dau-tu-trung-cong/

Quốc Hội của dân mà không tiếp dân:

Đó là điều đau xót!

Diễm Thi, RFA
Sáng ngày 8 tháng 8 năm 2019, đoàn nhân sĩ trí thức mang bản Tuyên bố Biển Đông đến trước Văn phòng Quốc hội với mong muốn trao tận tay bản Tuyên bố cho đại diện văn phòng, nhưng đoàn không được vào. Bản tuyên bố sẽ được gửi đến Văn phòng Quốc hội qua đường bưu điện…
Văn phòng Quốc hội không tiếp dân
Hôm 30 tháng 7 năm 2019, khi sự kiện Trung Quốc điều tàu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 tới khu vực phía bắc Bãi Tư Chính mà chính quyền im lặng, bản Tuyên Bố Biển Đông đã ra đời với chữ ký của hơn một ngàn tổ chức xã hội dân sự và cá nhân. Trong đó có năm yêu cầu mà các nhân sĩ trí thức trong nước muốn “gửi gắm” đến Nhà nước Việt Nam như sau: (RFA xin trích lại từ văn bản)
1. Tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho an ninh quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức Thánh Trần Hưng Đạo: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Làm tất cả những gì có lợi cho mối đoàn kết dân tộc trong và ngoài nước; thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và những điều được qui định trong Hiến pháp Việt Nam. Trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, sửa các luật phản dân chủ như: luật đất đai, luật báo chí, luật an ninh mạng, ban hành luật lập hội, luật biểu tình… Tiến tới một Nhà nước Việt Nam có thể chế dân chủ pháp quyền phổ quát. Nâng cao sức chiến đấu và lòng trung thành bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân của Quân đội, đặc biệt là Hải quân, Cảnh sát biển.
…để cho Quốc hội biết những suy nghĩ, những tình cảm, những mong muốn của người dân hiện nay mà họ lại muốn nhắm mắt bịt tai thì tôi cũng không hiểu họ là cái ‘giống người’ gì trên thế gian này và của dân tộc này. Đó là cái làm chúng tôi rất là đau xót! – Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
2. Trong các mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, phải hết sức cẩn trọng, đề cao cảnh giác, đặt quyền lợi quốc gia trên hết.
3. Khẩn trương đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ và các nước tôn trọng luật pháp quốc tế và hiện không cưỡng chiếm đất đai biển đảo của Việt Nam nhằm bảo vệ tổ quốc một cách hiệu quả.
4. Lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, Vũng Mây… vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS). Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra các Toà án Quốc tế thích hợp.
5. Thông tin thường xuyên và kịp thời diễn biến tình hình biển Đông cho toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới, tranh thủ sự đồng thuận của công luận cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam không được ngăn cản quyền công khai bày tỏ một cách ôn hoà lòng yêu nước, ý chí bảo vệ Tổ quốc của người dân Việt Nam.
Với sự việc vừa diễn ra hôm 8 tháng 8, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, đại diện Nhóm lập quyền dân ký tên trên bản Tuyên bố cho RFA biết:
“Sáng nay tôi được anh em ủy nhiệm viết một thư ký tên thay mặt anh em đưa đến Quốc hội một bản tuyên bố có hơn 1.000 chữ ký của dân để cho Quốc hội biết những suy nghĩ, những tình cảm, những mong muốn của người dân hiện nay, mà họ lại muốn nhắm mắt bịt tai thì tôi cũng không hiểu họ là cái ‘giống người’ gì trên thế gian này và của dân tộc này. Đó là cái làm chúng tôi rất là đau xót!
Thật ra thì chúng tôi không có cái hẹn trước nhưng tôi nghĩ mình phải đến để đưa bản tuyên bố. Cái đám văn phòng nó không có thời giờ hẹn trước thì nó phải cho nhân viên ra nhận bản tuyên bố mình đưa đến và một cái thư chúng tôi gửi đến bà Kim Ngân giải thích chúng tôi đến đưa bản tuyên bố với mục đích gì.”
Nhà báo Sương Quỳnh không ngạc nhiên khi Quốc hội đóng cửa không tiếp dân vì đây không phải lần đầu. Bà nói:
“Đấy là cách hành xử của họ từ xưa đến nay. Trước đây cũng có một vài lần họ tiếp nhưng gần như họ đều tìm cách từ chối nhận các văn bản kiến nghị của mình.
Theo nhà báo Sương Quỳnh, trước giờ cũng nhiều lần người dân gửi những bản tuyên bố hay những bản yêu sách qua đường bưu điện nhưng chưa bao giờ Quốc hội hồi âm hay chấp nhận đối thoại với những người đối lập cả. Tuy nhiên vì chuyện này quá quan trọng nên mọi người phải trực tiếp đến Quốc Hội để gửi.
Trao đổi với RFA qua điện thoại, nghệ sĩ Kim Chi bày tỏ sự thất vọng với cách hành xử mà bà cho là “quá tệ” của những con người làm việc trong Văn phòng Quốc hội. Theo bà thì đây là lúc nhà nước phải cần tiếng nói của dân để làm sức ép lên Trung Quốc, nhưng họ vẫn coi thường dân. Bà nói thêm:
“Người ta nói đất nước này của dân, vì dân thế mà khi dân tới thì không tiếp tức là họ tự phơi bày trước dân chúng xem họ có tôn trọng dân hay không rồi. Cái thái độ đó là quá run sợ trước Trung Quốc rồi chứ còn gì nữa.
Chuyện này khiến tôi nhớ lại cách đây mấy năm khi chúng tôi đi nộp yêu cầu bạch hóa thành đô. Lúc đó chúng tôi còn bị rượt đuổi, bị bắt. Điều đó chỉ làm mất lòng dân thôi, mà một chế độ không được lòng dân thì rất khó tồn tại lâu dài.”
Quốc Hội sẽ làm ngơ?
Đây không phải lần đầu tiên các nhà hoạt động hay giới bất đồng chính kiến gửi thư đến Quốc hội. Đặc biệt, có gửi đến bằng đường nào đi nữa thì họ cũng sẽ không nhận được hồi âm. Do đó, nhiều người cho rằng, mạng xã hội là nơi xem ra hữu hiệu hơn.
Có thể liệt kê như, hôm 31/3/2019, trên mạng xã hội lan truyền một bản tuyên bố của 443 cá nhân và 7 tổ chức xã hội dân sự yêu cầu “Loại bỏ dứt khoát nhà thầu Trung Quốc, không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc.”
Hoặc vào ngày 5/6/2019, một bản kiến nghị do 118 văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước ký gửi đến lãnh đạo Việt Nam kiến nghị không để Trung Quốc làm đường cao tốc và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Trong đó có những ý chính như, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của người dân để làm hai đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội vừa nêu; không để cho Trung Quốc – đất nước duy nhất hiện nay xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược quốc gia này.
Thêm Bản Yêu Sách 2019 cũng được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội và được gửi tới ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Việt Nam vào ngày 18/6/2019.
Nhưng đáng tiếc là văn hóa ứng xử của cái chính quyền này nó lùn và nó cùn. Nó vừa sợ dân vừa khinh dân. Họ không nhận thì chúng tôi gửi qua đường bưu điện thôi. Có thể họ đọc nếu họ thấy họ có trách nhiệm. – Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai lên tiếng với RFA rằng những người ký tên trên bản Tuyên bố Biển Đông muốn đặt Quốc hội trước một trách nhiệm mới, một tư duy  mới, dừng lại những mối quan hệ với Trung Hoa và ủng hộ nhân dân. Cùng với nhân dân sửa sai những cái họ đã sai từ trước đến nay và thay đổi một vài vấn đề then chốt trong chính sách đối nội và đối ngoại. Ông bày tỏ sự thất vọng:
“Nhưng đáng tiếc là văn hóa ứng xử của cái chính quyền này nó lùn và nó cùn. Nó vừa sợ dân vừa khinh dân. Họ không nhận thì chúng tôi gửi qua đường bưu điện thôi. Có thể họ đọc nếu họ thấy họ có trách nhiệm. Mà với thái độ vô trách nhiệm và cậy quyền thì họ cũng có quyền để vào ngăn kéo như lâu nay. Không cần nghe, không cần hiểu, không cần đối thoại.”
Nhà báo Sương Quỳnh khẳng định nếu Quốc Hội có nhận thư thì họ cũng sẽ không bao giờ trả lời, bởi bản tuyên bố yêu cầu một số vấn đề mà họ không muốn làm.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền (Defend the Defenders) qua sự việc này, cũng cho rằng:
“Tôi nghĩ dù tình hình đất nước có như thế nào thì Quốc hội cũng không bao giờ trả lời dân nếu họ có nhận được thư chăng nữa, vì thứ nhất là họ không tôn trọng dân, không tôn trọng nội dung đơn thư của dân. Thứ hai là họ sợ tạo ra tiền lệ – mà cho là không tốt – đó là họ phải trả lời đơn thư của dân, nhất là giới bất đồng chính kiến.”
Theo ông Vũ Quốc Ngữ, bản Tuyên bố có thể đến được tay một vài nhân vật trong Quốc Hội như Chánh thư ký văn phòng. Tuy nhiên, ông tin rằng họ sẽ không đem ra bàn thảo trước Quốc Hội vì họ không tôn trọng những bản tuyên bố của dân.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/national-assembly-of-people-without-receiving-people-it-is-painful-dt-08082019140916.html

Thủ tướng đề nghị các tôn giáo cảnh giác,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 9/8/2019 có phát biểu tại cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thành phố Đà Nẵng.
Báo Chính phủ dẫn lời người đứng đầu Chính phủ VN nhấn mạnh:
Bên cạnh đó, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế,”
Theo ông Phúc, để giải quyết các vướng mắc trong vấn đề tôn giáo cần thực hiện nguyên tắc chung đó là “phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 8 năm 2019, chính phủ Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ.
Báo cáo Tự do tông giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 6 vừa qua nhận định chính phủ Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tôn giáo, nhiều nhóm tôn giáo vẫn không được tự do hoạt động.
Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng phản bác báo cáo này vì cho rằng những kết luận đưa ra là không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về Việt Nam.
Hôm 17/7 vừa qua, hai nạn nhân của việc đàn áp tôn giáo Việt Nam là ông Aga, mục sư Tin lành Tây Nguyên và ông Dương Xuân Lương thuộc đạo Cao Đài Chơn Truyền miền Tây Nam Bộ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội Nghị Thăng Tiến Tự Do Tôn Giáo Toàn Cầu.
Tại đây ông Dương Xuân Lương đã đề nghị Tổng thống Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm-told-religious-groups-to-be-on-alert-before-hostile-acts-08092019091245.html

TP.HCM đầu tư 5600 tỷ đồng

giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có kế hoạch đầu tư 5.600 tỷ đồng cho 7 dự án để giải quyết tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải TP.HCM, ông Trần Quang Lâm cho biết thông tin vừa nêu tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 9 tháng 8.
Theo ông Trần Quang Lâm, TP.HCM đang tiến hành xây dựng nhà ga T3, hạ tầng giao thông bên ngoài và liên kết các nhà ga bên trong sân bay; đồng thời cũng sẽ mở rộng các con đường dẫn vào sân bay, trong đó có đường được mở từ 6 đến 8 làn xe kết nối với nhà ga T3.
Một dự án trọng tâm khác cũng được đầu tư là xây dựng tuyến đường song song với đường Cộng Hòa dài 4km. Dự kiện dự án này sẽ được triển khai vào năm 2020 và hoàn thành sau 1 năm.
Đặc biệt, trong kế hoạch “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất lần này, thông tin về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm diện tích 158 héc-ta của sân bay, không được lãnh đạo thành phố nhắc đến, mặc dù phương án thu hồi sân bay để mở rộng khu vực phía Bắc tại Tân Sơn Nhất từng được Chính phủ Việt Nam xem xét và rất nhiều ý kiến của người dân lẫn đại biểu quốc hội đưa ra đề xuất giải tỏa sân golf để giải quyết tình trạng ùn tắt ở cảng hàng không đông nhất tại Việt Nam.
Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có thể phục vụ 25 triệu khách/năm và Bộ Giao thông-Vận tải điều chỉnh quy hoạch sân bay này sẽ đáp ứng số lượng khách gấp đôi đến năm 2030.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-sgnairport-invested-5600-billion-vnd-for-solving-overloaded-status-08092019083508.html

Trường quốc tế là gì?

Nguyễn Trang Nhung
Câu hỏi này được người viết đặt ra sau vụ trường quốc tế Gateway, với những thông tin báo chí cho hay tên gọi ‘quốc tế’ là do trường tự đặt.[1]
Không có một câu trả lời rõ ràng và thống nhất cho câu hỏi này, tuy nhiên, ít nhất có một vài tiêu chí để phân định hay nhận diện một trường quốc tế.
George Walker, nguyên tổng giám đốc của tổ chức Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate, IB) cho chúng ta biết các tiêu chí như vậy qua bài viết ‘What is an international school?’.[2]
Hãy bắt đầu từ lịch sử của các trường quốc tế và sau đó là các tiêu chí cho trường quốc tế, theo sự dẫn dắt của Walker:
Vào năm 1924, hai trường đầu tiên trên thế giới có tên gọi ‘quốc tế’, một ở Geneva, Thụy Sỹ, và hai ở Yokohama, Nhật Bản, đã mở cửa. Trước đó, một số thử nghiệm về giáo dục quốc tế đã ra đời song tồn tại không lâu. Thế nhưng, hai trường ở Geneva và Yokohama đã phát triển nhanh chóng và ngày nay vẫn lớn mạnh.
Hai trường này đã nắm bắt cơ hội tạo ra điều gì đó mới và khác – đó là giáo dục đối đãi với sự pha trộn của các học viên quốc tế như là một tài nguyên được hoan nghênh hơn là một gánh nặng về quản lý. Động lực cho giáo dục ở Yokohama là thương mại quốc tế trong khi ở Geneva là mưu cầu hòa bình thế giới dưới sự bảo vệ của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc).
Giáo dục quốc tế từ những ngày đầu tiên đã cân bằng giữa những người thực dụng và những người mơ mộng, và các tuyên ngôn sứ mệnh của hầu hết các trường quốc tế đều hàm chứa cam kết ‘làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn‘.
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế và ngoại giao sau Thế chiến thứ hai đã dẫn đến sự tăng nhanh tương ứng về số lượng các trường quốc tế. Vào năm 1949, một hội nghị các hiệu trưởng của các trường quốc tế thu hút chỉ 15 người tham dự. Hai mươi năm sau, số các trường quốc tế được nhận diện bởi một nhà nghiên cứu kinh nghiệm là 372. Năm 1968, Chương trình Văn bằng Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate Diploma Program) đã ra đời và hiện tại có mặt tại hơn 4000 trường trên thế giới.
Bức tranh về một trường quốc tế bắt đầu hình thành, với các đặc điểm: (1) Đào tạo trẻ em xa xứ ở nhiều quốc gia khác nhau; (2) Cung cấp giáo dục dựa trên giá trị (values-based education) (mà tuyên ngôn sứ mệnh điển hình bao gồm các cụm từ như ‘công dân toàn cầu có trách nhiệm‘, ‘tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn‘, ‘giáo dục vì sự hiểu biết quốc tế’, ‘trở thành công dân thế giới tích cực‘); (3) Việc học trong nhiều trường hợp được xây dựng dựa trên một hay nhiều chương trình giáo dục quốc tế của IB hoặc của các tổ chức quốc tế như Fieldwork Education và Cambridge International Examinations.
Mô tả trên đây, tuy nhiên, không còn được thỏa mãn trong trường hợp của Atlantic College, khi trường này ra đời vào năm 1962 tại Wales nhưng không có kết nối nào với cộng đồng xa xứ. Là trường đầu tiên trong nhóm United World Colleges (UWC), Altlatic College chào đón học viên từ khắp nơi trên thế giới. Sự phát triển của Atlantic College đã ảnh hưởng đến sự phát triển của IB vào những năm đầu tiên. Ngày nay, có 17 trường trong UWC với sứ mệnh ‘…truyền cảm hứng cho các học viên tạo ra một tương lai hòa bình và bền vững‘. Đối với nhiều người, UWC đại diện cho tiêu chuẩn vàng cho các trường quốc tế.
Vào năm 2012, một tổ chức nghiên cứu được nể trọng đã nhận diện không ít hơn 6400 trường tự xưng là ‘quốc tế’. Nguồn gốc của sự phát triển lạ thường này nằm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và các vương quốc Ả Rập Thống nhất, các quốc gia mà ở đó tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng. Trong nhiều trường hợp, các trường được gọi là quốc tế thường được lãnh đạo bởi các chuyên gia nói tiếng Anh có trình độ với kinh nghiệm quốc tế và được cung cấp bởi các tổ chức vì lợi nhuận như GEMS, Nord Anglia Education và Cognita.
Như vậy, với sự ra đời của ngày càng nhiều trường quốc tế, tên gọi ‘quốc tế’ đã không còn song hành trọn vẹn với các tiêu chí (hay các đặc điểm chung) ban đầu cho các trường quốc tế. Dù vậy, trong 3 tiêu chí kể trên, nếu tiêu chí thứ nhất về trẻ em xa xứ (sống ở nước ngoài hơn là ở nước mình) có thể là không nhất thiết, thì tiêu chí thứ hai và thứ ba vẫn còn quan trọng. Bên cạnh đó, cần kể thêm các tiêu chí như tính liên thông giữa các trường, sự công nhận (sau khi thẩm định) bởi ít nhất một tổ chức giáo dục quốc tế.
Với các tiêu chí này, các trường quốc tế trên thế giới ngày nay là tập hợp của các trường quốc tế thực sự lẫn các trường quốc tế tự phong và/hoặc có yếu tố nước ngoài hay có định hướng quốc tế. (Trường quốc tế Gateway mặc dù là thành viên của Hội đồng Các Trường Quốc tế (Council of International Schools, CIS) nhưng chưa được tổ chức này công nhận,[3] và nếu cũng chưa được tổ chức giáo dục quốc tế nào khác công nhận, nó chưa nên được xem là trường quốc tế).
Ngoài ra, theo Walker, một trường quốc tế cần được đánh giá dựa trên bản chất hay chất lượng của việc học của học viên, và tuy có tranh cãi về chủ đề này, song có sự đồng thuận mạnh mẽ đối với các tiêu chí sau đây:
Năng lực và động lực để xem xét các vấn đề từ góc độ toàn cầu cũng như quốc gia; hiểu và tôn trọng các ý kiến khác; tiếp thu kỹ năng đàm phán và thỏa hiệp.
Hiểu biết văn hóa dựa trên những gì có thể khi tiếp xúc trực tiếp, hoặc, dựa trên những cơ hội gián tiếp như nghiên cứu văn học, nghệ thuật và kịch nghệ quốc tế.
Chính sách ngôn ngữ bao gồm hỗ trợ ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ giảng dạy và khuyến khích học ngôn ngữ bổ sung.
Dịch vụ cộng đồng liên quan đến trải nghiệm trong lớp học với thực tế của cuộc sống hàng ngày trong các xã hội đang ngày càng bị phân cực về kinh tế và xã hội.
Kỹ năng tư duy phản biện giúp học viên phản ánh bản chất của kiến thức, nguồn gốc, độ tin cậy và các tiêu chí khác nhau cho sự thật.
Cuối cùng, như Walker cho biết, những người tiên phong thuở đầu trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đã sử dụng diễn ngôn ‘tư duy quốc tế’ để mô tả trường của họ, và theo người viết, nếu các trường thực sự hướng tới điều này, họ sẽ đặt lên hàng đầu việc đào tạo con người, và tên gọi ‘quốc tế’ chỉ trở nên là một nhu cầu sau khi họ đã đạt được các tiêu chí vừa nêu.
Chú thích:
[1] Trường Gateway “tự phong” là trường quốc tế
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/truong-gateway-tu-phong-la-…
[2] What is an international school?
https://www.internationalschoolsearch.com/news/what-is-an-international-…
[3] Thư mục thành viên của CIShttps://www.cois.org/membership-directory
*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-is-international-school-08092019101154.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.