Tin Biển Đông – 20/02/2019
Dàn chiến hạm khủng của Mỹ – Anh
đổ xô tới Biển Đông, TQ “nổi đóa”
Sự xuất hiện của hai tàu khu trục tên lửa Mỹ gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 11/2 và thông tin tàu sân bay duy nhất của Anh HMS Queen Elizabeth cũng đang di chuyển tới Thái Bình Dương khiến Trung Quốc vô cùng tức giận.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin hôm 11/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson xác nhận tàu sân bay duy nhất trong lực lượng hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth đã được triển khai tới Thái Bình Dương, khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số quốc gia khác trên Biển Đông
Theo ông Williamson, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện giữ vị trí trọng tâm trong hải quân Anh và sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2020. Trong hành trình tới Thái Bình Dương lần này, tàu HMS Queen Elizabeth sẽ cùng tham gia sứ mệnh với dàn chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và Anh.
Thậm chí, Bộ trưởng Williamson còn hối thúc các nước phương Tây nên chuẩn bị hỗ trợ cho lợi ích của chính quốc gia thông qua sức mạnh quân sự như việc Anh điều tàu sân bay tới khu vực Thái Bình Dương.
Thông tin được Bộ trưởng Williamson chia sẻ đúng thời điểm Mỹ đang tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Cụ thể, trong ngày 11/2, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến lại gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Sự xuất hiện của hai tàu chiến Mỹ gần bãi Vành Khăn ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng yêu cầu Mỹ dừng ngay “những hành động mang tính khiêu khích” và cáo buộc tàu chiến Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.
Đáng nói, việc 2 tàu khu trục Mỹ tới gần bãi Vành Khăn diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn đang vướng vào cuộc chiến thương mại. Theo đó, hai bên đang cố gắng đạt được một thỏa thuận
trước thời hạn chót là ngày 1/3. Đây là thời điểm Mỹ sẽ tăng áp mức thuế từ 10% lên thành 25% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu của Trung Quốc.
Giáo sư Wang Yiwei tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định, việc tàu chiến Anh tới Biển Đông là động thái mang tính cứu vãn bộ mặt của Anh trong tương lai sau khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit.
“Động cơ của giới chính trị gia Anh là nhằm vớt vát niềm tin của thế giới với Anh sau giai đoạn Brexit. Anh đang cố thể hiện sức mạnh và năng lực quốc gia”, ông Wang nói.
Trong thời gian gần đây, Anh cũng đang tăng cường hoạt động trên các vùng biển châu Á và tiến hành hoạt động tuần tra chung với Mỹ. Hồi tháng Một, tàu hộ vệ tên lửa HMS Argyll của hải quân Anh đã cùng tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ tiến hành tập trận chung 6 ngày ở Biển Đông.
Cuộc tập trận này diễn ra sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành đợt tuần tra đảm bảo tự do ở Biển Đông và lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Trước đó, vào tháng 8/2018, hải quân Hoàng gia Anh cũng đã tiến hành đợt tuần tra đầu tiên ở Biển Đông khi điều động tàu đổ bộ HMS Albion tới gần quần đảo Hoàng Sa.
Tới tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Williamson thông báo Anh có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở khu vực Thái Bình Dương mà khả năng là ở Singapore hoặc Brunei.
Theo ông Wang, động thái của Anh có thể gây ra những hậu quả tiêu cực nhưng không tác động lớn tới mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc.
“Hợp tác là mối ưu tiên lớn trong quan hệ Anh – Trung và Trung Quốc cũng không muốn có thêm kẻ thủ”, ông Wang nhận định.
Liên quan tới sự xuất hiện của 2 tàu chiến Mỹ gần quần đảo Trường Sa hôm 11/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, “các hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đã vi phạm chủ quyền, gây ảnh hưởng xấu tới nền hòa bình, an ninh, trật tự của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực phản đối hành động này”.
Trước đó, một quan chức Mỹ giấu tên chia sẻ với Reuters rằng, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble của hải quân Mỹ chỉ tiến lại gần bãi Vành Khăn. Song theo bà Hoa, tàu chiến Mỹ còn lại gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do đi lại và bay qua Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế, nhưng chúng tôi hoàn toàn phản đối bất cứ quốc gia nào lợi dụng hoạt động này để gây ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”, bà Hoa chỉ trích.
Về phía Việt Nam, Hà Nội luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Ông Trump quyết không tha TQ ở Biển Đông
Đầu tuần, Hoa Kỳ đã phái hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, động thái mới nhất thể hiện quan điểm nhất quán của chính quyền Trump đối với vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục các vòng đàm phán căng thẳng về thương mại, đồng thời, Tổng thống Trump sắp có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng này tại Việt Nam, quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Suốt hai nhiệm kỳ với chính sách mềm mỏng của cựu Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động chiếm đóng và xây dựng phi pháp các tiền đồn trên Biển Đông, trong đó có Đá Vành Khăn. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Trump tiếp quản Nhà Trắng, mọi thứ đã dần trở nên khó khăn hơn với Bắc Kinh.
Trái ngược với người tiền nhiệm Obama, chiến lược của chính quyền Trump là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông thường xuyên đến mức điều đó không còn là tin tức đáng kể gì đối với giới truyền thông, thông qua đó, phản bác thành công các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Business Insider.
Trả lời câu hỏi của phóng viên CNN đề nghị cho biết quan điểm về việc Hoa Kỳ điều 2 tàu chiến tới Trường Sa, ông Clay Doss phát ngôn viên của Hạm đội 7 nói đại ý rằng, hoạt động của hai tàu Mỹ là
bình thường và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, và rằng hải quân Mỹ có quyền đi lại ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Mỹ và đồng minh chung sức
Trong bối cảnh chính quyền Trump tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm chống lại tham vọng kiểm soát của Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho rằng Hoa Kỳ cần xem xét khả năng thiết lập căn cứ chống hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Chúng ta phải chấp nhận thực tế là môi trường đang thay đổi mạnh mẽ ở Biển Đông, đến mức nó sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận mới”, đô đốc Philip Davidson, người chỉ huy Bộ Tư lệnh khẳng định. “Nó sẽ yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ về một số địa điểm, nếu không phải căn cứ [quân sự], chúng tôi đang nói chuyện với các đối tác và đồng minh về những cơ hội có thể có ở đó”.
Ông Davison xác nhận các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ cùng tham gia vào các hoạt động ở Biển Đông trong tương lai, trong đó có Anh Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada.
Tờ SCMP đưa tin, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường US McCampbell của Hải quân Mỹ và tàu hộ tống HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đã cùng nhau thực hiện một cuộc tập trận chung lần đầu tiên trên Biển Đông từ 11 đến 16/1/2019.
Hôm thứ Hai (11/2), ông Gavin Williamson, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng nước này phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh “cứng” để bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời tuyên bố siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, niềm tự hào của Hải quân Anh, được trang bị hai phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35, sẽ đi qua Biển Đông.
Tờ Ibtimes nhận định, các cuộc tuần tra của con tàu Queen Elizabth – chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc “phẫn nộ” – sẽ củng cố quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trên vùng biển tranh chấp này.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một trong những mối quan hệ thân thiết nhất”, ông Williamson nói. Bộ trưởng quốc phòng Anh cũng chỉ đích danh Trung Quốc, bên cạnh Nga, là hai nước đang cố gắng xóa bỏ ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh, và Anh sẽ đứng lên chống lại những kẻ “vi phạm pháp luật quốc tế”.
Independent bình luận, phát biểu của ông Williamson được nhìn nhận như một lời đe dọa nhắm vào Trung Quốc liên quan đến hoạt động bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tài ngoại giao của Tổng thống Trump
Nhà phân tích chính trị Lawrence Solomon trong một bài viết đăng trên tờ Financial Post có trụ sở tại Canada hôm 15/2 đã đưa ra kiến giải thú vị về nghệ thuật ngoại giao “tối đa hóa cơ hội thành công” của Tổng thống Trump.
Theo chuyên gia Solomon, ông Trump thường có những lời khen “đưa đối thủ lên mây xanh” nhưng đó là một cách để giữ thể diện cho họ trước “quốc dân”. Thực tế cho thấy, sau những lời khen đó ông Trump thường là người nắm thế chủ động và sẽ dồn ép đối thủ. Vị chuyên gia người Canada minh chứng bằng trường hợp của Kim Jong-un, ông Trump đã từng dùng nhiều mỹ từ để khen nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên hết lời, nhưng cuối cùng thực tế cho thấy Kim đã phải ngồi vào bàn đàm phán, trao trả tù nhân và hài cốt lính Mỹ, không thử nghiệm vũ khí hạt nhân sau hơn 15 tháng.
Ông Trump cũng từng khen Chủ tịch Tập Cận Bình ‘vĩ đại’, nhưng, ông chủ Tòa Bạch Ốc lại không nương tay khi công bố những cú đánh sấm sét bằng chính sách thuế, làm nền kinh tế Trung Quốc ‘quay cuồng’ [từ của ông Solomon], và còn đe dọa sẽ dùng biện pháp mạnh hơn nếu Bắc Kinh không chấp nhận nhượng bộ.
Phong cách ngoại giao và tư duy chiến lược của Tổng thống Trump là điều chưa từng thấy ở những người tiền nhiệm của ông và điều đó đang khiến Trung Quốc lúng túng hơn bao giờ hết.
“Tôi muốn nói rằng Trung Quốc là một trong những vấn đề tồn đọng phải giải quyết mà Obama đã bỏ qua hoặc xử lý yếu kém. Áp lực giờ đây đổ lên vai Tổng thống Trump. Cách ông ấy đáp trả khiến người Trung Quốc bối rối. Họ chưa bao giờ thấy một tổng thống Mỹ nào cứng rắn như vậy”, theo ông John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ bình luận trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Hugh Hugh Hewitt, phát sóng ngày 12/10/2018.
Những vấn đề tiếp tục bị xử lý
Cấp phó của Tổng thống Trump hôm thứ Bảy (16/2) đã liệt kê chi tiết những vấn đề mà Trung Quốc bị nhắm tới theo lập trường cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng.
Ngoài thực trạng thương mại bất công, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết chính quyền Trump còn nhắm tới hàng loạt mối đe dọa tai tiếng khác của Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.
“Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ cũng đã nêu rõ rằng Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề lâu đời về trộm cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ ép và các vấn đề mang tính
chất cơ cấu khác ở Trung Quốc đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế của chúng tôi và các nền kinh tế [khác] trên thế giới”, ông Pence phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2019 hôm 16/2.
Ông Pence tiếp tục liên kê “các vấn đề khác vẫn tồn tại”, bao gồm: tham vọng kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông gây tổn hại quyền tự do hàng hải trong khu vực, thực trạng Bắc Kinh đặt ra ngoại giao bẫy nợ với các nước, can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của các nước, và vi phạm nhân quyền đối với “các nhóm thiểu số có tín ngưỡng” ở Trung Quốc, một lời ám chỉ rõ ràng tới các nhóm người có đức tin bị đàn áp như những người theo đạo Cơ Đốc tại gia, các Phật tử Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương và những người tập Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
tàu tuần duyên cỡ lớn và hiện đại
mà Việt Nam có thể sắp nhận từ Mỹ
Báo cáo của Đô đốc Davidson, Tư lệnh HQ Mỹ ở Thái Bình Dương trước Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ dù không nhắc cụ thể, nhưng dường như VN đã đặt mua chiếc tàu tuần duyên thứ 2.
Mặc dù trong bản báo cáo nói trên không nhắc đến chính xác loại tàu tuần duyên nào mà Việt Nam đã đặt mua nhưng Đô đốc Davidson, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng nói rõ đây là tàu tuần duyên của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, tức là Việt Nam sẽ mua lại thêm 1 tàu tuần duyên được lực lượng này loại biên.
Trước đó vào năm 2017, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từng tiếp nhận 1 tàu được loại biên từ Lực lượng Tuần duyên Mỹ.
Đó là tàu CSB 8020 (trước đây là tàu tuần duyên USCGC Morgenthau số hiệu WHEC-712) thuộc lớp Hamilton.
Trong năm 2018, cũng có một số nguồn tin cho biết Việt Nam tiếp nhận thêm tàu lớp Hamilton thứ 2 từ Lực lượng Tuần duyên Mỹ là tàu USCGC Sherman (số hiệu WHEC-720). Tuy nhiên, sau đó con tàu này đã được chuyển giao cho Hải quân Sri Lanka.
Với báo cáo của Đô đốc Philip S. Davidson thì rất có thể lần này Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm 1 tàu tuần duyên lớp Hamilton.
Vậy nó có thể là con tàu nào?
Hiện tại, trong biên chế Lực lượng Tuần duyên Mỹ chỉ còn lại 3 tàu tuần duyên lớp Hamilton đó là các tàu: USCGC Midgett (số hiệu WHEC-726), USCGC Mellon (số hiệu WHEC-717) và USCGC Douglas Munro (số hiệu WHEC-724).
3 con tàu nói trên sẽ lần lượt được loại biên khỏi Lực lượng Tuần duyên Mỹ trong thời gian tới. Trong đó, 2 tàu USCGC Midgett và USCGC Mellon đã có kế hoạch loại biên cụ thể.
Cụ thể, tàu USCGC Midgett được lên kế hoạch loại biên vào năm tài chính 2019, tàu USCGC Mellon là vào năm tài chính 2020, tàu USCGC Douglas Munron thì chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng dự đoán là vào năm tài chính 2021.
Như vậy, trong 3 tàu nói trên thì tàu tuần duyên USCGC Midgett (số hiệu WHEC-726) là con tàu có khả năng cao nhất được chuyển giao cho Việt Nam.
Với việc con tàu này được loại biên trong năm 2019 thì ngay trong năm nay chúng ta có thể sẽ tiếp nhận con tàu này để tiến hành huấn luyện tại Mỹ và chuyển về Việt Nam vào cuối năm như với tàu CSB 8020.
USCGC Midgett (số hiệu WHEC-726) cũng là chiếc tàu cuối cùng và trẻ tuổi nhất trong lớp tàu Hamilton.
Con tàu được khởi đóng vào ngày 05/04/1971, biên chế vào ngày 17/03/1972, được loại biên tạm thời và ngày 07/01/1991 và tái biên chế vào tháng 02/1993. Tàu có chiều dài 115m, rộng 13m, lượng giãn nước 3.050 tấn.
Trên tàu được trang bị 1 pháo chính Mk 75 cỡ nòng 76mm, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx (nếu được chuyển giao cho Việt Nam thì dường như hệ thống này sẽ được loại bỏ). Tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng.
0 comments