Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/08/2018

Monday, August 6, 2018 7:38:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 06/08/2018

TT Trump thừa nhận

con trai gặp người Nga năm 2016

Hôm 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận rằng con trai cả Donald Trump Jr. từng tiếp xúc với người Nga tại tòa tháp Trump Tower vào năm 2016 để thu thập thông tin về đối thủ của mình là bà Hillary Clinton, theo hãng tin Reuters.
Ông Trump nói rằng việc tiếp xúc như thế là “hoàn toàn hợp pháp”, và “luôn được giới chính khách sử dụng.”
Trước đó, Tổng thống Trump từng nói rằng nội dung cuộc gặp giữa con trai cả và người Nga chủ yếu xoay quanh chương trình người Mỹ nhận con nuôi từ Nga.
Thông tin trên Twitter vào sáng 5/8 là một tuyên bố trực tiếp nhất về nội dung của cuộc gặp này, mặc dù người con trai cả và một số người khác từng phát biểu rằng cuộc gặp này nhằm tìm kiếm thông tin bất lợi cho đối thủ thuộc Đảng Dân chủ.
Ông Trump cũng lặp lại rằng ông không hề biết trước về cuộc họp này.
Trong đoạn tweet, ông Trump cũng bác bỏ thông tin trên tờ Washington Post và kênh CNN về chuyện ông lo ngại rằng người con trai cả có thể gặp rắc rối pháp lý quanh cuộc gặp với những người Nga, trong đó có một luật sư thân Điện Kremlin.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra xem liệu các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với phía Nga để tạo thuận lợi cho cuộc đua vào Nhà Trắng của ông hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận việc chính quyền Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.
Một phần của cuộc điều tra tập trung vào cuộc gặp giữa con trai cả Donald Trump Jr. và các trợ lý chiến dịch tranh cử của ông Trump với một số người Nga ngày 9/6/2016.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-thua-nhan-con-trai-gap-nguoi-nga-nam-2016/4515313.html

Mỹ ‘không can dự’

vào vụ mưu sát tổng thống Venezuela

Một quan chức Nhà Trắng hôm 5/8 bác bỏ cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ đứng sau âm mưu ám sát sử dụng thiết bị không người lái, đúng lúc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại một sự kiện quân sự hôm 4/8.
“Tôi có thể dứt khoát nói rằng hoàn toàn không có sự dính líu của chính phủ Mỹ vào chuyện này”, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói trên chương trình “Fox News Sunday”, theo Reuters.
Đề cập tới chuyện tham nhũng và đàn áp tràn lan ở Venezuela, ông Bolton cũng cho rằng chính quyền của ông Maduro có thể đứng sau vụ nổ.
Cố vấn an ninh quốc gia này nói rằng không loại trừ khả năng chính quyền của ông Maduro “dựng lên” vụ này, đồng thời cho biết thêm rằng không có công dân Mỹ nào bị thương trong vụ nổ.
“Nếu chính phủ Venezuela có thông tin cụ thể cho thấy khả năng vi phạm luật hình sự Mỹ mà họ muốn trao cho chúng tôi, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét”, ông Bolton nói.
Theo Reuters, ông Maduro thường chỉ trích Mỹ, vốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Venezuela, “âm mưu” tìm cách lật đổ ông để chấm dứt gần hai thập kỷ thực thi chủ nghĩa xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này.
Một nhóm ít tiếng đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công hôm 4/8. Ông Maduro không bị thương trong vụ nổ.
Venezuela hiện đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong năm thứ năm liên tiếp, gây ra nhiều hệ lụy ở nước này và khiến hàng chục nghìn người bỏ nước sang Colombia và Brazil.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-can-du-vao-vu-muu-sat-tong-thong-venezuela/4514504.html

Iran, một hồ sơ đầy rủi ro đối với Donald Trump

Thanh Hà
Một khi lệnh cấm vận mới nhắm vào Iran có hiệu lực, bước đi kế tiếp của Mỹ trên hồ sơ nhậy cảm này là gì ? Nhà Trắng gia tăng áp lực tối đa để cản đường Teheran chế tạo bom nguyên tử, để kềm tỏa ảnh hưởng của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran trong khu vực hay với dụng ý lật đổ chế độ đang cầm quyền ? Washington bắn đi rất nhiều tín hiệu về chính sách của Mỹ đối với Iran. Câu trả lời không đơn giản. Iran là một thách thức chiến lược của Hoa Kỳ.
Cả Washington lẫn Teheran đều biết lệnh cấm vận mới của Hoa Kỳ nhắm vào Iran càng đè nặng lên kinh tế của quốc gia Hồi Giáo này. Căng thẳng trong xã hội Iran có nguy cơ gia tăng, vì đồng tiền mất giá, vì lạm phát. Những hứa hẹn phát triển cho kinh tế Iran nhờ hiệp định Vienna mà chính quyền Teheran đạt được với cộng đồng quốc tế đã chết yểu.
Từ trước khi lên cầm quyền Donald Trump đã đòi “xé nát” thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Obama cùng với đại diện của Anh, Pháp, Đức Trung Quốc và Nga đã đặt bút ký kết hôm 15/07/2015.
Quốc tế công nhận thỏa thuận hạt nhân với Teheran không hoàn hảo, nhưng ít ra văn bản này bảo đảm là Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử như Bắc Triều Tiên. Từ Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế đến châu Âu hay Nga và Trung Quốc đều công nhận là chính quyền của tổng thống Rohani tôn trọng hiệp định Vienna, nhưng ngày 08/05/2018 Nhà Trắng chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, gia hạn 180 ngày cho thế giới tuân thủ các trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
Washington không che giấu mục tiêu sau cùng là đạt được một thỏa thuận mới về hạt nhân với Teheran. Nhưng bên cạnh đó, chính quyền Hoa Kỳ lại liên tục đưa ra nhiều thông điệp khác nhau.
Cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ John Bolton nêu lên khả năng “thay đổi chế độ” ở Teheran. Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố đối lập Iran cần biết rằng Hoa Kỳ “sát cánh với họ”. Nhưng rồi chính tổng thống Donald Trump sau khi đã có những lời lẽ rất gay gắt đe dọa Iran, lại thản nhiên thông báo ông để ngỏ cánh cửa đối thoại. Còn bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis, hôm 27/07/2018 đã trấn an cộng đồng quốc tế rằng Washington không chủ trương lật đổ chế độ ở Teheran.
Một số nhà phân tích nói đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính sách của Mỹ đối với Iran. Ngược lại, một số khác nhận thấy là trong hồ sơ hạt nhân Iran, dường như Donald Trump muốn áp dụng một chiến thuật tương tự như với Bắc Triều Tiên. Nghĩa là dùng những lời lẽ đao to búa lớn đe dọa đối phương, làm gia tăng căng thẳng, để rồi dịu giọng, chìa bàn tay thân thiện, tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh nặng phần trình diễn, và cuối cùng thông báo là đã đạt được thỏa thuận “tuyệt vời” với phía bên kia.
Liệu chiêu thức này có hiệu quả với Teheran như những gì Donald Trump đã đạt được với Bình Nhưỡng hay không ? Còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Bởi vì thứ nhất, so sánh Bắc Triều Tiên và Iran hơi khập khiễng. Đành rằng Bình Nhưỡng đã có bom nguyên tử, nhưng Kim Jong Un ngự trị trên một đất nước khép kín và bị cô lập với thế giới bên ngoài, ngoại trừ một điểm tựa quan trọng là Trung Quốc. Trái lại Iran là một cường quốc tại Trung Đông. Ảnh hưởng của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này đã lan tỏa từ Yemen đến Liban và nhất là Syria. Chưa kể là Teheran lại có nhiều điểm tâm đầu ý hợp với nước Nga của Vladimir Putin.
Ẩn số thứ nhì, Donald Trump dùng lá bài cấm vận, khuấy động sự phẫn nộ của công luận Iran chống lại chính quyền nước này, biết đâu lại phản tác dụng ? Washington tính sao nếu như lệnh cấm vận của Mỹ lại giúp cho người dân Iran đoàn kết hơn để đối mặt với một mối đe dọa từ bên ngoài ?
Mềm nắn, rắn buông
Dù vậy, Mark Dubowitz, giám đốc trung tâm nghiên cứu Mỹ Foundation for Defense of Democracies, đánh giá, những đòn hù dọa của Donald Trump cũng đã đem lại một số kết quả. Theo chuyên gia này, Iran đủ khôn ngoan để chơi trò “mềm nắn, rắn buông” : với Trump ở Nhà Trắng, từ một năm nay, các hành vi sách nhiễu tàu thuyền của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh đã giảm đi thấy rõ. Đồng thời, chính quyền Iran đã giảm cường độ các vụ thử nghiệm tên tửa trong thời gian gần đây.
Nói cách khác, theo giám đốc trung tâm nghiên cứu của Mỹ này, thái độ hung hăng của Donald Trump như thể góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực Trung Đông. Chuyên gia Dubowitz lưu ý, tháng 9 tới đây, cả tổng thống Hoa Kỳ và lãnh đạo Iran sẽ cùng đăng đàn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, không có gì ngăn cản Donald Trump và Hassan Rohani gặp nhau bên lề sự kiện ngoại giao này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180806-iran-mot-ho-so-day-rui-ro-doi-voi-donald-trump

Mỹ thông báo

một loạt các biện pháp mới trừng phạt Iran

Thanh Hà
Mỹ siết chặt gọng kềm nền kinh tế Iran. Đợt thứ nhất trong lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhắm vào Iran có hiệu lực kể từ 4 giờ sáng, giờ quốc tế ngày 07/08/2018. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh, các bên sẽ phải “tôn trọng”quyết định của Washington sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định hạt nhân Iran.
Trên đường từ Indonesia trở về Mỹ sau chuyến công tác dài ngày tại Đông Nam Á, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Nhà Trắng chuẩn bị công bố một cách chi tiết những biện pháp trừng phạt Iran. Đây là đợt trừng phạt đầu tiên kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận Vienna, ký kết vào tháng 7/2015.
Ngày 08/05/2018, chính quyền Trump đánh giá Teheran không tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký kết với 5 thành viên trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức. Trên cơ sở này, Washington thông báo áp dụng trở lại hàng loạt các biện pháp cấm vận kinh tế Iran. Mỹ chủ trương “gây áp lực tối đa” cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế để buộc Iran vĩnh viễn từ bỏ tham vọng chế tạo bom nguyên tử.
Theo tiết lộ của báo chí, chính sách cấm vận của Mỹ nhắm vào Iran, ở giai đầu, liên quan đến các khoản giao dịch tài chính của Iran được thanh toán bằng đồng đô la, các hoạt động mua bán vàng và kim loại quý, than đá và kể cả ngành công nghiệp xe hơi, các hợp đồng mua bán máy bay của Iran. Đợt trừng phạt thứ nhì sẽ có hiệu lực vào ngày 04/11/2018 và chủ yếu nhắm vào lĩnh vực dầu khí, cột trụ của kinh tế Iran.
Việc chính quyền Trump lại trừng phạt Iran càng đè nặng lên các hoạt động kinh tế của nước này trong bối cảnh đồng tiền Iran tuột giá, lạm phát leo thang, nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, những khó khăn kinh tế có nguy cơ đe dọa ổn định chính trị tại Teheran.
Iran bắt phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương
Trước tình hình căng thẳng nói trên, ngày 05/08/2018 chính quyền Iran thông báo đã bắt giữ phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, người đã đề xuất chính sách hối đoái cứng nhắc, dẫn tới hiện tượng đầu cơ gây, khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
Thông tín viên RFI Shiavos Ghazi từ thủ đô Teheran giải thích thêm :
“Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran, Ahmad Araghchi, đã bị bắt cùng với bốn nghi phạm. Những người này bị cáo buộc đầu cơ hối đoái. Phát ngôn viên của bộ Tư Pháp Iran, Gholam Hossein Ejeie, cho biết như trên. Ông Ahmad Araghchi là cháu trai của phó ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, một trong những nhân vật chủ chốt trong quá trình đàm phán hạt nhân Iran với các cường quốc trên thế giới.
Cách nay vài ngày, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Iran bị cách chức sau khi định chế tài chính này có giám đốc mới. Trong những tuần lễ vừa qua, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách tài chính của Iran. Thật vậy, đồng rial đã mất giá mạnh so với đô la. Hồi tháng 3/2018, một đô la đổi lấy 50.000 rial. Hiện tại tỷ giá hối đoái giữa hai đơn vị tiền tệ này đã được nhân lên ít nhất là gấp đôi (tức là phải mất hơn 100.000 rial mới mua được một đô la).
Đơn vị tiền tệ Iran mất giá do Mỹ áp dụng trở lại chính sách trừng phạt Teheran kể từ đêm nay, kèm theo đó là nhiều mối lo ngại kinh tế Iran xấu đi.
Nhiều chuyên gia chỉ trích chính sách tiền tệ của chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương. Các biện pháp này đã dẫn tới một loạt các vụ đầu cơ trên thị trường. Nhiều quan chức bị nghi ngờ tham nhũng vì lợi dụng khác biệt về tỷ giá hối đoái của đồng đô la.
Chính quyền Iran thông báo là sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ và những ai đã lợi dụng tình hình để làm giàu”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180806-my-thong-bao-mot-loat-cac-bien-phap-moi-trung-phat-iran

Iran-Mỹ: Trên đe dưới búa,

tổng thống Rohani đàm phán kín với Trump?

Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran và “gây sức ép tối đa” bằng các biện pháp trừng phạt : Đợt 1 có hiệu lực từ ngày 07/08/2018 ; đợt hai từ tháng 11/2018.
Thời gian gần đây, cả Wahington lẫn Teheran lên giọng gay gắt đe dọa trừng phạt-trả đũa. Ngày 22/07, tổng thống Iran Hassan Rohani cảnh báo nguyên thủ Mỹ “đừng vuốt râu hùm” và một cuộc xung đột với Iran sẽ là “mẹ của các cuộc chiến”. Ngay sau đó, trên Twitter, tổng thống Mỹ gửi đến tổng thống Iran Hassan Rohani thông điệp được viết hết bằng chữ hoa : “Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa, hoặc ông sẽ phải gánh những hậu quả hiếm có trong lịch sử. Chúng tôi không còn là một đất nước chịu đựng những lời lẽ đe dọa bạo lực và chết chóc ngông cuồng của ông. Hãy cẩn trọng!”
Cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo lại là một lợi thế cho phe bảo thủ Iran. Những lời đáp trả cương quyết của tổng thống Hassan Rohani đối với những đe dọa của đồng nhiệm Trump lại được phe bảo thủ Iran, chống Trump đến cùng, hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên, theo trang France 24 (02/08/2018), tổng thống Iran lại đang rơi vào thế khó xử. Thực vậy, sau loạt đe dọa gay gắt nhắm vào chính quyền Teheran, ngày 30/07, tổng thống Mỹ bỗng chìa bàn tay đối thoại. Phe chủ trương cải cách tại Iran ủng hộ nối lại đàm phán với Mỹ, trong khi phe bảo thủ thẳng thừng bác bỏ. Bị kẹt ở giữa, tổng thống Hassan Rohani, thuộc phe ôn hòa, có thể phải chọn con đường đàm phán kín.
Cựu đại sứ Pháp tại Iran, ông François Nicoullaud, phân tích : “Hiện đang bị yếu thế trên mặt kinh tế kể từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, ông Rohani phải đưa ra những bảo đảm chắc chắn cho phe bảo thủ. Đối với ông, với lực lượng vệ binh Cách mạng và lãnh tụ tối cao, chẳng có lợi gì khi đồng ý đối thoại với Trump trừ phi Hoa Kỳ trở lại thoả thuận hạt nhân”.
Tổng thống Rohani bị suy yếu trên mọi mặt
Tổng thống Rohani đang phải đối mặt với rất nhiều cuộc biểu tình có quy mô lớn trên khắp đất nước, từ Chiraz (miền nam) đến Ahvaz (tây nam), từ Machhad (đông bắc) đến Karaj (gần thủ đô Teheran). Nguyên nhân chính là đồng rial bị mất đến 2/3 giá trị kể từ đầu năm đến nay. Trả lời AFP, ông Adnan Tabatabai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu CARPO của Đức, đánh giá : “Các cuộc biểu tình này là hoàn toàn chính đáng, nhưng có nguy cơ trở thành bạo động do các nhóm trong và ngoài nước khuấy động”.
Vào tháng 04/2018, chính phủ Iran cố giảm bớt tình trạng đồng rial mất giá bằng cách ấn định tỉ giá chính thức, đồng thời bắt giữ hàng loạt người buôn bán ngoại tệ trên thị trường đen. Tuy nhiên, những biện pháp này càng đẩy thị trường đen phát triển mạnh hơn.
Cảm giác bị kẹt giữa các biện pháp của chính phủ và quyết tâm của Washington làm tê liệt nền kinh tế Iran đã buộc người dân nước này tích trữ đồng đô la và dự trữ đồ để tránh khủng hoảng. “Rất nhiều người sợ sẽ không có được đồ dùng cần thiết nếu họ không mua từ bây giờ”, theo lời của một tiểu thương ở khu chợ lớn của Teheran, vì vậy mà các tiểu thương cũng tích hàng hóa trong khi chờ tình hình thay đổi. Còn những người Iran khá giả đã chọn giải pháp rời đất nước.
Lĩnh vực công nghiệp cũng bị tác động nặng nề. Rất nhiều tập đoàn nước ngoài, ồ ạt đầu tư vào Iran sau thỏa thuận hạt nhân 2015, cũng đang chuẩn bị rời khỏi nước Cộng Hòa Hồi Giáo do lo ngại trừng phạt của Mỹ, trong đó phải kể đến một số tập đoàn của Pháp Peugeot, Renault và Total. Một số doanh nghiệp khác, có quy mô nhỏ hơn, tìm cách khai thác tình hình còn nhập nhằng và trông chờ vào sự bảo vệ của các nước châu Âu đang quyết tâm cứu vãn thỏa thuận về hạt nhân với Iran.
Một số nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ bị phụ thuộc quá nhiều vào dầu lửa của Iran để chịu khuất phục trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà máy lọc dầu khác, chủ yếu là của châu Âu, đã bắt đầu rút khỏi thị trường Iran. Theo một số nhà phân tích, từ nay đến cuối năm 2018, khối lượng xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ giảm từ 2,4 triệu thùng mỗi ngày xuống con 700.000 thùng mỗi ngày.
Một cựu lãnh đạo Phòng Thương Mại Teheran cho rằng “chính phủ đã không biết cách tận dụng tình hình khi điều kiện cho phép” bằng cách thông qua một kế hoạch kinh tế có sức thuyết phục. Chính quyền Iran “sẽ còn khó hành động hơn trong thời kỳ khủng hoảng ngày càng rõ nét này”.
Còn theo bài viết trên trang France 24, tổng thống Rohani không chỉ bị thúc bách vì các cuộc biểu tình của người dân, mà ông còn bị cả phe bảo thủ và phe cải cách siết chặt. Rất nhiều người thân cận của tổng thống Rohani đánh tiếng rằng đông đảo giới trí thức Iran muốn ông đối thoại với Washington để đàm phán nới lỏng trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Đối với một số người theo xu hướng cải cách, tình hình trở nên nghiêm trọng. “Phải cứu Iran”là tuyên bố của ông Mohsen Hachemi Rafsanjani, thành viên Hội đồng thị chính Teheran và là con trai của cựu tổng thống Akbar Hachemi Rafsanjani. Ngày 31/07, một ngày sau đề xuất đối thoại của tổng thống Trump, ông viết trên Twitter : “Áp lực (của trừng phạt Mỹ) sẽ còn khiến tình hình nước chúng ta thêm phức tạp hơn. Sự sống còn của Iran sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định cứng rắn của chúng ta, như quyết định từng được đưa ra 30 năm trước đây (đình chiến với Irak năm 1988, sau 8 năm chiến tranh).
Đàm phán kín?
Tuy nhiên, đàm phán trực tiếp với tổng thống Trump dường như là điều không thể vì sẽ đi ngược với tinh thần chống Mỹ của chế độ Iran. Trước tiên, chính sự thù nghịch lẫn nhau giữa Iran và Mỹ đã định hướng cho đường lối địa-chính trị của Teheran kể từ cuộc Cách Mạng 1979 và vụ bắt cóc con tin trong sứ quán Mỹ ở Teheran trong suốt 444 ngày (04/11/1979-20/01/1981).
Tiếp theo, tính cách của tổng thống Trump cũng là một vấn đề. Chủ nhân Nhà Trắng muốn có một cuộc gặp gây ấn tượng mạnh như cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore. Vì vậy, sánh bước với ông Trump, người từng bị lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đánh giá là “thiếu hiểu biết, tính khí thất thường và ngạo mạn”, sẽ là điều sỉ nhục đối với chính quyền Iran.
Tổng thống Hassan Rohani hoàn toàn bị phụ thuộc vào lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, do không có trọng lực chính trị đủ mạnh để có thể đảm trách một cuộc gặp được đưa tin rộng rãi với Washington. Tuy nhiên, ông Rohani lại có kinh nghiệm về đàm phán kín. Trước khi trở thành tổng thống Iran, ông từng điều hành các cuộc thương lượng về hồ sơ hạt nhân từ năm 2003 đến 2005. Dĩ nhiên, trong quá khứ, mọi động thái xích gần với Hoa Kỳ đều được thông qua con đường bí mật gặp nhau.
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy rằng chính quyền Iran đang sử dụng lại chiến lược này. Vào tháng 06/2018, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đến Vương quốc Hồi Giáo Oman. Tuần trước, đến lượt ngoại trưởng Oman Youssef bin Alawi bin Abdullah bay đến Washington và sau đó đến Teheran ngày 03/08.
Theo cựu đại sứ Pháp tại Iran, François Nicoullaud, “Oman khó lòng đứng ngoài vào lúc này. Họ có thể đóng vai trò nhà trung gian như từng làm trong những năm 2011-2012, đặt nền móng cho quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vào thời đó, họ đã bảo đảm giữ bí mật, cho mượn địa điểm, truyền tin…”
Tuy nhiên, hiện tại chưa có gì cho thấy Hoa Kỳ chấp nhận gặp Iran xa ánh đèn truyền thông. Các biện pháp mà Iran đang cố tiến hành, thực ra là nhằm kéo dài thời gian, vì vẫn theo ông François Nicoullaud, “Iran kéo dài thời gian cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và hy vọng là ông Trump sẽ thất bại. Về phía Mỹ, Washington lo ngại là Iran phong tỏa vịnh Hormuz, dù chỉ vài ngày, vì điều này sẽ làm tăng giá dầu và làm mất ổn định thị trường ngay trước thềm bầu cử Mỹ”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180806-iran-my-tren-de-duoi-bua-tong-thong-rohani-dam-phan-kin-voi-trump

Tân tổng thống Mexico

mong muốn ký kết NAFTA sớm

Mexico- Tổng thống vừa đắc cử của Mexico Lopez Obrador cho biết ông hi vọng ba nước Hoa Kỳ, Mexico và Canada sẽ có thể đi đến thỏa thuận trong buổi tái đàm phán NAFTA trong những ngày tới.
Hồi tuần trước, Mexico và Hoa Kỳ đã đồng ý đẩy mạnh các cuộc đàm phán nhằm cải tiến NAFTA, với hi vọng đạt được thỏa thuận về các vấn đề lớn vào tháng Tám. Các cuộc thảo luận đã bắt đầu hồi tháng 8 năm ngoái, nhưng bị hoãn lại ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Mexico. Một phần lí do của sự trì hoãn là vì những yêu cầu thay đổi điều khoản về giao dịch xe hơi trong Hiệp định NAFTA của Hoa Kỳ. Ngoài ra, nước này còn đề nghị cả ba nước phải tái đàm phán hiệp định NAFTA 5 năm 1 lần, nếu không thỏa thuận sẽ tự động hết hạn.
Ông Lopez Obrador, người chiến thắng cuộc bầu cử ngày 1 tháng 7, cho biết ông mong muốn một thỏa thuận phát triển khu vực Trung Mỹ, nhằm ngăn chặn những người di cư đến Hoa Kỳ thông qua Mexico. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tan-tong-thong-mexico-mong-muon-ky-ket-nafta-som/

Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly

ở lại cho tới hết năm 2020

Washington DC – Một viên chức chính phủ cao cấp xác nhận với CBS News rằng Chánh Văn Phòng John Kelly sẽ tiếp tục ở lại Tòa Bạch Ốc cho tới hết năm 2020.
Wall Street Journal là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin này. Theo Wall Street Journal, ông Kelly nói với nhân viên của ông rằng Tổng Thống Trump yêu cầu ông ở lại đến hết năm 2020, và ông Kelly đồng ý làm như vậy. Nếu ông Kelly cho tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo, ông sẽ là một trong những vị chánh văn phòng phục vụ tại Tòa Bạch Ốc lâu dài nhất trong lịch sử gần đây.
Tin tức trên xuất hiện sau nhiều tháng báo chí đăng tải những suy đoán về việc liệu ông Kelly có rời khỏi chính phủ  Trump hay không. Cuối tuần qua, ông Kelly đánh dấu tròn một năm làm Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc. Trong tháng 7, tổng thống nói với phóng viên báo chí rằng ông không biết ông Kelly sẽ ở lại làm việc trong bao lâu, nhưng nói ông rất thích ông Kelly. Sau đó ông Trump nói thêm giữa ông và ông Kelly có mối quan hệ rất tốt. Tổng thống khen ngợi ông Kelly là một người tuyệt vời.
Mùa hè năm ngoái, ông Kelly kế nhiệm công việc của cựu Chánh Văn Phòng Reince Priebus, thực hiện một số biện pháp để thay đổi cách điều hành của Tòa Bạch Ốc. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/chanh-van-phong-toa-bach-oc-john-kelly-o-lai-cho-toi-het-nam-2020/

Venezuela bắt 6 “khủng bố”

 tình nghi ám sát tổng thống

Gia Hưng
Chính quyền Venezuela, hôm 06/08/18, cho biết đã bắt giữ 6 người được cho là “khủng bố” có liên quan tới vụ ám sát hụt tổng thống Nicolas Maduro. Trong khi đó, các thành viên chính phủ Venezuela đưa ra các thông tin khác nhau về vụ ám sát hụt xẩy ra ngày hôm 04/08.
Bộ trưởng Nội Vụ Nestor Reverol tuyên bố rằng vụ ám sát tổng thống đã được thực hiện bằng hai chiếc máy bay không người lái, mỗi chiếc được trang bị 1 kg C4, một loại chất nổ quân sự có sức công phá lớn. Ông cho biết dường như một trong hai chiếc máy bay này đã bay qua khán đài nhưng đã bị hệ thống gây nhiễu sóng làm một chiếc phát nổ bên ngoài khu vực diễu hành. Chiếc còn lại đã bị mất kiểm soát và đã phát nổ khi đâm vào một tòa nhà cách nơi diễu binh không xa.
Còn bộ trưởng Truyền Thông, Jorge Rodriguez, kể rằng không chỉ có hai mà là ba chiếc máy bay không người lái và có ba vụ nổ, bao gồm một vụ nổ ngay trước khán đài của tổng thống, một vụ nổ khác xẩy ra ở bên phải khán đài, và vụ nổ thứ ba tại một khu nhà dân.
Ông Tarek Saab, một công tố viên thân chính quyền, lại có một phiên bản khác của sự việc. Ông phát biểu trên đài CNN vào tối thứ Bảy 04/08 : « Tôi đã quan sát thấy chiếc máy bay không người lái quay phim buổi lễ đã phát nổ ».
Tại Caracas, các phe đối lập nghi ngờ tính xác thực của vụ ám sát và yêu cầu chính quyền đưa ra bằng chứng. Trong một thông cáo, đảng đối lập Frente Amplio bày tỏ lo ngại sẽ có một làn sóng đàn áp mới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180806-venezuela-bat-6-khung-bo-tinh-nghi-am-sat-tong-thong

Truyền thông TQ đả kích

chính sách thương mại ‘tống tiền’ của TT Trump

Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 6/8 đả kích chính sách thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và tìm cách trấn an các nhà đầu tư đang ngày càng lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc, giữa lúc lo ngại về tăng trưởng tác động mạnh lên thị trường tài chính.
Theo Reuters, đây là một cuộc tấn công bất thường nhắm vào cá nhân Tổng thống Trump. Lâu nay, hệ thống báo chí bị kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc vẫn thường xuyên chỉ trích Hoa Kỳ và chính quyền của ông Trump trong khi xung đột thương mại leo thang, nhưng phần lớn kiềm chế không nhắm mục tiêu cụ thể đến ông Trump.
Những chỉ trích mới nhất trên ấn bản quốc tế của tờ Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm thẳng vào ông Trump, nói rằng ông đã đóng vai chính trong “vở kịch tống tiền và hăm dọa theo phong cách đánh đấm đường phố”.
Bình luận trên trang nhất của tờ nhật báo viết thêm rằng mong muốn người khác cùng đóng vở kịch của ông Trump là điều “viển vông”, với lập luận rằng Hoa Kỳ đã leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc và đẩy thương mại quốc tế vào cảnh “được ăn cả, ngã về không”.
“Quản lý một quốc gia không giống như làm kinh doanh”, tờ báo viết, nói thêm rằng các hành động của ông Trump đã làm tổn hại uy tín quốc gia của Hoa Kỳ.

Tranh chấp căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây biến động thị trường tài chính, bao gồm cổ phiếu, tiền tệ và việc mua bán hàng hóa toàn cầu (từ đậu tương đến than) trong những tháng gần đây.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng các cuộc xung đột thương mại leo thang sau các hành động áp đặt thuế quan của Hoa Kỳ đối với các đối tác thương mại đe dọa sẽ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đánh thuế lên hàng hóa của nhau trị giá 34 tỷ đôla trong tháng 7. Washington dự kiến sẽ sớm áp thuế lên thêm 16 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế tương ứng ngay lập tức.
Hôm 3/8, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố danh sách mức thuế mới bổ sung đối với 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, trị giá 60 tỷ đôla.
Động thái này được xem là để đáp trả đề xuất của chính quyền của ông Trump là áp thuế 25% lên 200 tỷ đôla hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại, các công ty phá sản gia tăng và giá trị đồng nhân dân tệ sụt mạnh so với đồng đôla đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự suy giảm mạnh.
Số liệu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chựng lại. Chính phủ đã phản ứng bằng cách tăng thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, khuyến khích cho vay và hứa hẹn một chính sách tài chính “tích cực hơn”.
Các công ty Mỹ đang đưa ra các biện pháp để giảm bớt tác động của tranh chấp thương mại như tăng giá. Một số công ty cho biết sẽ di chuyển nguồn lực và sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định trong tháng Bảy, bất chấp mức thuế mới trên hàng tỷ đôla các lô hàng xuất sang Hoa Kỳ. Tuy vậy, triển vọng vẫn không mấy sáng sủa vì cả hai bên đều gia tăng nguy cơ trong tranh chấp thương mại.
Thị trường Trung Quốc bị tác động
Đả kích trên tờ Nhân dân Nhật báo xuất hiện sau bình luận của ông Trump trên trang Twitter hôm 4/8. Trong đó, ông Trump tự hào rằng chiến lược đánh thuế mạnh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc “hiệu quả hơn bất kỳ mong đợi của ai”, và Bắc Kinh bây giờ đang đàm phán với Hoa Kỳ về thương mại.
Ông Trump còn trích dẫn những khoản lỗ của thị trường chứng khoán của Trung Quốc và dự đoán thị trường Mỹ có thể “tăng lên đáng kể” một khi các thỏa thuận thương mại được tái thương lượng.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm hơn hôm 6/8, khi đe dọa thuế quan mới nhất của Bắc Kinh đang làm leo thang cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” Mỹ – Trung, trong khi đồng nhân dân tệ suy yếu, bất chấp những nỗ lực mới nhất của ngân hàng trung ương.
Một loạt các bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh về khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và hạ giảm những lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, vẫn theo Reuters.
Hôm 3/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng giữ lượng dự trữ tương đương với 20% ngoại hối của khách hàng kể từ ngày 6/8, một động thái nhằm ổn định đồng nhân dân tệ.
Ông Trump đã đe dọa đánh thuế lên 500 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, gần như tương đương với tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này, và yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những thay đổi cơ bản đối với chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đáp trả tuyên bố của cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow rằng Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm của ông Trump, một bài xã luận hôm 5/8 của tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không sợ “hy sinh lợi ích ngắn hạn”.
Tời báo nói thêm: “Trung Quốc có thời gian để chiến đấu đến cùng. Thời gian sẽ chứng minh rằng rốt cục Hoa Kỳ đã xử sự như một kẻ ngốc”.
https://www.voatiengviet.com/a/truyen-thong-tq-da-kich-chinh-sach-thuong-mai-tong-tien-cua-tt-trump/4515607.html

TQ cấm phim Christopher Robin:

Winnie the Pooh

Giới chức ở Trung Quốc quyết định không cho chiếu bộ phim Christopher Robin: Winnie the Pooh của Disney.
Hiện không rõ lý do chính thức, nhưng chuyện này được cho là nằm trong chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm soát các bình luận về nhân vật hoạt hình được trẻ em rất yêu thích này.
Chính quyền Trung Quốc đã chặn các hình ảnh của gấu Pooh trên mạng xã hội từ hồi năm ngoái, sau khi chú gấu của tác giả AA Milne trở thành biểu tượng bất đồng chính trị.
Chuyện đó xảy ra sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc được so sánh với chú gấu Pooh.
TQ tăng kiểm duyệt sau đề nghị sửa hiến pháp
TQ: Studio của Ngải Vị Vị bị phá hủy
Việt Nam ‘cần khôn ngoan’ trong thương chiến Mỹ – Trung
Sự so sánh này bắt đầu năm 2013 khi hình ảnh của ông Tập đi cạnh Tổng thống Barack Obama được đăng bên cạnh ảnh gấu Pooh đi cạnh chú hổ Tigger.
Sau khi các bức ảnh so sánh này trở nên ‘nóng’ trên mạng, Trung Quốc bắt đầu chặn các tấm hình, GIF (ảnh động) và mọi lời lẽ bình luận có đề cập đến chú gấu Pooh.
Năm 2015, một ảnh ghép hình ông Tập trong một đoàn xe cạnh hình gấu Winnie the Pooh trong một xe ô tô đồ chơi được hãng phân tích chính trị Global Risk Insights gọi là “bức ảnh được kiểm duyệt mạnh nhất TQ”.
Vào tháng 6/2018, Trung Quốc kiểm duyệt diễn viên hài người Anh John Oliver và trang web của hãng HBO sau khi diễn viên này cho chạy một đoạn chỉ trích ông Tập và Trung Quốc trong chương trình được Last Week Tonight được quay tại Mỹ. Trong chương trình này, John Oliver cũng nói đến chuyện ông Tập rất nhạy cảm khi bị so sánh với gấu Pooh.
Ưu tiên hàng đầu của Tập Cận Bình là gì?
Gia hạn nhiệm kỳ chủ tịch TQ là ‘trò hề’
Giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập
Ông Tập là ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ’
Hãng Global Risk Insights cho rằng việc kiểm duyệt gấu Pooh có thể là do Bắc Kinh coi sự so sánh vị chủ tịch Trung Quốc với chú gấu là “một nỗ lực nghiêm trọng để làm tổn hại uy tín của văn phòng chủ tịch và bản thân ông Tập Cận Bình”.
Trang The Hollywood Reporter thì cho rằng Trung Quốc có quota hàng năm cho phim nước ngoài – hiện nay là 34 bộ phim – và thị trường Trung Quốc có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các phim khác.
Bộ phim hoạt hình A Wrinkle in Time của Disney cũng không được chiếu ở Trung Quốc hồi đầu năm nay nhưng các phim Skyscraper, Mission Impossible: Fallout, Ant-Man và The Wasp, cũng của Disney, sẽ được chiếu trong năm nay.
Christopher Robin là một bộ phim hành động do nam diễn viên Ewan McGregor đóng vai chính. Nội dung chính của phim là câu chuyện cậu bé Robin, nay đã trưởng thành, gặp lại Winnie the Pooh, chú gấu thích mật ong, và tìm lại trí tưởng tượng sống động của anh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45087764

TQ tăng cường an ninh

trong khu tài chính ở Bắc Kinh

Trung Quốc hôm 6/8 tăng cường an ninh quanh khu vực Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng (CBRC), trong khi các nhà đầu tư ngang hàng (P2P) lên tiếng yêu cầu các công ty trả lại tiền, theo hãng tin Reuters.
Trung Quốc đã tăng cường an ninh tại khu tài chính thủ đô, kiểm tra chứng minh thư của người đi đường, và yêu cầu người đi bộ giải tán trước trụ sở của CBRC.
Trên mạng xuất hiện các đoạn video cho thấy những người tụ tập bên ngoài trụ sở CBRC bị cảnh sát đưa lên xe buýt.
Trong các clip này, một số người nói họ là các nhà đầu tư trong các nền tảng cho vay ngang hàng P2P nhưng họ không thể lấy tiền lại được.
Nền tảng P2P chuyên gom tiền từ các nhà đầu tư và hứa trả lợi nhuận hấp dẫn. Khoản tiền này sau đó cho vay lại mà không có bảo hiểm rủi ro.
Trong những năm gần đây, số lượng các nền tảng P2P trực tuyến đã giảm đáng kể khi Bắc Kinh thực hiện các chiến dịch thu hẹp các hoạt động cho vay đầy rủi ro này.
Ezubao, trang mạng cho vay trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, bị thu hẹp vào năm 2016 sau cáo buộc gian lận hơn 59,8 tỷ Nhân dân tệ (8,7 tỷ đôla) của 900.000 nhà đầu tư.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-tang-cuong-an-ninh-trong-khu-tai-chinh-o-bac-kinh/4515594.html

Triều Tiên giục Mỹ bỏ lệnh trừng phạt

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 6/8 kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, giữa lúc Hàn Quốc cho biết đang điều tra 9 vụ vận chuyển than có khả năng vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc.
Reuters dẫn lại Rodong Sinmun, tờ báo được xem là công cụ tuyên truyền của Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên, nói: “Bình Nhưỡng đã chứng tỏ thiện chí bằng cách chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân và trả lại hài cốt của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), và (vì vậy) không còn lý do để tồn tại nghị quyết trừng phạt”.
Bài báo xuất hiện vài ngày sau khi một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc kết luận rằng Triều Tiên đã không dừng chương trình hạt nhân và tên lửa, vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, và tiếp tục buôn bán trái phép dầu, than và các hàng hóa khác.
Hàn Quốc đang xem xét 9 vụ vận chuyển than từ Triều Tiên, được che giấu dưới dạng sản phẩm của Nga, để có thể được đưa vào, Reuters dẫn lời các quan chức hải quan và Bộ ngoại giao ở Seoul cho biết.
Các giới chức Hàn Quốc từ chối tiết lộ chi tiết với Reuters về số lượng tàu hoặc các công ty liên quan, nói rằng cuộc điều tra đang ở giai đoạn cuối cùng sau các cuộc bố ráp và phân tích dữ liệu, nhưng một số trường hợp có thể chứng minh là hợp pháp.
Triều Tiên và Hoa Kỳ cam kết sẽ kết thúc chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 ở Singapore, nhưng vẫn đang nỗ lực để đạt được một hiệp ước đáp ứng mục tiêu này.
Tờ Rodong Sinmun cáo buộc Washington “hành động ngược lại” với kế hoạch cải thiện quan hệ, bất chấp những cử chỉ thiện chí của Bình Nhưỡng, như dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, dỡ bỏ một địa điểm hạt nhân, và trả lại hài cốt của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.
“Đã có những tranh cãi thái quá từ phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng sẽ không giảm bớt các biện pháp trừng phạt cho đến khi quá trình phi hạt nhân hóa được hoàn thành, và các biện pháp trừng phạt là cách để nâng cao năng lực đàm phán”, Reuters dẫn lại bài xã luận của tờ báo Triều Tiên.
“Làm thế nào mà các biện pháp trừng phạt, vốn là công cụ mà chính quyền Mỹ đã sử dụng như là một phần của chính sách thù địch chống lại chúng ta, có thể thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước?”
Bài xã luận được đăng trên trang nhất của tờ báo cùng với các bài viết khác và hình ảnh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến một trang trại nuôi cá da trơn. Theo Reuters, đây được xem là một dấu hiệu mới cho sự thất vọng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với tiến độ chậm.
Dưới quyền Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã thúc đẩy Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên khi ông Kim Jong Un tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa vào năm ngoái.
Tại một diễn đàn an ninh hôm 4/8, hai bên đã tranh cãi về hiệp ước tại Singapore. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi duy trì trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Còn người tương nhiệm Triều Tiên của ông, Ri Yong Ho, chỉ trích Washington vì đã “rút lui” trong việc kết thúc chiến tranh.
Ông Pompeo nói rằng việc Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí không đúng với cam kết của ông Kim trong việc giải trừ hạt nhân, nhưng bày tỏ lạc quan sẽ đạt được điều đó.
Trở về Washington, Ngoại trưởng Pompeo hạ giảm những tranh cãi với Ngoại trưởng Ri, nói rằng bầu khí lúc này đã khác xa so với năm ngoái.
“Bộ trưởng đã thể hiện rõ cam kết tiếp tục giải trừ hạt nhân”, ông Pompeo nói với các nhà báo tháp tùng.
Các trang web tuyên truyền của Triều Tiên hôm 6/8 cũng kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và xây dựng lòng tin.
Một trong số này, trang Uriminzokkiri, đả kích các biện pháp trừng phạt và chiến dịch gây áp lực là “lỗi thời” và là một trở ngại cho mối quan hệ tốt đẹp hơn. Trang này cũng thúc giục nỗ lực tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt bằng một cuộc đình chiến, không phải là một hiệp ước hòa bình. Điều này khiến cho các lực lượng Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo, bao gồm cả Hàn Quốc, về mặt kỹ thuật vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với miền Bắc.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ cam kết xây dựng một cơ chế hòa bình để thay thế cho việc đình chiến, nhưng chỉ sau khi miền Bắc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Maeri, một trang web khác của Triều Tiên, nhấn mạnh đến sự cần thiết hành động của Hoa Kỳ để xây dựng lòng tin, nhằm đáp trả tương ứng với chương trình chấm dứt vũ khí hạt nhân và trao trả hài cốt của Triều Tiên.
Trang này cho rằng cần phải có hành động từ cả hai phía.
Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của Nhà Xanh, tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, hôm 6/8 nói rằng chính phủ đã yêu cầu miền Bắc đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa và Hoa Kỳ hãy thể hiện sự chân thành đối với đòi hỏi của miền Bắc về các bước đối ứng.
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-giuc-my-bo-lenh-trung-phat/4515658.html

Nhóm tấn công mạng ở Singapore

có liên kết với một nhà nước

Chính phủ Singapore hôm 6/8 nói rằng có dấu hiệu cho thấy một nhóm hacker có liên kết với một nhà nước đã thực hiện vụ đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 1,5 triệu người, kể cả của Thủ tướng Lý Hiển Long, theo hãng tin Reuters.
Hãng tin Anh nói đây là cuộc tấn công mạng tồi tệ nhất trong lịch sử của Singapore. Vào cuối tháng 6, các tin tặc bắt đầu ăn cắp thông tin cá nhân và hồ sơ kê đơn thuốc của các bệnh nhân khám tại các phòng khám ngoại trú ở Singapore trong ba năm trước đó, chính quyền cho biết vào ngày 20/7.
Phát biểu tại quốc hội hôm 6/8, ông S. Iswaran, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nói rằng vì lý do an ninh, chính phủ không tiết lộ danh tính của kẻ tấn công nhưng đã xác định rằng đây là vụ tấn công của một nhóm được coi là gây ra “Những mối nguy hiểm cao thường trực” (APT), vốn thường có liên kết với một nhà nước.
Ông Iswaran cho biết: “Nhóm thuộc loại APT này thường gồm những kẻ tấn công mạng tinh vi, thường liên kết với nhà nước, tiến hành các chiến dịch tấn công mạng, có lập kế hoạch kỹ càng, để lấy cắp thông tin hoặc phá vỡ các hoạt động.”
Ông Iswaran cho biết rằng các cơ quan chính phủ biết rõ danh tính của những kẻ tấn công nhưng không đủ bằng chứng để buộc tội họ.
Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong nói thêm rằng những kẻ tấn công đã nỗ lực để xóa dấu vết và nhiều khả năng họ có thể tấn công một lần nữa.
Ông Gan nói: “Mặc dù chúng tôi có các biện pháp an ninh, nhưng những kẻ tấn công rất ngoan cố, kiên trì và nhiều thủ đoạn.”
Sau vụ tấn công, chính phủ đã ngắt kết nối các máy tính tại các trung tâm y tế công cộng với mạng Internet và thành lập một hội đồng bốn thành viên để điều tra vụ việc.
https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%B3m-tan-cong-mang-o-singapore-co-lien-ket-voi-mot-nha-nuoc/4515384.html

Động đất Lombok: 91 người chết, hàng ngàn sơ tán

Ít nhất 91 người thiệt mạng và khoảng 10.000 người phải sơ tán sau trận động đất mạnh 6.9 độ ở hòn đảo Lombok của Indonesia hôm Chủ Nhật, giới chức cho biết.
Hàng trăm người khác bị thương và hàng ngàn căn nhà bị phá hủy, giới chức quản lý thiên tai nói thêm.
Tất cả những người bị ghi nhận đã thiệt mạng đều là người Indonesia, nhưng người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Tai họa Indonesia cho biết con số này “chắc chắn sẽ còn tăng.”
Động đất Indonesia: 14 người chết ở đảo Lombok
Châu Á-Thái Bình Dương: động đất và núi lửa
Báo động núi lửa ở Bali lên mức cao nhất
Hòn đảo Indonesia thay đổi lịch sử khoa học
Các nhân chứng kể về tình cảnh hoảng loạn sau khi các tòa nhà bị sập và các đường dây điện và điện thoại bị ngắt.
Giới chức đã cử thuyền đến để sơ tán khoảng 1000 khách du lịch ở quần đảo Gili gần đó.
Các cơ quan cứu trợ cho biết ưu tiên hàng đầu là cung cấp nơi ở tạm thời cho những người dân sợ hãi không dám trở về nhà.
Họ cũng cho biết hậu quả của trận động đất này lớn hơn nhiều so với trận động đất hồi tuần trước, làm 16 người chết.
Lombok là đảo rộng 4.500 km vuông nằm ở phía tây của đảo Bali.
Hai đảo này có khoảng ba đến bốn triệu người sinh sống và mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách quốc tế.
Trên hòn đảo lân cận của Bali, các đoạn băng video cho thấy nhiều người chạy khỏi nhà và kêu cứu.
Vụ thiên tai này xảy ra một tuần sau một trận động đất khác tấn công Lombok, địa điểm du lịch nổi tiếng nhờ bãi biển đẹp và những con đường thích hợp cho người đi bộ dã ngoại.
Một cảnh báo sóng thần đã được ban hành nhưng đã được dỡ bỏ sau vài giờ.
Phát ngôn viên của cơ quan quản lý thiên tai Indonesia nói với AFP rằng nhiều tòa nhà đã bị thiệt hại ở thành phố Mataram.
Một cư dân Mataram mô tả: “Mọi người ngay lập tức phải chạy ra khỏi nhà trong hoảng hốt.”
Một số khu vực của Mataram bị mất điện.
Các bệnh nhân tại bệnh viện Denpasar ở Bali được sơ tán và chăm sóc trên đường phố.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45073984

Sinh viên Bangladesh biểu tình ở thủ đô

phản đối chính phủ

Cảnh sát Bangladesh sử dụng hơi cay để giải tán cuộc biểu tình của hàng trăm sinh viên ở Dhaka, thủ đô Bangladesh hôm 6/8, trong khi tổ chức Ân xá Quốc tế đòi chính quyền nước này phải trả tự do ngay lập tức cho một nhà hoạt động kiêm nhiếp ảnh gia Shahidul Alam.
Ông Shahidul Alam bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ vào ngày 5/8 sau khi lên truyền hình trả lời phỏng vấn, chỉ trích Thủ tướng nước này, bà Sheikh Hasina là không đáng tin cậy và đã sử dụng vũ lực để leo lên nắm quyền.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Bangladesh phải trả tự do ngay lập tức cho ông Alam. Ông Omar Waraich, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của tổ chức này trong một tuyên bố gọi vụ bắt giữ ông Alam đánh dấu bước leo thăng nguy hiểm trong việc đàn áp của chính quyền.
Những cuộc biểu tình của sinh viên bắt đầu từ tuần trước với hàng ngàn người tham gia, sau khi 2 sinh viên bi thiệt mạng do xe buýt phóng nhanh cán phải.
Đảng của bà Hasina đổ lỗi cho phe đối lập của Thủ tướng Khaleda Zia đã khuấy động sinh viên biểu tình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/violence-continues-in-bangladesh-capital-as-students-protest-08062018092554.html

Nga tính biến Crimea thành ‘thủ đô văn hóa’

Sáu kiệt tác từ các phòng trưng bày và bảo tàng nghệ thuật hàng đầu của Nga sẽ được đưa tới một trung tâm văn hóa mới trên bán đảo Crimea, theo một dự án trình bày lên Tổng thống Vladimir Putin.
Theo Reuters, trung tâm nghệ thuật dự kiến là một bước đi nữa nhằm biến Crimea thành một phần của nước Nga.
Hồi tháng Năm, một cây cầu lớn nối liền bán đảo mà Nga thôn tính từ tay Ukraine năm 2014 với phần đất liền thuộc Nga đã được khánh thành.
Dự án, do Phó Thủ tướng Olga Golodets đề xuất, sẽ bao gồm một nhà hát opera, một nơi trình diễn ballet, một bảo tàng, một rạp chiếu phim, và một trường dạy khiêu vũ, theo Reuters.
Dự án này nhằm biến Crimea thành một thủ đô văn hóa, nhất là khi nơi đây đang thu hút được nhiều du khách.
Tổng thống Putin lần đầu tiên nêu ý tưởng về một trung tâm văn hóa ở Crimea tháng 11 năm ngoái.
Theo Phó Thủ tướng Golodets, kể từ khi khánh thành cây cầu nối hệ thống giao thông Nga với Crimea hồi tháng Năm, 1,5 triệu khách sử dụng tuyến đường mới này.
Trong khi đó, cây cầu đã vấp phải phản đối từ Liên minh châu Âu (EU), tổ chức coi đó là một sự vi phạm nữa của Nga đối với chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.
EU cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các công ty tham gia xây dựng cầu này.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-tinh-bien-crimea-thanh-thu-do-van-hoa/4514588.html

Nắng nóng kỷ lục tại châu Âu

Gia Hưng
JULIEN / AFP
Đợt nắng gắt và nhiệt độ cao tại Pháp sẽ đạt mức đỉnh điểm vào hôm nay 06/08/18, và ngày mai, đi kèm với sự ô nhiễm bầu khí quyển gia tăng. Nhưng tại một số quốc gia châu Âu khác, nhiệt độ đã chiều hướng giảm.
Hãng tin AFP, trích thông tin của cơ quan dự báo thời tiết khí tượng của Pháp Météo-France, cho biết “cao điểm của đợt nắng gắt và nóng sẽ diễn ra tại khu vực phía đông nam vào thứ Hai, sau đó tại khu vực phía tây bắc, phía tây miền trung và vùng phụ cận Paris vào thứ Ba. Nhiệt độ ngày thứ Hai có thể lên tới 36 độ C tại Toulouse và 37 độ C tại Bordeaux. Vào thứ Ba, tại Paris và Lyon sẽ có thể lên tới 36 độ C”.
Đợt nắng gắt và nhiệt độ cao này đã gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng đặc biệt tại khu vực thủ đô nước Pháp, xe hơi bị hạn chế đi lại.
Vào chiều tối ngày 07/08, thời tiết dự kiến sẽ dễ chịu hơn nhờ có đợt gió mát từ Đại Tây Dương đổ vào.
Còn tại các quốc gia châu Âu khác, vào dịp cuối tuần, nhiệt độ cũng trên đà đi xuống. Tại Bồ Đào Nha, nhiệt độ hôm qua đã hạ, sau khi nước này trải qua “ngày nóng nhất trong 18 nămqua” vào thứ Bảy 04/08 với nhiệt độ trung bình trong ngày lên tới 41,6 độ C.
Còn tại Đức, vào cuối tuần vừa rồi đã có đợt mưa làm dịu bầu không khí. Nhưng theo dự báo, nhiệt độ tại đây vẫn có thể lên tới 39 độ C.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180806-nang-nong-ky-luc-tai-chau-au-nhiet-do-paris-co-luc-len-toi-36%C2%B0c

Ả Rập Xê Út trục xuất đại sứ Canada

Trọng Nghĩa
Ngày 05/08/2018, Ả Rập Xê Út đã yêu cầu đại sứ Canada phải rời khỏi nước này trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đồng thời Riyad cũng triệu hồi đại sứ của họ ở Canada về nước. Quan hệ thương mại với Canada bị đình chỉ. Về mặt chính thức, chính phủ Canada chưa có phản ứng.
Chính quyền Riyad đã có quyết định như trên sau khi bị Canada chỉ trích về việc bắt giữ một số nhà hoạt động đấu tranh cho nữ quyền tại Ả Rập Xê Út.
Thông tín viên Pascale Guéricolas từ Montreal giải thích:
Rõ ràng là Ả Rập Xê Út đã không chấp nhận việc Canada, hôm 03/08 vừa qua, đã kêu gọi Riyad phóng thích ngay lập tức các nhà đấu tranh cho nữ quyền.
Trước đó một hôm, ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland, đã tỏ ý lo lắng trong một thông điệp Twitter về việc chính quyền Ả Rập Xê Út bắt giam các phụ nữ đấu tranh đó, đặc biệt là bà Samar Badawi.
Nhà hoạt động vì quyền bình đẳng nam nữ này là em gái của blogger Raif Badawi, người đã bị giam tại Ả Rập Xê Út từ sáu năm nay về tội chỉ trích Hồi Giáo. Vợ và ba đứa con của blogger đều sống ở Quebec (Canada).
Khủng hoảng trong quan hệ Canada và Ả Rập Xê Út bùng lên sau một thời kỳ bang giao được cải tiến giữa hai nước thời chính phủ Canada tiền nhiệm. Một hợp đồng trị giá khoảng 10 tỷ euro bán xe bọc thép hạng nhẹ cho Ả Rập Xê Út đã được thông qua.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây lúng túng cho tân chính phủ Canada khi công chúng biết được rằng những chiếc xe bọc thép đó đã được Ả Rập Xê Út sử dụng tấn công thường dân ở Yemen. Chính quyền Canada do đó đã có thái độ lạnh nhạt với Riyad.
Điều này có thể giải thích vì sao Ả Rập Xê Út lại phản ứng dữ dội trước những chỉ trích của Canada.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180806-a-rap-xe-ut-truc-xuat-dai-su-canada-sau-khi-bi-chi-trich-ve-nhan-quyen

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.