‘Đánh’ mãi như thế làm sao đỡ?
VOA Blog
Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn
Cả Quân chủng Phòng không - Không quân lẫn Bộ Quốc phòng Việt
Nam tiếp tục làm thinh trước tin chiến đấu cơ loại Su-22U, số hiệu 8551, rớt ở
huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26 tháng 7 là do “nâng cấp” không đạt yêu cầu
kỹ thuật.
Một số nguồn thạo tin tại Việt Nam
từng cho biết, dường như chiến đấu cơ số hiệu 8551 nằm trong lô Su-22U cũ mà
Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine “nâng
cấp”, chuyển đổi mục đích sử dụng (theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các nhiệm
vụ trên đất liền, “nâng cấp” nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên biển) (1). Mới đây, tờ Sputnik
của Nga cho biết thêm, các công ty ở Ukraine tham gia “nâng cấp” lô Su-22U -
trong đó có chiến đấu cơ số hiệu 8551 - cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ
năng lực để thực hiện công việc “nâng cấp” (2).
***
Xưa nay, tai nạn liên quan đến
hoạt động của không quân trên toàn thế giới vốn không ít, tuy nhiên riêng tại
Việt Nam, cách ứng xử với hàng loạt tai nạn xảy ra liên tục đối với đủ loại
phương tiện bay quân sự rõ ràng hết sức bất thường.
Dẫu các kế hoạch mua sắm phương
tiện – thiết bị quốc phòng, bao gồm cả phương tiện bay quân sự của Việt Nam
thường xuyên được hệ thống truyền thông quốc tế bạch hóa ngay từ giai đoạn bàn
bạc với đối tác - ví dụ gần nhất là chuyện Việt Nam hỏi mua lô thiết phương
tiện – thiết bị quốc phòng trị giá 100 triệu Mỹ kim từ Mỹ (3), song Quân chủng
Phòng không - Không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và Bộ Quốc
phòng Việt Nam nói chung, tiếp tục dùng “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia”
làm màn để che mọi thứ, kể cả đậy điệm nguyên nhân thực của hàng loạt tai nạn
mà hậu quả về nhân mạng lẫn giá trị tài sản đều thuộc loại “đặc biệt nghiêm
trọng”.
Nếu đúng là chiếc Su-22U, số hiệu
8851, rớt ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26 tháng 7 là do “nâng cấp” không
đạt yêu cầu kỹ thuật thì che đậy yếu tố ấy có khác gì phủi trách nhiệm cho
những cá nhân đề ra chủ trương và chôn sâu những sai lầm của kế hoạch mua lại
những chiếc Su-22U cũ từ các quốc gia Đông Âu, chuyển chúng qua Ukaine “nâng cấp”?
Quan hệ giữa những nhóm ở Việt Nam chuyên thực hiện các thương vụ mua bán –
nâng cấp phương tiện – thiết bị quân sự với Đông Âu, Ukraine, Nga dường như rất
mật thiết nên không chỉ có lô Su-22U ấy...
Cách nay bốn năm, hồi cuối tháng 6
năm 2014, Hải quan Phần Lan tìm thấy một container bên trong chất đầy thiết bị
phóng hỏa tiễn được vận chuyển từ Việt Nam tới Hồng Kông, sau đó được đưa từ
Hồng Kông đến Phần Lan… Theo thẩm định của các chuyên gia thuộc Bộ Quốc phòng
Phần Lan thì những thiết bị đó là đầu dẫn của Vympel R 73E – một loại hỏa tiễn
tầm ngắn thường được gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga... Phải đến
giữa tháng 7 năm 2014, khi phát giác vừa kể trở thành tin chính của hệ thống
truyền thông quốc tế, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác nhận,
container mà Hải quan Phần Lan tạm giữ tại phi trường Helsinki Vantaa là của
Việt Nam. Việt Nam gửi các đầu dẫn hỏa tiễn sang Ukraine để “bảo dưỡng”. Chuyện
“bảo dưỡng” này là “bình thường”, “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế” (4).
Tuy Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao
Việt Nam khẳng định, các viên chức hữu trách của Việt Nam đang làm việc với các
bên có liên quan để giải quyết những vấn đề về thủ tục hải quan khi container
vừa kể quá cảnh tại Phần Lan, song hải quan Phần Lan vẫn khẳng định sẽ điều tra
thêm ít nhất sáu tháng và có thể sẽ tịch thu các đầu dẫn hỏa tiễn do vi phạm
luật pháp của Phần Lan về xuất cảng “vật liệu quốc phòng”. Về nguyên tắc, vận
chuyển các “vật liệu quốc phòng” qua lãnh thổ Phần Lan phải được Bộ Quốc phòng
Phần Lan cho phép. Container chứa các đầu dẫn hỏa tiễn có xuất xứ từ Việt Nam
đã không thông báo và không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan.
Ai cũng biết đầu dẫn hỏa tiễn là
loại hàng hóa không… bình thường. Tại sao lại gửi hàng hóa không… bình thường
theo kiểu “bình thường”, không khai báo cho “đúng luật pháp, thông lệ quốc tế”
để gặp đủ thứ rắc rối? Việt Nam đã cũng như đang mua nhiều thứ phương tiện –
thiết bị quốc phòng của Nga, quan hệ giữa hai bên rất khắng khít, tại sao không
gửi các đầu dẫn hỏa tiễn do Nga sản xuất cho Nga “bảo dưỡng” mà lại gửi cho
Ukraine? Phía sau những lựa chọn và cách làm khác thường ấy là những gì? Chẳng
riêng Bộ Quốc phòng mà ngay cả hệ thống công quyền Việt Nam cũng xếp chuyện này
vào loại công chúng Việt Nam không có quyền biết!
Không phải tự nhiên mà tại kỳ họp
Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng
Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện –
thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm,…
Ông Bình lập luận, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là
“nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải
kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích. Thậm chí Quốc hội
Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm
phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an. Ông Lê Việt Trường, lúc ấy đang
giữ vai trò Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Việt Nam,
cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh
bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (5).
Đến giờ, những ý tưởng, đề nghị
như đã kể của ông Bình, ông Trường vẫn giống như những tiếng kêu trong hoang
mạc! Chẳng phải chỉ có những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ
quốc phòng, an ninh được dán nhãn “bí mật quốc gia” mà nguyên nhân các tai nạn
liên quan đến việc bảo dưỡng, sử dụng chúng, dù chẳng giấu được ai cũng được
xếp vào loại “an ninh quốc gia”, cần bảo mật. Tại Việt Nam, “minh bạch” vẫn
thuộc phạm trù “hiếm, quý” chứ không phải là yếu tố hết sức bình thường như
nhiều quốc gia khác. Gần đây, cảm thấy dường như hoạt động của các loại phương
tiện bay thuộc quân đội Mỹ không ổn, Military Times – một tập đoàn báo chí tư
nhân chuyên xuất bản các ấn phẩm liên quan đến quân đội Mỹ - đã viện dẫn Luật
về Quyền Tự do thông tin, yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp toàn bộ thông tin
về những trục trặc liên quan tới các phương tiện bay quân sự từ 2011 đến 2018.
Tất nhiên là Bộ Quốc phòng Mỹ không thể từ chối và Military Times đã công bố
bản kê tất cả các trục trặc liên quan đến phương tiện bay quân sự, bất kể mức
độ lớn - nhỏ, nguyên nhân (khách quan hay chủ quan) cho công chúng tham khảo,
bình luận (6).
***
“Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc
gia” đã biến Đinh Ngọc Hệ (tự “Út Trọc”), Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ “Nhôm”) trở
thành hai ông Trời con, khuynh đảo lực lượng vũ trang, nhân danh quốc phòng, an
ninh thâu tóm công thổ, công thự trên toàn quốc biến thành tài sản riêng, chia
chác với nhiều cá nhân. “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” đã giúp cho
hàng chục ông tướng của cả quân đội lẫn công an tự tung, tự tác, được cả ăn lẫn
nói. “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” giúp Vũ “Nhôm” và Trung tướng Phan
Hữu Tuấn, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an được xử kín và dù tính
chất, mức độ phạm tội của cả hai được xác định là “rất nghiêm trọng”, Vũ “nhôm”
chỉ bị phạt 9 năm tù, tướng Tuấn chỉ bị phạt 7 năm tù. “Bí mật quốc phòng”, “an
ninh quốc gia” còn giúp “Út Trọc” với những vi phạm mà tính chất, mức độ nghiêm
trọng không kém 12 năm tù vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành
công vụ” và “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
“Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc
gia” giúp Thượng tướng Phương Minh Hòa (cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không –
Không quân), Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không
– Không quân) chỉ bị cảnh cáo, Đại tá Bùi Văn Tiệp (cựu Tư lệnh Sư đoàn 367
Không quân) được hưởng án treo vì những sai phạm hết sức chung chung, thiếu chi
tiết: Độc đoán, chuyên quyền, vi phạm đủ thứ qui định pháp luật về quản lý – sử
dụng công thổ, công thự, không chỉ để mặc mà còn tiếp tay cho một số thuộc cấp
“vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng”, chưa kể phê duyệt nhiều văn bản trái cả
quy định lẫn thẩm quyền. Tướng Hòa, tướng Thanh, đại tá Tiệp đã “hạ cánh an
toàn” nhưng nhiều thuộc cấp của họ như: Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm Bay
Trung đoàn 921, Trung tá Khuất Mạnh Trí, Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của
Trung đoàn 921,… và những phi công đã tử nạn khi bay huấn luyện thì không.
Liệu những ông tướng chẳng ngại
ngần chút nào khi biến hàng loạt phi trường từ Bắc tới Nam thành sân golf, khu
dân cư, giúp Út Trọc tác oai, tác quái, có vì quốc gia, dân tộc, đồng chí, đồng
đội mà chùn tay trong những thương vụ mua sắm phương tiện – thiết bị quốc
phòng? Không biết! “Bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” đủ để che kín tất
cả. Dân có thể không biết nhưng hẳn là những đồng đội của Thượng tá Nam, Trung
tá Trí,… biết nhiều hơn về “mặt thật” của các ông tướng. Tới lúc nào thì họ thôi,
không muốn bán mình cho các “thủ trưởng” của họ nữa? Tới lúc nào thì tinh thần,
nhiệt huyết quân nhân suy sụp hoàn toàn vì những “bí mật quốc phòng”, “an ninh
quốc gia” được bảo vệ theo kiểu đó? Tác động từ việc hệ thống công quyền Việt
Nam nhân danh “bí mật quốc phòng”, “an ninh quốc gia” để lờ đi, gạt bỏ sự hi
sinh của những người lính kháng cự sự xâm lược của Trung Quốc cả trên đất liền
lẫn trên biển, chống chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia sẽ cộng hưởng thế
nào?
Nếu nói “bí mật quốc phòng”, “an
ninh quốc gia”, “bảo vệ lợi ích của Đảng”, “bảo vệ uy tín của lực lượng vũ
trang” theo kiểu vừa kể đang “đánh” và sẽ đốn qụi tinh thần ái quốc, vì dân -
những yếu tố quan trọng nhất, cần thiết nhất cho hiệu quả hoạt động của quân
đội, công an thì có quá đáng không? Bị “đánh” hoài như thế thì lúc nào “sạch
không kình ngạc”?
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html
0 comments