Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 13/03/2019

Wednesday, March 13, 2019 6:46:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 13/03/2019

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp hoàn tất

Mỹ và Trung Quốc có thể đang trong những tuần đàm phán cuối cùng để đạt một thỏa thuận nhằm giảm bớt tranh chấp thuế quan ăn miếng trả miếng, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói hôm thứ Ba.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế nhập khẩu lên các sản phẩm của nhau và việc này đã gây thiệt hại hàng tỉ đôla cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm chao đảo thị trường và làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng.
Mỹ đang thúc ép Trung Quốc chấm dứt các tập tục và chính sách mà họ nói rằng đã mang lại cho các công ty Trung Quốc những lợi thế không công bằng, bao gồm trợ cấp công nghiệp, giới hạn khả năng tiếp cận của các công ty nước ngoài và đánh cắp tài sản trí tuệ.
“Chúng tôi hi vọng chúng tôi đang trong những tuần cuối cùng để đạt một thỏa thuận,” ông Light Lighthizer, quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ, nói trong phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba, mặc dù ông cảnh báo là những vấn đề lớn vẫn còn tồn tại.
“Nếu những vấn đề đó không được giải quyết theo hướng có lợi cho Mỹ, chúng ta sẽ không có thỏa thuận.”
Các nhà lập pháp truy vấn ông Lighthizer để biết thêm chi tiết về việc chính quyền Trump có ý định giữ nguyên thuế quan để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ bất kì thỏa thuận nào hay không.
“Trọng tâm của cuộc đàm phán từ phía Trung Quốc là xóa bỏ” thuế quan của Mỹ, ông Lighthizer nói. “Nếu đó là một sự nhượng bộ, thì đó là điều đang được bàn luận.”
Mỹ đang giải quyết các vấn đề cơ cấu về quyền sở hữu tài sản trí tuệ “bằng sự chính xác” trong các cuộc đàm phán và sắp đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ, ông nói thêm.
Tiến bộ trong các cuộc đàm phán hồi tháng trước đã khiến Nhà Trắng hoãn vô thời hạn thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỉ đôla của Trung Quốc, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 2 tháng 3. Điều này dẫn đến nhiều kì vọng rằng sẽ có một thỏa thuận được kí kết, dù các quan chức chính quyền Trump cho biết hôm thứ Sáu rằng một cuộc gặp trực tiếp khác chưa được lên lịch.
https://www.voatiengviet.com/a/dam-phan-thuong-mai-my-trung-sap-hoan-tat/4826316.html

Đối đầu Mỹ-Trung và sự quay lại với thế giới lưỡng cực

Thụy My
Theo Financial Times, thế giới lưỡng cực đã quay lại với sự đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ; và công nghệ chứ không phải sức mạnh quân sự đang là cốt lõi của tình trạng chia rẽ này trên toàn cầu.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới chia làm hai khối « Phương Đông » và « Phương Tây », được định nghĩa là các quốc gia đứng về phía Matxcơva hay Washington.
Ngày nay, gần 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, căng thẳng tăng cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái tạo một ranh giới cho sự chia rẽ về địa chính trị. Các nước ngày càng được đòi hỏi phải tỏ rõ thái độ, hoặc đứng về phía Washington, hoặc ủng hộ Bắc Kinh.
Từ việc Ý tham gia « Một vành đai, Một con đường »…
Ví dụ mới nhất là thông tin trong tuần qua, rằng Ý sắp sửa trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 ký bản ghi nhớ về việc tham gia dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, được biết với tên gọi « Sáng kiến Một vành đai, Một con đường » (BRI) hay « Nhất đới, nhất lộ », « Con đường tơ lụa mới ».
Trong nhiều tiếng đồng hồ, một phát ngôn viên Nhà Trắng chỉ trích dự án này là « do Trung Quốc tạo nên vì Trung Quốc », cho rằng sẽ không mang lại lợi lộc gì cho nước Ý. Ngoại trưởng Trung Quốc phản bác, nhắc nhở người Mỹ rằng Ý là một quốc gia độc lập. Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị thăm nước Ý vào cuối tháng này để ký kết thỏa thuận.
Cuộc đấu khẩu dữ dội về việc Ý tham gia BRI chứng tỏ sự cạnh tranh Mỹ-Trung nay mang tính toàn cầu. Sức hút kinh tế và chính trị của Trung Quốc đã vượt ra ngoài « sân sau » là châu Á, vươn vòi đến tận châu Mỹ la-tinh và Tây Âu, những khu vực mà xưa nay vẫn được coi là nằm trong vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Trận song đấu Mỹ-Trung càng ngày càng công nhiên. Quyết định khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc của chính quyền Donald Trump đã kết thúc kỷ nguyên trong đó cả hai bên có thể nhấn mạnh rằng thương mại và đầu tư là lãnh vực trung lập, cần được tách rời khỏi cạnh tranh chiến lược.
…Đến sự bành trướng của Trung Quốc về hải cảng, viễn thông
Cùng lúc đó, tham vọng lớn lao của dự án « Một vành đai, một con đường » càng gây thêm lo ngại cho Washington, rằng Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu tiến lên hàng siêu cường. Nếu « Một vành đai, một con đường » thành công, thì toàn bộ hai lục địa Á-Âu sẽ trở nên gần gũi hơn với Bắc Kinh, có thể làm phương hại đến mối quan hệ thiết yếu lâu nay giữa hai bên bờ Đại Tây Dương.
Tại Washington, các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc nay đều được xem xét kỹ lưỡng về tầm ảnh hưởng chiến lược. Việc các công ty Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các hải cảng trên thế giới được nhìn qua lăng kính một địch thủ của Mỹ đang trỗi dậy trên biển. Và sự bành trướng quốc tế của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) đã trở thành một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn để giành thế thượng phong trong công nghệ và hoạt động gián điệp.
Các quan chức Mỹ trong những tháng gần đây không ngớt thúc giục những đồng minh của mình không nên cho phép Hoa Vi thiết lập mạng lưới 5G, khẳng định rằng đó là mối nguy hiểm không thể chấp nhận được về mặt an ninh.
Nhiều nước đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Nhật Bản và Úc, đã đứng hẳn về phía Mỹ trong vụ Hoa Vi. Nhưng một số nước khác như Anh thì vẫn đang cân nhắc. Nếu Luân Đôn cho phép Hoa Vi hoạt động tại thị trường của mình, sẽ gánh lấy rủi ro về an ninh, có thể tác hại đến thỏa thuận quý báu về trao đổi tin tức tình báo với Mỹ. Nhưng nếu cấm cản Hoa Vi, hy vọng của Anh về tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư với Trung Quốc sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, sẽ trở nên rất mong manh.
Trong thế kẹt giữa cuộc đối đầu Mỹ-Trung
Thật không dễ chịu chút nào khi ở trong thế mắc kẹt giữa Washington và Bắc Kinh. Sau khi Canada tuân theo đòi hỏi bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Hoa Vi, phản ứng của Trung Quốc hết sức dữ dội. Chỉ vài ngày sau, ba công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giam, và nay các nhà quản trị Canada rất ngại sang Trung Quốc.
Tương tự, khi Seoul chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ về việc triển khai hệ thống chống tên lửa THAAD, đã bị trả đũa bằng việc khách du lịch Trung Quốc không còn đến Hàn Quốc, và các cửa hàng thuộc hệ thống Lotte của Hàn Quốc tại Hoa lục đành phải đóng cửa sau khi kiểm tra « không đạt tiêu chuẩn an toàn ».
Việc Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực trực tiếp lên các đồng minh có ký hiệp ước với Hoa Kỳ chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng tự tin hơn. Điều này phản ánh một sự cách biệt về năng lực kinh tế. Khi các nước nằm dọc theo « Một vành đai, Một con đường » đang cân nhắc xem có nên chấp nhận các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc hay không, thì phía Mỹ hầu như không đưa ra đề nghị nào để thay thế. Cũng không có một công ty Mỹ nào giới thiệu giải pháp cạnh tranh với công nghệ 5G của Hoa Vi.
Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, thế mạnh của Hoa Kỳ thường về an ninh hơn là thương mại. Nhiều nước trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc nay buôn bán với Trung Quốc nhiều hơn là với Hoa Kỳ ; tuy nhiên những nước này vẫn trông cậy vào sự bảo vệ về quân sự của Mỹ.
Ưu thế an ninh, thương mại và thế giới lưỡng cực mới
Hoa Kỳ có thể tự làm hại đến ưu thế về an ninh nếu tổng thống Donald Trump cứ luôn đòi các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự. Nhưng hiện nay Trung Quốc chưa có đề nghị bảo đảm an ninh nào cho các đối tác. Kết quả là một thế giới lưỡng cực khó thể được hình thành trên cơ sở các liên minh quân sự đối địch như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, khi khối Hiệp ước Vacxava đối đầu với khối NATO.
Thay vào đó, công nghệ có thể trở thành cơ sở cho một sự chia rẽ mới của toàn cầu. Đã từ lâu, Trung Quốc cấm cửa Google và Facebook, còn nay thì Hoa Kỳ đang vất vả trong việc ngăn chận Hoa Vi. Với mối quan ngại ngày càng tăng về việc kiểm soát và truyền dữ liệu qua biên giới, áp lực sẽ tăng lên đối với các nước. Họ phải chọn lựa giữa môi trường công nghệ Mỹ và Trung Quốc, và có thể nhận ra rằng cả hai đang ngày càng tách biệt.
Tuy nhiên theo Financial Times, một sự chia rẽ được khởi đầu bằng công nghệ, sẽ không dừng lại ở đây. Ngày nay dữ liệu và thông tin là cơ sở cho hầu hết các dạng thức kinh doanh và hoạt động quân sự.
Thế giới lưỡng cực Hoa Kỳ-Liên Xô của chiến tranh lạnh trước đây đã bị thay thế bằng kỷ nguyên toàn cầu hóa. Và nay bản thân quá trình toàn cầu hóa đang bị đe dọa bởi sự tái xuất hiện của một thế giới lưỡng cực mới : Hoa Kỳ-Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190313-doi-dau-my-trung-va-su-quay-lai-voi-the-gioi-luong-cuc

Quân đội Mỹ

không đưa nhân viên ngoại giao khỏi Venezuela

Quân đội Mỹ “không được yêu cầu” tham gia hỗ trợ đưa các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ khỏi Venezuela.
Một chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ về khu vực đã nói như vậy với Reuters, và cho biết thêm rằng các nhà ngoại giao sẽ rời Venezuela bằng các phương tiện mang tính thương mại.
“Hiện giờ chúng tôi chưa được yêu cầu hỗ trợ công tác sơ tán”, đô đốc Craig Faller, người đứng đầu Bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Mỹ, trả lời hãng tin Anh hôm 12/3.
Cùng ngày, Venezuela đã yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải rời nước này trong vòng 72 tiếng.
XEM THÊM:
Quốc hội Venezuela tuyên bố ‘tình trạng báo động’
Trước đó, Mỹ thông báo rút toàn bộ các nhà ngoại giao còn lại khỏi Venezuela vì tình hình xấu đi ở quốc gia Nam Mỹ, nhất là việc mất điện kéo dài.
Đặc sứ của Mỹ về vấn đề Venezuela, ông Elliott Abrams, nói với các phóng viên tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng việc rút nhân viên ngoại giao không phản ánh sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ hay giảm bớt sự cam kết của Hoa Kỳ đối với người dân Venezuela.
Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc hậu thuẫn thủ lĩnh đối lập Juan Guaido và tăng cường gây áp lực lên Tổng thống Nicolas Maduro.
https://www.voatiengviet.com/a/qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4ng-%C4%91%C6%B0a-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-ngo%E1%BA%A1i-giao-kh%E1%BB%8Fi-venezuela/4826795.html

Mỹ tính cho tàu sân bay năng lượng hạt nhân

về hưu sớm vì TQ?

Mỹ dự tính sẽ cho một tàu sân hiện đại của nước này về hưu sớm hàng chục năm trước khi vòng đời kết thúc, động thái được cho là nhằm bổ sung thêm ngân sách chế tạo các vũ khí mới và hiện đại hơn trong kịch bản đối đầu với Trung Quốc trong tương lai.
Hải quân Mỹ ngày 12/3 phát đi thông báo về ngân sách hoạt động dự kiến cho năm tài khóa 2020, cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là sẽ cho về hưu tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN 75) thay vì tiếp tục kế hoạch đại tu vũ khí này vào năm 2024 vốn đã được cấp ngân sách trước đó”. Thông báo đề cập tới việc Mỹ đã có kế hoạch được nâng cấp, và tái nạp lò phản ứng hạt nhân giúp tàu di chuyển.
Breaking Defense dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng đưa ra động thái trên dường như là để phân bổ lại ngân sách từ việc cải tạo tàu, chuyển sang chế tạo các vũ khí mới giúp Mỹ có được lợi thế trước các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc, trong kịch bản đối đầu xảy ra trong tương lai. Theo đó, việc cho về hưu tàu Truman dường như có thể giúp tiết kiệm 30 tỷ USD trong 25 năm.
“Các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trở thành thách thức chính cho an ninh và thịnh vượng của Mỹ, yêu cầu sự ưu tiên và những lựa chọn chiến lược khó khăn”, Hải quân Mỹ lý giải.
Một số nguồn thạo tin nói rằng quyết định cho tàu Truman về hưu sớm hàng chục năm dường như xuất phát từ quyền Bộ trưởng Quốc phòng Pat Shanahan. Điều này dường như phù hợp với cam kết trước đó của Lầu Năm Góc rằng họ sẽ chủ động đầu tư vào các hệ thống vũ khí hiện đại, tiên tiến.
Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ vẫn giữ ý định sẽ tiếp tục kế hoạch mua thêm 2 tàu sân bay lớp Ford.
Theo Breaking Defense, dù tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh của quân đội Mỹ và rất khó bị đánh chìm, tuy nhiên sự phát triển của các hệ thống vũ khí đối thủ dường như cũng gây nên những mối đe dọa nhất định cho các vũ khí này.
USNI News dẫn lời các chuyên gia hải quân nói rằng các tàu sân bay Mỹ ở thời điểm hiện tại cần hoạt động cách đất liền Trung Quốc ít nhất gần 1.900 km để nằm ngoài tầm tấn công của các tên lửa chống hạm Bắc Kinh trong kịch bản 2 nước xảy ra đối đầu.
Ngoài ra, Mỹ dường như đang hướng tới việc chế tạo các tàu không người lái thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đánh lạc hướng hỏa lực đối phương. Khi xảy ra tấn công, thiệt hại những vũ khí này gặp phải là rất nhỏ với hư hỏng của tàu sân bay, ít nhất về mặt chi phí, nhân lực.
Kế hoạch ngân sách này dự kiến sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Quốc hội Mỹ khi một số nghị sĩ đã lên tiếng không đồng thuận.
http://biendong.net/bi-n-nong/26830-my-tinh-cho-tau-san-bay-nang-luong-hat-nhan-ve-huu-som-vi-tq.html

Hoa Kỳ : Donald Trump muốn tăng ngân sách quốc phòng

Tú Anh
Trong dự luật ngân sách Mỹ năm 2020, tổng thống Donald Trump dự kiến thêm 5% cho quân đội, củng cố hệ thống chống tin tặc, tăng lương cho quân nhân trong khi phần dành cho ngoại giao sẽ giảm 23%.
Chủ nhân Nhà Trắng kiên trì trong ý định xây bức tường biên giới chống di dân. Theo một viên chức của Lầu Năm Góc xin dấu tên, chi phí quân sự của Mỹ sẽ lên đến 750 tỷ đô la trong tài khóa 2020 bắt đầu từ tháng 10/2019. Trong số này có gần 67 tỷ tài trợ cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài từ Afghanistan, Irak, Syria cho đến Somalia…
Một ngân sách « khẩn cấp » gồm 9,2 tỷ đôla chia làm hai phần : 2 tỷ để tái thiết các căn cứ quân sự bị bão tố làm thiệt hại và 3,6 tỷ để xây hàng rào biên giới. Tổng thống Donald Trump còn dự kiến lấy 5 tỷ trong ngân sách bộ An Ninh Quốc Nội và nếu tính thêm 3,6 tỷ trong ngân
sách đã quyết trong năm 2019 thì ông có trong tay 12 tỷ đô la để xây bức tường ở biên giới Mêhicô, theo nguồn tin trên, được AFP trích dẫn.
Quân nhân các cấp lần đầu tiên từ mười năm nay được tăng lương đến 3,1%. Trái lại, bộ Ngoại Giao bị cắt ngân sách nặng nhất : giảm 23%.
Nghi án Nga-Trump
Cuộc điều tra về nghi án ban tham mưu của tổng thống Donald Trump, trước bầu cử 2016, cấu kết với Matxcơva để hạ đối thủ Hillary Clinton tiếp diễn.
Hôm nay 13/03/2019, cựu giám đốc ủy ban vận động của Donald Trump, ông Paul Manafort đối mặt với bản án thứ hai có thể lên đến 10 năm tù. Paul Manafort đang thọ án 47 tháng tù vì tội trốn thuế.
Cùng lúc, cựu cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, tướng Michael Flynn chấp nhận hợp tác với tư pháp cũng trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi án Nga-Trump thông đồng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190313-hoa-ky-donald-trump-muon-tang-ngan-sach-quoc-phong

Không quân Mỹ, Thái Lan, Singapore tập trận chung

Không quân Mỹ, Thái Lan và Singapore bắt đầu cuộc tập trận chung nhằm ứng phó mối đe dọa đối với tự do hàng hải ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận bắt đầu hôm qua 11.3 tại căn cứ không quân Thái Lan ở tỉnh Korat, cách Bangkok 250km về phía bắc. Đây là cuộc tập trận trong khuôn khổ cuộc tập trận COPE Tiger lần thứ 25 kéo dài trong hai tuần, theo trang Pacific Air Forces.
Có hơn 1.100 binh sĩ của 3 nước đồng minh tham gia cuộc tập trận sử dụng 76 máy bay quân sự với mục tiêu tăng cường khả năng liên kết và tác chiến của lực lượng không quân ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương.
“Cuộc huấn luyện chiến đấu này đảm bảo không quân Mỹ và hai đối tác thân thiết duy trì hoạt động chung”, đại tá không quân Mỹ Shannon Smith, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm COPE Tiger phát biểu.
“Cuộc tập trận huy động nhiều loại vũ khí chiến đấu điều khiển từ mặt đất và trên không, mô phỏng chính xác mục tiêu thực tiễn nhằm giúp không quân ba nước có thể phản ứng được tốt với thảm họa thiên tai hoặc mối đe dọa đối với việc tự do lưu thông hài hảng ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương”, theo ông Smith.

Lực lượng Mỹ tham gia tập trận gồm Đơn vị không lực 14 đóng tại căn cứ Misawa, Nhật Bản, kết hợp với Phi đội chim ưng F-16 được trang bị các máy bay chiến đấu và nhiều loại máy bay quân sự khác.
Bên cạnh mục tiêu huấn luyện lực lượng không quân, cuộc tập trận còn triển khai các hoạt động cộng đồng, giúp đỡ người dân Thái Lan, chăm sóc y tế và giao lưu văn hóa giữa các nước tham gia.
http://biendong.net/bi-n-nong/26817-khong-quan-my-thai-lan-singapore-tap-tran-chung.html

‘Gót chân Achilles’ khiến Mỹ thua thảm Nga, Trung

trong cuộc chiến giả định

Sự phụ thuộc quá mức vào căn cứ và chiến hạm lớn khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước tên lửa đối phương trong xung đột quy mô lớn.
“Trong các kịch bản chiến tranh giả định của chúng tôi, Mỹ gần như thảm bại khi đối đầu với Nga và Trung Quốc”, National Interest ngày 11/3 dẫn lời chuyên gia David Ochmanek thuộc tổ chức tư vấn RAND phát biểu trong buổi tọa đàm tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS). “Các loại siêu vũ khí của chúng tôi có quá nhiều gót chân Achilles”.
Theo Ochmanek, nguyên nhân của thất bại này là quân đội Mỹ hiện phụ thuộc quá mức vào các căn cứ quân sự và chiến hạm lớn để vận hành những loại máy bay chiến đấu tàng hình yêu cầu nhiều công nghệ, thiết bị hỗ trợ đi kèm.
“Các căn cứ quân sự trên đất liền và chiến hạm trên biển là những mục tiêu dễ bị tổn thương khi bị tấn công bằng tên lửa tầm xa”, chuyên gia này nhận định. “Những thứ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng phức tạp ở căn cứ như đường băng, kho xăng dầu cũng đứng trước thách thức rất lớn. Các mục tiêu di chuyển trên mặt biển cũng vậy”.
Ông cho biết trong các tình huống giao tranh mô phỏng, quân đội Mỹ mất rất nhiều sinh mạng, vũ khí, khí tài và thường không đạt được mục tiêu ngăn cuộc tấn công của đối phương.
“Không quân và hải quân Mỹ có thể trở thành nạn nhân của vũ khí siêu vượt âm như Avangard của Nga. Các hệ thống phòng thủ hiện tại của Mỹ không đủ khả năng đối phó với vũ khí có tốc độ bay nhanh gấp 20 vận tốc âm thanh này”, cựu đại tướng Howard Thompson cảnh báo tại cuộc tọa đàm.
Cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work thì cho rằng tên lửa đối phương cũng là mối đe dọa lớn nhất với ưu thế trên không của Mỹ trong các cuộc giao tranh quy mô lớn. Đòn tấn công tên lửa chớp nhoáng nhằm vào đường băng tại các căn cứ không quân sẽ khiến tiêm kích F-35 không thể cất cánh.
“Trong mọi kịch bản mà tôi biết, tiêm kích tàng hình F-35 thống trị bầu trời khi cất cánh, nhưng nó liên tục bị tiêu diệt ngay trên đường băng với số lượng lớn”, Work nói. Gần 100.000 binh sĩ Mỹ đóng tại châu Âu cũng có thể bị máy bay chiến đấu, tên lửa hay máy bay không người lái đối phương tấn công.
Năng lực tác chiến trên không gian mạng của Trung Quốc cũng là mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ. Work cho biết trong các tình huống mô phỏng tác chiến điện tử và chiến tranh mạng, đối phương thường vô hiệu hóa các hệ thống mạng của Mỹ hiệu quả đến mức không ai có thể làm gì.
“Mỗi khi chúng tôi bắt đầu cuộc diễn tập giả định, kẻ địch gần như phá hủy hệ thống chỉ huy, kiểm soát của chúng tôi, khiến chúng tôi phải ngừng lại lập tức”, Work cho biết. Ochmanek giải thích rằng các cơ quan đầu não của quân đội Mỹ bị gây nhiễu và tấn công mạng đến mức “bị chế áp, nếu không muốn nói là tan rã”.
Work nói rằng người Trung Quốc gọi đây là “chiến tranh hủy diệt hệ thống” và họ “lên kế hoạch tấn công mạng lưới tác chiến Mỹ ở mọi tầng nấc, không ngừng nghỉ cũng như luyện tập kế hoạch này mọi lúc”.
Quân đội Mỹ gần đây nỗ lực thay đổi cấu trúc lực lượng và tái trang bị vũ khí để tập trung vào đối phó nguy cơ nổ ra chiến tranh quy mô lớn với các cường quốc, sau nhiều thập kỷ chống phiến quân ở Trung Đông. Các chuyên gia cảnh báo quân đội Mỹ có thể phải chi tới 24 tỷ USD trong những năm tới để khắc phục các “gót chân Achilles” được chỉ ra trong các tình huống chiến tranh giả định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26823-got-chan-achilles-khien-my-thua-tham-nga-trung-trong-cuoc-chien-gia-dinh.html

Lầu Năm Góc giới hạn

số lượng người chuyển giới trong quân đội

Ngày 12/3, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ký một bản ghi nhớ sẽ thực thi các biện pháp hạn chế số lượng người chuyển giới phục vụ trong quân đội, một chính sách từng gặp nhiều thách thức tại các tòa án.
Theo bản tin Reuters, chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/4 và sẽ cấm hầu hết người chuyển giới phục vụ trong quân đội, nếu họ cần điều trị bằng hormone hoặc phẫu thuật chuyển giới.
Bản ghi nhớ có chữ ký của ông David Norquist, hiện là quan chức số 2 tại Lầu Năm Góc, sẽ cho phép các trưởng đơn vị đưa ra trường hợp miễn trừ dựa trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Vào tháng 7 năm 2017, Tổng thống Donald Trump loan báo lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội. Sau đó, ông đã chấp thuận các khuyến nghị của Lầu Năm Góc trong việc hạn chế lệnh cấm đối với các cá nhân có tiền sử mắc bệnh rối loạn định dạng giới, được định nghĩa là “những người có thể cần phải điều trị y tế nhiều”, và cho phép một số trường hợp ngoại lệ.
Chính sách này đã bị hoãn lại vì nhiều lần bị thách thức tại tòa án. Nhưng hồi tháng 1 năm nay, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã hủy bỏ một số phán quyết của các tòa cấp dưới cho tới nay vẫn cản trở chính sách này, và cho phép nó trở nên hiệu lực.
Quyết định của Tổng thống Trump, cấm một số thành phần binh sĩ chuyển giới đã đảo ngược một chính sách có tính cột mốc vào năm 2016 của người tiền nhiệm của ông bên đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Barack Obama, cho phép người chuyển giới lần đầu tiên được công khai phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ và được chăm sóc y tế để chuyển đổi giới tính.
Quyết định trên đã bị Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, một thành viên đảng Dân chủ, mạnh mẽ chỉ trích vào cuối ngày 12/3.
Reuters dẫn lời bà Pelosi nói trong một tuyên bố:
“Quyết định của Tổng thống Trump, khôi phục một lệnh cấm mù quáng, đáng lên án chống lại các quân nhân chuyển giới là một cú giáng, tấn công vào những người yêu nước muốn bảo vệ an toàn cho chúng ta, và cũng là một cuộc tấn công vào những lý tưởng cơ bản nhất của đất nước chúng ta”
Bà Pelosi nói thêm rằng quan điểm của ông Trump đại diện cho những định kiến, chứ không phải lòng yêu nước.
Ông Trump đã viện dẫn ưu tiên tập trung vào quân đội và chi phí y tế để khôi phục chính sách hạn chế người chuyển giới phục vụ trong quân đội.
Một cuộc nghiên do Lầu Năm Góc yêu cầu thực hiện vào năm 2016 để tìm hiểu tác động của sự hiện diện của các binh sĩ chuyển giới trong quân đội, kết luận rằng tác động đó không đáng kể về chi phí và tình trạng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Vào thời điểm đó ước tính có khoảng 2.450 binh sĩ chuyển giới trong quân đội.
Những người ủng hộ người chuyển giới chỉ trích chính sách của ông Trump. Reuters dẫn lời ông Aaron Belkin, Giám đốc Trung tâm Palm về quyền của người LGBT, nói:
“Chính quyền Trump quyết tâm quay trở lại với chính sách ‘không hỏi, không nói’, một chính sách buộc các quân nhân phải chọn lựa một là phục vụ đất nước, hai là nói lên sự thật về họ là ai”.
https://www.voatiengviet.com/a/lau-5-goc-gioi-han-so-luong-nguoi-chuyen-gioi-trong-quan-doi/4827399.html

Mỹ-Taliban thỏa thuận những điểm chính

về việc rút quân khỏi Afghanistan

Thu Hằng
Vòng đàm phán thứ năm giữa Mỹ và các đại diện của phe Taliban đã kết thúc ngày 12/03/2019 ở Doha, Qatar. Sau 16 ngày đối thoại (bắt đầu từ ngày 25/02), được đánh giá là « có nhiều tiến bộ thực sự », hai bên đã thảo được văn kiện đầu tiên gồm một số điểm chính liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình từ Kabul :
Cuộc chiến chống khủng bố và việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan là hai điểm chính của chương trình nghị sự trong suốt 16 ngày thương lượng ở Doha.
Cả ông Zalmay Khalilzad, đặc phái viên của Mỹ về hòa bình ở Afghanistan, cũng như nhóm đại diện của phe Taliban, đều không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về lịch trình rút quân nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Không có bất kỳ điểm mới nào về hai vấn đề dường như đã thu hút hết mọi chú ý trong vòng đàm phán thứ năm này.
Dù sao hai bên ra về với bản phác thảo thỏa thuận sơ bộ. Đặc phái viên của Mỹ sẽ trình văn bản này lên chính quyền Washington. Phía Taliban cho biết sẽ có các cuộc họp ở cấp cao nhất của họ để bàn về chủ đề này, trước khi có vòng đàm phán tiếp theo, dù chưa xác định ngày cụ thể.
Theo thông cáo của phe Taliban, vấn đề ngừng bắn và mời chính quyền Afghanistan tham gia đàm phán ở Doha đã không được đề cập đến. Thông tin này trái ngược với phát biểu của đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad.
Chính phủ Afghanistan hiện vẫn bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình. Phe Taliban luôn coi chính quyền Kabul là con rối trong tay Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190313-my-taliban-phac-diem-chinh-ve-viec-rut-quan-nuoc-ngoai-khoi-afghanistan

CIA bị nghi ngờ dính líu đến vụ tấn công

sứ quán Bắc Triều Tiên ở Madrid

Báo El Pais, số ra ngày 13/03/2019, cho biết, theo điều tra của cảnh sát và tình báo Tây Ban Nha, dường như cơ quan tình báo Mỹ CIA dính líu đến vụ tấn công sứ quán Bắc Triều Tiên tại Madrid, ngay trước ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump lần hai ở Hà Nội, Việt Nam.
Các nhà điều tra Tây Ban Nha đã nhận diện được ít nhất là 2 trong số 10 kẻ tham gia vụ tấn công và những người này có liên hệ với CIA.
Vụ tấn công xẩy ra vào chiều ngày 22/02/2019. Một nhóm khoảng 10 người đã đột nhập vào sứ quán Bắc Triều Tiên, tại số nhà 43 phố Dario Aparicio, khu vực Moncloa-Aravaca, ở thủ đô Madrid, gần trụ sở cơ quan tình báo trung ương Tây Ban Nha. Những kẻ tấn công đã bắt trói 8 nhân viên làm việc trong sứ quán, đánh đập và thẩm vấn họ, rồi sau đó tẩu thoát, lấy đi nhiều máy tính và điện thoại di động. Một phụ nữ đã trốn thoát qua cửa sổ báo cho người hàng xóm và người này đã gọi điện báo cảnh sát.
Vụ việc khá bí ẩn bởi vì khi một nhân viên cảnh sát Tây Ban Nha gõ cửa sứ quán thì một người ăn mặc lịch sự, đeo huy hiệu có hình Kim Jong Un ra mở cửa và khẳng định là trong sứ quán, mọi việc bình thường. Tuy nhiên, khi quan sát khu vực xung quanh sứ quán thì viên cảnh sát nhìn thấy có hai chiếc xe hơi sang trọng mang biển số ngoại giao lao vọt đi rất nhanh và một trong hai người lái xe là người vừa trả lời viên cảnh sát. Hai chiếc xe này sau đó bị bỏ lại ở gần cơ quan đại diện Bắc Triều Tiên.
Qua phân tích hình ảnh camera an ninh trong khu vực, thẩm vấn những người bị bắt làm con tin trong sứ quán và dựa theo các dấu vết trên hai chiếc xe hơi bị bỏ lại, các nhà điều tra Tây Ban Nha đã nhận diện được một số người trong nhóm tấn công sứ quán Bắc Triều Tiên và những kẻ này có liên hệ với CIA. Các nguồn tin của chính phủ Tây Ban Nha cho báo El Pais biết, khi được đề nghị giải thích, CIA đã bác bỏ các cáo buộc. Theo giới điều tra Tây Ban Nha, các trả lời của CIA « không mấy thuyết phục ».
Sứ quán Bắc Triều Tiên ở thủ đô Madrid mở cửa hoạt động từ tháng 10/2013, với đại diện là ông Kim Hyok Chol. Sau các vụ bắn thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, chính quyền Tây Ban Nha vào ngày 25/09/2017, đã trục xuất nhà ngoại giao này.
Kim Hyok Chol là một trong số các quan chức Bắc Triều Tiên tham gia chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Trump lần hai được tổ chức trong các ngày 27 và 28/02 vừa qua, tại Hà Nội.
Giới điều tra Tây Ban Nha nghi ngờ những kẻ tấn công sứ quán Bắc Triều Tiên tại Madrid muốn tìm kiếm các thông tin liên quan đến ông Kim Hyok Chol.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190313-cia-bi-nghi-ngo-dinh-liu-den-vu-tan-cong-su-quan-bac-trieu-tien-o-madrid

TT Trump: Máy bay hiện đại ‘phức tạp, gây nguy hiểm’

Tổng thống Trump hôm 12/3 lên tiếng về sự phức tạp của máy bay hiện đại, sau khi xảy ra hai vụ tai nạn liên quan tới loại Boeing 737 Max 8 trong vòng 5 tháng.
AP cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ dường như phán đoán về nguyên nhân gây ra vụ rớt máy bay trước cả khi các chuyên gia hàng không ở Mỹ cũng như ở các nước khác hoàn tất việc điều tra.
Ông Trump lên tiếng giữa lúc nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, quốc gia sở hữu nhiều máy bay Boeing 737 Max 8 nhất, đã quyết định ngưng sử dụng loại máy bay này.
Ông Trump tweet rằng “máy bay ngày càng trở nên quá phức tạp để bay” và rằng “các phi công không cần thiết nữa mà thay vào đó là các nhà khoa học về máy tính từ MIT [Viện Công nghệ Massachusett].
Nhà lãnh đạo Mỹ viết thêm rằng “sự phức tạp này gây ra nguy hiểm” và cản trở các phi công ra “các quyết định trong tích tắc” để đảm bảo sự an toàn của các hành khách, theo AP.
XEM THÊM:
Mỹ: Máy bay Boeing 737 MAX 8 vẫn an toàn
“Tôi không biết quý vị thế nào, chứ tôi không muốn Albert Einstein làm phi công của tôi”, ông Trump tweet.
Bình luận của nguyên thủ Mỹ được đưa ra trong khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ xem xét tương lai của ngành hàng không trong một cuộc điều trần tại quốc hội sáng 12/3.
Dân biểu Dina Titus thuộc phe Dân chủ nói rằng bà “gặp khó khăn diễn giải điều tổng thống nói”.
Nhà lập pháp này nói bà không rõ là đoạn tweet của ông Trump nhắm vào Boeing, các phi công, Einstein hay công nghệ nói chung, nhưng đây “không phải là thái độ đúng đắn vào lúc này”.
Ông Patrick Smith, một phi công lái máy bay Boeing 767, cho rằng đoạn tweet của ông Trump cho thấy một suy nghĩ sai rằng máy tính lái máy bay trong khi các phi công chỉ ở đó để hỗ trợ.
Dân biểu cộng hòa Sam Graves, một phi công, nói rằng ông Trump cũng “có lý” nhưng “nếu đào tạo các phi công vận hành hệ thống thì không quá phức tạp”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-n%C3%B3i-m%C3%A1y-bay-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-ph%E1%BB%A9c-t%E1%BA%A1p-g%C3%A2y-nguy-hi%E1%BB%83m-/4826755.html

Nữ diễn viên Fecility Huffman

bị xử trong vụ ‘chạy trường’ cho con

Fecility Huffman, ngôi sao phim Desperate Housewives là một trong 40 người bị buộc tội trong vụ gian lận nhập học vào trường danh tiếng của Hoa Kỳ.
Vụ án khám phá ra các trường hợp gian lận trong tuyển sinh đại học và giả mạo hồ sơ để giúp các học sinh giành được các học bổng thể thao họ không xứng đáng có được.
Yale, Stanford và Georgetown là ba đại học danh tiếng nằm trong số các trường mà nhóm gian lận nhắm đến.
Tuy nhiên, không có gợi ý kiến rằng chính các trường này liên quan đến vụ sai phạm.
hChạy chức ở VN hóa ra cao quá ‘chuẩn thế giới’
Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?
TQ: ‘Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội’
Các bị cáo phần lớn là những người giàu có, bao gồm CEO của các công ty lớn.
Theo cáo trạng, diễn viên Fecility đã “đóng góp từ thiện” 15,000 đô la Mỹ để con gái đầu của cô được hưởng lợi từ vụ gian lận.
Fecility cũng được sắp xếp tham gia lần hai để làm điều tương tự cho cô con gái sau, nhưng cuối cùng cô đã quyết định không làm vậy.
Theo các tờ báo, một nhân chứng giả dạng đã gặp Fecility và chồng cô, diễn viên William H Macy tại nhà riêng và giải thích cho họ về vụ lừa đảo.
Theo đó, cặp vợ chồng này “đã đồng ‎ý với kế hoạch”.
Diễn viên Fecility Huffman sau đó xuất hiện tại tòa án Los Angeles hôm thứ Ba, nhưng đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 250,000 đô la Mỹ.
Chồng cô, William cũng có mặt tại tòa nhưng lại không bị truy tố.
Lori Loughlin, diễn viên chính trong bộ phim dạng sitcom ’Full House’ của Mỹ truy tố, nhưng chưa bị bắt giam.
Được biết, Lori và chồng, nhà thiết kế thời trang Mossimo Giannulli – người cũng bị truy tố, “đã đồng ý trả hối hộ tổng cộng 500,000 đô la Mỹ để hai con gái của họ được nhận vào” đội chèo thuyền của Đại học Nam California (USC).
Hiện cả hai cô con gái của cặp vợ chồng đang theo học tại đây.
Trong khi đó, các công tố viên liên bang ở Boston đã buộc tội William “Rick” Singer, 58 tuổi, với tội danh điều hành vụ lừa đảo thông qua công ty Edge College & Career Network của ông ta.
Hôm thứ Ba, ông Singer đã nhận tội ở tòa án liên bang ở Boston, với các cáo buộc gian lận, rửa tiền và cản trở công lý.
Ông Singer có thể phải ngồi tù tới 65 năm và bị phạt hơn một triệu đô la Mỹ.
“Tôi chịu trách nhiệm hết. Chính tôi đã sắp xếp mọi thứ,” ông Singer nói tại tòa.
Dự kiến người này sẽ bị kết án vào tháng Sáu.
Tầm vóc vụ gian lận
Theo FBI, các huấn luyện viên thể thao tại một số trường khác nhau cũng tham gia vào vụ gian lận này.
Chẳng hạn như, huấn luyện viên môn bóng đá nữ tại Đại học Yale đã nhận hối lộ 400,000 đô la để nhận một sinh viên – người thậm chí không chơi môn thể thao này vào đội.
Theo đó, các bậc phụ huy đã trả cho công ty Singer 1,2 triệu đô la để sắp xếp vụ hối lộ này.
Tổng cộng, 33 phụ huynh, 13 huấn luyện viên thể thao và các cộng sự của công ty Singer đã bị buộc tội.
Theo các nhà chức trách, các bậc phụ huynh bao gồm Fecility và Lori đã trả từ vài nghìn đến 6,5 triệu đô la cho công ty của Singer, giúp ông ta kiếm được khoảng 25 triệu đô la từ năm 2011 đến năm 2018.
Theo FBI, để thực hiện các vụ gian lận, các nhân viên của công ty của Singer đã làm bài thi thay cho thí sinh, đưa câu trả lời hoặc sửa bài cho họ.
Công ty này cũng tạo hồ sơ thể thao giả cho các sinh viên bằng cách ghép ảnh mặt sinh viên vào người vận động viên, nhằm giúp họ được nhận vào các đội thể thao của trường.
Ngoài một số trường hợp có liên quan, hầu hết các sinh viên không hề biết mình được nhập học nhờ cha mẹ đưa hối lộ.
Các báo tiếng Anh gọi đây là vụ ‘hối lộ vào đại học’ (college-entrance bribe), xảy ra ở địa hạt mà các công tố viên đã điều tra, gồm Massachusetts, California, Texas, Florida và Bắc Carolina.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47557626

Thống đốc California tạm dừng việc hành quyết

Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom sẽ công bố lệnh cấm thi hành án và tạm tha cho tất cả 737 tù nhân bị kết án tử hình tại tiểu bang này.
Truyền thông Hoa Kỳ cho biết ông Newsom dự định ký một lệnh hành pháp vào thứ Tư, mô tả án tử hình “không phù hợp với các giá trị nền tảng của chúng ta”.
California không thực hiện bất kỳ vụ hành quyết nào kể từ năm 2006, vì một loạt các cuộc đấu tranh tại tòa án về các phương thức xử tử đã được tiến hành.
Không tử tù nào sẽ được trả tự do.
Vẫn tử hình nhưng sao cho nhân đạo
Giáo Hoàng Francis phản đối án tử hình
Amnesty: ‘Án tử VN nhiều thứ ba thế giới’
Thống đốc Newsom nhậm chức vào tháng 1 và lệnh cấm tử hình là một trong những điều ông cam kết trong chiến dịch tranh cử.
“Tôi không tin rằng một xã hội văn minh có thể tự xưng mình là một lãnh đạo thế giới khi mà chính phủ của nước này tiếp tục việc hành quyết được phân định trước và tước đi mạng sống của người dân.” Ông nói trong một tuyên bố về ban hành lệnh hành pháp.
Động thái của Thống đốc Newsom cũng sẽ rút cách thức tiêm thuốc độc chết người của California và đóng cửa phòng xử tử của tiểu bang tại nhà tù San Quentin.
Hình phạt tử hình ở Mỹ
Theo tin của Trung tâm Thông tin án Tử hình (Death Penalty Information Center):
· Án tử hình hợp pháp tại 30 tiểu bang của Hoa Kỳ
· Tính từ năm 1976, tiểu bang Texas có nhiều vụ hành quyết nhất (560), tiếp theo là Virginia (113) và Oklahoma (112)
· Hiện có 2.738 tử tù ở Mỹ
· California có nhiều tử tù nhất, 737, nhưng mới chỉ có 13 vụ hành quyết kể từ năm 1976
Hai đề xuất của cử tri về việc chấm dứt án tử hình ở California thất bại vì không đạt được đa số phiếu ủng hộ trong những năm gần đây, với 48% ủng hộ năm 2012 và 47% năm 2016. Thống đốc Newsom ủng hộ cả hai đề xuất này.
Nhưng một đề xuất khác được bỏ phiếu vào năm 2016 đã giành được sự ủng hộ trong việc đòi tăng tốc các vụ hành quyết ở California.
Thống đốc California không có quyền bãi bỏ vĩnh viễn luật tử hình năm 1978 của tiểu bang. Muốn bãi bỏ luật này sẽ cần phải có một cuộc bỏ phiếu phổ thông ủng hộ sự thay đổi. Cơ hội kế tiếp theo cho một cuộc bỏ phiếu như vậy sẽ là vào cuộc bầu cử năm 2020.
Lệnh hoãn hành quyết Thống đốc Newsom hiện đang ban hành sẽ hết hạn khi ông rời nhiệm sở; nhiệm kỳ hiện tại của ông kéo dài đến tháng 1 năm 2023.
Hơn 900 người đã bị kết án tử hình ở California kể từ năm 1978 nhưng mới có 13 người bị xử tử.
79 người khác chết vì các nguyên nhân tự nhiên, và thêm 26 người tự tử, số liệu từ Bộ Cải chính và Phục hồi chức năng California cho thấy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47550217

Venezuela:

Mỹ phải rút hết nhân viên ngoại giao trong 3 ngày

Venezuela ngày 12/3 ra lệnh cho các nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi đất nước họ trong vòng 72 giờ, sau khi Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump “phá hoại” mạng khiến quốc gia OPEC này rơi vào tình trạng mất điện nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận.
Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza nói các nhà ngoại giao Mỹ trên đất Venezuela phải rời đi trong vòng ba ngày, sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ về việc duy trì “các khu vực lợi ích” ngoại giao ở hai nước.
“Sự hiện diện của các quan chức này trên đất Venezuela là nguy cơ cho hòa bình, thống nhất và ổn định của đất nước,” chính phủ nói trong một thông cáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Hai thông báo họ sẽ rút nhân viên khỏi Venezuela trong tuần này, nói rằng sự hiện diện của họ đã trở thành “một hạn chế đối với chính sách của Mỹ.”
Ông Maduro quy trách Washington là đã tổ chức điều mà ông nói là một cuộc tấn công mạng tinh vi nhắm vào các hoạt động thủy điện của Venezuela.
“Donald Trump chịu trách nhiệm cao nhất về cuộc tấn công mạng vào hệ thống điện của Venezuela,” ông Maduro nói trong một bài phát biểu phát sóng từ dinh Tổng thống Miraflores tối ngày thứ Hai.
“Đây là công nghệ mà chỉ có chính phủ Hoa Kỳ sở hữu.”
Washington đã đi đầu trong việc công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là Tổng thống chính danh của Venezuela, sau khi nhà lãnh đạo Quốc hội 35 tuổi này tự xưng là Tổng thống lâm thời vào tháng 1 và tuyên bố cuộc bầu cử năm 2018 mà ông Maduro tái đắc cử là giả hiệu. Hầu hết các nước ở Châu Âu và Châu Mỹ Latin đã theo chân Mỹ.
Ông Maduro, người nắm quyền kiểm soát quân đội và các định chế nhà nước khác cũng như được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn, tố cáo ông Guaido là con rối của Mỹ.
Julio Castro, thuộc tổ chức phi chính phủ mang tên Bác sĩ vì Sức khỏe, cho biết trên Twitter vào tối thứ Hai rằng 24 người đã chết trong các bệnh viện công cộng kể từ khi bắt đầu mất điện.
Với tình trạng mất điện kéo dài sang ngày thứ sáu, các bệnh viện chật vật tìm cách giữ cho các thiết bị hoạt động, thực phẩm bị thối rữa dưới sức nóng nhiệt đới và hàng xuất khẩu từ nhà máy dầu chính của đất nước bị ngưng trệ.
Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát hôm thứ Hai tuyên bố “tình trạng báo động” mang tính biểu tượng.
Điện có trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước vào ngày thứ Ba, kể cả một số khu vực không có điện kể từ thứ Năm tuần trước, theo những người mục kích và mạng xã hội.
Nhưng điện vẫn chưa cói ở một số nơi ở thủ đô Caracas và khu vực phía tây gần biên giới với Colombia.
https://www.voatiengviet.com/a/venezuela-my-phai-rut-het-nhan-vien-ngvoai-giao-trong-3-ngay/4826321.html

Mất điện diện rộng :

Juan Guaido hứa đưa Venezuela thoát khỏi « tăm tối»

Thu Hằng
Ngày 13/03/2019, Venezuela bước sang ngày thứ 6 mất điện trên diện rộng chưa từng có. Tình hình nghiêm trọng hơn khi nước sạch cũng trở nên khan hiếm.
Theo lời kêu gọi của tổng thống lâm thời tự phong, đông đảo người dân Venezuela đã tập trung ở Caracas vào chiều 12/03 để phản đối tình trạng cắt điện và cách quản lý của chính phủ Maduro. Trước đám đông, ông Juan Guaido hứa sẽ đưa Venezuela thoát khỏi « tăm tối ».
Thông tín viên RFI Benjamin Delille tường trình từ Caracas :
« Khu vực phía trước trung tâm thương mại Parque Crystal dần dần đông người kể từ sau 15 giờ. Một người phụ nữ giương một tấm biển lớn, trên đó ghi : « Đây không phải là một vụ phá hoại ».
Bà nói : « Tôi tin chắc rằng mọi chuyện là do chính phủ nói dối. Chính phủ không chú ý đến việc bảo trì dịch vụ công cộng. Và điều này không thể tha thứ được ».
Bầu không khí nặng nề, những khuôn mặt mệt mỏi vì bốn ngày không có điện. Và địa ngục vẫn chưa dừng ở đó, theo bà Maritza, sống ngay gần trung tâm thương mại. Bà cho biết : « Khu vực chúng tôi sống bị mất điện tới 40 giờ liên tiếp. Giờ thì chúng tôi đã có điện nhưng vẫn không có nước ».
Bên cạnh bà là người hàng xóm Ilena, cũng đang lo lắng vì bể chứa nước nhà bà gần như đã cạn. Thêm vào đó, bà cũng sợ lại bị mất điện : « Chúng tôi không hề muốn quen với tình trạng này. Hàng năm, chúng tôi vẫn tự nhủ là không thể rơi sâu hơn được nữa. Vậy mà chúng tôi đang rơi vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng hơn, rơi trong vô định ».
Tuy nhiên, bà Maritza lại hy vọng rằng « hồi kết đã đến ». Và bà không phải là người duy nhất tin vào điều đó. Dòng người dồn về đông hơn. Juan Guaido đến phát biểu trước đám đông.
Như mọi lần, ông được chào đón như một thiên sứ. Và để tiếp thêm hy vọng cho người ủng hộ, ông trấn an rằng hồi kết của cuộc khủng hoảng đang đến gần. Ông tự tin nói : « Chúng ta sẽ sớm cùng nhau đi tìm văn phòng của tôi ở Miraflores ».
Miraflores là phủ tổng thống, là pháo đài của Nicolas Maduro. Một canh bài rủi ro cho ông Guaido vì khu vực được quân nhân bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng nhà đối lập không có lựa chọn nào khác nếu ông muốn tiếp tục huy động dân chúng ».
Mỹ chuẩn bị trừng phạt thêm chính quyền Maduro
Trong khi chính quyền Maduro cáo buộc Mỹ phá hoại hệ thống điện lực của Venezuela với sự hỗ trợ của Juan Guaido, ngày 12/03/2019, Hoa Kỳ khẳng định sắp áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt « rất nặng » nhắm vào các cơ quan tài chính nước ngoài ủng hộ chế độ Nicolas Maduro. Theo AFP, Washington cũng sẽ nhắm đến khoảng 250 người ủng hộ ông Maduro bằng cách thu hồi thị thực của họ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190313-juan-guaido-hua-dua-venezuela-thoat-khoi-tam-toi

LHQ điều tra các vụ vi phạm chế tài Triều Tiên ở 20 nước

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang điều tra các hành vi vi phạm khả dĩ đối với các chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Triều Tiên ở khoảng 20 quốc gia, từ cáo buộc mua hạt nhân bí mật ở Trung Quốc đến môi giới vũ khí ở Syria và hợp tác quân sự với Iran, Libya và Sudan.
Báo cáo dài 66 trang của ban chuyên gia gửi cho Hội đồng Bảo an, mà AP có được hôm thứ Hai, cũng nêu chi tiết về sự xuất hiện của một chiếc xe Rolls-Royce Phantom, các xe limousine của Mercedes-Benz và xe Lexus LX 570, vi phạm lệnh cấm hàng xa xỉ.
Và báo cáo lưu ý một xu hướng trong việc Triều Tiên né tránh các chế tài là “sử dụng các cuộc tấn công mạng để buộc chuyển tiền một cách bất hợp pháp từ các tổ chức tài chính và các thị trường tiền ảo.”
Phần tóm tắt của báo cáo, mà AP có được từ đầu tháng 2, cho biết các chương trình hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên “vẫn nguyên vẹn” và các nhà lãnh đạo nước này đang phân tán các cơ sở thử nghiệm và lắp ráp phi đạn để ngăn các cuộc tấn công “chặt đầu.”
Báo cáo đầy đủ nói “tổ hợp hạt nhân Yongbyon vẫn hoạt động,” lưu ý rằng hình ảnh vệ tinh cho đến hết tháng 11 cho thấy hoạt động đào các kênh nước và xây dựng một tòa nhà mới gần cơ sở xả nước của lò phản ứng. Hình ảnh vệ tinh cũng “cho thấy hoạt động khả dĩ của phòng thí nghiệm hóa phóng xạ và nhà máy hơi nước liên quan,” báo cáo nói.
Về các chế tài thương mại, các chuyên gia cho biết họ tiếp tục điều tra hai công ty Trung Quốc trong danh sách đen chế tài của Mỹ – Namchogang Trading Corp và Namhung Trading Corp – và các công ty bình phong có liên hệ và các đại diện của họ “về các hoạt động mua sắm hạt nhân.”
Các chuyên gia nói họ cũng đang tiếp tục “nhiều cuộc điều tra về các hoạt động bị cấm” giữa Triều Tiên và chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Assad. Các cuộc điều tra này bao gồm việc các công dân Syria được nói là đứng ra làm môi giới vũ trang thay mặt cho Triều Tiên “với một loạt nước Trung Đông và Châu Phi, được nói là cung cấp vũ khí thông thường và, trong một số trường hợp, phi đạn đạn đạo, cho các nhóm vũ trang ở Yemen và Libya,” ban chuyên gia nói.
Các cuộc điều tra cũng bao gồm những người Triều Tiên làm việc cho các “thực thể” bị chế tài và cho các nhà máy quốc phòng của Syria, báo cáo nói.
https://www.voatiengviet.com/a/lien-hiep-quoc-dieu-tra-cac-vu-vi-pham-che-tai-trieu-tien-o-20-nuoc/4826311.html

Liên Hợp Quốc điều tra xe siêu sang của ông Kim Jong Un

Các giám sát viên việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đang điều tra các vụ mua bán xe siêu sang Rolls-Royce, Mercedes-Benz và Lexus của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Ông Kim thu hút sự chú ý của các chuyên gia về các biện pháp trừng phạt khi ông tới cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10 năm ngoái trên một chiếc limousine Rolls-Royce Phantom mới tinh.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore với Tổng thống Donald Trump tháng Sáu năm ngoái, đoàn của ông Kim di chuyển bằng xe sang Mercedes-Benz không có biển số.
Gần đây nhất, trong khi tới Việt Nam, ông Kim cũng được chuyên chở trên một chiếc xe giống với chiếc dùng ở Singapore.
XEM THÊM:
Sau cam kết ở VN, TT Trump ‘thất vọng’ nếu Bắc Hàn thử tên lửa
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Bắc Hàn xuất khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có than, nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng có doanh thu dùng cho chương trình vũ khí.
Việc bán xe sang, du thuyền và trang sức cho Triều Tiên cũng bị cấm từ năm 2013, và danh sách các mặt hàng xa xỉ bị cấm khác cũng đã được mở rộng trong các đợt trừng phạt sau đó.
Theo AFP, chuyện dùng những chiếc xe xa xỉ tại hội nghị thượng đỉnh bị coi là sự bất chấp của ông Kim đối với các biện pháp trừng phạt quốc tế, trong bối cảnh Bắc Hàn đã kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp đỡ đối phó với tình trạng thiếu hụt lương thực.
https://www.voatiengviet.com/a/li%C3%AAn-h%E1%BB%A3p-qu%E1%BB%91c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-xe-si%C3%AAu-sang-c%E1%BB%A7a-%C3%B4ng-kim-jong-un/4826810.html

LHQ : Chương trình hạt nhân,

đạn đạo của Bắc Triều Tiên vẫn y nguyên

Thu Hằng
Bắc Triều Tiên vẫn giữ nguyên các chương trình hạt nhân và đạn đạo bất chấp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Trong báo cáo hàng năm gửi lên Hội Đồng Bảo An ngày 12/03/2019, nhóm điều tra độc lập còn khẳng định Bình Nhưỡng có nhiều cách khác để lách lệnh trừng phạt.
Theo Yonhap, nhóm điều tra phân tích chương trình hạt nhân và đạn đạo dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp lại ba khu vực Yongbyon, Pyongsan và Kangson.
Khu phức hợp nguyên tử Yongbyon vẫn hoạt động với lò phản ứng có công suất 5 MW được khai thác từ tháng 12/2015. Ngoài ra còn có nhiều dấu hiệu khác như đào thêm các rãnh thoát nước, một tòa nhà được xây bên cạnh hệ thống thoát nước từ lò phản ứng và một tòa nhà khác được xây ở phía tây lò phản ứng nước nhẹ.
Tại khu mỏ uranium Pyongsan, công việc loại bỏ và chở đất đá cho thấy hoạt động khai thác mỏ vẫn được tiếp tục. Còn tại Kangson, không có thay đổi đáng chú ý quanh cơ sở được cho là làm giầu uranium, trừ một số hoạt động định kỳ của các loại xe tải hạng nặng.
Ngoài kết luận chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên không suy suyển, nhóm điều tra độc lập còn khẳng định Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức các nghị quyết trừng phạt của Hội Đồng Bảo An bằng cách tăng cường trao đổi bất hợp pháp xăng dầu và than đá bằng cách sang mạn từ tầu này sang tầu khác ở ngoài khơi.
Họ sử dụng những « kỹ thuật tránh bị phát hiện ngày càng tân tiến hơn » như dùng danh tính đánh cắp của những con tầu khác để cải trang cho tầu của họ, điều chỉnh việc truyền tín hiệu nhận dạng tự động, sử dụng tầu bè nhỏ và không có số hiệu, chuyển hàng lậu vào ban đêm…
Cuối cùng, Bắc Triều Tiên vẫn tìm cách bán vũ khí cỡ nhỏ và nhiều trang thiết bị quân sự khác cho Libya, Sudan và quân nổi dậy Houthi ở Yemen.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190313-lhq-chuong-trinh-hat-nhan-dan-dao-cua-bac-trieu-tien-van-y-nguyen

FIFA nghiên cứu khả năng 48 đội tranh tài ở World Cup

Một nghiên cứu khả thi của FIFA cho thấy World Cup 2022 có thể mở rộng tới 48 đội bằng cách sử dụng thêm ít nhất một trong những nước láng giềng của Qatar làm chủ nhà bổ sung, và nghiên cứu cũng kết luận rằng dù có rủi ro pháp lý thấp khi thay đổi mô hình nhưng có thể tạo thêm 400 triệu đô la doanh thu.
Associated Press (AP) đã được xem một bản sao của báo cáo dài 81 trang hôm 11/3 trong đó đánh giá các vấn đề chính trị, hậu cần và pháp lý xung quanh việc tăng thêm 16 đội – một thay đổi đáng kể đối với mô hình hơn tám năm sau khi Qatar giành được quyền đăng cai. Báo cáo được chuẩn bị bởi tổ chức bóng đá thế giới để Hội đồng FIFA có thể đồng ý về nguyên tắc mở rộng giải đấu tại một cuộc họp ở Miami vào ngày 15/3. Một quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 6.
Nghiên cứu này xác định rằng các sân vận động ở Bahrain, Kuwait, Oman, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể được sử dụng nhưng cho biết Qatar sẽ phải thông qua các quốc gia mà họ sẽ hợp tác.
Bahrain, Ả Rập Saudi và UAE đã cắt đứt quan hệ kinh tế, ngoại giao và du lịch với Qatar trong năm 2017, và điều này ngăn cản các chuyến bay giữa các nước. Nghiên cứu còn cho biết FIFA nhận thấy rằng cuộc cãi vã chính trị đang diễn ra ngăn cản sự tham gia của họ vào giải đấu. Tuần trước, AP cho biết FIFA đã xem Kuwait và Oman là các lựa chọn cho giải đấu vào năm 2022, do tính trung lập của họ trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Hiện tại, bản chất của các mối quan hệ của Bahrain, Ả Rập Saudi và UAE với Qatar là rất khó khăn để tổ chức một giải đấu được đồng tổ chức giữa Qatar và một hay nhiều quốc gia trong số các quốc gia đó,” nghiên cứu cho biết.
“Các nước ứng viên đồng chủ nhà sẽ phải được xem là có thể hợp tác đầy đủ,” nghiên cứu cho biết thêm. “Các nước đồng chủ nhà như vậy sẽ không cấm vận hoặc tẩy chay về mặt kinh tế hoặc bất kỳ điều gì khác đối với quốc gia đồng chủ nhà tiềm năng nào khác, bao gồm cả nước chủ nhà chính, Qatar.”
Với những thách thức về mặt hậu cần cho kế hoạch hiện tại để tổ chức 64 trận đấu ở tám sân vận động trải rộng trên bán kính 30 dặm ở Qatar, FIFA cho biết cần có hai đến bốn địa điểm bổ sung trong khu vực với một hoặc nhiều quốc gia.
FIFA quy định rằng bất kỳ quốc gia bổ sung nào cũng sẽ phải có những đảm bảo của chính phủ, bao gồm cả các vấn đề nhân quyền.
Sự tham gia của các nước chủ nhà láng giềng bổ sung sẽ đòi hỏi phải có một số điều kiện nhất định, đặc biệt là sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan ở nước chủ nhà chính, Qatar,” báo cáo của FIFA cho biết. “Do đó, FIFA không thể quy định cụ thể quốc gia nào sẽ là một phần của thỏa thuận đồng tổ chức với FIFA và Qatar tại thời điểm này.”
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các địa điểm có ít nhất 40.000 chỗ ngồi – cho các trận đấu tới vòng tứ kết – theo yêu cầu của các nhà thầu World Cup 2026 nhưng không đưa ra kết luận về sức chứa tối thiểu của sân vận động cho giải đấu năm 2022. Trong tám sân vận động bổ sung tiềm năng được xác định trong khu vực trong nghiên cứu của FIFA, chỉ có hai ở UAE, một ở Ả Rập Saudi và một ở Kuwait đáp ứng các yêu cầu cho giải đấu năm 2026.
Kể từ cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi năm 2010 bị điều tra vì sai phạm, FIFA đã phải thay đổi lịch trình. Giải đấu năm 2022 đã không còn được diễn ra vào thời điểm tháng 6-tháng 7 thông thường vì sức nóng mùa hè của Qatar, bất chấp sự kháng cự từ châu Âu vì các giải đấu của họ sẽ bị gián đoạn.
Việc mở rộng việc đăng cai ra ngoài Qatar cũng sẽ thay đổi bản chất của những gì đã được quảng bá là một World Cup nhỏ gọn mà không yêu cầu người hâm mộ thực hiện các chuyến bay giữa các trận đấu.
Nghiên cứu của FIFA cho thấy, mặc dù thêm vào 16 đội, giải đấu mở rộng vẫn có thể diễn ra trong vòng 28 ngày từ 21/11 đến 18/12. FIFA cho biết chất lượng thi đấu của giải sẽ không bị giảm nhiều với việc mở rộng này. Trong khi có tối đa bốn trận đấu mỗi ngày trong vòng chung kết World Cup 2018 ở Nga, FIFA cho biết giải đấu năm 2022 có thể có sáu trận đấu riêng biệt ngay từ đầu giải do có các đội bổ sung.
Đại hội FIFA đã đồng ý mở rộng giải đấu với 48 đội từ World Cup 2026 được đồng tổ chức ở Mỹ, Mexico và Canada. Mô hình tương tự được đề xuất, bắt đầu với một loạt trận vòng bảng gồm 16 bảng và mỗi bảng có 3 đội trước khi vào vòng 32 đội. Điều này đảm bảo rằng, mặc dù có thêm 16 đội, mỗi đội sẽ chỉ chơi tối đa 7 trận giống như mô hình 32 đội.
FIFA muốn hội đồng của mình đồng ý với kết luận của báo cáo rằng việc mở rộng World Cup Qatar 2022 lên 48 đội là khả thi với điều kiện các nước láng giềng tổ chức một số trận đấu.
FIFA và Qatar sau đó sẽ đệ trình một đề xuất cuối cùng lên Hội đồng FIFA và Đại hội FIFA vào tháng 6 để đưa ra quyết định cuối cùng về việc mở rộng, trong đó nhấn mạnh rằng Qatar là quốc gia chủ nhà chính thức.
Vào tháng 4, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino lần đầu tiên cho biết ông rất quan tâm đến việc mở rộng World Cup cho giải đấu năm 2022. Infantino, người kế nhiệm Sepp Blatter làm chủ tịch năm 2016, đã tổ chức các cuộc đàm phán trong khu vực, bao gồm cả tiểu vương của Qatar, về việc sử dụng các quốc gia bổ sung để đồng tổ chức World Cup.
https://www.voatiengviet.com/a/fifa-nghien-cuu-kha-nang-48-doi-tranh-tai-o-world-cup/4826016.html

Brexit: Quốc hội Anh bác bỏ lần thứ hai

 Thỏa thuận của Thủ tướng

Quốc hội Anh hôm 12/3/2019 thêm một lần nữa bác Thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Anh đề nghị với kết quả 391 phiếu chống trên 242 phiếu thuận.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Theresa May nhận thất bại trước Quốc hội về Thỏa thuận mà bà xây dựng.
Thủ tướng Anh trong phát biểu trước đó trước các nghị sỹ Quốc hội đã cảnh báo nước Anh có thể ‘không bao giờ rời khỏi EU’ nếu Thỏa thuận của bà lần này không được thông qua.
Trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra vào lúc 19:00 (GMT), Tổng Chưởng lý của Anh đã khuyến nghị rằng Thỏa thuận này vẫn mang một “rủi ro pháp lý” là nước Anh sẽ không có cách nào thoát ra khỏi vấn đề đảm bảo cuối cùng trên đường biên giới Ireland (hay Backstop) mà không có thỏa thuận của EU.
Trong khi đó, một số đảng phái chính trị, trong đó có cả đảng liên minh lẫn đảng đối lập đều đưa ra các lập trường được cho là bất thuận lợi với Thỏa thuận của Thủ tướng.
Thủ tướng Anh: Brexit ‘cần thêm một cú hích nữa’
Brexit: nhóm ủng hộ nêu điều kiện để Anh đàm phán
Brexit: Chính phủ Anh chao đảo trong sóng gió
Theresa May thoát hiểm phiếu bầu tín nhiệm
Đảng DUP trong liên minh cầm quyền với đảng Bảo Thủ đã tuyên bố từ chối Thỏa thuận.
Nhóm nghị sỹ đảng Bảo thủ hoài nghi về EU cũng kêu gọi các thành viên của mình không ủng hộ Thỏa thuận của Thủ tướng.
Đảng Lao động đối lập cũng xác nhận sẽ bác bỏ Thỏa thuận, với các đảng đối lập khác được dự kiến sẽ làm theo.
‘Tình huống rất khó khăn’
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
‘Scotland cần được trao thêm quyền lực’
‘Anh có quyền đơn phương hủy Brexit’
Các chuẩn bị cho ‘không có thỏa thỏa thuận’ hiện nay là quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng tôiMichel Barnier, nhà đàm phán Brexit của EU
Lãnh đạo EU đồng ý thỏa thuận Brexit
Bà May kêu gọi Anh chấp nhận thỏa thuận Brexit
Phát biểu ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng May nói các nghị sĩ nay sẽ có một cuộc bỏ phiếu tự do về việc nước Anh có nên rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29/3 hay không, và nếu không có thỏa thuận, liệu Brexit có nên bị trì hoãn hay không.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập, Jeremy Corbyne, nói rằng Thủ tướng bây giờ nên kêu gọi mở một cuộc tổng tuyển cử.
Chủ tịch Ủy ban 1922 của nhóm cao cấp trong đảng Bảo Thủ, Graham Brady, nói rằng nay là một “tình huống rất khó khăn” đối với chính phủ.
Nhà đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, viết trong một thông điệp trên Twitter:
“EU đã làm mọi thứ có thể để có được Thỏa thuận [nước Anh] rút ra khỏi EU. Sự bế tắc chỉ có thể được giải quyết ở phía Anh.
“Các chuẩn bị cho ‘không có thỏa thỏa thuận’ hiện nay là quan trọng hơn bao giờ hết đối với chúng tôi. “
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47547592

Brexit : Nghị viện Anh dọn đường xin tạm trú ?

Tú Anh
Hai tuần trước hạn kỳ Brexit, nước Anh tiếp tục chìm sâu trong bất trắc. Sau khi bác bỏ thỏa hiệp Brexit mà thủ tướng Theresa May đạt được vào giờ chót với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Nghị viện Anh phải cho biết có muốn Luân Đôn chia tay Bruxelles mà không cần hiệp định ? Nếu đa số nói « không » trong cuộc biểu quyết vào ngày thứ Tư 13/03/2019 thì qua hôm sau lại phải bỏ phiếu xin được « tạm hoãn ngày dọn nhà ».
Phản ứng của Liên Hiệp Châu Âu ra sao ?
Từ Nghị viện Strasbourg, đặc phái viên Quentin Dickinson tường thuật :
« Không phải vì dự đoán được kết quả mà chúng tôi không quan ngại sâu xa », nữ đại biểu Pháp Nathalie Griesbeck nhận định như trên. Đây là tâm trạng chung của giới chính khách châu Âu vào chiều thứ Ba tại Strasbourg. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chẳng hạn, cho rằng Liên Hiệp Châu Âu không tránh khỏi một cuộc « Brexit xấu nhất », nghĩa là không có thỏa thuận tiên quyết.
Hôm nay, thứ Tư , thủ tướng Anh đưa ra một kiến nghị mới với Hạ Viện, yêu cầu cho biết ý kiến về kịch bản Brexit không có thỏa thuận. Theo giới chuyên gia, Nghị viện Anh cũng sẽ bác bỏ giải pháp này vì đa số dân biểu sẽ quyết định theo tiếng nói của lương tâm và quyền lợi của quốc gia.
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier không mang một chút ảo vọng nào. Theo ông, đã đến lúc phải tăng tốc triển khai các biện pháp khẩn cấp, hạn chế phần nào tình trạng hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra trong 17 ngày tới đây do không có thỏa thuận. Michel Barnier lưu ý là không có thỏa thuận thì không có giai đoạn chuyển tiếp, do vậy cần phải chuẩn bị kỹ hơn.
Rất có thể, Quốc hội Anh sẽ yêu cầu thủ tướng Theresa May trở lại Bruxelles đàm phán xin triển hạn ở lại châu Âu hai năm, tính từ ngày 29 tháng Ba tới.
Tuy cần được biểu quyết nhất trí, 27 thành viên còn lại sẽ không hẹp hòi gì mà từ chối khẩn cầu của Luân Đôn. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu đặt ra ba điều kiện : Anh Quốc phải cho biết rõ là để làm gì, trong bao lâu và cơ may thành công như thế nào.
Cho đến giờ, các câu hỏi này khó có câu trả lời cụ thể.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190313-brexit-nghi-vien-anh-don-duong-xin-tam-tru

Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?

Laura BickerBBC News, Seoul
Trưng ra các dấu hiệu sắp phóng tên lửa, Kim Jong-un dường như đang thay đổi chiến thuật với Mỹ.
Này, Bắc Hàn – có chuyện gì thế? Các anh đang làm gì thế?
Là phóng viên chuyên về Triều Tiên, tôi thấy mình thường hỏi những câu nói trên, không khác gì với những gì tôi hỏi sau khi Thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa như dự đoán.
Hầu hết các hãng thông tấn quốc tế không được tự do vào Bắc Hàn và Dinh thự Ryongsong của Kim Jong-un thực sự không trả lời báo chí. Điều tốt nhất mà giới phân tích hoặc phóng viên có thể làm là đọc các tín hiệu đến từ Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn có cơ sở tên lửa ‘chưa khai báo’
Tên lửa Bắc Hàn ‘có thể tới bờ biển Anh’
Mỹ phạt hai nhà phát triển tên lửa Bắc Hàn
Bắc Hàn sắp phóng hỏa tiễn để thử phản ứng của Mỹ?
Và trong tuần vừa qua, chúng tôi đã có vô số tín hiệu. Những tín hiệu này khiến nhiều người tin rằng Kim Jong-un đang có tham vọng lớn và sẵn sàng phóng vệ tinh. Ông ta sẽ làm thế chứ? Và nếu vậy, chắc chắn điều đó sẽ gửi một thông điệp rất khác với cuộc công kích năm ngoái – dẫn đến hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử.
Các tín hiệu này bắt đầu bằng các báo cáo từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, cho hay công việc đang được triển khai tại Sohae, một trong những địa điểm phóng tên lửa chính của Bắc Hàn.
Bãi phóng này chưa bao giờ được sử dụng để phóng loại tên lửa khiến Donald Trump phải trút giận lên Twitter và mang lại cho Kim Jong-un biệt danh “Người đàn ông tên lửa”. Nhưng Sohae đã được sử dụng cho năm lần phóng vệ tinh – hai trong số đó đã thành công. Nó cũng từng được sử dụng để thử nghiệm một số động cơ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bắc Hàn.
Bình Nhưỡng bắt đầu tháo dỡ địa điểm này năm ngoái. Đây được coi là một cử chỉ thiện chí, dấu hiệu là Kim Jong-un sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng việc này bị dừng lại vào tháng Tám khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Bây giờ đã có bằng chứng từ các nguồn tin tình báo ở Hàn Quốc rằng Bắc Hàn dường như đang “xây dựng lại” cơ sở này.
Đây hẳn không phải là vấn đề lớn?
Sai rồi.
Cuối tuần trước, nhiều hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi chương trình Beyond Parallel của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) và 38 North cho rằng đây không phải đơn thuần là một công việc sửa chữa.
Cả hai nhóm lưu ý rằng một phần của bãi phóng đã được xây dựng lại với tiến độ rất nhanh.
Bệ phóng
Cổng trên giàn phóng tên lửa đóng – che giấu hoạt động trên giàn, giàn này hỗ trợ tên lửa trước khi phóng.
Tòa nhà chuyển giao gắn trên đường sắt – có thể di chuyển dọc theo đường sắt để chuyển vật liệu từ tàu đến bệ phóng.
Bệ thử động cơ
Cấu trúc động cơ hỗ trợ – được sử dụng để giữ động cơ tên lửa trong khi đang được thử nghiệm.
Mái nhà đã được sửa – che phủ khu vực dùng để chứa nhiên liệu tên lửa
Những hình ảnh sau đó cho phép giới phân tích kết luận rằng trạm phóng vệ tinh một lần nữa được đưa vào hoạt động.
Còn hơn thế. Chuyên gia Kiểm Soát vũ khí Jeffrey Lewis từ Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cùng nhóm của ông xem xét các hình ảnh vệ tinh chụp địa điểm ICBM của Bắc Hàn, gần Bình Nhưỡng, được gọi là Sanumdong.
Melissa Hanham thuộc One Earth Future, người làm việc với Jeffrey Lewis, nói: “Có một nhà kho khổng lồ và thật khó để theo dõi tất cả các hoạt động đang diễn ra. Nhưng chúng tôi có thể thấy rất nhiều xe tải và xe hạng nặng ra vào bãi đậu xe – những xe tải đó đủ lớn để chứa một tên lửa.”
Ngoài ra, vấn đề mấu chốt là sự hiện diện của một con tàu. Thông thường các tên lửa được vận chuyển bằng tàu hỏa từ Sanumdong đến Sohae.
“Chúng tôi chắc chắn đã nhìn thấy một chuyến tàu tại Sanumdong vào cuối tháng Hai. Chuyến tàu đã khởi hành hôm nay. Mọi người đang xem xét ga tàu ở Sohae,” bà nói.
Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Bắc Hàn, Stephen Biegun, đã cố gắng ngăn chặn những ý kiến rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng vệ tinh, chỉ trích “phán xét nhanh của rất nhiều chuyên gia nhằm đưa ra kết luận ngay lập tức về bất cứ điều gì xảy ra ở Bắc Hàn” .
“Việc rất nhiều người đang vội vàng đưa ra kết luận về tất cả những điều này không thể nào hiểu nổi. Không chỉ báo chí, mà còn là các viện nhiên cứu và giới phân tích,” ông Biegun nói hôm thứ Hai 11/3.
Mỹ nói rõ rằng việc Bắc Hàn phóng một tên lửa, ngay cả khi chỉ để phát triển chương trình không gian của họ chứ không phải để làm giàu kho vũ khí ICBM, sẽ khiến Donald Trump thất vọng.
Vì vậy, Kim Jong-un có thực sự mạo hiểm trước cơn thịnh nộ của một tổng thống khó lường và khiến mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Bắc Hàn lâm nguy?
Grace Lui thuộc Trung tâm Nghiên cứu Martin Centre for Nonproliferation Studies James Martin cho biết “chắc chắn có vẻ như họ có thể phóng một vệ tinh”.
“Tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc vào cách Trump và chính quyền Trump phản ứng với hoạt động này cho đến nay,” bà nói.
“Nếu rõ ràng rằng ông Trump sẽ hủy mối quan hệ Mỹ – Bắc Hàn hoàn toàn chỉ vì một vụ phóng tên lửa, thì Kim có thể sẽ không [phóng].
“Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Bắc Hàn có quyền phóng tên lửa, và phản ứng bất lợi từ Mỹ sẽ là kết quả của một lựa chọn vội vàng, diễn giải vụ phóng tên lửa như một hành động leo thang.”
Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã từng mâu thuẫn như vậy. Chính quyền Obama đã dành hai năm để đàm phán thông qua các kênh khác nhau với Bắc Hàn để đưa ra thỏa thuận đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân, đưa ra lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy gói viện trợ lương thực và các nhượng bộ khác. Thỏa thuận này được công bố vào ngày 29/2/2012, và được gọi là Thoả thuận Ngày nhuận.
Chỉ hai tuần sau, Bắc Hàn tuyên bố họ sẽ phóng một vệ tinh. Hoa Kỳ nói đó sẽ là một sự vi phạm thỏa thuận, nhưng Kim Jong-un – chỉ mới vài tháng trong vai trò lãnh đạo của mình – vẫn quyết định phóng vệ tinh, khiến thỏa thuận này thất bại.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói rằng Bắc Hàn có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tiếp theo nếu không giải trừ vũ khí hạt nhân. Việc phóng một vệ tinh sẽ vấp phải rủi ro trong thử thách sự kiên nhẫn của Donald Trump và sự lên án của quốc tế.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhớ là Bắc Hàn nhận thức rõ thế giới đang theo dõi mình. Bình Nhưỡng biết có những vệ tinh đang bay trên đầu, gửi những hình ảnh về hoạt động bí mật của họ cho các nhà phân tích ở Mỹ.
Vì vậy, hoạt động tại Sohae và Sanumdong có thể là một chiến thuật có chủ ý. Kim Jong-un có thể đang diễn trò để đạt được mục đích.
“Những hành động này dường như được thực hiện để thúc đẩy chính quyền Trump từng bước tiến tới đàm phán, một kế hoạch mà các quan chức Mỹ đã rõ ràng từ chối,” Adam Mount thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết.
“Bình Nhưỡng đang cho các quan chức Mỹ thấy rằng họ chỉ có ít cơ hội để chốt lại tình hình hiện tại.”
Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội, ông Trump dường như đã yêu cầu Bắc Hàn phải đáp ứng “tất cả hoặc không có gì” đối với thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Trong khi ông Kim luôn nói muốn thực hiện “từng bước”. Những khác biệt này về cơ bản là những gì dẫn đến việc cả hai bên rời khỏi bàn đàm phán mà không đạt thỏa thuận nào.
Ông Kim có thể đang cố gắng nhắc nhở ông Trump rằng cách tiếp cận này có nghĩa Bắc Hàn chưa phải đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào.
“Hình ảnh vệ tinh có thể cho chúng ta biết rằng Bình Nhưỡng đã thay đổi chiến thuật. Nó có thể cho chúng ta biết một phần tín hiệu họ đang gửi tới Washington”, ông Mount nói. “Nó cho chúng ta biết rằng các cuộc đàm phán đang bước vào một giai đoạn mới và cực kỳ bấp bênh. Nhưng nó không thể cho chúng ta biết toàn bộ câu chuyện hoặc ý định của Bắc Hàn trong những tuần tiếp theo.”
Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim, người luôn theo dõi sát sao những tín hiệu chính trị đó, đã đưa ra những gì nghe có vẻ như là một đe dọa. Ông cảnh báo rằng ông sẽ tìm kiếm một “con đường mới” nếu Mỹ đánh giá sai sự kiên nhẫn của ông.
Việc không đạt được thỏa thuận tại Hà Nội đã khiến cả hai nhà lãnh đạo suy ngẫm về tương lai của mình. Ông Kim có thể đang trưng ra mọi dấu hiệu của việc chuẩn bị phóng tên lửa, nhưng ông có thể không tiếp tục làm vậy.
Nếu ông ta làm như vậy, tương lai của mối quan hệ Trump-Kim có thể phụ thuộc vào việc những cái đầu lạnh nào sẽ thắng thế.
https://www.bbc.com/vietnamese/47549916

Đài Loan xoay xở để tránh bị Mỹ

 “cự tuyệt” thương vụ máy bay chiến đấu

Đài Loan đề xuất mua một phi đội máy bay chiến đấu mới của Mỹ, song hòn đảo này sẵn sàng nghe theo lời khuyên Washington về việc lựa chọn mẫu máy bay phù hợp.
Truyền thông Đài Loan tuần trước đưa tin cơ quan phòng vệ Đài Loan đã đưa ra đề xuất về việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ. Giá trị của hợp đồng mua sắm này ước tính khoảng 13 tỷ USD và nếu thương vụ được thông qua, Mỹ không chỉ cung cấp các máy bay F-16V cho Đài Loan, mà còn huấn luyện cho phi công trong 2 năm và cung cấp cả các tên lửa không đối không, không đối đất.
Ngày 11/3, quan chức cấp cao của cơ quan phòng vệ Đài Loan Shen Yi-ming chính thức xác nhận với báo chí rằng hòn đảo này đã gửi thư đề xuất với Mỹ từ hôm 27/2 về việc mua các máy bay chiến đấu mới. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là đề xuất này không nêu cụ thể mẫu cũng như số lượng máy bay chiến đấu mà Đài Loan muốn mua của Mỹ.
Thay vào đó, các chuyên gia quốc phòng và quan chức Mỹ sẽ đưa ra lời khuyên cho Đài Loan về việc nên mua loại máy bay nào và với số lượng bao nhiêu để phù hợp với hòn đảo này.
Trong một sự kiện gần đây, Thiếu tướng Tang Hung-an thuộc cơ quan phòng không Đài Loan cho biết các máy bay “F-15, F-18, F-16, thậm chí F-35” đều nằm trong phương án mua sắm của Đài Loan, “miễn là các máy bay này có thể giúp nâng cao năng lực phòng không của Đài Loan”.
Theo trang tin Defense News, việc Đài Loan cho phép Mỹ tư vấn về loại máy bay chiến đấu mà hòn đảo này nên mua có thể “nhằm đảm bảo rằng bất kỳ đề xuất nào do Đài Loan đưa ra về việc mua máy bay chiến đấu mới của Mỹ sẽ không bị từ chối giống như các đề xuất trước đây”.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Đài Loan từng đề nghị mua 66 máy bay General Dynamics F-16 mới của Mỹ, song bị Washington từ chối. Nhà Trắng khi đó chỉ đồng ý giúp Đài Loan nâng cấp phi đội gồm 140 máy bay F-16A/B Block 20 đã lỗi thời. Đây cũng là phi đội máy bay chiến đấu đầu tiên do Mỹ cung cấp cho không quân Đài Loan.
Theo truyền thông Mỹ, lý do khiến chính quyền Obama chưa sẵn sàng bán máy bay chiến đấu theo đề nghị của Đài Loan hồi năm 2011 có thể bắt nguồn từ sự nhượng bộ với Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã phản đối mạnh mẽ việc Washington cung cấp các trang thiết bị và vũ khí quân sự cho Đài Loan – hòn đảo mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời.
Kể từ sau đề xuất trên, Lockheed Martin, hãng sở hữu máy bay General Dynamics, đã làm việc theo hợp đồng trị giá 5,3 tỷ USD để nâng cấp phi đội F-16A/B Fighting Falcon của Đài Loan. Quá trình nâng cấp này dự kiến tiếp tục cho tới năm 2023.
Đài Loan xoay xở để tránh bị Mỹ “cự tuyệt” thương vụ máy bay chiến đấu – 2
Theo Defense News, ngoài các máy bay F-16, Đài Loan cũng bày tỏ sự quan tâm tới chính phủ Mỹ về các máy bay F-35 Lightning II của Lockheed Martin. Tuy vậy, Washington được cho là từ chối để Đài Loan tiếp cận với mẫu máy bay hiện đại này vì lo ngại công nghệ nhạy cảm của F-35 có thể rơi vào tay Trung Quốc.
Bắc Kinh được cho là đang tiến hành một chiến dịch gián điệp nhằm theo dõi Đài Loan và đã có những quan chức cấp cao của lực lượng phòng vệ Đài Loan bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc đại lục.
Theo một quan chức quân sự, lý do khiến Đài Loan hiện tại chọn mua máy bay chiến đấu F-16V thay vì F-35 hiện đại hơn là vì Mỹ chưa sẵn sàng bán F-35 cho Đài Loan trong vòng ít nhất 10 năm.
Ngoài ra, quan chức trên cho biết sẽ mất khoảng 8 năm để chế tạo F-35 cho Đài Loan cũng như huấn luyện các phi công Đài Loan sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc sẽ mất khoảng 18 năm trước khi Đài Loan có thể bắt đầu sử dụng F-35.
Nếu đề xuất mua F-16V được thông qua, Mỹ được cho là sẵn sàng bàn giao cho Đài Loan vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021. Trong bối cảnh Trung Quốc được cho là tăng cường năng lực quân sự, bao gồm tăng hơn 7% ngân sách phòng vệ thường niên và gần đây triển khai máy bay ném bom chiến lược cách Đài Loan chỉ 450 km, Đài Loan rất cần những máy bay chiến đấu mới để thay thế phi đội lỗi thời trước đây.
http://biendong.net/bi-n-nong/26829-dai-loan-xoay-xo-de-tranh-bi-my-cu-tuyet-thuong-vu-may-bay-chien-dau.html

TQ muốn giúp Venezuela

giải quyết nạn cúp điện gây rối loạn

Trung Quốc vừa đã đề nghị giúp đỡ Venezuela để khôi phục mạng lưới điện sau khi Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có những hành động ‘phá hoại’.
Hiện quốc gia Nam Mỹ đang rơi vào khủng hoảng ‘tăm tối’ vì thường xuyên mất điện lớn trên phạm vi chưa từng có từ trước đến nay, theo hãng tin Reuters.
Ông Maduro hiện vẫn đang duy trì sự kiểm soát của quân đội và các cơ quan nhà nước và có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.
Mất điện ở Venezuela: Cướp bóc khi tuyệt vọng gia tăng
Venezuela: ‘Lương mua được hai quả trứng’
Venezuela chìm vào tăm tối do mất điện
Venezuela: Đụng độ nổ ra khi Maduro chặn viện trợ
Ông Maduro nói Washington là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng đang diễn ra ở Venezuela, đồng thời cáo buộc lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là ‘con rối của Hoa Kỳ’.
Trải qua ngày thứ sáu kể từ khi bị cúp điện, nhiều bệnh viện Venezuela đang cố gắng duy trì hoạt động của các thiết bị y tế.
Thực phẩm dần bị thối rữa trong trời nóng nhiệt đới bên cạnh nhiều vấn đề khác nảy sinh cho sinh hoạt ở Venezuela.
Lưới điện sập ‘ vì bị tấn công mạng’
Phát biểu tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết bên Trung Quốc đã ghi nhận các báo cáo rằng lưới điện đã bị sập do tấn công mạng.
”Trung Quốc rất quan ngại về vấn đề này.”
”Trung Quốc hy vọng rằng bên Venezuela có thể sớm tìm ra được nguyên nhân và khôi phục lại mạng lưới điện cũng như trật tự xã hội. Trung Quốc sẵn sàng trợ giúp và hỗ trợ kỹ thuật Venezuela về vấn đề này.”
Tuy nhiên, ông Lục Khảng không nêu thêm chi tiết về kế hoạch giúp Venezuela.
Điện đã trở lại nhiều nơi trong cả nước vào thứ Ba 12/03, bao gồm một số khu vực mất điện kể từ thứ Năm tuần trước, theo một số nhân chứng và mạng xã hội.
Tuy nhiên, ở một phần của thủ đô Caracas và các khu vực phía tây gần biên giới với Colombia thì vẫn chưa cho thấy dấu hiệu trở lại của nguồn điện, theo Reuters.
Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez cho biết điện đã được khôi phục ở ‘phần lớn’ các vùng của Venezuela.
Theo Reuters, giới chuyên gia nói mất điện có thể là do sự cố kỹ thuật bởi các đường dây nối nhà máy thủy điện Guri ở đông nam Venezuela với lưới điện quốc gia.
Maduro đổ lỗi cho Washington vì đã tổ chức những gì ông nói là một cuộc tấn công mạng tinh vi vào các công tác thủy điện của Venezuela.
Trước đó, ông Maduro cáo buộc lãnh đạo đối lập và tổng thổng lâm thời tự phong Juan Guaidó tìm cách đảo chính với sự giúp đỡ của “bọn đế quốc Mỹ”.
Đáp lại, ông Guaidó viết trên Twitter rằng mất điện là vấn đề gây “hỗn loạn, lo lắng và tức giận”, và là “bằng chứng cho thấy sự kém hiệu quả của kẻ cướp ngôi”, và nói thêm rằng “ánh sáng sẽ trở lại” một khi ông Maduro bị truất quyền.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng vào cuộc và quy trách nhiệm vụ mất điện cho “sự kém cỏi của chế độ Maduro”.
TQ có gặp phe Guaido?
Gần đây, The Wall Street Journal đã đăng tải bài báo cho rằng một số quan chức ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc hội đàm tại Washington với đại diện của Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập, do lo ngại về các dự án dầu mỏ ở Venezuela và khoản nợ 20 tỷ giữa Caracas và Bắc Kinh.
Nhưng Trung Quốc đã sớm bác bỏ thông tin này và gọi nó là ”thông tin giả”, theo Reuters.
Còn ông Elliot Abrams, người được Tổng thống Donald Trump giao nhiệm vụ phụ trách nỗ lực giải quyết khủng hoảng Venezuela, nói với một phiên điều trần quốc hội rằng đã có một số trao đổi giữa Trung Quốc và phe đối lập Venezuela.
”Chưa có cuộc đàm phán nào diễn ra, tôi nghĩ vậy. Chỉ có các cuộc thảo luận và những tin nhắn được gửi giữa hai bên” ông Abrams nói.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay hơn 50 tỷ đô thông qua các thỏa thuận dầu mỏ.
Thay đổi trong chính phủ ở Venezuela sẽ có lợi cho hai chủ nợ lớn nhất của đất nước này là Trung Quốc và Nga, Guaido nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47555316

Ngoại trưởng TQ né câu hỏi của phóng viên

về chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình

Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định, bốn cuộc gặp giữa 2 ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un đã tạo ra kỷ lục chưa từng có trong mối quan hệ song phương.
Tại cuộc họp báo của Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bắc Kinh, phóng viên The Paper đã đặt thắc mắc về việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liệu có tới thăm Triều Tiên không sau bốn cuộc gặp lịch sử trong năm vừa qua.
“Trong vòng chưa đầy một năm, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Ủy viên trưởng Kim Jong Un đã gặp nhau bốn lần, lập kỷ lục chưa từng có trong 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Điều này sẽ được ghi vào lịch sử về quan hệ Trung-Triều”, ông Vương Nghị khẳng định.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để phát triển mới quan hệ Trung-Triều trong thời đại mới, bảo vệ lợi ích cơ bản của hai dân tộc, đảm bảo tiến trình giải quyết bằng con đường chính trị về vấn đề bán đảo, duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã kết thúc câu trả lời mà không tiết lộ thông tin liên quan đến những dự đoán về chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập.
http://biendong.net/diem-tin/26813-ngoai-truong-tq-ne-cau-hoi-cua-phong-vien-ve-chuyen-tham-trieu-tien-cua-ong-tap-can-binh.html

‘Vành đai và con đường’ TQ ‘đầy rẫy’ những rủi ro

Tiền đầu tư từ Trung Quốc thông qua các dự án tiến hành tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á ‘có thể hữu ích’ trong việc giảm bớt tình trạng thiếu kinh phí của những nước này – nếu được đánh giá cẩn thận, tuy nhiên nó cũng đầy rủi ro, theo Nikkei.
Dự án Vành đai con đường (BRI) của Trung Quốc có thể tạo ra nhiều thay đổi – nếu các nước đang phát triển ở châu Á sử dụng nó để bổ sung tài chính cho cơ sở hạ tầng – tuy nhiên, các nước này nên thận trọng về những rủi ro của nó, theo Ganeshan Wignaraja, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế Lakshman Kadirgamar, trụ sở tại Colombo.
Ông Wignaraja nhận định, những rủi ro này kéo theo tính bền vững của nợ công, làm căng thẳng hệ thống tài chính của các quốc gia, suy thoái môi trường và hơn thế nữa.
“Nếu các quốc gia đang thực hiện bất kỳ loại dự án cơ sở hạ tầng nào từ bên ngoài, họ phải làm rất nhiều công tác chuẩn bị và nên suy xét kĩ lưỡng”, ông Wignaraja nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Các quốc gia phải kiểm tra tài chính trong nước và lập kế hoạch cơ sở hạ tầng, cũng như phát triển các kỹ năng địa phương, vì các dự án BRI thường được quản lý và thực hiện bởi Trung Quốc, ông Wignaraja nói.
Về phạm vi của BRI, bao gồm các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ để kết nối châu Á với châu Âu, và châu Phi, ông cho biết, ước tính khoảng từ 350 tỷ đô la đến 1 nghìn tỷ đô la. “Một số người dự báo một BRI chỉ có cảng và đường sắt. Trong khi những người khác lại thêm vào các dự án năng lượng. Nó thực sự phụ thuộc vào những gì bạn bao gồm trong đó.”
Dù sao thì BRI cũng không đủ để lấp lỗ hổng tài chính cơ sở hạ tầng ở Nam Á, nằm trong khoảng từ 1,7 nghìn tỷ đến 2,5 nghìn tỷ đô la, Wignaraja nói.
“Các dự án của Trung Quốc luôn đi kèm với lao động Trung Quốc” ông nói. Điều này không thể giải quyết được tình trạng thất nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người dân ở nước sở tại. Các nhược điểm khác bao gồm các vấn đề tiềm năng của suy thoái môi trường và tài chính.
“Cả các quốc gia và Trung Quốc dường như không cung cấp các điều khoản của dự án”, ông nói. “Chúng tôi biết khoảng thời gian nhưng chúng tôi không biết chi tiết về tài chính. Các vấn đề về nợ và vấn đề chiến lược hoàn toàn có thể xảy ra”.
Trong số các dự án BRI hiện đang được triển khai ở Nam Á có cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan. Cả hai dự án này đều gây lo ngại cho nước láng giềng Ấn Độ về sự xâm phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26826-vanh-dai-va-con-duong-tq-day-ray-nhung-rui-ro.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.