Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nhìn lại sự phát triển của Hải quân TQ và những hệ lụy đối với khu vực và thế giới

Thursday, March 14, 2019 9:56:00 AM // ,

Giới quan sát cho rằng quyết tâm phát triển sức mạnh biển của Trung Quốc là không thay đổi và chiến lược trở thành cường quốc biển là một chiến lược lâu dài mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Điều này đã đưa đến một số tác động và hệ lụy tiêu cực đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
TQ đang đẩy nhanh quân sự hóa ở Biển Đông. Nguồn: SCMP
Tác động lớn nhất của việc Trung Quốc phát triển Hải quân để vươn lên trở thành cường quốc biển và mở rộng ảnh hưởng ra biển đối với khu vực là làm thay đổi trật tự địa - chính trị khu vực và thế giới, cụ thể:
 Thứ nhất,làm thay đổi cân bằng quyền lực ở khu vực. Tuy trong ngắn hạn và trung hạn các nước trong khu vực có thể điều chỉnh để lấy lại cân bằng nhưng về lâu dài, xu thế cán cân bị lệch có thể gây bất ổn định cho môi trường hòa bình của khu vực, khiến các quốc gia cảm thấy bất an phải gia tăng tiềm lực quốc phòng hoặc liên minh, liên kết để lấy lại trạng thái cân bằng của khu vực.
Thứ hai, khiến cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, trong khi hiệu lực luật pháp quốc tế suy giảm. Thực hiện chiến lược phòng vệ biển gần, Trung Quốc sẽ phải tìm cách “đẩy” Mỹ ra khỏi bờ Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tất yếu sẽ dễ sinh ra va chạm với các nước lớn khác, làm gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, ảnh hưởng của chính trị cường quyền, “ngoại giao pháo hạm” sẽ gia tăng, vai trò của các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và các cơ chế, diễn đàn an ninh khu vực sẽ bị thách thức.
Thứ ba, là gia tăng chi tiêu quốc phòng. Việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng tiềm lực quốc phòng sẽ có tác động dây chuyền làm gia tăng chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuy chưa tới mức chạy đua vũ trang, việc gia tăng nhanh chóng chi tiêu quốc phòng ở khu vực cũng báo hiệu các xung đột hoặc sự cố rất dễ xảy ra.
Thứ tư,là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ và kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch từ Hoa Đông và Biển Đông qua Malacca đi Trung Đông, thách thức vai trò của Mỹ và Ấn Độ, có thể ảnh hưởng đến tự do và an toàn hàng hải khu vực. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy trước mắt Trung Quốc có thể sẽ chưa dám thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ khi Mỹ không đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích quốc gia và các tuyến thương mại huyết mạch trên biển của Trung Quốc. Cùng tồn tại với đổi thủ chính và cùng cạnh tranh để mưu cầu lợi ích khi còn có thể đang là cách mà Trung Quốc triển khai chiến lược cường quốc biển của họ. Tuy nhiên, về lâu dài, Trung Quốc sẽ muốn đẩy Mỹ và các đối thủ khác ra khỏi khu vực Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm ở Biển Đông giống như những gì mà hải quân Mỹ đã làm trong thế kỷ 19 để kiểm soát vùng Caribe và vịnh Mexico, tạo nên địa vị thống trị của Mỹ ở Tây bán cầu và gia tăng mạnh mẽ vị thế của Mỹ là một siêu cường thế giới. Những điều Trung Quốc đang tìm kiếm không phải là để đương đầu với hải quân Mỹ, một cuộc chiến mà Trung Quốc không thể giành chiến thắng hiện nay, mà là gây sức ép nhằm đẩy hải quân Mỹ ra khỏi khu vực. Sức mạnh của hải quân không nằm ở một chiếc tàu chiến đơn lẻ, mà nằm ở hạm đội tàu. Trung Quốc đang phát triển hạm đội mặc dù hiện vẫn còn khoảng cách khá xa so với Mỹ. Trong bối cảnh đó, nguy cơ xảy ra đối đầu là rất hiện hữu, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.
Thứ năm, là gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc Trung Quốc tăng cường triển khai chiến lược trở thành cường quốc biển sẽ có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là thương mại, và tăng cường hợp tác biển quốc tế.Việc gia tăng đầu tư cho ngành đóng tàu và các dịch vụ biển giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi hóa cho thương mại qua đường biển, giúp thương mại phát triển. Bản thân các ngành kinh tế biển được đầu tư cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành kinh tế quốc nội khác phát triển theo. Khi Trung Quốc và các nước trong khu vực cùng tăng cường năng lực biển thì hợp tác biển sẽ ngày càng phát triển, như hợp tác nghiên cứu khoa học biển, hợp tác phòng chống tội phạm trên biển, hợp tác cùng khai thác, cứu trợ cứu nạn. 
            Nhìn chung, việc Trung Quốc luôn cho rằng lực lượng hải quân nước này đang phát triển theo xu hướng “hòa bình, hữu nghị và trách nhiệm” dường như không thể thuyết phục dư luận khi rất nhiều bằng chứng hiện nay về việc nước này không ngưng quân sự hóa ở Biển Đông, thậm chí có nhiều hành động đe dọa an toàn, tính mạng của người dân các nước.Chắc chắn, sự phát triển của hải quân Trung Quốc và việc nước này theo đuổi chiến lược cường quốc biển chắc chẵn sẽ còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.