Tin Việt Nam – 22/12/2018
Giáo viên và viên chức CSVN ở Hà Tĩnh
tập trung dùng ma tuý trong quán karaoke
Tin Hà Tĩnh, Việt Nam — Một nhóm giáo viên, viên chức CSVN đang làm việc tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã rủ nhau vào quán karaoke tổ chức sử dụng ma tuý đã bị công an bắt quả tang.
Báo Dân Trí ngày 22 tháng 12 năm 2018 loan tin, khoảng 9 giờ 30 tối ngày 21 tháng 12, công an tỉnh Hà Tỉnh đã bất ngờ kiểm tra phòng VIP 8 của quán karaoke Dubai, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê.
Tại đây, công an bắt quả tang 13 đối tượng đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Các đối tượng gồm có 7 nữ, 6 nam, trong đó có một số đối tượng là viên chức, giáo viên đang làm việc trên địa bàn huyện Hương Khê gồm: một phó giám đốc ngân hàng ở huyện Hương Khê, một viên chức kiểm lâm huyện, 2 cô giáo và một số ở ngành nghề khác.
Qua khám xét hiện trường, công an thu giữ 1 gói nhựa màu xanh bên trong chứa thảo mộc khô màu nâu (hay còn gọi là cỏ Mỹ), 3 viên ma tuý tổng hợp, 1 túi nhựa ma tuý dạng đá và nhiều tang vật liên quan phục vụ việc sử dụng ma tuý.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai đang tổ chức sinh nhật cho một người trong nhóm, trong bữa tiệc đã sử dụng ma tuý. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy, cả 13 đối tượng đều dương tính với chất ma tuý.
An Nhiên
Ba tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển,
Hoàng Đức Bình và Nguyễn Văn Hoá
Tin từ Quảng Nam – Hoàng Nguyên, em trai tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình cho biết, rất có khả năng anh trai mình, cùng hai tù nhân lương tâm khác là Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hoá bị trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam kỷ luật.
Hoàng Nguyên, người mới đi thăm anh trai Hoàng Đức Bình hôm 19 tháng 12, nói việc kỷ luật này có thể liên quan đến việc ba tù nhân lương tâm cùng làm một bản kiến nghị với ban giám thị của trại giam trong thời gian gần đây. Anh Bình không thể nói với em trai mình nội dung bản kiến nghị về vấn đề gì, vì trong thời gian thăm gặp, giám thị trại giam cử công an đứng cạnh và không cho hai người trao đổi cặn kẽ. Bình chỉ kịp nói với em trai mình là ban giám thị trại giam không tiếp nhận vì không giải quyết đơn mang tính tập thể.
Anh Hoàng Nguyên nói rằng, hôm 21 tháng 12, anh Bình có gọi điện từ trại giam về nhà, nhưng cuộc gọi bị dừng ngay từ đầu. Anh Hoàng Nguyên và gia đình rất lo lắng cho tình hình của anh Bình ở trong trại giam, vì việc kỷ luật cũng có thể liên quan đến việc Hoàng Đức Bình mới được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải Nhân quyền Việt Nam, cùng với nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và Trần Thị Nga.
Xin nhắc lại, Hoàng Đức Bình bị bắt vào tháng 5 năm 2017 và kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì những hoạt động cổ suý nhân quyền, bảo vệ quyền lợi người lao động và hỗ trợ nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do công ty Formosa gây ra năm 2016. Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt ngày 30/7/2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và vào tháng Tư năm nay, ông bị kết án 11 năm tù giam. Nhà báo tự do Nguyễn Văn Hoá bị bắt tháng 2 năm 2017 và bị kết án 7 năm tù giam.
Cả ba đang thụ án tù tại trại giam An Điềm tỉnh Quảng Nam.
Blogger Phan Vân Bách và dân oan Đặng Mai Yến
bị mật vụ đánh đập
Tin từ Lâm Đồng – Mật vụ tỉnh Lâm Đồng lại ra tay đánh đập hai người hoạt động là blogger Phan Vân Bách và dân oan Đặng Mai Yến vào sáng thứ Sáu (21/12/2018), chỉ 5 ngày sau khi chém anh Phạm Thế Lực tại nhà riêng của anh.
Sau khi rời khỏi nhà của anh Phạm Thế Lực một cách bí mật, anh Phan Vân Bách tiếp tục chuyến đi thăm Tây Nguyên, và anh dừng tại nhà của dân oan Đặng Mai Yến ở huyện Đức Trọng. Sáng thứ Sáu, khi anh Bách cùng chị Yến uống cafe ở gần nhà chị Yến thì họ bị một đám mặc thường phục xông vào đánh đập. Anh Bách bị bầm giập nhiều chỗ, trong khi chị Yến bị đánh chảy máu ở hai chân. Sau khi gây nhiều thương tích cho hai người, đám mật vụ bỏ đi. Anh Bách và chị Yến đến đồn công an trình báo, rồi đi đến bệnh viện để điều trị vết thương.
Đây là lần tấn công thứ hai nhằm vào anh Bách, một nhà hoạt động cổ suý tự do thông tin và hay làm nhiều live streams trên Facebook.
Trong lần đầu tiên xảy ra ngày 17 tháng 12, mật vụ Lâm Đồng định đánh anh Bách khi anh đến thăm nhà anh Phạm Thế Lực, nhưng do anh Lực bảo vệ anh Bách, nên mật vụ chỉ có thể gây hại cho chủ nhà với một số vết thương trên đầu và cổ.
Hàng chục người hoạt động ở Việt Nam đã bị đánh đập bởi công an và mật vụ hoặc côn đồ dưới sự chỉ thị của công an CSVN hàng năm. Nhiều người trong số nạn nhân bị thương tích trầm trọng trong khi những kẻ tấn công không bao giờ bị trừng trị.
Chị Yến là một trong hàng nghìn dân oan bị chính quyền CSVN cướp đất đai. Chị khiếu kiện hàng năm trời nhưng không được giải quyết.
Hủy án sơ thẩm vụ 3 Cảnh sát trại giam Long An
đánh chết phạm nhân 17 tuổi
Tòa án phúc thẩm tỉnh Long An chiều 21/12/2018 vừa tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ 3 Cảnh sát trại giam Long Hòa, tỉnh Long An đánh chết phạm nhân Lại Đức Huy (17 tuổi) vì cho rằng bản án này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Mạng báo Pháp luật TPHCM dẫn thông tin từ Hội đồng xét xử cho hay, cấp sơ thẩm đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra như không thu giữ vật chứng là phương tiện mà các bị cáo dùng vào việc phạm tội là cái còng tay, ghế để kê bị hại và những người còng tay bị hại lên vách lưới; chưa thực hiện thực nghiệm điều tra để làm rõ hậu quả ảnh hưởng đến tính mạng của bị hại và hành vi cụ thể của các bị cáo để xác định rõ mối quan hệ về hành vi của các bị cáo đối với thiệt hại xảy ra trong quá trình phạm tội, nhất là đối với cái chết của bị hại Lại Quốc Huy. Hai phạm nhân có vai trò gì chưa được làm rõ…
Ba bị cáo là các cảnh sát trại giam Long Hòa gồm Nguyễn Phước Thuận (36 tuổi), Nguyễn Minh Huân (26 tuổi), Châu Minh Nhựt (22 tuổi) đã có hành vi dùng nhục hình đối với năm phạm nhân lứa tuổi 16, 17 vừa nhập trại được ba ngày.
Trong đó Lại Đức Huy bị đánh đập bằng dùi cui cao su sau đó còng hai tay vào vách lưới B40 ở tư thế dựa lưng vào lưới, giơ hai tay cao hơn đầu, mỗi tay một còng, chân đứng dưới đất.
Đến khoảng 13 giờ 25 ngày 20/10/2017, Thuận phát hiện Huy ngất xỉu nên tháo còng đưa đi cấp cứu nhưng Huy đã chết trên đường đến bệnh viện.
Nguyên nhân cái chết của nạn nhân sau đó được xác định là do bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, tuy nhiên gia đình khẳng định Huy khỏe mạnh trước khi nhập trại và có chứng nhận của trại giam khi khám đầu vào.
Quản giáo Nguyễn Phước Thuận bị bắt tạm giam ngày 29/1/2018, còn quản giáo Huân và Nhựt được tại ngoại.
Trại giam Long Hòa đã chi trả 21 triệu đồng mai táng phí cho Huy, ba bị cáo tự nguyện bồi thường 50 triệu đồng và tiền thuê xe.
Tháng 8/2018, TAND huyện Bến Lức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động tại Trại giam Long Hòa, tuyên phạt bị cáo Thuận 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Huân 2 năm 6 tháng tù và bị cáo Nhựt 2 năm tù cùng với cáo buộc “Dùng nhục hình”.
Trong năm 2018, có ít nhất 12 nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ của công an Việt Nam được truyền thông ghi nhận.
Chuyên tu, tại chức và chính quy – cá mè thì một lứa
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Luật Giáo dục đại học sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 vừa qua quy định không phân biệt bằng cấp loại hình đào tạo Tại chức hay Chuyên tu… với đào tạo chính quy dài hạn đã làm cả xã hội dấy lên những thắc mắc và phản ứng.
Chuyện cũ kể lại
Thời tôi còn đi làm nhà nước ở công ty xây dựng của ngành Bưu điện. Thời đó, Bưu điện là một ngành “độc quyền toàn diện và sâu sắc”. Tất cả mọi thứ đều theo “kế hoạch phân bổ” từ con người, sản xuất, giá cả, đầu tư…
Còn nhớ thời đó, để mắc một chiếc điện thoại cố định, giá của nó là cả vài cây vàng. Mỗi phút điện thoại viễn liên sang Mỹ có giá là 3,84 đola. Điều hẳn nhiên của độc quyền là tiền đổ về cứ như chuyện đùa khi mà đơn giá ngành tự lập nên và thực hiện, kế hoạch ngành tự vạch ra và giao xuống. Và xã hội khi đó coi chuyện độc quyền là tất yếu mà không hề có băn khoăn.
Chính vì chế độ bao cấp, nên con người được chọn vào cơ quan không hẳn là vì trình độ, tài năng mà quan trọng nhất là “con ai, bố nó làm gì, mẹ nó là ai…”.
Bởi Công ty làm việc ra sao, hiệu quả như thế nào thì tất cả đều theo kế hoạch, vốn nhà nước cấp, việc nhà nước giao, giá nhà nước quy định… cứ thế là làm.
Chính vì chế độ bao cấp, nên con người được chọn vào cơ quan không hẳn là vì trình độ, tài năng mà quan trọng nhất là “con ai, bố nó làm gì, mẹ nó là ai…”.
Thế nên việc có người tài, người giỏi vào cơ quan chưa hẳn đã là cần thiết. Bởi tài, giỏi chỉ rách việc do ít khi chịu cúi đầu và vâng lời mù quáng, ít khi câm lặng trước những điều không thể câm lặng.
Cả cơ quan, trừ Giám đốc và Phó Giám đốc là bạn với nhau học từ nước ngoài, còn lại hệ thống từ Bí thư đảng ủy, các trưởng phòng, phó phòng… hầu hết là tốt nghiệp chuyên tu và tại chức, hoặc học theo hệ “vừa học vừa làm”.
Con, cháu ban giám đốc thì được ưu tiên đưa vào cấp tập khi có người. Bắt đầu từ làm công nhân, lái xe, tạp vụ… rồi cho đi học tại chức, rồi bổ nhiệm lên đội trưởng, rồi về văn phòng làm phó phòng, trưởng phòng. Ngoài ra là các “đối tác” là con cái các Giám đốc, trưởng ban, trưởng phòng nơi này nơi khác từ các bưu điện tỉnh, thành gửi đến lấy chỗ làm việc. Cơ quan như một trại tị nạn từ muôn phương nhằng nhịt với các mối quan hệ của giám đốc công ty. Cái người cầm đến xin việc không phải là hồ sơ mà là thư tay, cuộc điện thoại hoặc người giới thiệu.
Phần còn lại, những người học chính quy, tốt nghiệp dù là loại ưu hay bình thường, đều là nhân viên, cao nhất cũng chỉ đến chức đội trưởng.
Khỏi phải nói về việc kinh doanh và sản xuất sẽ có những điều gì khó khăn, rắc rối khi hệ thống “chuyên tu và tại chức” này đi vào làm việc.
Xuất thân từ công nhân, lao động tạp dịch nên sau khi được đưa đi “đào tạo tại chức” về bổ nhiệm, thì đa số tỏ ra rất oách và ra oai với cấp dưới, nhiều khi rất kệch cỡm và nhố nhăng, nhất là những khi họ thể hiện trình độ nhằm để lấp đi cái mặc cảm “chuyên tu, tại chức” dù không ai nói ra.
Điều oái oăm, là các cán bộ thường ra oai với cấp dưới bằng những ngôn từ của lớp công nhân lao động nặng nhọc đã nhiễm vào máu. Những từ như “ngu, dốt” được đem tặng cho nhân viên không hạn chế, nhất là những khi có khách khứa đến liên hệ công tác.
Thế nhưng, oái oăm hơn, là hầu hết các cán bộ dưới quyền đều im thin thít mỗi khi được tặng những “danh hiệu” không mấy tốt đẹp, thậm chí nhục mạ. Bởi được nhận vào cơ quan nhà nước bao cấp và sản xuất theo kế hoạch có mức lương khá cao đã là may mắn và nhiều khi là ân sủng.
Một lần, Trưởng và Phó phòng của tôi tiếp khách sai một nhân viên là Kỹ sư Xây dựng, học giỏi từ hệ chính quy, một công việc gì đó, và chỉ vài phút sau là tôi đã nghe thấy ông ta quát ầm lên rằng: “Mày ngu, dốt…” Cả khách và cả phòng ngơ ngác trước sự ra oai của Phó Phòng.
Tôi bực mình đứng dậy trả lời hộ anh bạn:
- Tôi thường thấy từ ngu thường chỉ để chỉ súc vật chứ con người bình thường ít khi dùng từ ngu. Huống chi nó là kỹ sư hẳn hoi sao bảo nó ngu là sao? Mặt khác, trong thực tế người ta thường bảo: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. mà ở cái cơ quan này, từ Trưởng, Phó phòng và cán bộ trở lên toàn loại chuyên tu, tại chức.
Này nhé, như anh là Tại chức, Trưởng phòng là “vừa học vừa làm”, Trưởng, phó phòng Hành Chính, Tài vụ, Kế Hoạch, Phó Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chánh văn phòng đều là tại chức, còn Phó Giám đốc kiêm Trưởng Phòng xuất nhập khẩu thậm chí chẳng học gì sau khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài về. Còn chúng tôi ở đây toàn kỹ sư chính quy, đào tạo dài hạn và học tập kết quả xuất sắc, sao anh bảo nó ngu?
Cả phòng cười như vỡ chợ và chỉ mấy phút sau, cả văn phòng chuyền tai nhau câu chuyện “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”.
Ông ta im bặt, và từ đó về sau, cứ mỗi lần dù nóng đến đâu, từ ngu, dốt anh ta dùng đến.
Kể lại câu chuyện này,để thấy rằng hệ đào tạo chuyên tu, tại chức được sử dụng trong thực tế ra sao dưới chế độ và nền kinh tế “định hướng XHCN”.
Vì sao cần chuyên tu và tại chức?
Có thể nói, trên thế giới có nhiều loại hình đào tạo khác nhau, nhằm đảm bảo cho người có nhu cầu và khả năng học tập được cơ hội để học hành. Đó là điều hết sức chính đáng. Bởi không phải ai cũng có những điều kiện như nhau về nhiều mặt như hoàn cảnh, công việc, tuổi tác, địa lý, kinh tế… tác động.
Do vậy đào tạo Chuyên tu, Tại chức hay “vừa học vừa làm” cũng là điều cần thiết, miễn là mỗi cá nhân sau quá trình học tập đó tích lũy cho mình được một vốn kiến thức nhất định để phục vụ xã hội.
Thế nhưng, ở Việt Nam thời cộng sản, điều đó có một ý nghĩa rất khác, thậm chí trái ngược với thông thường.
Hệ thống đào tạo tại chức, chuyên tu vốn đã từng bị cả xã hội kêu ca, phàn nàn về chất lượng đào tạo. Bởi từ cách tổ chức, chương trình tuyển sinh, đào tạo lỏng lẻo và kém chất lượng.
Thậm chí nhiều người đã từng kêu gọi bãi bỏ những phương pháp đào tạo được mệnh danh là “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” này.
Với chế độ chính trị hiện nay, nguồn cán bộ phần lớn được xác định từ “con ông cháu cha” được coi là “hồng phúc của dân tộc” – Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM.
Thế nhưng, khốn nỗi là con ông cháu cha thường sớm trở lại với cội nguồn xuất phát của nó, nói theo ngôn ngữ dân gian là “sớm lại giống” nền đầu óc không được thông minh, mẫn tuệ mà chủ yếu là thừa hưởng những mưu đồ, những tư duy của bần nông, của “giai cấp tiên phong” là chính. Bởi cha ông nó xuất phát từ những thành phần Công nông liên minh, chỉ có “mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản” mà lên đến chức nọ chức kia trong hệ thống chính trị Cộng sản. Rồi con cái họ lại tiếp tục phè phỡn trên đống của cải cướp được, thì đầu óc đâu có thể học hành.
Thế nên, việc con cái cán bộ học hành chăm chỉ, có đầu óc thông minh, sáng suốt là vô cùng khó khăn và việc trang bị cho mình tấm bằng chính quy có chất lượng là điều không dễ dàng.
Xã hội Việt Nam đi từ chỗ coi “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi sinh viên thuộc thành phần Tiểu tư sản, theo Mao định nghĩa “Trí thức như cục phân”, rồi đi ngược lại khi sính bằng cấp đủ mọi cách và coi như một lá bùa để hộ mệnh. Dù đó là bằng cấp có được từ bất cứ cách nào, nguồn nào mà không hề coi trọng thực chất hàm lượng tri thức trong đó, thì việc trang bị cho mình, cho con cháu mình một tấm bằng với loại hình đào tạo tượng trưng là điều hết sức cần thiết.
Xã hội Việt Nam đi từ chỗ coi “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, coi sinh viên thuộc thành phần Tiểu tư sản, theo Mao định nghĩa “Trí thức như cục phân”, rồi đi ngược lại khi sính bằng cấp đủ mọi cách và coi như một lá bùa để hộ mệnh
Do vậy, việc đào tạo Tại chức, Chuyên tu, thậm chí cả đào tạo dài hạn đã bị thay đổi về khái niệm, nội dung và nở rộ như nấm sau mưa.
Rồi hàng loạt các trung tâm tại chức, chuyên tu cũng như các trường đại học mọc lên khắp nơi, khắp chốn, từ cấp Trung ương, phát triển đến cấp Tỉnh, Thành phố và với tinh thần này, thì chắc sẽ có Trường Đại học cấp… xã.
Cũng vì vậy, khắp nơi người ta mới phát hiện ra hiện tượng không học cấp 2, cấp 3, nhưng có thể học xong đại học và thậm chí Thạc sĩ, Tiến sĩ… Đến khi bị phát hiện mới về học lại cấp 2 để bổ sung, hoàn thiện bằng cấp.
Điều oái oăm ở đây, là nhiều trường Đại học mà đầu vào chỉ có 3, 4 điểm. Thế rồi cũng đào tạo dài hạn hẳn hoi trong một hệ thống gọi là Trường Đại học, nhưng giáo viên đi thuê, chương trình chắp vá, học hành chệch choạc… để rồi cuối cùng đổ ra xã hội một đám người “dở thầy, dở thợ”.
Rất nhiều trong số đó, sau khi ra trường đã phải xé bằng để đi học lại làm công nhân.
Thế nhưng, cũng trong đám đó, con ông cháu cha lại chễm chệ ngồi lên ghế lãnh đạo, lại là “tinh hoa dân tộc, miễn là sau khi có được một tấm bằng.
Thậm chí, cái bằng tại chức của Trần Đại Quang cũng đã góp phần đưa ông ta leo lên đến chức Bộ Trưởng rồi Chủ tịch nước.
Trong khi đó, các cử nhân thủ khoa, học từ nước ngoài về hẳn hoi lại trở về nhà chăn lợn, đi xuất khẩu lao động làm nô lệ ở nước ngoài.
Những nghịch lý ấy vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam, trong ngành giáo dục – một ngành giáo dục mà Hồ Chí Minh đã tự hào từ 1945 rằng: Nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Thế nên, hệ thống đào tạo Tại chức, chuyên tu hay đại học tượng trưng vẫn cứ cần và luôn cần cho chế độ cộng sản.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
HRW kêu gọi Việt Nam hoãn thi hành
Luật An ninh mạng gây tranh cãi
Chỉ chưa đầy hai tuần trước khi Luật An ninh mạng được áp dụng ở Việt Nam, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi Hà Nội hoãn thi hành bộ luật gây nhiều tranh cãi cũng như sửa đổi thêm cho phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6. Trước và sau thời gian đó đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình, khi người dân Việt ở trong nước và ở hải ngoại phản đối dự luật được cho là sẽ hạn chế tự do phát biểu ý kiến trên mạng. Bộ luật này dự kiến bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019.
Theo Luật An ninh mạng, các nhà cung cấp phải lưu trữ dữ liệu trong nước, “xác thực” thông tin người sử dụng và cung cấp các dữ liệu về người dùng cho nhà cầm quyền mà không cần có lệnh của tòa án. Theo nhận định của HRW, bản dự thảo nghị định có cách định nghĩa quá rộng về dữ liệu người sử dụng.
“Luật an ninh mạng này được thảo ra để tạo điều kiện cho Bộ Công an dễ dàng hơn trong việc theo dõi gắt gao và nhận diện những người lên tiếng phê bình, và bảo đảm độc quyền cao hơn cho Đảng Cộng sản,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nếu bộ luật này được thi hành, tất cả mọi người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam sẽ hoàn toàn không có một chút riêng tư nào.”
Theo nhận định của HRW, các điều khoản về theo dõi và lưu trữ dữ liệu tại địa phương trong bộ luật an ninh mạng và dự thảo nghị định sẽ trao quyền cho các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật vốn đã và đang lạm quyền rất nhiều, có thể tiếp cận dữ liệu người sử dụng dễ dàng hơn, mà không có cơ chế bảo đảm đầy đủ quyền riêng tư, quyền được xét xử công bằng, và các quyền khác.
Bộ luật mới đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam. Trong vòng bốn tháng kể từ khi bộ luật này được thông qua, gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi.
Hồi tháng 9, 32 Nghị viên châu Âu đã gửi một bức thư chung cho bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu, và bà Cecilia Malmström, cao ủy thương mại châu Âu, yêu cầu “đạt thêm được những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam.” Bức thư này ghi rõ rằng Việt Nam cần “sửa đổi bộ Luật An ninh Mạng cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, trong đó có ICCPR (Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.”
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi trong năm 2018, theo HRW. Chính quyền Hà Nội đã xử có tội ít nhất là 41 nhà hoạt động và blogger và kết án họ nhiều năm tù giam, trong đó có Lê Đình Lượng, người nhận mức án 20 năm tù – mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật về đặc khu kinh tế. Có tin công an tấn công nhiều người và bắt giữ hàng loạt. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.
“Bộ Luật An ninh Mạng của Việt Nam và dự thảo nghị định kèm theo đã chà đạp lên quyền riêng tư và đi ngược hẳn với cam kết của chính quyền Hà Nội với Liên minh châu Âu về tôn trọng nhân quyền,” ông Robertson nói. “Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cần tạm hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam sửa đổi bộ luật này và thể hiện các tiến bộ cụ thể và đo đếm được về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình.”
Trung Cộng siết chặt hàng nông sản Việt Nam
Tin Saigon, Việt Nam — Không chỉ đánh thuế nhập cảng của gạo Việt Nam lên mức 50%, mà bắt đầu từ ngày 1 tháng 6 năm 2019, các lô hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường của Trung Cộng phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có vùng nguyên liệu và nhãn mác, rõ ràng các thông tin này.
Báo Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 12 năm 2018 loan tin, từ tháng 6 năm 2018 đến nay, Trung Cộng đánh thuế nhập cảng gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất cảng mặt hàng này. Trung Cộng chỉ còn chiếm 22% lượng gạo xuất cảng của Việt Nam so với trên 30% của những năm trước.
Ngoài tăng thuế, Trung Cộng còn siết chặt về điều kiện xuất cảng cảng gạo với các công ty Việt Nam. Trong hơn 150 công ty của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện chỉ có 21 công ty được phía Trung Cộng cho xuất cảng vào. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã gửi hồ sơ của các công ty khác vào danh sách này nhưng đến nay Trung Cộng vẫn chưa trả lời.
Đặc biệt, nếu vài năm trước, phía Trung Cộng cho nhập cảng ồ ạt trái sầu riêng và chanh dây, đã làm cho người nông dân Việt Nam tăng tốc mở rộng diện tích trồng hai loại cây này lên rất nhiều lần chỉ trong gần 3 năm nay. Và bây giờ, khi nguồn hàng dồi dào, Trung Cộng bỗng dưng siết chặt truy nguồn gốc của các mặt hàng này, làm cho giá cả giảm mạnh, sản phẩm thiếu đầu ra.
Mặt khác, cơ chế quản lý của các cơ quan chức năng Cộng sản là để mặc người dân muốn trồng gì thì trồng, bán cho ai thì bán, không có sự quy hoạch vùng, nếu muốn làm giấy tờ thì phải hối lộ người quản lý, nên yêu cầu trên là quy định làm khó cho nông dân Việt Nam.
An Nhiên
0 comments