Sau Biển Đông, TQ đang nhắm tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu máy bay không người lái quân sự đứng đầu thế giới
Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ tự chế tạo ít nhất 10.000 chiếc máy bay không người lái (UAV) để biên chế cho quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân. Ngoài ra, theo một báo cáo công bố hôm 11/3, Trung Quốc hiện cũng là nhà xuất khẩu UAV hàng đầu thế giới.
Các loại UAV do TQ sản xuất, giao bán trên thị trường. Nguồn: AP
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển hôm 11/3 đã công bố báo cáo cho biết Trung Quốc đang bán vũ khí cho nhiều quốc gia hơn và hiện là nhà xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) hàng đầu thế giới với 153 chiếc cho 13 quốc gia trong 5 năm qua. Trong khi, Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới song chỉ bán 5 máy bay không người lái quân sự cho Anh, trong vòng 10 năm kể từ năm 2009. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2014-2018, Trung Quốc đã mở rộng cơ sở khách hàng mua vũ khí của mình từ 41 lên tới 53 quốc gia.Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc là năm nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 3/4 tổng khối lượng bán vũ khí từ 2014-2018.Khách hàng chính của máy bay không người lái Trung Quốc là các quốc gia Trung Đông, bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.Pakistan, đồng minh chủ chốt của Trung Quốc tại Nam Á, vẫn là người mua vũ khí hàng đầu của Bắc Kinh trong 5 năm qua kể từ năm 1991, tiếp theo là Bangladesh và Algeria.Trong số xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, có đến 70% xuất sangchâu Á và châu Đại Dương trong 5 năm qua, tiếp theo là 20% đến châu Phi và 6,1% đến Trung Đông. Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc bị hạn chế bởi thực tế là nhiều quốc gia, bao gồm 4 trong số 10 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong năm 2014 - 2018 (Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam) sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc vì lý do chính trị, báo cáo cho biết.
Theo các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ và giới nghiên cứu quân sự các nước, nhờ tăng cường mua sắm của nước ngoài và đẩy mạnh tự nghiên cứu, chế tạo UAV, đến nay quân đội Trung Quốc đã có hàng trăm UAV thuộc các chủng loại khác nhau, như ASN-229A, WJ-600, S-100, ASN-209, BZK-005, GJ-1, CH-3, WZ-5, Dufeng II, AT-200, U-650… trong đó có nhiều loại UAV có phạm vi hoạt động rộng, có khả năng vận hành liên tục trọng một thời gian dài. Một số loại UAV như BZK-005, GJ-1 còn có thể được trang bị các loại vũ khí để phục vụ cho mục đích tấn công. Ngoài ra, còn loại UAV vận tải như AT-200.
Đáng chú ý, theo Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật vật lý (ET) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, AT-200 với tầm bay 2.000 km có thể đáp xuống các bãi cỏ và bãi đất trống tại các căn cứ quân sự không có đường băng. UAV này có thể bay từ đảo Hải Nam đến các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa trong 1 giờ, đến bãi cạn Scarborough (Philippines) khoảng 3 giờ và các địa điểm Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 4 giờ. Trung Quốc lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ tự chế tạo ít nhất 10.000 chiếc UAV để biên chế cho quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân, trong đó ưu tiên phát triển các loại UAV có khả năng mang theo vũ khí tấn công, như tên lửa, súng laze, bom thông minh… để tăng cường hiệu quả tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.
Gần đây, Trung Quốc tăng cường đáng kể việc triển khai hoạt động của thiết bị bay không người lái ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo các báo cáo của Bộ Quốc phòng các nước, hải quân Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã nhiều lần phát hiện và thậm chí còn chụp được hình ảnh về các UAV của Hải quân Trung Quốc hoạt động trong vùng biển thuộc khu vực đảo Phú Lâm và nhóm đảo An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa, ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa và trên các tàu chiến của Trung Quốc hoạt động nhiều khu vực khác nhau của Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tổ chức Nghiên cứu Project 2049 Institute (Mỹ) cho biết hiện nay, quân đội Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông và Biển Hoa Đông 04 loại UAV, gồm BZK-005, S-100, ASN-209 và GJ-1.
0 comments