Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Điểm khác biệt giữa 2 cuộc biểu tình làm “rung chuyển” Hong Kong trong 5 năm qua – Theo Straits Times, CNA

Sunday, June 16, 2019 5:48:00 PM // ,

Điểm khác biệt giữa 2 cuộc biểu tình làm “rung chuyển” Hong Kong trong 5 năm qua – Theo Straits Times, CNA
14/06/2019

Khác với cuộc biểu tình năm 2014 trong “Phong trào ô dù”, cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục năm 2019 diễn ra mà không có một thủ lĩnh thật sự và cách mà người biểu tình hành động cũng rất khác biệt. 

Điểm khác biệt giữa 2 cuộc biểu tình làm “rung chuyển” Hong Kong trong 5 năm qua - 1
Hai phong trào biểu tình năm 2014 (trái) và 2019 tại Hong Kong (Ảnh: Reuters)
Trong các cuộc biểu tình mới nhất, hàng trăm nghìn người Hong Kong đổ ra các tuyến đường chính, đứng xung quanh các trụ sở hành pháp, cơ quan lập pháp trong khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay và giao thông tại các khu vực chủ chốt tắc nghẽn.
Khung cảnh của cuộc biểu tình kéo dài từ cuối tuần trước gợi nhắc tới cuộc biểu tình trong “Phong trào ô dù” năm 2014 cũng tại Hong Kong. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 cuộc biểu tình làm “rung chuyển” Hong Kong là phong trào năm 2019 không có một thủ lĩnh rõ ràng.
Hầu hết những người biểu tình kêu gọi xuống đường trong các nhóm trò chuyện bí mật trên mạng xã hội hoặc các ứng dụng nhắn tin bảo mật. Chính điều này dường như khiến chính quyền và lực lượng hành pháp Hong Kong khó khăn trong việc tìm cách kiềm chế những người biểu tình, và làm giảm nhiệt bầu không khí giận dữ như những gì họ từng thực hiện trong “Phong trào ô dù” năm 2014, chuyên gia Ben Bland của viện Lowy (Australia) nhận định hôm 13/6.
“Cảm giác của tôi là mọi người sẵn lòng mạo hiểm vì điều này không chỉ vì hệ thống pháp luật của họ mà còn vì cách sống và bản sắc của họ cũng như là cảm giác là một người Hong Kong”, ông Bland nói với Straits Times.
Hong Kong theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” kể từ khi trở về đại lục năm 1997 và Trung Quốc cam kết rằng đặc khu này sẽ có “mức độ tự chủ cao”.
Tuy nhiên, những người biểu tình và ngay cả giới quan sát cho rằng một số chính sách của Hong Kong hiện tại dường như cho thấy Trung Quốc có thể đang can thiệp vào hòn đảo và ảnh hưởng tới hệ thống của họ. Vì vậy, phong trào biểu tình được cho không chỉ là động thái phản đối một dự luật về dẫn độ mà còn thể hiện sự lo ngại của người dân Hong Kong với quyền tự chủ của họ trong tương lai.
Ngoài ra, hãng tin AFP cũng cho rằng, phong trào biểu tình năm 2019 rất khác với 2014 ở cách mà người biểu tình hành động. Ngày 12/6, dòng người biểu tình mang theo chai nước, gạch đá, các thanh kim loại, đeo khẩu trang kín mặt giấu kín danh tính.
Họ đội mũ bảo hiểm, dán các quyển tạp chí dày vào cánh tay như “áo giáp” tự chế trước súng cao su và hơi cay từ cảnh sát. Họ dường như cũng hợp tác chặt chẽ với nhau hơn so với năm 2014 để cùng hướng tới mục đích chung.
Trả lời AFP, một người biểu tình 24 tuổi tên là Yu nói rằng những người tham gia vào phong trào 2014 dường như nhận ra rằng phương pháp hòa bình không thực sự hiệu quả. Yu cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến biểu tình năm 2019 biến thành bạo động và Hong Kong trở nên tan hoang sau những cuộc đối đầu dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát.
Theo Straits Times, CNA  

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.