Nga - Trung hợp lực để đối đầu với Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin, ngày 05/06/2019.REUTERS/Evgenia Novozhenina/Pool
Chuyến viếng thăm Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Matxcơva với phương Tây, cũng như vào lúc đang có chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh với Washington. Tình hình này buộc hai nước phải hợp lực với nhau để đối đầu với Mỹ.
Trước khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Matxcơva ngày 05/06/2019, hai bên đã không ngớt lời ca ngợi mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Hôm 04/06, cố vấn của điện Kremlin Iouri Ouchakov nhắc lại rằng Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngay sau khi quốc gia cộng sản này tuyên bố thành lập năm 1949.
Về phần chủ tịch Tập Cận Bình, trả lời thông tấn xã Tass của Nga, ông đã gọi tổng thống Vladimir Putin là “người bạn thân thiết nhất” và theo lãnh đạo họ Tập, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung hiện nay là “tốt đẹp nhất” trong lịch sử.
Thật ra, trong bối cảnh hiện nay, xét thuần túy về mặt kinh tế, Nga cần đến Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần đến Nga. Từ năm 2014, châu Âu và Hoa Kỳ đã thi hành các biện pháp trừng phạt Nga, do cuộc khủng hoảng Ukraina cũng như do việc Matxcơva sát nhập vùng Crimée. Hậu quả là nền kinh tế của Nga hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cho nên nước này phải quay sang thị trường Trung Quốc và qua đó bớt lệ thuộc vào các thị trường châu Âu.
Theo giải thích của nhà phân tích Nga Alexandre Gabouïev với hãng tin AFP, Trung Quốc đã trở thành “nhà đầu tư rất quan trọng” trong nền kinh tế Nga. Cố vấn điện Kremlin Ouchakov nhấn mạnh là trong năm 2018, trao đổi mậu dịch giữa hai nước đã tăng 25%, lên đến mức kỷ lục là 108 tỷ đôla.
Ngược lại, Trung Quốc cũng rất hài lòng khi thấy Nga quay sang mình, vì kể từ nay họ có một nguồn cung cấp dầu khí vừa dồi dào, vừa thân hữu, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới.
Về mặt chính trị, quan hệ giữa hai nước thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng rất hữu hảo. Theo lời ông Ouchakov, Nga và Trung Quốc thường có lập trường đồng nhất trên đa số các hồ sơ lớn của quốc tế, từ hạt nhân Bắc Triều Tiên, xung đột Syria, cho đến khủng hoảng Venezuela.
Nếu như cách đây 50 năm, quân đội hai nước đã từng đánh nhau ở biên giới, bây giờ Matxcơva và Bắc Kinh không ngần ngại thắt chặt quan hệ quốc phòng. Vào tháng 09/2018, Trung Quốc đã được mời tham gia cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ thời chiến tranh lạnh.
Nhưng trên hết, cả hai nước, vì những lý do khác nhau, đều đang gặp căng thẳng cao độ với Hoa Kỳ. Matxcơva vẫn bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và vẫn bất đồng với Washington trên nhiều vấn đề, trong đó có giải trừ vũ khí. Trung Quốc vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ để thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thương mại dằng dai giữa hai nước.
Cho nên trong thời gian qua, tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đang cố xây dựng một mối quan hệ thật sự vững chắc, chứ không chỉ là một mối quan hệ mang tính tình thế, lỏng lẻo, như tiên đoán của nhiều nhà phân tích.
Theo tờ Financial Times, nhân chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước dự trù sẽ ra hai tuyên bố chung. Một tuyên bố về quan hệ song phương, và một tuyên bố lên án “sự thống trị mang tính bá quyền trong hệ thống quốc tế”, ám chỉ các biện pháp trừng phạt cũng như cách hành xử về thương mại của Mỹ.
Nói cách khác, một trong những yếu tố thúc đẩy tổng thống Putin và chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt quan hệ song phương, đó là chống lại vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ, nhất là chống lại chính sách thù địch của chính quyền Donald Trump.
0 comments