Tin Biển Đông – 09/08/2019
Biển Đông: “Nhiều khả năng
TQ sẽ trở lại Bãi Tư Chính với dàn khoan”
Mỹ HằngMyHang.Tran@bbc.co.uk
Việc Trung Quốc rút tàu Hải Dương Địa chất 8 khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) tại Bãi Tư Chính hôm 7/8 làm dấy lên nhiều câu hỏi về động cơ đằng sau hành động này, kịch bản tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì, và Việt Nam cần chuẩn bị ra sao để đối phó.
“Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng ít nhất hai tàu hải cảnh của họ vẫn ở trong khu vực này,” ông Devin Thorne, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng (C4ADS) nói với Reuters hôm 7/8, trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward.
Từ đầu tháng 7/2019, tàu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc đã tiến hành khảo sát các mỏ dầu ngoài khơi nằm trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi Bãi Tư Chính, đồng thời đưa vụ việc ra quốc tế, mới đây nhất là trong Thượng đỉnh Ngoại trưởng ASEAN 2019 tổ chức tại Thái Lan.
Trung Quốc nhiều khả năng quay lại Bãi Tư Chính mang theo dàn khoanTS Nguyễn Thành Trung,, Giám đốc SCIS
BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh hôm 9/8 xung quanh việc rút lui của Hải Dương Địa chất 8.
BBC: Theo ông nguyên nhân nào khiến Trung Quốc rút tàu Hải Dương Địa chất 8 khỏi Bãi Tư Chính sau một thời gian có mặt tại đây với lực lượng hùng hậu gồm các tàu hải giám và tàu dân quân biển? Có phải đó là do sức ép từ Việt Nam và quốc tế hay không?
TS Nguyễn Thành Trung: Với việc chỉ rút tàu Hải Dương Địa chất 8 nhưng vẫn để lại hai tàu hải giám ở Lô 06-01 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, tôi cho rằng đó là do Trung Quốc chưa hoàn tất công việc khảo sát của họ tại đây, nhưng có thể đã có được một số kết quả sơ bộ. Đây là lý do chính chứ tôi không cho rằng quốc tế có ảnh hưởng gì đến quyết định như thế này của Trung Quốc đâu. Ý tôi ở đây là tiếng nói của cộng đồng quốc tế không có ý nghĩa gì với Trung Quốc trong việc này.
Nhìn vào bối cảnh hiện nay thì rõ.
Cách đây mấy ngày Trung Quốc đã lại tiếp tục quấy rầy Philippines trên Biển Đông. [Tàu chiến Trung Quốc đi ngang qua eo biển Sibutu ở vùng cực Nam Philippines mà không báo trước, và 113 tàu Trung Quốc kéo đến bao quanh đảo Thị Tứ vốn được Philippines gọi là đảo Pagasa - hiện đang do Philippines kiểm soát]. Chứng tỏ Trung Quốc có thể triển khai nhiều mặt trận cùng lúc, vừa với Malaysia, vừa với Việt Nam vừa với Philippines, mà không chịu sức ép nào.
BBC: Ông dự đoán động thái tiếp theo của Trung Quốc sau động thái rút tàu Hải Dương Địa chất 8 khỏi Bãi Tư Chính sẽ là gì? Và Việt Nam cần phải chuẩn bị những gì để đối phó, trong bối cảnh các lời tư vấn như cần tranh thủ hỗ trợ của quốc tế đến nay dường như tỏ ra không mấy hiệu quả để Việt Nam kiềm chế Trung Quốc?
TS Nguyễn Thành Trung: Hiện không thể khẳng định được chắc chắn Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng tôi cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ quay lại, có thể không phải quay lại Lô 06-01 mà sẽ tới mỏ dầu khác mà Việt Nam đã khám phá ra. Lô 06-01 liên quan đến các dự án dầu khí của Việt Nam với Nga và Ấn Độ, là nơi Việt Nam khai thác đã lâu rồi nên bây giờ Trung Quốc có thể sẽ quay lại đó để một mặt, quấy rầy hoạt động khai thác của Việt Nam, làm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc biết chắc quanh lô này sẽ có các mỏ dầu khác mà Việt Nam đã tìm ra, do đó Trung Quốc cũng muốn xem xét các lô này. Hiện chưa rõ Trung Quốc có lấn tới khu vực Cá Voi Xanh hay không dù tại đây Việt Nam đang có dự án khai thác mỏ khí với tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil. Nhưng tôi cho rằng rất có khả năng.
Và nếu quay lại, Trung Quốc được dự đoán sẽ mang theo tàu như Hải Dương 981, nghĩa là sẽ trở lại với các dàn khoan di động. Bởi vì Trung Quốc chắc chắn sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm khu vực Biển Đông.
Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam phải mạnh mẽ hơn về vấn đề này, đặc biêt phải phối hợp với các cường quốc để cùng lên tiếng, như với Mỹ và ASEAN hoặc liên minh châu Âu. Hiện tại chính phủ Việt Nam có làm điều này nhưng tôi cho rằng chưa thực sự mạnh mẽ.
Các mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới chủ yếu mới chỉ nằm trong giới hạn nâng cao nhận thức hàng hải. Ví dụ, trong quan hệ với Mỹ, quan hệ giữa hải quân hai nước mới nằm ở khu vực ven bờ, giới hạn trong các hoạt động cứu hộ cứu nạn, mang tính trợ giúp, cứu giúp lúc thiên tai.
Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác hải quân với Mỹ. Chẳng hạn Mỹ có thể huấn luyện cho hải quân Việt Nam, và Việt Nam có thể mua thêm tàu cảnh sát biển của Mỹ. Trước đó Mỹ đã tặng cho Việt Nam một số tàu như vậy. Việt Nam cần có nhiều tàu hơn nữa. Tóm lại, Việt Nam phải thân Mỹ nhiều hơn.
BBC: Có ý kiến rằng Việt Nam đã quá rụt rè trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong việc có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không. Sự chậm trễ này có thể làm vuột mất các cơ hội của Việt Nam về mặt pháp lý đối với vấn đề Biển Đông. Ông có nhận định gì?
TS Nguyễn Thành Trung: Tôi thì thấy không có vấn đề gì với việc Việt Nam chưa kiện Trung Quốc. Bởi theo tôi thì câu hỏi là ‘sau đó là gì’, nếu kiện? Có một số học giả cho rằng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc mà thắng thì sẽ làm các nhà đầu tư yên tâm khi họ đầu tư dầu khí ở Việt Nam. Nhưng tôi lại cho rằng kết quả phiên tòa không phải là điều quan trọng với các nhà đầu tư, mà cái quan trọng hơn với họ là liệu Việt Nam hay một quốc gia nào đó đứng sau có thể bảo trợ cho họ không bị quấy rầy bởi các tàu của Trung Quốc hay không.
Tôi khá bi quan về tình hình Biển Đông…TS Nguyễn Thành Trung,, Giám đốc SCIS
Chúng ta đã biết vụ Việt Nam phải ngưng hai dự án thăm dò dầu khí trên Biển Đông với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha năm 2017 là do sức ép từ Trung Quốc. Và chúng ta cũng biết rằng năm 2016 Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện ra tòa trọng tài quốc tế liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc sau đó vẫn tiếp tục các vụ gây hấn với Philippines trên Biển Đông bất chấp các phán quyết của tòa.
Thực ra tôi cho rằng Việt Nam có thể làm tốt hơn nhưng Trung Quốc quá tinh vi, họ tạo ra một căng thẳng ở mức độ thấp, không có xịt vòi rồng hay xua đuổi tàu Việt Nam, nên khó cho Việt Nam đẩy sự việc lên mức độ cao hơn.
Tương lai gần thì Trung Quốc chưa dám mang dàn khoan vào Bãi Tư Chính ngay nhưng tương lai xa thì tôi khá bi quan về tình hình Biển Đông. Vì Trung Quốc hiện như thách thức tất cả với một lực lượng quá mạnh, trong khi Mỹ, cường quốc có ảnh hưởng nhất lúc này trong vấn đề Biển Đông, thì Tổng thống Donald Trump lại đang hướng tới các vấn đề khác, trong đó có cuộc bầu cử Mỹ 2020 đang tới gần.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono:
Tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm”
Phát biểu trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (1/8) đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN.
Trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng của Nhật Bản và các nước ASEAN (1/8), hai bên nhấn mạnh các bên cùng chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá tình hình Biển Đông “đang xấu đi qua từng năm” và Nhật Bản chia sẻ những lo ngại của ASEAN; đề nghị các bên liên quan cần đảm bảo tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp, kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển trong khu vực; khẳng định Tokyo muốn cùng hiệp hội khu vực thúc đẩy một tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, dựa trên luật pháp. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng của Nhật Bản Kono và Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng thống nhất duy trì lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên. Ông Kono cũng mong muốn ASEAN tăng cường hợp tác thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong cuộc họp với các nước ASEAN, Ngoại trưởng của Nhật Bản không chỉ đích danh Trung Quốc khi nhắc đến nguyên nhân làm tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi. Giới truyền thông nhận định, đây có thể là thông điệp mới của Nhật Bản muốn gửi tới Trung Quốc. Theo đó, Nhật Bản sẽ hạn chế tối đa lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông nhằm cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải đảm bảo rằng không xâm phạm lợi ích cốt lõi, cũng như an ninh quốc gia của Nhật Bản.
Được biết, từ đầu tháng 7 trở lại đây, tình hình Biển Đông trở nên rất căng thẳng. Việc này là do Trung Quốc liên tục điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước hành động phi pháp này của Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra Tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng hành vi Trung Quốc tại Biển Đông là “sự cố nghiêm trọng”.
Biển Đông: Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga?
Một bài báo trên tạp chí Forbes hôm 7/8 cho rằng Việt Nam có một chiến lược “thông minh” để ngăn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông, khi hợp tác với Nga khai thác dầu khí trong Biển Đông, bởi vì Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh không thể làm phật lòng tại thời điểm này. Nhưng liệu Việt Nam có thể trông cậy vào Nga để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc? Một nhà phân tích các vấn đề Việt Nam đồng ý rằng Hà nội đã ‘đi đúng nước cờ’ khi chọn Nga, một cường quốc ‘nặng ký hơn’ làm đối tác khai thác dầu khí trong Biển Đông, nhưng ông cảnh giác Việt Nam phải hết sức thận trọng. Một nhà quan sát khác nói nếu đụng độ quân sự diễn ra ở bãi Tư Chính hay nơi nào khác trên Biển Đông thì không có gì bảo đảm là Nga, hoặc Mỹ, sẽ can thiệp để giúp Việt Nam và như vậy sẽ làm phật lòng Trung Quốc, nếu Việt Nam không có thái độ dứt khoát. Hoài Hương phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy ở đại học Harvard, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, từng dạy học ở đại học Paris 7.
Theo bài báo trên tạp chí Forbes thì cho tới nay, Việt Nam đã tỏ ra can đảm khi cho triển khai các lực lượng của mình ra đối đầu với các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trước đó Hà nội đã hối thúc để có được một thỏa thuận nhằm bất hợp hóa một số hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông kể cả xây đảo nhân tạo, phong tỏa sự đi lại của tàu bè các nước, triển khai vũ khí, phi đạn vv.., Việt Nam cũng vận động để đưa ra một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển.
Hà nội còn thách thức Trung Quốc bằng cách dò tìm dẩu khí trên Biển Đông trong khu vực gọi là “đường 9 đoạn” – dân thường gọi là đường lưỡi bò- mà Trung Quốc vẽ ra để giành chủ quyền các vùng biển có trữ lượng tài nguyên phong phú trong khu vực.
Bài báo viết rằng trong quá khứ, Việt Nam đã chọn những đối tác được cho là không mấy có trọng lượng, như Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC), và tập đoàn khai thác dầu khí Repsol của Tây Ban Nha. Cả hai tập đoàn này cuối cùng đã phải bỏ dự án khai thác dầu khí liên doanh với Việt Nam vì áp lực từ Bắc Kinh.
Tạp chí Forbes dẫn một tài liệu của nhà nghiên cứu Bennett Murray đăng trên tạp chí Foreign Policy, nhận định:
“Lần này, một đối tác đáng gờm hơn đã vào cuộc: đó là tập đoàn Rosneft mà cổ đông chính là chính phủ Nga.”
Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, nói ông đồng ý với nhà nghiên cứu rằng Việt Nam nên chọn những đối tác nặng ký hơn, có khả năng bảo vệ các quyền lợi của mình.
“Tôi thấy câu nói của ông (Murray) trong tạp chí Foreign Policy là đúng bởi vì Nga là một cường quốc đang có quyền lợi tại bãi Tư Chính, thì chính phủ Nga đời nào lại rút lui? Thế nào Nga cũng phải bảo vệ quyền lợi dầu khí của họ ở Tư Chính, thế nào cũng nói những câu có lợi cho Việt Nam. Sau khi tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha phải rút lui vào năm 2017, 2018, tôi đã khuyên Việt Nam tại sao không giao du với những cường quốc có lực lượng hải quân bảo vệ được các giàn khoan của họ? Tây Ban Nha làm sao bảo vệ được? Thì phải chơi với những cường quốc ‘ngáo ộp’, tôi đã dùng chữ đó!”
Giáo sư Tạ Văn Tài nói tuy vậy Việt Nam phải cẩn thận bởi vì Nga cũng bang giao hữu nghị với Trung Quốc, và trong các điều kiện không bán được dầu sang các nước Tây Âu vì các nước này trừng phạt Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina nên phải bán dầu cho Trung Quốc, nước có nhu cần năng lượng cao.
Giáo sư Tạ Văn Tài:
“Muốn bán dầu cho Tàu cho nên Nga có thể có thái độ ôn hòa hơn tại vùng Tư Chính và ở Biển Đông. Phản đối ông Tàu đi quanh trên Biển Đông ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Nga sẽ không nói gì mấy đâu. Gần đây Nga cũng chẳng tuyên bố gì. Chỉ khi nào Tàu bắt đầu đục, khoen một điểm nào đó trong thềm lục địa Việt Nam gần bãi Tư Chính thì Việt Nam nên phản đối quyết liệt, lúc đó Nga vì quyền lợi, mới có thể nói mạnh hơn”.
Theo Giáo sư Tạ Văn Tài thì Nga có thể tuyên bố Trung Quốc có quyền qua lại trên Biển Đông, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bởi vì đó là quyền tự do hàng hải được công nhận cho tất cả các nước, nhưng Nga sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn nếu Trung Quốc bắt đầu ‘đục khoét xuống thềm lục địa Việt Nam’, nơi mà Việt Nam và Nga đang hợp tác khai thác dầu khí.
Giáo sư Tạ Văn Tài nói Việt Nam không nên bỏ qua giải pháp kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế bởi vì theo lời ông, các cường quốc sẽ không muốn xen vào chuyện của nước khác, nếu chính nước đó không lên tiếng, hoặc không có hành động nào để tự cứu lấy mình.
Ông nói: “Khi Việt Nam lên tiếng phản đối, cầu cứu các cường quốc, và nếu an ninh quốc tế bị đe dọa, thì cầu cứu Hội đồng Bảo an, thì các cường quốc mới lên tiếng mạnh mẽ được.”
Tuy nhiên nếu chọn giải pháp kiện Trung Quốc, Việt Nam “phải kiện sao cho đúng cách”, Giáo sư Tạ Văn Tài:
“Phải kiện dúng lúc khi họ bắt đầu ngăn cản hoạt động khai thác của liên doanh của Việt Nam với Nga tại khu Tư Chính hay là khi họ bắt đầu khoan trong thềm lục địa Việt Nam thì phải nộp đơn kiện liền. Phải chuẩn bị hồ sơ ngay bây giờ.”
Bài báo trên tạp chí Forbes nói sự hiện diện của Nga tại Biển Đông có thể giúp Việt Nam xoay chuyển tình thế, dựa trên lập luận là Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu đối đầu với hải quân Nga, trong khi nước này sẵn sàng bảo vệ các quyền lợi của Moscow trong khu vực. Và như vậy, Trung Quốc buộc lòng phải kiềm hãm bớt các cao vọng trên Biển Đông để có thể duy trì hòa bình khu vực.
Từ Paris, Tiến sĩ Nguyễn văn Huy, từng giảng dạy tại Đại học Paris 7, nhận định về các lợi ích của Nga ở Châu Á:
“Đây là một khu vực chiến lược mà Nga không thể vắng mặt. Việt Nam chỉ là một lý cớ để sự hiện diện của Nga nó cụ thể hơn qua hình thức là liên doanh, giúp Việt Nam khai thác dầu hỏa ở khu vực Bãi Tư Chính hoặc quanh các lô dầu khí thuộc chủ quyền của Việt Nam.”
Theo Tiến sĩ Huy thì Trung Quốc sẽ tránh, không đụng độ với Nga, nhưng ngược lại, nếu xảy ra đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Nga, theo ông, sẽ chỉ đóng vai trò trung gian:
“Nếu xảy ra đụng độ quân sự thật sự thì Nga sẽ không giúp gì Việt Nam đâu. Nga chỉ khuyên can và làm sao hai bên bớt căng thẳng. Thành ra bây giờ tranh chấp ở bãi Tư Chính chỉ là vấn đề của người Việt Nam, nếu người Việt Nam quyết tâm thì Trung Quốc sẽ dừng lại.”
Giáo sư Nguyễn Văn Huy nói muốn các cường quốc can thiệp, dù là Nga hay Mỹ, Việt Nam phải có lập trường rõ ràng hơn đối với Trung Quốc.
“Nếu Việt Nam cứ đi dây, hàng hai hàng ba, thì người ta không biết thái độ của Việt Nam thế nào, nhất là Nga với Mỹ hiện nay cần một thái độ dứt khoát. Tôi nghĩ cái thế cò cưa trong vụ tranh chấp ở bãi Tư Chính sẽ còn kéo dài. Sự can thiệp của Nga hoặc Mỹ vào Biển Đông để giúp Việt Nam chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Không một nước nào có thể giúp Việt Nam, nếu Việt Nam không có một thái độ rõ ràng.”
0 comments