Bọn ăn hại và hèn
Trung Nguyễn
14-1-2019
Các cụ ngày xưa rất chí lý, không thể nào giấu được cây kim trong bọc được vì cây kim tuy nhỏ nhưng nhọn. Trước sau gì cây kim cũng đâm thủng bọc mà lòi ra.
Ở Việt Nam ngày nay, “cây kim” của quan chức chính là văn hóa, đạo đức, ý thức của họ. Dù văn hóa của họ có được bao bọc bởi những lời lẽ dạy dỗ, hô hào đạo đức sáo rỗng, cuối cùng thì chúng cũng sẽ lộ ra dưới ánh sáng mặt trời để cho dân chúng có thêm chuyện tiếu lâm mà kể với nhau.
Văn hóa quan chức
Đồng ý là hình ảnh những quan chức như bà trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thân Thị Thư, hồn nhiên ăn mít trong buổi họp mặt báo chí của ông bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, quá sức tệ hại. Suy cho cùng thì điều đó phản ánh nền chính trị chuyên chính, trong đó quan chức không phải do dân bầu, không phải chịu trách nhiệm với dân, mà chức tước có được là do “kỹ năng mềm” “thượng đội hạ đạp”. Tuy nhiên, phát ngôn của những người được gọi là “trí thức” hay “văn nghệ sĩ” mới càng khiến dân chúng sửng sốt và phẫn nộ.
Từ xưa đến nay, trí thức hay văn nghệ sĩ có thể nói là tinh hoa của dân tộc. Muốn đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc, ngoài những thiết chế dân chủ như “tam quyền phân lập”, “đa nguyên đa đảng”, “báo chí tự do”,… người ta sẽ nhìn vào những khám phá, phát minh, tác phẩm của giới trí thức, văn nghệ sĩ của dân tộc đó.
Ở Việt Nam, giới lãnh đạo cộng sản đã chính thức cấm đảng viên nói riêng và người dân nói chung, được đòi thiết lập các thiết chế dân chủ. Người ta sẽ nhìn vào trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam để đánh giá tiếp nền văn hiến bốn ngàn năm có những gì.
Trí thức xã hội chủ nghĩa
Không vơ đũa cả nắm nhưng người dân có thể nhìn thấy thực trạng trí thức Việt Nam qua các “trí thức tiêu biểu” như các giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Tiến, Vũ Đức Đam,… “Trí thức” Nguyễn Thiện Nhân thì mới đây dung dưỡng cho đàn em cưỡng chế, đập phá nhà dân tại vườn rau Lộc Hưng không theo trình tự pháp luật cộng sản, rồi thản nhiên tuyên bố:
“Có những sự việc rất bình thường, nhưng các đối tượng chống phá vẫn lợi dụng để kích động. Qua một số vụ việc năm 2018, thành phố rút ra kinh nghiệm là không đối đầu với người dân mà sẽ thông tin, tuyên truyền vận động để người dân hiểu”.
“Cây kim” mà “trí thức” Nguyễn Thiện Nhân để lòi ra cho dân thấy, chính là, từ trước tới nay nhà cầm quyền vẫn “đối đầu” với dân nhưng đổ thừa sự căm phẫn của dân đối với nhà cầm quyền là do “các đối tượng chống phá”.
Việc cướp đất của dân không theo trình tự pháp luật cộng sản, quả thật là việc “bình thường” vì một đảng đã đi cướp chính quyền vào năm 1945, cướp quyền làm chủ của dân, cướp mạng sống, tài sản của dân trong suốt thời gian tồn tại thì có chuyện gì mà không dám làm. Mọi người cứ nhớ lại Nhân văn giai phẩm, Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp miền Nam sau năm 1975, đánh tư sản… sẽ thấy rõ.
Một ông giáo sư, tiến sĩ xã hội chủ nghĩa mở miệng ra là đã thấy mâu thuẫn, ngụy biện, tráo trở. Thế thì người dân Việt Nam có thể hi vọng gì ở cái đám trí thức cộng sản đó?
Dù vậy, tôi vẫn vô cùng khâm phục những trí thức thực sự vì dân vì nước như giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan,… đã luôn lên tiếng vì quyền lợi của dân, vì lợi ích quốc gia.
Văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa
Tuyệt đại đa số trường hợp, văn nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm, với cái đẹp, với tình yêu, với niềm vui nỗi buồn của nhân quần. Nếu không phải là người nhạy cảm với thân phận con người thì họ không thể nào có cảm hứng để làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc họa,… đi vào lòng người.
Chúng ta thử nhìn vào một văn nghệ sĩ tiêu biểu là “nhà thơ” Hữu Thỉnh, chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong ngày 9/1 vừa qua, ông Thỉnh đã vui mừng thông báo cho “anh em” của ông ta là “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”.
Cũng như “trí thức xã hội chủ nghĩa tiêu biểu” Nguyễn Thiện Nhân, “văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa tiêu biểu” Nguyễn Hữu Thỉnh đã phát biểu những câu đầy mâu thuẫn, ngụy biện và bày tỏ sự nịnh bợ chế độ độc tài đến tởm lợm.
Một mặt, ông Hữu Thỉnh khẳng định, văn nghệ sĩ là “giới tài năng” nhưng mặt khác ông cũng khẳng định “không thể để cho giới văn học nghệ thuật của chúng ta tự trang trải được đâu”.
Người dân không ai hiểu được tại sao giới văn nghệ sĩ dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của đảng Cộng sản mà lại không tự kiếm sống được? Chỉ có một lý do duy nhất là các tác phẩm của “đàn em” ông Hữu Thỉnh chẳng có người dân nào thèm mua. Các tác phẩm nịnh bợ chế độ núp dưới mỹ từ “canh gác mặt trận văn hóa tư tưởng” cũng có số phận giống những tờ báo đảng như Nhân dân, Sài Gòn giải phóng,…
Không có người dân nào thèm mua các tác phẩm của “anh em” ông Hữu Thỉnh về đọc. Vậy mà ông Hữu Thỉnh lại trí trá tuyên bố các ông là “đội ngũ bao năm gắn bó với đất nước, với cách mạng và sáng tạo ra đời sống tinh thần cho nhân dân”.
Dân đóng thuế nuôi đám văn nghệ sĩ ăn hại
Ông Hữu Thỉnh cũng hớn hở vui mừng: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thực chất là Nhà nước nuôi. Nhà nước nuôi anh em chúng ta”. Ông dùng cái từ “anh em” với cái hội văn nghệ sĩ khiến tôi liên tưởng đến một băng đảng giang hồ xưng hô với nhau. Và chắc ông cũng không biết là tiền nuôi các hội của các ông, 85 tỷ đồng mỗi năm, là tiền mồ hôi nước mắt của dân đóng thuế, trong đó có tôi. Nhà nước hay đảng Cộng sản không có đồng xu cắc bạc nào cho các ông đâu mà cái đảng Cộng sản này lại ngày đêm tạo thêm núi nợ công đè lên đầu lên cổ dân chúng.
Chính vì tôi có đóng thuế để nuôi đảng Cộng sản, nuôi nhà cầm quyền, nuôi các văn nghệ sĩ như Hữu Thỉnh nên tôi có quyền phê phán các ông bà. Các ông có hiểu không hả ông Hữu Thỉnh cũng như ông Nguyễn Thiện Nhân và vô số các trí thức, văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa khác?
Qua lời của ông Hữu Thỉnh, người dân cũng thấy được là khi nhà cầm quyền cộng sản không cho tiền đám văn nghệ sĩ “anh em” của ông ta, thì 4 vạn “chiến sỹ” “canh gác mặt trận văn hóa tư tưởng” sẽ rã đám ngay. Tức là ông Hữu Thỉnh và lâu la chỉ làm việc vì tiền chứ trong đầu chẳng có lý tưởng gì. Trên thực tế, những “văn nghệ sĩ” như Hữu Thỉnh chỉ trung thành với tiền.
“Cạn lời”, hết từ với Hữu Thỉnh
Ở cái thân phận tầm gửi, nịnh bợ chế độ, hút máu nhân dân để sống như các ông bà mà cũng lấy cái danh “văn nghệ sĩ” để lừa mị nhân dân thì đúng là hết chỗ nói. Ông Hữu Thỉnh có thể sáng tác cho tôi một từ tiếng Việt nào đó để miêu tả các ông và chế độ cộng sản chuyên chính hay không? Tôi nói thực với ông là tôi hết từ để diễn tả với người dân về các ông rồi. “Cây kim” của giới văn nghệ sĩ “anh em” với ông Hữu Thỉnh cuối cùng cũng lòi ra để người dân … chửi.
Trong bài phát biểu “hùng hồn” của mình, ông Hữu Thỉnh cũng cho thấy chế độ cộng sản tạo ra quá nhiều mâu thuẫn và bất công trong xã hội. Tại sao giữa thời bình mà ông Hữu Thỉnh lại so sánh văn nghệ sĩ với “chiến sỹ”, rồi phải “giữ vững trận địa” y như thời chiến? Các ông đang đánh nhau với ai vậy ông Hữu Thỉnh? Sao cái đảng của các ông tạo ra nhiều chiến tranh, thù địch quá vậy? Một cái đảng như vậy thì số phận tất yếu của nó là diệt vong, đúng không ông Hữu Thỉnh?
Bọn ăn hại và hèn
Để kết thúc bài, tôi xin mượn lời của một trí thức, văn nghệ sĩ chân chính, vì nước vì dân, là nhà thơ Thái Bá Tân, tặng các ông bà trí thức, các quan văn nghệ xã hội chủ nghĩa:
CÁI TẦM CỦA NHÀ VĂN
Không nói chuyện hay, dở,
Cái tầm của nhà văn
Là dám hay không dám
Lên tiếng bênh vực dân.
Bọn văn nô đĩ bút
Thì chẳng có tầm nào
Ngoài tầm bưng bô đảng
Và ăn hại đồng bào.
Mà ăn hại nhiều đấy.
Những bốn mươi nghìn người,
Đủ các loại văn, sĩ…
Theo đảng mà dân nuôi.
Dân nuôi, dân gặp khó
Mà ngậm miệng ăn tiền
Thì văn nghệ gì chúng.
Bọn ăn hại và hèn.
0 comments