Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/03/2019

Thursday, March 21, 2019 3:25:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/03/2019

Nhân chứng kể việc bị bắt giữ

 tại BOT Bắc Thăng Long hôm 15/3

Trong nhiều ngày qua, BOT Bắc Thăng Long trở tâm điểm nóng của dư luận xã hội, nhất là vụ bắt giữ 5 người phản đối trả phí khi qua trạm vào thứ Sáu 15/3.
Trong khi chính quyền địa phương phủ nhận việc bắt giữ tài xế lái xe và phá xe, một nhân chứng vừa xác nhận với BBC rằng đích thân đã bị lực lượng chức năng cậy xe, lôi kéo người và giam giữ suốt 30 tiếng đồng hồ.
Trả lời phóng viên BBC tại Bangkok, chị Trần Thị Thu Thủy, 36 tuổi, cho biết chị có bằng chứng chứng minh việc mình và 4 người khác đã bị bắt giữ trái luật vào ngày 15/3.
Hà Văn Nam là ai, tại sao bị bắt?
Quanh phát ngôn của bộ trưởng GTVT về mất bằng lái xe
Do đâu cứ xảy ra nạn kẹt xe về Sài Gòn sau Tết?
Bị lôi xềnh xệch, giam giữ
Chị Thủy, một người kinh doanh xuất nhập khẩu, sinh sống tại khu vực Kim Mã cho biết chị thường xuyên phải đi qua BOT Bắc Thăng Long để đăng ký thủ tục hải quan cho hàng hóa ở sân bay Nội Bài.
Chị bắt đầu quan tâm đến vấn đề BOT từ tháng 8/2018 và tham gia nhóm Phản đối BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài (BTL-NB).
Hôm 15/3, sau khi thấy hàng loạt hình ảnh, video chia sẻ trên Facebook về việc hàng trăm lực lượng vũ trang, công an, quân đội vây quanh BOT Bắc Thăng Long để chủ đầu tư hạ barie thu phí sau hơn 3 tháng xả trạm, chị quyết định cùng hai người bạn và hai lái xe đến BOT.
“Hai xe mình ra đấy thì họ đòi thu phí. Tôi hỏi thu vé đường nào, thì họ bảo ‘tuyến tránh Vĩnh Yên’. Tôi mới bảo bọn tôi không đi đường tránh mà chỉ từ Hà Nội đến Nội Bài rồi về thôi. Họ bảo ‘có quyết định của Thủ tướng cho thu phí’. Khi tôi yêu cầu cung cấp quyết định thì họ không đưa,” chị Thủy kể lại cho BBC hôm 20/3.
Nhân viên BOT mở barie hai lần cho chị Thúy, nhưng đến lần thứ ba thì lực lượng chức năng xuất hiện.
“Lúc đó tối, tôi quay lên chỗ sân bay ăn uống rồi quay về vẫn phải qua trạm BTL-NB, tôi cũng nói tôi không đi tuyến tránh nên yêu cầu mở barie thì lực lượng an ninh quây kín xe.”
“Họ không có hành động mời làm việc mà cứ mở cửa xe, lôi người xềnh xệch, giật điện thoại, tống lên xe thùng chở về công an huyện Sóc Sơn,” chị Thủy nói.
Chị Thủy và 4 người chỉ được thả sau 30 tiếng giam giữ, và lúc đó mới nhận được biên bản quyết định bắt giữ vì “hành vi gây rối, cản trở hoạt động của cơ quan tổ chức” và phạt hành chính 2,5 triệu.
Chị Thủy cũng phủ nhận cho rằng xe của chị gây cản trở giao thông vì tình trạng tắc đường kẹt xe đã xảy ra từ sáng khi các lái xe phản đối trả phí từ sáng.
“Theo quy định tắc đường 700m phải xả trạm, nhưng bọn nó vẫn thu nên đường đã tắc từ khi bọn tôi chưa có mặt… Họ là báo cáo tôi không ký. Báo cáo đó là láo toét, vu khống,” chị Thủy nói.
Bị canh nhà
Sau khi trở về nhà lúc 9 giờ tối 16/3, cuộc sống gia đình chị Thủy tiếp diễn bình thường cho đến sáng 20/3 hôm nay.
“Từ sáng 7 giờ họ đi xe máy ngang qua chụp hình, họ đứng các ngõ ngách nhìn vào nhà tôi. Tôi hỏi ‘Mày quay nhà tao làm gì, mày định ăn trộm ăn cắp gì nhà tao hay định giết người?’ thì chúng nó cứ ỉm ỉm vậy thôi,” chị Thủy nói về nhóm người lạ mặt vẫn bao vây nhà chị khi chị trả lời phóng viên BBC qua điện thoại.
Chị Thủy nghi ngờ rằng mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình chị đang bị giám sát vì cũng trong ngày hôm nay, trạm BOT Mỹ Lộc tại Nam Định đã hạ barie, thu phí trở lại.
Chị cho biết, gia đình chị sinh sống ở Mỹ Lộc và Kim Mã, cả hai nơi đều bị ảnh hưởng hai trạm BOT Mỹ Lộc và BOT Bắc Thăng Long.
Ngoài ra, việc thu phí BOT cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh xuất nhập khẩu của chị.
“Ngày trước hàng hóa của tôi từ bất cứ hàng nhập khẩu, xuất khẩu phải làm thủ tục hải quan ở Nội Bài. Hàng nhập phải chuyển về Hà Nội cho khách hàng, hàng xuất phải chuyển từ kho lên Nội Bài để liên hệ với các hãng bay, vận tải… Lúc nào cũng phải qua cái BOT Bắc Thăng Long.
“Cho nên thuế phí sẽ ảnh hưởng đến các loại hàng hóa, không chỉ các lái xe mà đến cả khách hàng, ảnh hưởng đến người dân Việt Nam, cho nên tôi rất là bức xúc.”
“Cả đời tôi chưa bao giờ phải đi qua tuyến tránh ở Vĩnh Yên, phải trả phí hoàn vốn cho nó là một điều bất công.”
Chống BOT vì lời kêu gọi của TBT
“Ngày xưa tôi không quan tâm đến chính trị, xã hội lắm. Chỉ khi thấy người dân Nam Định, Thái Bình phản đối BOT Tân Đệ, thấy người dân tập trung đồng lòng đồng sức vì một cộng đồng văn minh, không có BOT bẩn, tôi rất ngưỡng mộ,” chị Thủy nói.
“Tham nhũng nước nào cũng có, ít hay nhiều, nhưng người dân thể hiện tình yêu với tổ quốc là qua việc chống tham nhũng và phân biệt đúng sai để xây dựng bảo vệ tổ quốc.”
“Cái việc năm người bọn tôi bị bắt thể hiện rằng tệ nạn tham nhũng đã đầy rẫy trên Việt Nam rồi, và bản thân chúng tôi phải ý thức hành động của mình, phải chống tham nhũng thì đất nước mới phát triển.
“Tôi nghĩ tôi sẽ không từ bỏ, vì đây là lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư đã nói rằng chống tham nhũng không có vùng cấm. Bọn tôi mới nghe theo lời kêu gọi.
“Người khác có thể không quan tâm, để sống chết mặc bay, nhưng chúng tôi vì tương lai của người dân Việt Nam, con cháu, nên chúng tôi mới muốn chống tham nhũng.”
Chị Thủy cho biết chị không ngăn cản việc trả tiền, chỉ yêu cầu Vietracimex phải đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, thu bao nhiêu không quan tâm, ai sử dụng thì phải trả.
“Là một người công dân, tôi có thể làm những gì pháp luật không cấm. Một người phải biết đúng biết sai, phải biết phản ứng trước những cái sai đồng thuận trước những cái đúng mới là một người dân yêu nước.”
Chính quyền nói gì?
Trả lời báo Tin tức, ông Lê Văn Duyển, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 15, đơn vị phụ trách đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long nói rằng không có việc “lực lượng chức năng bắt lái xe và phá xe có hành vi phản đối thu phí” tại trạm BOT BTL-NB.
Lực lượng chức năng chỉ “vận động, nhắc nhở các lái xe và người dân địa phương không tụ tập gây cản trở giao thông và yêu cầu các phương tiện mua vé theo quy định”, cũng theo báo này.
Trước đó BOT BTL-NB đã tạm ngừng thu phí 3 tháng kể từ 18/12, sau khi bị nhiều lái xe và người dân phản đối quyết liệt.
Trạm thu phí Bắc Thăng Long-Nội Bài đã được thành lập theo Quyết định số 327/KHĐT ngày 21/02/1997 của Bộ GTVT, và đã tiến hành thu phí suốt gần 20 năm.
Đến 5/8/2009, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại bàn giao nguyên trạng trạm thu phí này cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Vietracimex 8 để thu phí đoàn đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc gần quốc lộ 2.
Giao thông VN: Thần chết rình rập trên đường phố
BOT Cai Lậy ‘thu phí trở lại’ sau Tết
VN: Quanh vụ từ chối hai xe vào đường cao tốc
BOT BTL-NB tiến hành thu phí cho đường tránh Vĩnh Yên từ 1/1/2011, với mức phí 10.000 đồng/xe 12 chỗ với thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 10 tháng 11 ngày.
Cách đây 6 năm, vào 2013, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phương án gộp trạm BOT Bắc Thăng Long với trạm thu phí ở quốc lộ 2 đoạn đường Nội Bài – Vĩnh Yên, tuy nhiên đã bị nhà đầu tư Vietracimex 8 phản đối.
Vietracimex 8 cho rằng đề xuất trên sẽ khiến nhà đầu tư phá sản. Khi đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nói rằng: “Thu phí trên tuyến đường đối ngoại để trả tiền đầu tư cho một con đường ở Vĩnh Yên là bất hợp lý”.
Theo báo Tin tức, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải di chuyển trạm BOT này về đúng vị trí, với lý do đây là tuyến đường đối ngoại huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, tuy nhiên đến nay trạm BOT vẫn tiếp tục thu phí.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47622370

Bạch Hồng Quyền lo lắng bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ

vì có liên quan đến blogger Trương Duy Nhất

RFA và BenarNews
Bạch Hồng Quyền, một người hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam hiện đang lẩn trốn tại Thái Lan, đang lo ngại mình sẽ là một nạn nhân của chính quyền hai quốc gia: Việt Nam, đất nước mà anh đã bỏ ra đi 2 năm về trước khi bị truy nã vì các hoạt động xã hội, và Thái Lan, đất nước mà anh hy vọng sẽ cho mình một nơi trú ẩn an toàn.
Quyền là người đã giúp đỡ Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do, người bị mất tích khi đang ở Bangkok hồi cuối tháng 1 vừa qua, khi đang xin quy chế tị nạn. Những nghi ngờ trước đó cho rằng Nhất bị an ninh  Việt Nam bắt cóc với sự cộng tác của phía Thái Lan đã được củng cố thêm sau khi Đài Á Châu Tự Do nhận được thông tin xác nhận blogger này đang bị giam giữ tại Hà Nội. Thông tin xác nhận từ con gái của blogger là thông tin đầu tiên về ông kể từ khi ông mất tích gần 2 tháng về trước.
Trường hợp của blogger Trương Duy Nhất càng làm xấu thêm hình ảnh của Thái Lan vốn được coi là nơi lánh nạn an toàn cho những người tị nạn ở khu vực Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipaks đã từ chối không đưa ra bất cứ lời bình luận nào hôm 21/3 liên quan đến thông tin mới nhất về blogger, mà chỉ nói vắn tắt rằng vấn đề đang được cảnh sát Thái xử lý.
Tôi hiện rất lo ngại cho sự an toàn của tôi và gia đình tôi”, Bạch Hồng Quyền, 29 tuổi – cha của 3 con nhỏ, nói với Đài Á Châu Tự  Do trong một cuộc phỏng vấn riêng. Mặc dù đã được Liên Hiệp quốc cấp quy chế tị nạn vốn được coi là có thể bảo vệ người tị nạn khỏi bị bắt giữ hoặc trục xuất, Quyền nói anh vẫn phải lẩn trốn, sống tách rời khỏi gia đình mình để tránh không bị bắt giữ.
Nếu chính phủ Thái bắt giữ tôi, họ chăc chắn sẽ trao tôi cho phía Việt Nam”, Quyền nói.
Nỗi lo sợ của Quyền bắt nguồn từ những gì đã xảy ra với blogger Trương Duy Nhất, một tiếng nói chỉ trích chính phủ, người được những nhà hoạt động cho rằng đã bị phía Thái Lan bắt giữ khi đang ở tại một trung tâm mua bán ở ngoại ô Bangkok, rồi sau đó trao cho phía an ninh Việt Nam. Trương Duy Nhất cũng là người đóng góp thường xuyên các bài vở cho ban Việt ngữ, Đài Á Châu Tự Do.
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) hiện đang sống ở Đức, viết trên trang facebook của mình hôm 10/3 rằng cảnh sát Thái đã bắt Nhất đến một quán ăn ở ngoài Bangkok nơi các nhân viên an ninh Việt Nam đã chờ sẵn. “Khi Nhất thấy người Việt Nam đi xe đến, Nhất cự không kịp và bị những người bịt mặt này bẻ tay, trùm đầu vất lên xe tiêm thuốc mê”, blogger Người Buôn Gió viết.
Chính phủ Thái Lan nói rằng họ đang điều tra trường hợp của blogger Trương Duy Nhất. Đây cũng là trường hợp khiến một số dân biểu Mỹ phải quan tâm lên tiếng. Phản ứng từ chính phủ của Tổng thống Trump đến giờ này là im lặng. Chính phủ Mỹ thường tránh chỉ trích tình trạng nhân quyền ở các nước đồng minh châu Á như Thái Lan và Việt Nam, nơi đã tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn hồi tháng trước.
Về phần mình, Quyền nói anh cảm thấy mình như người bị chú ý vì những thông tin bên trong mà anh biết được về sự biến mất của Nhất. Anh nói anh đã giúp blogger tìm nơi ở tại Bangkok và giúp nộp hồ sơ xin quy chế tị nạn lên văn phòng Cao Ủy về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ở Bangkok hôm 25/1, một ngày trước khi Nhất mất tích, và anh có những thông tin liên quan đến việc khiến blogger hay chỉ trích chính quyền và vốn có nhiều quan hệ phải chạy trốn khỏi Việt Nam.
Con gái của Nhất, cô Trương Thục Đoan, nói rằng mẹ cô, tức blogger Nhất, là bà Cao Thị Xuân Phượng, được phía trại giamm cho biết Nhất đã bị bắt từ ngày 28/1, 2 ngày sau khi ông bị bắt cóc ở Bangkok. Nhất hiện đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Bà Phượng hiện vẫn chưa được phép vào thăm chồng.
Rõ ràng là ba tôi không có ý định quay về Việt Nam”, cô Trương Thục Đoan nói.
Quyền nói về nỗi sợ của mình có liên quan đến trường hợp của Nhất, và cho rằng cảnh sát Thái và Việt Nam đang muốn xóa mọi dấu vết của Nhất nhằm che đậy những gì đã xảy ra. Anh cũng nói đến những lo ngại đã được các nhà hoạt động nhân quyền đưa ra rằng chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan có thể đang muốn trao đổi các nhà bất đồng chính kiến mà họ đang tìm kiếm ở cả hai nước. Chính phủ Thái đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào cuối tuần này.
Vào lúc này, tôi không thể sống cùng gia đình tôi vì tôi biết chính phủ Thái đang theo dõi vợ tôi để tìm ra tôi”, Quyền nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi thông tin về Nhất xuất hiện. RFA đồng ý không tiết lộ thời gian và địa điểm cuộc phỏng vấn vì những lo ngại cho an toàn của Quyền.
Chúng tôi đã không sống cùng nhau suốt khoảng 10 ngày nay. Vợ tôi hôm qua nói với tôi rằng một vài cảnh sát đã đậu xe dưới tòa nhà nơi gia đình tôi sống. Chiều qua, một vài người đã đến gõ cửa nhà tôi và vào trong để tìm xem tôi có ở nhà không nhưng họ không thấy tôi nên đã bỏ đi. Họ nói với vợ tôi là họ là an ninh của tòa nhà nhưng họ lại mặc quần áo thường”, Quyền cho biết.
Quyền đang tìm kiếm việc định cư ở Canada, nơi được coi là nơi đến hàng đầu cho những người tìm quy chế tị nạn sau khi Hoa Kỳ cắt giảm đáng kể con số người tị nạn mà nước này có thể chấp nhận.
Bản copy đơn xin tị nạn của Quyền tới chính phủ Canada hôm 2/3 mà RFA có được viết: “Tôi hiện đang sống trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm”.
RFA đã gọi số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok để xin phản ứng về những cáo buộc mà Quyền đưa ra rằng Việt Nam muốn Thái Lan trục xuất Quyền, nhưng số điện thoại dường như không hoạt động.
Giới chức di trú Thái Lan từ chối có bất cứ thông tin nào liên quan đến nỗ lực nhằm trục xuất Quyền, người đã chạy sang lánh nạn tại Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 vì bị truy nã với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” sau khi anh tổ chức một cuộc diễu hành kỷ niệm vụ ô nhiễm biển miền trung Việt Nam năm 2016. Thảm họa môi trường này đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình phản đối lớn.
“Chúng tôi không có thông tin Bạch Hồng Quyền trong hệ thống. Anh ta không có ở đây”,
Đại tá Cảnh sát Tatpong Sanawarangkoon, người phụ trách bộ phận thuộc Cơ quan di trú, nói với hãng tin BenarNews. Người đại diện cơ quan Di trú Thái nói ông không thể đưa ra nhận xét nào về những cáo buộc mà Quyền đưa ra liên quan đến việc cảnh sát Thái Lan đang tìm kiếm anh.
Mặc dù Thái Lan không phải là một nước ký Công ước về người Tị nạn năm 1951, nhưng Thái Lan đã luôn được coi là một nơi đến cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh và đàn áp từ các nước láng giềng.
Những vụ cưỡng bức trục xuất người tị nạn hoặc tìm kiếm quy chế tị nạn do lo ngại bị đàn áp trên thực tế là rất hiếm ở Thái kể từ sau khi Thái Lan gửi trả hơn 100 người Hồi giáo Uighủ về lại Trung Quốc hồi nằm 2015, gây bất bình trong quốc tế. Tuy nhiên, nhữn người tị nạn vẫn phải đối mặt với tình trạng bấp bênh. Gần 10% trong số hơn 5.000 người có đăng ký được quan tâm của UN tại Thái Lan hiện đang bị giam giữ trong trung tâm giam giữ của sở Di trú.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới hồi tuần trước nói rằng sau khi cảnh sát Thái tìm đến nhà Quyền vào ngày 1/3, họ lo ngại là giới chức Thái sẽ cho phép an ninh Việt Nam bắt cóc Quyền.
Chúng tôi thúc giục chính phủ Thái Lan tôn trọng quy chế của Bạch Hồng Quyền và gia đình anh ta là những người tị nạn và ngưng việc đe dọa Quyền dưới bất cứ cách nào”, ông Daniel Bastard, người đứng đầu phân ban Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói với RFA.
Quyền sống ở Thái Lan cùng với vợ là Bùi Hương Gian và ba con là Bạch Yến Nhi, 6 tuổi, Bạch Gia Hân, 3 tuổi và con trai Bạch Joseph, 6 tháng sinh tại Thái Lan.
Quyền nói Quyền không hối tiếc việc giúp Nhất, người đã nói với Quyền là phải dời  Việt Nam vì lo sợ sẽ bị bắt giữ. Nhất cũng nói rằng ông có những thông tin bên trong có thể gây nguy hại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông nói ông có ý định sẽ công bố những thông tin này khi ông có được quy chế tị nạn ở nước khác.
Quyền giải thích rằng anh không lạ gì những sách nhiễu đối với các hoạt động xã hội của mình ở Việt Nam.
Khi tôi bị nguy hiểm, đã có những người khác giúp đỡ tôi”, Quyền nói, “Khi Trương Duy Nhất nói với tôi là anh ấy gặp nguy hiểm, là một người Việt Nam và là một người hoạt động tôi thấy bình thường khi giúp đỡ một người bạn, người cũng đã từng bị đi tù vì những bài viết của anh ấy trên blog và hiện giờ đang gặp nguy hiểm”.
Tôi không hối tiếc về những gì mình đã làm”, Quyền nói tiếp, “Tôi đang gặp nguy hiểm nhưng ít nhất tôi vẫn còn tự do”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-activist-hiding-in-thailand-fears-arrest-over-links-to-jailed-blogger-03212019101701.html

Ân Xá Quốc tế: chính quyền Thái và Việt nam

cần trả lời các câu hỏi về blogger Trương Duy Nhất

Ân Xá Quốc tế hôm 21/3 ra thông cáo kêu gọi chính phủ Thái Lan và Việt Nam trả lời những câu hỏi về sự biến mất đột ngộc của blogger Trương Duy Nhất khi đến Thái Lan xin quy chế tị nạn hồi cuối tháng 1 vừa qua, và nay lại bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội.
“Có một khả năng lớn là ông ta đã bị chuyển về cho phía Việt Nam giam giữ bất chấp rủi ro thực sự về việc vi phạm nhân quyền trầm trọng”, bà Joanne Mariner, cố vấn cao câp về khủng hoảng của Ân xá quốc tế được trích lời trong thông cáo cho biết.
Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do đã đột ngột mất tích tại Thái Lan vào ngày 26/1, ngay sau khi đến văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn để xin quy chế tị nạn hôm 25/1, theo xác nhận của Bạch Hồng Quyền, một người tị nạn Việt Nam khác đã giúp đỡ Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan.
Vào ngày 20/3, cô Trương Thục  Đoan, con gái blogger xác nhận với RFA rằng cha cô đang bị giam giữ tại trại T16 ở Hà Nội. Cô khẳng định cha cô không hề có ý định muốn quay về Việt Nam. Giới chức trại giam nói với mẹ của cô, vợ của blogger, là bà Cao Thị Xuân Phượng, rằng ông Trương Duy Nhất đã bị giam tại đây từ ngày 28/1. Tuy nhiên bà Phượng không được gặp ông Nhất mà chỉ có thể gửi đồ thăm nuôi cho ông trong trại giam vì lý do là việc điều tra chưa kết thúc. Phía trại giam không cho biết ông Nhất đang bị điều tra về cái gì.
Nếu ông ta bị giam giữ thì ông ấy cần phải được tiếp xúc ngày lập tức với luật sư và cần phải được đưa ra trước thẩm phán. Nếu giới chức Việt Nam không đưa ra được bằng chứng chắc chắn để giam giữ ông Nhất, thì họ phải trả tự do cho ông ngày lập tức”, bà Joanne Mariner nói.
Đã có những thông tin cho rằng có khả năng blogger Trương Duy Nhất đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ khi đang ở trung tâm mua bán Future Park, ngoại ô Bangkok hôm 26/1. Sau đó cảnh sát Thái đã đưa ông đến một quán vắng ở ngoại ô Thái Lan và trao cho phía an ninh Việt Nam.
Theo Bạch Hồng Quyền, Trương Duy Nhất đã nói với anh rằng ông có những thông tin quan trọng về các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam và ông dự định sẽ công bố các thông tin này khi được định cư ở một nước khác. Ông nói ông lo sợ mình sẽ bị bắt giữ nếu còn ở Việt Nam nên đã tìm cách sang Thái Lan để tìm quy chế tị nạn.
Blogger Trương Duy Nhất là người thương xuyên có những bài viết chỉ trích chính phủ. Ông đã từng bị bắt vào năm 2013 và bị kết án tù 2 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Ân Xá Quốc tế coi oogn là một tù nhân lương tâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-and-thai-authorities-must-come-clean-about-journalists-disappearance-03212019124520.html

Việt Nam bắt giữ 8 nghi phạm Trung Quốc

 trong vụ thu giữ 300kg ma túy đá

11 nghi phạm, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt vận chuyển 300kg ma túy đá vừa bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 20/3.
AP trích thông tin từ truyền thông trong nước loan tin vừa nêu hôm 21/3.
Theo AP, người cầm đầu đường dây buôn bán ma túy này là một người Trung Quốc. Người này bị bắt quả tang khi nhận ma túy đá ở thành phố Hồ Chí Minh từ ba đồng phạm người Việt. Ma túy được vận chuyển trong một chiếc xe bán tải từ tỉnh Đăk Nông ở biên giới Lào.
Theo truyền thông trong nước, nghi phạm cầm đầu tên Huang, đã thành lập một nhà máy may mặc để che giấu việc buôn bán ma túy.
Trả lời báo chí trong nước, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm về ma tuý cho biết, đường dây ma tuý này cực lớn, hoạt động tinh vi. Sau thời gian dài theo dõi, vào tối 19/3, cảnh sát đã phát hiện có 3 người đi xe bán tải chở 300 kg ma tuý từ cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum đến Bình Phước, sau đó quay về Đăk Nông. Sau đó đưa đến Công ty may mặc xuất khẩu Hasan ở quận Bình Tân, TPHCM thì bị bắt.
Theo điều tra ban đầu, số ma túy được lấy từ Lào có giá khoảng 50 tỷ đồng, đưa đến Công ty Hasan để giao cho Huang Zai Wen, 50 tuổi, quốc tịch Trung Quốc với giá hơn 100 tỷ. Sau đó ma túy sẽ được ngụỵ trang trong các bao tải hạt nhựa, đóng vào container xuất tiếp sang Đài Loan.
Công ty Hasan do một người phụ nữ Việt Nam 40 tuổi đứng tên, trong 5 năm hoạt động, công ty này chỉ có 40 tờ khai hàng hóa may mặc, được cho là bình phong cho ông trùm thực hiện các vụ trung chuyển, buôn bán ma túy.
Các nhân viên bảo vệ người Việt được thuê trông coi kho nhưng không biết công ty kinh doanh gì. Lý do là vì mỗi khi nhập “hàng”, nhóm người Trung Quốc đuổi họ đi nơi khác.
Việt Nam có một số luật về ma túy khắc nghiệt nhất thế giới. Buôn bán hơn 100 gram heroin, cocaine hoặc methamphetamine sẽ bị kết án tử hình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-arrests-8-chinese-suspected-of-drug-trafficking-03212019083222.html

Cán bộ sai phạm trong dự án Metro số 1 Bến Thành

-Suối Tiên về nước sau chuyến đi nước ngoài không phép

Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), ông Hoàng Như Cương được xác nhận đã về nước sau chuyến đi nước ngoài không phép và xuất hiện ở cơ quan làm việc.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 21 tháng 3, dẫn lời của một cán bộ của MAUR cho biết nhìn thấy ông Cương đến cơ quan vào sáng cùng ngày.
Vào hạ tuần tháng 12 năm 2018, Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm toán dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, trong đó chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Như Cương-Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị – khi phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên đến 2.900 tỷ đồng.
Trong cùng thời điểm Kiểm toán Nhà nước công bố thông tin này, truyền thông quốc nội cho biết có đến 52/173 cán bộ của MAUR nộp đơn nghỉ việc và không đi làm. Trong số đó có ông Hoàng Như Cương tự ý ra nước ngoài mà không xin phép cơ quan theo quy định.
Lãnh đạo của MAUR, vào ngày 16 tháng 1 cho biết ông Cương đến Mỹ vì công việc gia đình bất khả kháng nên chỉ kịp viết thư tay xin nghỉ gửi đến Trưởng ban MAUR và Trưởng ban báo cáo với Ủy ban Nhân dân TP.HCM.
Theo Dân Việt, lãnh đạo của MAUR cho biết ông Cương dự định về nước sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tuy nhiên sự xuất hiện của ông Cương ở cơ quan vào sáng ngày 21 tháng 3 được cho là muộn hơn dự kiến.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/official-accused-of-wrongdoing-in-the-metro-project-returned-to-vn-03212019115433.html

Facebooker Việt Nam thứ 4 bị xử lý

vì bị cho là “đưa tin sai về sán lợn”

Thêm một Facebooker Việt Nam bị cơ quan chức năng xử lý vì bị quy kết là đưa tin sai về vụ sán lợn ở Bắc Ninh lan ra các tỉnh thành khác, trước đó có 2 phụ nữ cũng bị xử lý vì hành động tương tự và một thanh niên khác tên Ngô Bá Mạnh bị bắt giữ với hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Mạng báo Tiền Phong dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, sáng 21/3/2019 cô Trần Thị Thu T, chủ tài khoản Facebook Trang Tùng bị Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Lạng Sơn triệu tập làm việc vì “những sai phạm trong việc đưa thông tin không đúng trên mạng xã hội.”
Cụ thể, người này bị cho là đăng tải trên Facebook cá nhân thông tin sai sự thật về dịch cá, bò bị nhiễm sán.
Bà T được báo chí nhà nước dẫn lời thừa nhận những vi phạm của mình. “Tôi lập Facebook Trang Tùng để kinh doanh bán hàng quần áo online. Sau khi thấy nội dung đăng tải về sán lợn, tôi chia sẻ mà không kiểm chứng, dẫn đến sai phạm.
Ngày 20/3, bản thân tôi đã gỡ thông tin sai sự thật trên. Qua bài học này, tôi xin hứa và cam kết không tái phạm,” cô T nói trong buổi làm việc.
Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn đã tiến hành lập biên bản và tiếp tục theo dõi, xử lý những hành vi của Facebooker này.
Từ khi một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội vào hồi cuối tháng 2 vừa qua, cho rằng trường mầm non Thanh Khương ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh cho trẻ em ăn thịt lợn bị nhiễm sán đến sáng ngày 21/3 đã có hơn 200 trẻ em có kết quả dương tính với sán lợn theo thống kê từ Sở y tế tỉnh Bắc Ninh.
Con số này được cho là chưa dừng lại bởi hiện nay chỉ mới có 1/3 các trẻ em được lấy mẫu xét nghiệm đã trả kết quả.
Trong khi đó, Hiệu trưởng và Hiệu phó trường Mầm non xã Thanh Khương bị UBND huyện Thuận Thành ra quyết định đình chỉ công tác cùng với một số cán bộ có liên quan.
Công ty Hương Thành là đơn vị cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non xã Thanh Khương và 18 trường học khác ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh tự động tạm dừng hoạt động vài ngày qua.
Hôm 20/3, giáo viên mầm non tên Nông Ngọc Trâm ở Lạng Sơn cũng bị triệu tập vì “đưa thông tin sai về sán lợn.”
Cùng ngày, Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt hành chính với bà Trịnh Thị Huế (32 tuổi, huyện Di Linh, Lâm Đồng) số tiền 10 triệu đồng vì hành vi tương tự.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/facebooker-summoned-for-posting-news-about-pig-worm-03212019110359.html

Cục Thú y Việt Nam: chưa cần ban bố

tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn

Việt Nam chưa cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn, báo Lao Động dẫn nguồn tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, ngày 21/3, cho hay.
Cũng theo tờ Lao Động, Cục Thú y cũng khẳng định, thông tin Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) khuyến nghị Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn Châu Phi là  không chính xác, và cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn chưa nhận được bất kỳ khuyến cáo nào từ FAO về vấn đề này.
Ngoài ra, theo Cục Thú y, Việt Nam có qui định riêng về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong khi đó, hiện cũng chưa có nước nào  phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn. Tại Trung Quốc, đã có trên 1 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, nhưng chưa ban bố tình trạng khẩn cấp.
Cục Thú y Việt Nam cho rằng, dịch bệnh này không lây qua người, do đó càng không có cơ sở để ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong một động thái nhằm siết chặt việc kiểm soát dịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công văn gởi các tỉnh thành đề nghị tạm dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch trong vòng 30 ngày, báo chí trong nước đồng loạt loan tin cho biết. Tuy nhiên, công văn cũng nêu rõ không cấm việc vận chuyển thịt lợn ra khỏi vùng dịch đối với những cơ sở chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Đại diện Cục Thú y cũng cho biết, cho đến thời điểm này chưa cấm việc vận chuyển lợn Bắc – Nam.
Cũng theo thông tin từ Cục thú y, từ ngày 1/2 đến 19/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 20 tỉnh, thành phố, với gần 40.000 con lợn bệnh bị tiêu hủy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-declined-report-about-swine-flu-emergency-03212019110809.html

Việt Nam: Tăng giá điện ‘có thể tác động mọi mặt đời sống’

Việc Việt Nam lại vừa tăng giá điện gây nhiều lo ngại về ảnh hưởng tới đời sống người dân và doanh nghiệp.
Bộ Công thương vừa công bố tăng giá điện lên 8,36%, đẩy giá lên 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), so với 1.720 đồng trước đây.
Tập đoàn Điên lực Việt Nam (EVN) dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3, theo Vietnamnet.
Tuy nhiên, số tiền này phải dùng để trả cho khoản 21.000 tỷ đồng mà EVN nợ các đối tác cung cấp khí, than, điện từ 2 năm trước.
Quanh tin cựu Phó Thủ tướng Đức Rösler về VN làm việc
Độc quyền điện chính vì ‘quyền và tiền’
Câu hỏi cho Hội nghị Trung ương 7?
VN: Thể chế nào cho đầu tư nước ngoài?
Reuters bình luận rằng việc tăng giá điện có thể gây áp lực lên lạm phát, nhưng cũng có thể giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân để phát triển thêm các nhà máy điện tại Việt Nam.
Việt Nam phải vật lộn để phát triển ngành công nghiệp năng lượng do thiếu vốn nhà nước. Tiềm năng thủy điện của Việt Nam gần như đã được khai thác triệt để, trữ lượng dầu khí đang cạn kiệt. Những năm vừa qua, Việt Nam từ một nhà xuất khẩu than đã chuyển sang thành nhập khẩu than.
Ngân hàng Thế giới cho hay Việt Nam cần huy động tới 150 tỷ đô la vào năm 2030 để phát triển ngành năng lượng, và rằng Việt Nam nên cho phép các nhà đầu tư tư tham gia và đóng vai trò chính trong lĩnh vực điện năng.
Vì sao phải tăng giá điện?
Có ít nhất bốn nguyên nhân chính khiến Bộ Thương tăng giá điện, theo thông tin ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực trả lời truyền thông Việt Nam.
Thứ nhất là do Luật Thuế Bảo vệ Môi trường chính thức được áp dụng năm 2019 khiến giá than dùng cho sản xuất điện tăng, đẩy chi phí phát điện năm nay tăng thêm 3.000 tỷ đồng.
Thứ hai, giá than được điều chỉnh tăng lần hai đồng thời với giá điện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, khiến chi phí phát điện năm nay tăng thêm 2.000 tỷ đồng.
Thứ ba, Việt Nam không đủ than nội nên phải nhập than ngoại để phát điện, làm tăng thêm chi phí phát điện lên hơn 1.000 tỷ đồng.
Thứ tư, nhiều chi phí của ngành điện hiện được tính bằng ngoại tệ, như vốn vay nước ngoài và giá khí trả bằng đô la. Do đó phải tính thêm vào giá điện các khoản chênh lệch, trượt tỷ giá, đẩy giá điện tăng thêm 1,36%.
Dân sẽ phải trả thêm bao nhiêu tiền?
Cụ thể, người dân dùng điện sinh hoạt sẽ phải trả ít nhất khoảng 7 ngàn đồng đến 77 ngàn đồng một tháng tùy theo số điện sử dụng.
Với các hộ kinh doanh, ước tính mỗi khách hàng sẽ phải trả thêm ít nhất 500.000 đồng/tháng.
Hộ sản xuất sẽ phải trả ít nhất thêm 869 đồng/tháng.
Hiện Việt Nam vẫn áp dụng cách tính hóa đơn điện theo 6 bậc, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh đối với giá bán lẻ điện sinh hoạt. Giá điện bán buôn thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.
Ảnh hưởng ra sao?
Việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, vẫn theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn được đăng tải trên truyền thông Việt Nam.
Giá điện tăng kéo theo giá thành phẩm tăng, đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại cách sử dụng điện sao cho tiết kiệm, hiệu quả. Ví dụ, tận dụng ánh sáng, thông gió tự nhiên, sắp xếp sản xuất theo khung giờ thấp điểm, v.v.. Tuy nhiên việc này lại kéo theo người lao động phải làm ca ba, ảnh hưởng sức khỏe và hiệu quả sản xuất.
Tuy nhiên, dù có tiết kiệm, xoay sở đến đâu thì nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, như với ngành dệt may, cần nhiều điện chiếu sáng.
Việc tăng giá điện và mức độ tăng nếu không được tính toán thận trọng sẽ làm tăng thêm gánh nặng chi phí quá lớn lên đầu doanh nghiệp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47648683

Quan ngại Trung Quốc được giao

làm chủ thầu Dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Bản Tuyên Bố nêu rõ mọi công trình tại Việt Nam hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn và thi công dây dưa, chất lượng công trình kém, không an toàn và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, do đó không thể để Trung Quốc thực hiện công trình mang tính chiến lược của đất nước như thế.
Một trong nhóm gần 100 người đầu tiên ký tên và cũng là một trong những người soạn thảo Bản Tuyên Bố là nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho chúng tôi biết.
“Một ví dụ lớn nhất là đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh ở Hà Nội và nó đội vốn lên nhiều mà thời gian thi công quá dài, chất lượng lại không ra sao giờ đưa vào khai thác theo kiểu lạc hậu như thế, 700 người quản lý đoạn đường 13km mà nhiều nhà kinh tế tính toán ra rằng hàng nghìn năm nữa không biết có lấy lại được vốn hay không. Thế thì đó là bài học xương máu mà Việt Nam phải trả thế nhưng không hiểu vì sao đến bây giờ người ta vẫn mơ màng đến nguồn vốn của nhà thầu Trung Quốc như vậy khiến dư luận trong nước rất là bất bình.”
Còn đối với Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng từ Sài Gòn và cũng là người đồng ký tên vào Bản Tuyên Bố thì hễ cứ nghe đến Trung Quốc là mọi người sợ hãi bởi vì không có một công trình nào lớn tại Việt Nam do Trung Quốc chủ thầu mà mang lại kết quả tốt.
Công trình nào mà có tên Trung Quốc làm chủ thầu là đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác như vậy là đủ để cho người Việt lo lắng rồi. Vô số công trình tại Việt Nam mà vào tay Trung Quốc thì có công trình nào tốt không.
- TS. Hoàng Dũng
“Công trình nào mà có tên Trung Quốc làm chủ thầu là đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác như vậy là đủ để cho người Việt lo lắng rồi. Vô số công trình tại Việt Nam mà vào tay Trung Quốc thì có công trình nào tốt không, tốt là ở đây là chi phí phải trả so với lượng thu lại, nếu đơn vị khác làm tốt hơn mà giá lại rẻ hơn thì tại sao chúng ta không làm. Cái chiêu của Trung Quốc xưa nay là ký rẻ hơn rồi bị trượt giá rồi đôn lên cao như trường hợp tàu Cát Linh- Hà Đông nên người dân nghe đến Trung Quốc là người ta giật mình.”
Đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Bang một kỹ sư xây dựng cầu đường tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng nếu nhà thầu Trung Quốc được chọn họ sẽ cung cấp vốn đưa các trang thiết bị và vật tư công nghệ từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng đó là những cộng nghệ lạc hậu lỗi thời.
Ngoài ra, anh còn cho biết thêm lý do vì sao anh ký tên vào bản tuyên bố dự án đường cao tốc Bắc Nam.
“Thủ đoạn của Trung Quốc là họ bỏ giá rẻ sau đó họ thông đồng với quan tham của Việt Nam để đẩy giá lên. Và lý do đẩy lên là do thời tiết rồi giải phóng mặt bằng không đúng thời hạn và Việt Nam là chắc chắn dính chỗ đền bù mặt bằng bởi vì nó không bao giờ sòng phẳng với dân, vì những cái lý do đó là họ đủ để câu giờ làm chậm trễ quá thời gian thì họ tăng giá lên cao, rồi họ đưa nhân công của họ vào làm khảo sát, họ khoang, họ làm gì trong khu vực của họ thì mình quản lý được không, nhân công họ lấy vợ lấy chồng ở lì trên cung đường, họ làm chậm sinh con đẻ cái đến mấy tuổi rồi mới về thì thành nữa Việt nữa Trung rồi thì quản lý ra sao nên có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi lo lắng nên chúng tôi ký vào tuyên bố là dứt khoát không để nhà thầu Trung Quốc xây dựng cao tốc Bắc Nam.”
Trước thực trạng bị cho là tệ hại và nguy hiểm như các chuyên gia vừa nêu, yêu cầu được nêu ra trong Bản Tuyên Bố là chính phủ Việt Nam nên lấy ý kiến người dân, các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước để đưa ra một phương án tối ưu nhất cho toàn bộ dự án. Công khai minh bạch đấu thầu để chọn nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện.
Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng muốn thuyết phục được người dân thì cách duy nhất là phải thật sự công khai minh bạch việc đấu thầu.
“Tôi nghĩ công khai này phải thật sự phải có cơ chế sao cho người ta kiểm soát được thì nhà thầu được trúng người dân có thể sẵn sàng chấp nhận còn với cách làm như hiện nay chưa mở thầu mà đã công bố người trúng thầu rồi thì ai mà chấp nhận được.”
Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo thì nếu nhà nước quyết tâm làm với tinh thần tiết kiệm, ngăn chặn được nguy cơ tham nhũng thì dù ngân sách quốc gia eo hẹp thì nó cũng hoàn toàn có khả thi thực hiện.
“Có nhiều cách để làm như huy động vốn xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp trong nước có nguồn vốn cùng đầu tư vào khai thác. Làm đường cao tốc như thế thì sử dụng ngân sách ít thôi còn phần lớn của các doanh nghiệp thì ta đặt trạm BOT được như thường.”
Ngoài ra, theo các chuyên gia mà chúng tôi có dịp trao đổi cho rằng, mỗi công trình tại Việt Nam phải đem lại công ăn việc làm, tạo điều kiện cho lao động và kỹ sư Việt có khả năng tích lũy kỹ năng, tiến tới tự phát triển được trong tương lai.
Anh Trần Bang nói với chúng tôi rằng, ngay cả các chuyên gia nước ngoài họ cũng công nhận rằng kỹ sư và công nhân Việt Nam bây giờ giỏi và phát triển hơn trước rất nhiều nên đủ khả năng làm được những công trình như thế. Anh dẫn một ví dụ
“Ví dụ như đại lộ Đông Tây chẳng hạn nhà thầu Nhật đó họ chỉ đưa vài người qua quản lý thôi còn lại kỹ sư, công nhân và ngay cả máy mọc họ cũng lấy của Việt Nam luôn, vì tôi cũng là thầu cung cấp cho dự án đó. Người Việt Nam mua máy về rồi cho người Nhật thuê, người Việt tổ chức huấn luyện thợ rồi cho Nhật thuê nhân công. Họ đánh giá đủ tiêu chuẩn là họ nhận như mua bán lao động với công ty cung ứng lao động của Việt Nam. Nói chung kỹ sư và nhân công Việt Nam đủ khả năng làm.”
Dự án đường cao tốc Bắc Nam được cho là một dự án trọng điểm lớn nhất của Việt Nam trong tương lai. Đường cao tốc Bắc- Nam chạy dọc phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông và đây được xem là dự án chiến lược không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn liên quan chặt chẻ với an ninh quốc phòng cũng như việc phòng thủ Biển Đông. Tổng mức chi phí đầu tư dự án được dự trù lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải công bố đã làm việc với công ty Thái Bình Dương của Trung Quốc về việc công ty này ngỏ ý muốn làm toàn bộ cho tuyến đường cao tốc Bắc- Nam bằng nguồn vốn vay từ Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/north-south-expressway-project-should-not-be-used-by-chinese-contractors-03202019142353.html

BOT bẩn được bảo vệ vì ai?

Mặc Lâm
Vậy là nhà nước chính thức bắt tay vào việc đối phó với những người chống BOT bẩn.
Sáng ngày 15 tháng 3 hàng trăm nhân viên thuộc nhiều lực lượng đã đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long-Nội Bài nhằm “ổn định” tình hình an ninh trật tự mà thực chất là đối phó với giới tài xế không chịu chấp hành nộp tiền lệ phí thu quá mức quy định.
Người muốn qua trạm phải trả phí nếu không chấp hành lập tức bị xe cẩu đi còn người thì bị bắt giữ. Theo hình ảnh ghi nhận được từ các trang mạng xã hội có ít nhất 5 người bị bắt và 3 xe đã bị cẩu đi. Lực lượng giữ trật tự tại đây hùng hậu vượt quá yêu cầu khi các loại xe như cứu hỏa, cứu thương, xe cẩu, xe của CSGT… cùng xuất hiện cho thấy quyết tâm bảo vệ các BOT bẩn của chính quyền.
BOT nói cho cùng chỉ là một doanh nghiệp, không hề là một cơ quan nhà nước. Nếu doanh nghiệp và người sử dụng không đồng ý với nhau thì chính quyền với vai trò là trung gian cần có hành động hòa giải và cùng tìm giải pháp công bằng cho cả hai bên. Nếu người dân có hành vi bạo động, phá hoại an ninh trật tự công cộng thì biện pháp trấn áp như đang đưa ra là cần thiết, nhưng trấn áp, bắt bớ, lưu giữ phương tiện trong khi người dân chỉ vì không đồng ý trả tiền là biện pháp cả vú lấp miệng em, có ý đồ bênh vực những BOT bẩn mà người dân đang lên án hàng ngày.
Tại sao chính quyền địa phương nhiều nơi không ngại ra mặt tấn công người dân khi họ công khai lên tiếng tố cáo những sai trái của các trạm thu phí? Bởi vì không ít các vị được gọi là “chính quyền” ấy góp vốn trực tiếp vào các BOT tại địa phương, nếu không bằng tiền thì bằng “quyền” mà báo chí đã từng công khai một cái tên cộm cán đó là ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Tổng Giám đốc CIENCO 4 cũng là một “phần hùn” trong các BOT thuộc tỉnh này.
Ngoài ra các BOT bẩn khác đều được sự giả lơ của Bộ GTVT khi người dân tố cáo các BOT bẩn có dấu hiệu lường gạt nhà nước trong khi khai thu nhập của nó nhằm trốn thuế. Vụ người dân phát hiện trạm thu phí Long Thành-Dầu Giây thu phí vượt báo cáo hàng ngày nhưng Tổng cục Đường bộ sau một ngày điều tra đã khẳng định “Không phát hiện gian lận thu phí qua trạm Dầu Giây” càng làm cho mối nghi ngờ có móc ngoặc giữa Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) và Bộ GTVT thêm mạnh mẽ.
Và kết quả của các “Kiểm toán nhân dân” tại trạm thu phí Ninh Lộc, Khánh Hòa cho thấy số thu tại trạm này vượt xa sự tưởng tượng của người dân, thu trung bình mỗi ngày là 1 tỷ 100 triệu đồng đó là chưa kể những khoảng mua theo tháng và theo quý. Số tiền thu này dĩ nhiên là Bộ GTVT biết rõ và sự im lặng của Bộ này gây nghi ngờ lớn cho những người theo dõi.
Sự phát hiện chấn động này làm cho các BOT bẩn có nguy cơ bị xem xét lại các hợp đồng dự thầu, kết quả là một nhóm người bịt mặt tấn công người dân đang ngồi đếm xe tại dây, cướp các cuốn sổ ghi chép trong 7 ngày và mọi con số đếm xe xem như mất sạch.
Ai làm việc này nếu không phải là chủ nhân của BOT Ninh Lộc Khánh Hòa?
Người dân thừ biết các doanh nghiệp đầu tư vào các BOT không thể im lặng hưởng trọn lợi nhuận khổng lồ mà nó kiếm được, nếu không “lại quả” thì mọi nguy cơ phản đối của dân chúng sẽ không được bảo vệ một cách tích cực như chính quyền đã làm trong những ngày vừa qua. Đàn áp bằng hình thức côn đồ tấn công người chống đối, hay tấn công thẳng vào tư cách công dân của người tố cáo bằng cách chụp mũ họ những tội danh mà họ không hề làm. Một ví dụ điển hình nhất là anh Hà Văn Nam, người rất tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Kết quả là sau nhiều lần bị hành hung bởi côn đồ, sáng ngày 5 tháng 3 anh bị hàng chục công an, cảnh sát giao thông vây quanh nhà, bắt giam để điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018 tức là hơn hai tháng trước đó.
Vụ bắt giữ Hà Văn Nam cho thấy sự tùy tiện và coi thường luật pháp của người thi hành công vụ đã đến mức báo động. Hà Văn Nam hoàn toàn không có một hành động quá đáng nào khi đứng lên cùng bạn bè chống lại cái phi lý của các BOT bẩn. Bắt Nam là bắt công lý phải thần phục sức mạnh của các nhóm lợi ích. Bắt Nam là vỗ vào mặt nhân dân những cái tát mà trước đây một thế kỷ người Pháp đã từng làm và từng bị trừng phạt.
BOT bẩn sẽ không bao giờ giải quyết được bằng sức mạnh vũ lực bởi sức mạnh của người dân đang âm ỉ dưới những tờ biên lai thu phí mà họ cắn răng trả hàng ngày khi đi ngang qua. Khi nào đồng tiền của họ còn bị bóc lột một cách công khai và hợp pháp thì ngày ấy họ vẫn còn đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Sức sáng tạo của người dân đã nuôi sống người Cộng sản từ hơn 7 thập niên trước thì cũng chính sức sáng tạo ấy sẽ trừng phạt những ai đang dẫm lên mồ hôi của họ đang nhỏ xuống trên đất nước này.
https://www.voatiengviet.com/a/bot-ban-duoc-ai-bao-ve-tram-thu-phi-thang-long/4838359.html

PVN nói về dự án dầu khí ở Venezuela:

‘Bonus’ không phải là tiền ‘hoa hồng’

Ngày 21/3, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) phản hồi trên trang mạng của tập đoàn này về khoản tiền “hoa hồng” 584 triệu USD phải chuyển cho phía Venezuela khi thực hiện hợp đồng ở dự án Junin 2.
PVN cho rằng nhiều người đã hiểu sai về khoản tiền gọi là “participant bonus” hoặc cũng có nơi dùng từ “signature bonus”. Nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ bonus nghĩa là tiền thưởng (“tiền hoa hồng”) thì không đúng với bản chất của từ ngữ”, mà khoản tiền này là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu cho PVN thì PVN phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án.
Theo PVN thì đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế, và các công ty nước ngoài vào Việt Nam khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này.
Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng Lô Junin 2 ở Venezuela được hình thành từ năm 2006 thuộc PetroMacareo là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Dầu khí Venezuela (CVP). Tổng vốn đầu tư dự án lên đến hơn 12,4 tỷ đô la, trong đó PVEP phải đóng góp 40% là hơn 1,24 tỷ đô la, chưa bao gồm 584 triệu đô la mà PVN gọi là khoản bonus. Việt Nam đã trả cho Venezuela 442 triệu đô la trong khoản này.
Tuy nhiên, do những biến động tại chính trị tại Venezuela, năm 2013 PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện cam kết, chấp nhận mất 442 triệu đô la.
Hôm 13/3, theo Tuổi Trẻ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an đã có công văn gửi PVN về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu khí Junin 2 bị cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Một số quan chức PVN hiện đang ngồi tù. Năm 2017, hàng chục quan chức lãnh đạo PVN bị khởi tố trong quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại tập đoàn này trong các năm qua.
Hôm 21/3, tòa án Nhân dân Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro), thuộc PVN. Theo cáo trạng, hai quan chức của công ty Vietsovpetro là cựu Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa và cựu kế toán trưởng là Võ Quang Huy đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng và hơn một trăm ngàn đô la.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pvn-speak-up-about-bonus-of-the-project-in-venezuela-03212019084308.html

EU ‘sẵn sàng giúp Việt Nam’ về an ninh mạng’

Đại sứ EU tại Hà Nội nói về “điểm yếu” trong Luật An ninh mạng của Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nói EU sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng một khung pháp lý hiện đại, cạnh tranh về kinh tế cũng như tôn trọng các nguyên tắc quan trọng về quyền tự do truy cập thông tin và bảo mật thông tin cá nhân.
BBC: Trong phần đầu của cuộc phỏng vấn bàn về Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam, ông nói hiệp định này không chỉ nói về thương mại mà còn liên quan đến tự do thông tin và truyền thông. Năm ngoái Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng. Quan điểm của EU về vấn đề này như thế nào?
Về an ninh mạng nói chung và an ninh mạng tại Việt Nam nói riêng, chúng tôi nghĩ đó là vấn đề bình thường. An ninh mạng là một thách thức lớn tại châu Âu. Chúng tôi tạo không gian công cộng và không gian mạng mở cho người dân để họ có thể tiếp cận thông tin hay nói lên ý kiến của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ thông tin và cuộc sống riêng của mỗi cá nhân.
Vì vậy, tại châu Âu, chúng tôi đang cố gắng để bảo vệ hệ thống mạng trước những cuộc tấn công từ bên ngoài. Đồng thời, chúng tôi cũng thúc đẩy pháp lý để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và quyền riêng tư của họ.
Ngày nay, châu Âu đang tập trung phát triển kinh tế kỹ thuật số như mạng 5G. Chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy ngành kỹ thuật số tại đây. Đồng thời, chúng tôi cũng có lợi thế về bảo mật thông tin cá nhân. Nếu các công ty muốn hợp tác kinh doanh điện tử với châu Âu họ phải tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin mà chúng tôi đã thông qua vào năm ngoái.
Tháng 6/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng, và cũng đã đưa ra dự thảo nghị định Luật An ninh mạng. Quan điểm của chúng tôi về các vấn đề này như sau.
Chúng tôi cho rằng việc Việt Nam có thể bảo vệ hệ thống mạng là rất quan trọng. Ngày nay, hệ thống mạng và các dòng chảy dữ liệu trực tuyến rất mong manh. Hàng ngày có rất nhiều cuộc tấn công mạng xảy ra ở khắp mọi nơi. Vì vậy, Việt Nam cần có một khung pháp lý để bảo vệ không gian mạng.
Khi nói về bảo vệ không gian mạng và hệ thống mạng, nghĩa là chúng ta phải đảm bảo được rằng nền kinh tế của một quốc gia và việc tiếp cận không gian công cộng của người dân không bị phá vỡ. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, làm thế nào bạn bảo đảm được dòng dữ liệu trên mạng không bị phá vỡ, và người dân vẫn có thể truy cập dữ liệu thông qua không gian công cộng.
Cách tốt nhất để thiết kế an ninh mạng là tham khảo các mô hình khác trên thế giới, tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi và cần đảm bảo rằng các lợi ích kinh tế cũng được bảo vệ. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số vô cùng tiềm năng và chúng tôi đang thúc đẩy phát triển ngành này tại Việt Nam. Tuy nhiên, tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là điện toán đám mây.
Có rất nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau đang kinh doanh thương mại thông qua điện toán đám mây (điện toán máy chủ ảo). Ví dụ bạn có thể kinh doanh thông qua các dịch vụ điện toán đám mây lớn như Amazon hay Facebook mà không cần dùng đến máy chủ.
UPR: Luật ANM và án tử hình ‘nóng’ tại Liên Hiệp Quốc
Luật An ninh mạng Việt Nam: Hỏi nhanh đáp gọn
BBC: Một trong những điểm gây chú ý và tranh cãi là yêu cầu lưu trữ dữ liệu ở trong nước, quan điểm của EU là thế nào?
Có thể thấy, cả Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định Luật An ninh mạng của Việt Nam đều yêu cầu các công ty có dữ liệu cá nhân trực tuyến phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước, đầu tư máy chủ riêng, và trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân cho cơ quan an ninh.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là điểm yếu của Luật An ninh mạng. Theo đó, cơ quan an ninh có thể quyết định việc một công ty Việt Nam hay các nhà đầu tư nước ngoài cần xây dựng lưu trữ dữ liệu ở trong nước hay không. Nếu cơ quan an ninh quyết định công ty Việt Nam hay các nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào lưu trữ dữ liệu ở trong nước thì công ty đó cũng phải trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân của khách hàng cho cơ quan an ninh.
Chúng tôi cho rằng yêu cầu vậy là quá mức. Trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện đại, các công ty không nên bị ép lưu trữ dữ liệu ở trong nước. Có thể là có một số trường hợp ngoại lệ nhưng vẫn phải tuân theo cam kết quốc tế. Hiện nay tại ASEAN, châu Âu và trên thế giới, không có nước nào buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước cả.
Hơn nữa, nếu cơ quan an ninh yêu cầu các công ty trao quyền truy cập dữ liệu cá nhân của khách hàng thì điều này cần được quy định chặt chẽ và có giám sát tư pháp.
Trong hệ thống của EU chúng tôi, cảnh sát không thể truy cập thường xuyên và vô điều kiện vào dữ liệu cá nhân của khách hàng. Chỉ có thẩm phán mới có quyền yêu cầu cảnh sát làm điều đó nhưng trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi. Nếu là vấn đề an ninh, tất nhiên họ có quyền làm điều đó nhưng phải đưa ra được lý do rõ ràng về rủi ro an ninh.
Có thể thấy, Luật An ninh mạng ảnh hưởng rất lớn về tính cạnh tranh cho các công ty kỹ thuật số tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật này hơi quá mức khi trao quá nhiều quyền cho một Bộ mà không có sự giám sát của các Bộ khác và hệ thống tư pháp.
Và khi Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam được thực thi, chúng tôi nghĩ rằng các công ty châu Âu sẽ rất ngần ngại trong việc đầu tư lưu trữ dữ liệu ở trong nước hay cho phép cơ quan an ninh truy cập thông tin cá nhân của khách hàng, vì họ không thể làm điều đó ở EU.
Trong khi đó, các công ty Việt Nam và châu Âu phải tuân thủ các quy định bảo mật thông tin của EU. Ví dụ, một công ty du lịch hay một công ty hàng không của Việt Nam không thể cung cấp thông tin đăng ký của khách hàng cho cơ quan an ninh của EU, trừ khi khách hàng đồng ý. Ngược lại, tại Việt Nam, các công ty bị buộc phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan an ninh.
Nếu Luật An ninh mạng được thực thi tại Việt Nam, các công ty Việt Nam và châu Âu hoạt động ở cả hai bên sẽ gặp khó khăn vì sự khác nhau về luật này.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu cẩn thận hơn về Luật An ninh mạng. Chúng tôi sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng một khung pháp lý hiện đại, cạnh tranh về kinh tế cũng như tôn trọng các nguyên tắc quan trọng về quyền tự do truy cập thông tin và bảo mật thông tin cá nhân.
BBC: Đây không phải là lần đầu tiên ông đến sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy đất nước và con người nơi đây thay đổi như thế nào?
Nhìn chung Việt Nam hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với Việt Nam 20 năm về trước. Nghèo đói đã giảm đáng kể và đời sống người dân đã tốt hơn. Người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở thành thị, nay đã có thể đi du lịch, du học, hay sử dụng các dịch vụ y tế ở nước ngoài. Bên cạnh đó, đời sống của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng đã tốt hơn trước rất nhiều. Đây là một sự thay đổi rất lớn.
Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng. Quy hoạch đô thị và phát triển đô thị đang diễn ra rất nhanh, đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát. Dân số đô thị cũng đông hơn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, gây ra sự nghèo đói ở khu vực đô thị. Và khoảng cách thu nhập giữa người thành phố và người sống ở vùng nông thôn cũng đang tăng lên, đặc biệt là khoảng cách giữa mức thu nhập cao nhất và mức thu nhập thấp nhất.
Theo tôi, đời sống con người hiện thoải mái hơn 20 năm về trước. Họ không còn phải đấu tranh để sinh tồn nữa, mà thay vào đó đã có thể cho con cái đi học nước ngoài. Đây là điều tích cực.
Về mặt tiêu cực, quy hoạch đô thị và môi trường chưa được cải thiện. Ô nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM là điều đáng lo ngại. Nguồn tài nguyên thiên nhiên trên khắp cả nước cũng đang bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng và xói mòn bờ biển cũng là một vấn đề lớn. Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến Việt Nam, và việc nguồn tài nguyên thiên nhiên bị phá huỷ cũng gây ảnh hưởng không ít.
Đây là những thử thách mới mà Việt Nam đang phải đối mặt mà không có sự chuẩn bị. Đôi khi sự phát triển diễn ra quá nhanh. Cùng một mô hình phát triển, ở châu Âu phải mất 200 năm để gây dựng nhưng chỉ mất khoảng 30 năm ở châu Á.
Đổi lại con người đã biết đòi hỏi hơn, biết nói lên chính kiến của mình, và biết mình muốn gì. Con người có nhiều tự do hơn và có điều kiện vật chất hơn để tính cho tương lai. Con người cũng có tổ chức hơn, có kinh nghiệm bên ngoài hơn và biết đòi hỏi các dịch vụ tốt hơn từ nhà nước. Đây là những thay đổi lớn chúng ta có thể nhìn thấy ở Việt Nam hiện nay, và tôi rất ấn tượng với sự phát triển này.
BBC: Như ông nói, thu nhập của người Việt Nam đã tăng lên và có thể cho con cái đi du học nước ngoài. Vậy theo ông, những sinh viên Việt Nam học ở châu Âu có thể đóng góp gì cho sự phát triển của Việt Nam?
Đây là một câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng có càng nhiều người trẻ Việt Nam học tập và làm việc ở châu Âu thì càng tốt. Họ có thể khám phá châu Âu, không chỉ sự giàu có mà còn về văn hoá, di sản, lịch sử, thiên nhiên, các mô hình quản trị, đô thị hoá, quản lý chất thả và năng lượng tái tạo. Có rất nhiều mô hình phát triển Việt Nam có thể tham khảo.
Ngược lại, chúng tôi cũng có thể học hỏi từ Việt Nam như các giá trị văn hoá, xã hội, tầm quan trọng của gia đình, sự tham vọng, tính tự lực, hay tinh thần của người Việt Nam.
Kể từ khi tôi tới đây làm việc, chúng tôi đã khuyến khích mọi người đi du học ở châu Âu nhiều hơn. Hàng năm, chúng tôi tổ chức các chương trình ngày hội du học tại bảy thành phố nhằm thu hút sinh viên Việt Nam đến châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong thời gian tới.
Tôi nghĩ rằng, châu Âu và Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có thể chia sẻ được nhiều thứ như nền văn minh, lịch sử và văn hoá. Vì vậy, càng có nhiều người Việt Nam khám phá châu Âu thì càng tốt.
Hiện có khoảng 15,000 to 20,000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại châu Âu. Ở Mỹ vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam hơn. Vậy nên, càng có nhiều phụ huynh gửi con cái hoặc càng nhiều bạn trẻ chọn đi học ở châu Âu thì càng tốt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47647835

Bắt đầu phiên xét xử băng đảng Việt

trộm cắp hàng hóa ở Nhật

Một phụ nữ Việt Nam 30 tuổi, không được nêu tên, bị cáo buộc đã thực hiện hành vi ăn cắp tại nhiều nơi ở Nhật Bản, tới 38 vụ trong năm ngoái, 2018. Cảnh sát Nhật nói đương sự không hành động một mình mà là thành viên của một băng đảng chuyên ăn cắp hàng hóa ở Nhật Bản.
Bản tin của báo Japan Today số ra ngày 21/3 dẫn nguồn tin từ Tòa án Quận Fukuoka, nơi phiên tòa xét xử vụ trộm vừa khởi sự, cho biết là người phụ nữ Việt Nam đã lấy cắp tất cả 2.229 món hàng, trị giá tổng cộng ước lượng khoảng USD 58,600. Hành vi phạm tội đã được thực hiện tại 3 quận Fukui, Mie và Aichi.
Theo nguồn tin cảnh sát, phụ nữ trong cuộc là một thực tập sinh Việt Nam. Thông thường cô hay bước vào các cửa hàng, mang theo một túi đeo vai lớn. Mỗi lần như vậy, cô có thể lấy cắp tới 150 món hàng, nhét cả vào túi.
Các nhà điều tra cho biết những sản phẩm bị lấy cắp chủ yếu là đồ trang điểm, thuốc men và quần áo thời trang. Những sản phẩm lấy cắp thường được bán cho những người sử dụng mạng xã hội Việt Nam.
Cảnh sát tin rằng người phụ nữ không hành động đơn độc mà trực thuộc một băng nhóm tội phạm cùng với 5 người Việt khác. 5 người đều thuộc phái nam, trong lứa tuổi từ 24 tới 28. Tất cả đều tới Nhật Bản trong tư cách thực tập sinh, tham gia các chương trình huấn luyện công nghệ..
Băng nhóm tội phạm này bị tình nghi đã thực hiện 109 vụ trộm cắp tại 8 quận hạt khác nhau, tổng trị giá các món hàng lấy cắp được ước lượng lên tới USD 114.000.
Theo báo chí Nhật Bản, một khi phiên tòa kết thúc, phụ nữ trong băng nhóm tội phạm sẽ bị trục xuất, vì cô này đã ở quá hạn visa cho phép đối với thực tập sinh, mà không có giấy thường trú tại Nhật Bản.
Theo Bộ Di trú Nhật, Việt Nam đã qua mặt Trung Quốc để trở thành nhóm thực tập sinh đông nhất ở Nhật. Năm 2017, số thực tập sinh người Việt là khoảng 127,000 người.
Nhưng trong số thường trú nhân tại Nhật Bản bị tước quyền thường trú trong cùng năm (2017), người Việt chiếm tới gần phân nửa. Rất nhiều người bị phát hiện ở lại Nhật Bản bất hợp pháp sau khi kết thúc khóa đào tạo.
Cộng đồng người Việt sinh sống ở Nhật Bản bị mang tiếng sau khi một phúc trình năm 2017 của cảnh sát Nhật nói rằng người Việt phạm nhiều tội hình sự hơn bất cứ nhóm nước ngoài không thường trú nào tại Nhật Bản.
Theo phúc trình này, người Việt là thủ phạm trong 5140 ca hình sự, tăng lên từ 3.117 ca vào năm trước đó, và như vậy người Việt chiếm tới 30,3% tất cả các tội hình sự do người nước ngoài thực hiện tại Nhật Bản.
https://www.voatiengviet.com/a/bat-dau-phien-xet-xu-bang-dang-viet-trom-cap-hang-hoa-o-nhat/4841202.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.