Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/08/2018

Thursday, August 9, 2018 7:38:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/08/2018

Thư của ông Trump được trao cho Tổng thống Nga

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rand Paul đã trao một bức thư của Tổng thống Donald Trump cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất chuyện hợp tác, vài tuần sau khi ông Trump bị nhiều người lên án vì không tỏ thái độ cương quyết trước ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh của họ ở Helsinki.
Ông Trump đã tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh bất chấp áp lực đè nặng lên mối quan hệ vốn đã xấu đi sau khi giới tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 nhằm tìm cách nghiêng phần thắng về phía ông Trump.
Ông Paul, một trong số ít những nghị sĩ Đảng Cộng hòa bênh vực những phát biểu bị nhiều người đả kích của ông Trump tại một cuộc họp báo ngày 16 tháng 7 với ông Putin ở Helsinki, cho biết ông đã tới Moscow để khuyến khích ngoại giao.
“Tôi vinh dự trao bức thư của Tổng thống Trump cho chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin. Bức thư nhấn mạnh tầm quan trọng của sự giao tiếp thêm nữa trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm chống khủng bố, tăng cường đối thoại của giới lập pháp và tiếp tục trao đổi văn hóa,” ông Paul viết trong một tweet đăng trên Twitter.
Nhà Trắng cho biết ông Trump đã đưa cho Paul một “bức thư giới thiệu” cho chuyến đi của ông theo yêu cầu của thượng nghị sĩ này.
“Trong thư, tổng thống đề cập tới các chủ đề đáng quan tâm mà Thượng nghị sĩ Paul muốn thảo luận với Tổng thống Putin,” phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley nói trong một thông cáo.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói rằng một bức thư từ ông Trump gửi cho ông Putin đã được trao qua các kênh ngoại giao, hãng tin Interfax cho biết. Nhưng ông Peskov nói Điện Kremlin chưa nắm rõ nội dung bức thư.
Tổng thống Trump đã gọi một cuộc điều tra về những liên hệ khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông và Moscow là một cuộc “săn lùng phù thủy” với hàm ý ông bị truy bức chính trị, nhưng chính quyền của ông đã cảnh báo rằng mối đe dọa can thiệp bầu cử từ Nga vẫn tiếp diễn.
Tuần trước, các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của ông Trump nói rằng Nga đang đứng đằng sau những nỗ lực “tràn lan” nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử giữa tháng 11 sắp tới, bác bỏ những tuyên bố phủ nhận mà ông Putin đã đưa ra trực tiếp với ông Trump.
Ông Trump khơi lên sự công phẫn rộng khắp qua việc ông phần lớn chấp nhận lời biện hộ của ông Putin trong khi phớt lờ đánh giá của cơ quan tình báo của chính ông tại cuộc họp báo ở Helsinki.
Tổng thống sau đó đã đính chính một số phát biểu của mình, nói rằng ông đã lỡ lời.
Những nỗ lực của ông Trump nhằm cải thiện quan hệ với Nga vẫn chưa mang lại kết quả đáng kể. Ngoài những căng thẳng về chuyện can thiệp bầu cử, hai nước cũng bất đồng về Syria và Ukraine.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-cua-ong-trump-duoc-trao-cho-tong-thong-nga/4519451.html

Mỹ tăng chế tài Nga

vì vụ hạ độc cựu điệp viên ở Anh

Washington hôm thứ Tư cho biết sẽ áp đặt các chế tài mới lên Nga sau khi xác định rằng Moscow đã sử dụng một loại chất độc thần kinh để tấn công một cựu điệp viên người Nga và con gái của ông ta ở Anh.
Sergei Skripal, cựu đại tá trong tổng cục tình báo quân đội GRU của Nga, và con gái 33 tuổi của ông, Yulia, được tìm thấy bất tỉnh trên một băng ghế ở thành phố Salisbury miền nam nước Anh vào tháng 3 năm nay sau khi chất độc thần kinh loại Novichok ở dạng lỏng được bôi lên cửa chính nhà ông.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói đã xác định rằng Nga “đã sử dụng vũ khí hóa học hay sinh học vi phạm luật pháp quốc tế, hoặc đã sử dụng vũ khí hóa học hay sinh học gây tử vong nhắm vào công dân của chính mình.”
Bà cho biết các chế tài sẽ đi vào hiệu lực vào khoảng ngày 22 tháng 8 tới đây.
Tin tức này được đưa ra sau khi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Đảng Cộng hòa Rand Paul cho biết hôm thứ Tư rằng ông đã trao một bức thư từ Tổng thống Donald Trump cho Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất chuyện hợp tác giữa hai nước.
Các chế tài sẽ được thiết kế theo hai đợt, với tác động lớn nhất từ các chế tài ban đầu dự kiến đến từ lệnh cấm cấp giấy phép xuất khẩu các mặt hàng an ninh quốc gia nhạy cảm sang Nga, đài NBC đưa tin dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao.
Anh hôm thứ Tư đã hoan nghênh quyết định của Washington áp đặt các chế tài mới đối với Nga.
Anh đã qui trách Nga về vụ tấn công và đã cùng với Mỹ và các đồng minh phương Tây trục xuất hàng chục nhà ngoại giao. Nga phủ nhận dính líu vào vụ đầu độc và đáp lại bằng những vụ trục xuất trả đũa của riêng mình.
“Anh hoan nghênh hành động thêm nữa của Mỹ và các đồng minh phương Tây của chúng tôi,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong một thông cáo.
“Phản ứng mạnh mẽ của quốc tế đối với việc sử dụng vũ khí hóa học trên đường phố Salisbury gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng hành vi khiêu khích, liều lĩnh của họ sẽ bị thách thức.”
https://www.voatiengviet.com/a/my-tang-che-tai-nga-vi-vu-ha-doc-cuu-diep-vien-o-anh/4519354.html

Bốn hãng hàng không Mỹ

chưa bỏ tên Đài Loan trước hạn 9/8

Bốn hãng hàng không lớn của Mỹ cho biết họ vẫn đang trong quá trình sửa đổi hệ thống để đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc phải ghi rõ Đài Loan là lãnh thổ nước này trên trang web của họ.
Bắc Kinh đề ra 25/7 là hạn chót để các công ty, đặc biệt là hãng hàng không, phải ghi rõ Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc trên trang web của họ, một yêu cầu mà Nhà Trắng nói hồi tháng Năm là một đòi hỏi ‘chuyên quyền vớ vẩn’.
Hôm 25/7, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) gia hạn thêm hai tuần để Delta, American Airlines, Hawaiian Airlines and United Airlines hoàn tất yêu cầu trên.
Như các hãng vận tải khác, American đang thực hiện đầy đủ các thay đổi để giải quyết yêu cầu của Trung Quốc.Shannon Gilson, Người phát ngôn American Airlines
Tuy nhiên, ngày 8/8, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho biết Delta, American và United Airlines vẫn chưa hoàn thành việc yêu cầu.
Đài Loan đáp trả các hãng bay tuân thủ Bắc Kinh
Hàng không Mỹ phải bỏ tên Đài Loan vì sợ TQ
TQ phạt hãng Nhật vì công nhận Đài Loan
Tờ báo này cũng trích dẫn lời CAAC cho hay họ vẫn đang “theo dõi chặt chẽ tình hình”.
Người phát ngôn hãng United Airlines nói với Reuters rằng “United Airlines đã bắt đầu tiến hành các thay đổi trên hệ thống để giải quyết yêu cầu của Trung Quốc”.
“United tuân thủ và tôn trọng luật và quy định địa phương ở mọi thị trường và khu vực có thẩm quyền nơi chúng tôi hoạt động và kinh doanh. Các chuyến bay tới Trung Quốc lục địa, Hong Kong và Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường.”
Shannon Gilson, người phát ngôn của American Airlines cho biết: “Như các hãng vận tải khác, American đang thực hiện đầy đủ các thay đổi để giải quyết yêu cầu của Trung Quốc”.
Hiện trên trang web của Delta, American và United Airlines chỉ hiện mã sân bay của Đài Bắc (Taipei) và thành phố, chứ không để tên Đài Loan (Taiwan) trong khi Hawaiian Airlines không để tên Đài Bắc hoặc Đài Loan.
Thứ Năm ngày 9/8 là thời hạn chót và không rõ liệu Trung Quốc sẽ có biện pháp trừng phạt hay không.
Tháng 12/2017 nước này đã bổ sung điều khoản để kiểm soát các hãng hàng không nước ngoài có hoạt động tại Trung Quốc, cho phép thay đổi giấy phép của công ty nếu không đáp ứng “yêu cầu vì lợi ích chung”, theo Reuters.
Đài Loan luôn là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm của Trung Quốc.
Những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép để chống lại những việc mà họ xem là đe dọa chính sách Một Trung Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45127833

Dân biểu Mỹ bị bắt với cáo buộc ‘giao dịch nội gián’

Cập nhật: Dân biểu Chris Collins khai vô tội trước một thẩm phán liên bang chiều ngày 8/8 đối với cáo buộc giao dịch nội gián.
Thẩm phán ra mức bảo lãnh tại ngoại đối với ông Chris Collins và con trai của ông, Cameron Collins, là 500 ngàn đô la. Dân biểu Collins cũng được lệnh phải giao nộp lại giấy phép ngoại giao và bất kỳ loại võ khí nào đang sở hữu.
**********************************************
Các công tố viên liên bang Mỹ ngày 8/8 lập cáo trạng về tội danh giao dịch nội gián đối với dân biểu Cộng hòa Chris Collins. Ông Collins bị bắt trong ngày và theo lịch phải ra trước một tòa án liên bang ở Manhattan cùng ngày.
Dân biểu Collins từ New York là một trong những nghị sĩ đầu tiên trong Quốc hội ủng hộ ông Donald Trump làm Tổng thống trong kỳ bầu cử 2016. Ông ra trình diện Cục Điều tra Liên bang sáng ngày 8/8.
Ông bị cáo buộc có liên quan đến kế hoạch giao dịch nội gián dính líu tới công việc đầu tư của ông vào một công ty công nghệ sinh học của Australia.
Trước đây trong năm, một báo cáo từ Văn phòng Quốc hội chuyên trách các vấn đề về đạo đức nói rằng ông Collins có lẽ đã phạm tội khi tiết lộ thông tin độc quyền của công ty này với các nhà đầu tư, trong đó có con trai của ông. Con trai của ông Collins cũng bị truy tố.
Dân biểu Collins có chân trong ban quản trị công ty. Con trai ông tên là Cameron Collins bị cáo buộc đã chuyển thông tin đó cho một tòng phạm khác là bố vợ tương lai, Stephen Zarsky. Theo cáo trạng, cả ba người đã né được gần 770 ngàn đô la thua lỗ nhờ thông tin rò rỉ này.
Dân biểu Collins ra tái tranh cử vào tháng 11 năm nay, hiện đã quyên được hơn 1,3 triệu đô la trong nỗ lực vận động tranh cử, theo báo cáo.
https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-my-bi-bat-voi-cao-buoc-giao-dich-noi-gian/4519092.html

Mỹ nóng ruột vì Bình Nhưỡng chậm phi hạt nhân hóa

Trọng NghĩaĐại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 08/08/2018 đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ « không sẵn sàng đợi quá lâu » để chờ Bắc Triều Tiên tiến hành các bước hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Tuyên bố nóng ruột trên đây được đưa ra vào lúc báo chí Mỹ tiết lộ thông tin theo đó Bình Nhưỡng đã nhiều lần bác bỏ đề nghị của Washington, muốn Bắc Triều Tiên cụ thể hóa lịch trình giảm trừ hạt nhân.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại Colombia, nơi bà là khách mời tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Colombia Ivan Duque, bà Haley cho rằng « quả bóng đã hoàn toàn ở bên sân Bắc Triều Tiên », và Bình Nhưỡng cần phải hiểu rằng « cộng đồng quốc tế vẫn chờ đợi Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, và nếu họ muốn đợi thì Mỹ sẵn sàng đợi, nhưng không sẵn sàng đợi quá lâu ».
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố như trên vào lúc Vox, một tờ báo trên mạng tại Hoa Kỳ vào hôm qua đã trích dẫn hai nguồn thạo tin để tiết lộ rằng trong thời gian qua Bắc Triều Tiên đã nhiều lần bác bỏ đề nghị của Mỹ, yêu cầu Bình Nhưỡng giảm trừ từ 60 đến 70% số đầu đạn hạt nhân trong vòng từ 6 đến 8 tháng.
Theo hai nguồn tin xin giấu tên này, thì chính ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hoài công đề nghị kế hoạch trên với đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Yong Chol.
Hôm 07/08, trả lời kênh truyền hình Mỹ Fox News, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng tố cáo Bắc Triều Tiên là đã « không tiến hành các bước mà Hoa Kỳ cảm thấy cần thiết để phi hạt nhân hóa ».
Iran khuyên Bắc Triều Tiên « đừng tin Mỹ »
Vào lúc đang bị áp lực từ Washington, Bắc Triều Tiên đã chính thức nhận được lời khuyên từ Iran là đừng tin tưởng vào Mỹ.
Theo IRNA, hãng tin chính thức của Iran, chính tổng thống Iran Hassan Rohani, khi tiếp ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho, ngày 08/08, đã nhắc đến các hành vi bất tín của Mỹ.
Tổng thống Rohani đã nhấn mạnh : « Cách hành xử của chính phủ Mỹ trong những năm gần đây đã làm cho Mỹ bị coi là một quốc gia không đáng tin cậy trên thế giới, không tuân thủ bất cứ nghĩa vụ nào của mình ».
Lời khuyên của lãnh đạo Iran cho Bắc Triều Tiên được đưa ra đúng vào nhiều biện pháp Mỹ ban hành để trừng phạt Iran bắt đầu có hiệu lực trở lại sau khi chính quyền Donald Trump đơn phương phủ nhận Thỏa Thuận Hạt Nhân Iran mà chính Mỹ đã ký kết vào năm 2015.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180809-my-to-y-mat-kien-nhan-truoc-viec-binh-nhuong-cham-phi-hat-nhan-hoa

Vũ khí siêu thanh đầu tiên của TQ có khả năng

đâm thủng hệ thống đánh chặn của Mỹ

Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công một thiết bị bay siêu thanh mới, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và đạt tốc độ tối đa gấp 6 lần tốc độ âm thanh. Loại vũ khí mới này có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ nếu xảy ra chiến tranh.
Theo truyền thông Trung Quốc, máy bay siêu thanh Starry Sky 2 vừa được thử nghiệm tại một địa điểm không được tiết lộ ở tây bắc Trung Quốc hôm thứ Sáu. Đây là thiết bị bay đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào không gian bằng tên lửa nhiên liệu rắn, sử dụng kỹ thuật “waverider” (cưỡi sóng xung kích tự tạo trong lúc bay) và có thể mang nhiều đầu đạn. Sau khi tách ra khỏi tên lửa, thiết bị bay này sẽ bay trở về trái đất với tốc độ tối đa đạt mức Mach 6 (khoảng 7.344 km/giờ), gấp 6 lần tốc độ âm thanh.
Ngoài ra, Starky Sky-2 còn có thể đổi hướng trong lúc bay, với chủ ý làm cho việc theo dõi và đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
Với tốc độ siêu hạng, thiết bị này được ho là dễ dàng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường, kể cả của Mỹ.
Các nhà khoa học tham gia trong việc thử nghiệm nói đây một “thành công to lớn” của Trung Quốc, giúp đưa nước này lên sánh vai ngang hàng với Nga và Mỹ trong cuộc đua về kỹ thuật chế tạo vũ khí mới.
Trung Quốc lâu nay vẫn bị nghi ngờ đang chế tạo kho vũ khí siêu thanh. Nhưng đây là lần đầu tiên nước này chính thức xác nhận đang phát triển công nghệ “waverider”, bất chấp thực tế là Trung Quốc đã tìm cách chế tạo các phương tiện siêu thanh kể từ năm 2014.
Trung Quốc, Nga và Mỹ là những đối thủ chính trong lĩnh vực siêu thanh, trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ mới.
Mỹ đã thử nghiệm máy bay siêu thanh không người lái trong nhiều năm và đã thành công với chiếc Boeing X-51 Waverider trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, theo CNN. Máy bay siêu thanh của Mỹ đã đạt đến tốc độ tối đa trên mức Mach 5 trước khi được điều khiển cho đâm xuống biển.
Tuy nhiên, tuyên bố mới của Trung Quốc có thể sẽ gây thêm áp lực lên Mỹ, như thừa nhận của Tướng John Hyten của Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ hồi đầu năm nay.
“Trung Quốc đã thử nghiệm kỹ thuật siêu thanh. Nga cũng đã thử nghiệm. Chúng ta cũng vậy. Kỹ thuật siêu thanh là một thách thức lớn”, Tướng Hyten nói với CNN vào tháng Ba.
“Chúng ta sẽ cần một bộ cảm biến khác để theo dõi những mối đe dọa siêu thanh. Các đối thủ của chúng ta đều biết điều đó”, Tướng Hyten cho biết thêm.
CNN dẫn lại nguồn tin từ Viện Hải quân Hoa Kỳ cho biết hồi tháng 6 vừa qua, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Robert Work lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc “vượt mặt” Mỹ về kỹ thuật quân sự. Giới chức này viện dẫn những tiến bộ đáng kể của Trung Quốc trong lĩnh vực chiến tranh điện tử, dữ liệu lớn và súng siêu thanh.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gần đây xin ngân sách 120 triệu USD cho năm 2019 để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh, tăng từ 75 triệu USD trong năm nay, vì các hệ thống đánh chặn tên lửa hiện nay của Mỹ được cho là vô hiệu đối với loại vũ khí siêu thanh mới của Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-khi-sieu-thanh-dau-tien-cua-tq-co-kha-nang-dam-thung-he-thong-danh-chan-cua-my/4518935.html

Mỹ ra đòn trước hội nghị Bắc Đới Hà,

Tập có dấu hiệu lung lay

Trọng ThànhChiến tranh kinh tế Mỹ-Trung vừa khai màn với hàng loạt quyết định đánh thuế qua lại nhằm vào hàng trăm tỉ đô la hàng hóa của mỗi bên. Các thông báo đơn phương tăng thuế ngày càng quyết liệt của Washington tác động ra sao đến chính quyền Tập Cận Bình ? Theo báo chí khu vực và quốc tế, có dấu hiệu cho thấy các đòn tấn công thương mại của Mỹ đang đe dọa uy thế của « lãnh tụ tối cao ». Hội nghị Bắc Đới Hà khai mạc với một số biểu hiện khác thường, trong giới trí thức bắt đầu có tiếng nói trực tiếp lên án chính sách độc tài của họ Tập.
Hội nghị Bắc Đới Hà (Beidaihe) – một kỳ hội họp không chính thức thường niên của các lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, đang nắm quyền và đã về hưu – thường được coi là một sự kiện rất quan trọng. Bắc Đới Hà là tên gọi một địa điểm nghỉ mát bên bờ biển thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei), cách Bắc Kinh khoảng 300 cây số về phía đông. Hội nghị của giới chóp bu Trung Quốc thường diễn ra tại đây vào dịp cuối tháng Bảy và trong tháng Tám.
Năm nay, truyền thông chính thức Trung Quốc cho biết, ngày thứ Bảy tuần trước 04/08/2018, 62 khách mời, gồm các chuyên gia, trí thức, đã đến Bắc Đới Hà, và được các lãnh đạo đảng đón tiếp. Điểm khác thường năm nay là người đón tiếp họ thuộc cấp bậc thấp hơn so với những năm trước. Cụ thể là phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), một người không thuộc ban thường vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) (1), người được coi là kế nhiệm cương vị phụ trách tư tưởng của đảng, đáng ra theo lệ phải có mặt, cũng không xuất hiện trong dịp này.
Theo các nhà quan sát, kể từ khi tìm cách thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay, ông Tập Cận Bình có xu hướng hạ thấp vai trò của dịp hội họp không chính thức này, nhưng rất có thể lần hội nghị này, ông Tập sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nội bộ, đặc biệt từ giới lãnh đạo về hưu, nhưng vẫn còn duy trì được ảnh hưởng. Nhiều nguồn tin cho biết, cho dù không ưa gì nhau, hai cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất quan điểm. Hai ông Giang, Hồ cùng cựu thủ tướng Chu Dung Cơ tỏ ra không tin tưởng vào Ban lãnh đạo hiện hành.
Bộ Chính Trị họp khẩn, Vương Nghị đột ngột thay đổi
Báo Nhật Nikkei Asean Review cho biết một cuộc họp Bộ Chính Trị bất thường của đảng Cộng Sản Trung Quốc được tổ chức ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, để khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với Mỹ, được ông Tập Cận Bình triệu tập chỉ hai ngày sau khi kết thúc vòng công du dài từ châu Phi trở về. Nikkei Asean Review ví thông báo của chính quyền Trump, sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, như « một trái bom ». Cùng với mức thuế nghiệt ngã này, bộ Thương Mại Mỹ cũng thông báo đưa 44 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến quân sự, vào danh sách kiểm soát chặt.
Đọc thêm : Tính toán chiến lược trên bàn cờ thương mại Mỹ-TrungBáo Nhật cũng ghi nhận phản ứng bất thường của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Trong cuộc gặp đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo tại Singapore, bên lề Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ngày 03/08, ngoại trưởng Trung Quốc tỏ thái độ mềm mỏng, khi khẳng định các bất đồng thương mại Mỹ-Trung cần được giải quyết thông qua thương lượng. Tuy nhiên, ít giờ sau, khi trở lại Bắc Kinh, sau khi bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc tuyên bố đang chuẩn bị trả đũa với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, thì ông Vương Nghị như trở thành một con người khác hẳn. Trả lời báo chí Trung Quốc, ông Vương tỏ ra hết sức cứng rắn : « Nếu Hoa Kỳ tấn công, chúng tôi sẽ không lùi bước ».
Sự thiếu thống nhất giữa các phát ngôn và sự thay đổi đột ngột nói trên dường như cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang rất lúng túng trong việc tìm ra được một quan điểm nhất quán trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, đang diễn biến khó lường.
Lãnh tụ không toàn năng, đối thủ trong đảng trỗi dậy
Xét trên nhiều mặt, quyền lực của ông Tập Cận Bình dường như trong hiện tại vững chắc hơn bao giờ hết.
Trong kỳ họp Quốc Hội tháng 3 vừa qua, ông Tập đã nhận được sự ủng hộ « tuyệt đối ». Tập Cận Bình vốn vừa là tổng bí thư, vừa là chủ tịch nước. Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ đảng, tức đặt ông Tập ngang hàng với Mao Trạch Đông. Hiến pháp Trung Quốc nay được sửa đổi, mở ra khả năng Tập Cận Bình nắm quyền đến mãn đời, sau khi thời hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch theo lệ thường, kéo dài đến 2023 chấm dứt.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ vừa bùng lên, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đang lâm vào thế bị động. Cho đến nay, kể từ sau cuộc hội kiến Trump -Tập, tháng 4/2027, chính quyền Bắc Kinh vẫn chủ trương tìm kiếm một quan hệ ổn định với Washington. Nhiều người cho rằng, lẽ ra Tập Cận Bình phải chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến thương mại với Washington. Sự lúng túng của chính quyền Tập Cận Bình để ngỏ cơ hội cho nhiều tiếng nói chỉ trích trong nội bộ.
Chính tại hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với những phê phán nhắm vào một vấn đề hệ trọng khác, đó là « nạn sùng bái cá nhân ». Đây cũng là điều mà về mặt nguyên tắc, bị cấm theo điều lệ đảng. Theo Nikkei, việc phe cánh ông Tập đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào cương lĩnh của đảng và sau đó là việc Quốc Hội Trung Quốc bị đặt vào thế phải bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp, cho phép Tập Cận Bình nắm quyền mãn đời, với rất ít phản đối, đã không được thảo luận tại hội nghị Bắc Đới Hà vào năm trước.
Nhiều nhân vật cao cấp trong đảng, không thuộc phe ông Tập cảm thấy bị loại trừ. Theo một đảng viên kỳ cựu ở Thượng Hải, « cho dù ông Tập chủ ý thâu tóm toàn bộ quyền lực, hay bị đẩy vào thế phải làm như vậy, do các áp lực từ phía đối thủ, thì rõ ràng vấn đề chính trị nội bộ của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã trở thành đối tượng quan tâm của toàn thế giới ».
Nhiều nhà quan sát cho rằng việc ông Tập Cận Bình thâu tóm toàn bộ quyền lực, thậm chí không để ngỏ khả năng cho một người kế nhiệm thực sự xuất hiện, có thể là một thế mạnh, trong một xã hội « ổn định », nằm dưới sự điều khiển toàn diện của đảng. Thế nhưng, trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ hiện nay, vị thế lãnh đạo tối cao của Tập Cận Bình lại biến ông Tập thành một người dễ tổn thương, do các hậu quả khôn lường về kinh tế, mà chế độ cộng sản không tài nào kiểm soát hết.
Giáo sư luật Đại học Thanh Hoa lên án chế độ toàn trị hóa
Trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, công luận Trung Quốc đặc biệt chú ý đến tiếng nói chỉ trích của giáo sư luật Đại học Thanh Hoa, ông Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trong một bài viết dài khoảng 10 nghìn chữ, được công bố ngày 24/07/2018.
Trong bài viết với tựa đề « Những lo sợ và hy vọng của chúng tôi » (tạm dịch là « 8 nỗi sợ và 8 niềm hy vọng »), nhà luật học Trung Quốc đã phê phán hệ thống chính sách của ông Tập Cận Bình, từ khi lên nắm quyền đến nay. Từ việc bóp nghẹt tự do ngôn luận, đàn áp trí thức, đoạn tuyệt với cải cách, chống tham nhũng chỉ là hình thức, thúc đẩy thói sùng bái cá nhân lãnh đạo, cho đến chính sách đối ngoại gây hấn, thúc đẩy chiến tranh lạnh. Giáo sư Hứa Chương Nhuận cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc minh bạch về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.
Cho dù những điều luật gia Trung Quốc viết ra gần như không hề có gì mới mẻ, nhưng bài viết của giáo sư Hứa Chương Nhuận có thể ví như một tiếng sét trong bầu không khí im lặng như tờ của giới trí thức Trung Quốc, sau một thời gian dài bị chính quyền đàn áp, truy bức.
Ghi chú
1. Theo Reuters, ông Vương Hỗ Ninh bị nhiều người trong đảng chỉ trích đã chủ trương lập trường dân tộc chủ nghĩa cực đoan, khiến quan hệ với Washington căng thẳng. Xem thêm : Kiến trúc sư của ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’ bước ra sân khấu (RFI, 26/10/2017).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180809-my-ra-don-truoc-hoi-nghi-bac-doi-ha-tap-co-dau-hieu-lung-lay

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng 2019

nhằm kìm hãm Trung Quốc

Thu HằngLuật ngân sách quốc phòng Mỹ (NDAA) cho năm 2019, được Quốc Hội thông qua ngày 01/08/2018, đã tăng thêm hơn 10% so với tài khóa 2018 và đạt đến 716,3 tỉ đô la. Ngoài tăng cường một số hoạt động viễn chinh ở Afghanistan, Syria, Irak, Somalia, tăng lương cho quân nhân và hiện đại hóa lực lượng quân sự, Trung Quốc trở thành đối tượng chính bị nhắm đến trong Luật Ngân sách Quốc Phòng Mỹ, theo phân tích của nhà báo Bill Gert trên trang Washington Free Beacon ngày 08/08/2018.
Kiềm chế bành trướng quân sự
Thứ nhất, Luật ngân sách quốc phòng 2019 kêu gọi Lầu Năm Góc mở rộng bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung với lực lượng quốc phòng của hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Thứ hai, Luật NDAA còn kêu gọi bộ Quốc Phòng Mỹ không mời Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) có quy mô lớn nhất thế giới và được tổ chức hai năm một lần, chừng nào Bắc Kinh không rút hết vũ khí khỏi các đảo ở Biển Đông và phải chứng minh được hoạt động tham gia ổn định khu vực trong suốt bốn năm trước khi được mời tham gia lại RIMPAC.
Washington đã rút lời mời Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 vì Bắc Kinh tăng cường bồi đắp và quân sự hóa bất hợp pháp nhiều đảo đá đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Lời kêu gọi không mời Trung Quốc tiếp tục tham gia RIMPAC được giải thích một phần qua nhận xét của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Jim Inhofe, thành viên danh dự của Ủy ban Quân lực, về đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Jim Inhofe đã nỗ lực để Luật ngân sách quốc phòng mới tập trung đối phó mọi hành động thù nghịch của Trung Quốc, như hỗ trợ và tham gia huấn luyện các đồng minh trong khu vực, thường xuyên báo cáo hoạt động bất hợp pháp, kể cả gián điệp của Trung Quốc.
Điểm thứ ba trong Luật ngân sách quốc phòng 2019 là yêu cầu bộ Quốc Phòng Mỹ công bố nhiều hơn hành vi bức hiếp của Bắc Kinh ở Biển Đông và những nơi khác. Ví dụ các hoạt động quân sự và bồi đắp đảo của Trung Quốc trong khu vực phải được thông báo ngay lập tức cho Quốc Hội lưỡng viện Mỹ và công bố rộng rãi để nắm rõ hơn về hoạt động của Trung Quốc.
Điểm thứ tư, căn cứ vào các cuộc tấn công tin học của Trung Quốc, Luật ngân sách quốc Phòng 2019 cũng trao cho quân đội quyền được phản công đáp trả các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên hoặc Iran. Ngoài ra, bộ Quốc Phòng Mỹ còn được yêu cầu đánh giá khả năng chiến tranh điện tử với Trung Quốc và Nga.
Vẫn theo Luật ngân sách quốc phòng 2019, Lầu Năm Góc có thể tự lập kế hoạch hành động 5 năm và xác định các lực lượng cần thiết nhằm ổn định vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoài ra, hàng năm, bộ Quốc Phòng cũng phải báo cáo với Quốc Hội lưỡng viện về hoạt động xây dựng hạ tầng, căn cứ quân sự trên biển của Trung Quốc, cũng như các chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực truyền thông, thương mại, văn hóa…
Theo dõi chặt chẽ hoạt động thương mại của Trung Quốc
Tuy nhiên có một thiếu sót trong luật ngân sách 2019 là việc bỏ điều khoản liên quan đến việc cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, để chắc chắn được tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Tập đoàn ZTE, sử dụng linh kiện của Mỹ và bị tình nghi có liên quan đến quân đội Trung Quốc, đã được Washington nới lỏng trừng phạt vốn được áp dụng do tập đoàn này vi phạm cấm vận đối với Iran và Bắc Triều Tiên.
Chính vì điểm này, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio đã bỏ phiếu chống luật ngân sách 2019 vì theo ông các nghị sĩ Mỹ đã nhượng bộ quá dễ dàng, « đã đến lúc phải mở to mắt. Không một nước nào do thám chúng ta và đánh cắp sở hữu trí tuệ của đất nước chúng ta như Trung Quốc và họ sử dụng các công ty truyền thông như ZTE để làm việc này ».
Một điểm mới được nêu trong Luật ngân sách quốc phòng 2019 là cứ hai năm, Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài vào Mỹ thuộc bộ Ngân Khố phải lập một bản báo cáo chi tiết về hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, như lĩnh vực đầu tư, các công ty mới lập hoặc bị mua lại có giá trị dưới 50 triệu đến 1 tỉ đô la, xác định danh tính của các công ty Trung Quốc và chi nhánh nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, cũng như số người lao động.
Chỉ một ngày sau khi Luật ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 01/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngay lập tức lên tiếng tố cáo « tâm lý chiến tranh lạnh » và kêu gọi chính quyền Mỹ không thông qua « những điều khoản tiêu cực liên quan đến Trung Quốc ». Luật ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 đang chờ được tổng thống Trump phê chuẩn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180809-my-tang-ngan-sach-quoc-phong-2019-nham-kim-ham-trung-quoc

California : Các vụ hỏa hoạn

có thể gây thiệt hại ở mức kỷ lục

Theo Reuters, cơ quan khí tượng Mỹ, hôm qua 08/08/2018 cho biết, trong ngày hôm nay, lực lượng cứu hỏa tại California, sẽ phải đương đầu với những đợt gió mạnh và nhiệt độ cao và tình trạng này sẽ còn kéo dài cho tới thứ Bẩy.
Từ nhiều ngày qua, khoảng 4000 lính cứu hỏa đã được huy động để cầm cự và khống chế trận hỏa họa Mendocino Complex.
Diện tích bị Mendocino thiêu rụi lớn hơn cả trận hỏa hoạn Thomas, xẩy ra hồi tháng 12/2017 cũng tại California. Từ cuối tháng Bẩy vừa qua, tiểu bang này đã phải hứng chịu hai trận hỏa hoạn khác là Carr và Ferguson.
Hàng loạt các vụ hỏa hoạn liên tiếp gây ra nhiều thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm triệu đô la.
Theo thẩm định của trường đại học Santa Barbara, California, các hãng bảo hiểm đã phải chi ra 1,8 tỷ đô la sau hỏa hoạn Thomas. Đó là chưa kể đến các hoạt động của lính cứu hỏa trong cùng thời kỳ đó tốn kém 177 triệu đô la.
Tính cho đến tối qua, mức độ tàn phá của hỏa hoạn Mendocino đã lớn hơn rất nhiều hỏa hoạn Thomas. Hơn 300 ngàn ha rừng và 119 ngôi nhà bị thiêu hủy. Cơ quan phòng chống hỏa hoạn California – CallFire, cho rằng hỏa hoạn đã tàn phá dữ dội hơn do khí hậu thay đổi tại California : ẩm ướt vào mùa đông và rất khô vào mùa hè.
Còn tại Úc, hạn hán nghiêm trọng đe dọa hoạt động kinh tế của nhiều nơi, đặc biệt là ở tiểu New South Wales. Tại đây, trong tháng Bẩy, lượng nước mưa chỉ là 10 milimetre. Tình trạng này còn kéo dài cho đến tháng 11. Chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế dùng nước như tắm không được quá 3 phút, mỗi tuần chỉ được chạy máy giặt quần áo hai lần. Do không có nước để tưới cỏ, một số trang trại đã phải giảm bớt số lượng đàn gia súc. Nhiều nhà chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản trong lúc tỷ lệ tự tử trong lĩnh vực này đạt mức cao nhất trên toàn quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180809-california-cac-vu-hoa-hoan-co-the-gay-thiet-hai-o-muc-ky-luc

Tòa án Tối cao Venezuela

ra lệnh bắt cựu chủ tịch Quốc Hội

Thụy MyTối cao Pháp viện Venezuela hôm qua 08/08/2018 đã ra lệnh bắt giữ ông Julio Borges, một trong những lãnh đạo phe đối lập và là cựu chủ tịch Quốc Hội, vì cáo buộc mưu toan ám sát tổng thống Nicolas Maduro bằng thiết bị bay không người điều khiển (drone) chứa chất nổ thứ Bảy tuần trước.
Ông Julio Borges đang sống lưu vong tại Bogota, thủ đô Colombia, không trả lời hãng tin Reuters. Ông bị cáo buộc trong bối cảnh chiến dịch trấn áp đối lập.
Trước đó vào ngày thứ Ba 7/8, dân biểu Juan Requesens, cựu lãnh tụ phong trào phản kháng của sinh viên, tố cáo tổng thống trước Quốc Hội : « Rất nhiều người anh em của chúng tôi phải sống lưu vong, số khác đã về với đất vì bị sát hại, bị ông Nicolas sát hại (…). Hôm nay tôi có thể phát biểu trước quý vị, nhưng ngày mai thì không biết được ».
Không chờ đến hôm sau, ngay tối đó ông Requesens đã bị tình báo Venezuela bắt giữ, và chính quyền đến hôm qua mới xác nhận việc này.
Phe đối lập Venezuela lo ngại chính quyền lợi dụng vụ ám sát hụt ông Nicolas Maduro để tung ra một đợt đàn áp mới. Công tố viên trưởng Tarak Saab hôm qua loan báo có 19 người liên can đến vụ tấn công trên, trong đó có 6 người đã bị bắt giam. Ông Saab không cho biết danh tính của các nghi can, cũng không đáp ứng yêu cầu cung cấp thêm thông tin.
Chính quyền Venezuela nói rằng hai thiết bị bay không người điều khiển mang theo chất nổ đã được phóng lên chiều thứ Bảy 4/8 khi ông Nicolas Maduro đang tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Vệ binh Quốc gia tại trung tâm Caracas. Chiếc đầu tiên bị lực lượng an ninh bắn hạ, chiếc thứ hai rơi xuống một tòa nhà.
Theo ông Maduro, phe cực hữu Venezuela có liên can đến vụ tấn công. Có 11 người được huấn luyện ở biên giới Colombia, và những người tài trợ cho « âm mưu ám sát » này ở Bogota và Florida đã hứa hẹn 50 triệu đô la, để đổi lấy sinh mạng của tổng thống Venezuela.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180809-toa-an-toi-cao-venezuela-ra-lenh-bat-cuu-chu-tich-quoc-hoi

Cơ quan nhân quyền LHQ có lãnh đạo mới

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã chọn cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet làm tân lãnh đạo cơ quan nhân quyền của tổ chức thế giới này, Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Tư.
Đại hội đồng gồm 193 thành viên sẽ họp vào thứ Sáu tuần này để thông qua việc bổ nhiệm bà Bachelet. Bà sẽ thay thế ông Zeid Ra’ad al-Hussein của Jordan. Ông al-Hussein, người thường đưa ra những phát biểu thẳng thắn, sẽ từ nhiệm vào cuối tháng này sau một nhiệm kì bốn năm trên cương vị này tại Geneva.
Bà Bachelet, một nạn nhân bị tra tấn dưới chế độ độc tài Augusto Pinochet, là nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Chile.
Vị bác sĩ nhi khoa trở thành chính trị gia này giữ chức Tổng thống của Chile từ năm 2006 tới năm 2010. Phong cách dễ gần của bà, những chính sách phúc lợi và tăng trưởng kinh tế ổn định ở một trong những nước phát triển nhất của khu vực giúp bà giành được cảm tình của người dân.
Sau đó bà Bachelet lãnh đạo Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, một cơ quan chuyên trách bình đẳng giới tính và tiếp sức cho phụ nữ, từ năm 2010 đến năm 2013, trước khi bà trở về Chile để làm Tổng thống từ năm 2014 đến năm 2018, thúc đẩy chủ trương chính sách đánh thuế-và-chi tiêu quyết liệt hơn, cũng như mở rộng quyền phá thai và hôn nhân đồng tính.
https://www.voatiengviet.com/a/co-quan-nhan-quyen-lien-hiep-quoc-co-lanh-dao-moi/4519466.html

Pháp và Ý cạnh tranh

về giải pháp chính trị cho Libya

Trọng NghĩaThủ tướng Ý Giuseppe Conte vào hôm qua, 08/08/2018 cho rằng không nhất thiết phải yêu cầu Libya tổ chức bầu cử ngay trong năm nay. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp đang vận động để chính quyền Libya tiến hành bầu cử vào tháng 12 tới đây nhằm ổn định và thống nhất đất nước.
Phát biểu với các nhà báo tại Roma vào hôm qua, thủ tướng Ý giải thích rằng lợi ích thiết yếu của nước ông là ổn định tình hình Libya sao cho có thể tổ chức được các cuộc bầu cử với tất cả những bảo đảm cần thiết. Theo ông, không cần phải « vội vàng », và cuộc bầu cử không nhất thiết phải diễn ra ngay « ngày mai, hay vào tháng 11 hoặc 12 ».
Trước đó, một nữ phát ngôn viên của chính phủ Pháp nói rằng Paris muốn bám sát lộ trình đã được thống nhất vào tháng Năm dự trù một cuộc bầu cử vào cuối năm nay, đúng như ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian từng cho biết vào tuần trước.
Thoe ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, Roma và Paris đang cạnh tranh nhau để gây ảnh hưởng ở Libya, một quốc gia bị chia rẽ từ năm 2014 đến nay, giữa một trung tâm quyền lực xoay quanh thủ đô Tripoli và thế lực khác ở Cyrenaica, ở miền đông Libya.
Ý có quan hệ chặt chẽ với chính quyền ở Tripoli, và là nước phương Tây duy nhất mở lại đại sứ quán tại thủ đô Libya, nơi đặt một chính phủ chuyển tiếp được thành lập dưới sự trung gian hòa giải của Liên Hiệp Quốc.
Pháp thì được cho là gần gũi hơn với Khalifa Haftar, một lãnh đạo quân sự đã đi theo một chính phủ đặt trụ sở tại miền đông Libya, cạnh tranh với chính quyền trung ương
Tổng thống Emmanuel Macron đã tổ chức một hội nghị vào tháng 5 vừa qua, và khi ấy, các phe đối lập Libya đã đồng ý làm việc tích cực với Liên Hiệp Quốc để tổ chức bầu cử vào ngày 10 tháng 12.
Sau khi đi du lịch đến Washington vào tháng Bảy, thủ tướng Ý Conte cho biết ông sẽ tổ chức một hội nghị khác có thể diễn ra vào tháng 11. Ý tưởng này được sự tán thành của Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/phap/20180809-phap-va-y-canh-tranh-nhau-ve-giai-phap-chinh-tri-cho-libya

Nói gì về CNXH đặc sắc của Trung Quốc?

Chủ nghĩa xã hội dân tộc, điều mà Trung Quốc đề cao hiện nay, chưa bao giờ có trong lý luận và được thừa nhận trong lịch sử của chính phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong thực tế chính trị, tất cả những hiện tượng lý luận mang màu sắc dân tộc, khi mà hệ thống xã hội chủ nghĩa còn tồn tại, thì đều nhất loạt ‘bị phê bình, bị tẩy chay’, Giáo sư Trần Ngọc Vương nói với nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo Tư tại thủ đô Warsaw của Ba Lan mùa Hè này.
TQ: ‘Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội’
‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
‘Tôi không nghĩ Cuba sẽ rời bỏ CNXH’
Trước hết nhà nghiên cứu chia sẻ và phân tích những đặc điểm của điều được cho là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, hay ‘chủ nghĩa xã hội dân tộc’ theo góc nhìn của ông:
Anh xây dựng một cái khác thì cứ nói trắng ra đấy là cái khác, chứ không có cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc. Đấy là phải nói dứt khoát như thếGiáo sư Trần Ngọc Vương
“Tôi quan tâm đến vấn đề này bởi vì từ góc độ lí luận trong lịch sử của phong trào cộng sản công nhân quốc tế thì chưa bao giờ cái phong trào này chấp nhận khái niệm gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc. Mà Chủ nghĩa Xã hội về mặt hướng đích, thì nó phải mang tính chất toàn nhân loại và không phân biệt quốc gia dân tộc về mặt lí thuyết, nó chỉ phân biệt về mặt giai cấp thôi chứ không phân biệt về mặt dân tộc. Đấy là đặc điểm thứ nhất.
“Đặc điểm thứ hai là trong thực tế chính trị, thì tất cả những hiện tượng, các lãnh đạo của các quốc gia mà định xây dựng một thứ lí luận mang một màu sắc dân tộc, khi mà hệ thống Xã hội Chủ nghĩa còn tồn tại thì đều nhất loạt bị phê bình, bị tẩy chay. Và cao hơn nữa là bị trục xuất ra khỏi hệ thống, không thừa nhận. Thí dụ như là hiện tượng thường được mệnh danh là ‘Chủ nghĩa xét lại’ của các đảng phương Tây một thời kì, hoặc là của Nam Tư chẳng hạn, thì là vì tính chất của Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc. Vả lại hiện tượng thứ hai cực kì quan trọng, mang ‎ ý nghĩa quyết định để cho người ta biến nó thành một thứ kẻ thù về mặt lí luận, đó là sự tồn tại của đảng chính trị của nước Đức Phát-xít mà tên chính thức của nó là ”National Socialist Party” mà dịch theo nghĩa không dùng uyển ngũ ăn gian chữ nghĩa, thì phải dịch cho đúng là ”Đảng Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa” chứ không phải là Quốc Xã như người ta vẫn dùng cái từ bóng bẩy để lấp liếm đi và nó làm mờ cái nội dung thực đi.
“Bởi vì sao mà người ta lại sợ Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc? Tôi không thảo luận chuyện là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc về mặt lí thuyết là đúng hay không đúng và có đáng tồn tại không. Đấy là vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi rất nhiều công sức hơn. Nhưng mà nếu đã là anh đã tự coi là Chủ nghĩa Xã hội, thì anh phải lặp lại những luận điểm cơ bản, cũng như là tuân thủ một số nguyên tắc về kiến tạo xã hội như là các lí thuyết ấy đã từng có trong lịch sử, thì nó mới gọi là Chủ nghĩa Dân tộc còn nếu không, anh xây dựng một cái khác thì cứ nói trắng ra đấy là cái khác, chứ không có cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc. Đấy là phải nói dứt khoát là như thế.
“Liên Xô và các nước khác đã từng là nạn nhân của tuyên truyền chống đối khi mà bổ sung lí luận rồi thay đổi một số luận điểm cơ bản nào đó về Chủ nghĩa Xã hội, không phải là những luận điểm cốt tử nhất, nhưng mà cũng biến đổi đi, thì bị Trung Quốc phê phán và gọi là ‘Chủ nghĩa xét lại’, thì chúng ta đều biết những hiện tượng ấy trong lịch sử. Sau khi hệ thống Xã hội Chủ nghĩa thế giới sụp đổ và không còn sự tồn tại của cái gọi là Quốc tế Cộng sản nữa, thì một thời kì dài là khủng hoảng về mặt lí luận trong các nước còn lại theo phe Xã hội Chủ nghĩa, khủng hoảng về mặt lí luận, và Trung Quốc sau một thời gian dài đi tìm kiếm thì mạnh dạn và ngày nay khẳng định công khai rằng họ sẽ xây dựng một thứ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.”
Đặc sắc là gì?
Khi được hỏi có thể nhận xét gì về ‘đặc sắc’ trong Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc, Giáo sư Trần Ngọc Vương nêu quan điểm:
Cuba muốn bỏ Chủ nghĩa Cộng sản
Cuba sẽ chuyển giống Đông Âu hơn TQ?
Nếu là Chủ nghĩa Xã hội của người Trung Quốc thì họ cũng đã nói rồi, công khai là sử dụng lại tất cả những thành phần tư tưởng trong quá khứGiáo sư Trần Ngọc Vương
Hậu Cộng sản – cuộc chuyển đổi ‘chưa có điểm kết’
Chuyên đề về Chủ nghĩa Cộng sản
“Theo ‎ý tôi cái đặc sắc Trung Quốc ấy, trước hết là Chủ nghĩa Xã hội của người Trung Quốc và dành cho người Trung Quốc. Cái tôn chỉ của nó là như thế. Mà nếu là Chủ nghĩa Xã hội của người Trung Quốc thì họ cũng đã nói rồi, công khai là sử dụng lại tất cả những thành phần tư tưởng trong quá khứ. Nếu mà có, dù nhiều, dù ít, dù các sắc thái có thể phức tạp, khác nhau, nhưng mà họ cố gắng tận dụng lại cái lí luận mà Trung Quốc đã tạo ra từ thời cổ đại.
“Chẳng hạn có thể nói về hai học thuyết mà họ đang sử dụng hiện nay. Đó là một là Tư tưởng Đại đồng trong lễ kí của Nho Giáo, mô tả về một cái xã hội mà Phong vị Uyển chuyển thời thái cổ, Vua thì sáng, Tôi thì hiền, đất nước thì hòa mục, dân thì đồng thuận, rồi trật tự thì ổn định, Hòa cốc Phong đăng, dùng cái Đức của người cầm quyền để mà cảm hóa nhân dân, rồi thì xã hội không có những tệ nạn. Tất cả là như thế, v.v… Và một cái xã hội từ trên xuống dưới thấm nhuần và thống nhất thì gọi đó là Xã hội Đại đồng.
“Tuy nhiên trong quá khứ, rất nhiều nhà lí luận của chính Đảng Cộng sản của Trung Quốc và những đảng khác đều mặc định rằng đó là một cái Chủ nghĩa Xã hội không tưởng và đồng thời là không phân biệt rõ lắm.”
Phạm vi thế nào?
Bình luận về thế nào là phạm vi của xã hội đó, nhà nghiên cứu Trung Quốc học đang giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội, nói:
“Nhưng mà ở trong Kinh Thư kết hợp với lí luận của Kinh Thư về cái gọi là cách tổ chức mô hình xã hội nhà nước của các triều đại cổ đại và cách hình dung của họ, thì họ chia cái Thiên hạ nói theo cái nghĩa của thời bấy giờ là dưới trời mà họ biết, cái ở dưới trời nhưng mà họ biết.
Nhưng mà đấy là những cái không tưởng của cộng sản chủ nghĩa của Mặc Tử, và trong quá trình xây dựng nên các đế chế, các chế độ chuyên chế theo mô hình của Nho Giáo thì Mặc Tử bị trục xuất ra khỏi phạm vi quan tâmGiáo sư Trần Ngọc Vương
“Thế thì cái lí luận ấy lại chia thế giới thành năm phạm vi, là năm vòng tròn đồng tâm mà sống trong vòng tròn nào thì hưởng một cái quy chế, tạm gọi là như vậy theo ngôn ngữ hiện đại, là khác nhau. Năm vòng tròn đó lần lượt là ‘Điện, Hầu, Yêu, Tuy, Khoang’.
“Người ta diễn dải thế này: Điện là nơi cư trú của những dòng họ lớn và thường là Hoàng tộc rồi những Hiển tộc, rồi các ông quan lớn nhỏ, các thứ này nọ, người thân của họ. Cái vùng đấy là dân thuần hậu tốt đẹp v.v… đủ thứ, đấy là Điện. Thứ hai là các dòng họ nhỏ hơn nhưng cũng có đồng minh, có các công trạng, rồi thì cũng có những cái ưu đãi nhất định, và họ cũng có trình độ văn hóa cao hơn hẳn so với đại đa số dân chúng khác. Vùng đất ấy cũng như loại cư dân trong phạm vi ấy ấy gọi là Hầu.
“Loại thứ ba thì họ chịu được, nhận được những ơn mưa móc của triều đại kia, của người cầm quyền kia, rồi họ cũng có nghĩa vụ bổn phận, rồi họ vâng phục, hiền lành ngoan ngoãn. Họ là những người dân có giáo hóa, không phải giáo hóa nhất thiết là biết chữ, nhưng là biết đạo lí để mà sống và phục tùng trong cái chế độ như vậy.
“Thứ tư là Tuy là đối tượng mà có khuyên bảo, có vỗ về, nhưng thỉnh thoảng vẫn là bị trừng phạt, vì họ có những trình độ phát triển, nếu hình dung như vậy, là chưa tới cái ngưỡng cần thiết cho nên họ có thể sẽ phạm tội và vì thế họ sẽ bị trừng phạt về tội. Họ cũng được những ân huệ của triều đình, nhưng mức độ sẽ nhỏ hơn.
“Và cuối cùng là Khoang. Tức là cái dân mà xa xôi cách trở, không thấm nhuần giáo hóa, phong tục thì mông muội, ăn lông ở lỗ, rồi hung tợn, nhiều thói hư tật xấu, thì cái loại dân đấy bị coi như là ”ngoan dân”. Chữ ngày xưa ‘ngoan dân’ nghĩa là dân ương ngạnh và đó là loại dân không được triều đình quan tâm đầy đủ, và cũng như là có nhiều bổn phận nhất, nhiều nghĩa vụ nhất, nhưng mà lại ít được hưởng quyền lợi nhất.
“Với cách thực hành chính trị theo mô hình như vậy, thì các hoàng đế Trung Quốc xưa đã xây dựng chế độ xã hội hiện thực của họ theo kiểu trung tâm là Hoa, người Hán là Hoa. Hoa là tốt đẹp, rực rỡ, còn bốn xung quang là Di. Di là có Đông Di Bắc Địch, Nam Man Tây Nhung. Và những loại người đó làm nên một cái thuộc tính chung, đó là họ là dân phên dậu cho cái Trung Ương, cho cái trung tâm, thế nên mới gọi là phiên. Phiên nghĩa là phên dậu.
Trước đây đã bao nhiêu giấy mực chứng minh rằng đấy cũng chỉ là những không tưởng mà thôiGS Trần Ngọc Vương
“Hoặc còn một từ gọi chung nữa là Tứ Di, là bốn phía Di, thì cũng là như vậy. Cái Di ấy thì còn được tính đến, còn cái nơi mà gọi là Hải Giác Tiên Nha, chân trời góc biển rồi cái dân Hạ Lùng mà họ không hiểu về phong tục tập quán, không liệt được vào đâu cả, thì những đối tượng ấy hoàn toàn nằm ngoài cái mô hình xã hội của họ. Đấy là cách hình dung và thực tế chính trị dựa trên cái lí thuyết ấy, để họ đã từng xây dựng cái đế chế của họ. Họ lấy lại những yếu tố có tính chất gọi là gạn đục khơi trong, gạn những những yếu tố mà có vẻ mang màu sắc xã hội chủ nghĩa thì họ khai thác những cái đó.”
Phong kiến, không tưởng?
Theo nhà nghiên cứu này, lý luận mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang khai thác và sử dụng trong điều được cho là ‘CNXH mang màu sắc Trung Quốc’ thực ra là khai thác lý luận còn sót lại từ thời phong kiến cổ xưa và có thể mang màu sắc ‘không tưởng’, ông nói tiếp:
“Cái lí luận thứ hai mà họ khai thác trong những văn kiện hiện nay là lí luận của Mặc Tử. Tinh thần của Mặc Tử là tinh thần kiêm ái, ta biết rồi. Các nhà nghiên cứu đã từng gọi lí thuyết của Mặc Tử là Chủ nghĩa Cộng sản không tưởng, dành cho những tầng lớp dưới , thợ thủ công và thương nhân, rồi những người thấp kém. Vì thế cho nên là trong lí thuyết của nhà tư tưởng này có rất nhiều yếu tố mang màu sắc kiêm ái, mang màu sắc hòa đồng, mang màu sắc muốn xây dưng một lí tưởng công bằng, vì bản thân họ đại diện cho tầng lớp dưới, cho nên đòi công bằng cũng là có lí thôi.
“Nhưng mà đấy là những cái không tưởng của Cộng sản Chủ nghĩa của Mặc Tử, và trong quá trình xây dựng nên các đế chế, các chế độ chuyên chế theo mô hình của Nho Giáo, thì Mặc Tử bị trục xuất ra khỏi phạm vi quan tâm. Tất cả tinh thần của học thuyết Mặc Gia là biến mất khỏi lịch sử. Từ thời Tần Hán, không còn một cái gì mà chỉ còn lại những yếu tố là có tính chất tri thức và kĩ thuật, rồi biện luận, phép Tam Biểu rồi lí luận Bạch Mã, Phi Mã, rồi Kiên Bạch Dị, ngựa trắng không phải là ngựa, v.v.
“Tất cả những thứ như vậy là những tản mát còn sót lại của tư tưởng Mặc Gia và Trung Quốc họ gọi đấy là Biệt Mặc. Thì cái Biệt Mặc không liên quan gì đến Chủ nghĩa Cộng Sản, Chủ nghĩa Xã hội, họ không khai thác được gì ở trong đó. Những cái lí thuyết gốc của Mặc Gia thì họ cũng cố gắng khai thác trở lại.
“Còn có một cái nữa mà họ có thể khai thác đó là tư tưởng Pháp Trị, bởi vì ta biết là Pháp Trị cũng đã từng xuất hiện với tư cách là hệ tư tưởng trong lịch sử chính trị Trung Quốc. Các nhà Pháp Trị đã từng có các thành công khá lớn thời nhà Tần hoặc ở những giai đoạn trước đó của một số nước như là nước Vệ, nước Sở, nước Ngụy, v.v nhưng mà tiêu biểu nhất là nước Tần, với mấy ông tể tướng khét tiếng như là Thương Ưởng, rồi như Lý Tư, v.v. Và một trong những người được nhắc đến nhiều vì cũng có kết hợp một phần đối với Nho, nhưng mà cơ bản với Pháp, đó là Quản Trọng. Đó là nhân vật được nhắc đến nhiều trong lịch sử, được đại chúng hóa.
“Tóm lại tư tưởng Pháp Trị là một tư tưởng chủ trương sử dụng pháp luật để tổ chức xây dựng xã hội, thế nhưng Pháp gia có quan điểm là luật pháp áp dụng phổ biến, nhưng phổ biến một cách có mức độ. Nghĩa là trừ đối tượng không chịu sự chế định của luật pháp là ông Hoàng đế, thì là người ra luật và người thực hiện luật và tất cả những đối tượng đó, là người mà đã làm Vua thì ban hành luật pháp, cai quản chế định và đặt ra luật pháp, nhưng mà họ lại, nói theo ngôn ngữ luật ph bây giờ, là không thuộc phạm vi chế định của luật pháp. Cho nên vẫn chừa chỗ cho một cái con người đó và họ chỉ yêu cầu thôi, yêu cầu là người làm Vua là phải sáng suốt và đức hạnh, chỉ thế thôi.
Bây giờ Trung Quốc muốn khai thác lại và muốn khẳng định cái giá trị văn hóa đặc sắc rồi tinh thần văn hóa, sự tự tin văn hóa trong lí luận mới thì họ lại lần lượt phục hồi lại những cái giá trị đóGS Trần Ngọc Vương
“Lí thuyết về mẫu người Hoàng đế Anh minh mà Nho gia gọi là Nội Thánh, Ngoại Vương, mẫu hình nhân cách lí tưởng ấy, trong tư cách anh tu tập, anh rèn luyện, anh tự quản, tự kiểm soát này kia, anh đến mức là bậc Thánh, còn anh thực hiện bổn phận xã hội của anh thì gọi là Vương. Thì Nội Thánh Ngoại Vương chính là mô hình nhân cách Hoàng đế, nhưng tất cả những mô hình ấy đã chứng minh qua 2.500 hay 3.000 năm lịch sử là không thể tồn tại được. Và trước đây đã bao nhiêu giấy mực chứng minh rằng đấy cũng chỉ là những không tưởng mà thôi.”
Nhằm phục vụ ai?
Tiếp tục bình luận về bản chất của Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương liên kết việc cường quốc đang nổi lên ở châu Á đã phục hồi các tư tưởng trong quá khứ lịch sử với những động thái truyền bá ra quốc tế của Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc hiện này, ông đặt câu hỏi chủ thuyết mới mà Trung Quốc đang xiển dương này có vấn đề gì không?
“Thế nhưng bây giờ Trung Quốc muốn khai thác lại và muốn khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc, rồi tinh thần văn hóa, sự tự tin văn hóa theo lí luận mới, thì họ lại lần lượt phục hồi những giá trị đó,” Giáo sư Trần Ngọc Vương nói.
“Thời đại Cách mạng Văn hóa Vô sản thì chúng ta biết mười năm ấy, Khổng Tử là đối tượng phê phán một cách cùng cực và họ đã đưa Khổng Tử ra thành một cái chân dung biếm họa và tiêu hủy tất cả những gì họ gọi lại tàn dư thối tha của tư tưởng Phong kiến rồi, nhưng bây giờ những thuộc tính mà người ta vẫn gắn cho Khổng Tử thì một lần nữa lại sống lại và Khổng Tử lại được truyền bá.
“Chúng ta biết rằng có 600 đến 700 học viện trên thế giới truyền bá tư tưởng Khổng Tử là kết hợp truyền bá tư tưởng Trung Quốc và họ chủ trương rằng cái đó vì họ xây dựng chính những gì của đất nước họ, của những bậc mà họ tự coi là tổ tiên của họ, thì họ nói là đặc sắc của Trung Quốc thôi. Nhưng mà cái đó về mặt lí luận còn phải bàn cãi và tốn nhiều giấy mực.
Có diễn đạt như vậy thì mới thấy được cái chủ nghĩa xã hội ấy là của Trung Quốc và cho Trung Quốc và không dành cho người bên ngoài ở Trung QuốcGiáo sư Trần Ngọc Vương
“Và điều thứ hai là nó phục vụ cho ai? Phục vụ cho ông vua Trung Quốc, người cầm quyền Trung Quốc, rồi dân thượng lưu Trung Quốc, cứ từng bước như vậy. Rồi thì là những người có quan hệ thân tộc với những người cầm quyền, rồi dần dần mới đến đại chúng, có nghĩa trong cái thứ Chủ nghĩa Xã hội ấy không thể có bình đẳng đối với mọi con người được. Cho nên họ mới đặt ra hai giai đoạn.
“Giai đoạn thứ nhất gọi là xây dựng một xã hội Tiểu Khang, hài hòa tương đối, sung túc tương đối, cũng giống như ngày xưa người ta nói rằng là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội với tư cách là bước đầu của chủ nghĩa cộng sản, thì nó thay lí luận về Chủ nghĩa Xã hội như là giai đoạn đầu của chủ nghĩa Cộng Sản bằng cái khái niệm là xã hội Tiểu Khang.
“Còn xã hội kia thì nó lại sống lại cái khái niệm là Đại Đồng hoặc Cộng Sản.
“Thế thì có diễn đạt như vậy thì mới thấy được cái Chủ nghĩa Xã hội ấy là của Trung Quốc và cho Trung Quốc và không dành cho người bên ngoài ở Trung Quốc,” Giáo sư Trần Ngọc Vương bình luận với BBC Tiếng Việt từ quan điểm riêng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45118483

Thuế ‘ăn miếng trả miếng’ của TQ

lên 16 tỷ USD hàng Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu áp thuế nhập khẩu ở mức 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Động thái đáp trả của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8/2018, cùng ngày đợt áp thuế tiếp theo của Mỹ lên hàng Trung Quốc được thực hiện.
Tại một cuộc họp báo hôm 8/8, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu rằng việc Mỹ ưu tiên luật nội địa trên luật quốc tế “hết lần này tới lần khác” là “hoàn toàn vô lý”, và Trung Quốc “buộc phải” có những biện pháp đáp trả cần thiết.
Hoa Kỳ sẽ áp thêm thuế lên hàng TQ ngày 23/8
Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?
Chiến tranh TM Mỹ-Trung: Giai đoạn hai có gì lạ?
Một bài xã luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn giữ thái độ “bình tĩnh và cương quyết” và “kiềm chế” và gọi cách hành xử hiện nay của Mỹ là “không thể bền vững”.
Một bài báo khác cũng của tờ báo nhà nước này, bản tiếng Anh, thì viết ít có khả năng Mỹ sẽ thay đổi “chính sách diều hâu với Trung Quốc” hiện nay ngay cả nếu đảng Cộng hòa thua trong kỳ bầu cử giữa kỳ.
“Quan hệ song phương Trung – Mỹ ngày càng xấu đi sẽ là xu hướng lâu dài,” bài báo viết.
Danh sách các mặt hàng Mỹ sẽ chịu thuế trong đợt áp thuế mới của Trung Quốc gồm than, dầu mỏ, hóa chất và một số thiết bị y tế.
Thuế quan của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc:
Tháng 3/2018, Mỹ bắt đầu áp thuế lên 3 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc.
Từ tháng 7/2018, Mỹ áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong đợt 3, bắt đầu từ ngày 23/8/2018, thuế suất 25% sẽ được áp cho khoảng 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hàng năm, gồm khoảng 280 mặt hàng, gồm hóa chất và máy móc.
Mỹ cũng đang xem xét tiếp tục đánh thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ tháng 9/2018.
Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn tuyên bố sẵn sàng áp thuế với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc.
Thuế quan ‘ăn miếng trả miếng’ của Trung Quốc lên hàng hóa Mỹ:
Đầu tháng 4/2018, Trung Quốc trả đũa và áp thuế lên 3 tỷ USD hàng Mỹ.
Từ ngày 6/7/2018, Trung Quốc áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Từ ngày 23/8/2018, thuế suất 25% sẽ được áp lên 16 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

VN: Nguy cơ thiệt hại vì chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và kinh tế VN
Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là gì?
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang, Bắc Kinh tuyên bố có thặng dư thương mại 28,1 tỷ USD với Mỹ vào tháng 7/2018, chỉ thấp hơn mức thặng dư kỷ lục 28,9 tỷ USD vào tháng 6/2018. Mức này tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Hồi tháng Một, Tổng thống Trump tuyên bố các biện pháp thuế lên hàng nhập từ Trung Quốc như một nỗ lực để đàm phán cái mà ông gọi là “các thỏa thuận thương mại song phương công bằng đưa việc làm và ngành công nghiệp trở lại đất Mỹ”.
Cho tới giờ, cho dù hai bên có các biện pháp đánh thuế lên hàng của nhau, chỉ có khoảng 37 tỷ USD hàng hóa của hai nước thực sự bị ảnh hưởng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45127703

TQ: Nhà tài trợ lớn hàng nhì

ở Nam Thái Bình Dương

Trung Quốc nổi lên như một nước cấp viện trợ lớn thứ hai ở Nam Thái Bình Dương, theo những số liệu được công bố hôm thứ Năm bởi một viện nghiên cứu chính sách ở Úc. Nó cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở một khu vực mà lâu nay Úc và New Zealand vẫn thống trị.
Các khoản viện trợ trị giá 1,3 tỉ đôla và các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc kể từ năm 2011 kém xa 6,6 tỉ đôla của Úc, theo những số liệu do Viện Lowy được Úc tài trợ, nhưng cao hơn 1,2 tỉ đôla của New Zealand.
Chi tiêu của Trung Quốc chiếm gần 9 phần trăm tổng số tiền viện trợ ở Nam Thái Bình Dương. Nếu tính thêm các khoản viện trợ được cam kết, những khoản viện trợ được hứa hẹn của Trung Quốc lên tới 5,9 tỉ đôla, gần bằng một phần ba tổng số tiền viện trợ được 62 nước cam kết cung cấp cho 14 nước thuộc khu vực này.
Phân tích của viện Lowy được công bố giữa lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đang xấu đi. Úc đã có những hành động nhằm kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong nước cũng như đẩy mạnh sự can dự của mình ở Thái Bình Dương, cùng với New Zealand và Mỹ.
Úc gần đây đã vượt qua Trung Quốc để giành hợp đồng lắp cáp internet đến Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, những nơi mà nghiên cứu xếp hạng là hai nước nhận viện trợ lớn nhất trong khu vực. Úc đồng thời cũng bày tỏ lo ngại về quy mô của hoạt động cho vay của Trung Quốc.
Các số liệu của viện Lowy, không bao gồm đóng góp của New Zealand kể từ tháng 3 năm 2017, cũng cho thấy Trung Quốc cạnh tranh với Đài Loan để sử dụng tiền viện trợ như một phương tiện vun đắp quan hệ ngoại giao trong một khu vực mà một phần ba các nước là đồng minh của Đài Loan.
Tính theo bình quân đầu người, Bắc Kinh, vốn coi đảo Đài Loan tự trị là một tỉnh li khai của “một nước Trung Quốc,” đầu tư 108 đôla ở bảy quốc gia ủng hộ lập trường đó. Đài Loan chi 120 đôla đầu người ở sáu quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với họ.
Các đại diện của Trung Quốc và Đài Loan tại Úc không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận, Reuters cho biết. Phát ngôn viên của bộ ngoại giao New Zealand hay các bộ ngoại giao ở Bắc Kinh và Đài Bắc cũng không bình luận.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-nha-tai-tro-lon-hang-nhi-o-nam-thai-binh-duong/4519458.html

Xuất khẩu TQ tăng tốc dù

Trump leo thang chiến tranh thương mại

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 7 bất chấp thuế nhập khẩu của Mỹ và thặng dư thương mại được theo dõi sát của nước này với Mỹ vẫn ở mức cao kỉ lục, trong khi hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới leo thang tranh chấp thương mại.
Trong hành động mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh để thương lượng những nhượng bộ thương mại, Washington sẽ bắt đầu thu thuế quan 25 phần trăm nhắm vào thêm 16 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 23 tháng 8.
Trong một thông cáo đăng trên website chính thức của mình vào cuối ngày thứ Tư, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích hành động này của Mỹ là “vô lí,” nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt cùng một biện pháp như vậy lên cùng một lượng hàng hóa của Mỹ từ nhiên liệu và thép cho tới thiết bị y tế.
Dữ liệu của Trung Quốc hôm thứ Tư cho thấy những chỉ dấu đầu tiên về bức tranh thương mại tổng thể cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ khi thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên 34 tỉ đôla hàng nhập khẩu Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 6 tháng 7, Reuters đưa tin.
Tương tự, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng hơn 12,2 phần trăm so với cùng kì năm ngoái, cho thấy ít ảnh hưởng của thuế quan vào thời điểm này và vượt qua mức tăng 11,2 phần trăm của tháng 6 cũng như kì vọng của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters dự đoán mức tăng trưởng 10 phần trăm.
Thặng dư của Trung Quốc với Mỹ chỉ thu hẹp một chút xuống còn 28,09 tỉ đôla vào tháng trước từ mức kỉ lục 28,97 tỉ đôla trong tháng 6, Reuters cho biết. Washington từ lâu đã chỉ trích thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ và đã đòi Bắc Kinh cắt giảm.
Những đòi hỏi này thậm chí có thể trở nên gay gắt hơn nếu sự sụt giảm mạnh của đồng nhân dân tệ trong những tháng gần đây làm Mỹ nổi giận. Mỹ trước đây đã liên tục chỉ trích Bắc Kinh thao túng tiền tệ của mình để đạt được lợi thế thương mại không công bằng.
Các nhà kinh tế nói rằng Trung Quốc dường như đang thả lỏng kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ và nó đã trượt giá mạnh từ tháng 4 tới tháng 7, giải tỏa áp lực cho các nhà xuất khẩu đối mặt với căng thẳng thương mại đang gia tăng.
Thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng tiếp tục tăng trong tháng 7 bất chấp thuế quan, với xuất khẩu tăng 11,2 phần trăm so với cùng kì năm ngoái và nhập khẩu tăng 11,1 phần trăm, Reuters cho biết.
Các nhà phân tích vẫn dự kiến cán cân thương mại tổng thể sẽ kém thuận lợi hơn cho Trung Quốc trong những tháng tới vì cuộc chiến thuế quan chỉ mới bước vào những ngày đầu.
https://www.voatiengviet.com/a/xuat-khau-cua-trung-quoc-tang-toc-du-trump-leo-thang-chien-tranh-thuong-mai/4518976.html

Trận động đất mạnh thứ ba trên đảo Lombok,

 số người chết lên hơn 300

Đảo Lombok của Indonesia rung động trong trận động đất lớn lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tuần hôm 9/8. Số người thiệt mạng ghi nhận được trong các trận động đất mạnh vừa qua nay đã hơn 300 người.
Cơn dư chấn mạnh 5,9 độ richter khiến cư dân hoảng sợ, làm nhiều người bị thương, gây thiệt hại nhà cửa, và sạt lở đất. Cơ quan địa chất của Indonesia cho biết tâm của cơn địa chấn nằm ở phía tây bắc của đảo và không có khả năng gây ra sóng thần.
Người phát ngôn của cơ quan thiên tai quốc gia Sutopo Purwo Nugroho cho biết các cơn dư chấn đã làm “nhiều người chấn thương.”
Các giới chức Indonesia cho hay số người chết trong trận động đất 7.0 độ richter hôm Chủ nhật 5/8 đã tăng lên 319 người. Con số người thiệt mạng được đưa ra sau một cuộc họp liên ngành để phối kiểm các số liệu khác nhau được các văn phòng khác nhau báo cáo.
Ông Nguroho cho biết số người chết sẽ tiếp tục tăng vì một số người vẫn bị chôn vùi trong nhà cửa đổ sập mà các nhân viên cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm.
Theo bản cập nhật mới nhất của cơ quan thiên tai, gần 68.000 ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy trong trận động đất hôm 5/8 và 270.000 người đang trong trình trạng màn trời chiếu đất.
Trận động đất hôm 29/7 trên đảo Lombok đã làm 16 người thiệt mạng.
https://www.voatiengviet.com/a/tran-dong-dat-manh-thu-ba-tren-dao-lombok-so-nguoi-chet-len-hon-300/4520186.html

Thái Lan : Một nhà sư hoàn tục

lãnh án 114 năm tù vì gian lận

Thụy MyMột nhà sư Thái Lan hoàn tục, bị dẫn độ từ Hoa Kỳ về năm ngoái, hôm nay 09/08/2018 đã bị kết án 114 năm tù vì tội gian lận và rửa tiền.
Nhà sư Wiraphon Sukphon, 39 tuổi, pháp danh là Luang Pu Nen Kham, bị tòa tuyên phạt vì tội rửa tiền, gian lận, vi phạm luật an ninh mạng vì quyên góp trên internet. Nhà sư này còn bị buộc phải bồi thường 28,6 triệu baht (tương đương 743.000 euro) cho 29 mạnh thường quân đã khởi kiện.
Tuy vậy theo luật pháp Thái Lan, bị cáo sẽ không ở tù quá 20 năm. Ngoài ra Wiraphon còn bị cáo buộc hãm hiếp trẻ vị thành niên, nhưng riêng vụ này tòa sẽ tuyên án vào tháng 10 tới.
Cách sống xa hoa của nhà sư Wiraphon Sukphon tương phản hẳn với giáo lý tránh « tham sân si » của nhà Phật : cảnh sát đã tịch thu 24 triệu baht (620.000 euro), ba chiếc xe hơi trong đó có xe sang Porsche và Mercedes-Benz, một chiếc mô tô Harley-Davidson. Và tấm ảnh nhà sư này trong một chiếc máy bay riêng, đeo kính mát hàng hiệu, túi xách Louis Vuitton bên cạnh, đã được phổ biến trên mạng xã hội năm 2013.
Wiraphon bỏ trốn sang Mỹ năm 2013 khi cảnh sát bắt đầu điều tra về ông ta, và bị bắt tháng 7/2017 sau khi Hoa Kỳ cho dẫn độ về Thái Lan.
Khoảng 95% dân số Thái Lan là Phật tử ngoan đạo, tỉ lệ này thuộc loại cao nhất thế giới, và cả nước có khoảng 300.000 nhà sư. Tuy nhiên trong những năm gần đây, giới tăng lữ lại thường chiếm trang nhất các báo vì những vụ sử dụng ma túy, say xỉn, cá cược, quan hệ với gái mại dâm, tham nhũng.
Bốn thành viên đội bóng Heo Rừng được nhập quốc tịch Thái Lan
Ba cầu thủ nhỏ tuổi cùng với huấn luyện viên đội bóng Heo Rừng được giải cứu khỏi hang động Tham Luang cách đây ba tuần, hôm qua 08/08/2018 đã được cấp quốc tịch Thái Lan. Cả bốn người đều vô tổ quốc, và nếu không được nhập tịch, họ không có quyền lợi gì thậm chí không được ra khỏi Chiang Rai nơi đang sinh sống lâu nay.
Theo International Observatory on Statelessness, hiện có khoảng 3,5 triệu người tại Thái Lan không có quốc tịch. Những người này không có quyền đi bầu, không được mua đất, làm việc ở một số nơi và không được tự do di chuyển sang các địa phương khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180809-thai-lan-mot-nha-su-hoan-tuc-xai-sang-lanh-an-114-nam-tu-vi-gian-lan

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.