Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Một số điểm nhấn trong chuyến thăm TQ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Wednesday, May 8, 2019 1:50:00 PM // ,

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25-27/4/2019.
Từ ngày 25 - 27/04, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động như dự lễ khai mạc, các hội nghị bàn tròn của Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh, tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, gặp mặt, thăm hỏi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc. Đồng thời đã gặp, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều quốc gia bên lề Diễn đàn.
Tại Diễn đàn BRI:
Phát biểu tại Diễn đàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, đây là dịp tốt để hơn 1.500 đại biểu quốc tế trao đổi về kết quả hợp tác thời gian vừa qua hướng đến một tương lai chung, tươi sáng hơn; thảo luận những phương hướng hợp tác mới và hợp tác với Trung Quốc nhằm thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kết nối phải được thúc đẩy một cách toàn diện cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, bao gồm cả kết nối số, từ giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông,.. đến kết nối con người. Phát triển bền vững của BRI chính là sự đồng điệu với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Bên cạnh nỗ lực của mỗi quốc gia, các sáng kiến, cơ chế hợp tác quốc tế phải hướng đến: (i) Cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn với mục tiêu phát triển dài hạn, bảo đảm hiệu quả về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hoà về xã hội; (ii) Lấy con người làm trung tâm, với đề cao trách nhiệm, đóng góp, sáng tạo của người dân và họ phải được thụ hưởng thành quả hợp tác BRI với cuộc sống tốt đẹp hơn, không ai bị bỏ lại phía sau; (iii) Chuyển đổi sang nền kinh tế số với tăng trưởng dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ làm nền tảng trong dòng chẩy của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để hợp tác BRI đem lại kết quả thực chất, lâu dài thì quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại; quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp luật pháp quốc tế. Đó chính là những nền tảng cho kết nối và phát triển bền vững thành công. Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến BRI.
Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự phát triển tích cực của quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua; khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững, lâu dài; hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị hai bên tăng cường trao đổi cấp cao; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp. Hai nước phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có từ trung ương tới địa phương, tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao hai Đảng, hai nước. Các bên tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, an ninh; mở rộng và nâng cao hiệu quả giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ; định hướng tốt dư luận, báo chí, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hợp tác giữa hai bên về mở cửa thị trường hướng tới cân bằng thương mại song phương; hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và các dòng sông chung; gia hạn Thỏa thuận đường dây nóng nghề cá trên biển; hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt ba văn kiện biên giới trên đất liền Việt - Trung.
Về phần mình, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ hai; khẳng định điều này thể hiện sự coi trọng của đảng và nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Trung - Việt, đóng góp quan trọng vào sự thành công của diễn đàn; nhấn mạnh đảng, nhà nước Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân dân, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả hợp tác tích cực giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững; bày tỏ ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò ngày càng quan trọng và tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp luật pháp quốc tế, đóng góp cho phát triển, thịnh vượng chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác; đánh giá cao việc Trung Quốc tích cực phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam, theo hướng thương mại cân bằng, bền vững; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho nông sản của Việt Nam; hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc phối hợp xử lý một số vướng mắc về thủ tục hoàn công thanh quyết toán, đội vốn, chậm tiến độ thi công, hiệu quả thấp trong các dự án hợp tác giữa hai bên; cấp giờ hạ cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam; thúc đẩy ký mới hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh-Singapore; tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, hợp tác giám sát an toàn hạt nhân; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện biên giới trên đất liền Việt - Trung. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam; bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất và nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã chứng kiến lễ trao ba văn bản hợp tác, gồm: Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước CHND Trung Hoa về các yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2019 - 2021.
Về vấn đề Biển Đông:
Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục tuân thủ nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển tiến triển thực chất; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; xử lý vấn đề nghề cá và ngư dân trên tinh thần nhân đạo; sớm ký Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc và gia hạn Thỏa thuận về đường dây nóng về nghề cá trên biển; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, có hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Trong cuộc gặp với các doanh nghiệp Trung Quốc:
Đây đều là những doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, thuộc các lĩnh vực đường sắt, xây dựng, khu công nghiệp, sản xuất điện và thiết bị điện, bảo hiểm, viễn thông, công nghệ với một số thương hiệu lớn như Alibaba, Huawei, ZTE, Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Tập đoàn xây dựng năng lượng Trung Quốc, Ngân hàng phát triển Trung Quốc... Trong số này có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã đầu tư ở Việt Nam.
Trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc quan tâm đến Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, tài chính ngân hàng; cho biết Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường lớn, quan trọng của nhau. Với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Hiện nay đã có trên 350 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài từ 130 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 28 nghìn dự án; đánh giá cao các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư các dự án chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam; đồng thời cũng chỉ rõ một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai chậm, trong đó có một số dự án trong lĩnh vực sản xuất thép, xây dựng đường sắt; cho rằng nhu cầu điện năng để phục vụ phát triển kinh tế của Việt Nam tăng từ 10 - 15%/năm. Do đó, Việt Nam mong muốn huy động nhiều nguồn lực cho phát triển năng lượng, nhất là các dự án năng lượng sạch, bao gồm khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP); mong muốn các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông của Trung Quốc đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất tại Việt Nam thay vì chỉ chú trọng cung cấp thiết bị, linh, phụ kiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, còn nhiều khó khăn. Việt Nam cần nhiều nguồn lực để phát triển, gồm cả nguồn lực tư nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước với phương thức hợp tác công - tư và các hình thức đầu tư khác; trong đó có các dự án trong khuôn khổ kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai và Con đường”. Đây chính là cơ hội cho các dự án đầu tư tốt của Trung Quốc vào Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có thực lực tài chính và công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng có lợi. Đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng mà Việt Nam coi là đột phá chiến lược, cần vốn đầu tư hạ tầng đường bộ, đường sắt, sân bay...
Các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc đều bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là những năm gần đây và cho rằng, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ, viễn thông, tài chính ngân hàng, đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cho rằng, sự chuyển mình mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, đang đưa Việt Nam trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.