Tin Việt Nam – 29/03/2019
Friday, March 29, 2019
6:09:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà bị bắt và khởi tố
Bộ Công an Việt Nam ngày 29/3 thông báo đã khởi tố, bắt giam ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, cùng ba người khác trong cuộc điều tra ngân hàng BIDV.Việt Nam xác nhận đã bắt ông Trần Bắc Hà
Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngân hàng
Ông Trần Bắc Hà chính thức bị khởi tố
Ông Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (trụ sở TP Quy Nhơn), là con trai ông Trần Bắc Hà, người từng dẫn dắt BIDV thời gian dài.
Năm ngoái, ông Trần Bắc Hà đã bị khai trừ khỏi đảng, sau đó bị bắt tạm giam chờ xét xử.
Bộ Công an nói việc khởi tố, bắt giữ bốn người là liên quan vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.
Cùng bị bắt, có Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà; Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà; và Thái Thành Vinh, Cổ đông Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.
Thông cáo nói sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, việc khởi tố và bắt giữ đã tiến hành hôm 26/3.
Là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng điều hành công ty An Phú và cũng giữ chức Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9/2017, ông Tùng xin từ chức ở công ty cảng Quy Nhơn.
Đảng Cộng sản gần đây đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Theo truyền thông Việt Nam, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Bình Hà là chủ đầu tư.
BIDV là ngân hàng cho vay tiền để làm dự án.
Nhưng theo báo chí, tính đến hôm nay, dự án này chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đề ra.
Các vụ việc đã có ‘từ lâu’
Trả lời phỏng vấn BBC vào tháng 11/2018, tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên viên Ngân hàng Thế giới và nhà phân tích tài chính từng làm việc ở Việt Nam từ 2003 đến 2014, cho hay:
…”trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích.”
“Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến.”
“Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều.”
“Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ.”
nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái:
“Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều.”
“Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47736945
Việt Nam và các sân ‘trục lợi’ màu mỡ ở khu vực công
Phạm Quý ThọGửi cho BBC từ Hà NộiHiện tượng ‘trục lợi’ không phải là mới, nhưng tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng và lan rộng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Từ góc nhìn chính sách công bài viết sau đây chia sẻ cách lý giải về căn nguyên của vấn đề trục lợi, từ đó gợi ý về hướng cải cách thể chế hiện nay.
Luôn là ‘diễn biến phức tạp’
‘Trục lợi tâm linh’ nói chung và hoạt động ‘thỉnh vong, oan gia trái chủ’ thu nhiều tiền của người dân ở chùa Ba Vàng nói riêng là hiện tượng trục lợi điển hình.
Đại đức Thái Minh ‘bị cách chức’, bà Yến bị phạt
Giáo hội: ‘Không có chuyện thỉnh, giải oan’
Vụ thỉnh vong chùa Ba Vàng: dư luận dậy sóng
Người dân rúng động, bức xúc. Chính quyền ‘lúng túng, vào cuộc chấn chỉnh’.
Truyền thông nhà nước, báo giấy, báo mạng, lề phải, lề trái, … dồn dập đăng tải tin nóng, bình luận, phê phán.
Ngoài vụ việc lớn lâu nay như BOT và ‘lợi ích nhóm’, thì các vụ ‘trẻ em trong trường mầm non bị nhiễm sán lợn khi ăn phải thực phẩm bẩn’ và ‘trục lợi chính sách trong dự thảo tiêu chuẩn cho nước mắm… cũng đang khiến dư luận dậy sóng.
Cuộc họp báo ngày 25/03/2019 do Bộ Công an tổ chức thông tin một số hoạt động của ngành trong quý I/2019 nhận định rằng tình hình các loại tội phạm về bảo kê, xã hội đen, tín dụng đen, ma tuý, trật tự an toàn giao thông ‘diễn biến phức tạp, nóng bỏng’…
Theo đó, trong thời gian gần đây Bộ Công an đã xử lý gần 30.200 vụ phạm tội, trong đó có nhiều vụ án liên quan đến ‘trục lợi’ như tội phạm kinh tế 6.458 vụ; tội phạm tham nhũng, chức vụ 71 vụ; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường 6.590 vụ…
Trong cuộc họp báo nhiều câu hỏi được nêu về một số vụ ‘điển hình’ như: Vụ án ‘can thiệp, nâng điểm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại một số tỉnh.
Trong vụ án ‘Vũ Nhôm’ đã khởi tố và xét xử sáu vụ án, trong đó riêng sai phạm về quản lý đất đai thì cơ quan điều tra khởi tố 21 cá nhân và hiện tiếp tục điều tra nhóm người ở TP HCM;
Vụ ‘sai phạm trong quản lý và đầu tư công tại MobiFone’, Dự án ở Venezuela của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang điều tra…
Vẫn là biểu hiện của thể chế bất cập
Từ góc độ chính sách công, trục lợi là hành vi của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp tìm cách kiếm tiền thông qua hành vi thao túng môi trường kinh tế và pháp lý thay vì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bất kỳ thể chế nào hành vi trục lợi đều có thể xảy ra nhưng với mức độ nghiêm trọng khác nhau tuỳ thuộc vào chất lượng hệ thống kinh tế chính trị.
Trong nhiều vụ việc thường thấy ‘bóng dáng các quan chức’.
Liên hệ với thực tế nước ta, xin nêu trường hợp ‘nổi cộm’ để giải thích.
Chủ trương ‘quân đội, công an làm kinh tế’ chắc chắn dẫn đến những vụ án như Vũ Nhôm, Út trọc.
Có gì phía sau hai vụ xử ‘Vũ Nhôm’, ‘Út Trọc’?
Hai tướng công an khai ‘không thao túng đất vàng’
Hai tướng công an bị phạt 2 năm rưỡi và 3 năm tù
Người ta có thể biện minh cho đặc thù khi Việt Nam khi còn trong điều kiện sau chiến tranh, lực lượng quân ngũ còn lớn, tiềm năng về phương tiện vật chất kỹ thuật, đất đai… chuyển sang làm kinh tế là phù hợp.
Tuy nhiên, sau nhiều năm vẫn giữ kiểu hoạt động phi kinh tế dựa trên ‘nước sông, công lính’ thì kiểu trục lợi bởi các cán bộ quân sự tha hoá, ít hay nhiều, được che đậy bởi thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng là không tránh khỏi.
Vấn đề sẽ nảy sinh khi một số ‘thủ trưởng’ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh núp dưới vỏ bọc chắc chắn này có xu hướng bị cám dỗ bởi vật chất hoặc danh vọng dẫn đến cách hành xử cơ hội chủ nghĩa khi cho rằng mình sẽ thoát khỏi hình phạt, khi ‘cấp trên’ không có được đầy đủ thông tin hay vẫn đặt niềm tin vào phẩm chất ‘người lính’.
Giả sử trong trường hợp bị phát hiện họ cho rằng trong bối cảnh ‘tham nhũng tràn lan’ vẫn có thể thoát bằng cách ‘làm hài lòng’ hoặc tìm các quan hệ ‘nhờ vả’.
Môi trường thể chế đã lạc hậu và đang níu kéo sự chuyển đổi sang cơ chế thị trường, kìm hãm tăng trưởng kinh tế, trong đó điểm yếu cơ bản là vấn đề sở hữu không rõ ràng – dư địa của trục lợi.
Các hình thức sở hữu nhà nước, tập thể hay tư nhân, chung hay riêng… nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài sản công luôn tạo nên tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Trong bối cảnh cải cách thể chế ở Việt Nam vấn đề thân chủ – đại diện tạo nguy cơ trục lợi tràn lan. Ngoài các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ‘sân sau’ của đảng, đoàn… thì hơn 6.000 đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội hưởng ngân sách, nắm giữ một khối lượng tài sản công, đất đai… là mảnh đất màu mỡ để trục lợi.
Trong thực tế môi trường pháp lý còn nhiều bất cập các ‘vị thủ trưởng’ đại diện cho cho sở hữu nhà nước ‘luôn biết cách’ vận dụng cho lợi ích riêng, lợi ích cục bộ hay cá nhân.
Họ là nhóm đối tượng có nguy cơ trở thành các nạn nhân của ‘rủi ro đạo đức’.
Điều gì thực sự ngáng đường cải cách?
Trục lợi là kiểu hành vi bản năng, tự phát và cơ hội chủ nghĩa của con người dựa trên nhận định chủ quan về chi phí cơ hội. Các hành động mang tính mục đích có thể được thúc đẩy bởi các động cơ vì mình (vị kỷ), vì người khác (vị tha) và vì bị ép buộc.
Tương thân, tương ái, nỗ lực vì lợi ích của gia đình, cộng đồng làng xã được coi trọng như một phẩm hạnh. Lòng vị tha thích hợp với các nhóm nhỏ.
Chủ thuyết xã hội chủ nghĩa chuyển sang xã hội đại chúng, phần lớn bằng bạo lực chuyên chính vô sản, một vài trường hợp cá biệt mang tính dân tuý như Venezuela nó trở thành ý thức hệ: CNXH được dựa trên sự cống hiến và tạo ra sự vị tha. CNXH được dựa trên nhu cầu con người, ‘làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’.
Tuy nhiên, khi vận hành hệ thống động cơ ép buộc, hành chính luôn được áp dụng dưới nhiều hình thức.
Ý thức hệ xã hội chủ nghĩa đã được cảnh báo về sự giáo điều, duy ý chí và hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên chỉ đến khi hệ thống XHCN Đông Âu sụp đổ sự cảnh báo mới được minh chứng.
Trong thế giới đương đại, người ta cho rằng chủ nghĩa tư bản, với thị trường tự do và mô thức duy lợi, được dựa trên sự ích kỷ, khuyến khích lòng tham, gây ‘rủi ro đạo đức’.
Tuy nhiên, trong thực tế thị trường tự do đòi hỏi hành động tự nguyện giữa các cá nhân, không có sự ép buộc. Theo đó, nếu bạn muốn một cái gì từ người khác, bạn phải làm một cái gì đó cho họ. Chính vì thế mà chủ nghĩa tư bản phát triển tự nhiên.
Đường lối đổi mới ở Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn một phần ba thế kỷ. Nền kinh tế chuyển đổi ở Việt Nam dù có được diễn giải rằng đó là thị trường định hướng XHCN, thì trước hết vẫn cần hiểu đúng về thị trường để có thể cải cách đúng đắn.
Nhưng thực tế đã cho thấy rằng sự níu kéo vào ý thức hệ giáo điều có thể sản sinh ra những chính sách và quản lý sai lầm, làm chậm quá trình chuyển sang kinh tế thị trường.
Hiện nay chính sách thúc đẩy tự do kinh doanh đang làm tăng tốc quá trình chuyển đổi. Nó mang lại lợi ích kép, không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng, mà còn tạo hứng khởi cho các doanh nghiệp, cá nhân nỗ lực tự mình đạt mục đích do làm hài lòng khách hàng thay vì các mối quan hệ ‘nhờ vả’ chính quyền.
Tuy nhiên, mặt trái của chính sách cũng đang bộc lộ, trong đó trục lợi là hiện tượng đặc trưng. Nó trở nên nghiêm trọng và lan rộng trong thể chế có quá nhiều bất cập.
Con người tạo ra thể chế để rồi bị ràng buộc bởi nó. Trong quá trình sinh tồn con người luôn điều chỉnh thể chế mỗi khi nó không còn phù hợp.
Thể chế lạc hậu là rào cản lớn nhất, bởi vậy ‘cải cách thể chế là dư địa lớn cho tăng trưởng’.
Vận hành chính sách là một quá trình hai mặt: ‘chống’ và ‘xây’ đồng thời.
Hiệu quả của cải cách hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc thiết kế các bộ phận cấu thành cơ chế thị trường, trong đó các nguyên tắc cơ bản như: sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, cạnh tranh công bằng và năng lực chủ thể tự quyết.
Theo tôi, cải cách thể chế không khi nào là đơn giản và tuỳ thuộc vào lựa chọn của giới cai trị trên cơ sở những ý tưởng và triết lí xã hội.
Chúng không chỉ để hiểu và diễn giải thế giới thực, mà quan trọng hơn còn để thay đổi vì lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc thay vì lợi ích cục bộ, riêng của nhóm người.
Bài viết thể hiệnquan điểm riêng của TS Phạm Quý Thọ từ Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47746231
Liệu quan chức sẽ từ chối quà tặng theo luật định?
Luật phòng, chống tham nhũng 2018 của Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu được thi hành vào đầu tháng 7 tới đây và cơ quan chức năng tiến hành tham vấn về Dự thảo Nghị Định Hướng dẫn thi hành luật này. Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị Định là quan chức phải từ chối quà được tặng không đúng quy định, hay việc xử phạt tham nhũng sẽ được áp dụng cho cả khu vực ngoài nhà nước.Những qui địinh như thế có khả thi, giúp xóa bỏ tình trạng tham nhũng trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay không?
Người dân: “Chuyện thường ngày ở huyện”
Trong buổi tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội hôm 27/3 vừa qua, Thanh tra chính phủ Nguyễn Tuấn Anh nêu ra một số nội dung mới trong số 11 chương của Dự thảo.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý được công bố là người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị và nộp lại quà tặng trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nội dung quy định về việc xử lý quà tặng nêu rõ: quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì sẽ được thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định; quà tặng bằng hiện vật thì sẽ được xác định giá trị và bán công khai để nộp ngân sách.
Trò chuyện với RFA, Nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản hiện sinh sống ở Nha Trang, kể lại chuyện thời sinh viên của ông từ những năm 70s khi đi thực tập đã phải chấp hành những quy định khắt khe về chuyện nhận quà tặng dù rất nhỏ như cây viết, hộp quẹt. Ông chia sẻ:
Sinh viên mình thấy thế thì chấp hành nghiêm túc, nhưng sau này ra đi làm mới thấy chuyện biếu xén quà cáp ở Việt Nam hiện nay trở thành văn hóa rồi. Nếu mà ai không nhận thì thành ra cái gì đó “quái dị” lắm. Buồn như thế đấy!
Từ đó, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định:
Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.
Đánh giá việc ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, Lan, một phụ nữ trẻ làm trong ngành truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quan điểm:
Hình thức vẫn là cái nên có nhưng việc thực thi và áp dụng hình thức đó đến đâu thì lại tùy thuộc vào hệ thống bộ máy nhà nước. Hiện nay thì niềm tin đặt vào bộ máy nhà nước Việt Nam của người dân thì rất thấp. Thật ra tôi nghĩ người dân cũng chẳng quan tâm và họ cũng chẳng tin vào bản chất của cán bộ và nền giáo dục của đất nước này.
Lan giải thích thêm lý do mà cô cho rằng người dân bị “mất niềm tin”:
Nếu mà tin, thì họ đã chẳng phải vi phạm hối lộ. Làm việc ấy giống như “chuyện thường ngày ở huyện’! Ví dụ như giải quyết giấy tờ cũng phải nhét tiền cho cán bộ, đi ra ngoài đường bị công an thổi cũng phải nhét tiền cho công an.
Doanh nghiệp: “Công cụ để kiểm soát”
Một nội dung mới khác được đánh giá là khó lần đầu tiên Việt Nam quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng 2018 là việc áp dụng các biện pháp Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, việc xử phạt hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước quy định: hành vi hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo và phạt tiền 5 – 10 triệu đồng; hành vi tham ô, nhận hối lộ chưa đến mức bị truy cứu hình sự sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu dành cho biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân để vi phạm; sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Nhận định về phạm vi áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước, chủ một doanh nghiệp đang phát triển ở Bình Dương nói với RFA:
Ra luật hối lộ mà phạt luôn doanh nghiệp thì cái đó về hình thức răn đe để người ta thượng tôn pháp luật thì không có, nhưng mà thay vì vậy, Nhà nước lại có một công cụ để kiểm soát doanh nghiệp nữa. Bởi vì bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào ví dụ như trốn thuế hay hối lộ thì đều phải trải qua hết. Vấn đề là có lôi ra hay không thôi.
Dẫn chứng một ví dụ, người doanh nhân trên nói riêng với chúng tôi rằng các doanh nghiệp vào cuối năm thường đều phải khai trả tiền lương và thưởng của công nhân ít hơn thực tế đồng nghĩa với hành vi trốn thuế. Người doanh nhân nói nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ giữ được tiền để trả thêm cho công nhân, thay vì phải đóng những khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn cho Nhà nước. Anh nói thêm:
Khi mà quyết toán thuế thì nó (cán bộ thuế) hiểu hết câu chuyện đó. Nó thả mà, để cuối năm nó hốt một cái.
Vẫn hình thức!
Truyền thông trong nước nói Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung trước đây nằm trong nhiều văn bản liên quan khác nhau.
Bên cạnh đó, chiến dịch chống tham nhũng của Ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ít nhiều được dư luận cho rằng đã mang ra ánh sáng nhiều nhân vật các quan chức cao cấp, công an liên quan các đại án tham nhũng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…
Chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Tuy vậy, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay:
Có những biện pháp ráo riết một thời gian, gọi là “làm màu làm mè” thế thôi, tạm lắng chỗ này chỗ kia thế thôi nhưng bản chất thì không thay đổi được.
Nói về bản chất khiến nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định:
Có một cái ai cũng thấy rất rõ. Dễ mà khó, khó mà dễ! Đó là quy luật về mặt chính trị: chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nền báo chí và thể chế đa nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết nạn tham nhũng bằng việc tố giác, lên án và chỉ trích từ các phe đối lập. Trong khi đó, điều này khó có thể thực hiện được với thể chế độc đảng và giới lãnh đạo cao cấp muốn duy trì quyền lực tuyệt đối như ở Việt Nam hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-corruption-law-2018-will-officials-refuse-gifts-03292019065955.html
Việt Mỹ, tình trong như đã mặt ngoài còn e
Kính Hòa RFAViệt Nam và Hoa Kỳ chính thức tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Trong vòng hai mươi năm đó cũng có các cố gắng tái lập bang giao giữa hai bên nhưng đều không thành.
Tuy nhiên quan hệ hai nước lại có vẻ tăng tốc trong ba, bốn năm gần đây với hàng loạt các chuyến thăm qua lại cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước: Trương Tấn Sang, Obama, Nguyễn Xuân Phúc, Trump, Nguyễn Phú Trọng,… Đó là chưa kể đến các cấp bộ trưởng bên dưới.
Trong tiến trình tăng tốc ngoại giao đó, người ta thấy một cuộc hội thảo mang chủ đề Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, thủ đô Washington DC, do hai Bộ quốc phòng hai nước đồng tổ chức, vào ngày 26/3/2019.
Nơi diễn ra hội thảo chỉ cách bức tường đen ghi tên 58 ngàn binh sĩ Mỹ chết trận chỉ vài phút lái xe.
Trong đoàn Việt Nam có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng.
Phía Mỹ có ông Joseph Felter, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á.
Đây là một cuộc hội thảo rất hữu nghị kéo dài trọn ngày. Hai bên bày tỏ ý nguyện hợp tác với nhau giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh như là rà phá bom mìn và khử chất độc da cam tại Việt Nam, tìm kiếm các quân nhân Mỹ, Việt bị mất tích trong chiến tranh. Và hai bên đều đồng ý rằng việc hợp tác đó sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước, một quan hệ mà nhiều người nói rằng phát triển rất ngoạn mục, rất đặc biệt, từ thù thành bạn.
Tuy vậy có một vấn đề mà hai bên đề cập đến khác nhau.
Đó là Trung Quốc.
Một diễn giả Mỹ đã nói trong buổi hội thảo rằng đây là một con voi trong phòng, ý nói rằng nó hiện ra một cách hiển nhiên nhưng người ta lại tránh nói tới.
Nhưng thực ra người Mỹ không tránh nói tới. Những diễn giả và người đặt câu hỏi người Mỹ đã đề cập đến Trung Quốc 5 lần, thậm chí nói đến việc Trung Quốc đang bành trướng lãnh thổ.
Đáp lại phía Việt Nam chỉ có đề cập đến Trung Quốc 1 lần, trong câu trả lời của Đại sứ Hà Kim Ngọc:
Việt Nam tránh đưa ra những bình luận về Trung Quốc ở chổ công khai.
-Ông Hoàng Việt.
“Nhiều người trong chúng ta đề cập đến Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta còn nhiều chuyện nữa để làm.”
Người Mỹ không chỉ đề cập đến Trung Quốc, mà còn đề cập tới một khái niệm gọi là Ấn Độ Thái Bình Dương, được xem như một chiến lược mới của Mỹ, nhằm liên kết các quốc gia trong vùng là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, để kềm chế Trung Quốc.
Khái niệm này được người Nhật đưa ra từ lâu, nhưng mới được dùng trở lại như một chiến lược toàn cầu của Washington trong hai năm gần đây.
Các diễn giả Mỹ đề cập đến Ấn Độ Thái Bình Dương 12 lần, trong đó có cả những người làm việc cho cơ quan chuyên về phát triển là USAID.
Người Mỹ cho rằng Việt Nam nằm ở trọng tâm việc phát triển chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của họ.
Phía Việt Nam không một lần nào đề cập đến.
Dường như phía Mỹ mong muốn có một sự đáp trả tích cực hơn từ phía Việt Nam cho chiến lược toàn cầu của họ.
Ông Hoàng Việt, một chuyên viên nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam bình luận về sự khác biệt này với RFA:
“Nói cho cùng thì Trung Quốc cũng là một cường quốc. Việt Nam mà phát biểu những câu chuyện liên quan tới Trung Quốc thì chắc chắn là sẽ khó khăn cho những người trong chính phủ Việt Nam sau này phải làm việc với Trung Quốc. Vì thế Việt Nam tránh đưa ra những bình luận về Trung Quốc ở chổ công khai.”
Phía Mỹ thâm chí đề cập đến cả công ty viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc đang bị cáo buộc làm gián điệp tại phương Tây. Công ty này đang hy vọng đạt được những gói thầu lớn về thiết bị Viễn thông tại Việt Nam. Đại sứ Hà Kim Ngọc trả lời về sự quan ngại của các diễn giả Mỹ về Hoa Vi rằng Việt Nam lúc nào cũng buộc các đối tác tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu làm việc tại Singapore nói với RFA:
“Việt Nam ủng hộ Ấn Độ Thái Bình Dương đấy, nhưng chưa có một hành động cụ thể nào cả. cho nên họ không muốn nói nhiều đến. Cái thứ hai là cái Ấn Độ Thái Bình Dương ấy thuộc quyền nghiên cứu của một nhóm của tướng Vịnh. Nhưng họ đi Mỹ lần này là chỉ nói về quan hệ Việt Mỹ, chứ thực ra họ không bỏ qua cái Ấn Độ Thái Bình Dương.”
Về mặt chính thức, cố Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang cũng từng lên tiếng ủng hộ Ấn Độ Thái Bình Dương, trong chuyến thăm Ấn Độ của ông vào tháng 3/2018. Trong cùng phát biểu đó, ông Trần Đại Quang cũng có đề cập đến đại dự án Vành đai con đường của Trung Quốc, ông ca ngợi tất cả các sáng kiến hợp tác, dù là của Mỹ hay Trung Quốc, hay Nhật Bản.
Họ đi Mỹ lần này là chỉ nói về quan hệ Việt Mỹ, chứ thực ra họ không bỏ qua cái Ấn Độ Thái Bình Dương.
-Ông Hà Hoàng Hợp.
Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc được xem như một đại dự án phát triển thế lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn thế giới mà các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ không ít lần lên tiếng chỉ trích.
Qua những phát biểu chính thức trong vài năm gần đây, Việt Nam lên tiếng tham gia tất cả các định chế do phương Tây hay Trung Quốc đề ra, từ dự án hơp tác phát triển xuyên Thái Bình Dương, gồm 11 quốc gia không có Trung Quốc, cho đến Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc sáng lập.
Những hành động ngoại giao của Việt Nam trong các quan hệ với Mỹ và Trung Quốc được giới quan sát xem là một hành động đu giây giữa hai siêu cường để tránh sự xung đột.
Trong năm 2019 này, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại có một chuyến thăm nước Mỹ, người ta đang trông chờ một chuyến đi của ông hay một viên chức cao cấp nào đó đến Bắc Kinh trước, hay sau chuyến đi Mỹ.
Ông Hà Hoàng Hợp nói thêm rằng Việt Nam sẽ tận dụng mọi cái mà các nước lớn đưa ra để giải quyết tốt việc tranh chấp trên Biển Đông.
Biển Đông là vấn đề rất quan trọng đối với người dân Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, trong đó Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng hơn 40 năm nay.
Xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh cho rằng có 90% diện tích là của mình, luôn là vấn đề người Việt Nam quan tâm đến. Có thể nói Biển Đông là lợi ích sống còn của người Việt Nam.
Biển Đông cũng được xem là nơi Mỹ rất cần có sự hiện diện để bảo vệ con đường lưu thông Đông Tây của mình và các đồng minh. Vào năm 2010, bà Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích tại Biển Đông. Và trong ba năm trở lại đây Hoa Kỳ liên tục tổ chức tuần tra trong Biển Đông, thách thức sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Theo ông Hà Hoàng Hợp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người phụ trách đối ngoại của quân đội Việt Nam, và người ta thấy rằng cuộc hội thảo tại Viện Hòa bình không phải là lần đầu tiên ông xuất hiện trên đất Mỹ.
Dù không nói đến Trung Quốc, không nói đến Ấn Độ Thái Bình Dương, nhưng tướng Vịnh có hai lần nhấn mạnh rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có những lợi ích quốc gia chung.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-love-but-shy-03282019125650.html
Việt Nam sắp đạt thương vụ mua thiết bị quân sự của Mỹ
Boeing đang tiến gần tới việc đạt được một thỏa thuận bán máy bay trinh sát không người lái cho Việt Nam, theo một quan chức của công ty Mỹ được tạp chí an ninh Jane’s trích lời cho biết.Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam mua thiết bị quân sự đáng chú ý nhất của Mỹ kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2016.
Tại sự kiện LIMA 2019 ở Malaysia, Giám đốc marketing mảng thiết bị quốc phòng của Boeing ở Đông Nam Á, Yeong Tae Pak, hôm 27/3 cho biết thương vụ cung cấp máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm xa ScanEagle đang được hỗ trợ từ Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ. Jane’s trích lời ông Pak nói rằng nơi tiếp nhận là Cảnh sát biển Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận ScanEagle,” ông Pak được tuần san của Anh trích lời nói. “Thương vụ này đang được tiến hành.”
Cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi ông tới Hà Nội hồi tháng 5/2016.
ScanEagle là một loại UAV cỡ nhỏ do Boeing Insitu, một công ty con của Boeing, thiết kết cho nhiệm vụ trinh sát và do thám mặt đất và trên biển từ trên không. Theo mô tả của Boeing về thiết bị này, nó có thể bay trên độ cao 4.572m và có thời gian hoạt động lên tới 24 tiếng. ScanEagle, nằm trong hệ thống máy bay không người lái của Boeing, có chiều dài 1,5m và sải cánh 3m.
Năm 2004, ScanEagle được đưa tới Iraq để trợ giúp các lực lượng của Mỹ tại đây. Vào năm 2005, Hải quân Mỹ ký một hợp đồng trị giá 14.5 triệu USD với Boeing để mua thiết bị này. ScanEagle cũng đã được trang bị cho một số tàu của Tuần duyên Hoa Kỳ.
Đơn giá một hệ thống (gồm 4 chiếc UAV) vào năm 2006 ước tính 3,2 triệu USD, theo dữ liệu từ trang web chính thức của Không lực Hoa Kỳ.
Tổng số tiền của thương vụ giữa Boeing và Việt Nam không được tiết lộ.
Ngoài Việt Nam, Boeing đã cung cấp UAV trinh sát ScanEagle cho một số nước ASEAN khác như Singagpore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Ông Park, lưu ý rằng việc bán máy bay không người lái ScanEagle là chiến lược của Boeing nhắm vào các thị trường mới trong khu vực như Việt Nam và thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Boeing trong việc cung cấp các sản phẩm hàng không thương mại, theo Jane’s.
“An ninh hàng hải là một trọng tâm đối với nhiều nước ở Đông Nam Á,” ông Park nhận định. “ScanEagle tuy là sản phẩm cấp thấp nhưng rất hiệu quả trong việc trinh sát và thu thập dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin.”
Hồi tháng 2, Đô đốc Philip Davidson tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ. Theo vị chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Việt Nam sẽ mua ScanEagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 cùng một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ.
Vào tháng 8 năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho VOA biết rằng Việt Nam có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không khẳng định hay phủ nhận thông tin trên.
Tháng 3 năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Mỹ, USS Carl Vinson, cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm lịch sử kể từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975. Sứ quán Mỹ cho biết trong chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson, Mỹ đã giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark cho Việt Nam để chống “những người xấu” trên vùng Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-sap-dat-thuong-vu-mua-thiet-bi-quan-su-cua-boeing/4853699.html
Ủy Ban Bảo vệ Quyền Làm Người
VN hoan nghênh kết luận của Liên Hiệp Quốc
Ủy Ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) trụ sở tại Paris, Pháp vào ngày 29 tháng 3 ra thông cáo hoan nghênh những kết luận của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) của Hà Nội.Thông cáo báo chí của VCHR cho rằng kết luận trong báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tiết lộ những vi phạm trầm trọng, có hệ thống về các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
VCHR cũng kêu gọi Việt Nam nhanh chóng có những bước tiến hành thực thi các khuyến nghị của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, chấm dứt đàn áp chính trị và tôn trọng các quyền căn bản của công dân.
Báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà VCHR hoan nghênh được đưa ra sau lần trình bày thứ 3 theo định kỳ về việc thực thi ICCPR của Hà Nội.
Ủy ban gồm 18 thành viên của Liên Hiệp Quốc nêu bật 26 lĩnh vực đặc biệt quan ngại và 44 khuyến nghị phải cải sửa cho phía Việt Nam. Một số trong những quan ngại và khuyến nghị đó là sự bất nhất giữa ICCPR và luật pháp trong nước. Do vậy Việt Nam cần nhanh chóng rà soát lại khung pháp luật nhằm bảo đảm tất cả những quyền được qui định trong ICCPR được bảo vệ bởi luật pháp trong nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vchr-un-re-03292019095837.html
Hư hỏng tại công trình Cát Linh – Hà Đông
Một số tấm kính vách lan can cầu thang nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị nứt, một số vị trí khoan liên kết chân cột mái che cầu thang cuốn bị nứt, vỡ tường.Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 29/3/2019.
Tại cuộc họp báo quý I/2019 Bộ Giao thông vận tải chiều tối ngày 28/3, ông Vũ Hồng Phương – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Đường sắt, thừa nhận có một số tấm kính bị rạn vỡ và khoan liên kết chân cột mái che còn những sai sót.
Tuy nhiên, theo ông các hạng mục này vẫn đang trong quá trình thi công, chưa hoàn thành, chưa nghiệm thu.
Ngoài ra ông Phương cho rằng, kính bị rạn vỡ trong quá trình thi công có thể do va đập, có việc đi lại của người dân và có cả hiện tượng bị phá hoại.
Ông nói rõ, một số tấm kính lan can lối lên xuống tại một số ga đã bị người dân phá hoại do hạng mục này nằm ngoài khu vực bảo vệ của nhà ga. Có những tấm kính ở ga vành đai 3 đã phải thay 5 lần do hư hỏng. Tuy nhiên, việc thay thế chưa thể làm ngay do phải đặt kính tại Trung Quốc.
Ông Phương cũng giải thích, theo thiết kế, thang cuốn không có mái che nên các bên thống nhất bổ sung hạng mục. Khi thi công xong phần tường lối lên xuống mới khoan lỗ để lắp ốc vít cho chân mái che, dẫn tới các vị trí bị rạn nứt. Đơn vị thi công sẽ trám vá toàn bộ trong tuần này trước khi nghiệm thu, bàn giao.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, không thể đưa một công trình không đảm bảo vào khai thác.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cat-linh-ha-dong-skytrain-damaged-03292019084452.html
Hà Nội và Jakarta ‘nhất Đông Nam Á’ về ô nhiễm không khí
Một đánh giá quốc tế năm 2018 cho hay Hà Nội và Jakarta ‘về đầu’ trong số các đô thị Đông Nam Á trong bản xếp hạng ô nhiễm không khí.Ô nhiễm không khí nay cũng được ‘quy đổi’ ra thiệt hại cho nền kinh tế.
Điều đáng ngại là nạn ô nhiễm không khí tại Nam Á và Đông Nam Á đang tăng lên, sau một thời gian vùng Đông Bắc Á, chủ yếu là các đô thị Trung Quốc bị cho là “ô nhiễm cao”.
Chẳng hạn ở Nam Á, có 18 thành phố của ba nước Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh vào bảng “20 đô thị ô nhiễm nhất thế giới”, theo IQAir AirVisual 2018- World Air Quality Report và và Greenpeace.
Còn tại Đông Nam Á, Jakarta và Hà Nội đứng đầu và được coi là “hai đô thị ô nhiễm nhất khu vực”.
Bụi Bangkok, bụi Hà Nội, bụi nào độc hơn?
Trung Quốc, Việt Nam và ô nhiễm không khí
Hà Nội không cấm xe hơi lại cấm xe máy?
Jakarta, thủ đô Indonesia, có thể sắp vượt qua Bắc Kinh để giành vị trí “thủ đô ô nhiễm nhất”.
Các biện pháp Trung Quốc đề ra chống ô nhiễm không khí có vẻ khiến chất lượng không khí tại Bắc Kinh cải thiện nhiều.
Tuy thế, Bắc Kinh vẫn đứng thứ 122 trên thế giới trong bản thành phố ô nhiễm 2018.
Dù Jakarta và Hà Nội đều bị coi là ô nhiễm nặng ‘bậc nhất Đông Nam Á’, trên bình diện quốc gia, nếu tính về ô nhiễm bụi mịn (PM 2.5), Indonesia, ở vị trí 11, bị nặng hơn Việt Nam (17).
Theo xếp hạng này, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia bị ô nhiễm PM2.5 (xem bảng trên).
Hà Nội đứng thứ 12 thế giới trong bản xếp hạng các thủ đô ô nhiễm PM2.5 nhất thế giới, và cao hơn nhiều so các thủ đô trong vùng: Bangkok (24), Phnom Penh (28), Đài Bắc (40), và Manila (42).
Ô nhiễm không khí nay cũng được coi là yếu tố gây thiệt hại lớn cho kinh tế.
Giám đốc điều hành của Greenpeace khu vực Đông Nam Á, Yeb Sano, được trích lời trong báo cáo nói:
“Ô nhiễm không khí rút ngắn sự sống, ảnh hưởng tới tương lai của chúng ta, và chúng ta có thể làm thay đổi nó. Ngoài mất mát về sinh mạng, ước tính quốc tế về thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD, tính bằng giờ lao động bị mất, và hàng nghìn tỷ USD chi phí y tế…”
VN ‘hạnh phúc kém Thái Lan, Philippines và gần bằng TQ’
Về thí điểm cấm xe máy theo giờ ở Hà Nội
Tại sao người Việt khó hạnh phúc?
Quan chức này nói việc công bố báo cáo 2018 vào thời điểm này là nhằm để mọi người “có ý thức về không khí chúng ta đang thở” và nghĩ cách “bảo vệ những gì quan trọng”.
Lo ngại trong dư luận Việt Nam
Thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, thời gian qua đã gây sự chú ý và lo ngại của công chúng.
Nhưng có các ý kiến nói việc bảo vệ trẻ em trong môi trường ô nhiễm không khí tại Việt Nam chưa được làm tốt bằng Thái Lan.
Cây bút Nguyễn Hà Hùng ở Hà Nội gần đây viết trên diễn đàn BBC sau khi có tin hàng trăm trường học Thái Lan cho học sinh tạm nghỉ vì ô nhiễm không khí.
“Mặc cho con trẻ sống trong môi trường như vậy, chẳng khác gì thả cá chép xuống ao nhiễm độc, chúng sẽ đau ốm và/hoặc sẽ chết sớm.
Cùng khoảng thời gian này, người Thái cũng đối mặt với ô nhiễm môi trường, dù mức độ thấp hơn, nhưng họ phản ứng tích cực hơn chúng ta.
Đáng buồn, những người Việt được cho là đã trưởng thành, chẳng làm gì đáng kể để bảo vệ trẻ em. Họ để mặc tình trạng thiếu thông tin, không đòi hỏi, nhà nước thiếu hành động tương xứng. Hãy so sánh cách đối mặt, cách giải quyết vấn đề của người Thái Lan và người Việt Nam.”
Hiện chính quyền Hà Nội cũng đã đề xuất thí điểm cấm xe máy, phương tiện giao thông cá nhân đông người dùng, ở một số phố và trong một số giờ, nhằm giảm ùn tắc và bớt ô nhiễm.
Tuy nhiên, có vẻ như Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần các biện pháp tổng thể hơn như tại Trung Quốc nhằm giảm ô nhiễm không khí vùng Đông Bắc nước họ.
Có đánh giá cho rằng ít nhiều, Trung Quốc đã đặt được ra mục tiêu 1) kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, (2) kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, (3) kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, (4) kiểm soát ô nhiễm khói bụi, (5) phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm, và (6) ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47747405
Hoàng Anh Gia Lai phản hồi
cáo buộc bị thu hồi đất ở Campuchia
Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam cho biết doanh nghiệp này chưa nhận được bất kỳ quyết định nào của Chính phủ Campuchia về việc thu hồi đất mà Tập đoàn này đã đầu tư tại Campuchia; đồng thời khẳng định mọi hoạt động nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia vẫn diễn ra bình thường.Truyền thông trong nước loan tin hôm 28/3, một ngày sau khi hãng tin Reuters phát đi thông tin cho rằng hơn 740 hecta đất được Chính phủ Campuchia cấp cho tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam từ 10 năm trước để đầu tư trồng cao su sẽ bị thu hồi để trả cho cộng đồng người bản địa địa phương.
Theo Reuters, 12 cộng đồng bản địa người Campuchia vào năm 2014 đã khởi kiện Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới vì đã đầu tư vào quỹ tài trợ cho các liên doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia gây ra các tác động xã hội và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tin cho biết Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã phải đồng ý ngưng giải phóng mặt bằng và mất đi khoảng 60% diện tích được cấp phép đầu tư tại Campuchia vào năm 2015.
Ngay sau khi có thông tin Hoàng Anh Gia Lai bị thu hồi đất tại Campuchia, cổ phiếu thị trường chứng khoán của Tập đoàn này nhanh chóng bị sụt giảm vào sáng 28/3.
Cũng tin liên quan, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia là ông Vũ Quang Minh từ ngày 26 – 28/3 đã có chuyến công tác đến tỉnh Kampong Thom của Campuchia để hỗ trợ các công ty Cao su Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư tại địa phương.
Báo trong nước cho biết trong buổi làm việc với tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom, Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh địa phương này là tỉnh có tiềm năng nông nghiệp, đặc biệt là cây cao su.
Tin cho hay trong 10 năm qua, 8 công ty cao su Việt Nam thuộc VRG tại tỉnh Kampong Thom đã trồng gần 53 ngàn cây cao su, đưa vào khai thác hơn 22 ngàn hecta trồng trọt vào năm 2018, và giải quyết việc làm cho hơn 5000 người Campuchia.
Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom được nói chính quyền Campuchia sẽ tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh.
Số liệu của truyền thông trong nước cho hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau 12 năm đầu tư tại Campuchia đang canh tác khoảng 90 ngàn hecta đất và tạo việc làm cho hơn 15 ngàn lao động người Campuchia.
Tuy nhiên, nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng quyết định của chính quyền Campuchia đồng ý nhượng đất để các công ty nước ngoài đầu tư nông nghiệp đã dẫn đến các cuộc tranh chấp với người bản xứ. Các cộng đồng người bản xứ cáo buộc các công ty nước ngoài đã vi phạm môi trường, nhân quyền, cũng như khiến họ mất đất canh tác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hoang-anh-gia-lai-responded-to-the-alleged-land-acquisition-in-cambodia-03292019082509.html
Viết, vẽ bậy lên di tích: thói quen hay vô ý thức?
Tình trạng viết, vẽ bậy lên các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử lâu nay được xem là một vấn nạn trong văn hóa của người Việt.Một thực tế đáng ngại là tình trạng này không có dấu hiệu giảm đi mà ngày càng diễn ra nhiều hơn. Đơn cử như những nét vẽ chằng chịt trong động Tối chùa Bích Động ở Ninh Bình – hay còn được biết đến với tên gọi Nam Thiên Đệ Nhị Động; hay trên những viên gạch tháp Pô Klong Garai hơn 800 tuổi ở Ninh Thuận; hoặc mới đây nhất là dòng chữ ‘Tú love Nhung’ trên cột mốc độ cao đỉnh Fansipan…
Người ta thấy bạn mình làm sao thì làm vậy mà không ý thức rõ ràng về những ảnh hưởng cũng như tác hại đối với di sản văn hóa cũng như ngành du lịch của Việt Nam mình. - Thạc sĩ Đinh Gia Hưng
Không chỉ trong nước, vào cuối tháng 10 năm ngoái, 1 nhân viên bộ phận văn hoá di tích thành cổ Yonago tỉnh Tottori, Nhật Bản, phát hiện các ký tự ‘A’ và ‘Hào’ cùng 2 ký hiệu hình ngôi sao và trái tim trên 1 phiến đá thuộc tòa thành hàng trăm năm tuổi Yonago. Sau khi hình ảnh được đăng tải, nhiều người đã nhận diện được người viết bậy này là người Việt vì chữ viết có dấu huyền.
Trao đổi với RFA, ông Phong – một cựu hướng dẫn viên công ty du lịch ở Sài Gòn có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng vấn đề này vẫn sẽ tiếp diễn do có khiếm khuyết về mặt giáo dục ý thức cho người dân bảo vệ công trình công cộng:
“Đa phần cái đó lại rớt vào nhóm tuổi tương đối còn trẻ nhưng do giáo dục không đến nơi đến chốn, tức là không biết quý trọng di tích, lúc nào cũng muốn thể hiện cái tôi.”
Đồng quan điểm trên, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Văn hóa học trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng cho rằng đây là một trong những vấn đề văn hóa của một bộ phận người dân Việt Nam liên quan đến ứng xử văn hóa nơi công cộng, nhất là nơi thuộc dạng di tích, hoặc là những thắng cảnh, hay những công trình văn hóa có giá trị nổi bật về mặt lịch sử cũng như văn hóa dân tộc.
“Do quan điểm về mặt giáo dục của chúng ta, giáo dục văn hóa, tư cách công dân, có thể ứng xử văn hóa du lịch chưa được coi trọng. Tôi nghĩ là do nhận thức sai lệch cũng như những ứng xử ảnh hưởng văn hóa trong nhóm. Người ta thấy bạn mình làm sao thì làm vậy mà không ý thức rõ ràng về những ảnh hưởng cũng như tác hại đối với di sản văn hóa cũng như ngành du lịch của Việt Nam mình.”
Nhận xét về những hậu quả và thiệt hại mà việc viết vẽ bậy trên các di tích lịch sử, văn hóa, cũng như các công trình du lịch gây ra, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng ảnh hưởng kinh tế là rất lớn. Trước hết, cần tốn một khoảng phí không nhỏ để phục hồi những chỗ trước khi bị vẽ bậy. Tuy nhiên, đối với những di tích lịch sử, sau khi khắc phục thì di tích không còn như ban đầu, độ thu hút đối với người du lịch trong và ngoài nước giảm thiểu đi rất nhiều.
“Thiệt hại về kinh tế là rất lớn, bởi vì nhiều du khách khi đi du lịch thì có những điểm mang tính chất hạ chốt, bắt buộc người ta phải ghé qua. Nếu như nó không còn nguyên trạng như ban đầu nữa thì rõ ràng người này nói người kia và phản ảnh lên các mạng xã hội khác nhau, các nhóm khác nhau. Tác động lan tỏa rất lớn. Như vậy làm giảm thiểu lượng khách du lịch. Ngành du lịch hiện nay đang đóng góp cho các quốc gia một thu nhập rất lớn. Việt Nam cũng đang muốn phát triển ngành công nghiệp không khói là du lịch của mình.”
Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chính phủ cần có những biện pháp giảm thiểu tình trạng viết, vẽ bậy đang diễn ra tràn lan thời gian gần đây.
Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, chính phủ cần cải thiện công tác quản lý của nhà nước và của địa phương nơi có danh thắng vì \hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay còn những khoảng trống.
“Còn những chỗ không khoảng trống mà có điều chỉnh rồi, kể cả vấn đề vi phạm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng có những điều luật, áp dụng hình sự rồi. Nhưng vấn đề áp dụng pháp luật hầu như bỏ lỏng. Áp dụng pháp luật hình sự, kể cả hành chính rất ít. Tại sao lại ít thì vấn đề thứ nhất là quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước chồng chéo. Nếu không chồng chéo thì không cụ thể cho cơ quan nào cả. Thế nên người ta không thấy đó là trách nhiệm người ta, người ta buông lỏng.”
Kể cả vấn đề vi phạm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cũng có những điều luật, áp dụng hình sự rồi. Nhưng vấn đề áp dụng pháp luật hầu như bỏ lỏng. - LS. Hoàng Văn Hướng
Vẫn theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, một phần yếu kém của vấn đề áp dụng pháp luật là phân công, phân điểm chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, nếu có phân công rõ ràng thì những người thực hiện buông lỏng do nhiều yếu tố: có thể nghiệp vụ yếu kém, kể cả khái niệm tiêu cực cũng có, nên rõ ràng người ta không làm, và làm cũng không tới.
Ngoài ra, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng việc này không đơn giản chỉ có ban quản lý làm, mà cần sự vào cuộc của cộng đồng mạng, của từng người dân đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích vì theo ông, từ những người tham quan đến những người sống xung quanh hoặc ngay tại lõi trung tâm di tích cũng phải tự nhận thức được việc bảo tồn di tích để từ đó phát huy được giá trị.
Còn Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cũng cho rằng biện pháp hữu hiệu nhất là nâng cao ý thức người dân:
“Những chương trình giáo dục công dân phải thay đổi, phải có nội dung liên quan ứng xử văn hóa công cộng để gia tăng nhận thức cũng như bồi dưỡng cho giới trẻ và người dân về giá trị văn hóa nhằm gia tăng cảm thụ văn hóa, mặt thẩm mỹ của người dân nói chung, giúp thị hiếu cao. Lúc đó thì những hành vi mang tính phá hoại, bôi nhọ văn hóa, hay coi thường giá trị văn hóa.”
Tuy nhiên, để công tác này có hiệu quả cần có thời gian; trong khi đó những hoạt động vô ý thức của nhiều người dân đang gây hại cho những di tích lịch sử, công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh quý hiếm của đất nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/written-on-historical-monuments-habits-or-unconsciousness-03292019140326.html
0 comments