Tin Việt Nam – 14/02/2019
Thursday, February 14, 2019
4:17:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam -
An ninh
dùng thân nhân người đấu tranh tạo áp lực
Hòa Ái, phóng viên RFALâu nay, nhiều người tham gia cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cho biết tình trạng bị áp lực nặng nề; không chỉ từ phía cơ quan chức năng mà ngay cả người thân để cô lập cũng như triệt tiêu con đường sống của những người dám lên tiếng.
Thân nhân sách nhiễu
Vào ngày 12/02/19, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện lời kêu gọi giúp đỡ cho nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân, ở Bình Dương bị bạn của người anh trai ruột hành hung ngay tại sân nhà trước sự hiện diện của người anh trai, tên Nguyễn Thanh An.
Qua cuộc trao đổi vào tối ngày 13 tháng 2 với RFA, anh Nguyễn Thiện Nhân cho biết giữa anh với người anh ruột Nguyễn Thanh An đã xảy ra mâu thuẫn từ 7 năm về trước. Tuy nhiên kể từ tháng 3 năm 2016, người anh trai này có nhiều hành động mà nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có mục đích nhằm hãm hại em trai mình. Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng:
“Trong năm 2016, sau 10 ngày anh An đánh tôi, khi viết thương của tôi kéo da non thì anh An lại viết một lá thư tố cáo tôi là phản động, chống phá Chính phủ Việt Nam và trong thư có ghi một câu gây ảnh hưởng lâu dài đến sau này, nói rằng tôi đòi bán tài sản thừa kế để lấy tiền làm phản động và ghi trong thư tố cáo vu khống tôi đánh anh ta. Sau khi nhận được lá đơn tố cáo đó thì công an mời tôi làm việc 3 lần. Vài ngày sau đó, anh An đã đe dọa đòi giết nhiều người, trong đó có chị hàng xóm, người giúp việc và em gái tôi nữa. Anh An hành hung và đòi giết người. Tôi đã tường trình vụ việc với công an, nhưng công an không xử lý. Chính vì công an không xử lý nên anh tôi cứ hung hăng, bạo lực, cứ canh cơ hội hãm hại tôi riết tới hôm nay.”
Anh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định vụ việc bị bạn của anh trai ruột hành hung vào chiều ngày 12/02 là do anh trai Nguyễn Thanh An sai khiến vì bản thân không quen biết hay có thù oán gì với người bạn của anh trai mình.
Anh tôi viết một lá thư tố cáo tôi là phản động, chống phá Chính phủ Việt Nam và trong thư có ghi một câu gây ảnh hưởng lâu dài đến sau này, nói rằng tôi đòi bán tài sản thừa kế để lấy tiền làm phản động và ghi trong thư tố cáo vu khống tôi đánh anh ta. Sau khi nhận được lá đơn tố cáo đó thì công an mời tôi làm việc 3 lần. Vài ngày sau đó, anh An đã đe dọa đòi giết nhiều người, trong đó có chị hàng xóm, người giúp việc và em gái tôi nữa. Anh An hành hung và đòi giết người. Tôi đã tường trình vụ việc với công an, nhưng công an không xử lý. Chính vì công an không xử lý nên anh tôi cứ hung hăng, bạo lực, cứ canh cơ hội hãm hại tôi riết tới hôm nay
-Nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân
Bên cạnh nguyên nhân do tranh chấp tài sản thừa kế trong gia đình, anh Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra lập luận vì anh trai hoạt động trong giới giang hồ nên có thể bị công an điều khiển trong việc gây khó dễ trên đời sống sinh hoạt của người em trai là anh Nguyễn Thiện Nhân.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít người trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam gặp phải tình cảnh bị chính quyền cô lập, triệt tiêu con đường sống của họ như phá hoại vườn tược của gia đình tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, ở Lâm Đồng hay gây áp lực đối với các công ty nơi họ làm việc để yêu cầu cho họ thôi việc như chính trường hợp anh Nguyễn Thiện Nhân trước đây. Vì do mẹ già bị bệnh tật cần người chăm sóc, anh Nguyễn Thiện Nhân phải thuê người giúp việc và công an địa phương lẫn người anh trai đều gây áp lực, buộc họ không được tiếp tục làm việc ở nhà anh Nguyễn Thiện Nhân.
Một trường hợp điển hình khác như trường hợp của Facebooker Thái Văn Đường, ở Đông Anh-Hà Nội. Là một viên chức làm việc trong cơ quan nhà nước, anh Thái Văn Đường mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Sau khi tham gia tích cực phản đối Formosa gây ra thảm họa môi trường biển hồi năm 2016, anh Thái Văn Đường bị phía cơ quan và chính quyền địa phương tuyên truyền là thành phần phản động. Vào cuối năm 2016, anh Thái Văn Đường sang Hàn Quốc học cao học và người dì ruột của anh đến nhà nói với bà mẹ già của anh rằng anh đang bị truy nã:
“Dì ruột còn nói là ‘Nó đi Hàn Quốc đâu mà đi. Nó nói dối chị đấy (ý nói là mình lừa dối mẹ già của mình). Nó phản động. Công an đang truy nã, bắt nhốt rồi…’ Dì nói như thế làm mẹ mình rất lo lắng.”
Facebooker Thái Văn Đường nhấn mạnh với RFA rằng an ninh Việt Nam còn gây tác động lên thân nhân của giới đấu tranh dân chủ bằng nhiều hình thức khác nhau để đe dọa thân nhân của những người đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam:
“Những trường hợp như mình hay anh Nhân và các anh chị em khác bị rất nhiều. Tại vì những người thân trong gia đình không hiểu, thậm chí có những người còn từ mặt con cái nữa vì sợ bị liên lụy. Bạn bè thân cũng quay mặt xa lánh. Họ sợ bị vạ lây. Theo như mình được biết thì an ninh đến cả nơi làm việc của người thân giới đấu tranh thì làm sao người ta không sợ được?”
Chính sách “An ninh trị”
Trong khoảng 5 năm về trước, qua một lần trao đổi với Đài RFA, Blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội chia sẻ rằng ông cảm thấy rất buồn lòng vì rất nhiều người thân trong gia đình và bạn bè xa lánh khi ông chọn con đường đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam. Mặc dù vậy, giới đấu tranh dân chủ ở trong nước ghi nhận song hành với phong trào dân chủ ngày càng được lan tỏa thì chính quyền lại càng mạnh tay hơn không chỉ đối với họ mà còn cả với thân nhân trong gia đình của họ. Facebooker Thái Văn Đường khẳng định:
“Chính quyền đe dọa thì an ninh đe dọa là chủ yếu. Họ hù dọa các kiểu…Bây giờ chính quyền đưa ra chủ trương là đưa an ninh chính quy về tận các xã, phường bởi vì càng ngày họ càng sợ nên dùng ‘an ninh trị’. Do đó, rất là khó khăn cho các anh chị em đấu tranh hay những người thân của họ cũng vậy thôi.”
Chính quyền đe dọa thì an ninh đe dọa là chủ yếu. Họ hù dọa các kiểu…Bây giờ chính quyền đưa ra chủ trương là đưa an ninh chính quy về tận các xã, phường bởi vì càng ngày họ càng sợ nên dùng ‘an ninh trị’. Do đó, rất là khó khăn cho các anh chị em đấu tranh hay những người thân của họ cũng vậy thôi
-Nhà hoạt động Thái Văn Đường
Nhà hoạt động Thái Văn Đường, một thành viên quản trị Nhóm “Lều Của Đầy Tớ”, một trang thông tin chống tham nhũng trên mạng xã hội, bị an ninh Việt Nam câu lưu, làm việc nhiều lần trong năm 2018 cùng với những lời đe dọa cũng như kiểm soát chặt chẽ qua điện thoại trong các sinh hoạt thường ngày. Còn nhà hoạt động Nguyễn Thiện Nhân thì lo ngại đến cả sự an nguy tính mạng:
“Chiếc xe máy của tôi đã hai lần bị đổ hóa chất vô. Rất là nguy hiểm. Một lần bị đổ đường thì chỉ phá hư máy thôi. Lần sau thì đổ hóa chất gì mà xe máy của tôi nóng kinh khủng. Đang chạy ngoài đường mà xe bị nóng và không thể chạy nỗi nữa. Tôi lo sợ lỡ sau này họ đổ loại hóa chất gì gây cháy nổ chẳng hạn nên tôi cứ sống trong sự lo lắng, thấp thỏm, bất an như vậy.”
Một số những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam bị sách nhiễu, cô lập tương tự như hai nhà hoạt động Thái Văn Đường và Nguyễn Thiện Nhân đều bày tỏ rằng cuộc sống của họ đầy lo lắng và bất an khi Chính quyền Việt Nam sử dụng chính sách “An ninh trị” và đó là minh chứng rõ ràng hơn theo như báo cáo của Tổ chức Freedom House vừa công bố trong đầu tháng 2 năm 2019 cho thấy Việt Nam là đất nước không có tự do.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vn-police-isolate-activists-by-threatening-their-relatives-02132019124947.html
UBND TP HCM nói hầu hết dân
Vườn Rau Lộc Hưng nhận tiền hỗ trợ
Vụ việc cưỡng chế, đập phá nhà tại vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh nhắc đến trong hội nghị tổng kết công tác tổ chức chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019 diễn ra vào ngày 14 tháng 2.Truyền thông trong nước loan tin dẫn phát biểu của ông Chánh Văn Phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Võ Văn Hoan, tại hội nghị nêu trường hợp người dân tại Vườn Rau Lộc Hưng trong diện được gọi là ‘bị ảnh hưởng do thực hiện một số dự án trên địa bàn thành phố.
Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân TPHCM cho biết dự án ảnh hưởng đến người dân tại Vườn Rau Lộc Hưng là dự án xây dựng cụm trường học công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế trên đất mà người dân nói họ sử dụng liên tục từ sau năm 1975 đến nay. Tuy nhiên qua những lần kê khai, cơ quan chức năng thành phố không cấp giấy tờ cho họ.
Theo lời ông Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thì quận Tân Bình cho biết đã tiếp xúc được 111/124 hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng, trong đó, có 92 hộ đồng thuận, có 19 hộ chưa đồng thuận việc hỗ trợ đền bù.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14/2, ông Cao Hà Trực, một người dân trong Ban đại diện vườn rau Lộc Hưng cũng cho rằng việc chính quyền cho rằng người dân Lộc Hưng đồng thuận là không đúng:
“Tình hình thực tế là từ đầu đến giờ, tất cả những lần họ thông báo tiếp cận được 50 người, rồi 90 người, tất cả đều là báo cáo láo hết. Bởi vì hôm trước Tết 4 ngày, tất cả các bà con chủ thể họp với luật sư về vụ kiện và giơ tay lên, tôi đếm số lượng trên 100 người, như vậy số lượng đồng thuận chính quyền đưa ra là không chính xác. Họ đánh lận giữa việc tiếp cận và đồng thuận, tại vì nếu đồng thuận thì những hộ dân đó đâu có làm đơn khiếu nại và tố cáo khẩn cấp? Tôi nằm trong ban đại diện, tôi khẳng định là không đúng.”
Cũng tại Hội nghị, ông Chánh Văn phòng Võ Văn Hoan cho biết, chính quyền quận Tân Bình đã chi tạm ứng hỗ trợ đền bù, quà Tết cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng.
Tuy nhiên ông Cao Hà Trực, với tư cách là thành viên ban đại diện vườn rau Lộc Hưng đã khẳng định không hề có chuyện này.
Trong hai ngày 4/1 và 8/1/2019, chính quyền quận Tân Bình đã tiến hành cưỡng chế khu Vườn rau Lộc Hưng rộng gần 5 ha. Chính quyền địa phương cho biết việc cưỡng chế chỉ thực hiện đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chứ không thu hồi đất. Mặc dù vậy, chính quyền địa phương trước đó cũng cho biết khu đất này là khu đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-says-most-of-evicted-households-at-loc-hung-vegetable-garden-agreed-with-supportive-money-02142019072831.html
Tranh cãi về chỉ tiêu trên 1m5
cho sinh viên sư phạm
Đại học Sư phạm TP HCM đã đưa ra lời lý giải sau khi gây nhiều tranh cãi về điều kiện xét tuyển sinh viên sư phạm dựa trên chiều cao.Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin, Đại học Sư phạm TP HCM ra chỉ tiêu sinh viên nam phải cao từ 1m55 trở lên, nữ phải từ 1m50 trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao trên 1m65, nặng 50kg, nữ phải cao 1m55 và nặng 45kg.
Được biết đây là tiêu chuẩn của riêng trường, nhưng đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Ông Nhạ ‘không thể không chịu trách nhiệm’
‘Giáo dục VN thất bại vì tư duy tiểu nông, bóc ngắn cắn dài’
Giáo dục Việt Nam thời ‘buôn chữ bán sách’
“Không biết có nước nào quy định chiều cao đối với sinh viên sư phạm như ta nữa không? Thầy tôi ngày xưa là một người khuyết tật, nhưng là người thầy thực sự tài giỏi thì sao. Làm thầy thì cốt ở sự tài giỏi và đạo đức, chiều cao thì để làm gì?” một người tên Trần Văn Sỹ, đăng trên bài viết của báo Thanh Niên.
“Có nên không? con người ta sinh ra không ai mong muốn mình tự thấp bé cả. Người ta đến với nghề Sư phạm có khi là lòng yêu nghề là nhiệt huyết… có khi người thấp bé lại thành công đấy. Điểm sàn cho ngành sư phạm rồi giờ lại còn thêm chiều cao sàn nữa,” một người khác tên Nguyễn Hải bình luận.
Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM với báo Vietnamnet, như sau: ”chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ.”
Và, “Trường Đại học Sư phạm TP HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao.”
Nhưng một số chuyên gia giáo dục không đồng ý với quan điểm này.
Tiêu chuẩn ‘thiếu nhân văn, phân biệt’
Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 14/2, bà Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng nói:
“Nghề giáo là một nghề khá đặc thù vì thường xuyên phải tiếp xúc với con người (thường là người trẻ). Không những thế, nhà giáo còn phải đóng vai là một “hình mẫu” (role model) của các chuẩn mực xã hội để học sinh noi theo.”
“Vì vậy, khi cần phải lựa chọn hoặc đánh giá nhà giáo, ngoài yêu cầu đủ sức khỏe, lòng yêu nghề, đạo đức và năng lực nghề nghiệp như tất cả các nghề nghiệp khác, thì ở ở khắp nơi trên thế giới các nhà tuyển dụng đều có thêm tiêu chí về “hình ảnh” (image) – được hiểu là trang phục, tác phong, cách ứng xử, ngôn ngữ giao tiếp, và không loại trừ yếu tố hình thể (cao thấp, béo gầy, bình thường hoặc có dị tật, v.v…)”
Bà giải thích:
“Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy vẻ bề ngoài (appearance) của giáo viên có tác động đến hiệu quả học tập của học sinh. Do đó, có thể tin rằng yêu cầu về chiều cao tối thiểu của sinh viên ngành sư phạm do trường ĐH Sư phạm TP HCM xuất phát từ một mong muốn tích cực là tạo ra một thế hệ giáo viên tương lai có năng lực và thể chất phù hợp và hình ảnh đẹp trong mắt người học. Đây là một điều có thể hiểu và thông cảm được.”
Tuy nghiên, bà Phương Anh cho rằng, điều kiện về chiều cao trên là “một điều gây phản cảm và hoàn toàn không nên, vì nó đưa một thông điệp có tính kỳ thị đối với những người có chiều cao khiêm tốn.”
“Cần lưu ý rằng ở các quốc gia văn minh trên thế giới, ngay cả trong những thông báo tuyển dụng người ta cũng không thể đưa ra những yêu cầu có tính kỳ thị như trên (dù trên thực tế những người cao lớn đẹp đẽ vẫn có ít nhiều lợi thế hơn những người thấp bé trong quá trình tuyển dụng).”
“Nói là chiều cao cũng phản ánh sức khỏe thì không sai, nhưng khá phiến diện, mà cần có nhiều yếu tố khác nữa, trước hết và rõ nhất là cân nặng.”
“Một người cao trên 1.5m hoặc 1.55m nhưng bị béo phì nặng thì không khỏe mạnh bằng một người dưới chuẩn nhưng cân đối. Việc nói là chiều cao có ảnh hưởng đến công việc (treo bảng) cũng có vẻ chưa hoàn toàn chính xác vì giáo viên có thể đi giày cao, hoặc kê thêm bục.
“Vả lại, sinh viên khi vào trường chỉ mới 18 tuổi, nếu có kế hoạch rèn luyện thể lực (tập bơi lội, bóng rổ) tốt thì vẫn còn có thể cao thêm 1 vài phân, cho nên đề án có dự kiến đưa chiều cao vào thành một chuẩn mực để lựa chọn sinh viên vào học thì cần xem xét lại.”
“Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng cởi mở và nhân bản hơn, nơi những khác biệt so với chuẩn mực chung giờ đây không còn bị xem là hạn chế mà ngược lại đã trở thành một ưu điểm (như trường hợp Hoa hậu H’hen Niê mới đây), và những tiềm năng to lớn của con người – kể cả những người không may mắn được sinh ra trong những điều kiện sống khó khăn, với ít nhiều khiếm khuyết về hình thể – đang ngày càng có điều kiện để khơi gợi và phát triển hơn, nhờ vào sự phát triển của công nghệ.”
“Vì thế, chúng ta không có lý do gì để cho rằng một người với chiều cao khiêm tốn dưới mức trung bình không thể trở thành một giáo viên giỏi, miễn là người ấy có lòng yêu nghề, có nhiệt huyết, và sự quyết tâm phấn đấu vượt qua những đòi hỏi khắt khe của nghề giáo để đạt đến sự thành công trong nghề nghiệp.”
“Theo tôi, nếu trường ĐHSP TP HCM muốn tạo hình ảnh đẹp cho các giáo sinh của trường để cải thiện cái nhìn của xã hội đối với nhà giáo, thì thay vì đưa ra quy định loại trừ các sinh viên sư phạm tiềm năng chỉ vì yếu tố chiều cao, nhà trường nên suy nghĩ đến việc tăng cường rèn luyện thể lực, đào tạo hành vi, tác phong và ứng xử sư phạm, kể cả cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, ứng xử công cộng cho các giáo viên tương lai, tương tự như trong việc đào tạo nhân viên ngoại giao chẳng hạn, để mọi giáo viên đều có tác phong chuyên nghiệp.”
Trả lời BBC hôm 13/2, thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng có những giáo viên là những người tàn phế rất nổi tiếng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
“Trường sư phạm TP HCM lấy tiêu chuẩn hình thức con người như thế là không nên, thiếu tính nhân văn, và có tính phân biệt”.
Thay vì tiêu chuẩn chiều cao trên, thì theo thầy Khoa các trường đào tạo sư phạm nên ưu tiên ba tiêu chuẩn sau:
“Tiêu chuẩn một, là kỹ năng truyền đạt kiến thức. Phải biết cách cho học sinh hiểu, có cách nói chuyện thuyết phục, biết đơn giản hóa một vấn đề cho học sinh dễ hiểu.”
“Tiêu chuẩn thứ hai, là kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm. Học sinh mắc lỗi phải xử lý như thế nào để có tính thuyết phục mà học sinh cảm nhận được và nó coi đó là một bài học quý giá, chứ không phải đánh đập, làm cho các em mất niềm tin, hào hứng đến trường lớp.”
“Và cuối cùng là kỹ năng biết tiếp thu kỹ năng mới, nghiên cứu cách giảng dạy mới, làm sao để học sinh có khả năng tự học, chứ không phải bắt chước, học thuộc lòng như trước kia nữa.”
“Tôi không biết trường ĐH Sư phạm TP HCM không biết đã học ở đâu ra điều lạ lùng như thế. Sư phạm không nên chú ý đến hình thức, cao thấp, mà nên tập trung vào chuyên môn sư phạm thì hơn,” thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói.
Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Bộ Giáo dục nói gì?
Theo báo Vietnamnet, ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP HCM đã đưa ra lý giải cho chỉ tiêu tuyển sinh từ 1m50.
Ông Quốc cho rằng chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ.
“Bên cạnh đó, việc tham gia thể thao, hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe là rất cần thiết.”
Ông Quốc trích dẫn bản Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011- 2010, chiều cao người Việt tăng 1 đến 1,5 cm so với 2010, nên “vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe.”
Ông Quốc còn cho rằng “Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục quy định bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65-0,80m với trường tiểu học và ở Trung học Cơ sở (THCS) là 0,8-1,0m, từ đó nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề”.
Và cuối cùng là “Trường Đại học Sư phạm TP HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao.”
Ông Quốc trích dẫn thêm những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009 – 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44cm và ở nữ lên đến 153,43cm. “Vì thế, chiều cao ở mức 150cm với nữ là chấp nhận được. Điều này cho thấy vấn đề chiều cao đặt trong nội dung sức khỏe là khả thi.”
Ông Quốc khẳng định, đây là Đề án dự kiến nên nhà trường sẽ lắng nghe tất cả thông tin và sẽ cầu thị xem xét, nghiên cứu, tuy nhiên vẫn đảm bảo chuẩn chung khác với từng trường hợp.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho báo Vietnamnet biết rằng “trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường.”
Về điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, bà Phụng nói: “Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.
“Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng “thương hiệu” của trường nhưng phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội”.
Giống tiêu chuẩn đã bị loại bỏ ở Trung Quốc?
Vào tháng Bảy năm ngoái, một sinh viên sư phạm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã bị từ chối cấp chứng chỉ giảng dạy chỉ vì cô cao 1m4.
Khi đó, trường Đại học sư phạm Thiểm Tây cũng có tiêu chuẩn chiều cao tương tự trường Đại học sư phạm TP HCM với chiều cao tối thiểu cho sinh viên nữ là 1m50.
Vụ việc cũng bị dư luận Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ, khiến sở giáo dục tỉnh Thiểm Tây phải đưa ra tuyên bố một ngày sau đó, loại bỏ tiêu chuẩn “kiểm gia viêm gan B và giới hạn dựa trên chiều cao và cân nặng,” theo trang GuideinChina.
Tỉnh Thiểm Tây cũng là tỉnh gần đây nhất loại bỏ tiêu chuẩn chiều cao đối với giáo viên, theo sau tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây và Giang Tây. Trung Quốc không có tiêu chuẩn chiều cao cho giáo viên tuy nhiên một số tỉnh tự đưa ra tiêu chuẩn riêng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47222717
Thiếu Hụt Lao Động
Tại Đồng Bằng Sông Cửu Long
Thanh TrúcBản tin của Việt Nam Thông Tấn Xã cho thấy Đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vùng trọng điểm của lúa gạo, nông sản, thủy sản trên cả nước, nay tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề khó khăn mà nhà nông, doanh nghiệp chế biến thủy sản và các công ty sản xuất nông phẩm tại các nơi như Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu… phải đương đầu bao năm qua.
Báo Tiền Phong thì dẫn lời một nông dân ở Sóc Trăng rằng làng quê của ông bây giờ gần như toàn người già và trẻ con thôi, còn thanh niên trai tráng đều bỏ lên Bình Dương để làm công nhân trong các hãng xưởng trên đó.
Khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
-TS. Đặng Kim Sơn
Thiếu hụt lao động là một trong những thực tế chung khi một nước nông nghiệp chuyển sang giai đoạn công nghiệp, và Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực bị tác động nhiều nhất bởi tiến trình công nghiệp hóa này, là nhận định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng
Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Nông Nghiệp, hiện tại là viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn:
Trong sản xuất nông nghiệp khi phát triển lên thì máy móc cũng tăng lên nên nó đẩy bớt lao động ra, và khi giá chênh lệch giữa lao động đô thị cao hơn so với nông thôn thì lao động thường chuyển về các vùng công nghiệp đô thị. Có lẽ ở Việt Nam vùng chịu tác động rõ rệt nhất chính là Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại Học Nam Cần Thơ, cũng đồng ý rằng tình trạng thiếu hụt lao động ở các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long, viếc máy móc thay thế sức người càng ngày càng phổ biến và trở thành một vấn đề cho khu vực:
Đúng là lao động ở Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động. Có thể nói sản xuất nông nghiệp của Đồng Bằng Sông Cửu Long tuy vẫn phát triển nhưng cơ giới hóa là phần lớn, hơn 90% công việc làm trên đồng ruộng đều cơ giới hóa, người nông dân không tham gia bao nhiêu trong việc sản xuất lúa. Còn các công việc khác, thí dụ trồng mía người ta cũng trồng bằng máy, chỉ còn một số ít trồng bằng tay thôi. Tới lúc thu hoạch cũng bằng máy, nếu thu hoạch bằng tay thì rất đắt tiền. Ngay cây lúa cũng vậy nữa, người nông dân không thể nào có đủ tiền để trả cho công nhân. Đây là sự thật đang xảy ra ở Đồng Bằng Sông Cửu Long của mình.
Như vậy sau Đồng Bằng Bắc Bộ, đến lượt Đồng Bằng Sông Cửu Long tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nhiều. Tiến sĩ sĩ Đặng Kim Sơn phân tích:
Trong tất cả các vùng sinh thái ở Việt Nam thì chỉ có Đồng Bằng Sông Cửu Long là tăng trưởng âm về mặt lao động, tức là số người chuyển ra khỏi vùng nhiều hơn số người đẻ ra hoặc đi đến. Cái này vừa đúng theo qui luật nhưng mà mặt khác thì nó cũng thể hiện một điều là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long thì cơ hội về sản xuất phi nông nghiệp, về công nghiệp… là không có nhiều, cho nên sức hút về giá lao động đã kéo người lao động trẻ ra khỏi vùng. Đó là lý do khiến lao động nông nghiệp rất khó khăn để có đủ người lao động. Ngay cả những đô thị như Cần Thơ chẳng hạn cũng là tình trạng phổ biến.
Chuyện bỏ quê lên tỉnh kiếm sống khiến là nhiều cặp vợ chồng phải gởi con trẻ lại cho cha mẹ để đi làm ăn xa, các cháu thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ trong lúc tuổi còn quá nhỏ. Mặt khác, mức lương cao trên thành phố có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người trẻ không kiếm được việc làm ở nông thôn. Giáo sư Võ Tòng Xuân:
Các doanh nghiệp thủy sản, đóng giày, may mặc, thường thu hút một lượng lớn lao động tương đối lớn, nhưng mà sau khi nghĩ Tết rồi thì số người trở lại không đủ, nhiều doanh nghiệp bị thiếu lao động bởi vì người ta có thể tìm được việc làm khác có thu nhập cao hơn. Sau đợt Tết này nhiều công ty đã có trường hợp phải tăng mức lương cho công nhân lên để người lao động có thể trụ lại làm việc với họ. Tôi nghĩ khuynh hướng này cũng giống như bên Thái Lan, Singapore hoặc Trung Quốc. Bây giờ mấy chỗ đó đâu phải là chỗ lao động rẻ nữa đâu.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn của Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn, đề nghị cách khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân bổ lao động ở nông thôn và thành thị:
Năm nay, ngày mùng Năm mùng Sáu Tết, lúc các doanh nghiệp quay lại làm việc thì đường từ Cần Thơ lên Sài Gòn tắc nghẽn hàng chục tiếng đồng hồ, cho thấy mức độ di chuyển của lao động lên là khủng khiếp.
Để ngăn chặn tình trạng này thì có một cách làm mà một số nước một số nền kinh tế đã làm và đã khá thành công như trường hợp Đài Loan, và gần đây ở giai đoạn cuối của công nghiệp hóa thì Nhật Bản và Hàn Quốc cũng áp dụng, tức là đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, nhất là đường xá rồi là điện và đặc biệt là đào tạo nghề. Làm được như thế thì điều kiện đầu tư ở nông thôn trở nên thuận lợi không kém gì ở đô thị, các nhà máy sẽ chuyển về nông thôn, các khu công nghiệp sẽ đưa về nông thôn, nhất là những vùng đồng bằng có nhiều lao động.
Tiếp đấy, các đô thị lớn cũng giảm bớt các chức năng không cần thiết, ví dụ các trường đại học, các bệnh viện lớn. thậm chí các khu đô thị vệ tình được giãn về nông thôn. Nhờ thế cho nên điều kiện sống ở nông thôn và cơ hội việc làm ở nông thôn xuất hiện nhiều. Trong trường hợp đấy người dân nông thôn có thể không làm nông nghiệp nữa nhưng cũng không phải di chuyển lên thành phố. Đây là một trong những mô hình mà gần đây người ta gọi là ‘tăng trưởng bao trùm” .
Đúng là lao động ở Đồng Bằng Sông Cửu Long càng ngày càng yếu đi vì các vùng công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của Bình Dương, của Long An ngày càng thu hút thêm nhiều lao động.
-GS. Võ Tòng Xuân
Cách làm như thế rất tốt và có lẽ là cách duy nhất, tiến sĩ Đặng Kim Sơn khẳng định, để vừa giảm tải cho các thành phố lớn vừa không rút rỗng nông thôn đi, không để lại nông thôn chỉ toàn người già và trẻ em như hiện nay ở Việt Nam và đắc biệt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Với câu hỏi Việt Nam đã nỗ lực đến mức nào để tiếp cận và tiến hành mô hình khắc phục mà tiến sĩ Đặng Kim Sơn gọi là mô hình tăng trưởng bao trùm, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thể Chế Và Thị Trường Nông Thôn trả lời:
Ở Việt Nam các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân đã nhìn thấy. Tuy nhiên cách của chúng ta trong thời gian qua nhiều khi vẫn còn tiếp cận theo cách cũ, tức là thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn bằng thuế thu ngân sách khá mạnh ở những vùng tăng trưởng cao, sau đó phân bổ trở lại cho những vùng nông thôn tăng trưởng thấp, để một mặt là xóa đói giảm nghèo, mặt khác là giản bớt chênh lêch thu nhập giữa đô thị với nông thôn nhằm giữ chân người lao động ở lại với nông thôn.
Thế nhưng cách làm này đã không mang lại hiệu quả như mong muốn bởi cách làm vừa qua tập trung quá nhiều vào đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ của đô thị:
Chiến lược đó vô hình chung đã tạo sức hút về mặt thị trường, tạo điều kiện rất thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Đặc biệt đầu tư nước ngoài tập trung vào hai trục tăng trưởng lớn của đất nước là chung quanh thành phố Hà Nội và chung quanh thành phố Hồ Chí Minh.
Chính mô hình tăng trưởng như vậy đã tạo điều kiện để hút tài nguyên ra khỏi hai vùng đồng bằng lớn là Đồng Bằng Sông Hồng và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhưng Đồng Bằng Sông Hồng trong chừng mực nào đấy là còn gần các khu công nghiệp, gần với các khu đô thị, trong khi đó Đồng Bằng Sông Cửu Long hoàn toàn là bị rút rỗng để chuyển về Đông Nam Bộ và quanh thành phố Hồ Chí Minh.
Khắc phục không hiệu quả khiến Đồng Bằng Sông Cửu Long bị rút rỗng lao động dần đi như hiện nay:
Nếu thực sự muốn giải quyết tận gốc rễ vấn đề chênh lêch về bố trí dân cư, chênh lệch về phân bổ lao động, ông Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, thì cách tốt nhất để khắc phục là phải phát triển cơ sở hạ tầng ở hai vùng đồng bằng.
Đồng Bằng Sông Cửu Long mà cả Tây Nguyên vốn có lợi thế rất mạnh về và Tây Nguyên là hai nơi có lợi thế rất mạnh về phát triển nông nghiệp thì phải đưa về đây các ngành công nghiệp và dịch vụ hậu cần phục vụ cho nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản.
Đây là giải pháp căn cơ nhất để có việc làm và thu nhập cho cư dân nông thôn ngay tại chỗ. Nói một cách khác, đây chính là mô hình tăng trưởng vừa vững bền vừa bao trùm mà trong thời gian tới Việt Nam chắc chắn phải tính đến như kết luận mà Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nêu ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shortage-of-laborers-in-mekong-delta-02132019133807.html
Lãnh tụ Kim Jong-Un có thể thăm Việt Nam
sớm hơn trước khi gặp Tổng thống Trump
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un có thể đến Việt Nam ba ngày trước Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump.Truyền thông Nam Hàn loan tin trên hôm 13/2 cho biết Lãnh tụ Kim Jong-Un có thể sẽ đến Việt Nam sớm hơn để thăm một số khu công nghiệp quan trọng ở Việt Nam, và có buổi hội đàm với Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin MBC trích lời một quan chức cao cấp của Nam Hàn, nói Lãnh tụ Kim Jong-Un sẽ tới Việt Nam vào ngày 24 hoặc trễ nhất là 25 tháng này.
Nguồn tin trên cũng cho biết từ ngày 25 tới 26, Đương kim Lãnh tụ Bắc Hàn sẽ thăm khu công nghiệp Hải Phòng, và tham quan Vịnh Hạ Long.
Truyền thông Nam Hàn nhận định chuyến thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để Lãnh tụ Kim Jong-Un thấy được sự phát triển của Việt Nam dựa theo sự đổi mới về kinh tế.
MBC cũng nhận định Chuyến thăm và Thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội để Kim Jong-Un thêm một lần nữa củng cố vị trí của mình trước mắt người dân Bắc Hàn, và thay đổi hình ảnh như một nhà lãnh đạo tiến bộ.
Đây là lần đầu tiên Đương kim lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un đến thăm Việt Nam. Lần cuối một lãnh tụ Bắc Hàn thăm Việt Nam là ông Kim Il Sung, ông nội của Kim Jong-Un, vào năm 1961.
Liên quan đến Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bộ Ngoại giao Nam Hàn hôm 12/2 cho biết Bà Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung Wha đang thúc đẩy một cuộc đàm phán song phương với người đồng cấp Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Ba Lan vào cuối tuần này.
Cuộc họp được nói sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến Thượng đỉnh lần hai giữa Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Hà Nội vào ngày 27 và 28/2.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kim-jong-un-could-tour-vietnam-ahead-of-summit-02142019073806.html
Đức thẩm vấn nhân chứng ở Slovakia
trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Các điều tra viên Đức vào ngày 12 tháng 2 đến Slovakia để thẩm vấn trực tiếp các nhân chứng trong vụ cựu viên chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị cho Hà Nội bắt cóc ở Berlin rồi dùng máy bay công vụ của chính quyền Bratislava đưa sang Matx cơ va rồi về Hà Nội.Văn phòng Công tố ở thủ đô Slovakia xác nhận tin vừa nêu với thông tấn xã TASR vào ngày 11 tháng 2 vừa qua. Theo đó thì 14 nhân chứng được thẩm vấn từ ngày 12 đến 14 tháng 2 theo yêu cầu hợp tác tư pháp từ phía cơ quan điều tra Đức.
Phát ngôn nhân Văn Phòng Công Tố ở thủ đô Bratislava của Slovakia, Ông Matej Izakovic, nói thêm rằng một công tố viên của Văn phòng này và hai quan chức chuyên về hình sự của Đức tham gia cuộc thẩm vấn.
Trong khi đó thì phía Cảnh sát Slovakia cũng xác nhận có thêm những bước tiếp ở nước này nằm trong hợp tác quốc tế về vụ việc vừa nêu. Tuy nhiên chi tiết về những bước tiếp này không thể thông báo và còn cần liên lạc thêm với phía chức năng Đức trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh.
Vụ bắt cóc Ông Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào cuối tháng 7 năm 2017 khi ông này được nói đang xin qui chế tỵ nạn tại Đức. Do đó về mặt chính thức, Đức phải bảo vệ ông này.
Tuy nhiên, sau đó Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Hà Nội đọc lời tự thú. Và vào đầu năm ngoái ông này bị tòa án tại Việt Nam tuyên án chung thân về tội tham nhũng.
Vụ việc Trịnh Xuân Thanh gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Sau khi vụ việc xảy ra Berlin tuyên bố ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội.
Slovakia cũng yêu cầu Việt Nam có giải thích rõ ràng, thuyết phục về việc phái đoàn của Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công An Việt Nam sang thăm Slovakia, rồi mượn máy bay công vụ của chính phủ nước này chuyển ông Trịnh Xuân Thanh sang Nga và sau đó đưa về Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/ger-inte-wit-slo-02132019143856.html
Huawei sẽ cung cấp mạng 5G cho Việt Nam?
Truyền thông Nhật cho biết công ty Huawei của Trung Quốc đang nhắm tới việc cung cấp hạ tầng công nghệ mạng không dây thế hệ thứ năm (5G) cho Việt Nam trong khi nhà cung cấp viễn thông này đang bị Hoa Kỳ “tẩy chay” vì nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh.Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Nikkei với ông Fine Fan, Giám đốc Điều hành Huawei Việt Nam, nói rằng công ty ông “tự tin sẽ tăng trưởng tại Việt Nam.”
“Thiết bị của chúng tôi không có đối thủ về chất lượng cũng như giá bán tại Việt Nam. Huawei mang lại công nghệ và giải pháp tốt hơn, ngoài ra còn có hỗ trợ về tài chính để các nhà mạng Việt Nam triển khai 5G”, ông Fan nói với Nikkei.
Tờ báo Nhật hôm 14/2 còn chưa biết rằng công ty Huawei, đã có mặt tại Việt Nam trong 20 năm qua, đang đàm phán với các đối tác ở Việt Nam để thử nghiệm mạng 5G trong năm nay.
XEM THÊM:
Mỹ cảnh báo đồng minh không lắp thiết bị của Huawei
Ông Đặng Kim Long, phụ trách truyền thông của công ty Huawei Việt Nam, xác nhận với trang Zing.vn về hầu hết các thông tin trong bài phỏng vấn của hãng tin Nikkei, nhưng bác bỏ tin Huawei sẽ “hỗ trợ về tài chính để các nhà mạng Việt Nam triển khai 5G.”
Trang Zing.vn nói hiện chưa rõ hãng viễn thông nào sẽ “thắng thầu” cung cấp hạ tầng 5G cho các nhà mạng Việt Nam, nhưng Huawei được cho là cái tên “tiềm năng” bên cạnh Ericsson, Nokia hay Samsung.
Ông Fan cho biết hiện Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng 2G và 3G lớn nhất tại Việt Nam, nhưng với mạng 4G thì không còn giữ được vị trí dẫn đầu. Do đó, “chúng tôi sẽ tập trung hơn để làm việc với các nhà mạng và chính phủ nhằm thúc đẩy mạng 5G,” ông Fan nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn với Zing vào tháng 1/2019, CEO Huawei khẳng định hồ sơ bảo mật của công ty này là sạch sẽ, tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đều đang chạy đua để triển khai thử nghiệm mạng 5G, và ông Fan cho biết Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng “chấp nhận mọi nhà cung cấp.”
Vào tháng trước, truyền thông trong nước cho biết công ty MobiFone đã ký kết thỏa thuận với Samsung để thử nghiệm mạng 5G, còn VNPT ký kết thỏa thuận với Nokia. Trong khi đó, Viettel cũng cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu về 5G từ năm 2015, nhưng không nêu tên đối tác nước ngoài.
Ngày 22/1, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel.
XEM THÊM:
Mỹ truy tố Huawei tội lừa đảo và đánh cắp bí mật thương mại
Trong thời gian qua, thiết bị viễn thông của Huawei đã gặp nhiều sự khó khăn khi bị Mỹ cấm cửa, và nhiều nhà mạng tại các quốc gia tại châu Âu hay Australia, New Zealand cũng đang cân nhắc không sử dụng thiết bị của công ty này.
Ông Fan thừa nhận với tờ Nikkei: “Những vấn đề này không dễ để giải quyết trong thời gian ngắn.”
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc một sắc lệnh hành pháp trong năm nay để tuyên bố tình trạng khẩn cấp tầm quốc gia, cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông do hai hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất.
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei cho hoạt động gián điệp – mối lo ngại mà Huawei nói là không có cơ sở.
Trong một cuộc phỏng vấn với Zing vào tháng 1/2019, ông Fine Fan khẳng định hồ sơ bảo mật của công ty này là “sạch sẽ, tại Việt Nam và trên toàn thế giới,” và tất cả các sản phẩm mà Huawei cung cấp là “hoàn toàn đáng tin cậy.”
XEM THÊM:
Giám đốc Huawei ‘chống dẫn độ’, tố cáo Mỹ ‘có động cơ chính trị’
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng công nghệ mạng 5G sẽ cách mạng hóa toàn bộ nền kinh tế công nghiệp của thế giới. Họ nói rằng mạng 5G nắm giữ chìa khóa cho một thế giới thông minh, hiệu quả, kết nối và giàu sang hơn nhiều.
Tuy nhiên, một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã chỉ ra cách Trung Quốc dự định sử dụng quá trình chuyển đổi sang 5G và quyền truy cập vào hàng tỷ thiết bị điện tử nối mạng để thu thập thông tin tình báo, phá hoại hay phục vụ cho mục đích kinh doanh.
https://www.voatiengviet.com/a/huawei-se-cung-cap-mang-5g-cho-vietnam/4786762.html
Có một cuộc xâm lược khác
Mặc LâmKỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh biên giới xảy ra năm nay báo chí được tháo cái rọ bút để lên tiếng về cuộc chiến mà từ nhiều năm trước câu chuyện tang thương này gần như biến mất trên báo chí truyền thông nhà nước. Hơn nữa nó còn bị cắt xén, tối giản đếm mức cả cuộc chiến tranh với tổn thất nặng nề chỉ gói gọn lại vài dòng trong sách giáo khoa mà kẻ thù từng giết dân quân miền Bắc được khoác cho một cái tên mới là “nước ngoài”.
Cuộc chiến tranh xâm lược ấy từng được tuyên truyền trong suốt thời kỳ Lê Duẩn cầm quyền cho đến khi Hội nghị Thành Đô thành hình năm 1991 thì bỗng dưng im bặt. Các cơ quan nhà
nước trở nên im lặng một cách khó hiểu về cách ứng xử với Trung Quốc, mọi thù hằn không những biến mất mà trái lại ai nhắc nhở tới chúng cũng đều bị chụp cái mũ phá hoại tình hữu nghị hai nước. Và cái tình hữu nghị ấy càng kéo dài thì sự uất ức của người dân càng tăng cao vì họ hiểu thái độ này chỉ là mặt trái của lòng thần phục.
Với sự nhạy bén của những kẻ cơ hội, tình hình có vẻ đã đổi chiều khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng. Mỹ chẳng những tỏ ra cứng rắn một cách bất ngờ, chính sách về Biển Đông của Washington rõ ràng hơn, nó liên tiếp đưa ra những thông điệp đến với Bắc Kinh rằng sự lấn áp của họ đối với vùng biển quan trọng này không thể nhận được sự im lặng của Mỹ, mà trái lại nó đang thử thách sức mạnh của một siêu cường dẫn đầu bởi một chính phủ đã thấy rõ dã tâm của một tập đoàn đang làm cho thế giới biến dạng.
Và việc thả lỏng cho báo chí viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 là thông điệp gửi đến cho Mỹ: Chúng tôi không còn lưỡng lự nữa.
Chỗ dựa của Việt Nam không hẳn là Mỹ, nhưng thái độ cứng rắn liên tục trong những sự việc xảy ra hồi gần đây cho thấy ít ra Việt Nam cũng đã có một quyết định tuy còn rụt rè nhưng Trung Quốc đã nhận ra họ không thể áp dụng chính sách cũ nữa và họ phải thay đổi, sự thay đổi này có làm Việt Nam dịu giọng hay không lại tùy vào thái độ của Mỹ.
Điều quan trọng đối với Trung Quốc bây giờ là kế hoạch xâm lược bằng kinh tế, chính trị cửa sau hay phá hoại Việt Nam từ bấy lâu nay không bị phá sản sau nhiều năm ròng rã thực hiện và đã thành công. Những kế sách buộc Việt Nam vĩnh viễn sống trong vòng vây kinh tế của Trung Quốc tỏ ra hiệu quả do sự yếu kém về năng lực của cấp lãnh đạo Việt Nam một phần, một phần khác do lòng tham không đáy của các quan chức nhà nước có thẩm quyền trong việc phê duyệt các hợp đồng mà kết quả là luôn luôn bị Trung Quốc dẫn dắt theo hướng có lợi cho họ.
Kế hoạch khai thác tài nguyên khoán sản của Việt Nam với giá rẻ mạt đã được Bắc Kinh thực hiện thông qua các đời Tổng bí thư cho đến nay vẫn còn ám ảnh nền kinh tế của Việt Nam. Bauxite Tây nguyên đã thua lỗ đối với Việt Nam nhưng với Trung Quốc nó chỉ là một con tép nhỏ bé dùng vào việc xâm lăng sức lao động của công nhân Trung Quốc. Các mỏ than tại Quảng Ninh tiếp tục mất trắng bởi giá cả bán than chưa tinh chế cho Trung Quốc và nhập lại than đã luyện với giá đắt gấp nhiều lần hơn. Đây là kết quả của chính sách khai thác bừa bãi, thiếu khoa học do Trung Quốc chỉ đạo để kết quả ngày hôm nay không còn lựa chọn nào khác.
Từ năm 2012, Chính phủ Trung Quốc đã công bố danh sách hàng ngàn nhà máy, dây chuyền lạc hậu phải loại bỏ và để giải quyết số của nợ đó Việt Nam được nhắm tới như một bãi chứa rác nhưng lại kiếm ra tiền nhờ tư duy ham rẻ của người bạn phương Nam.
Kết quả là sau khi mua những nhà máy, dây chuyền ấy về, Việt Nam lăn lộn trong đống sắt vụn và người bán có thêm cơ hội làm cố vấn để bán cho nạn nhân thêm những phụ kiện khác để thay thế. Không một thống kê nào nêu lên sự thiệt hại của doanh nghiệp trong cơn lên đồng mua máy móc phế thải Trung Quốc, vì vậy không ít doanh nghiệp thiếu thông tin tiếp tục làm cừu cho Bắc Kinh xẻ thịt.
Về kinh tế, Trung Quốc là bậc thầy của thế giới về đấu thầu. Chính sách của Bắc Kinh luôn nâng đỡ cho doanh nghiệp có làm ăn tại Việt Nam bằng cách bơm tiền từ các ngân hàng nhà nước nếu doanh nghiệp có yêu cầu. Việt Nam thiếu vốn nhưng các công ty quốc doanh lại có nhu cầu thực hiện các dự án nhiều khi không cần thiết cho đất nước nhưng lại cần thiết cho bề ngoài hào nhoáng của chế độ. Một dự án được phê duyệt là bộ máy tham nhũng chuyển động. Các công ty đấu thầu của Trung Quốc được rỉ tai và kết quả thường thấy là 95% dự án được Trung Quốc lãnh thầu sau khi vốn vay được chính Trung Quốc bảo lãnh.
Theo báo chí thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nêu lên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu là những dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc, mà để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.
Cũng theo phát hiện của báo chí thì “với 552 triệu đôla tiền vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án Cát Linh – Hà Đông và với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày).
Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá, Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank của Trung Quốc. Cộng cả hai khoản vay, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.”
Kết quà luôn luôn là phần thiệt hại vào tay Việt Nam. Dự án bị đội vốn, nhà thầu làm việc tắc trách, phẩm chất dự án luôn là số âm và trách nhiệm đối với những chữ ký hay bút phê từ cấp trên không bao giờ được vạch ra trước công luận. Phần thiệt hại ấy tính vào nợ công và người dân oằn lưng đóng thuế để chi trả khoản nợ nước ngoài mà họ không hề hay biết.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Từ Thuý Anh và Tiến sĩ Nguyễn Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR thì “sự áp đảo của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án lớn ở Việt Nam đã làm cho thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao. Có đến 90% dự án công nghiệp nặng như các công trình điện, khai khoáng, dầu khi, luyện kim, hoá chất… của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ USD mỗi dự án”.
Chẳng những vậy rất nhiều dự án dang dở sau khi nhà thầu Trung Quốc làm việc do thiếu vốn, thiếu nguyên vật liệu hay những lý đo khác mà các công trình như dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc hay dự án thủy điện Thượng Kon Tum đều có những lý do khiến nhà nước không tài nào đối phó. Cơn phá sản của các công trình ngày càng nhiều chứng tỏ Trung Quốc rất thành công trong nổ lực xâm lăng Việt Nam thông qua con đường kinh tế.
Doanh nghiệp lớn của Trung Quốc được chính phủ của họ tạo điều kiện xâm thực cơ cấu kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tấn công Việt Nam ở những chiến trường khác, mà chiến thắng của họ căn cứ trên sự thiếu kiềm soát của cơ quan chức năng Việt Nam, cộng với tham nhũng, móc ngoặc của cán bộ các cấp lại được sự tham gia nồng nhiệt của đa số người dân vì ham rẻ, ham kiếm lời nhanh chóng bất kể sản phẩm của mình tạo ra có làm nguy hại đến người khác.
Bên cạnh các mặt hàng gia dụng có tẩm các chất phụ gia độc hại, nhiều loại rau củ quả Trung Quốc hiện nay cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường được bày bán tràn lan đều được đóng nhãn mác Việt Nam hoặc hàng Thái Lan, Mỹ, hay New Zealand để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều lô hàng trái cây Trung Quốc, nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai vượt mức từ 3 tới 5 lần dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cho phép.
Cuộc xâm lược kinh tế Việt Nam tuy được che đậy bằng lợi nhuận ít ỏi mà người dân Việt Nam kiếm được nhưng tác hại của nó vô cùng to lớn cho tương lai đất nước. Truyền thông Việt Nam tuy hứng khởi với sự cho phép tạm thời việc kỷ niệm 40 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới nhưng một cuộc chiến khác đang xảy ra nếu không được cảnh giác một cách có hệ thống thì đất nước sẽ không khác gì bãi chiến trường như các tỉnh phía Bắc 40 năm trước. Chỉ khác một điều sự phá hoại của cuộc xâm lược lần này nằm trên từng con người Việt Nam khắp ba miền. Nó tác hại lên sức khỏe, niềm tin, sức sáng tạo cũng như năng lực làm việc của người dân. Nó biểu hiện sự ù lì, vô cảm, và nhất là tính chiến đấu bị mài mòn do sự tiếp tay của bọn nằm vùng lãnh lương từ những đồng nhân dân tệ được hóa phép thành những tờ giấy xanh nổi tiếng.
https://www.voatiengviet.com/a/chien-tranh-bien-gioi-40-nam-hoi-nghi-thanh-do/4786782.html tin
0 comments