An ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương: Pháp đã dấn thân, Anh đang mày mò
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly.Nicholas YEO / AFP
Vào đúng thời điểm diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất châu Á là Đối Thoại Shangri-La mở ra tại Singapore, Lầu Năm Góc ngày 31/05/2019 đã cho ra bản « Chiến Lược về Ấn Độ-Thái Bình Dương » của Hoa Kỳ. Bộ Quân Lực Pháp cũng quảng bá một báo cáo mang tựa đề: « Pháp và an ninh ở Ấn Độ Thái Bình Dương », mà văn bản chính thức vừa được công bố trên mạng hôm 11/06. Cả Mỹ lẫn Pháp đều cử một phái đoàn quan trọng đến Singapore, tương tự như Anh Quốc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Luân Đôn chưa đưa ra được một báo cáo chính sách tương tự như Mỹ và Pháp, về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông có một vị trí quan trọng.
Khác biệt giữa Pháp và Anh Quốc nói trên đã được chuyên san Nhật Bản The Diplomat nêu bật trong hai bài phân tích : « Pháp quảng bá quyết tâm mới vì ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương – France Trumpets Renewed Commitment to Stability in Indo-Pacific », đăng ngày 06/06, và bài viết một hôm sau mang tựa : « Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Anh đang ở đâu ? Where Is Britain’s Indo-Pacific Strategy? ».
Đối với nhà nghiên cứu về Đông Á, Steven Stashwick, quyết tâm của Pháp muốn dấn thân trở lại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương phản ánh quan điểm theo đó Paris cảm thấy có trách nhiệm trước hiện tượng trong vùng đang hình thành những khối nước có thể gây nên xung đột toàn cầu.
Trong cả lời nói lẫn việc làm, theo tác giả bài phân tích, Pháp cho thấy rõ cam kết duy trì một sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời đóng góp vào việc duy trì ổn định trong vùng, bảo vệ những quyền hạn và quy tắc quốc tế then chốt.
Phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6 này, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đã nhận định rất thẳng thắn vê tình hình an ninh căng thẳng đang tác hại đến khu vực Đông Á. Theo bà Parly, trước những diễn biến về an ninh và những thách thức « Hợp tác cần thiết hơn bao giờ hết… Không cần là Kissinger mới thấy được là ở đây đang hình thành những khối làm nền tảng cho một cuộc đối đầu toàn diện ở Châu Á. Chúng ta đã thấy nào là chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ học, chiến tranh tiền tệ, chiến tranh từ ngữ, và những sự cố trên không hay trên biển giữa máy bay hay tàu chiến. Và đây chỉ là mới bắt đầu. »
Bộ trưởng Quân Lực Pháp cũng nhấn mạnh trên 5 ưu tiên của Pháp ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó có việc phát huy sự ổn định của vùng thông qua hợp tác quân sự và an ninh, bảo vệ quyền tự do tiếp cận các tuyến hàng hải, cổ vũ cho những phương tiện đa phương để duy trì sự ổn định chiến lược.
Biển Đông trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp
Về quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải, bộ trưởng Quân Lực Pháp cam kết cho tàu chiến đến Biển Đông ít ra hai lần trong một năm. Bà Parly cũng cảnh cáo rằng Pháp sẽ không bị « những thủ đoạn đáng ngờ » hù dọa, hay chấp nhận những sự ‘đã rồi’ đi ngược với luật lệ quốc tế.
Theo The Diplomat, dù không nêu đích danh, nhưng Pháp rõ ràng là đã nhắm vào Trung Quốc, tác nhân của những mối quan ngại.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp đồng thời nêu bật nhân tố hợp tác trong các chiến dịch của Pháp, như việc triển khai trục thăng Anh trên tàu chiến Pháp lúc tuần tra ở Biển Đông vừa qua.
Pháp cũng đang nỗ lực thắt chặt quan hệ quốc phòng trong vùng. Một ví dụ mới nhất là ngày 28/05 vừa qua, khu trục hạm Pháp FS Forbin (D620), đã ghé cảng Nhà Bè ở Thành Phố Hồ Chí Minh, trong một chuyến thăm được phía Việt Nam ghi nhận là đầu tiên của một tàu chiến Pháp từ sau thời kỳ thuộc địa. Sự kiện được cho là mang tính biểu tượng cao của quan hệ quốc phòng được nâng cấp giữa hai nước.
Để đánh dấu một cách cụ thể quyết tâm của Paris dấn thân sâu hơn vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, vào đúng lúc mở ra Đối Thoại Shangri-La 2019, hàng không mẫu hạm Pháp Charles de Gaulle và đoàn tàu tháp tùng đã cặp bến Singapore.
Đoàn tàu tác chiến của Pháp đã được triển khai ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và đã tham gia nhiều cuộc tập trận với Hải Quân các đối tác trong đó có Ấn Độ, Úc, Anh, Nhật Bản, Singapore và Hoa Kỳ.
Vì sao Anh Quốc chưa có chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương ?
Trong lúc Pháp có vẻ dứt khoát dấn thân vào Ấn Độ Thái Bình Dương, The Diplomat đã nhìn sang Anh Quốc, với một thắc mắc về sự thiếu vắng chính sách của Luân Đông về khu vực trọng yếu này.
Trong bài phân tích « Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Anh đang ở đâu ? » chuyên gia Lê Kiệt Thăng (Li Jie Sheng) không ngần ngại cho rằng sự thiếu vắng chính sách rõ ràng của Luân Đôn ảnh hưởng đến sự dấn thân của Anh Quốc.
Tại Đối Thoại Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng Anh, bà Penny Mordaunt, cũng có những lời lẽ, đánh giá tương tự như các đồng nhiệm Mỹ và Pháp về tình hình khu vực, nhưng Luân Đôn không có báo cáo nào về chính sách và cũng không có loan báo nào về việc triển khai lực lượng trong vùng.
Đối với nhà phân tích Lê Kiệt Thăng, trong lúc Pháp hiện diện tại Singapore với tàu sân bay Charles de Gaulle, chiến hạm của Hải Quân Anh hoàn toàn vắng bóng. Trong tình hình đó, rõ ràng là những phát biểu của bộ trưởng Anh không có tác động bằng các đồng nhiệm khác.
Tuy nhiên, The Diplomat đã ghi nhận là trong thực tế, không phải là Anh Quốc không hiện diện ở Ấn Độ Thái Bình Dương.
Như bà Mordaunt đã nêu lên tại Đối Thoại Shangri-La, 4 chiến hạm của Hải Quân Anh, các chiếc HMS Sutherland, HMS Albion, HMS Argyll, and HMS Montrose, đã từng được triển khai trong vùng trong các chiến dịch bảo về quyền tự do hàng hải năm 2018, và tập trận với nhiều nước trong trong vùng, Malaysia, New Zealand… Tàu chiến Anh cũng có những cuộc viếng cảng thường xuyên trong khu vực. Các tàu này cũng đến Nhật Bản mà Anh xem là đối tác chiến lược.
Ngoài ra Anh Quốc đã thiết lập một bộ phận chuyên trách vấn đề quốc phòng ở Châu Á Thái Bình Dương (British Defense Staff – Asia Pacific), nhằm củng cố những cam kết về quốc phòng ở khu vực, cùng với việc tăng số lượng tùy viên quân sự ở các quốc gia Châu Á.
Ngoài bộ Quốc Phòng, các bộ Ngoại Giao, Cơ Quan Thương Mại Quốc Tế DIT (Department for International Trade) và những cơ quan khác cũng giúp duy trì sự hiện diện của Anh Quốc trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương.
Anh Quốc không có một cách tiếp cận thống nhất về Châu Á
Đối với The Diplomat, vấn đề là Anh Quốc hiện không có một cách tiếp cận thống nhất đối với Châu Á. Cụ thể là trên mặt kinh tế tài chính thì Luân Đôn có vẻ đứng về phía Trung Quốc, nước gây phiền hà về mặt an ninh trong vùng.
Khi còn là thủ tướng, ông David Cameron đã đón tiếp long trọng chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ca ngợi thời kỳ vàng son của quan hệ Anh – Trung Quốc. Còn thủ tướng Theresa May thì muốn Anh Quốc tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Khi cựu bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson thông báo là tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth sẽ đến Biển Đông thì bộ trưởng tài chính Philip Hammond đã bày tỏ sự bất đồng, vì đã phải hủy bỏ một cuộc gặp quan trọng ở Bắc Kinh.
Cách đây không lâu, thủ tướng May đã muốn dựa vào Hoa Vi để triển khai hệ thống 5G ở Anh, bất chấp cảnh báo của cơ quan tình báo. Vụ việc đã dẫn đến việc bãi nhiêm bộ trưởng Quốc Phòng Williamson bị nghi đã tiết lộ thông tin với báo chí.
Đối với chuyên gia Lê Kiệt Thăng, cách tiếp cận đó đi ngược lai với cam kết của Anh về quốc phòng và tuần tra vì tự do hàng hải, tạo nên hình ảnh một chính sách rời rạc. Sự thiếu vắng một Quyển Sách Trắng về chiến lược đối với Ấn Độ Thái Bình Dương phản ánh sự thiếu vắng chiến lược của Anh Quốc.
Liệu Luân Đôn có thể ra được một văn kiện chính thức về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương hay không ? Trước mắt, khả năng này rất khó. Lý do quan trọng nhất là không có sự thống nhất trong chính quyền : bộ Tài Chính và cơ quan thương mại quốc tế DIT vẫn muốn thân thiện với Trung Quốc, trong khi bộ Quốc Phòng và có lẽ cả bộ Ngoại Giao thì muốn đối phó với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề vi phạm nhân quyền.
Đối với The Diplomat, cho dù vẫn hiện diện ở Ấn Độ Thái Bình Dương nhưng với cách tiếp cận hiện nay, Anh Quốc sẽ chỉ có một vai trò thứ yếu trong vùng mà thôi.
Mai Vân
0 comments