Chương trình Thời sự thứ Tư, 01/05/2019
Wednesday, May 1, 2019
4:34:00 PM
//
Slider
,
Thời sự thế giới
Cherry Radio
Cẩm Nhung | 01/05/2019
Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-tu-01052019-rd2304501
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Thành lập đội đặc nhiệm phòng chống các loại bệnh gây ra do nhiễm bụi
- Victoria: Các trường công lập ở tiểu bang buộc phải tạm ngừng tiếp nhận học sinh quốc tế
- Victoria: Tranh cãi nổ ra liên quan đến cam kết của chính phủ Úc về việc xây các bãi đậu xe ở Melbourne
- Victoria: Mùa hè nắng nóng thúc đẩy đề xuất cho phép gắn máy lạnh ở các khu nhà công cộng
- Melbourne: Để trẻ em tìm thấy súng ở gần nơi một người bị bắn chết, cảnh sát lên tiếng xin lỗi
- Tin Úc: Đảng Lao động cam kết sẽ xem xét lại vị trí của quân đội Úc
- Tin Úc: Người Úc bị tổn thất gần 500 triệu đô la trong năm 2018 do các vụ lừa đảo
- Melbourne: Xe hơi tông vào cột điện, một nữ hành khách bị thương nặng
- Sydney: Chất lượng không khí “rất thấp”, người dân được cảnh báo không nên tập thể dục ngoài trời
- Tin vắn
Tin thế giới:
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/4 thông báo sẽ triển khai thêm 320 binh sĩ tới biên giới phía Nam, tiếp giáp với Mexico, nhằm hỗ trợ các quan chức phụ trách vấn đề nhập cư. Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, số binh sĩ này sẽ được triển khai đến cuối tháng 9/2019 và họ sẽ tham gia vào lực lượng gồm 2.900 binh sĩ đang làm nhiệm vụ và 2.000 thành viên Vệ binh Quốc gia đang đồn trú tại biên giới. Trong những tháng gần đây, hàng nghìn người di cư từ Trung Mỹ đã đến Mexico, với hy vọng có thể từ đây vào Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump coi đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia và tuyên bố tăng cường binh sĩ tới biên giới với Mexico như 1 biện pháp ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp muốn vào nước này.
Ngày 30/4, tại Venezuela, thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã phát đi một thông điệp kêu gọi đảo chính quân sự. Tuy nhiên, tổng thống Venezuela Maduro khẳng định vẫn đang kiểm soát tình hình. Lời kêu gọi của phe đối lập đã gây ra những vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình tại nhiều địa điểm ở thủ đô Caracas. Chưa có thông báo chính thức về con số thương vong. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Venezuela khẳng định quân đội đứng về phía Tổng thống Nicolas Maduro, đồng thời lên án thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Cùng ngày, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza đã cáo buộc chính quyền Mỹ đã tham gia kích động, tài trợ và đứng sau thúc đẩy âm mưu đảo chính này. Tổng thống Maduro tuyên bố trên truyền hình trực tiếp rằng lực lượng vũ trang nước này đã đánh bại "nhóm nhỏ đang tìm cách chôn vùi Venezuela trong bạo lực". Khoảng 25 binh sĩ Venezuela đã xin tị nạn ở đại sứ quán Brazil tại Caracas sau khi âm mưu lật đổ Maduro bất thành.
Ngày 29/4, quân đội Nga đã có buổi tổng duyệt lễ diễu binh chuẩn bị cho Ngày Chiến thắng 9/5 trên Quảng trường Đỏ. Trong lễ tổng duyệt, có thể thấy xe tăng T-14 Armata thế hệ mới, hệ thống tên lửa phòng không S-400, hệ thống tên lửa nhiệt hạch RS-24 Yars. Dự kiến, trong lễ duyệt binh ngày 9/5, 13.000 quân nhân, hơn 130 xe quân sự và 74 máy bay phản lực và máy bay trực thăng tham gia vào sự kiện quân sự quan trọng nhất ở Nga. Đa số người dân nước này nói rằng lễ diễu binh là một minh chứng cho sức mạnh và khả năng của Nga để bảo vệ người dân của mình.
1.170 chuyên gia bảo tồn, kiến trúc sư và các giáo sư về văn hoá, tôn giáo đã ký tên vào một bài viết phản đối kế hoạch của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron về việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris vừa bị hoả hoạn trong vòng 5 năm. Các chuyên gia kêu gọi Tổng thống Pháp cần phải thận trọng và không nên vội vã trong việc phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Theo các chuyên gia, với lịch sử hơn 800 năm cùng di sản quý giá về kiến trúc, tôn giáo, Nhà thờ Đức Bà Paris là một biểu tượng quá lớn, cần phải được nghiên cứu một cách cẩn thận, chi tiết và cần phải xây dựng được một lộ trình phức tạp về cả mặt kỹ thuật lẫn các chuẩn mực đạo đức trong việc phục dựng.
Công ty sản xuất vàng Sibanye của Nam Phi ngày 30/4 cho biết, khoảng 1.800 công nhân đang bị mắc kẹt dưới lòng đất tại một mỏ khai thác bạch kim ở nước này, sau khi một đường hầm được sử dụng để chở công nhân gặp sự cố. Người phát ngôn công ty Sibanye cho hay công ty có thể sử dụng đường hầm liền kề để đưa công nhân lên mặt đất, song hiện vẫn chưa xác định thời gian tiến hành công tác giải cứu này. Theo người phát ngôn James Wellsted, công ty Sibanye đang đánh giá cơ sở hạ tầng đường hầm, công đoạn này có thể sẽ mất vài giờ. Tới nay, chưa có ghi nhận về thương vong do vụ việc.
Iran khẳng định sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ, bất chấp những áp lực từ Mỹ muốn hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Iran trở về con số 0. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết sẽ tìm mọi cách cần thiết để xuất khẩu dầu. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Rouhani khẳng định, dù Mỹ đang cố gắng kiểm soát mọi nguồn ra, tuy nhiên, Iran sẽ còn tới 6 cửa khác có thể xuất khẩu dầu mà Mỹ không biết. Tuần trước, Mỹ đã dừng quy chế miễn trừ trừng phạt cho 8 khách hàng lớn nhất của Iran. Kể từ 1/5, tất cả sẽ phải dừng mua dầu của Iran, nếu không sẽ bị áp đặt trừng phạt. Ngay sau khi có những cấm vận của Mỹ, Saudi Arabia lên tiếng cho rằng có thể thay thế Iran cung cấp dầu mỏ và ổn định giá cả dầu đang biến động hiện nay.
Ngày 30/4, đã có 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ nổ súng tại khu trường sở socủa Đại học Bắc Carolina ở Charlotte, bang Bắc Carolina. Truyền thông sở tại cho biết một nghi can trong vụ nổ súng này đã bị bắt và hiện trường vụ việc đã được phong tỏa. Theo kênh truyền hình WBTV, vụ việc xảy ra vào lúc 17h45 ngày 30/4 (theo giờ địa phương) gần tòa nhà hành chính Kennedy Hall của trường. Hiện chưa có thông tin về tình hình những người bị thương. Cảnh sát cũng chưa xác nhận danh tính của nghi can. Theo thông tin trên trang web của Đại học Bắc Carolina, hiện có hơn 26.500 sinh viên theo học và khoảng 3.000 nhân viên và giáo viên làm việc tại trường.
Ngày 1/5, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới ở thủ đô Bắc Kinh. Đoàn đàm phán của Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu. Hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận kéo dài cả ngày. Trước đó, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai bên đã có bữa tối làm việc "tốt đẹp" khi đoàn đàm phán Mỹ tới Bắc Kinh vào tối 30/4. Sau vòng đám phán này, tuần tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington để tham dự vòng đàm phán tiếp theo, được cho là vòng cuối cùng của quá trình đàm phán.
Sáng 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito đã lên ngôi Nhật hoàng ở Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), có nghĩa là “Sự hòa hợp tốt đẹp,” tại một buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Tokyo. Theo dự kiến, lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia. Sinh ngày 23/2/1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Năm 1991, ông được tấn phong làm Hoàng Thái tử vào đúng ngày sinh nhật của mình. Ông chính thức lên ngôi và trở thành vị Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4 vì tuổi cao và sức khỏe giảm sút. Theo Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và của hòa hợp dân tộc”.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui ngày 30/4 cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với các hậu quả không mong muốn nếu không có quan điểm mới trong đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay. Ông Choe Son Hui cũng cho biết quyết tâm phi hạt nhân hóa của Triều Tiên là không thay đổi và điều này sẽ chỉ xảy ra nếu Mỹ thay đổi các tính toán hiện tại của mình. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington vẫn sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo thể hiện không lo ngại về những lời công kích trên, đồng thời nói thêm rằng chỉ có một cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa - đó là bắt đầu với việc từ bỏ sự hăm dọa.
Sau gần 60 năm xuất hiện, bóng đèn sợi đốt, bóng đèn halogen đã chính thức không còn được bán tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, người dân tại các quốc gia thuộc EU sẽ phải chuyển hoàn toàn sang bóng đèn LED. Lệnh cấm đèn halogen đã được ban hành hơn nửa năm nhưng thói quen sử dụng thiết bị chiếu sáng của người dân Anh vẫn thay đổi chậm chạp. Ban đầu quy định dừng tiêu thụ bóng đèn sợi đốt của châu Âu chủ yếu là vì các mục tiêu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, gần như không vì cảnh báo nào liên quan đến an toàn. Tuy nhiên, những vụ tai nạn liên quan đến bóng đèn sợi đốt gần đây cùng với thực tế loại bóng đèn này vẫn chưa bị rút hoàn toàn khỏi các kệ siêu thị đang khiến dư luận đặt không ít áp lực lên nhà chức trách về lộ trình bị xem là chậm chạp này.
Từ đầu tháng 5, tờ báo lớn nhất của New Zealand, New Zealand Herald (NZ Herald), sẽ bắt đầu áp dụng việc thu phí cho nội dung đăng tải online của mình. Đây là lần đầu tiên một tờ báo ở New Zealand dựng paywall (bức tường phí). Tờ báo áp dụng mô hình nội dung trả phí "freemium", cho phép người đọc truy cập miễn phí vào một số nội dung, nhưng nội dung cao cấp như tin tức kinh doanh sẽ bị ẩn đằng sau một paywall. Đây cũng là mô hình "trọn gói" vì độc giả trả phí cũng có thể xem được các bài viết tổng hợp từ các tờ báo New York Times, Financial Times, The Times và Harvard Business Review. Tại thời điểm này, chưa rõ số lượng và nội dung cụ thể các bài viết được tổng hợp từ các nguồn nói trên, nhưng rõ ràng không phải là quyền truy cập đầy đủ vào tất cả các nội dung.
Tin thể thao:
Champions League: Ajax đã đặt một chân vào trận chung kết Cúp C1 châu Âu mùa này sau chiến thắng 1-0 ngay trên sân của Tottenham. Người hùng của họ là tiền vệ Van der Beek với bàn thắng duy nhất của trận đấu ở phút 15. Sang tới hiệp hai, Tottenham nôn nóng tấn công nhưng không thể ghi bàn. Dẫu sao, chiến thắng 1-0 ngay trên sân Tottenham đã là lợi thế cực lớn cho Ajax trước trận đấu lượt về diễn ra vào giữa tuần sau. Nên nhớ trong 17 đội gần nhất thua bán kết trên sân nhà, chỉ có duy nhất 1 đội đi tiếp.
Ligue 1: Tại vòng 34 Ligue 1 mùa này, PSG đã thua 2-3 trước Montpellier. Nhà ĐKVĐ Ligue 1 mở tỉ số ở ngay phút 12 nhờ pha đá phản lưới nhà của Ambroise Oyongo. Tuy nhiên đến phút 21, tỉ số được cân bằng 1-1 do pha đá phản lưới nhà của cầu thủ PSG, Presnel Kimpembe. Phút 62, Di Maria giúp PSG tái lập thế dẫn bàn nhưng trong 10 phút cuối trận, Montpellier có liền 2 bàn thắng của Andy Delort và Souleymane Camara để giành chiến thắng.
Paul Pogba quyết gia nhập Real Madrid: Tờ Independent (Anh) cho biết tiền vệ Paul Pogba quyết tâm chuyển sang Real Madrid trong mùa Hè này. Cầu thủ người Pháp đã lo ngại rằng MU không thể cạnh tranh được danh hiệu và anh tin rằng “Quỷ đỏ” sẽ phải mất vài năm nữa mới có thể trở lại đỉnh cao. Mà Pogba thì không muốn tiếp tục chờ đợi nên anh muốn gia nhập Real Madrid trong mùa Hè này. MU lúc này cũng đã tính đến phương án bán Pogba. Người ta cho rằng Real Madrid có thể thuyết phục MU nhả Pogba nếu họ bỏ ra khoảng 130 triệu bảng. Theo ESPN, Pogba sẽ phải giảm lương nếu muốn chuyển sang Real Madrid.
MU thay De Gea bằng thủ môn của Atletico Madrid: De Gea đã được liên hệ gia nhập PSG với mức lương là 450 nghìn bảng/tuần. Thủ môn De Gea sẽ đáo hạn hợp đồng với MU vào Hè sang năm và “Quỷ đỏ” có thể bán anh với giá là 50 triệu bảng. Nếu như De Gea ra đi, MU sẽ chiêu mộ thủ môn Jan Oblak của Atletico Madrid. Thủ môn 26 tuổi người Slovenia có mức phí giải phóng hợp đồng khoảng 103 triệu bảng. Hợp đồng hiện tại của Oblak với Atletico Madrid có thời hạn đến 2023. Sau khi gia nhập Atletico Madrid vào năm 2014, Jan Oblak đã trở thành một trong số những thủ môn hàng đầu thế giới.
Lộ điều kiện để Juan Mata sang Barca: Theo tờ Daily Mail (Anh), Barca đang cân nhắc chiêu mộ Juan Mata, tiền vệ của MU. Cầu thủ người Tây Ban Nha đang hưởng mức lương là 170 nghìn bảng/tuần. Tuy nhiên Mata dự kiến sẽ ra đi trong mùa Hè này do đáo hạn hợp đồng. Juan Mata sẽ phải giảm lương nếu muốn gia nhập Barca. Song để bù lại, Mata sẽ có các khoản thưởng hậu hĩnh trong hợp đồng với đội bóng chủ sân Camp Nou. Anh đã chuyển sang MU với giá là 37,1 triệu bảng từ Chelsea vào năm 2011. Dưới thời Ole Gunnar Solskjaer, Mata không được trọng dụng.
Gareth Bale cam kết tương lai với Real Madrid: Thời gian qua liên tục xuất hiện thông tin cho rằng Gareth Bale sẽ chia tay Real Madrid ngay Hè này. Nguyên do là bởi Bale không được lòng CĐV Real Madrid và mối quan hệ không tốt đẹp với HLV Zidane. Tuy nhiên, người đại diện của Bale, Jonathan Barnett, khẳng định thân chủ mình vẫn sẽ ở lại đội bóng Hoàng gia. Ngoài ra, Barnett còn quả quyết Bale vẫn giữ ý định kết thúc sự nghiệp ở sân Bernabeu. Giao kèo giữa Bale và Real Madrid còn thời hạn tới năm 2020.
Liverpool vẫn giữ Chamberlain: Alex Oxlade-Chamberlain đã trở lại thi đấu cho Liverpool sau khi dưỡng thương dài hạn. Theo tờ Mirror, Liverpool chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Chamberlain. Giao kèo mới sẽ giữ chân chàng trai người Anh ở lại sân Anfield tới năm 2023 và chứng minh niềm tin rất lớn của HLV Jurgen Klopp và lãnh đạo dành cho Chamberlain.
Murray chạy đua để dự Wimbledon: Dù Andy Murray đã tuyên bố giải nghệ nhưng tay vợt người Anh vẫn đang cố gắng tập luyện để có thể kịp dự Wimbledon. Hạn cuối để cựu số một thế giới nộp đơn xin đặc cách đánh là ngày 18/6. Ban tổ chức giải đấu cho biết sẽ hỗ trợ Andy Murray hết mức có thể và tất cả chỉ phụ thuộc vào tình trạng thể lực của tay vợt người Anh. Hiện tại, Murray vẫn đang điều trị chấn thương hông.
Tiger Woods không dự Wells Fargo Championship: Sau giành chức vô địch The Master 2019, nhiều người đã hy vọng "Siêu hổ" sẽ tham dự Wells Fargo Championship 2019 diễn ra tại Quail Hollow. Tuy nhiên, Tiger Woods đã không góp mặt và chưa tiết lộ lý do. Giới chuyên môn đồn đoán đây là "chiến thuật mới" của tay golf người Mỹ để trở lại đỉnh cao.
Czech Grand Prix dễ bị hủy bỏ: Tương lai của chặng đua tay tại CH Séc trong thể thức đua Moto đang bị đặt dấu hỏi lớn. Theo đó, chính quyền sở tại đã giảm trợ cấp chi phí từ 2,1 triệu bảng xuống còn 1,3 triệu bảng và có thể tiếp tục giảm vào năm sau. Mức phí duy trì tối thiểu cho trường đua Brno bị giảm mạnh đồng nghĩa với việc trường đua không đảm bảo và có thể bị cắt vào năm 2020.
Rút Mỹ khỏi Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế, ông Trump đang “đùa với lửa”?
Tổng thống Trump ngày 26/4 vừa qua đã có quyết định gây “sốc” khi tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế (viết tắt là ATT). Đây được coi là chiến thắng của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) – tổ chức nhiều lần vận động hành lang chống lại ATT, nhưng theo giới phân tích, về lâu dài quyết định của ông Trump sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với nước Mỹ.
Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn vào tháng 4/2013, chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2014. Tính đến nay đã có 101 nước gia nhập ATT và có 29 nước khác, trong đó có Mỹ, đã ký nhưng chưa chính thức phê chuẩn.
Phá vỡ rào cản
Kế hoạch rút khỏi Hiệp ước ATT là một phần trong chiến lược của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm cải tổ chính sách xuất khẩu vũ khí và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn ấp ủ “hoài bão” mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí. Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực cân bằng thương mại với phần còn lại của thế giới, việc thúc đẩy kinh tế thiên về xuất khẩu và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng là bước đi quan trọng và hợp lý, thể theo đúng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Trong tuyên bố trên trang Twitter, ông Trump gọi đây là quyết định nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia Mỹ và sẽ không bao giờ cho những “kẻ ngoại bang phá hỏng sự tự do” của nước Mỹ. Lý do ông đưa ra cũng chính là lý lẽ của Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) và một số nhóm bảo thủ phản đối ATT. Mặc dù hiệp ước nhằm mục tiêu quản lý thị trường vũ khí thông thường quốc tế nhưng NRA cho rằng, nó ảnh hưởng tới luật kiểm soát súng nội địa của Mỹ, làm tổn hại quyền lợi của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ khi buộc họ phải tuân thủ những quy tắc và luật lệ “không cần thiết”.
Hãng tin Press TV dẫn lời ông Marcus Papadopoulos, Tổng biên tập tạp chí Politics First nhận định: “Tổng thống Trump không muốn bị cản trở. Ông ấy không muốn phải chịu bất cứ sức ép nào khi ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí với các nước khác chẳng hạn như Saudi Arabia hay Israel. Trong vài tháng đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, ông đã ký thỏa thuận bán vũ khí cho Saudi Arabia trị giá gần 500 tỷ USD và nhiều loại vũ khí mà Mỹ đang cung cấp cho quốc gia Arab này đã được sử dụng trong cuộc chiến tại Yemen. Quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước buôn bán vũ khí của Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với việc nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ được tự do bán vũ khí và thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Sẽ không có ràng buộc nào đối với Mỹ trong tương lai”.
Tờ The Hill (Mỹ) cho biết, các công ty quốc phòng Mỹ đã bán cho nước ngoài số vũ khí trị giá 55,6 tỷ USD trong năm tài khóa 2018, tăng 33% so với năm tài khóa 2017.
Hậu quả khôn lường
Giám đốc chương trình quốc phòng thuộc trung tâm tư vấn chính sách Stimson, Rachel Stohl nhận xét: “Đây là một ví dụ khác cho thấy chính quyền Tổng thống Trump quay lưng lại với chính sách ngoại giao đa phương. Rút khỏi ATT, Mỹ đang làm tổn hại các chuẩn mực toàn cầu về buôn bán vũ khí và các quốc gia khác sẽ có cớ để nói rằng Mỹ đang trở nên thiếu trách nhiệm vậy tại sao chúng tôi lại không được phép làm như vậy”.
Bên cạnh đó, quyết định của chính quyền Mỹ cũng gây ra nhiều rạn nứt đối với đồng minh, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ tại nước ngoài. Các nước đồng minh, trong đó có cả những nước thuộc Liên minh Châu Âu đã làm việc với chính quyền cựu Tổng thống Obama cùng thúc đẩy Hiệp ước ATT không khỏi thất vọng với quyết định của ông Trump. Liên minh Châu Âu cảnh báo động thái của Mỹ sẽ cản trở cuộc chiến toàn cầu chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini trong một tuyên bố hôm 27/4 nói rằng: "Việc Mỹ hủy bỏ cam kết không đóng góp gì cho những nỗ lực liên tục nhằm thúc đẩy sự minh bạch trong buôn bán vũ khí quốc tế, nhằm ngăn chặn buôn bán vũ khí bất hợp pháp và chống lại sự biến tướng của vũ khí thông thường".
Ông Thomas Countryman, cựu quan chức Bộ ngoại giao Mỹ, từng là thành viên tham gia đàm phán ATT dưới thời cựu Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Quyết định không ký kết hiệp ước sẽ là một bước đi sai lầm của chính quyền ông Trump, khiến thế giới trở nên thiếu an toàn. Thật đáng buồn, Tổng thống đã phản đối những nỗ lực yêu cầu các quốc gia khác phải đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra để được mua vũ khí từ Mỹ”.
Một số nhà quan sát khác thì cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước ATT có thể khiến nước này bị kéo vào các cuộc xung đột nước ngoài trong tương lai và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía nam của Mỹ với Mexico.
Trả lời phỏng vấn tờ Independent, bà Kris Brown - chủ tịch của Chiến dịch Brady ngăn chặn bạo lực súng đạn cho biết: “Nếu nhìn vào toàn bộ quá trình, tôi cho rằng quyết định nêu trên sẽ khiến chúng ta dễ bị cuốn vào những cuộc xung đột mà ở đó xuất hiện các loại vũ khí do Mỹ sản xuất và được các tổ chức khác mua lại”.
Theo bà Kris Brown, Hiệp ước ATT được tạo ra để cấm bán vũ khí cho những tổ chức nước ngoài nguy hiểm hoặc những đối tượng vi phạm nhân quyền. Đó là lý do thỏa thuận này được sự ủng hộ của gần 100 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả đồng minh của Mỹ ở Châu Âu. Việc rút khỏi thỏa thuận, về cơ bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bán vũ khí của Mỹ ra nước ngoài và những vũ khí đó không tránh khỏi bị sử dụng trong các cuộc chiến đe dọa ngay chính lợi ích của nước này, buộc Mỹ phải can thiệp.
Nguy cơ tiếp theo là làm gia tăng tình trạng bạo lực, thậm chí khiến dòng người di cư từ Trung Mỹ tới Mỹ xin tị nạn ngày một nhiều hơn. Nhà phân tích Kris Brown đã đưa ra cách lý giải khá đơn giản: Một khi không bị vướng rào cản, các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ dễ bán súng đạn tràn lan mà ít quan tâm đến việc chúng có rơi vào tay những kẻ vi phạm nhân quyền hay không. Những vũ khí này sau đó được sử dụng để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân, buộc họ phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Làn sóng người di cư tràn vào Mỹ đã khiến Tổng thống Trump phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tìm mọi cách xây dựng bức tường biên giới ngăn cách Mỹ-Mexico, với kinh phí dự kiến 5,7 tỷ USD. “Ảnh hưởng có thể thấy ngay trước mắt. Người dân buộc phải đi lánh nạn do tác động của những cuộc xung đột mà ở đó chất đầy các loại vũ khí. Tình trạng khủng hoảng tại nhiều nước láng giềng của Mỹ là ví dụ điển hình. Tất cả các vấn đề đều liên quan chặt chẽ đến nhau”, nhà phân tích Kris Brown nói.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 01/05/2019 là 1 AUD = 0.705 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 01/05/2019 là 1 AUD = 16,417 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, trời có mây rải rác, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 32 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 17 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, buổi sáng có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 26 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 26 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa lớn hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 22 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào
0 comments