Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/08/2018

Thursday, August 9, 2018 7:44:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 09/08/2018


Bắc Triều Tiên – Mỹ : Lớp sơn bề ngoài đã vỡ



Bên cạnh những chủ đề liên quan đến nước Pháp như tăng trưởng có dấu hiệu “chững lại”, “chỉ tiêu 2% thêm xa vời” hay tập đoàn hàng không Air France vẫn ráo riết tìm lãnh đạo, các tờ báo Pháp ngày 09/08/2018 đưa độc giả đi một vòng châu Á. Đáng chú ý có bài “Hồi kết của tuần trăng mật Mỹ- Bắc Triều Tiên ?“.

“Vết sơn bên ngoài, sớm muộn gì cũng có vết rạn chân chim”. Le Figaro mở đầu bài báo mang tựa đề “Washington hết kiên nhẫn với Bình Nhưỡng” như trên. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cách nay hai hôm phải nhìn nhận rằng, đến nay, Bắc Triều Tiên ” không đưa ra các biện pháp cần thiết để giải trừ hạt nhân”. Ông nói thêm tới nay Hoa Kỳ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong Un. Lời lẽ này thể hiện một thực tế phũ phàng : “Donald Trump bị đánh lừa” như một nhà báo của tờ Washington Post ghi nhận.

Theo cơ quan tình báo Mỹ và một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Bình Nhưỡng chưa đình chỉ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm lệnh cấm vận quốc tế.

Tuy nhiên báo Le Figaro đánh giá từ sau thượng đỉnh Kim-Trump tại Singapore, Bắc Kinh đã bán dầu hỏa trở lại cho nước láng giềng sát cạnh, du khách Trung Quốc đông đảo hơn chung quanh khu vực phía nam sông Áp Lục, con sông chia cách Trung Quốc với Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên xuất khẩu lao động trở lại sang Nga và Trung Quốc, đến nỗi mà ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phải lên tiếng kêu gọi Matxcơva tôn trọng nghị quyết 2375 của Liên Hiệp Quốc.

Đối thoại giữa ngoại trưởng Pompeo với các giới chức lãnh đạo ở Bình Nhưỡng không được như Washington mong muốn.

Le Figaro cho rằng còn quá sớm để kết luận tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một lần nữa thất bại, nhưng quả thực đây là “một công trình dài hơi”. Tờ báo mượn lời hai chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings Institution của Mỹ để kết luận : “Muốn đàm phán thì cần có những lá chủ bài trong tay. Tổng thống Trump tại thượng đỉnh Singapore đã thả tất cả những con bài đó, xem cuộc gặp này là một màn trình diễn, thay vì một cơ hội để đặt nền tảng cho các cuộc thương lượng nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên”.

Vỡ đập thủy điện,


Lào nhẽ ra tránh được tai họa


Nhà báo Bruno Philippe trên tờ Le Monde trở lại với thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoi tại Lào, một tai họa “có thể tránh khỏi”.

Hơn hai tuần sau vụ vỡ đập, một ngàn người vẫn bặt vô am tín, nhưng chính quyền vẫn bám vào hai con số chính thức : 31 người tử vong và 130 người mất tích. Vụ vỡ đập hôm 23 tháng 7 là tai nạn nghiêm trọng đầu tiên và sẽ còn những thảm hỏa khác nữa đe dọa dân Lào.

Sự kiện vừa qua phơi bày ra ánh sáng những sai lầm trong chính sách năng lượng của Lào. Vientian muốn biến đất nước khép kín này thành “bình điện của Đông Nam Á”. 51 đập thủy điện đã hoàn tất, 46 đập khác đang được xây thêm. Đại đa số các công trình ấy đều có bàn tay Trung Quốc. Thế nhưng đập Xe Pian Xe Namnoi là một chương trình hợp tác giữa chính phủ Lào, với hai đối tác Hàn Quốc và một của Thái Lan.

Phản ứng đầu tiên của Vientian là đổ lỗi cho “mưa lũ” gây ra tai nạn, nhưng giả thuyết này đã lập tức bị các chuyên gia bác bỏ. Họ chứng minh rằng, công trình xây dựng đập với chất lượng quá tồi cộng thêm với việc quản lý nước trong các bể chứa quá kém cỏi đã gây ra thảm họa.

Nói cách khác, vụ vỡ đập vừa qua là do lỗi của con người gây nên, mà điều đó nhẽ ra có thể tránh được. Thêm một thiếu sót nghiêm trọng thứ ba, là khi xây đập, không ai quan tâm đến việc lắp đặt một hệ thống báo động, để dân làng kịp sơ tán. Tại sao dân cư trong vùng không được thông báo cho dù đã phát hiện vết nứt tại đập ? Báo chí ở Vientian không được tự do đưa tin, nhưng trên các trang mạng xã hội ở Lào, đây đang là chủ đề nóng bỏng.

Tán gia bại sản vì cho vay trên mạng


Trang kinh tế của Le Figaro chú ý đến hoàn cảnh của “hàng triệu người Trung Quốc khánh tận vì cho vay trên mạng”.

Cuối tháng 6/2018 giám đốc điều hành trang mạng Tangxiaoseng bị bắt, 500 triệu euro do tổ chức này “quản lý” đã bốc hơi. Một đám đông tụ tập trước đồn cảnh sát ở Thượng Hải đòi được bồi thường và họ đã bị công an tống lên xe đưa đi nơi khác.

Một phụ nữ 47 tuổi nói với phóng viên của Le Figaro bà đã mất 45.000 euro. Như rất nhiều các nạn nhân khác, bà từng được cho ăn bánh vẽ, với hứa hẹn 12 % tiền lãi, tức là với mức lời cao gấp bốn lần so với của ngân hàng.

Từ đầu tháng 7/2018 Trung Quốc đóng cửa khoảng 160 website tín dụng hoạt động theo kiểu peer to peer, tức là giữa các tư nhân cho nhau vay tiền. Gần 4 triệu chủ nợ trắng tay ; 150 tỷ euro không cánh mà bay. Khoảng một chục ngàn nạn nhân các vụ cho vay trên mạng này kêu gọi chính quyền can thiệp. Bắc Kinh im lặng.

Ấn Độ, mảnh đất màu mỡ của Ikea


Báo La Croix đưa độc giả đến Hyderabad miền nam Ấn Độ. Đây là nơi nhà cung cấp đồ nội thất Ikea khai trương cửa hàng đầu tiên. Hãng Thụy Điển dự trù sẽ mở 25 cửa hàng tại quốc gia Nam Á này trước năm 2025.

Mumbai, Bangalore hay New Delhi là những địa điểm đầy hứa hẹn. Trước mắt, cửa hiệu đầu tiên ở Hyderabad trải rộng trên diện tích 37.000 mét vuông, tuyển dụng 850 nhân viên để phục vụ 7 triệu khách hàng mỗi năm. Chưa kể là hiệu ăn của Ikea tại đây có đến 1.000 chỗ ngồi.

Vậy Hyderabad, thuộc bang Telangana có những lợi thế nào để trở thành bệ phóng cho Ikea bắt rễ vào Ấn Độ ? Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot, được La Croix trích dẫn, giải thích : bang này đã nới lỏng bộ luật đầu tư nước ngoài, đã xây dựng cả một hệ thống giao thông hiện đại từ hơn hai thập niên qua. Đây cũng là nơi mà mức lương trung bình có thể cao hơn đến 20 lần so với lương trung bình ở Ấn Độ. Hyderabad là “điểm then chốt để Ikea chinh phục tầng lớp trung lưu Ấn Độ”, chiếm từ 10 cho đến 30 % dân số của cả nước.

Ikea hiện đang có trên 400 cửa hàng tại 49 quốc gia. Doanh thu năm 2017 lên tới 37 tỷ euro. Đức, Mỹ, Pháp là ba thị trường lớn nhất của tập đoàn này. Ikea đã chen chân vào Trung Quốc.

Rượu cognac


và những thăng trầm trong quan hệ quốc tế


Trước khi đóng lại các trang báo Paris mùa hè, xin điểm qua bài “Địa chính trị của rượu cognac” trên Le Monde. Xưa kia văn hào Victor Hugo từng gọi cognac là rượu dành cho những vị tiên ở Thiên Cung. Điều đã được kiểm chứng qua hàng trăm năm lịch sử.

Là một đặc sản của vùng tây nam nước Pháp, nơi có con sông Charente chảy qua, từ cuối thế kỷ thứ 17, rượu cognac đã làm mê hoặc lòng người. Ngày này, cognac là người bạn đồng hành với những thành phần giàu có mới nổi trên thế giới. Bốn nhà cung cấp loại rượu mạnh này thống lĩnh thị trường tại 130 quốc gia, xuất khẩu 203 triệu chai trong năm qua, đem về 3,7 tỷ euro cho nước Pháp. 98 % sản phẩm là để phục vụ khách hàng ở hải ngoại.

Năm 1783 các nhà sản xuất cognac xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Bắc Mỹ. Trung Quốc bắt đầu bị loại rượu có màu vàng mật ong này chinh phục và đã đặt hàng trong một hóa đơn đề năm 1858.

Tiếp theo đó, Nam Dương, Đông Dương và Đại Hàn đã lần lượt trở thành khách hàng của các nhà sản xuất cognac … Trong thời kỳ Cách Mạng Pháp 1789, giao thương bị gián đoạn, nhưng rồi các nhà sản xuất ở vùng Charente đã tập trung vào thị trường Anh.

Bước sang thế kỷ 20 rượu cognac “đổ bộ” sang Mỹ, cạnh tranh với whisky của Hoa Kỳ. Năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ, các tay nhà giàu mới tại Matxcơva chuộng cognac, biến những chai rượu Pháp này thành biểu tượng của thành công. Những người sành điệu thậm chí còn đặt các hãng pha lê nổi tiếng của Pháp như Baccarat hay Cristal de Sèvre để có được những chai rượu độc đáo, với hình dáng xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật.

Đến đầu những năm 2000, thì người sang trọng và quý phái Trung Quốc chuộng cognac trên 20 năm tuổi và uống loại rượu mạnh này trong bữa ăn. Đã có biết bao nhiêu chai cognac được đem đi biếu các quan chức ở Thượng Hải, Thẩm Quyến ? Nhưng đến 2013, chính sách “đả hổ diệt ruồi” bài trừ tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã kiến ngành xuất khẩu cognac Pháp lao đao.

Thách thức giờ đây đối với các nhà sản xuất là chính sách bảo hộ của Mỹ. Đến khi nào thì chính quyền Trump tăng thuế nhập khẩu cognac vào Hoa Kỳ ?



Tin dọc nhanh


(AFP) – Nagasaki kỉ niệm 73 năm thảm họa hạt nhân. 

Như mọi năm, một tiếng chuông vang lên vào lúc 11h02 (giờ địa phương) ngày 09/08/2018, đúng thời điểm quả bom nguyên tử Fat Man từng rơi xuống Nagasaki, người tham dự dành một phút mặc niệm các nạn nhân. Tham dự buổi lễ cùng với thị trưởng Nagasaki, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi « khẩn cấp giải trừ mọi loại vũ khí, nhất là vũ khí nguyên tử ».

(AFP) – Achentina : Thượng Viện bác dự luật cho phép phá thai. 

Ngày 08/08/2018, ngay trong những giờ thảo luận đầu tiên, Thượng Viện Achentina đã bác dự luật này, dù đã được Hạ Viện thông qua. Đây là chủ đề tranh luận gây chia rẽ sâu sắc xã hội Achentina. Luật pháp nước này chỉ cho phép phụ nữ phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp hoặc tính mạng của người mẹ bị đe dọa.

(Bloomberg) – Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động hết công suất từ tháng Chín 2018.

Theo tổng giám đốc nhà máy Shintaro Ishida hôm 07/08/2018, nhà máy lọc dầu lớn nhất tại Việt Nam ở tỉnh Thanh Hóa đang tăng tốc sản xuất sau 16 tháng phải trì hoãn vì lỗi xây dựng, và ngay trong tháng 9, sẽ đạt hết công suất 200.000 thùng/ngày. Nhà máy Nghi Sơn hy vọng sẽ xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu vào tháng 9 và tháng 10, dự kiến là sang các nước châu Á, sau đó chuyển sang bán hoàn toàn tại Việt Nam.

Nhà máy Nghi Sơn, trị giá 9 tỷ đô la, là một liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Koweit và Công ty Nhật Bản Idemitsu Kosan mỗi bên nắm 35,1% cổ phần, còn PetroVietnam nắm 25,1%. Đây là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam sau Dung Quất (Quảng Ngãi) hoạt động từ năm 2009. Nghi Sơn sẽ giúp Việt Nam giảm việc nhập xăng dầu, như từ Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore.

(Reuters) – Các hãng hàng không lớn của Mỹ tiếp tục đáp ứng yêu sách của Bắc Kinh về việc bỏ tên Đài Loan. 

Đại diện của Delta Air Lines, United Airlines và American Airlines ngày 09/08/2018 khẳng định rằng họ đang trong quá trình sửa đổi trang web và hệ thống đặt vé để đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc về cách gọi Hồng Kông, Macao và Đài Loan, sau khi bị truyền thông Trung Quốc cáo buộc rằng họ vẫn chưa sửa đổi kịp thời trước thời hạn 09/08/2018.

(Asia Times) - Đài Loan tăng ngân sách sản xuất tàu ngầm để chống Trung Quốc. 

Nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm qua 08/08/2018 hứa sẽ chi thêm 2,4 tỉ đô la, tương đương hơn 1/5 ngân sách quốc phòng trong năm tới, để tự sản xuất vũ khí. Đặc biệt là việc chế tạo và nâng cấp tàu ngầm tấn công để tăng cường năng lực hải quân, đối phó với nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược. Hồi tháng Tư, Washington đã cho phép xuất khẩu các công nghệ cao liên quan đến tàu ngầm cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

(Inquirer) -Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Philippines vào cuối năm. 

Phủ Tổng thống Philippines hôm nay 09/08/2018 xác nhận chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Manila trước cuối năm 2018. Đây sẽ là chuyến công du Philippines đầu tiên của ông Tập trong nhiệm kỳ của tổng thống Rodrigo Duterte, sau khi dự hội nghị APEC tại Papua New Guinea.

(Reuters) -Nguyên tổng thống Chilê được đề nghị giữ chức cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm qua 08/08/2018 đã chọn lựa cựu tổng thống Chilê, bà Michelle Bachelet, vào chức vụ cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp lại ngày mai sẽ có quyết định cuối cùng. Người đương chức, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, không muốn tái ứng cử vì không được sự ủng hộ của các cường quốc Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Ông Zeid đã không ngần ngại đả kích các biện pháp của tổng thống Mỹ Donald Trump.


0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.