Vũ Linh: Tin Hoa Kỳ cuối tuần 29/3/2019
Vũ Linh: Tin Hoa Kỳ cuối tuần 29/3/2019
TIN QUỐC HỘI HOA KỲ
Thượng Viện đã biểu quyết về dự án Green New Deal của cô dân biểu Ocasio-Cortez, với tỷ lệ 57 phiếu chống (tất cả nghị sĩ CH + 4 nghị sĩ DC), 43 phiếu hiện diện (tất cả là DC), và 0 phiếu ủng hộ.
Cuộc biểu quyết này đã được lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện đưa ra với mục đích ép phe DC phải lên tiếng về dự án khổng lồ hoang tưởng của cô Ocasio-Cortez, đã được hầu hết các ứng cử viên tổng thống của đảng DC ủng hộ. Tuy ủng hộ, nhưng đến khi bỏ phiếu thì họ lại rét, bỏ phiếu ‘hiện diện’, trong đó có các bà nghị sĩ Elizabeth Warrens, Kirsten Gillibrand and các ông nghị sĩ Cory Booker, Bernie Sanders. Không có tới một nghị sĩ biểu quyết ủng hộ.
Dự án Green New Deal sẽ tốn khoảng 93.000 tỷ trong 10 năm, so với tổng cộng ngân sách Mỹ năm nay là khoảng 4.000 tỷ. Theo các chuyên gia thuế, nếu tăng thuế các đại gia lên mức 70% lợi tức như cô Ocasio-Cortez đề nghị, thì sẽ thu thêm được khoảng 190 tỷ nhưng sẽ mất đi 60 tỷ vì mất bớt tiền thuế thu trên các đầu tư của các đại gia, nghiã là sẽ thu thêm được 130 tỷ trong 10 năm tới, chỉ còn thiếu có… 92,870 tỷ thôi. Cô Ocasio-Cortez hiển nhiên chẳng có khái niệm gì về chuyện tiền bạc hết.
Trong khi đó, tại Hạ Viện, phe DC đã thất bại, không đủ phiếu để vượt qua phủ quyết của TT Trump về vụ ban bố tình trạng khẩn trương. Chỉ có 248 phiếu, còn thiếu 38 phiếu. Bây giờ Thượng Viện có thể sẽ không cần biểu quyết nữa vì đã thất bại ở Hạ Viện rồi.
Nếu không có hành động gì khác, TT Trump sẽ có tiền xây tường. Bộ Quốc Phòng đã thông báo vừa tháo khoán một tỷ đô để xây khoảng 50 dặm tường, như là đoạn đầu tiên. Vì không có quỹ riêng đặc biệt, TT Trump sẽ phải đi lục trong ngân sách để cắt đầu này lắp đầu kia, nên sẽ cần thời gian vài năm mới xây tường như ông dự tính.
Khối DC trong Hạ Viện đang nghiên cứu kế hoạch thưa kiện chính quyền Trump để cản.
Kết quả của cả hai cuộc biểu quyết không có gì là ngạc nhiên, đều đúng như dự liệu.
KHỦNG HOẢNG BIÊN GIỚI
Di dân Nam Mỹ tràn vào Mỹ đã leo thang lên đến mức khủng hoảng lớn. Cả trăm ngàn người đang chờ xin nhập cảnh, trong khi hơn 23.000 người vượt biên giới bất hợp pháp đã bị bắt trong một tuần lễ đầu tháng Ba vừa rồi.
Sở Di Trú cho biết mỗi ngày đã phải thả khoảng 1.000 di dân ra khỏi các trại tạm cư vì không đủ chỗ, cũng như vì luật không cho phép giam giữ trẻ em quá lâu.
Những người này trên nguyên tắc chỉ là được tạm tha, với điều kiện phải đến trình diện lại. Nhưng trên thực tế, hầu hết những người này mau mắn biến vào xã hội Mỹ, sẽ không bao giờ ra trình diện và sẽ chẳng bị bắt lại, ngoại trừ vi phạm luật nào đó, bị cảnh sát bắt. Mà cho dù bị bắt tại những nơi có sanctuary law thì cũng chẳng sao.
Ngoài ra tin mới nhất cho biết lại thêm một đoàn di dân với hơn 1.200 người đã bắt đầu cuộc hành trình đi từ Guatemala tới biên giới Mỹ.
ISIS CHÍNH THỨC BỊ DẸP TAN
Tin từ Syria cho biết thành phố cuối cùng do ISIS kiểm soát tại Syria đã được quân chính quyền giải thoát.
ISIS dưới thời TT Obama đã vùng lên từ một “đội bóng rổ trung học” chiếm được một nửa Syria và một nửa Iraq, với một lực lượng ước tính lên tới 30.000 tay súng, đã bị đánh tiêu tan không còn manh giáp qua sự phối hợp của các lực lượng quân đội Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, với sự yểm trợ của quân đội Mỹ và Nga.
LUẬT SƯ AVENATTI BỊ BẮT
Anh luật sư nổ hơn kho đạn Avenatti của cô đào chuyên đóng phim sex Stormy Daniels, đã bị FBI bắt về tội mưu toan tống tiền hãng giầy Nike.
Anh này không biết bằng cách nào, đã tìm ra được bằng chứng Nike làm chuyện lem nhem gì đó, đe dọa sẽ bung tin này lên báo chí, có thể gây thiệt hại bạc trăm triệu cho Nike. Anh ta đòi Nike trả 22,5 triệu đô để đổi lấy sự im lặng của anh ta.
Nike không hợp tác, trái lại hợp tác với FBI, lập lưới bắt anh ta tại trận.
Ngoài ra, anh Avenatti cũng đã bị tiểu bang Cali truy tố về nhiều tội lừa gạt, tống tiền.
Cô đào Stormy nghe tin này, đã bình luận “không có gì lạ hết, tên này lừa tôi và còn lừa nhiều người khác nữa, chưa hết đâu”.
Bị truy tố cùng với anh Avenatti là một luật sư khác, chuyên gia luật pháp của đài … CNN, tên là Mark Geragos. Anh này cũng là luật sư cho anh Colin Kaepernick, là anh cầu thủ football khởi xướng ra vụ quỳ gối không chào quốc kỳ Mỹ trước các trận đấu.
CNN đã mau mắn sa thải luật sư Geragos ngay lập tức tuy không dám nêu lý do tại sao sa thải.
LẠI THÊM MỘT NHÀ BÁO THAN PHIỀN
Nhà báo lão thành Tom Brokaw của đài NBC, đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay để chữa trị ung thư, đã lên tiếng than phiền truyền thông thời nay chẳng những quá phe đảng mà còn hoàn toàn một chiều, lập đi lập lại những lập luận giống hệt nhau –too much duplication.
Anh Brokaw cũng kêu gọi truyền thông hãy đi ra khỏi hai cái thành trì New York và Washington để xem dân Mỹ thực sự nghĩ gì, thay vì cứ nhìn chằm chằm vào vài chính khách tên tuổi.
Anh Brokaw là nhà báo kỳ cựu thứ hai lên tiếng than phiền về TTDC, sau khi anh Ted Koppel đã than vãn tuần trước.
NEW YORK BỊ NẠN
Tiểu bang New York, thành đồng của tư tưởng cấp tiến không thua gì Cali, cách đây cả năm đã biểu quyết mức lương tối thiểu tại tiểu bang là 15 đô một giờ, bất kể làm việc gì, có típ hay không. Đây là chủ trương của khối cấp tiến trong đảng DC, nhân danh nhu cầu ‘giúp dân nghèo’ của cái đảng tự vỗ ngực là ‘nhân bản’. Trong khi khối CH chống lại, nên thường bị tố là bóc lột lao động để bảo vệ mấy ông ‘nhà giàu’ chủ hãng xưởng và công ty.
Kết quả của việc tăng lương tối thiểu đã đúng như khối CH đã cảnh giác.
Theo nghiên cứu của tổ chức New York Hospitality Alliance, là một tổ chức tương trợ trong kỹ nghệ phục dịch như khách sạn, tiệm ăn,… hơn một nửa các tiệm ăn tại New York đang cố tìm cách sa thải bớt nhân viên, vì hai lý do, lương tối thiểu quá cao, và Obamacare, phải chi trả bảo hiểm y tế cho nhân viên nếu có trên 50 nhân viên.
Nói trắng ra, DC có ý giúp dân lao động nhưng kết quả của những chính sách mỵ dân đã đưa đến tình trạng tai hại là cái đám dân đó bị mất job hàng loạt. Mức lợi nhuận của các công ty tiểu thương này trung bình rất thấp, chỉ khoảng 4% trước khi trừ thuế. Bây giờ, bắt tăng lương và trả bảo hiểm y tế cho nhân viên thì một số lớn bị lỗ nặng.
Số nhân viên bị sa thải nhiều đến độ chính quyền tiểu bang đang nghĩ việc ra luật cấm sa thải. Vẫn chỉ là một luật mới ngớ ngẩn khác của các chính khách DC. Nếu ra luật cấm sa thải thì phải nghĩ đến hai hậu quả. Thứ nhất là các công ty sẽ rất ngại thuê mướn người mới, tìm việc làm sẽ khó khăn gấp bội. Thứ hai là việc không bị sa thải sẽ khiến cho nhiều người làm biếng không làm gì nữa, sẽ tai hại lớn cho năng suất của công ty và cả kinh tế Mỹ nói chung.
Nhiều chuỗi tiệm ăn lớn như McDonald, KFC,… đang lập ra những quầy bán hàng tự phục vụ -self service- để có thể giảm nhân lực.
Làm sao ngăn ngừa việc này? Ra luật áp đặt chỉ tiêu năng suất hay chỉ tiêu nhân lực theo kiểu CS? Kiểu như một tiệm bán bao nhiêu tiền thì phải có tối thiểu bao nhiêu nhân viên? Phe ta đang lừng lững ‘tiến nhanh, tiến mạnh’ xuống hố cả nước.
TIẾN TRÌNH XUỐNG HỐ CẢ NƯỚC
Một nhà báo của Fox News, ông Tom Del Beccaro, đã viết một bài về tiến trình đi từ chế độ tư bản qua chủ nghiã xã hội, để đến sự hủy hoại của cả xã hội luôn. Theo ông này thì có tổng cộng 9 bước. DĐTC xin tóm lược lại để quý độc giả đọc cho vui, cũng như để xem phe DC đang dẫn dắt nước Mỹ qua bước thứ mấy rồi.
Bước một: chi tiêu Nhà Nước tăng vọt để chi trả cho đủ loại trợ cấp của Nhà Nước. Như Thụy Điển, trước đây chi tiêu của Nhà Nước lên tới 70% tổng sản lượng cả nước (tuy bây giờ đã de lui, giảm xuống còn 50%). Hiện nay, tỷ lệ này của Mỹ là 36%, nhưng nếu đảng DC thắng cử trong cuộc bầu năm 2020 thì con số này sẽ nhẩy lên trần nhà luôn.
Bước hai: tăng thuế ào ạt trên các ‘đại gia’ và công ty, đưa đến cắt tuyệt mọi khuyến khích kinh doanh. Đây là việc các ứng viên tổng thống của DC đều chủ trương.
Bước ba: chặn đứng mọi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng dưới thời Obama trung bình là dưới 2%, nhưng đã leo lên trên 3% dưới TT Trump.
Bước bốn: tích lũy công nợ. Dưới chế độ đã phá sản của Hy Lạp, công nợ lên tới 150% tổng sản lượng quốc gia, trong khi dưới thời Obama, đã leo lên tới xấp xỉ 100%, từ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ.
Bước năm: Nhà Nước in tiền. Như đang xẩy ra tại Venezuela, Nhà Nước in tiền ào ào để chi trả mọi thứ trong nước, đưa đến lạm phát tức là tiền mất giá mạnh. Lạm phát ở Venezuela cho năm 2019 được ước tính sẽ là một triệu phần trăm! Khó hiểu? Đại khái một ổ bánh mì bán 10 đồng đầu năm 2019, sẽ bán 100.000 đồng cuối năm. Ai muốn Mỹ thành Venezuela, xin giơ tay!
Bước sáu: để chặn lạm phát, Nhà Nước ấn định giả cả mọi thứ, cũng như ấn định tiêu chuẩn sản xuất và tiêu thụ cho tất cả mọi thứ.
Bước bẩy: kinh tế ‘chui’ ra đời để tránh sự kiểm soát của Nhà Nước.
Bước tám: chiến tranh giai cấp bùng nổ vì khó khăn kinh tế quá lớn, sẽ kích động những người bị thiệt thòi nổi loạn, đánh nhau với những người còn tí của cải.
Bước chín: cả nước biến loạn và xụp đổ.
Đọc qua 9 bước trên, kẻ này có cảm tưởng như đó chính là … sách lược kinh bang tế thế của đảng DC hiện nay!
Vũ Linh, 28/3/2019
0 comments