Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 21/02/2019

Thursday, February 21, 2019 3:44:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 21/02/2019

Thêm 1 Facebooker Cần Thơ ra tòa

vì  ”lợi dụng các quyền tự do dân chủ”

Ông Lê Minh Thể, một Facebooker ở tỉnh Cần Thơ sẽ bị ra tòa vào ngày 6 tháng 3 năm 2019 tới đây với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo khoản 1 điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015.
Quyết định của Tòa án Nhân dân Quận Bình Thủy ký hôm ngày 13 tháng 2 có nội dung vừa nêu.
Cô Lê Thị Bình, em gái của Ông Lê Minh Thể cho biết gia đình có nhận được giấy báo về phiên tòa xét xử vào ngày 6 tháng 3 tới đây.
“Chị dâu báo là họ gửi thư mời nói ngày 6 tháng 3 xét xử.”
Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, người bị xử 5 năm 6 tháng tù trong phiên tòa cuối năm 2018 cũng sẽ bị triệu tập đến phiên tòa với tư cách người làm chứng.
Cả 2 ông đều là thành viên của nhóm Hiến pháp, một tổ chức thành lập với mục đích giáo dục quần chúng về nhân quyền bằng cách phân phát văn bản Hiến Pháp Việt Nam 2013 cho người dân.
Ông Lê Minh Thể, sinh năm 1963, bị công an Cần Thơ bắt tạm giam 2 tháng vào ngày 10/10/2018.
Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018, ông Thể lập nhiều tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng cộng sản và Nhà nước.
Ông Thể bị quy kết là thường xuyên lên Facebook kết nối với các phần tử phản động trong và ngoài nước, phát trực tiếp các video kêu gọi, kích động người dân tham gia biểu tình, phản đối dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Theo cảnh sát thì hành vi của công dân Cần Thơ này gây ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước, lãnh đạo trung ương và địa phương đồng thời gây hoài nghi trong người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Việt Nam hiện đang giam giữ hàng chục người để chờ đem ra xét xử sau các cuộc biểu tình lớn của người dân phản đối 2 dự luật gây tranh cãi hồi tháng 6/2018.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nhận xét cho rằng: “Nhà nước Việt Nam là vô pháp, đàn áp nhân quyền và một trong những nhà nước bị báo cáo có thành tích nhân quyền tồi tệ nhất khu vực Đông Nam Á.”

Vợ TNLT Trương Minh Đức bị câu lưu, tước hộ chiếu

Sau khi đáp máy bay từ Đức về Sài Gòn vào sáng ngày 21/2, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, đã bị công an xuất nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất câu lưu gần 5 giờ đồng hồ và tịch thu hộ chiếu.
Vào tháng trước, bà Thanh và một số thân nhân của các tù nhân lương tâm Việt Nam trong Hội Anh em Dân chủ vừa có chuyến tham dự chương trình Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam (UPR) tại Geneva, Thụy Sĩ và gặp gỡ giới chức Đức.
Từ Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cho VOA biết:
“Chị Kim Thanh về đến Tân Sơn Nhất khoảng 7 giờ sáng thì bị nhân viên của Bộ Công an và an ninh sân bay giữ lại để thẩm vấn về việc chị sang Đức và Thụy Sĩ. Họ hỏi đi đâu, làm gì, gặp ai. Họ xem những bức ảnh trên Internet và hỏi quan hệ giữa chị và những người trong ảnh…
“Sau khoảng 5 tiếng bị giữ lại và thẩm vấn, họ trả tự do cho chị, nhưng họ tịch thu hộ chiếu với lý do là chị thuộc diện bị cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia.”

Tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cầu Rác

Trạm thu phí đường bộ BOT Cầu Rác thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng Quốc Lộ 1 đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh bắt đầu tạm dừng thu phí từ 0 giờ ngày 21 tháng 2.
Lý do được cho biết nhằm tính toán lại phương án tài chính của dự án này.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu tạm dừng thu phí như vừa nêu đối với nhà đầu tư dự án là Tổng Công Ty Sông Đà-CTCP.
Kết quả việc tạm dừng thu phí phải được báo cáo cho Tổng Cục Đường Bộ Việt Nam trước ngày 23 tháng 2.
Trạm thu phí Cầu Rác trên Quốc Lộ 1 được xây dựng để thu phí hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh Thành phố Hà Tĩnh dài 16 kilomet.
Tổng mức đầu tư dự án ban đầu được đưa ra là 808 tỷ đồng; tuy nhiên sau khi quyết toán, tổng vốn dự án giảm còn 674 tỷ đồng.
Thời gian thu phí ban đầu được tính là 13 năm 10 tháng; nhưng sau quyết toán còn 11 năm 1 tháng.
Nhà đầu tư được phép thu phí từ đầu năm 2009 mặc dù dự án khởi công xây dựng từ tháng 1 năm 2015 và đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2015.
Vấn đề các trạm thu phí BOT đặt không đúng vị trí, thu phí quá cao, thu bất hợp lý, hay không đầu tư xây dựng mà chỉ tôn tạo để thu phí bị giới tài xế và người dân phản đối.
Chính phủ Hà Nội và cơ quan chức năng hứa sẽ giải quyết những nơi bị phản ứng mạnh mẽ như BOT Cai Lậy, BOT An Sương… nhưng đến nay mọi biện pháp nêu ra vẫn chưa được thực hiện rốt ráo.

Xét xử vụ án Vietcombank Tây Đô

thất thoát trên 1.800 tỷ đồng

Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ mở phiên sơ thẩm xét xử 11 bị cáo bị truy tố gây thất thoát hơn 1.838 tỷ đồng tại Vietcombank Tây Đô từ ngày 20-23/2.
Truyền thông trong nước loan tin này ngày 20/2.
Trong cáo trạng dài hơn 100 trang của Viện Kiểm sát, 3 nhân viên Vietcombank Tây Đô là ông Nguyễn Minh Chuyển – nguyên Giám đốc, ông Trần Anh Huy – nguyên Trưởng phòng tín dụng, và Nguyễn Hữu Nghĩa – nguyên cán bộ, đều bị truy tố tội danh ‘Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng’.
8 người còn lại là nguyên giám đốc các doanh nghiệp khách hàng của Vietcombank Tây Đô bao gồm ông Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Công Trừng, Võ Vũ Bình, Trang Hồng Sơn, Võ Hoàng Thám, Cao Hoàng Thám, Trịnh Minh Tú và Nguyễn Thanh Hùng, đều bị truy tố về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ của ngân hàng trên 1.051 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã đình chỉ vụ án đối với ông Trần Văn Anh Duy, vì người xác định vai trò và hành vi lừa đảo của ông Duy là Vưu Minh Tuấn đã bỏ trốn dưới sự giúp sức của ông Duy.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, 3 nhân viên Vietcombank Tây Đô vừa nêu đã ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp với tổng số tiền giải ngân trên 2.400 tỷ đồng vay vốn, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.800 tỷ đồng.
Ngoài 3 người này, còn có 20 nhân viên khác của Vietcombank Tây Đô cũng có liên quan đến vụ án. Nhưng những người này chỉ là cấp dưới và làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Chuyển, không hưởng lợi, nên đã bị xử lý hành chính.
Vẫn theo Viện Kiểm sát, ông Nguyễn Minh Chuyển là người tổ chức, chỉ đạo và thực hiện hành vi vi phạm các hoạt động cho vay gây thất thoát trên 1.800 tỷ, vì vậy phải chịu trách nhiệm chính.

Việt Nam ‘một vốn bốn lời’

từ hội nghị Trump-Kim ở Hà Nội

Sau kỳ nghỉ Tết dài truyền thống, Hà Nội và chính phủ Việt Nam đang tất bật bắt tay vào việc tổ chức kỳ họp thượng đỉnh lần hai giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên.
Đây cũng là dịp hiếm có để nhà nước Việt Nam thể hiện vai trò chính trị và trung gian của mình trên trường ngoại giao thế giới, và theo tuyên bố của chính phủ nước này, là cơ hội quảng bá Hà Nội cho đầu tư và thương mại quốc tế.
Nhưng trước cuộc họp còn chuyến thăm chính thức của chủ tịch Kim Jong-un mà giới quan sát nói là để Bắc Triều Tiên học hỏi mô hình Đổi Mới của Việt Nam từ 1986, được coi là “thích hợp với hoàn cảnh đặc biệt của Triều Tiên”.
BBC phỏng vấn TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế về chủ đề này. Đầu tiên là câu hỏi Bình Nhưỡng sẽ học gì, muốn chỉ học điều gì từ Hà Nội.
TS Phạm Đỗ Chí: Theo quan sát của tôi, với ông Kim Jong-un, điều thiết yếu là sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế nhưng không thay đổi về chính trị, tức là vẫn duy trì chế độ toàn trị như Việt Nam.
Đương nhiên Việt Nam rất hân hoan với việc “làm thầy” này, và lại có dịp quảng cáo “mô hình phát triển kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”, mô hình mà chính ông cựu Bộ trường Đầu tư Kế hoạch Bùi Quang Vinh thành thật thú nhận là “không có trong lý thuyết mà cũng không ai hiểu trong thực tế”.
BBC: Thế còn quan hệ với Hoa Kỳ thì sao, những gì ông biết tại Mỹ trước chuyến đi thì Tổng thống Trump có thông điệp gì cho chính giới Việt Nam?
Tổng thống Trump theo dự đoán của tôi trong kỳ họp riêng với lãnh đạo Việt Nam sẽ kêu gọi họ tăng cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường và giảm xuất siêu với Hoa Kỳ, cũng như tôn trọng và thực hiện nhiều hơn quyền sở hữu trí tuệ, đại loại theo chiều hướng các kêu gọi với Trung Quốc như tiền đề cho việc giải quyết cuộc thương chiến đang trong thời kỳ “hưu chiến’ đến 12 giờ đêm ngày 1/3, tức là một ngày sau cuộc họp ở Hà Nội.
Theo tôi, ta cần xem hội nghị Trump – Kim và chuyến thăm của ông Trump quay lại Việt Nam trong biến chuyển nổi bật nữa ở thời sự quốc tế. Đó là thời điểm dự kiến kết thúc giai đoạn hưu chiến Mỹ-Trung về thương mại và đang có những vận động ráo riết từ phía Trung Quốc để ông Tập Cận Bình cũng họp thượng đỉnh với ông Trump ngay sau cuộc họp Hà Nội, tức là vào ngày 1/3/19 – dù cũng chưa có tin sẽ họp ở đâu – để xét duyệt và chấp thuận các cam kết kinh tế và thương mại cấp bộ trưởng ở Bắc Kinh trong tháng 2.
Trung Quốc mong có thảo luận sau khi Tổng thống Trump mới vừa tuyên bố có thể gia hạn hưu chiến sau ngày 1/03 để tránh khỏi việc Mỹ tăng thêm thuế suất lên 25% trên các mặt hàng Trung Quốc đang chịu thuế 10%, cũng như áp dụng lên cả trên 200 mặt hàng mới của Trung Quốc.
Hoa Kỳ phải đắn đo do dự vì nhân cơ hội và cái đà có sẵn, không thể chỉ chấp nhận vài biện pháp nhập khẩu hàng Mỹ của Trung Quốc để giảm thất thu thương mại mà phải là các thay đổi căn bản cấu trúc kinh tế Trung Quốc để giảm các rào cản sản xuất và đầu tư Hoa Kỳ ở Trung Quốc, cũng như chặn đứng hẳn nạn gián điệp và ăn cắp công nghệ của Mỹ.
BBC: Có cơ hội nào cho Việt Nam đổi vai từ ‘người thầy’ dạy về Đổi mới kinh tế cho Bắc Triều Tiên sang vai trò lĩnh hội kinh nghiệm về cải cách thể chế và thị trường với Mỹ hôm 28/2 khi Tổng thống Trump có cuộc viếng thăm chính thức hay không?
Ở đây, Hàn Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng nhất. Triều Tiên có điều kiện lợi ích nhất là sự dẫn dắt và giúp đỡ của Hàn Quốc trong vấn đề cải tổ thị trường, đầu tư xây dựng hạ tầng vốn là điểm mạnh có sẵn của miền Bắc với các chi tiêu cao về quân sự, sản xuất hàng tiêu dùng với sự chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thị trường xuất khẩu với lợi thế sẵn của Hàn Quốc, và nhất là tham dự chuỗi sản xuất của nước này trong các khu liên hợp có sẵn ở khu vực biên giới hay mở thêm ở các nơi khác với sự đoàn tụ gia đình Hàn-Triều.
Từ kinh nghiệm cũ của Việt Nam, làm sao thích ứng được với việc bỏ cấm vận từ từ theo lịch trình của thế giới với Triều Tiên, vì mọi thứ còn tùy theo lịch phi hạt nhân hóa và thực hiện điều này một cách thực sự của Bình Nhưỡng.
BBC: Bản thân Triều Tiên nên học gì, và tránh sai lầm gì của Việt Nam?
Cốt lõi nhất của cải tổ thị trường là lập lại hệ thống giá cả tự do, nhất là trong các nông sản thiết yếu, ví dụ cải tổ thị trường lúa gạo của Việt Nam những năm 1985-86 là kinh nghiệm quý báu; xóa bỏ hợp tác xã, cho tự do luân chuyển hàng hóa giữa các miền vùng; mở rộng các mặt hàng tiêu thụ, ngay cả vài mặt hàng xa xỉ phẩm, để tăng cường động lực làm việc, sản xuất và tiêu thụ trong đa số tầng lớp dân chúng vốn sống trong nhiều thập niên nghèo khổ, cả thiếu lương thực chết đói trong nhiều năm.
Bài học hay nhất như là cách đi tắt (shortcut) mà Việt Nam có thể truyền cho Triều Tiên là tránh dùng những ‘quả đấm thép’ như Việt Nam trong những năm 2007-2016, tức là tránh giao vốn cho các xí nghiệp nhà nước lớn thua lỗ trong sản xuất như Vinashin, Vinalines.
Đây là kinh nghiệm sâu cay nhất của Đổi Mới ở Việt Nam đã để lại núi nợ công và nợ xấu ngân hàng, mà các chính phủ đương thời và tương lai ở Việt Nam phải “đổ vỏ”. Bình Nhưỡng có may mắn khôn ngoan phải biết kinh nghiệm này của Hà Nội mà tránh!
Tôi nghĩ rằng Triều Tiên hoàn toàn có thể có bước đi chắn chắn hơn Đổi Mới ở Việt Nam. Về tài chính, họ có thể được tài trợ nhiều ban đầu từ Hàn Quốc và các định chế quốc tế như ADB, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Thế giới nên có thể chi trả những năm đầu cho bội chi ngân sách tăng vọt vì các chi tiêu công, nhất là cho đầu tư phát triển.
Trong lãnh vực ngân hàng, họ nên mở ngay một Ngân hàng Trung ương điều hành và hỗ trợ nền kinh tế thị trường dù phôi thai, và cho phép sớm các ngân hàng tư hỗn hợp (joint ventures) với vốn nước ngoài để thiết lập từ đầu một hệ thống ngân hàng thương mại vững chắc với sự chuyển giao quản trị và công nghệ từ bên ngoài, nhất là lại từ Hàn Quốc.
Đây sẽ là bước đi vững chắc so với Đổi Mới ở VN, đang tiềm tàng quả bom nổ chậm của khối nợ xấu ngân hàng được ước tính bởi các cơ quan tín dụng quốc tế ở mức 10-12%, thay vì con số chính thức 2-3% GDP.
BBC: Cũng nhân kỳ gặp này nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ kêu gọi cải cách, thì chính phủ Việt Nam có thể làm gì?
Vào lúc Việt Nam đang là “tấm gương sáng” thì chính quyền có thể nhân dịp này công bố một số biện pháp cải cách thể chế và thị trường, có thể áp dụng nhanh chóng, như là ‘pre-emptive strikes‘ đáp lại lời kêu gọi của Mỹ mà vẫn giành phần chủ động và sáng kiến.
Theo tôi, phải dũng cảm thừa nhận là thế giới đi về phía trước, nên không thể né tránh mãi cải cách thể chế theo hướng nhà nước pháp quyền.
Cải cách thật sự ở các nước văn minh trên thế giới, coi như đương nhiên, chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam trong điều kiện cực kỳ lý tưởng (ideal) là “một Nhà nước Pháp quyền thật sự với tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân (của dân, vì dân và do dân)”. Theo cách đó thì Hiến pháp hiện hữu cần được sửa để bỏ Điều 4, và phải thiết lập cho công dân quyền bầu cử và ứng cử trực tiếp. Nếu Chính phủ hay đại biểu Quốc hội không làm được việc, nhân dân sẽ thay đổi họ bằng những lá phiếu.
Nếu cải tổ thể chế chính trị căn bản gốc này được thực thi, những chính sách khác như “Phát triển xã hội dân sự”, “Phát triển kinh tế thị trường” sẽ theo sau như bóng với hình vì nhân dân nắm quyền chủ động.
Nhưng việc đó có thể là về lâu dài, còn trong khi chờ đợi, các biện pháp chính yếu sau hoàn toàn có thể được thực hiện ngay:
Chính phủ và Quốc hội sẽ tổ chức các hội nghị, phiên thảo luận để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đại diện cho các chủ thể kinh tế xã hội và các chuyên gia, được tham gia xây dựng luật pháp và thảo luận các chính sách quan trọng trước khi quyết định ban hành, đảm bảo luật pháp chính sách vì lợi ích của đa số.
Cải cách hệ thống tòa án để có minh bạch, độc lập với ảnh hưởng chính trị, và bảo vệ quyền pháp lý của người dân.
Về kinh tế, cần giảm số mức thuế thu nhập cá nhân, tăng ngưỡng thu nhập chịu thuế, giảm mức thuế tối đa còn 20%, Tạo thuận lợi cho kinh doanh và tiếp tục tinh giản bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương.
Rút ngay bớt các luật lệ kinh doanh và các rào cản hoạt động doanh nghiệp tư nhân. Cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, tránh bớt nạn tham nhũng thất thoát trong đầu tư công, như việc xây đường ở VN hiện đắt gấp ba lần giá bên Mỹ.
BBC: Các vấn đề được cho là liên quan đến một quan niệm cũ về an ninh của thể chế thì sao? Dân chủ, nhân quyền, quyền biểu tình, tự do báo chí? Việt Nam thoáng hơn Bắc Hàn nhưng cũng chưa tự do hẳn, theo ông thì Việt Nam cần làm gì?
Theo tôi, sớm hay muộn thì cũng cần ban hành quyết định tha bổng ngay các người đã hoạt động về dân chủ, nhân quyền hay mới đây kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; sửa soạn và đệ trình sớm ra Quốc hội Luật biểu tình đã bị dời nhiều năm.
Và cũng cần ban hành các đạo luật mới nới rộng tự do báo chí và truyền thông, và quyền sử dụng Internet tự do hơn. Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào tầm ngắm một phần vì hạn chế thông tin, và theo cách nghĩ của người Mỹ, nếu anh không có môi trường tự do để sáng tạo thì anh chỉ biết đi ăn cắp sản phẩm trí tuệ, công nghệ của nước khác. Việt Nam cần tránh vết xe đổ này.
Nhà nước cũng cần cấp phép và đăng ký điều lệ hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự do nhân dân thành lập: thực hiện cơ chế quản lý đối với tổ chức dân sự như đối với doanh nghiệp.
Cấp phép cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, bắt đầu trong hai ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày. Điều này liên quan trực tiếp đến các vụ kiện ở Mỹ cho rằng tại các nước công nhân bị “áp bức” thì giá hàng rẻ không bình thường, cạnh tranh không ‘fair‘ với thợ Mỹ.
Tất nhiên, để tăng tiềm năng xã hội, thì cần ban hành quy chế tài chính cho các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp: được quyền huy động đóng góp từ nhân dân dưới các hình thức tiền bạc, hiện vật, bất động sản. Miễn thuế thu nhập, thuế thừa kế cho những khoản đóng góp, hiến tặng.
Các hội văn học, khoa học và kỹ thuật hoạt động như các hội dân sự của trí thức, phải sống nhờ kinh phí đóng góp của hội viên, không do ngân sách bao cấp nữa. Thế mới là kinh tế thị trường thực sự.
Tóm lại, hội nghị Kim-Trump không chỉ là cơ hội ngoại giao mà còn là dịp để Việt Nam xem mình thực sự đang đứng ở đâu, đã đi những bước gì đúng, sai, để đi tiếp.
Lộ trình thách đố với ông Kim Jong-un sẽ thực hiện được ra sao đang thu hút sự tò mò của cả thế giới, còn với nước ‘đăng cai’ hội nghị, câu chuyện là Việt Nam đã tiến bộ rồi nhưng có dám tiến bộ tiếp không, nghĩa là tiến tới cải cách thể chế?
Tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, người từng làm tư vấn cho Tổng bí thư Kaysone Phomvihane của Lào và Tổng thống Togo, và về Việt Nam làm tư vấn, gần đây có bài kêu gọi “Việt Nam hãy tỉnh ngủ” để cải cách chính trị và kinh tế. Ông hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ.

Đức nhắm đến việc thiết lập lại quan hệ với Việt Nam

sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Ngoại trưởng Cộng hòa liên bang Đức Heiko Maas hôm thứ tư 20 tháng 2 năm 2019 cho biết ông sẽ nhân buổi họp với người đồng cấp phía Việt Nam để thảo luận về việc nối lại quan hệ giữa 2 nước sau những khác biệt trong quá khứ vì vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hãng tin Reuters hôm 21/1 dẫn lời quan chức của phía Đức cho biết như trên nhân chuyến thăm nước Đức của Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Heiko Maas nói rằng Việt Nam là một đối tác chiến lược của Đức ở Đông Nam Á và ca ngợi Hà Nội đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc mở cửa nền kinh tế và ban hành các cải cách khác trong những năm gần đây. Đức là đối tác hàng đầu về thương mại của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu.
Trong một tuyên bố được đưa ra Ngoại trưởng Đức nêu rõ: “Trong quá khứ đã có những khác biệt đáng chú ý giữa Đức và Việt Nam, trên hết là vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Hôm nay chúng tôi muốn đạt được một thỏa thuận về việc thiết lập lại đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức và vun đắp bằng chất liệu mới,”
Quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên tệ hơn vào năm 2017 khi nước này cáo buộc Việt Nam đã dùng mật vụ để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh khi đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức dầu khí Việt Nam, sau đó đột nhiên xuất hiện trên truyền thông Việt Nam và nói mình tự về Hà Nội để đầu thú, các phiên tòa sau đó tuyên ông này 2 án tù chung thân với cáo buộc tham ô tài sản và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong một tuyên bố trước cuộc gặp ở Berlin với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền con người và các giá trị phổ quát trong bất kỳ quan hệ đối tác chiến lược nào. Hai quan chức đã không tổ chức một cuộc họp báo nào.
“Việt Nam, giống như Đức, cam kết tự do thương mại và đa phương. Việt Nam đã đảm nhận trách nhiệm toàn cầu ngày càng tăng và tham gia bảo vệ khí hậu.
Đây là tất cả các lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai,”ông Maas cho hay.
Ngoại trưởng Heiko Maas cũng tiết lộ, Đức ủng hộ một thỏa thuận nhanh chóng về hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Hai nước bắt đầu quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và nâng mối quan hệ của họ lên quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011 nhưng quan hệ này bị tạm hoãn vào năm 2017 khi Đức trục xuất 2 quan chức của Đại sứ quán Việt Nam về nước vì cho rằng họ có liên quan trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh và một cô gái từ đường phố Berlin về nước.
Báo chí nhà nước Việt Nam khi tường thuật về chuyến thăm Đức của ông Phạm Bình Minh không nhắc gì đến tuyên bố liên quan đến Trịnh Xuân Thanh của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.
Theo tường thuật của TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc trong 2 ngày 20 và 21/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Đức như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Heiko Maas, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.
Theo cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, sau cuộc gặp với Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans-Peter Friedrich, hai bên đã nhất trí tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và cho rằng cần thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn EVFTA vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai nước; đồng thời chia sẻ vai trò quan trọng của các cơ chế đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trong các cuộc gặp, Phó Thủ tướng Việt Nam cũng đánh giá cao các dự án ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của phía Đức và đề nghị Quốc hội Liên bang Đức tiếp tục ủng hộ cung cấp ODA cho Việt Nam.

VN ‘học được’ gì từ TQ trong giải quyết ô nhiễm không khí?

David NguyễnGửi tới BBC từ London
Sau hơn ba thập kỷ, Trung Quốc từ một quốc gia nghèo nay đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Nhưng để đổi lấy sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ, Trung Quốc phải trả cái giá không nhỏ là nạn ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm hạt mịn PM2.5 (loại hạt có trong không khí ảnh hưởng sức khoẻ con người), đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở các vùng trọng điểm kinh tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân, đồng bằng sông Dương Tử và lưu vực sông Châu Giang.
Điều này đã tác động xấu đến sức khỏe người dân và môi trường sinh thái.
Theo nghiên cứu trên Journal of Cleaner Production, đầu năm 2013, ô nhiễm khói mù độc hại nghiêm trọng và khéo dài cả tháng đã xảy ra ở trung, bắc và đông Trung Quốc.
Ô nhiễm ở đây bị cho là có mức cao về nồng độ PM2.5, đạt mức kỷ lục, bao phủ hơn 1,3 triệu km2 và ảnh hưởng đến khoảng 800 triệu dân.
Để cải thiện chất lượng không khí bị giảm ô nhiễm nặng, tháng 9 năm 2013, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra kế hoạch hành động về phòng chống ô nhiễm không khí.
Kế hoạch hành động có vai trò là hướng dẫn để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở cấp quốc gia.
Mục tiêu của kế hoạch này là vào năm 2017, nồng độ PM10 sẽ giảm ít nhất 10% so với mức 2012 ở khu vực đô thị Trung Quốc và nồng độ PM2.5 sẽ giảm 25%, 20% và 15% ở Bắc Kinh, Thiên Tân, lưu vực Dương Tử và Châu Giang.
10 biện pháp làm sạch không khí
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch hành động xác định các biện pháp chính:
tái cơ cấu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sạch;
chuyển đổi công nghệ theo hướng sạch đối với những ngành gây ô nhiễm;
tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng, dùng năng lượng thân thiện với môi trường;
cải cách hệ thống pháp luật và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường;
thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị và môi trường;
thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo và hệ thống ứng phó khẩn cấp và đối phó khi không khí bị ô nhiễm nặng;
làm rõ trách nhiệm của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia bảo vệ môi trường.
Điều đáng chú ý là kế hoạch hành động yêu cầu nồng độ PM2.5 trung bình ở Bắc Kinh phải nằm dưới 60 µg/m³.
Giải pháp riêng cho thủ đô
Dựa trên kế hoạch hành động cấp quốc gia, chính quyền thành phố Bắc Kinh, nơi chịu ảnh hướng lớn do nạn ô nhiễm khí thải, đưa ra kế hoạch hành động chi tiết.
Bắc Kinh tập trung vào sáu hướng chính:
(1) kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới, (2) kiểm soát ô nhiễm do nguyên liệu hoá thạch như than đá, (3) kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, (4) kiểm soát ô nhiễm khói bụi, (5) phục hồi các hệ sinh thái bị ô nhiễm, và (6) ứng dụng các công nghệ mới vào bảo vệ môi trường.
Đối với kiểm soát khí thải do các phương tiện giao thông, Bắc Kinh hạn chế số lượng phương tiện giao thông chỉ là 6 triệu vào năm 2017.
Thành phố ủng hộ và thiết lập các hệ thống giao thông xanh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến kích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
Để kiểm soát số lượng phương tiện thông qua xổ số biển số, nhà nước tăng mức tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông, yêu cầu kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện giao thông có khả năng gây ô nhiễm thường xuyên, cải thiện chất lượng nhiên liệu, loại bỏ hàng trăm nghìn phương tiện giao thông cũ kỹ, tăng chi phí lái xe ôtô, đưa vào hoạt động phương tiên giao thông sử dụng năng lượng sạch, quản lý xe từ các thành phố khác đến thành phố.
Để kiểm soát ô nhiễm đốt than, chính quyền khuyến kích xây dựng dự án sử dụng khí gas và các nhiên liệu sạch để thay thế sử dụng than, Bắc Kinh đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than và cấm người dân ở các khu vực xung quanh dùng than để sưởi ấm, đẩy nhanh việc loại bỏ các ngành công ngiệp gây ô nhiễm cao và lạc hậu.
Để ngăn chặn bụi, Bắc Kinh thực hiện để kiểm soát bụi phát ra tại các công trường xây dựng, niêm phong phương tiện vận tải tạo ra bụi, tăng cường quét đường hay hút bụi.
Trồng thêm cây xanh
Thành phố đã tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận lên tới 100 km2.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Bắc Kinh phối hợp với tỉnh thành khác thực hiện các thỏa thuận và hành động thống nhất trong kiểm soát nguồn gây ô nhiễm khí, cấu trúc năng lượng, tối ưu hóa các ngành công nghiệp, quản lý phát triển đô thị và ứng phó khẩn cấp trong trường hợp không khí bị ô nhiễm nặng.
Theo chinadialogue, kế hoạch hành động trên đã giúp Trung Quốc nói chung và Bắc Kinh nói riêng cải thiện đáng kể chất lượng không khí, thành phố Bắc Kinh đã đạt được mục tiêu đề ra, PM2.5 trung bình hàng năm còn là 58 µg/m³ – giảm 35%.
Bằng các biện pháp cụ thể và hành động quyết liệt như trên của chính quyền, ô nhiễm không giá đã được cải thiện đáng kể, bầu trời xanh đã xuất hiện trở lại ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác.
Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã tới mức nguy ngại
Việt Nam chưa phát triển như Trung Quốc, tuy nhiên ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đã cực kỳ nghiêm trọng.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam hôm 17/01/2019, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry báo động tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam từ năm 2008 đến nay tăng gấp nhiều lần.
Ông nói mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh và New Delhi, chủ yếu từ xăng dầu.
Ông nhấn mạnh thêm đây là nguyên nhân dẫn chính tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam.
Còn theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm 60.000 người tại Việt Nam chết có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Việt Nam học được gì từ Trung Quốc?
Theo tôi, điều đầu tiên Chính phủ Việt Nam phải nhận thức được rằng tình hình ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đã rất nghiêm trọng, cần phải hành động ngay.
Tiếp đến, cần xây dựng chương trình hành động cấp quốc gia chống và cải tạo tình trạng môi trường bị ô nhiễm.
Chương trình hành động này cần phải xác định những nguồn nào gây ra ô nhiễm và đặt ra mục tiệu cụ thể cho địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi đang bị ô nhiễm nặng nề nhất, giảm những loại khí độc hại nào và bao nhiêu, để đảm bảo môi trường sinh thái đạt mức tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới.
Theo người viết bài này, cần thêm vào đó kế hoạch hành động này xác định các biện pháp cụ thể ví dụ như:
Kiểm soát ô nhiễm do xe cơ giới bằng cách phát triển và khuyến kích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng
Tăng phí sử dụng xe cơ giới, yêu cầu xe cơ giới phải kiểm tra định kỳ
Loại bỏ các loại xe cũ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện tại, các giải pháp hạn chế phương tiện xe cá nhân ở Việt Nam chưa hiệu quả do hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Công việc xây hệ thống tàu điện có thể giúp cải thiện giao thông công cộng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường bị chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không đảm bảo.
Chính phủ và chính quyền hai thành phố cần phải có hành động quyết liệt để sớm đưa hệ thống giao thông công cộng này đưa vào hoạt động, như:
Kiểm soát các ngành công nghiệp gây ô nhiễmnhư nói không với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, đối với doanh nghiệp đang gây ô nhiễm yêu cầu những đơn vị này có lộ trình chuyển đổi sang những công nghệ tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường hoặc yêu cầu đóng cửa.
Sử dụng các loại năng lượng có khả năng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho các năng lượng hoá thạch như than đá.
Yêu cầu đơn vị xây dựng kiểm soát ô nhiễm khói bụi tại công trường xây dựng, thông qua việc hút bụi rửa đường thường xuyên. Phạt nặng những đơn vị gây ra ô nhiễm khí bụi.
Làm rõ trách nhiệm của chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và xã hội và huy động công chúng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.
Cải cách hệ thống pháp luận và quy định liên quan đến bảo vệ và kiểm soát môi trường.
Thiết lập cơ chế điều phối khu vực liên quan đến quy hoạt, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường. Tránh tình trạng phát triển tập trung vào một số địa phương, khiến cho người dân đổ về một vài thành phố lớn dẫn đến quá tải trọng về giao thông.
Tăng lượng bao phủ cây xanh tại thành phố và khu vực lân cận.
Nếu chính phủ không có những hành động tức thì và kiên quyết thì nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam sẽ ngày một nghiêm trọng.
Khi đó, mọi mục tiêu nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sẽ không đạt.
Hơn thế nữa, hình ảnh một Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong tâm trí của người nước ngoài.
Khi đó, vị thế của Việt Nam sẽ bị giảm sút và kế hoạch biến Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du khách nước ngoài sẽ không thành.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của bạn David Nguyễn từ London.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.