Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Trump dọa thưa tới Tòa án Tối Cao nếu bị luận tội

Friday, April 26, 2019 6:50:00 PM // ,

Thursday, April 25, 2019 7:09 AM // ,
Theo VOA 


Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một sự kiện về lạm dụng thuốc giảm đau và heroin, ngày 24 tháng 4, 2019 ở Atlanta, bang Georgia. 

Tổng thống Donald Trump hôm 24/4 tuyên bố sẽ quyết đấu lên đến Tòa án Tối cao chống lại bất kì nỗ lực nào của phe Dân chủ trong Quốc hội muốn luận tội ông, dù Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho Quốc hội toàn quyền đối với quá trình luận tội.

Ông Trump đưa ra lời đe dọa trên Twitter vào buổi sáng trong khi Nhà Trắng khởi động một cuộc chiến pháp lý khốc liệt chống lại trát của phe Dân chủ tại Hạ viện buộc chính quyền của ông giao nộp các tài liệu và đưa người ra khai chứng.

Phe Dân chủ vẫn chia rẽ về việc có nên tiến hành luận tội ông Trump hay không sau cuộc điều tra Nga do Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller thực hiện.

“Nếu phe Dân chủ tìm cách Luận tội, trước tiên tôi sẽ thưa lên tới Tòa án Tối cao Hoa Kỳ,” vị Tổng thống Đảng Cộng hòa, người đang nỗ lực tái đắc cử vào năm sau, nói mà không nêu chi tiết về hành động pháp lý mà ông hình dung.

Hiến pháp trao độc quyền luận tội và bãi nhiệm một Tổng thống cho Hạ viện và Thượng viện, chứ không phải nhánh tư pháp, trong văn kiện lập quốc minh định sự phân chia quyền lực giữa ba nhánh của chính phủ liên bang.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và các nhà lãnh đạo khác của phe Dân chủ vẫn dè dặt trong việc khởi động các thủ tục luận tội chống lại ông Trump trước cuộc bầu cử năm 2020, mặc dù họ để ngỏ một hành động như vậy. Những người khác thuộc thành phần cấp tiến hơn trong đảng đòi tiến hành thủ tục luận tội.

Những kết luận của ông Mueller, được công bố trong một báo cáo được che bớt thông tin vào tuần trước, nêu chi tiết về 12 vụ việc có thể là hành động cản trở công lý của ông Trump trong việc tìm cách ngăn cuộc điều tra nhưng không kết luận ông phạm tội. Báo cáo nói Quốc hội có thể giải quyết chuyện liệu Tổng thống có phạm luật hay không.

Phe Dân chủ Hạ viện đã tăng cường giám sát chính quyền Trump kể từ khi nắm quyền kiểm soát viện này vào tháng 1, từ việc đòi cung cấp hồ sơ khai thuế của ông Trump và thủ tục duyệt cấp quyền tiếp cận an ninh của Nhà Trắng cho tới cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào chính trị Mỹ.

Ông Trump đã ra lệnh cho các quan chức không tuân thủ trát buộc khai chứng, và đã đệ đơn kiện để ngăn chặn các tài liệu này được chuyển cho các nhà lập pháp.

“Chúng tôi đang chống lại các trát buộc khai chứng,” ông nói với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 24/4.

Bộ Tư pháp cùng ngày đã khước từ yêu cầu của Ủy ban Cải cách và Giám sát Hạ viện phỏng vấn một quan chức liên quan đến quyết định của chính quyền Trump đưa một câu hỏi về quốc tịch vào cuộc điều tra dân số năm 2020.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Quốc hội là một nhánh chính phủ đồng đẳng cùng với nhánh hành pháp và tư pháp.

Hiến pháp trao quyền cho Quốc hội bãi nhiệm một Tổng thống về tội “phản quốc, hối lộ hoặc các trọng tội và các hành vi sai trái khác.” Hạ viện được trao quyền luận tội Tổng thống - nghĩa là đưa ra các cáo buộc chính thức - và Thượng viện sau đó triệu tập một phiên tòa, với các thượng nghị sĩ đóng vai trò bồi thẩm viên. Cần hai phần ba biểu quyết thuận để kết tội một Tổng thống và loại ông khỏi chức vụ.

Hiến pháp không cho Tòa án Tối cao vai trò gì trong tiến trình luận tội, dù giao cho chánh thẩm nhiệm vụ chủ tọa phiên xét xử ở Thượng viện.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.