Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 11/07/2019

Thursday, July 11, 2019 4:03:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 11/07/2019

Nữ công nhân Việt Nam phải “bán mình”

vì đồng lương không đủ sống

Báo Tuổi Trẻ loan tin, chiều ngày 10 tháng 7 năm 2019, tổng Liên đoàn Lao động Cộng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm về tiền lương tối thiểu, mức sống tối thiểu của người lao động. Tại đây, ông Vũ Quang Thọ, cựu Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn cho biết, hiện lương tối thiểu đã bảo đảm được gần 95% mức sống tối thiểu của người lao động, nhưng mức thu nhập của người lao động vẫn còn quá thấp so với nhu cầu, và mức sống tối thiểu.
Nhiều công nhân chỉ nhận được mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng trong một tháng, với mức lương này công nhân phải chi tiêu cho hàng loạt các chi phí sinh hoạt. Vì vậy,  tại khu công nghiệp phía Bắc đã có những nữ công nhân chấp nhận đẻ thuê để kiếm được mức thù lao từ 10,000 đến 12,000 Mỹ kim.
Ngoài đẻ thuê, thì người lao động còn phải đi chạy xe ôm để có thêm thu nhập, vì vậy, họ không có điều kiện để tái tạo sức lao động.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Liên đoàn Lao động tại Sài Gòn cho rằng, hiện nay cách tính lương của chủ lao động đối với người lao động không minh bạch nên người lao động không biết được cách tính lương.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nu-cong-nhan-viet-nam-phai-ban-minh-vi-dong-luong-khong-du-song/

“Đàn em” của Nguyễn Phú Trọng bị cho vào “lò”

 khi ông Trọng đang gặp vấn đề về sức khoẻ

Tin Vietnam.-  Báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 7 năm 2019 loan tin, cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh. Ông Thản bị khởi tố về hành vi “lừa dối khách hàng” liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp, và thương mại Bemes ở quận Hà Đông, Hà Nội.
Theo báo Tuổi trẻ, dự án Bemes của Mường Thanh đã xây thêm 654 căn hộ chung cư, và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng không phép. Tất cả những căn nhà trái phép này đều đã được bán cho người dân, sau đó những người dân mua phải mới té ngửa mình bị lừa vì nhà không phép. Vấn đề khiến nhiều người dân thắc mắc đó là tại sao người dân chỉ cần xây chiếc chuồng gà cũng đã bị một lực lượng đông cơ quan công quyền kéo đến bắt phạt, nhưng các công trình của Mường Thanh xây dựng với quy mô lớn lại không hề hấn gì?
Trước đó, ông Lê Thanh Thản bỗng dưng nổi lên với chân dung là một đại gia gắn liền với chiếc điếu cày, và không biết ông này lấy tiền ở đâu mà liên tục xây dựng hàng loạt những khách sạn cao cấp tọa lạc ở những vị trí đắc địa trên khắp các thành phố kéo dài từ Bắc vào Nam.
Theo thống kê của báo Vnexpress, tính đến năm 2017, Mường Thanh đã có hơn 50 khách sạn cao cấp nằm ở khắp các tỉnh thành. Đặc biệt, Mường Thanh còn gây chú ý dư luận khi được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng sản làm thơ kí tặng khi đến lưu trú tại khách sạn này.
110719_3a

Lưu bút của ông Trọng tặng Mường Thanh
Mới đây nhất, dân mạng xã hội còn lưu truyền đoạn văn có nội dung vào ngày 25 tháng 2 năm 2019, ông Trọng khi đến Lào đã ở trong khách sạn Mường Thanh của ông Thản, rồi sau đó kí lưu bút. Vì vậy, dư luận đặt nghi vấn, ông Thản chính là “đàn em” của ông Trọng, và khi ông Trọng đang gặp vấn đề về sức khỏe thì đàn em của ông đã bị phe cánh khác ném vào “lò”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/dan-em-cua-nguyen-phu-trong-bi-cho-vao-lo-khi-ong-trong-dang-gap-van-de-ve-suc-khoe/

Dân Thủ Thiêm:

Nghị quyết bồi thường ‘có hợp lòng dân’?

Ben NgôBBC Tiếng Việt
Người phụ nữ trong vụ “ném giày” nói với BBC rằng Hội đồng Nhân dân “chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế người dân Thủ Thiêm” khi thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.
Ý kiến này được đưa ra trong lúc có tin chính quyền TP Hồ Chí Minh sắp trình Hội đồng Nhân dân thông qua chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân Thủ Thiêm.
“Trong lúc chờ trung ương kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã gặp người dân, xây dựng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư, sắp tới trình Hội đồng Nhân dân thông qua,” Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân được tờ Người Lao Động dẫn lời.
Các báo ở Việt Nam không đưa thêm chi tiết về chính sách bồi thường được căn cứ trên cơ sở nào.
700 dân Thủ Thiêm ‘mòn mỏi’ chờ Thủ tướng
‘Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa’
Câu chuyện cô gái vụ ném giày ở Thủ Thiêm
Thủ Thiêm: Cần hy sinh cho phát triển đô thị?
Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án ‘mơ hồ’
‘Nghị quyết có hợp lòng dân?’
Trả lời BBC hôm 10/7, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, người phụ nữ trong vụ “ném giày ở Thủ Thiêm” năm ngoái, nói:
“Hội đồng Nhân dân thực chất là một Quốc Hội thu nhỏ tại các tỉnh thành. Là một cơ quan lập pháp có chức năng giám sát và thông qua các nghị quyết và chủ trương. Họ đại diện cho tiếng nói của người dân. Nên việc Hội đồng Nhân dân đưa ra nghị quyết về chính sách đền bù mới là quyền được hiến định.”
“Tôi nhấn mạnh là đền bù chứ không phải hỗ trợ. Vì đây là phần người dân đáng được nhận chứ không phải dân đi xin và Chính phủ “thương tình” nên cho. Nhưng chúng ta phải xem lại Hội đồng Nhân dân dựa trên cơ sở nào để thông qua nghị quyết. Không thể để một nhóm người quyết định quyền lợi và số phận của hàng ngàn, hàng chục ngàn người theo tính chủ quan được.”
“Muốn thông qua nghị quyết, trước tiên Hội đồng Nhân dân phải lấy ý kiến của chính những người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch giải tỏa ở khu Công nghệ cao quận 9 và cả Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây, tôi chưa thấy có sự thống nhất ý kiến giữa người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Hội đồng Nhân dân thì nghị quyết thông qua đường nào?”
“Có hợp lòng dân không? Có đúng với giá trị tài sản người dân bị mất không? Chỉ có người dân Thủ Thiêm mới có quyền được quyết định vận mệnh của họ. Hội đồng Nhân dân chỉ có thể đại diện và giám sát chứ không thể thay thế họ. Có vị nào trong Hội đồng Nhân dân đã phải sống cuộc đời đau khổ của họ đâu?”
“Với tư cách là một người theo đuổi và quan sát vụ việc này khá lâu. Tôi yêu cầu chính quyền TP.Hồ Chí Minh giải quyết được đúng với những giá trị mà người dân đáng được nhận. Chính quyền thành phố phải biết tôn trọng người dân của mình chứ không phải giải quyết cho xong để “xếp xó”.
“Người dân có trách nhiệm xây dựng đất nước chứ không phải làm mồi nuôi sống tham nhũng. Trong trường này cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và kết nối người dân của Hội đồng Nhân dân đúng với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”
Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân.luật sư Phùng Thanh Sơn
Bà Thùy Dương cũng cho biết thêm:
“Đối với các quan chức sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi nghĩ không chỉ là kỷ luật mà cần phải thanh tra, kiểm toán toàn diện quy hoạch, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án về việc sai phạm khi thực hiện quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như đề nghị của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, hành vi xâm hại tài sản của Nhà nước và người dân đã được thể hiện rất rõ.”
“Ở Thủ Thiêm có rất nhiều nhóm dân khác nhau. Có nhóm người bị xua đuổi, có nhóm người bám trụ lại, có những người bị lưu lạc do chính sách đền bù… Họ đã chịu đựng và tổn thương suốt hơn 20 năm nay rồi. Tôi nghĩ chính quyền TP Hồ Chí Minh nên đưa ra các quyết sách phù hợp với từng nhóm khác nhau làm sao để đáp ứng được tinh thần nhân văn mà Quyết định 367 của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê duyệt khi thực hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm.”
Công bố ‘nhiều sai phạm’ trong quy hoạch KĐT Thủ Thiêm
Kết luận Thủ Thiêm: ‘Nhiều sai phạm, nhà đầu tư hưởng lợi’
Vụ Thủ Thiêm: ‘Dân mất, chính quyền cũng mất’
Chuyện ông Lê Thanh Hải bỗng nhiên ‘nói mạnh’
‘Tôn trọng sự thật’
Cũng trong hôm 10/7, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC:
“Quyền lợi của người dân Thủ Thiêm không thể giải quyết bằng nghị quyết của Hội đồng Nhân dân. Bởi Hội đồng Nhân dân không phải là cơ quan hành chính nhà nước, cũng không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân chỉ có thể mang tính an sinh xã hội cho người dân Thủ Thiêm chứ không thể thay thế quyết định hành chính, phán quyết của tòa án.”
“Quyền và lợi ích chính đáng của người dân Thủ Thiêm phải xem xét đánh giá một cách toàn diện. Các thiệt hại phải căn cứ vào số liệu, bằng chứng cứ và được xem xét đánh giá công khai chứ không thể bằng cảm tính của các đại biểu Hội đồng Nhân dân. Nếu chính quyền Thành phố chỉ giải quyết quyền lợi của người dân Thủ Thiêm trên cơ sở của Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thì chẳng khác nào người dân bị buộc phải nhận tiền “bồi thường” như vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển trước đây.”
“Trong vụ Thủ Thiêm theo tôi có hai nhóm sai phạm:
Sai phạm gây thiệt hại trực tiếp cho người dân có đất bị thu hồi;
Sai phạm gây thất thoát ngân sách, tài sản nhà nước.
“Đối với các sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách, tài sản Nhà nước, có thể phải cần đến việc thanh tra vì những thông tin liên quan đến các sai phạm này người dân không thể kiểm tra, giám sát.”
“Riêng đối với việc thu hồi đất ngoài phạm vi quy hoạch, sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích thương mại thì không cần vì không ai có thể thanh tra, giám sát tốt hơn người dân Thủ Thiêm. Việc này nó liên quan trực tiếp đến lợi ích người dân Thủ Thiêm nên họ phải chuẩn bị đầy đủ thông tin và kiến thức để kiểm tra, giám sát.”
“Khi người dân đưa ra cơ sở pháp lý và bằng chứng cho các cáo buộc của mình đối với chính quyền. Chính quyền có nghĩa vụ đưa ra các cơ sở pháp lý và bằng chứng hợp pháp để phản bác lại các cáo buộc của người dân.”
“Nếu chính quyền không thể đưa ra được cơ sở pháp lý và các bằng chứng thuyết phục để phản bác lại các cáo buộc của người dân thì chính quyền cần phải tôn trọng sự thật và hành động có trách nhiệm là có các quyết định để trả lại công bằng cho người dân.”
“Với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền thành phố hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không.”
“Theo tôi, đảm bảo nguyên tắc công bằng thì toàn bộ lợi nhuận từ việc sử dụng quỹ đất tái định cư cho mục đích kinh doanh thương mại phải được trả về cho những người dân Thủ Thiêm đủ điều kiện được tái định cư. Đối với đất ngoài quy hoạch bị thu hồi thì phải trả lại đất cho dân hoặc bồi thường theo giá thị trường hiện nay.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48933003

Đơn khiếu nại tố cáo

liên quan tranh chấp đất đai chiếm gần 96%

Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam vào ngày 11 tháng 7 báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo  trong năm ngoái cho đến cuối tháng 5 vừa qua với đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đại diện trình báo cáo theo đó nội dung đơn thư tập trung vào khiếu nại liên quan đất đai chiếm gần 96%.
Theo báo cáo, toàn bộ nội dung khiếu nại công dân trình bày chủ yếu liên quan đến việc thu hồi, bồi thường và hỗ trợ về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai.
Tình trạng người dân khiếu kiện với lý do họ bị cưỡng chế khỏi nhà và đất ở hay đất canh tác một cách trái pháp luật kéo dài suốt mấy chục năm qua.
Một số vụ gần nhất đến nay vẫn chưa thể giải quyết như Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn Rau Lộc Hưng …khiến người dân tiếp tục khiến kiện đến các cơ quan trung ương của đảng và chính phủ tại Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/complaints-related-to-land-disputes-accounted-for-nearly-96-07112019082738.html

Luật sư Trần Vũ Hải bị bộ Công an

không cho bào chữa cho Trương Duy Nhất

Luật sư Trần Vũ Hải vừ bị từ chối đăng ký bào chữa cho blogger Trương Duy Nhất, người đang bị giam giữ để điều tra về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Thông báo của Cơ Quan Cảnh sát Điều tra do Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó thủ trưởng thường trực, ký vào ngày 5 tháng 7 và được mạng báo Pháp luật loan tin ngày 10 tháng 7, lý do nêu ra là luật sư Trần Vũ Hải ‘đã bị khởi tố bị can tội ‘trốn thuế’ tại quyết định khởi tố bị can số 84 của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra tỉnh Khánh Hòa’.
Thông báo cũng nhắc đến vụ án của Trương Duy Nhất với cáo buộc lợi dụng chức cụ, quyền hận trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Văn Phòng Đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại Thành phố Đà Nẵng.
Hôm 2 tháng 7 vừa qua, luật sư Trần Vũ Hải và vợ là bà Ngô Tuyết Phương bất ngờ bị khởi tố và khám xét văn phòng với cáo buộc trốn thuế trong một vụ mua bán nhà đất tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào năm 2016.
Số tiền trốn thuế được nói là 276 triệu đồng mà chính luật sư Trần Vũ Hải từng giải trình là đã có yêu cầu nộp; thế nhưng bị được chấp nhận.
Trong cuộc khám xét văn phòng và nhà riêng của luật sư Trần Vũ Hải và vợ tại Hà Nội, những hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhà báo tự do/blogger Trương Duy Nhất bị tịch thu.
Luật sư Trần Vũ Hải từng là người bào chữa cho blogger/nhà báo độc lập Trương Duy Nhất vào năm 2014 khi ông này bị đưa ra xét xử với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân’.
Blogger Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok, Thái Lan hồi cuối tháng 1 vừa qua khi đang xin quy chế tị nạn. Có những nghi ngờ cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc và đưa về Việt Nam. Gia đình ông Trương Duy Nhất đã yêu cầu luật sư Trần Vũ Hải đại diện pháp lý cho ông.
Ân Xá Quốc Tế mới đây cho biết blogger Trương Duy Nhất đã bị cảnh sát  Thái bắt giữ và trao cho an ninh Việt Nam tại Bangkok trước khi bị đưa về Hà Nội. Vụ bắt cóc blogger nổi tiếng của Đài Á Châu Tự Do đã gây chú ý rộng khắp. Các tổ chức nhân quyền quốc tế yêu cầu chính phủ Thái Lan và Việt Nam phải điều tra về việc blogger này bị bắt cóc phi pháp tại Thái Lan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lawyer-tran-vu-hai-not-allowed-to-defend-blogger-truong-duy-nhat-07112019092522.html

Giám đốc công an Đà Nẵng: người dân thành phố

tiếp tay cho tội phạm Trung Cộng

Báo VTC ngày 11 tháng 7 năm 2019 loan tin, thiếu tương Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng, tình trạng người ngoại quốc, đặc biệt là người Trung Cộng vi phạm luật pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng gia tăng. Và trong sự việc này, đã có sự tiếp tay của người dân Đà Nẵng.
Ông Viên cho biết, người ngoại quốc đến Đà Nẵng tăng rất nhanh. Năm 2017, có hơn 1,4 triệu lượt người ngoại quốc đến thành phố này du lịch, và làm việc; đến năm 2018 con số này tăng lên 93% so với năm 2017; và tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, số lượng người ngoại quốc đến thành phố tăng thêm 500,000 người.
Trong vấn nạn người ngoại quốc vi phạm pháp luật tại thành phố, thì người Trung Cộng là nổi trội nhất với hình thức đánh bạc qua mạng. Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, phía công an thành phố đã giải quyết 500 trường hợp vi phạm về hành vi đánh bạc qua mạng.
Nguyên nhân của việc người Trung Cộng vi phạm pháp luật, theo ông Viên là có sự tiếp tay của người dân Đà Nẵng khi đã đứng ra thuê khách sạn, đăng ký kinh doanh, làm tạm trú, thuê phòng trọ cho các nhóm người Trung Cộng để họ sử dụng làm nơi đánh bạc. Và cũng chính các cơ sở đánh bạc là nơi trú ngụ của những nhóm đối tượng truy nã người Trung Cộng trốn sang Việt Nam.
Ông Viên nhận xét, tội phạm người Trung Cộng đang diễn ra rất phức tạp tại Đà Nẵng, và mỗi lần đẩy đuổi người Trung Cộng vi phạm thì rất tốn công sức. Ngoài tình trạng trên, phía công an còn phát hiện người ngoại quốc sử dụng ma túy, cướp tài sản, gây rối trật tự công cộng, đánh người.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/giam-doc-cong-an-da-nang-khang-dinh-nguoi-dan-thanh-pho-tiep-tay-cho-toi-pham-nguoi-trung-cong/

Đề xuất đổi tên gọi công an xã thành “trị an viên”:

 Lại bình mới rượu cũ

Hòa Ái, RFA
Bộ Công an vừa đưa ra đề xuất thay đổi tên gọi công an xã thành “trị an viên” để phân biệt với công an xã chính quy được điều về địa phương. Những người quan tâm nói gì về đề xuất vừa nêu?
“Trị an viên”
Tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự thảo Luật Lực lượng trị an cơ sở, diễn ra vào ngày 9 tháng 7, Bộ Công an đề xuất công an xã bán chuyên trách sau khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục bố trí tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong xã và những người này được đổi tên gọi thành “trị an viên”.
Lý do đổi tên gọi công an xã bán chuyên trách thành “trị an viên” được Bộ Công an viện dẫn nhằm để phân biệt với các công an xã chính quy do sỹ quan, hạ sỹ quan công an đảm nhiệm và lực lượng “trị an viên” có trách nhiệm phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự theo lệnh của lực lượng công an xã chính quy.
Hồi trung tuần tháng 5 năm 2019, truyền thông trong nước phổ biến thông tin về lộ trình Việt Nam sẽ chính quy hóa toàn bộ lực lượng công an xã tại các địa phương trên cả nước.
Theo dự thảo Nghị định về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì một lực lượng công an chính quy được điều động về các xã để thay thế cho những trưởng công an, phó trưởng công an và công an viên hiện tại và lộ trình này được đề xuất hoàn thành muộn nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Dự thảo Nghị định nêu rõ lực lượng công an xã bán chuyên trách vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Một người dân ở Nghệ An, không muốn nêu tên, nói với RFA quan điểm của mình trước đề xuất vừa nêu của Bộ Công an:
Những người làm trong đó, kể cả trưởng công an tại xã của tôi thì người này vẫn vừa đi làm trưởng công an xã và vẫn làm ruộng ở nhà để kiếm kế sinh nhai thêm. Ở thôn quê, họ làm như kiểu một công việc để kiếm thêm thu nhập. Bởi vì trưởng công an, phó công an và công an viên thì gần gũi giống như dân vậy thôi, cho nên thay đổi danh xưng ‘công an xã’ hay ‘trị an viên’ thì tôi thấy không có thay đổi gì lớn cả
-Anh Trung
“Dù rằng họ có đổi tên ‘công an xã’ thành ‘trị an viên’ nhưng họ thừa nhận là họ vẫn giữ nguyên lực lượng này. Chính vì thế, dù rằng tên gọi có thay đổi nhưng bản chất cũng như chức năng và vai trò của những người này không hề thay đổi, dù muốn người dân phân biệt được người nào là ‘trị an viên’ và người nào là công an chính quy.”
Đài RFA ghi nhận một số ý kiến của các độc giả quan tâm chia sẻ trên trang fanpage báo chính thống thì hầu như cho rằng không cần thiết phải đổi tên gọi mà quan trọng là “bản chất”, với lý giải rằng nếu trách nhiệm, nhiệm vụ vẫn như cũ thì dù có phân biệt chính quy hay không cũng không có gì là khác biệt và vì người dân đã quen với tên gọi “công an xã” thì nên giữ nguyên. Chúng tôi trích dẫn một ý kiến của độc giả tên Văn Minh, bày tỏ trên trang fanpage của Báo mạng VnExpress rằng “Không nên đổi tên làm gì, rồi lại thêm nhiều chức danh gây phức tạp. Nếu thế thì sẽ có thêm đội trưởng trị an viên, đội phó,…không hay”.
Anh Trung, một người dân ở địa phận tỉnh Tiền Giang chia sẻ với RFA về những người công an xã nơi địa phương anh từng sinh sống:
“Ở quê thì tôi tiếp xúc rất thường, rất nhiều. Tại vì là hàng xóm với nhau nên cũng không có khác biệt gì. Người ta cũng nói thẳng là mức lương không đủ sống. Những người làm trong đó, kể cả trưởng công an tại xã của tôi thì người này vẫn vừa đi làm trưởng công an xã và vẫn làm ruộng ở nhà để kiếm kế sinh nhai thêm. Ở thôn quê, họ làm như kiểu một công việc để kiếm thêm thu nhập. Bởi vì trưởng công an, phó công an và công an viên thì gần gũi giống như dân vậy thôi, cho nên thay đổi danh xưng ‘công an xã’ hay ‘trị an viên’ thì tôi thấy không có thay đổi gì lớn cả.”
Vẫn là “bình mới rượu cũ”
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liệu rằng với lực lượng công an chính quy cấp tỉnh, cấp huyện được điều về kết hợp với lực lượng công an bán chuyên trách cấp xã như thế thì người dân sẽ yên tâm hơn qua công tác đảm bảo an ninh, trật tự cho xóm làng hay không, anh Trung cho biết rằng anh tiên đoán có lẽ tình hình không có gì thay đổi nếu như đồng lương của họ không được cải thiện.
Vào ngày 10 tháng 7, Báo mạng VnExpress dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết việc bố trí lực lượng “trị an viên”, tức lực lượng công an xã bán chuyên trách cơ bản không tăng thêm kinh phí từ ngân sách địa phương bởi chi trả vẫn như cũ.
Theo số liệu của Bộ Công an, Việt Nam hiện có 14 ngàn ngàn trưởng và phó công an xã, thị trấn cùng 113 ngàn công an viên không chính quy. Trong trường hợp đề xuất của Bộ Công an được thông qua thì chi phí, phụ cấp cho lực lượng “trị an viên” được ước tính khoảng 2.256 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, người dân không muốn nêu tên ở Nghệ An lưu ý về số lượng 3000 công an chính quy được điều về các địa phương để đảm nhiệm chức danh công an xã, tính đến đầu năm 2019 thì mức độ quản lý, kiểm soát người dân địa phương sẽ chặt chẽ hơn:
Tôi nghĩ đó chưa hẳn là mục đích của họ mà họ nhận thấy rằng người dân hiện tại có nhiều nỗi băn khoăn và bất cập và người dân vùng lên, đấu tranh nên chính vì thế có lẽ đây là một chính sách mới để họ biết những thông tin tình báo ngay ở các cơ sở và từ đó họ có những hướng đàn áp, xử lý người dân một cách triệt để ngay từ lúc ban đầu
-Người dân ở Nghệ An
“Bây giờ họ điều động công an (chính quy) ở huyện về để trực tiếp điều hành lãnh đạo tổ chức của ‘trị an viên’ này thì điều đó đồng nghĩa với việc chính quyền đang gia tăng quyền kiểm soát cũng như quyền lãnh đạo của họ để họ muốn đảm bảo trật tự, trị an của người dân. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ đó chưa hẳn là mục đích của họ mà họ nhận thấy rằng người dân hiện tại có nhiều nỗi băn khoăn và bất cập và người dân vùng lên, đấu tranh nên chính vì thế có lẽ đây là một chính sách mới để họ biết những thông tin tình báo ngay ở các cơ sở và từ đó họ có những hướng đàn áp, xử lý người dân một cách triệt để ngay từ lúc ban đầu.”
Một số người dân ở các địa phương, gọi là “điểm nóng” như Nghệ An, nơi mà hàng trăm người dân từng tuần hành yêu cầu chính quyền bồi thường thỏa đáng trong biến cố thảm họa môi trường biển Formosa còn tỏ ra lo ngại có thể xảy ra tình trạng các công an xã bán chuyên nghiệp sẽ cậy quyền cậy thế, hống hách, sách nhiễu người dân khi họ muốn lập công trạng để thăng tiến trở thành công an xã chính quy.
Còn không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở trong nước nhận xét với RFA rằng đề xuất đổi tên gọi “trị an viên” của Bộ Công an chỉ là một hình thức nhằm né tránh từ ngữ “công an”, trước cáo buộc của các tổ chức nhân quyền thế giới và Chính phủ Hoa Kỳ hồi năm 2018 rằng Hà Nội duy trì chế độ công an trị để cai trị dân chúng tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nothing-different-when-the-name-of-commune-police-is-changed-07102019141409.html

Số lợn bị dịch tả lợn phải giết ở VN

hơn 3,3 triệu con

Hơn 3,3 triệu con heo/lợn tại Việt Nam phải tiêu hủy vì bị dịch tả lợn Châu Phi. Số địa phương báo cáo có dịch là 62/63 tỉnh thành; hiện chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa có trường hợp nhiễm tả lợn Châu Phi, nhưng diễn biến của dịch bệnh nguy hiểm này được đánh giá vẫn chưa dừng lại.
Đó là thông tin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi hôm 11/7.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn và khó ứng phó như dịch này và cũng chưa có dịch bệnh gì đối với sản xuất mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc như dịch tả lợn Châu Phi.
Theo thống kê được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra tại hội nghị, tính từ đầu tháng 2/2019 đến 8/7/2019, dịch đã xảy ra tại 5.500 xã, thuộc hơn 513 huyện của 62 tỉnh, thành.
Ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng nói tại hội nghị rằng hiện nay chẳng còn giải pháp nào khác ngoài chăn nuôi heo hướng tới an toàn sinh học để ‘sống chung với dịch’.
Ngày 2/7 vừa qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi đều đã có những bước đầu thành công. Tuy nhiên, tin cho hay để cho ra được vaccine thương thẩm từ kết quả ở phòng thí nghiệm là một quá trình dài.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam hôm 1/2/2019 tại tỉnh Hưng Yên, sau đó lây lan sang nhiều tỉnh thành khác.
Tổ chức Thú y Thế giới ghi nhận có 20 quốc gia phát hiện có dịch bệnh này. Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam được cho rằng bị lây lan từ các con heo bệnh ở Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới và cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/swine-influenza-spreads-62-provinces-in-vietnam-07112019083846.html

Việt Nam và vấn đề Đảng CS xác định

ba ‘thế lực thù địch’

“Trên thế giới này, không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn,” đó là câu nói được nhiều người biết đến từ thế kỷ trước của cố Thủ tướng Anh, ngài Winston Churchill (1874-1965).
Sở dĩ tôi chợt nhớ tới câu nói này vì mới đây tại Việt Nam, báo chí và truyền thông có đưa tin bài về một phát biểu của đương kim Trưởng Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản, ông Võ Văn Thưởng.
Trong phát biểu hôm 5/7/2019, ông Võ Văn Thưởng có nhắc đến khái niệm thù địch, mà theo phân loại của ông thì có ba nhóm:
“Những người nghiên cứu lý luận thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
“Lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập các tổ chức…như Việt Tân, Việt Nam Phục Quốc…;”
“Lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa.”
Trong quá khứ thì sao?
Nhân đây, chúng ta thử nhìn lại xem các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người tiền bối của thế hệ ông Thưởng, đã xác định kẻ thù của Đảng này thế nào trong quá khứ.
Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi thành lập đã luôn xác định rõ ràng địch-ta, bạn-thù trong các thời kỳ tiến hành cách mạng dân tộc – dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đây.
Thời Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc – dân chủ, kẻ thù của Đảng là các thế lực áp bức, thống trị dân tộc Việt.
Đó là ‘thực dân Pháp’, ‘phát xít Nhật’, ‘đế quốc Mỹ’ và sau có ‘bành trướng xâm lược Bắc Kinh’.
Người Việt, người nước ngoài nào phục vụ “thực dân, đế quốc và bành trướng Bắc Kinh”, hoặc hùa theo và bênh vực các thế lực này đều bị coi là kẻ thù.
Kẻ thù của Đảng cũng có thể được nhìn nhận là kẻ thù quốc gia.
Thời Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ thù của Đảng là “bọn giàu có ở thành thị và thôn quê”.
Đảng CS coi họ là giai cấp bóc lột, phải bị tiêu diệt về mặt giai cấp.
Trên thực tế, tư sản, địa chủ đã bị xóa bỏ hoàn toàn chỉ trong vài ba năm.
Lúc này, kẻ thù của Đảng chưa hẳn là kẻ thù của dân tộc Việt Nam.
Tư hữu tư liệu sản xuất hàng ngày, hàng giờ đẻ ra tình trạng người bóc lột người, đẻ ra chủ nghĩa tư bản, như chính chỉ dẫn của cố TBT Lê Duẩn.
Tất cả các tầng lớp lao động ở thành thị và nông thôn đều được cải tạo xã hội chủ nghĩa nhưng họ không bị coi là kẻ thù.
Đảng có trách nhiệm lịch sử biến họ thành lực lượng xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ lên xã hội cộng sản ở Việt Nam.
Đảng mơ ước xây dựng một thiên đường trần thế trên đất nước Việt Nam. Thiên đường đó thế nào, Đảng biết, dân biết.
‘Một cách gọi khác’
Những năm gần đây, khái niệm kẻ thù được thay bằng cụm từ “thế lực thù địch.” Xét về ý nghĩa, cụm từ này chỉ là một cách gọi khác của ” kẻ thù “.
Vậy chúng ta có thể thấy gì qua việc xác định kẻ thù của ông Thưởng và cũng là của Đảng?
Phải chăng ở đây người ta coi bất kỳ ai chống lại chủ nghĩa xã hội đều là kẻ thù?
Theo tôi, họ có thể là kẻ thù của ông Thưởng, nhưng chưa hẳn là kẻ thù của đất nước.Lê Văn Sinh
Để đi tìm câu trả lời, xin được trích ra đây một vài phát biểu về chủ nghĩa xã hội của tổ chức, cá nhân nổi tiếng – những đối tác quan trọng mà Đảng mong muốn được họ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
“Chủ nghĩa cộng sản một chủ nghĩa có những chính sách chống lại con người” – Quốc Hội Châu Âu
“Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp… “Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người ” – Tổng thống Mỹ, Donald Trump nói tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (27/9/2018)
Tới đây, lại có thể đặt câu hỏi là liệu tổ chức và những cá nhân này có là kẻ thù của đất nước, của nhân dân Việt Nam?
Người Việt Nam khác chính kiến, lập ra các đảng chính trị có bị coi là kẻ thù hay không?
‘Chưa hẳn là kẻ thù’
Theo tôi, họ có thể là kẻ thù của ông Võ Văn Thưởng, nhưng chưa hẳn là kẻ thù của đất nước.
Đất nước Việt Nam là của chung của người Việt Nam, không phải của riêng ai.
Đảng chính trị nào đấu tranh xây dựng một quốc gia Việt Nam hùng mạnh, thoát khỏi sự tụt hậu kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia-dân tộc, xây dựng Việt Nam tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân văn trên thực tế chứ không phải trên giấy thì không thể bị coi là kẻ thù dân tộc.
Còn việc coi những người đồng chí “tự chuyển hóa, tự diễn biến” là kẻ thù thì sao?
Khi đã không xác định đúng kẻ thù quốc gia, e rằng người ta có thể nhầm lẫn bạn thành thù và thù thành bạn. Và bi kịch của một quốc gia là ở đóLê Văn Sinh
Đây được coi là việc nội bộ Đảng. Tuy nhiên, tự chuyển hóa, tự diễn biến là quá trình tự nhiên và lịch sử. Nó không chỉ có nghĩa xấu xa, tiêu cực mà còn có nghĩa tiến bộ, tích cực.
Có lẽ ông Trưởng Ban Tuyên Giáo phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, không thể nói khơi khơi được.
Với tôi, hình như, ông Thưởng đã quên lời dạy của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng chính quyền cách mạng chỉ có hai kẻ thù “Giặc ngoại xâm và giặc nội xâm”.
Khi đã không xác định đúng kẻ thù quốc gia, e rằng người ta có thể nhầm lẫn bạn thành thù và thù thành bạn.
Và bi kịch của một quốc gia là ở đó.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, giảng viên đã hưu trí, Bộ môn Lý luận sử học, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), tác giả đang sống tại Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48928412

Thép Việt sẽ bị đánh thuế như thép Trung Quốc

nếu không khai rõ nguồn nhiên liệu

Doanh nghiệp Việt Nam không chứng nhận được thép cán nguội và tôn mạ xuất sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào sẽ bị áp mức thuế như với hàng Trung Quốc. Báo trong nước đưa tin.
Theo đó, vào ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẫn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 9, DOC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc thép Việt Nam nghi gian lận vào Hoa Kỳ.
Do việc đã được Hoa Kỳ bắt đầu điều tra từ ngày 2/8/2018, nên việc tăng thuế sẽ được áp dụng với tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2018.
Với kết luận cáo buộc này, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, nhưng Bộ Thương mại Mỹ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ, thép cán nguội của Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan.
Cũng liên quan đến thị trường thép, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thép các loại, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá.
Thống kê cho thấy, sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, chiếm hơn 42% trong tổng lượng và chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Hàn Quốc là nước đứng thứ 2, chiếm hơn 11% trong tổng lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch. Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/usa-will-impose-similar-tariff-on-vietnamese-imports-as-china-07112019085203.html

Nhà thầu Trung Quốc tham gia đấu thầu

 7/8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam

Doanh nghiệp Trung Quốc nộp hồ sơ tham gia sơ tuyển 7/8 các dự án thành phần thuộc đai dự án đường cao tốc Bắc- Nam. Mạng báo VietnamFinance loan tin ngày 11 tháng 7 và dùng từ ‘phủ sóng’ đối với sự có mặt hầu như khắp các dự án thành phần được mở thầu của doanh nghiệp Trung Quốc.
Cụ thể tính đến ngày 11 tháng 7 đã có 7/8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam thực hiện theo hình thức công tư PPP tiến hành mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.
Tin nói, trong tổng số 51 bộ hồ sơ mà các ban quản lý dự án tiếp nhận thì có đến 36 bộ hồ sơ là của các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Pháp, và các liên danh những doanh nghiệp ngoại quốc. Điểm được Vietnam Finance cho là đặc biệt là 7/8 dự án mở thầu đều có sự xuất hiện của các nhà đầu tư Trung Quốc.
7 dự án gồm đoạn cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Diễn Châu (Nghệ An); đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (Hà Tĩnh);  đoạn Mai Sơn (Ninh Bình)-Quốc lộ 45 (Thanh Hóa); đoạn QL45-Nghi Sơn; đoạn Nha Trang-Cam Lâm (Khánh Hòa); đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo (Bình Thuận) và dự án đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Thông tin từ VietnamFinance, việc nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều đến dự án cao tốc Bắc-Nam, Vụ trưởng Vụ đối tác Công tư-Bộ Giao thông vận tải ông Nguyễn Danh Huy cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường. Ông Huy còn giải thích nhà đầu tư Trung Quốc giống các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác vì thế không nên phân biệt đối xử.
Được biết, quá trình đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc-Nam sẽ bắt đầu từ tháng 10/2019. Tháng 3/2020 sẽ chấm thầu, phê duyệt kết quả. Việc đàm phán ký kết hợp đồng dự kiến diễn ra trong tháng 4/2020.
Tổng mức đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước là 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và tái định cư.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy_of_chinese-investors-bid-on-north-south-highway-projects-07112019082814.html

Chủ tịch quốc hội Việt Nam thăm chính thức TQ:

chuyến đi quyết định?

Hoài Hương-VOA
Dẫn đầu một phái đoàn cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới Bắc Kinh hôm 10/7 trong chuyến thăm chính thức 4 ngày bắt đầu từ ngày 8/7, theo lời mời của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lật Chiến Thư. Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân hình như đã đóng một vai trò lớn hơn kể từ khi Chủ tịch nước/ TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh và ít xuất hiện trước công chúng hơn. Hiện đã là một trong Tứ trụ, chuyến thăm chính thức sang Trung Quốc của bà Ngân, theo các nhà quan sát, mang ý nghĩa đặc biệt giữa lúc đang có tin đồn đoán rằng bà Ngân có triển vọng tiến xa hơn nữa trong tương lai, nếu bà thu phục được lòng tin của Bắc Kinh trong chuyến đi này. Hai nhà quan sát Việt Nam chia sẻ nhận định cá nhân ​về chuyến thăm Trung Quốc của bà Ngân tại thời điểm này, và liệu Việt Nam đã sẵn sàng để tiến cử một phụ nữ vào chức vụ cao nhất nước?
Báo chí Việt Nam hôm 8/7 loan tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội lên đường đi thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 – 12/7 theo lời mời của Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Lật Chiến Thư.
Chuyến đi thực hiện tại thời điểm này, hơn 1 năm trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến vào đầu năm 2021, theo truyền thông nhà nước là để ‘củng cố tin cậy’ giữa hai nước, đã khoác lên một ý nghĩa đặc biệt giữa lúc đang có đồn đoán về tiềm năng lãnh đạo của bà Ngân giữa lúc bà đang đóng một vai trò nổi bật hơn, nhất là về mặt đối ngoại, kể từ khi Tổng Bí Thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh và hiếm xuất hiện trước công chúng.
bà Ngân đi thăm Trung Quốc thì tôi nghĩ là nó cũng là một dấu hiệu cho thấy là có thể bà sẽ có một vai trò còn quan trọng hơn nữa chăng trong thời gian tới
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Từ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:
“Trong tứ trụ thì ông Trần Đại Quang chết mất rồi, ông Nguyễn Phú Trọng phải giữ 2 trụ một lúc, còn lại là ông Phúc và bà Kim Ngân. Tình hình sức khỏe của ông Trọng như thế thì chỉ còn có hai người, là ông Thủ Tướng và bà Chủ tịch Quốc hội. Trong hai người ấy, bà Ngân đi thăm Trung Quốc thì tôi nghĩ là nó cũng là một dấu hiệu cho thấy là có thể bà sẽ có một vai trò còn quan trọng hơn nữa chăng trong thời gian tới, chí ít là cho tới Đại hội hoặc sau cả đại hội nữa, bời vì nhìn vào những hành động, những hành vi, những lời nói của bà Ngân trong thời gian qua thì có thể nói bà Ngân là một người mạnh mẽ và có tham vọng lớn lao về mặt chính trị, chỉ không hiểu tham vọng của bà nó được thực hiện tới mức nào mà thôi.”
Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada có nhận xét sau đây về bà Nguyễn Thị Kim Ngân:
“Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một ngôi sao sáng trong các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại. Bà là một phụ nữ có vẻ rất là cứng cỏi, được đào tạo một cách có bài bản, và là một khuôn mặt trẻ so với ông (Trần Quốc Vượng hay ông Nguyễn Xuân Phúc, cho nên khả năng bà Nguyễn Thị Kim Ngân thừa kế một trong hai ghế của ông Nguyễn Phú Trọng, tức là Chủ tịch nước hoặc Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, là một điều rất có thể xảy ra.”
Luật sư Vũ Đức Khanh cũng cho rằng có nhiều khả năng bà Ngân đã được phía Trung Quốc hậu thuẫn cho một trong hai chức vụ vừa kể, và chuyến thăm chính thức lần này có thể là một dịp để bà tạo uy tín chính trị đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như đối với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra chuyến đi còn mang ý nghĩa đặc biệt giữa lúc Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021, mà giới quan sát Việt Nam tin rằng có thể diễn ra sớm hơn nữa, nếu có biến chuyển đột biến liên quan tới tình hình Việt Nam, hoặc tình hình khu vực khiến Trung Quốc muốn kềm chân Việt Nam, không để Việt Nam rời quá xa quỹ đạo của mình.
Đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyến đi này là một chuyến đi quyết định, bởi vì bà có thể bước tới tột đỉnh vinh quang của sự nghiệp chính trị.
Luật sư Vũ Đức Khanh
Trong khi báo chí trong nước nói mục đích của chuyến đi là để “củng cố tin cậy” giữa hai bên, và cơ quan ngôn luận của Trung Quốc, báo Xinhua, chỉ loan tin vắn là Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sang thăm Bắc Kinh theo lời mời của Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, thì Luật sư Vũ Đức Khanh tin rằng chuyến đi đặc biệt quan trọng không những đối với cá nhân bà Ngân, mà còn có ảnh hưởng tới tương lai của Việt Nam.
“Tôi không nghĩ đây là một chuyến đi thăm hữu nghị bình thường. Đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyến đi này là một chuyến đi quyết định, bởi vì bà có thể bước tới tột đỉnh vinh quang của sự nghiệp chính trị. Còn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đây cũng là một chuyến đi rất quan trọng bởi vì nó có thể ảnh hưởng tới tình hình chính trị Việt Nam trong 10 năm tới, và có khả năng Trung Quốc sẽ siết chặt thành phần lãnh đạo Việt Nam bởi vì như bà mới nói, con đường quan lộ của các nhà lãnh đạo chóp bu Việt Nam còn tùy thuộc vào Bắc Kinh chứ không do nhân dân Việt Nam hay hoàn toàn do các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định.”
Trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có hai Chủ tịch Quốc hội được đưa vào chức Tổng Bí Thư, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Phú Trọng, dựa vào đó, Luật sư Khanh cho rằng khả năng bà Nguyễn Thị Kim Ngân lên nắm chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam hay Chủ tịch nước, là “điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Liệu Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận một phụ nữ trong vai trò lãnh đạo cao nhất? Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng.
“Trong lịch sử thì người phụ nữ Việt Nam luôn luôn đóng mộ vai trò rất quan trọng. Chưa nói tới chuyện quá xa xưa như là Hai Bà Trưng hay Bà Triệu, nhưng thực sự người phụ nữ Việt Nam luôn đóng một vai trò quan trọng trong mọi hoạt động, từ kinh tế, cho đến các hoạt động trong gia đình, xã hội. Tất nhiên cái định kiến đối với người phụ nữ Việt một định kiến đã được nuôi dưỡng trong thời gian dài, nhưng mà xuất xứ của Việt Nam thời xưa là một chế độ mẫu hệ thì tôi nghĩ một phụ nữ có thể giữ một vai trò lãnh đạo cũng không phải là không có khả năng.”
Luật sư Vũ Đức Khanh:
“Đây có thể là một bước ngoặt rất là lớn trong lịch sử của các nhà lãnh đạo Việt Nam.”
Luật sư Vũ Đức Khanh tin rằng tuy quá trình hoạt động của bà Ngân có thể giúp bà ở vào vị thế có thể nắm bắt cơ hội bây giờ, và tuy trước đây đã có hai Chủ tịch Quốc hội trở thành Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Ngân sẽ phải vượt qua một rào cản lớn trước khi có thể làm nên lịch sử.
“Việt Nam chưa bao giờ có một phụ nữ đứng ở vị trí nắm quyền lãnh đạo cao nhất như thế thì cái điều đó tôi vẫn phải có một sự e dè nhất định.”
Nếu qua được cửa ải này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ phải đối mặt với một định kiến khác, vì không phải là người miền Bắc, theo ý của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trước đây.
Xuất thân từ tỉnh Bến Tre, bà Kim Ngân là một Thạc sĩ Kinh tế, và có bằng Cử nhân về Lý luận Chính trị.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cực lực đả phá định kiến này:
“Tôi nghĩ rằng cái lập luận phải là người miền Bắc là một cái lập luận hay là một ý kiến hết sức ngớ ngẩn, nó không có một chút giá trị gì cả.”
Chuyến công du của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm Trung Quốc từ khi bà lên nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-quoc-hoi-vn-tham-chinh-thuc-tq-chuyen-di-quyet-dinh/4995116.html

Vì sao lại là Nguyễn Thị Kim Ngân đi Trung Quốc?

Phạm Chí Dũng
“Luôn coi trọng việc củng cố tình hữu nghị truyền thống và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ‘đọc bài’ khi tiếp Hùng Ba – Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội – vào ngày 4/7/2019.
Bất thường Kim Ngân
Có điều gì đó không thật bình thường, hoặc khá bất thường khi không phải Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh mà lại là Chủ tịch Quốc hội Ngân tiếp đại sứ Trung Quốc. Bởi theo hiến pháp và cũng theo thông lệ, việc đón tiếp đại sứ các nước, đặc biệt là khách đến từ Bắc Kinh, là phần hành của chủ tịch nước hoặc phó chủ tịch nước chứ chẳng liên quan gì đến ‘cơ quan dân cử tối cao’.
Nhưng chỉ ít ngày sau thì đã có lời giải cho ẩn số thường trên: báo đảng Việt Nam đưa tin Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 12/7 theo lời mời của Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư.
Đây là lần thứ hai chính thể Việt Nam cử một ủy viên bộ chính trị trong ‘tam trụ’ đi ‘diện kiến’ Bắc Kinh kể từ khi Nguyễn Phú Trọng có vẻ vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn toàn cơn bạo bệnh mà đã suýt quật đổ ông ta tại xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019.
Trước đó, còn có một dấu hiệu bất thường nữa với người đàn bà đang bước ra từ bóng tối quyền lực: vào cuối tháng 5 năm 2019, trong bối cảnh Nguyễn Phú Trọng không thể hiện ra trước Quốc hội để trình Công ước quốc tế số 98 về lao động, bà Ngân còn ‘lên hương’ khi được phân công tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Đó không chỉ là một thao tác ngoại giao thông thường mà chắn chắn mang chỉ dấu của quyền lực.
Nhưng vì sao là Ngân mà không phải Phúc đi Trung Quốc vào lần này?
Trọng giả ốm?
Trong dĩ vãng gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng được làm ‘nguyên thủ quốc gia’ khi ông ta thay Nguyễn Phú Trọng đi dự Hội nghị thượng đỉnh BRI (hội nghị về sáng kiến Một vành đai, Một con đường) do Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019. Đó là một hội nghị mà mặc dù phía Trung Quốc cố ý làm rùm beng và khuếch trương thanh thế trong cộng đồng quốc tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang hồi cao trào mà chưa có dấu hiệu gì đình chiến, chuyến đi Bắc Kinh của Nguyễn Xuân Phúc lại lặng lẽ một cách không bình thường. Sau chuyến đi này, báo đảng chỉ tường thuật rất vắn tắt và cũng chẳng có vẻ gì là tự hào là Việt Nam được tham gia Hội nghị BRI.
Vào khoảng thời gian đó, bên cạnh những đồn đoán về một Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não đến mức liệt cả tay chân, còn xuất hiện một luồng dư luận khác – mang số ít và kín đáo hơn hẳn luồng dư luận dày đặc về bệnh tật – về việc ông Trọng đã ‘tỉnh táo và sáng suốt’ khi chủ ý né gặp phía Trung Quốc, mà lý do né tránh dễ nhất là vẫn tiếp tục… ốm.
Cũng trong khoảng thời gian từ lúc ‘Trọng bệnh’ cho tới nay, tình hình quan hệ Việt – Trung có vẻ không tốt lắm, hoặc có chiều hướng diễn biến xấu đi. Trong khi Bắc Kinh vẫn diễn lại
trò đánh cướp, đâm va tàu cá của ngư dân Việt, thì bất chợt hàng loạt vụ hàng Trung Quốc nhập khẩu Việt Nam và được xuất sang Mỹ dưới mác ‘made in Vietnam’ bị báo chí Việt Nam làm tung tóe. Không chỉ vụ Khải Silk trước đây mà đặc biệt là vụ Asanzo nổ ra cuối tháng 6 năm 2019, kéo theo trách nhiệm rất đáng nghi ngờ của Bộ Công thương – địa chỉ mà đã từ rất lâu thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nay là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bị nhiều dư luận xem là ‘nối giáo cho giặc’, cố tình ‘kiến tạo’ những lỗ hổng pháp lý để hàng Trung Quốc không chỉ tràn vào và thao túng thị trường Việt mà còn ‘mượn đường diệt Quắc’ khi được xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Và đó cũng là bối cảnh mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên nổi giận và chỉ trích Việt Nam là ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’, thậm chí còn tồi tệ hơn cả Trung Quốc.
Đến lúc này thì cho dù có muốn giãy ra, nền kinh tế và cả nền chính trị Việt Nam đã rơi hẳn vào thế bị kẹp giữa hai gọng kìm: một bên là quan hệ ‘chi gầm bàn thoáng nhất’ của doanh nhân Trung Quốc cho các thế hệ quan chức Việt để không thể từ chối hàng Trung Quốc, kể cả hàng rác, còn bên kia là gương mặt quàu quạu của Trump luôn sẵn sàng áp thuế cao ngất đối với hàng Việt Nam và còn có thể biến Việt Nam thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, phải trở thành đối thủ trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trong tình thế hai đầu ép buộc như thế, việc ‘thiên triều’ gọi hỏi giới chóp bu Việt Nam là chuyện không thể tránh khỏi. Tập Cận Bình luôn muốn thẩm tra quan điểm và thái độ của Việt Nam ra sao – hoặc còn tiếp tục đu dây hoặc đang có xu hướng ngả hơn về Mỹ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dù có đình chiến thì cũng chỉ là tạm thời và chẳng hứa hẹn tương lai dễ chịu nào.
Đặc biệt, Trung Quốc chẳng thích thú gì chuyến đi Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng – một chuyến đi mà nhiều khả năng Việt Nam sẽ phải ngỏ lời cần đến Mỹ như một đối tác quân sự thực thụ ở Biển Đông để ngăn chặn tham vọng ‘ăn’ sạch dầu khí của người đồng chí tốt Trung Quốc.
Vậy là một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng lại… ốm.
Từ tháng 5 năm 2019 đến nay, Trọng đã chỉ họa hoằn mới hiện ra, còn thì vắng biệt. Thậm chí, ông ta còn mất dạng suốt cả kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6. Loại trừ yếu tố bệnh thật nhưng đã có thể phục hồi từ khá lâu nay, ngày càng rõ là Nguyễn Phú Trọng chẳng thích thú gì khi phải đi Trung Quốc và phải đánh cược sinh mạng của ông ta với thức ăn đồ uống trên bàn tiệc được thiết kế bởi những ông vua thuốc độc.
Thay vào đó là Nguyễn Xuân Phúc đi Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2019, và Nguyễn Thị Kim Ngân đi vào tháng 7 để xoa dịu tình hình trên danh nghĩa ‘củng cố đối tác chiến lược toàn diện’ và phần nào thỏa mãn thói trịch thượng của Tập Cận Bình.
Có lẽ phía Trung Quốc sẽ đành phải tạm hài lòng với ‘người thay thế’ Kim Ngân – chủ sở hữu của ít nhất 300 bộ áo dài mà dư luận đồn đoán có giá trị lên đến ít nhất 30 tỷ đồng, cho dù thừa biết tiếng nói của bà ta chỉ là thứ yếu trong ‘tam trụ’.
Nhưng với Nguyễn Thị Kim Ngân, việc đi Trung Quốc, biết đâu đấy, lại là một cơ hội hay một điềm báo tốt lành cho thế đi lên của bà ta từ nay đến đại hội 13.
‘Nguyên thủ quốc gia’?
Một số người vẫn nhớ lại một sự việc hài hước có thật đã xảy ra ngay trong đám tang của cựu tướng Lê Đức Anh vào tháng 5 năm 2019: khi giới thiệu thành phần quan khách, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói ‘Chủ tịch nước Nguyễn Thị Kim Ngân’, thay vì đọc đúng chức danh chủ tịch quốc hội của bà ta, khiến ngay cả những quan chức ‘đức cao vọng trọng’ như cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đương kim trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, đương kim Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đều… ngoác miệng cười.
Tuy nhiên, đã không ai chứng kiến được hình ảnh Nguyễn Thị Kim Ngân tươi cười trong đám tang trên khi bỗng nhiên được thăng chức. Nhưng vào cuối tháng ấy, bà Ngân đã bất thần thể hiện uy quyền một cách chưa hề có tiền lệ.
Đó là kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2019 do Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Trong bối cảnh ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng kiên định ‘mất tích’ từ đầu đến cuối của kỳ họp này, người ta bỗng nhìn ra một Nguyễn Thị Kim Ngân khác, thậm chí khác hẳn.
Khác hẳn với tư thế co thủ, thận trọng và gần như ‘khép miệng’ trong nhiều kỳ họp quốc hội trước đây, vào kỳ họp đó Nguyễn Thị Kim Ngân đã khiến giới quan sát và nhiều đại biểu quốc hội ngạc nhiên vì có ít nhất hai lần bà ta cắt ngang phần chất vấn và trả lời chất vấn một cách dũng cảm và… thô bạo.
Kể cả cắt ngang Tô Lâm – viên tướng bộ trưởng công an…
Một cách nào đó, có thể xem chuyến đi Trung Quốc vào tháng 7 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân mang hàm ý bà ta là bản sao của nguyên thủ quốc gia, hoặc chính là ‘nguyên thủ quốc gia’.
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-thi-kim-ngan-di-trung-quoc/4995993.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.