Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 23/07/2019

Tuesday, July 23, 2019 6:43:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 23/07/2019

Tuần duyên Mỹ ‘hợp tác chặt chẽ với Việt Nam’

giữa bối cảnh đụng độ ở Bãi Tư Chính

Lực lượng Tuần duyên Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để củng cố năng lực thực thi chủ quyền trên Biển Đông giữa lúc các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa.
Truyền thông trong nước dẫn lời Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz nói hôm 23/7 rằng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhấn mạnh quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam và tái khẳng định cam kết lâu dài đối với an ninh khu vực trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp.
“Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam và Hà Nội đã tăng cường sức mạnh của lực lượng cảnh sát biển lên rất nhiều,” Đô đốc Schultz nói với các phóng viên trong cuộc trao đổi qua điện thoại ngày 23/7 khi trả lời câu hỏi về kế hoạch của Tuần duyên Mỹ để hỗ trợ các quốc gia đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông giữa lúc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, theo VnExpress.
Việt Nam và Trung Quốc đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng nhất kể từ năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Vụ đối đầu được cho là bắt đầu sau khi Trung Quốc hôm 3/7 đưa một tàu khảo sát địa chất cùng nhiều tàu hải cảnh vào khu vực mà Hà Nội cho là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hôm 20/7, 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam cáo buộc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam” trong Biển Đông, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi “Trung Quốc hãy chấm dứt hành vi bắt nạt và ngừng các hành động gây hấn làm mất ổn định như vậy.”
Được hỏi về việc tàu Trung Quốc đang có những hành động quấy rối tại Bãi Tư Chính trong vùng biển “thuộc chủ quyền của Việt Nam,” Đô đốc Schultz từ chối bình luận về khả năng lực lượng tuần duyên Mỹ có hành động trong tương lai nhằm đối phó “kiểu hành xử ngang ngược này” hay không, theo Zing News.
Ông Schultz cho biết vấn đề này thuộc phạm vi trả lời của Hạm đội 7 và Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vốn chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của USCG tại khu vực.
“Trước những hành xử mang tính cưỡng ép và khiêu khích đang diễn ra, USCG mang đến sự minh bạch trong tiếp cận và hợp tác,” ông Schultz được Zing News trích lời nói. “Năng lực đặc biệt trong mở rộng quan hệ quốc tế của USCG cho phép chúng tôi hỗ trợ cải thiện năng lực của các nước đối tác và thúc đẩy cách ứng xử dựa trên pháp luật mà Mỹ mong muốn nhìn thấy trong khu vực.”
Theo Đô đốc Schultz, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực được Mỹ chuyển giao tàu tuần tra năng lực cao lớp Hamilton.
Tháng 4 vừa qua, Mỹ đã trao cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra với tổng trị giá 12 triệu USD, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cho biết. Trước đó, Việt Nam đã tiếp nhận 12 tàu tuần tra loại “Metal Shark” từ Mỹ.
Theo Tuổi Trẻ trích dẫn nguồn tin từ một số tờ báo chuyên về quốc phòng của Mỹ, Washington đang cân nhắc việc chuyển giao thêm một tàu tuần duyên loại biên nữa cho Việt Nam.
Phó Đô đốc Linda L Fagan, được Tuổi Trẻ trích lời nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 11/6, nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và sẽ duy trì cam kết vì một khu vực tự do, rộng mở.
https://www.voatiengviet.com/a/tuan-duyen-my-hop-tac-chat-che-voi-viet-nam-giua-boi-canh-dung-do-o-bai-tu-chinh/5011935.html

Mỹ trừng phạt công ty TQ nhập khẩu dầu của Iran

Mỹ lần đầu tiên áp lệnh trừng phạt với công ty nhà nước Trung Quốc vì tiếp tục nhập dầu của Iran sau khi lệnh miễn trừ hết hiệu lực.
“Công ty Trung Quốc Zhuhai Zhenrong và giám đốc điều hành công ty này, Li Youmin, đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Do đó, Washington sẽ áp lệnh trừng phạt lên công ty này”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/7 nói tại một hội nghị của các cựu chiến binh ở Florida, Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/7 đưa tên Zhuhai Zhenrong vào danh sách các công ty bị trừng phạt liên quan tới Iran. Đây là lần đầu tiên chính quyền Trump trừng phạt một công ty Trung Quốc vì vi phạm lệnh cấm vận dầu mỏ mà nước này đơn phương áp với Iran.
Động thái được cho sẽ làm gia tăng những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vốn đang bị phủ bóng bởi cuộc chiến thương mại kéo dài, đồng thời được xem là “thêm dầu vào lửa” cho những căng thẳng ở vịnh Ba Tư, nơi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt một tàu dầu Anh hôm 19/7.
Dầu là nguồn thu lớn nhất của Iran và chính quyền Trump đang thực hiện mục tiêu đưa lượng dầu xuất khẩu của nước này về 0, một phần của các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế tham vọng của Tehran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) hồi năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Tuy nhiên, Washington áp dụng một quyền miễn trừ đối với chính phủ 8 nước, cho phép các bên này tiếp tục mua dầu của Iran cho tới tháng 5 năm nay. Mỹ khẳng định khi thời hạn miễn trừ kết thúc, các quốc gia lập tức phải ngừng hoạt động nhập khẩu dầu của Iran, trong đó có cả Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu Iran lớn nhất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 22/4 tuyên bố Bắc Kinh phản đối tất cả các lệnh trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ và sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran. “Chính phủ Trung Quốc cam kết bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Cảnh nói, chỉ ít ngày trước khi thời hạn miễn trừ đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Iran của Mỹ kết thúc.
Zhuhai Zhenrong và Sinopec là hai tập đoàn nhà nước Trung Quốc nhập dầu mỏ của Iran. Các tàu chở dầu của Zhuhai Zhenrong hôm qua đã dỡ hàng triệu thùng dầu nhập khẩu từ Iran tại các cảng của Trung Quốc. Tuy nhiên, số dầu này chưa được thông quan và hiển thị trên dữ liệu nhập khẩu dầu quốc gia, nên về mặt kỹ thuật chưa vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29451-my-trung-phat-cong-ty-tq-nhap-khau-dau-cua-iran.html

Thương chiến Mỹ-Trung

đã đánh vào ngành LNG Mỹ

Ông Donald Trump chịu sức ép lớn từ ngành sản xuất LNG, thiệt hại do thương chiến không kém cạnh nông nghiệp.
Chuyên gia hàng đầu về khí và điện tại S&P Global Platts Ira Joseph mới đây đã đưa ra nhận định về thiệt hại của Mỹ trong thương chiến với Trung Quốc.

Nếu Mỹ áp đặt thêm các mức thuế mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, nó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ.
Chuyên gia Ira Joseph cho rằng, thuế sẽ làm tăng các chi phí sản xuất khi Mỹ nhập khẩu thép và các nguyên liệu đầu vào khác để xây dựng các nhà máy LNG mới.
Nhận định này được hưởng ứng bởi đại diện một công ty tư vấn về năng lượng ở Mỹ.
Đồng sáng lập và Chủ tịch công ty tư vấn LNG GasVista (có trụ sở tại New York), ông Leslie Palti-Guzman cho biết, việc xây dựng nhiều dự án LNG hướng tới xuất khẩu tại Mỹ đã bị chậm lại vài tháng cho đến vài năm. Sự chậm trễ là do các vấn đề kỹ thuật hoặc vì các nỗ lực nhằm giảm sản lượng trong bối cảnh dư thừa nguồn cung.
Vấn đề thị trường là điều các nhà kinh doanh năng lượng khó có thể can thiệp. Tuy nhiên, Mỹ có thể thay đổi các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kỹ thuật, cụ thể ở đây là việc xây dựng các nhà máy LNG. Chi phí xây dựng LNG đã quá cao do tăng giá vật liệu xây dựng vốn bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa ra.
Năm 2018, Mỹ đã áp thuế 25% và 10% lần lượt đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ các đối tác thương mại chính, bao gồm các ông lớn là Nga và Trung Quốc.
Nhận định mới từ chuyên gia có thể gia tăng thêm áp lực từ các nhà đầu tư năng lượng tới chính quyền Tổng thống Donald Trump, có thể buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải thay đổi chính sách thuế của mình.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Donald Trump đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm thúc đẩy ngành năng lượng Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới.
Bài phát biểu chính sách lớn đầu tiên của ông khi vận động tranh cử được diễn ra tại khu vực khoan dầu thuộc North Dakota hồi năm 2016, tập trung vào kế hoạch mở khóa sản xuất năng lượng trong nước của Mỹ. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong 5 tháng đầu tại nhiệm sở của ông Trump, khi ông đưa ra một loạt chính sách trái ngược với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người vốn không khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Ông Trump đã gây nên chú ý trong những tuần đầu tiên giữ chức Tổng thống bằng việc yêu cầu Bộ Nưng lượng Mỹ tập trung vào chuyện xuất khẩu năng lượng. Trong bài phát biểu ở cơ quan này lần đầu tiên làm việc trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã mô tả về cách làm thế nào việc bán dầu khí và than đá ở nước ngoài giúp tăng sức ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, giúp ổn định hóa thị trường toàn cầu và thắt chặt liên minh trên thế giới.
Không lâu sau, đồng minh thân cận của Mỹ là châu Âu đã đón nhận các lô hàng LNG của Mỹ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc chấp thuận mua hoặc ép phải mua.
Quốc gia châu Âu muốn chống lại sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga như Ba Lan đã rất hào hứng để mua LNG của Mỹ. Trong khi đó, Đức là một trong số quốc gia khác chấp nhận mua LNG Mỹ để được tiếp tục hợp tác năng lượng với Nga.
Đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, chính sách “thống trị năng lượng” có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu và tăng xuất khẩu để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng chính trị của Washington ở nước ngoài. Nhưng các đồng minh châu Âu lại cho thấy đó là cách làm để khống chế thị trường tự do của họ.
Mỹ hiện chủ yếu xuất LNG tới châu Âu nhiều hơn sang châu Á cũng do yếu tố này. Một phần nữa, giá LNG tại châu Á đang giảm mạnh và sự chênh lệch về giá giữa các thị trường Mỹ và châu Á không cho phép vận chuyển hàng đường dài.
Tuy nhiên, do chính sách thuế quan mà Mỹ đã áp đặt lên nước ngoài ảnh hưởng tới ngành khai thác năng lượng, ông Donald Trump có thể sẽ phải xem lại chiến lược xuất khẩu năng lượng của mình.
Chính sách thuế quan đối với thép và nhôm đã ảnh hưởng gián tiếp tới ngành năng lượng Mỹ- một trong những trụ cột trong chính sách của ông Trump. Điều này cũng tương tự cách ông Trump tiến hành chiến tranh kinh tế với Trung Quốc đã khiến nông nghiệp Mỹ chịu hậu quả.
Có thể sức ép từ các nhà thầu năng lượng Mỹ sẽ phải khiến ông Trump xem lại chính sách năng lượng của mình, hoặc phải thay đổi chính sách thuế quan. Trong một kịch bản căng thẳng hơn, chính phủ Mỹ có thể sẽ phải tính tới kịch bản trợ cấp cho các nhà thầu năng lượng tương tự như cách Nhà Trắng đã phải rót tiền trợ cấp cho nông dân Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29378-thuong-chien-my-trung-da-danh-vao-nganh-lng-my.html

Mỹ có dám ‘nghỉ chơi’ với TQ?

The National Interest khẳng định Trung Quốc đang gặp khó khăn và rất cần được Mỹ “giải cứu”.
Can dự thất bại
Tờ The National Interest mới đây có bài viết cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bác bỏ khái niệm lợi thế so sánh, vốn là nền tảng cho hệ thống thương mại quốc tế. Theo bài báo, Mỹ đã lặp lại nhiều sai lầm khi trong hơn 4 thập kỷ qua tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 1967, Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã đưa ra lý do cơ bản cho việc can dự: “Hãy nhìn xa trông rộng. Chúng ta đơn giản là không thể mãi mãi bỏ mặc Trung Quốc bên ngoài đại gia đình các quốc gia, để rồi ở đó họ sẽ nuôi dưỡng những ảo tưởng của mình, ấp ủ lòng căm ghét và đe dọa các nước láng giềng”.
Kể từ đầu những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách Mỹ tin rằng có thể ngăn chặn những điều đó bằng cách giúp đỡ Trung Quốc vào những thời điểm trọng yếu. Mốc thời gian đầu tiên là năm 1972 khi chuyến thăm của Nixon đã giúp củng cố một Bắc Kinh đang lung lay.
Mỹ cũng “cứu nguy” Trung Quốc sau các sự kiện năm 1989 khi Tổng thống George H. W. Bush cử phái viên Brent Scowcroft tới Bắc Kinh trong một chuyến thăm không báo trước vào tháng 7 để thể hiện sự “sát cánh” với ban lãnh đạo Trung Quốc. Ông Bush đã cam đoan rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ, mà ông buộc phải đồng ý, là không hiệu quả và sẽ nhanh chóng được gỡ bỏ.
The National Interest đánh giá nỗ lực có ảnh hưởng sâu rộng nhất diễn ra sau đó một thập kỷ khi nền kinh tế Trung Quốc dường như đang thu hẹp và các doanh nghiệp nước ngoài xem xét lại cam kết của họ với Trung Quốc. Năm 1999, Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã ký kết một thỏa thuận với Bắc Kinh trong đó gồm những điều mà sau này trở thành điều kiện để Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Tổng thống Bill Clinton nói trong một bài phát biểu vào tháng 3/2000: “Về mặt kinh tế, thỏa thuận này không khác gì đường một chiều”. The National Interest giải thích rằng điều đó có nghĩa là Trung Quốc là bên phải đưa ra mọi nhượng bộ và phản ánh tinh thần lạc quan của phương Tây khi đó.
Giới quân sự Trung Quốc từng công khai đe dọa đánh chìm tàu sân bay của Mỹ
Tuy nhiên, chính cựu Tổng thống Mỹ Nixon trước khi qua đời đã nhận ra kẻ thua cuộc trong “ván cược” của mình, vốn hy vọng Trung Quốc cuối cùng sẽ đáp lại thiện chí và ủng hộ các giá trị tự do hậu chiến tranh từng được củng cố nhờ một cấu trúc do Mỹ thiết kế gồm các hiệp ước, công ước, quy tắc và chuẩn mực. Ông nói: “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một Frankenstein”.
Theo bài viết, Mỹ hiện vẫn đang làm chính những gì đã thực hiện trước đây khi để Trung Quốc sử dụng số tiền thu được từ giao dịch thương mại với Mỹ để mở rộng quân đội trong khi các sĩ quan Trung Quốc công khai nói về việc tấn công người Mỹ. Ngày 20/12/2018, Chuẩn đô đốc Luo Yuan đã đề xuất sử dụng 2 loại tên lửa đạn đạo để đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ và tiêu diệt 10.000 lính Mỹ.
Theo báo chí Mỹ, tháng 5/2018, từ căn cứ ở Djibouti, quân đội Trung Quốc đã chiếu tia laser vào một chiếc máy bay vận tải C-130 của Mỹ, khiến mắt của hai phi công bị tổn thương. The National Interest coi nỗ lực này tương đương với việc cố gắng làm rơi máy bay và khiến các phi công thiệt mạng. Các máy bay Mỹ tiếp tục bị các lực lượng Trung Quốc tấn công bằng tia laser trên biển Hoa Đông.
Mỹ đủ tự tin để “nghỉ chơi”
Tờ The National Interest còn tố cáo Trung Quốc có nhiều bước đi khác nhằm vào Mỹ như chia rẽ các nước đồng minh của Mỹ, “quấy rối” các tàu và máy bay Mỹ trong khu vực mà điển hình là hồi tháng 9/2018, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã cố gắng cắt ngang mũi tàu USS Decatur trên Biển Đông…Kết luận được đưa ra là những “hành vi xấu” của Trung Quốc chính là bằng chứng cho thấy sự thất bại của các chính sách can dự mà Mỹ theo đuổi.
Hiện ở Mỹ có nhiều đề xuất về chính sách với Trung Quốc, ví dụ như ông Kurt Campbell và Ely Ratner, hai quan chức Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng “không tìm cách cô lập, làm suy yếu Trung Quốc hay cố gắng biến đổi nước này theo hướng tốt đẹp hơn nên là mục đích chủ đạo trong chiến lược của Mỹ ở châu Á”.
Vấn đề được The National Interest đặt ra là Mỹ cần hiểu được các động lực bên trong của Trung Quốc bởi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã đánh giá lạc quan quá mức.
The National Interest cho rằng Trung Quốc đã tìm cách trở thành bên coi thường luật lệ và Bắc Kinh có những tầm nhìn với ý đồ khác như “tham vọng” hơn so với trước đây. Bằng chứng được chỉ ra là việc ông Tập Cận Bình dùng từ “thiên hạ” trong các tuyên bố chính thức của mình, trong khi giới học giả và quan chức Trung Quốc bóng gió nói đến những thay đổi trong hệ thống quốc tế hiện nay.
Theo The National Interest, dù người Mỹ đang bối rối không biết nên tẩy chay hoàn toàn hay chỉ ngừng can dự theo thời gian, thì con đường an toàn duy nhất cho Mỹ là ngăn Bắc Kinh tiếp cận các nguồn lực bằng cách không hỗ trợ nền kinh tế nước này nữa, cùng nhiều biện pháp khác. Đây được cho là bài học từng có đối với Liên Xô trước đây.
Việc ngừng can dự sẽ gây ra những “phí tổn” đối với nước Mỹ, ví dụ việc chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ gây tổn thất vô cùng to lớn. Một số công ty như Apple, vốn phụ thuộc vào nhà sản xuất theo hợp đồng của họ là Foxconn, sẽ gặp rủi ro trong nhiều năm. Có thể có những gián đoạn trong việc lưu thông dược phẩm, vì ngành công nghiệp đặc thù này chủ yếu tập trung sản xuất tại Trung Quốc.
Việc ngừng can dự sẽ gây rủi ro cho cổ phần đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, trị giá lên tới 256 tỷ USD. Bắc Kinh đã dùng các công ty Mỹ làm con tin trong các hoàn cảnh thông thường, vì vậy chắc chắn nước này sẽ làm vậy khi Washington tỏ rõ là đang tìm cách “chia tay” hoàn toàn.
Mỹ chấp nhận phí tổn để “chia tay” Trung Quốc?
Tuy vậy, bài viết tin rằng Mỹ có thể thích ứng với thay đổi. Ví dụ như phần lớn các công ty có thể nhanh chóng điều chỉnh, trong một số trường hợp có thể thay đổi dây chuyền sản xuất trong vài tháng.
Ngay cả Apple vốn phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có thể thích ứng với tình hình. Foxconn, vốn có cơ sở tại các nước khác, đang để mắt đến một nhà máy ở Wisconsin, và công ty có trụ sở tại Cupertino này cũng đang xây dựng các cơ sở quan trọng tại Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu ở đó.
Bên cạnh đó, nhiều công ty đang có những kế hoạch khác, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, các hành động gây tổn hại của Trung Quốc đối với họ, chi phí sản xuất giảm ở các nơi khác và nhận thức ngày càng tăng về rủi ro địa chính trị của Trung Quốc. GoPro đã tuyên bố vào tháng 12/2018 rằng công ty này đang chuyển một số nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Ngành sản xuất ở Mỹ đang phát triển mạnh mẽ do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có việc sản xuất ngang mức tiêu thụ đang trở nên ngày càng phổ biến. Tháng 5/2019, Stanley Black & Decker tuyên bố họ sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 90 triệu USD ở Texas để sản xuất các công cụ thủ công – hiện được sản xuất tại nhiều nơi như Trung Quốc và Mexico. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể cạnh tranh sản xuất ngay cả những mặt hàng lợi nhuận thấp.
Yếu tố thứ ba khiến người Mỹ tự tin là nhận định ngừng can dự sẽ giúp Mỹ giảm bớt những tổn thất “nghiêm trọng” do bị Trung Quốc chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ với giá trị lên tới 600 tỷ USD mỗi năm.
Theo The National Interest, Trung Quốc không thể đáp ứng lịch trình đầy tham vọng trong sáng kiến “Made in China 2025” với tham vọng thống trị 11 lĩnh vực công nghệ vào giữa thập kỷ tới, trừ phi Bắc Kinh tiếp tục chiếm đoạt quyền sở hữu công nghệ nước ngoài.
Bài viết khẳng định, ngừng can dự đồng nghĩa với việc Mỹ ít tiếp xúc với Trung Quốc hơn, cũng có nghĩa là rốt cuộc Trung Quốc sẽ có ít cơ hội hơn để tiếp tục hành vi đánh cắp và gần như không có cơ hội nào cho việc chiếm đoạt bằng cách cưỡng ép.
Một yếu tố khác giúp Mỹ tự tin là việc ngừng can dự sẽ làm giảm tác hại từ chính sách công nghiệp của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ bằng cách đưa các công ty này tránh xa khỏi tầm với của Bắc Kinh.
The National Interest khẳng định Trung Quốc đang gặp khó khăn và rất cần được Mỹ “giải cứu” nhưng việc hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại không mang lại lợi ích cho Mỹ.
Do đó, bài viết cho rằng việc ngừng can dự hứa hẹn mang lại những kết quả chấp nhận được đối với Mỹ trước một Trung Quốc thực thi chính sách tiêu thổ và tâm lý “được ăn cả ngã về không”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29436-my-co-dam-nghi-choi-voi-tq.htmla

Liên minh Mỹ-Australia có dễ sụp đổ

trước tham vọng của TQ?

Là đối tác quan trọng giúp Mỹ thực hiện các chiến lược tại châu Á, nhưng Australia vẫn chuẩn bị trước kịch bản ngày nào đó bị Washington bỏ rơi.
Để tăng cường tiềm lực quân sự của Australia, thượng nghị sỹ bang Queensland, Pauline Hanson đã đề xuất mua khoảng 100 hoặc 200 chiếc tiêm kích F-35, đóng 36 tàu ngầm, tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và phát triển vũ khí hạt nhân. Đề xuất này được coi là chuẩn bị cho viễn cảnh Mỹ sẽ rời châu Á trong khoảng 20 năm nữa.
Australia chuẩn bị trước kịch bản xấu
Đây là điều hợp lý khi các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Australia suy ngẫm về những kịch bản tiềm năng, trong đó quốc gia này phải tự đảm bảo an ninh quốc phòng cho chính mình mà không
có sự hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên việc lên kế hoạch cho một trật tự châu Á ngày càng đa cực không đòi hỏi phải đưa ra giả thiết Mỹ từ bỏ hoàn toàn vai trò của nước này trong khu vực.
Không thể phủ nhận rằng, nghi vấn về việc từ bỏ vai trò của một quốc gia thành viên đã phủ bóng đen lên quan hệ liên minh an ninh trong suốt lịch sử các mối quan hệ quốc tế, trong đó có cả liên minh Mỹ-Australia. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, đó sẽ là sai lầm chiến lược đối với Canberra khi thay đổi hoàn toàn chiến lược quốc phòng chỉ dựa trên sự phỏng đoán mà không có bằng chức xác minh hay logic thuyết phục. Bởi trên thực tế, Mỹ không dễ từ bỏ Canberra trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Với Mỹ, từ bỏ Australia chính là từ bỏ các lợi ích, vị thế chiến lược và uy tín của nước này tại châu Á. Thật vậy, liên minh Mỹ-Australia từ lâu đã đóng vai trò thiết yếu phục vụ cho chiến lược rộng lớn của Mỹ tại châu Á, nhằm tìm cách ngăn chặn một cường quốc khác thiết lập quyền bá chủ trong khu vực, duy trì hệ thống thương mại đa phương, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không.
Nền tảng duy trì quyền lực của Mỹ tại châu Á trong hơn 70 năm qua là cái gọi là kiến trúc an ninh theo kiểu “thiết lập mạng lưới xoay quanh trục trung tâm”, bao gồm các hiệp quốc phòng song phương và triển khai các lực lượng quân sự, trong đó Australia là một đối tác không thể tách rời. Chừng nào các hiệp ước an ninh của Mỹ còn hiệu lực và Mỹ còn duy trì lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương thì chừng đó Washington còn can thiệp quân sự để bảo vệ Australia trong trường hợp Canberra bị tấn công trực diện hay đối mặt với mối đe dọa về an ninh. Dù hoài nghi về độ tin cậy và quyết tâm của Mỹ, nhưng giá trị chiến lược lâu dài của liên minh Mỹ-Australia là điều mà Canberra có thể tin tưởng.
Thách thức từ Trung Quốc
Liệu có khả năng Mỹ chấm dứt các quan hệ liên minh, rút toàn bộ lực lượng và từ bỏ vị thế chiến lược của nước này để nhường chỗ cho Trung Quốc trong 20 năm tới hay không? Một kịch bản như vậy rất khó thành hiện thực. Ngay cả trong trường hợp Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập lại hòa bình, tạo tiền đề cho việc rút lực lượng của Mỹ ra khỏi Bán đảo Triều Tiên, hay Mỹ chuyển toàn bộ binh sỹ từ Okinawa (Nhật Bản) đến đảo Guam thì vẫn còn một vấn đề khác nảy sinh đó là giấc mơ mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì thế, Mỹ sẽ vẫn tìm cách duy trì các liên minh an ninh trong khu vực thông qua việc triển khai một lực lượng cố định trên lãnh thổ của Nhật Bản và các lực lượng luân chuyển tại Australia. Giải pháp khác là Mỹ chấp nhận sức ép của Trung Quốc và rút về Hawaii hoặc vùng bờ biển Tây (West Coast), nhưng không có dấu hiệu cho thấy Washington sẽ làm như vậy.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thay đổi chiến lược, sử dụng các đồng minh như Australia và Nhật Bản để thách thức tham vọng của Trung Quốc? Bởi tương quan lực lượng khác nhau giữa các bên, nên khó có đồng minh nào của Mỹ có thể chống chịu được một cuộc tấn công của Bắc Kinh, trong trường hợp xung đột xảy ra. Vì vậy Mỹ sẽ sớm phải vào cuộc để “chống lưng” cho các đồng minh. Xét cho cùng, Mỹ vẫn phải cân nhắc tầm quan trọng của châu Á đối với sự thịnh vượng và an ninh kinh tế của nước này. Washington sẽ không thể duy trì những lợi ích của mình trong khu vực nếu không bảo toàn hệ thống phòng thủ hiện có. Mặc dù nổi lên nhiều cuộc tranh cãi trong nội bộ của nước Mỹ về chính sách đối với châu Á, nhưng không có sự liên thủ mạnh mẽ nào có thể phá vỡ kiến trúc an ninh của Mỹ tại châu Á hoặc làm lung lay liên minh an ninh Mỹ-Australia.
Trong vài năm qua, khái niệm mô hình G-2 hay lý thuyết về việc Mỹ và Trung Quốc cùng “bắt tay” bảo vệ thế giới đã bị đổ vỡ. Thay vào đó là nhận thức ngày càng gia tăng trong lưỡng đảng Mỹ rằng, Bắc Kinh và Washington đã bước vào thời kỳ cạnh tranh chiến lược trên nhiều lĩnh vực như địa chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, công nghệ có khả năng kéo dài hàng thập kỷ. Vậy có khi nào Mỹ lo sợ sức mạnh của Trung Quốc sẽ vượt trội đến mức nước này bị đẩy ra khỏi khu vực? Theo giới quan sát, điều này là không khả thi và chỉ có thể thành hiện thực khi Mỹ để nó xảy ra.
Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong 20 năm qua, Mỹ vẫn có một thế mạnh nhất định trong cuộc chơi. Bên cạnh sức mạnh kinh tế và quân sự đáng gờm, mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ, cùng với các lực lượng được triển khai trong khu vực đã tạo ra cho Mỹ một số lợi thế về địa chính trị. Trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, có rất ít quốc gia trong khu vực yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi nơi đây.
Hướng đi nào cho Australia?
Giới phân tích cho rằng, thay vì lên kế hoạch ứng phó với sự rút lui của Mỹ và sự mở rộng quyền lực của Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Australia nên tìm cách củng cố mạnh mẽ hơn liên minh với Washington. Bên cạnh mối quan hệ quốc phòng đã được xây dựng nhiều thập kỷ qua, những diễn biến gần đây cho thấy Australia ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Hồi đầu tháng 7 này, Mỹ và Australia đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn Talisman Saber tại Queensland, nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Australia và Mỹ. Trước đó vào tháng 5, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia cuộc tập trận  hải quân “Pacific Vanguard” mà giới phân tích đánh giá không khác gì đòn “cảnh báo” Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, chính phủ Australia hiện nay đang lên kế hoạch xây một cảng biển thứ hai ngay bên ngoài thành phố Darwin, thuộc vùng Lãnh thổ Bắc Australia cho phép các tàu đổ bộ của Mỹ cập bến. Và cũng không có gì ngạc nhiên nếu viễn cảnh Mỹ điều động luân phiên tàu ngầm hay tàu chiến tại căn cứ hải quân căn cứ hải quân HMAS Stirling ở Tây Australia trở thành hiện thực.
Xét cho cùng sẽ khó có khả năng Mỹ lên kế hoạch rút lui khỏi châu Á và từ bỏ Australia. Vì thế nếu Canberra hành động dựa trên nỗi sợ hãi bị bỏ rơi thì đây sẽ không phải là chiến lược đúng đắn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29435-lien-minh-my-australia-co-de-sup-do-truoc-tham-vong-cua-tq.html

Nga, TQ và Iran:

Đâu mới là mối đe dọa đối với nước Mỹ?

Tình báo quân đội Mỹ nhận định trong tương lai gần, Nga sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, ông Robert Ashley, tin rằng cả Matxcơva, Bắc Kinh và Tehran đều không hề muốn gây chiến với Washington. Tuyên bố trên được ông Ashley đưa ra trong bài phát biểu tại diễn đàn an ninh thường niên ở thành phố Aspen, bang Colorado, Mỹ.
“Iran không muốn có chiến tranh, Trung Quốc không muốn có chiến tranh và Nga cũng không muốn” – ông Ashley khẳng định. Người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội Mỹ tin chắc chính quyền các quốc gia này hiểu được rằng “hậu quả sẽ là rất tồi tệ đối với tất cả mọi người”. Tuy nhiên, ông Ashley cũng đồng ý với nhận định rằng vòng xoáy cạnh tranh giữa các cường quốc trên thế giới đang có xu hướng gia tăng.
Trả lời câu hỏi liệu quốc gia nào mới là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ hiện nay, ông Ashley nhận định: “Trong ngắn hạn sẽ là Nga”. Giải thích cho nhận định của mình, ông nhấn mạnh rằng Nga đang là quốc gia sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. “Nhưng nếu xét trong lĩnh vực kinh tế, thì dẫn đầu là Trung Quốc. Đó chính là dài hạn” – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết thêm.
Nhận định của Mỹ là Nga và Trung Quốc rồi sẽ triển khai vũ khí siêu thanh trong hai năm tới – ông Ashley tiếp tục. Và khi được đặt câu hỏi liệu vũ khí siêu thanh của hai quốc gia có phải là mối đe dọa đối với quân đội Mỹ, ông Ashley nói: “Chúng tôi sẽ để ý đến việc triển khai của họ trong hai năm tới. Chúng tôi đang theo dõi sát sao sự phát triển của họ và cố gắng thu thập dữ liệu về sự phát triển của các hệ thống như vậy”.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh rằng “việc hiểu được các thông số kỹ thuật của những hệ thống này, khả năng của chúng đến đâu và cách chúng vận hành như thế nào” là điều hết sức cần thiết.
Hồi tháng 10/2018, kênh truyền hình CNBC của Mỹ đưa tin: Matxcơva thừa nhận các thành phần sợi carbon chịu nhiệt cần thiết để chế tạo hệ thống tên lửa Avangard tối tân mà họ đang có trong tay là không đảm bảo. Theo lập luận này, phía Nga hiện vẫn chưa tìm ra nguồn cung cho các sản phẩm như vậy. Dẫu vậy, tình báo Mỹ vẫn tin rằng tổ hợp này sẽ sẵn sàng để đưa vào thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu vào năm 2020.
Phản ứng trước những thông tin từ giới truyền thông Mỹ, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov khẳng định “việc chế tạo và bàn giao các hệ thống Avangard được trang bị tên lửa siêu thanh thông minh vẫn đang được tiến hành theo đúng lịch trình, không có bất cứ sự cố nào”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29434-nga-tq-va-iran-dau-moi-la-moi-de-doa-doi-voi-nuoc-my.html

Tổng thống Trump và thủ tướng Pakistan

thảo luận cách chấm dứt cuộc chiến Afghanistain

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Hai (22 tháng 7), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ có thể chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần hai thập kỷ ở Afghanistan trong vài ngày, nhưng điều đó sẽ đánh đổi 10 triệu mạng người và phá hủy toàn bộ  đất nước Afghanistan.
Tuyên bố trên được đưa ra tại Tòa Bạch Ốc, khi Tổng thống đang ca ngợi Thủ tướng Pakistan Imran Khan, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của ông Khan trong quá trình đàm phán thỏa thuận hòa bình với nước láng giềng Afghanistan. Theo KTLA, mối quan hệ thân thiết với ông Khan là một bước ngoặt đối với Tổng thống Trump, người đã từng chỉ trích Pakistan gay gắt, và giờ đây đang kỳ vọng nước này sẽ tác động đến Taliban để thúc đẩy thỏa thuận hòa bình, và giúp Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến.
Sự chào đón này của Hoa Kỳ là sự thay đổi đột ngột kể từ khi Tổng thống Trump cắt giảm hàng triệu Mỹ kim viện trợ cho Pakistan, đồng thời cho rằng tất cả những gì Pakistan trao cho Hoa Kỳ là sự lừa dối. Trước đây, ông Khan cũngtừng chỉ trích Tổng thống Trump, nhưng ông cho biết Pakistan sẵn sàng hợp tác để chấm dứt chiến tranh.
Hiện nay, Hoa Kỳ muốn Pakistan sử dụng đòn bẩy để Taliban đồng ý ngừng bắn, đàm phán với chính phủ Afghanistan và ngừng chứa chấp các nhóm chiến binh nổi dậy. Đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad đã đàm phán với Taliban trong nhiều tháng qua. Nhưng cho đến nay, nhóm chiến binh này vẫn từ chối nói chuyện trực tiếp với chính phủ Afghanistan, đồng thời tiếp tục tấn công bằng vũ trang.
Theo KTLA đưa tin, hôm thứ Ba (23 tháng 7), ông Khalilzad sẽ rời Hoa Kỳ để đến gặp chính phủ Afghanistan, và sau đó tiếp tục đàm phán với Taliban tại Qatar.
Dù vậy, bình luận của Tổng thống Trump về việc quét sạch Afghanistan ít nhiều sẽ khiến nước này phật lòng, vì họ đã sát cánh cùng Hoa Kỳ và NATO trong cuộc chiến suốt nhiều năm. Ngoài ra, Afghanistan cũng cảnh giác với sự tham gia của Pakistan. Vì Pakistan được cho là đã khơi mào bất ổn, bằng cách cung cấp nơi trú ẩn cho các chiến binh tấn công Afghanistan. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-va-thu-tuong-pakistan-thao-luan-cach-cham-dut-cuoc-chien-afghanistain/

Tin nói Huawei

bí mật hỗ trợ công nghệ cho Triều Tiên

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, đang bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì các quan ngại an ninh, bí mật hỗ trợ Triều Tiên xây dựng và duy trì mạng lưới không dây thương mại của Triều Tiên, báo Washington Post dẫn một số nguồn tin và văn kiện nội bộ cho biết hôm 22/7.
Nguồn tin này cho hay gã công nghệ khổng lồ Huawei hợp tác với công ty quốc doanh Công nghệ thông tin Quốc tế Panda của Trung Quốc trong một số dự án ở Triều Tiên trong ít nhất là 8 năm.
Các nguồn tin được trình bày về vấn đề này xác nhận rằng Bộ Thương mại Mỹ điều tra Huawei từ năm 2016 tới nay và đang xem xét xem liệu công ty có vi phạm các quy định về kiểm soát xuất khẩu liên quan đến chế tài Triều Tiên hay không.
Hai thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và Tom Cotton nói “tiết lộ vừa rồi cho thấy mối quan hệ của Huawei với Triều Tiên và việc họ vi phạm luật pháp Mỹ.”
Chính phủ Mỹ cấm các doanh nghiệp Hoa Kỳ bán linh phụ kiện cho Huawei mà không có giấy phép đặc biệt, tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump tháng rồi loan báo các công ty Mỹ có thể tái tục bán hàng cho Huawei trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Huawei nói với Washington Post rằng họ ‘không có sự hiện diện thương mại nào’ ở Triều Tiên.
https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-huawei-bi-mat-ho-tro-cong-nghe-cho-trieu-tien/5010967.html

Tổng thống Trump và quốc hội

ký kết thỏa thuận ngân sách 1.37 ngàn tỷ Mỹ kim

Vào hôm thứ Hai (22 tháng 7), Tổng thống Donald Trump và những người đứng đầu Quốc hội vừa công bố thỏa thuận về ngân sách và nợ.
Đây là chiến thắng hiếm hoi của nhóm chủ nghĩa thực dụng tại Washington, vốn đang tìm cách né tránh sự hỗn loạn chính trị và kinh tế nếu chính phủ đóng cửa hoặc vỡ nợ liên bang. Theo KTLA, thỏa thuận này sẽ khôi phục khả năng vay nợ của chính phủ để trả chi phí cho cuộc bầu cử năm 2020, cũng như củng cố ngân sách cho cả Ngũ Giác Đài và các cơ quan trong nước. Thỏa thuận này đã liệt kê 1.37 ngàn tỷ Mỹ kim chi tiêu vào năm tới và năm 2021.
Đây có thể là một chiến thắng của các nhà lập pháp, khi họ mong muốn đưa Washington trở lại con đường dễ dự đoán hơn, trong bối cảnh hỗn loạn chính trị và phân cực, gia tăng hoạt động quân sự, và sự bảo vệ dành cho các chương trình nội địa của đảng Dân Chủ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho rằng thỏa thuận này sẽ tăng cường an ninh quốc gia, và ưu tiên tầng lớp trung lưu bằng cách cải thiện sức khỏe, an ninh tài chính và phúc lợi của người dân.
Trong khi đó, phía đảng Cộng Hòa vẫn xem thỏa thuận này còn nhiều thiếu sót, nhưng vẫn là một thành tựu. Dù vậy, thỏa thuận được đưa ra trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng hơn 1 ngàn tỷ Mỹ kim, và không xem xét đến các khuyến cáo rằng tài chính Hoa Kỳ không bền vững, và sẽ kéo nền kinh tế đi xuống trong tương lai.
Theo ông Maya MacGuineas, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang, thỏa thuận này là sự thoái thác trách nhiệm tài chính của Quốc hội và Tổng thống.
Theo KTLA đưa tin, mâu thuẫn về bức tường biên giới, các vấn đề di dân và ưu tiên chi tiêu khác cũng sẽ được đề cập trong ngân sách vào mùa thu này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-va-quoc-hoi-ky-ket-thoa-thuan-ngan-sach-1-37-ngan-ty-my-kim/

Mỹ sắp có quy trình

‘trục xuất nhanh’ di dân bất hợp pháp

Chính phủ Hoa Kỳ giới thiệu quy trình trục xuất nhanh di dân, bỏ qua việc họ phải ra tòa án di trú.
Theo quy định mới, bất kỳ người di cư không có giấy tờ nào không chứng minh được rằng họ đã ở Mỹ liên tục trong hơn hai năm đều có thể bị trục xuất ngay lập tức.
Chính sách này dự kiến được công bố hôm 23/7, và sau đó có hiệu lực ngay lập tức trên toàn nước Mỹ.
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
Lệnh trục xuất chồng nữ quân nhân Mỹ bị đảo ngược
Sang Mỹ năm nào thì không bị Trump đuổi về VN?
Việt Kiều bị trục xuất khó có cơ hội quay lại Mỹ
Tuy nhiên, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) cho biết họ có kế hoạch thách thức chính sách này trước tòa.
Động thái trên xuất hiện khi chính sách nhập cư của Hoa Kỳ đang được rà soát – nhất là các điều kiện tại các trại tạm giam di dân bất hợp pháp ở biên giới với Mexico.
Kevin McAleenan, quyền Bộ trưởng Nội An Hoa Kỳ, cho biết sự thay đổi này sẽ “giúp giảm bớt gánh nặng trong việc xử lý di dân” tại biên giới.
Ông nói thêm rằng đó là “phản ứng cần thiết cho cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra”.
Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch tận dụng biện pháp cứng rắn kiểm soát nhập cư như yếu tố chính trong chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 2020.
Trước đây, chỉ có những người bị bắt giữ trong phạm vi 160km cách biên giới và hiện diện tại Mỹ dưới hai tuần mới có thể bị trục xuất nhanh.
Những trường hợp người di cư được tìm thấy ở nơi khác, hoặc đã vào nước Mỹ hơn hai tuần đều cần phải được xử lý thông qua tòa án và có quyền đại diện pháp lý.
Nhưng quy định mới ghi rằng di dân bất hợp pháp có thể bị trục xuất bất kể họ ở đâu khi bị bắt giam và không được phép tiếp cận luật sư.
Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
Di sản của Tổng thống Donald Trump
Bộ Nội An Hoa Kỳ cho biết quy tắc mới sẽ cho phép xử lý một lượng lớn di cư bất hợp pháp hiệu quả hơn.
Những người di cư đủ điều kiện xin tỵ nạn vẫn sẽ được quyền nói chuyện với giới chức tỵ nạn.
Trong vài giờ sau khi chính sách được thông báo hôm 22/7, ACLU viết trên Twitter: “Chúng tôi khởi kiện để nhanh chóng ngăn chặn nỗ lực của Trump về việc trục xuất người nhập cư nhanh chóng.”
“Những người nhập cư đã sống ở đây nhiều năm. Kế hoạch này là bất hợp pháp.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49067924

Huawei cắt giảm việc làm ở Mỹ sau khi bị vào ‘sổ đen’

Huawei vừa cắt giảm thêm 600 việc làm tại Futurewei, bộ phận nghiên cứu của hãng tại Mỹ, sau khi Washington đưa công ty này vào danh sách đen trong lĩnh vực thương mại.
Hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc nói việc cắt giảm công ăn việc làm là do “phải giảm bớt hoạt động kinh doanh do tác động từ Mỹ”.
‘Nasdaq Trung Quốc’ ra mắt, các hãng công nghệ thắng lớn
Mỹ cho phép bán hàng cho Huawei ‘có điều kiện’
Hãng làm chip của Mỹ vận động giúp Huawei
Washington đã đưa Huawei vào “danh sách các thực thể” từ tháng Năm, là danh sách các công ty, tổ chức bị hạn chế làm ăn với các hãng của Mỹ.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và Huawei đã leo thang trong năm nay.
Được đặt tại California, Futurewei là công ty con của Huawei, tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển.
Trong một tuyên bố, Huawei nói “Futurewei Technologies công bố việc cắt giảm nhân lực, trực tiếp ảnh hưởng tới trên 600 vị trí tại Mỹ,” có hiệu lực từ 22/7.
Hãng nói việc cắt giảm nhân công được thực hiện sau khi “phải giảm bớt hoạt động kinh doanh” tại Mỹ, sau khi Huawei và 68 công ty con của hãng bị đưa vào “danh sách các thực thể” của Mỹ.
Việc này khiến hãng không được phép mua công nghệ từ các hãng của Mỹ nếu không được chính quyền phê chuẩn.
Trong tháng Bảy, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross nói bộ này sẽ cấp giấy phép cho các công ty muốn làm ăn với Huawei ở các phần “không đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ”.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đã liên tục bác bỏ các cáo buộc theo đó nói việc sử dụng sản phẩm của hãng có thể gây ra các rủi ro về an ninh.
Căng thẳng Mỹ – Trung
Việc Washington hạn chế hoạt động của Huawei là một phần trong cuộc xung đột rộng lớn hơn âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hai nước đã có cuộc thương chiến từ năm ngoái, với việc áp thuế quan lên hàng hóa của nhau với trị giá hàng tỷ đô la.
Mỹ nhắm vào Huawei với các hạn chế thương mại, cùng lúc cũng tìm cách thuyết phục các đồng minh ra lệnh cấm đối với hãng này với lý do có nguy cơ gây rủi ro nếu sử dụng các sản phẩm của Huawei trong hệ thống mạng di động thế hệ mới 5G.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49075026

Tổng thống Trump gặp gỡ

các tổng giám đốc công ty kỹ thuật bàn về Huawei

Tin từ WASHINGTON, DC — Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, vào hôm thứ Hai (22/7), tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gặp gỡ giám đốc điều hành của bảy công ty kỹ thuật, và đồng ý với yêu cầu của họ về các quyết định cấp phép kịp thời từ Bộ Thương mại đối với công ty Huawei Technologies của Trung Cộng.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết các giám đốc điều hành bày tỏ sự ủng hộ đối với các chính sách của Tổng thống, bao gồm các hạn chế về an ninh quốc gia đối với việc mua và bán thiết bị viễn thông của Hoa Kỳ cho Huawei. Họ đã yêu cầu Bộ Thương mại đưa ra các quyết định cấp phép kịp thời, và Tổng thống Trump đồng ý với lời đề nghị này.
Theo tuyên bố của Tòa bạch Ốc, các giám đốc điều hành của Micron Technology, Western Digital, Qualcomm, Alphabet, Google, Cisco Systems, Intel và Broadcom đã tham dự cuộc họp. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-gap-go-cac-tong-giam-doc-cong-ty-ky-thuat-ban-ve-huawei/

Venezuela lại chìm trong tăm tối do mất điện

Venezuela vừa bị một đợt cắt điện diện rộng nữa. Thủ đô Caracas cũng nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng.
Điện đang được chậm rãi phục hồi sau khi bị mất toàn bộ ở 16 trên tổng số 23 bang trên toàn quốc.
Venezuela: Vladimir Padrino lên làm bộ trưởng Quốc phòng
Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips kiện VN – nguy cơ hay cơ hội?
Máy bay quân sự Nga ‘đáp ở Venezuela’
Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodríguez nói rằng việc mất điện là do một vụ “tấn công bằng điện từ”, nhưng không đưa ra bằng chứng chứng minh.
Hồi tháng Ba, nước này đã bị một loạt các trận mất điện diện rộng, trong đó có một lần ảnh hưởng tới toàn bộ các bang trong suốt một tuần.
Tình trạng mất điện rải rác thì xảy ra khá thường xuyên tại quốc gia đang trong cơn khủng hoảng này, nơi hàng chục năm không được đầu tư đủ mức khiến cho mạng lưới điện nước này bị hư hại.
Việc mất điện, diễn ra từ 16L45 giờ địa phương (20:45GMT) hôm thứ Hai, gây ra ùn tắc giao thông trên toàn Caracas do các hệ thống đèn giao thông không hoạt động.
Venezuela: điều gì gây ra mất điện kéo dài?
Đường dành cho người đi bộ chật kín khách bộ hành sau khi hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố ngưng làm việc.
Trump cắt viện trợ cho Trung Mỹ về vụ di dân
Người Venezuela chạy sang Peru trước khi có luật mới
Người đào thoát Venezuela tự ‘giải phóng’ đất nước
Điện đã được phục hồi tại thủ đô và một số nơi trên cả nước vào đầu giờ sáng thứ Ba, giờ địa phuonwg, công ty điện lực quốc gia Corpolec nói.
Nhưng công sở và các trường học vẫn đóng cửa trong ngày, bởi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà.
“Việc mất điện thế này thật là một thảm họa,” Bernardina Guarra, 51 tuổi, nhân viên vệ sinh sống tại Caracas, nói với hãng tin Reuters. “Tôi sống ở khu vực phía đông thành phố. Mọi thứ càng ngày càng tệ đi.”
Venezuela dựa vào hệ thống cơ sở hạ tầng thủy điện rộng khắp thay vì dùng trữ lượng dầu để cung ứng điện tiêu thụ trong nước.
Trong một tuyên bố, ông Rodríguez nói rằng vụ được cho là tấn công đó “nhằm gây tác hại tới hệ thống phát điện của thủy điện Guayana”, bang miền nam nơi có đập thủy điện quan trọng Guri.
Trên Twitter, Tổng thống Nicolás Maduro nói việc mất điện là kết quả của “một vụ tấn công tội phạm nhắm vào sự yên tĩnh và thanh bình của quê hương” và nói các lực lượng có vũ trang đã được triển khai thực hiện nỗ lực cứu hộ.
Tuy nhiên, lãnh đạo đối lập và tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaidó thi nói đó là kết quả của “nạn tham nhũng và sự bất tài của chế độ”.
Tổng thống Maduro và các quan chức chính phủ khác trước đây từng đổ lỗi cho “chủ nghĩa khủng bố” và sự phá hoại của phe đối lập, và thường nói là Mỹ có nhúng tay vào.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49075029

EU ra nghị quyết về Hong Kong, bị TQ mắng xối xả
Nghị viện châu Âu hôm 18/7 thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền Hong Kong chính thức rút dự luật dẫn độ gây ra nhiều phản đối. Bắc Kinh ngay lập tức lên án bước đi này là “thiếu hiểu biết và định kiến”.
Cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu nói rằng dự luật dẫn độ khiến người dân Hong Kong nổi giận do sợ có thể bị đưa về Trung Quốc đại lục vì lý do chính trị.
Nghị quyết do 85 nghị sĩ EU trình lên kêu gọi chính quyền Hong Kong ngay lập tức thả và chấm dứt buộc tội những người biểu tình hoà bình, đồng thời lập ra một đội điều tra độc lập để làm rõ tình trạng cảnh sát bạo lực với người biểu tình.
“Họ nhấn mạnh rằng EU chia sẻ nhiều quan ngại đối với thành phố này và người dân ở đó, đối với công dân EU và nước ngoài, cũng như niềm tin của giới kinh doanh ở Hong Kong”, tuyên bố của Nghị viện châu Âu viết.
Khi các cuộc thảo luận của Nghị viện châu Âu đang diễn ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát đi tuyên bố lên án các chính trị gia EU đứng sau nghị quyết nói trên là “đạo đức giả”.
“Việc làm này phớt lờ thực tế và nhầm lẫn đúng sai”, văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
“Nó chứa đầy sự thiếu hiểu biết, định kiến và thói đạo đức giả tiêu chuẩn kép. Nó chỉ tay và ra lệnh cho chính quyền đặc khu và chính sách của chính phủ về Hong Kong. Sự thiếu hiểu biết và thái độ đó khiến người ta không thể thốt nên lời vì ngạc nhiên và kinh hãi”, tuyên bố viết.
Trong khi có thông tin rằng Đức và Anh đang tính dừng bán vũ khí cho Hong Kong, nghị quyết đề xuất Nghị viện châu Âu kêu gọi EU, các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế cùng làm việc để có cơ chế kiểm soát xuất khẩu phù hợp nhằm ngăn Trung Quốc, đặc biệt là Hong Kong, tiếp cận những công nghệ có thể bị dùng để vi phạm các quyền cơ bản”.
Nhưng văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hong Kong nói rằng các chính trị gia châu Âu đã “giả mù trước những hành động bạo lực khủng khiếp” ở Hong Kong.
“Các thành viên Nghị viện EU có phân biệt được trái phải hay không? Họ có lương tâm tối thiểu hay không? Hay họ có nắm được khái niệm cơ bản về pháp quyền hay không?” Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết trong tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Hong Kong là vấn đề nội bộ và bên ngoài chớ nên can thiệp.
Dù nghị quyết của Nghị viện châu Âu không mang tính ràng buộc, các nhà quan sát cho rằng nó có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của cả khối này.
http://biendong.net/diem-tin/29391-eu-ra-nghi-quyet-ve-hong-kong-bi-tq-mang-xoi-xa.html

Đồng thuận giữa 14 quốc gia châu Âu

đồng thuận về phân bổ người tị nạn

Gia Hưng
Theo thông cáo của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 22/07/19, 14 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý một “cơ chế liên đới” do Pháp và Đức đề nghị, nhằm phân bổ người di dân được vớt tại vùng Địa Trung Hải. Bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini kịch liệt phản ứng đề nghị này.
Các ngoại trưởng và bộ trưởng Nội Vụ của các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã họp tại thủ đô Pháp hôm 22/07, nhằm bàn về các vấn đề an ninh và nhập cư sau cuộc họp tại Phần Lan vào tuần trước.
Ông Macron phát biểu sau buổi họp : “Kết luận của buổi họp sáng nay là, trên nguyên tắc có 14 quốc gia, vào thời điểm này, đồng thuận với đề nghị Pháp-Đức”. Tuy ông Macron không đưa chi tiết về bản thỏa thuận, nhưng ông cho biết các bước tiếp theo sẽ được triển khai một cách “nhanh chóng” và “tự động”.
Tình trạng người nhập cư tới châu Âu từ biển Địa Trung Hải là một vấn đề gây tranh cãi giữa các nước trong khu vực. Chính quyền Ý trước đó cho rằng bản thân nước này phải gánh chịu làn sóng người nhập cư lớn nhất, trong khi các nước khác không làm gì.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190723-14-quoc-gia-chau-au-dong-thuan-de-xuat-phan-bo-nguoi-ti-nan

Boris Johnson trúng cử lãnh đạo đảng Bảo thủ

và thủ tướng đề cử của Anh

Trong hai ông Boris Johnson và Jeremy Hunt, gần 160 nghìn thành viên đảng Bảo thủ đã chọn ông Johnson để làm lãnh đạo đảng này và ‘thủ tướng đề cử’.
Số phiếu và tên tuổi người thắng cuộc được công bố lúc 12 giờ 06 trưa 23/07/2019 ở London.
Ông Johnson (sinh năm 1964) được 92.153 phiếu, còn ông Hunt (sinh năm 1966) được 46.656 phiếu.
Trong bài diễn văn ngay sau đó, ông Johnson đã hô hào chống lại đảng Lao động đối lập và lãnh đạo Jeremy Hunt của đảng đó.
FB Live: Boris Johnson đắc cử lãnh đạo đảng Bảo Thủ và bình luận
Theresa May – Người tù trong dinh thủ tướng?
Lãnh đạo các nước nói chuyện với nhau thế nào?
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Brexit: EU sẽ có ‘mùa thu nóng’ vì Thủ tướng Anh?
Theo quy định, ông Johnson lên lãnh đạo đảng Bảo thủ và thay bà Theresa May để lập tân nội các cho nước Anh.
Có tên khai sinh là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, ông sinh ra trong gia đình thuộc tầng trên ở Anh và từng học ở trường Eton, rồi lên đại học Oxford.
Hôm thứ Ba, bà Theresa May đã có cuộc họp chính phủ mà bà chủ trì lần cuối ở cương vị thủ tướng.
Sang ngày thứ Tư 24/07, bà May sẽ vào Điện Buckingham đệ đơn từ nhiệm lên Nữ hoàng Elizabeth II, nguyên thủ quốc gia Anh.
Ngay sau đó, tân lãnh đạo đảng Bảo thủ Boris Johnson sẽ đi vào Điện Buckingham để xin với Nữ hoàng Elizabeth II quyền lập tân nội các.
Chừng nào chưa lập được nội các và đảm bảo có đa số ủng hộ trong Hạ viện, ông Johnson mới chỉ là thủ tướng ‘đề cử’ của Anh.
Vấn đề gai góc cho tân thủ tướng Anh, dù đó là ông Boris Johnson, hay ông Jeremy Hunt, là chuyện Brexit.
Ông Johnson đã ngay lập tức nhắc lại cam kết rằng Anh Quốc ra khỏi EU vào đúng ngày 31/10 năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49084886

Anh muốn cùng châu Âu

bảo đảm an ninh hàng hải ở vùng Vịnh

Mai Vân
Sau cuộc họp cuối cùng với thủ tướng Theresa May hôm 22/07/2019, Luân Đôn thông báo muốn cùng châu Âu bảo đảm an ninh cho tàu của Anh Quốc ở vùng Vịnh để tránh tái diễn vụ tàu dầu Anh bị Iran chặn giữ cuối tuần qua ở eo biển Ormuz. Đích thân ngoại trưởng Jeremy Hunt thông báo quyết định nói trên trước Nghị Viện Anh.
Thông tín viên RFI, Muriel Delcroix, tường thuật từ Luân Đôn :
« Anh Quốc không có khả năng quân sự để một mình bảo đảm an ninh cho tàu thương mại của mình đi qua eo biển Ormuz và cần được hỗ trợ ». Ông Jeremy Hunt đã giải thích như trên khi thông báo kế hoạch. Đây có thể là quyết định chót của ông với tư cách  ngoại trưởng, một cố gắng để giải quyết tình trạng khó xử của Anh trong khủng hoảng với Iran.
Đây là kế hoạch thiết lập lực lượng bảo vệ hàng hải châu Âu mà Luân Đôn vừa thảo luận với Đức, Pháp và một số quốc gia khác, và như thế cho phép Anh tách rời khỏi Mỹ.
Washington cũng đang cố thành lập lực lượng bảo vệ an toàn hàng hải từ nhiều tuần qua, nhưng đã không thuyết phục được ai, và nhất là Luân Đôn, vẫn muốn đứng cùng đồng minh châu Âu và cứu vãn hiệp định hạt nhân Iran, ngược lại với ông Trump, đã bỏ thỏa thuận và gây sức ép tối đa đối với Iran.
Có điều, không chắc là Boris Johnson, khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, sẽ tiếp tục đường lối hiện nay đối với Iran. Cho đến giờ, ông có vẻ thiên về cách tiếp cận của châu Âu trên hồ sơ Iran, nhưng trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, ông vẫn chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ. Ông vẫn nhớ lời của ông Trump hứa hẹn một « thỏa thuận thương mại tuyệt vời » với Anh sau Brexit.
Nhưng quan điểm của ông Johnson thường thay đổi theo mối lợi chính trị trước mắt, cho nên cũng không thể loại trừ quyết định bất ngờ giờ chót ».
Tổng thống Mỹ bác bỏ tin nhân viên CIA bị bắt ở Iran
Theo hãng tin Mỹ AP ngày 23/07, trả lời báo chí tại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã bác bỏ tin của Iran là đã bắt 17 người Iran làm việc cho CIA để dò xét chương trình hạt nhân Iran, cũng như các căn cứ quân sự.
Theo tổng thống Mỹ, đấy là « những tin bịa đặt. Iran hoàn toàn nói dối ». Ông Trump cho là Iran có rất nhiều vấn đề và muốn đánh lạc hướng, thay vì đàm phán về chương trình hạt nhân của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190723-anh-muon-cung-chau-au-bao-dam-an-ninh-hang-hai-o-vung-vinh

Brexit : Boris Johnson đánh cược với rủi ro

Tú Anh
Liệu người lên thay Theresa May ở ghế thủ tướng Anh có sách lược nào khả thi để đưa con tàu Liên Hiệp Anh rời bến cảng châu Âu với ít thiệt hại nhất ? Boris Johnson đe dọa sẽ ly khai không cần thỏa thuận. Nhưng trên thực tế, chủ nhân mới ở số 10 Downing Street thủ trong tay ít nhất ba lá bài với ít nhiều may rủi, tùy theo Bruxelles rộng lượng đến đâu.
Trong bài phân tích chiến lược Brexit của Boris Johnson và cơ may thành công khi lên thay Theresa May, AFP thẩm định lãnh đạo đảng bảo thủ chỉ có ba giải pháp : thương lượng một thỏa thuận mới, chỉ giữ những điều khoản có lợi hoặc hy vọng lòng hào hiệp của Châu Âu.
Đàm phán lại
Giải pháp lý tưởng nhất, theo Boris Johnson, là hy vọng tìm được một thỏa thuận Brexit mới, thay thế dự thảo hiệp định Brexit mà bà Theresa May đạt được với Bruxelles nhưng rồi bị Quốc Hội Anh bác bỏ đến ba lần trong ba lần biểu quyết.
Vấn đề là Boris Johnson, tuy tuyên bố là từ nay đến 31/10, sẽ nỗ lực để Luân Đôn ra đi đúng kỳ, hạn nhưng những người chủ trương Brexit không tin là sẽ có phép lạ, vì thời gian không cho phép : Nghị Viện Anh nghỉ hè, Luân Đôn và Bruxelles phải thành lập phái bộ đàm phán mới… Làm cách nào để trong vòng vài tuần của tháng 9 và tháng 10, hai bên có đủ thời gian xem xét lại 585 trang hiệp định ? Liên Hiệp Châu Âu đã báo trước, không chấp nhận thay đổi một câu, trừ phần tuyên bố chính trị đính kèm về mối quan hệ mới giữa hai bên.
Lấy phần có lợi
Nếu kế hoạch A không được, thủ tướng mới của Anh sẽ tung lá bài thứ hai : Yêu cầu Nghị Viện Anh biểu quyết chấp thuận các điều khoản « tốt nhất » trong dự thảo thỏa thuận của Theresa May mà chính Nghị Viện, với các dân biểu cùng phe đã bác bỏ đến ba lần. Các điều khoản « tốt nhất » là những điểm ít gây bất đồng như quyền công dân Châu Âu, vấn đề an ninh chung và hợp tác đối ngoại. Tạm thời, vấn đề « tái lập kiểm soát biên giới » giữa Bắc Ailen thuộc Anh và Cộng Hòa Ailen độc lập mà không bên nào muốn, sẽ được gác qua một bên.
Boris Johnson còn sử dụng hóa đơn 50 tỷ euro phải nộp cho Châu Âu trong khuôn khổ Brexit để gây áp lực với Bruxelles theo chiến thuật trao đổi : Nếu muốn được khối tiền này, châu Âu phải để cho Luân Đôn tiếp tục thừa hưởng quy chế ưu đãi về thương mại của một thành viên, cho đến khi ký được một thỏa thuận Brexit mới, mà theo cam kết của Boris Johnson sẽ xảy ra trước thời điểm 2022, khi Anh Quốc bầu lại Quốc Hội mới. Vấn đề là Boris Johnson tuy được đa số đảng viên cơ sở ủng hộ, nhưng lại không được đa số dân biểu bảo thủ trong Nghị Viện Anh hiện nay tin cậy, cho nên kế hoạch 2 cũng khá rủi ro.
Lòng hào hiệp của Châu Âu
Cuối cùng, chỉ còn giải pháp thứ ba, là hoàn toàn trông cậy vào lòng bao dung của 27 thành viên còn lại. Nhưng giới lãnh đạo Châu Âu không thể rộng lượng hơn với Luân Đôn, vì như thế chẳng khác nào khuyến khích các thành viên dùng vũ khí ly khai để bắt chẹt. Do vậy, Boris Johnson mới tung lá bài « Brexit không thỏa thuận ». Nhưng kịch bản này là ác mộng đối với giới doanh nghiệp và tài chính : Anh Quốc, do một mình, sẽ bị tổn hại nghiêm trọng hơn châu Âu về mặt kinh tế và sẽ đơn độc hơn trên bàn cờ quốc tế.
Lá bài thứ tư ?
Tình hình căng thẳng tại vùng Vịnh Ba Tư có lẽ sẽ làm cho Boris Johnson thấy Anh Quốc cần châu Âu nhiều hơn. Trong bối cảnh này, cựu thủ tướng Tony Blair, qua diễn đàn của báo chí châu Âu trong tuần, đưa ra kế hoạch 4 : tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit.
Hỏi lại ý kiến người dân để có một hướng đi dứt khoát, theo đúng nguyện vọng của đa số, không bị đánh lừa bởi những chính trị gia mị dân, trong đó có Boris Johnson, như trong kỳ trưng cầu dân ý lần đầu vào năm 2016.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190723-brexit-boris-johnson-danh-cuoc-voi-rui-ro

Pháp đối phó với đợt nóng mới

Gia Hưng
Nắng nóng tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người dân tại Pháp. Công ty điện lực quốc gia Pháp EDF tạm đóng cửa hai lò phản ứng hạt nhân. Tỉnh Loire-Atlantique (phía tây nước Pháp) gặp hạn hán, chính quyền yêu cầu người dân hạn chế sử dụng nước.
Công ty EDF hôm 22/07/2019 thông báo đóng cửa tạm thời hai lò phản ứng hạt nhân tại khu vực Golfech (thuộc tỉnh Tarn-et-Garonne). Lò phản ứng số 2 tại Golfech sẽ được tạm dừng vào tối 23/07, tiếp theo đó là lò phản ứng số 1 vào ngày 24/07. Hai lò phản ứng sẽ được  hoạt động trở lại vào ngày 30/07.
Hai lò phản ứng này sử dụng dòng nước sông để làm nguội trước khi xả lại nước xuống sông. Tuy nhiên, nhiệt độ nước thải không được phép vượt quá một mức độ nhất định, nếu không sẽ gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái.
Còn tại tỉnh Loire-Atlantique, theo hãng tin AFP, chính quyền địa phương hôm 22/07 đã ra lệnh hạn chế sử dụng nước, bao gồm cấm tưới vườn, rửa xe, và bơm nước vào bể bơi. Thành phố Nantes cũng đưa ra thông cáo giảm 40% lượng nước được tiêu thụ mỗi ngày, đặc biệt là lượng nước dùng cho vệ sinh công cộng và tưới cây tại các vườn và công viên. Tình trạng thiếu mưa kéo dài, kèm với nhiệt độ tăng cao, đã khiến khu vực bao quanh sông Loire được đặt vào tình trạng khủng hoảng.
Theo thông cáo của cơ quan khí tượng Pháp Meteo-France, nhiệt độ lên cao kỷ lục vào ban đêm tại các tỉnh miền tây nam. Vào đêm qua, tại khu vực Merignac, Bordeaux, nhiệt độ đạt mức kỷ lục 24,8°C. Còn tại Toulouse, nhiệt độ ban đêm cũng đạt kỷ lục, lên 24,6°C tại khu vực Blagnac và 25,1°C tại Francazal.
Gần như toàn bộ nước Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động “màu cam”.
http://vi.rfi.fr/phap/20190723-nuoc-phap-doi-pho-voi-dot-nong-moi

Iceland, điểm đến du lịch đắt nhất châu Âu

Tuấn Thảo
Bạn có biết quốc gia châu Âu nào tương đối nhỏ nhưng giá sinh hoạt lại rất đắt đỏ ? Trả lời câu hỏi này, hầu hết du khách Pháp đều nghĩ trước hết tới Thụy Sĩ, sau đó là Na Uy. Nhưng thật ra trong số các nước có đời sống đắt đỏ nhất châu Âu, đứng đầu vẫn là… Iceland.
Theo phụ trang văn hóa báo Le Figaro ngày 22/07/2019, từ áo quần, giầy dép, thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, tiền vé di chuyển…, giá hàng hóa hay giá các dịch vụ tiêu dùng ở Iceland đều rất cao. Tính trung bình, giá cả ở Iceland đắt hơn 56% so với các nước châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, trong khi chênh lệch giữa Thụy Sĩ với các quốc gia láng giềng là khoảng từ 35% đến 40%.
Tại Iceland, một chiếc bánh pizza phô mai thông thường được bán với giá 17 euro (so với 11,7 euro tại Paris và Bordeaux), giá nhà trọ sinh viên lên tới 50 euro một đêm (giá trung bình tại Paris là 18 euro), một cặp vợ chồng đi ăn nhà hàng cỡ trung bình phải thanh toán khoảng 85 euro, chưa kể đến rượu vang (50 euro tại Paris cho hai thực klhách).
Giá sinh hoạt của hòn đảo Bắc Âu làm cho nhiều du khách Pháp phải chắc lưỡi chau mày khi ghé thăm Iceland. Họ biết là Iceland đắt hơn Pháp, nhưng không ngờ là đắt đến như vậy, vì nếu thật tình phải so sánh trong từng lãnh vực, vùng đất lạnh Iceland đắt hơn cả Thụy Sĩ hoặc Na Uy, vốn nổi tiếng là những quốc gia có đời sống cao nhất nhì châu Âu.
Theo số liệu chính thức do cơ quan Eurostat công bố vào cuối tháng 06/2019, trên lãnh vực mua sắm hàng hóa và giá dịch vụ tiêu dùng Iceland dẫn đầu bảng (quần áo, bàn ghế, điện thoại, đồ gia dụng, nhà hàng, khách sạn, giao thông…) vượt qua mặt tất cả các nước châu Âu khác. Ngoại trừ rượu, thuốc lá và một số thực phẩm, Iceland đứng hạng nhì, chỉ thua Na Uy, nhưng vẫn cao hơn Thụy Sĩ.
Riêng về điểm này, mạng thông tin của sách hướng dẫn du lịch Le Guide des Routards cho biết thêm chi tiết, nếu phải so sánh giá sinh hoạt hai thành phố Reykjavik với Paris, thủ đô Iceland đắt hơn thủ đô Pháp 71% về giá phòng khách sạn, 38% nhà hàng, 44% giá thực phẩm, 52% tiền vận chuyển, 57% phí tham quan giải trí, 36% tiền mua sắm…
Vì sao chênh lệch giữa Iceland và các nước châu Âu khác lại cao đến như vậy ?
Theo ông Konrad Gudjonsson, trưởng ban kinh tế làm việc Phòng Thương mại quốc gia, Iceland là một quốc gia vừa nhỏ, vừa không có nhiều dân. Khoảng 357.000 dân sống trên đảo Iceland phần lớn phụ thuộc vào các mặt hàng nhập khẩu, hầu hết các nhu yếu phẩm cũng như hàng hóa dùng trong cuộc sống thường nhật đều là ‘‘hàng ngoại’’. Đất nước Iceland nhỏ đến nỗi các công ty kinh doanh bản địa rất khó thể nào có được một mô hình kinh tế tương tự như các công ty lớn hơn gấp 100 lần ở những nước châu Âu khác.
Theo Viện Thống kê Quốc gia Iceland, mức lương trung bình trên hải đảo này là khoảng 4.450 euro (chưa trừ thuế) và mức lương tối thiểu là 2.376 euro (cao gần gấp đôi so với Pháp). Giá đồng krone của Iceland tương đối cao, khiến cho lạm phát cũng có chiều hướng đi lên so với những năm trước. Dân Iceland có lẽ đã quá quen với giá sinh hoạt cao do đa số là hàng nhập khẩu. Nhưng du khách nước ngoài, đặc biệt là dân Ý, khó thể nào hình dung được một chiếc bánh pizza đắt gấp đôi so với ở xứ của họ.
Iceland từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng vào năm 2008, ngành kinh tế ngân hàng Iceland gần như phá sản. Nhưng Iceland không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, và nhờ biết thắt lưng buộc bụng, kèm theo việc phá giá đồng tiền, người dân cũng cố gắng chịu đựng khi phải trả thêm thuế, Iceland dần dần thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhưng trong vòng nhiều năm liền, dân Iceland mất một phần ba sức mua, mặc dù lương bổng của họ không hề thay đổi.
Ngày nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Iceland được duy trì ở mức thấp 2,5% so với đa số các nước châu Âu. Tuy nước này đã tìm lại được mức tăng trưởng (khoảng 2,8%) trong năm 2019, nhưng mức tăng trưởng này vẫn chưa thật sự là bền vững. Kinh tế Iceland trước đây dựa trên ngành đánh cá và dịch vụ tài chính ngân hàng. Quốc gia này cũng tìm thấy một nguồn lợi tức đáng kể nhờ du lịch.
Nước này thu hút 2 triệu du khách hàng năm, tức cao gấp 6 lần dân số (350.000 người). Iceland có nhiều suối nước nóng tự nhiên, phong cảnh núi lửa vô cùng hoang sơ, thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ. Iceland cũng có nhiều nguồn năng lượng sạch như địa nhiệt và thủy lực, cho dù chưa được khai thác đúng mức. Rất nhiều clip quảng cáo, video ca nhạc hay phim truyện màn ảnh lớn thường được quay tại Iceland, và nhờ vậy mà thu hút thêm khách du lịch bốn phương.
Tuy nhiên, khác với trường hợp của Bồ Đào Nha, được xem như là điểm đến số 1 của châu Âu năm 2019, giá sinh hoạt đắt đỏ làm khựng lại đà phát triển của ngành du lịch Iceland. Gần đây, sự kiện công ty hàng không quốc gia Icelandair buộc phải tạm thời ngưng sử dụng các máy bay 737 MAX, cũng như hãng hàng không giá rẻ WOW Air tuyên bố phá sản hồi tháng 03/2019, đã khiến cho nhân viên các ngành liên quan tới du lịch như khách sạn, nhà hàng hay tổ chức tour tham quan lại càng cảm thấy bấp bênh hơn. Ngành du lịch Iceland có nhiều tiềm năng, nhưng tương lai chưa hẳn là tươi sáng.
http://vi.rfi.fr/xa-hoi/20190723-iceland-diem-den-du-lich-dat-nhat-chau-au

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

lan rộng ở Đông Nam Á

James GallagherPhóng viên khoa học và sức khỏe, BBC News
Các nhà nghiên cứu từ Anh và Thái Lan cho biết, ký sinh trùng sốt rét kháng các loại thuốc chủ chốt đã lây lan nhanh chóng ở Đông Nam Á.
Ký sinh trùng xuất hiện từ Campuchia sang tới Lào, Thái Lan và Việt Nam, nơi một nửa số bệnh nhân không được chữa khỏi bằng thuốc tiêu chuẩn tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu nói rằng những phát hiện này làm gia tăng “nỗi lo đáng sợ” việc ký sinh trùng kháng thuốc có thể lan sang châu Phi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết tác động có thể không nghiêm trọng như ước lượng ban đầu.
Ba thách thức cho ngành y tế toàn cầu
Nhân loại sẽ không tránh khỏi đại dịch cúm chết chóc?
Khủng hoảng vì niềm tin thấp vào tiêm vắc-xin
Thời nay người ta chết chủ yếu vì lý do gì?
Chuyện gì đang xảy ra?
Sốt rét được kết hợp điều trị bằng hai loại thuốc – artemisinin và piperaquine.
Phương pháp kết hợp này được bắt đầu sử dụng ở Campuchia từ năm 2008.
Nhưng đến năm 2013, những trường hợp đầu tiên của ký sinh trùng đột biến và phát triển đề kháng với cả hai loại thuốc đã được phát hiện ở các vùng phía Tây của nước này.
Nghiên cứu mới nhất, được công bố trên Lancet Infectious Diseases, đã phân tích mẫu máu của các bệnh nhân ở khắp Đông Nam Á.
Kiểm tra DNA của ký sinh trùng cho thấy sự kháng thuốc đã lan rộng khắp Campuchia và cả ở Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Ký sinh trùng cũng đang có thêm nhiều đột biến hơn nữa, làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn.
Ở một số vùng, 80% ký sinh trùng sốt rét đã kháng thuốc.
“Chủng này đã lan rộng và trở nên tồi tệ hơn”, Tiến sĩ Roberto Amato, từ Viện Wellcome Sanger, nói với BBC News.
Vậy có phải bệnh đang trở nên không thể điều trị?
Không.
Một nghiên cứu thứ hai, được công bố trên cùng một tạp chí, cho thấy một nửa số bệnh nhân không được chữa khỏi bằng liệu pháp tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, có những loại thuốc thay thế có thể được sử dụng để chữa.
Giáo sư Trần Tịnh Hiền, thuộc ban Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford, tại Việt Nam, cho biết “Với sự lan rộng và tăng cường khả năng kháng thuốc, những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh đến nhu cấp bách phải áp dụng các phương pháp điều trị ban đầu mới”.
Điều đó có thể bao gồm sử dụng các loại thuốc khác nhau cùng với artemisinin hoặc sử dụng kết hợp ba loại thuốc để loại bỏ khả năng kháng thuốc.
Mối lo ngại là gì?
Đã có những tiến bộ lớn trong nỗ lực loại bỏ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, sự phát triển của các chủng ký sinh trùng kháng thuốc đang đe dọa quá trình này.
Vấn đề khác là nỗi lo việc kháng thuốc lan rộng hơn và đến Châu Phi, nơi có hơn 90% trường hợp mắc bệnh.
Giáo sư Olivo Miotto, từ Viện Wellcome Sanger và Đại học Oxford, cho biết: “Chủng ký sinh kháng thuốc này có khả năng xâm chiếm các vùng lãnh thổ mới và có được các đặc tính di truyền mới, làm tăng khả năng đáng sợ rằng nó có thể lây lan sang châu Phi, nơi hầu hết các trường hợp sốt rét xảy ra, tương tự như việc kháng chloroquine trong những năm 1980, gây ra hàng triệu ca tử vong”.
Điều này ảnh hưởng thế nào đến cư dân Đông Nam Á?
Những phát hiện này sẽ không làm thay đổi nhiều cuộc sống hàng ngày của người dân ở vùng sông Mê Kông, Đông Nam Á.
Xử lý bệnh sốt rét không chỉ đơn thuần là chọn đúng phương pháp điều trị sau khi bị nhiễm trùng.
Tất cả những nỗ lực xung quanh việc kiểm soát muỗi truyền bệnh sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng các loại thuốc được cung cấp để điều trị sẽ thay đổi.
Các nghiên cứu cũng cho thấy phân tích di truyền của ký sinh trùng sốt rét có thể giúp các bác sĩ đi trước một bước với tình trạng kháng thuốc để đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn cho bệnh nhân.
Đây có phải là bức tranh toàn cảnh?
Sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm sốt rét trong khu vực đang giảm.
Giáo sư Colin Sutherland, từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, cho biết: “Những ký sinh trùng rất đáng sợ, không có nghi ngờ gì về điều này”.
“Tuy nhiên, tôi tự hỏi liệu những ký sinh trùng này có thực sự thích nghi tốt vì nhìn rộng ra thì số lượng của chúng đang giảm”.
Ở Campuchia có:
262.000 ca sốt rét trong năm 2008
36.900 trường hợp mắc bệnh sốt rét năm 2018
Vì vậy, theo Giáo sư Sutherland, dù ký sinh trùng kháng thuốc chắc chắn đã lan rộng, nó không nhất thiết là mối đe dọa toàn cầu.
“Những tác động không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ”, ông nói.
Bệnh sốt rét nguy hiểm thế nào?
Có khoảng 219 triệu ca sốt rét trên toàn thế giới mỗi năm.
Các triệu chứng bao gồm cảm thấy lạnh và run rẩy sau đó là nhiệt độ cao với mồ hôi toát ra nhiều diễn ra theo chu kỳ.
Nếu không điều trị, ký sinh trùng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp và suy nội tạng.
Căn bệnh này giết chết khoảng 435.000 người mỗi năm – hầu hết trong đó là trẻ em dưới năm tuổi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49080346

Hàn Quốc bắn súng cảnh cáo phi cơ Nga

 ’xâm phạm không phận’

Hàn Quốc đã bắn phát súng cảnh cáo vào một máy bay quân sự A-50 của Nga bay vào không phận nước này hôm thứ ba, Bộ Quốc phòng cho biết.
Các quan chức cho biết chiếc máy bay đã vi phạm không phận Hàn Quốc trên các đảo Dokdo / Takeshima, nơi bị Seoul chiếm đóng nhưng cũng là nơi Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Năm phi cơ TQ ‘bay sang hỏi thăm’ Hàn Quốc
Bắc Hàn bác đề nghị Olympic của Nam Hàn
Nam Hàn ngưng triển khai Thaad
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đã điều động chiến đấu cơ thả pháo sáng và bắn từ súng máy trên phi cơ.
Chiến đấu cơ Hàn Quốc bắn thêm những phát súng nữa khi máy bay Nga quay trở lại sau đó ít phút.
Cả thẩy, phía Hàn đã bắn 360 phát súng cảnh cáo.
Đây là lần đầu tiên sự kiện thuộc loại này xảy ra giữa Nga và Hàn Quốc.
Hàn Quốc nói chuyện gì đã xảy ra?
Quân đội Hàn Quốc cho biết chiếc máy bay này là một trong ba máy bay chiến đấu của quân đội Nga và hai của Trung Quốc, vào sáng thứ Ba, đã bay vào Khu vực Nhận dạng Phòng không Hàn Quốc (KADIZ), nơi máy bay ở nước ngoài phải tự xác định trước.
Máy bay ném bom và máy bay trinh sát của Nga và Trung Quốc thỉnh thoảng đã bay vào khu vực này trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết một trong những chiếc máy bay của Nga đã bay xa hơn và đi vào không phận lãnh thổ của đất nước vào lúc khoảng 09:00 giờ địa phương.
Máy bay F-15k và F-16k của Hàn Quốc đã được triển khai để chặn đầu chiếc phi cơ Nga.
Người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, Chung Eui-yong, đã đưa ra phản đối mạnh mẽ với Hội đồng Bảo an Nga, và yêu cầu hội đồng đưa ra hành động thích hợp.
“Chúng tôi có một cái nhìn rất nghiêm túc về tình huống này và, nếu nó được lặp đi lặp lại, chúng tôi sẽ có hành động mạnh mẽ hơn nữa”, văn phòng của tổng thống Hàn Quốc dẫn lời ông Chung nói.
Không có bình luận nào từ phía Nga hay Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49081666

Kim Jong-un thị sát

tàu ngầm mới mang tên lửa đạn đạo

Lãnh đạo Bắc Hàn Jong-un vừa có chuyến thị sát một tàu ngầm lớn mới được chế tạo, thông tấn xã KCNA hôm 23/7, phát tín hiệu rằng Bắc Hàn có thể đang tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM), theo Reuters.
Ông Kim đã kiểm tra dữ liệu vận hành, chiến thuật và hệ thống vũ khí chiến đấu của tàu ngầm mới vốn được chế tạo dưới ‘sự chú ý đặc biệt’ của ông, và sẽ hoạt động ở vùng biển ngoài khơi phia đông nước này.
KCNA cho biết việc vận hành tàu ngầm này đã gần kề.
Bắc Hàn phát triển phần mềm giáo dục ý thức hệ
Tân hiến pháp Bắc Hàn nói ông Kim là nguyên thủ
Mỹ nói đóng băng phải là khởi đầu việc phi hạt nhân hóa
Năng lực hoạt động của tàu ngầm là một yếu tố quan trọng trong an ninh quốc phòng của nước ta nơi đường biên giới ở phía đông và phía tây giáp biển, ông Kim nói.
KCNA không mô tả loại hệ thống vũ khí mà tàu ngầm này sở hữu, hoặc cuộc thị sát của ông Kim diễn ra khi nào, ở đâu.
Bắc Hàn có một hạm đội tàu ngầm lớn nhưng chỉ có một tàu ngầm thử nghiệm được biết đến có khả năng mang tên lửa đạn đạo.
Các nhà phân tích cho rằng dựa trên kích thước của tàu ngầm mới, nó dường như được thiết kế để mang tên lửa.
“Chúng tôi có thể thấy rõ rằng đó là một tàu ngầm khổng lồ – lớn hơn nhiều so với chiếc hiện có vốn được biết đến từ năm 2014,” Ankit Panda, thành viên cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết.
“Tôi thấy điều quan trọng là thông điệp chính trị ở đây, rằng đây là lần đầu tiên kể từ một cuộc diễu hành quân sự tháng 2/2018, ông Kim đã kiểm tra một hệ thống quân sự được thiết kế để mang và vận chuyển vũ khí hạt nhân.”
“Tôi coi đó là một tín hiệu đáng ngại rằng chúng ta nên thực hiện thời hạn cuối năm của Kim Jong Un, để có những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ một cách nghiêm túc nhất.”
Bắc Hàn đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và vào năm 2016, sau một vài năm phát triển, đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, đồng thời theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Ông Kim đã tuyên bố tạm ngưng thử nghiệm ICBM và vũ khí hạt nhân khi tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Con trai cựu ngoại trưởng Nam Hàn chạy sang Bắc Hàn
Bình Nhưỡng chỉ trích Mỹ ngay sau cuộc gặp Trump-Kim
Báo cáo về tàu ngầm Bắc Hàn được đưa ra trong bối cảnh cuộc đối thoại giữa Mỹ và Bắc Hàn bị trì hoãn sau khi ông Kim và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đồng ý tại một cuộc họp tại biên giới Panmunjom của Hàn Quốc vào ngày 30/6 về các cuộc đàm phán hạt nhân.
Trump cho biết các cuộc đàm phán như vậy có thể diễn ra trong hai hoặc ba tuần tới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, đến Hàn Quốc vào 23/7 để gặp các quan chức an ninh.
Trong quá trình kiểm tra tàu ngầm, ông Kim đi cùng với các quan chức đóng vai trò chính trong việc phát triển tên lửa và có thể là vũ khí hạt nhân.
Nhóm giám sát 38 North có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết vào tháng 6/2018 rằng Bắc Hàn dường như đang tiếp tục chế tạo tàu ngầm tại Nhà máy đóng tàu Sinpo, có thể là một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Sinpo khác, dựa trên hình ảnh vệ tinh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49079946

Hong Kong máu đổ –

Bắc Kinh đứng sau lưng cuộc khủng bố?

Bản tin trên Facebook Việt Tân: tối ngày 21 tháng Bảy, 2019, sự kiện kinh hoàng đã diễn ra tại quận Yuen Long. Khi những người biểu tình trên đường trở về ga MTR, đột nhiên xuất hiện một đám người hung hãn mặc áo trắng cầm gậy gộc đứng chờ sẵn.
Một số người bị tấn công đổ máu. Nhiều người đã gọi cảnh sát khẩn cấp nhưng không nhận được sự quan tâm và hồi đáp từ phía cảnh sát.
Theo trang Phong trào Dù vàng Hong Kong cho biết, nhà lập pháp Lam Cheuk Ting đứng ra ngăn cản cũng đã bị đánh chảy máu miệng. Đồng thời Phóng viên ghi được nhà lập pháp Junior Ho của đảng DAB bước ra cùng đại ca của băng áo trắng.
Qua sự kiện xảy ra, nhiều người nghi ngờ, có phải cuộc tấn công này, chính quyền Bắc kinh đã đứng sau lưng để chỉ đạo?
Việc sử dụng băng đảng, côn đồ đánh đập người biểu tình là phương pháp khủng bố thường xuyên được nhà cầm quyền Trung Quốc áp dụng để trấn áp những người phản đối chống chế độ trong nhiều năm qua tại Trung Quốc. Cũng cần ghi nhận thêm: thủ đoạn dùng côn đồ đàn áp biểu tình cũng được sử dụng thuần thục ở Việt Nam.
Sự kiện băng đảng áo trắng cầm gậy gộc xuất hiện, đứng chờ sẵn để tấn công người biểu tình. Đây là những hành động có chủ ý, có tổ chức.
Theo bản tin trong ngày của thông tấn CNN loan báo, cảnh sát chống bạo động Hong Kong đã bắn hơi cay vào người biểu tình ở Hong Kong tối Chủ Nhật 21/07
Cuộc đụng độ vào Chủ nhật là cuộc đối đầu mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu bạo lực, khi phong trào phản kháng phát triển thành một lời kêu gọi cải cách dân chủ rộng lớn hơn.
https://www.sbtn.tv/hong-kong-mau-do-bac-kinh-dung-sau-lung-cuoc-khung-bo/

Bảo vệ tự do dân chủ,

dân Hồng Kông bị coi “hỗn” với Mẹ Tổ quốc

Thu Hằng
Tính đến 21/07/2019, người dân Hồng Kông đã bảy lần xuống đường chống dự luật dẫn độ, đòi tổ chức điều tra độc lập về tình trạng bạo lực trong các cuộc tuần hành. Sau đỉnh điểm hơn 1 triệu người hôm 09/06, cuộc biểu tình ngày 21/07 đã thu hút hơn 430.000 người với khẩu hiệu : “Không bạo lực, đoàn kết và không chia rẽ”.
“Không bạo lực”, vì phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông không muốn lặp lại sự cố hàng chục thanh niên tấn công trụ sở Nghị Viện Hồng Kông. Tuy nhiên, đến tối 21/07, rất nhiều người đã tấn công Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên họ chuyển mục tiêu tấn công sang các cơ sở của chính quyền trung ương. Hành động này có thể sẽ bị Bắc Kinh coi là nhằm thách thức chủ quyền quốc gia.
Phong trào biểu tình yêu cầu những gì ? Người dân Hoa lục nhìn phong trào đấu tranh ở Hồng Kông như thế nào ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist ở Hồng Kông, đã trả lời một số câu hỏi của RFI tiếng Việt.
G.S. J-P. Cabestan-Hongkong23/07/2019Nghe
RFI : Thưa giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chính phủ Hồng Kông đã phải lùi bước khi tuyên bố dự luật dẫn độ “đã chết”. Nhưng người biểu tình không chấp nhận và tiếp tục xuống đường. Phong trào này sẽ đi tới đâu ? Mục đích của họ là gì ?
G.S. Jean-Pierre Cabestan : Tôi cho rằng mục tiêu của phong trào hiện nay lớn hơn nhiều. Nói theo một cách nào đó, phong trào đã thành công vì đã buộc được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đình chỉ dự luật dẫn độ, thậm chí bà tuyên bố là dự luật trên “đã chết”, nhưng lại không nhắc đến việc “rút”dự luật đó. Có thể là bà muốn tìm cách chơi chữ và không dùng đúng những từ mà những người biểu tình muốn bà phải sử dụng.
Vấn đề ở chỗ là những yêu sách của người biểu tình còn rộng hơn, triệt để hơn. Trước tiên, đó là thuyết phục được chính phủ mở một cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực ở các bên, kể cả từ phía cảnh sát, trong cuộc biểu tình hôm 12/06, cũng như trong cuộc tuần hành ngày 01/07.
Hiện giờ, phong trào cũng mang mầu sắc chính trị hơn nhiều kể từ ngày 01/07, bởi vì phong trào cũng có yêu sách tương tự với phong trào Dù vàng, và vì phong trào muốn gây sức ép với chính phủ Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh để chính quyền phải khởi động lại dự luật cải cách chính trị và phải có những nhượng bộ cho người dân Hồng Kông về một nền dân chủ hoàn toàn, khác với năm 2014.
Phải chăng người dân Hồng Kông đang lo bị mất các quyền tự do, dân chủ ?
Người dân Hồng Kông rất gắn bó với quyền tự do công cộng của họ, cũng như tự do về chính trị mà họ được hưởng từ rất nhiều năm nay, cũng như những bảo đảm về tư pháp mà họ có thể được hưởng, bởi vì hệ thống tư pháp của Hồng Kông vẫn rất độc lập, về cơ bản là độc lập trừ khi Quốc Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh can thiệp và diễn giải một cách hạn chế luật pháp Hồng Kông. Nhưng trong đa số trường hợp, tư pháp Hồng Kông độc lập.
Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều quyền tự do khác mà người dân Hồng Kông được hưởng, như tự do truy cập internet, đa đảng, bầu cử ở cấp địa phương phần nào đó mang tính dân chủ… Có nghĩa là có rất nhiều quyền tự do chính trị hông hề tồn tại ở Hoa lục. Và người dân Hồng Kông rất gắn bó với toàn bộ những quyền tự do này.
Người Trung Quốc Hoa lục nhìn nhận các cuộc biểu tình ở Hồng Kông như thế nào ?
Rất khó để đưa ra một câu trả lời tổng hợp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhìn chung người Trung Quốc ở Hoa lục khó hiểu được những gì đang xảy ra ở Hồng Kông. Họ có một chút coi thường người dân Hồng Kông, tương tự như người dân Hồng Kông cũng coi thường người dân Hoa lục vì họ kém văn minh, cư xử thô lỗ, ít quan tâm đến các quyền tự do chính trị. Đúng là ở Hoa lục, có rất ít những đòi hỏi công khai về dân chủ.
Người dân ở Hoa lục không hiểu được làn sóng phản đối luật dẫn độ, vì họ nghĩ rằng Hồng Kông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và như vậy phải chịu mọi quy định của Hoa lục. Theo tôi, đây chính là lý do khiến khoảng cách về những giá trị giữa Hồng Kông và Hoa lục sẽ còn khá lớn.
Nói một cách khác, Hồng Kông vẫn còn có những giá trị chính trị theo khuynh hướng tự do, như đa đảng, các quyền tự do căn bản… Đó là truyền thống chính trị tự do tồn tại từ lâu, được người Anh du nhập vào, dù dưới thời đó, Hồng Kông không có dân chủ hoàn toàn. Những giá trị đó đã tồn tại trước khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Còn tại Hoa lục, tồn tại chế độ “chuyên quyền của đảng Cộng sản”, nên vắng bóng văn hóa dân chủ. Tại Hoa lục, văn hóa dân chủ vừa bị trấn áp, vừa bị gạt sang bên lề. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại, vẫn có một luồng tư tưởng tự do trong giới tinh hoa Trung Quốc, mà chúng ta có thể nhận thấy qua một số phong trào, như của Lưu Hiểu Ba cho tới khi ông qua đời, hoặc phong trào lập hiến hiện nay… Nhưng phải nói rằng những phong trào này rất hiếm và thường bị trấn áp.
Người dân Hồng Kông còn biểu tình ở ga Kowloon, nơi có nhiều du khách Trung Quốc tới. Liệu cách làm của họ có mang lại kết quả không ?
Đó phần nào là mục đích của những người biểu tình Hồng Kông. Tôi không vào được bên trong nhà ga, vì cảnh sát canh giữ xung quanh khu vực này. Người biểu tình muốn tác động đến người dân từ Hoa lục tới. Nhưng tôi nghĩ rằng thành công của ý tưởng này phần nào bị hạn chế.
Điều này làm tôi nhớ đến phản ứng của người dân Hoa lục về phong trào Dù vàng. Ở Bắc Kinh chẳng hạn, phản ứng rất tiêu cực, họ coi người dân Hồng Kông như những đứa con được nuông chiều, bạc bẽo với Mẹ Tổ quốc. Phản ứng ở Thượng Hải cũng khá tiêu cực.
Nhưng ngược lại, ở Quảng Đông, nơi người dân được thông tin nhiều hơn về những gì xảy ra ở Hồng Kông bằng các phương tiện khác nhau, vì họ không chỉ bắt được truyền hình, nghe đài phát thanh Hồng Kông, mà họ còn có gia đình sống ở Hồng Kông, nên vẫn đi lại giữa Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông và có điều kiện trao đổi với nhau. Vì thế, phản ứng của họ về những gì diễn ra ở Hồng Kông không gay gắt bằng, dù nhìn chung người dân vẫn phản đối các phong trào ở Hồng Kông.
Tôi xin kể câu chuyện một người bạn, là chủ một cơ sở may váy cưới ở Đông Quản (Dongguan), một thành phố ở miền nam tỉnh Quảng Đông. Tôi đến thăm cơ sở cách đây một tháng và công nhân ở đó nói rằng phong trào chống dự luật dẫn độ là một âm mưu của Mỹ, có nghĩa là do Mỹ chỉ đạo và đó là sự can thiệp của nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, vào nội bộ Trung Quốc.
Điều này cho thấy sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc tác động khá lớn đến người dân, trong đó có những người thuộc tầng lớp bình dân. Họ không có phương tiện thông tin nào khác ngoài truyền thông nhà nước. Trong khi chúng ta đều biết, phong trào phản đối ở Hồng Kông không phải do nước ngoài giật dây, mà tự phát trong xã hội đặc khu, vì người dân Hồng Kông rất gắn bó với những quyền tự do của mình.
Phải nhắc lại là xã hội Hồng Kông còn được hình thành từ những người lưu vong năm 1949, chạy trốn chế độ Cộng sản. Vì thế, văn hóa chính trị ở Hồng Kông – thông qua những gia đình, lịch sử gia đình hay thảm kịch gia đình – cũng là lịch sử về những con người trốn chế độ Cộng sản, và họ thường chống chế độ Cộng sản.
Dù hiện tại chế độ Cộng sản ở Trung Quốc không phải như thời Mao, nhưng dù sao vẫn là một chế độ chính trị độc đảng và không phải là nền dân chủ, một đời sống chính trị tự chủ. Điều mà người ta thường quên, đó là gien của người dân Hồng Kông là gien chống Cộng sản.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190723-bao-ve-tu-do-dan-hong-kong-bi-coi-hon-voi-me-to-quoc

Bắc Kinh giận dữ

vì văn phòng đại diện ở Hồng Kông bị tấn công

Mai Vân
Tại Hồng Kông, cuộc đọ sức giữ người biểu tình với chính quyền thân Bắc Kinh gay gắt thêm, sau những sự cố trong cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 21/07/2019.
Công luận Hồng Kông vô cùng tức giận sau khi người biểu tình và nhà báo bị côn đồ mặc áo trắng tấn công làm cả chục người bị thương, mà cảnh sát hầu như không can thiệp.
Vài giờ sau khi cuộc tuần hành ôn hòa kết thúc, một số người đã đến trước trụ sở Văn Phòng Liên Lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông, ném trứng và mực vào quốc huy Trung Quốc. Đến lượt Bắc Kinh phản ứng tức tối.
Thông tín viên RFI tại Thượng Hải Angélique Forget tường thuật :
« Đối với Bắc Kinh đây là một sự lăng nhục. Văn Phòng Liên Lạc, tức là cơ quan đại diện chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông, đã bị làm hư hại. Theo bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh, đó là sự kiện “không thể chấp nhận được”.
Báo chí Trung Quốc cũng nhất loạt lên án: Tân Hoa Xã tố cáo hành vi “đe dọa chủ quyền quốc gia, phản đối chính quyền trung ương”.
Quốc huy Trung Quốc – một bức chạm hình tròn màu đỏ và vàng với hình Tử Cấm Thành với 5 ngôi sao vàng của lá cờ Trung Quốc – ở mặt tiền Văn Phòng Liên Lạc đã bị vẩy mực đen.
Đây là một hình ảnh mà chính quyền Trung Quốc, trong một động thái rất hiếm hoi, đã quyết định không kiểm duyệt, như thể họ muốn nắm trong tay và kiểm soát việc tường thuật về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh cho rằng hành vi lăng nhục này xúc phạm đến nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”. Thế nhưng, đấy chính là nguyên tắc mà người dân Hồng Kông đã ra sức bảo vệ trên đường phố từ đầu tháng Sáu đến nay ».
Tổng thống Mỹ tán đồng phản ứng của Trung Quốc
Theo AFP, tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm 22/07 đã khen ngợi phản ứng của chính quyền Trung Quốc trước các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Ông nói : « Tôi biết đây là một vấn đề rất quan trọng đối với chủ tịch Tập Cận Bình. Trung Quốc có thể chấm dứt ngay (các cuộc biểu tình) nếu muốn ». Theo tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc đã hành xử một cách « rất có trách nhiệm ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190723-ba%CC%81c-kinh-gia%CC%A3n-du%CC%83-vi%CC%80-to%CC%80a-da%CC%A3i-die%CC%A3n-o%CC%89-ho%CC%80ng-kong-bi%CC%A3-ta%CC%81n-cong

Cựu Thủ tướng Lý Bằng,

người đàn áp Thiên An Môn qua đời ở tuổi 90

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, bị giới hoạt động nhân quyền căm ghét vì vai trò trong cuộc đàn áp Thiên An Môn 1989, đã qua đời.
Những diễn biến chính của Thiên An Môn 1989
‘Khoảng 10.000′ người chết vụ Thiên An Môn
Tân Hoa Xã nói ông Lý Bằng, 90 tuổi, qua đời hôm 22/7 tại Bắc Kinh.
Ông Lý Bằng là Thủ tướng Quốc vụ viện thứ tư của CHND Trung Hoa, giữ chức từ 1987 tới 1998.
Cùng với lãnh tụ tối cao khi đó Đặng Tiểu Bình, ông Lý Bằng được xem là đóng vai trò chính trong việc ra lệnh đàn áp cuộc biểu tình năm 1989.
Ngày 20/5/1989, ông Lý Bằng lên truyền hình chính thức tuyên bố thiết quân luật ở Bắc Kinh.
Hai tuần sau, vào đêm 3 và 4 tháng 6, quân đội dập tắt biểu tình bằng cuộc đàn áp đẫm máu.
Mặc dù quyết định đưa quân vào Bắc Kinh là quyết định tập thể, nhưng ông Lý Bằng bị dư luận quy trách nhiệm chính.
Vương Đan, một thủ lĩnh sinh viên thời Thiên An Môn nay sống ở Mỹ, gọi ông Lý là “đồ tể”.
“Đánh giá mới về ngày 4/6 cần quy trách nhiệm cho họ Lý, ngay cả khi ông ta đã chết,” Vương Đan nói.
Năm 2014, ông Lý Bằng cho in hồi ký, nhưng chỉ kể chuyện tới năm 1983.
Ông Lý Bằng từng nói công trình Đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới bắt đầu làm từ 1994, là di sản chính trị chính của ông.
Gia đình ông Lý tiếp tục nắm giữ ảnh hưởng trong ngành điện quốc gia.
Con trai cả của ông, Lý Tiểu Bằng, hiện là bộ trưởng giao thông. Con gái của ông, Lý Tiểu Lâm, từng là phó chủ tịch công ty điện China Datang Corporation cho đến khi nghỉ hưu năm 2018.
Tuy vậy, với nhiều người, ông Lý Bằng mãi mãi bị nhớ tới là chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
Báo Hong Kong South China Morning Post nói trong sự kiện này, “hàng trăm, có thể hơn 1.000 người,” đã chết.
Trong thời gian diễn ra biểu tình năm 1989, Triệu Tử Dương đang là tổng bí thư.
Ngày 19/5, ông Triệu xuất hiện tại quảng trường, bày tỏ hòa giải với người biểu tình. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của ông. Ngay sau đó, họ Triệu bị cách chức.
Giang Trạch Dân trở thành tổng bí thư, chức vụ ông sẽ nắm tới năm 2002.
Ông Giang dùng từ “chính loạn” để chỉ sự kiện, trong một phỏng vấn năm 1989. Và kể từ đó, truyền thông nhà nước dùng từ này để nói về Thiên An Môn 1989.
Ông Lý Bằng sau này thường mạnh mẽ biện hộ cho sự kiện 1989.
Khi đến Áo năm 1994, ông nói: “Không có các biện pháp này, Trung Quốc lúc đó sẽ gặp tình hình còn tệ hơn Liên Xô hay Đông Âu.”
Trong những năm về sau, ông Lý có vẻ tìm cách giảm nhẹ vai trò của mình.
Trong một bản nhật ký tung lên mạng và nói rằng là của Lý Bằng, người viết trong nhật ký này nói rằng ông chỉ thi hành quyết định của Đặng Tiểu Bình, qua đời năm 1997, cùng các vị lão thành khác.
Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49045684

Ông Tập chỉnh đốn đảng cực mạnh,

Bắc Đới Hà siết an ninh sớm:

Tín hiệu về hội nghị bí ẩn nhất TQ?

Cụm từ “Cuộc chỉnh đốn tác phong Diên An” bắt đầu được cơ quan truyền thông đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần trong các ấn phẩm từ đầu tháng 7.
Trung Quốc phát động cuộc chỉnh đốn đảng quy mô lớn
Nhân kỷ niệm 98 năm thành lập ĐCSTQ, tạp chí Cầu thị – cơ quan của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 1/7 vừa qua đăng tải cuộc nói chuyện của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đề cập “Cuộc chỉnh đốn Diên An” nổi tiếng, nhấn mạnh vấn đề về “tư tưởng, chính trị, tổ chức, tác phong” trong ĐCSTQ chưa được giải quyết một cách căn bản.
Trong khi ông Tập liên tục tiến hành các cuộc thị sát đến nhiều địa phương, một chiến dịch “vận động chỉnh đốn” đã được triển khai bao trùm nhiều tầng lớp, quan chức cán bộ các cấp.
Bài viết do Cầu thị đăng tải là toàn văn phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị công tác giáo dục chuyên đề “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh”, diễn ra ngày 31/5. Ông Tập chỉ ra, Trung Quốc đứng trước điều kiện bên ngoài phức tạp, rủi ro thách thức ngặt nghèo, bất ổn, các nhân tố khó lường gia tăng, qua đó kêu gọi phát huy “tinh thần phấn đấu không sợ khó khăn, dám dũng cảm chiến đấu của thời kỳ chiến tranh cách mạng”.
Chủ tịch Trung Quốc phê bình một số cán bộ đảng viên chưa đạt yêu cầu mà trung ương đảng đề ra trong học tập lý luận, “chưa làm được việc đi theo chiều sâu, đi vào trong tim, đi vào thực tế”; các vấn đề nổi trội như “tư tưởng, chính trị, tổ chức, tác phong” không thuần khiết chưa được giải quyết căn bản; vấn đề “4 tác phong” chưa xử lý gốc rễ, chủ nghĩa hình thức, quan liêu vẫn hiện hữu.
Ông Tập đánh giá, các vấn đề nhức nhối trong ĐCSTQ đều có nguồn gốc từ “vấn đề về tư tưởng”.
“Kể từ cuộc vận động ‘chỉnh đốn tác phong Diên An’ đến nay, việc triển khai các kỳ hoạt động tập trung mang tính giáo dục đều lấy giáo dục tư tưởng đi đầu. Việc triển khai chuyên đề giáo dục lần này cần tăng cường vũ trang lý luận, tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi về tư tưởng,” ông Tập Cận Bình nói về chuyên đề giáo dục mà ông khởi xướng.
“Cuộc chỉnh đốn Diên An” là cuộc vận động chỉnh đốn tác phong quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ, do lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông phát động tháng 5/1941 tại căn cứ Diên An. Chiến dịch kéo dài 3 năm này yêu cầu các cơ quan xây dựng nhóm học tập một số văn kiện do trung ương chỉ định, các đảng viên tiến hành tự kiểm điểm, phê bình, điều chỉnh…
Tân Hoa Xã ngày 17/7 đưa tin, Tiểu tổ lãnh đạo chuyên đề giáo dục “Không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh” đã ban hành văn bản thông báo về triển khai hoạt động chỉnh đốn trong đảng này, yêu cầu quan chức các cấp nghiêm túc học tập quán triệt tinh thần chỉ thị quan trọng của ông Tập Cận Bình, “mang dũng khí tự giác và hướng mũi giáo vào bản thân để nhìn thẳng vấn đề, dùng dao thật súng thật để giải quyết vấn đề, nắm chắc 8 vấn đề nổi trội của chuyên đề chỉnh đốn được liệt kê trong chủ đề giáo dục”.
Thông cáo nhấn mạnh tất cả ban ngành, đơn vị phải tăng cường “4 ý thức”, kiên trì “4 tự tin” để thực hiện cao độ chính trị “2 bảo vệ” – gồm bảo vệ địa vị hạt nhân của Tổng bí thư Tập Cận Bình ở trung ương đảng và trong toàn đảng; bảo vệ sự lãnh đạo tập trung thống nhất và quyền uy của trung ương ĐCSTQ.
Ngày 17/7, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cũng đăng bài xã luận, đề cập chuyến thị sát Nội Mông Cổ của ông Tập Cận Bình để chỉ đạo triển khai chuyên đề giáo dục nêu trên. Trong đó, chủ tịch Trung Quốc yêu cầu các quan chức thực hiện “4 điều đến nơi đến chốn” – bao gồm nhân thức tư tưởng, kiểm tra nhìn nhận vấn đề, thực hiện chỉnh đốn, lãnh đạo tổ chức.
An ninh siết chặt sớm ở Bắc Đới Hà, sẵn sàng cho kỳ nghỉ hè quan trọng
Chiến dịch chỉnh đốn đảng quy mô lớn được chủ tịch Tập Cận Bình phát động trong bối cảnh kỳ nghỉ hè quan trọng thường niên ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, đang tới gần.
Tờ Nhật báo Hà Bắc đưa tin, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Vương Đông Phong đã tiến hành thị sát ở thành phố Tần Hoàng Đảo ngày 8-9/7, với sự tham gia của các quan chức cấp cao như Tỉnh trưởng Hứa Cần, Bí thư Ủy ban chính pháp tỉnh, Chánh văn phòng tỉnh ủy…
Ông Vương đã thị sát một số trạm kiểm tra, đồn công an, trạm cảnh sát, gọi đây là lực lượng quan trọng phục vụ quần chúng, bảo đảm an toàn ổn định của xã hội, “gánh vác trách nhiệm chính trị trọng đại”. Ông nhấn mạnh các lực lượng bảo an phải kiên định lập trường chính trị, gìn giữ an ninh ổn định không để xảy ra sai sót.
Trong thông cáo của cảnh sát Tần Hoàng Đảo ngày 29/6, khu vực Bắc Đới Hà sẽ tiến hành hạn chế phương tiện giao thông theo biển số xe trong thời gian 13/7-18/8. Thông cáo chỉ rõ các loại phương tiện bị giới hạn trên các tuyến đường xác định, đặc biệt là phương tiện vận tải súng, đạn dược, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ… bị cấm lưu thông. Thông cáo này được các nhà phân tích “ngầm hiểu” là kỳ nghỉ hè quan trọng ở Bắc Đới Hà sẽ diễn ra trong khoảng thời gian nêu trên.
Bắc Đới Hà là một trong những địa danh nghỉ hè mang ý nghĩa chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc. Kể từ mùa hè năm 2001, Bắc Kinh đã xây dựng chế độ nghỉ dưỡng mùa hè dành cho các
chuyên gia, nhà nghiên cứu,… Tính đến năm 2009, số chuyên gia được mời hàng năm là hơn 500 người.
Những người có đóng góp cho các lĩnh vực của đất nước được chính phủ mời đến Bắc Đới Hà nghỉ dưỡng với quy cách tiếp đón trọng thể gồm xe, khách sạn và bãi biển chuyên dụng phục vụ. Toàn bộ quy trình được Ban tổ chức trung ương ĐCSTQ cùng Cục quản lý các cơ quan thuộc Quốc vụ viện, Bộ công an, Bộ đường sắt,… phối hợp tổ chức. Trong thời gian nghỉ dưỡng của các chuyên gia, các thành viên ban lãnh đạo cao nhất Trung Quốc sẽ tổ chức gặp gỡ, tri ân.
Trước khi cơ chế nghỉ dưỡng dành cho chuyên gia được chế độ hóa, Bắc Đới Hà đã là nơi duy trì chế độ công tác mùa hè của ban lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, kể từ khi lãnh tụ Mao Trạch Đông đến đây vào đầu thập niên 1950.
Những kỳ nghỉ thường niên ở Bắc Đới Hà, thường vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, trở thành một diễn đàn kín quan trọng để các thế hệ lãnh đạo cũ-mới của Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi và đưa ra những đường hướng quan trọng để phát triển đất nước.
Chế độ công tác mùa hè tại Bắc Đới Hà chỉ được hủy bỏ vào năm 2003. Trung ương ĐCSTQ ra quyết định ngày 19/7/2003 nêu: “Mùa hè năm nay, đội ngũ lãnh đạo Trung ương đảng, Quốc vụ viện, Nhân đại toàn quốc, Chính hiệp toàn quốc, Quân ủy trung ương không đến làm việc tại Bắc Đới Hà. Người phụ trách cấp ủy và bộ ban ngành trung ương nếu công tác hoặc nghỉ dưỡng trong thời gian này cần nghiêm khắc tuân thủ quy định liên quan, không được phép tự ý đến Bắc Đới Hà nghỉ mát.”
Kể từ sau năm 2003, chương trình nghỉ dưỡng của ban lãnh đạo tại Bắc Đới Hà cũng như diễn đàn gặp gỡ giữa lãnh đạo các thế hệ – được biết đến với cách gọi “hội nghị Bắc Đới Hà” – đã trở thành một chương trình bí ẩn và không chính thức, trong khi Bắc Kinh không còn ra thông báo về sự “công tác mùa hè” ở Bắc Đới Hà của các lãnh đạo nữa.
Dù vậy, ngày nay kỳ nghỉ dành cho các chuyên gia, nhà khoa học diễn ra ở Bắc Đới Hà vẫn được giới quan sát ghi nhận là dấu hiệu các lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung tại thắng địa nghỉ dưỡng này, cũng như “cuộc họp kín” đã được tiến hành.
http://biendong.net/diem-tin/29387-ong-tap-chinh-don-dang-cuc-manh-bac-doi-ha-siet-an-ninh-som-tin-hieu-ve-hoi-nghi-bi-an-nhat-tq.html

TQ không tính điều quân đội

xử lý khủng hoảng ở Hồng Kông

Các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đang lập một chiến lược toàn diện, nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc), nhưng không tính đến chuyện tung quân đội (PLA) vào cuộc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18.7.
Các quan chức Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đang lập một chiến lược toàn diện, nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc), nhưng không tính đến chuyện tung quân đội (PLA) vào cuộc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 18.7.
Các nguồn tin nói ở giai đoạn này, Bắc Kinh vẫn đánh giá rằng cuộc khủng hoảng chính tr ị- những cuộc biểu tình bạo lực nhiều tuần qua ở Hồng Kông, nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc – nên để cho chính quyền Hồng Kông xử lý và Trung Quốc không can thiệp trực tiếp. Vẫn giữ nguyên nguyên tắc tránh đổ máu và duy trì Hồng Kông ổn định.
Bất chấp sự đồn đoán, Bắc Kinh không tính đến chuyện sử dụng PLA để giải quyết khủng hoảng. Một quan chức khác nói trung ương sẽ tiếp tục dựa vào người địa phương để giải tán đám đông biểu tình, hơn là dựa vào đơn vị quân PLA đang đồn trú ở Hồng Hông.
Tờ báo Hồng Kông dẫn nguồn tin nói chiến lược ấy sẽ sớm được trình lãnh đạo cấp cao, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Macau vào cuối năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Macau được trao trả cho Trung Quốc. Nước này cũng đang vào giai đoạn nhạy cảm chính trị: lãnh đạo cấp cao cùng các nguyên lãnh đạo đã nghỉ hưu vào cuối tháng 7 này sẽ họp kín ở Bắc Đới Hà, bàn các chiến lược quốc gia và đường lối chính sách.
Lễ kỷ niệm 70 năm ngày lập quốc cũng đang đến gần, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn. Vì vậy giới lãnh đạo Trung Quốc cần đạt đến sự nhất trí và thực hiện những chỉnh sửa cần
thiết. Tại cuộc họp kín, chắc chắn vấn đề Hồng Kông cũng sẽ được bàn đến – một học giả thân chính phủ Trung Quốc nói với SCMP.
Nhóm điều phối trung ương (cơ quan phụ trách Hồng Kông của Trung Quốc) do Phó thủ tướng Hàn Chính đã thu thập thông tin cùng các đề xuất do các cán bộ thực địa trình, và đang cố gắng xác lập một chiến dịch toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, theo một quan chức Trung Quốc biết cuộc họp của nhóm. Người này nói: “Lãnh đạo cấp cao đang để mắt đến Hồng Kông”.
Từ khi bùng nổ những cuộc biểu tình hồi đầu tháng 6, Trung Quốc đã cử nhiều cán bộ đến Hồng Kông để thu thập thông tin và ý kiến của nhiều lĩnh vực. Các nguồn tin nói lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã bị bất ngờ trước tầm cỡ của các cuộc biểu tình, và họ không hài lòng về các kênh tình báo truyền thống ở Hồng Kông đã không thể nắm bắt chính xác cảm xúc của người dân.
Một cố vấn của chính phủ Trung Quốc đề nghị giấu tên, nói với SCMP : “Rõ ràng hệ thống đó không làm việc tốt. Các ý kiến thật sự phản ánh tâm tư của người dân đã không được lắng nghe. Lãnh đạo trung ương không được báo động cho đến khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát… Chắc chắn sau này sẽ có sự thay đổi toàn bộ hệ thống”.
Mục đích trước mắt là phát triển một chiến lược để duy trì Hồng Kông ổn định, đề phòng nổi loạn lan rộng và tránh không để tác động tới các chính sách quan trọng của đất nước. Vị quan chức cũng nói Bắc Kinh sẽ chỉ chỉnh sửa chiến lược dài hơi một khi tình hình Hồng Kông ổn định.
Một cố vấn khác nói giải pháp trước mắt là “dụ rắn ra khỏi hang”, có nghĩa chấp nhận một thế phòng thủ và chờ đối phương để lộ toàn bộ chiến lược và ý đồ.
Theo SCMP, xem ra điều này cho thấy Bắc Kinh xác nhận cuộc bất ổn ở Hồng Kông không còn là “sự cố địa phương nhỏ lẻ”, và đang có thế lực nước ngoài hoạt động nhằm gây bất ổn cho tổng thể kế hoạch phát triển của Trung Quốc. Biện pháp đề phòng leo thang căng thẳng chính yếu là tránh đổ máu trong khi tập hợp và củng cố sức mạnh cho phía thân Trung Quốc.
Một nguồn tin đã giúp chuẩn bị cáo báo và đề xuất trình Bắc Kinh nói việc cách chức Đặc khu trưởng của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ chỉ gây thêm hoang mang, xem thường quyền lực của chính quyền đặc khu và gây chia rẽ phía thân Trung Quốc. Vì chưa có ứng viên thay bà Lâm, việc cách chức bà cũng sẽ chỉ khiến gây ra đấu đá nội bộ ở các nhóm thân Bắc Kinh, khiến họ mất tập trung và mất năng lực.
Các nguồn tin của SCMP còn nói về lâu dài, chính quyền Hồng Kông cần nắm bắt những tệ nạn, khuyết điểm của họ và chỉnh sửa. Họ nói theo quan điểm của Bắc Kinh, cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa lãnh đạo Hồng Kông với chính quyền trung ương.
Các nguồn tin cũng nói Bắc Kinh vẫn xem cảnh sát Hồng Kông là lực lượng chính để duy trì ổn định và hòa bình ở thành phố này: “Họ là tuyến phòng thủ cuối cùng, cần được ủng hộ bằng mọi giá”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/29389-tq-khong-tinh-dieu-quan-doi-xu-ly-khung-hoang-o-hong-kong.html

Quan chức Trung Quốc đã có mặt đông đủ

ở cuộc họp mật, tính kế thương chiến với Mỹ?

Lịch làm việc, danh sách tham dự đều bí mật nhưng có những dấu hiệu cho thấy sự kiện này đã diễn ra, như các biện pháp hạn chế giao thông có hiệu lực từ thứ Bảy đến 18/8.
Thương chiến với Mỹ, biểu tình ở Hồng Kông bao trùm hội nghị
Những dấu hiệu của mùa hè đã đến với khu nghỉ dưỡng phía Bắc Trung Quốc Bắc Đới Hà: những chiếc dù đã bung, giao thông được kiểm soát và các lãnh đạo Đảng ở khu vực ghé qua để đảm bảo mọi sự chuẩn bị đã đâu vào đấy cho những vị khách quan trọng nhất.
Bắc Đới Hà, địa điểm được gọi là thủ đô mùa hè của Trung Quốc, cách Bắc Kinh hơn 200 cây số, hằng năm đều là nơi diễn ra cuộc họp có sự tham gia của những lãnh đạo Đảng hàng đầu, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, các cố vấn cao cấp cũng như những lãnh đạo đã nghỉ hưu.
Trong khi lịch làm việc, danh sách khách mời và ngày chính thức diễn ra đều trong vòng bí mật nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự kiện này đã diễn ra, như là các biện pháp hạn chế giao thông có hiệu lực từ thứ Bảy và kéo dài đến 18/8.
Cuộc họp năm nay, dường như sẽ không có sự tham gia của ông Tập và các lãnh đạo tại nhiệm cho đến đầu tháng sau, có thể bàn thảo sâu hơn về những mối nguy mà Trung Quốc phải đối mặt cả trong và ngoài nước.
Kết quả của cuộc họp này sẽ dự báo trước những thay đổi chính sách của Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình chậm lại của nền kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại đang căng thẳng với Mỹ và kế hoạch kỷ niệm 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sự bất ổn ở Hồng Kông, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và lễ kỷ niệm 70 năm có thể sẽ chi phối các cuộc thảo luận ở Bắc Đới Hà trong năm nay, Minxin Pei, tác giả của cuốn sách Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc, đồng thời là giáo sư tại trường Claremont McKenna ở California, Mỹ cho hay.
Về một số vấn đề cụ thể như các cuộc đàm phán thương mại, kết luận từ Bắc Đới Hà có thể có tác động quyết định, ông nói thêm.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được tổ chức khi có những nghi ngại về khả năng đưa ra một thỏa thuận đình chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tiếp tục đe dọa áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, ngay cả sau khi đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại trong cuộc gặp với ông Tập tháng trước ở Nhật.
Hơn nữa, những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần ở Hồng Kông nhằm phản đối dự luật dẫn độ, và việc bà Thái Anh Văn, có hy vọng chiến thắng nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 tại Đài Loan cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Các quan chức Trung Quốc phụ trách Hồng Kông đang thực hiện một “chiến lược toàn diện” để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại đây và sẽ sớm trình lên lãnh đạo cấp cao, tờ South China Morning Post đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn nguồn thạo tin.
Củng cố vị thế lãnh đạo của ông Tập
Cuộc họp ở Bắc Đới Hà có truyền thống lâu đời từ thời của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông. Quyết định của cuộc họp này đã dẫn đến kế hoạch Đại nhảy vọt vào năm 1958.
Gần đây, sau các cuộc họp ở Bắc Đới Hà, đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng như truy tố thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai vào năm 2012 và việc tái cấu trúc của Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2015.
Cuộc họp này là nơi các nhà lãnh đạo tại nhiệm đi đến thống nhất trước các kỳ họp đảng quan trọng chính thức được tổ chức vào mùa thu ở Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu quốc gia sẽ “biến mất” khỏi sự theo dõi của công chúng trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp, tăng thêm sự bí ẩn xung quanh sự kiện này. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập hầu như không xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân nhật báo trong 15 ngày, từ 31/7 đến muộn nhất là 17/8.
Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ như thiên tai và các sự kiện lớn khác, chẳng hạn như khi ông Tập có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào 12/8. Vì vậy, việc lên kế hoạch cho các cuộc họp cấp cao, chẳng hạn như các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, sẽ khó khăn hơn.
Năm ngoái, cuộc họp ở Bắc Đới Hà dường như đã củng đã củng cố vị thế chính trị của ông Tập, nhà nghiên cứu Minxin Pei cho hay. “Thời điểm này, tôi cho rằng điều đó thậm chí còn quan trọng hơn khi một nhà lãnh đạo cứng rắn như ông Tập cần xây dựng sự ủng hộ từ nhân sự cấp cao bất cứ khi nào ông cần”, GS trường Claremont McKenna nhấn mạnh.
http://biendong.net/doc-bao-viet/29385-quan-chuc-trung-quoc-da-co-mat-dong-du-o-cuoc-hop-mat-tinh-ke-thuong-chien-voi-my.html

Ông Duterte: Tên lửa TQ tới Manila trong 7 phút,

không ‘dại’ mà phát động chiến tranh

Tổng thống Duterte khẳng định việc ông không có những hành động mạnh tay trên biển không phải là vì muốn đầu hàng mà để tránh xung đột với Trung Quốc.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Philippines đưa ra trong bài phát biểu thường niên về chính sách quốc gia hôm 22/7. Ông Duterte dành một phần trong bài phát biểu để lập luận rằng việc đối đầu với một quốc gia có yêu sách trên cùng vùng biển và một quân đội vượt trội là vô nghĩa.
“Tôi sẽ gửi thủy quân lục chiến của chúng tôi để xua đuổi ngư dân Trung Quốc. Nhưng khi đó, tôi đảm bảo với bạn rằng không ai trong số họ có cơ hội trở về. Nếu tôi gửi tàu khu trục mới của mình, chúng sẽ bị phá hủy vì những tên lửa sẵn có trên đảo đó”, ông Duterte nói trong bài phát biểu 1 tiếng rưỡi trước Quốc hội. Đảo mà ông Duterte đề cập là một rạn san hô bị Trung Quốc chiếm đóng để bồi đắp thành căn cứ quân sự.
“Thời gian ngắn nhất để các tên lửa này tới Manila sẽ chỉ là 7 phút. Bạn muốn chiến tranh không?”, ông Duterte nói thêm.
Vị Tổng thống nổi tiếng với nhiều phát biểu tranh cãi đang hứng không ít chỉ trích vì chính sách có phần “thân Trung Quốc” và rời xa đồng minh thân cận Mỹ. Nhiều ý kiến cáo buộc ông đang đánh bạc với chủ quyền quốc gia để theo đuổi các khoản đầu tư “hứa suông” của Bắc Kinh.
Khi ông Duterte phát biểu, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra nhiều giờ bên ngoài Quốc hội.
Các đối thủ chính trị của nhà lãnh đạo Philippines gây áp lực buộc ông phải có các biện pháp cứng hơn sau vụ tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân tàu cá Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Rong.
Ông cũng bị chỉ trích vì hời hợt thực thi các phán quyết mà Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hague đưa ra sau vụ kiện năm 2016 bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với biển Đông.
“Hãy để tôi đảm bảo với các bạn rằng, danh dự quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là điều quan trọng nhất trong tâm tưởng của tôi. Nhưng chúng ta phải tiết chế nó trước thời đại và thực tế mà chúng ta phải đối mặt ngày hôm nay”, ông Duterte nhấn mạnh.
http://biendong.net/bi-n-nong/29443-ong-duterte-ten-lua-tq-toi-manila-trong-7-phut-khong-dai-ma-phat-dong-chien-tranh.html

Tổng thống Philippines giải thích

lập trường mềm mỏng với TQ ở Biển Đông

Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines hôm thứ Hai (22/7) đã sử dụng bài phát biểu thường niên của ông tại Quốc hội để bảo vệ lập trường mềm yếu của ông đối với Trung Quốc và cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi đã khiến hơn 6.600 người thiệt mạng, theo New York Times.
Phát biểu trước các nhà lập pháp, Tổng thống Duterte nói rằng việc đối phó với Bắc Kinh đã buộc ông phải “thực hiện một hành động cân bằng tinh tế”.
Sự “tinh tế” mà ông Duterte đề cập được cho là ám chỉ chính sách thân Trung Quốc mà ông thực hiện trong 3 năm qua.
Không lâu sau khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã phát động chiến dịch càn quét ma túy dẫn đến hàng ngàn người bị giết ngoài vòng pháp luật. Khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác lên án những vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte phản ứng bằng việc đảo ngược lập trường thân Mỹ của những người tiền nhiệm, tuyên bố “chia tay” Hoa Kỳ để theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
Sau đó, ông Duterte nói rằng phán quyết về Biển Đông của tòa án quốc tế chỉ là một “mảnh giấy”, gác bỏ một chiến thắng theo đơn kiện của Philippines chống lại yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược. Tháng trước, người phát ngôn của ông cho biết tổng thống cho phép Trung Quốc có thể đánh bắt hải sản tại các vùng biển đặc quyền của Philippines trên Biển Đông.
Cũng trong tháng 6 vừa qua, nhà lãnh đạo Philippines đã khiến công chúng phẫn nộ vì im lặng trước vụ việc tàu Trung Quốc đánh chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân trên biển. Các ngư dân may mắn được một tàu cá Việt Nam giải cứu và đưa đến một tàu Philippines khác. Trong một bình luận muộn màng sau vụ việc, Tổng thống Duterte nói rằng vụ đánh chìm tàu chỉ là một “tai nạn nhỏ”.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội  hôm 22/7, ông Duterte giải thích lập trường mềm mỏng với Trung Quốc của ông là để tránh gây chiến với quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Một cuộc chiến bằng súng là một cấp số nhân về đau buồn và thống khổ”, ông Duterte nói. “Chiến tranh để lại những góa phụ và trẻ mồ côi. Tôi chưa sẵn sàng hoặc có khuynh hướng chấp nhận sự xuất hiện của sự hủy diệt hơn nữa, nhiều góa phụ hơn và nhiều trẻ mồ côi hơn nếu chiến tranh xảy ra, dù ở quy mô hạn chế.”
Trên cơ sở đó, ông Duterte nói rằng ông quyết tâm hành động một cách hòa bình, và “chú ý đến thực tế rằng niềm tự hào dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ đang bị đe dọa”.
Khả năng Mỹ lập căn cứ ở Philippines chống tham vọng Trung Quốc trên Biển Đông
Ông Duterte nói rằng Trung Quốc đã lắp đặt tên lửa dẫn đường ở Biển Đông có thể bắn tới thủ đô Manila của Philippines trong vòng vài phút.
“Các vị có muốn chiến tranh không?”, ông Duterte chất vấn các đại biểu Quốc hội. Tổng thống Philippines nói rằng khi ông nhận được cảnh báo đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, “tôi có thể làm gì chứ?”
Theo AP, ông Duterte cũng nói: “Nếu tôi gửi thủy quân lục chiến của mình đi đánh đuổi ngư dân Trung Quốc, tôi đảm bảo rằng không một ai trong số họ sẽ sống sót trở về nhà”.
“Khi ông Tập nói rằng ‘tôi sẽ đánh bắt [hải sản]’, ai có thể ngăn cản ông ấy?”
Ông Duterte nói rằng chính phủ của ông đã đạt được nhiều thành tích, trong đó có việc chống tham nhũng. Tuy nhiên những bất bình về mối quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến chống ma túy đã làm lu mờ những thành tựu khác, theo NYT.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29446-tong-thong-philippines-giai-thich-lap-truong-mem-mong-voi-tq-o-bien-dong.html

Hệ quả ‘nghiêm trọng’ của Mật ước TQ-Campuchia:

Tiến sĩ Sophal Ear

Hoài Hương-VOA
Báo Wall St. Journal (WSJ) đưa tin Phom Penh đã ký một thỏa thuận mật cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân của Campuchia gần Sihanoukville, trong bối cảnh Trung Quốcđang vươn ra toàn cầu, và tận dụng sức mạnh kinh tế cũng như quân sự tích lũy bấy lâu để cố tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị trí cường quốc số 1 hiện nay. VOA-Việt ngữ phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị của Đại học Occidental, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế.
WSJ hôm 21/7 tường thuật rằng theo thỏa thuận mật được ký kết vào mùa xuân năm nay và được cả hai nước giữ kín, Trung Quốc được độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.
Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 cực lực bác bỏ tin này.
“Đây là tin tức bịa đặt tồi tệ nhất đối với Campuchia từ trước đến nay. Không thể có chuyện đó vì việc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trái với hiến pháp Campuchia.”
Ông Hun Sen chất vấn lại:
“Tại sao Campuchia lại cần sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ của mình chứ?”
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia cũng bác bỏ thông tin này, nói rằng đây là tin thất thiệt.
Ông Chum Socheat:
“Chúng tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, chúng tôi không hề phê chuẩn bất cứ căn cứ nào cho quân đội Trung Quốc hoạt động trên đất của Campuchia.”
Vậy tin này là tin có thật hay tin bịa đặt?
Một nhà khoa học chính trị chuyên về Campuchia và các vấn đề quốc tế, Phó Giáo sư Sophal Ear, trả lời VOA-Việt ngữ qua email.
“Tôi không tin là tình báo Mỹ loan truyền tin bịa đặt. Thông tin tình báo do Mỹ thu thập được qua trung gian các nhân viên tình báo cũng như các tín hiệu điện tử và những liên lạc giữa hai bên đã cung cấp một bản sao của dự thảo mật ước. Tất nhiên, tôi không có bản sao ấy trong tay. Nhưng nội sự việc Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia không kiện tờ Wall St. Journal cho thấy là không có cơ sở để kiện tờ báo này.”
Một số chi tiết của thỏa thuận cuối cùng không được xác định rõ rệt, nhưng theo dự thảo mật ước mà Mỹ có trong tay, thì Trung Quốc được sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, và sau đó mỗi 10 năm, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn. Trong thời gian này, Trung Quốc có toàn quyền đưa binh sĩ, trữ vũ khí và điều tàu chiến ra vào cảng này.
Trả lời câu hỏi của VOA-Việt ngữ, về những ảnh hưởng hay hệ quả có thể có đối với Đông Nam Á của mật ước Campuchia-Trung Quốc, nếu mật ước này được thi hành? Phó Giáo sư Sophal Ear nhận định:
“Những hệ quả của một mật ước như chúng ta vừa nói, tôi cho là rất nghiêm trọng. Campuchia thỏa thuận cho Trung Quốc duy trì khí tài trên đất Campuchia là một biến chuyển lớn. Đây sẽ là căn cứ đầu tiên của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á.”
Các hoạt động quân sự từ căn cứ hải quân này, phối hợp với sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng gần căn cứ Ream, sẽ tăng cường khả năng của Bắc Kinh để thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, trực tiếp đe dọa các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược.
WSJ tường thuật rằng theo dự thảo mật ước, nhân viên quân sự Trung Quốc không những có quyền mang vũ khí mà còn được mang sổ hộ chiếu Campuchia, và đáng quan tâm hơn nữa, muốn vào khu vực độc quyền của Trung Quốc tại căn cứ Ream, người Campuchia sẽ phải xin phép người Trung Quốc. Liệu điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã nhường lại “chủ quyền” của mình tại khu vực liên hệ trong thời gian thỏa thuận kín có hiệu lực?
Thỏa thuận có hiệu lực 30 năm, rồi sau đó cứ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm, thì thử hỏi có gì khác với một hiệp ước vĩnh viễn?
Tiến sĩ Sophal Ear
Giáo sư Sophal Ear không dấu được lo ngại:
“Nếu xảy ra thì đây sẽ là một bước nhượng bộ không thể được chấp nhận đối với bất cứ quốc gia nào. Các bạn có thể tưởng tượng người Mỹ được phép xài hộ chiếu Nhật trên đảo Okinawa không? Không! Chủ quyền sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu sổ hộ chiếu Campuchia được phân phát bừa bãi kiểu ấy. Campuchia sẽ là một nước thuộc địa của Trung Quốc. Và quả vậy: thỏa thuận có hiệu lực 30 năm, rồi sau đó cứ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm, thì thử hỏi có gì khác với một hiệp ước vĩnh viễn?”
Liệu Việt Nam và Đài Loan có nên lo ngại? Việt Nam là một trong những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, còn Đài Loan là đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một tỉnh lỵ ly khai của Trung Quốc mà một ngày nào đó, sẽ trở về với mẫu quốc -dù muốn hay không?
Giáo sư Sophal Ear:
“Việt Nam và Đài Loan nên lo lắng là đúng, bởi vi với những bước hành động mới nhất, Trung Quốc rõ ràng đã vươn ra và phóng sức mạnh quân sự của mình sâu vào lãnh thổ Campuchia, sát với Việt Nam, và đồng thời Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ ý định thâu tóm Đài Loan, kể cả bằng vũ lực. Mà không những chỉ có Việt Nam và Đài Loan phải lo, mà tất cả các nước khác cũng nên lo ngại, kể cả và nhất là người Campuchia.”
Theo WSJ, các quan chức Mỹ đang tìm cách thuyết phục Phom Penh thay đổi ý định. Ngoài ra, Washington còn bày tỏ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc ở Campuchia, Mỹ không dấu thái độ hoài nghi đối với một công trình nhiểu tỉ đô của tập đoàn UDG của Trung Quốc, để phát triển điều mà họ gọi là một “dự án du lịch”, đầy đủ với môt phi đạo dài và một cảng nước sâu ở tỉnh Koh Kong, phía Tây Preah Sihanouk.
Sân bay quốc tế Dara Sakor dự kiến sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2020. Sân bay vừa xây phi đạo dài nhất Campuchia, tới 3,2 km, có thể được sử dụng vào các mục đích quân sự.
Washington lo ngại tới mức Phó Tổng thống Mike Pence phải viết thư cho Thủ Tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11 năm ngoái, bày tỏ quan ngại về dự án này và khả năng Trung Quốc có thể thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia.
Vừa rồi là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Phó Giáo sư Sophal Ear và VOA-Việt ngữ. Phó Giáo sư Sophal Ear là một nhà khoa học chính trị, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế. Là một người gốc Campuchia, ông đã từng theo mẹ chạy sang Việt Nam tị nạn, rồi sau đó sang Pháp, và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ từ năm lên 10. Ông lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Princeton, Tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu có giá trị trong đó có “The Hungry Dragon”, “Rồng đói” bàn về cách mà Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự quốc tế, để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị thế cường quốc số 1 thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/he-qua-nghiem-trong-cua-mat-uoc-tq-campuchia-tien-si-sophal-ear/5012013.html

Căng thẳng gia tăng giữa Malaysia và TQ

Căng thẳng gia tăng giữa Malaysia và Trung Quốc trong nhiều tuần qua. Nguyên nhân theo phía Malaysia là Trung Quốc đã có nhiều hành động ngăn cản các hoạt động khảo sát và khai thác dầu của Malaysia.
Theo thông tin từ một Viện Nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ, Malaysia từng đưa hai tàu chở dầu, khí đốt đến Biển Đông, nhưng hai chiếc tàu này đã bất ngờ bị tàu hải giám Trung Quốc vây chặt, áp sát chỉ cách chưa đầy 100 mét. Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế khi trắng trợn ngăn chặn Malaysia khảo sát và khai thác dầu mỏ trong khu vực.
Không thể lặng im,Hải quân hoàng gia Malaysia (RMN) mới đây đã thể hiện sức mạnh của mình ở Biển Đông, như một thách thức với chính quyền Bắc Kinh. Những quả tên lửa chống hạm đã được khinh hạm KD Kasturi và trực thăng hải quân Super Lynx của RMN phóng đi trong cuộc tập trận hôm 15/7.
Tàu KD Kasturi phóng tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block II, do Pháp chế tạo, với tầm bắn 72 km. Máy bay trực thăng phóng cặp tên lửa diệt hạm Sea Skua, do Anh chế tạo, với tầm hoạt động 25 km.
Sự kiện quân sự đặc biệt này diễn ra ở quy mô lớn hơn, vũ khí hiện đại hơn, sau sự kiện khiến Bắc Kinh nổi giận vào năm 2014 – Malaysia phóng tên lửa chống hạm.
Vào thời điểm cách đây 5 năm, ông Mohamad Bin Sabu -Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã thẳng thắn tuyên bố: “Vụ phóng tên lửa thành công là bằng chứng cho thấy RMN sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở Biển Đông. Các hoạt động này nhằm đảm bảo hòa bình và lợi ích của cộng đồng hàng hải ở Biển Đông”.Tên lửa được phóng từ các tàu chiến Type FS 1500 lớp Kasturi và trực thăng tấn công Super Lynx.
Cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng phóng thử 6 tên lửa đạn đạo chống hạm vào các mục tiêu giả định. Vụ thử tên lửa này đã bị Mỹ lên án. Washington coi đây là hành động quân sự hóa nghiêm trọng của Trung Quốc ở Biển Đông.Hành động này trái với tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp.
Vì sao Malaysia lại tỏ ra cứng rắn như thế trước một láng giềng có sức mạnh quân sự, kinh tế lớn hơn gấp bội? Thái độ này chỉ có được khi vị Tổng thống mớiMahathir, 92 tuổi, nhậm chức. Sau chiến thắng, ông Mahathir nói thẳng sẽ đàm phán lại một số thỏa thuận với Trung Quốc.
Ông nói không úp mở rằng: “Malaysia không thấy có vấn đề gì về Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Vấn đề là chúng tôi không muốn thấy có quá nhiều tàu chiến trong khu vực, đơn giản vì một tàu chiến thì sẽ có thêm nhiều tàu chiến khác”.
Trước đó khi còn là ứng viên Tổng thống, ông Mahathir đã không ít lần sử dụng cụm từ “quan hệ một chiều” khi nói về sự phụ thuộc quá đáng của Malaysia đối với đồng vốn Trung Quốc, bởi Malaysia không được gì từ núi tiền đó. Tiêu biểu là những dự án đường sắt phía đông bán đảo Mã Lai trị giá 13 tỉ USD, dự án cảng Melaka Gateway 7,3 tỉ USD và hàng tỉ USD khác được Trung Quốc cam kết đổ vào các dự án đô thị, bất động sản, khu công nghiệp ở Malaysia.
Vậy là con bài cây gậy và củ cà rốt của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã không thực hiện được trước sự cứng rắn của ngài Tổng thống cao tuổi Malaysia. Về quân sự, khi Trung Quốc phóng tên lửa để đe nẹt nước khác thì Malaysia cũng sẵn sàng “tung chưởng”. Qua sự kiện này thấy rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước có vùng biển đang bị đe dọa xâm lấn bởi “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cần có thái độ quyết liệt, không nên quá trông đợi vào Mỹ, cũng như không nên quá sợ Trung Quốc như thái độ của Tổng thống Philippines Dutecter. Bởi càng nhân nhượng thì chủ nghĩa bá quyền càng có cơ phát triển, các ông chủ ở Trung Nam Hải càng lấn tới.
http://biendong.net/dam-luan/29381-cang-thang-gia-tang-giua-malaysia-va-tq.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.