Tin khắp nơi – 31/12/2018
Tuesday, January 1, 2019
7:16:00 AM
//
Slider
,
Thế Giới
,
Tin Khắp nơi
Thế giới chuẩn bị đón năm 2019
Minh AnhNhững thời khắc cuối cùng của năm 2018 đang đến gần. Người dân trên khắp năm châu hồi hộp đón chờ năm 2019 trong niềm hân hoan xen lẫn lo âu. Dư âm của nhiều biến động chính trị, xã hội và kinh tế trên thế giới trong năm qua vẫn còn đó và có nguy cơ kéo dài sang năm 2019.
Nhưng AFP khẳng định có một điều chắc chắn không thể thiếu và rất được mọi người trông đợi vào thời khắc linh thiêng : Những màn pháo hoa rực rỡ đón mừng năm mới. Tại Úc, một trong những nơi đầu tiên đón năm 2019, chính quyền Sydney hứa hẹn mang đến cho người xem 12 phút trình diễn pháo hoa đẹp nhất và lộng lẫy nhất từ trước đến nay tại Vịnh Sydney.
Năm 2019 còn được Liên Hiệp Quốc mệnh danh là Năm Quốc tế các Ngôn Ngữ Bản Địa. Vịnh Sydney sẽ là nơi diễn ra các lễ hội tôn vinh các nền văn hóa bản địa, bao gồm cả việc chiếu phim hoạt hình trên các trụ cầu Sydney Harbour Bridge nổi tiếng.
Ở Hồng Kông, dự kiến có khoảng 300.000 người tập trung đông đảo ở Victoria Harbour tận hưởng 10 phút pháo hoa được bắn đi từ năm chiếc thuyền.
Còn tại châu Âu, Anh Quốc bước sang năm 2019 trong một mối quan hệ mới với Liên Hiệp Châu Âu sau quyết định Brexit, đang gây chia rẽ đất nước. Như để khẳng định quyết tâm duy trì mối quan hệ hữu hảo với châu lục, màn pháo hoa từ London Eye sẽ được tiếp nối với các chương trình âm nhạc do các nghệ sĩ đến từ châu lục trình diễn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019 vẫn sẽ tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất các nhật báo quốc tế lớn. Thế cân bằng địa chính trị trên thế giới trong năm qua đã bị chao đảo và tiếp tục sẽ có những đổi thay vì tính cách khó lường của vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Dù vậy, AFP cũng nhận thấy là nếu như tại nhiều nơi trên địa cầu, người dân hân hoan mừng năm mới trong cảnh an bình, thì đâu đó vẫn còn nhiều người phải đón năm 2019 trong loạn lạc như tại Yemen, Syria hay Afghanistan…
Pháo hoa : Niềm đam mê tốn kém và nguy hiểm của người Đức
Người Đức rất thích pháo hoa. Đêm giao thừa, hàng triệu người dân trên khắp cả nước trở thành những nghệ sĩ pháo hoa. Thế nhưng, tai nạn cũng thường xuyên xảy ra và làm dấy lên cuộc tranh luận xưa cũ mỗi năm về việc cấm pháo hoa.
Từ Berlin, thông tín viên đài RFI Nathalie Versieux cho biết vì sao :
« Hàng năm, vào ba ngày cuối cùng trong năm, các loại pháo hoa tại các quầy hàng đều được bán sạch. Năm 2017, người dân Đức tiêu tốn hết 137 triệu euro cho các loại pháo và đủ kiểu pháo hoa mầu.
Trên nguyên tắc, chỉ có những loại pháo lớn nhập bất hợp pháp từ Ba Lan là bị cấm. Những du khách nào từng đón năm mới ở Berlin hẳn không quên tiếng nổ lốp đốp không ngừng của các loại pháo hoa trên các ngõ phố từ lúc màn đêm vừa buông xuống cho đến lúc trời hừng sáng.
Ầm ĩ, xác pháo rơi vãi khắp vỉa hè, bụi pháo cực kỳ ô nhiễm, và nhất là hàng chục cánh tay, ngón tay thậm chí là những con mắt bị mất đi mỗi năm, cái giá phải trả cho niềm đam mê pháo của người Đức là rất cao.
Hiện một số địa phương của Đức như Hanovre, Dusseldorf hay Suttgart đang tìm cách cấm đoán hay thiết lập các vùng cấm đốt pháo. Ngay cả Berlin cũng đang nhắm đến việc cấm đốt pháo hoa bừa bãi trước nỗi lo của cảnh sát, làm thế nào buộc người dân phải tuân thủ một lệnh cấm như vậy ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181231-the-gioi-chuan-bi-don-nam-2019
TNS Graham ‘yên tâm’
về kế hoạch rút quân khỏi Syria của TT Trump
Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa, Lindsey Graham, vừa lên tiếng khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cam kết đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, bất chấp kế hoạch rút quân mà ông loan báo trước đó.Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người đã mạnh mẽ chỉ trích ông Trump về kế hoạch rút khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria, nói rằng việc rút quân được tiến hành chậm lại và giờ đây ông đã “yên tâm” về cam kết của Tổng thống Trump sau bữa ăn trưa với ông hôm Chủ nhật.
Kế hoạch rút quân của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các đồng minh lớn và các đảng viên Cộng hòa cấp cao như ông Graham.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN được phát sóng vào sáng Chủ nhật, Thượng nghị sĩ Graham nói rằng quyết định rút quân của ông Trump là một “sai lầm lớn giống như Obama”, và kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ đảo ngược quyết định này vì “Nếu chúng ta rời đi ngay lúc này, người Kurd sẽ bị tàn sát”.
Sau bữa ăn trưa với tổng thống, ông Graham nói với các nhà báo rằng “Tổng thống đảm bảo với tôi rằng ông sẽ hoàn thành công việc”.
“Ông hứa sẽ tiêu diệt ISIS. Ông sẽ giữ lời hứa đó”, BBC dẫn lời Thượng nghị sĩ Graham.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến hành mọi thứ chậm lại một cách thông minh”, thượng nghị sĩ của bang South Carolina nói thêm.
Hiện Nhà Trắng vẫn chưa bình luận gì về những phát biểu của ông Graham.
Hôm 19/12, Tổng thống Trump tuyên bố rút khoảng 2.000 quân Mỹ khỏi Syria và khẳng định IS đã bị đánh bại.
Những người chỉ trích kế hoạch gây tranh cãi này cho rằng hành động trên có thể dẫn đến sự hồi sinh của IS và làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Thời gian qua, quân đội Hoa Kỳ đã giúp tiêu diệt các chiến binh thánh chiến trên phần lớn vùng đông bắc của Syria, nhưng các nhóm nhỏ lẻ tẻ hiện vẫn tồn tại.
https://www.voatiengviet.com/a/tns-graham-yen-tam-ve-ke-hoach-rut-quan-khoi-syria-cua-tt-trump/4722638.html
Tổng thống Trump có thể
giảm nhịp độ rút quân Mỹ khỏi Syria
Trọng ThànhQuyết định rút hết quân khỏi Syria của tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 20/12/2018, tiếp tục bị phản đối mạnh. Tổng thống Mỹ có thể thay đổi quyết định này, do áp lực của nhiều nghị sĩ phe Cộng Hòa cũng như các cố vấn quân sự thân cận. Hôm 30/12, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cho biết tin trên sau cuộc nói chuyện với tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng.
Thông tín viên Grégoire Pourtier từ New York cho biết cụ thể :
« Chánh văn phòng Nhà Trắng vừa từ chức, tướng Kelly, quyết định lên tiếng với yêu cầu hãy đánh giá ông trước hết về việc những gì mà tổng thống Mỹ đã không làm khi viên chánh văn phòng còn tại chức. Điều này ngụ ý là ông Kelly đã bị tổng thống ngăn cản.
Ví dụ rõ ràng nhất là việc triệt thoái quân đội Mỹ tại Syria. Đây là điều mà cựu chánh văn phòng Kelly kiên quyết phản đối. Quyết định này cuối cùng đã được đưa ra vài ngày sau thông báo về sự ra đi của ông John Kelly.
Quyết định rút quân của tổng thống Mỹ, tuy nhiên, đã gây ra các phản đối mạnh mẽ chưa từng có trong hàng ngũ các nghị sĩ đảng Cộng Hòa.
Sáng Chủ Nhật 30/12, trên đài truyền hình, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một lần nữa hối thúc tổng thống Donald Trump xem xét lại quyết định của ông. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa đặc biệt nhấn mạnh về những nguy cơ bùng phát đụng độ đẫm máu giữa quân Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan, đồng minh của Hoa Kỳ. Sau tuyên bố nói trên, thượng nghị sĩ Graham đã đến ăn trưa tại Nhà Trắng và dường như đã đạt được mục tiêu.
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa cho biết : ‘‘Sau cuộc nói chuyện với tổng thống Trump và tổng tham mưu trưởng Dunford, tôi cảm thấy hết sức thoải mái. Như vậy cuộc rút quân sẽ được tiến hành một cách thông minh. Tuy nhiên, mục tiêu là không thay đổi. Đó là chúng ta sẽ rời khỏi Syria vào ngày mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo không tồn tại nữa, các đồng minh chúng ta được an toàn, và Iran bị khống chế’’.
Nếu như tổng thống Mỹ đã chấp nhận nhân nhượng thực sự, thì ông Donald Trump chắc chắn không vui vẻ gì. Bởi lệnh rút quân chính thức đã được ký rất nhanh chóng sau thông báo bất ngờ của tổng thống, và đặc biệt là rút quân Mỹ khỏi các vùng xung đột vốn là một trong các cam kết chủ yếu của Donald Trump trong thời gian tranh cử ».
Nhân vật số hai bộ Quốc Phòng nhậm chức bộ trưởng
Ngày đầu năm mới 01/01/2019, ông Patrick Shanahan chính thức nhậm chức bộ trưởng Quốc Phòng, thay Jim Mattis, chính trị gia rất được lòng dân Mỹ, vừa quyết định từ chức, ngay sau khi tổng thống Donald Trump đột ngột ban hành quyết định nhanh chóng rút quân khỏi Syria.
Patrick Shanahan, 56 tuổi, chưa từng phục vụ trong quân đội Mỹ, nhưng từng làm việc 31 năm tại tập đoàn hàng không Boeing, nơi ông đảm nhiệm chức phó chủ tịch, phụ trách cơ sở hậu cần, và tổng giám đốc Hệ thống tên lửa phòng thủ của Boeing. Kinh nghiệm quản lý về kỹ thuật rất phù hợp với cương vị thứ trưởng Quốc Phòng trước đây, một chức vụ ít mang tính chính trị. Trong thời gian làm thứ trưởng, Patrick Shanahan đã từng ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng của tổng thống Trump, từ đây đến năm 2020, lập ra một « binh chủng không gian », được coi như là binh chủng thứ sáu của quân đội Mỹ.
Patrick Shanahan đã có 18 tháng làm việc tại bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên, trong một phiên điều trần tại Thượng Viện mới đây, trình độ hiểu biết kém cỏi trong nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao của nhân vật thân cận với tổng thống Mỹ đã bị cố thượng nghị sĩ John McCain chỉ trích mạnh. Theo John McCain, bổ nhiệm một cựu lãnh đạo công nghiệp hàng không vào Lầu Năm Góc khác nào « đưa một con cáo vào trong chuồng gà ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181231-tt-trump-co-the-giam-rut-quan-my-o-syria
TT Trump so tường biên giới
với tường bao nhà ông Obama
“Cựu Tổng thống Obama và phu nhân đã xây/có một bức tường 3 mét bao quanh dinh thự của họ ở thủ đô Washington. Tôi đồng ý, hoàn toàn cần thiết cho sự an toàn và an ninh của họ. Hoa Kỳ cũng cần bức tường tương tự, chỉ là lớn hơn một chút!” Tổng thống Trump viết trên Twitter vào chiều 30/12.Cựu tổng thống và phu nhân đã mua căn biệt thự rộng 743 m2 với giá 8,1 triệu đô la hồi năm 2017, theo các bản tin.
Ngôi nhà nằm ở khu Kalorama của Washington, một khu vực dành riêng cho các nhà ngoại giao, vận động hành lang và chính trị gia, trong đó có con gái của ông Trump, là cô Ivanka và chồng là Jared, cũng như người sáng lập và CEO của Amazon, ông Jeff Bezos.
Ông bà Obama đã mua căn nhà sau một thời gian thuê nó từ khi ông Obama mãn nhiệm năm 2016.
Họ đã cải tạo căn nhà một chút tại thời điểm đó, bao gồm cả việc xây bức tường.
Ông Trump đã và đang đấu khẩu với các đảng viên Dân chủ tại quốc hội về việc cấp tiền cho bức tường của ông ở biên giới phía nam.
Tổng thống muốn 5 tỷ đô la cho bức tường ở biên giới, nhưng đảng Dân chủ chỉ đề xuất cung cấp 1,6 tỷ đô la cho an ninh biên giới – và không cấp đồng nào cho một bức tường.
Sự bế tắc về vấn đề này đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần.
(FOX, New York Post, NBC News)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-so-tuong-bien-gioi-voi-tuong-bao-nha-ong-obama/4722630.html
Học sinh 16 tuổi ở Kansas
sắp tốt nghiệp trung học và Harvard cùng một lúc
Braxton Moral, 16 tuổi, học sinh năm cuối tại trường trung học Ulysses, sẽ dự lễ tốt nghiệp trung học ở Ulysses, Kansas, vào ngày 19/5/2019, trước khi đến Đại học Harvard để nhận bằng cử nhân vào ngày 30/5.Braxton sắp hoàn tất chương trình học để nhận bằng tốt nghiệp cử nhân của Trường Mở rộng Harvard, với ngành học chính về chính phủ và ngành học phụ là tiếng Anh, theo Harry Pierre, phó giám đốc truyền thông của Bộ phận Giáo dục thường xuyên thuộc Harvard.
Pierre không thể xác nhận liệu Braxton có phải là học sinh trung học đầu tiên nhận được cả bằng tốt nghiệp trung học lẫn bằng cử nhân trong cùng một tháng hay không.
Quá trình này không hề dễ dàng đối với Braxton, người nhắm đến sự nghiệp trong chính phủ.
“Thách thức chính là thời gian”, cậu thanh niên này nói. Cậu ghi nhận rằng trường trung học đã rất “hào phóng” khi cho phép cậu dành một số thời gian trên lớp mỗi ngày để tập trung vào bài vở của trường đại học.
Cậu bắt đầu học để lấy bằng đại học khi cậu lên lớp 7, lúc mới 11 tuổi, theo lời mẹ của cậu, bà Julie Moral.
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cậu có khả năng trí tuệ vượt trội đã xuất hiện khi Braxton mới chập chững biết đi. Khi đó, cậu ngồi xem các trận bóng chuyền của các anh chị ruột và tính toán sự khác biệt về toán học giữa các điểm số, mẹ cậu kể lại.
“Khi cháu đến trường với các học sinh khác, đó là lúc chúng tôi thực sự bắt đầu chú ý”, bà Julie nói. “Các giáo viên đều nói rằng cháu cần được học khó hơn”.
Đến năm lớp 2, Braxton đã học các lớp nâng cao về tiếng Anh và đọc, mẹ cậu cho biết. Năm lớp 3, mỗi ngày cậu được đưa đến một trường khác nhau để học các lớp toán và tiếng Anh của các lớp cao hơn.
“Cháu đã bỏ qua lớp 4. Vào lớp 5, cháu không học toán chút nào vì thực sự lớp toán khi đó không phù hợp với cháu”, bà Julie nói.
Cha mẹ cậu đã đưa cậu đến một trường cao đẳng cộng đồng ở địa phương để kiểm tra và kết quả cho thấy trí thông minh của cậu “cao hơn sinh viên đại học năm thứ nhất”, bà Julie nói.
Gia đình ông bà Moral quyết định cho cậu học Trường Mở rộng của Harvard. Braxton nói rằng cậu phải làm vài bài kiểm tra đầu vào và học qua 3 môn trước khi được nhận.
Harvard chi trả một nửa học phí cho Braxton. Bởi vì cậu không có bằng tốt nghiệp trung học, nên cậu đã không đủ điều kiện để được cấp hỗ trợ tài chính.
Tổng học phí cho năm học 2018-2019 lên tới 54.400 đô la, theo trang web của chương trình mở rộng của Harvard.
Braxton là em út trong bốn anh chị em. Cậu hy vọng rằng tấm bằng đại học của mình sẽ mở đường cho việc nhập học vào Trường Luật Harvard vào mùa thu.
“Nếu tôi vào trường luật, tôi có thể tốt nghiệp khi tôi 20 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình để vào trường luật là 27″, cậu nói.
Tiến sĩ Jeff Crolyer, Thống đốc bang Kansas, đã viết trên Twitter vào đầu năm nay sau khi gặp Braxton như sau: “Tôi có cơ hội gặp Braxton Moral trong văn phòng của tôi ngày hôm qua. Chàng trai trẻ rất ấn tượng này sắp tốt nghiệp @Harvard khi 16 tuổi! Cháu muốn trở thành một công chức và tôi khuyến khích cháu làm như vậy. Chúng tôi tự hào gọi cháu là một trong những người con của Kansas!”
“Chúng tôi luôn cố gắng giữ cho cháu tập trung”, mẹ của Braxton, bà Julie, nói về cậu. Bà nói thêm: “Cháu biết rằng cháu phải làm một cái gì đó với cuộc đời của mình để thay đổi thế giới. Đó là trách nhiệm của một người khi Chúa ban cho người đó bộ não như cháu đang có”.
(USA Today, New York Times)
https://www.voatiengviet.com/a/hoc-sinh-16-tuoi-o-kansa-sap-tot-nghiepj-trung-hoc-va-harvard-cung-mot-luc/4721856.html
Quả cầu pha lê ở New York sẵn sàng đón năm mới
Với việc nhà tổ chức tiến hành thử nghiệm lần cuối cùng hôm 31/12, quả cầu pha lê tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York đã sẵn sàng cho truyền thống hạ quả cầu đánh dấu thời khắc đếm ngược đến năm mới.Tại sự kiện đêm giao thừa này, Chủ tịch Hội hữu nghị Trung-Mỹ sẽ nhấn nút khởi động trong tư cách là khách mời lần đầu tiên.
Mỗi năm, quả cầu nêu bật một chủ đề khác nhau. Chủ đề của năm nay là “Món quà hòa hợp”, hàm ý hy vọng cho một thế giới hòa hợp.
Trên nút khởi động là các ký tự tiếng Hoa “Trùng Khánh, Trung Quốc”, vì Đô thị Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, sẽ có tiết mục biểu diễn vào đêm giao thừa.
Là quả cầu pha lê lớn nhất thế giới, quả cầu ở Times Square có trọng lượng gần 6 tấn và có hơn 32.000 đèn LED để tạo ra 16 triệu màu sắc và hàng tỷ hoa văn khác nhau.
https://www.voatiengviet.com/a/qua-cau-pha-le-o-new-york-san-sang-don-nam-moi/4722849.html
Phóng viên và tự do báo chí là chủ điểm chính
tại buổi đón giao thừa ở Times Square
Vinh danh tự do báo chí và tầm quan trọng của nhà báo là chủ điểm được nhấn mạnh tại sự kiện đón năm mới 2019 tại Quảng trường Thời Đại ở thành phố New York, Hoa Kỳ.Tổ chức Bảo vệ Ký Giả- CPJ ra thông cáo báo chí cho biết như vừa nêu vào ngày 31 tháng 12. Theo đó thì hai đơn vị đồng tổ chức sự kiện đón năm mới tại Quảng Trường Thời Đại đã chọn vinh danh CPJ.
Sự lựa chọn này được nhận định là công nhận về vai trò quan yếu của các nhà báo. Hoạt động của truyền thông độc lập trong môi trường đầy thách thức hiện nay được minh chứng bằng những con số cụ thể. Đó là trên phạm vị toàn thế giới có ít nhất 35 nhà báo bị giết chết trong năm 2018; trong khi đó còn có 251 người đang phải chịu cảnh tù tội chỉ vì hoạt động tác nghiệp báo chí.
CPJ giúp cho ít nhất 80 nhà báo được phóng thích sớm.
Và cũng nhờ những năm trời vận động của CPJ và những tổ chức khác mà một số quốc gia trên thế giới có những cải cách tích cực về mặt tư pháp. Số này gồm các quốc gia Ecuador, Gambia, Lesotho.
Giám đốc Điều Hành của CPJ, Joel Simon, được dẫn lời rằng vào khi sự kiện đón chào năm mới được tổ chức khắp nơi trên thế giới thì thật thích hợp khi mọi người công nhận cũng như chào mừng quyền tự do báo chí phổ quát trên khắp thế giới.
CPJ và Liên Minh Quảng trường Thời Đại mời gọi mọi người tham gia chiến dịch trên mạng xã hội với hastag #CelebratePressFreedom (tạm dịch Tôn Vinh Tự Do Báo chí) trong những giờ trước khi đến năm 2019.
Bản thân giám đốc điều hành Joel Simon cùng nhiều nhà báo trên khắp nước Mỹ có mặt để đếm ngược thời khắc quả cầu pha lê rơi xuống trong những giây cuối cùng của năm 2018 và mừng vui đón chào thời điểm năm 2019 đến với mọi người.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/cpj-new-year-12312018082237.html
Công ty điện lực và gas California có thể
bị buộc tội giết người vì gây ra cháy rừng
California – Theo CNN, văn bản gửi tòa án của biện lý tiểu bang ghi rõ công ty điện lực và gas Pacific Gas & Electric Co. (PG&E), có thể bị buộc tội giết người hoặc ngộ sát, nếu bị phát hiện gây ra vụ cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử California.Theo văn bản do biện lý tiểu bang California Xavier Becerra gửi lên tòa án quận hôm thứ Sáu (28 tháng 12), công ty PG&E sẽ chịu nhiều tội danh hình sự, nếu đám cháy bắt nguồn từ sự thiếu sót trong việc vận hành và bảo dưỡng đường dây điện của công ty.
Đài CNN cho biết, công ty PG&E bị điều tra về cách bảo trì cơ sở vật chất, trong bối cảnh nhiều người đặt ra nghi vấn về nguyên nhân gây ra đám cháy Camp Fire. Theo đó, công ty PG&E có thể chịu tội danh có cấp độ từ ít nghiêm trọng liên quan đến việc dọn cỏ quanh đường dây điện, cho đến trọng tội nếu công ty này gây ra đám cháy, hoặc thậm chí là tội giết người và ngộ sát. Nếu công ty PG&E phải chịu trách nhiệm pháp lý, tòa án sẽ quyết định tội danh dựa vào kết quả điều tra nguyên nhân gây ra đám cháy, và mức độ sơ suất của công ty PG&E.
Theo nội dung văn bản, văn phòng biện lý tiểu bang không có kết luận về trách nhiệm của PG&E, cũng như không thể hiện lập trường về vấn đề này. Văn bản được đệ trình lên tòa án theo yêu cầu của quan tòa William Alsup.
Phản ứng trước nội dung văn bản của biện lý Becerra, PG&E cho biết công ty này cam kết thực hiện mọi biện pháp, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.
Vào tháng 11, quan tòa Alsup từng yêu cầu PG&E giải thích bất kỳ khả năng nào mà công ty này đã gây cháy rừng, bao gồm cả đám cháy Camp Fire. Sau khi đám cháy được dập tắt, PG&E thông báo rằng đường dây tải điện đã bị ngắt gần khu vực nơi đám cháy bùng phát, sự việc này diễn ra trước 15 phút khi ngọn lửa bùng phát. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cong-ty-dien-luc-va-gas-california-co-the-bi-buoc-toi-giet-nguoi-vi-gay-ra-chay-rung/
Chính trị gia phương Tây:
Đến lúc thừa nhận Crimea của Nga
Cựu quan chức châu Âu khuyên EU nên chấp nhận sự thật Crimea thuộc Nga.Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Na Uy Karl Hagen trong cuộc phỏng vấn của tờ Aftenposten (Na Uy) đã kêu gọi các nước phương Tây công nhận Bán đảo Crimea là một phần của Nga.
Bán đảo Crimea, theo lập luận của ông Karl Hagen, có lịch sử thuộc về Nga và là lý do phòng thủ của Moscow. Không quá ngạc nhiên khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, bởi Mỹ cũng đã từng dùng cách tương tự.
Bán đảo Crimea là một phần của Nga từ cuối thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XX, căn cứ hải quân Nga đã đóng quân ở Sevastopol trong toàn bộ thế kỷ trước, và người Nga chiếm đa số áp đảo trong cộng đồng dân cư trên đảo.
Sau cuộc đảo chính năm 2014, Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị lật đổ ở Ukraine. Sự kiện này được hỗ trợ trực tiếp từ các nước phương Tây và rõ ràng nhằm mục tiêu lập căn cứ quân sự của NATO ở Crimea.
Có nguy cơ Ukraine sẽ trở thành một quốc gia – ứng cử viên gia nhập NATO và đồng thời giành quyền kiểm soát căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol. Đương nhiên, Nga đã đưa ra phản ứng” – ông Hagen nhận định.
Ở đây quan chức châu Âu nhận định: Mỹ luôn áp dụng các biện pháp quân sự quy mô lớn để đưa tù nhân chiến tranh và con tin Mỹ hồi hương.
Do vậy, Mỹ cũng cần đánh giá vô tư về hành động của Nga khi họ “đứng lên bảo vệ lợi ích của người dân Nga ở bán đảo Crimea, những người đang phải lo sợ lực lượng phi quân sự và đôi khi là thế lực phát xít hiện hữu trong chính quyền Ukraine”.
Ngoài ra, ông Karl Hagen cũng nhấn mạnh rằng, một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức tại Crimea, điều này cho thấy hơn 90% người dân của bán đảo mong muốn thống nhất với Nga.
Phương Tây với tinh thần đề cao dân chủ đã luôn sử dụng quyền được trưng cầu dân ý của người dân trong các vấn đề quốc gia. Do đó, người dân ở Crimea trong một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý như vậy, kết quả đó cần được tôn trọng.
Ông Hagen nhận xét: “Tôi tin rằng mong muốn của người dân có ý nghĩa rất lớn và với kết quả như vậy, phương Tây nên nói: “Nếu người Crimea muốn trở thành một phần của Nga, thì chúng ta phải tôn trọng và công nhận Crimea một lần nữa thuộc về Nga”.
Vị chính trị gia kết luận: “Tình hình quốc tế hiện đang ngày càng trở nên căng thẳng và nguy cấp, và thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự liều lĩnh của phương Tây, chứ không phải do Nga “đã lấy lại được bán đảo nhỏ Crimea, vốn là của Nga trong suốt 400 năm”.
Những phân tích của ông Karl Hagen rõ ràng đã nêu bật được toàn bộ vấn đề ở Crimea một cách rất ngắn gọn.
Thứ nhất, bán đảo Crimea từng là sở hữu chủ quyền của Nga, đã được trao cho Ukraine anh em như “một món quà tặng”.
Đa số người dân sinh sống trên bán đảo là người Nga hay có gốc gác Nga. Điều đó khiến tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga của người dân Crimea cao gần như tuyệt đối.
Phương Tây đã từ chối kết quả trưng cầu dân ý này mà chẳng có lý do nào thuyết phục.
Thứ hai, người dân Crimea đồng lòng muốn tách khỏi Ukraine sau khi chính quyền Maidan thành lập là bởi họ nhận thấy sự can thiệp mạnh mẽ của phương Tây vào sự lật đổ chính quyền cũ. Sự kiên quyết tách khỏi Ukraine cho thấy rõ cách người dân Crimea nhận thấy sự can thiệp mạnh mẽ của phương Tây vào chính quyền mới ở Ukraine thế nào và từ đó từ chối việc trở thành một phần của chính quyền đó.
Thứ ba, là sự phòng thủ của Nga tại Crimea ngay sau khi phương Tây rõ ý đồ nắm chính quyền và chiếm căn cứ Hải quân Nga tại Simferopol.
Vào ngày 22/2/2014, thời điểm cựu Thủ tướng Yanukovych bị Quốc hội Ukraine bãi miễn chức vụ sau khi bỏ chạy khỏi Kiev, chính quyền thân phương Tây đã được dựng lên ngay lập tức.
Vào thời điểm đó, cụm tàu sân bay Mỹ cũng đang vượt qua Địa Trung Hải và bắt liên lạc với tàu chỉ huy hạm đội 6 USS Mount Whitney (LCC-20) và tàu hộ vệ USS Taylor (FFG-50), đã hiện diện sẵn ở Biển Đen với lí do “hỗ trợ an ninh cho thế vận hội Sochi và di chuyển người Mỹ trong tình huống khẩn cấp”.
Hạm đội Mỹ đã rõ ý đồ chiếm chỗ của Hạm đội biển Đen sau cuộc đảo chính ở Ukraine.
Chinh tri gia phuong Tay: Den luc thua nhan Crimea cua Nga
Tàu USS Mount Whitney và USS Taylor được triển khai ở khu vực giữa biển Đen, ngang Sochi, cách Crimea chưa đầy 200km
Nếu Nga không quyết định hành động ngay trước khi chính quyền Kiev ra lệnh thiết quân luật, phong tỏa binh lính của Hạm đội biển Đen trong khu doanh trại, thì chắc chắn Crimea sẽ thuộc về Ukraine và căn cứ Sevastopol sẽ trở thành căn cứ tàu sân bay Mỹ.
4h20 rạng sáng ngày 27/2, chiến dịch “Mùa xuân Crimea” chính thức bắt đầu, quân Nga đã bao vây tòa nhà nghị viện và chính phủ Crimea, hạ cờ Ukraine, giương cờ Nga. Cũng trong đêm 27-2, những người “lính lạ” cũng bao vây và giành quyền kiểm soát hai sân bay Belbek và Simferopol.
Ngay lập tức, tiến trình thay thế chính quyền thân Kiev được tiến hành. Hội đồng tối cao khu tự trị Crimea của Ukraine sáng ngày 27/2 đã giải tán chính quyền địa phương, bãi nhiễm Thủ tướng thân Kiev Anatoly Mogilyov bầu ông Sergei Aksyonov, thủ lĩnh các lực lượng thân Nga làm chủ tịch mới.
Tiến trình trưng cầu dân ý cũng đồng thời được quyết định ngay trong ngày 27/2. “Dưới sức ép” của một cuộc biểu tình nhân dân bên ngoài tòa nhà quốc hội, phản đối chính phủ đảo chính ở Kiev, các nghị sĩ cũng quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3.
Vị chính trị gia Na Uy đã nhắc tới chiến dịch bảo vệ của Nga ở Crimea rõ ràng là phản ứng tự vệ cơ bản cần thiết trước các âm mưu từ phương Tây. Giả sử các nước phương Tây bị áp sát chủ quyền trong bối cảnh tương tự như vậy, chắc chắn họ cũng sẽ không để yên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25541-chinh-tri-gia-phuong-tay-den-luc-thua-nhan-crimea-cua-nga.html
Số lượng người Anh nộp đơn xin passport Ireland
tăng 22% trong năm 2018
Dublin, Ireland – Theo hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao của Ireland cho biết hôm thứ Hai (31 tháng 12), số công dân Anh xin passport Ireland đã tăng 22% trong năm 2018, nhiều hơn gấp đôi tổng số đơn ghi danh hàng năm kể từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu.Gần 100,000 người Anh đủ điều kiện đã tìm cách duy trì quốc tịch EU thông qua passport từ người hàng xóm gần nhất của họ, tăng từ 81,000 vào năm ngoái và lên đến 46,000 vào năm 2015.
Cuộc bỏ phiếu Brexit đã dẫn đến sự gia tăng mạnh số lượng đơn nộp. Bất kỳ ai sinh ra ở Cộng hòa Ireland hoặc Bắc Ireland, hoặc có cha mẹ hoặc ông bà Ireland, đều được hưởng passport Ireland, như vậy có tổng cộng khoảng sáu triệu công dân Anh có thể có hai quốc tịch.
Việc xin passport Ireland ở Bắc Ireland, nơi công dân có thể giữ cả passport Ireland và Anh, vì tỉnh này là một phần của Vương quốc Anh, đã tăng 2% trong năm tính đến cuối tháng 12.
Còn ba tháng nữa cho đến khi Anh rời khỏi EU vào ngày 29 tháng 3, dự thảo thỏa thuận chia tách giữa hai bên đang diễn ra trước một cuộc bỏ phiếu dự kiến tại quốc hội Anh vào tháng tới, mở ra nhiều khả năng các thỏa thuận thương mại vẫn sẽ được thực hiện khi Brexit vẫn xảy ra. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/so-luong-nguoi-anh-nop-don-xin-passport-ireland-tang-22-trong-nam-2018/
Năm 2018 : Bước đường gập ghềnh
của Macron với nước Pháp
Anh VũChỉ còn ít giờ nữa năm 2018 sẽ khép lại. Đây là một năm không hề yên ả đối với tổng thống Emmanuel Macron trên lộ trình bề bộn cải cách nước Pháp. Từ bê bối nội bộ đến khủng hoảng Áo Vàng dai dẳng, guồng máy cải cách bị chững lại đặt chính phủ Macron trước viễn cảnh một năm mới đầy khó khăn.
Những hình ảnh biểu tình, bạo động liên tiếp xuất hiện trong các chương trình thời sự truyền hình vào các ngày thứ Bảy của tháng cuối cùng năm 2018 đã gần như trở nên quen thuộc ở Pháp. Đó là điều trái hẳn với những lời chúc của tổng thống Macron nhân dịp đón năm mới 2018. Trên truyền hình trực tiếp, ngày 31/12/2017, ông Macron hy vọng : « Năm 2018 dưới mắt tôi sẽ là năm đoàn kết toàn dân ».
Quả thực ước muốn đoàn kết mọi người đã đến với ông Macron, nhưng chỉ kéo dài trong vài tháng đầu năm. Về đối ngoại, ông Macron đã gây dựng được một hình ảnh đẹp về một nguyên thủ trẻ, chững chạc, cứng rắn trên trường quốc tế. Ở trong nước, uy tín trong dân của vị tổng thống trẻ này đầu năm vẫn còn cao.
Các cuộc cải cách được tiến hành với quyết tâm mạnh mẽ. Cuộc cải cách Công ty Đường sắt Quốc gia (SNCF), một chương trình cải tổ chưa có chính phủ nào trước đó thành công, nhưng cuối cùng chính phủ Macron đã vượt qua được sau 3 tháng đọ sức quyết liệt với các công đoàn và nhân viên hỏa xa.
Nước Pháp của tổng thống Macron được thực sự sống trong những giờ phút lễ hội, đoàn kết toàn dân là ngày 15/07/2018, khi đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp đăng quang ngôi vô địch thế giới. Thế nhưng, niềm hân hoan đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Ba ngày sau đó, nổ ra vụ bê bối lạm quyền, cậy thế liên quan đến nhân viên an ninh của phủ tổng thống Alexandre Benalla, từng là cận vệ riêng của ông Macron và dường như được tổng thống sủng ái đặc biệt.
Đoạn vidéo ghi lại cảnh nhân vật này mặc sắc phục cảnh sát, trấn áp thô bạo người biểu tình và nhiều phát giác về những đặc quyền của nhân viên này trong phủ tổng thống bung ra, đã kéo chính phủ vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng nho nhỏ về các thức điều hành chính quyền của ông Macron. Nhà nghiên cứu chính trị Jérôme Fourquet, giám đốc viện thăm dò dư luận Ifop, trả lời đài truyền hình France 24 cho rằng : « Vụ Benalla bung ra đã khiến dư luận phẫn nộ và cho rằng cách lãnh đạo của Macron cũng chẳng khác gì so với các chính quyền trước ông. Trong khi ông Macron lên nắm quyền hứa hẹn sẽ làm chính trị theo cách khác ».
Sau nhiều ngày im lặng, tổng thống Pháp phải lên tiếng nhận một phần trách nhiệm, nhưng với giọng điệu có vẻ như thách thức dư luận. Tiếp đó cách thức phát biểu của ông trong nhiều vấn đề khác lại càng làm dấy thêm tranh cãi, chỉ trích về tính cách cá nhân của ông Emmanuel Macron.
Ông Jérôme Fourquet nhận xét tiếp : « Suốt cả năm qua, người ta chỉ bàn tán về tính cách của tổng thống. Đó là hình ảnh của một vị tổng thống trẻ, ngạo mạn, xa rời dân, không quan tâm đến những lo toan của người dân… ». Nhưng được các đảng đối lập tận dụng tối đa.
Mùa hè khép lại với một sự cố lớn trong nội bộ chính phủ Pháp. Lần lượt các nhân vật như, Nicolas Hulot, bộ trưởng Môi Trường, một người có uy tín rộng rãi trong dân chúng, rồi bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, một người được coi là trung thành với ông Macron từ buổi đầu từ chức. Tổng thống Pháp dường như trở nên đơn độc. Trong khi tình hình kinh tế dậm chân tại chỗ, tỷ lệ được lòng dân của ông Macron ngày thêm xuống dốc.
Theo cùng với tiến trình cải cách của chính phủ là nỗi hoài nghi và thất vọng của dân cũng tăng lên và đỉnh điểm là việc tăng thuế đánh vào nhiên liệu.
Giá xăng lên cao như giọt nước làm tràn ly. Những người Áo Vàng biểu tình lần đầu ngày 17/11 trên các giao lộ và nhanh chóng trở thành một phong trào rộng lớn quy tụ nhiều tầng lớp xã hội đưa ra các yêu sách cải thiện đời sống và đòi Macron từ chức.
Làn sóng phẫn nộ của người dân lên cao kéo chính phủ Macron vào một cuộc khủng hoảng mang tên « Áo Vàng ». Chính phủ đã lùi bước, bỏ thuế nhiên liệu. Tổng thống Macron ngày 10/12 lên truyền hình thông báo một loạt quyết định để chứng tỏ đã lắng nghe những người Áo Vàng với hy vọng làm dịu nỗi bất bình người dân. Thế nhưng, phong trào Áo Vàng vẫn không chịu từ bỏ cuộc đấu tranh và các yêu sách của họ chỉ càng dài thêm.
Dường như những người Áo Vàng tiếp tục bám trụ, phản đối chính quyền Macron đến cùng.
Trong vòng một năm chỉ số được lòng dân của tổng thống Emmanuel Macron đã giảm từ 50% xuống còn 23%, kỷ lục cho một tổng thống Pháp trong một năm rưỡi cầm quyền.
Cho đến tận ngày cuối năm này, sợi dây liên hệ giữa tổng thống Macron và tầng lớp bình dân đã bị cắt đứt. Đối lập chính trị thì ngày càng khai thác để chống phá quyết liệt đến độ cực đoan. Bài diễn văn chúc năm mới tối 31/12 của tổng thống Macron với quốc dân không hề đơn giản : Làm sao làm dịu cơn phẫn nộ của người dân và trước mắt là thoát khỏi khủng hoảng để có thể mở ra viễn cảnh cho công cuộc cải cách đầy gian khó trong năm mới 2019.
http://vi.rfi.fr/phap/20181231-nam-2018-buoc-duong-gap-ghenh-cua-macron-voi-nuoc-phap
Pháp : An ninh thắt chặt trước giao thừa
Anh VũHàng rào an ninh được dựng lên xung quanh các ngả dẫn vào đại lộ Champs-Elysées, Paris, cũng như các tụ điểm đông du khách, giao thông công cộng được kiểm tra nghiêm ngặt. Trong bối cảnh phong trào Áo Vàng tiếp tục huy động, lễ đón giao thừa bước sang năm mới 2019 đêm 31/12/2018 tại Pháp diễn ra dưới sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, một lực lượng giữ gìn trật tự lớn đã được triển khai đặc biệt ở thủ đô Paris cũng như nhiều thành phố.
Theo thông cáo của bộ Nội Vụ phát đi tối 30/12, tổng số có « 147.935 người thuộc lực lượng giữ gìn trật tự, nhân viên an ninh chìm, quân nhân được huy động trên cả nước Pháp ». Con số này cao hơn so với giao thừa năm 2017 gần 9.000 người.
Tại thủ đô Paris, trục đại lộ Champs-Elysée là tụ điểm chính của lễ giao thừa với màn lễ hội ánh sáng chào đón năm mới 2019.
Ngoài các du khách và người dân, những người Áo Vàng cho biết sẽ tới Champs-Elysées đón giao thừa mặc dù họ cam đoan sẽ đón giao thừa vui vẻ không bạo lực. Đáp lời kêu gọi trên Facebook, khoảng 10.000 người Áo Vàng cho biết sẽ tới Champs-Elysée đón giao thừa đêm 31/12. Bên cạnh đó là đe dọa khủng bố vẫn ở mức cao.
Ngay từ 16 giờ chiều 31/12, một hàng rào kiểm soát an ninh được thiết lập xung quanh khu đại lộ Champs-Elysées và quảng trường các Ngôi Sao, nơi có Khải Hoàn Môn, cùng lệnh cấm xe cộ đi lại hay dừng đỗ. Những người vào khu vực trên đón giao thừa bị khám xét kỹ lưỡng, bị cấm mang rượu bia hay pháo.
Giao thừa năm 2018, khoảng 400 nghìn người đã tụ hội trên đại lộ Champs-Elysées đón năm mới, chiêm ngưỡng pháo bông và màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục từ Khải Hoàn Môn.
Trên toàn Paris và các vùng lân cận, các phương tiện giao thông công cộng, ga tàu và các trục lộ giao thông chính được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt.
Tại một số thành phố lớn khác như Bordeaux, Nice, quân số lực lượng giữ gìn trật tự cho đêm hội cũng được tăng cường.
Trước giao thừa, vào lúc 20 giờ ngày 31/12, đã thành truyền thống, tổng tống Pháp Emmanuel Macron lên truyền hình chúc năm mới toàn dân. Trong bối cảnh chính phủ của ông Macron đang liên tiếp gặp phải những khó khăn và uy tín của của tổng thống tiếp tục lao dốc. Đây là bài diễn văn cuối cùng trong năm để tổng thống Macron cố gắng lấy lại niềm tin trong dân chúng và đưa ra những hứa hẹn hành động trấn an nỗi phẫn nộ của người dân.
http://vi.rfi.fr/phap/20181231-phap-an-ninh-that-chat-truoc-giao-thua
Nhật Bản : Tổng giám đốc Renault
bị tạm giam thêm 10 ngày
Trọng ThànhMột tòa án ở thủ đô Tokyo vừa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm 10 ngày đối với giám đốc Renault, ông Carlos Ghosn, cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Nissan. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của phía công tố, với quan điểm là tư pháp cần có thêm thời gian để quyết định truy tố hay không ông Carlos Ghosn với một số tội danh mới. Ông Ghosn sẽ phải tiếp tục ở trong tù đến ngày 11/01/2018.
Thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo cho biết thêm :
« Cơ quan công tố Tokyo cáo buộc ông Carlos Ghosn đã phạm lỗi khi không hoàn thành nhiệm vụ của một tổng giám đốc và đã gây thiệt hại cho tập đoàn Nissan, với tội danh “lạm dụng tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan công tố Tokyo cáo buộc Carlos Ghosn đã khiến tài khoản của Nissan bị thâm hụt 14,5 triệu euro, do các đầu tư cá nhân vào chứng khoán vào thời điểm khủng hoàng tài chính 2008.
Để giải quyết vấn đề này, cựu giám đốc Nissan và tổng giám đốc Renault bị cáo buộc là đã yêu cầu một người bạn tỉ phú Ả Rập Xê Út, Khaled Al-Juffali, đứng ra bảo lãnh cho số tiền bị mất. Carlos Ghosn sau đó đã trả tiền cho người vay, bằng một số tiền lấy từ một quỹ nội bộ của nhà sản xuất Nhật Bản, mang tên « quỹ của ông chủ ».
Khoản tiền 14,5 triệu này đã được rót vào tài khoản của doanh nhân Ả Rập Xê Út, thông qua một chi nhánh của Nissan ở Trung Đông.
Về nguyên tắc, kiểu hành vi phạm tội này chỉ bị trừng phạt trong thời hạn 7 năm. Tuy nhiên luật pháp cho phép khấu trừ số thời gian đương sự sống ở nước ngoài trong khi ông Carlos Ghosn chỉ sống có một phần ba thời gian ở Nhật. Về phần mình, cựu tổng giám đốc Nissan phủ nhận mọi hành vi tham ô ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181231-tu-phap-nhat-ra-quyet-dinh-tam-giam-them-10-ngay-doi-voi-tong-giam-doc-renault
Merkel : Đức sẽ nỗ lực tranh đấu
cho các “giải pháp mang tính toàn cầu”
Trọng ThànhTheo AFP, trong bài phát biểu nhân dịp Năm Mới hôm 31/12/2018, thủ tướng Đức ghi nhận một thực trạng là những nền tảng của hợp tác quốc tế hiện nay đang bị thách thức nghiêm trọng, chủ nghĩa đa phương liên tục bị tấn công. Bà Angela Merkel khẳng định, trong bối cảnh này, nước Đức cần đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trên quy mô toàn cầu.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh là không có bất cứ quốc gia nào có thể hành động một mình mà hóa giải được các thách thức, từ biến đổi khí hậu, di cư hay cuộc chiến chống khủng bố. « Vững vàng, khẳng định quan điểm và đấu tranh cho những điều mà mình tin tưởng » là điều mà thủ tướng Merkel hy vọng nước Đức sẽ thực hiện được. Mặc dù không chỉ đích danh, nhưng bài diễn văn của thủ tướng Đức ngụ ý phê phán quan điểm chống lại chủ nghĩa đa phương của tổng thống Mỹ, được ông Donald Trump nhiều lần nêu ra, đặc biệt tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9/2018.
Thủ tướng Đức Angela Merkel lưu ý là trong hai năm tới khi Đức đảm nhiệm cương vị thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, Berlin sẽ nỗ lực tranh đấu cho những « giải pháp mang tính toàn cầu ».
Putin để ngỏ cửa với Mỹ
Trong dịp này, truyền thông Pháp cũng chú ý đến những lời chúc Năm Mới của tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đến lãnh đạo các nước, đặc biệt là lời chúc gửi đến tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/12, trong đó nguyên thủ Nga tuyên bố Matxcơva để ngỏ cánh cửa « cho đối thoại » trong bối cảnh mong muốn của hai bên làm ấm lên các quan hệ song phương đã không thực hiện được trong năm vừa qua.
Kim Jong Un muốn gặp lãnh đạo Hàn Quốc « thường xuyên hơn »
Một thông điệp gây chú ý khác trong dịp cuối năm 2018 là bức thư bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gửi đến tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, bày tỏ hy vọng lãnh đạo hai bên sẽ gặp gỡ « thường xuyên hơn » trong năm tới, để thảo luận và « cùng nhau giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Trong bức thư nói trên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên tỏ ý « rất tiếc » là đã không thể thực hiện được chuyến công du Seoul dự kiến vào cuối năm 2018.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181231-merkel-duc-se-no-luc-tranh-dau-cho-cac-giai-phap-mang-tinh-toan-cau
Cục an ninh Nga bắt giữ ‘gián điệp Mỹ’ tại Moscow
Cục an ninh nhà nước Nga, FSB, cho biết họ đã bắt giữ một công dân Mỹ vì có bằng chứng người này “làm gián điệp” tại Moscow.Cục công bố tên của ông này là Paul Whelan, và nói rằng ông đã bị bắt ở Moscow hôm 28/12 và bị buộc tội “gián điệp”.
FSB, cơ quan phản gián chính yếu của Nga, không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Nếu bị kết tội, ông Whelan phải đối mặt với án tù từ 10 đến 20 năm, hãng tin Tass của Nga đưa tin. Vẫn chưa có xác nhận của phía Hoa Kỳ về vụ này.
Trong năm 2018, đã có nhiều cáo buộc qua lại trong mối quan hệ của Nga với Mỹ và Anh về các vụ gián điệp.
Đầu tháng này, Maria Butina, một người Nga và cũng là một nhà hoạt động vì quyền được mang súng, đã bị bắt giữ ở Mỹ và đã nhận tội tham gia một âm mưu. Các công tố viên Mỹ cho biết bà Butina hành động với tư cách là một đặc vụ của nhà nước Nga, thâm nhập vào các nhóm chính trị bảo thủ.
Hồi tháng 3, Anh và các đồng minh phương Tây đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, để đáp trả vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, và con gái của ông, Yulia, ở Salisbury. Chính phủ Anh cáo buộc rằng nhà nước Nga đã thực hiện vụ tấn công bằng chất độc thần kinh.
Nga phủ nhận điều này và trả đũa bằng cách trục xuất hàng chục nhà ngoại giao phương Tây.
(BBC, CBS News)
https://www.voatiengviet.com/a/cuc-an-ninh-nga-bat-giu-gian-diep-my-tai-moscow/4722592.html
Matxcơva hồi hương
con của quân thánh chiến Nga từ Irak
Minh AnhChính quyền Matxcơva ngày 30/12/2018 thông báo sẽ cho hồi hương 30 đứa trẻ thuộc các gia đình tham gia lực lượng thánh chiến, đang bị giam giữ tại Irak.
Cũng như nhiều nước có công dân chọn đường tham gia quân thánh chiến Daech, đến lượt Nga phải đối mặt với vấn đề tiếp nhận trở lại những hộ gia đình thánh chiến này. Từ Matxcơva, thông tín viên Léo Vidal Giraud giải thích :
« Trong số những người nước ngoài dấn thân cùng với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, người Nga là một trong những đội ngũ đông đảo nhất. Phần đông những người này có nguồn gốc Kavkaz, một vùng đất mầu mỡ cho Hồi Giáo cực đoan kể từ những năm 1990.
Hơn nữa, chính lãnh đạo Tchetchenia, Ramzan Kadyrov là người đã thông báo đưa về Nga những đứa trẻ này. Ông Kadyrov, tự nhận là một người sùng đạo Hồi, nhưng cũng rất nhiệt thành bày tỏ tinh thần yêu nước Nga.
Điều này đã giúp ông trở thành một kênh giúp ngăn chận người Hồi Giáo Nga dễ bị quân thánh chiến cám dỗ, nhưng đồng thời là một trung gian đối thoại hoàn hảo cho kiểu chiến dịch hồi hương này.
Vấn đề trước tiên là trợ giúp y tế, bởi vì theo chính quyền Nga, rất nhiều trẻ nhỏ đã bị đối xử tệ ở trong tù, nhưng bên cạnh đó cũng phải có cả hỗ trợ về mặt tâm lý.
Cũng theo chính quyền Nga, từ năm 2017, khoảng một trăm phụ nữ và trẻ nhỏ đã được hồi hương từ Irak và Syria, thông qua trung gian Tchetchenia. Các tổ chức nhân đạo ước tính hiện vẫn còn khoảng 115 trẻ em Nga tại các nhà tù Irak. Matxcơva khẳng định tiếp tục chính sách hồi hương này ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181231-matxcova-hoi-huong-con-cua-quan-thanh-chien-nga-tu-irak
Iraq ám chỉ có vai trò lớn hơn ở Syria
sau khi Hoa Kỳ rút quân
Baghdad. Iraq – Theo tin từ Reuters, hôm Chủ Nhật (30 tháng 12), Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cho biết, các viên chức an ninh hàng đầu từ Baghdad đã gặp Tổng thống Syria, Bashar al-Assad ở Damascus, đồng thời cho biết Iraq có thể sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria.Đề cập đến thông báo rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump, Thủ tướng Abdul Mahdi cho hay, bất kỳ sự phát triển tiêu cực nào xảy ra ở Syria đều sẽ ảnh hưởng đến Iraq. Lý do là vì Iraq có chung 600 km (400 dặm) biên giới với Syria và Daesh (Nhà nước Hồi giáo) đang ở đó.
Thủ tướng Mahdi cho biết, phái đoàn Iraq đã đến thăm Damascus nhằm giành thế chủ động, chứ không chỉ giải quyết hậu quả do Nhà nước Hồi giáo gây ra trong tương lai. Nguyên nhân của những hậu quả này là cuộc rút quân của Hoa Kỳ. Theo các trang web tin tức của Iraq, chuyến thăm đã diễn ra vào thứ Bảy.
Thủ tướng Abdul Mahdi cho biết, Iraq đang thúc đẩy các hoạt động lớn hơn so với thỏa thuận hiện tại với Syria. Theo đó, Iraq tiến hành các cuộc không kích chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo trên lãnh thổ Syria. Trước đây, ông Abdul Mahdi từng cho biết, khoảng 2,000 quân lính của Nhà nước Hồi giáo đang hoạt động gần biên giới ở Syria, và cố gắng xâm nhập vào Iraq.
Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại về mặt quân sự ở Iraq năm 2017, nhưng vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công du kích vào lực lượng an ninh ở phía bắc của Iraq. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/iraq-am-chi-co-vai-tro-lon-hon-o-syria-sau-khi-hoa-ky-rut-quan/
TQ phóng thử tên lửa S-400 do Nga cung cấp
Tên lửa S-400 được cho là bắn hạ thành công một mục tiêu tên lửa đạn đạo siêu thanh giả định ở khoảng cách 250 km.Lực lượng tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) hồi tháng trước đã thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga cung cấp tại một địa điểm không được tiết lộ, SCMP ngày 26/12 dẫn nguồn tin từ truyền thông Nga.
Theo nguồn tin, đạn tên lửa S-400 đã bắn hạ thành công một mục tiêu tên lửa đạn đạo giả định đang di chuyển với vận tốc 3.000 m/s (gấp 9 lần vận tốc âm thanh) từ khoảng cách 250 km.
Đây là lần đầu tiên PLA thử nghiệm hệ thống S-400 kể từ khi Bắc Kinh tiếp nhận lô vũ khí cuối cùng hồi tháng 7 trong khuôn khổ bản hợp đồng trị giá 3 tỷ USD ký năm 2015.
Theo giới quan sát, Nga dường như muốn công khai thông tin về vụ thử vốn được cho là bí mật của Trung Quốc này nhằm nhấn mạnh mối quan hệ quân sự thân thiết hơn giữa Moskva và Bắc Kinh vào thời điểm Mỹ đang có nhiều mâu thuẫn với cả hai nước, cũng như để quảng bá hệ thống S-400.
Theo truyền thông Nga, S-400 là hệ thống phòng không tối tân có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu gồm tên lửa đạn đạo, máy bay và máy bay không người lái từ khoảng cách 600 km và độ cao lên đến 27 km. S-400 được cho là CÓ thể đánh chặn đồng thời 36 mục tiêu di chuyển với tốc độ lên tới 4.800 m/s (gấp 12,5 lần vận tốc âm thanh) bằng 72 tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng cho biết thách thức lớn nhất đối với S-400 là khả năng phân biệt mục tiêu giả với tên lửa siêu thanh thực sự đồng thời khẳng định các tên lửa siêu thanh gần như không thể bị đánh chặn do di chuyển với tốc độ rất cao.
http://biendong.net/diem-tin/25534-tq-phong-thu-ten-lua-s-400-do-nga-cung-cap.html
Máy bay TQ vào ADIZ của Hàn Quốc
3 lần trong một ngày
Một máy bay quân sự Trung Quốc bay vào vùng nhận diện phòng không Hàn Quốc (KADIZ) 3 lần trong ngày 27.12 mà không thông báo trước, buộc không quân Hàn Quốc cho chiến đấu cơ xuất kích ứng phó.Cụ thể, theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), máy bay quân sự Trung Quốc vào KADIZ lúc 10 giờ 21 phút (giờ Hàn Quốc) từ khu vực gần đảo Jeju và bãi đá ngầm đang có tranh chấp giữa hai bên Ieo/Tô Nham tiêu và đến khoảng 30 phút sau mới rời đi.
Sau đó, máy bay quân sự Trung Quốc vào KADIZ lần nữa vào lúc 11 giờ 54 phút và bay khỏi khu vực vào lúc 12 giờ 51 phút. Đến 14 giờ 14 phút, máy bay Trung Quốc lại vào KADIZ lần nữa trước khi rời đi vào khoảng 15 giờ.
Một quan chức JCS cho rằng chiếc máy bay quân sự Trung Quốc vào KADIZ có thể là loại máy bay do thám Y-9. Không quân Hàn Quốc đã điều chiến đấu cơ để theo dõi và phát cảnh báo tới máy bay Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/25544-may-bay-tq-vao-adiz-cua-han-quoc-3-lan-trong-mot-ngay.html
Theo một số bức ảnh vệ tinh mới được công bố, một trong những cảng chủ chốt của Trung Quốc trong việc đóng tàu chiến đã nhanh chóng mở rộng quy mô trong 10 năm qua, khoảng thời gian chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội.
Xưởng đóng tàu Giang Nam, nằm tại cửa sông Dương Tử ở Thượng Hải mới chỉ được mở vào năm 2008 nhưng tới nay đã tăng quy mô 64%, theo phân tích ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), Mỹ.
“Xưởng Giang Nam chịu trách nhiệm đóng một số con tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc… Những sản phẩm xuất xưởng từ đây là một phần quan trọng của việc hiện đại hóa hải quân Trung Quốc”, Matthew Funaiole, nghiên cứu viên của CSIS thuộc dự án Sức mạnh Trung Quốc, nói với CNN.
Thông tin này xuất hiện giữa lúc đang có chiến dịch phối hợp tại Trung Quốc, do chủ tịch Tập phát động, đẩy nhanh việc mở rộng và hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, với 32 tàu được đưa vào biên chế trong hai năm 2016 -2017, theo các báo cáo của chính phủ Mỹ.
Phát biểu trước cầu tàu của khu trục hạm Trường Sa hồi tháng Tư, ông Tập nói nhiệm vụ xây dựng một hải quân Trung Quốc mạnh “chưa bao giờ cấp thiết như thế” và cam kết biến hải quân thành lực lượng “đẳng cấp thế giới”.
Các bức ảnh vệ tinh chụp xưởng đóng tàu Giang Nam đã chộp được hình ảnh một số con tàu mới nhất, tiên tiến nhất của hải quân Trung Quốc đang trong giai đoạn được đóng, bao gồm một số tàu lớp Type-055, được coi là tàu chiến lớn nhất, tinh vi nhất và chết chóc nhất của châu Á.
Thế đang lên của quân đội Trung Quốc nói chung và tốc độ xuất xưởng tàu chiến nói riêng đang là nỗi lo của Mỹ. Cho dù vẫn chiếm giữ lợi thế về chất lượng, nếu không muốn nói là cả số lượng tàu, đội tàu chiến Mỹ trong vài năm gần đây luôn gặp phải sự cố.
Hai vụ va chạm trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hủy hoại danh tiếng của hải quân Mỹ, trong khi báo cáo của chính phủ nói phải mất hàng chục năm để cải tổ các xưởng đóng tàu, vốn đang trong tình trạng khá tệ.
“Số lượng tàu với thiết kế hiện đại ngày càng tăng trong nhóm các tàu Trung Quốc đóng mới… Hiện nay quy mô của hải quân Trung Quốc đã lớn hơn các hạm đội đang hoạt động của Mỹ. Khoảng cách có thể tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo”, ông Funaiole nói.
Là một trong những xưởng đóng tàu lâu đời nhất của Trung Quốc, ra đời từ năm 1865, xưởng Giang Nam đã được di dời từ trung tâm thành phố Thượng Hải ra vị trí hiện nay, bên ngoài thành phố, từ năm 2005.
Nó chỉ là một trong các xưởng đóng tàu quy mô lớn cho hải quân Trung Quốc, đều có tốc độ tăng trưởng rất vững chắc. Năm 2011, xưởng Giang Nam có quy mô 7km2.Năm 2018, diện tích của xưởng là 11,5km2.
Trong khi khu vực đóng tàu dân dụng hầu như không thay đổi trong 7 năm qua, khu vực đóng tàu quân sự đã trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng. Theo CSIS, hai phân xưởng mới đã hoàn thành, trong khi đó khu lắp ráp và một ụ ướt (dùng để đóng và hạ thủy) đang được xây dựng tiếp.
Trong năm 2018, CSIS đã quan sát các hoạt động đóng tàu và trang bị các thiết bị đi kèm tại các phân xưởng của khu Giang Nam, với 5 tàu khu trục Type- 052D và ít nhất là 2 tàu lớp Type- 055.
“Tàu Type 055 lớn hơn và mạnh hơn hầu hết tàu khu trục của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc”, nhà phân tích Timothy Heath của hãng tư Rand Corp (Mỹ) nói.
Trong số các tàu quan sát được tại xưởng Giang Nam còn có chiếc tàu phá băng Xue Long 2 do Trung Quốc tự thiết kế và phát triển đang được đóng dở. Đây là phần quan trọng trong tham vọng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh về vùng Bắc cực.
Dễ nhận thấy nhất là không có dấu vết nào của chiếc tàu sân bay tự chế tạo thứ hai và là chiếc thứ ba trong biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, được đồn là đang trong quá trình đóng tại xưởng Giang Nam.
“Chắc chắn có những phân xưởng mới tại Giang Nam nhưng còn quá sớm để nói đó là nơi đóng tàu Type 002… Đây là việc cần theo dõi trong năm 2019”, ông Funaiole nói với CNN.
Trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường năng lực hải quân, chính phủ Mỹ nói họ nghi ngờ khả năng nâng cấp hạm đội của hải quân Mỹ hiện nay.
Một báo cáo năm 2017 của Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) nói các cơ sở đóng tàu hải quân của Mỹ, các thiết bị đi kèm đang trong tình trạng xuống cấp, gây cản trở quá trình đại tu và bảo dưỡng tàu chiến. Để khắc phục tình trạng này, có thể phải mất ít nhất là 19 năm.
Báo cáo mới của GAO, công bố ngày 12/12 vừa qua nói việc bảo dưỡng tàu chiến Mỹ thường xuyên chậm trễ- chỉ 30% đúng hạn, tính từ năm 2012, “dẫn đến việc thiếu hụt tàu chiến cho huấn luyện và các hoạt động tác chiến của Mỹ”. Nếu tính mức độ thiếu hụt bằng ngày thì con số phải lên đến hàng ngàn.
http://biendong.net/bi-n-nong/25455-tham-vong-hai-quan-tq-nhin-tu-mot-xuong-dong-tau.html
TQ đang cạn dần cơ hội cứu vãn kinh tế trên đà tụt dốc
Giới phân tích ngày càng lo lắng hơn vì đánh giá Trung Quốc không còn nhiều cơ hội củng cố lòng tin để có thể đảo chiều tình trạng tiêu cực của nền kinh tế, theo SCMP.Nếu không cải thiện được chiều hướng giảm sút trong hoạt động kinh doanh và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng, chính quyền Bắc Kinh sẽ đối mặt với vòng lặp nguy hiểm: Đầu tư trở nên chậm chạp, chi tiêu càng thêm dè chừng và từ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại.
Lòng tin của người tiêu dùng và giới kinh doanh đã được phản ánh trong cuộc khảo sát do công ty tư vấn Deloitte công bố hôm 19.12.
Theo đó, 82% trong số 108 giám đốc tài chính của các công ty làm việc tại Trung Quốc cho hay họ ít lạc quan về viễn cảnh kinh tế so với cách đây 6 tháng.
Trong số này, 56% số người tiết lộ công ty của họ đã gặp tổn thất do các rào cản thuế quan và chỉ có 38% cho rằng có thể hoàn thành chỉ tiêu doanh thu trong năm 2018.
Vấn đề ở đây là tình trạng nợ nần trong nền kinh tế đang tăng cao, từ nợ công đến tư, khiến Bắc Kinh khó bề xoay trở trong việc áp dụng chương trình kích thích kinh tế vì lo sợ sẽ càng làm tình thế thêm tồi tệ hơn.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối sử dụng biện pháp giúp vực dậy nền kinh tế giống như vào thời điểm hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong khi chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn chưa có cách giải quyết.
Giới phân tích cho rằng hiện Trung Quốc có lẽ chỉ còn cách tăng cường cải cách kinh tế mạnh mẽ và mở rộng thêm nữa thị trường nội địa nếu muốn thoát được tình cảnh khó khăn nay,
Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc ổn định tăng trưởng kinh tế thông qua gói kích cầu khiêm tốn chỉ thành công phần nào, và một số chuyên gia lo ngại chính phủ không còn mấy thời gian để đảo ngược tình thế.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25545-tq-dang-can-dan-co-hoi-cuu-van-kinh-te-tren-da-tut-doc.html
Trung Quốc : Địa ngục trần gian “Hán hóa”
người Hồi Giáo ở Tân Cương
Tại vùng Tân Cương rộng lớn, giáp với Kazakhstan, có ít nhất 220 địa điểm giam giữ khoảng 1 triệu người thiểu số theo Hồi Giáo. Những trại tập trung, mà Trung Quốc gọi là “các trung tâm đào tạo nghề nghiệp” này, với diện tích khác nhau, nằm trong chương trình giam giữ có quy mô lớn cộng đồng người nói tiếng Thổ và người theo đạo Hồi ở Tân Cương, nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ và 1,5 triệu người gốc Kazakhstan.Nhà báo Brice Pedroletti đã đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Almaty (Kazakhstan) gặp gỡ một số người bị đi cải tạo ở Tân Cương. RFI tiếng Việt xin tóm tắt cuộc tiếp xúc “Với một số nạn nhân của trại lao cải Trung Quốc” được đăng trên nhật báo Le Monde ngày 29/12/2018.
Lừa để bắt giam người theo Hồi Giáo
Orinbek Koksebek, 38 tuổi, bị giam 125 ngày vào đầu năm 2018, là nhân chứng đầu tiên được nhà báo Brice Pedroletti nêu trong bài phóng sự. Sống tại Kazakhstan từ năm 2005 và đã nhập tịch nước này, Orinbek Koksebek về Trung Quốc thăm gia đình hai lần, vào năm 2016 và 2017. Chính lần cuối, vì không rành tiếng Hoa, Orinbek Koksebek bị lừa ký vào một tờ khai bằng chữ Hoa mà theo lời giải thích của nhân viên hải quan Trung Quốc, đó là mẫu đơn xin từ bỏ quốc tịch Trung Quốc.
Khi trở lại cửa khẩu để về Kazakhstan, thanh niên này bị “đưa về đồn cảnh sát với lý do phải ký vào một tài liệu. Tiếp theo là vào trạm xá để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, họ dẫn vào một trại có tường rào quanh, như một nhà tù. Họ nói : Anh phải ở đây 3 ngày, đây là thủ tục”. Chỉ khi đó, quản giáo mới cho Orinbek Koksebek biết rằng tờ khai anh ký khi nhập cảnh là đơn xin giữ quốc tịch Trung Quốc, chứ không phải là từ bỏ. Lý do hai quốc tịch chỉ là cái cớ vì hàng triệu người Trung Quốc gốc Hán có nhiều hộ chiếu khác nhau nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc dù luật pháp cấm điều này.
Trường hợp cụ thể thứ hai, được nêu trong bài báo, là lời kể của Marmar Torekhan, một bé gái 12 tuổi có cha mẹ bị “mời” về Trung Quốc để hoàn tất một số thủ tục hành chính. Cả hai có thẻ định cư ở Kazakhstan nhưng chưa nhập tịch đều một đi không trở về.Ali (tên đã được đổi), khoảng 40 tuổi hiện sống ở Istanbul, từng là kĩ sư tin học cho một công ty nhà nước Trung Quốc (không được nêu tên) ở Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương. Ông bị hai lần đưa vào trại giam giành cho “những người không đáng tin cậy” chỉ vì tải phần mềm nén dữ liệu KuaiZip của Trung Quốc. Sau khi ra khỏi trại, Ali đã hối lộ 50.000 đô la để có được hộ chiếu và rời Trung Quốc. Theo ông, chính quyền Trung Quốc “sợ những người có học, biết được nhiều điều về hệ thống hơn là những người bình thường”.
Sophia (tên giả), gốc Kazakhstan, là nhân chứng cụ thể thứ ba “bị lừa”. Sinh ở Tân Cương và gia đình vẫn sống ở đó, nữ sinh viên 20 tuổi của một trường đại học ở phía Bắc Kazakhstan bị bắt khi về thăm gia đình ở Trung Quốc. Bị chất vấn rất lâu ở biên giới, nên cô quyết định ngủ lại đêm ở Urumqi. Đêm đó, một người bạn gái Duy Ngô Nhĩ gọi điện, nói muốn vay tiền. Cô đến gặp bạn và cảnh sát Trung Quốc đón lõng. Bị thẩm vấn trên chiếc ghế cọp, cảnh sát hỏi tại sao cô lại có bạn người Duy Ngô Nhĩ, tại sao lại đi học đại học ở Kazakhstan, trong khi hệ thống đại học Trung Quốc tốt hơn? Cuối cùng, cảnh sát chìa cho cô lệnh giam 6 tháng.
Từ 1 đến 3 triệu người sống trong 220 trại giam
Những người bị cải tạo phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Theo Kakharman Khozamberdi, một nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ sống ở Kazakhstan, “có khoảng 220 trại giam, chứa từ 1 đến 3 triệu người. (Giới lãnh đạo Trung Quốc) tự cho thời hạn 7 đến 9 năm để vào cải tạo hết những người Hồi Giáo từ 15 đến 84 tuổi”. Phòng giam quá tải, chen chúc nhau trong diện tích rất nhỏ là điểm chung được các nhân chứng kể lại.
Kĩ sư tin học Ali từng sống chung với 50 người khác trong phòng giam rộng 60 m2. Nơi ông bị giam nằm gần huyện Phụ Khang (Fukang) “có 12 dãy nhà, mỗi dãy gồm 20 phòng giam. Cửa sổ nằm tít trên cao và lính gác theo dõi họ qua những ô cửa đó. Khi họ mở cửa, mùi hóa chất xộc vào nồng nặc. Đèn công suất lớn chiếu sáng suốt đêm. Chúng tôi không thể duỗi người. Cứ hai tiếng, khoảng 15 người dậy để theo dõi những người khác. Thời gian còn lại, chúng tôi ngồi hàng giờ, không được phép nói chuyện”.
Khu trại cũng là nơi phân loại, một số người bị đi cải tạo giáo dục, một số khác bị ngồi tù. Điều tồi tệ nhất khi bị giam, theo Ali, là nỗi sợ : “Khoảng chục người bị giam, tay bị còng giữa hai chân trong suốt 15 ngày. Và họ bị chọn ngẫu nhiên. Chúng tôi phải giúp họ ăn uống, đi vệ sinh”.
Nữ sinh viên Sophia bị giam cùng với 23 người khác trong căn phòng rộng 25 m2, nhớ lại : “Ban đêm, chúng tôi phải thay nhau theo dõi những người khác để tránh ai đó tìm cách tự vẫn”. Cô bị đá vào vùng kín, kinh nguyệt bỗng dừng khi bị giam.
Đàn áp tôn giáo và âm mưu Hán hóa
Khác với ba nhân chứng bị “sập bẫy” ở trên, Bekbol (tên giả), một người Hoa gốc Kazakhstan, chuyển sang sống ở Almaty (Kazakhstan) năm 2014 khi cảm thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng thắt chặt chính sách về người thiểu số Hồi Giáo. Cựu đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc này hiện là tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ AtaZhurt (“Mẹ tổ quốc”, theo tiếng Kazakhstan) nhận xét : “Người Kazakhstan Trung Quốc là cộng đồng thiểu số ở Tân Cương tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều nhất. (Chính quyền Trung Quốc) sợ thiểu số Kazakhstan tiết lộ những đợt truy bức người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng người Kazakhstan Trung Quốc không ưa người Duy Ngô Nhĩ lắm và người Hán luôn tìm cách đẩy hai cộng đồng thiểu số Hồi Giáo đối đầu nhau”.
Mưu đồ Hán hóa các cộng đồng thiểu số Hồi Giáo ở Tân Cương được thể hiện rõ qua lời kể của hai nhân chứng Orinbek Koksebek và Sophia. Trong những khu trại giam đã tồn tại, những nhà tù bí mật, những ngôi trường đảng hoặc những trại tập trung mới được xây, trong đó có khoảng 60 trại được vệ tinh chụp lại, tất cả học viên phải học thuộc ba bài hát : Hành khúc nghĩa dũng quân (quốc ca Trung Quốc) và hai bài hát “yêu nước”Đông phương hồng và Không có đảng Cộng Sản, không có tân Trung Hoa.
Ngoài những ca khúc yêu nước trên, nữ sinh viên Sophia còn phải học những điều răn của Khổng Tử, 33 điều về “hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”, như không đội khăn hijab, không đi lễ ở đền thờ Hồi Giáo, không nói “nhân danh đấng tối cao” trước khi ăn…
Basitava Guzel, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ 34 tuổi, sống ở Kazakhstan từ lâu. Chồng cô bị chính quyền địa phương ở Tân Cương cấm rời khỏi ngôi làng gần thành phố Y Ninh (Ghulja, Tân Cương), sau khi chồng cô về thăm bố mẹ. Cô kể lại với nhà báo Brice Pedroletti rằng “trong ngôi làng của cha mẹ, đền thờ bị đóng cửa. Họ sợ cầu nguyện ở nhà. Tất cả sách vở đều bị tịch thu và những cuốn không liên quan đến tôn giáo được trả lại, có đóng dấu. Ngày trước, mọi người vẫn quen vừa đi vừa cầu nguyện bằng cách khoanh tay trước ngực. Nhưng giờ những người bước đi như thế đều bị bắt giữ”. Mới đây, cô nhận được tin bố mẹ chồng và anh chị em nhà chồng đều bị đưa đi cải tạo. Riêng chồng cô vẫn bặt vô âm tín.
Nhà đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ Kakharman Khozamberdi cho rằng “tất cả những người thể hiện khuynh hướng tôn giáo, tầng lớp tăng lữ, những sinh viên đặt quá nhiều câu hỏi… đều là đối tượng bị nhắm đến. Mục đích là loại mọi ý thức bản sắc Duy Ngô Nhĩ hay Kazakhstan và thay vào đó là bản sắc Trung Hoa”.
Còn theo phân tích của nhà nghiên cứu chính trị người Kazakhstan, Rasul Jumaly, Trung Quốc đang tiến hành “chính sách đồng hóa nhanh chóng với những phương tiện triệt để”. Ông giải thích : “So sánh với thời Liên Xô, Trung Quốc tương đối tự do : ở Tân Cương, người ta thấy có nhiều trường học, báo chí bằng tiếng Kazakhstan hoặc Duy Ngô Nhĩ, nhiều hơn cả Kazakhstan có vào thời thuộc Liên Bang Xô Viết. Nhưng dự án Một Vành đai, Một Con đường mang tính chiến lược rất lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Ưu tiên chính của họ là bình ổn khu vực, bỏ qua những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế”, như yêu cầu được đến kiểm chứng thông tin của Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet, bức thư gửi của khoảng 15 đại sứ phương Tây ở Bắc Kinh gửi đến ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư tỉnh Tân Cương.
Trong khi đó, theo xã luận của Le Monde, phần lớn các quốc gia Hồi Giáo không dám lên tiếng về thảm cảnh của sắc dân theo đạo Hồi ở Tân Cương vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Chính quyền Astana hiện vẫn để các hiệp hội phi chính phủ lên tiếng bảo vệ quyền của người Kazakhstan bị giam ở Trung Quốc, nhưng không dám chính thức phản đối vì quá lệ thuộc vào nước láng giềng, đặc biệt trong dự án Con đường Tơ lụa mới.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181231-trung-quoc-dia-nguc-tran-gian-%E2%80%9Chan-hoa%E2%80%9D-nguoi-hoi-giao-o-tan-cuong
Kinh tế Triều Tiên trước ngã ba đường
Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên được cho là đang có những thay đổi mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un trong bối cảnh căng thẳng khu vực giảm nhiệt.Kyodo News hồi giữa tháng 10 dẫn lời Giáo sư Ri Gi-song thuộc Viện Khoa học xã hội ở Bình Nhưỡng cho biết Triều Tiên đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 3,7% trong năm 2017. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội là 30,7 tỉ USD, tăng nhẹ so với 29,6 tỉ USD so với năm 2016. Dù những con số này chưa được kiểm chứng độc lập nhưng các quan chức và giới chuyên gia Mỹ cũng như Hàn Quốc nhận định với Thanh Niên rằng đây là chỉ dấu phản ánh nỗ lực phát triển kinh tế của Triều Tiên trong vòng vây cấm vận.
Bình Nhưỡng lột xác
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên trong chuyến làm việc tại Seoul (Hàn Quốc), Washington D.C và New York (Mỹ), cây bút bình luận Kim Jin-ho của tờ Kyunghyang Shinmun chia sẻ ấn tượng của ông về Bình Nhưỡng. Kể từ khi lần đầu đặt chân đến Triều Tiên năm 2003, ông đã 11 lần quay lại nơi này. “Vào tháng 8.2017, tôi trải qua 10 ngày ở Bình Nhưỡng. Nếu so với năm 2005, thành phố này hoàn toàn lột xác”, nhà báo kỳ cựu cho biết. Nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên, bao gồm một số chung cư và văn phòng làm việc 50 tầng. Đặc biệt, khu vực phố Ryomyong là điểm dự án trọng tâm của chính phủ nhằm thay đổi diện mạo của thủ đô. Đây là khu dân cư, thương mại hiện đại với 44 tòa nhà căn hộ mới, nhà hàng, công viên và một trung tâm mua sắm.
Các nhà hàng sang trọng cũng mọc lên như nấm. “Tôi đã đến một nhà hàng không khác gì ở Hàn Quốc nằm bên bờ sông Taedong, con sông chính chảy qua Bình Nhưỡng”, nhà báo Kim cho biết. Trang phục của người dân thủ đô cũng thay đổi mạnh mẽ với phụ kiện, túi xách, giày dép, khăn choàng dán tem “Made in DPRK” (sản xuất tại CHDCND Triều Tiên). Đây là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đã phát triển được những ngành sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, dưới áp lực cấm vận nặng nề, Triều Tiên vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, trong đó có y tế. Bình luận viên mảng thời sự quốc tế Ganbayar Gombojav của Đài Eagle News TV (trụ sở tại Ulaanbaatar, Mông Cổ), sau một số lần đến Bình Nhưỡng phát hiện những loại thuốc lưu hành trên thị trường đều xuất phát từ Trung Quốc với giá rất đắt đỏ.
Mô hình Việt Nam hay Trung Quốc ?
Kể từ khi lên lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, ông Kim Jong-un thực hiện chính sách vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa chú trọng phát triển kinh tế. Đến nay, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc có nhiều diễn biến tích cực, lãnh đạo Kim được cho là tập trung vào xây dựng kinh tế, thử nghiệm các mô hình cải cách và mở cửa. Sau nhiều năm theo dõi tình hình Triều Tiên, nhà báo Kim Jin-ho đưa ra giả thuyết lãnh đạo Kim Jong-un đang cân nhắc nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế theo kiểu Việt Nam hoặc Trung Quốc.
Theo ông, đường lối phát triển sức mạnh quân sự song hành với kinh tế là con đường mà Trung Quốc từng theo đuổi. Năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách và mở cửa thị trường sau khi Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thử nghiệm thành công bom hạt nhân, đồng thời phóng vệ tinh lên quỹ đạo, tín hiệu cho thấy nước này sở hữu công nghệ tên lửa liên lục địa. “Có thể Triều Tiên đang theo hướng phát triển này”, nhà báo Kim nhận định.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, một quan chức Mỹ giấu tên tại Washington D.C lại cho rằng mô hình Trung Quốc không phù hợp với tình hình Triều Tiên vì một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng là nhờ dân số khổng lồ. Trong khi đó, mô hình của Việt Nam được đánh giá là thích hợp hơn vì 2 nước có nhiều tương đồng vào thời điểm khởi đầu.
Thực tế, trang tin Pulse News của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức nước này tiết lộ lãnh đạo Kim đã bày tỏ sự quan tâm đến mô hình kinh tế của Việt Nam trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4. Theo quan chức này, trong cuộc trò chuyện riêng giữa hai nhà lãnh đạo, ông Kim nhiều lần nhắc đến quá trình cải cách kinh tế của Việt Nam và cho rằng hình mẫu của Việt Nam là hợp lý hơn.
“Lãnh đạo Kim nói với Tổng thống Moon rằng ông ấy thích mô hình mở cửa của Việt Nam hơn Trung Quốc”, quan chức Hàn Quốc nói. Cũng trong tháng 4, tại phiên họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Kim cũng tỏ dấu hiệu từ bỏ chính sách theo đuổi cả phát triển kinh tế lẫn hạt nhân và cam kết dành toàn bộ nguồn lực quốc gia cho phát triển kinh tế.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25546-kinh-te-trieu-tien-truoc-nga-ba-duong.html
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un
gửi thông điệp tới Tổng thống Trump
Seoul, Nam Hàn – Theo tin từ Reuters, trong bối cảnh các cuộc đàm phán nguyên tử bị đình trệ thì vào hôm thứ Hai (31 tháng 12), tờ báo Chosun Ilbo của Nam Hàn đưa tin rằng, hôm thứ Sáu, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã gửi “thông điệp hòa giải” đến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump ở Singapore vào tháng 6 năm nay, ông Kim từng hứa hẹn sẽ hướng tới mục tiêu tạo nên khu vực phi nguyên tử. Tuy nhiên, cho đến nay, cả hai nước vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ về vấn đề này.
Sau khi bị hủy bỏ đột ngột vào tháng 11 cuộc họp giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo và viên chức cao cấp của Bắc Hàn Kim Yong Chol vẫn chưa được sắp xếp lại. Mặc dù truyền thông Bình Nhưỡng đồng ý Tổng thống Trump về việc sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhưng họ cũng đả kích gay gắt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt.
Vào Chủ Nhật, văn phòng của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cho biết, ông Kim đã gửi thư cho người đồng cấp ở Seoul kèm theo lời nhắn về việc ông muốn tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm tới, nhằm đạt được việc tạo nên bán đảo phi nguyên tử. Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng vào tháng 9, ông Kim đã đồng ý đến thăm Seoul. Nhưng trong năm nay, ông đã không đến thăm Seoul.
Theo tờ báo Chosun Ilbo, ông Kim đã gửi một bức thư tới Tổng thống Moon với nội dung rằng, sau thứ Ba (1/1/2019), ông sẽ tới Nam Hàn trong thời gian gần nhất. Phát ngôn viên của Tổng thống Moon cho biết, trong bức thư gửi tổng thống, ông Kim thể hiện sự tiếc nuối về việc ông không thể đến thăm Seoul như dự định. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ quyết tâm đến thăm Seoul trong khi theo dõi tình hình. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chu-tich-bac-han-kim-jong-un-gui-thong-diep-toi-tong-thong-trump/
Philippines: ông Duterte nói
đã tấn công tình dục người giúp việc
Một làn sóng chỉ trích dấy lên ở Philippines sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng ông đã tấn công tình dục người giúp việc khi ông còn là một thiếu niên.Trong một bài phát biểu, ông nhớ lại ông đã thú tội với linh mục về việc ông đã mò tay vào quần áo lót của người giúp việc khi cô đang ngủ như thế nào.
Nhóm nữ quyền Gabriela nói ông Duterte “không xứng đáng với vị trí của mình và nên từ chức”.
Duterte nói phương Tây ‘đạo đức giả’
Ông Duterte thừa nhận đã giết người
Tổng thống Philippines thường gây phẫn nộ vì những bình luận khiêu khích nhưng vẫn được nhiều người ủng họ.
Trong lời bình luận mới đây nhất, ông mô tả lại việc ông từng vào phòng của người giúp việc khi cô đang ngủ.
“Tôi kéo chăn lên… Tôi cố chạm tay vào bên trong quần lót,” ông nói. “Tôi đã sờ tay được vào bên trong. Rồi cô ấy tỉnh dậy nên tôi rời khỏi phòng.”
Duterte nói ông kể với vị linh mục rằng sau đó ông quay lại phòng cô giúp việc và lại tìm cách quấy rối tình dục cô ta.
Việc các gia đình khá giả Philippines thuê người giúp việc và nhiều phụ nữ nước này đi làm người giúp việc nhà ở các quốc gia Châu Á và Trung Đông là rất phổ biến.
Người phát ngôn của tổng thống nói rằng ông Duterte chỉ đơn thuần là “bịa đặt” và “thêm thắt” câu chuyện.
Tổng thống Duterte dọa ‘thiêu trụi’ LHQ
Ông Duterte dùng diễn văn mắng con trai
Những phát biểu ’khuyến khích hiếp dâm’
Các nhóm nhân quyền ở Philippines lên án mạnh mẽ các bình luận của tổng thống.
Gabriela, một đảng chính trị đại diện cho các nhóm nữ quyền, nói những bình luận này đồng nghĩa với việc thừa nhận hiếp dâm.
“Hiếp dâm không chỉ xảy ra thông qua việc cho dương vật vào,” Joms Salvador, tổng thư ký nhóm Gabriela nói. “Dù là một ngón tay hay vật thể đều bị coi là hiếp dâm.”
Liên minh Chống buôn bán Phụ nữ – Châu Á Thái Bình Dương cảnh báo rằng những bình luận của tổng thống khiến nhiều người giúp việc nhà gặp nguy hiểm.
“Việc phô trương hành vi lạm dụng tình dục khuyến khích văn hóa hiếp dâm và trong trường hợp này là lạm dụng tình dục người giúp việc nhà,” Jean Enriquez, giám đốc điều hành tổ chức cho biết.
Ông Duterte là người chỉ trích Nhà thờ Công giáo mạnh mẽ, và họ chỉ trích cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông, một chiến dịch khiến hàng ngàn người bị giết.
Những lùm xùm mới nhất
Tổng thống Philippines bị công kích mạnh vì những hành động và bình luận trước đây về phụ nữ.
Hồi đầu năm, ông gây ra những chỉ trích vì đã hôn môi một nữ công nhân Philippines ở nước ngoài trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp.
Ông cũng nói với các binh lính Philippines rằng họ nên bắn vào âm đạo các nữ phiến quân cộng sản.
Tháng 4/2016, trong một cuộc vận động bầu cử, ông kể về vụ giết người và hãm hiếp một nữ truyền giáo người Úc ở Davao năm 1989, nơi ông là thị trưởng lúc đó.
“Tôi giận dữ vì cô ấy bị hãm hiếp,” ông nói. “Đó là một chuyện. Nhưng cô ấy rất xinh đẹp, thị trưởng đáng lẽ phải là người đầu tiên, thật là lãng phí.” Văn phòng của ông sau đó đã phải xin lỗi.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46721417
0 comments