Chương trình Thời sự thứ Sáu, 24/05/2019
Friday, May 24, 2019
6:28:00 PM
//
Slider
,
Thời sự thế giới
Cherry Radio
Cẩm Nhung | 24/05/2019
Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-sau-24052019-rd2304518
Tin nước Úc:
- Victoria: Dịch sởi bùng phát, hơn 30 trẻ nhỏ được bổ sung kháng thể khẩn cấp
- Victoria: Hàng trăm hộ gia đình tự ý lắp tấm năng lượng mặt trời dù chưa xin phép
- Victoria: Pelligra Group mua lại các nhà máy cũ của Ford, cam kết tạo ra hàng ngàn việc làm
- Campbellfield: Cháy nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi, sáu người phải sơ tán
- Tin Úc: Hoạt động xây dựng giảm 1.9% trong quý tháng Ba 2019
- Victoria: Cuộc điều tra về vụ bê bối gian lận bầu cử của đảng Lao động sắp kết thúc
- Melbourne: 5,000 người biểu tình kêu gọi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu
- Tỷ lệ nhà cho thuê bị bỏ trống ở Sydney giảm 1.1% so với cùng kỳ năm ngoái
- Tin vắn
Tin thế giới:
Canada đang lên kế hoạch đóng mới 18 tàu trong khuôn khổ chương trình trị giá 15,7 tỷ CAD (tương đương 11,7 tỷ USD) nhằm hiện đại hóa đội tàu đang xuống cấp của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Ngày 23/5, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đội tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Canada, với những con tàu có độ tuổi trung bình 38 năm, đang có dấu hiệu rỉ sét và hiện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Những tàu mới sẽ làm tất cả mọi nhiệm vụ, từ việc phá băng trên hồ Great Lakes đến việc tuần tra, giám sát hoạt động đánh bắt cá. Ông Trudeau cho biết Lực lượng Bảo vệ bờ biển Canada trung bình mỗi ngày cứu sống 50 người khi tuần tra khu vực bờ biển rộng lớn nhất thế giới, có chiều dài hơn 200.000 km dọc bờ biển Đại Tây Dương, Bắc Cực và Thái Bình Dương.
Tòa án Liên bang ở thành phố New York, Mỹ vừa ra phán quyết ủng hộ Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ yêu cầu Tổng thống Donald Trump công khai hồ sơ tài chính cá nhân. Phán quyết của Tòa án Liên bang thành phố New York nêu rõ, 2 ngân hàng Deutsche Bank và Capital One sẽ phải giao nộp các hồ sơ tài chính liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và các doanh nghiệp của ông. Hội đồng Lập pháp bang New York cũng đã thông qua dự luật tạo thuận lợi cho các ủy ban trong Quốc hội Mỹ được tiếp cận hồ sơ thuế cấp bang của ông Trump. Được biết, nhóm luật sư của Tổng thống Mỹ sẽ kháng cáo cả 2 phán quyết này.
Sau khi triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln, máy bay ném bom chiến lược B52 cùng hệ thống tên lửa Patriot tới Trung Đông hồi đầu tháng 5/2019, Lầu Năm Góc hiện đang tiếp tục xem xét kế hoạch gửi thêm 10.000 binh sỹ tới Trung Đông nhằm sẵn sàng đối phó với nguy cơ mà Washington gọi là mối đe dọa tiềm tàng từ Iran. Quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố, việc quốc gia này triển khai nhóm tác chiến tới Trung Đông không nằm ngoài mục đích tăng cường an ninh trong khu vực. Tuy vậy, kế hoạch điều thêm quân đến Trung Đông có thể vấp phải sự phản đối từ Quốc hội Mỹ do lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm tình huống dẫn đến chiến tranh với Iran.
Ngày 23/5, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố 17 cáo buộc về các tội danh hình sự mới nhằm vào nhà sáng lập WikiLeaks – ông Julian Assange. Trong thông báo, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng ông Assange đã vi phạm luật pháp khi công bố tên của các nguồn tin mật, cũng như đã cấu kết và phối hợp với Chelsea Manning - một chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ nhằm đánh cắp nhiều tài liệu bí mật. Như vậy, ông Assange đang đối diện với tổng cộng 18 cáo buộc. Trước đây, nhà sáng lập WikiLeaks bị cáo buộc đã cấu kết với Manning trong việc truy cập máy tính của chính phủ để đánh cắp hàng trăm nghìn báo cáo của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.
Ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, sức ép của Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei là hành động bắt nạt về kinh tế. Đồng thời, việc làm này của Mỹ là nhằm ngăn cản quá trình phát triển của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, Bắc Kinh sẽ luôn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương mại với Washington, nhưng sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận bất bình đẳng nào. Mới đây, người phát ngôn của Huawei thừa nhận, sức ép mà một vài trong số đó họ đang phải gánh chịu như là hậu quả của các quyết định mang động cơ chính trị. Sáng 23/5, hãng điện tử Panasonic của Nhật Bản thông báo ngừng giao dịch với Huawei, bao gồm cả việc cung cấp linh kiện điện tử.
Nhật Bản đang siết chặt an ninh tại Thủ đô Tokyo, đảm bảo cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra từ ngày 25/5 đến 28/5. Các lệnh cấm hoạt động du lịch và thiết bị bay không người lái đã được ban hành tại 10 khu vực dự kiến diễn ra các hoạt động của Tổng thống Donald Trump ở Nhật Bản. Tổng thống Trump tới Nhật Bản lần này với vai trò quốc khách đầu tiên của tân Nhật Hoàng Naruhito mà trong 1 năm, Nhật Bản chỉ đón 1 tới 2 quốc khách.
Kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ - cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất trên thế giới vừa được công bố, Liên minh tranh cử đứng đầu là Đảng Nhân dân của đương kim Thủ tướng Narendra Modi đã giành chiến thắng áp đảo, với 343 ghế trong tổng số 542 ghế được bầu tại Hạ viện. Như vậy chiến thắng này còn vang dội hơn cả kỳ bầu cử lần trước và cũng chiến thắng áp đảo nhất của một đảng phái Ấn Độ trong hơn 30 năm. Ông Narendra Modi vốn xuât thân tầng lớp nghèo khó, từng phải phụ cha bán trà tại sân ga. Nhưng cũng chính các yếu tố ấy được xem khiến ông Modi có nhiều chính sách hướng đến giai cấp lao động, tầng lớp nghèo khổ tại Ấn Độ. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng vọt, đạt kỷ lục mới.
Sau những tuyên bố cứng rắn từ chính phủ Philippines, Canada đã phải chấp nhận chi gần 1 triệu USD để nhận lại rác thải đã nằm tại cảng Philipppines trong suốt 6 năm qua. Chính phủ Canada đã ký hợp đồng với 1 công ty trong nước để đưa các container rác thải từ Philippines về Canada. Số rác thải này sẽ được tiêu hủy vào cuối mùa Hè này. Toàn bộ chi phí do Chính phủ Canada chi trả. Trước đó, Tổng thống Philippines đã đe dọa sẽ thuê một công ty vận tải tư nhân đem đổ 69 container rác thải vào vùng biển của Canada, nếu nước này không nhận lại số rác thải xuất khẩu dưới "nhãn" nhựa tái chế của mình.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell vừa chính thức công bố dự luật nâng độ tuổi tối thiểu được phép mua các sản phẩm thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử, từ 18 tuổi hiện nay lên 21 tuổi nhằm hạn chế hiện tượng hút thuốc đang gia tăng nhanh chóng trong số trẻ vị thành niên. Đề xuất của ông McConnell được đưa ra trong bối cảnh nhiều chính quyền bang và thành phố tại nước Mỹ đang tiến tới nâng độ tuổi tối thiểu được phép mua các sản phẩm thuốc lá nhằm ngăn tình trạng nghiện thuốc trong giới trẻ. Đến nay, 12 bang đã ban hành luật nâng độ tuổi tối thiểu lên 21 tuổi, trong đó có bang New Jersey và California. Cơ quan lập pháp của 2 bang New York và Maryland cũng vừa thông qua dự luật tương tự.
Một nghiên cứu mới cho thấy, gần 2/3 số kem chống nắng trên thị trường Mỹ không an toàn và không hiệu quả theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm vận động môi trường Environmental Working Group đã phân tích thành phần và hiệu quả của 1.300 loại kem chống nắng trên thị trường Mỹ. Kết quả cho thấy, có đến 60% trong số đó không đủ khả năng chống nắng hay chứa các chất có hại. Các loại kem chống nắng này có chứa chất oxybenzone, một chất liên quan đến việc làm thay đổi hormone ở nam giới và khiến phụ nữ sinh non.
Europol ngày 22/5 cho biết, 22 đối tượng tình nghi đã bị bắt giữ trên khắp châu Âu trong một chiến dịch phối hợp truy quét một băng nhóm buôn bán ma túy. Theo Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol), kẻ cầm đầu băng nhóm này là một người đàn ông Latvia 48 tuổi, bị bắt giữ tại Tây Ban Nha. Các đối tượng tình nghi khác bị bắt giữ tại Ba Lan, Litva, Tây Ban Nha và Anh. Europol mô tả đây là chiến dịch truy quét lớn nhất với 40 giờ khám xét trong 2 ngày 15 - 16/5, thu giữ 8 triệu Euro (8,92 triệu USD) tiền mặt, kim cương, vàng thỏi, đồ trang sức và nhiều ô tô hạng sang.
Ngày 22/5, Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho biết trong tuần trước, đã có hơn 10.000 tấn cá hồi chết trong các trại nuôi ở các vịnh hẹp ở hạt Nordland và hạt Troms, miền Bắc nước này. Cơ quan trên cho biết thiệt hại do cá hồi chết lên tới 70 triệu USD. Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự xuất hiện của loài tảo Chrysochromulina ở bờ biển phía Bắc nước này. Đây là một loại phù du thường thấy ở vùng nước Na Uy, song loài tảo này có thể phát triển rầm rộ do một số nguyên nhân như thời tiết ấm, rồi mắc vào mang cá, khiến cá nuôi trong lồng bị chết. Cơ quan Ngư nghiệp Na Uy cảnh báo hiện tượng tảo Chrysochromulina sẽ tiếp tục lan rộng và lượng cá hồi chết có thể tăng cao.
Tin thể thao:
MU dùng lương “khủng” mời gọi De Ligt: Bất chấp những đồn thổi cho rằng De Ligt đã chọn Barcelona làm điểm đến mới trong sự nghiệp, MU vẫn không từ bỏ tham vọng sở hữu trung vệ 19 tuổi. Truyền thông Anh loan tin, để thuyết phục De Ligt chuyển ý, MU chỉ còn cách chi thật nhiều tiền. Quỷ đỏ đã dùng mức lương 236.000 bảng/tuần để lôi kéo De Ligt về Old Trafford. Mức lương này sẽ giúp De Ligt bỏ túi 12,3 triệu bảng/mùa, trở thành cầu thủ nhận lương cao thứ 3 tại MU, sau Alexis Sanchez (350.000 bảng/tuần) và Paul Pogba (260.000 bảng/tuần). Về giá trị chuyển nhượng, Ajax mong muốn thu về khoảng 65 triệu bảng (75 triệu euro) từ việc bán De Ligt.
Man City phản pháo tin đồn Guardiola đến Juventus: Vừa qua, hãng tin AGI (Italia) gây xôn xao khi loan tin Pep Guardiola đã đồng ý ký hợp đồng 4 năm với Juventus, nhận lương 24 triệu euro/mùa. Thỏa thuận giữa các bên sẽ chính thức được công bố vào ngày 14/6. Thông tin xuất hiện vào thời điểm Man City vừa đề nghị trao bản hợp đồng mới cho Guardiola, khiến người hâm mộ vô cùng hoang mang. Một ngày sau, ông Alberto Galassi- thành viên ban lãnh đạo Man City, lên tiếng bác bỏ thông tin.
Barca đón thêm tân binh: Sau Frenkie de Jong, Barcelona chào đón thêm một ngôi sao tới từ Hà Lan. Tân binh Ludovit Reis sẽ cập bến Camp Nou theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm từ Groningen. Số tiền Barca bỏ ra để sở hữu tiền vệ 18 tuổi vào khoảng 3 triệu euro. Bất ngờ nhất trong thương vụ này là việc Barca đặt số tiền giải phóng hợp đồng lên đến 100 triệu euro cho Reis. Điều đó chứng tỏ họ rất coi trọng tiềm năng của cầu thủ này. Reis là ngôi sao nổi bật nhất trong đội hình Groningen. Ra mắt đội 1 vào năm 2017, Reis có 50 trận đấu cho Groningen trước khi đến Barca. Reis cũng từng chơi cho đội U17 và U19 của Hà Lan.
Bayern xác nhận đàm phán mua Sane: Bayern đã chiêu mộ xong tân binh Lucas Hernandez và Benjamin Pavard. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp khắc phục cho hàng phòng ngự. Với sự ra đi của Ribery và Robben, Bayern cần gấp rút bổ sung một cầu thủ chạy cánh chất lượng. Chủ tịch Uli Hoeness xác nhận mục tiêu Bayern đang đàm phán là Sadio Mane của Man City. Theo các nguồn tin, mức giá đầu tiên Bayern đưa ra lên bàn đàm phán là 80 triệu euro. Tại Man City, Sane còn hợp đồng tới năm 2021 nhưng tiền vệ người Đức đã không còn là sự lựa chọn tối ưu ở hành lang trái của Pep Guardiola.
Ronaldo cùng truyền nhân hội ngộ tại tuyển Bồ Đào Nha: HLV Fernando Santos đã công bố danh sách 23 cầu thủ được gọi lên tuyển Bồ Đào Nha trong đợt triệu tập lần này. Ngoài Cristiano Ronaldo, sự chú ý đổ dồn vào Joao Felix- cầu thủ được mệnh danh là truyền nhân của ngôi sao Juventus. Chỉ mới 19 tuổi nhưng Felix đã có mùa giải xuất sắc trong màu áo Benfica, ghi 15 bàn giúp đội nhà đăng quang giải VĐQG Bồ Đào Nha. Thầy trò HLV Santos gặp tuyển Thụy Sĩ ngày 6/6 trong khuôn khổ Nation League. Nếu chiến thắng, tuyển Bồ Đào Nha sẽ chạm trán một trong 2 đội tuyển Hà Lan hoặc Anh ở chung kết diễn ra ngày 9/6.
Liverpool tiếp tục tăng cường hàng công: Nguồn tin từ tờ Metro cho biết HLV Juergen Klopp đang muốn ký hợp đồng với cầu thủ chạy cánh của Villarreal, Samuel Chukwueze. Để có tiền chiêu mộ tiền vệ này, chiến lược gia người Đức quyết định sẽ bán Xherdan Shaqiri. Shaqiri, 27 tuổi, mới chuyển đến sân Anfield mùa Hè năm ngoái với giá 13 triệu bảng từ Stoke. Sau khi có một khởi đầu tương đối sáng sủa, tương lai của anh giờ lại thành một dấu hỏi. Giờ đây, HLV Klopp tỏ ra rất ấn tượng với Chukwueze và sẽ đưa cầu thủ này về bằng mọi giá. Chukwueze mới chỉ 20 tuổi và Klopp đặt niềm tin vào sự phát triển của sao trẻ này hơn.
Đoạt Quả bóng vàng, Modric được thưởng thêm. Theo báo chí Tây Ban Nha, tiền vệ người Croatia có một điều khoản trong hợp đồng cho phép anh có thể được ký mới thêm 1 năm nếu như giành Quả bóng vàng. Chủ nhân của Quả bóng vàng 2018 vì thế chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Real đến năm 2021. Mức lương mới của bản hợp đồng này chưa được tiết lộ, nhưng hứa hẹn sẽ gia tăng đáng kể.
Mbappe vẫn có thể cạnh tranh Quả bóng vàng. Tiền đạo trẻ Kylian Mbappe trở thành người chơi ổn định và nổi bật nhất của PSG ở mùa giải 2018/19 vừa qua. Thậm chí cầu thủ trẻ này còn làm lu mờ hình ảnh của siêu sao đắt giá nhất lịch sử Neymar Junior, trong thời điểm siêu sao người Brazil chấn thương cuối mùa. Tờ L’Equipe nhận định, Mbappe hoàn toàn có khả năng giành Quả bóng vàng 2019 nếu tỏa sáng trong màu áo ĐT Pháp, như anh đã cạnh tranh với Messi, Salah và Ronaldo mùa trước.
Fan Chelsea "hành xác" xem trận chung kết Europa League. Với việc tổ chức trận chung kết tận Azerbaijan - quốc gia vùng Kavkaz ở Âu Á, UEFA đã không cho các CĐV Arsenal và Chelsea điều kiện thuận lợi để theo chân đội bóng của mình. Thay vào đó, người hâm mộ hoặc phải rất giàu có, hoặc cần óc sáng tạo mới có thể vượt qua quãng đường hơn 5.000 km để tới đây. Theo thông tin đến từ 2 “fan cứng” của The Blues, họ đã phải trải qua 4 chuyến bay dài, cùng 1 chuyến tàu 24 giờ để theo chân Hazard và các đồng đội.
Châu Âu bất an trước kỳ bầu cử quan trọng
Bầu cử Nghị viện châu Âu chính thức diễn ra ngày 23/5 đem theo nỗi bất an và bầu không khí tương đối bi quan về tương lai của khối này.
Nguồn cơn nỗi bất an của châu Âu
Ngày 23/5, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu chính thức diễn ra, bắt đầu từ một số nước như Hà Lan, Anh rồi tiếp đến là Cộng hòa Séc, Ba Lan và đa số các nước thành viên EU sẽ bỏ phiếu vào ngày 26/5. Có thể nói, đây là cuộc bỏ phiếu gây ra nhiều bất an nhất tại châu Âu kể từ khi các thiết chế quan trọng nhất của khối này, trong đó có Nghị viện châu Âu, được hình thành. Nguyên nhân là do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng dân tuý, các đảng cực hữu, các đảng dân tộc chủ nghĩa, cũng như một bầu không khí tổng thể tương đối bi quan về tương lai của khối này.
Nguồn cơn của sự bất an này trước hết, đó là các bất ổn kinh tế tích tụ từ nhiều năm qua, với điểm khởi đầu là cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp năm 2010. Cuộc khủng hoảng đó đã kéo cả châu Âu vào một vòng xoáy khủng hoảng nặng nề và phải mất hơn 6 năm mới có thể vượt qua, với rất nhiều thay đổi đau đớn liên quan đến chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng”, đến việc xoá bỏ rất nhiều ưu đãi về an sinh-xã hội ở nhiều nước. Cuộc khủng hoảng này được xem như đã đánh sập hy vọng của rất nhiều người về một mô hình nhà nước phúc lợi ưu việt của châu Âu, buộc công dân nhiều nước châu Âu phải từ bỏ lối sống trước đây của mình và đối mặt với hiện thực khó khăn của toàn cầu hoá, của sự cạnh tranh từ các nền kinh tế mới nổi khác trên toàn cầu.
Khi kinh tế khó khăn thì các hệ luỵ khác sẽ nổi lên. Đầu tiên là bất ổn xã hội gia tăng, người nghèo cảm thấy bị bỏ rơi và họ lập tức bị lôi kéo vào các phong trào chính trị hay các đảng phái dân tuý, kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại giới tinh hoa chính trị bị xem là tham nhũng và bất lực trước khó khăn kinh tế. Ví dụ điển hình đầu tiên là Phong trào 5 sao ở Italia, rồi tiếp đến là ngày càng nhiều đảng phái khác ở Pháp, Hà Lan, Áo, Hungary… kêu gọi phá bỏ hệ thống cũ.
Khó khăn kinh tế cũng tạo ra sự chia rẽ. Khi châu Âu thịnh vượng thì người Đức, người Anh có thể thoải mái với người Hy Lạp, người Ba Lan nhưng khi công ăn việc làm ít đi, đời sống khó khăn hơn thì sự chia rẽ này quay trở lại. Trong nội bộ EU 5 năm qua, đã có những sự đối đầu gay gắt giữa các nước Đông Âu mới gia nhập khối sau này, với tiêu biểu là nhóm nước Visegrad gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia với Tây Âu, giữa các nước Nam Âu không muốn thắt lưng-buộc bụng như Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha với các nước phía Bắc coi kỷ luật ngân sách là tối thượng như Đức, Hà Lan. Các nước này công kích lẫn nhau và thậm chí đã có nhiều ý kiến cho rằng châu Âu cần phải chia thành một khối với hai tốc độ phát triển, tức một bên hạt nhân là Tây Âu với phần còn lại là các nước Đông và Nam Âu. Sự chia rẽ này thúc đẩy các tư tưởng cực đoan, dân tộc chủ nghĩa trong mỗi quốc gia trỗi dậy, mà Brexit chính là minh chứng lớn nhất.
Cuối cùng, trong 5 năm qua, châu Âu phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử tồn tại của mình. Năm 2015 là làn sóng tị nạn hàng triệu người đổ về châu lục, năm 2016 là việc một cường quốc hàng đầu như Anh rời bỏ khối, ngoài ra còn có làn sóng khủng bố lan khắp tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, rồi khủng hoảng trong quan hệ với Nga và với cả đồng minh quan trọng nhất là nước Mỹ.
Tất cả những điều này khiến cho nhiều người dân châu Âu cảm thấy quốc gia của mình, châu lục của mình đang bị xâm lược, thậm chí không ít người cho rằng nền văn minh phương Tây của họ đang bị đe doạ bởi người tị nạn, bởi sự xâm chiếm của Hồi giáo, bởi sự yếu kém ngày càng rõ rệt trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và Trung Quốc và bởi mối lo an ninh với Nga.
Thách thức của châu Âu trước kỳ bầu cử quan trọng
Có thể nói, đây thực sự là thời điểm mà sự bất an của cử tri châu Âu thực sự hiện hữu và đang ngày một lớn hơn.
Nhận định này là hợp lý. Thực ra việc các đảng dân tuý, cực hữu hay dân tộc chủ nghĩa như Liên đoàn phương Bắc ở Italia, Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp hay đảng Tự do ở Hà Lan… có thể giành nhiều ghế tại cuộc bầu cử lần này là rất cao, và cần được nhìn nhận ở hai khía cạnh.
Thứ nhất, đó là sự thăng tiến của các đảng này là rất rõ ràng, thể hiện qua việc các đảng này đều đã giành các kết quả rất quan trọng tại các cuộc bầu cử ở cấp quốc gia trong vài năm, như tại Italia thì đảng Liên đoàn phương Bắc của ông Matteo Salvini và đảng “Phong trào 5 sao” đang cầm quyền, tại Pháp thì bà Marine Le Pen đã vào đến vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, tại Đức thì đảng AfD đã có ghế tại Nghị viện của tất cả các bang hay mới đây tại Tây Ban Nha thì đảng cực hữu Tiếng nói (Vox) cũng đã đặt chân vào Nghị viện nước này. Đây là sự thăng tiến liên tục trong nhiều năm chứ không phải là một sự đột biến nên nếu các đảng này giành nhiều ghế tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này thì cũng không phải điều quá bất ngờ, đặc biệt nếu xét đến các yếu tố như lượng cử tri đi bầu dự đoán sẽ không cao.
Tuy nhiên, khía cạnh thứ hai cần nhấn mạnh, đó là nhiều cử tri tại các nước châu Âu có thể sẽ bỏ phiếu cho các đảng cực hữu hay dân tuý không hẳn là vì ủng hộ các đảng này mà là để trừng phạt các chính đảng cầm quyền yếu kém. Khả năng này là rất cao tại Anh, tại Pháp hay tại Đức, nơi các chính phủ đang có uy tín thấp. Vì thế, cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ rất khó khăn cho các đảng truyền thống tại châu Âu. Họ có thể chưa bị lật đổ ngay nhưng sẽ bị liên minh các đảng cực hữu-dân tuý-dân tộc chủ nghĩa thách thức mạnh mẽ.
Tương lai châu Âu
Việc tương lai châu Âu sẽ ra sao sau cuộc bầu cử này trước hết phải phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử. Nếu các phân tích, dự báo và thăm dò dư luận chính xác thì nhóm các đảng cực hữu-dân tuý sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 3, thậm chí thứ 2 tại Nghị viện châu Âu và nhóm này có thể tạo ra nhiều cản trở trong quá trình xây dựng luật của Liên minh châu Âu, hay trong việc lựa chọn thế hệ lãnh đạo mới cho Uỷ ban châu Âu. Tuy nhiên, khả năng là nhóm các đảng này sẽ bị các nhóm chính trị khác tại châu Âu kiềm chế.
Điều quan trọng là ở việc nếu xu hướng cực đoan, dân tuý, dân tộc chủ nghĩa lên ngôi qua cuộc bầu cử này thì tình hình chính trị nội bộ ở nhiều nước chắc chắn sẽ biến động lớn, đặc biệt là các nước như Pháp, Hà Lan hay Tây Ban Nha. Khi đó thì các chính trị gia thân châu Âu, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ rất khó hành động khi muốn thực hiện các cải cách lớn tại châu Âu. Thậm chí, sức ép từ các cử tri trong nước sẽ buộc các chính trị gia này từ bỏ nhiều kế hoạch tham vọng cho châu Âu.
Nhìn chung thì ở cấp độ châu lục, châu Âu sẽ không biến động lớn chỉ vì một cuộc bầu cử Nghị viện mà sẽ phải chờ đến các thay đổi lớn trong mỗi quốc gia thành viên, đặc biệt là các thành viên lớn như Pháp. Minh hoạ mà tất cả chúng ta đều đang thấy rõ nhất đó là Brexit tại Anh. Sự kiện Brexit là sự thắng thế của các tư tưởng bài châu Âu tại Anh. Nếu một kịch bản tương tự diễn ra tại Pháp hay Đức, ví dụ bà Marine Le Pen được làn sóng cử tri cực đoan đưa lên làm Tổng thống Pháp hay đảng AfD lên cầm quyền tại Đức sau vài năm nữa, thì khi đó tương lai Liên minh châu Âu mới thực sự bị hoài nghi nghiêm trọng.
Điều nguy hiểm là ở chỗ, cuộc bầu cử Nghị viện lần này có thể thúc đẩy xu hướng cực đoan mạnh lên thêm và khiến các kịch bản như thế dễ xảy ra hơn trong vài năm tới.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 24/05/2019 là 1 AUD = 0.690 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 24/05/2019 là 1 AUD = 16,144 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 36 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 18 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 17 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào ở khu vực ven biển, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 25 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 26 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 26 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 24 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 19 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, chiều tối có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào
0 comments