Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 27/03/2019

Wednesday, March 27, 2019 8:35:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 27/03/2019

Ông Trương Duy Nhất ‘hiện bị điều tra’ là ai?

Timmothy TranGửi đến BBC từ Virginia
Một nhà báo Việt Nam trong nước nói với tôi rằng Trương Duy Nhất là một con người có những quan hệ rất phức tạp. Tin chính thức mới nhất là công an Việt Nam nói ông liên quan đến vụ án tham nhũng đất đai của cựu “sĩ quan tình báo” Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm).
Ông Vũ Nhôm được cho là đã lợi dụng chức vụ của mình để mua nhà cửa đất đai do nhà nước quản lý với giá rẻ rồi bán lại kiếm lời. Công an Việt Nam nói ông Nhất đã giúp ông Vũ mua căn nhà số 82 đường Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng, vốn là trụ sở báo Đại đoàn kết, mà ông Nhất từng làm trưởng đại diện tại miền Trung trong một thời gian.
Blogger Trương Duy Nhất ‘hiện bị giam ở T16′
Ông Trương Duy Nhất: Những ngày trên đất Thái Lan
Công an VN nói ‘đang điều tra Trương Duy Nhất’
Mặt khác ông Trương Duy Nhất cũng là một blogger, viết cho đài Á châu Tự do, với khá nhiều bài viết chỉ trích những chính sách của Đảng cộng sản cầm quyền.
Sự khác biệt của hai lần bắt giữ
Sau khi người nhà và bạn bè ông, vào cuối tháng 1/2019, đưa ra những lo lắng rằng ông có thể đã bị bắt cóc về Việt Nam khi đang tìm đường tị nạn tại Thái Lan, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ ký giả,… đã lên tiếng bảo vệ ông. Tên ông xuất hiện trên cả một tờ báo lớn của Mỹ là tờ Wall Street Journal.
Vậy ông Trương Duy Nhất, đang bị nhà cầm quyền Việt Nam xem là một kẻ tiếp tay cho tham nhũng, nhưng đang được các tổ chức nhân quyền xem là người đấu tranh cho dân chủ.
Sự khác biệt này rất lớn, lớn hơn hẳn lần ông Nhất bị chính quyền Việt Nam bỏ tù vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ vào năm 2014.
Lần đó cả hai phía đều đưa quan điểm dựa trên cùng một sự việc là những bài viết chỉ trích của ông trên trang Một góc Nhìn khác của Trương Duy Nhất. Cơ quan pháp luật Việt Nam xem những bài viết đó là phạm tội, nhưng đối với các xã hội mở phương Tây thì đó là quyền tự do ngôn luận.
Thời gian nổi tiếng nhất của trang web Một góc Nhìn khác, trước khi ông bị bắt vào cuối năm 2013, cũng là thời gian ông Nguyễn Bá Thanh cầm quyền tại thành phố Đà Nẵng với vai trò Bí thư thành ủy.
Những mối quan hệ phức tạp
Ông Trương Duy Nhất là người rất ủng hộ ông Nguyễn Bá Thanh, so sánh ông với các cán bộ cộng sản khác mà ông cho là nhạt nhẽo theo lối mòn. Ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng với những phát biểu rất mạnh mẽ, những hành động mang tính dân túy nhưng không phải là không được lòng một số người dân, ví dụ như ông móc tiền lì xì cho những người lái xích lô đạp chẳng hạn.
Dư luận Đà Nẵng lúc đó chia làm đôi về ông Nhất. Một số đông xem ông là một nhà báo mạnh dạn. Một số ít hơn, và thường không công khai thì nói rằng ông Nhất là cái loa của ông Nguyễn Bá Thanh.
Cũng trong thời gian đó ở Đà Nẵng xảy ra vụ án xử vị tướng công an Trần Văn Thanh, vào năm 2009.
Ông Thanh công an được xem là một đối thủ chính trị của ông Thanh Bí thư. Ông Trần Văn Thanh phải ra tòa trong hình ảnh một người đang được truyền dịch trên giường bệnh. Một hình ảnh làm dân chúng bất bình, một hình ảnh có thể biểu hiện sự đoạn tình đoạn nghĩa của những đồng chí cộng sản với nhau.
Nhưng ông Thanh công an lại cũng có quan hệ với ông Trương Duy Nhất.
Trước khi ông Nhất về phụ trách báo Đại Đoàn Kết, ông làm ở báo Công an Đà Nẵng, tờ báo “chuyên ngành” nằm dưới quyền của ông Trần Văn Thanh.
Một số nguồn tin giấu tên ở Đà Nẵng, nói rằng trong cuộc đối đầu giữa hai ông Thanh đó, lúc đầu ông Nhất phải ủng hộ sếp mình là ông Thanh công an, sau đó ông chuyển phe, ủng hộ ông Thanh Bí thư.
Bangkok Post: ‘Những vụ mất tích ở Thái Lan là vết đen lên chế độ’
Thái Lan vẫn điều tra vụ Trương Duy Nhất?
Điều tra dự án PVN ở Venezuela để làm gì?
Bạn đọc nếu theo dõi chặt chẽ đời sống chính trị Việt Nam hẳn nhớ giai đoạn cuối đời của ông Nguyễn Bá Thanh là giai đoạn ông được điều ra Hà Nội để giữ chức Trưởng Ban nội chính trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản, từ năm 2012 đến lúc ông mất năm 2015.
Ông Trương Duy Nhất bị bắt vào năm 2013.
Trước đó, trong một kỳ đại hội đảng toàn quốc, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc giành quyền kiểm soát cơ quan chống tham nhũng từ tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị của ông.
Mà Thủ tướng Dũng vốn cũng xuất thân từ ngành công an, có ảnh hưởng rất lớn trong ngành này lúc đó.
Giới thạo tin tại Đà Nẵng cho rằng việc ông Trương Duy Nhất bị bắt vào năm 2013 vì ông chuyển phe, làm “cái loa” cho ông Nguyễn Bá Thanh.
Có phần chắc là công luận sẽ không bao giờ biết chắc chắn chuyện gì đã xảy ra…nhưng có một điều lạ là cho đến giờ này chính quyền Việt Nam vẫn chưa nói rằng họ bắt giữ ông Trương Duy Nhất, dù gia đình ông đã nói với BBC rằng họ đã được báo là ông bị tạm giam tại trại giam của Bộ Công an T16 ở ngoại thành Hà Nội, và người thân của ông còn thấy được quyển sổ theo dõi của nhà tù là ông Nhất bị nhập trại vào ngày 28/1/2019.
Đây là câu chuyện hành trình mất tích của ông Trương Duy Nhất, cũng không kém mờ ảo như những quan hệ chằng chịt của ông tại Đà Nẵng.
Có hai tổ chức dân sự của người Việt hải ngoại cho người viết biết rằng ông Trương Duy Nhất đã nhập cư bất hợp pháp vào Campuchia, rồi sang Thái Lan tìm quy chế tị nạn tại Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Bangkok.
Cả hai tổ chức này đều cho biết ông Nhất liên lạc với họ để tìm đường đi nước bước với tấm hộ chiếu Việt Nam kèm visa đi Canada còn hiệu lực mà trước đó ông Nhất đã có được trong một lần sang Mỹ và Canada.
Cho tới giờ này, ngoài những tin đồn, thì hành tung của ông Trương Duy Nhất trong “hành trình mất tích” của ông, chỉ có một đoạn ngắn rõ ràng được BBC điều tra. Đó là giai đoạn ông cư trú trong một khách sạn mini ở thủ đô Bangkok.
Với áp lực của một số tổ chức báo chí và nhân quyền, cảnh sát Thái Lan hứa sẽ điều tra xem vụ ông Trương Duy Nhất là như thế nào. Nhưng họ cũng chính thức tuyên bố là họ không có ghi nhận gì về sự có mặt của ông Nhất trên đất Thái Lan cả.
Tức là cho đến nay, đối với chính quyền các quốc gia trên bán đảo Đông Dương, ông Trương Duy Nhất vẫn còn tại Việt Nam, với lần ghi nhận sau cùng là ông trở về từ Bắc Mỹ trước đây ít lâu.
Tại sao ông Nhất phải bỏ trốn?
Ông Nhất “mất tích” vào thời điểm tròn một năm sau khi ông Vũ Nhôm bị Singapore trục xuất về Việt Nam. Sau đó ông Vũ Nhôm bị ra tòa về tội trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi trong vụ mua bán nhà cửa đất đai.
Với cáo buộc hiện nay là ông Trương Duy Nhất đã giúp ông Vũ Nhôm phạm tội, mà cả hai ông đều có dính líu tới ngành công an, gần hơn nữa là công an Đà Nẵng, thì những đồn đoán nói rằng hai ông có thời rất thân thiết với nhau không phải là không có cơ sở.
Nhưng tại sao ông Nhất lại chờ đến một năm mới bỏ trốn, và có vẻ vội vàng, thiếu chuẩn bị như vậy?
Thực ra việc này không khó hiểu nếu đặt nó vào mối quan hệ chằng chịt của ông Trương Duy Nhất với các phe phái chính trị kinh tài phức tạp tại Đà Nẵng. Một nhà quan sát chính trị người Việt tại nước ngoài là ông Vũ Hồng Lâm, có nhận xét rằng các phe phái chính trị kinh tài tại Việt Nam không phải là cố định, người ta có thể chuyển từ phe này sang phe kia dễ dàng.
Và dĩ nhiên sự tính toán phe phái lại nhiều khi không đúng, và thế là người tính toán phải trả giá.
Ông Nhất sẽ ra tòa như thế nào?
Những người quan sát trong và ngoài Việt Nam dễ dàng đồng ý với nhau rằng hà Nội sẽ ung dung xử ông Nhất như là một nhân chứng, một đồng lõa trong một vụ án tham nhũng. Ngay từ đầu chính quyền Việt Nam đã giữ cho vụ việc ở tầm mức rất nhỏ bé, tầm thường, như một nhân chứng tham nhũng hay đồng phạm tầm thường.
Ngay khi tin đồn về ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc từ Thái Lan đem về Việt Nam, một nhà báo Việt Nam tại Hà Nội cho người viết biết rằng cơ quan chủ quản của tờ báo, cũng như Ban tuyên giáo trung ương, cơ quan tuyên truyền chỉ huy tất cả các cơ quan truyền thông Việt Nam, không có dặn dò nhắn nhủ, định hướng gì về vụ Trương Duy Nhất cả.
Mà Hà Nội cũng sẽ không bận tâm phải giải quyết “hậu quả bắt cóc” như đã phải khốn đốn “xử lý” như vụ Trịnh Xuân Thanh bên Đức, đến nay vẫn chưa xong.
Về mặt chính thức, cả hai chính quyền Thái Lan và Việt Nam không phiền hà gì với nhau về chuyện có hay không có việc “bắt cóc” ông Nhất.
Vậy ông Trương Duy Nhất là ai?
Chúng ta chỉ biết chắc chắn rằng ông từng viết báo cho ngành công an, cho báo Đại Đoàn Kết, viết blog, chủ trang Một góc Nhìn khác.
Ông là một nhà báo lên tiếng về dân chủ và nhân quyền hay là một người đồng lõa tham nhũng?
Những bài báo chỉ trích Đảng Cộng sản của ông là có thật, ông lên tiếng đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực…cũng có thật.
Nhưng có thể là thực tế cuộc sống ở đâu cũng vậy, mà ở Việt Nam càng thấy rõ, không phải chỉ có hai màu trắng và đen.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do sống ở Virginia, Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47715787

Bộ Công an: Trương Duy Nhất

liên quan tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn’

Sau gần hai tháng kể từ khi nhà báo-blogger Trương Duy Nhất “mất tích”, Bộ Công an hôm 25/3 có cuộc họp báo cho biết ông Trương Duy Nhất đang bị giam giữ để điều tra vì có liên quan tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Truyền thông Việt Nam dẫn lời Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, cho biết cơ quan công an bước đầu xác định ông Trương Duy Nhất có liên quan trong vụ án Vũ “nhôm” về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhưng không cho biết thông tin cụ thể về nơi giam giữ cũng như quá trình bắt giam ông.
Ông Trương Duy Nhất được cho là đã đến Thái Lan xin tị nạn vào đầu năm nay và mất tích kể từ ngày 26/1/2019, theo lời người thân và blogger Bạch Hồng Quyền, người trực tiếp giúp ông Nhất trong thời gian ở Thái Lan, nói với VOA.
Sau khi truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền lên tiếng về vụ mất tích bị nghi là do an ninh Việt Nam thực hiện, chính phủ Thái Lan hứa sẽ điều tra vụ việc này.
Trong lá thư kêu cứu gửi cho VOA vào ngày 8/3, ông Bạch Hồng Quyền cho biết ông đang rơi vào tình trạng rất nguy hiểm vì cảnh sát Thái Lan kết hợp với đại sứ quán Việt Nam để truy lùng nhằm bắt giữ và trục xuất ông về Việt Nam “với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 21/3 kêu gọi giới hữu trách Việt Nam và Thái Lan làm rõ nguyên nhân “mất tích” của ông Nhất trên đất Thái, sau khi có thông tin cho biết ông đang bị giam giữ ở Hà Nội sau gần hai tháng mất tích. Đại diện của tổ chức này nói đây là điều “cực kỳ đáng quan ngại”.
Cho đến nay, việc ông Nhất bị bắt như thế nào và đã từng có mặt trên đất Thái hay không vẫn chưa được trả lời chính thức.
Ông Nhất trước đây từng giữ chức Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của báo Đại Đoàn Kết.
Trong cuộc họp báo ngày 25/3, đại diện Bộ Công an được báo chí dẫn lời nói rằng ông Nhất đã lợi dụng giấy tờ của báo Đại Đoàn Kết để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí. “Tuy nhiên, hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể”, đại diện Bộ Công an nói thêm.
Ông Nhất bị cho là đã “bắt tay” cùng Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ) để thâu tóm căn nhà công sản 82 Trần Quốc Toản mà sau này trở thành nhà riêng của Vũ “nhôm”.
Theo báo Thanh Niên, ông Nhất là người đã ký công văn của Báo Đại Đoàn Kết xin UBND thành phố Đà Nẵng mua căn nhà trên theo diện công sản để làm văn phòng đại diện. Nhưng căn nhà có giá trị 674.483.400 đồng này sau đó đã “chạy lòng vòng” và rơi vào tay Vũ “nhôm”.
Ông Trương Duy Nhất từng bị kết án tù 2 năm vào năm 2014 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ vì các bài viết trên trang blog “Trương Duy Nhất – Một góc nhìn khác” do ông sáng lập.
Ông cũng được tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Pháp, vinh danh là một trong 100 “anh hùng thông tin” của thế giới vào năm 2014.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-cong-an-truong-duy-nhat-lien-quan-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han/4850426.html

Chức sắc Cao Đài độc lập lại bị công an mời làm việc

Chánh trị sự Hứa Phi và Đạo huynh Lê văn Sóc thuộc Hội thánh Cao Đài không theo phái Nhà nước hôm 26/3/2019, lại nhận giấy mời từ công an, yêu cầu ngày 27/3 có mặt tại công an để làm việc.
Chánh trị sự Hứa Phi, Trưởng khối Nhơn sanh Giáo hội Cao đài tây Ninh Chơn truyền, được yêu cầu lên công an để làm rõ mối quan hệ của ông với tổ chức Liên Minh Việt Nam dân Chủ. Ông cho RFA biết:
“Tôi đã nhận được 3 giấy mời ngày 7, ngày 8 và ngày 10 tháng 3 với cùng một nội dung là ‘có tên trong Liên minh Việt Nam Độc lập Dân chủ’. Tôi không đi nên sáng 14/3 họ áp giải tôi xuống công an huyện Đức Trọng làm việc. Huyết áp tôi lên đến 220/170 nên họ cho bác sĩ vô khám rồi cho tôi về. Khi tôi về thì có một vị công an nói rằng bây giờ chưa kết thúc, mai mốt ông khỏe chúng tôi sẽ làm việc tiếp. Chúng tôi có trả lời là hôm nay tôi đã nói hết rồi. Không còn gì để nói nữa.
Họ muốn moi tin tức nên hôm 26/3 họ gởi tôi một giấy mới yêu cầu 4 giờ chiều 27/3 phải có mặt tại công an huyện Đức Trọng. Giờ tôi còn nằm trên giường bệnh nên tôi không đi đâu hết, nhưng tôi cũng khẳng định là tôi khỏe tôi cũng không đi bởi vì chương trình và vấn đề này là tôi lo cho dân tộc, lo cho tương lai tuổi trẻ, lo cho đất nước Việt Nam không bị Tàu cộng cưỡng chiếm. Cái này là quyền và nguyện vọng của tôi.”
Còn với ông Lê Văn Sóc là ‘liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia’. Ông Lê Văn Sóc với nói RFA tối 27/3:
“Hôm nay đúng theo giấy mời, tôi có mặt tại công an xã Đông thạnh lúc 8 giờ gặp cán bộ công an thuộc P88 là đội trưởng tên Chiến. Nội dung thứ nhất là vừa rồi tôi có gặp sở di trú Anh nên họ hỏi tôi gặp sở di trú Anh để làm gì. Nội dung thứ hai là ngày lễ Đức Thầy 25/2 Âm lịch, họ hỏi tổ chức như thế nào, ở đâu, và tôi có mặt hay không. Nội dung thứ ba là họ nói bây giờ có nhiều tổ chức phản động họ tuyên truyền những lời xảo mị, sợ quý vị nghe và lầm tin nên hôm nay chúng tôi mời quý vị đến làm rõ một số việc để quý vị biết.”
Chánh trị sư Hứa Phi là người công khai lên tiếng về tình trạng đàn áp những giáo phái không chịu tuân phục chỉ đạo, can thiệp của nhà nước trong sinh hoạt tôn giáo và giáo lý chân truyền.
Bản thân ông Hứa Phi từng bị hành hung mỗi khi có tiếp xúc với giới ngoại giao nước ngoài. Tư gia, vườn cà phê của ông tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thường xuyên bị canh gác, thậm chí bị xâm hại, đốt phá.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/caodaism-clergymen-summoned-by-police-03272019085312.html

Quanh vụ LM Lê Ngọc Thanh

gắn bó với Lộc Hưng ‘rời Sài Gòn’

Một cư dân Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC rằng Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh “là người thân của dân Lộc Hưng” trong lúc báo Nhân Dân nhắc tên cha Thanh trong số các chức sắc Tôn giáo “có phát ngôn, việc làm đi ngược đường hướng tích cực”.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, người gắn bó với Vườn rau Lộc Hưng, nói với BBC rằng các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế “chịu áp lực từ chính quyền” nhưng không phải vì lý do đó mà ông đi khỏi Sài Gòn.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh được biết đến là người điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và xuất hiện trong chương trình bình luận thời sự “Hội luận cà phê đá” phát sóng định kỳ trên kênh AMEN TV và trang Tin Mừng Cho Người Nghèo.
Ông cũng là linh mục gắn bó và tường trình về diễn biến tại Vườn rau Lộc Hưng thời gian qua, bên cạnh các hoạt động trợ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.
Trong một bài viết trên tờ South China Morning Post hồi năm 2018, Linh mục Thanh cho biết ông “từng bị bắt giữ 10 lần và bị cấm xuất cảnh” và “người Công giáo trong một quốc gia cộng sản phải chịu đựng rất nhiều hệ lụy”.
Tin cho hay từ ngày 12/4, ông sẽ chuyển về nhà thờ Sáu Bọng ở Cần Thơ, thuộc Giáo phận Long Xuyên và là thành viên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Vĩnh Long.
Xây siêu chùa và kinh doanh tâm linh ở VN
Giáo hội: ‘Không có chuyện thỉnh, giải oan’
Thỉnh cầu Vatican ‘minh xét’ về cựu TGM Kiệt
Vườn rau Lộc Hưng: Bị cưỡng chế Tết sẽ về đâu?
Linh mục Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Nhà thờ Thọ Hòa bình luận trên trang cá nhân: “Sứ mệnh của linh mục là sẵn sàng để được sai đi rao giảng Phúc âm. Sự kiện cha Antôn [Lê Ngọc Thanh] sắp phải ra đi khỏi Sài Gòn, đối với ngài thì là chuyện bình thường. Nhưng đối với bà con Vườn rau Lộc Hưng, là một nỗi buồn rất lớn…”
Hôm 26/3, blogger, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, cư dân Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC: “Theo quan sát của tôi, Cha Antôn Lê Ngọc Thanh là một linh mục có kiến thức rất sâu rộng. Một người nghiêm khắc nhưng rất gần gũi. Đấy là ấn tượng đầu tiên nhiều người nhận thấy khi tiếp xúc với cha.”
“Tôi may mắn khi nhiều sự kiện trọng đại trong đời mình được Linh mục Thanh và một số cha Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện. Lễ đính hôn của tôi và anh Huỳnh Anh Tú được đích thân cha Thanh đại diện cho họ nhà trai, đi từ Sài Gòn ra tận Hải Phòng chủ trì.”
“Linh mục Thanh cũng là người làm phép thanh tẩy cho tôi ngày tôi vào đạo. Khi ngôi nhà mới xây của tôi và hàng trăm nhà khác ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập, Linh mục Thanh là một trong những người đầu tiên động viên, an ủi chúng tôi. “
“Chính sự lạc quan, mạnh mẽ của ông khiến chúng tôi vững tin hơn nhiều. Tôi còn nhớ lời ông nói với người dân Lộc Hưng rằng: ‘Sống trên đất nước này, trở thành dân oan là một điều hết sức bình thường. Nhưng mình là con cái Chúa, thì mình phải cầu nguyện cho cả những kẻ bách hại mình”.
“Thỉnh thoảng, Linh mục Thanh hay lui tới Vườn rau Lộc Hưng để cầu nguyện cùng chúng tôi, thăm hỏi và chăm lo cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.”
“Sự gần gũi, thông minh, sâu sắc và pha chút hài hước của ông luôn mang lại không khí vui vẻ, lạc quan, ấm áp cho những người xung quanh.”
“Tôi cũng như nhiều người dân Lộc Hưng xem Linh mục Thanh là người thân của mình. Tôi nghĩ các giáo dân ở gần ông thấy mình thật may mắn khi biết một linh mục như thế. Một linh mục giản dị nhưng quảng đại.”
Trong hai ngày 25, 26/3, BBC đã liên hệ Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh để hỏi bình luận về các hoạt động của Linh mục Lê Ngọc Thanh tại Vườn rau Lộc Hưng nhưng không nhận được phản hồi.
‘Chịu áp lực’
Hôm 25/3, trả lời BBC, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh nói: “Trường hợp của tôi không khác lắm đi so với hồi Linh mục Đinh Hữu Thoại ra đi, nhưng có thể có một vài cách hiểu không rõ ràng.”
“Nhà dòng có quy định anh em ở một chỗ tối đa là tám năm, trừ vài trường hợp đặc biệt.”
“Tôi ở Sài Gòn 10 năm rồi, muốn có môi trường mới, nên việc tôi ra đi là rất bình thường.”
“Cá nhân tôi muốn ra khỏi Sài Gòn vì thấy có những nơi mà sự có mặt mình của mình thì sẽ tốt hơn, trong lúc ở Sài Gòn đã có những nhân sự tốt.”
“Đến giờ phút này thì chưa thấy có liên quan gì giữa việc tôi ra đi và diễn biến ở Vườn rau Lộc Hưng.”
“Còn về vấn đề ở Lộc Hưng, tôi rất yên tâm vì có nhóm luật sư có thể trợ giúp người dân ở đó.”
Linh mục Thanh cũng cho biết thêm: “Về việc linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chịu áp lực từ chính quyền là có, nhưng không phải vì lý do đó mà tôi đi khỏi Sài Gòn.”
“Nếu mà so sánh từ năm 2015 đến nay, thì đã có những lúc chính quyền muốn dẹp chương trình giúp thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.”
“Họ gây căng thẳng một cách quá đáng, nhưng sau khi không đạt được mục đích, năm 2017, họ không còn tấn công nữa.”
“Từ năm 2018 đến nay thì tương đối ổn hơn, chỉ có một vài trường hợp ghi nhận là bị đe dọa thôi.”
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Quan hệ VN-Vatican ‘lên mức đại diện thường trú’?
Ý kiến về vụ chùa Ba Vàng
Đề cập về chương trình “Hội luận cà phê đá”, Linh mục Thanh nói: “Tôi chỉ muốn đơn giản là cung cấp cách nhìn nhận vấn đề khác để mọi người có thêm chọn lựa và thấy vấn đề rõ hơn.”
“Trong mọi chuyện, khi thấy có đủ thông tin thì họ sẽ chọn lựa tốt hơn.”
“Tôi mong là mọi người chú trọng hơn đến việc tìm kiếm sự thật để có quyết định đúng đắn, chứ không dựa vào những gì người ta nói mà mình không biết có thật hay không.”
“Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có những vụ gây rối, gây mù, để người ta không chú ý đến các sự kiện xã hội quan trọng.”
“Ví dụ như vụ chùa Ba Vàng, thì theo tôi đó là cách nhà cầm quyền đẩy lên thành sự kiện để gây nhiễu trong khi người dân lẽ ra cần bận tâm hơn đến việc Trung Quốc tổ chức một đường dây nhập ma túy đá vào Việt Nam và có những lô hàng chuyển sang các nước khác.”
Hồi năm 2015, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh từng bị ngăn xuất cảnh khi ông ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục đi Manila, Philippines, dự Hội thảo quốc tế về nhân quyền – đứng ở khía cạnh truyền thông”.
Ông cũng có tên trong danh sách “100 anh hùng thông tin thế giới” được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014.
Chính quyền nói gì?
Báo Nhân Dân hồi tháng 9/2018 từng nhắc tên Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh trong số “một số chức sắc, công dân theo Công giáo ở Việt Nam có phát ngôn, việc làm đi ngược đường hướng tích cực”.
Bài báo “Sự sa đọa ngụy trang dưới lớp vỏ của điều thiện” viết: “Nhìn rộng ra, trong số hơn 4.000 linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam, chỉ thấy nổi lên “tên tuổi” một vài vị linh mục như Nguyễn Ðình Thục, Ðặng Hữu Nam… ở Giáo phận Vinh; Nguyễn Duy Tân ở Giáo phận Xuân Lộc; Nguyễn Ngọc Nam Phong, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Phượng, Trịnh Ngọc Hiên, Ngô Văn Kha, Ðinh Hữu Thoại thuộc Dòng chúa cứu thế…”
“Ðó là những linh mục thường xuất hiện qua rất nhiều cách thức khác nhau để bịa đặt, vu cáo chính quyền; trong bài giảng, họ thường lồng ghép nội dung xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, đòi hủy bỏ Ðiều 4 Hiến pháp, xuyên tạc, thóa mạ lãnh tụ cách mạng, phủ nhận sự nghiệp cách mạng và các thành tựu kinh tế – văn hóa – xã hội nhân dân Việt Nam đã đạt được; cầu nguyện cho người vi phạm pháp luật bị Tòa án Nhân dân xử phạt án tù; thậm chí đi đầu một số cuộc tụ tập đông người bất hợp pháp, trong đó huy động cả trẻ em tham gia, ngăn cản trẻ em đến trường, cổ vũ hành vi tiến công lực lượng chức năng, phá hoại trụ sở chính quyền…”
Những câu chuyện cũ
Có một số ý kiến cho rằng việc Linh mục Lê Ngọc Thanh rời Sài Gòn làm họ nhớ lại một vài sự kiện cũ.
Tháng 5/2010, theo Đài Vatican, Giáo Hoàng Benedict XVI nhận đơn từ chức của Tổng Giám Mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khỏe, chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.
Sau đó, ông chuyển tới Đan viện Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Hồi tháng 2/2017, 1.500 người ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã “bị oan khiên”.
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sinh năm 1952, đảm nhận chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội từ năm 2005 – 2010. Trong thời gian đó, ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền, nhất là quanh vụ Tòa Khâm sứ ở phố Nhà Chung.
Một trường hợp tương tự Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh là Linh mục Đinh Hữu Thoạithuộc Dòng Chúa Cứu Thế, bị thuyên chuyển từ từ giáo phận Sài Gòn đến giáo phận Đà Nẵng. Hồi tháng 5/2018, ông bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục đi thăm gia đình ở Hoa Kỳ.
Linh mục Thoại được biết đến là người tranh đấu cho nhân quyền và trợ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa khi còn ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47689526

Công an Việt Nam thẩm vấn

nhà hoạt động Nguyễn Quang Hồng Nhân

vừa bị Đức trục xuất

Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị Đức trục xuất hôm 26/3 đã về đến Việt Nam.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, là con gái ông Nhân, vẫn còn tại Đức, xác nhận với RFA tin vừa nói hôm 27/3/2019.
Được biết gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân đang chờ xin Canada xin cấp cho quy chế tị nạn thì bị Đức trục xuất.
Trả lời RFA từ Đức hôm 27/3, cô Nguyễn Quang Hồng Ân kể lại:
“Bỗng dưng ngày hôm qua 26/3, một tốp cảnh sát chừng 6 hay 7 người ập vô, sau đó lên đến hơn 10 cảnh sát, họ đến chẳng nói gì cả, chỉ nói là phải rời khỏi đây. Em phải cố gắng hết sức để hỏi họ thì họ nói là có lệnh tống xuất Ba em về Việt Nam, họ bắt phải đi ngay bây giờ, đúng 8 giờ 40 phút thì xe bắt đầu chạy, bây giờ phải gói đồ. Họ hỏi có đem được gì không? Nếu không thì chỉ đi tay không thôi. Lúc đó tình hình rất khẩn cấp, em không hiểu tại sao lại bị như vậy, em hỏi họ quyết định này từ đâu, thì họ có cầm một quyết định cho em coi nhưng rất nhanh và em chưa kịp đọc gì cả, và họ cũng không cho em chụp hình. Ba em rất là sốc, muốn liên lạc qua Canada nhưng không được, còn cảnh sát thì cứ la lối nên không làm được gì hết. Ba em bị ngã quỵ vì sốc, và cũng có nhiều bệnh, em có xin họ cho gặp bác sĩ và thuốc, họ có hứa cho nhưng họ đưa thẳng Ba em đến Munich, rồi đưa lên máy bay luôn.”
Sau khi ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị cảnh sát Đức đưa ra sân bay trục xuất về Việt Nam được gần một ngày thì cô Nguyễn Quang Hồng Ân có lên trụ sở cảnh sát thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để hỏi thì được cho biết phía Đức đã giao Ba Mẹ cho công an Việt Nam tại Hà Nội. Cô nói tiếp:
“Em đã liên lạc được với Ba ở Việt Nam, Ba cho biết công an đã thẩm vấn Ba, hiện Ba rất xuống tinh thần. Sau đó họ đưa Ba đi đâu thì em không rõ.”
Đài Á Châu Tự Do đã gọi các số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức nhưng không thể kết nối.
Cơ quan Di trú Liên bang Đức từ chối trả lời các câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do về trường hợp của vợ chồng ông Nhân, lấy lý do để bảo vệ thông tin cá nhân trong thủ tục xin tị nạn.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân là nhà hoạt động nhân quyền, nhà văn từng bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Năm 1979, ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị tòa án Nha Trang, Khánh Hòa cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá Cách mạng” và tổ chức đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và gia đình đến Đức vào năm 2015 và xin tỵ nạn tại nước này. Hồ sơ được nạp tại Nuremberg nơi gia đình ông tạm cư. Sau đó ông làm đơn xin tỵ nạn với chính quyền Canada tại Đại sứ quán nước này ở Áo.
Tuy nhiên chỉ ít ngày trước đây khi gia đình ông này xin cơ quan chức năng Đức cấp cấy giấy để sang Vienna, Áo để được phía Canada phỏng vấn thì bị từ chối và đến ngày 26 tháng 3 ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cùng vợ bị phía Đức bắt giao cho Việt Nam như vừa nêu.
Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân được cho biết là một trong 68 người sáng lập Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-and-wife-sent-back-vietnam-by-germany-03272019091347.html

Đắk Nông phạt 10 triệu đồng đối với người

bị cho đăng tin sai về dịch tả lợn

Thêm một Facebooker tại Việt Nam bị chính quyền phạt tiền với lý do đăng tin sai về dịch tả lợn Phi Châu.
Tin do truyền thông trong nước loan đi ngày 27 tháng 3 cho biết tỉnh Đắk Nông xử phạt 10 triệu đồng đối với Facebooker Trần Thị Hồng do viết trên trang cá nhân việc 800 con heo bị bệnh dịch tả lợn tại địa phương sau khi chôn lại bị đào lên để xẻ thịt bán.
Truyền thông trong nước cho biết ông Quách Công Ban, Chánh thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Đắk Nông, ký quyết định xử phạt hành chính đối với bà Trần Thị Thu Hồng với lý do như vừa nêu.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cho rằng, hành vi của bà Hồng đã vi phạm quy định pháp luật theo điểm a, khoản 3, điều 64, nghị định 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ. Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và hành vi này có mức xử phạt 20 triệu đối với tổ chức và 10 triệu đối với cá nhân.
Vừa qua một số Facebooker tại Việt Nam bị phạt tiền hoặc bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc do thông tin về dịch tả lợn Phi Châu lây lan nhiều nơi trên cả nước và vụ nhiễm sán dây lợn tại Bắc Ninh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dak-nong-fined-10-million-vnd-for-people-who-posted-wrong-information-about-pig-cholera-03272019090222.html

Quan ngại về chất lượng Tàu điện Cát Linh – Hà Đông

trước ngày vận hành thương mại

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội nói với báo chí trong nước rằng chưa có bất cứ tuyên bố nào của cơ quan chức năng về thời gian chính thức vận hành tuyến đường này và dự kiến cuối tháng 4 mới vận hành thử nghiệm mà thôi, vẫn còn nhiều hạng mục đến nay vẫn chưa hoàn thiện nên khó xác định chính xác thời điểm khai thác.
Trước đó vào ngày 14/2, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào cuối quý 1/2019 và chính thức đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4/2019.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn từ Hà Nội có ý kiến không bàn về tiến độ dự án có kịp hay không kịp vào cuối tháng 4; bởi vì trong thực tế cũng đã chậm rồi. Điều quan trọng nhất anh quan tâm là chất lượng thật sự của công trình mà thôi.
“Tôi là tôi quan tâm đến việc nó là một phương tiện công cộng và tôi hoàn toàn có nhu cầu sử dụng những phương tiện công cộng như vậy, tuy nhiên tôi nhận thấy rằng qua những hình ảnh ghi nhận lại được từ công trình xây dựng đó, như nhưng đai sắt để giữ đường ray, hoặc là những chi tiết xây dựng thì đều cho thấy cảm quan rằng các chi tiết đó đều kém chất lượng, chất lượng cho một trong trình giao thông công cộng lớn như vậy mà quá kém chất lượng thì nó tạo ra một cảm giác bất an.”
Theo hình ảnh từ báo điện tử Dân Trí đưa tin vào hôm 26/3, nhìn bên ngoài, hệ thống đường ray và các nhà ga gần như đã hoàn thiện. Tuy nhiên, khi tiếp cận gần các nhà ga ở khu vực Thanh Xuân, Hà Đông thì mới thấy một số hạng mục đã hư hỏng để lộ ra chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn.
Kỹ sư Trần Bang cho hay vì là dân kỹ thuật nên ông cẩn thận cho rằng cần xem bảng vẽ và hiện trường mới chính xác được chứ nhìn hình thì chỉ đoán được một phần nào mà thôi; tuy nhiên những hình ảnh cho thấy có thể chất lượng công trình là kém chất lượng. Ông giải thích nguyên nhân
“Có thể do thi công những nhà thầu chính thuê lại những nhà thầu phụ rồi thầu phụ lại thuê thêm nhà thầu nữa. Ví dụ như thầu chính là Trung Quốc rồi lại thuê lại thầu lớn nào của Việt Nam, rồi thầu Việt Nam thuê thầu phụ nữa và cứ xuống như vậy. Vì như vậy qua nhiều bước thì việc giám sát và giá thành không đảm bảo cho người ta thi công đạt chất lượng cao được.”
Vào ngày 24/3, Indonesia vừa tổ chức lễ khánh thành hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên tại thủ đô Jakarta, do nhà thầu Nhật Bản ủng hộ về mọi mặt, tuyến đường dài 16 cây số với khoảng vay 120 tỉ yên tức hơn 24 nghìn tỉ đồng và được khởi công từ tháng 10/2013 đến nay.
Khi tin tức được loan đi, cộng đồng mạng xã hội Việt Nam chia sẻ những so sánh sự khác nhau giữa cách chọn nhà thầu, chi phí đầu tư và thời gian hoàn thành dự án tuyến tàu điện của Việt Nam và Indonesia.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho hay, từ việc so sánh này cho thấy nhà thầu do chính phủ Việt Nam chọn đã có sự khác biệt rất lớn so với phía nhà thầu do Indonesia lựa chọn, chất lượng công trình, tiến độ dự án đã cho thấy được chất lượng thật sự.
“Qua hình ảnh về công trình tàu điện của Indo nó cho cái cảm quan là đáng tin cậy hơn rất nhiều, đúng tiến độ và không đội vốn. Qua đó nó khiến cho tôi thấy rằng việc chính phủ Việt Nam phớt lời mọi cảnh báo và không biết vì lợi ích gì mà lựa chọn nhà thầu Trung Quốc rồi dẫn đến tình trạng tồi tệ như hôm nay là điều đáng trách. Với tư cách là một công dân và một cử tri tôi lấy làm thất vọng và tôi không biết tình cảm thất vọng của mình được thể hiện như thế nào cho có hiệu quả để có được một chính phủ tốt hơn trong tương lai.”
Đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông được khởi công từ năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014, tuy nhiên dự án này đã nhiều lần trì hoãn, đội vốn lên cao nhiều lần với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD, trong đó vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cat-linh-ha-dong-electric-train-is-of-low-quality-before-the-day-of-commercial-operation-03262019151317.html

Campuchia thu hồi đất từ Hoàng Anh Gia Lai để trả dân

Mười hai cộng đồng bản địa tại tỉnh Ratanakiri ở miền đông bắc Campuchia vừa giành được thắng lợi quan trọng khi chính phủ tuyên bố trả lại phần đất rừng bị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Việt Nam thâu tóm để làm đồn điền cao su quy mô lớn.
Đây là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang phải đối diện với việc bị rà soát chặt chẽ hơn, Reuters tường thuật.
Người dân địa phương đã có cuộc xung đột kéo dài cả thập niên với HAGL nhằm phản đối việc tước đoạt đất đai tổ tiên của họ để lại, tổ chức Inclusive Development International (IDI) chuyên hỗ trợ các cuộc đấu tranh phản đối việc cướp đất nói.
Bầu Đức dọa kiện Global Witness
Kêu gọi Arsenal ‘tuyệt giao với HAGL’
Fitch lại cảnh báo về Hoàng Anh Gia Lai
Hôm thứ Ba, tỉnh trưởng tỉnh Ratanakari đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp trả lại 64 khu vực đất đai khỏi tổng diện tích đất đã lấy, bao gồm các phần rừng, đầm lầy và các nghĩa trang của những cộng đồng dân cư này.
Việc trả lại đất mới chỉ là bước đầu, giám đốc điều hành của Highlanders Association, một tổ chức hoạt động vì quyền của dân bản địa tại Ratanakari, nói.
Bà Dam Chanty trong tuyên bố của mình nói rằng người dân còn cần được bồi thường và cần được trợ giúp để có thể trở lại với phần đất, nước đó.
Cái giá của phát triển
Kể từ đầu thập niên 2000, Campuchia đã trao nhiều khu đất cho các công ty nước ngoài để đổi lấy việc họ đầu tư vào việc khai mỏ, xây nhà máy điện và các nông trường nhằm thúc đẩy kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, các thỏa thuận đó đã ‘ăn’ hết hơn 10% tổng diện tích đất của cả nước, tính đến 2012, và đẩy hơn 770 ngàn người vào cảnh mất nhà mất đất, các luật sư nhân quyền nói.
Khiếu nại kéo dài
Mười năm trước, HAGL được giao 19 ngàn hectare đất thuộc 12 cộng đồng dân bản địa nêu trên.
Tới 2014, người dân địa phương đệ đơn khiếu nại lên Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, tổ chức tài trợ cho các dự án của HAGL tại Campuchia và Lào, về các tác động môi trường và xã hội “nghiêm trọng”.
Trong tiến trình giải quyết tranh chấp, HAGL đồng ý dừng việc giải phóng mặt bằng thêm đối với các phần đất chưa giải tỏa.
Một năm sau, HAGL đồng ý trả lại phần đất chưa biến thành đồn điền hoặc chưa giải tỏa. Điều này khiến diện tích đất mà HAGL được giao tại Campuchia giảm đi hơn 60%, còn lại gần 8.400 hectare.
Quá trình thương lượng chưa kết thúc. Đến đầu năm nay, HAGL đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán và nói rằng người dân địa phương cần tìm giải pháp từ phía chính quyền Campuchia, IDI nói.
Quyết định hôm thứ Ba, 26/3/2019 khiến tập đoàn của Việt Nam giảm tiếp 742 hectare đất nữa tại Campuchia, Reuters dẫn nguồn đại diện các cộng đồng dân địa phương nói.
Quyết định mới đây được đưa ra chỉ ít hôm sau khi thủ tướng Campuchia tái khẳng định chính quyền nước này hoan nghênh mọi công ty vào đầu tư mà không có bất kỳ phân biệt đối xử nào về chủng tộc hay chính trị.
Ông Hun Sen được báo Reaksmei Kampuchea của Campuchia hôm 22/3 dẫn lời phát biểu tại lễ động thổ xây dựng đường cao tốc dài 190km nối Phnom Penh với Sihanoukville:
“Campuchia mở cửa với tất cả các nhà đầu tư, nhưng họ cần tôn trọng chủ quyền và độc lập của Campuchia”.
Ông thủ tướng cũng nói rằng hiện nước này đang có nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ và các nước châu Âu, Reuters tường thuật.
Cuộc đấu tranh chống nạn đốn gỗ ở Ratanakiri được báo chí quốc tế chú ý đến từ 2012, sau khi nhà vận động Chut Wutty bị giết chết, theo phóng viên BBC News Guy Delauney từ Phnom Penh trong một tường thuật năm đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47714502

Bộ trưởng Đức đề cập vụ Trịnh Xuân Thanh

với Thủ tướng Việt Nam

Bộ trưởng Kinh tế & Năng lượng Cộng hòa liên bang Đức, ông Peter Almaier, đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam và vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh trong cuộc hội đàm ngày 25 tháng 3 với ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Peter Altmaier bày tỏ hy vọng vụ việc làm xấu đi mối quan hệ song phương Đức- Việt vụ như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức sẽ không lặp lại.
Thông tin vừa nêu được một phóng viên Đức tháp tùng ông Bộ trưởng viết lại trên twitter, sau đó tờ Thời báo, một tờ báo Việt ngữ tại thủ đô Berlin trích dịch lại.
Một blogger người Việt tại Đức là ông Bùi Thanh Hiếu thì trích dẫn các báo Đức, chỉ trích chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam, cho rằng chính phủ Đức đã gầy dựng lại quan hệ với Việt Nam vì lợi ích của các tập đoàn tư bản, mà lại bỏ qua chuyện phi pháp của Việt Nam, cũng như những hành động vi phạm nhân quyền của quốc gia này.
Báo chí Việt Nam không đưa tin về chuyện nước Đức đề cập đến chuyện Trịnh Xuân Thanh, và cũng không rầm rộ đưa tin về cuộc thăm viếng này, mà chỉ có một số tờ báo ca ngợi quan hệ hai bên, trích lời ông Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về những thành công của các công ty Đức tại Việt Nam.
Vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Berlin rồi đưa về Hà Nội qua ngã Slovakia và Matxcova diễn ra vào cuối tháng 7 năm 2017. Đến tháng 9, Berlin cho ngưng quan hệ đối tác chiến lược với phía Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trinh-xuan-thanh-germany-minister-vn-pm-03272019085624.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.