Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

40 năm nhìn lại Chiến Tranh Biên Giới tháng hai… Đâu là bài học?..

Saturday, February 16, 2019 7:29:00 PM // ,


14-2-2019

Cuộc chiến Việt-Trung 1979, mở đầu từ ngày 17 tháng 2 năm 1979 và chấm dứt ngày 5 tháng 3 năm 1979, giới hạn trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc của VN. Học giả nước ngoài gọi cuộc chiến này qua nhiều tên khác nhau. Một số gọi là “chiến tranh biên giới – la guerre des frontières”. Điều này không sai vì địa bàn cuộc chiến chỉ giới hạn ở các vùng biên giới. Tên này cũng được đặt cho cuộc chiến Campuchia tháng 12 năm 1978. Nguyên nhân cuộc chiến VN-Campuchia bắt nguồn từ các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Một cuộc chiến tranh vì vậy cũng có thể mang tên “mục tiêu” của các bên tham gia cuộc chiến.


Phía CSVN gọi đó là cuộc chiến “xâm lược”: “Chiến tranh xâm lược ngày 17-2-1979 là đỉnh cao của những hành động thù địch của lãnh đạo TQ”.

Ý nghĩa của từ “xâm lược” rất nặng nề: xâm là tiến vào, lược là cướp.

Một số tài liệu cho biết chỉ trong vòng 20 ngày thiệt hại về nhân mạng hai bên từ 60 ngàn đến 100 ngàn người bị loại khỏi vòng chiến. Con số phía bên TQ hy sinh vào khoảng 30 đến 50 ngàn.

Sau hai tuần giao tranh TQ tuyên bố đã đạt được mục tiêu và đơn phương rút quân về. Các tỉnh phía VN tiếp giáp với TQ đều bị lính TQ cướp sạch, phá sạch, giết sạch. Thật đúng nghĩa với từ “xâm lược”!

Một số đất đai của VN trên vùng biên giới đã bị TQ chiếm đóng sau cuộc chiến. Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền 25 tháng 12 năm 1999 khẳng định chủ quyền của TQ trên những vùng đất này (không đáng kể về diện tích).

Phía TQ gọi cuộc chiến “hoàn kích tự vệ – đánh để tự vệ”, mục tiêu là “dạy cho VN một bài học”.

Trên lý thuyết chiến tranh chấm dứt sau khi TQ tuyên bố rút quân về ngày 5 tháng 3 năm 1979. Nhưng trên thực tế cuộc chiến kéo dài cho tới các năm 1988, 1989.

Cuộc chiến “phản kích tự vệ kéo dài” của TQ được thực hiện trên những chiến trường không kém phần “khốc liệt”. Mục tiêu của TQ một mặt nhằm yễm trợ kháng chiến quân Khmer đỏ trên chiến trường Campuchia, mặt khác xâm chiếm một số “cao điểm” chiến lược (thuộc lãnh thổ VN) tọa lạc trên đường biên giới. Đặc biệt thuộc lưu vực suối Thanh Thủy (Hà Giang). Các chi tiết này sẽ nói lại phần dưới.

Sau khi hai bên VN-TQ bình thường hóa ngoại giao, sau Hội nghị Thành Đô 1990. Báo chí VN “im lặng”, tránh nói về cuộc chiến này. Các cuốn “hồi ký” của các cựu chiến binh không thấy xuất bản. Ngay cả sử sách, phía VN cũng không nhiều lời về cuộc chiến 1979. Trong một thời gian dài các nghĩa trang liệt sĩ của VN, những người hy sinh cho cuộc chiến, trên các tỉnh biên giới, bị bỏ hoang không được trùng tu. Các bia đá ghi “tội ác chiến tranh” lập lên sau chiến tranh cũng bị đập phá, xóa bỏ.

Về phía VN, ký ức về cuộc chiến 1979 bị xóa mờ đối với những người “trong cuộc”. Huống chi các thế hệ sinh sau!.

Ngược lại phía TQ, nhiều tập hồi ký đã được xuất bản. Các nghĩa trang “liệt sĩ” phía TQ được chôn cất trên lãnh thổ VN, nay trở thành đất của TQ, luôn được trùng tu, đông đảo người thăm viếng, nhang khói thường xuyên. Một số nghĩa trang “liệt sĩ TQ” không hiểu lý do ở sâu trong lãnh thổ VN. Các nghĩa trang này được nhà cầm quyền VN chăm sóc tận tình.

40 năm sau báo chí VN được “mở miệng” (?). Nhiều bài báo về chủ đề chiến tranh biên giới 1979 mấy ngày nay thấy được đăng tải. Vấn đề là phần lớn các bài viết này “ít” nói về lịch sử. Cũng không thấy bài báo nào nói về các bài học hai bên cần rút ra sau chiến tranh.

Lãnh đạo CSVN, trong một thời gian (tương đối ngắn so với thời gian lập quốc của Việt Nam), đã liên tục mở ra bốn cuộc chiến tranh: “9 năm kháng chiến” đánh Pháp (1945-1954); hai mươi năm “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” (1954-1975); mười năm đánh Khmer đỏ và chiếm đóng Campuchia (1978-1988); cuối cùng là đánh Trung Quốc, tháng 2-1979. (Trên lý thuyết quân TQ rút về vào tháng 3 năm 1979 nhưng trên vùng biên giới chiến cuộc vẫn tiếp tục cho đến cuối thập niên 80). Tức là trong 10 năm, 1978-1988, VN phải đương đầu cùng lúc hai cuộc chiến tranh: biên giới phía Bắc với TQ và phía Tây Nam với Khmer đỏ.

Phía CSVN hãnh diện tuyên bố đã “chiến thắng vẻ vang” ở 4 cuộc chiến đó.

Câu hỏi đặt ra là các “chiến thắng vẻ vang” đã đem lại điều gì cho người dân và đất nước?

40 năm sau (cuộc chiến biên giới 1979) người dân vẫn nghèo, đất nước bị tàn phá. “Rừng đã hết và biển đã chết”. Sông ngòi, ruộng đồng, đất đai… ô nhiễm, tài nguyên quốc gia bị hủy hoại. Đất nước không đơn thuần đứng trước “nguy cơ chưa giàu đã già” mà thực tế đã lâm vào vòng lệ thuộc.

Huyết mạch kinh tế phần lớn do tài phiệt nước ngoài nắm giữ (qua các hình thức đầu tư). Đại đa số dân chúng sống về lao động tay chân, làm công trong các xí nghiệp của tài phiệt nước ngoài. Nếu không thì sống nhờ vào “xuất khẩu lao động”, “làm dâu xứ người”, một hình thức “lao nô quốc tế”.

Những quốc gia “chiến bại” trước VN, Pháp và Mỹ không nói, vẫn luôn là các đại cường hàng đầu thế giới.

Còn Trung quốc?

Học giả VN thường khoe khoang TQ “học VN một bài học”. Nhưng đàng sau “bài học” mà TQ học của VN, nếu không nói là nhờ “thua” VN, TQ từ một quốc gia nghèo đói lạc hậu “vươn vai” trong bốn thập niên trở thành một đại cường, chỉ đứng sau Mỹ, về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quốc phòng…

Ngay cả Campuchia, phía thiệt thòi nhứt trong chiến tranh, bây giờ cũng “qua mặt” VN trên nhiều phương diện.

Viết lại lịch sử không phải để “say sưa” với “hào quang” chiến thắng, hay để “tự hào” ta là “anh hùng”. Viết lại lịch sử cũng không phải để khơi dậy lòng “căm thù” giữa hai dân tộc VN-Mỹ, VN-TQ, VN-Campuchia… (thậm chí khơi dậy hận thù dân tộc hai miền Nam Bắc). Lợi ích của “lịch sử” là để “không lập lại những sai lầm của lịch sử”.

TQ chắc chắn đã “học” được nhiều kinh nghiệm ở cuộc chiến 1979. Không phải nhờ cuộc chiến này mà TQ “lấy niềm tin” với Mỹ, từ đó nhờ vào tư bản cùng khoa học kỹ thuật của Mỹ để phát triển hay sao?

Còn VN đã học được cái gì (ở 4 cuộc chiến)?.

(Còn tiếp)

https://baotiengdan.com/2019/02/14/40-nam-nhin-lai-chien-tranh-bien-gioi-thang-hai-dau-la-bai-hoc/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.