Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 23/07/2019

Tuesday, July 23, 2019 6:54:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 23/07/2019

Hồng Kông :

Khi xã hội đen được huy động trấn áp biểu tình

Thời sự được các báo Pháp nhất loạt quan tâm chú ý là Hồng Kông với vụ tấn côngbạo lực vào người biểu tình đòi dân chủ tối Chủ Nhật 21/07. Lần này tác giả vụ tấn công người biểu tình không phải cảnh sát mà là những kẻ côn đồ, xã hội đen.
Hầu hết các tờ báo chính của Pháp đều có bài viết về sự kiện này. Le Monde khẳng định « những kẻ phá phách của hội Tam Hoàng tấn công người biểu tình ». Le Figaro nói cụ thể hơn : « các nhà hoạt động dân chủ tố cáo cảnh sát thông đồng với mafia được Bắc Kinh hậu thuẫn ». Libération chạy tựa bài viết : « Tại Hồng Kông, bóng hội Tam hoàng bao phủ trên các cuộc trấn áp ». Ngay cả nhật báo kinh tế Les Echos cũng không thờ ơ, đồng thanh lên tiếng với bài viết : « Tại Hồng Kông, cảnh sát để cho các băng đảng vũ trang đánh người biểu tình ».
Sự kiện diễn ra trong cuộc biểu tình của người Hồng Kông tối Chủ Nhật (21/07), theo ghi nhận của Libération, « nhiều người đàn ông mặc áo trắng đã tấn công dã man người biểu tình trong một trạm tàu điện ngầm. Những người này thuộc các tổ chức tội phạm ở Hồng Kông ».
Phóng viên của tờ báo đã thu thập nhiều nhân chứng đều cho biết hàng trăm kẻ côn đồ trang bị gậy gỗ và sắt, bịt mặt, bất ngờ tràn vào nhà ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, vô cớ tấn công dã man những người biểu tình. Cảnh sát có mặt tại chỗ đã làm ngơ, để mặc cho nhóm gangster hành động. Nhiều hình ảnh được tung lên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng bạo lực hỗn loạn, người biểu tình tay không chỉ biết la hét, hoảng loạn bỏ chạy trước những kẻ tấn công : 45 người đã phải nhập viện, trong đó 5 người bị thương nặng.
Những kẻ côn đồ còn ngăn chặn xe cứu thương tới. Thế nhưng, chính quyền không hề thông báo có vụ bắt giữ hay điều tra nào về những thủ phạm tấn công người. Tuy nhiên, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng  « lên án gay gắt » và cảm thấy « sốc » với vụ tấn công bạo lực này.
Theo Libération, 24 dân biểu ủng hộ dân chủ vùng đất bán tự trị của Trung Quốc đã ra thông cáo lên án « cảnh sát Hồng Kông đồng phạm với hội Tam Hoàng ».
Tờ báo nhắc lại : Các tổ chức bí mật đã được lập ra ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ 17, ban đầu nhằm lật đổ triều nhà Thanh, nhưng không thành. Cơ cấu của các tổ chức đó có thể phục vụ nhiều mục tiêu : Có những tổ chức hỗ trợ hoặc nghiên cứu triết học, hoặc hoạt động tội phạm. Các tổ chức đó dần dần tạo được ảnh hưởng lớn trong xã hội. Khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949, nhiều tổ chức bí mật như vậy co về Hồng Kông, Macao và Đài Loan… Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hiểu được lợi ích sử dụng các tổ chức bí mật như vậy. Năm 1994, tức là 3 năm trước khi thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc, một lãnh đạo Văn phòng Liên lạc với Bắc Kinh tại Hồng Kông khẳng định « chừng nào những người đó yêu nước thì ta phải quy tụ họ ».
Trong phong trào đòi dân chủ Dù Vàng năm 2014, những người biểu tình ôn hòa cũng đã bị những kẻ côn đồ không xác định được là ai tấn công.
Lần này cũng vậy. Libération cho biết : nhiều hình ảnh cho thấy những kẻ côn đồ đã trao đổi với cảnh sát hay những nghị sĩ thân Bắc Kinh. Tuy nhiên, không thể biết ai đứng đằng sau vụ tấn công.
Một luật sư tại Hồng Kông nhận định : « Có thể họ hành động theo lệnh thượng cấp của họ để chứng tỏ lòng trung thành với Bắc Kinh, hoặc họ đã được một cơ chế nào đó của đảng Cộng sản Trung Quốc huy động để « dạy cho người biểu tình một bài học »… Với cơ cấu tổ chức của hội Tam Hoàng, rất khó, thậm chí không thể tìm được đầu não chỉ huy vụ việc ».
Rõ ràng là hành động theo kiểu xã hội đen này là nhằm răn đe dân chúng xuống đường biểu tình. Nhưng theo nhiều nhà quan sát ở Hồng Kông, làm như vậy chỉ phản tác dụng, càng làm phong trào chống chính quyền thêm mạnh mẽ.

Hoa Vi giúp Bắc Triều Tiên làm mạng 3G ?

Vẫn liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết với hàng tựa thu hút sự tò mò của độc giả : « Những dự án tối mật của Hoa Vi ở Bắc Triều Tiên ».
Theo Les Echos, đó chính là các tài liệu mà nhật báo Mỹ Washington Post vừa mới thu thập được. Theo báo Mỹ, tập đoàn viễn thông Hoa Vi trong suốt 8 năm, từ 2008 đã giúp Bắc Triều Tiên xây dựng hạ tầng cơ sở cho mạng 3G. Vụ việc này bị bung ra không đúng thời điểm cho tập đoàn Trung Quốc, khi mà cuối tháng 6/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump vừa hứa giảm nhẹ trừng phạt với Hoa Vi.
Hoa Vi mang các sản phẩm mà họ sản xuất từ linh kiện của Mỹ nhập sang một trong những đất nước bị cấm vận của Mỹ và quốc tế bao vây tứ phía. Vụ việc này có thể khiến tập đoàn Trung Quốc sẽ phải hứng đòn trả đũa mới.
Tuy nhiên, theo nhật báo Mỹ, rất khó có thế xác định chính xác sự can dự của tập đoàn Trung Quốc. Hoa Vi không hành động riêng lẻ, mà có sự trợ giúp của Panda Information Technology. Công ty Nhà nước Trung Quốc này đưa thiết bị của Hoa Vi đến thành phố biên giới Đan Đông. Sau khi qua đất Bắc Triều Tiên, thiết bị được vận chuyển bằng đường sắt đến Bình Nhưỡng. Tại chỗ, Hoa Vi và Panda hướng dẫn thực hiện phần còn lại công việc từ một khách sạn rẻ tiền nằm giữa thủ đô Bắc Triều Tiên.
Theo bài báo, hai đối tác Trung Quốc này đã rời khỏi Bắc Triều Tiên năm 2016, khi cộng đồng quốc tế siết chặt vòng vây với Bắc Triều Tiên. Từ đó đến nay, mạng viễn thông Koryolink của Bắc Triều Tiên vẫn luôn hoạt động với thiết bị Hoa Vi. Khi được hỏi, Hoa Vi đã giải thích trong một thông cáo họ « chưa từng có hiện diện thương mại nào » ở Bắc Triều Tiên.

Anh : Boris Johnson,

thêm một lãnh đạo ngông nghênh ?

Chuyển sang một thời sự khác chiếm trang nhất của các báo : Ai sẽ là tân thủ tướng Anh ? Mọi sự chú ý đang dồn vào ông Boris Johnson chuẩn bị tiếp quản chính phủ của Theresa May, người đã phải ra đi vì sau gần 2 năm không đưa nổi con tàu Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Đây là sự kiện chính của Libération. Trang nhất của tờ báo đăng toàn bộ bức ảnh ông Boris Johnson, dáng vẻ tự tin, tay đút túi quần, tóc bay trong gió, miệng mở rộng. Người ta không biết ông đang nói hay hét. Một bức ảnh khắc họa phần nào của chính trị gia ăn nói bỗ bã, không biết kiêng nể ai.
Nhật báo thiên tả của Pháp dành những lời nhận xét không mấy thiện cảm cho vị thủ tướng tương lai của Anh trong bài viết mang tựa đề : « Boris Johnson, anh hề tương lai của nữ Hoàng Anh ». Libération gọi ông là « kẻ nói dối, dương dương tự đắc, ám ảnh vì tiền… nhưng lại được khen vì tính lập dị ». Tờ báo bình luận, Boris Johnson sẽ là « nhân vật điên khùng thứ 3 trên trường quốc tế sau Donald Trump và Jair Bolsonaro (tổng thống Brazil) ».
Libération nhắc lại, mới đây khi người ta hỏi ông đã phải hy sinh những gì để vào được ngôi nhà số 10 phố Downing (phủ thủ tướng Anh). Tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi, tay đưa lên gãi mái tóc rối bù, ông nói : « Đó là chuyện tế nhị, lẽ ra tôi có thể kiếm được rất, rất nhiều tiền hơn nữa, nếu tôi không làm chính trị ». Câu nói này được Libération nhận xét là đã « khái quát khá rõ một nhân vật quan tâm đến thu nhập của mình nhiều hơn là những phẩm chất mà người ta có thể hy vọng vào một lãnh đạo đất nước như Vương Quốc Anh ».
Tỏ ra độ lượng hơn Libération, Les Echos nhận xét : « Boris Johnson có thể sẽ lãnh đạo đất nước theo cách như đã làm từ 2008-2016 khi ông còn là đô trưởng Luân Đôn, tức là thả nổi tự do hóa về kinh tế, xã hội ». Theo Les Echos, sự khác biệt giữa Boris Johnson và Theresa May là rõ rệt : « Ông ta có tất cả những gì bà May không có… Theresa May tâm huyết với việc xử lý hồ sơ Brexit theo cách tốt nhất, có phương pháp và thực tế… trong khi ông Johnson thì không bao giờ cạn nguồn lạc quan nhưng không có cơ sở nào ».

Mùa hè nóng bỏng,

nước Pháp hạn hán nghiêm trọng

Thời sự trang nhất của Le Figaro là nước Pháp đang lo đối phó với một đợt hạn hán cực kỳ khắc nghiệt. Mối lo của người Pháp giữa mùa hè nóng bỏng này chiếm 3 trang của Le Figaro.
Theo dự báo của nhà khí tượng, nước Pháp đang bước vào tuần nắng nóng kỷ lục thứ 2 trong mùa hè này. « Nước Pháp nóng, còn đất thì khát », Le Figaro ghi nhận. Theo tờ báo, đến lúc này đã có 73 tỉnh ở trong tình trạng báo động thiếu nước, phải hạn chế sử dụng trong lúc một đợt nắng nóng mới bắt đầu ở Pháp và nhiều nước láng giềng. Nạn hạn hán đang đe dọa nông nghiệp Pháp.
Còn nhiều vấn đề khác liên quan đến hạn hán mà Pháp phải đối mặt. Ngay cả các nhà máy điện hạt nhân cũng phải giảm tốc độ hoạt động. Các nhà máy phát điện hạt nhân vẫn cần rất nhiều nước để làm nguội các lò phản ứng. Với các nhà máy gần kề các con sông đang cạn dần vì nắng hạn thì đây quả là vấn đề lớn. Đừng nghĩ điện hạt nhân không liên quan gì đến nguồn nước.

Tour de France :

Le lói giấc mơ người Pháp chiến thắng

Cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp bước vào tuần thi đấu cuối cùng. Lần đầu tiên kể từ năm 1985, người Pháp mới dám mơ đến một chiến thắng chung cuộc cho tay đua nước chủ nhà của vòng đua danh giá nhất thế giới này.
Tờ báo thể thao L’Equipe chạy tựa lớn trang nhất : « Hy vọng điên rồ » trên bức hình 2 tay đua Pháp : Julian Alphilippe, đang giữ Áo Vàng và Thibault Pinot đang xếp thứ 4 bảng xếp hạng tổng thể. Hai tay đua này đang ở vị trí thuận lợi nhất từ trước tới nay để giành chiến thắng chung cuộc. Từ năm 1985 đến nay, người Pháp mới có được một kịch bản khả thi chiến thắng ở cuộc đua của nước Pháp.
Thế nhưng có điều, theo Le Monde, trên vòng đua dài hơi này, các nghi ngờ không mấy khi tách rời chiến thắng, đó là nghi ngờ dùng doping. Các tay đua càng thi đấu với hiệu suất cao, càng gây bất ngờ bao nhiêu thì càng bị soi kỹ và đã không ít lần các tay đua bị tước bỏ vinh quang.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Trung Quốc : Cựu thủ tướng Lý Bằng qua đời, thọ 90 tuổi. 
Nhân vật chủ chốt trong cuộc đàn áp ở Thiên An Môn, đã qua đời vào 23 giờ 15 (giờ địa phương) ngày 22/07/2019, sau thời gian dài bị bệnh, theo thông báo của Tân Hoa Xã. Hãng tin Trung Quốc ca ngợi một « nhà cách mạng vô sản đáng phục ». Đối với thế giới, tên ông Lý Bằng gắn liền với cuộc đàn áp đẫm máu phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989.
(Reuters) – TT Philippines lại biện minh cho lập trường nhún nhường trước Trung Quốc tại Biển Đông. 
Trong bài phát biểu trước Quốc Hội Philippines vào hôm 22/07/2018, ông Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh rằng việc ông không muốn thách thức Trung Quốc trên Biển Đông không phải là thái độ đầu hàng, mà là vì ông muốn tránh xung đột. Ông giải thích rằng không nên làm điều vô nghĩa khi đối phó với một quốc gia tranh chấp cùng một vùng biển với mình mà lại có quân đội hùng mạnh hơn mình rất nhiều.
(AFP) – Pháp tìm thấy một chiếc tàu ngầm bị mất tích cách nay hơn 50 năm. 
Trên mang Twitter ngày 22/07/2019, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cho biết đã tìm ra xác tàu ngầm Minerve ngoài khơi cảng Toulon, miền Nam nước Pháp. Con tàu này đã mất tích một cách bí ẩn trên Địa Trung Hải vào năm 1968 với đoàn thủy thủ 52 người. Xác con tàu đã được tàu khảo sát Mỹ Seabed Constructor của hãng tư nhân Ocean Infinity tìm thấy ở vùng biển cách Toulon 45 km và ở độ sâu 2.370 m.
(AFP) - Syria : Chiến đấu cơ oanh kích, 70 người thiệt mạng.
Tại Syria, gần 70 người, trong đó có 50 người dân, đã thiệt mạng hôm 22/07/2019, trong một cuộc không kích tại các tỉnh tại Idleb và Hama. Theo Tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, các oanh tặc cơ Nga đã thả bom vào một khu chợ tại thành phố Maaret al-Numan. Phía Matxcova phủ nhận cáo buộc này.
(AFP) -Tổng thống Mỹ đạt thỏa thuận với phe Dân Chủ về ngân sách. 
Trên mạng Twitter ngày 22/07/2019, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận với phe Dân Chủ trên hồ sơ ngân sách nhà nước và mức nợ công trong 2 năm tới. Đây là tin vui đối với các nghị sỹ Mỹ, do thỏa thuận này sẽ giúp Hoa Kỳ tránh khỏi nguy cơ chính phủ « shutdown » khác, cũng như trường hợp liên bang vỡ nợ.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.