Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/03/2019

Wednesday, March 13, 2019 6:50:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 13/03/2019

Người dân vườn rau Lộc Hưng bị ‘cấm’ họp báo

Người dân vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền bác đơn xin tổ chức họp báo công khai để cung cấp thông tin “trung thực” về tình trạng thực tế việc sử dụng khu đất đã bị cưỡng chế trong khi truyền thông chính thống “chỉ đưa tin một chiều.”
Một người dân Lộc Hưng cho VOA biết hôm 13/3 rằng buổi họp báo dự kiến diễn ra lúc 14:30 (giờ địa phương) cùng ngày nhưng họ chỉ được chính quyền thông báo trước hai tiếng rằng họ không được phép làm điều đó trong khi lực lượng an ninh được bất ngờ đưa đến bủa vây khu vực Lộc Hưng.
“Cuộc họp báo muốn công bố cho các báo chí chính thức hoặc không chính thức, có nghĩa là lề trái và lề phải đều được biết, về thực trạng của bà con vườn rau Lộc Hưng,” Cao Hà Trực, một trong những người tổ chức buổi họp báo, cho biết. “Trong khi đó, nhà nước không quan tâm mà báo chí lề phải của nhà nước chính thống thì im hơi lặng tiếng hoặc nếu có lên tiếng thì thông tin một chiều.”
Theo anh Trực, cũng là một nông dân trồng rau ở Lộc Hưng nhưng đã mất đất trong vụ “thu hồi” đất hồi tháng 1, truyền thông chính thống chỉ đăng tin về sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước mà không thông tin về người dân trong hai tháng qua.
Anh Trực cho biết dân đã nộp đơn xin phép tổ chức họp báo từ ngày 11/3, nhưng Ủy ban Nhân dân TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông không cho phép buổi họp báo được diễn ra vào ngày 13/3. Khu vực này đã bị lực lượng an ninh bao vây từ 5 giờ sáng cùng ngày để “khủng bố tinh thần bà con,” theo anh Trực.
Trong thư trả lời đại diện người dân vườn rau Lộc Hưng, mà VOA được xem, Sở TT-TT TPHCM “không chấp thuận đơn xin tổ chức họp báo theo đề nghị của các cá nhân” đại diện vười rau Lộc Hưng, bất chấp một điều khoản của Luật Báo chí theo đó “công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cá nhân đó”.
Sở TTTT cho rằng “khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình như trong thông báo họp báo của các cá nhân nêu trên là chưa phù hợp, không đại diện cho người dân của khu vực, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế địa phương.”
“Họ làm sai pháp luật, họ chà đạp (lên) pháp luật. Sở truyền thông chỉ có nhiệm vụ chỉ xem xét có đủ điều kiện chưa để người dân được họp báo để họ bày tỏ quan điểm và quyền lợi của người dân,” theo anh Trực. “Nhưng sở làm sai vì họ không phải là cơ quan giải quyết việc khiếu nại và tố cáo và họ làm thay cho cơ quan (này) khi họ nói đây là đất công để nói rằng nhận định của chúng tôi là không đúng (về thực tế địa phương).”
Anh Trực khẳng định rằng người dân vườn rau Lộc Hưng là những người xuất thân từ miền Bắc đã đến định cư tại Lộc Hưng từ năm 1954 và có đầy đủ cơ sở pháp lý để sử dụng khu đất này.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho rằng những người dân đã chiếm dụng đất và xây dựng trái phép trong khu vực này. Hôm 4/1, chính quyền TPHCM tiến hành cưỡng chế và phá hủy hàng trăm ngôi nhà ở khu vườn rau Lộc Hưng. Đây là khu đất này nằm trong vùng có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
Gần 500 căn nhà đã bị đập phá và thiệt hại lên tới gần 100 tỷ đối với những người dân vườn rau Lộc Hưng, theo anh Trực.
Vấn đề cưỡng chế đất tại Lộc Hưng đã được đưa ra tại một buổi họp tại Quốc hội Mỹ do dân biểu Alan Lowenthal chủ trì hôm 23/1 có sự hiện diện của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ông Lowenthal yêu cầu Đại sứ Kritenbrink xem xét vụ cưỡng chế và phá hủy vườn rau và các ngôi nhà ở khu Lộc Hưng. Dân biểu Mỹ cho rằng chính quyền Việt Nam đang gạt sang một bên những người sở hữu đất ‘thấp cổ bé họng’ cho các dự án bất động sản sinh lời trong khi trả rất ít tiền đền bù cho những người bị mất đất. Đại sứ Kritenbrink hứa với các thành viên Quốc hội Mỹ ông sẽ tìm hiểu vấn đề này.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-vuon-rau-loc-hung-bi-cam-hop-bao/4827268.html

Thiếu nữ Việt kêu cứu từ Trung Quốc

Thanh Trúc, RFA
Một thiếu nữ  ở Hậu Giang liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để báo tin cô theo người môi giới sang Trung Quốc để làm việc nhưng lại bị gạ bán đi lấy chồng bản xứ mà nếu không chịu thì bị bán đi làm gái.
Thanh Trúc tổng hợp thông tin được cung cấp và thuật lại như sau:
Cô sinh năm 1994, tạm gọi tên là  Bê như yêu cầu, từ thành phố Vị Thanh tỉnh Hậu Giang lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm việc làm.
Ngày 27 tháng Hai, Bê nghe theo một nam môi giới tên Nhật tầm 30 tuổi, và một nữ môi giới người miền Tây chừng 35 tuổi hướng dẫn cô ra miền Bắc rồi sang Trung Quốc làm việc trong một công ty với mức lương từ 15 đến 20 triệu VND một tháng.
Sang đến Quảng Đông, Bê và một cô gái đi cùng được tách rời ra mỗi người một nơi. Họ đưa Bê vào một ngôi nhà bẩn thỉu như nhà hoang, sau đó vừa thuyết phục vừa dọa dẫm cô phải lấy chồng Trung Quốc còn không thì họ sẽ bị bán cô đi làm gái trong một động mãi dâm gần đó.
Qua Facebook và trang mạng Zalo, Bê tìm cách liên lạc với Đài Á Châu Tự Do để nhờ giúp đỡ. Sau đây là phần trao đổi giữa Bê với phóng viên RFA:
Thanh Trúc: Em đang ở chỗ nào của Trung Quốc em biết không?
Bê: Dạ Hồ Nam, mấy cô đang tìm người để kết hôn. Đi đường biên qua tới Nam Ninh.
Thanh Trúc: Em phải trả bao nhiêu tiền?
Bê: Dạ tính ra là 6.000 tiền Trung Quốc …Bọn nó đang ở đây nè…
Thanh Trúc: Họ có đánh đập gì em không?
Bê: Họ hăm dọa, em không chịu nhưng mà họ đưa đi càng ngày càng xa. Em sợ  quá chị ơi, cứu em đi. .
Thanh Trúc: Họ có chỉ cho em thấy người chồng mà họ bắt em lấy chưa?
Bê: Họ đang tìm, tới nay là mười mấy ngày rồi.
Thanh Trúc: Khi đưa em qua họ nói em đi làm việc hay đi gả chồng cho em?
Bê: Đi làm việc,nếu làm không được sẽ đưa em về. Nhưng mà em nói em về thì họ đưa em đi xa hơn, từ Quảng Đông mà đưa tới Hà Nam.
Thanh Trúc: Bao nhiêu người canh giữ em ở chỗ đó?
Bê: Hai người. Họ dọa nếu em không chịu lấy chồng họ bán em làm gái mãi dâm, em sợ em không kéo dài được thời gian, cứu em nhanh đi em sợ không kéo được thời gian….
Trong lúc hoảng hốt vì biết mình bị lừa, Bê đã nhanh trí dùng điện thoại để ghi âm lại cuộc nói chuyện của những người đang cầm giữ cô:
Đại khái người phụ nữ nói tiếng Hoa trong đoạn đối thoại với người môi giới nói tiếng Việt là họ chỉ ở cách nhau không xa lắm, nghĩa là trong cùng một làng. Người phụ nữ Hoa này còn cho hay họ nằm trong nhóm gọi là nhóm số 3 nhưng mỗi lần người phụ nữ Việt gọi tới thì bà này không biết.
Vẫn theo lời người đàn bà Hoa khoảng chừng 36 tuổi đó thì bà thuộc gia đình họ Lưu ở trong làng, bà thường mai mối cho người ta lập gia đình. Sau đó hai bên còn  đùa cợt với nhau rằng người con trai họ nhắm đến cho Bê rất cao lớn trong lúc Bê hơn 20 mà trông bé xíu, rằng giá mà cô già hơn 10 tuổi cũng còn được  nữa là.
Thấy Bê khóc lóc và một mực đòi quay về nhà, những phụ nữ này nói sẽ gởi cô về. Thay vì đưa trở lại Việt Nam, Bê kể tiếp, họ đã đưa cô vào sâu hơn trong nội địa Trung Quốc. Khi nói chuyện với phóng viên Ban Việt Ngữ RFA, Bê cho hay cô đang ở Hồ Nam. Tuy nhiên theo phóng viên Ban Hoa ngữ RFA giúp dịch lời thoại thì đích xác Bê đang ở Henan tức Hà Nam bên Trung Quốc.
Trước đó, hôm 9 tháng Ba, Bê đã text cho một người bạn  tên Nguyễn Đức ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời gởi kèm định vị nơi cô đang ở cho anh luôn:
Cô kêu là em đi tầm 12 đến 16 ngày, đi theo chỉ dẫn của một người từ Việt Nam, mua vé từ Tân Sơn Nhất bay đi Hà Nội, bắt xe từ đó hình như là ba đoạn xe. Họ liên lạc với nhau qua 2 trạm xe, có người chở lên một góc núi rồi thả xuống. Có một phụ nữ Việt lại vờ như giúp đỡ em, dắt em đi theo đường rừng, một phút thấy một hàng rào có người Trung Quốc ra đón, dẫn đi chừng khoảng mấy tiếng có một chiếc xe đón chở xuống đó là Nam Ninh hay gì đó ở Trung Quốc.
Do nghi ngờ cô Bê bị gạt, anh Nguyễn Đức đã tức tốc làm đơn trình công an hôm thứ Hai ngày 11 vừa qua nhưng:
Tôi làm đơn ra công an phường thì công an phường chỉ lên Công An Thành Phố luôn. Lên Công An Thành Phố thì người ta không nhận đơn kêu là không đủ chứng cứ, kêu là người này đi chơi hay sao đó chứ không phải bị bắt cóc hay bị lừa từ bên đây qua.
Hỏi mấy người từng sống bên đấy thì người ta nói lúc check in cái vị trí thì đấy là Henam là cái chỗ chuyên buôn người về nó tập kết ở đó, Henan Hà Nam gì đó. Trên bộ cũng có hướng dẫn là bây giờ về bảo người nhà làm đơn xong gởi lên Sở Nội Vụ cho người ta giúp.
Anh Nguyễn Đức cũng gọi điện báo cho gia đình của Bê ở Vị Thanh, Hậu Giang. Tuy nhiên theo anh thì hình như người chị ruột của Bê không quan tâm  lắm.  Ngày 12 tháng Ba, đường dây viễn liên được nối về thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, gặp bà Mi là chị ruột của Bê:
“Chỉ mới liên lạc hồi qua nay, nói chung không gọi điện mà nhắn tin rồi kêu ai điện cho tôi. Tôi điện lại thì nó không nghe máy.
“Hiện tại bây giờ họ đã di chuyển em 3 nơi khác nhau, mỗi một nơi càng xa đường về quê hương…”  là đoạn text mới nhất mà Bê gời cho RFA rạng sáng thứ Tư 13 tháng Ba giờ Việt Nam.
Cô Bê cho biết cô không dám ngủ vì sợ bị bán đi hay bị mỗ lấy nôi tạng như tin đồn. “Xin hãy cứu em thoát khỏi địa ngục này”,  Bê kêu cứu như vậy. Cô nói cô rất sợ họ không cho cô sử dụng điện thoại nữa thì lúc đó mọi hy vọng trở về Việt Nam sẽ tắt vì không ai tìm được cô nữa.
Liên quan đến chuyện đưa người sang Trung Quốc bất hợp pháp, bản tin trên VOV.VN hôm 12 tháng Ba cho hay Tòa Án Nhân Dân tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử  một vụ mua bán trẻ em mà nạn nhân là một cô gái vị thành niên bị người bà con  đưa sang Trung Quốc rồi bán cô với giá hơn 200 triệu VNĐ.
Theo tin thì bị cáo tên Lang Thị Liên có chồng Trung Quốc, trú quán tại ở xã Mậu Đức, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Năm 2016, nhân dịp về nhà ăn Tết , bà Lang Thị Liên đã dụ dỗ người dì họ tên Hoài An, khi đó mới 14 tuổi, sang Trung Quốc trông con cho bà ta.
Sau đó từ Trung Quốc bà Liên báo tin cho gia đình cô Hoài An là gả  chồng đàng hoàng cho cô nhưng thực chất là bán cô cho một người đàn ông bản xứ với giá 210 triệu VNĐ.
Nội vụ đổ bễ do Hoài An báo lại với gia đình, đến tháng Sáu 20017 thì Hoài An được người quen dắt đi trốn nhưng bị phát hiện. Bà Lang Thị Liên bắt họ lại và đòi tiền chuộc 400 triệu đồng. Một tháng sau, Hoài An và người phụ nữ dắt cô đi trốn được công an Trung Quốc giải cứu đưa về Việt Nam.
Tòa Án Nhân Dân Nghệ An tuyên phạt bà Lang Thị Liên 8 năm tù giam vì tội buôn bán trẻ em, bồi thường 62 triệu Đồng cho gia đình cô gái bị hại.
Tháng Mười Hai năm 2018, Blue Dragon Việt Nam, một tổ chức thiện nguyện nước ngoài ở Hà Nội, cho biết đã có 400 nạn nhân  phần lớn là phụ nữ hay thiếu nữ bị bán sang Trung Quốc rồi bị ép vào đường mãi dâm hay lấy chống bản xứ, được Blue Dragon giải cứu đưa về Việt Nam từ năm 2007.
Trước đó, từ năm 2016, một bản tin Reuters trích dẫn lời bà Mimi Vũ thuộc Vòng Tay Thái Bình đang hoạt động ở Việt Nam, cho thấy 75% nạn nhân buôn người là phụ nữ và các em gái, bị bán qua Trung Quốc để làm vợ, để hành nghề mãi dâm hoặc làm việc cực nhọc trong các phân xưởng.
Vẫn lời bà Mimi Vũ, trong quá khứ đa phần các cô bị bán qua Trung Quốc là người ở vùng biên giới miền Bắc giáp Trung Quốc, thế nhưng từ 3 năm trở lại đây thì nạn buôn người đã lan xuống các tỉnh phía Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnamese-young-girls-ask-for-help-from-china-tt-03132019120816.html

Việt Nam bị tố ‘xảo ngôn’ về Công ước ICCPR tại Geneva

Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các quyền dân sự, chính trị tại một phiên họp của Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Geneva hôm 11-12/3 nhưng các nhà quan sát chính trị nói với VOA rằng những phát biểu của phái đoàn Việt Nam không phản ánh sự thật vi phạm nhân quyền ở trong nước.
Nhà báo độc lập Nguyễn Kim Chi nói bà cảm thấy thất vọng về các ý kiến của phía Việt Nam trong phiên đối thoại này:
“Tôi cũng như nhiều người theo dõi phiên điều trần này cảm thấy thất vọng về những điều phía Việt Nam tuyên bố ở đây. Tôi nghĩ rằng đó là một sự thật mà chúng tôi không hy vọng hay chờ đợi điều gì (thay đổi) lớn từ phiên điều trần này.”
Tôi cũng như nhiều người theo dõi phiên điều trần này cảm thấy thất vọng về những điều phía Việt Nam tuyên bố ở đây.
Bà Nguyễn Kim Chi
Trong hai ngày 11 và 12/3, tại Geneva, Thụy Sĩ, Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc đã tổ chức Phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).
Một phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 20 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu. Trong đoàn còn có các đại diện của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo Chính phủ và các các cơ quan khác.
Phiên đối thoại hôm 12/3 được tường thuật trực tiếp. Theo quan sát của VOA, các đại diện Việt Nam về phần lớn đọc các văn bản pháp luật được chuẩn bị sẵn và không đi vào chi tiết hay trả lời các thắc mắc của các chuyên gia LHQ.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc nói tại phiên đối thoại:
“Tôi xin dành mấy ý để cả thành viên Uỷ ban hiểu được những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Tất cả những gì băn khoăn liên quan đến Công ước và pháp luật Việt Nam thì các đại diện Việt Nam đã nói rồi. Toàn bộ nội dung Công ước đã được chuyển hóa đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Qúy vị hãy đọc thật kỹ Hiến pháp Việt Nam để thấy các nội dung này. Không chỉ Hiến pháp Việt Nam mà rất nhiều đạo luật cụ thể mà các đại diện các bộ ngành cụ thể đã trình bày các quyền đó được cụ thể tại các luật như thế nào.”
Bà Nguyễn Kim Chi nói: “Họ báo cáo chung chung, không cụ thể, và không đúng với thực trạng đang diẽn ra. Chúng tôi cũng không tin vào những lời hứa của Chính quyền Việt Nam như đã phát biểu tại đây.”
Ông Phạm Lê Vương Các, người theo dõi các phiên đối thoại ICCPR của Việt Nam trong hai ngày qua, cũng đồng ý với nhận xét đó:
“Phái đoàn Việt Nam trả lời một cách chung chung. Chính quyền Việt Nam hầu như phủ nhận tất cả những cáo buộc vi phạm các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam.
“Họ còn đưa ra các lý luận, nói chính xác là các xảo ngôn để né tránh vấn đề. Chẳng hạn như Uỷ ban Nhân quyền hỏi có hay không việc biệt giam tại Việt Nam. Phái đoàn VN trả lời rằng ở VN không có biệt giam, và biệt giam không có trong khái niêm luật pháp của Việt Nam, nhưng họ lại nói ở VN chỉ có hình thức giam riêng.
Họ còn đưa ra các lý luận, nói chính xác là các xảo ngôn để né tránh vấn đề.
Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các
“Qua đó cho thấy phái đoàn VN thiếu đi sự chân thành, cũng như né tránh nhìn nhận các hạn chế của mình đối với các quyền dân sự và chính trị tại VN.”
Đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông nói: “báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, và phát sóng,” và sau đó dẫn chứng việc hàng ngàn nhà báo nước ngoài được tự do đến Việt Nam đưa tin thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tháng trước.
Tại hai phiên đối thoại, các thành viên Uỷ ban đã nêu một số vấn đề cụ thể như vấn đề tù nhân lương tâm, vấn đề tra tấn, việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bị HIV, phân biệt đối xử với người thiểu số tin theo đạo Tin Lành, người Thượng Tây Nguyên, luật an ninh mạng, luật lao động, về bình đẳng và không phân biệt giới tính, tự do báo chí, đa nguyên chính trị… và cả vấn đề của lực lượng Cờ Đỏ được cho là thể hiện hận thù tôn giáo.
Một đại diện của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam nói về quyền tự do tín ngưỡng hôm 12/3.
“Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Từ Tp. Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Ánh, một tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam, nơi các tín hữu không được tự do nhóm họp tại Hội thánh An Đông trên đường Sư Vạn Hạnh, nói với VOA rằng những lời phát biểu của đại diện Ban Tôn giáo tại Gevena không đúng với sự thật.
Những điều họ nói là không đúng sự thật.
Tín hữu Tin Lành Võ Văn Ánh.
“Những điều họ nói là không đúng sự thật. Sự thật là họ đã chiếm đất đai thuộc nhà thờ, của giáo hội, của Hội Thánh Tin lành Việt Nam nói riêng, và những nơi thờ tự của các tôn giáo khác nói chung, rất là nhiều. Họ nói có tự do tôn giáo là một điều gian dối.”
Truyền thông trong nước vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Họ nói việc Việt Nam tham dự phiên họp của Ủy ban Nhân quyền lần này thể hiện “sự nghiêm túc của Việt Nam trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế.”
Theo TTXVN thì kể từ khi Việt Nam nộp Báo cáo quốc gia lần thứ hai về việc thực thi Công ước ICCPR năm 2002 đến nay, Việt Nam “đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền dân sự và chính trị.”
TTXVN dẫn lời Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nói: “Với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thiện chí và chân thành của đoàn Việt Nam cũng như các thành viên Ủy ban Nhân quyền, phiên họp tại Geneva đã thành công tốt đẹp.”
https://www.voatiengviet.com/a/doan-vn-bi-to-la-xao-ngon-ve-cong-uoc-iccpr/4827269.html

Bài toán bảo mật và an ninh mạng cho ‘Big Data’ ở VN

Một nhà quan sát về ‘dữ liệu lớn’ nói về thách thức của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân tại Việt Nam, nước mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này.
Trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt bên lề một hội thảo về phân tích dữ liệu tại Hà Nội hôm 09/03, ông Lê Ngọc Sơn, thành viên nghiên cứu quốc tế về truyền thông trong khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, cũng đưa ra đánh giá về bảo mật và an ninh mạng.
Microsoft: Bing được khôi phục tại Trung Quốc
Google và YouTube đặt máy chủ ở đâu?
Năm quốc gia thuận lợi cho khởi nghiệp
BBC: Đầu tiên, ông có thể khái quát khái niệm Big Data là gì?
Ông Lê Ngọc Sơn: ’Big Data’ là khái niệm để chỉ một hiện tượng khá phức tạp. Tức là nền kinh tế dựa vào khoa học dữ liệu. Về mặt dữ liệu là tất cả các loại dữ liệu, cực kỳ lớn với độ phức tạp rất cao và đa dạng, có thể là dữ liệu cá nhân hay khoa học, và từ dữ liệu đó người ta mới chiết suất ra đằng sau đó là gì.
Dữ liệu nằm trong sách vở thì là một chuyện nhưng dữ liệu nói lên điều gì lại đòi hỏi sự tính toán, thống kê và suy luận của các nhà khoa học về dữ liệu. Tức là số liệu ‘có hồn’ chứ không phải số liệu ‘chết’. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thuật toán thì người ta có thể đọc được thông tin đằng sau dữ liệu đó là gì.
Lấy ví dụ như việc thu thập hành vi người dùng bây giờ ở trên các mạng xã hội, thì đó là các dạng dữ liệu rất rộng trên toàn cầu còn việc xử lý dữ liệu đó để đọc ra rằng hành vi của người dùng trên mạng xã hội là gì chẳng hạn thì cái đấy có thể gọi là việc tổng hợp dữ liệu từ Big Data.
Bài toán Big Data cho Việt Nam là cả về kỹ thuật và chính sách
BBC:Ở Việt Nam được biết đang có xu hướng thu thập và xử lý cái gọi là ‘Big Data’ nhưng vấn đề chính là gì?
Lê Ngọc Sơn: Những tập đoàn như Vingroup hay Viettel đầu tư rất nhiều tiền, hàng nghìn tỉ, vào các viện nghiên cứu Big Data thì xét về mặt phát triển của đất nước thì đây là điều đáng mừng, và cái nắm bắt xu thế phát triển tất yếu về khoa học thì đầu tư theo hướng đó là rất tốt và là tín hiệu đáng mừng và đó kể như là mặt lợi.
Tuy nhiên nhìn về đằng sau bức tranh đó thì cũng cần phải hỏi đó là cái gì và thử cân nhắc xem là có thách thức nào mà cần phải nhìn trước không. Ví dụ Viettel chẳng hạn thì không phải bây giờ họ mới nghiên cứu mà đã nghiên cứu từ khá lâu rồi.
Và họ có dự án là ‘social listening’ tức là lắng nghe trên mạng xã hội nói cái gì thì dự án đó tập trung khá lớn là về mặt chính trị thôi, tức là để giải quyết các nhu cầu về hiểu biết về mặt chính trị trong quản lý xã hội thì tôi không muốn bàn sâu vào cái đó.
Thế nhưng “ông lớn” như là Vingroup đầu tư vào Big Data, hành vi của người dùng chẳng hạn, thì đúng là một mặt họ sẽ làm tốt hơn cho việc bán hàng của họ chẳng hạn. Tức là họ nắm được hành vi người dùng thì sẽ bán được các sản phẩm của họ tốt hơn và phục vụ các dự án khoa học của họ tốt hơn.
một đại gia rất lớn trong lĩnh vực kinh tế mà nắm luôn được cả việc xã hội nghĩ gì, làm gì thì ai nắm được những người như thế thì sẽ nắm được thiên hạLê Ngọc Sơn
Nhưng chúng ta sẽ nghĩ xem là nếu, chẳng hạn trong tương lai gần, một chủ tư nhân lớn, một đại gia rất lớn trong lĩnh vực kinh tế mà nắm luôn được cả việc xã hội nghĩ gì, làm gì thì ai nắm được những người như thế thì sẽ nắm được thiên hạ.
Chúng ta lấy ví dụ trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ giữa Donald Trump và Hillary Clinton thì dư luận dường như đã bị điều phối bởi ai đó có tiền chẳng hạn. Vậy thì trong tương lai gần chúng ta có phải đối mặt với những bài toán đó hay không.
Thì đó là những thứ nhắc nhở cho giới học thuật và giới quản trị xã hội phải có cái nhìn xa hơn là liệu những dữ liệu đó sẽ được dùng vào việc gì và ai sẽ được dùng những dữ liệu lớn đó và chia sẻ các tài nguyên đó thế nào thì được gọi là công bằng chẳng hạn. Tức là trong một nền kinh tế số thì những thứ như thế rất cần được cân nhắc kỹ bởi nếu không nó sẽ đặt ra những bài toán về quản lý xã hội cực kỳ ghê gớm và tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới xã hội”.
BBC:Kể như đó là tài sản cá nhân nhưng cũng là tài sản tầm cỡ quốc gia. Với thực trạng và nguy cơ tin tặc đánh cắp dữ liệu thì Việt Nam đã và đang làm gì để bảo mật và đảm bảo dữ liệu đó không bị rò rỉ ra ngoài thưa ông?
Lê Ngọc Sơn: Đó là bài toán và thách thức rất lớn đối với Việt Nam vào lúc này xét trên hai khía cạnh. Thứ nhất là về kỹ thuật và thứ hai là về chính sách. Về kỹ thuật thì câu hỏi là công nghệ nào có thể bảo vệ được chúng ta tốt nhất các thông tin của mình. Tức là ta cứ hình dung các dữ liệu của một quốc gia bị nắm bởi một quốc gia khác thì điều đó nguy hiểm thế nào.
Thứ hai, từ nhu cầu về kỹ thuật lại đặt ra một bài toán về chính sách. Nghĩa là sự tiệm tiến của việc quả trị xã hội tốt thì phụ thuộc vào các chính sách thông minh sẽ quản lý xã hội thế nào. Tức là cần phải có các chính sách đi trước thời cuộc. Tức là chính sách đó phải nắm được các trào lưu về công nghệ.
Để có được chính sách thông minh thì cần những nhà quả trị xã hội thông minh và lập ra các chính sách thông mình. Vì vậy chúng ta cần chính sách. Tức là chúng ta cần đội ngũ kỹ trị giỏi. Tức là họ phải có kinh nghiệm trong những chuyên ngành này.
Và đôi cạnh việc quản lý thì còn cần để các công ty công nghệ trong nước phát triển nữa. Chính lực lượng nòng cốt về tương lai bởi các công ty nội địa mới là giữ được phên giậu quốc gia về an ninh mạng chứ chúng ta không thể trông đợi một nước khác mang đến cho chúng ta an ninh mạng.
Tức là phải phát triển các đội ngũ khởi nghiệp hiện nay, phát triển họ lên, thậm chí có các vườn ươm doanh nghiệp để có thể nuôi chí họ bởi họ mới là nòng cốt của công nghệ quốc gia chứ không phải các công ty nước ngoài bởi đã là nước ngoài thì mục tiêu của họ là lợi nhuận và khi vì lợi nhuận thì người ra sẵn sàng làm mọi thứ.
Thì đó là những yêu cầu đặt ra đối với những nhà kỹ trị, những nhà lãnh đạo cần phải có về tầm nhìn như thế nhằm khuếch đại thêm sự phát triển về công nghệ, ý tưởng lạ ý tưởng mới.
Và điều đó chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta khoáng đạt hơn, vượt qua các biên giới và định kiến để khuyến người người trẻ làm ra được các sản phẩm công nghệ tốt.”
Cũng có mặt tại hội thảo, bà Lê Thắm, nghiên cứu sinh năm thứ ba tại Trường Dược thuộc Đại học Maryland nói với BBC về thực trạng dùng Big Data tại Hoa Kỳ trong ngành y tế.
Tại Hoa Kỳ khác với Việt Nam hay châu Âu ở chỗ có rất nhiều công ty bảo hiểm, nhất là cho dữ liệu y tế Bà Lê Thắm
“Tại Hoa Kỳ khác với Việt Nam hay châu Âu ở chỗ có rất nhiều công ty bảo hiểm. Các dữ liệu Big Data thuộc lĩnh vực này trong tiếng Anh gọi là Administrative Claim Data là dữ liệu từ các nhà chi trả bảo hiểm ở Mỹ, có thể từ chính phủ hoặc công ty tư nhân.
“Các bệnh theo tên khoa học sẽ có code riêng và được mã hóa và phục vụ rất tốt cho việc ra chính sách cho số lượng lớn bệnh nhân và chúng tôi dùng rất nhiều cơ sở dữ liệu cũng như phân tích dữ liệu này,” bà Lê Thắm nói với BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47539001

Việt Nam chưa cấp phép cho máy bay Boeing 737 MAX 8

Cục hàng không dân dụng Việt Nam (CAA) nói chưa cấp giấy phép sử dụng Boeing 737 MAX 8 sau hai vụ tai nạn liên tiếp liên quan đến dòng máy bay này.
“Chúng tôi đã họp về vấn đề này và đi đến quyết định sẽ không xem xét cấp giấy phép sử dụng máy bay Boeing 737 MAX cho đến khi nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định và Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ có biện pháp khắc phục thích hợp,” lãnh đạo CAA, ông Đinh Việt Thắng được Vietnam News dẫn lời.
Ông Thắng nói hiện tại không có hãng hàng không Việt Nam nào đang sử dụng loại máy bay này.
Quanh vụ VietJet mua 100 máy bay Boeing của Mỹ
Cục Hàng không VN nói về ‘lùm xùm’ tuyển phi công Vietnam Airlines
Cục Hàng không VN phạt Vietjet 44 triệu
Mới hồi cuối tháng Hai, Vietjet Air đã đặt hàng 100 máy bay 737 MAX. Thương vụ được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội trước hội nghị thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Chiếc máy bay đầu tiên [theo đơn hàng] dự kiến sẽ được giao vào tháng 10, ông Thắng cho hay.
Hãng hàng không mới ra mắt Bamboo Airways được cho là đang cân nhắc mua 25 máy bay thuộc dòng 737 MAX.
Hiện tại có 180 máy bay được các hãng hàng không Việt Nam đăng ký, theo Vietnam News.
Airbus A350-900, A320, A312, Boeing 787-9 Dreamliner và 747 là những máy bay được các hãng hàng không Việt Nam sử dụng phổ biến nhất.
Hàng loạt nước ngừng khai thác Boeing 737 MAX 8
Singpore được cho là nước đầu tiên cấm các chuyến bay sử dụng loại Boeing 737 MAX 8. Lệnh cấm có hiệu lực từ 14:00 giờ địa phương (06:00 GMT).
Các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này bao gồm SilkAir, China Southern Airlines, Garuda Indonesia, Shandong Airlines và Thai Lion Air.
Cơ quan hàng không Singapore cho biết họ đang làm việc với Tập đoàn sân bay Changi của Singapore và các hãng hàng không bị ảnh hưởng để giảm thiểu bất kỳ tác động nào đối với hành khách.
Trung Quốc, Indonesia và Ethiopia hôm thứ Hai ra lệnh cho hãng hàng không của họ ngừng sử dụng máy bay này. Hãng hàng không Aerolineas của Argentina, Aeromexico của Mexico và Gol của Brazil cũng ngừng khai thác 737 Max 8.
FLC mua 24 máy bay phục vụ hàng không Tre Việt
Hãng ‘hàng không bikini’ VietJet lên sàn
Bạn muốn làm phi công cho Vietnam Airlines?
Ethiopia cũng đã công bố ngừng khai thác thương mại toàn bộ hạm đội 737 MAX 8 của hãng.
Các hãng hàng không khác vẫn khai thác 737 Max 8 sau khi hãng Boeing nói loại máy bay này an toàn.
Cổ phiếu của Boeing đã giảm 12,9% vào thứ Hai sau vụ tai nạn.
Việt Nam có bao nhiêu máy bay Boeing 737 MAX 8?
VietJet đã hai lần đặt hàng mua máy bay Boeing với tổng số 200 máy bay 737 MAX.
VietJet từ chối bình luận “về việc liệu có thay đổi nào trong các đơn hàng có tổng trị giá hơn 20 tỷ USD này sau 2 vụ tai nạn liên tiếp”, theo Zing.
Lần đầu tiên, VietJet ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX thân hẹp khi cựu Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam.
Mới đây, VietJet ký tiếp hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX thân rộng khi Tổng thống Donald Trump sang dự Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với lãnh đạo Bắc Hàn tại Hà Nội hồi cuối tháng Hai. Trong số 100 chiếc này có 80 chiếc 737 MAX 10 và 20 chiếc MAX 8. Thương vụ này trị giá gần 13 tỷ đô la.
VietJet cho biết họ đã lên kế hoạch mua những máy bay này để mở đường bay đến các thành phố có cộng đồng người Việt lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như ở California.
Ngoài VietJet, hãng hàng không Bamboo của ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 737 thân rộng, và đang đàm phán để mua 25 máy bay Boeing 737 thân hẹp, theo Reuters.
Năm ngoái, Bamboo Airways cũng đã đặt hàng 20 máy bay thân rộng Boeing 787 trị giá 5,6 tỷ đôla theo giá niêm yết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47533952

Việt Nam đóng không phận đối với máy bay Boeing 737 MAX

Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam ra quyết định cấm máy bay Boeing 737 MAX8 bay vào không phận Việt Nam kể từ 10 giờ sáng ngày 13 tháng 3 năm 2019.
Thông cáo của Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam được đưa ra sau khi biện pháp tương tự được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Đức, Pháp và Anh Quốc.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng được dẫn lời rằng những hãng hàng không nào bị tác động bởi quyết định cấm vừa nêu sẽ phải sử dụng các máy bay khác. Lý do đưa ra lệnh cấm loại máy bay Boeing 737 MAX8 hoàn toản là vì an toàn mà thôi.
Hiện các hãng hàng không Easter Jet của Hàn Quốc, Thai Lion Air và Malindo Air của Malaysia đang bay máy bay Boeing 737 MAX đến Việt Nam.
Sau khi xảy ra tai nạn rơi máy bay tại Ethiopia hôm Chủ Nhật 10 tháng 3, Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam cũng cho biết chưa cấp phép bay cho dòng máy bay Boeing 737 MAX tại Việt Nam.
Hãng VietJet Air, công ty mới đặt mua 100 máy  bay Boeing 737 MAX, vào ngày 13 tháng 3 lên tiếng cho biết hãng này chưa khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Vietjet Air chỉ quyết định khai thác dòng máy bay này sau khi có các kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-closes-airspace-to-boeing-737-max-aircraft-03132019084420.html

Thanh tra và xử lý vi phạm đất đai ở Vân Đồn và Đà Nẵng

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến các vi phạm trong việc chuyển đổi quỹ đất công và các cơ sở nhà, đất công sản trong thời kỳ 2010-2016.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ như vừa nêu và được truyền thông trong nước loan tải vào ngày 13 tháng 3.
Tin cho biết tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng (UBND TP. Đà Nẵng) vào ngày 11 tháng 3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắt địa ở thành phố Đà Nẵng sang mục đích khác từ năm 2010 đến năm 2016.
Theo kết luận thanh tra, trong khoảng thời gian này, Đà Nẵng đã chuyển đổi 52 nhà, đất công và đã xảy ra sai phạm hơn 156 tỷ đồng trong thu tiền sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Đà Nẵng thu nộp ngân sách gần 144 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm và xử lý đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cùng các tổ chức, cá nhân liên quan sai phạm trong thời kỳ 2010-2016.
Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu Bộ Công An và UBND TP. Đà Nẵng xử lý tài sản bị phong tỏa trong các vụ án hình sự liên quan đến Phan Văn anh Vũ, tức “Vũ Nhôm” và Bộ Công An tiến hành điều tra hồ sơ 10 cơ sở nhà, đất mà Thanh tra Chính phủ đã chuyển qua.
Liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Tài nguyên-Môi trường thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc quản lý sử dụng đất đại tại huyện Vân Đồn và có báo cáo vào cuối tháng 4.
Vân Đồn là một trong ba đặc khu kinh tế đang được Quốc Hội Việt Nam xem xét để thông qua luật thành lập.
UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản thông báo tình hình thị trường bất động sản ở Vân Đồn bị tăng giá kể từ năm 2017 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản cùng các dự án kinh doanh hạ tầng khu đô thị đang diễn biến phức tạp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposing-to-discipline-leaders-for-wrong-doing-related-lands-03132019084141.html

Tp Hồ Chí Minh đòi tiền xây Nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm

Trung Khang, RFA
Sau một thời gian tạm lắng, vừa qua, vấn đề xây dựng Nhà hát Giao hưởng ở Thủ Thiêm lại được cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh xới lên qua việc đề nghị ngân sách xây dựng công trình bị cho là chưa cần thiết như thế.
Người dân Thủ Thiêm phản ứng như thế nào trước thông tin này trong khi chuyện đền bù, tái định cư cho họ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng?
Cụ thể, Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hồ Chí Minh trong báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) về tiến độ các dự án của ngành văn hóa và thể thao, đã cho biết dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch có vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm, đang được lập báo cáo tiền khả thi.
Theo Sở Văn hóa Thể thao việc triển khai dự án đang gặp khó khăn do phải chờ cơ quan có thẩm quyền cấp vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện công tác lập nhiệm vụ thiết kế và tổ chức thi tuyển kiến trúc công trình theo quy định, nên đã đề xuất UBND TP.HCM xem xét chuyển giao các sở ngành liên quan bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Bây giờ mở nhà hát thì ai vô đó mà coi? Nhưng mà mấy ổng nghĩ nước ngoài vô phải có cái nhà hát lớn… để mà cho có bộ mặt đó mà. Tui nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ổng không nghĩ người dân đang khó khăn, đang khổ.
-Người dân Thủ Thiêm
Trong lúc việc đền bù giải tỏa cho người dân mất đất tại Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thì việc yêu cầu cấp vốn ngân sách để xây dựng nhà hát có thích hợp? Trao đổi với chúng tôi hôm 12 tháng 3 năm 2019, một người dân mất nhà ở Thủ Thiêm không muốn nêu  tên cho biết:
“Theo tôi nghĩ không nên làm (Nhà hát giao hưởng), vì chưa có giải quyết cho người dân Thủ Thiêm về vấn đề nhà đất còn đang lu bu, không biết chính phủ tính như thế nào thì mình cũng không hiểu được họ. Về vấn đề này nếu mà bà con biết được thì bà con cũng sẽ phản ứng.”
Theo bà nghĩ, nhà nước nên để số tiền xây nhà hát vào việc ổn định cuộc sống cho người dân. Rồi sau đó muốn làm gì thì làm, bà nói tiếp:
“Bây giờ mở nhà hát thì ai vô đó mà coi? Nhưng mà mấy ổng nghĩ nước ngoài vô phải có cái nhà hát lớn… để mà cho có bộ mặt đó mà. Tui nghĩ đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ổng không nghĩ người dân đang khó khăn, đang khổ. Mà người dân đang khổ không phải do làm biếng hay ăn chơi, mà do nhà nước chính quyền lấy đất của dân, đền bù không thỏa đáng. Còn một số đất ngoài ranh của bà con, cũng lấy mà chưa giải quyết được. ”
Còn ông Ca, một cư dân Thủ Thiêm thì cho rằng, tiền đền bù còn không có thì có tiền để xây dựng gì:
“Về vấn đề nhà hát thì chúng tôi không thật sự quan tâm lắm, vì người ta đưa ra dư luận thôi chứ người ta đâu có tiền mà người ta làm. Người ta đưa lên để lái dư luận vào một vấn đề nào đó thôi, chứ thực chất hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh không có tiền. Ngay vấn đề giải tỏa làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đền bù cho dân người ta cũng chẳng có tiền. Bí thư Thành Ủy hứa tháng 12 năm 2018 giải quyết thì không giải quyết được, bây giờ lại năm 2019. Người ta chỉ nói vậy thôi chứ không làm được cái gì đâu.”
Theo Sở Văn hóa Thể thao, thời gian thực hiện dự án Nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm là từ năm 2019 đến 2022. Trong đó năm 2019 – 2020, tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình và hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công theo đúng quy định. Do đó đây là thời điểm thích hợp để được cấp vốn.
Cố Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây từng cho rằng thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn nhất Việt Nam, cho nên Nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng lớn hay một quảng trường cho xứng đáng thì cũng là cần thiết. Những những việc ấy Việt Nam nên có trong tương lai, khi mức sống của nhân dân đã lên cao hơn hiện nay. Hay ít ra cũng phải là nước thu nhập trung bình ở lớp trên, chứ hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình ở lớp dưới thấp.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang, cũng là người bị cưỡng chế đất tại Thủ Thiêm cho biết ý kiến của mình:
“Chúng tôi không chống bất cứ một công trình văn hóa nghệ thuật nào tại Thủ Thiêm. Trái lại, chúng tôi hoan nghênh việc đó vì thành phố cũng cần, quy hoạch cũng cần. Nhưng trung tâm này, nhà hát này ở thời điểm nào? Trên phần đất của ai? Đó là vấn đề chúng tôi đặt ra, và đền bù như thế nào cho người dân?  Và khu vực Thủ Thiêm máu, nước mắt, tù đày, sỉ nhục và khổ đau, dân ly tán, mà bây giờ xây không lo toàn trách nhiệm đền bù, trả lại tài sản người dân đúng chính sách pháp luật. Như vậy là không đúng lạc hậu, vô đạo đức, tại sao không trả lại nhà nguyện của chúng tôi, nhà thờ, trường học… mà nhất nhất làm nhà hát như vậy, trong thời điểm như vậy, trong vùng đất như vậy…”
Còn theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các ưu tiên về phát triển kinh tế – xã hội – văn hóa, thì các ưu tiên về phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng rất quan trọng. Trong đó chủ yếu là đường giao thông, trường học, trại y tế, đó là những việc cấp bách hơn rất nhiều. Còn một quảng trường như thế, nhà hát như thế, trong bản thiết kế thì được, chứ đưa ra để xây dựng ngay thì cần phải tính toán vì bây giờ còn rất nhiều vấn đề ưu tiên hơn, mà chưa kể đang là vấn đề về tranh chấp đất đai nữa.
Gần 20 năm qua, nhiều hộ dân tại Thủ Thiêm bị di dời mà không được bồi thường một cách hợp ký, chưa kể trong đó rất nhiều người bị cưỡng chế lấy nhà mà không được đền bù. Người dân Thủ Thiêm đã nhiều lần khiếu lại từ cấp thành phố đến trung ương, nhận nhiều lời hứa hẹn của các vị lãnh đạo. Tuy nhiên hiện nay họ cũng chỉ biết chờ đợi.
Liên quan tiến trình giải quyết khiếu kiện ở Thủ Thiêm, người dân không muốn nêu tên cho biết:
“Tình hình đền bù đến nay chưa có gì mới, nhưng hôm rồi thanh tra chính phủ có báo cáo chính phủ cho thanh tra lại toàn diện Thủ Thiêm. Một là như vậy, hai là giải quyết cho bà con Thủ Thiêm. Bà con Thủ Thiêm cũng đang chờ đợi, nhà nước nói thì người dân cũng tôi trọng và chờ đợi một hai tháng, vài tháng coi như thế nào chứ bây giờ cũng chưa có gì.”
Còn ông Ca thì bức xúc với cách giải quyết mỗi người nói một kiểu của các vị lãnh đạo chính phủ:
Nói không có cơ sở gì, một người lãnh đạo có trình độ am hiểu má nói không đúng pháp luật. Nói dối một cách trắng trợn, nói theo kiểu dân gian là nói để lừa đảo.
-Ông Ca
“Không ai nói gì hết, chỉ có hôm 5/3 vừa rồi, ông Võ Văn Hoan chánh văn phòng thành phố nói là trong năm 2019 giải quyết, nhưng bây giờ trung ương nói là đang cơ bản hoàn tất kết luận cuối cùng của thanh tra. Nhưng thực chất có thanh tra đâu mà kết luận. Khi chúng tôi ra ngoài Hà Nội làm thì ông Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ hứa hẹn kiến nghị chính phủ lập đoàn thanh tra, để thanh tra toàn diện Thủ Thiêm, mà đoàn Thanh Tra chưa có, Vậy mà ông Võ Văn Hoan chánh văn phòng thành phố lại nói vậy. Nói không có cơ sở gì, một người lãnh đạo có trình độ am hiểu má nói không đúng pháp luật. Nói dối một cách trắng trợn, nói theo kiểu dân gian là nói để lừa đảo.”
Người dân Thủ Thiêm cho biết, họ không cần cái nhà hát này, dân lao động như bà làm gì cần mấy cái đó, vì bản thân bà đến cái tv đẹp mà để coi còn chưa có thì cần nhà hát làm gì?
Người dân Thủ Thiêm chỉ cần muốn, khi chính phủ lấy nhà của dân thì phải có quyết định thu hồi và đền bù thỏa đáng, đúng như nghị quyết của đảng nói là “giải tỏa, thì chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ cũ”. Nếu được như vậy thì không ai còn khiếu nại gì hết.
Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết việc Thanh Tra Chính Phủ hứa sẽ kiến nghị Chính Phủ thanh tra lại toàn diện Thủ Thiêm, cũng sẽ kéo dài rất lâu để có quyết định của thủ tướng, rồi điều tra, rồi lại cũng ngâm nữa. Theo ông, họ đập nhà người ta rất nhanh, bắt nhốt ai rất nhanh, nhưng khắc phục hậu quả pháp lý rất nghiêm trọng thì họ không làm, không làm nổi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/call-capital-to-build-the-opera-house-in-thu-thiem-03122019130748.html

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam tăng đột biến

Diễm Thi, RFA
Hôm 11/3/2019, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ra phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế. Theo đó Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới.
Cụ thể trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số vũ khí bán ra trên toàn cầu trong khi giai đoạn từ 2009 đến 2013 chỉ ở mức 1,8%.
Trong một phúc trình trước đây của viện này thì trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, người đã từng có thời gian công tác tại Ban An ninh Nội chính thành ủy TP Hồ Chí Minh, lý giải việc Việt Nam đột ngột gia tăng tốc độ và giá trị nhập khẩu vũ khí từ năm 2014 đến 2018:
“Chúng ta cần để ý là giá trị vũ khí nhập vào Việt Nam trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, tức trong khoảng 5 năm nó gấp nhiều lần so với con số nhập khẩu vũ khí những năm trước đó. Đó là cái bất thường thứ nhất.
Cái bất thường thứ hai là giá trị nhập khẩu của Việt Nam về vũ khí trong giai đoạn 2013, 2014 thì khoảng 4 tỷ đô la, sau đó có thể hơn. Cho tới giờ thì Việt Nam không có con số minh bạch về giá nhập khẩu vũ khí hàng năm nhưng ước tính thì có thể lên tới 7% hoặc 8% GDP, tức khoảng 7 hoặc 8 tỷ USD.
Chỉ cần có cuộc xung đột ở quy mô vừa cấp chiến dịch giữa Mỹ và Trung Quốc thì tất yếu phải kéo theo Việt Nam tham chiến. Dù muốn tránh cũng không thể tránh được. – Phạm Chí Dũng
Một điểm cần chú ý nữa là từ năm 2014, Việt Nam gia tăng tốc độ nhập khẩu vũ khí. Năm 2014 trùng với thời điểm giàn khoan HD-981 vào khu vực Biển Đông, được coi như ‘một cái tát nổ đom đóm’ vào mặt Bộ chính trị Việt Nam. Đó cũng là năm quan hệ Việt- Trung đi vào chiều sâu căng thẳng cho tới bây giờ.
Có thể nói năm 2014 cũng là năm điểm ngoặc của xu hướng Việt Nam không còn có thể đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc mà dần phải ngả sang Mỹ. Đến năm 2017, khi xảy ra vụ mỏ cá Rồng Đỏ mà Trung Quốc gây sức ép không cho Việt Nam cùng Repsol của Tây Ban Nha khai thác. Việt Nam lúc đó đã phải cầu cứu Mỹ.”
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm thì ba quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam là Nga (78%), Israel (9,1%) và Belarus (4,1%). Như vậy Nga hiện là nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Việt Nam.
Năm 2018, nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Nga từ ngày 5/9 đến 8/9, ông Trọng và Tổng thống Nga Putin cam kết sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước, và Việt Nam đã đặt mua hơn một tỷ đô la vũ khí và dịch vụ quân sự từ Nga.
Thạc sĩ Hoàng Việt từng bày tỏ lo ngại khi Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng cung cấp vũ khí cho Trung Quốc:
Những vũ khí đấy Nga vừa bán cho Việt nam vừa bán cho Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc nhiều tiền hơn, mua loại hiện đại hơn. Mà Trung Quốc cũng nổi tiếng là mua rồi bắt chước. Thành ra e rằng nếu xung đột thực sự xảy ra thì Trung Quốc có thể vô hiệu hóa các loại vũ khí của Việt Nam(mua từ Nga).”
Ngoài Nga, Việt Nam thời gian qua cũng mua vũ khí từ một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Israel. Năm ngoái Việt Nam cũng đã ký các hợp đồng mua gần 100 triệu đô la vũ khí từ Mỹ.
Hôm 18/11/2018, Tờ Thời Báo Ấn Độ loan tin cho biết chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ thực hiện được khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD mà Ấn Độ đã cam kết cho Hà Nội vay để tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, nhân chuyến thăm 3 ngày đến Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, ông Ram Nath Kovind. Phía Việt Nam cho biết có thể sẽ dùng khoản vay này cho các mục đích khác như phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, nhưng Ấn Độ nói với Hà Nội rằng khoản vay chỉ được dùng cho mục đích hợp tác quốc phòng.
Cuối năm 2018, thông tin từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết Việt Nam sắp thiết lập thêm một nhà máy sản xuất và sửa chữa vũ khí trong một loạt các nhà máy dự định được thiết lập trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2025. Việc này được Bộ Quốc phòng cho biết là nằm trong kế hoạch nhằm hiện đại hóa quân đội đến năm 2025.
Trung tá quân đội, bác sĩ Đinh Đức Long nói về chủ trương hiện đại hóa quân đội và việc nhập vũ khí:
“Tin chính thống thì tôi chưa được nghe nhưng tôi nghĩ rằng hiện đại hóa quân đội là chủ trương xuyên suốt trong nghị quyết của đảng rồi. Trước tình hình trong khu vực, nhất là Biển Đông mà Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn chiếm bằng quân sự thì Việt Nam chọn đối sách bên ngoài thì mềm mỏng nhưng bên trong vẫn xây dựng lực lượng vũ trang theo chủ trương chính quy, hiện đại từng bước theo kịp thế giới. Nhập một số vũ khí mà xưa nay chưa có. Đấy là phương cách cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo.”
Việt Nam chọn đối sách bên ngoài thì mềm mỏng nhưng bên trong vẫn xây dựng lực lượng vũ trang theo chủ trương chính quy, hiện đại từng bước theo kịp thế giới. – Đinh Đức Long
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định rằng khi một nước gia tăng đột ngột nhập khẩu vũ khí có nghĩa nước đó cần phải nâng cao sức đề kháng chiến đấu. Ở Việt Nam gọi là sẵn sàng chiến đấu và tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, ở nước ngoài gọi là tình trạng phòng vệ quốc phòng cao. Có nghĩa Việt Nam đang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh. Vậy tình huống chiến tranh là chiến tranh với ai?
“Tất nhiên không thể chiến tranh với Mỹ hay các nước khác mà chỉ có thể là chiến tranh với Trung Quốc.”
Ông kết luận rằng từ phúc trình của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm có thể thấy một vấn đề rất thú vị và rất đáng lo ngại, đó là trong những năm tới có thể xảy ra chiến tranh Việt – Trung, bởi chỉ cần có cuộc xung đột ở quy mô vừa cấp chiến dịch giữa Mỹ và Trung Quốc thì tất yếu phải kéo theo Việt Nam tham chiến. Dù muốn tránh cũng không thể tránh được.
Trước thông tin Việt Nam đặt mua số lượng vũ khí lớn của Mỹ với tổng trị giá gần 100 triệu USD, bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 2/8/2018 rằng ‘chính sách quốc phòng của Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước, đóng góp vào hòa bình ổn định của khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên’.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-suddenly-increase-imports-of-weapons-dt-03122019131901.html

Đầu tư vào Mỹ vì tấm thẻ xanh

Nguyễn Xuân Nghĩa
Hôm Thứ Ba mùng năm Tháng Ba tuần trước, nhật báo The Wall Street Journal của Hoa Kỳ có một bài viết khá lạ kỳ, theo đó, ngành phát triển địa ốc Mỹ đang tìm tới giới đầu tư tại Việt Nam vì một lợi thế là tư bản rẻ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này….
Đầu tư và di dân
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau một tháng nghỉ phép, Nguyên Lam xin được trở lại với tạp chí Diễn đàn Kinh tế và xin được hỏi chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về một bài báo tuần trước trên tờ The Wall Street Journal liên hệ tới việc ngành phát triển địa ốc của Mỹ đang chiêu dụ giới đầu tư từ Việt Nam vì một lợi thế là nguồn tư bản rẻ. Dù bản tin ít được chú ý, người ta cũng thấy một sự lạ là giới đầu tư tại Việt Nam đang được mời chào vào một mảng thị trường của Mỹ. Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết, chúng ta có thể tham khảo bài viết của kỷ giả Konrad Putzier theo mạch dẫn sau đây:
https://www.wsj.com/articles/real-estate-developers-look-to-vietnam-for-cheap-financing-11551794400
- Sau khi tìm hiểu sự kiện, tôi thấy ra nhiều yếu tố đáng chú ý vì tính chất rắc rối. Đầu tiên, Hoa Kỳ có một quy chế mới từ Đạo Luật Di Dân (Immigration Act of 1990) do Tổng thống George H. W. Bush ban hành vào cuối năm 1990 theo đó  Mỹ lập ra phương pháp cho phép giới đầu tư nước ngoài có cơ hội là “thường trú nhân” tại Hoa Kỳ, nôm na là “có thẻ xanh” hay “green card”. Quy chế này được gọi tắt là “Hộ chiếu EB-5” hay EB-5 Visa, là tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay “employment-base”, thuộc loại ưu tiên thứ năm. Muốn hưởng quy chế đó, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay “Targeted Employment Area”, TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.
- Hai mục tiêu cơ bản của quy chế tiếp nhận di dân này là khuyến khích đầu tư của nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Người nước ngoài muốn tham gia chương trình đó phải hoặc tự đầu tư lấy hoặc hùn vốn vào một trung tâm địa phương có nguồn tư bản lớn hơn đã được Sở Di Trú thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ chấp nhận.
Muốn hưởng quy chế tiếp nhận di dân vì cơ sở nhân dụng hay “employment-base”, nhà đầu tư ngoại quốc phải đem vào tối thiểu một triệu đô la để tài trợ một doanh nghiệp có tiềm năng tạo ra ít nhất là 10 việc làm tại Mỹ. Một khoản đặc miễn là chỉ đầu tư chừng nửa triệu đô la thôi trong một khu vực nhân dụng ưu tiên hay “Targeted Employment Area”, TEA, như nông thôn hay vùng bị thất nghiệp cao.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Chúng ta đều biết mỗi khi phân tích một hồ sơ, kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa thường tìm ngược lên bối cảnh sâu xa của vấn đề, nhưng ít ai ngờ là câu chuyện đầu tư còn liên hệ đến quy chế di dân. Xin đề nghị ông trình bày thêm.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hồ sơ EB-5 này khá phức tạp và vẫn đang gây tranh cãi, nhưng ta nên tìm hiểu tiếp về bài báo nói trên. Giới đầu tư ngoại quốc hưởng ứng chương trình này thường nhắm vào  khu vực địa ốc hay các ngành tạo ra việc làm và đa số là nhà đầu tư Trung Quốc. Chẳng hạn như theo cuộc khảo sát của Savills Studleys, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ địa ốc Mỹ, thì vào năm 2014, có 10.692 nhà đầu tư ngoại quốc được thẻ xanh qua chương trình đó mà 9.128 người là đến từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ rất cao là 85,4%. Vào thời gian đó tỷ lệ của người Việt chỉ ở khoảng 1% mà thôi – theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là 121 người.
Nguyên Lam: Tức là năm năm trước, nhà đầu tư Việt Nam chưa có gì là đáng cho người ta chú ý và các đại gia Trung Quốc mới gây ra chuyển động. Thế rồi, thưa ông, vì sao giới đầu tư của Việt Nam lại đang được người ta chiếu cố?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo các cuộc khảo sát năm năm trước thì có bốn nước tham gia nhiều nhất vào chương trình đầu tư và di trú này, là Trung Quốc. Nam Hàn, Đài Loan và Vương quốc Anh Thống nhất, với Trung Quốc dẫn đầu.
- Bây giờ, ta bước qua khía cạnh kinh tế là quy luật cung cầu. Sau khi tràn ngập thị trường địa ốc Mỹ vì doanh lợi hay vì yêu cầu di trú, giới đầu tư có lắm tiền của Trung Quốc lại đụng vào đỉnh. Quy chế EB-5 có hạn ngạch cho giới đầu tư của từng quốc gia để không xứ nào có thể khống chế thị trường Mỹ. Hạn ngạch đó dẫn tới hậu quả là thời gian chờ đợi để được thẻ xanh. Ban đầu, nhà đầu tư từ Trung Quốc chỉ đợi dăm ba tháng, nhưng theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì người đệ nạp hồ sơ vào Tháng 10 của năm 2018 vừa qua có thể chờ đợi 14 năm!
- Chúng ta cũng nên kể thêm hai yếu tố tác động khác, là nhiều cơ sở phát triển địa ốc Mỹ bị phá sản sau khi nhận tiền của giới đầu tư nước ngoài theo quy chế EB-5, tức là đã có vi phạm quy luật kinh doanh hay luật lệ và cơ quan thẩm xét đầu tư chứng khoán là SEC đã có điều ta. Thứ hai là mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì vậy, số lượng doanh gia Trung Quốc tham gia quy chế EB-5 này tuột dốc thê thảm. Nhưng cũng nhờ đó mà giới đầu tư từ Việt Nam trở thành đối tượng được các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ chiếu cố.
Nguyên Lam: Thưa ông, ngoài yếu tố chủ quan là vấn đề trong ngành phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ, phải chăng người ta còn thấy ra một yếu tố khách quan khác? Như đà tăng trưởng cao của kinh tế Việt Nam và sự xuất hiện của một thành phần người Việt có tiền đầu tư ra nước ngoài, ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng có hai yếu tố khách quan nói trên, chưa kể tới sự kiện là Việt Nam và Hoa Kỳ đang cải tiến quan hệ song phương như bài báo đã viết. Ngoài ra, tôi thiển nghĩ còn có một hiện tượng sâu xa trong chế độ di trú của Hoa Kỳ, là xã hội Mỹ e ngại di dân đến từ Trung Quốc nên ngấm ngầm nhận di dân từ Việt Nam. Sau 1975, chúng ta ít thấy xuất hiện các “China Town” trong khi những trung tâm gọi là “Little Saigon” lại mọc như nấm.
- Trở lại bài báo tuần qua của tờ Wall Street Journal, tác giả nói đến hai yếu tố khác. Thứ nhất là người Việt Nam khó được hộ chiếu hay chiếu khán vào Mỹ; thứ hai là nỗi lo bất ổn kinh tế và chính trị tại Việt Nam khiến ai có tiền đều tìm một bãi đáp khác ở nước ngoài. Vì vậy, họ tìm cách đầu tư vào thị trường Mỹ và chấp nhận một mức lời thấp hơn. Với các cơ sở phát triển địa ốc Mỹ, đấy là một nguồn tài trợ rẻ hơn, và là trọng tâm của bài báo.
Tình hình có lac quan?
Nguyên Lam: Nhìn từ giác độ của người Việt Nam nói chung, ông nhận xét thế nào về câu chuyện quá rắc rối này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, Hoa Kỳ hình thành và phát triển nhờ di dân nhưng mỗi thành phần tiếp nhận di dân lại chú ý tới một số khía cạnh có lợi cho họ nên thể hiện thành chính sách nhập cư với nhiều hậu quả bất ngờ khác nhau.
- Do đó, Hoa Kỳ ngày nay mới có cuộc tranh luận về chính sách di dân với những lý luận chủ quan, đôi khi có tà ý. Thí dụ điển hình của gian ý chính trị là việc nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump có chủ trương kỳ thị di dân gốc Việt và đòi trục xuất những người vi phạm luật lệ về nước. Điều này rất sai nhưng không thuộc phạm vi kinh tế của diễn đàn chúng ta.
- Thứ hai, đặc tính thực dụng của xã hội Hoa Kỳ khiến họ tiếp nhận di dân có lợi cho nước Mỹ trong khi vẫn nói về giá trị nhân bản của việc đón nhận thành phần cùng khốn trên thế giới. Giá trị nhân bản đó là điều có thật, nếu chúng ta nhớ tới người tỵ nạn Việt Nam sau biến cố 1975, nhưng không thể quên rằng họ đã từng bị kỳ thị và ngăn chặn vì lý do chính trị trong chính trường Hoa Kỳ vào thời đó.
- Đâm ra nước Mỹ có hai ba mặt khác biệt, một là dân Mỹ hằng tâm hằng sản rất bao dung cứu giúp người khác, nhưng Chính quyền Hoa Kỳ lại nghĩ tới quyền lợi sâu xa của nước Mỹ và nhiều vị dân cử trong chính quyền đó thì lo cho việc tái đắc cử. Và mặt thứ ba là các doanh gia Mỹ rất bén nhạy nhìn ra cơ hội làm tiền. Cơ hội đó là các đại gia có tiền tại Việt Nam muốn tìm một bãi đáp tại Mỹ.
Nguyên Lam: Nếu Nguyên Lam hiểu không lầm về mấy điểm tổng kết vừa qua của ông  thì hình như ông không mấy lạc quan. Có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Doanh trường có nhiều cơ sở bị phá sản vì tội lạc quan!
Nếu muốn vào Mỹ vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc.-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Người ta có thể lạc quan, rằng vì mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đại gia Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc tìm ra bãi đáp an toàn tại Mỹ để vừa có thẻ xanh cho gia đình vừa có cơ hội làm giàu trên thị trường địa ốc Hoa Kỳ tại New York hay California, vốn dĩ không là các khu vực nông thôn hay nơi có mức thất nghiệp cao. Sự thật là ngoài các doanh gia bén nhạy tại Mỹ khéo chiêu mộ giới có tiền để làm giàu cho chính họ, các vấn đề có sẵn trong quy chế nhập cư EB-5 sẽ gây ra thay đổi, như tiền đầu tư chẳng là nửa triệu mà cao hơn, hay thời hạn để có thẻ xanh sẽ là năm bảy năm, bất kể tới quốc tịch của nhà đầu tư.
Nguyên Lam: Kết luận của ông về bài báo của tở Wall Street Journal và về triển vọng đầu tư tại Hoa Kỳ của người Việt Nam là như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Về đại thể, đầu tư là hiện tượng “nước chảy chỗ trũng”, là giới có tiền luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền, sau khi nghiên cứu để xác định nơi đầu tư có lợi nhất. Trong vụ này, giới đầu tư từ Việt Nam có hai mục tiêu là 1/ gia đình được quy chế thường trú nhân tại Mỹ, mà 2/ vẫn tốn ít tiền hay mất ít thời giờ chờ đợi hơn là qua ngả khác trong khi vẫn có triển vọng làm giàu thêm.
- Câu hỏi cần nêu ra là vì sao họ lại cần tìm bãi đáp tại Hoa Kỳ khi Việt Nam đang có đầy triển vọng như người ta vẫn nói?
- Thứ hai, muốn vào Mỹ với cánh rừng luật lệ bạt ngàn thì… “rừng nào cọp nấy”. Nếu muốn vào vì mục tiêu di trú thì nên tìm tới văn phòng luật sư am hiểu các quy định phức tạp của lĩnh vực này và chịu trả giá cho việc đó mà đừng lách luật vì sẽ rách việc. Từ đấy, bước kế tiếp mới là chọn ngả đầu tư qua diện EB-5 và đi vào một cánh rừng khác mà bài báo của tờ Wall Street Journal tuần qua nói tới. Khi đó người ta hiểu ra vai trò của các trung tâm hay cơ sở phát triển địa ốc Hoa Kỳ. Họ mời chào giới đầu tư Việt muốn vào Mỹ vì lý do nhập cư nên chờ đợi mức lời thấp khiến giới đầu tư sẽ là nguồn lợi cao cho các trung tâm này….
- Sau cùng, mọi ngành đầu tư đều nói đến “trào lưu thăng giáng” là lời và lỗ. Sau làn sóng Trung Quốc, trào lưu đầu tư để nhập cư vào Mỹ theo quy chế EB-5 vừa mở ra cho người Việt, nhưng cũng có nhiều rủi ro bất ngờ. Nếu theo dõi tình hình kinh tế Hoa Kỳ và di dân vào Mỹ, có lẽ nhà đầu tư Việt Nam sẽ đánh giá rủi ro chính xác hơn. Và may cho họ, Hoa Kỳ có một cộng đồng người Việt rất đông và rất am hiểu văn hóa và luật lệ Hoa Kỳ, kể cả trong lĩnh vực di trú và địa ốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/eb5-and-investing-in-america-03132019073004.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.