Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hành động bắt giữ ngư dân, phá hủy tàu cá nước ngoài của Indonesia có phù hợp với công luận và luật pháp quốc tế?

Wednesday, May 8, 2019 1:55:00 PM // ,

Trong những năm gần đây, chính quyền Indonesia thực thi chính sách cứng rắn trong việc xử lý tàu thuyền nước ngoài mà nước này cho rằng họ vi phạm chủ quyền, hoạt động trái phép ở vùng biển của Indonesia. Các cơ quan thực thi pháp luật của Indonesia thường tịch thu và cho phá hủy tàu của các nước ngoài bị phía Indonesia bắt giữ sau khi có phán quyết của tòa án, với lập luận rằng, khi các tàu bị tịch thu thì chính quyền Indonesia là chủ sở hữu và có quyền quyết định số phận các con tàu này. Giới phân tích cho rằng hành động trên của Indonesia không phù hợp với công luận và luật pháp quốc tế.
Indonesia cần đối xử nhân đạo, thả các ngư dân các nước
Hành động thái quá của Indonesia không phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Tại Điều 292 của UNCLOS về giải phóng ngay cho tàu thuyền bị cầm giữ hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó quy định rõ. (1). Khi các nhà chức trách của một quốc gia thành viên đã bắt giữ một chiếc tàu mang cờ của một quốc gia thành viên khác và nếu thấy rằng quốc gia bắt giữ chiếc tàu đã không tuân theo các qui định của Công ước trù định việc giải phóng ngay cho tàu thuyền hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó ngay khi ký gởi một khoản tiền bảo lãnh hợp lý hay một khoản bảo đảm tài chính nào khác, thì vấn đề giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ phải được đưa ra trước một tóa án do các bên chỉ định theo một thỏa thuận chung; nếu không thỏa thuận đuợc trong một thời hạn 10 ngày kể từ lúc bắt giữ chiếc tàu hay đoàn thủy thủ, vấn đề này có thể được đưa ra trước một tòa án được quốc gia đã tiến hành bắt hay giữ tàu hay đoàn thủy thủ chấp nhận theo đúng Điều 287, hay trước Tòa án quốc tế về luật biển, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. (2). Yêu cầu giải phóng hay trả tự do chỉ có thể do quốc gia mà tàu mang cờ hoặc nhân danh quốc gia ấy đưa ra. (3). Tòa án nhanh chóng xem xét yêu cầu này và chỉ xét xử vấn đề giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ, việc này không có ảnh hưởng gì đến tiến trình tiếp sau của mọi vụ kiện mà chiếc tàu, người chủ chiếc tàu hay đoàn thủy thủ của nó có thể là đối tượng trước quyền tài phán quốc gia thích hợp. Các nhà chức trách của quốc gia đã tiến hành bắt, giữ vẫn có đủ tư cách ra lệnh giải phóng tàu hay trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó vào bất kỳ lúc nào. (4). Ngay khi đã ký gửi khoản tiền bảo lãnh hay một khoản bảo đảm tài chính khác theo quyết định của tòa án, các nhà chức trách của quốc gia đã bắt giữ tàu phải tuân theo quyết định của tòa án về việc giải phóng tàu và trả tự do cho đoàn thủy thủ của nó.
Nội bộ Indonesia kêu gọi không phá hủy tàu cá trái phép bị bắt
Hồi đầu năm 2018 giới chính trị và giới kinh doanh Indonesia đã đồng loạt kêu gọi Bộ Hàng hải và Nghề cá nước này không phá hủy các tàu đánh cá trái phép bị bắt giữ vì gây tổn hại đến công nghiệp đánh bắt cá và quan hệ ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo của nữ Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti, từ năm 2014, cơ quan chức năng Indonesia đã phá hủy hàng trăm tàu đánh cá ​​bất hợp pháp mà lực lượng tuần duyên nước này bắt giữ với mục tiêu bảo vệ nguồn cá và đời sống ngư dân Indonesia. Trong số các tàu bị bắn chìm mang tính biểu trưng đó có tàu Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Phó Tổng thống Jusuf Kalla nói rằng chính sách mạnh tay này có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước khác. “Theo quan điểm của chính phủ, làm như thế đã đủ rồi”, Phó tổng thống Kalla phát biểu và được nhật báo Kompas của Indonesia đăng tải. Người phát ngôn của ông Kalla cũng khẳng định lãnh đạo của mình còn nói “Điều này liên quan đến quan hệ của chúng tôi với các nước khác”. Hồi năm 2015, Trung Quốc đã bày tỏ “quan ngại nghiêm túc” khi một tàu đánh cá của Trung Quốc nằm trong số 41 tàu bị cơ quan chức năng Indonesia đánh chìm xuống biển. Phòng Thương mại Indonesia cũng than phiền rằng cách tiếp cận cứng rắn của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia và việc thiếu tập trung cho các chính sách mang tính xây dựng đã làm tổn hại ngành công nghiệp thủy sản nước này, với tình trạng xuất khẩu thủy hải sản giảm sút. Ông Yugi Prayanto, thành viên cao cấp của Phòng Thương mại Indonesia, nêu ra yêu cầu “Chúng tôi yêu cầu chính phủ phải quan tâm đến các khía cạnh sản xuất... và tăng đầu tư vào lĩnh vực này”.
Lợi dụng việc bắt giữ, phá hủy tàu cá nước ngoài để gây ảnh hưởng cá nhân?
Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Jokowi và cấp dưới của mình đang lợi dụng việc bắt giữ, phá hủy tàu cá nước ngoài để gây ảnh hưởng và uy tín cá nhân và chính sách điều hành đối với dân chúng nước này. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2014, ông Jokowi đã cam kết sẽ hiện thực hóa tầm nhìn của mình là biến Indonesia thành “trục bản lề hàng hải toàn cầu” giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Một trong những trụ cột trong tầm nhìn của ông là việc ngăn chặn hành vi đánh bắt cá trái phép. Theo ông Jokovi, hơn 5.000 tàu hoạt động trái phép trong vùng biển Indonesia hàng năm, vi phạm chủ quyền biển của Indonesia. Trong khi đó, Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti đã liên tục được xếp hạng là Bộ trưởng nổi tiếng nhất Indonesia kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, chủ yếu nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ của bà để giải quyết vấn đề đánh cá bất hợp pháp và những câu chuyện liên quan phát ngôn của bà. Bộ trưởng nổi tiếng thẳng thắn cũng có rất nhiều người theo dõi trên các mạng xã hội với những lời bình phẩm thẳng thắn về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình hoặc những hình ảnh cho thấy bà làm việc lăn xả hoặc vui chơi trẻ trung như nhảy nhót theo nhạc Beatles trên tàu. Vốn là một cựu doanh nhân trong ngành đánh bắt cá, bà Pudjiastuti từng thực hiện video được tải lên YouTube để bảo vệ chính sách cứng rắn của mình, trong đó bà giải thích rằng đó không phải là chính sách “đóng nhãn hiệu” của bà mà là làm theo luật pháp. “Đây không phải là một ý tưởng... hay sở thích của Susi Pudjiastuti hay Tổng thống Jokowi”, bà Bộ trưởng của Indonesia nói, và đáng chú ý là sử dụng biệt danh thân tình của Tổng thống. “Tổng thống Jokowi đã ra lệnh cho chính phủ thực hiện đúng theo luật đánh bắt cá để chấm dứt nạn đánh bắt trái phép nguồn cá của Indonesia”. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Bộ trưởng Pudjiastuti cho biết ngành công nghiệp đánh bắt cá của nước này đã bị thiệt hại gần 200 tỉ rupi (14,89 triệu USD) mỗi năm do hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của các tàu cá nước ngoài. Tuyên bố của bà Pudjiastuti phản ánh chính quyền Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo coi trọng việc ngăn chặn hành vi đánh cá trái phép trong phạm vi quốc nội, khu vực và quốc tế.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia tiếp tục nỗ lực bảo hộ công dân và đưa ngư dân về nước
Trong thời gian qua, với việc xác định đưa ngư dân về nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan hữu quan Indonesia để can thiệp bảo hộ công dân tối đa có thể. Tuy nhiên, việc Indonesia tăng cường hoạt động truy quét ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và xử lý cứng rắn các trường hợp tàu cá nước ngoài bị bắt giữ, cũng như việc ngư dân Việt Nam bị bắt ở nhiều nơi trên lãnh thổ rộng lớn của Indonesa đã gây không ít khó khăn cho Đại sứ quán trong việc tiếp cận và hỗ trợ pháp lý. Đến nay, tại các nơi giam giữ khác nhau ở Indonesia vẫn còn nhiều ngư dân Việt Nam chưa được trao trả. Bên cạnh đó, Đại sứ quán vẫn tiếp tục nhận được các thông tin về việc tàu cá Việt Nam và ngư dân bị bắt trên vùng biển của Indonesia. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật của Indonesia cũng ngày càng mạnh tay hơn trong việc tịch thu và cho phá hủy tàu của các nước ngoài bị phía Indonesia bắt giữ sau khi có phán quyết của tòa án, với lập luận rằng, khi các tàu bị tịch thu thì chính quyền Indonesia là chủ sở hữu và có quyền quyết định số phận các con tàu này. Trước việc Indonesia có thay đổi trong chính sách như vậy, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia thường xuyên gửi thông tin cảnh báo đến các địa phương và ngư dân. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán cũng tích cực làm việc với các cơ quan hữu trách của Indonesia để đảm bảo việc bắt và xét xử các tàu cá vi phạm của ta phải theo đúng pháp luật Indonesia, đối xử nhân đạo với các ngư dân, xử lý vụ việc trên cơ sở quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Indonesia.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.