Một cuộc “giải phóng mặt bằng” ở Vinh thời Pháp thuộc
16-1-2019
Đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt. Năm 1904, Công ty Đường sắt Đông Dương (CFI) quyết định xây dựng ở Vinh một nhà máy sữa chữa xe lửa. Họ cho rằng Vinh có nhiều lợi thế so với các nơi khác: Thành phố nằm giữa Hà Nội và Huế; gần các mỏ than cần thiết cho hoạt động của các xưởng và cho đầu máy xe lửa; Đất ở đây cũng rẻ hơn ở Hà Nội.
Vào mùa thu năm 1904, các đại diện của IFC đã đàm phán để mua lại 40 ha đất của dân làng Yên Dũng (nay thuộc phường Trường Thi, thành phố Vinh). Hai bên đã thỏa thuận giá bán là 40 đồng cho mỗi mẫu, ngoài ra còn có tiền đền bù là hơn 40 đồng cho mỗi mẫu, để bù đắp cho những thiệt hại về mùa màng và một khoản tiền để di chuyển hàng ngàn ngôi mộ nằm rải rác trong những cánh đồng lúa cần giải tỏa.
Nông dân cũng được hứa sẽ được tuyển vào làm công nhân các xưởng máy trong tương lai. Theo thỏa thuận, nông dân sẽ nhận được tiền bán đất và tiền đền bù trước khi kết thúc mùa đông. Thế nhưng, tại thời điểm khánh thành đường sắt Hà Nội-Vinh, 19 tháng 3 năm 1905, khoản thanh toán vẫn chưa được thực hiện.
Mùa hè năm 1905, vật liệu xây dựng nhà máy đã được tập kết về trên cánh đồng, nhưng nông dân vẫn chưa được đền bù. Lúc này, dân làng đã quyết định hành động. Lúc đầu, họ cử đại diện đến Tòa Công sứ Vinh để phản đối, nhưng điều này không mang lại kết quả. Không lâu sau, vào sáng Chủ nhật, ngày 13 tháng 8 năm 1905, một nhà thầu phụ của nhà thầu Bắc Kỳ của CFI bắt đầu xây dựng nhà xưởng. Dân làng tập trung tại đình làng, sau đó kéo nhau ra hiện trường. Họ thông báo với nhà thầu mảnh đất này vẫn là tài sản riêng của họ cho đến khi giá bán của nó được giải quyết. Nhà thầu tạm dừng và sơ tán khỏi địa điểm. Nhưng, ngày hôm sau, công trình đã được nối lạị. Ngày 15/8, Dân làng tiếp tục cử một phái đoàn lên Tòa sứ , gặp Công sứ Vinh Maurice Sestier.
Vào thứ Tư, ngày 16 tháng 8, bực tức vì những kiến nghị không được giải quyết, hàng trăm dân làng đã tràn ra đồng, thu giữ các vật liệu xây dựng ở trên đó, đồng thời tuyên bố họ sẽ không nhúc nhích cho đến khi việc thanh toán tiền được thực hiện. Các công nhân và kỹ sư của nhà thầu phụ, cũng như đại diện của cơ quan Công trình Công cộng buộc phải rời khỏi hiện trường xây dựng nhà máy. Công sứ Vinh Sestier được cho là đã gửi cho Thường trú cao cấp tại Annam Ernest Moulié và Toàn quyền Đông Dương “những tin nhắn đau khổ”.
Vào sáng ngày 17 tháng 8 năm 1905, số người biểu tình chiếm vị trí xây dựng nhà máy đã tăng từ hàng trăm lên vài nghìn người. Hoảng sợ trước quy mô của cuộc biểu tình, Công sứ Sestier đã đến ngay hiện trường, để yêu cầu giải tán cuộc biểu tình. Các đại diện của làng yêu cầu thu dọn nguyên vật liệu, thanh toán ngay giá bán đất, đền bù các loại cây trồng đang chờ xử lý, đồng thời yêu cầu tăng tiền đền bù từ 40 đồng lên 120 đồng mỗi mẫu, để bồi thường cho sự chậm trễ trong thanh toán.
Đáp lại, Công sứ Vinh đã trả lời bằng cách gọi 50 tên lính đến để giải tán đám đông. Lúc này đoàn biểu tình được dẫn đầu bằng những người phụ nữ, tay cầm những chiếc chổi được cho là nhúng đầy nước tiểu và phân vung lên. Người dẫn đầu “đội quân tóc dài” này là bà Đinh Thị Trượng, theo sau là các chị em gái của bà. Họ cũng mang theo một chiếc quan tài. Dân làng đã xô xát với quân lính.
Đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình, Công sứ Sestier đã thông báo rằng: Bất kỳ dân làng nào được tìm thấy trên hiện trường vào buổi chiều sẽ bị buộc tội nổi loạn và ngay lập tức bị tống giam. Ông thừa nhận nguyên nhân của cuộc biểu tình là hợp pháp, nhưng phương pháp được sử dụng là không hợp pháp. Và, ông hứa sẽ chịu trách nhiệm cá nhân.
Trên thực tế, vào tháng 9 năm 1905, dân làng đã nhận được mọi khoản thanh toán đầy đủ theo yêu cầu. Nhà máy đã được xây dựng hoàn thành vào năm 1906 và bắt đầu hoạt động vào năm 1907. CFI đã thuê gần như tất cả những người đàn ông Yên Dũng vào làm trong nhà máy, biến Trường Thi thành nơi có số lượng công nhân công nghiệp đông ở Đông Dương, chỉ sau Nam Định và Sài Gòn.
Phỏng theo “S’adapter pour ne pas être expulsé: les manifestations paysannes de Vinh en 1905”- David Del Testa
Ảnh: Nhà máy xe lửa Trường Thi
Bình Luận từ Facebook
https://baotiengdan.com/2019/01/24/mot-cuoc-giai-phong-mat-bang-o-vinh-thoi-phap-thuoc/
0 comments